LUẬN A TỲ ĐẠT MA TẬP DỊ MÔN TÚC
Tác giả: Tôn giả Xá Lợi Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 1

Phẩm 1: DUYÊN KHỞI

Một thời, Đức Thế Tôn du hóa đến ngụ tại khu rừng Chiết-lộca, thuộc ấp Ba Ba, nơi sinh sống của các lực sĩ.

Bấy giờ, trong ấp ấy, tại khoảng đông tây của thôn, nơi các lực sĩ thường đến tụ họp vui chơi, có ngôi tháp cổ Ốt-bạt-nặc-ca, ở đấy vừa mới xây xong một đài có trang trí ngọc báu, chưa có Sa-môn, Bà-la-môn v.v… cùng các lực sĩ từng thọ dụng đài quán ấy. Khi biết được Đức Thế Tôn cùng các Bí-sô Tăng đến ngụ nơi khu rừng gần đó, chúng lực sĩ hết sức vui mừng, hội họp nhau lại và bàn: “Chúng ta vừa mới sửa sang xong tòa đài đẹp đẽ bậc nhất kia. Vậy trước hết nên thỉnh Đức Phật cùng các Bí-sô Tăng, là những phước điền vô thượng đến ở tại đấy. Sau đó chúng ta sẽ theo nghiệp thắng thiện đạt được nhiều tiền bạc vật dụng để chi dùng, do đó suốt cả đời, luôn có được lợi ích an lạc há chẳng tốt sao!”. Các lực sĩ sau khi bàn luận xong, đều tập hợp chúng bạn bè và các quyến thuộc cùng ra khỏi thôn Ba Ba đến thẳng chỗ Đức Như Lai. Đến nơi, cùng lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh Phật theo phía bên phải ba vòng rồi cùng ngồi sang một phía.

Lúc này, Đức Bạc-già-phạm dùng lời lẽ dịu dàng hiền từ thăm hỏi an ủi các lực sĩ và đám quyến thuộc của họ, lại đem đủ các pháp môn vi diệu để chỉ bày dẫn dạy và khen ngợi khích lệ hết sức vui vẻ. Khi nói xong sự việc Đức Thế Tôn im lặng ngồi yên.

Đám các lực sĩ nghe Đức Phật giảng nói xong thì vui mừng hớn hở, liền đứng dậy và chấp tay cung kính cùng bạch Phật:

–Các lực sĩ chúng con trong ấp này thường đến tụ tập vui chơi tại khoảng đông tây của thôn nơi ngôi tháp cổ Ốt-bạt-nặc-ca, tại đó vừa mới xây dựng một đài quán có trang trí ngọc báu, nhưng chưa có Sa-môn, Bà-la-môn cùng với các lực sĩ từng thọ dụng đài quán ấy. Nay kính mong Đức Thế Tôn thương xót chúng con, hãy cùng quý vị đệ tử đến ở nơi ấy, khiến chúng con suốt cả đời được nhiều lợi ích, an lạc.

Khi ấy, Đức Như Lai do thương xót họ nên đem chúng đệ tử đến ở tại đấy, lại dùng pháp âm vi diệu vì các lực sĩ giảng nói về những sự sai biệt của quả báo bố thí, hỏi qua đáp lại đến quá đầu đêm. Đám các lực sĩ cùng số quyến thuộc được nghe pháp đều hết sức vui mừng, đồng lễ Phật rồi ra về.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-tử:

–Ta nay lưng bị đau, cần nghỉ ngơi. Vậy thầy có thể thay Ta giảng nói các pháp thiết yếu cho chúng Bí-sô, chớ nên bỏ phí thời giờ.

Tôn giả Xá-lợi-tử yên lặng vâng lời. Bấy giờ, Đức Phật liền dùng bốn lớp y Ốt-đát-la-tăng trải làm ngọa cụ, xếp đại y làm gối, rồi thẳng mình chồng chân nằm nghiêng về hông bên phải, tác ý như lý trụ nơi tưởng quang minh. Trong khi khởi tưởng vẫn thâu giữ đủ các niệm chánh tri. Như ngọn núi báu lớn, bất động.

Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-tử bảo chúng Bí-sô:

–Thôn Ba Ba này trước đây có một Thân tử ly hệ, ở chốn đông người không biết hổ thẹn tự cho mình là bậc thầy. Vị ấy qua đời chưa quá tuần tháng, các hàng đệ tử bày ra việc kết bạn thành từng đôi một, tranh cãi phân vân, có khi lại miệt thị chê bai nhau. Mỗi người đều nói mình là người thông hiểu pháp luật của thầy không phải là người khác. Như chỗ nhận biết của mình là pháp là luật, điều mình nói ra là đúng lý hợp lẽ. Các ông đối với sự việc này là hết phần. Thế là những điều thầy dạy mỗi người đều theo chỗ chấp của mình tự tiện đổi trước ra sau, hoặc thêm hoặc bớt, phân chia vụn vặt tạo thành nhiều phái, muốn biết hơn thua nên cùng tranh luận kích bác. Để tránh lỗi lầm khó khăn, họ càng chê bai, bài xích lẫn nhau, tuy có luận lời nhưng không luận đạo chỉ từ miệng tuôn ra những thứ dao mác để tàn hại nhau. Những người bạch y tin theo pháp đó thấy đám đệ tử kia tranh chống như thế liền nổi giận, chế giễu bỏ đi.

