LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁT TRÍ
Tác giả: Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 2

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ ÁI KÍNH

Tụng nêu chung:

Ái dưỡng kính lực diệt

Niết-bàn, uẩn, cứu cánh

Thủ, biến tri, ba quy

Chương nầy xin nói đủ.

*

Hỏi: Thế nào là ái?

Đáp: Các ái cùng ái, hỷ cùng hỷ, lạc cùng lạc, đó gọi là ái.

Hỏi: Thế nào là kính?

Đáp: Có các kính, có tánh kính, có tự tại, có tánh tự tại. Đối với người tự tại có sợ hãi chuyển biến, đó gọi là kính.

Hỏi: Thế nào là ái kính?

Đáp: Như có một loại hữu tình đối với Phật, Pháp, Tăng, các vị Thân giáo (Hòa thượng), Quỹ phạm (A-xà-lê) cùng tùy theo một vị có trí khác, tôn trọng người đồng phạm hạnh, tâm ái lạc, vui vẻ, cung kính mà trụ. Nếu ở nơi nầy có ái và kính, đó gọi là ái kính.

*

Hỏi: Thế nào là cúng dường?

Đáp: Ở đây có hai thứ: 1. Cúng dường của cải. 2. Cúng dường pháp.

Hỏi: Thế nào là cung kính?

Đáp: Có các cung kính, có tánh cung kính, có tự tại, có tánh tự tại. Đối với người tự tại có sợ hãi chuyển biến, đó gọi là cung kính.

Hỏi: Thế nào là cung kính cúng dường?

Đáp: Như có một loại hữu tình đối với Phật, Pháp, Tăng, các vị Thân giáo, Quỹ phạm cùng tùy theo một vị có trí khác, tôn trọng người đồng phạm hạnh, thiết lập cúng dường, cung kính mà trụ. Nếu ở nơi nầy có cúng dường và cung kính, đó gọi là cung kính cúng dường.

*

Hỏi: Thế nào là thân mạnh mẽ?

Đáp: Là các thân dũng mãnh, tráng kiện, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, có khả năng làm xong công việc. Đó gọi là thân mạnh mẽ (Sức mạnh của thân).

Hỏi: Thế nào là thân yếu kém?

Đáp: Là các thân không dũng mãnh, không tráng kiện, không nhẹ nhàng, không nhanh nhẹn, không có năng lực làm xong công việc. Đó gọi là thân yếu kém.

Hỏi: Thân mạnh mẽ, thân yếu kém, có bao nhiêu xứ gồm thâu, bao nhiêu thức nhận biết?

Đáp: Một xứ gồm thâu là xúc xứ. Hai thức nhận biết là thân thức, ý thức. Như hai lực sĩ khi giao đấu với nhau, cổ tay vừa giao tiếp thì cùng nhận biết mạnh, yếu. Lại như người mạnh nắm lấy kẻ yếu thì giữ chặt, sự hơn kém của lực cùng biết cũng như vậy.

*

Hỏi: Thế nào là trạch diệt?

Đáp: Là các diệt lìa trói buộc.

Hỏi: Thế nào là phi trạch diệt?

Đáp: Là các diệt không phải lìa trói buộc.

Hỏi: Thế nào là vô thường diệt?

Đáp: Là các hành tán hoại, hư ẩn, thoái mất, đó gọi là vô thường diệt.

Hỏi: Phi trạch diệt, vô thường diệt có sai biệt gì?

Đáp: Phi trạch diệt: Không do sức lựa chọn, giải thoát vô số các sự ma, bệnh tật, tai họa, sầu não, hành pháp khổ thế gian, không phải đối với tham dục điều phục, đoạn trừ, vượt qua. Vô thường diệt: Các hành tán hoại, hư ẩn, thoái mất. Đó gọi là sự sai biệt của hai diệt.

*

Như Khế kinh nói:Có hai cảnh giới Niết-bàn, là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y và cảnh giới Niết-bàn vô dư y”.

Hỏi: Thế nào là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y?

Đáp: Nếu các lậu của A-la-hán vĩnh viễn dứt tận, thọ mạng vẫn còn, sắc tạo của đại chủng nối tiếp nhau chưa đoạn, dựa nơi thân năm căn, tâm tương tục chuyển biến, là hữu dư y, các kiết vĩnh viễn dứt hết, đạt được xúc chứng, gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y.

Hỏi: Thế nào là cảnh giới Niết-bàn vô dư y?

Đáp: Nếu các lậu của A-la-hán vĩnh viễn dứt tận, thọ mạng đã diệt, sắc tạo của đại chủng nối tiếp nhau đã đoạn, dựa nơi thân năm căn, tâm không còn chuyển biến, là vô dư y, các kiết vĩnh viễn dứt hết, gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Hỏi: Niết-bàn nên nói là học, vô học, hay là phi học phi vô học?

Đáp: Niết-bàn nên nói là phi học phi vô học.

Có thuyết nói: Niết-bàn có học, có vô học, có phi học phi vô học.

Thế nào là học? Nghĩa là học được các kiết đoạn dứt, đạt được xúc chứng.

Thế nào là vô học? Nghĩa là vô học được các kiết đoạn dứt, đạt được xúc chứng.

Thế nào là phi học phi vô học? Nghĩa là hữu lậu được các kiết đoạn dứt, đạt được xúc chứng.

Hỏi: Ở trong nghĩa nầy, Niết-bàn chỉ nên nói là phi học phi vô học. Nhưng ông vừa nói Niết-bàn có học, có vô học, có phi học phi vô học chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Ý ông muốn gì? Trước kia dùng đạo thế tục, vĩnh viễn đoạn dứt dục tham, giận dữ, đạt được phi học phi vô học do lìa hệ thuộc. Kẻ kia đối với bốn đế, chưa được hiện quán, tu tập hiện quán, được hiện quán rồi, chứng quả Bất hoàn, chuyển thành học chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Lại nữa, ý ông muốn gì? Trước kia dùng đạo thế tục, vĩnh viễn đoạn dứt dục tham, sân hận, đạt được phi học phi vô học do lìa hệ thuộc. Về sau khi chứng quả Bất hoàn, tức người Bất hoàn kia đã lìa trói buộc nên chuyển thành học. Nếu người Bất hoàn kia, vào thời nay chuyển thành học, thì trước kia là thể của học, thường trụ, nên khi chưa chứng quả Bất hoàn, chưa đạt được hữu học đã gọi là học thì không hợp chánh lý.

Hỏi: Ý ông muốn gì? Hướng A-la-hán, học các kiết đã đoạn, chứng quả A-la-hán, quả học đó chuyển thành vô học chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Lại nữa, ý ông muốn gì? Hướng A-la-hán, học các kiết đoạn, khi chứng quả A-la-hán, tức kiết kia đã đoạn, nên chuyển thành vô học. Nếu người Bất hoàn kia vào thời nay, thành người vô học, thì trước đó nên là thể của vô học, thường trụ. Khi chưa chứng quả A-la-hán, không đạt được vô học đã gọi là vô học thì không hợp chánh lý.

