LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 13

Phẩm 6: NĂM PHÁP, phần 3

(Phân quyển theo Tạng đời Minh)

2. Tụng nêu tổng quát thứ hai:

Hai: Năm pháp mười bốn

Là không nhẫn cùng nhẫn

Tổn giảm và viên mãn

Ngữ lộ, xứ không thể.

Chi thắng, giải thoát tưởng

Giải thoát xứ, căn, lực

Bất hoàn và Tịnh cư

Cõi xuất ly đều năm.

Gồm có: Năm lỗi lầm không nhẫn, năm công đức có thể nhẫn, năm thứ tổn giảm, năm thứ viên mãn, năm ngữ lộ, năm xứ không còn kham nhận, năm thắng chi, năm tưởng giải thoát thành thục, năm xứ giải thoát, năm căn, năm lực, năm Bất hoàn, năm trời Tịnh cư, năm cảnh giới xuất ly.

*

* Năm lỗi lầm không nhẫn: 1. Bạo ác. 2. Lo buồn, hối tiếc. 3. Chúng sinh không yêu không thích. 4. Tiếng xấu lưu truyền khắp mười phương. 5. Thân hoại mạng chung bị đọa vào đường ác địa ngục.

1. Thế nào là bạo ác?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la (Hữu tình) không thể nhẫn, nơi các nhân duyên không nhẫn, đã tích tập đao gậy, vui thích gây tổn hại. Đó gọi là bạo ác.

2. Thế nào là lo buồn, hối tiếc?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la không thể nhẫn, nơi các nhân duyên không nhẫn, nên thân hành hành ác, ngữ hành hành ác, ý hành hành ác, nhân đấy sinh nhiều lo buồn, hối tiếc, thân tâm nhiệt não. Đó gọi là lo buồn, hối tiếc.

3. Thế nào là chúng sinh không yêu không thích?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la không thể nhẫn, nơi các nhân duyên không nhẫn: Nếu bị kẻ khác mắng nhiếc thì mắng nhiếc lại, hoặc bị kẻ khác giận dữ, đánh đập, não hại, đùa cợt thì đều giận dữ, đánh đập, não hại, đùa cợt trở lại, do chúng sinh ấy không yêu không thích. Những kẻ kia do các nhân duyên mắng nhiếc, đánh đập trở lại như thế, nên gọi là chúng sinh không yêu không thích.

4. Thế nào là tiếng xấu lưu truyền khắp mười phương?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la không thể nhẫn, nơi các nhân duyên không nhẫn, nên luôn cùng tranh chấp, ưa cãi cọ, kiện tụng, khinh chê, hủy báng, do đấy tiếng xấu lan truyền khắp nơi. Những kẻ kia do các sự việc như thế, nên gọi là tiếng xấu lưu truyền khắp mười phương.

5. Thế nào là thân hoại mạng chung bị đọa vào đường ác địa ngục?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la không thể nhẫn, nơi các nhân duyên không nhẫn, nên thân ngữ ý đã hành tác nhiều hành ác tăng thượng. Do đấy nên khi thân hoại mạng chung bị đọa nơi nẻo ác là đại địa ngục nhận lấy khổ não dữ dội.

*

* Năm công đức có thể nhẫn: 1. Không bạo ác. 2. Không lo buồn, hối tiếc. 3. Chúng sinh yêu thích. 4. Tiếng tốt lưu truyền khắp mười phương. 5. Thân hoại mạng chung được sinh nơi nẻo thiện cõi trời.

1. Thế nào là không bạo ác?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la có thể nhẫn, nơi các nhân duyên có thể nhẫn, nên không tích tập đao gậy, không gây tổn hại. Đó gọi là không bạo ác.

2. Thế nào là không lo buồn, hối tiếc?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la có thể nhẫn, nơi các nhân duyên có thể nhẫn, nên thân hành hành diệu, ngữ hành hành diệu, ý hành hành diệu, do đấy không sinh lo buồn, hối tiếc, thân tâm trong mát. Đó gọi là không lo buồn, hối tiếc.

3. Thế nào là chúng sinh yêu thích?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la có thể nhẫn, nơi các nhân duyên có thể nhẫn, nên đối với các trường hợp bị người kia mắng nhiếc, giận dữ, đánh đập, não hại, đùa cợt, đều không hề đáp trả lại, do chúng sinh này thảy đều yêu thích. Những người ấy do không hề hành tác đáp trả như vậy, nên gọi là chúng sinh yêu thích.

4. Thế nào là tiếng tốt lưu truyền khắp mười phương?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la có thể nhẫn, nơi các nhân duyên có thể nhẫn, nên thường không tranh chấp, không cùng cãi cọ, kiện tụng, khinh chê, hủy báng, do đấy tiếng tốt lan truyền khắp nơi.

Những người ấy do các nhân duyên như thế, nên gọi là tiếng tốt lưu truyền khắp mười phương.

5. Thế nào là khi thân hoại mạng chung được sinh nơi nẻo thiện cõi trời?

Đáp: Nghĩa là các Bổ-đặc-già-la có thể nhẫn, nơi các nhân duyên có thể nhẫn, nên thân ngữ ý đã hành tác nhiều hành diệu tăng thượng. Do đấy nên khi thân hoại mạng chung được sinh nơi nẻo thiện là cảnh trời thọ hưởng diệu lạc.

*

* Năm thứ tổn giảm: 1. Thân thuộc tổn giảm. 2. Tiền của tổn giảm. 3. Sức khỏe tổn giảm. 4. Giới tổn giảm. 5. Kiến giải tổn giảm.

1. Thế nào là thân thuộc tổn giảm?

Đáp: Như có các thân thuộc gặp phải các tai nạn như: vua quan xấu ác, giặc cướp, lửa cháy, nước cuốn, chết chóc. Lại, thiếu thân thuộc cũng được gọi là thân thuộc tổn giảm. Như thế gọi là thân thuộc tổn giảm.

Vì sao gọi là thân thuộc tổn giảm? Do pháp như thế là không thể yêu, không thể thích, không thể nhẫn, không người cứu giúp, có chống trái, gây tổn hại, không vừa ý. Thế nên gọi là thân thuộc tổn giảm.

2. Thế nào là tiền của tổn giảm?

Đáp: Như có kẻ nhiều tiền của gặp phải các tai nạn như: vua quan xấu ác, giặc cướp, lửa cháy, nước cuốn, kẻ oán khiến mất hết. Lại, thiếu tiền của vật báu cũng gọi là tiền của tổn giảm.

Vì sao gọi là tiền của tổn giảm? Do pháp như thế là không thể yêu, không thể thích, không thể vui mừng, không thể vừa ý. Phần còn lại như trước đã nói.

