LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 9

 

Phẩm 5: BỐN PHÁP, phần 4

* Bốn nhiếp sự: 1. Bố thí nhiếp sự. 2. Ái ngữ nhiếp sự. 3. Lợi hành nhiếp sự. 4. Đồng sự nhiếp sự.

1. Thế nào là bố thí nhiếp sự?

Đáp: Ở đây, Bố thí: Nghĩa là các thí chủ bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn, những kẻ nghèo khổ, người tu khổ hạnh, kẻ ăn xin v.v… các thứ vật dụng như thức ăn uống, thuốc men, y phục, tràng hoa cài tóc, các loại hương bột, hương xoa, nhà cửa phòng ốc, ngọa cụ, đèn đuốc v.v… Đó gọi là bố thí.

Lại nữa, như Đức Thế Tôn nói với Trưởng giả Thủ: “Trưởng giả nên biết! Trong các thứ bố thí thì pháp thí là tối thắng”. Đó gọi là bố thí.

Nhiếp sự: Nghĩa là do bố thí này nên đối với người khác cùng được thâu giữ, gần gũi, hỗ trợ, khiến cùng trở nên thân thiện. Như thế là hành bố thí đối với các hữu tình khác tức có thể cùng được thâu giữ, gần gũi, hỗ trợ, khiến thành thân thiện. Thế nên gọi là bố thí nhiếp sự.

2. Thế nào là ái ngữ nhiếp sự?

Đáp: Ở đây, Ái ngữ: Nghĩa là lời nói vui vẻ, lời nói ý vị, lời nói với diện mạo thư thái cởi mở, lời nói xa lìa mọi buồn phiền, luôn mỉm cười trước khi cất tiếng, trước nên nói lời chúc mừng an ủi, nói lời đáng yêu mến. Như nói: Cụ thọ khéo đến đây! Việc đời có dễ chịu chăng? Luôn được an vui chăng? Các việc ăn uống, y phục, ngọa cụ, và các thứ vật dụng khác luôn đầy đủ chứ? Vô số các lời nói thăm hỏi an ủi như thế gọi là lời nói mở đầu. Những điều vừa nêu cùng với lời nói ở trước gọi chung là ái ngữ.

Lại nữa, như Đức Thế Tôn nói với Trưởng giả Thủ: “Trưởng giả nên biết! Trong các lời nói thì ái ngữ là tối thắng”. Nghĩa là ái ngữ đã khéo khuyên dẫn các thiện nam, tín nữ chú ý nghe pháp, luôn luôn giảng nói pháp, lúc nào cũng khuyên dạy, luôn luôn quyết trạch. Đó gọi là ái ngữ.

Nhiếp sự: Nghĩa là do ái ngữ này nên đối với người khác cùng được thâu giữ, gần gũi, hỗ trợ, khiến cùng trở nên thân thiện. Như thế là hành ái ngữ đối với các hữu tình khác tức có thể cùng được thâu giữ, gần gũi, hỗ trợ, khiến thành thân thiện. Thế nên gọi là ái ngữ nhiếp sự.

3. Thế nào là lợi hành nhiếp sự?

Đáp: Ở đây, Lợi hành: Nghĩa là đối với các hữu tình, hoặc bị bệnh nặng, hoặc gặp phải những ách nạn khốn khổ không ai cứu giúp v.v… liền khởi tâm từ bi đến các nơi chốn kia thăm viếng, dùng phương tiện theo hành thân ngữ để cung cấp, cứu giúp, chăm sóc. Đó gọi là lợi hành.

Lại nữa, như Đức Thế Tôn nói với Trưởng giả Thủ: “Trưởng giả nên biết! Trong sự hành hóa lợi hành là tối thắng”. Nghĩa là đối với kẻ không tin thì dùng phương tiện để khuyên dẫn, điều phục, an lập, khiến niềm tin viên mãn. Hoặc như đối với kẻ phá giới thì dùng phương tiện để khuyên dẫn, điều phục, an lập, khiến giới luật viên mãn. Hoặc đối với kẻ keo kiệt thì dùng phương tiện để khuyên dẫn, điều phục, an lập, khiến hành thí đầy đủ. Hoặc đối với kẻ ác tuệ thì tạo phương tiện để khuyên dẫn, điều phục, an lập, khiến trí tuệ viên mãn. Các việc như thế gọi là lợi hành.

Nhiếp sự: Nghĩa là do lợi hành này nên đối với người khác cùng được thâu giữ, gần gũi, hỗ trợ, khiến cùng trở nên thân thiện. Như thế là dùng lợi hành đối với các hữu tình khác tức có thể cùng được thâu giữ, gần gũi, hỗ trợ, khiến thành thân thiện. Thế nên gọi là lợi hành nhiếp sự.

4. Thế nào là đồng sự nhiếp sự?

Đáp: Ở đây, Đồng sự: Nghĩa là đối với kẻ chán lìa việc đoạn sinh mạng, nên vì họ khéo hỗ trợ khiến dứt bỏ hẳn việc giết hại. Hoặc đối với kẻ chán lìa việc không cho mà lấy, nên vì họ khéo hỗ trợ khiến dứt bỏ hẳn việc trộm cắp. Hoặc đối với kẻ chán lìa dâm dục tà hạnh, nên vì họ khéo hỗ trợ khiến dứt bỏ hẳn hành dâm dục tà hạnh. Hoặc đối với kẻ chán lìa nói dối, chán lìa uống rượu, nên vì họ khéo hỗ trợ khiến dứt bỏ hẳn hành nói dối, uống rượu. Các việc như thế gọi là đồng sự.

Lại nữa, như Đức Thế Tôn nói với Trưởng giả Thủ: “Trưởng giả nên biết! Trong các sự việc, đồng sự là tối thắng”. Nghĩa là các quả A-la-hán, Bất hoàn, Nhất lai và Dự lưu cùng với các quả A-lahán, Bất hoàn, Nhất lai, Dự lưu mà làm đồng sự. Đó gọi là đồng sự.