Tôn giả Xá-lợi-tử lại bảo đại chúng:

–Thân tử ly hệ ở thôn Ba Ba ấy pháp luật hiện có là nêu giảng ác, thọ nhận ác, không thể xuất ly, không hướng đến chánh giác. Đấy là pháp có thể hư hoại, không thể hướng tới, không thể nương dựa. Còn Đức Như Lai của chúng ta là bậc Ứng Chánh Đẳng Giác, pháp luật của bậc Đại sư là thuyết giảng thiện, thọ nhận thiện, có thể vĩnh viễn xuất ly, có thể hướng đến chánh giác, không phải là pháp có thể hủy hoại, có thể hướng tới, có chỗ nương dựa. Chúng ta hiện nay nên nghe những giáo pháp do Phật giảng nói, hiện Ngài đang trụ thế, hãy hòa hợp kết tập thành pháp Tỳ-nại-da. Chớ để sau khi Đức Như Lai nhập Niết-bàn rồi lại xảy ra việc đệ tử của Đức Thế Tôn tranh cãi, chống đối nhau. Nên khiến cho pháp luật thuận theo phạm hạnh được trụ lâu, đem lại lợi lạc cho vô lượng hữu tình. Lại thương xót hàng trời, người ở thế gian, khiến họ có được nghĩa lợi an lạc thù thắng.

***

Phẩm 2: MỘT PHÁP

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại nói với đại chúng: Các Cụ thọ nên biết! Đức Phật đối với một pháp đã tự khéo thông đạt, hiện Đẳng giác rồi, vì các đệ tử tuyên thuyết khai thị. Nay chúng ta nên hòa hợp kết tập, để sau khi Đức Phật diệt độ chớ nên có tranh cãi, chống đối. Nên khiến cho pháp luật thuận theo phạm hạnh được trụ lâu, đem lại lợi lạc cho vô lượng hữu tình. Lại thương xót các chúng trời, người ở thế gian, khiến họ đạt được nghĩa lợi an lạc thù thắng.

Thế nào là một pháp? Tụng nêu tổng quát:

Một pháp là hữu tình

Nương ăn, nương hành trụ

Đối tất cả pháp thiện

Không phóng dật là quý.

Tất cả hữu tình (Chúng sinh) đều nương nơi việc ăn uống để trụ. Tất cả hữu tình đều nương nơi hành để trụ. Đối với các pháp thiện không phóng dật là hơn hết. Đó gọi là một pháp.

**

* Tất cả hữu tình đều nương nơi việc ăn uống để trụ: Những gì là ăn để nói hữu tình đều nương nơi việc ăn uống để trụ? Bí-sô nên biết! Như Đức Thế Tôn đã nói: Ăn có bốn thứ, có thể khiến cho nhiều loại hữu tình được an trụ cùng có thể giúp ích cho các kẻ cầu sống. Những gì là bốn? 1. Đoạn thực (Ăn từng phần) hoặc thô hoặc tế. 2. Xúc thực (Ăn bằng xúc chạm). 3. Ý tư thực (Ăn bằng ý tưởng tư duy). 4. Thức thực (Ăn bằng thức nhận biết). Do bốn thứ ăn này nên nói các hữu tình đều nương nơi ăn để trụ.

Do nguyên cớ gì nhận biết các loài hữu tình đều nương nơi ăn để trụ? Nghĩa là các hữu tình đối với các tụ hợp (Uẩn) kia, do các thứ ăn ấy chưa hết hẳn làm nhân, có tưởng cùng tưởng thiết lập ngôn ngữ, sinh sống tồn tại, chuyển biến có sai biệt. Hoặc các hữu tình đối với các tụ hợp (Uẩn) kia, do các thứ ăn ấy đã hết hẳn làm nhân, có tưởng cùng tưởng thiết lập ngôn ngữ, chết chóc tan mất, chuyển biến có sai biệt. Do đó nên nhận biết các loài hữu tình đều nương nơi ăn để trụ.

*

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là hữu vi hay vô vi?

Đáp: Nên nói là hữu vi.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là thường hay vô thường?

Đáp: Nên nói là vô thường.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là còn mãi hay không còn mãi?

Đáp: Nên nói là không còn mãi.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là biến đổi hay không biến đổi?

Đáp: Nên nói là biến đổi.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là do duyên sinh hay nói không phải do duyên sinh?

Đáp: Nên nói là do duyên sinh.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói thuộc về danh hay thuộc về sắc?