3. Thế nào là sức khỏe tổn giảm?

Đáp: Như đối với thân gặp phải các bệnh như thế, nghĩa là các bệnh như đau đầu v.v… nói rộng như trước. Lại, trong thân này có các bệnh như sởi v.v… cũng gọi là sức khỏe tổn giảm.

Vì sao gọi là sức khỏe tổn giảm? Do pháp như thế là không thể yêu, không thể thích v.v… Phần còn lại như trước đã nói.

4. Thế nào là giới tổn giảm?

Đáp: Như hại sinh mạng, không cho mà lấy, dâm dục tà hạnh, nói lời hư dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói lời uế tạp. Lại, các giới bất thiện hiện có, hoặc các giới hiện có dẫn đến các việc phi lý, hoặc các giới hiện có gây chướng ngại nơi định. Tất cả như thế gọi là giới tổn giảm.

Vì sao gọi là giới tổn giảm? Do pháp như thế là không thể yêu, không thể thích, không thể nhẫn, không người cứu giúp, có chống trái, gây tổn hại, không vừa ý. Do pháp như thế không đem lại quả đáng yêu thích, đáng vui mừng, hợp ý, vừa ý. Do pháp như thế không có được dị thục đáng yêu thích, đáng vui mừng, hợp ý, vừa ý. Thế nên gọi là giới tổn giảm.

5. Thế nào là kiến giải tổn giảm?

Đáp: Là những kiến giải hiện có, như cho không có bố thí, không có cúng tế, không yêu mến v.v…, cho đến nói rộng. Lại, những kiến giải bất thiện hiện có, hoặc những kiến giải hiện có dẫn đến các việc phi lý, hoặc những kiến giải hiện có gây chướng ngại nơi định. Tất cả như thế gọi là kiến giải tổn giảm.

Vì sao gọi là kiến giải tổn giảm? Do pháp như thế là không thể yêu, không thể thích v.v…, nói rộng cho đến dị thục không vừa ý. Thế nên gọi là kiến giải tổn giảm.

*

* Năm thứ viên mãn: 1. Thân thuộc viên mãn. 2. Tiền của viên mãn. 3. Không bệnh viên mãn. 4. Giới viên mãn. 5. Kiến giải viên mãn.

1. Thế nào là thân thuộc viên mãn?

Đáp: Như có các thân thuộc không gặp phải các tai nạn như: vua quan xấu ác, giặc cướp, lửa cháy, nước cuốn, chết chóc. Lại có nhiều thân thuộc cũng được gọi là thân thuộc viên mãn. Như thế gọi là thân thuộc viên mãn.

Vì sao gọi là thân thuộc viên mãn? Do pháp như thế là đáng yêu thích, đáng thọ nhận, có sự cứu giúp, không chống trái, không tổn hại, vừa ý. Thế nên gọi là thân thuộc viên mãn.

2. Thế nào là tiền của viên mãn?

Đáp: Như có kẻ nhiều tiền của không gặp phải các tai nạn như: vua quan xấu ác, giặc cướp, lửa cháy, nước cuốn, kẻ oán. Lại, có nhiều tiền của vật báu cũng được gọi là tiền của viên mãn.

Vì sao gọi là tiền của viên mãn? Do pháp như thế là đáng yêu thích, đáng vui mừng, vừa ý. Phần còn lại như trước đã nói.

3. Thế nào là sức khỏe viên mãn?

Đáp: Như đối với thân không bị các bệnh như thế, nghĩa là các bệnh như đau đầu v.v…, nói rộng như trước. Lại, như nơi thân này không có các bệnh như sởi v.v…, cũng được gọi là sức khỏe viên mãn.

Vì sao gọi là sức khỏe viên mãn? Do pháp như thế là đáng yêu thích v.v… Phần còn lại như trước đã nói.

4. Thế nào là giới viên mãn?

Đáp: Như lìa các thứ: Đoạn sinh mạng, không cho mà lấy, dâm dục tà hạnh, nói lời hư dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác, nói lời uế tạp. Lại, các giới thiện hiện có, hoặc các giới hiện có dẫn đến các việc như lý, hoặc các giới hiện có không gây chướng ngại nơi định. Tất cả như thế gọi là giới viên mãn.

Vì sao gọi là giới viên mãn? Do pháp như thế là đáng yêu thích, đáng thọ nhận, có sự cứu giúp, không chống trái, không tổn hại, vừa ý. Do pháp như thế đạt được quả đáng yêu thích, đáng vui mừng, hợp ý, vừa ý. Do pháp như thế đã có được dị thục đáng yêu thích, đáng vui mừng, hợp ý, vừa ý. Thế nên gọi là giới viên mãn.

5. Thế nào là kiến giải viên mãn?

Đáp: Là các kiến giải hiện có, như cho có bố thí, có cúng tế, có yêu mến v.v…, cho đến nói rộng. Lại, các kiến giải thiện hiện có, hoặc các kiến giải hiện có dẫn đến các việc như lý, hoặc các kiến giải hiện có không gây chướng ngại nơi định. Tất cả như thế gọi là kiến giải viên mãn.

Vì sao gọi là kiến giải viên mãn? Do pháp như thế là đáng yêu thích v.v…, nói rộng cho đến có được dị thục vừa ý. Thế nên gọi là kiến giải viên mãn.

*

* Năm ngữ lộ (Cách nêu bày lời nói): 1. Nói đúng lúc hoặc nói không đúng lúc. 2. Nói đúng thực hoặc nói không đúng thực. 3. Nói dẫn đến nghĩa lợi hoặc nói dẫn đến không nghĩa lợi. 4. Nói dịu dàng hòa nhã hoặc nói thô ác. 5. Nói hiền từ hoặc nói giận dữ.

1. Nói đúng lúc hoặc nói không đúng lúc:

Thế nào là nói không đúng lúc? Có hai thứ không đúng lúc là trong và ngoài.

Không đúng lúc thuộc bên trong: Như có Bí-sô nêu tội kẻ khác, hoặc do tham vây buộc, hoặc do sân vây buộc, hoặc do si vây buộc, hoặc đang gặp phải khổ não dữ, hoặc bị bệnh nặng, hoặc không thể cùng kẻ khác bàn luận. Đó gọi là không đúng lúc thuộc bên trong.

Không đúng lúc thuộc bên ngoài: Như có Bí-sô nêu tội kẻ khác, nhưng kẻ sắp bị nêu tội kia, hoặc do tham sân si vây buộc, hoặc đang gặp phải khổ não dữ, hoặc có bệnh nặng, hoặc lại không thể thọ nhận lời bàn luận của kẻ khác, hoặc chưa có đủ điều kiện của một hữu tình đang sống. Đó gọi là không đúng lúc thuộc bên ngoài.