Nhiếp sự: Nghĩa là do đồng sự này nên đối với người khác cùng được thâu giữ, gần gũi, hỗ trợ, khiến cùng trở nên thân thiện. Như thế là hành đồng sự đối với các hữu tình khác tức có thể cùng được thâu giữ, gần gũi, hỗ trợ, khiến thành thân thiện. Thế nên gọi là đồng sự nhiếp sự.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Bố thí và Ái ngữ

Lợi hành cùng Đồng sự

Như xứ hợp nên nói

Gồm thâu khắp thế gian.

Bốn nhiếp sự như thế

Nơi thế gian nếu không

Con đối với cha mẹ

Cũng chẳng muốn hiếu dưỡng.

Do có các nhiếp sự

Nên có pháp tùy chuyển

Người đạt được đại thể

Thấy ích nên nêu bày.

*

* Bốn sinh: 1. Noãn sinh. 2. Thai sinh. 3. Thấp sinh. 4. Hóa sinh.

1. Thế nào là noãn sinh? (Sinh từ trứng)

Đáp: Như các hữu tình từ nơi trứng sinh ra, tức là ở trong trứng, được vỏ trứng bao bọc, sau phá vỡ vỏ trứng mới được sinh ra. Đây lại là thế nào? Như các loài vịt, ngỗng, các loài chim như khổng tước, cù dục, anh vũ, xuân cù, ly hoàng, mạng mạng v.v…, cùng một loại rồng, một loại diệu sí, cùng một loại người. Lại có các loài hữu tình khác từ trứng sinh ra, tức ở trong trứng, được vỏ trứng bao bọc, sau phá vỡ vỏ trứng mới sinh ra, đều gọi là noãn sinh.

2. Thế nào là thai sinh?

Đáp: Như các hữu tình từ nơi thai sinh ra, tức trước là ở trong thai, được thai tạng bao bọc, sau phá vỡ thai tạng mới được sinh ra. Đây lại là thế nào? Như các loài voi, ngựa, lạc đà, bò, lừa, dê, nai, trâu, heo v.v… cùng một loại rồng, một loại diệu sí, một loại quỷ, một loại người. Lại có các loài hữu tình khác từ nơi thai sinh ra, tức trước ở nơi thai tạng, được thai tạng bao bọc, sau phá vỡ thai tạng mới sinh ra, đều gọi là thai sinh.

3. Thế nào là thấp sinh (Sinh từ nơi ẩm thấp)?

Đáp: Như các hữu tình lần lượt ở nơi ấm áp, lần lượt ở nơi thấm ướp, lần lượt tụ tập. Hoặc tụ tập dựa vào chỗ phân dơ hay vũng nước đọng. Hoặc dựa nơi hầm xí xú uế hay chỗ thịt cá sình thối. Hoặc dựa vào cơm cháo đổ ngoài đất hay các đống cỏ rác. Hoặc nương nơi chốn rừng rậm hay am cỏ. Hoặc nương vào các lớp lá trong hang hố hoặc nơi chốn ao đầm, vũng hồ, sông suối, biển cả hay ở vùng đất ẩm ướt v.v… mới được sinh ra. Đây lại là thế nào? Như các loài dế mèn, bướm ngài, ruồi, muỗi, mối, ve, các thứ trùng trong cây gai v.v… cùng một loại rồng, một loại diệu sí, một loại người. Lại có các hữu tình khác lần lượt ở nơi ấm áp, nói rộng cho đến hoặc nương vào biển cả hay ở vùng đất ẩm ướt v.v… mới được sinh ra, đều gọi là thấp sinh.

4. Thế nào là hóa sinh?

Đáp: Như các hữu tình chi phần đều đầy đủ, các căn không thiếu giảm, không có chỗ nương dựa, nhờ vào biến hóa sinh ra. Đây lại là thế nào? Đó là tất cả hàng trời, hết thảy các loài ở địa ngục, hết thảy trung hữu, cùng một phần rồng, một phần diệu sí, một phần quỷ, một phần người. Lại có các hữu tình khác chi phần đầy đủ, các căn không thiếu giảm, không có chỗ nương dựa, nhờ vào biến hóa sinh ra, đều gọi là hóa sinh.

*

* Bốn thứ được tự Thể: 1. Có thứ được tự Thể chỉ có thể tự hại, không do người khác hại. 2. Có thứ được tự Thể chỉ có thể do người khác hại, không phải mình tự hại. 3. Có thứ được tự Thể mình và người cùng có thể hại. 4. Có thứ được tự Thể mình và người cùng không thể hại.

1. Thế nào là có thứ được tự Thể chỉ có thể tự hại, không do người khác hại?

Đáp: Như các hữu tình tự có thế lực nên có thể tự đoạn dứt mạng mình, kẻ khác không có thế lực nên không thể đoạn dứt mạng họ được. Đây lại là thế nào? Như có trời Hý Vong Niệm thuộc cõi Dục, hoặc khi vui chơi vì quá thích thú, trải qua thời gian dài thân mệt niệm mất, do duyên ấy nên liền mạng chung.

Lại có trời Ý Phẫn Khuể thuộc cõi Dục, hoặc trong khi giận dữ lại vô cùng phẫn uất, buồn khổ, trừng mắt nhìn nhau, trải qua thời gian dài do duyên ấy nên liền bỏ mạng.

Lại có các loài hữu tình khác tự có thế lực nên có thể tự đoạn dứt mạng mình, kẻ khác không có thế lực nên không thể đoạn dứt mạng họ được. Đó gọi là có thứ được tự thể chỉ có thể tự hại, không do người khác hại.