Hỏi: Ý ông muốn gì? Các bậc A-la-hán, vô học, kiết đã đoạn, khi thoái chuyển quả A-la-hán, người vô học ấy sẽ chuyển thành học chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Lại nữa, ý ông muốn gì? Các bậc A-la-hán, vô học, các kiết đã đoạn, khi thoái chuyển quả A-la-hán, tức kiết kia đã đoạn, nên chuyển thành học. Nếu người Bất hoàn kia vào thời nay đã chuyển thành người học, thì trước kia nên là thể của học, thường trụ, chưa thoái chuyển quả A-la-hán, không đạt được hữu học đã gọi là học thì không hợp chánh lý.

Lại nữa, Niết-bàn không nên trước là phi học phi vô học, sau chuyển thành học, trước là học, sau chuyển thành vô học, trước là vô học, sau lại chuyển thành học.

Lại nữa, Niết-bàn không nên nói có học, có vô học, có phi học phi vô học, vì nếu nói như thế, nên thành các pháp của hai phần, không quyết định, nên có tạp loạn, thế thì không nên thiết lập tánh, tướng quyết định của các pháp. Đức Phật cũng không nói Niết-bàn có tánh học, tánh vô học, do Niết-bàn luôn là các pháp quyết định phi học phi vô học, không có lẫn lộn, hằng trụ nơi tự tánh, không bỏ tự tánh. Niết-bàn là thường trụ, không có biến dịch, vì thế Niết-bàn chỉ nên nói phi học phi vô học.

*

Như Khế kinh nêu:A-la-hán kia đã thành tựu uẩn giới, uẩn định, uẩn tuệ, uẩn giải thoát, uẩn giải thoát trí kiến vô học”.

Hỏi: Thế nào là uẩn giới vô học?

Đáp: Luật nghi của thân, luật nghi của ngữ vô học nơi thọ mạng thanh tịnh.

Hỏi: Thế nào là uẩn định vô học?

Đáp: Ba tam-ma-địa vô học, nghĩa là không, vô tướng, vô nguyện.

Hỏi: Thế nào là uẩn tuệ vô học?

Đáp: Là trí của chánh kiến vô học.

Hỏi: Thế nào là uẩn giải thoát vô học?

Đáp: Tác ý vô học tương ưng với tâm, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải.

Hỏi: Thế nào là uẩn giải thoát trí kiến vô học?

Đáp: Là tận trí, vô sinh trí.

Hỏi: Uẩn tuệ vô học với uẩn giải thoát trí kiến vô học có sai biệt gì?

Đáp: Trí khổ, tập vô học là uẩn tuệ vô học, trí diệt, đạo vô học là uẩn giải thoát trí kiến vô học.

Lại nữa, trí khổ, tập, diệt vô học là uẩn tuệ vô học. Trí đạo vô học là uẩn giải thoát trí kiến vô học.

Lại nữa, trí khổ, tập, đạo vô học là uẩn tuệ vô học, trí diệt vô học là uẩn giải thoát trí kiến vô học.

Đó gọi là sự sai biệt.

*

Như Đức Thế Tôn đã nói:Bí-sô nên biết! Chỉ một cứu cánh, không có cứu cánh riêng khác”. Ở đây, pháp nào gọi là cứu cánh?

Đáp: Đức Thế Tôn hoặc có lúc đối với đạo, nói tiếng cứu cánh, hoặc có lúc đối với đoạn nói tiếng cứu cánh.

Đối với đạo nói tiếng cứu cánh, như Đức Thế Tôn dạy:

Một loại người thông, mạn

Không thể biết cứu cánh

Người kia không chứng đạo

Không điều phục mà chết.

Đối với đoạn nói tiếng cứu cánh, như Đức Thế Tôn dạy:

Người đã đến cứu cánh

Không sợ, không nghi, hối

Vĩnh viễn nhổ tên Hữu

Trụ nơi thân biên sau.

Đấy là trọn cứu cánh

Dấu tịch tĩnh vô thượng

Dấu thanh tịnh không chết

Vì các tướng đều dứt.

Lại, như Khế kinh nói: “Có một Phạm chí tên Số Mục-liên, đi đến chỗ Đức Phật, thỉnh vấn Phật: Kiều-đáp-ma tôn quý! Chỉ dạy, khuyên bảo, truyền trao các Bí-sô v.v… đã thọ nhận xong, đều có thể chứng đắc cảnh giới Niết-bàn cứu cánh cùng tột không? Đức Thế Tôn bảo: Sự việc nầy không nhất định: một loại có thể chứng đắc, một loại thì không thể”.

*

Như Khế kinh nói:Phật bảo Bí-sô: Có các ngoại đạo tuy cùng thiết lập sự đoạn dứt nhận biết các thủ, nhưng họ đã không thể nêu bày đầy đủ, nghĩa là chỉ thiết lập sự đoạn dứt nhận biết về dục thủ, kiến thủ, giới thủ, không phải ngã ngữ thủ”.

Hỏi: Sự việc nầy có nghĩa gì?

Đáp: Có thuyết nói: Đây là Đức Thế Tôn thuyết pháp đột nhiên thôi. Người kia không nên nói như vậy. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn thuyết pháp không phải hoàn toàn không có nhân, hoặc một ít nhân.

Lại có thuyết nói: Lời nói ấy làm rõ ngoại đạo kia đã có phần ít đoạn dứt. Vị đó không nên nói như thế. Vì sao? Vì phàm phu cũng có thể đoạn dứt phần ít về ngã ngữ thủ. Tuy nhiên, Đức Phật, Thế Tôn đã vì vô lượng đại chúng như hàng trời, người v.v… thuyết giảng rộng về pháp yếu, khai thị thuận hợp, khiến theo từng loại đều được hiểu rõ.

Có các ngoại đạo đã trộm nghe Đức Phật thuyết giảng các tên gọi về uẩn, giới, xứ, cái, niệm trụ v.v… cho đến giác chi, hoặc có đầy đủ, hoặc không đầy đủ.

Các ngoại đạo ấy nếu có nghe được tên gọi về dục thủ, bèn nói: “Ta cũng thiết lập sự đoạn dứt nhận biết về dục thủ”. Hoặc có người được nghe tên gọi về kiến thủ, liền nói: “Ta cũng thiết lập sự đoạn dứt nhận biết về kiến thủ”. Hoặc có người được nghe tên gọi về giới thủ, liền nói: “Ta cũng thiết lập sự đoạn dứt nhận biết về giới thủ”.

