LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 12

Phẩm 6: NĂM PHÁP, phần 2

* Năm sự ngăn che (Năm cái): 1. Ngăn che của tham dục. 2. Ngăn che của giận dữ. 3. Ngăn che của hôn trầm thùy miên. 4. Ngăn che của trạo cử ố tác. 5. Ngăn che của nghi.

1. Thế nào là sự ngăn che của tham dục?

Đáp: Tham dục: Tức đối với các cảnh dục có các thứ tham cùng tham, nắm giữ, phòng hộ, chấp chặt, yêu thích, tham đắm, tự trói buộc tâm, mong cầu, đam mê, tích tập các khổ, là loại tham, sinh ra tham. Đó gọi là tham dục. Sự ngăn che của tham dục: Là do tham dục này ngăn trở tâm, che lấp tâm, đè ép giấu kín tâm, bao phủ ràng buộc tâm, nên gọi là sự ngăn che của tham dục.

2. Thế nào là sự ngăn che của giận dữ?

Đáp: Giận dữ: Tức đối với các hữu tình muốn gây tổn hại, tâm luôn ôm giữ sự tàn hại muốn gây não loạn cho mọi người. Đã giận dữ, hiện giận dữ, sẽ giận dữ, ưa gieo họa hay các thứ tai họa trầm trọng cho người khác, ý luôn phẫn hận, hành tác trái ngược, tàn bạo đối với các hữu tình. Đã gây tội lỗi, hiện gây tội lỗi, sẽ gây tội lỗi. Đó gọi là giận dữ. Sự ngăn che của giận dữ: Là do giận dữ này ngăn trở tâm, che lấp tâm, đè ép giấu kín tâm, bao phủ ràng buộc tâm, nên gọi là sự ngăn che của giận dữ.

3. Thế nào là sự ngăn che của hôn trầm thùy miên?

Đáp: Hôn trầm: Tức thân hiện có tánh nặng nề, tâm hiện có tánh nặng nề, thân tâm đều không điều hòa thuận hợp. Thân hôn trầm, tâm hôn trầm, mờ mịt, rối loạn. Đó gọi là hôn trầm. Thùy miên: Tức những ngủ nghỉ mộng mị hiện có trong tâm cấu nhiễm không thể nhận giữ vì tánh của tâm tối tăm, yếu kém. Đó gọi là thùy miên. Sự ngăn che của hôn trầm thùy miên: Là do hôn trầm thùy miên này ngăn trở tâm, che lấp tâm, đè ép giấu kín tâm, bao phủ ràng buộc tâm, nên gọi là sự ngăn che của hôn trầm thùy miên.

4. Thế nào là sự ngăn che của trạo cử ố tác?

Đáp: Trạo cử: Tức các thứ khiến tâm không tịch tĩnh, tâm luôn lay động, bồn chồn, lăng xăng. Đó gọi là trạo cử. Ố tác: Tức các thứ hiện có trong tâm ô nhiễm, khiến tâm biến chuyển, hối hận, chán ghét các việc đã làm. Đó gọi là ố tác. Sự ngăn che của trạo cử, ố tác: Là do trạo cử ố tác này ngăn trở tâm, che lấp tâm, đè ép giấu kín tâm, bao phủ ràng buộc tâm, nên gọi là sự ngăn che của trạo cử, ố tác.

5. Thế nào là sự ngăn che của nghi?

Đáp: Nghi: Tức đối với Phật, Pháp, Tăng cùng Khổ, Tập, Diệt, Đạo, sinh tâm nghi hoặc thành hai phần, hai nẻo. Vì trù trừ, do dự, vì bị mũi tên độc do dự nên không vui, hành không vui, không quyết định, suy lường, không ngộ nhập, không thể theo một hướng tiến tới. Đó gọi là nghi. Sự ngăn che của nghi: Là do nghi ngờ này ngăn trở tâm, che lấp tâm, đè ép giấu kín tâm, bao phủ ràng buộc tâm, nên gọi là sự ngăn che của nghi.

*

* Năm tâm mới sinh khởi: Cụ thọ nên biết! Những gì là năm?

1. Như có một loại hữu tình đối với bậc Đại sư dấy khởi nghi hoặc do dự, là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh. Nếu đối với bậc Đại sư đã có những thứ như thế, đó gọi là loại thứ nhất, tức đối với bậc Đại sư tâm mới sinh khởi chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

2. Như có một loại hữu tình đối với Chánh pháp dấy khởi nghi hoặc do dự, là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh. Nếu đối với chánh pháp đã có những thứ như thế, đó gọi là loại thứ hai, tức đối với chánh pháp tâm mới sinh khởi chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

3. Như có một loại hữu tình đối với các Học xứ (Giới) dấy khởi nghi hoặc do dự, là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh. Nếu đối với các Học xứ đã có những thứ như thế, đó gọi là loại thứ ba, tức đối với các Học xứ tâm mới sinh khởi chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

4. Như có một loại hữu tình đối với các Giáo pháp dạy khuyên dấy khởi nghi hoặc do dự, là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh. Nếu đối với các giáo pháp được nêu giảng đã có những thứ như thế, đó gọi là loại thứ tư, tức đối với giáo pháp dạy khuyên tâm mới sinh khởi, chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

5. Như có một loại hữu tình đối với các vị Bí-sô Thượng tọa thông tuệ từ lâu đã hội nhập nơi pháp Phật cùng tu phạm hạnh, cho đến được bậc Đại sư, các vị có trí đồng phạm hạnh đều khen ngợi, tán thán, hộ niệm, yêu kính. Nhưng loại hữu tình kia đối với các bậc phạm hạnh có trí nêu trên lại khởi giận dữ, hủy báng, mạ lỵ, gây não hại, tức là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh. Nếu đã tạo các sự việc như thế, đó gọi là loại thứ năm, tức đối với các bậc có trí, phạm hạnh, tâm mới sinh khởi, chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

Đó gọi là năm tâm mới sinh khởi.