2. Thế nào là có thứ được tự Thể chỉ có thể do người khác hại, không phải tự hại?

Đáp: Như các hữu tình tự mình không có thế lực để có thể tự đoạn dứt mạng, nhưng kẻ khác có thế lực nên có thể đoạn dứt mạng mình. Đây lại là thế nào? Nghĩa là các hữu tình đang ở trong trứng hay nằm trong thai mẹ, hoặc là Yết-lạt-lam, Át-bộ-đàm, Bế-thi, Kiện-nam, hoặc là Bát-la-xa-khư v.v…, các căn chưa đầy đủ, chưa hoàn hảo.

Lại có các loài hữu tình khác tự mình không có thế lực để có thể tự đoạn dứt mạng, nhưng kẻ khác có thế lực nên có thể đoạn dứt mạng mình. Đó gọi là có thứ được tự thể chỉ có thể do người khác hại, không phải tự hại

3. Thế nào là có thứ được tự Thể mình và người cùng có thể hại?

Đáp: Như các hữu tình tự có thế lực nên có thể tự đoạn dứt mạng, kẻ khác cũng có thế lực nên có thể đoạn dứt mạng của hữu tình kia. Đây lại là thế nào? Nghĩa là các loài như voi, ngựa, lạc đà, bò, lừa, dê, nai, trâu v.v…

Lại có các loài hữu tình khác tự có thế lực nên có thể tự đoạn dứt mạng, kẻ khác cũng có thế lực nên có thể đoạn dứt mạng của hữu tình kia. Đó gọi là có thứ được tự thể mình và người cùng có thể hại

4. Thế nào là có thứ được tự Thể mình và người cùng không thể hại?

Đáp: Như các hữu tình tự mình không có thế lực để có thể tự đoạn dứt mạng, kẻ khác cũng không có thế lực để có thể đoạn dứt mạng của hữu tình kia. Đây lại là thế nào? Nghĩa là hết thảy chư Thiên nơi cõi Sắc và Vô sắc, các hữu tình đang trụ nơi định vô tưởng, định diệt tận, định từ, trung hữu, hay các loài hữu tình đang trụ nơi thân mạng sau cùng. Phật sứ, Phật thọ ký cho các Chuyển Luân vương cùng mẹ của Luân vương đang mang thai. Hoặc Bồ-tát thân sau và mẹ của Bồ-tát khi đang mang thai ngài. Con ông Trưởng giả Căng-kỳ-la-ốt-đát-la-bà-la-ni-tư, con ông Trưởng giả thành Vươngxá là Da-xá đồng mạng, Long vương Ai-la-phạt-noa, Long vương Thiện trụ, Mã vương Bà-la-hô, tất cả địa ngục như Diễm-ma-vương.

Lại có các loài hữu tình khác tự mình không có thế lực để có thể tự đoạn dứt mạng, kẻ khác cũng không có thế lực để có thể đoạn dứt mạng của hữu tình kia. Đó gọi là có thứ được tự thể mình và người cùng không thể hại.

**

6. Tụng nêu tổng quát thứ năm:

Năm: Bốn pháp có tám

Là lưu, lợi, thú, khổ

Bốn hành ngữ ác, diệu

Bốn phi, bốn Thánh ngôn.

Gồm có: Bốn Bổ-đặc-già-la (Hữu tình) hành thuận lưu, bốn Bổ-đặc-già-la hành tự lợi, bốn Bổ-đặc-già-la từ chỗ tối đi đến chỗ tối v.v…, bốn Bổ-đặc-già-la tự làm khổ v.v…, bốn hành ngữ ác, bốn hành ngữ diệu, bốn phi Thánh ngôn, bốn Thánh ngôn.

*

* Bốn Bổ-đặc-già-la hành thuận lưu: 1. Bổ-đặc-già-la hành thuận lưu. 2. Bổ-đặc-già-la hành nghịch lưu. 3. Bổ-đặc-già-la tự trụ. 4. Bổ-đặc-già-la đáo bỉ ngạn.

1. Thế nào là Bổ-đặc-già-la hành thuận lưu?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la nhiễm tập các dục, tạo nghiệp bất thiện. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la hành thuận lưu.

Vì sao gọi là Bổ-đặc-già-la hành thuận lưu? Ái là dòng chảy (Lưu) sinh tử, loại Bổ-đặc-già-la này thuận theo dòng chảy ấy hướng tới đi vào nơi chốn ấy. Đó là con đường họ thường qua lại, là nơi in dấu chân của họ. Thế nên gọi là Bổ-đặc-già-la hành thuận lưu.

2. Thế nào là Bổ-đặc-già-la hành nghịch lưu?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la đối với tham sân si là tánh mãnh liệt, nên thường xuyên chán bỏ, sinh tác ý sầu khổ. Hữu tình ấy do chán lìa, tác ý sầu khổ, nên suốt đời luôn siêng năng tu tập, thuần nhất viên mãn, phạm hạnh trong trắng. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la hành nghịch lưu.

Vì sao gọi là Bổ-đặc-già-la hành nghịch lưu? Ái là dòng chảy (Lưu) sinh tử, loại Bổ-đặc-già-la này đối với pháp đoạn trừ ái đã tùy thuận hướng tới, đi đến nơi chốn ấy. Đó là con đường họ thường qua lại, là nơi in dấu chân của họ. Thế nên gọi là Bổ-đặc-già-la hành nghịch lưu.

3. Thế nào là Bổ-đặc-già-la tự trụ?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la thường trú nơi A-lan-nhã, hoặc ở bên cội cây, hay những nơi chốn vắng vẻ, luôn hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, hoặc tư duy chân chánh, chứng đắc tâm định tịch tĩnh như thế. Vị ấy tùy theo tâm định đó nên đoạn trừ được năm thứ kiết thuận hạ phần, sẽ nhận hóa sinh, tức ở nơi xứ ấy mà bát Niết-bàn, không còn sinh trở lại nơi cõi Dục này. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la tự trụ.

Vì sao gọi là Bổ-đặc-già-la tự trụ? Loại Bổ-đặc-già-la này tự trụ nơi cảnh giới hóa sinh chứng được Niết-bàn, không còn sinh trở lại nơi cõi Dục này. Thế nên gọi là Bổ-đặc-già-la tự trụ.