Như nhiều Bí-sô đang tập hợp tại một chỗ, có các ngoại đạo đến, nói: “Như Kiều-đáp-ma đã vì các đệ tử nêu giảng pháp yếu, nghĩa là giảng nói: Bí-sô các ông nên đoạn dứt năm cái (ngăn che). Năm cái như thế có thể làm nhiễm ô tâm, khiến cho tuệ lực yếu kém, gây tổn hại phần giác, chướng ngại Niết-bàn. Nơi bốn niệm trụ, nên khéo trụ tâm. Đối với bảy giác chi, nên siêng năng tu tập”.

Chúng tôi cũng có thể vì các đệ tử nói pháp yếu nầy, tức pháp yếu do Kiều-đáp-ma đã giảng nói so với những thứ chúng tôi nói đâu có khác biệt, nhưng nay các ông sao chỉ riêng quy thuận nơi ông ấy?

Rõ ràng là ngoại đạo kia hãy còn không thể nhận biết về danh, tướng của năm cái, huống hồ là có khả năng thấu đạt, trụ nơi bốn niệm trụ, tu tập bảy giác chi. Nhưng do nghe trộm lời Phật nói, nên đã nêu bày như thế. Sự việc thiết lập đoạn dứt thủ nên biết cũng như vậy.

Lại, như ngoại đạo Ma-kiện-địa-ca, không hiểu rõ về tự thân là chỗ tích tập mọi bệnh tật là khổ, không, vô ngã sát-na không dừng, đã đi đến chỗ Đức Phật, vỗ bụng nói: “Nay thân nầy của tôi đã không có các bệnh, nên biết tức là Niết-bàn cứu cánh”. Ngoại đạo kia hãy còn không nhận biết về danh, tướng của không bệnh, huống hồ là có thể thấu đạt Niết-bàn cứu cánh. Nhưng do nghe trộm lời Phật nói, nên đã nói năng như vậy. Sự việc thiết lập đoạn dứt thủ nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Do đâu ngoại đạo chỉ có thiết lập việc đoạn dứt nhận biết ba thủ, không phải ngã ngữ thủ?

Đáp: Vì ngoại đạo kia nơi đêm dài sinh tử đã chấp có chân thật về ngã, hữu tình, thọ mạng, sự sinh, khả năng nuôi dưỡng, Bổ-đặcgià-la. Ngoại đạo kia đã chấp là có chân thật.

Hỏi: Chúng ta đâu khẳng định việc thiết lập đoạn dứt ngã ngữ thủ, chỉ nói đồng thiết lập việc đoạn dứt nhận biết các thủ. Lời nói nầy có nghĩa gì?

Đáp: Là Đức Phật, Thế Tôn đã tùy thuận nơi ngôn thuyết của ngoại đạo kia. Như Đức Thế Tôn nói: “Các ngoại đạo ấy đã nêu bày có thật về hữu tình đoạn hoại”. Nhưng nếu căn cứ nơi thắng nghĩa thì không có hữu tình thật, chỉ tùy thuận nơi lời nói của ngoại đạo kia để nêu bày như vậy. Đây cũng như thế, nên không có lỗi.

*

Như Khế kinh nói:Có hai thứ nhận biết khắp là trí nhận biết khắp và đoạn nhận biết khắp”.

Hỏi: Thế nào là trí nhận biết khắp?

Đáp: Các trí kiến hiện quán hiểu biết sáng rõ, đó gọi là trí nhận biết khắp.

Hỏi: Thế nào là đoạn nhận biết khắp?

Đáp: Các tham vĩnh viễn đoạn dứt, sân, si vĩnh viễn đoạn dứt, hết thảy phiền não vĩnh viễn đoạn dứt, đó gọi là đoạn nhận biết khắp.

Đức Thế Tôn hoặc có khi đối với trí nói tiếng nhận biết khắp, hoặc có lúc đối với đoạn nói tiếng nhận biết khắp.

Đối với trí nói tiếng nhận biết khắp, như kệ viết:

Nho đồng hiền tịch tĩnh

Hay ích các thế gian

Có trí nhận biết khắp

Tham ái sinh các khổ.

Có trí nói nên làm

Không làm không nên nói

Người trí nên biết khắp

Người có nói không tạo.

Đối với đoạn nói tiếng nhận biết khắp, như Khế kinh nói: Phật bảo Bí-sô: “Ta sẽ vì các ông giảng nói về Pháp được nhận biết khắp, Tự tánh của nhận biết khắp, Người có thể nhận biết khắp”. Pháp được nhận biết khắp nghĩa là năm thủ uẩn. Tự tánh của nhận biết khắp nghĩa là tham vĩnh viễn đoạn dứt, sân , si vĩnh viễn đoạn dứt, tất cả phiền não vĩnh viễn đoạn dứt. Người có thể nhận biết khắp nghĩa là bậc A-la-hán các lậu đã vĩnh viễn dứt hết, không chấp nơi Như Lai sau khi diệt độ có pháp không nên ghi nhận như có không v.v…

*

Hỏi: Những người quy y Phật là quy y nơi chốn nào?

Đáp: Nếu pháp thật có, hiện có tưởng cùng tưởng, thiết lập ngôn thuyết gọi là Phật-đà, quy y nơi Phật-đà kia hiện có thành pháp Bồ-đề vô học, gọi là quy y Phật.

Hỏi: Các người quy y Pháp là quy y nơi chốn nào?

Đáp: Nếu pháp thật có, hiện có tưởng cùng tưởng, thiết lập ngôn thuyết gọi là Đạt ma, quy y nơi Niết-bàn ái tận, lìa diệt như thế, gọi là quy y Pháp.

Hỏi: Các người quy y Tăng là quy y nơi chốn nào?

Đáp: Nếu pháp thật có, hiện có tưởng cùng tưởng, thiết lập ngôn thuyết gọi là Tăng già, quy y nơi Tăng già kia hiện có thành pháp Tăng già hữu học, vô học, gọi là quy y Tăng.

***

Phẩm 5: BÀN VỀ VÔ TÀM (KHÔNG HỔ)

Tụng nêu chung:

Đen trắng, hai căn, tâm

Trạo hối, hôn thùy, mộng

Cái, vô minh, không chung

Chương nầy xin nói đủ.

*

Hỏi: Thế nào là vô tàm (Không hổ)?

Đáp: Các thứ không hổ, không có đối tượng bị hổ, không có hổ khác. Không có xấu hổ, không có đối tượng bị xấu hổ, không có xấu hổ khác. Không kính trọng, không có tánh kính trọng, không tự tại, không có tánh tự tại. Đối với người tự tại, không chuyển biến sợ hãi. Đó gọi là vô tàm.

Hỏi: Thế nào là vô quý (Không thẹn)?