Ở đây:

1. Nếu đối với bậc Đại sư dấy khởi nghi hoặc do dự, là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh, đó gọi là loại thứ nhất, tức đối với bậc Đại sư tâm mới sinh khởi chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

Thế nào là bậc Đại sư? Đại sư là chỉ cho chư Phật Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Thế nào là đối với bậc Đại sư dấy khởi nghi hoặc do dự? Nghĩa là đối với chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác sinh khởi vô số các thứ nghi hoặc do dự. Đó gọi là đối với bậc Đại sư dấy khởi nghi hoặc do dự.

Thế nào là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh? Nghĩa là nếu đối với bậc Đại sư sinh khởi các thứ nghi hoặc do dự, thì người ấy đối với sự đoạn trừ các thứ nghi hoặc do dự kia không thể phát khởi để thuận theo tâm, thuận theo mong muốn, thuận theo niềm tin, thuận theo thắng giải, đã thắng giải, sẽ thắng giải. Đó gọi là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh.

Thế nào là loại thứ nhất? Nghĩa là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo số thứ tự là thứ nhất.

Thế nào là đối với bậc Đại sư tâm mới sinh khởi? Nghĩa là nếu đối với Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác sinh khởi các thứ nghi hoặc do dự, thì nơi tâm của người ấy đã tự tạo sự sinh khởi. Ví như nông phu tuy có ruộng đất tốt, nhưng nếu không chịu cày bừa, trồng trọt, để cho đất khô cứng cằn cỗi, ngay như các loài cỏ dại hãy còn không mọc được huống chi là các mầm lúa. Đối với bậc Đại sư dấy khởi nghi hoặc do dự cũng lại như thế. Vì các thứ ấy đã che lấp tâm, khiến tâm trở thành khô cứng, tạo sự sinh khởi nhân xấu. Hãy còn không thể khiến tâm có được quyết định tà vạy, huống hồ là có được quyết định đúng đắn. Đó gọi là đối với bậc Đại sư tâm mới sinh khởi.

Thế nào là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp? Tức kẻ ấy đối với tâm mới sinh khởi chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại bỏ. Đó gọi là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

2. Nếu đối với Chánh pháp dấy khởi nghi hoặc do dự, là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh, đó gọi là loại thứ hai, tức đối với chánh pháp tâm mới sinh khởi, chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

Thế nào là Chánh pháp? Chánh pháp là ái dục đã lìa dứt hết, đạt tịch diệt, đạt Niết-bàn rốt ráo.

Thế nào là đối với chánh pháp dấy khởi nghi hoặc do dự? Nghĩa là đối với các thứ ái dục đã lìa dứt hết, đạt tịch diệt, đạt Niết-bàn rốt ráo, sinh khởi vô số các thứ nghi hoặc do dự. Đó gọi là đối với chánh pháp dấy khởi nghi hoặc do dự.

Thế nào là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh? Nghĩa là nếu đối với chánh pháp sinh khởi các thứ nghi hoặc do dự, thì người ấy đối với việc đoạn trừ phiền não không thể phát khởi để thuận theo tâm, thuận theo ý muốn, thuận theo niềm tin, thuận theo thắng giải, đã thắng giải, sẽ thắng giải. Đó gọi là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh.

Thế nào là loại thứ hai? Nghĩa là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo số thứ tự là thứ hai.

Thế nào là đối với chánh pháp tâm mới sinh khởi? Nghĩa là đối với các thứ ái dục đã lìa dứt hết, đạt tịch diệt, đạt Niết-bàn rốt ráo, sinh khởi vô số các thứ nghi hoặc do dự, thì người ấy nơi tâm mình tự tạo ra sự sinh khởi. Ví như nông phu tuy có ruộng đất tốt, nhưng nếu không chịu cày bừa, trồng trọt, để cho đất khô cứng cằn cỗi, ngay như các loài cỏ dại hãy còn không mọc được huống chi là các mầm lúa. Đối với chánh pháp dấy khởi nghi hoặc do dự cũng lại như thế. Vì các thứ ấy đã che lấp tâm, khiến tâm trở thành khô cứng, tạo sự sinh khởi nhân xấu. Hãy còn không thể khiến tâm có được quyết định tà vạy, huống hồ là có được quyết định đúng đắn. Đó gọi là đối với chánh pháp tâm mới sinh khởi.

Thế nào là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp? Tức kẻ ấy đối với tâm mới sinh khởi chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ. Đó gọi là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

3. Nếu đối với các Học xứ dấy khởi nghi hoặc do dự, là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh, đó gọi là loại thứ ba, tức đối với các Học xứ tâm mới sinh khởi, chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

Thế nào là Học xứ? Nếu chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết đúng, thấy đúng, đã thiết lập các Học xứ. Như nói: “Ta học như thế, Ta học sự việc ấy, nơi lý của pháp thiện không thể chứng đắc. Ta học như thế, Ta học sự việc ấy, nơi lý của pháp thiện tức có thể chứng đắc”.

Thế nào là đối với Học xứ dấy khởi nghi hoặc do dự? Nghĩa là đối với chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã thiết lập Học xứ, sinh khởi vô số nghi hoặc do dự.