Ở đây, hoặc không đúng lúc thuộc bên trong, hoặc không đúng lúc thuộc bên ngoài hiện có gồm chung làm một gọi là không đúng lúc. Nói vào các thời điểm như vậy gọi là nói không đúng lúc.

Thế nào là nói đúng lúc? Có hai thứ đúng lúc là trong và ngoài.

Đúng lúc thuộc bên trong: Như có Bí-sô nêu tội người khác hoàn toàn trái ngược với trường hợp trước. Đó gọi là đúng lúc thuộc bên trong.

Đúng lúc thuộc bên ngoài: Như có Bí-sô nêu tội người khác, nhưng kẻ sắp bị nêu tội kia, hoàn toàn trái ngược với trường hợp trước. Đó gọi là đúng lúc thuộc bên ngoài.

Ở đây, hoặc đúng lúc thuộc bên trong, hoặc đúng lúc thuộc bên ngoài hiện có gồm chung làm một gọi là đúng lúc. Nói vào các thời điểm như vậy gọi là nói đúng lúc.

Thế nên gọi là nói đúng lúc hoặc nói không đúng lúc.

2. Nói đúng thực hoặc nói không đúng thực:

Thế nào là nói không đúng thực? Như có Bí-sô nêu tội Bísô khác, thật sự là không thấy, không nghe, không nghi Bí-sô kia mắc các tội về phạm giới, phạm kiến, phạm các phép tắc, phạm tịnh mạng. Bí-sô ấy nêu tội như thế gọi là nói không đúng thực.

Thế nào là nói đúng thực? Như có Bí-sô nêu tội Bí-sô khác, thật sự là có thấy, có nghe, có nghi Bí-sô kia mắc các tội về phạm giới, phạm kiến, phạm các phép tắc, phạm tịnh mạng. Bí-sô ấy nêu tội như thế gọi là nói đúng thực.

Thế nên gọi là nói đúng thực hoặc nói không đúng thực.

3. Nói dẫn đến nghĩa lợi hoặc nói dẫn đến không nghĩa lợi:

Thế nào là nói dẫn đến không nghĩa lợi? Như có Bí-sô nêu tội Bí-sô khác đã phạm giới, phạm kiến, phạm các phép tắc, phạm tịnh mạng, nhưng Bí-sô kia nơi các tội như thế đã thú tội, đã phát lồ, đã nêu bày, đã sám hối trừ bỏ. Thật sự đầy đủ như vậy nói là không đầy đủ. Bí-sô nêu tội như vậy gọi là nói dẫn đến không nghĩa lợi.

Thế nào là nói dẫn đến nghĩa lợi? Như có Bí-sô nêu tội Bí-sô khác đã phạm giới, phạm kiến, phạm các phép tắc, phạm tịnh mạng, nhưng Bí-sô kia nơi các tội như thế chưa thú tội, chưa phát lồ, chưa nêu bày, chưa sám hối trừ bỏ. Hoặc chưa đầy đủ nói là chưa đầy đủ. Bí-sô nêu tội như vậy gọi là nói dẫn đến nghĩa lợi.

Thế nên gọi là nói dẫn đến nghĩa lợi hoặc nói dẫn đến không nghĩa lợi.

4. Nói dịu dàng hòa nhã hoặc nói thô ác:

Thế nào là nói thô ác? Như có Bí-sô đối với Bí-sô khác có ý ác kết hận phát khởi giận dữ, hung ác, nói như vầy: Ông thấy rõ tội mình đã phạm như thế, ông đúng là Sa-môn xấu xa, Sa-môn ngu độn, Sa-môn không biết xấu hổ, khó điều phục. Ông nên nêu bày đủ các tội như thế chớ có che giấu. Bí-sô kia nói như thế gọi là nói thô ác.

Thế nào là nói dịu dàng hòa nhã? Như có Bí-sô đi đến chỗ Bísô khác nói: Cụ thọ đã phạm các tội như thế như thế, nên nêu bày đầy đủ, nên phát lồ chớ nên che giấu. Nêu bày thú tội tất được an lạc, không nêu bày thú tội thì không được an lạc. Bí-sô kia nói như thế gọi là nói dịu dàng hòa nhã.

Thế nên gọi là nói dịu dàng hòa nhã hoặc nói thô ác.

5. Nói hiền từ hoặc nói giận dữ:

Thế nào là nói giận dữ? Như có Bí-sô đối với Bí-sô khác có tâm giận dữ, có tâm tổn hại, nên nêu tội Bí-sô kia là phạm giới, phạm kiến, phạm các phép tắc, phạm tịnh mạng. Bí-sô ấy nói như thế gọi là nói giận dữ.

Thế nào là nói hiền từ? Như có Bí-sô đối với Bí-sô khác có tâm hiền từ, hiện bày đủ tánh từ bi, đi đến chỗ Bí-sô kia nêu các tội về phạm giới, phạm kiến, phạm các phép tắc, phạm tịnh mạng. Bí-sô ấy nói như thế gọi là nói hiền từ.

Thế nên gọi là nói hiền từ hoặc nói giận dữ.

*

* Năm xứ không còn kham nhận: Những gì là năm? Như Bísô A-la-hán các lậu đã dứt hết, nên: 1. Không còn kham nhận việc suy xét đoạn dứt sinh mạng. 2. Không còn kham nhận việc vật không cho lại khởi tâm trộm lấy. 3. Không còn kham nhận việc hành phi phạm hạnh theo pháp dâm dục. 4. Không còn kham nhận khi biết đúng lại nói hư dối. 5. Không còn kham nhận việc chứa nhóm và thọ dụng các thứ dục lạc.

Bí-sô A-la-hán các lậu đã dứt hết nên không còn kham nhận việc suy xét đoạn dứt sinh mạng: Nghĩa là do nhân kia, do duyên kia, nên Bí-sô A-la-hán cố ý đoạn sinh mạng. Do các lậu đã hết, nên đối với nhân duyên kia đã hoàn toàn dứt bỏ, đã nhận biết khắp. Như chặt đứt gốc rễ của cây, chặt đứt ngọn cây Đa-la, khiến thân sau trở thành pháp không sinh. Thế nên gọi là Bí-sô A-la-hán các lậu đã dứt hết nên không còn kham nhận việc suy xét đoạn dứt sinh mạng.

Bí-sô A-la-hán các lậu đã dứt hết nên không còn kham nhận việc vật không cho lại khởi tâm trộm lấy, hành phi phạm hạnh theo pháp dâm dục, khi biết đúng lại nói hư dối: Nói cũng như thế.

