LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 7

Phẩm 5: BỐN PHÁP, phần 2

* Bốn trí: 1. Pháp trí. 2. Loại trí. 3. Tha tâm trí. 4. Thế tục trí.

1. Thế nào là pháp trí?

Đáp: Là các trí vô lậu duyên nơi hành của cõi Dục. Là các trí vô lậu duyên nơi nhân thuộc hành của cõi Dục. Là các trí vô lậu duyên nơi diệt thuộc hành của cõi Dục. Là các trí vô lậu duyên nơi đạo có thể đoạn trừ thuộc hành của cõi Dục. Lại nữa, các trí vô lậu duyên nơi pháp trí cùng duyên nơi địa thuộc pháp trí. Đó gọi là pháp trí.

2. Thế nào là loại trí?

Đáp: Là các trí vô lậu duyên nơi hành của cõi Sắc, Vô sắc. Là các trí vô lậu duyên nơi nhân thuộc hành của cõi Sắc, Vô sắc. Là các trí vô lậu duyên nơi diệt thuộc hành của cõi Sắc, Vô sắc. Là các trí vô lậu duyên nơi đạo có thể đoạn trừ thuộc hành của cõi Sắc, Vô sắc. Lại nữa, các trí vô lậu duyên nơi loại trí cùng duyên nơi địa thuộc loại trí. Đó gọi là loại trí.

3. Thế nào là tha tâm trí?

Đáp: Nếu trí do tu tập tạo thành, là quả của tu tập, nương dựa nơi tu tập, đã được, không mất, có thể nhận biết tâm tâm sở của người khác hòa hợp hiện tiền thuộc cõi Dục, cõi Sắc, cùng một phần tâm tâm sở vô lậu của người khác. Đó gọi là tha tâm trí.

4. Thế nào là thế tục trí?

Đáp: Là các tuệ hữu lậu. Đó gọi là thế tục trí.

*

* Lại có bốn trí: 1. Khổ trí. 2. Tập trí. 3. Diệt trí. 4. Đạo trí.

1. Thế nào là khổ trí?

Đáp: Nghĩa là đối với năm thủ uẩn, tư duy về vô thường, khổ, không, vô ngã, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là khổ trí.

2. Thế nào là tập trí?

Đáp: Nghĩa là đối với các nhân hữu lậu, tư duy về nhân, tập, sinh, duyên, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là tập trí.

3. Thế nào là diệt trí?

Đáp: Nghĩa là đối với các thứ trạch diệt, tư duy về diệt, tĩnh, diệu, ly, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là diệt trí.

4. Thế nào là đạo trí?

Đáp: Nghĩa là đối với đạo vô lậu, tư duy về đạo, như, hành, xuất, phát khởi trí vô lậu. Đó gọi là đạo trí.

*

* Bốn lực: 1. Tín lực. 2. Tinh tấn lực. 3. Định lực. 4. Tuệ lực.

1. Thế nào là tín lực?

Đáp: Nghĩa là nương vào chư Phật, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tu tập gieo trồng các thứ tịnh tín, sinh căn, an trụ. Không bị các Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc Thiên Ma Phạm, hoặc ở các thế gian khác dẫn dụ chiếm đoạt. Đó gọi là tín lực.

2. Thế nào là tinh tấn lực?

Đáp: Vì khiến cho pháp ác bất thiện đã sinh được đoạn trừ, nên phát khởi siêng năng tinh tấn, thúc đẩy tâm, giữ vững tâm. Vì khiến cho pháp ác bất thiện chưa sinh sẽ không sinh, nên phát khởi siêng năng tinh tấn, thúc đẩy tâm, giữ vững tâm. Vì khiến cho pháp thiện chưa sinh được sinh, nên phát khởi siêng năng tinh tấn, thúc đẩy tâm, giữ vững tâm. Vì khiến cho pháp thiện đã sinh trụ vững không quên, tu đầy đủ trí tác chứng rộng lớn tăng bội, nên phát khởi siêng năng tinh tấn, thúc đẩy tâm, giữ vững tâm. Đó gọi là tinh tấn lực.

3. Thế nào là định lực?

Đáp: Nghĩa là lìa bỏ các pháp bất thiện dục ác, có tầm có tứ, đạt ly sinh hỷ lạc, nhập nơi tĩnh lự thứ nhất, an trụ đầy đủ, nói rộng cho đến nhập nơi tĩnh lự thứ tư, an trụ đầy đủ. Đó gọi là định lực.

4. Thế nào là tuệ lực?

Đáp: Nghĩa là nhận biết rõ như thật về bốn Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Đó gọi là tuệ lực.

Vì sao gọi là lực? Do nhân nơi lực ấy, dựa nơi lực ấy, trụ nơi lực ấy, nên có thể đoạn trừ, có thể loại bỏ, có thể phá trừ tất cả các thứ kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền, nên gọi là lực.

*

* Bốn xứ: 1. Xứ tuệ. 2. Xứ đế. 3. Xứ xả. 4. Xứ tịch tĩnh.

1. Thế nào là xứ tuệ?

Đáp: Như trong Kinh Biện Lục Giới Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói với Cụ thọ Trì Kiên: Bí-sô nên biết! Xứ tuệ tối thắng, nghĩa là trí lậu tận. Vì thế các Bí-sô nên thành tựu trí lậu tận. Nếu thành tựu trí lậu tận tức là thành tựu xứ tuệ tối thắng. Đó gọi là xứ tuệ.

2. Thế nào là xứ đế?

Đáp: Như trong Kinh Biện Lục Giới Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói với Cụ thọ Trì Kiên: Bí-sô nên biết! Xứ đế tối thắng, nghĩa là giải thoát bất động. Đế nghĩa là pháp như thật. Dối là pháp hư vọng. Vì thế các Bí-sô nên thành tựu giải thoát bất động. Nếu thành tựu giải thoát bất động tức là thành tựu xứ đế tối thắng. Đó gọi là xứ đế.

