LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 10

Phẩm 5: BỐN PHÁP, phần 5

* Bốn hành ác của lời nói: 1. Nói lời hư dối. 2. Nói lời ly gián. 3. Nói lời thô ác. 4. Nói lời uế tạp.

1. Thế nào là hành ác của nói lời hư dối?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Có kẻ nói lời hư dối: Hoặc ở trước chỗ cần thành thật, hoặc ở giữa đại chúng, hoặc ở trước nhà vua, hoặc ở tại quan tòa, hoặc ở tại nhà bạn thân, vì khiến làm chứng nên có lời hỏi: “Này thiện nam! Ông nên tự nhớ nghĩ! Nếu biết thì nói, không biết thì đừng nói. Nếu thấy thì nói, không thấy thì chớ nên nói”. Người kia khi được hỏi về điều ấy, không biết nói là biết, hoặc biết nói là không biết. Không thấy nói là thấy, hoặc thấy nói là không thấy. Người kia hoặc tự làm, hoặc lại vì người khác, hoặc vì tiền của, quyền lợi, nên tuy biết đúng biết rõ nhưng lại nói lời hư dối, không lìa bỏ nói lời hư dối.

Ở đây:

Có kẻ nói lời hư dối: Nghĩa là kẻ không lìa bỏ lời nói hư dối, kẻ không đoạn trừ lời nói hư dối, kẻ không chán ghét lời nói hư dối, kẻ luôn trụ nơi lời nói hư dối, kẻ đã hoàn thành lời nói hư dối. Đó gọi là có kẻ nói lời hư dối.

Hoặc ở trước chỗ cần thành thật: Nghĩa là như ở chốn thôn xóm cần thành thật. Hoặc ở nơi thành ấp cần thành thật. Hoặc ở nơi các nước lớn nhỏ cần thành thật. Các nơi chốn cần thành thật như thế, hoặc gặp gỡ, hoặc hòa hợp, hoặc hiện tiền. Đó gọi là ở trước chỗ cần thành thật.

Hoặc ở giữa đại chúng: Nghĩa là như trước chúng Sát-đế-lợi, chúng Bà-la-môn, chúng Trưởng giả, hoặc chúng Sa-môn v.v… Các đại chúng như vậy hoặc gặp gỡ, hoặc hòa hợp, hoặc hiện tiền. Đó gọi là hoặc ở giữa đại chúng.

Hoặc ở trước nhà vua: Nghĩa là có quốc vương, các đại thần vây quanh, hoặc gặp gỡ, hoặc hòa hợp, hoặc hiện tiền. Đó gọi là hoặc ở trước nhà vua.

Hoặc ở tại quan tòa: Nghĩa là những người nắm giữ pháp luật tụ tập, thảo luận, hoặc gặp gỡ, hoặc hòa hợp, hoặc hiện tiền. Đó gọi là hoặc ở tại quan tòa.

Hoặc ở tại nhà bạn thân: Nghĩa là các bạn thân tụ tập để bàn luận, hoặc gặp gỡ, hoặc hòa hợp, hoặc hiện tiền. Đó gọi là hoặc ở tại nhà bạn thân.

Vì khiến làm chứng nên có lời hỏi: Nghĩa là khuyên thỉnh người ấy nên nói lời thành thật chắc chắn, nhằm quyết đoán về phải trái nên cùng hỏi kỹ: “Này thiện nam! Ông nên tự nhớ nghĩ! Nếu biết thì nói, không biết thì đừng nói. Nếu thấy thì nói, không thấy thì chớ nên nói”: Nghĩa là khiến nên nhớ nghĩ đúng cảnh vật đã nhận ở trước dựa nơi sự thật mà nói, có thể làm minh chứng nên khuyên bảo: Nếu đối với sự việc ấy, đã thấy đã nghe đã hiểu đã biết thì có thể nêu bày, kiến lập chỉ rõ. Còn nếu đối với sự việc ấy không thấy không nghe không hiểu không biết thì chớ nêu bày, kiến lập sai lầm. Vì thế nên nói: “Này thiện nam! Ông nên tự nhớ nghĩ! Nếu biết thì nói, không biết thì đừng nói. Nếu thấy thì nói, không thấy thì chớ nên nói”.

Người kia khi được hỏi về điều ấy, không biết nói là biết, hoặc biết nói là không biết. Không thấy nói là thấy, hoặc thấy nói là không thấy: Ở đây: Không biết nói là biết: Nghĩa là các điều nhĩ thức nhận được, nhĩ thức hiểu biết được gọi là nghe biết. Thật ra nhĩ thức của người kia chưa nghe, chưa rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự tiếp nhận nghe biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy để nói là tôi đã nghe. Đây cùng gọi là không biết nói là biết.

Hoặc biết nói là không biết: Nghĩa là nhĩ thức của người đó đã nhận lấy, đã hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự tiếp nhận nghe biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy để nói là tôi không nghe. Đây cùng gọi là hoặc biết nói là không biết.