Bí-sô A-la-hán các lậu đã dứt hết nên không còn kham nhận việc chứa nhóm và thọ dụng các thứ dục lạc: Nghĩa là do nhân kia, do duyên kia, nên chứa nhóm, thọ dụng các thứ dục lạc. Bí-sô A-lahán các lậu đã dứt hết, đối với nhân duyên kia đã hoàn toàn trừ bỏ, đã nhận biết khắp. Như chặt đứt gốc rễ của cây, chặt đứt ngọn cây Đa-la, khiến thân sau trở thành pháp không sinh. Thế nên gọi là Bí-sô A-lahán các lậu đã dứt hết nên không còn kham nhận việc chứa nhóm và thọ dụng các thứ dục lạc.

*

* Năm thắng chi: Những gì là năm?

1. Cụ thọ nên biết! Các đệ tử Phật ở chỗ Đức Như Lai luôn tu tập gieo trồng tịnh tín, căn sinh, an trụ, không bị các Sa-môn, Bà-lamôn, hoặc các Thiên, Ma, Phạm, hoặc các thế gian khác như pháp dẫn dụ chiếm đoạt. Đó gọi là thắng chi thứ nhất.

2. Lại nữa, Cụ thọ nên biết! Các đệ tử Phật thường có tánh thuần hậu ngay thẳng, không dua nịnh, không lừa dối. Ở chỗ bậc Đại sư và các vị có trí đồng phạm hạnh tự hiển bày như thật. Đó gọi là thắng chi thứ hai.

3. Lại nữa, Cụ thọ nên biết! Các đệ tử Phật luôn ít tật, không bệnh, bụng dạ thành thục, không nóng quá hay lạnh quá, thời tiết điều hòa, không có các khổ não, do đó nên ăn uống dễ tiêu hóa. Đó gọi là thắng chi thứ ba.

4. Lại nữa, Cụ thọ nên biết! Các đệ tử Phật luôn trụ trong siêng năng tinh tấn, có uy thế, có chuyên cần, có dũng mãnh kiên cố, đối với các pháp thiện không xả bỏ đường hướng. Giả như thân thể chỉ còn da bọc xương, các thứ máu thịt thảy đều khô kiệt, vì nhằm cầu được pháp thiện thù thắng nên phát khởi tinh tấn, có uy thế, có chuyên cần, có dũng mãnh kiên cố, không hề xả bỏ đường thiện. Nếu chưa chứng đắc thì càng tinh tấn vượt bậc trọn không bỏ dở nửa chừng. Đó gọi là thắng chi thứ tư.

5. Lại nữa, Cụ thọ nên biết! Các đệ tử Phật luôn an trụ nơi tuệ đầy đủ, thành tựu được tuệ có sinh diệt của thế gian, Thánh tuệ, xuất tuệ, tuệ khéo thông đạt. Tuệ được tạo nên ấy là chánh tuệ diệt hết khổ. Đó gọi là thắng chi thứ năm.

Năm thứ vừa nói trên là năm thắng chi.

Ở đây:

1. Ở chỗ Đức Như Lai luôn tu tập gieo trồng tịnh tín:

Thế nào là Như Lai? Nghĩa là bậc Ứng Chánh Đẳng Giác, nên gọi là Như Lai.

Thế nào là tịnh tín? Nghĩa là các sự tin tưởng, hoặc dựa nơi nẻo xuất ly, xa lìa, đã sinh ra pháp thiện. Là tánh tin tưởng, tánh tùy thuận, tánh ấn chứng, là tánh đã yêu thích, sẽ yêu thích, hiện yêu thích, là tánh của tâm thanh tịnh, nên gọi là tịnh tín. Tức do tịnh tín này, nên ở chỗ Đức Như Lai đã tu tập gieo trồng, sẽ tu tập gieo trồng, hiện tu tập gieo trồng. Thế nên nói ở chỗ Đức Như Lai tu tập gieo trồng tịnh tín.

Căn sinh: Nghĩa là tịnh tín này có hai thứ căn: một là trí vô lậu, hai là căn thiện vô lậu, nên gọi là căn sinh.

An trụ: Nghĩa là do căn sinh có hành tướng như thế, nên an trụ nơi hành tướng như thế. Nếu an trụ nơi hành tướng như thế, tức do căn sinh có hành tướng như thế. Nên gọi là an trụ.

Không thể dẫn dụ chiếm đoạt: Nghĩa là do đã thành tựu tịnh tín như thế, nên tất cả thế gian: Hoặc Thiên, Ma, Phạm, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc các loại trời, người, chúng sinh khác đều không thể dẫn dụ, không thể chiếm đoạt, không thể dẫn dụ chiếm đoạt, không thể làm khuynh động, không thể cùng làm khuynh động, không thể làm cho dao động, không thể cùng làm cho dao động. Thế nên nói là không thể dẫn dụ, chiếm đoạt.

Đó gọi là thứ nhất: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp số thứ tự là thứ nhất.

Thắng chi: Nghĩa là do tịnh tín tăng thạnh, nên các thiện nam hoặc thiện nữ càng về sau càng trở nên thù thắng, nên gọi là thắng chi.

2. Không dua nịnh: Thế nào là dua nịnh? Nghĩa là các tâm có tánh hiểm ác, tánh gian trá, tánh quanh co, tánh tạp loạn, tánh không rõ ràng ngay thẳng, tánh không điều hợp với nẻo thiện v.v…, đều gọi là dua nịnh. Nếu không dua nịnh như thế gọi là không dua nịnh.

Không lừa dối: Thế nào là lừa dối? Nghĩa là giả đấu, dối cân, tráo thư, trá lời, đối với người khác giả hình đổi dạng, luôn giả hình đổi dạng khắp, hành tác khi dối, mê hoặc v.v…, đều gọi là lừa dối. Nếu không lừa dối như thế gọi là không lừa dối.

Tánh thuần hậu ngay thẳng: Nghĩa là tánh luôn trọng sự sáng rõ, không dua nịnh, không lừa dối, thế nên gọi là tánh thuần hậu ngay thẳng.

Ở chỗ bậc Đại sư và các vị có trí đồng phạm hạnh tự hiển bày như thật:

Thế nào là Đại sư? Nghĩa là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nên gọi là Đại sư.

Thế nào là các vị có trí đồng phạm hạnh? Nghĩa là chỉ cho các

Tôn giả Xá Lợi Tử, Đại Thái Thục Thị, Đại Doanh Cấu Thị, Đại Ca Diếp Ba, Đại Chấp Tàng, Đại Kiếp Phỉ Na, Đại Ca Đa Diễn Na, Đại Chuẩn Đà, Đại Thiện Kiến, Đại Lộ, Đại Danh, Vô Diệt Dục Lạc, Kim Tỳ La v.v…, đều gọi là các vị có trí đồng phạm hạnh.

Nếu các Bí-sô kia có nhiều tham sân si, có trái phạm thì nên ở chỗ bậc Đại sư và các vị có trí đồng phạm hạnh nêu bày thú tội đúng như thật, thiết lập phân biệt phát lồ sám hối, không hề che giấu. Do đấy nên nói ở chỗ bậc Đại sư và các vị có trí đồng phạm hạnh tự hiển bày như thật mà trình bày rõ ràng.