Đáp: Các thứ không thẹn, không có đối tượng bị thẹn, không có thẹn khác. Không có xấu hổ, không có đối tượng bị xấu hổ, không có xấu hổ khác. Ở trong các tội, không sợ hãi, không thấy sợ hãi. Đó gọi là vô quý.

Hỏi: Không hổ và không thẹn có sai biệt gì?

Đáp: Đối với người tự tại, không có chuyển biến sợ hãi, là không hổ. Ở trong các tội, không cảm thấy sợ sệt là không thẹn. Đó là sự sai biệt.

Hỏi: Thế nào là tàm (Hổ)?

Đáp: Các thứ có hổ, có đối tượng bị hổ, có hổ khác. Có xấu hổ, có đối tượng bị xấu hổ, có xấu hổ khác. Có kính trọng, có tánh kính trọng, có tự tại, có tánh tự tại. Đối với người tự tại, có chuyển biến sợ hãi. Đó gọi là hổ.

Hỏi: Thế nào là quý (Thẹn)?

Đáp: Các thứ có thẹn, có đối tượng bị thẹn, có thẹn khác. Có xấu hổ, có đối tượng bị xấu hổ, có xấu hổ khác. Ở trong các tội, có sợ hãi, nhận thấy sợ hãi sâu xa. Đó gọi là thẹn.

Hỏi: Hổ, thẹn có sai biệt gì?

Đáp: Đối với người tự tại, có chuyển biến, sợ hãi là hổ. Ở trong các tội, nhận thấy sợ hãi sâu xa là thẹn. Đó là sự sai biệt.

*

Hỏi: Thế nào là căn bất thiện tăng thượng?

Đáp: Các căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện và khi lìa nhiễm dục thì sẽ bỏ chúng trước nhất.

Hỏi: Thế nào là căn bất thiện cùng hiện hành vi tế?

Đáp: Các căn bất thiện khi lìa nhiễm dục, được dứt bỏ sau cùng, do vì dứt bỏ nhiễm dục kia, nên gọi là lìa nhiễm dục.

Hỏi: Thế nào là căn thiện tăng thượng nơi cõi Dục?

Đáp: Khi Bồ-tát nhập chánh tánh ly sinh là đã được thế tục trí hiện quán biên nơi cõi Dục và khi Như Lai đạt được tận trí là đã được căn thiện vô tham, vô sân, vô si nơi cõi Dục.

Hỏi: Thế nào là căn thiện cùng hiện hành vi tế?

Đáp: Khi đoạn dứt căn thiện là được dứt bỏ sau cùng, do dứt bỏ căn thiện kia, nên gọi là đoạn căn thiện.

*

Hỏi: Các tâm quá khứ, tâm đó có biến hoại chăng?

Đáp: Các tâm quá khứ, tâm ấy đều biến hoại. Có tâm biến hoại, tâm ấy không phải là quá khứ: Nghĩa là tâm tương ưng với tham, sân ở hiện tại, vị lai. Như Đức Thế Tôn nói: “Bí-sô các ông! Giả như bị giặc oán cưa xẻ thân mình, hoặc các chi phần, các ông nơi lúc ấy tâm chớ biến hoại, cũng nên phòng giữ miệng, chớ thốt ra lời nói thô ác. Nếu tâm biến hoại và thốt ra lời nói thô ác, thì đối với điều mình mong cầu sẽ bị chướng ngại lớn”. Lại như Đức Thế Tôn nói: “Bí-sô các ông! Ở trong cảnh dục diệu không nên phát khởi tâm biến hoại”.

Hỏi: Các tâm nhiễm chấp, tâm ấy là biến hoại chăng?

Đáp: Các tâm nhiễm chấp, tâm ấy đều biến hoại. Có tâm biến hoại, tâm ấy không phải là nhiễm chấp: Nghĩa là tâm không tương ưng với tham quá khứ và tâm tương ưng với sân hận hiện tại, vị lai. Như Đức Thế Tôn nói: “Bí-sô các ông! Giả như bị giặc oán v.v… nói rộng cho đến đối với điều mình mong cầu sẽ bị chướng ngại lớn”.

*

Hỏi: Thế nào là trạo cử?

Đáp: Các tâm không tịch tĩnh, không thôi dứt, khinh suất, dao động, vội vã, tâm ý bồn chồn, tánh tán động. Đó gọi là trạo cử.

Hỏi: Thế nào là ố tác?

Đáp: Các tâm nóng bức, áo não, biến đổi, ghét việc đã làm, tánh theo đuổi, ăn năn của tâm. Đó gọi là ố tác.

Hỏi: Các tâm có trạo cử, tâm ấy tương ưng với ố tác chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp: 1. Có tâm có trạo cử không phải tương ưng với ố tác: Nghĩa là tâm không có ố tác, có tánh bồn chồn, tán động. 2. Có tâm có ố tác không phải tương ưng với trạo cử: Nghĩa là tâm không nhiễm ô, có tánh ăn năn hối tiếc. 3. Có tâm có trạo cử cũng tương ưng với ố tác: Nghĩa là tâm nhiễm ô, có tánh ăn năn hối tiếc. 4. Có tâm không có trạo cử cũng không phải tương ưng với ố tác: Nghĩa là trừ các tướng đã nêu ở trước.

*

Hỏi: Thế nào là hôn trầm?

Đáp: Các thứ tánh nặng nề của thân, tâm. Thân không điều hòa, thuận hợp, tâm không điều hòa, thuận hợp. Thân, tâm rối loạn, phiền muộn. Tâm mờ mịt, tánh nặng nề. Đó gọi là hôn trầm.

Hỏi: Thế nào là thùy miên?

Đáp: Các tâm ham ngủ nghỉ, mờ mịt, suy yếu cùng chuyển biến. Tánh tối, chậm của tâm. Đó gọi là thùy miên.

Hỏi: Các tâm có hôn trầm, tâm ấy tương ưng với thùy miên chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp: 1. Có tâm có hôn trầm không phải tương ưng với thùy miên: Nghĩa là tâm không có thùy miên, có tánh hôn trầm. 2. Có tâm có thùy miên không phải tương ưng với hôn trầm: Nghĩa là tâm không nhiễm ô, có tánh thùy miên. 3. Có tâm có hôn trầm cũng tương ưng với thùy miên: Nghĩa là tâm nhiễm ô, có tánh thùy miên. 4. Có tâm không có hôn trầm cũng không tương ưng với thùy miên: Nghĩa là trừ các tướng đã nêu ở trước.

Hỏi: Thùy miên nên nói là thiện, là bất thiện, hay là vô ký?

Đáp: Thùy miên nên nói hoặc là thiện, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký.

Thế nào là thiện? Nghĩa là tâm thiện nơi thùy miên mờ tối, suy yếu cùng chuyển, tánh tối chậm của tâm.

Thế nào là bất thiện? Nghĩa là tâm bất thiện nơi thùy miên mờ tối, suy yếu cùng chuyển, tánh tối chậm của tâm.