Không thấy nói là thấy: Nghĩa là các điều nhãn thức nhận được, nhãn thức hiểu biết được gọi là thấy biết. Thật ra nhãn thức của người kia chưa thấy, chưa rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự tiếp nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy để nói là tôi đã thấy. Như thế gọi là không thấy nói là thấy.

Hoặc thấy nói là không thấy: Nghĩa là nhãn thức của người đó đã nhận lấy, đã hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự tiếp nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy để nói là tôi không thấy. Như thế gọi là hoặc thấy nói là không thấy.

Người kia hoặc tự làm, hoặc lại vì người khác, hoặc vì tiền của, quyền lợi, nên tuy biết đúng biết rõ nhưng lại nói lời hư dối: Ở đây: Người kia hoặc tự làm: Như có một loại người tự hành trộm cướp và bị bắt giải lên vua. Vua đích thân tra hỏi: “Này gã kia! Chính ngươi đã trộm cướp những vật này phải không?”. Người ấy nghĩ thầm: “Ta nếu thưa thật thì vua nhất định giận dữ, phạt tội nặng, hoặc bị đánh đập, cùm trói, hoặc bị đuổi ra khỏi nước, hoặc bị tịch thu tài sản, hoặc lại bị giết chết. Thế ta nên phải tự che giấu, che giấu tất cả, phải nên nói dối mới mong tránh khỏi hình phạt”. Nghĩ như thế rồi, liền tâu vua: “Con đối với các vật đó từng không trộm cướp. Mong đại vương sáng suốt thấu soi, con thật sự không phải là kẻ trộm”. Như vậy gọi là người kia hoặc tự làm.

Hoặc lại vì người khác: Như có một loại bạn thân làm việc trộm cướp bị bắt giải lên vua. Vua đích thân tra hỏi nhưng không tìm ra sự thật. Vì muốn có chứng cớ nên vua sai người gọi kẻ kia đến hỏi: “Bạn thân của ngươi thật sự đã làm việc trộm cướp chăng?”. Người kia nghĩ thầm: “Ta nếu thưa thật thì nhà vua nhất định giận dữ, khiến bạn ta phải chịu hình phạt nặng, hoặc bị đánh đập, cùm trói, hoặc bị đuổi ra khỏi nước, hoặc bị tịch thu tài sản, hoặc lại bị giết chết. Thế ta hãy vì bạn thân nên che giấu, che giấu tất cả, phải nên nói dối mới mong tránh khỏi hình phạt”. Nghĩ như thế rồi, liền tâu vua: “Bạn thân của con đối với các thứ tài sản vật dụng ấy từng không trộm cướp. Mong đại vương sáng suốt thấu soi, anh ấy thật sự không phải là kẻ giặc”. Như vậy gọi là hoặc lại vì người khác.

Hoặc vì tiền của, quyền lợi: Như có một loại người tâm mang tham dục, tự nghĩ: “Ta nên bày đặt những cách thức nói lời hư dối nhằm có được các thứ cảnh giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc rất đáng yêu thích. Lại, các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, cùng tiền của, vật dụng khác”. Suy nghĩ như thế rồi liền ra sức tìm kiếm. Do nhân duyên ấy nên nói lời hư dối. Như vậy gọi là hoặc vì tiền của, quyền lợi.

Biết đúng biết rõ nhưng lại nói lời hư dối: Nghĩa là xét quyết đoán xong, nhưng thường xuyên nêu bày, diễn nói, biểu thị bằng lời nói hư dối. Đó gọi là biết đúng biết rõ nhưng lại nói lời hư dối.

Không lìa bỏ nói lời hư dối: Nghĩa là đối với tâm ác, tâm bất thiện đã khởi, đối với hành ác, hành bất thiện đã gồm thâu lời nói hư dối, nhưng không lìa, không đoạn, không chán, không dứt. Ngôn ngữ như thế cứ xướng lên, luận bàn với đủ thứ ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biểu. Đó gọi là hành ác của nói lời hư dối.

2. Thế nào là hành ác của nói lời ly gián?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Có kẻ nói lời ly gián, tức là nghe lời nói của người này hướng tới người kia nói để phá hoại người này. Lại nghe lời nói của người kia hướng tới người này nói để phá hoại người kia. Các người hòa hợp thì khiến chống trái, xa lìa. Những người đã trái lìa thì khiến vĩnh viễn cách biệt. Nhiều kẻ ưa thích ly gián, nói lời ly gián, không lìa bỏ nói lời ly gián.

Ở đây:

Có kẻ nói lời ly gián: Nghĩa là kẻ không lìa bỏ lời nói ly gián, kẻ không đoạn trừ lời nói ly gián, kẻ không chán ghét lời nói ly gián, kẻ luôn trụ nơi lời nói ly gián, kẻ đã hoàn thành lời nói ly gián. Đó gọi là có kẻ nói lời ly gián.