3. Thế nào là xứ xả?

Đáp: Như trong Kinh Biện Lục Giới Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói với Cụ thọ Trì Kiên: Bí-sô nên biết! Trước hết, do không trí nên chấp giữ vô minh, khiến ra khỏi đường chánh pháp. Vậy nay nên xả bỏ, loại trừ những thứ chấp giữ ấy. Bí-sô nên biết! Xứ xả tối thắng, nghĩa là xả bỏ tất cả mọi thứ nương dựa. Khi ái đã dứt, cấu nhiễm đã lìa, thì đạt được Niết-bàn vĩnh viễn tịch diệt. Thế nên các Bí-sô cần thành tựu Niết-bàn ấy. Nếu thành tựu Niết-bàn ấy tức là thành tựu xứ xả tối thắng. Đó gọi là xứ xả.

4. Thế nào là xứ tịch tĩnh?

Đáp: Như trong Kinh Biện Lục Giới Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói với Cụ thọ Trì Kiên: Bí-sô nên biết! Tham nhiễm não hại tâm, khiến không thể giải thoát. Sân nhiễm, si nhiễm cùng não hại tâm, khiến không thể giải thoát. Bí-sô nên biết! Tham sân si ấy nên đoạn trừ vĩnh viễn, rốt ráo, phải loại bỏ sạch. Khi ái đã dứt, cấu nhiễm đã lìa, hoàn toàn tĩnh lặng gọi là tịch tĩnh chân thật. Thế nên các Bí-sô cần thành tựu tịch tĩnh chân thật ấy. Nếu thành tựu tịch tĩnh chân thật ấy tức là thành tựu xứ tịch tĩnh tối thắng. Đó gọi là xứ tịch tĩnh.

*

* Bốn uẩn: 1. Uẩn giới. 2. Uẩn định. 3. Uẩn tuệ. 4. Uẩn giải thoát.

1. Thế nào là uẩn giới?

Đáp: Như trong Kinh Biện Tam Uẩn Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói: Bí-sô nên biết! Ta nói giới học, hoặc giới vô học, hoặc tất cả giới phi học phi vô học thiện đều là uẩn giới. Đó gọi là uẩn giới. 2. Thế nào là uẩn định?

Đáp: Như trong Kinh Biện Tam Uẩn Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói: Bí-sô nên biết! Ta nói định học, hoặc định vô học, hoặc tất cả định phi học phi vô học thiện đều là uẩn định. Đó gọi là uẩn định. 3. Thế nào là uẩn tuệ?

Đáp: Như trong Kinh Biện Tam Uẩn Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói: Bí-sô nên biết! Ta nói tuệ học, hoặc tuệ vô học, hoặc tất cả tuệ phi học phi vô học thiện đều là uẩn tuệ. Đó gọi là uẩn tuệ.

4. Thế nào là uẩn giải thoát?

Đáp: Như trong Kinh Biện Tam Uẩn Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói: Bí-sô nên biết! Ta nói giải thoát học, hoặc giải thoát vô học, hoặc tất cả giải thoát phi học phi vô học thiện đều là uẩn giải thoát. Đó gọi là uẩn giải thoát.

*

* Bốn nương dựa: 1. Một pháp xét chọn nên lánh xa. 2. Một pháp xét chọn nên thọ dụng. 3. Một pháp xét chọn nên trừ bỏ. 4. Một pháp xét chọn nên nhẫn chịu.

1. Thế nào là một pháp xét chọn nên lánh xa?

Đáp: Như trong Kinh Phòng Chư Lậu Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói: Các Bí-sô nên xét chọn kỹ, cần tránh xa các loài voi dữ, ngựa dữ, bò điên, chó dữ, trâu dữ v.v… Nên xét chọn kỹ để tránh xa các cây độc, gai độc, hầm hố, bờ vực, hang, giếng, bến sông v.v… Nên xét chọn kỹ để tránh xa các hành ác, oai nghi giả trá, bạn ác, đám bạn bè xấu, nơi chốn làm việc xấu ác, các vật dụng nằm ngồi không thích hợp. Các vật dụng nằm ngồi không thích hợp: Nghĩa là nếu thọ dụng chúng, thì các bậc có trí, các vị đồng phạm hạnh, đáng lẽ là điều, là chốn không nên phân biệt, không nên lường xét, không nên nghi ngờ, lại sinh phân biệt, lường xét, nghi ngờ. Những vật dụng ngồi nằm như thế, Ta nói là không thích hợp, các Bí-sô phải nên xa lánh. Đó gọi là một pháp xét chọn nên lánh xa.

2. Thế nào là một pháp xét chọn nên thọ dụng?

Đáp: Như trong Kinh Phòng Chư Lậu Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói: Các Bí-sô nên xét chọn kỹ về các y phục như pháp nên thọ dụng. Thọ dụng y phục không phải vì để được mạnh mẽ, không phải vì kiêu mạn, không phải vì hình sắc, vóc dáng, chỉ vì nhằm che chắn nóng lạnh, ngăn chận ruồi muỗi, rắn rít châm chích cắn mổ, nhất là để che phủ thân hình thô xấu đáng hổ thẹn này.

Các Bí-sô nên xét chọn kỹ về các thức ăn uống như pháp nên thọ dụng. Thọ dụng thức ăn uống không phải vì để được mạnh mẽ, không phải vì kiêu mạn, không phải vì hình sắc, vóc dáng, chỉ vì nhằm khiến cho thân này được tồn tại, tạm trụ, dứt bỏ đói khát, thâu nhận phạm hạnh. Vì đoạn trừ thọ nhận cũ, không khởi thọ nhận mới, nối tiếp sức hoạt động không tội lỗi, vui thích an trụ.

Các Bí-sô nên xét chọn kỹ về các thứ ngọa cụ như pháp nên thọ dụng. Thọ dụng ngọa cụ không phải vì để được mạnh mẽ, không phải vì kiêu mạn, không phải vì hình sắc, vóc dáng, chỉ vì nhằm ngăn che gió mưa, lạnh nóng, cùng có được sự tịch tĩnh an ổn tối thắng.