Thế nào là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh? Nghĩa là nếu đối với các Học xứ dấy khởi vô số nghi hoặc do dự, thì người này đối với việc đoạn trừ phiền não không thể phát khởi để thuận theo tâm, thuận theo ý muốn, thuận theo niềm tin, thuận theo thắng giải, đã thắng giải, sẽ thắng giải. Đó gọi là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh.

Thế nào là loại thứ ba? Nghĩa là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo số thứ tự là thứ ba.

Thế nào là đối với Học xứ tâm mới sinh khởi? Nghĩa là đối với chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác do chánh tri chánh kiến đã thiết lập Học xứ, dấy khởi vô số nghi hoặc do dự, tức người ấy nơi tâm đã tự tạo sự sinh khởi. Ví như nông phu tuy có ruộng đất tốt, nhưng nếu không chịu cày bừa, trồng trọt, để cho đất khô cứng cằn cỗi, ngay như các loài cỏ dại hãy còn không mọc được huống chi là các mầm lúa. Đối với các Học xứ dấy khởi nghi hoặc do dự cũng lại như thế. Vì điều ấy đã che lấp tâm, khiến tâm trở thành khô cứng, tạo sự sinh khởi nhân xấu. Hãy còn không thể khiến tâm có được quyết định tà vạy, huống hồ là có được quyết định đúng đắn. Đó gọi là đối với Học xứ tâm mới sinh khởi.

Thế nào là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp? Tức kẻ ấy nơi tâm mới sinh khởi chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ. Đó gọi là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

4. Nếu đối với các Giáo pháp dạy khuyên dấy khởi nghi hoặc do dự, là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh, đó gọi là loại thứ tư, tức đối với các giáo pháp dạy khuyên tâm mới sinh khởi, chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

Thế nào là Giáo pháp dạy khuyên? Nghĩa là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác do chánh tri chánh kiến cứ mỗi nửa tháng giảng nói Kinh Giới Biệt Giải Thoát. Đó gọi là giáo pháp dạy khuyên. Như nói: “Ta đã chỉ dạy khuyên bảo như thế, Ta đã khuyên dạy sự việc ấy, nơi lý của pháp thiện không thể chứng đắc. Ta đã chỉ dạy khuyên bảo như thế, Ta đã khuyên dạy sự việc ấy, nơi lý của pháp thiện tức có thể chứng đắc”.

Thế nào là đối với giáo pháp dạy khuyên dấy khởi nghi hoặc do dự? Nghĩa là chư Phật Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cứ mỗi nửa tháng giảng nói Kinh Giới Biệt Giải Thoát, nhưng đối với các giáo pháp ấy lại khởi nghi hoặc do dự. Đó gọi là đối với giáo pháp dạy khuyên dấy khởi nghi hoặc do dự.

Thế nào là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh? Nghĩa là nếu đối với các giáo pháp dạy khuyên kia dấy khởi vô số nghi hoặc do dự, thì người này đối với việc đoạn trừ phiền não không thể phát khởi để thuận theo tâm, thuận theo ý muốn, thuận theo niềm tin, thuận theo thắng giải, đã thắng giải, sẽ thắng giải. Đó gọi là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh.

Thế nào là loại thứ tư? Nghĩa là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo số thứ tự là thứ tư.

Thế nào là đối với giáo pháp dạy khuyên tâm mới sinh khởi? Nghĩa là đối với chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác do chánh tri chánh kiến nên mỗi mỗi nửa tháng giảng nói Kinh Giới Biệt Giải Thoát, lại sinh vô số nghi hoặc do dự, thì ở tâm của người ấy đã tự tạo ra sự sinh khởi. Ví như nông phu tuy có ruộng đất tốt, nhưng nếu không chịu cày bừa, trồng trọt, để cho đất khô cứng cằn cỗi, ngay như các loài cỏ dại hãy còn không mọc được huống chi là các mầm lúa. Đối với các giáo pháp dạy khuyên khởi nghi hoặc do dự cũng lại như thế. Vì các thứ ấy đã che lấp tâm, khiến tâm trở thành khô cứng, tạo sự sinh khởi nhân xấu. Hãy còn không thể khiến tâm có được quyết định tà vạy, huống hồ là có được quyết định đúng đắn. Đó gọi là đối với giáo pháp dạy khuyên tâm mới sinh khởi.

Thế nào là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp? Tức kẻ ấy nơi tâm mới sinh khởi chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ. Đó gọi là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

5. Nếu đối với các vị Bí-sô Thượng tọa thông tuệ, từ lâu đã hội nhập nơi pháp Phật cùng tu phạm hạnh, cho đến được bậc Đại sư, các vị có trí đồng phạm hạnh đều khen ngợi, tán thán, hộ niệm, yêu kính. Nhưng loại hữu tình kia đối với các bậc phạm hạnh, có trí nêu trên lại khởi giận dữ, hủy báng, mạ lỵ, gây não hại, tức là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh. Nếu đã tạo các sự việc như thế, đó gọi là loại thứ năm, tức đối với các bậc có trí, phạm hạnh, tâm mới sinh khởi, chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

Thế nào là Đại sư? Nghĩa là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Thế nào là các vị có trí đồng phạm hạnh? Đó là các Hiền Thánh đệ tử Đức Phật như: Xá Lợi Tử, Đại Thái Thục Thị, Đại Doanh Cấu Thị, Đại Ẩm Quang, Đại Chấp Tạng, Đại Kiếp Phỉ Na, Đại Ca Đa

Diễn Na, Đại Chuẩn Đà, Đại Thiện Kiến, Đại Lộ, Đại Danh, Vô Diệt, Dục Lạc, Kim Tỳ La v.v… Đó gọi là các vị có trí đồng phạm hạnh. Nếu được bậc Đại sư cùng các vị có trí đồng phạm hạnh cùng khen ngợi, tán dương, hộ niệm, yêu kính, đó gọi là các Bí-sô Thượng tọa thông tuệ từ lâu đã hội nhập nơi pháp Phật cùng tu phạm hạnh. Tức những Bí-sô này gọi là các vị có trí tu phạm hạnh.