Nghe lời nói của người này hướng tới người kia nói để phá hoại người này: Nghĩa là nghe người này nói những lời thuận theo sự phá hoại, không chắc thật, không thâu giữ, không vui mừng, liền đem nói với người kia, khiến người kia nghe rồi liền đối với xứ này chống trái đối nghịch. Đó gọi là nghe lời nói của người này hướng tới người kia nói để phá hoại người này.

Nghe lời nói của người kia hướng tới người này nói để phá hoại người kia: Nghĩa là nghe người kia nói những lời thuận theo sự phá hoại, không chắc thật, không thâu giữ, không vui mừng, liền đem nói với người này, khiến người này nghe rồi liền đối với xứ kia chống trái đối nghịch. Đó gọi là nghe lời nói của người kia hướng tới người này nói để phá hoại người kia.

Các người hòa hợp thì khiến chống trái, xa lìa: Nghĩa là đi đến chỗ người này người kia, lần lượt đều hòa hợp, tùy thuận vui thích không tranh chấp, lại tìm phương tiện để phá hoại, khiến họ trái lìa nhau. Đó gọi là các người hòa hợp thì khiến chống trái, xa lìa.

Những người đã trái lìa thì khiến vĩnh viễn cách biệt: Nghĩa là đi đến chỗ người này người kia đã cùng chống trái, đối nghịch, nói lời như vầy: Tốt lắm! Các ông đã có thể lần lượt chống trái, đối nghịch. Vì sao? Vì các ông nơi đêm dài sinh tử lại cùng hủy báng nhau. Lời nói không đủ tín, không đủ giới, văn, xả, tuệ, nên trái lìa nhau luôn là tốt nhất. Những kẻ đây kia nghe rồi thì càng thêm chống trái, đối nghịch. Đó gọi là những người đã trái lìa thì khiến vĩnh viễn cách biệt.

Ưa thích ly gián: Nghĩa là đối với đây kia đã trái lìa, đối nghịch, lại càng sinh vui thích hơn nữa, nên không chán, không bỏ. Đó gọi là ưa thích ly gián.

Nói lời ly gián: Nghĩa là luôn nêu bày, diễn nói, biểu thị bằng mọi ngôn ngữ ly gián. Đó gọi là nói lời ly gián.

Không lìa bỏ nói lời ly gián: Nghĩa là đối với tâm ác, tâm bất thiện đã khởi, đối với hành ác, hành bất thiện đã gồm thâu lời nói ly gián, nhưng không lìa, không đoạn, không chán, không dứt. Ngôn ngữ như thế xứ xướng lên, luận bàn với đủ thứ ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biểu. Đó gọi là hành ác của nói lời ly gián.

3. Thế nào là hành ác của nói lời thô ác?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Có kẻ nói lời thô ác, tức là khi kẻ ấy phát ngôn có thể gây sầu não, gây bứt rứt khó chịu, khiến người khác phải khổ sở, phải giận dữ. Chúng sinh không yêu, không thích, không vui, không mừng, khiến tâm nhiễu loạn, có thể gây chướng ngại cho việc tu tập thiền định, vì luôn nói lời thô ác, không lìa bỏ nói lời thô ác.

Ở đây:

Có kẻ nói lời thô ác: Nghĩa là kẻ không lìa bỏ lời nói thô ác, kẻ không đoạn trừ lời nói thô ác, kẻ không chán ghét lời nói thô ác, kẻ luôn trụ nơi lời nói thô ác, kẻ đã hoàn thành lời nói thô ác. Đó gọi là có kẻ nói lời thô ác.

Khi kẻ ấy phát ngôn có thể gây sầu não: Nghĩa là những lời nói ra đều thô bỉ, cấu uế, hung dữ.

Gây bứt rứt khó chịu: Nghĩa là những lời nói ra không linh hoạt, dịu dàng, cũng không thuận hợp.

Khiến người khác phải khổ sở: Nghĩa là những lời nói ra khiến người nghe không có lợi ích, vui vẻ.

Khiến người khác phải giận dữ: Nghĩa là những lời nói ra trước hết tự mình đã tức giận, sầu não, lo buồn, lại cũng khiến người khác tức giận, sầu não, lo buồn.

Chúng sinh không yêu, không thích, không vui, không mừng: Nghĩa là những lời nói ra khiến nhiều hữu tình đều không yêu, không thích, không vui, không mừng.

Khiến tâm nhiễu loạn: Nghĩa là những lời nói ra khiến tâm xáo động, đục loạn, không được an định.

Có thể gây chướng ngại cho việc tu tập thiền định: Nghĩa là những lời nói ra khiến người khác nghe rồi thì tâm trí loạn động, không được yên tịnh.

Nói lời thô ác: Nghĩa là thường nêu bày, diễn nói, biểu thị ngôn ngữ thô ác.

Không lìa bỏ nói lời thô ác: Nghĩa là đối với tâm ác, tâm bất thiện đã khởi, đối với hành ác, hành bất thiện đã gồm thâu lời nói thô ác, nhưng không lìa, không đoạn, không chán, không dứt. Ngôn ngữ như thế cứ xướng lên, luận bàn với đủ thứ ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biểu. Đó gọi là hành ác của nói lời thô ác.