Thế nào là vô ký? Nghĩa là tâm vô ký nơi thùy miên mờ tối, suy yếu cùng chuyển, tánh tối chậm của tâm.

*

Hỏi: Trong mộng, nên nói là phước tăng trưởng, là phi phước tăng trưởng, hay là phi phước phi phi phước tăng trưởng?

Đáp: Trong mộng nên nói hoặc là phước tăng trưởng, hoặc là phi phước tăng trưởng, hoặc là phi phước phi phi phước tăng trưởng.

Thế nào là phước tăng trưởng? Nghĩa là như có hữu tình ở trong mộng đã bố thí, làm phước, thọ trì trai giới, hoặc tùy theo một tướng phước khác nối tiếp chuyển biến.

Thế nào là phi phước tăng trưởng? Nghĩa là như có hữu tình ở trong mộng đã hại sinh mạng, không cho mà lấy, dâm dục tà hạnh, nên nói dối, uống các thứ rượu, hoặc tùy theo một tướng phi phước khác nối tiếp chuyển biến.

Thế nào là phi phước phi phi phước tăng trưởng? Nghĩa là như có hữu tình ở trong mộng hành tác phi phước phi phi phước nối tiếp chuyển biến.

Mộng gọi là pháp gì?

Đáp: Lúc hành tác thùy miên (ngủ), tâm, tâm sở pháp chuyển vận nơi đối tượng duyên. Người kia sau khi thức giấc, tùy theo sự nhớ nghĩ, có thể vì người khác nói: “Tôi đã nằm mộng thấy những sự việc như thế, như thế”. Đó gọi là mộng.

*

Như Khế kinh nói:Có năm cái (Năm thứ ngăn che)”.

Hỏi: Là năm cái gồm thâu các cái, hay các cái gồm thâu năm cái?

Đáp: Các cái gồm thâu năm cái, không phải năm cái gồm thâu các cái.

Hỏi: Không gồm thâu những gì?

Đáp: Nghĩa là cái vô minh. Như Đức Thế Tôn nói:

Bị cái vô minh che

Bị kiết ái trói buộc

Ngu, trí, cùng cảm đắc

Như thế có thân thức.

Hỏi: Các cái, chúng là che lấp chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp: 1. Có cái không phải là che lấp: Nghĩa là năm cái quá khứ, vị lai. 2. Có che lấp không phải là cái: Nghĩa là trừ năm cái, các phiền não khác đang hiện tiền. 3. Có cái cũng là che lấp: Nghĩa là năm cái tùy theo một thứ đang hiện tiền. 4. Có không phải là cái cũng không phải là che lấp: Nghĩa là trừ các tướng đã nêu ở trước.

*

Hỏi: Các tùy miên vô minh hệ thuộc nơi cõi Dục, tất cả tùy miên vô minh đó đều là bất thiện chăng?

Đáp: Các tùy miên vô minh bất thiện đều hệ thuộc nơi cõi Dục. Có tùy miên vô minh hệ thuộc nơi cõi Dục không phải là bất thiện: Nghĩa là vô minh hệ thuộc nơi cõi Dục tương ưng với hữu thân kiến, biên chấp kiến.

Hỏi: Các tùy miên vô minh hệ thuộc nơi cõi Sắc, Vô sắc, tất cả tùy miên vô minh đó đều là vô ký chăng?

Đáp: Các tùy miên vô minh hệ thuộc nơi cõi Sắc, Vô sắc đều là vô ký. Có tùy miên vô minh vô ký không phải là hệ thuộc nơi cõi Sắc, Vô sắc: Nghĩa là vô minh hệ thuộc nơi cõi Dục tương ưng với hữu thân kiến, biên chấp kiến.

Hỏi: Các tùy miên vô minh do kiến khổ, tập đoạn trừ, các tùy miên đó đều là biến hành chăng?

Đáp: Các tùy miên vô minh biến hành đều do kiến khổ, tập đoạn trừ. Có tùy miên vô minh do kiến khổ, tập đoạn trừ không phải là biến hành: Nghĩa là vô minh tương ưng với tùy miên không phải biến hành do kiến khổ, tập đoạn trừ.

Hỏi: Các tùy miên vô minh do kiến diệt, đạo đoạn trừ, các tùy miên đó đều không phải là biến hành chăng?

Đáp: Các tùy miên vô minh do kiến diệt, đạo đoạn trừ đều không phải là biến hành. Có tùy miên vô minh không phải là biến hành, không phải do kiến diệt, đạo đoạn trừ: Nghĩa là vô minh tương ưng với tùy miên không phải là biến hành, do kiến khổ, tập đoạn trừ.

*

Hỏi: Thế nào là tùy miên vô minh không chung?

Đáp: Là các vô minh đối với khổ không hiểu rõ, đối với tập diệt đạo đều không hiểu rõ.

Thế nào là triền trạo cử không chung?

Đáp: Là không có triền trạo cử không chung.

***

Phẩm 6: BÀN VỀ TƯỚNG

Tụng nêu chung:

Hai ba tướng đồng dị

Lão, tử, vô thường, mạnh

Ba tướng một sát na

Chương nầy xin nói đủ.

*

Hỏi: Pháp sắc nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là sắc hay là không phải sắc?

Đáp: Nên nói là không phải sắc.

Hỏi: Pháp không phải sắc nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là sắc hay là không phải sắc?

Đáp: Nên nói là không phải sắc.

*

Hỏi: Pháp có kiến nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là có kiến hay là không kiến?

Đáp: Nên nói là không kiến.

Hỏi: Pháp không kiến nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là có kiến hay là không kiến?

Đáp: Nên nói là không kiến.

*

Hỏi: Pháp có đối nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là có đối hay là không đối?

Đáp: Nên nói là không đối.

Hỏi: Pháp không đối nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là có đối hay là không đối?

Đáp: Nên nói là không đối.

*

Hỏi: Pháp hữu lậu nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là hữu lậu hay là vô lậu?

Đáp: Nên nói là hữu lậu.

Hỏi: Pháp vô lậu nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là vô lậu hay là hữu lậu?

Đáp: Nên nói là vô lậu.

*

Hỏi: Pháp hữu vi nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là hữu vi hay là vô vi?

Đáp: Nên nói là hữu vi.

Hỏi: Pháp vô vi nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là vô vi hay là hữu vi?

Đáp: Nên nói là pháp vô vi không có sinh, trụ, lão, vô thường.

*

Hỏi: Pháp quá khứ nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là quá khứ, hay là vị lai, hiện tại?

Đáp: Nên nói là quá khứ.

Pháp vị lai nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là vị lai,

hay là quá khứ, hiện tại?

Đáp: Nên nói là vị lai.