Thế nào là đối với các vị có trí tu phạm hạnh lại dấy khởi giận dữ, hủy báng, mạ lỵ, gây não hại? Tức kẻ ấy đối với các bậc có trí tu phạm hạnh đã dấy khởi tâm giận dữ, nói ra những lời không tùy thuận, biểu thị sự hủy báng, xúc phạm. Đó gọi là đối với các vị có trí tu phạm hạnh lại dấy khởi giận dữ, hủy báng, mạ lỵ, gây não hại.

Thế nào là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh? Nghĩa là nếu đối với các bậc có trí tu phạm hạnh dấy khởi giận dữ, hủy báng, mạ lỵ, gây não hại, thì người ấy đối với việc đoạn trừ phiền não không thể phát khởi để thuận theo tâm, thuận theo ý muốn, thuận theo niềm tin, thuận theo thắng giải, đã thắng giải, sẽ thắng giải. Đó gọi là không ngộ nhập, không thắng giải, không tin tưởng thanh tịnh.

Thế nào là loại thứ năm? Nghĩa là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp theo số thứ tự là thứ năm.

Thế nào là đối với các bậc có trí, phạm hạnh, tâm mới sinh khởi? Nghĩa là nếu ở chỗ các bậc có trí tu phạm hạnh dấy khởi giận dữ, hủy báng, mạ lỵ, gây não hại, thì tâm người ấy đã tự tạo ra sự sinh khởi. Ví như nông phu tuy có ruộng đất tốt, nhưng nếu không chịu cày bừa, trồng trọt, để cho đất khô cứng cằn cỗi, ngay như các loài cỏ dại hãy còn không mọc được huống chi là các mầm lúa. Đối với các bậc có trí tu phạm hạnh dấy khởi giận dữ, hủy báng, mạ lỵ, gây xúc não cũng lại như thế. Vì điều ấy đã che lấp tâm, khiến tâm trở thành khô cứng, tạo sự sinh khởi nhân xấu. Hãy còn không thể khiến tâm có được quyết định tà vạy, huống hồ là có được quyết định đúng đắn. Đó gọi là đối với các bậc có trí tu phạm hạnh tâm mới sinh khởi.

Thế nào là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp? Tức kẻ ấy đối với tâm mới sinh khởi chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ. Đó gọi là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

*

* Năm tâm bị trói buộc: Cụ thọ nên biết! Những gì là năm?

1. Như có một loại hữu tình đối với thân chưa lìa tham, chưa lìa dục, chưa lìa thân tình, chưa lìa khát ái. Kẻ ấy do đối với thân chưa lìa tham v.v…, nên đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh đoạn trừ hoàn toàn, đạt được tịch tĩnh chứng đắc nghĩa trên, tâm không ngộ nhập, không tin tưởng thanh tịnh, không an trụ, không thắng giải. Nếu đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh v.v…, tâm không ngộ nhập cho đến không thắng giải, đó gọi là loại thứ nhất, tức đối với thân chưa lìa tham v.v… tâm bị trói buộc, chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ.

2. Lại nữa, các Cụ thọ nên biết! Như có một loại hữu tình đối với các cảnh dục chưa lìa tham, chưa lìa dục, chưa lìa thân tình, chưa lìa khát ái. Kẻ ấy do đối với dục chưa lìa tham v.v…, nên đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh đoạn trừ hoàn toàn, đạt được tịch tĩnh chứng đắc nghĩa trên, tâm không ngộ nhập, không tin tưởng thanh tịnh, không an trụ, không thắng giải. Nếu đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh v.v…, tâm không ngộ nhập cho đến không thắng giải, đó gọi là loại thứ hai, tức đối với dục chưa lìa tham v.v… tâm bị trói buộc, chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ.

3. Lại nữa, các Cụ thọ nên biết! Như có một loại hữu tình vui thích cùng với người tại gia, xuất gia sống chung, đối với vui đồng vui, ở nơi khổ đồng khổ, đồng mừng đồng lo, nơi các sự việc đều cùng hưng khởi, hoàn toàn tùy chuyển, không cùng lìa bỏ. Kẻ ấy do vui thích cùng với người tại gia, xuất gia sống chung như thế v.v…, nên đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh, đoạn trừ hoàn toàn, đạt được tịch tĩnh, chứng đắc nghĩa trên, tâm không ngộ nhập, không tin tưởng thanh tịnh, không an trụ, không thắng giải. Nếu đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh v.v…, tâm không ngộ nhập cho đến không thắng giải, đó gọi là loại thứ ba, tức vui thích cùng ở chung nên tâm bị trói buộc, chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ.