4. Thế nào là hành ác của nói lời uế tạp?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Có kẻ nói lời uế tạp, tức là lời nói không đúng lúc, lời nói không đúng sự thật, lời nói không chân chánh, lời nói không đúng pháp, lời nói không nghĩa lý, lời nói không tịch tĩnh, lời nói không thí dụ, không giải thích, không tương ưng, không cùng gần gũi, chỉ tạp loạn, không phép tắc, có thể dẫn đến vô nghĩa, vì nói lời uế tạp, không lìa bỏ nói lời uế tạp.

Ở đây:

Có kẻ nói lời uế tạp: Nghĩa là kẻ không lìa bỏ lời nói uế tạp, kẻ không đoạn trừ lời nói uế tạp, kẻ không chán ghét lời nói uế tạp, kẻ luôn trụ nơi lời nói uế tạp, kẻ đã hoàn thành lời nói uế tạp. Đó gọi là có kẻ nói lời uế tạp.

Lời nói không đúng lúc: Nghĩa là những lời nói ra là trái thời không đúng lúc, không phải tiết, không đúng tiết, không phải phần, không đúng phần.

Lời nói không đúng sự thật: Nghĩa là những lời nói ra không thành thật, không đúng sự thật.

Lời nói không chân chánh: Nghĩa là những lời nói ra là hư vọng, đổi khác.

Lời nói không đúng pháp: Nghĩa là những lời nói ra được nêu rõ, hiển bày, biểu thị, mở dẫn toàn là những việc phi pháp.

Lời nói không đúng lý: Nghĩa là những lời nói ra cũng như trên, toàn là sự việc vô nghĩa.

Lời nói không tịch tĩnh: Nghĩa là những lời nói ra thường xuyên là nêu bày các thứ ồn ào, tạp loạn.

Lời nói không thí dụ: Nghĩa là những lời nói ra đều không có thí dụ.

Không giải thích: Nghĩa là các lời nói ra không có giải thích.

Không tương ưng: Nghĩa là các lời nói ra nghĩa không ứng hợp với văn, văn không ứng hợp với nghĩa.

Không cùng gần gũi: Nghĩa là các lời nói ra trước sau không tương tục, hoặc ý nghĩa có khác.

Chỉ tạp loạn: Nghĩa là các lời nói ra đều bất nhất, không định. Nếu những lời nói ra thuần nhất, quyết định, thì gọi là lời nói không tạp loạn.

Không phép tắc: Nghĩa là các lời nói ra vượt ngoài khuôn khổ của Tố-đát-lãm, Tỳ-nại-da, A-tỳ-đạt-ma.

Có thể dẫn đến vô nghĩa: Nghĩa là các lời nói ra có thể dẫn đến vô số những sự việc không có lợi ích.

Nói lời uế tạp: Nghĩa là thường nêu bày, diễn nói, biểu thị những ngôn ngữ uế tạp.

Không lìa bỏ nói lời uế tạp: Nghĩa là đối với tâm ác, tâm bất thiện đã khởi, đối với hành ác, hành bất thiện đã gồm thâu lời nói uế tạp, nhưng không lìa, không đoạn, không chán, không dứt. Ngôn ngữ như thế cứ xướng lên, luận bàn với đủ thứ ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biểu. Đó gọi là hành ác của nói lời uế tạp.

*

* Bốn hành diệu của lời nói: 1. Lìa nói lời hư dối. 2. Lìa nói lời ly gián. 3. Lìa nói lời thô ác. 4. Lìa nói lời uế tạp.

1. Thế nào là hành diệu lìa nói lời hư dối?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời hư dối: Nghĩa là nói lời đúng thật, nói lời vui thích sự thật, có thể tin, có thể giữ, có thể trụ nơi thế gian không tranh chấp. Nói những lời như thế là lìa bỏ nói lời hư dối.

Ở đây:

Có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời hư dối: Nghĩa là người đã đoạn trừ, lìa bỏ, chán ghét nói lời hư dối, người đã an trụ nơi sự việc lìa bỏ nói lời hư dối, thành tựu sự việc lìa bỏ nói lời hư dối. Đó gọi là có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời hư dối.

Nói lời đúng thật: Nghĩa là những lời nói ra là thật, không phải là không thật, là chân chánh, không phải là không chân chánh, không hư vọng, không đổi khác. Đó gọi là nói lời đúng thật.

Vui thích sự thật: Nghĩa là vui thích nói lời đúng thật, yêu mến nói lời đúng thật, không chán không bỏ. Đó gọi là vui thích sự thật.

Có thể tin, có thể giữ, có thể trụ nơi thế gian không tranh chấp: Nghĩa là do lời nói đúng thật, nên hoặc là chư Thiên, Ma, Phạm, Samôn, Bà-la-môn, hoặc các hàng trời, người, chúng sinh khác nơi thế gian đều cùng tin giữ, an trụ không tranh cãi.

Nói những lời như thế: Nghĩa là luôn nêu bày, diễn nói, biểu thị lời nói không hư dối.