Hỏi: Pháp hiện tại nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là hiện tại, hay là quá khứ, vị lai?

Đáp: Nên nói là hiện tại.

*

Hỏi: Pháp thiện nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là thiện, hay là bất thiện, vô ký?

Đáp: Nên nói là thiện.

Hỏi: Pháp bất thiện nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là bất thiện, hay là thiện, vô ký?

Đáp: Nên nói là bất thiện.

Hỏi: Pháp vô ký nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là vô ký, hay là thiện, bất thiện?

Đáp: Nên nói là vô ký.

*

Hỏi: Pháp hệ thuộc cõi Dục nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là hệ thuộc nơi cõi Dục, hay là hệ thuộc nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc?

Đáp: Nên nói hệ thuộc cõi Dục.

Hỏi: Pháp hệ thuộc cõi Sắc nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là hệ thuộc nơi cõi Sắc, hay là hệ thuộc nơi cõi Dục, cõi Vô sắc?

Đáp: Nên nói hệ thuộc cõi Sắc.

Hỏi: Pháp hệ thuộc cõi Vô sắc nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là hệ thuộc nơi cõi Vô sắc, hay là hệ thuộc nơi cõi Dục, cõi Sắc?

Đáp: Nên nói hệ thuộc cõi Vô sắc.

*

Hỏi: Pháp học nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là học, hay là vô học, phi học phi vô học?

Đáp: Nên nói là học.

Hỏi: Pháp vô học nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là vô học, hay là học, phi học phi vô học?

Đáp: Nên nói là vô học.

Hỏi: Pháp phi học phi vô học nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là phi học phi vô học, hay là học, vô học?

Đáp: Nên nói là phi học phi vô học.

*

Hỏi: Pháp do kiến đạo đoạn nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là do kiến đạo đoạn, hay là do tu đạo đoạn, không đoạn?

Đáp: Nên nói là do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Pháp do tu đạo đoạn nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là do tu đạo đoạn, hay là do kiến đạo đoạn, không đoạn?

Đáp: Nên nói là do tu đạo đoạn.

Hỏi: Pháp không đoạn nơi sinh, trụ, lão, vô thường, nên nói là không đoạn, hay là do tu đạo đoạn, kiến đạo đoạn?

Đáp: Nên nói là không đoạn. *

Hỏi: Thế nào là lão (già)?

Đáp: Là các hành hướng đến tướng biến hoại, chín muồi, chống trái. Đó gọi là già.

*

Hỏi: Thế nào là tử (chết)?

Đáp: Là hữu tình kia từ chúng đồng phận của mình dời đổi, hoại mất, xả bỏ thọ mạng, mạng căn lụi tàn, diệt bỏ các uẩn, thân sắc tiêu tan. Đó gọi là tử.

*

Hỏi: Thế nào là vô thường?

Đáp: Là các hành tan hoại, vỡ chìm, thoái mất. Đó gọi là vô thường.

Hỏi: Tử và vô thường có sai biệt gì?

Đáp: Các tử là vô thường. Có vô thường không phải là tử: Nghĩa là các hành diệt khác, trừ tử.

*

Hỏi: Sức của nghiệp mạnh hay là sức của vô thường mạnh?

Đáp: Sức của nghiệp mạnh, không phải sức của vô thường mạnh.

Có thuyết nói: “Sức của vô thường mạnh, không phải sức của nghiệp mạnh. Vì sao? Vì nghiệp cũng là vô thường. Ở trong nghĩa nầy, sức của nghiệp mạnh, không phải sức của vô thường mạnh. Vì sao? Vì nghiệp có thể diệt hành của ba đời, còn vô thường chỉ diệt hành hiện tại”.

*

Như Đức Thế Tôn nói:Có ba tướng hữu vi của các pháp hữu vi. Khi hữu vi khởi cũng có thể nhận biết rõ về tận cùng trụ, dị, cũng có thể nhận biết rõ trong một sát-na”.

Hỏi: Thế nào là khởi?

Đáp: Là sinh.

Hỏi: Thế nào là tận?

Đáp: Là vô thường.

Hỏi: Thế nào là trụ, dị?

Đáp: Là lão.

***

Phẩm 7: BÀN VỀ VÔ NGHĨA

Tụng nêu chung:

Vô nghĩa, niệm, vô tướng

Biết pháp luân, lậu dứt

Nhiều dục, nuôi dưỡng, đủ

Chương nầy xin nói đủ.

*

Như Đức Thế Tôn nói:

Tu các khổ hạnh khác

Nên biết nghĩa vô, cùng

Không đạt được lợi an

Như đẩy thuyền trên đất.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nói như thế nầy: Tu khổ hạnh khác đều cùng có vô nghĩa?

Đáp: Là do hành kia hướng tới chết, sắp chết, đã chết, vì không phải tu khổ hạnh như thế là có thể siêu vượt cái chết.

*

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Ngồi kiết già, thân ngay ngắn, chánh nguyện, trụ nơi niệm đối diện”.

Hỏi: Thế nào là trụ nơi niệm đối diện?

Đáp: Người tu hành quán buộc giữ niệm nơi khoảng chân mày. Hoặc quán màu xanh bầm, hoặc quán thi thể sình trướng lên, hoặc quán mủ chảy đầy dẫy, hoặc quán tử thi vỡ nát, hoặc quán màu đỏ khác biệt, hoặc quán tử thi bị chim thú cắn xé ăn, hoặc quán các chi phần nơi thân bị lìa rời, hoặc quán xương trắng, hoặc quán các khúc xương nối kết. Những cách quán nầy gọi là trụ nơi niệm đối diện.

*

Lại như Đức Thế Tôn nói: “Đại Mục-kiền-liên! Phạm thiên Đểsa đã không nói về trụ vô tướng thứ sáu chăng?”.

Hỏi: Thế nào là trụ vô tướng thứ sáu?

Đáp: Tùy tín hành, tùy pháp hành được gọi là trụ vô tướng thứ sáu. Vì sao? Vì hai vô tướng nầy không thể an lập, không thể nêu bày ở chỗ nầy, chỗ khác, hoặc khổ pháp trí nhẫn, hoặc khổ pháp trí, nói rộng cho đến hoặc đạo loại trí nhẫn. Do vô tướng nầy không thể an lập, không thể nêu bày ở đây, ở kia, nên gọi là trụ vô tướng thứ sáu.

*

Như Khế kinh nói: Phật chuyển pháp luân, các Bí-sô như Kiềutrần-na v.v… thấy pháp, thần đất Dược-xoa cất tiếng cáo khắp: “Nay, Đức Thế Tôn ở tại vườn Nai của xứ Tiên nhân Bà-la-nê-tư, đã ba lần chuyển pháp luân, đủ mười hai tướng”.

Hỏi: Do thần đất kia có chánh trí kiến nên nhận biết Đức Phật chuyển pháp luân, Bí-sô thấy pháp chăng?