Đó gọi là thứ hai: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp số thứ tự là thứ hai.

Thắng chi: Nghĩa là do không có dua nịnh lừa dối tăng thạnh, nên các thiện nam hoặc thiện nữ càng về sau càng trở nên thù thắng, nên gọi là thắng chi.

3. Ít tật: Thế nào là nhiều tật? Nghĩa là như đau đầu v.v… cho đến nói rộng. Cùng các thứ bệnh tật bức não khác có thể sinh ra vô số xúc chạm không an ổn, trụ trong thân đều gọi là nhiều bệnh tật. Như vậy không có các bệnh tật gọi là ít tật.

Không bệnh: Nghĩa là hiển bày lần nữa về ít bệnh.

Bụng dạ thành thục, không nóng quá hay lạnh quá, thời tiết điều hòa, không có các khổ não, do đó nên ăn uống dễ tiêu hóa: Nghĩa là người ấy đã thành tựu được việc không lạnh quá hay nóng quá, luôn thành tựu bình đẳng hai tạng sinh, thục.

Nếu khi thành tựu tạng lạnh quá, các thức ăn uống chuyển biến chậm khó tiêu, khiến thân thể nặng nề, không thể lãnh nhận làm việc, không thể siêng năng tinh tấn tu tập các hành đoạn trừ thù thắng.

Nếu khi thành tựu tạng nóng quá, các thức ăn uống tiêu hóa quá nhanh, khiến thân thể gầy yếu, không thể lãnh nhận làm việc, không thể siêng năng tinh tấn tu tập các hành đoạn trừ thù thắng.

Do người ấy thành tựu hai tạng sinh, thục không lạnh quá, nóng quá, và thời tiết điều hòa không có các khổ não, nên các thức ăn uống dễ tiêu hóa, khiến thân thể khỏe mạnh, có thể làm được nhiều việc, có thể siêng năng tinh tấn tu tập các hành đoạn trừ thù thắng.

Đó gọi là thứ ba: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp số thứ tự là thứ ba.

Thắng chi: Nghĩa là do sự ít tật bệnh này tăng thạnh, nên các thiện nam hoặc thiện nữ càng về sau càng trở nên thù thắng, nên gọi là thắng chi.

4. Luôn trụ trong siêng năng tinh tấn: Thế nào là tinh tấn? Nếu đối với nẻo xuất ly xa lìa, đã sinh ra các pháp thiện, siêng năng cố gắng, dũng mãnh, thế dụng vượt bậc, tâm được nối tiếp không gì ngăn cản, đó gọi là tinh tấn. Vị kia do đã thành tựu được tinh tấn như thế, nên đối với việc tu tập có thể hành tác các hành thù thắng, tiếp đến việc chứng nhập, nên gọi là luôn trụ trong siêng năng tinh tấn.

Có uy thế: Nghĩa là người này đã tinh tấn viên mãn theo phẩm thượng.

Có chuyên cần: Nghĩa là hiển bày sự tinh tấn bền chắc.

Có dũng mãnh kiên cố: Nghĩa là do đã thành tựu lực tinh tấn, nên dũng mãnh quyết định giữ lấy, kiên trụ, là thiện không phải ác, nên theo chỗ giữ vững lấy tướng bảo vệ, không bỏ. Như giúp đỡ nước khác, khéo có thể giữ gìn. Thế nên gọi là có dũng mãnh kiên cố.

Đối với các pháp thiện thường không xả bỏ đường hướng: Nghĩa là luôn siêng năng tinh tấn dũng mãnh tu tập các pháp thiện không gián đoạn.

Vì nhằm cầu được pháp thiện thù thắng v.v… Nếu chưa chứng đắc thì càng tinh tấn vượt bậc trọn không bỏ dở nửa chừng: Nghĩa là nếu chưa chứng được quả A-la-hán thì luôn tinh tấn dũng mãnh vượt bậc không biếng trễ bỏ dở. Do đó nên nói vì nhằm cầu được pháp thiện thù thắng v.v…, nếu chưa chứng đắc thì càng siêng năng tinh tấn vượt bậc trọn không bỏ dở nửa chừng.

Đó gọi là thứ tư: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp số thứ tự là thứ tư.

Thắng chi: Nghĩa là do tinh tấn tăng thạnh, nên các thiện nam hoặc thiện nữ càng về sau càng trở nên thù thắng, nên gọi là thắng chi.

5. An trụ nơi tuệ đầy đủ: Thế nào là tuệ? Nghĩa là nương vào nẻo xuất ly, xa lìa, đã sinh các pháp thiện, đối với các pháp tướng có khả năng phân biệt lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v…, nói rộng cho đến hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là tuệ. An trụ: Nghĩa là do đã thành tựu tuệ như thế, nên đối với các pháp tướng có thể hành tác các hành thù thắng, tiến đến chứng nhập, giác ngộ. Do đó nên nói là an trụ nơi tuệ đầy đủ.

Thành tựu được tuệ có sinh diệt của thế gian: Thế gian tức là năm thủ uẩn, là sắc thủ uẩn, thọ tưởng hành thức thủ uẩn. Người ấy do đã thành tựu tuệ như thế, nên có thể nhận biết đúng như thật về năm thủ uẩn đã sinh ra và biến hoại. Do đó nên nói là thành tựu được tuệ có sinh diệt của thế gian.

Thánh tuệ: Có hai loại Thánh: Một là thiện nên là Thánh. Hai là vô lậu nên là Thánh. Tuệ này gồm đủ do hai loại Thánh ấy nên gọi là Thánh tuệ.

Xuất tuệ: Nghĩa là người ấy do đã thành tựu tuệ như thế, nên có thể xuất ly cõi Dục, cùng có thể xuất ly cõi Sắc và cõi Vô sắc, nên gọi là xuất tuệ.

Tuệ khéo thông đạt: Nghĩa là người ấy do đã thành tựu tuệ như thế, nên đối với các đế khổ, tập, diệt, đạo đều có thể thông đạt các tướng của bốn đế, khéo thông đạt, đều thông đạt riêng biệt. Thế nên gọi là tuệ khéo thông đạt.

Tuệ được tạo nên ấy: Nghĩa là người ấy đã tu học đạo vô gián nên đạt được tuệ thù thắng hiện có, ở đây nói là tuệ được tạo nên ấy.

Chánh tuệ diệt hết khổ: Thế nào là chánh? Tức chỉ cho nhân, cho môn, cho lý sâu xa, cho hành tướng v.v…, nên gọi là chánh. Tuệ diệt hết khổ: Năm thủ uẩn gọi là khổ. Tuệ này có thể khiến năm thủ uẩn dứt hết, cùng dứt hết, dứt hết khắp, chứng đắc hoàn toàn dứt hết, nên gọi là tuệ diệt hết khổ.