Lìa bỏ nói lời hư dối: Nghĩa là đối với tâm thiện, tâm điều thuận đã khởi, đối với hành thiện, hành điều thuận đã gồm thâu sự việc lìa bỏ nói lời hư dối, nên không còn sự việc “không lìa không đoạn, không chán không dứt”. Ngôn ngữ như thế để nêu xướng, luận bàn với đủ thứ ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biều. Đó gọi là hành diệu lìa nói lời hư dối.

2. Thế nào là hành diệu lìa nói lời ly gián?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời ly gián: Nghĩa là không muốn phá hoại, nên không nghe lời người này hướng tới người kia nói để phá hoại người này. Không nghe lời người kia hướng tới người này nói để phá hoại người kia. Những người chống trái lìa nhau thì khiến họ hòa hợp. Những người đã hòa hợp thì khiến vĩnh viễn bền chắc, yêu thích hòa hợp.

Nói những lời như thế là lìa bỏ nói lời ly gián.

Ở đây:

Có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời ly gián: Nghĩa là người đã đoạn trừ, lìa bỏ, chán ghét nói lời ly gián, người đã an trụ nơi sự việc lìa bỏ nói lời ly gián, thành tựu sự việc lìa bỏ nói lời ly gián. Đó gọi là có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời ly gián.

Không muốn phá hoại: Nghĩa là muốn hòa hợp.

Không nghe lời người này hướng tới người kia nói để phá hoại người này: Nghĩa là khi nghe người này nói những lời hợp với sự phá hoại, hợp với sự không chắc thật, hợp với sự không thâu giữ, hợp với sự không vui v.v…, tức không hướng tới người kia nói, chớ nên để người kia nghe rồi nhân đấy sinh đối nghịch chống trái. Đó gọi là không nghe lời người này hướng tới người kia nói để phá hoại người này.

Không nghe lời người kia hướng tới người này nói để phá hoại người kia: Nghĩa là khi nghe người kia nói những lời hợp với sự phá hoại, hợp với sự không chắc thật, hợp với sự không thâu giữ, hợp với sự không vui v.v…, tức không hướng tới người này nói, chớ nên để người này nghe rồi nhân đấy sinh đối nghịch chống trái. Đó gọi là không nghe lời người kia hướng tới người này nói để phá hoại người kia.

Những người chống trái lìa nhau thì khiến họ hòa hợp: Nghĩa là đi đến chỗ người này, người kia đang đối nghịch chống trái nhau, gắng tìm các phương tiện khiến họ hòa thuận, lại cùng yêu mến, vui thích. Đó gọi là những người chống trái lìa nhau thì khiến họ hòa hợp.

Những người đã hòa hợp thì khiến vĩnh viễn bền chắc: Nghĩa là đi đến hai bên, lần lượt hòa hợp, tùy thuận tạo vui thích, không tranh cãi. Nói lời như vầy: Lành thay! Các vị đã có thể cùng hòa hợp, tùy thuận vui thích, không cùng tranh cãi, chống đối. Vì sao? Vì các vị trong đêm dài sinh tử lại cùng khen ngợi. Lời nói có đủ tin tưởng thanh tịnh, có đủ giới, văn, xả, tuệ, nên không còn trái chống, là hết sức tốt đẹp. Hai bên nghe xong cùng trở nên hòa hợp, tùy thuận vui thích, lìa bỏ hết mọi thứ tranh, chống. Đó gọi là những người đã hòa hợp thì khiến vĩnh viễn bền chắc.

Yêu thích hòa hợp: Nghĩa là đối với hai bên đã hòa thuận, vui thích không tranh cãi thì sinh tâm hết sức yêu thích, không chán, không bỏ. Đó gọi là yêu thích hòa hợp.

Nói những lời như thế: Nghĩa là luôn nêu bày, diễn nói, biểu thị lời nói không ly gián.

Lìa bỏ nói lời ly gián: Nghĩa là đối với tâm thiện, tâm điều thuận đã khởi, đối với hành thiện, hành điều thuận đã gồm thâu sự việc lìa bỏ nói lời ly gián, nên không còn sự việc “không lìa không đoạn, không chán không dứt”. Ngôn ngữ như thế để nêu xướng, luận bàn với đủ thứ ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biểu. Đó gọi là hành diệu lìa nói lời ly gián.

3. Thế nào là hành diệu lìa nói lời thô ác?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời thô ác: Nghĩa là người ấy khi lên tiếng nói ra không có lỗi lầm, vui tai, hợp tâm ý, cao xa, hơn hẳn, hay đẹp, sáng rõ, dễ hiểu, ưa thích nghe, đáng chuộng, không nương dựa. Chúng sinh đều yêu mến, vui mừng, khiến tâm không loạn, có thể thuận hợp với việc tu tập thiền định. Nói những lời như thế là lìa bỏ nói lời thô ác.