4. Thế nào là Bổ-đặc-già-la đáo bỉ ngạn?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la thường trú nơi A-lan-nhã, hoặc ở bên cội cây, hay những nơi chốn vắng vẻ, luôn hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, hoặc tư duy chân chánh, chứng đắc tâm định tịch tĩnh như thế. Vị ấy tùy theo tâm định đó nên vĩnh viễn dứt hết các lậu, chứng được vô lậu, tâm tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự chứng thông tuệ, lãnh nhận đầy đủ, có thể nhận biết rõ đúng đắn: “Nẻo sinh tử của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã làm xong, không còn thọ thân sau”. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la đáo bỉ ngạn (Đến bờ giác).

Vì sao gọi là Bổ-đặc-già-la đáo bỉ ngạn? Có thân sinh tử gọi là bờ này. Ái dứt hết lìa mọi cấu nhiễm, chứng được Niết-bàn tịch diệt, gọi là bờ kia. Loại Bổ-đặc-già-la này đối với ái đã dứt hết, lìa mọi cấu nhiễm, tịch diệt vĩnh viễn, nơi bờ kia của Niết-bàn đã có thể đạt được, đã có thể xúc chứng. Thế nên gọi là Bổ-đặc-già-la đáo bỉ ngạn.

Như Đức Thế Tôn nói kệ:

Nơi dục chưa lìa, diệt

Chìm trong ái cõi Dục

Ta nói là thuận lưu

Luôn luôn nhận sinh tử.

Nếu an trụ chánh niệm

Không nhiễm tập dục ác

Lo khổ chán bỏ dục

Ta nói là nghịch lưu.

Học đoạn năm phiền não

Đủ năm pháp không thoái

Tâm đắc định căn thắng

Ta nói là tự trụ

Khắp các pháp hơn kém

Giải thoát, hoàn toàn diệt

Bậc trí vượt nẻo khổ

Ta nói đáo bỉ ngạn.

*

* Bốn Bổ-đặc-già-la hành tự lợi: 1. Bổ-đặc-già-la có hành tự lợi, không hành lợi tha. 2. Bổ-đặc-già-la có hành lợi tha, không hành tự lợi. 3. Bổ-đặc-già-la có hành tự lợi cũng có hành lợi tha. 4. Bổđặc-già-la không hành tự lợi cũng không hành lợi tha.

1. Thế nào là Bổ-đặc-già-la có hành tự lợi, không hành lợi tha?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la tự mình đối với các pháp thiện có thể nhanh chóng tiếp nhận quán xét kỹ. Vị ấy đối với các pháp đã nhận biết về nghĩa, nhận biết về pháp, nên tinh tấn tu tập pháp tùy pháp hành, hành hòa kính, hành thuận pháp. Về ngôn từ diễn đạt thì không thuận hợp khéo léo viên mãn, cũng không thành tựu được lời nói của vị đứng đầu, lời nói hay đẹp, lời nói rõ ràng, lời nói dễ hiểu. Người ấy hay nói lời không căn cứ, nói lời không dứt khoát, cho đến đối với nghĩa lý, vì khiến người khác nhận biết cũng không thể nêu bày, dẫn dạy, khuyến khích, an ủi, cũng không thể khen ngợi, cả đến người tu thiện. Cũng không thể siêng năng vì bốn chúng giảng nói pháp. Đó gọi là Bổ-đặcgià-la có hành tự lợi, không hành lợi tha.

2. Thế nào là Bổ-đặc-già-la có hành lợi tha, không hành tự lợi?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la tự mình đối với các pháp thiện không thể nhanh chóng tiếp nhận quán xét kỹ. Vị ấy đối với các pháp không nhận biết về nghĩa, không nhận biết về pháp, nên không siêng năng tu tập pháp tùy pháp hành, hành hòa kính, hành thuận pháp. Về ngôn từ diễn đạt thì thuận hợp khéo léo viên mãn, cũng thành tựu được lời nói của vị đứng đầu, lời nói hay đẹp, lời nói rõ ràng, lời nói dễ hiểu, lời nói lưu loát, lời nói vô tận, cho đến đối với nghĩa lý, vì khiến người khác nhận biết đều có thể nêu bày, dẫn dạy, khuyến khích, an ủi, khen ngợi, cả đến người tu thiện. Cũng có thể siêng năng vì bốn chúng giảng nói pháp. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la có hành lợi tha, không hành tự lợi.

3. Thế nào là Bổ-đặc-già-la có hành tự lợi cũng có hành lợi tha?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la tự mình đối với các pháp thiện có thể nhanh chóng tiếp nhận quán xét kỹ. Vị ấy đối với các pháp đã nhận biết về nghĩa, nhận biết về pháp, nên tinh tấn tu tập pháp tùy pháp hành, hành hòa kính, hành thuận pháp. Về ngôn từ diễn đạt thì thuận hợp khéo léo viên mãn, cũng thành tựu được lời nói của vị đứng đầu, lời nói hay đẹp, lời nói rõ ràng, lời nói dễ hiểu, lời nói lưu loát, lời nói vô tận, cho đến đối với nghĩa lý, vì khiến người khác nhận biết đều có thể nêu bày, dẫn dạy, khuyến khích, an ủi, khen ngợi, cả đến người tu thiện. Cũng có thể siêng năng vì bốn chúng giảng nói pháp. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la có hành tự lợi cũng có hành lợi tha.

4. Thế nào là Bổ-đặc-già-la không hành tự lợi cũng không hành lợi tha?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la tự mình đối với các pháp thiện không thể nhanh chóng tiếp nhận quán xét kỹ. Vị ấy đối với các pháp không nhận biết nghĩa, không nhận biết pháp, nên không siêng năng tu tập pháp tùy pháp hành, hành hòa kính, hành thuận pháp. Về ngôn từ diễn đạt thì không thuận hợp khéo léo viên mãn, cũng không thành tựu được lời nói của vị đứng đầu, lời nói hay đẹp, lời nói rõ ràng, lời nói dễ hiểu, cho đến đối với nghĩa lý, vì khiến người khác nhận biết cũng không thể nêu bày, dẫn dạy, khuyến khích, an ủi, khen ngợi, cả đến người tu thiện. Cũng không thể siêng năng vì bốn chúng giảng nói pháp. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la không hành tự lợi cũng không hành lợi tha.