Đó gọi là thứ năm: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp số thứ tự là thứ năm.

Thắng chi: Nghĩa là do trí tuệ đầy đủ tăng thạnh, nên các thiện nam hoặc thiện nữ càng về sau càng trở nên thù thắng, nên gọi là thắng chi.

*

* Năm tưởng giải thoát thành thục: 1. Tưởng vô thường. 2. Tưởng vô thường khổ. 3. Tưởng khổ vô ngã. 4. Tưởng chán bỏ việc ăn uống. 5. Tưởng về sự chết.

1. Thế nào là tưởng vô thường?

Đáp: Tất cả hành đều vô thường. Đối với hành vô thường do vô thường nên tư duy như lý về các tưởng, cùng tưởng, hiện tiền mà tưởng, đã tưởng, hiện tưởng, sẽ tưởng. Đó gọi là tưởng vô thường.

2. Thế nào là tưởng vô thường khổ?

Đáp: Tất cả hành đều vô thường, do vô thường nên khổ. Đối với hành khổ do tưởng khổ nên tư duy như lý về các tưởng, cùng tưởng, hiện tiền mà tưởng, đã tưởng, hiện tưởng, sẽ tưởng. Đó gọi là tưởng vô thường khổ.

3. Thế nào là tưởng khổ vô ngã?

Đáp: Tất cả hành đều vô thường, do vô thường nên khổ, do khổ nên vô ngã. Đối với hành vô ngã do vô ngã nên tư duy như lý về các tưởng, cùng tưởng, hiện tiền mà tưởng, đã tưởng, hiện tưởng, sẽ tưởng. Đó gọi là tưởng khổ vô ngã.

4. Thế nào là tưởng chán bỏ việc ăn uống?

Đáp: Các Bí-sô đều nên đối với đoạn thực phát khởi sự chán bỏ cùng hành tác ý. Lại khởi sự chê trách, cùng hành tác ý. Do tưởng bất tịnh tư duy về đoạn thực. Sự việc ấy như thế nào? Đối với các thứ cơm cháo nên khởi thắng giải về tử thi đang sình chướng. Đối với các thứ canh thịt nên khởi thắng giải về phân lỏng của người. Đối với các thứ sữa, sinh tô, lạc thì nên khởi thắng giải về tủy não của con người.

Còn các thứ thục tô, dầu, đường cát, mật thì khởi thắng giải về mỡ sa, mỡ nước v.v… Người kia đối với đoạn thực đã phát khởi sự chán bỏ, chê trách, cùng hành tác ý như thế, do tướng bất tịnh tư duy về đoạn thực, các tưởng cùng tưởng, hiện tiền mà tưởng, đã tưởng, hiện tưởng, sẽ tưởng. Đó gọi là tưởng chán bỏ việc ăn uống.

5. Thế nào là tưởng về sự chết?

Đáp: Đối với tự thân mạng đang hết sức tốt đẹp, tác ý tư duy về các tưởng như vô thường v.v…, hiện tiền mà tưởng, đã tưởng, hiện tưởng, sẽ tưởng. Đó gọi là tưởng về sự chết.

Năm thứ như thế gọi là tưởng giải thoát thành thục.

Vì sao năm thứ ấy gọi là tưởng giải thoát thành thục? Giải thoát có ba thứ: Một là tâm giải thoát. Hai là tuệ giải thoát. Ba là giải thoát vô vi. Vì năm thứ tưởng này là giải thoát hữu vi, nếu chưa sinh thì khiến sinh, đã sinh rồi thì khiến tăng trưởng bền chắc, rộng lớn, do đấy nên nhanh chóng chứng được giải thoát vô vi. Vì nhân duyên này nên gọi là tưởng giải thoát thành thục.

*

* Năm xứ giải thoát: Những gì là năm?

1. Cụ thọ nên biết! Nếu các Bí-sô, Bí-sô-ni hoặc có bậc Đại sư vì họ giảng nói pháp yếu. Hoặc có một vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng vì họ giảng nói pháp yếu như bậc Đại sư. Hoặc có một vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng vì họ giảng nói pháp yếu. Như thế như thế, đối với các pháp yếu kia đã có thể hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa. Do hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa, nên phát khởi vui vẻ, vì vui nên sinh mừng, tâm vui mừng nên thân khinh an, vì thân khinh an nên thọ nhận an lạc. Do thọ nhận an lạc nên tâm định, tâm định nên thấy biết đúng như thật, thấy biết đúng như thật nên sinh chán, vì chán nên có thể lìa bỏ, vì lìa bỏ nên đạt được giải thoát. Đó gọi là xứ giải thoát thứ nhất. Các Bí-sô, Bí-sô-ni này an trụ nơi xứ ấy, niệm chưa trụ thì có thể trụ vào chánh niệm. Tâm chưa định thì có thể trụ vào chánh định. Lậu chưa dứt hết thì có thể dứt hết các lậu. Chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì có thể mau chóng chứng đắc.

2. Lại nữa, Cụ thọ nên biết! Nếu các Bí-sô, Bí-sô-ni, tuy không có bậc Đại sư hoặc một vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng khác vì họ giảng nói pháp yếu, nhưng có thể dùng âm thanh lớn đọc tụng các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe. Như thế như thế, đối với các pháp yếu kia đã có thể hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa. Do hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa nên phát khởi vui vẻ, vì vui nên sinh mừng, tâm vui mừng nên thân khinh an, vì thân khinh an nên thọ nhận an lạc. Do thọ nhận an lạc nên tâm định, tâm định nên thấy biết đúng như thật, thấy biết đúng như thật nên sinh chán, vì chán nên có thể lìa bỏ, vì lìa bỏ nên đạt được giải thoát. Đó gọi là xứ giải thoát thứ hai. Các Bí-sô, Bí-sô-ni này an trụ nơi xứ ấy, niệm chưa trụ thì có thể trụ vào chánh niệm. Tâm chưa định thì có thể trụ vào chánh định. Lậu chưa dứt hết thì có thể dứt hết các lậu. Chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì có thể mau chóng chứng đắc.