Các Bí-sô nên xét chọn kỹ về các thứ thuốc men như pháp nên thọ dụng. Thọ dụng thuốc men như vậy không phải vì để được mạnh mẽ, không phải vì kiêu mạn, không phải vì hình sắc, vóc dáng, chỉ vì nhằm dứt trừ các bệnh tật hiện có đã khởi, chưa khởi, để tu tập pháp thiện.

Đó gọi là một pháp xét chọn nên thọ dụng.

3. Thế nào là một pháp xét chọn nên trừ bỏ?

Đáp: Như trong Kinh Phòng Chư Lậu Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói: Này các Bí-sô! Nếu đã khởi các thứ tầm dục, giận, hại v.v… chớ nên che giấu, phải mau chóng đoạn dứt, trừ diệt, loại bỏ hẳn. Đó gọi là một pháp xét chọn nên trừ bỏ.

4. Thế nào là một pháp xét chọn nên nhẫn chịu?

Đáp: Như trong Kinh Phòng Chư Lậu Ký Biệt, Đức Bạc-giàphạm đã nói: Các Bí-sô nên phát khởi tinh tấn, có đủ uy lực, chuyên cần, dũng mãnh, không bỏ nẻo hành thiện. Nếu như thân ta máu thịt khô cạn, chỉ còn da xương gân mạch tạm sống qua ngày, nếu bản nguyện cầu thắng pháp chưa đạt được thì trọn không dứt bỏ hạnh tinh tấn đã khởi. Lại, khi tinh tấn thân tâm mệt mỏi nhưng cũng không do đấy mà sinh biếng trễ. Nên dốc sức nhẫn chịu các thứ lạnh nóng, đói khát, rắn rít, ruồi muỗi, gió mưa v.v… Lại nên nhẫn chịu các thứ ngôn ngữ hủy nhục, hành tác xấu ác, cả đến sự việc giết hại do kẻ khác gây tạo v.v… Đó gọi là một pháp xét chọn nên nhẫn chịu.

*

* Bốn pháp tích: 1. Pháp tích không tham. 2. Pháp tích không sân. 3. Pháp tích chánh niệm. 4. Pháp tích chánh định.

1. Thế nào là pháp tích không tham?

Đáp: Không tham: Nghĩa là đối với cảnh dục có các thứ không tham không cùng tham v.v…, nói rộng cho đến không phải thuộc loại tham, không phải sinh ra tham. Đó gọi là không tham. Pháp tích: Nghĩa là không tham cũng gọi là pháp, cũng gọi là tích (dấu vết), cũng gọi là pháp tích. Thế nên gọi là pháp tích không tham.

2. Thế nào là pháp tích không sân?

Đáp: Không sân: Nghĩa là đối với các hữu tình không gây tổn hại, tâm không ôm giữ sự tàn hại, không muốn gây não loạn cho mọi người v.v…, nói rộng cho đến không từng đã gây tội lỗi, đang gây tội lỗi, sẽ gây tội lỗi cho người khác. Đó gọi là không sân. Pháp tích: Nghĩa là không sân cũng gọi là pháp, cũng gọi là tích, cũng gọi là pháp tích. Thế nên gọi là pháp tích không sân.

3. Thế nào là pháp tích chánh niệm?

Đáp: Chánh niệm: Nghĩa là dựa nơi xuất ly, xa lìa đã sinh ra các pháp thiện, đối với các niệm, tùy niệm v.v…, nói rộng cho đến tâm tánh luôn sáng suốt ghi nhớ. Đó gọi là chánh niệm. Pháp tích: Nghĩa là chánh niệm cũng gọi là pháp, cũng gọi là tích, cũng gọi là pháp tích. Thế nên gọi là pháp tích chánh niệm.

4. Thế nào là pháp tích chánh định?

Đáp: Chánh định: Nghĩa là dựa nơi xuất ly, xa lìa đã sinh ra các pháp thiện, tức khiến tâm trụ v.v…, nói rộng cho đến tâm tánh một cảnh. Đó gọi là chánh định. Pháp tích: Nghĩa là chánh định cũng gọi là pháp, cũng gọi là tích, cũng gọi là pháp tích. Thế nên gọi là pháp tích chánh định.

*

* Bốn pháp nên chứng: 1. Hoặc có pháp là thân nên chứng. 2. Hoặc có pháp là niệm nên chứng. 3. Hoặc có pháp là mắt nên chứng. 4. Hoặc có pháp là tuệ nên chứng.

1. Thế nào là có pháp là thân nên chứng?

Đáp: Là tám giải thoát, là thân nên chứng.

2. Thế nào là có pháp là niệm nên chứng?

Đáp: Là các việc thuộc đời trước, là niệm nên chứng.

3. Thế nào là có pháp là mắt nên chứng?

Đáp: Là các việc sinh tử, là mắt nên chứng.

4. Thế nào là có pháp là tuệ nên chứng?

Đáp: Là các lậu tận, là tuệ nên chứng.

**

3. Tụng nêu tổng quát thứ ba:

Ba: Bốn pháp có chín

Hành, tu, nghiệp, thọ, ách

Ly hệ và bộc lưu

Thủ, hệ đều bốn thứ.

Gồm có: Bốn hành, bốn tu định, bốn nghiệp, bốn pháp thọ, bốn ách, bốn thứ ly hệ (Lìa trói buộc), bốn bộc lưu, bốn thủ, bốn thứ thân hệ (Trói buộc thân).

*

* Bốn hành: 1. Khổ trì thông hành. 2. Khổ tốc thông hành. 3. Lạc trì thông hành. 4. Lạc tốc thông hành.

1. Thế nào là khổ trì thông hành?

Đáp: Khi tĩnh lự không thâu giữ được phẩm hạ nơi năm căn. Đó gọi là khổ trì thông hành.