Đáp: Không phải.

Hỏi: Thần đất kia làm sao nhận biết?

Đáp: Vì tin nơi Đức Thế Tôn. Nghĩa là Phật khởi tâm thế tục: “Ta chuyển pháp luân, Bí-sô thấy pháp”, do vậy nên vị kia nhận biết. Hoặc Phật bảo người khác: “Ta chuyển pháp luân, Bí-sô thấy pháp”, nên thần đất kia đã nghe được. Hoặc từ Đại đức, Thiên tiên đã nghe, hoặc Tôn giả Kiều-trần-na kia v.v… khởi tâm thế tục: “Đức Phật chuyển pháp luân, chúng ta thấy pháp”, do đấy nên thần đất kia nhận biết được. Hoặc chư vị kia nói với người khác, thần đất đã nghe được.

*

Lại như Khế kinh nói: Có các Bí-sô đạt được A-la-hán, các lậu đã dứt hết, chư Thiên cõi trời Ba Mươi Ba thường xuyên vân tập nơi Thiện pháp đường để nêu bày nói rõ ở xứ ấy, có Tôn giả tên, hoặc vị đệ tử kia đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục cà sa, chánh tín xuất gia, siêng tu Thánh đạo, các lậu đã tận, chứng đắc vô lậu, tâm tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp, có thể tự thông đạt, chứng trụ đầy đủ, lại tự nhận biết: Nẻo sinh tử của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, công việc làm đã hoàn thành, không thọ thân sau.

Hỏi: Vì chư Thiên kia có chánh trí kiến nên nhận biết các Bí-sô đạt được A-la-hán, các lậu đã dứt hết chăng?

Đáp: Không phải.

Hỏi: Chư Thiên kia làm sao nhận biết?

Đáp: Là vì tin nơi Đức Thế Tôn. Tức là Đức Phật khởi tâm thế tục: Các Bí-sô nầy đã đạt được A-la-hán, các lậu đã dứt hết, do đấy chư Thiên kia nhận biết. Hoặc do Phật nói với người khác: Các Bísô nầy đã chứng đắc A-la-hán, các lậu đã dứt hết, nên chư Thiên kia được nghe. Hoặc từ Đại đức, Thiên tiên đã nghe. Hoặc Tôn giả kia đã khởi tâm thế tục: Ta đã dứt hết các lậu, chứng đắc quả A-la-hán, do đấy chư Thiên kia nhận biết. Hoặc các vị kia đã nói với người khác, khiến chư Thiên được nghe.

*

Như Khế kinh nói: Ở nước Ma-yết-đà, các quan phụ tá, hoặc là Hóa pháp điều phục, hoặc là Pháp tùy pháp hành.

Hỏi: Vì sao các quan kia được gọi là Hóa pháp điều phục, Pháp tùy pháp hành?

Đáp: Nếu ở trong cõi trời mà thấy pháp, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở nơi cõi người mà thấy pháp, gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu người không trì giới mà thấy pháp, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu người thọ trì giới mà thấy pháp, gọi là pháp tùy pháp hành.

*

Hỏi: Thế nào là nhiều dục?

Đáp: Các thứ dục (ham muốn), đã dục, sẽ dục. Đó gọi là nhiều dục.

Hỏi: Thế nào là không biết đủ?

Đáp: Các thứ không vui mừng, không cùng vui mừng, không vui mừng khắp, không đã vui mừng, không sẽ vui mừng. Đó gọi là không biết đủ.

Hỏi: Nhiều dục và không biết đủ có sai biệt gì?

Đáp: Đối với các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng yêu thích, các thứ y phục, thức ăn uống, giường tòa, thuốc thang, vật dụng hỗ trợ cho đời sống khác chưa có được, dùng các phương tiện để mong cầu, tư duy, mến mộ, tìm kiếm, đòi hỏi, đạt được. Đó gọi là nhiều dục.

Đối với các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng yêu thích, các thứ y phục, thức ăn uống, giường tòa, thuốc thang, vật dụng hỗ trợ cho đời sống khác đã có được, lại còn trông mong ham muốn, vui thích, cầu đạt nhiều hơn nữa. Đó gọi là không biết đủ.

Sai biệt là như thế.

*

Hỏi: Thế nào là ít dục?

Đáp: Các thứ không dục, không đã dục, không sẽ dục. Đó gọi là ít dục.

Hỏi: Thế nào là biết đủ?

Đáp: Các thứ vui mừng, cùng vui mừng, vui mừng khắp, đã vui mừng, sẽ vui mừng. Đó gọi là biết đủ.

Hỏi: Ít dục và biết đủ có sai biệt gì?

Đáp: Đối với các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng yêu thích, các thứ y phục, thức ăn uống, giường tòa, thuốc thang, vật dụng hỗ trợ cho đời sống khác chưa có được, phần nhiều không tạo phương tiện để hy vọng, mong cầu, tìm kiếm, tư duy, mến mộ, nhằm đạt được. Đó gọi là ít dục.

Đối với các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng yêu thích, các thứ y phục, thức ăn uống, giường tòa, thuốc thang, vật dụng hỗ trợ cho đời sống khác đã có được, đều không trông mong ham muốn, ưa thích, cầu đạt thêm nữa. Đó gọi là biết đủ.

Sai biệt là như thế.

*

Hỏi: Thế nào là khó đầy đủ ?

Đáp: Là các kẻ chú trọng về ăn uống, ăn nhiều, uống nhiều, ăn to, uống lớn, không dùng một ít để có thể cứu giúp. Đó gọi là khó đầy đủ.

Hỏi: Thế nào là khó nuôi dưỡng?

Đáp: Là các kẻ ham thích ăn uống, rất ham thích ăn uống, vội vàng nhai nuốt, nếm, mút, lựa chọn mà ăn, lựa chọn mà uống, không phải là nơi chốn có thể cứu giúp. Đó gọi là khó nuôi dưỡng.

Hỏi: Khó đầy đủ và khó nuôi dưỡng có sai biệt gì?

Đáp: Tức như trước đã nói. Đó gọi là sai biệt.

*

Hỏi: Thế nào là dễ đầy đủ?

Đáp: Là các kẻ không chú trọng về ăn uống, không ăn nhiều, không uống nhiều, không ăn to, không uống lớn, tuy có ít liền có thể cứu giúp. Đó gọi là dễ đầy đủ.

Hỏi: Thế nào là dễ nuôi dưỡng?

Đáp: Là các kẻ không ham thích ăn uống, không ham thích ăn nhiều, không vội vàng nhai nuốt, nếm, mút, không lựa chọn mà ăn, không lựa chọn mà uống, là nơi chốn có được liền cứu giúp. Đó gọi là dễ nuôi dưỡng.