Đáp: Đoạn thực nên nói thuộc về sắc, ba thứ ăn kia nên nói thuộc về danh.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là hữu kiến hay vô kiến?

Đáp: Nên nói là vô kiến.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là hữu đối hay vô đối?

Đáp: Đoạn thực nên nói là hữu đối, ba thứ ăn kia nên nói là vô đối.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là tâm hay không phải tâm, nên nói là tâm sở hay không phải tâm sở, nên nói là tâm tương ưng hay tâm không tương ưng?

Đáp: Đoạn thực nên nói là không phải tâm, không phải tâm sở và tâm không tương ưng. Xúc thực, Ý tư thực nên nói là tâm sở và tâm tương ưng. Riêng Thức thực nên nói chỉ là tâm.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là thiện, bất thiện hay vô ký?

Đáp: Đoạn thực nên nói là vô ký. Còn ba thứ ăn kia nên nói hoặc thiện, hoặc bất thiện, hoặc vô ký.

Thế nào là Xúc thực thiện? Đáp: Nếu xúc chạm do pháp thiện hữu lậu làm duyên, có thể khiến các căn được nuôi lớn, đại chủng tăng trưởng, lại có thể làm thấm nhuần thì theo đấy khiến được thấm nhuần, có thể làm sung mãn thì theo đấy khiến được sung mãn, có thể che chở, chuyển đổi, giữ gìn thì theo đấy khiến được che chở, chuyển đổi, giữ gìn. Đó gọi là Xúc thực thiện.

Thế nào là Xúc thực bất thiện? Đáp: Nếu xúc chạm do pháp bất thiện làm duyên, có thể khiến các căn được nuôi lớn, đại chủng tăng trưởng, lại có thể làm thấm nhuần thì theo đấy khiến được thấm nhuần v.v…, cho đến có thể giữ gìn thì theo đấy khiến được giữ gìn. Đó gọi là Xúc thực bất thiện.

Thế nào là Xúc thực vô ký? Đáp: Nếu xúc chạm do pháp vô ký làm duyên, có thể khiến các căn được nuôi lớn, đại chủng tăng trưởng, lại có thể làm thấm nhuần thì theo đấy khiến được thấm nhuần v.v…, cho đến có thể giữ gìn thì theo đấy khiến được giữ gìn. Đó gọi là Xúc thực vô ký.

Thế nào là Ý tư thực thiện? Đáp: Nếu các tư duy v.v… tương ưng với những xúc chạm hữu lậu thiện, như tư duy các sự việc hiện tiền, tư duy về những sự việc, những ý đã nghĩ qua, tư duy về các loại nghiệp ý tạo nên tâm. Đó gọi là Ý tư thực thiện.

Thế nào là Ý tư thực bất thiện? Đáp: Nếu các tư duy v.v… tương ưng với xúc bất thiện, như tư duy các sự việc hiện tiền v.v…, cho đến tư duy về các loại nghiệp ý tạo nên tâm. Đó gọi là Ý tư thực bất thiện.

Thế nào là Ý tư thực vô ký? Đáp: Nếu các tư duy v.v… tương ưng với xúc vô ký, như tư duy các sự việc hiện tiền v.v…, cho đến tư duy về các loại nghiệp ý tạo nên tâm. Đó gọi là Ý tư thực vô ký.

Thế nào là Thức thực thiện? Đáp: Nếu tư duy thiện hữu lậu tương ưng với các tâm ý thức. Đó gọi là Thức thực thiện.

Thế nào là Thức thực bất thiện? Đáp: Nếu tư duy bất thiện tương ưng với các tâm ý thức. Đó gọi là Thức thực bất thiện.

Thế nào là Thức thực vô ký? Đáp: Nếu tư duy vô ký tương ưng với các tâm ý thức. Đó gọi là Thức thực vô ký.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là hữu lậu hay vô lậu?

Đáp: Nên nói là hữu lậu.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là học, vô học, hay phi học phi vô học?

Đáp: Nên nói là phi học phi vô học.

Hỏi: Bốn thứ ăn như thế, nên nói là thuộc cõi Dục, cõi Sắc, hay cõi Vô sắc?

Đáp: Đoạn thực nên nói là thuộc cõi Dục. Ba thứ ăn kia nên nói là hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc, hoặc thuộc cõi Vô sắc.

*

Hỏi: Các thứ ăn đều là Đoạn thực chăng?

Đáp: Các Đoạn thực đều là ăn, nhưng có những thứ ăn không phải là Đoạn thực, tức là ba thứ ăn kia và thế tục.

Hỏi: Các thứ ăn đều là Xúc thực chăng?

Đáp: Các Xúc thực đều là ăn, nhưng có những thứ ăn không phải là Xúc thực, tức là ba thứ ăn kia và thế tục.

Hỏi: Các thứ ăn đều là Ý tư thực chăng?

Đáp: Các Ý tư thực đều là ăn, nhưng có những thứ ăn không phải là Ý tư thực, tức là ba thứ ăn kia và thế tục.