*

* Bốn Bổ-đặc-già-la từ chỗ tối đi đến chỗ tối v.v…: 1. Bổ-đặcgià-la từ chỗ tối đi đến chỗ tối. 2. Bổ-đặc-già-la từ chỗ tối đi đến chỗ sáng. 3. Bổ-đặc-già-la từ chỗ sáng đi đến chỗ tối. 4. Bổ-đặc-già-la từ chỗ sáng đi đến chỗ sáng.

1. Thế nào là Bổ-đặc-già-la từ chỗ tối đi đến chỗ tối?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la sinh vào những gia đình bần tiện, thấp kém như các nhà Chiên-đồ-la, Bổ-yết-bà, hoặc nơi các gia đình thợ thuyền, gia đình kỹ nhạc, hoặc thuộc một chủng tánh khác hết sức bần cùng, khốn khổ, cơm ăn áo mặc đều thiếu thốn, hình sắc xấu xí, bị nhiều người khinh miệt, sai khiến. Đó gọi là tối. Người này dựa nơi chỗ tối ấy đã tạo tác các hành thân ngữ ý đều xấu ác. Do nhân duyên hành ác như thế, nên sau khi mạng chung bị đọa nơi các nẻo dữ, sinh trong địa ngục. Nên biết loại Bổ-đặc-già-la như vậy, ví như có người từ nơi chốn tối tăm đi đến nơi chốn tối tăm, từ hầm xí xú uế lại rơi vào hầm xí xú uế, từ dòng thác dữ lại trôi vào dòng thác dữ, thoát khỏi một lao ngục lại đi tới một lao ngục, khác nào lấy máu nhớp nhúa để rửa tẩy máu nhớp nhúa. Dựa nơi thân bần tiện tạo tác các hành ác cũng lại như thế. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la từ chỗ tối đi đến chỗ tối.

2. Thế nào là Bổ-đặc-già-la từ chỗ tối đi đến chỗ sáng?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la sinh vào những gia đình bần tiện, thấp kém như các nhà Chiên-đồ-la v.v…, nói rộng cho đến: Đó gọi là tối. Người này dựa nơi chỗ tối ấy đã tạo tác các hành thân ngữ ý đều thiện. Do nhân duyên hành thiện như thế, nên sau khi mạng chung được sinh vào nẻo thiện như sinh lên các cõi trời. Nên biết loại Bổ-đặc-già-la như vậy, ví như có người từ nơi đất lên ngồi trên ghế, từ ghế lên ngồi nơi tòa, từ tòa lên ngồi nơi kiệu xe, từ nơi kiệu xe lên ngồi trên ngựa, từ nơi ngựa lên ngồi nơi voi, từ nơi voi lên ngự trên cung điện. Dựa nơi thân bần tiện tạo tác các hành diệu cũng lại như thế. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la từ chỗ tối đi đến chỗ sáng.

3. Thế nào là Bổ-đặc-già-la từ chỗ sáng đi đến chỗ tối?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la sinh vào các nơi chốn giàu sang như là gia đình thuộc tộc họ lớn Sát-đế-lợi, hoặc tộc họ lớn Bà-la-môn, hoặc tộc họ lớn Trưởng giả, hoặc tộc họ lớn Cư sĩ, hoặc tùy theo một trong những tộc họ lớn khác. Nơi những gia đình như vậy luôn có các thứ châu báu, y phục, thức ăn uống, nô tỳ, kẻ hầu, voi ngựa, bò dê, kho tàng, tiền bạc, thóc lúa, cùng mọi vật dụng khác đều đầy đủ. Sinh vào các gia đình ấy hình tướng lại đoan nghiêm, ngôn ngữ thuận hợp, ai cũng kính mến. Đó gọi là sáng. Người này dựa nơi chốn sáng ấy đã tạo tác các hành thân ngữ ý đều xấu ác. Do nhân duyên hành ác như thế, nên sau khi mạng chung bị đọa vào các nẻo dữ, sinh trong địa ngục. Nên biết loại Bổ-đặc-già-la như vậy, ví như có người từ nơi cung điện bước xuống cỡi voi, rồi xuống cỡi ngựa, rồi xuống ngồi nơi kiệu xe, rồi xuống ngồi nơi tòa, rồi xuống ngồi nơi ghế và xuống ngồi nơi đất. Dựa nơi thân giàu sang tạo tác các hành ác cũng lại như thế. Đó gọi là Bổ-đặc-già-la từ chỗ sáng đi đến chỗ tối.

4. Thế nào là Bổ-đặc-già-la từ chỗ sáng đi đến chỗ sáng?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la sinh vào các nơi chốn giàu sang như là gia đình thuộc tộc họ lớn Sát-đế-lợi v.v…, nói rộng cho đến: Đó gọi là sáng. Người này dựa nơi chốn sáng ấy đã tạo tác các hành thân, ngữ, ý đều thiện. Do nhân duyên hành thiện như thế, nên sau khi mạng chung được sinh vào các nẻo thiện như sinh lên các cõi trời. Nên biết loại Bổ-đặc-già-la như vậy, ví như có người từ ghế này hướng đến ghế khác, từ tòa đi đến tòa, từ kiệu xe đi đến kiệu xe, từ ngựa sang ngựa, từ voi sang voi, từ cung điện này đi đến cung điện kia. Dựa nơi thân giàu sang tạo tác các hành thiện cũng lại như thế. Đó gọi là Bổ-đặcgià-la từ chỗ sáng đi đến chỗ sáng.s Như Đức Thế Tôn nói kệ:

1. Có những kẻ nghèo hèn

Không tâm tin, giận dữ

Xan tham, ưa tạo ác

Thích vọng tưởng, tà kiến.