2. Thế nào là khổ tốc thông hành?

Đáp: Khi tĩnh lự không thâu giữ được phẩm thượng nơi năm căn. Đó gọi là khổ tốc thông hành.

3. Thế nào là lạc trì thông hành?

Đáp: Khi tĩnh lự thâu giữ được phẩm hạ nơi năm căn. Đó gọi là lạc trì thông hành.

4. Thế nào là lạc tốc thông hành?

Đáp: Khi tĩnh lự thâu giữ được phẩm thượng nơi năm căn. Đó gọi là lạc tốc thông hành.

*

* Lại có bốn hành: 1. Hành không nhẫn chịu được. 2. Hành nhẫn chịu được. 3. Hành điều phục. 4. Hành tịch tĩnh.

1. Thế nào là hành không nhẫn chịu được?

Đáp: Nghĩa là không thể nhẫn chịu được các thứ lạnh nóng, đói khát, rắn rít, ruồi muỗi, mưa gió v.v… khi gặp phải. Lại cũng không thể nhẫn chịu việc bị người khác gây tạo những khổ thọ cho thân, những ngôn ngữ hủy nhục, cả đến sự việc giết hại. Những việc như thế v.v… không thể nhẫn chịu được. Đó gọi là hành không nhẫn chịu được.

2. Thế nào là hành nhẫn chịu được?

Đáp: Nghĩa là có thể nhẫn chịu được các thứ lạnh nóng, đói khát, rắn rít, ruồi muỗi, mưa gió v.v… khi gặp phải. Lại cũng có thể nhẫn chịu việc bị người khác gây tạo những khổ thọ cho thân, những ngôn ngữ hủy nhục, cả đến sự việc giết hại. Những việc như thế v.v… có thể nhẫn chịu được. Đó gọi là hành nhẫn chịu được.

3. Thế nào là hành điều phục?

Đáp: Nghĩa là khi mắt thấy sắc nên chuyên ý giữ niệm, phòng hộ nhãn căn, điều phục tâm mình, không khiến dấy khởi các thứ phiền não, nghiệp ác. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý hiểu pháp v.v… đều chuyên ý giữ niệm, phòng hộ nhĩ căn v.v…, nói rộng cho đến phòng hộ ý căn, điều phục tâm mình, không khiến dấy khởi các thứ phiền não, nghiệp ác. Đó gọi là hành điều phục.

4. Thế nào là hành tịch tĩnh?

Đáp: Nghĩa là các thứ: bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Thánh đạo, bốn thông hành, bốn pháp tích, Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na v.v…, đó gọi là Hành tịch tĩnh. Vì sao nói đó là Hành tịch tĩnh? Vì do nơi các hành ấy, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, tức có thể khiến cho các tham dục, sân giận, ngu si, kiêu mạn v.v… đã sinh khởi đều được tịch tĩnh, cùng tịch tĩnh, tịch tĩnh tột cùng. Thế nên nói đó là hành tịch tĩnh.

*

* Bốn tu định: Những gì là bốn? 1. Có người tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được hiện pháp lạc trụ. 2. Có người tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được tri kiến tối thắng. 3. Có người tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được tuệ phân biệt thù thắng. 4. Có người tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được các lậu hoàn toàn dứt hết. Đó gọi là bốn tu định.

1. Thế nào là tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được hiện pháp lạc trụ?

Đáp: Nơi tĩnh lự thứ nhất đã thâu giữ được pháp ly sinh hỷ lạc cùng hành tâm tánh một cảnh, hoặc tập hoặc tu, hành tác vững chắc, thường xuyên tinh tấn tu tập. Đó gọi là tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được hiện pháp lạc trụ.

2. Thế nào là tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được tri kiến tối thắng?

Đáp: Đối với tưởng quang minh cùng hành tâm tánh một cảnh, hoặc tập hoặc tu, hành tác vững chắc, thường xuyên tinh tấn tu tập. Đó gọi là tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được tri kiến tối thắng.

3. Thế nào là tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được tuệ phân biệt thù thắng?

Đáp: Đối với thọ tưởng tầm quán cùng hành tâm tánh một cảnh, hoặc tập hoặc tu, hành tác vững chắc, thường xuyên tinh tấn tu tập.

Đó gọi là tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được tuệ phân biệt thù thắng.

4. Thế nào là tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được các lậu hoàn toàn dứt hết?

Đáp: Nơi tĩnh lự thứ tư đã thâu giữ xả, niệm thanh tịnh cùng hành, nơi đạo vô gián của quả A-la-hán thâu giữ tâm tánh một cảnh, hoặc tập hoặc tu, hành tác vững chắc, thường xuyên tinh tấn tu tập. Đó gọi là tu định, hoặc tập hoặc tu, hoặc hành tác nhiều, nên có thể đạt được các lậu hoàn toàn dứt hết

Như trong Kinh Ba La Diễn Noa Khởi Vấn, Đức Bạc-già-phạm nói kệ:

Đoạn dục tưởng, lo sợ

Lìa hôn trầm, thùy miên

Cùng trạo cử, ố tác

Được xả, niệm thanh tịnh.

Pháp luân là tối thượng

Được chánh trí giải thoát

Ta nói đoạn vô minh

Được thắng tuệ phân biệt.

*

* Bốn nghiệp: 1. Nghiệp nhận dị thục (Quả báo) đen đen. 2. Nghiệp nhận dị thục trắng trắng. 3. Nghiệp nhận dị thục đen trắng đen trắng. 4. Nghiệp không nhận dị thục không phải đen không phải trắng, có thể diệt hết các nghiệp.