Hỏi: Các thứ ăn đều là Thức thực chăng?

Đáp: Các Thức thực đều là ăn, nhưng có những thứ ăn không phải là Thức thực, tức là ba thứ ăn kia và thế tục.

*

Hỏi: Các phần ăn đều là ăn chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là phần ăn nhưng không phải là ăn: Nghĩa là phần ăn duyên với các căn tổn giảm, đại chủng biến hoại.

2. Có trường hợp là ăn nhưng không phải là phần ăn: Nghĩa là ba thứ ăn kia và thế tục.

3. Có trường hợp là phần ăn cũng là ăn: Nghĩa là phần ăn làm duyên khiến các căn được nuôi lớn, đại chủng tăng trưởng, lại có thể làm thấm nhuần thì theo đấy khiến được thấm nhuần v.v…, cho đến có thể giữ gìn thì theo đấy khiến được giữ gìn.

4. Có trường hợp không phải là phần ăn cũng không phải là ăn: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Các xúc chạm đều gọi là ăn chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có xúc chạm nhưng không phải là ăn: Nghĩa là xúc vô lậu và xúc hữu lậu làm duyên với các căn tổn giảm, đại chủng biến hoại.

2. Có thứ ăn nhưng không phải là xúc chạm: Nghĩa là ba thứ ăn kia và thế tục.

3. Có xúc chạm cũng là ăn: Nghĩa là xúc hữu lậu làm duyên với các căn được nuôi lớn, đại chủng tăng trưởng, lại có thể làm thấm nhuần thì theo đấy khiến được thấm nhuần v.v…, cho đến có thể giữ gìn thì theo đấy khiến được giữ gìn.

4. Có không phải là xúc chạm cũng không phải là ăn: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Như Xúc thực có bốn trường hợp, Ý tư thực, Thức thực nên biết cũng như thế.

*

Hỏi: Từng có khi nào do ăn làm duyên sinh ra ăn, sinh ra không phải ăn, hoặc sinh ra ăn không phải ăn chăng?

Đáp: Có sinh ra.

Thế nào là do ăn làm duyên sinh ra ăn? Đáp: Đoạn thực làm duyên sinh ra ba thứ ăn kia.

Thế nào là do ăn làm duyên sinh ra không phải ăn? Đáp: Đoạn thực làm duyên sinh ra thọ, tưởng, tác ý v.v…

Thế nào là do ăn làm duyên sinh ra ăn không phải ăn? Đáp: Đoạn thực làm duyên sinh ra ba thứ ăn kia và thọ, tưởng, tác ý v.v…

Hỏi: Từng có khi nào do không phải ăn làm duyên sinh ra không phải ăn, sinh ra ăn, hoặc sinh ra ăn không phải ăn chăng?

Đáp: Có sinh ra.

Thế nào là không phải ăn làm duyên sinh ra không phải ăn? Đáp: Như mắt và sắc làm duyên sinh ra thọ, tưởng, tác ý v.v…

Thế nào là không phải ăn làm duyên sinh ra ăn? Đáp: Như mắt và sắc làm duyên sinh ra Xúc thực, Ý tư thực và Thức thực.

Thế nào là không phải ăn làm duyên sinh ra ăn không phải ăn? Đáp: Như mắt và sắc làm duyên sinh ra Xúc thực, Ý tư thực và Thức thực cùng thọ, tưởng, tác ý v.v…

Hỏi: Từng có khi nào ăn, không phải ăn làm duyên sinh ra ăn không phải ăn, sinh ra ăn, sinh ra không phải ăn chăng?

Đáp: Có sinh ra.

Thế nào là ăn, không phải ăn làm duyên sinh ra ăn không phải ăn? Đáp: Như mắt, sắc và nhãn thức làm duyên sinh ra Xúc thực, Ý tư thực và Thức thực cùng thọ, tưởng, tác ý v.v…

Thế nào là ăn, không phải ăn làm duyên sinh ra ăn? Đáp: Như mắt, sắc và nhãn thức làm duyên sinh ra Xúc thực, Ý tư thực và Thức thực.

Thế nào là ăn, không phải ăn làm duyên sinh ra không phải ăn? Đáp: Như mắt, sắc và nhãn thức làm duyên sinh ra thọ, tưởng, tác ý v.v…

*

Hỏi: Nếu Đoạn thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì Xúc thực cũng như thế chăng?

Đáp: Nếu Xúc thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp thì Đoạn thực cũng như thế. Có Đoạn thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng không phải là Xúc thực. Nghĩa là đã lìa dục nhiễm, chưa lìa nhiễm cõi trên. Như dùng Đoạn thực đối chiếu với Xúc thực, thì đối chiếu với Ý tư thực, Thức thực cũng như thế.

Hỏi: Nếu Xúc thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì Ý tư thực cũng như thế chăng?

Đáp: Cũng như thế. Như dùng Xúc thực đối chiếu với Ý tư thực thì đối chiếu với Thức thực cũng như vậy.