Thấy Sa-môn, Phạm chí

Bậc đủ giới, đa văn

Không kính còn chê mắng

Nói ta không cúng thí.

Chê thí nhận vật thí

Họ theo nghiệp sinh tử

Đọa nẻo ác: địa ngục

Là từ tối đến tối.

2. Có những kẻ bần tiện

Có tâm tin, không giận

Đủ hổ thẹn, chánh kiến

Ưa thí, lìa xan tham.

Thấy Sa-môn, Phạm chí

Bậc đủ giới, đa văn

Vui mừng cùng đón tiếp

Cung kính và cúng dường.

Khen thí, nhận vật thí

Họ theo nghiệp sinh tử

Sinh nẻo thiện: cõi trời

Là từ tối đến sáng.

3. Có những kè giàu sang

Không tin, lại giận dữ

Xan tham, ưa tạo ác

Thích vọng tưởng, tà kiến.

Thấy Sa-môn, Phạm chí

Bậc đủ giới, đa văn

Không kính còn chê trách

Nói ta không cúng thí.

Chê thí, nhận vật thí

Họ theo nghiệp sinh tử

Đọa nẻo ác: địa ngục

Là từ sáng đến tối.

4. Có những người giàu sang

Có tâm tin, không giận

Đủ hổ thẹn, chánh kiến

Ưa thí, lìa xan tham.

Thấy Sa-môn, Phạm chí

Bậc đủ giới, đa văn

Vui mừng đến đón tiếp

Cung kính và cúng dường.

Khen thí, nhận vật thí

Họ theo nghiệp sinh tử

Sinh nẻo thiện: cõi trời

Là từ sáng đến sáng.

*

* Bốn Bổ-đặc-già-la tự làm khổ v.v…: 1. Bổ-đặc-già-la tự làm khổ mình, không làm khổ kẻ khác. 2. Bổ-đặc-già-la làm khổ kẻ khác, không tự làm khổ mình. 3. Bổ-đặc-già-la tự làm khổ mình cũng làm khổ kẻ khác. 4. Bổ-đặc-già-la không tự làm khổ mình cũng không làm khổ kẻ khác.

1. Thế nào là Bổ-đặc-già-la tự làm khổ mình, không làm khổ kẻ khác?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la thọ trì khổ hạnh, tự sống theo nẻo xấu ác, như lõa thể, không dùng y phục, không ở nơi nhà cửa, dùng tay bốc ăn, vốc uống, không cần đồ đựng. Khi thọ dụng thức ăn uống thì ngồi chung nơi đống đao, gậy, nồi chảo, bồn chậu. Không phải là chó nhưng cứ ngồi trước cửa để chờ nhận thức ăn, không kể ruồi bu kiến đậu, bất kể uế tạp hay bị vỡ nát, không cần buộc cột hay che đậy v.v… Người trao cho thức ăn uống cũng không nói đến đây, thoái lui hay dừng lại. Hạng người này chỉ nhận thức ăn từ những người không phải là người nữ mang thai, không phải đàn bà mới sinh đẻ, không phải là đàn bà cho con bú. Họ không tạo ra cũng không làm hư hoại vật gì. Họ không ăn thịt, không ăn cá hay thịt phơi khô, không uống rượu, không uống các thứ nước uống, hoặc không uống gì cả. Hoặc ăn một lần, hai lần, ba lần, bốn, năm, sáu, bảy lần. Hoặc chỉ xin ăn nơi một nhà, nơi hai nhà, ba nhà, hoặc bốn, năm, sáu, bảy nhà. Hoặc ăn một nắm, hoặc hai nắm, ba, bốn, năm, sáu, bảy nắm. Hoặc ăn cách một ngày, cách hai ngày, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, hoặc cách nửa tháng hay một tháng ăn một lần. Hoặc ăn rau cỏ, hoặc ăn cỏ lúa, hoặc ăn phân bò, hoặc ăn trái cây, hoặc ăn vỏ trấu, lúa lép, hay ăn gạo tẻ, hoặc ăn lúa mạch, hoặc ăn các thứ đậu, hoặc ăn các thứ rễ cây,, trái cây nơi đồng trống vắng, cho đến hoặc ăn các thứ quả rơi lá rụng v.v… Những kẻ tuy có y phục nhưng là mặc sô gai, vải thưa xấu hay cỏ tranh, cỏ bồ, hoặc mặc thứ lụa, hay áo vải thô bằng lông, hoặc len dạ dệt bằng bông, hay mặc da thú, hay lông chim, hoặc dùng các sợi tre đan nhau, hoặc dùng vỏ cây.

Có người để tóc dài, hoặc cuộn tóc buộc trên đầu, hoặc búi lại thành những búi nhỏ lớn. Có người thì cạo tóc để râu, có người lại cạo râu để tóc, hoặc râu tóc cùng để, hoặc tóc râu cùng cạo sạch. Có người không cạo mà nhổ, hoặc chỉ nhổ tóc, hoặc chỉ nhổ râu, hoặc râu tóc đều nhổ cả. Có người thường đưa hai tay lên trời, kẻ thì luôn đứng yên với một chân, có kẻ chỉ thích đứng mãi, hoặc dựa vào giường tòa, hoặc ngồi xổm v.v… để tu khổ hạnh. Hoặc nằm trên gai, hoặc nằm trên tro, hoặc dựa vào khúc chày, hoặc dựa trên tấm ván, hoặc dùng phân bò trát trên đất rồi nằm lên. Hoặc có người thích thờ lửa, cho đến mỗi ngày cúng lạy ba lần. Có người thích nằm trên nước mỗi ngày ngâm mình đến ba lần. Có kẻ co một chân mà đi, theo ngày đổi chân khác. Vô số các hành gắng sức chịu khổ cùng khổ, tự làm khổ như thế. Đó gọi là loại Bổ-đặc-già-la tự làm khổ mình, không làm khổ kẻ khác.