4. Lại nữa, các Cụ thọ nên biết! Như có một loại hữu tình đối với các thứ luận chân chánh, là Thánh, trừ diệt hết, có thể hướng tâm lìa bỏ mọi ngăn che, đạt được an lạc. Nghĩa là các Luận về giới, Luận về định, Luận về tuệ, Luận về giải thoát, Luận về giải thoát trí kiến. Hoặc các Luận về thiểu dục, Luận về hỷ túc, Luận về sự tổn giảm, Luận về sự giản lược, Luận về đoạn trừ hoàn toàn, Luận về lìa nhiễm, Luận về tịch diệt, các Luận tùy thuận duyên tánh duyên khởi. Kẻ ấy khi ở nơi nêu giảng các Luận như thế, thì không cung kính lắng nghe, không chú tâm lãnh hội, không trụ nơi việc thọ giáo, tâm không hành pháp theo pháp, vượt bỏ lời dạy của bậc Đại sư, đối với các Học xứ không vui thích thọ học. Kẻ ấy do khi ở nơi nêu giảng các Luận như thế đã không cung kính lắng nghe v.v…, nên đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh, đoạn trừ hoàn toàn, đạt được tịch tĩnh, chứng đắc nghĩa trên, tâm không ngộ nhập, không tin tưởng thanh tịnh, không an trụ, không thắng giải. Nếu đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh v.v…, tâm không ngộ nhập cho đến không thắng giải, đó gọi là loại thứ tư, tức đối với các Luận chân chánh, tâm bị trói buộc, chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ.

5. Lại nữa, các Cụ thọ nên biết! Như có một loại hữu tình mới chứng được chút ít, tuy thời gian về sau đã tạo được các việc thù thắng, nhưng bỏ dở nửa chừng. Kẻ ấy do chứng đắc chút ít, nên đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh, đoạn trừ hoàn toàn, đạt được tịch tĩnh, chứng đắc nghĩa trên, tâm không ngộ nhập, không tin tưởng thanh tịnh, không an trụ, không thắng giải. Nếu đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh v.v…, tâm không ngộ nhập cho đến không thắng giải, đó gọi là loại thứ năm. Về sau có hành tác thù thắng, nhưng tâm bị trói buộc, chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ.

Ở đây:

1. Đối với thân chưa lìa tham, chưa lìa dục, chưa lìa thân tình, chưa lìa khát ái: Nghĩa là do thân tham luyến, khiến tâm bị trói buộc, không được xuất ly, nên nói là đối với thân chưa lìa tham v.v…

Nên đối với pháp gia hạnh tinh tấn dũng mãnh đoạn trừ hoàn toàn, đạt được tịch tĩnh chứng đắc nghĩa trên: Thế nào là nên đối với tinh tấn dũng mãnh? Nghĩa là nếu đối với thân sinh khởi tham luyến, nên ở nơi việc tinh tấn dũng mãnh đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, thế dụng đang gắng sức vượt bậc, tâm được thúc đẩy nối tiếp không gì có thể ngăn cản, đó gọi là tinh tấn dũng mãnh. Kẻ ấy đối với sự việc này đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với tinh tấn dũng mãnh.

Thế nào là nên đối với pháp gia hạnh? Nghĩa là nếu đối với thân sinh khởi tham luyến, nên ở nơi việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, đó gọi là gia hạnh. Kẻ ấy đối với sự việc kia đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với pháp gia hạnh.

Thế nào là nên đối với sự đoạn trừ hoàn toàn? Nghĩa là nếu đối với thân sinh khởi tham luyến, nên ở nơi việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, là tám Thánh đạo, đó gọi là đoạn trừ hoàn toàn. Kẻ ấy đối với sự việc kia đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với sự đoạn trừ hoàn toàn.

Thế nào là nên đối với sự tịch tĩnh? Nghĩa là nếu đối với thân sinh khởi tham luyến, nên ở nơi việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, là trụ nơi phòng thất vắng vẻ, đó gọi là tịch tĩnh. Kẻ ấy đối với sự việc này đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với sự tịch tĩnh.

Thế nào là nên đối với sự chứng đắc nghĩa trên? Nghĩa là nếu đối với thân sinh khởi tham luyến, nên ở nơi việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, là chứng đắc ái dục được lìa dứt hết, đạt Niết-bàn tịch diệt, đó gọi là chứng đắc nghĩa trên. Kẻ ấy đối với sự việc kia đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với sự chứng đắc nghĩa trên.

Tâm không ngộ nhập, không tin tưởng thanh tịnh, không an trụ, không thắng giải: Nghĩa là nếu đối với thân sinh khởi tham luyến, kẻ ấy đối với việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não đã không dấy khởi để thuận theo tâm, thuận theo niềm tin, thuận theo ý muốn, thuận theo thắng giải, đã thắng giải, sẽ thắng giải, do đấy nói: Tâm không ngộ nhập, không tin tưởng thanh tịnh, không an trụ, không thắng giải.

Đó gọi là loại thứ nhất: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp số thứ tự là thứ nhất.

Đối với thân chưa lìa tham v.v… tâm bị trói buộc: Nghĩa là nếu đối với thân sinh khởi tham luyến sâu xa, nên tâm kẻ ấy càng bị trói buộc, trói buộc rất chặt, như bị một người mạnh mẽ dùng dây rất chắc cột trói thật chặt rồi rưới nước vào dây buộc. Kẻ ấy gọi là bị trói buộc rất chặt. Như vậy, nếu đối với thân tham luyến sâu xa thì tâm bị trói buộc rất chặt.

Chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ: Nghĩa là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

2. Đối với các cảnh dục chưa lìa tham v.v… tâm bị trói buộc  v.v…: Nói rộng cũng như thế.

3. Vui thích cùng với người tại gia, xuất gia sống chung: Nghĩa là thường vui thích cùng với người tại gia, xuất gia sinh hoạt tạp loạn.

Đối với vui đồng vui, ở nơi khổ đồng khổ: Nghĩa là đối với sự việc vui cùng nhận vui, đối với sự việc khổ cùng chịu khổ.