Ở đây:

Có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời thô ác: Nghĩa là người đã đoạn trừ, lìa bỏ, chán ghét nói lời thô ác, người đã an trụ nơi sự việc lìa bỏ nói lời thô ác, thành tựu sự việc lìa bỏ nói lời thô ác. Đó gọi là có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời thô ác.

Người ấy khi lên tiếng nói ra không có lỗi lầm: Nghĩa là những lời nói ra không quanh co, uế đục, cũng không bướng bỉnh, cứng rắn. Đó gọi là không lỗi lầm.

Vui tai: Nghĩa là những lời nói ra có thể khiến người nghe đạt được lợi ích, an lạc. Đó gọi là vui tai.

Hợp tâm ý: Nghĩa là những lời nói ra khiến tâm trí lìa khỏi mọi thứ ngăn che cùng các tùy phiền não, trụ vào nơi an ổn. Đó gọi là hợp tâm ý.

Cao xa, hơn hẳn: Nghĩa là lời nói nơi thành quách, cung điện. Như người ở trong cung thành nói ra thì có giá trị hơn, tôn quý hơn, đặc biệt hơn lời nói của những người trong các thành ấp khác, nên gọi là cao xa, hơn hẳn. Lìa bỏ nói lời thô ác cũng lại như thế. Vì đối với những lời nói khác, nó là hơn hết, là thượng diệu, thù thắng. Đó gọi là cao xa, hơn hẳn.

Hay đẹp: Nghĩa là lời nói không lược không kín, không ẩn không hiển. Đó gọi là lời nói hay đẹp.

Sáng rõ: Nghĩa là những lời nói ra không gấp, không hoãn.

Dễ hiểu: Nghĩa là những lời nói ra giản dị, có thể nhận biết rõ.

Ưa thích nghe: Nghĩa là những lời nói ra đều dịu dàng, lưu loát, điều thuận.

Đáng chuộng: Nghĩa là những lời nói ra đều đáng nên cúng dường.

Không nương dựa: Nghĩa là những lời nói ra không mong cầu danh lợi.

Chúng sinh đều yêu mến, vui mừng: Nghĩa là những lời nói ra đều khiến đông đảo người nghe đều vui mừng yêu mến.

Khiến tâm không loạn: Nghĩa là những lời nói ra khiến tâm được yên định, không xáo động, cũng không nhiễu loạn vẩn đục.

Có thể thuận hợp với việc tu tập thiền định: Nghĩa là những lời nói ra khiến người khác nghe tâm luôn được yên định như vừa nêu. Đó gọi là có thể thuận hợp với việc tu tập thiền định.

Nói những lời như thế: Nghĩa là luôn nêu bày, diễn nói, biểu thị lời nói không thô ác.

Lìa bỏ nói lời thô ác: Nghĩa là đối với tâm thiện, tâm điều thuận đã khởi, đối với hành thiện, hành điều thuận đã gồm thâu sự việc lìa bỏ nói lời thô ác, nên không còn sự việc “không lìa không đoạn, không chán không dứt”. Ngôn ngữ như thế để nêu xướng, luận bàn, với đủ thứ ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biểu. Đó gọi là hành diệu lìa nói lời thô ác.

4. Thế nào là hành diệu lìa nói lời uế tạp?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời uế tạp: Nghĩa là người ấy nói có lúc, nói đúng thật, nói chân chánh, nói đúng pháp, nói đúng nghĩa, nói tịch, nói tĩnh, có thí dụ, có giải thích, tương ưng, cùng gần gũi, không tạp loạn, có pháp, có thể dẫn đến nghĩa lợi. Nói những lời như thế là lìa bỏ nói lời uế tạp.

Ở đây:

Có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời uế tạp: Nghĩa là người đã đoạn trừ, lìa bỏ, chán ghét nói lời uế tạp, người đã an trụ nơi sự việc lìa bỏ nói lời uế tạp, thành tựu sự việc lìa bỏ nói lời uế tạp. Đó gọi là có người đã đoạn trừ, lìa bỏ nói lời uế tạp.

Người ấy nói có lúc: Nghĩa là những lời nói nói ra là đúng thời, lìa phi thời, đúng tiết, lìa phi tiết, đúng phần, lìa phi phần.

Nói đúng thật: Nghĩa là những lời nói ra là đúng thật, lìa không đúng thật.

Nói chân chánh: Nghĩa là những lời nói ra không hư vọng, không biến dị.

Nói đúng pháp: Nghĩa là những lời nói ra được nêu rõ, diễn giảng biểu thị mở rộng v.v…, thuần là như pháp.

Nói đúng nghĩa: Nghĩa là những lời nói ra được nêu rõ, diễn giảng biểu thị mở rộng v.v…, thuần là những điều có nghĩa lý.

Nói tịch: Nghĩa là những lời nói ra do các bậc trí đã tư duy từ trước mới nói, không phải đột nhiên nói.

Nói tĩnh: Nghĩa là những lời nói ra không phải là nêu xướng, chỉ bảo ồn ào, huyên náo.

Có thí dụ, có giải thích: Tức những lời nói ra có thí dụ, có giải thích.