Do đâu loại Bổ-đặc-già-la như thế gọi là tự làm khổ mình, không làm khổ kẻ khác? Do họ tự làm khổ mình là để tự sinh sống, nên được gọi tên như thế.

2. Thế nào là Bổ-đặc-già-la làm khổ kẻ khác, không tự làm khổ mình?

Đáp: Như những kẻ mổ giết dê, heo, gà, vịt v.v…, hoặc bắn chim, bắt cá, hoặc săn thú, hoặc làm giặc, hoặc là kẻ cầm đầu việc thái thịt làm nem chả, hoặc làm nghề yếm mạch, hoặc làm kẻ cai ngục, hoặc nấu thịt chó, hoặc đặt bẫy giăng lưới. Đó gọi là loại Bổđặc-già-la làm khổ kẻ khác, không tự làm khổ mình.

Do đâu loại Bổ-đặc-già-la như thế gọi là làm khổ kẻ khác, không tự làm khổ mình? Do họ làm khổ kẻ khác là để tự sinh sống, nên được gọi tên như thế.

3. Thế nào là Bổ-đặc-già-la tự làm khổ mình cũng làm khổ kẻ khác?

Đáp: Như có vị vua làm chủ việc tế lễ, khi muốn cúng tế trước hết trong nội thành phải xây dựng đàn tràng để cúng tế, dùng các thứ dầu, tô bôi thoa khắp thân, xỏa tóc để lộ đỉnh đầu, mình mặc lớp da nai đen, tay cầm sừng nai xoa chà khắp phần thân. Hoặc khi cúng tế lửa, hoặc khi tế trời, ở nơi đàn tràng tự nhịn đói, tự chịu khổ, dùng chất vàng hòa với sữa bò mẹ đang cho con bú tạo nên một thứ sữa đặc biệt để cúng thần lửa và tế trời. Sau vị chủ tế đến vua, hoàng hậu, các vị đại thần tể tướng, còn lại là đám bà con thân thích. Trong đàn tràng cúng tế như thế đã giết hại vô số các loài súc sinh như bò, trâu, trâu mẹ, trâu nghé, các thứ gà, vịt, heo, dê, trách mắng xử phạt, đe dọa đám hầu cận thân thuộc, khiến họ phải khóc lóc, buồn lo, sầu khổ. Đó gọi là loại Bổ-đặc-già-la tự làm khổ mình cũng làm khổ kẻ khác.

Do đâu loại Bổ-đặc-già-la như thế gọi là tự làm khổ mình cũng làm khổ kẻ khác? Do họ làm như thế là để tự sinh sống, nên được gọi tên như thế.

4. Thế nào là Bổ-đặc-già-la không tự làm khổ mình cũng không làm khổ kẻ khác?

Đáp: Đó là chư Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc Già Phạm, xuất hiện nơi thế gian giảng nói chánh pháp mở bày chỉ rõ các pháp đầu, giữa, sau đều thiện, văn nghĩa xảo diệu, thuần nhất viên mãn, phạm hạnh trong trắng. Các hàng thiện nam thiện nữ được nghe các pháp đó đều khởi tâm tin thanh tịnh. Khi đã tin tưởng thanh tịnh thì khởi suy nghĩ: Đời sống tại gia luôn bị nhiều thứ phiền não cấu uế bức bách như chốn ngục tù. Nếu xuất gia thì lìa các thứ huyên náo ồn tạp, đi vào chốn rộng lớn như hư không. Kẻ ái nhiễm gia đình thì không thể cả đời siêng năng tu tập, hành trì phạm hạnh thuần nhất viên mãn. Vì thế ta nay do chánh tín, nên cạo bỏ râu tóc, mặc cà sa, lìa dứt đời sống gia đình, gia nhập vào hàng ngũ xuất gia hành đạo. Đã suy nghĩ rồi thì các thứ của cải, địa vị, thân thuộc hoặc ít hoặc nhiều thảy đều lìa bỏ. Lại do tín tâm cạo bỏ râu tóc, mặc cà sa, xa lìa gia đình, chính thức hành pháp xuất gia, thọ trì tịnh giới, siêng năng giữ gìn các luật nghi biệt giải, phép tắc tuân hành đều viên mãn, nên với một lỗi lầm bé nhỏ cũng hết sức sợ hãi. Đối với các Học xứ đều có thể thọ học đầy đủ.

Lìa hẳn việc giết hại sinh mạng, bỏ hẳn các thứ đao gậy, có hổ có thẹn, đủ từ đủ bi, hết lòng thương xót các hữu tình, thấp nhất như trứng kiến cũng trọn không gây tổn hại, vì đã hoàn toàn xa lìa pháp hại sinh mạng.

Lìa không cho mà lấy, có thể hành thí, ưa bố thí. Nếu là vật tịnh thí thì nên biết lượng mà thọ nhận. Đối với các vật dụng hiện có không sinh nhiễm vướng. Luôn thâu giữ tự Thể thanh tịnh, không tội lỗi, vì đã hoàn toàn xa lìa pháp không cho mà lấy.

Lìa phi phạm hạnh, luôn tu phạm hạnh cùng các hành cao xa, vi diệu, tâm luôn thanh khiết, bỏ hẳn pháp sinh khởi dâm dục xú uế, vì đã hoàn toàn xa lìa pháp phi phạm hạnh.

Lìa bỏ nói dối, luôn thích nói lời chân thật, nói lời đúng đắn, lời đáng tin, lời có thể thừa nhận, lời không tranh cãi với đời, vì đã hoàn toàn xa lìa pháp nói lời hư dối.