Đồng mừng đồng lo: Nghĩa là nơi sự việc vui mừng cùng sinh hoan hỷ. Đối với các sự việc lo lắng cùng khởi sầu lo.

Nơi các sự việc đều cùng hưng khởi, hoàn toàn tùy chuyển, không cùng lìa bỏ: Nghĩa là đối với vô số sự việc đang hành tác đều cùng tương trợ, thân tâm không biếng trễ.

Các việc còn lại: Như trước đã nói.

4. Đối với các thứ luận chân chánh: Thế nào là Luận chân chánh? Nghĩa là dựa vào nẻo xuất ly, xa lìa, đã sinh ra các pháp thiện phát khởi ngữ luận: Nói năng, đề xướng, bình phẩm, nghị luận, hiển bày, biện giải với đủ thứ ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biểu. Đó gọi là Luận chân chánh.

Là Thánh: Có hai loại Thánh, nghĩa là do thiện và do vô lậu. Ở đây, nói Luận do thiện nên là Thánh, không phải do vô lậu.

Trừ diệt hết: Nghĩa là các Luận chân chánh này, trong đêm dài sinh tử, có thể dẫn đến các hạnh thiểu dục, hỷ túc, dễ đầy đủ, dễ nuôi dưỡng, tổn giảm, trừ diệt hết. Công đức của hạnh đầu đà là biết lượng định, sống thanh tịnh, nên gọi là trừ diệt hết.

Có thể hướng tâm lìa bỏ mọi ngăn che, đạt được an lạc: Nay trong nghĩa này nói tâm gọi là tâm. Tức các Luận chân chánh ấy khiến tâm đoạn trừ mọi sự ngăn che, đạt được thanh tịnh an lạc. Do đấy nên nói có thể hướng tâm lìa bỏ mọi ngăn che, đạt được an lạc.

Luận về giới: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về lỗi lầm của sự phạm giới và công đức của việc trì giới, nên gọi là Luận về giới.

Luận về định: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về lỗi lầm của sự tán động và công đức của hành chánh định, nên gọi là Luận về định.

Luận về tuệ: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về lỗi lầm của tuệ ác và công đức của tuệ diệu, nên gọi là Luận về tuệ.

Luận về giải thoát: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về lỗi lầm của giải thoát tà vạy và công đức của giải thoát đích thực, nên gọi là Luận về giải thoát.

Luận về giải thoát trí kiến: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về lỗi lầm của trí sai lạc và công đức của chánh trí, nên gọi là Luận về giải thoát trí kiến.

Luận về thiểu dục: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về tai họa của nhiều dục và công đức của ít dục, nên gọi là Luận về thiểu dục.

Luận về hỷ túc (Biết đủ): Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về tai họa của sự không biết đủ và công đức của sự biết đủ, nên gọi là Luận về hỷ túc.

Luận về sự tổn giảm: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về tai họa của sự tăng trưởng sinh tử và công đức của sự tổn giảm sinh tử, nên gọi là Luận về sự tổn giảm.

Luận về sự giản lược: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về lỗi lầm của nhiều sự việc và công đức của sự việc giản lược, nên gọi là Luận về sự giản lược.

Luận về đoạn trừ hoàn toàn: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về tai họa của các kiết và công đức của hành đoạn trừ kiết, nên gọi là Luận về đoạn trừ hoàn toàn.

Luận về lìa nhiễm: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về tai họa của sự tham nhiễm và công đức của sự lìa nhiễm, nên gọi là Luận về lìa nhiễm.

Luận về tịch diệt: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về tai họa của hữu thân và công đức của sự diệt trừ hữu thân, nên gọi là Luận về tịch diệt.

Luận về tùy thuận duyên tánh duyên khởi: Tức luận chân chánh này có thể hiển bày đúng đắn về việc nêu đặt, kiến lập, tuyên thuyết pháp duyên khởi duyên sinh cùng thiện nhẫn kia, nên gọi là Luận về tùy thuận duyên tánh duyên khởi.

Kẻ ấy khi ở nơi nêu giảng các Luận như thế thì không cung kính lắng nghe, không chú tâm lãnh hội, không trụ nơi việc thọ giáo, tâm không hành pháp theo pháp, vượt bỏ lời dạy của bậc Đại sư, đối với các Học xứ không vui thích thọ học: Nghĩa là đối với các thứ luận chân chánh kia, kẻ ấy đã bị vây buộc, ngăn chận, nên không thể cung kính lắng nghe, lãnh hội.

Nên đối với tinh tấn dũng mãnh: Nghĩa là đối với các luận chân chánh, kẻ ấy đã bị vây buộc, ngăn chận, nên không thể cung kính lắng nghe, lãnh hội v.v…, tức đối với tinh tấn dũng mãnh đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, thế dụng đang gắng sức vượt bậc, tâm được thúc đẩy nối tiếp không gì có thể ngăn cản, đó gọi là tinh tấn dũng mãnh. Kẻ ấy đối với sự việc kia đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với tinh tấn dũng mãnh.

Nên đối với pháp gia hạnh: Nghĩa là đối với các luận chân chánh, kẻ ấy đã bị vây buộc, ngăn chận, nên không thể cung kính lắng nghe, lãnh hội v.v…, tức đối với việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, đó gọi là gia hạnh. Kẻ ấy đối với sự việc kia đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với pháp gia hạnh.