1. Thế nào là nghiệp nhận dị thục đen đen?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói với Bổ-thích-noa, người giữ vô số giới của loài bò: Viên mãn nên biết! Ở thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại. Kẻ kia đã tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại rồi, thì tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại. Kẻ kia đã tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại rồi, thì chiêu cảm được tự thể có tổn hại. Kẻ kia đã chiêu cảm được tự thể có tổn hại rồi, tức sinh nơi thế gian có tổn hại. Kẻ kia do sinh nơi thế gian có tổn hại rồi, nên tiếp xúc là xúc có tổn hại. Kẻ kia đã tiếp xúc là xúc có tổn hại rồi, tức thọ nhận là thọ có tổn hại. Như vậy là hoàn toàn không thể yêu mến, không thể ưa thích, không thể vui mừng, không thể vừa ý. Như các loại hữu tình Na-lạc-ca. Hữu tình kia do loại ấy nên sinh có loại ấy, sinh rồi lại tiếp xúc là loại xúc như thế. Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp. Viên mãn nên biết! Đó gọi là nghiệp nhận dị thục đen đen.

Ở đây:

Tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại là gì? Nghĩa là tạo các hành thân, ngữ, ý bất thiện. Ở trong nghĩa này ý nói các hành thân, ngữ, ý bất thiện gọi là các hành thân, ngữ, ý có tổn hại.

Kẻ kia đã tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại rồi, thì tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại: Nghĩa là tạo các hành thân, ngữ, ý bất thiện rồi, thì tạo tác tăng trưởng các pháp không xa lìa. Ở trong nghĩa này ý nói tạo tác tăng trưởng các pháp không xa lìa gọi là tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại.

Kẻ kia đã tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại rồi, thì chiêu cảm được tự thể có tổn hại: Nghĩa là tạo tác tăng trưởng các pháp không xa lìa rồi, thì chiêu cảm trung hữu của địa ngục. Ở trong nghĩa này ý nói trung hữu của địa ngục gọi là tự thể có tổn hại. Vì sao? Vì khi đã trụ trong trung hữu ấy thì mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận biết pháp, tất cả là không vừa ý, không thể vừa ý, không hợp ý, không thể hợp ý, không có tướng vừa ý, không thể có tướng vừa ý, không có tướng bình đẳng, không phải là tướng bình đẳng. Kẻ kia do các duyên như thế nên hoàn toàn thọ nhận khổ não.

Kẻ kia đã chiêu cảm được tự thể có tổn hại rồi, tức sinh nơi thế gian có tổn hại: Nghĩa là đã chiêu cảm trung hữu của địa ngục rồi, tức sinh vào nẻo địa ngục. Ở trong nghĩa này ý nói nẻo địa ngục gọi là thế gian có tổn hại. Vì sao? Vì khi sinh vào nẻo địa ngục rồi, thì mắt thấy sắc v.v… cho đến ý nhận biết pháp, tất cả là không vừa ý, không thể vừa ý v.v…, nói rộng cho đến không có tướng bình đẳng, không phải là tướng bình đẳng. Kẻ kia do các duyên như thế nên hoàn toàn thọ nhận khổ não.

Kẻ kia do sinh nơi thế gian có tổn hại rồi, nên tiếp xúc là xúc có tổn hại: Nghĩa là khi sinh vào nẻo địa ngục thì tiếp xúc là xúc ở địa ngục. Ở trong nghĩa này ý nói xúc ở địa ngục gọi là xúc có tổn hại.

Kẻ kia đã tiếp xúc là xúc có tổn hại rồi, tức thọ nhận là thọ có tổn hại: Nghĩa là khi tiếp xúc loại xúc như thế thì nhất định thọ nhận loại thọ như thế, tức khi tiếp xúc thuận với xúc của khổ thọ tất thọ nhận khổ thọ. Do đấy nên nói tiếp xúc là xúc có tổn hại rồi, thì thọ nhận là thọ có tổn hại.

Như vậy là hoàn toàn không thể yêu mến, không thể ưa thích, không thể vui mừng, không thể vừa ý: Nghĩa là những khổ thọ kia, tất cả hữu tình đều cùng không yêu mến, không ưa thích, không vui mừng, cũng không vừa ý. Do đấy nên nói hoàn toàn không thể yêu mến cho đến không thể vừa ý.

Như các loại hữu tình Na-lạc-ca: Nghĩa là hiển bày các loại hữu tình của thế gian đang hướng đến địa ngục. Do đấy nên nói như các loại hữu tình Na-lạc-ca.

Hữu tình kia do loại ấy nên sinh có loại ấy: Nghĩa là hữu tình kia có các sự việc làm chỗ nương dựa, có nhân có duyên nên sinh nơi kia. Do đấy nên nói hữu tình kia do loại ấy nên sinh có loại ấy.

Sinh rồi lại tiếp xúc là loại xúc như thế: Nghĩa là sinh nơi địa ngục rồi thì tiếp xúc là xúc ở địa ngục. Do đấy nên nói sinh rồi lại tiếp xúc là loại xúc như thế.

Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp: Nghĩa là như hoặc tạo các hành thân ngữ ý có tổn hại. Hoặc không tạo các hành thân ngữ ý có tổn hại. Hoặc cùng tích tập tăng trưởng pháp có tổn hại. Hoặc cùng không tích tập tăng trưởng pháp có tổn hại. Hoặc tích tập tăng trưởng pháp có tổn hại. Hoặc không tích tập tăng trưởng pháp có tổn hại. Hoặc cùng chiêu cảm được tự thể có tổn hại. Hoặc cùng không chiêu cảm được tự thể có tổn hại. Hoặc chiêu cảm được tự thể có tổn hại. Hoặc không chiêu cảm được tự thể có tổn hại. Hoặc cùng sinh nơi thế gian có tổn hại. Hoặc cùng không sinh nơi thế gian có tổn hại. Hoặc sinh nơi thế gian có tổn hại. Hoặc không sinh nơi thế gian có tổn hại. Hoặc cùng tiếp xúc là xúc có tổn hại. Hoặc cùng không tiếp xúc là xúc có tổn hại. Hoặc tiếp xúc là xúc có tổn hại. Hoặc không tiếp xúc là xúc có tổn hại. Hoặc cùng thọ nhận là thọ có tổn hại. Hoặc cùng không thọ nhận là thọ có tổn hại. Tức không nên nói: Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp.