Lìa bỏ nói lời ly gián, không phá hoại kẻ khác. Không nghe lời kẻ kia, vì phá hoại nên hướng đến kẻ này để nói. Cũng không nghe lời kẻ này, vì phá hoại nên hướng đến kẻ kia để nói. Luôn thích tạo hòa hợp đối với kẻ bị chia lìa. Những kẻ đã thuận hợp thì khiến được bền chắc. Luôn vui thích nói lời hòa hợp đối với kẻ khác, không nói lời phá hoại vì đã hoàn toàn xa lìa pháp nói lời ly gián.

Lìa bỏ lời nói thô ác, ngôn ngữ phát khởi không hề thô dữ, cũng không khổ sở khiến kẻ khác giận trách, cũng khiến cho nhiều người không mến, không thích, không mừng, không vui v.v… làm chướng ngại sự tu tập các pháp định. Đối với những lời nói thô ác như thế đều có thể đoạn dứt. Chỉ nên nói những lời ôn tồn, êm dịu, hợp ý, vui vẻ, khéo léo, trọn vẹn. Lại nói lời rõ ràng, dễ hiểu, khiến mọi người vui thích nghe, không vướng mắc, không tận cùng, khiến các hữu tình đều yêu thích, vui mừng, có thể khiến tu tập các pháp đẳng trì, đẳng dẫn. Nơi các lời nói tốt đẹp như vậy luôn vui thích phát khởi, vì đã hoàn toàn xa lìa pháp nói lời thô ác.

Lìa bỏ lời nói uế tạp. Phàm ngôn ngữ nêu bày phải đúng lúc đúng nơi, hợp pháp, hợp nghĩa, có thật có chân, có thể đạt được tịch tĩnh, có thứ lớp, có phạm vi thực hiện, đúng lý đúng phép, không uế tạp, có thể dẫn đến nghĩa lợi. Vì đã hoàn toàn xa lìa pháp nói lời uế tạp.

Cũng xa lìa các việc buôn bán, tráo đấu, sửa cân, gian lận nơi việc cân, đong. Trọn không nuôi giữ các loài súc sinh như voi, ngựa, bò, trâu, lừa, gà, heo, chó v.v…, cả đến những nô tỳ giúp việc, đầy tớ, hoặc nam nữ lớn bé kết làm bạn bè thân thuộc. Cũng không nhận giữ chứa cất lúa thóc, đậu nếp v.v…, cho đến các vật báu như vàng bạc v.v… Không ăn phi thời, chỉ ăn ngày một bữa. Không đúng chỗ, đúng lúc thì trọn không du hành. Khi nói năng hoặc im lặng đều không khiến sinh luận bàn chê trách. Y phục thì biết đủ, chỉ cốt để che thân. Ăn uống thì biết đủ là để dứt trừ đói khát. Phàm khi du hóa hay dừng nghỉ thì y bát luôn ở bên mình, như loài chim bay hay đậu đôi cánh vẫn không rời thân.

Do các việc như thế, nên người ấy đã thành tựu được giới uẩn, luôn kín đáo gìn giữ căn môn, an trụ nơi chánh niệm. Từ sức của chánh niệm nên ngăn giữ được tâm mình. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận biết các pháp v.v…, không chấp giữ nơi tướng, không vướng vào các thứ đẹp đẽ tùy theo. Nơi những trường hợp như thế luôn trụ nơi luật nghi gốc, phòng hộ các pháp ác bất thiện như tham, ưu, hoàn toàn không khiến theo tâm sinh trưởng. Người ấy do giới uẩn nên đã giữ kín căn môn, mọi việc xem nhìn, tới lui, mở thâu, cúi đầu ngẩng mặt, đắp y mang bát v.v… đều trụ vào chánh niệm, chánh tri. Do người này đã thành tựu được giới uẩn thanh tịnh, căn môn luôn được phòng hộ theo chánh niệm chánh tri, cho nên tùy chốn dừng trụ như thành ấp, thôn xóm, từ sáng sớm khi đắp y mang bát là đã phòng giữ các căn an trụ nơi chánh niệm, oai nghi đĩnh đạc, thứ lớp khất thực. Khất thực xong trở về trụ xứ, ăn xong thì thâu giữ bát, rửa tay chân sạch sẽ, xong rồi mang tọa cụ đến nơi A-lan-nhã hoặc chốn núi non, đồng vắng, tránh xa các loài hữu tình ác, bỏ các thứ ngọa cụ, hoặc trụ nơi yên tĩnh, những nơi chỉ có hàng phi nhân trú ngụ, hoặc đến bên gốc cây, trải tọa cụ ngồi kiết già, thân thật thẳng. Bấy giờ bỏ hết mọi thứ duyên dựa trụ nơi niệm đối diện, tâm luôn chuyên chú lìa bỏ các tham, sân, hôn trầm, thùy miên, trạo cử, ố tác, nghi hoặc do dự. Các thứ tùy phiền não đó có thể ngăn ngại phẩm thiện khiến sức của trí tuệ suy kém, không thể chứng Niết-bàn, phải ở mãi nơi sinh tử. Do đấy phải lìa bỏ pháp bất thiện dục ác cho đến được trụ nơi tĩnh lự thứ tư. Người ấy do tâm định thù thắng như thế, nên lìa các thứ tùy phiền não trở nên trắng trong, không chút cấu uế, hòa dịu, nên có thể trụ vào vô động, tâm luôn hướng đến, có thể chứng đắc trí kiến lậu tận giác ngộ sáng rõ. Có thể thấy biết đúng như thật: Đây là khổ Thánh đế, đây là tập Thánh đế, đây là diệt Thánh đế, đây là đạo Thánh đế. Do biết như thế, thấy như thế, nên tâm giải thoát khỏi các dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Khi đã giải thoát rồi thì tri kiến như thật: Nẻo sinh tử của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau. Đó gọi là loại Bổ-đặc-già-la không tự làm khổ mình, cũng không làm khổ kẻ khác.

Do đâu loại Bổ-đặc-già-la như thế gọi là không tự làm khổ mình cũng không làm khổ kẻ khác? Do họ làm như thế là để tự sinh sống, nên được gọi tên như thế.

HẾT – QUYỂN 9