3. Lại nữa, Cụ thọ nên biết! Nếu các Bí-sô, Bí-sô-ni, tuy không có bậc Đại sư hoặc một vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng khác vì họ giảng nói pháp yếu, cũng không dùng âm thanh lớn để đọc tụng các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe, nhưng có thể vì người khác nêu giảng rộng, mở bày về các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe ấy. Như thế như thế, đối với các pháp yếu kia đã có thể hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa. Do hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa nên phát khởi vui vẻ, vì vui nên sinh mừng, tâm vui mừng nên thân khinh an, thân khinh an nên thọ nhận an lạc. Do thọ nhận an lạc nên tâm định, tâm định nên thấy biết đúng như thật, thấy biết đúng như thật nên sinh chán, vì chán nên có thể lìa bỏ, vì lìa bỏ nên đạt được giải thoát. Đó gọi là xứ giải thoát thứ ba. Các Bí-sô, Bí-sô-ni này an trụ nơi xứ ấy, niệm chưa trụ thì có thể trụ vào chánh niệm. Tâm chưa định thì có thể trụ vào chánh định. Lậu chưa dứt hết thì có thể dứt hết các lậu. Chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì có thể mau chóng chứng đắc.

4. Lại nữa, Cụ thọ nên biết! Nếu các Bí-sô, Bí-sô-ni, tuy không có bậc Đại sư hoặc một vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng khác vì họ giảng nói pháp yếu, cũng không dùng âm thanh lớn để đọc tụng các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe, cũng không vì người khác nêu giảng rộng, mở bày về các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe ấy, nhưng có thể riêng ở nơi chốn vắng vẻ, một mình tự suy nghĩ, lường xét, quan sát về những nghĩa lý sâu xa hiện có nơi các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe. Nơi chốn hiện có, như thế như thế, đối với các pháp yếu kia đã có thể hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa. Do hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa nên phát khởi vui vẻ, vì vui nên sinh mừng, tâm vui mừng nên thân khinh an, thân khinh an nên thọ nhận an lạc. Do thọ nhận an lạc nên tâm định, tâm định nên thấy biết đúng như thật, thấy biết đúng như thật nên sinh chán, vì chán nên có thể lìa bỏ, vì lìa bỏ nên đạt được giải thoát. Đó gọi là xứ giải thoát thứ tư. Các Bí-sô, Bí-sô-ni này an trụ nơi xứ ấy, niệm chưa trụ thì có thể trụ vào chánh niệm. Tâm chưa định thì có thể trụ vào chánh định. Lậu chưa dứt hết thì có thể dứt hết các lậu. Chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì có thể mau chóng chứng đắc.

5. Lại nữa, Cụ thọ nên biết! Nếu các Bí-sô, Bí-sô-ni, tuy không có bậc Đại sư hoặc vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng khác vì họ giảng nói pháp yếu, cũng không dùng âm thanh lớn để đọc tụng các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe, cũng không vì người khác nêu giảng rộng, mở bày về các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe ấy, cũng không ở nơi chốn vắng vẻ, một mình tự suy nghĩ, lường xét, quan sát về những nghĩa lý sâu xa hiện có nơi các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe, nhưng nơi nghĩa lý sâu xa hiện có đều có thể khéo giữ lấy theo một tướng định. Nơi tướng định ấy có thể khéo tư duy, lại khéo hiểu biết rõ, khéo thông đạt. Như thế như thế, đối với các pháp yếu kia đã có thể hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa. Do hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa nên phát khởi vui vẻ, vì vui nên sinh mừng, tâm vui mừng nên thân khinh an, thân khinh an nên thọ nhận an lạc. Do thọ nhận an lạc nên tâm định, tâm định nên thấy biết đúng như thật, thấy biết đúng như thật nên sinh chán, vì chán nên có thể lìa bỏ, vì lìa bỏ nên đạt được giải thoát. Đó gọi là xứ giải thoát thứ năm. Các Bí-sô, Bí-sô-ni này an trụ nơi xứ ấy, niệm chưa trụ thì có thể trụ vào chánh niệm. Tâm chưa định thì có thể trụ vào chánh định. Lậu chưa dứt hết thì có thể dứt hết các lậu. Chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì có thể mau chóng chứng đắc.

Ở đây:

Bậc Đại sư hoặc vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng vì họ giảng nói pháp yếu:

Đại sư: Nghĩa là Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng: Đó là các Tôn giả: Kiều Trần Na, Mã Thắng, Hiền Thắng, Vụ Khí, Đại Danh, Na Xá, Viên Mãn, Vô Cấu, Diệu Tý, Ngưu Chủ, Xá Lợi Tử, Đại Thái Thục Thị, Đại Ca Diếp Ba, Đại Kiếp Phỉ Na, Đại Doanh Cấu Thị, Đại Ca Đa Diễn Na, Đại Chấp Tàng, Đại Thiện Kiến, Đại Lộ, Tùy Thuận, Vô Diệt, Dục Lạc, Kim Tỳ La v.v…, đều gọi là vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng.

Thế nào gọi là pháp? Nghĩa là danh thân, cú thân, văn thân, đó gọi là pháp. Tức trước đây bậc Đại sư và các vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng, đã dùng các thứ danh thân, cú thân, văn thân, vì các Bí-sô kia giảng nói, thiết lập, mở bày, phân biệt, chỉ rõ. Do đó nên nói vì họ giảng nói pháp yếu. Như các pháp yếu do bậc Đại sư và các vị có trí đồng phạm hạnh đáng tôn trọng vì họ giảng nói, như thế, như thế v.v… thì các Bí-sô, Bí-sô-ni kia đã có thể hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa.

Thế nào là có thể hiểu biết đúng đắn về pháp? Danh thân, cú thân, văn thân, đó gọi là pháp. Các Bí-sô v.v… kia đối với pháp ấy đã cùng hiểu, hiểu gần, hiểu rõ, thông đạt về phẩm loại có sai biệt, chứng được trí không hai, không thoái chuyển, nên gọi là có thể hiểu biết đúng đắn về pháp.

Thế nào là có thể hiểu biết đúng đắn về nghĩa? Danh thân, cú thân, văn thân là pháp được hiển bày, làm rõ, nêu giảng, nêu giảng khắp, khai thị cùng khai thị, đó gọi là nghĩa. Các Bí-sô v.v… kia đối với nghĩa ấy đã cùng hiểu, hiểu gần, hiểu rõ, thông đạt về phẩm loại có sai biệt, chứng được trí không hai, không thoái chuyển, nên gọi là có thể hiểu biết đúng đắn về nghĩa.

Do hiểu biết đúng đắn hoặc pháp hoặc nghĩa nên phát khởi vui vẻ: Tức đầu tiên sinh ra hoan hỷ gọi là vui vẻ. Chư vị ấy đối với niềm vui này đã khởi cùng khởi, đã sinh cùng sinh, đã chuyển hiện chuyển, tụ tập xuất hiện, do đó nói là nên phát khởi vui vẻ.

Vì vui nên sinh mừng: Nghĩa là vui phẩm thượng chuyển gọi là mừng. Chư vị ấy đối với mừng này đã khởi cùng khởi, đã sinh cùng sinh, đã chuyển hiện chuyển, tụ tập xuất hiện, do đó nói là vì vui nên sinh mừng.