Do hoặc tạo các hành thân ngữ ý có tổn hại, tức tích tập tăng trưởng pháp có tổn hại. Nếu không tạo các hành thân ngữ ý có tổn hại, thì không tích tập tăng trưởng pháp có tổn hại. Nếu đã tích tập tăng trưởng pháp có tổn hại, tức chiêu cảm được tự thể có tổn hại. Nếu không tích tập tăng trưởng pháp có tổn hại, thì không chiêu cảm được tự thể có tổn hại. Nếu đã chiêu cảm được tự thể có tổn hại, tức sinh nơi thế gian có tổn hại. Nếu không chiêu cảm được tự thể có tổn hại, thì không sinh nơi thế gian có tổn hại. Nếu đã sinh nơi thế gian có tổn hại, tức tiếp xúc là xúc có tổn hại. Nếu không sinh nơi thế gian có tổn hại, thì không tiếp xúc là xúc có tổn hại.

Nếu đã tiếp xúc là xúc có tổn hại, tức thọ nhận là thọ có tổn hại. Nếu không tiếp xúc là xúc có tổn hại, thì không thọ nhận là thọ có tổn hại. Do đấy nên nói: Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp.

Đó gọi là nghiệp nhận dị thục đen đen: Nghĩa là nghiệp này là bất thiện nên chiêu cảm dị thục không yêu mến.

2. Thế nào là nghiệp nhận dị thục trắng trắng?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói với Bổ-thích-noa, người giữ vô số giới của loài bò: Viên mãn nên biết! Ở thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la tạo các hành thân, ngữ, ý không tổn hại. Người kia đã tạo các hành thân, ngữ, ý không tổn hại rồi, thì tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại. Người kia đã tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại rồi, thì chiêu cảm được tự thể không tổn hại. Người kia đã chiêu cảm được tự thể không tổn hại rồi, tức sinh nơi thế gian không tổn hại. Người kia do sinh nơi thế gian không tổn hại rồi, nên tiếp xúc là xúc không tổn hại. Người kia đã tiếp xúc là xúc không tổn hại rồi, tức thọ nhận là thọ không tổn hại. Như vậy là hoàn toàn đáng yêu mến, đáng ưa thích, đáng vui mừng, đáng vừa ý. Như các loại hữu tình nơi nẻo trời vượt khỏi thọ dụng đoạn thực. Hữu tình kia do loại ấy nên sinh có loại ấy, sinh rồi lại tiếp xúc là loại xúc như thế. Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp. Viên mãn nên biết! Đó gọi là nghiệp nhận dị thục trắng trắng.

Ở đây:

Tạo các hành thân, ngữ, ý không tổn hại là gì? Nghĩa là tạo các hành thân, ngữ, ý thiện. Ở trong nghĩa này ý nói các hành thân, ngữ, ý thiện gọi là các hành thân, ngữ, ý không tổn hại.

Người kia đã tạo các hành thân, ngữ, ý không tổn hại rồi, thì tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại: Nghĩa là tạo các hành thân, ngữ, ý thiện rồi, thì tạo tác tăng trưởng các pháp xa lìa. Ở trong nghĩa này ý nói tạo tác tăng trưởng các pháp xa lìa gọi là tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại.

Người kia đã tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại rồi, thì chiêu cảm được tự thể không tổn hại: Nghĩa là tạo tác tăng trưởng các pháp xa lìa tức chiêu cảm được trung hữu của cõi Sắc. Ở trong nghĩa này ý nói trung hữu của cõi Sắc gọi là tự thể không tổn hại. Vì sao? Vì khi đã trụ trong trung hữu ấy thì mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận biết pháp, tất cả đều vừa ý, không phải là không vừa ý, là hợp ý, không phải là không hợp ý, là tướng vừa ý, không phải là tướng không vừa ý, là tướng bình đẳng, không phải là tướng không bình đẳng. Hữu tình kia do các duyên như thế nên thuần thọ nhận hỷ lạc.

Người kia đã chiêu cảm được tự thể không tổn hại rồi, tức sinh nơi thế gian không tổn hại: Nghĩa là đã chiêu cảm trung hữu của cõi Sắc rồi, tức sinh lên nẻo trời thuộc Sắc giới. Ở trong nghĩa này ý nói trời thuộc Sắc giới gọi là thế gian không tổn hại. Vì sao? Vì sinh nơi trời thuộc Sắc giới thì mắt thấy sắc v.v…, cho đến ý nhận biết pháp, tất cả đều vừa ý, không phải là không vừa ý v.v…, nói rộng cho đến tướng bình đẳng, không phải là tướng không bình đẳng. Hữu tình kia do các duyên như thế nên thuần thọ nhận hỷ lạc.

Người kia do sinh nơi thế gian không tổn hại rồi, nên tiếp xúc là xúc không tổn hại: Nghĩa là khi sinh nơi nẻo trời thuộc Sắc giới thì tiếp xúc là xúc nơi trời thuộc cõi Sắc. Ở trong nghĩa này ý nói xúc ở trời thuộc cõi Sắc gọi là xúc không tổn hại.

Người kia đã tiếp xúc là xúc không tổn hại rồi, tức thọ nhận là thọ không tổn hại: Nghĩa là khi tiếp xúc loại xúc như thế thì nhất định thọ nhận loại thọ như thế, tức khi tiếp xúc thuận với xúc của lạc thọ tất thọ nhận lạc thọ. Do đấy nên nói tiếp xúc là xúc không tổn hại rồi thì thọ nhận là thọ không tổn hại.

Như vậy là hoàn toàn đáng yêu mến, đáng ưa thích, đáng vui mừng, đáng vừa ý: Nghĩa là những lạc thọ kia, tất cả hữu tình đều cùng đáng yêu mến, ưa thích, vui mừng, vừa ý. Do đấy nên nói là hoàn toàn đáng yêu mến v.v… cho đến đáng vừa ý.