Hỏi: Nếu Ý tư thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì Thức thực cũng như thế chăng?

Đáp: Cũng như thế.

*

Hỏi: Nếu đối với ăn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì người kia đối với cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc đã lìa nhiễm chăng?

Đáp: Nếu đối với Đoạn thực đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì người kia chỉ lìa nhiễm ở cõi Dục, không phải ở cõi Sắc và Vô sắc.

Như đối với ba thứ ăn kia đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì người kia đã lìa nhiễm ở cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

Bấy giờ, đối với tất cả, tất cả sự việc, tất cả chủng loại, tất cả phần vị, tất cả xứ, tất cả kiết đều đã lìa nhiễm.

**

* Tất cả hữu tình đều nương nơi hành để trụ: Những gì là hành mà nói hữu tình đều nương nơi hành để trụ? Bí-sô nên biết! Như Đức Thế Tôn đã nói: Nếu các hữu tình đối với các tụ hợp (Uẩn) kia không chết, không mất, không vỡ, không chìm, không lỗi, không thoái, đều do thọ mạng trụ khiến mạng căn nối tiếp. Thọ mạng nơi mạng căn này gọi là hành. Do hành ấy nên tất cả hữu tình tồn tại, hoạt động, an trụ. Hành này đối với mạng căn kia có thể giữ gìn, chuyển đổi, đều tùy theo đấy mà giữ gìn, chuyển đổi. Vì vậy nên nói tất cả hữu tình đều nương nơi hành để trụ.

Do duyên cớ gì nhận biết các loài hữu tình đều nương nơi hành để trụ? Nghĩa là các hữu tình đối với thân tụ hợp này do hành của thọ mạng ấy chưa tận làm nhân, có tưởng cùng tưởng thiết lập ngôn ngữ, hoạt động tồn tại, chuyển biến có sai biệt. Hoặc các hữu tình đối với thân tụ hợp này do hành của thọ mạng ấy đã tận làm nhân, có tưởng cùng tưởng thiết lập ngôn ngữ, chết chóc, tan hoại, chuyển biến có sai biệt. Do đó nên biết các loài hữu tình đều nương nơi hành để trụ.

*

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là hữu vi hay vô vi?

Đáp: Nên nói là hữu vi.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là thường hay vô thường?

Đáp: Nên nói là vô thường.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là còn mãi hay không còn mãi?

Đáp: Nên nói là không còn mãi.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là biến đổi hay không biến đổi?

Đáp: Nên nói là biến đổi.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là do duyên sinh hay không phải do duyên sinh?

Đáp: Nên nói là do duyên sinh.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói thuộc về sắc hay thuộc về danh?

Đáp: Nên nói thuộc về danh.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là hữu kiến hay vô kiến?

Đáp: Nên nói là vô kiến.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là hữu đối hay vô đối?

Đáp: Nên nói là vô đối.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là tâm hay không phải tâm, nên nói là tâm sở hay không phải tâm sở, nên nói là tâm tương ưng hay tâm không tương ưng?

Đáp: Nên nói là không phải tâm, không phải tâm sở và tâm không tương ưng.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là thiện, bất thiện hay vô ký?

Đáp: Nên nói là vô ký.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là hữu lậu hay vô lậu?

Đáp: Nên nói là hữu lậu.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là học, vô học, hay phi học phi vô học?

Đáp: Nên nói là phi học phi vô học.

Hỏi: Như thế hành của thọ mạng, nên nói là thuộc cõi Dục, cõi Sắc, hay cõi Vô sắc?

Đáp: Nên nói là hoặc thuộc cõi Dục, hoặc thuộc cõi Sắc, hoặc thuộc cõi Vô sắc.

Vì sao nói là thuộc cõi Dục? Đáp: Vì thọ mạng ở cõi Dục.

Vì sao nói là thuộc cõi Sắc? Đáp: Vì thọ mạng ở cõi Sắc.

Vì sao nói là thuộc cõi Vô sắc? Đáp: Vì thọ mạng ở cõi Vô sắc.

*

Hỏi: Nếu thọ mạng ở cõi Dục đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì thọ mạng ở cõi Sắc cũng như thế chăng?

Đáp: Nếu thọ mạng ở cõi Sắc đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì thọ mạng ở cõi Dục cũng như thế. Có thọ mạng ở cõi Dục đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng không phải là thọ mạng ở cõi Sắc. Nghĩa là đã lìa nhiễm ở cõi Dục, nhưng chưa lìa nhiễm ở cõi Sắc.

Hỏi: Nếu thọ mạng ở cõi Dục đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì thọ mạng ở cõi Vô sắc cũng như thế chăng?

Đáp: Nếu thọ mạng ở cõi Vô sắc đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp thì thọ mạng ở cõi Dục cũng như thế. Có thọ mạng ở cõi Dục đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng không phải là thọ mạng ở cõi Vô sắc. Nghĩa là đã lìa nhiễm ở cõi Dục, nhưng chưa lìa nhiễm ở cõi Vô sắc.