Nên đối với sự đoạn trừ hoàn toàn: Nghĩa là đối với các luận chân chánh, kẻ ấy đã bị vây buộc, ngăn chận, nên không thể cung kính lắng nghe, lãnh hội v.v…, tức đối với việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, là tám Thánh đạo, đó gọi là đoạn trừ hoàn toàn. Kẻ ấy đối với sự việc kia đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với sự đoạn trừ hoàn toàn.

Nên đối với sự tịch tĩnh: Nghĩa là đối với các luận chân chánh, kẻ ấy đã bị vây buộc, ngăn chận, nên không thể cung kính lắng nghe, lãnh hội v.v…, tức đối với việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, là trụ nơi chốn vắng vẻ, đó gọi là tịch tĩnh. Kẻ ấy đối với sự việc này đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với sự tịch tĩnh.

Nên đối với sự chứng đắc nghĩa trên: Nghĩa là đối với các luận chân chánh, kẻ ấy đã bị vây buộc, ngăn chận, nên không thể cung kính lắng nghe, lãnh hội v.v…, tức đối với việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, là chứng đắc ái dục lìa hết, đạt Niết-bàn tịch diệt, đó gọi là chứng đắc nghĩa trên. Kẻ ấy đối với sự việc này đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với sự chứng đắc nghĩa trên.

Tâm không ngộ nhập, không tin tưởng thanh tịnh, không an trụ, không thắng giải: Nghĩa là đối với các luận chân chánh, kẻ ấy đã bị vây buộc, ngăn chận, nên không thể cung kính lắng nghe, lãnh hội v.v…, tức đối với việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, kẻ ấy đã không dấy khởi để thuận theo tâm, thuận theo niềm tin, thuận theo ý muốn, thuận theo thắng giải, đã thắng giải, sẽ thắng giải, do đấy nói: Tâm không ngộ nhập, không tin tưởng thanh tịnh, không an trụ, không thắng giải.

Đó gọi là loại thứ tư: Như trước đã nói.

Tâm bị trói buộc v.v…: Như trước đã nói.

5. Mới chứng được chút ít, tuy thời gian về sau đã tạo được các việc thù thắng, nhưng bỏ dở nửa chừng: Thế nào là mới chứng được chút ít? Tức như có một loại hữu tình chỉ đạt được giới cấm, liền cho là đủ, hoặc cho đến chỉ chứng được phần ít Sinh tử trí thông liền cho là đủ. Như thế đều gọi là mới chứng được chút ít.

Tuy thời gian về sau đã tạo được các việc thù thắng: Tức kẻ ấy chưa thể đoạn trừ hết phiền não, cũng chưa chứng đắc việc đoạn trừ các phiền não, do đấy nên nói: Tuy thời gian về sau đã tạo được các việc thù thắng.

Nhưng bỏ dở nửa chừng: Tức bỏ nẻo hành thiện, biếng trễ phế bỏ sự tinh tấn, do đấy nói là bỏ dở nửa chừng.

Nên đối với tinh tấn dũng mãnh: Nghĩa là nơi cõi này, chưa làm được các việc khó nhọc, chưa đoạn trừ các kiết, nên đối với việc đoạn trừ hoàn toàn các phiền não, là tinh tấn dũng mãnh, thế dụng đang gắng sức vượt bậc, tâm được thúc đẩy nối tiếp không gì có thể ngăn cản, đó gọi là tinh tấn dũng mãnh. Kẻ ấy đối với các sự việc này đã không khởi vui thích mong muốn, do đấy nói: Nên đối với tinh tấn dũng mãnh.

Nên đối với pháp gia hạnh, đoạn trừ hoàn toàn, đạt được tịch tĩnh, chứng đắc nghĩa trên v.v…: Đều căn cứ theo như trước đã nói.

Đó gọi là loại thứ năm: Tức là lần lượt thuận theo thứ lớp nối tiếp số thứ tự là thứ năm.

Về sau có hành tác thù thắng, nhưng tâm bị trói buộc: Nghĩa là ở cõi này chưa làm được các việc khó nhọc, chưa đoạn trừ các kiết, nên tâm bị trói buộc chặt, hết sức chặt, như bị một người mạnh mẽ dùng dây rất chắc cột trói thật chặt rồi rưới nước vào dây buộc. Kẻ ấy gọi là bị trói buộc rất chặt.

Như thế, về sau có hành tác thù thắng: Nghĩa là kẻ ấy nơi cõi này chưa làm được các việc cần gắng sức, chưa đoạn trừ hết các kiết, nên tâm bị trói buộc thật chặt.

Chưa hàng phục, chưa hoàn toàn loại trừ: Nghĩa là chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp.

*

* Năm kiết thuận phần dưới: 1. Kiết dục tham thuận phần dưới. 2. Kiết giận dữ thuận phần dưới. 3. Kiết hữu thân kiến thuận phần dưới. 4. Kiết giới cấm thủ thuận phần dưới. 5. Kiết nghi thuận phần dưới.

1. Kiết dục tham thuận phần dưới: Thế nào là dục tham? Tức đối với cảnh dục có các thứ tham cùng tham, nắm giữ v.v…, nói rộng cho đến là loại tham, sinh ra tham. Đó gọi là dục tham. Kiết thuận phần dưới: Phần dưới nghĩa là cõi Dục, phần trên tức là cõi Sắc và Vô sắc. Do dục tham ấy chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên liền đi đến cõi Dục, sinh vào cõi Dục, kết thành sự sống nơi cõi Dục. Đó gọi là kiết dục tham thuận phần dưới.

2. Kiết giận dữ thuận phần dưới: Thế nào là giận dữ? Tức đối với các hữu tình có ý muốn gây tổn hại v.v…, nói rộng cho đến hiện gây tội lỗi. Đó gọi là giận dữ. Kiết thuận phần dưới: Nói rộng như trước.