Như các loại hữu tình nơi nẻo trời vượt khỏi thọ dụng đoạn thực: Nghĩa là hiển bày thế gian hướng đến cõi Sắc. Do đấy nên nói như các loại hữu tình nơi nẻo trời vượt khỏi thọ dụng đoạn thực.

Hữu tình kia do loại ấy nên sinh có loại ấy: Nghĩa là hữu tình kia có các sự việc làm chỗ nương dựa, có nhân có duyên nên sinh nơi kia. Do đấy nên nói hữu tình kia do loại ấy nên sinh có loại ấy.

Sinh rồi lại tiếp xúc là loại xúc như thế: Nghĩa là đã sinh nơi cõi Sắc rồi thì tiếp xúc là xúc của cõi Sắc. Do đấy nên nói sinh rồi lại tiếp xúc là loại xúc như thế.

Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp: Nghĩa là như hoặc tạo các hành thân, ngữ, ý không tổn hại, hoặc không tạo các hành thân, ngữ, ý không tổn hại, cùng tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại, hoặc cùng không tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại. Hoặc tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại, hoặc không tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại, thì cùng chiêu cảm được tự thể không tổn hại, hoặc cùng không chiêu cảm được tự thể không tổn hại. Hoặc chiêu cảm được tự thể không tổn hại, hoặc không chiêu cảm được tự thể không tổn hại, thì cùng sinh nơi thế gian không tổn hại, hoặc cùng không sinh nơi thế gian không tổn hại. Hoặc đã sinh nơi thế gian không tổn hại, hoặc không sinh nơi thế gian không tổn hại, thì cùng tiếp xúc là xúc không tổn hại, hoặc cùng không tiếp xúc là xúc không tổn hại. Hoặc tiếp xúc là xúc không tổn hại, hoặc không tiếp xúc là xúc không tổn hại, thì cùng thọ nhận là thọ không tổn hại, hoặc cùng không thọ nhận là thọ không tổn hại. Tức không nên nói: Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp.

Do nếu tạo các hành thân, ngữ, ý không tổn hại, thì tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại. Nếu không tạo các hành thân, ngữ, ý không tổn hại, thì không tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại. Nếu tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại, thì chiêu cảm được tự thể không tổn hại. Nếu không tích tập tăng trưởng các pháp không tổn hại, thì không chiêu cảm được tự thể không tổn hại. Nếu chiêu cảm được tự thể không tổn hại, thì sinh nơi thế gian không tổn hại. Nếu không chiêu cảm được tự thể không tổn hại, thì không sinh nơi thế gian không tổn hại. Nếu sinh nơi thế gian không tổn hại, thì tiếp xúc là xúc không tổn hại. Nếu không sinh nơi thế gian không tổn hại, thì không tiếp xúc là xúc không tổn hại. Nếu tiếp xúc là xúc không tổn hại, thì thọ nhận là thọ không tổn hại. Nếu không tiếp xúc là xúc không tổn hại, thì không thọ nhận là thọ không tổn hại. Do đấy nên nói: Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp.

Đó gọi là nghiệp nhận dị thục trắng trắng: Nghĩa là nghiệp này là thiện nên chiêu cảm dị thục đáng yêu mến.

3. Thế nào là nghiệp nhận dị thục đen trắng đen trắng?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói với Bổ-thích-noa, người giữ vô số giới của loài bò: Viên mãn nên biết! Ở thế gian có một loại Bổ-đặc-già-la tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại và không tổn hại. Người kia đã tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại và không tổn hại rồi, thì tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại. Người kia đã tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại rồi, thì chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại. Người kia đã chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại rồi, tức sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại. Người kia do sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại rồi, nên tiếp xúc là xúc có tổn hại và không tổn hại. Người kia đã tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại rồi, tức thọ nhận là các thọ có tổn hại và không tổn hại, là cùng xen tạp, như các loài hữu tình là người và một phần là trời. Hữu tình kia do loại ấy nên sinh có loại ấy, sinh rồi lại tiếp xúc là các loại xúc như thế. Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp. Viên mãn nên biết! Đó gọi là nghiệp nhận dị thục đen trắng đen trắng.

Ở đây:

Tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại và không tổn hại: Nghĩa là tạo các hành thân, ngữ, ý thiện, bất thiện. Ở trong nghĩa này ý nói các hành thân, ngữ, ý thiện, bất thiện gọi là các hành thân, ngữ, ý có tổn hại và không tổn hại.

Người kia đã tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại và không tổn hại rồi, thì tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại: Nghĩa là đã tạo các hành thân, ngữ, ý thiện và bất thiện rồi, thì tạo tác tăng trưởng các pháp xa lìa và không xa lìa. Ở trong nghĩa này ý nói tạo tác tăng trưởng các pháp xa lìa và không xa lìa gọi là tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại.

Người kia đã tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại rồi, thì chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại: Nghĩa là tạo tác tăng trưởng các pháp xa lìa và không xa lìa, tức chiêu cảm được trung hữu của người và trời thuộc Dục giới. Ở trong nghĩa này ý nói trung hữu của người và trời thuộc Dục giới gọi là tự thể có tổn hại và không tổn hại. Vì sao? Vì trụ nơi trung hữu ấy thì mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhận biết pháp, tất cả là vừa ý, cũng không vừa ý, là hợp ý, cũng không hợp ý, có tướng vừa ý, cũng có tướng không vừa ý, có tướng bình đẳng, cũng có tướng không bình đẳng. Hữu tình kia do các duyên như thế nên thọ nhận khổ vui xen tạp.