Tâm vui mừng nên thân khinh an: Tức chư vị ấy từ vui sinh tâm mừng, nên ở trong hiện pháp thân có tánh nặng nề đã được đoạn trừ, tâm có tánh nặng nề cũng được đoạn trừ, thân có thể kham nhận, tâm có thể kham nhận, thân hòa dịu, tâm hòa dịu, thân nhẹ nhàng, tâm nhẹ nhàng, thân lìa mọi thứ che lấp, tâm lìa mọi thứ che lấp, thân không biếng trễ, tâm không biếng trễ, thân không mỏi mệt, tâm không mỏi mệt. Do đấy nói là tâm vui mừng nên thân khinh an.

Thân khinh an nên thọ nhận an lạc: Nghĩa là do thân có thể kham nhận, tâm có thể kham nhận v.v…, nói rộng cho đến thân không mỏi mệt, tâm không mỏi mệt, thân liền có vui nên tâm thọ nhận hỷ diệu. Do đấy nói là thân khinh an nên thọ nhận an lạc.

Do thọ nhận an lạc nên tâm định: Nghĩa là vì thọ lạc nên xa lìa mọi thứ mệt nhọc. Pháp không mệt nhọc hành bình đẳng, nên tâm trụ cùng trụ, trụ gần, hoàn toàn đạt được Tam-ma-địa. Do đấy nói là do thọ nhận an lạc nên tâm định.

Tâm định nên thấy biết đúng như thật: Nghĩa là chư vị ấy hoặc khi tâm trụ cùng trụ nơi không hai, không chuyển, bấy giờ, đối với khổ thấy biết đúng như thật là khổ, đối với tập, diệt, đạo cũng thấy biết đúng như thật là tập, diệt, đạo. Do đấy nói là tâm định nên thấy biết đúng như thật.

Thấy biết đúng như thật nên sinh chán: Tức khi chư vị ấy đối với khổ thấy biết đúng như thật là khổ, đối với tập, diệt, đạo cũng thấy biết đúng như thật là tập, diệt, đạo, lúc đó, đối với năm thủ uẩn liền sinh chán ghét, trái nghịch mà trụ. Do đấy nói là thấy biết đúng như thật nên sinh chán.

Vì chán nên có thể lìa bỏ: Tức khi chư vị ấy đối với năm thủ uẩn đã có thể sinh chán ghét, trái nghịch, bấy giờ đối với ba căn bất thiện là tham, sân, si đã có thể làm cho chúng tổn giảm, mỏng bớt, khiến chúng khuyết giảm dần. Như người đem các áo màu vàng ngâm lâu nơi nước, rồi phơi dưới ánh nắng mặt trời thì màu sắc nhuộm kia sẽ phai nhanh. Như thế, nếu đối với năm thủ uẩn có thể sinh chán ghét, trụ nơi trái nghịch, bấy giờ liền ở nơi ba căn bất thiện đã có thể làm cho chúng tổn giảm, mỏng bớt, khiến chúng khuyết giảm dần. Do đấy nói là vì chán nên có thể lìa bỏ.

Vì lìa bỏ nên đạt được giải thoát: Tức là chư vị ấy khi đã có thể làm tổn giảm, làm mỏng bớt, làm khuyết giảm ba căn bất thiện, bấy giờ đối với tham, sân, si, tâm được giải thoát. Do đấy nói là vì lìa bỏ nên đạt được giải thoát.

Đó gọi là thứ nhất: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp số thứ tự là thứ nhất.

Xứ giải thoát: Ở đây vì sao gọi là xứ giải thoát? Tức trong đây có bảy pháp gọi là xứ giải thoát, đó là: a. Hiểu biết đúng đắn về pháp. b. Hiểu biết đúng đắn về nghĩa. c. Vui. d. Mừng. đ. Khinh an. e. An lạc. f. Định.

Các Bí-sô, Bí-sô-ni này v.v…: Nghĩa là nếu có thể gắng học đạo vô gián. Ở trong nghĩa này là nói các Bí-sô, Bí-sô-ni.

An trụ nơi xứ ấy: Nghĩa là trụ vào xứ đó, cùng trụ, trụ gần, thế nên nói là an trụ nơi xứ ấy.

Niệm chưa trụ thì có thể trụ vào chánh niệm: Tức có thể trụ vào bốn niệm trụ.

Tâm chưa định thì có thể trụ vào chánh định: Tức có thể trụ vào bốn tĩnh lự.

Lậu chưa dứt hết thì có thể dứt hết các lậu: Thế nào là các lậu? Có ba thứ lậu, là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Chư vị ấy đối với ba thứ lậu đó đã có thể dứt hết, cùng dứt hết, dứt hết khắp, hiện dứt hết, sẽ dứt hết, dứt hết nhanh chóng. Do đấy nên nói lậu chưa dứt hết thì có thể dứt hết các lậu.

Chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì có thể mau chóng chứng đắc: Nghĩa là các ái đã dứt hết, lìa bỏ, đạt Niết-bàn tịch diệt, nên nói là Niết-bàn an ổn vô thượng. Chư vị ấy nhanh chóng đối với pháp ấy có thể chứng đắc, theo đấy chứng đắc, có thể xúc chứng. Do đấy nên nói chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì có thể mau chóng chứng đắc.

Nhưng có thể dùng âm thanh lớn đọc tụng các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe: Nghĩa là dùng âm thanh lớn để đọc tụng các pháp yếu như trước đây đã được lãnh hội.

Nhưng có thể vì người khác nêu giảng rộng, mở bày về các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe ấy: Nghĩa là chư vị ấy đã có thể vì người khác nêu giảng, thiết lập, mở bày, phân biệt, chỉ rõ các pháp yếu rốt ráo như trước đây đã được nghe.

Nhưng có thể riêng ở nơi chốn vắng vẻ, một mình tự suy nghĩ, lường xét, quan sát về những nghĩa lý sâu xa hiện có nơi các pháp yếu rốt ráo đã từng được nghe: Nghĩa là có thể riêng một mình ở chốn vắng vẻ tìm xét, tìm xét khắp, lựa chọn, lựa chọn khắp, quan sát, quan sát khắp về nghĩa lý sâu xa của các pháp yếu rốt ráo trước đây đã từng được nghe.

Nhưng nơi nghĩa lý sâu xa hiện có đều có thể khéo giữ lấy theo một tướng định. Nơi tướng định ấy có thể khéo tư duy, lại khéo hiểu biết rõ, khéo thông đạt: Nghĩa là có thể khéo giữ lấy định và tướng định. Đối với tướng định kia, chư vị ấy có thể khéo suy xét, lại khéo nhận biết rõ, khéo thông đạt các tướng nhập, trụ, xuất.

Các phần còn lại: Như trước đã nói.

HẾT – QUYỂN 13