Hỏi: Nếu thọ mạng ở cõi Sắc đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì thọ mạng ở cõi Vô sắc cũng như thế chăng?

Đáp: Nếu thọ mạng ở cõi Vô sắc đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì thọ mạng ở cõi Sắc cũng như thế. Có thọ mạng ở cõi Sắc đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, nhưng không phải là thọ mạng ở cõi Vô sắc. Nghĩa là đã lìa nhiễm ở cõi Sắc, nhưng chưa lìa nhiễm ở cõi Vô sắc.

*

Hỏi: Nếu đối với hành của thọ mạng đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì người kia có lìa nhiễm của cả ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc chăng?

Đáp: Nếu hành của thọ mạng ở cõi Dục đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì người kia đã lìa nhiễm ở cõi Dục, không phải ở cõi Sắc và Vô sắc.

Nếu hành của thọ mạng ở cõi Sắc đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì người kia đã lìa nhiễm ở cõi Dục, cõi Sắc, không phải ở cõi Vô sắc.

Nếu hành của thọ mạng ở cõi Vô sắc đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, thì người kia đã lìa nhiễm của cả ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc.

Bấy giờ, đối với tất cả, tất cả sự việc, tất cả chủng loại, tất cả phần vị, tất cả xứ, tất cả kiết đều đã lìa nhiễm.

**

* Nơi tất cả các pháp thiện không phóng dật là hơn hết: Thế nào là không phóng dật? Đáp: Nếu đoạn trừ các pháp bất thiện, hành đầy đủ các pháp thiện, thường tập, thường tu, hành tác kiên cố, thường xuyên, luôn tu trì không dừng, đó gọi là không phóng dật.

***

Phẩm 3: HAI PHÁP, phần 1

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử lại nói với đại chúng: Các Cụ thọ nên biết! Đức Phật đối với hai pháp đã tự khéo thông đạt, hiện Đẳng giác rồi, vì các đệ tử tuyên thuyết khai thị. Nay chúng ta nên hòa hợp kết tập, để sau khi Đức Phật diệt độ chớ nên có tranh cãi, chống đối. Nên khiến cho pháp luật thuận theo phạm hạnh được trụ lâu, đem lại lợi lạc cho vô lượng hữu tình. Lại thương xót các chúng trời, người nơi thế gian, khiến họ đạt được nghĩa lợi an lạc thù thắng.

Thế nào là hai pháp? Tụng nêu tổng quát:

Hai pháp là danh, sắc

Cho đến tận, vô sinh

Gồm hai mươi bảy môn

Nên thứ lớp giải thích.

Có hai pháp: Đó là danh, sắc.

Lại có hai pháp: Đó là vô minh, hữu ái.

Lại có hai pháp: Đó là hữu kiến, vô kiến.

Lại có hai pháp: Đó là không hổ, không thẹn.

Lại có hai pháp: Đó là hổ, thẹn.

Lại có hai pháp: Đó là lời ác, bạn ác.

Lại có hai pháp: Đó là lời thiện, bạn thiện.

Lại có hai pháp: Đó là khéo léo nhập tội, khéo léo xuất tội.

Lại có hai pháp: Đó là khéo léo nhập định, khéo léo xuất định.

Lại có hai pháp: Đó là biết giới khéo léo, tác ý khéo léo.

Lại có hai pháp: Đó là ngay thẳng, nhu hòa.

Lại có hai pháp: Đó là gắng nhẫn, đáng vui.

Lại có hai pháp: Đó là hòa thuận, cúng dường.

Lại có hai pháp: Đó là niệm đủ, biết đúng.

Lại có hai pháp: Đó là lực xét chọn, lực tu tập.

Lại có hai pháp: Đó là chẳng giữ gìn căn môn, ăn không biết lường định.

Lại có hai pháp: Đó là có thể giữ gìn căn môn, ăn biết lường định.

Lại có hai pháp: Đó là thiếu giới, thiếu kiến.

Lại có hai pháp: Đó là phá giới, phá kiến.

Lại có hai pháp: Đó là đủ giới, đủ kiến.

Lại có hai pháp: Đó là tịnh giới, tịnh kiến.

Lại có hai pháp: Đó là thấy đúng, như lý thù thắng.

Lại có hai pháp: Đó là chán lìa đúng, như lý thù thắng.

Lại có hai pháp: Đó là đối với pháp thiện không sinh biết đủ, đối với pháp đoạn trừ không ngăn cản.

Lại có hai pháp: Đó là Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na.

Lại có hai pháp: Đó là sáng suốt, giải thoát.

Lại có hai pháp: Đó là trí tận, trí vô sinh.

*

* Ở đây, có 2 pháp: 1. Danh. 2. Sắc.