Hữu tình kia đã chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại rồi, tức sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại: Nghĩa là chiêu cảm được trung hữu của người và trời thuộc Dục giới rồi, thì sinh vào nẻo người và trời thuộc Dục giới. Ở trong nghĩa này ý nói nơi nẻo người và trời thuộc Dục giới gọi là thế gian có tổn hại và không tổn hại. Vì sao? Vì đã sinh nơi nẻo người và trời thuộc Dục giới rồi thì mắt thấy sắc v.v… cho đến ý nhận biết pháp, tất cả là vừa ý, cũng không vừa ý v.v…, nói rộng cho đến có tướng bình đẳng, cũng có tướng không bình đẳng. Hữu tình kia do các duyên như thế nên thọ nhận khổ vui xen tạp.

Hữu tình kia do sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại rồi, nên tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại: Nghĩa là sinh vào nẻo người và trời thuộc Dục giới rồi, thì tiếp xúc là các xúc của nẻo người và trời thuộc Dục giới. Ở trong nghĩa này ý nói xúc nơi nẻo người và trời thuộc Dục giới gọi là xúc có tổn hại và không tổn hại.

Hữu tình kia đã tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại rồi, tức thọ nhận là các thọ có tổn hại và không tổn hại: Nghĩa là khi tiếp xúc loại xúc như thế thì nhất định thọ nhận loại thọ như thế, tức khi tiếp xúc là các xúc thuận khổ lạc tất thọ nhận là các thọ khổ lạc. Do đấy nên nói tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại rồi, tức thọ nhận là các thọ có tổn hại và không tổn hại.

Cùng xen tạp: Nghĩa là khổ thọ, lạc thọ cùng xen lẫn mà hiện tiền. Do đấy nên nói là chúng cùng xen tạp.

Hữu tình kia do loại ấy nên sinh có loại ấy: Nghĩa là các hữu tình kia có các sự việc làm chỗ nương dựa, có nhân có duyên nên sinh nơi ấy. Do đấy nên nói hữu tình kia do loại ấy nên sinh có loại ấy.

Sinh rồi lại tiếp xúc là các loại xúc như thế: Nghĩa là sinh vào nẻo người và trời thuộc Dục giới rồi, lại tiếp xúc là các xúc của nẻo người và trời thuộc Dục giới. Do đấy nên nói sinh rồi lại tiếp xúc là các loại xúc như thế.

Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp: Nghĩa là nếu như tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại và không tổn hại, hoặc không tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại và không tổn hại, thì cùng tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại, hoặc cùng không tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại. Nếu tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại, hoặc không tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại, thì cùng chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại, hoặc cùng không chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại. Nếu chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại, hoặc không chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại, thì cùng sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại, hoặc cùng không sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại. Nếu sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại, hoặc không sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại, thì cùng tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại, hoặc cùng không tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại. Nếu tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại, hoặc không tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại, thì cùng thọ nhận là các thọ có tổn hại và không tổn hại, hoặc cùng không thọ nhận là các thọ có tổn hại và không tổn hại. Tức không nên nói: Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp.

Do nếu tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại và không tổn hại, tức tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại. Nếu không tạo các hành thân, ngữ, ý có tổn hại và không tổn hại, thì không tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại. Nếu tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại, tức chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại. Nếu không tích tập tăng trưởng các pháp có tổn hại và không tổn hại, thì không chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại. Nếu chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại, tức sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại. Nếu không chiêu cảm được tự thể có tổn hại và không tổn hại, thì không sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại. Nếu sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại, tức tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại. Nếu không sinh nơi thế gian có tổn hại và không tổn hại, thì không tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại. Nếu tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại, tức thọ nhận là các thọ có tổn hại và không tổn hại. Nếu không tiếp xúc là các xúc có tổn hại và không tổn hại, thì không thọ nhận là các thọ có tổn hại và không tổn hại. Do đấy nên nói: Thế nên Ta nói các hữu tình kia theo đấy tự tạo nghiệp.

Đó gọi là nghiệp nhận dị thục đen trắng đen trắng: Nghĩa là nghiệp này là thiện hoặc bất thiện, nên chiêu cảm dị thục đáng yêu mến và không đáng yêu mến.

4. Thế nào là nghiệp không nhận dị thục không phải đen không phải trắng, có thể diệt hết các nghiệp?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói với Bổ-thích-noa, người giữ vô số giới của loài bò: Viên mãn nên biết! Nếu có thể diệt hết các tư nghiệp nhận dị thục đen đen (toàn đen). Hoặc có thể diệt hết các tư nghiệp nhận dị thục trắng trắng (toàn trắng). Hoặc có thể diệt hết các tư nghiệp nhận dị thục đen trắng đen trắng (đen trắng xen lẫn). Viên mãn nên biết! Đó gọi là nghiệp không có dị thục không phải đen không phải trắng, có thể diệt hết các nghiệp.

Ở đây:

Không phải đen: Nghĩa là nghiệp này không phải như nghiệp bất thiện. Do đen, không hợp ý, nên gọi là đen. Nghiệp này không như thế nên gọi là không phải đen.

Không phải trắng: Nghĩa là nghiệp này không phải như nghiệp thiện hữu lậu. Do trắng, hợp ý, nên gọi là trắng. Nghiệp này không như thế nên gọi là không phải trắng.

Không nhận dị thục: Nghĩa là nghiệp này không phải như ba nghiệp trước có thể chiêu cảm dị thục, nên gọi là nghiệp không nhận dị thục.

Có thể diệt hết các nghiệp: Nghĩa là nghiệp này là học và tư duy có thể hướng đến tổn giảm. Vì sao? Vì nếu học và tư duy có thể hướng đến tổn giảm tức đối với ba nghiệp trước có thể dứt hết, dứt hết khắp, theo đấy được vĩnh viễn dứt hết. Ở trong nghĩa này, ý nói gọi là nghiệp có thể diệt hết các nghiệp. Do đấy nên nói nghiệp không nhận dị thục không phải đen không phải trắng, có thể diệt hết các nghiệp.

HẾT – QUYỂN 7