Tương ưng: Nghĩa là những lời nói ra nghĩa hợp với văn, văn ứng với nghĩa.

Cùng gần gũi: Tức những lời nói ra trước sau nối tiếp, nhất quán, ý nghĩa không khác.

Không tạp loạn: Tức những lời nói ra là thuần nhất, quyết định, gọi là không tạp loạn. Nếu những lời nói ra bất nhất, không quyết định, thì gọi là tạp loạn.

Có pháp: Nghĩa là những lời nói ra không vượt ngoài phạm vi của Tố-đát-lãm, Tỳ-nại-da và A-tỳ-đạt-ma v.v…

Có thể dẫn đến nghĩa lợi: Tức những lời nói ra có thể dẫn đến vô số sự việc lợi ích.

Nói những lời như thế: Nghĩa là luôn nêu bày, diễn nói, biểu thị lời lời không uế tạp.

Lìa bỏ nói lời uế tạp: Nghĩa là đối với tâm thiện, tâm điều thuận đã khởi, đối với hành thiện, hành điều thuận đã gồm thâu sự việc lìa bỏ nói lời uế tạp, nên không còn sự việc “không lìa không đoạn, không chán không dứt”. Ngôn ngữ như thế để nêu xướng, luận bàn, với đủ thứ ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biểu. Đó gọi là hành diệu lìa nói lời uế tạp.

*

* Bốn thứ không phải là Thánh ngôn: 1. Không thấy nói thấy. 2. Không nghe nói nghe. 3. Không hiểu nói hiểu. 4. Không biết nói biết.

1. Thế nào là không thấy nói thấy, không phải là Thánh ngôn?

Đáp: Khi nhãn thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là thấy. Nhưng có khi nhãn thức thật sự chưa tiếp nhận, chưa hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã thấy. Như thế gọi là không thấy nói thấy, không phải là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là đã thấy, nhưng khởi tưởng không thấy, lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã thấy. Trường hợp này tuy gọi không phải là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Không thấy nói thấy”, vì thật sự người đó đã thấy.

2. Thế nào là không nghe nói nghe, không phải là Thánh ngôn?

Đáp: Khi nhĩ thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là nghe. Nhưng có khi nhĩ thức thật sự chưa tiếp nhận, chưa hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã nghe. Như thế gọi là không nghe nói nghe, không phải là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là đã nghe, nhưng khởi tưởng không nghe, lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã nghe. Trường hợp này tuy gọi không phải là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Không nghe nói nghe”, vì thật sự người đó đã nghe.

3. Thế nào là không hiểu nói hiểu, không phải là Thánh ngôn?

Đáp: Khi ba thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là hiểu. Nhưng có khi ba thức thật sự chưa tiếp nhận, chưa hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã hiểu. Như thế gọi là không hiểu nói hiểu, không phải là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là đã hiểu, nhưng khởi tưởng không hiểu, lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã hiểu. Trường hợp này tuy gọi không phải là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Không hiểu nói hiểu”, vì thật sự người đó đã hiểu.

4. Thế nào là không biết nói biết, không phải là Thánh ngôn?

Đáp: Khi ý thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là biết. Nhưng có khi ý thức thật sự chưa tiếp nhận, chưa hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã biết. Như thế gọi là không biết nói biết, không phải là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là đã biết, nhưng khởi tưởng không biết, lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã biết. Trường hợp này tuy gọi không phải là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Không biết nói biết”, vì thật sự người đó đã biết.

*

* Bốn thứ Thánh ngôn: 1. Không thấy nói không thấy. 2. Không nghe nói không nghe. 3. Không hiểu nói không hiểu. 4. Không biết nói không biết.

1. Thế nào là không thấy nói không thấy, là Thánh ngôn?

Đáp: Khi nhãn thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là thấy. Nhưng có khi nhãn thức thật sự chưa tiếp nhận, chưa hiểu rõ, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không thấy. Như thế gọi là không thấy nói không thấy, là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là đã thấy, nhưng lại khởi tưởng không thấy, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không thấy. Như thế tuy gọi là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Không thấy nói không thấy”, vì thật sự người đó đã thấy.

2. Thế nào là không nghe nói không nghe, là Thánh ngôn?

Đáp: Khi nhĩ thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là nghe. Nhưng có khi nhĩ thức thật sự chưa tiếp nhận, chưa hiểu rõ, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không nghe. Như thế gọi là không nghe nói không nghe, là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là đã nghe, nhưng lại khởi tưởng không nghe, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không nghe. Như thế tuy gọi là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Không nghe nói không nghe”, vì thật sự người đó đã nghe.

3. Thế nào là không hiểu nói không hiểu, là Thánh ngôn?

Đáp: Khi ba thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là hiểu. Nhưng có khi ba thức thật sự chưa tiếp nhận, chưa hiểu rõ, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không hiểu. Như thế gọi là không hiểu nói không hiểu, là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là đã hiểu, nhưng lại khởi tưởng không hiểu, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không hiểu.