1. Thế nào là danh?

Đáp: Đó là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, cùng hư không trạch diệt, phi trạch diệt. Đó gọi là danh.

2. Thế nào là sắc?

Đáp: Bốn đại chủng (Đất, nước, gió, lửa) và sắc do đại chủng tạo ra. Đó gọi là sắc.

*

* Lại có 2 pháp: 1. Vô minh. 2. Hữu ái.

1. Thế nào là vô minh?

Đáp: Như trong Luận Pháp Uẩn đã nói.

2. Thế nào là hữu ái?

Đáp: Là nơi cõi Sắc và Vô sắc có các thứ tham cùng tham, nắm giữ, cất giấu, phòng hộ, chấp chặt, yêu mến, cấu nhiễm. Đó gọi là hữu ái.

*

* Lại có 2 pháp: 1. Hữu kiến. 2. Vô kiến.

1. Thế nào là hữu kiến?

Đáp: Như cho ngã, thế gian là thường, do đó dấy khởi sự thọ nhận vui thích, thấy biết. Đó gọi là hữu kiến.

2. Thế nào là vô kiến?

Đáp: Như cho ngã, thế gian là đoạn diệt, do đó dấy khởi sự thọ nhận vui thích, thấy biết. Đó gọi là vô kiến.

*

* Lại có 2 pháp: 1. Không hổ. 2. Không thẹn.

1. Thế nào là không hổ?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Có người không biết hổ, là đối với các pháp đáng xấu hổ lại không sinh xấu hổ. Pháp đáng xấu hổ đó là các pháp ác bất thiện, thuận theo các thứ tạp nhiễm, tùy thuận nơi thân sau có các dị thục khổ bức bách, thuận theo cuộc sống nơi vị lai có đủ sinh, già, chết. Người ấy khi các pháp ác bất thiện như thế sinh khởi nhưng không biết hổ, không biết chỗ đáng hổ, không tự hổ riêng, không biết xấu hổ, không biết chỗ cần xấu hổ, không sùng kính, không biết chỗ nên sùng kính, không biết tùy thuộc, không biết chỗ nên tùy thuộc, đối với chính mình lúc nào cũng tự ý không hề biết e ngại sợ sệt. Đó gọi là không hổ.

2. Thế nào là không thẹn?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Có người không biết thẹn, là đối với các pháp đáng thẹn lại không sinh tâm thẹn. Pháp đáng thẹn đó là các pháp ác bất thiện, cho đến thuận theo đời vị lai có đủ sinh, già, chết. Người ấy khi các pháp ác bất thiện như thế sinh khởi nhưng không biết thẹn, không biết chỗ đáng thẹn, không tự thẹn riêng, không biết hổ thẹn, không biết chỗ cần hổ thẹn, không biết tự hổ thẹn riêng, ở trong các tội không sợ không hãi, không thấy sợ hãi. Đó gọi là không thẹn.

*

* Lại có 2 pháp: 1. Hổ. 2. Thẹn.

1. Thế nào là hổ?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các người có hổ, là đối với các pháp đáng hổ thì sinh tâm hổ. Pháp đáng hổ đó là các pháp ác bất thiện, cho đến thuận theo cuộc sống nơi vị lai có đủ sinh, già, chết. Người ấy khi các pháp ác bất thiện như thế sinh khởi thì có hổ, có chỗ nên hổ, có tự hổ riêng, có xấu hổ, có chỗ nên xấu hổ, có xấu hổ riêng, có sùng kính, có chỗ nên sùng kính, có tùy thuộc, có chỗ nên tùy thuộc, đối với tự ý có sợ hãi. Đó gọi là hổ.

2. Thế nào là thẹn?

Đáp: Như Đức Thế Tôn đã nói: Các người có thẹn, là đối với các pháp đáng thẹn thì sinh tâm thẹn. Pháp đáng thẹn đó là các pháp ác bất thiện, cho đến thuận theo đời vị lai có đủ sinh, già, chết. Người ấy khi các pháp ác bất thiện như thế sinh khởi thì có thẹn, có chỗ cần thẹn, có tự thẹn riêng, có hổ thẹn, có chỗ nên hổ thẹn, có hổ thẹn riêng, ở trong các tội có sợ có hãi, có thể thấy sợ hãi. Đó gọi là thẹn.

*

* Lại có 2 pháp: 1. Lời ác. 2. Bạn ác.

1. Thế nào là lời ác?

Đáp: Như Luận Pháp Uẩn đã nói.

2. Thế nào là bạn ác?

Đáp: Cũng như Luận Pháp Uẩn đã nói.

*

* Lại có 2 pháp: 1. Lời thiện. 2. Bạn thiện.