3. Kiết hữu thân kiến thuận phần dưới: Thế nào là hữu thân kiến? Tức đối với năm thủ uẩn, theo đấy chấp thấy có ngã và ngã sở, từ đó khởi tuệ quán thấy có thọ nhận, ham muốn. Đó gọi là hữu thân kiến. Kiết thuận phần dưới: Nói rộng như trước.

4. Kiết giới cấm thủ thuận phần dưới: Thế nào là giới cấm thủ? Tức như có một loại hữu tình chấp giữ các giới, cho các giới này có thể được giải thoát, xuất ly thanh tịnh, vượt khỏi nẻo khổ vui cùng có thể chứng được xứ vượt quá khổ vui. Lại có một loại hữu tình chấp giữ nơi điều răn cấm, hoặc chấp giữ cả giới cấm, với kiến chấp như đã nêu ở trên. Đó gọi là giới cấm thủ. Kiết thuận phần dưới: Nói rộng như trước.

5. Kiết nghi thuận phần dưới: Thế nào là nghi? Tức đối với Phật, Pháp, Tăng và bốn đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo sinh khởi nghi hoặc v.v… nói rộng cho đến không phải hiện có một nẻo nào. Đó gọi là kiết nghi. Kiết thuận phần dưới: Phần dưới nghĩa là cõi Dục, phần trên tức là cõi Sắc và Vô sắc. Do nghi ấy chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên liền đi đến cõi Dục, sinh vào cõi Dục, kết thành sự sống nơi cõi Dục. Đó gọi là kiết nghi thuận phần dưới.

*

* Năm kiết thuận phần trên: 1. Kiết sắc tham thuận phần trên. 2. Kiết vô sắc tham thuận phần trên. 3. Kiết trạo cử thuận phần trên. 4. Kiết mạn thuận phần trên. 5. Kiết vô minh thuận phần trên.

1. Kiết sắc tham thuận phần trên: Thế nào là sắc tham? Tức các thứ tham cùng tham hệ thuộc cõi Sắc, là pháp do tu đạo đoạn trừ. Các thứ tham ấy đã được nắm giữ, cất chứa, đắm chấp, tham ái. Đó gọi là sắc tham. Kiết thuận phần trên: Phần dưới nghĩa là cõi Dục, phần trên tức là cõi Sắc và Vô sắc. Do sắc tham ấy chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên liền đi đến cõi Sắc, sinh vào cõi Sắc, kết thành sự sống ở cõi Sắc. Đó gọi là kiết sắc tham thuận phần trên.

2. Kiết vô sắc tham thuận phần trên: Thế nào là vô sắc tham? Tức các thứ tham cùng tham hệ thuộc cõi Vô sắc, là pháp do tu đạo đoạn trừ. Các thứ tham ấy đã được nắm giữ, cất chứa, đắm chấp, tham ái. Đó gọi là vô sắc tham. Kiết thuận phần trên: Phần dưới nghĩa là cõi Dục, phần trên tức là cõi Sắc và Vô sắc. Do vô sắc tham ấy chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên liền đi đến cõi Vô sắc, sinh vào cõi Vô sắc, kết thành sự sống ở cõi Vô sắc. Đó gọi là kiết vô sắc tham thuận phần trên.

3. Kiết trạo cử thuận phần trên: Thế nào là trạo cử? Tức các thứ không tịch tĩnh, hết sức không tịch tĩnh hệ thuộc cõi Sắc và Vô sắc, là pháp do tu đạo đoạn trừ. Các thứ ấy là tánh sinh ra trạo cử, là tánh của tâm loạn động. Đó gọi là trạo cử. Kiết thuận phần trên: Phần dưới nghĩa là cõi Dục, phần trên tức là cõi Sắc và Vô sắc. Do trạo cử ấy chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên liền đi đến cõi Sắc và Vô sắc, sinh vào cõi Sắc và Vô sắc, kết thành sự sống ở cõi Sắc và Vô sắc. Đó gọi là kiết trạo cử thuận phần trên.

4. Kiết mạn thuận phần trên: Thế nào là mạn? Tức các thứ kiêu mạn hệ thuộc cõi Sắc và Vô sắc, là pháp do tu đạo đoạn trừ. Các mạn ấy đã được nắm giữ, dựa cậy, là tánh của tâm cao ngạo, khinh miệt. Đó gọi là mạn. Kiết thuận phần trên: Phần dưới nghĩa là cõi Dục, phần trên tức là cõi Sắc và Vô sắc. Do mạn ấy chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên liền đi đến cõi Sắc và Vô sắc, sinh vào cõi Sắc và Vô sắc, kết thành sự sống ở cõi Sắc và Vô sắc. Đó gọi là kiết mạn thuận phần trên.

5. Kiết vô minh thuận phần trên: Thế nào là vô minh? Tức các thứ ngu si, không trí, tối tăm, không sáng hệ thuộc cõi Sắc và Vô sắc, là pháp do tu đạo đoạn trừ. Đó gọi là vô minh. Kiết thuận phần trên: Phần dưới nghĩa là cõi Dục, phần trên tức là cõi Sắc và Vô sắc. Do vô minh này chưa được đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên liền đi đến cõi Sắc và Vô sắc, sinh vào cõi Sắc và Vô sắc, kết thành sự sống ở cõi Sắc và Vô sắc. Đó gọi là kiết vô minh thuận phần trên.

HẾT – QUYỂN 12