Như thế tuy gọi là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Không hiểu nói không hiểu” vì thật sự người đó đã hiểu.

4. Thế nào là không biết nói không biết, là Thánh ngôn?

Đáp: Khi ý thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là biết. Nhưng có khi ý thức thật sự chưa tiếp nhận, chưa hiểu rõ, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không biết. Như thế gọi là không biết nói không biết, là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là đã biết, nhưng lại khởi tưởng không biết, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không biết. Như thế tuy gọi là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Không biết nói không biết”, vì thật sự người đó đã biết.

*

* Lại có bốn thứ không phải là Thánh ngôn: 1. Thấy nói không thấy. 2. Nghe nói không nghe. 3. Hiểu nói không hiểu. 4. Biết nói không biết.

1. Thế nào là thấy nói không thấy, không phải là Thánh ngôn?

Đáp: Khi nhãn thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là thấy. Nhưng có khi nhãn thức thật sự là đã tiếp nhận, đã hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không thấy. Như thế gọi là thấy nói không thấy, không phải là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là không thấy, nhưng lại khởi tưởng thấy, người này che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không thấy. Như thế tuy gọi không phải là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Thấy nói không thấy”, vì thật sự người đó không thấy.

2. Thế nào là nghe nói không nghe, không phải là Thánh ngôn?

Đáp: Khi nhĩ thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là nghe. Nhưng có khi nhĩ thức thật sự là đã tiếp nhận, đã hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không nghe. Như thế gọi là nghe nói không nghe, không phải là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là không nghe, nhưng lại khởi tưởng nghe, người này che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không nghe. Như thế tuy gọi không phải là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Nghe nói không nghe”, vì thật sự người đó không nghe.

3. Thế nào là hiểu nói không hiểu, không phải là Thánh ngôn?

Đáp: Khi ba thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là hiểu. Nhưng có khi ba thức thật sự là đã tiếp nhận, đã hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không hiểu. Như thế gọi là hiểu nói không hiểu, không phải là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là không hiểu, nhưng lại khởi tưởng hiểu, người này che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không hiểu. Như thế tuy gọi không phải là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Hiểu nói không hiểu”, vì thật sự người đó không hiểu.

4. Thế nào là biết nói không biết, không phải là Thánh ngôn?

Đáp: Khi ý thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là biết. Nhưng có khi ý thức thật sự là đã tiếp nhận, đã hiểu rõ, nhưng lại che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không biết. Như thế gọi là biết nói không biết, không phải là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là không biết, nhưng lại khởi tưởng biết, người này che giấu ý tưởng ấy, che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không biết. Như thế tuy gọi không phải là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Biết nói không biết”, vì thật sự người đó không biết.

*

* Lại có bốn Thánh ngôn: 1. Thấy nói là thấy. 2. Nghe nói là nghe. 3. Hiểu nói là hiểu. 4. Biết nói là biết.

1. Thế nào là thấy nói là thấy, là Thánh ngôn?

Đáp: Khi nhãn thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là thấy. Nhưng có khi nhãn thức thật sự là đã tiếp nhận, đã hiểu rõ, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã thấy. Như thế gọi là thấy nói là thấy, là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là không thấy, nhưng lại khởi tưởng đã thấy, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không thấy. Như thế tuy gọi là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Thấy nói là thấy”, vì thật sự người đó không thấy.

2. Thế nào là nghe nói là nghe, là Thánh ngôn?

Đáp: Khi nhĩ thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là nghe. Nhưng có khi nhĩ thức thật sự là đã tiếp nhận, đã hiểu rõ, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã nghe. Như thế gọi là nghe nói là nghe, là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là không nghe, nhưng lại khởi tưởng đã nghe, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không nghe.

Như thế tuy gọi là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Nghe nói là nghe”, vì thật sự người đó không nghe.

3. Thế nào là hiểu nói là hiểu, là Thánh ngôn?

Đáp: Khi ba thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là hiểu. Nhưng có khi ba thức thật sự là đã tiếp nhận, đã hiểu rõ, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã hiểu. Như thế gọi là hiểu nói là hiểu, là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là không hiểu, nhưng lại khởi tưởng đã hiểu, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không hiểu. Như thế tuy gọi là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Hiểu nói là hiểu”, vì thật sự người đó không hiểu.

4. Thế nào là biết nói là biết, là Thánh ngôn?

Đáp: Khi ý thức đã tiếp nhận, đã hiểu biết sự việc, gọi là biết. Nhưng có khi ý thức thật sự là đã tiếp nhận, đã hiểu rõ, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi đã biết. Như thế gọi là biết nói là biết, là Thánh ngôn.

Có khi thật sự là không biết, nhưng lại khởi tưởng đã biết, người này không che giấu ý tưởng ấy, không che giấu sự thọ nhận thấy biết ấy, không che giấu sự ngay thật ấy, để nói: Tôi không biết. Như thế tuy gọi là Thánh ngôn, nhưng không gọi “Biết nói là biết”, vì thật sự người đó không biết.

HẾT – QUYỂN 10