1. Thế nào là lời thiện?

Đáp: Như có một loại: Hoặc là Thân giáo, hoặc đồng Thân giáo. Hoặc là Quỹ phạm, hoặc đồng Quỹ phạm. Hoặc tùy nơi người khác được tôn trọng, đáng tin, lui tới thành bạn bè, như pháp khuyên bảo. Như nói: Ông từ nay trở đi chớ hủy hoại thân nghiệp, chớ hủy hoại ngữ nghiệp, chớ hủy hoại ý nghiệp, chớ nên làm điều không nên làm, chớ gần gũi bạn ác, chớ tạo nghiệp của ba đường dữ. Luôn chỉ dạy khuyên bảo hợp pháp đúng thời như thế. Đối với việc tu đạo cần tùy thuận như mãi giũa ngọc báu để vẻ đẹp được tăng trưởng, tiện nghi luôn thuận hợp. Nên trợ giúp các thứ tư lương nhân đấy để khuyên dẫn, vui vẻ yêu thích, tin nhận tùy thuận. Không lấy trộm, cái gì cho mới được nhận. Không nên chống cự, trái nghịch, cũng không chê bai, bài bác. Đó gọi là lời thiện.

2. Thế nào là bạn thiện?

Đáp: Như Luận Pháp Uẩn đã nói.

*

* Lại có 2 pháp: 1. Khéo léo nhập tội. 2. Khéo léo xuất tội.

1. Thế nào là khéo léo nhập tội?

Đáp: Tội: Nghĩa là năm thứ tội của thân năm uẩn. Năm thứ tội đó là: a. Tha thắng (Ba-la-di). b. Chúng dư (Tăng-tàn). c. Đọa chử (Ba-dật-đề). d. Đối thú (Đề-xá-ni). đ. Ác tác (Đột-cát-la).

Khéo léo nhập tội: Nghĩa là thấy biết đúng như thật: Bí-sô như thế là phạm tội Tha thắng. Bí-sô như thế là phạm tội Chúng dư. Bísô như thế là phạm tội Đọa chử. Bí-sô như thế là phạm tội Đối thú. Bí-sô như thế là phạm tội Ác tác.

Lại nữa, thấy biết đúng như thật: Bí-sô như thế là phạm tội hướng đến Tha thắng. Bí-sô như thế là phạm tội hướng đến Chúng dư. Bí-sô như thế là phạm tội hướng đến Đọa chử. Bí-sô như thế là phạm tội hướng đến Đối thú. Bí-sô như thế là phạm tội hướng đến Ác tác.

Lại nữa, thấy biết đúng như thật: Bí-sô này đã phạm tội Tha thắng như thế. Bí-sô này đã phạm tội Chúng dư như thế. Bí-sô này đã phạm tội Đọa chử như thế. Bí-sô này đã phạm tội Đối thú như thế. Bí-sô này đã phạm tội Ác tác như thế.

Lại nữa, thấy biết đúng như thật: Bí-sô này đã phạm tội hướng đến Tha thắng như thế. Bí-sô này đã phạm tội hướng đến Chúng dư như thế. Bí-sô này đã phạm tội hướng đến Đọa chử như thế. Bí-sô này đã phạm tội hướng đến Đối thú như thế. Bí-sô này đã phạm tội hướng đến Ác tác như thế.

Lại nữa, thấy biết đúng như thật: Các Bí-sô đã phạm tội hoặc nặng hoặc nhẹ, hoặc sâu hoặc cạn, hoặc hữu dư hoặc vô dư, hoặc che giấu hoặc không che giấu, hoặc rõ ràng hoặc không rõ ràng, hoặc đã phát lồ hoặc chưa phát lồ, hoặc đã trừ diệt hoặc chưa trừ diệt, hoặc có thể nói hoặc không thể nói, hoặc có thể làm được hoặc không thể làm được. Tức ở trong việc nhập các thứ tội như thế đã hiểu rõ, cùng hiểu rõ, hiểu gần, hiểu khắp, trí sáng nơi cơ duyên thông đạt thẩm xét thấu suốt, tuệ nhận biết rõ hành Tỳ-bát-xá-na (Quán).

Đó gọi là khéo léo nhập tội.

2. Thế nào là khéo léo xuất tội?

Đáp: Tội: Nghĩa là năm thứ tội của thân năm uẩn, như trước đã nói.

Khéo léo xuất tội: Nghĩa là thấy biết đúng như thật về bốn tội Chúng dư, Đọa chử, Đối thú, Ác tác, có thể ra khỏi. Sự việc ấy như thế nào? Như có thuyết nói: Tôi xin nói như thế, hiển bày như thế, đối với tội như thế không nói, không hiển bày. Tôi xin nói như thế, hiển bày như thế, đối với tội như thế là nói, là hiển bày. Tôi đã hiển bày như thế, đã phát lồ như thế, tác pháp như thế, đối với tội như thế không phát lồ, không trừ diệt. Tôi đã hiển bày như thế, đã phát lồ như thế, tác pháp như thế, đối với tội như thế là đã phát lồ, là đã trừ diệt. Tức ở trong việc xuất các thứ tội như thế đã hiểu rõ v.v…, cho đến hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là khéo léo xuất tội.

HẾT – QUYỂN 1