Hỏi: Dễ đầy đủ và dễ nuôi dưỡng có sai biệt gì?

Đáp: Tức như trước đã nói. Đó gọi là sai biệt.

***

Phẩm 8: BÀN VỀ TƯ

Tụng nêu chung:

Tư tầm trạo đều riêng

Ngu tri kiêu mạn hại

Nhiều hành căn tánh tà

Chương nầy xin nói đủ.

*

Hỏi: Thế nào là Tư?

Đáp: Các thứ tư duy, cùng tư duy, thêm tư duy, là tánh tư duy, thuộc loại tư duy, tâm hành ý nghiệp. Đó gọi là Tư.

Hỏi: Thế nào là Lự?

Đáp: Các thứ lo nghĩ, cùng lo nghĩ, thêm lo nghĩ, xưng lường trù tính, quan sát. Đó gọi là Lự.

Hỏi: Tư và Lự có sai biệt gì?

Đáp: Tư là nghiệp, Lự là tuệ. Đó gọi là sai biệt.

*

Hỏi: Thế nào là Tầm?

Đáp: Các tâm tìm cầu, biện biệt, hiển bày chỉ rõ, suy lường, cấu tạo, phác họa, là tánh phân biệt, thuộc loại phân biệt. Đó gọi là Tầm.

Hỏi: Thế nào là Tứ?

Đáp: Các tâm dò xét, tùy hành, tùy chuyển, tùy thuộc truyền đi. Đó gọi là Tứ.

Hỏi: Tầm và Tứ có sai biệt gì?

Đáp: Tánh thô của tâm gọi là tầm, tánh vi tế của tâm gọi là tứ. Đó gọi là sai biệt.

*

Hỏi: Thế nào là Trạo cử?

Đáp: Các tâm không tịch tĩnh, không dừng dứt, vội vã dao động, tâm bồng bột, tánh tán động. Đó gọi là Trạo cử.

Hỏi: Thế nào là Tâm loạn?

Đáp: Các tâm tán loạn, dong ruổi trôi nổi không trụ, không phải tánh một cảnh. Đó gọi là Tâm loạn.

Hỏi: Trạo cử và Tâm loạn có sai biệt gì?

Đáp: Tướng không tịch tĩnh gọi là trạo cử, tướng không phải một cảnh gọi là Tâm loạn. Đó gọi là sai biệt.

*

Hỏi: Thế nào là vô minh?

Đáp: Là không có trí về ba cõi.

Hỏi: Thế nào là không chánh tri?

Đáp: Là tuệ bị dẫn dắt theo nẻo phi lý.

Ông nói: Không chánh tri là tuệ bị dẫn dắt theo nẻo phi lý chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Ý ông muốn gì? Các hữu tình có chánh tri nhưng nói dối, họ đều thất niệm, không chánh tri nên nói dối chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Lại nữa, ý ông muốn gì? Người không có chánh tri nên nói dối chăng?

Đáp: Không phải như vậy. Nên nghe tôi nói: “Nếu nói không chánh tri là tuệ bị dẫn dắt theo nẻo phi lý, thì các người có chánh tri nhưng nói dối, những người ấy vì đều thất niệm, không chánh tri nên nói dối, tức phải nói không có chánh tri nên nói dối. Nếu không nói không có chánh tri mà nói dối, tức không nên nói không chánh tri là tuệ bị dẫn dắt theo nẻo phi lý. Những người có chánh tri nhưng nói dối, những người ấy vì đều thất niệm, không chánh tri nên nói dối”. Nêu bày như thế đều cùng không hợp lý, nên hỏi vặn người kia.

Ông nói: Các vô minh đều tương ưng với không chánh tri chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Ý ông muốn gì? Các người có chánh tri nhưng nói dối, đều là nơi chốn của vô minh, bị vô minh trói buộc, vì thất niệm, không chánh tri nên nói dối chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Lại nữa, ý ông muốn gì? Không có chánh tri nên nói dối chăng?

Đáp: Không phải như vậy. Nên nghe tôi nói: “Nếu nói tất cả vô minh đều tương ưng với không chánh tri, những người có chánh tri mà nói dối, đều là nơi chốn của vô minh, bị vô minh trói buộc, vì thất niệm, không chánh tri nên nói dối, tức phải nói không có chánh tri nên nói dối. Nếu không nói không có chánh tri mà nói dối, tức không nên nói tất cả vô minh đều tương ưng với không chánh tri. Các người có chánh tri nhưng nói dối, đều thuộc về nơi chốn của vô minh, bị vô minh trói buộc, thất niệm, không chánh tri nên nói dối”. Nêu bày như thế cũng đều không hợp lý.

*

Hỏi: Thế nào là kiêu?

Đáp: Các người kiêu hãnh, say sưa, hết sức say sưa, buồn bực, tâm ngạo mạn, buông thả, tâm tự chấp giữ. Đó gọi là kiêu.

Hỏi: Thế nào là mạn?

Đáp: Các mạn, đã ngạo mạn, sẽ ngạo mạn, tâm đề cao, ỷ thị, tâm tự chấp giữ. Đó gọi là mạn.

Hỏi: Kiêu với mạn có sai biệt gì?

Đáp: Nếu không trái với người khác, nhiễm chấp pháp mình, tâm có tướng ngạo mạn, phóng dật, gọi là kiêu. Nếu trái với người khác, tướng tự đề cao, ỷ thị, gọi là mạn. Đó gọi là sai biệt.

*

Hỏi: Nếu khởi tăng thượng mạn: Ta thấy khổ là khổ, hoặc thấy tập là tập, mạn nầy đã duyên vào gì?

Đáp: Như có một loại hữu tình thân cận bậc thiện sĩ (thiện tri thức), lắng nghe chánh pháp, tác ý như lý, do nhân duyên ấy nên được thuận nhẫn đế. Khổ hiện quán biên là đối với khổ vui nhận hiểu rõ là khổ. Tập hiện quán biên là đối với tập vui nhận hiểu rõ là tập. Người kia do nhẫn nầy nên tác ý gìn giữ, hoặc do trung gian không tác ý nên kiến, nghi không hiện hành. Nếu như hiện hành do không biết, tức tạo ra suy niệm: Ta đối với khổ thấy là khổ, hoặc đối với tập thấy là tập. Do đấy khởi mạn, đã mạn, sẽ mạn, tâm đề cao, ỷ thị, tâm tự chấp giữ, gọi là tăng thượng mạn. Mạn nầy tức duyên nơi khổ, hoặc tức duyên nơi tập.

Hỏi: Nếu khởi tăng thượng mạn: Ta thấy diệt là diệt, hoặc thấy đạo là đạo, mạn nầy đã duyên vào gì?

Đáp: Như có một loại hữu tình thân cận bậc thiện sĩ, lắng nghe chánh pháp, tác ý như lý, do nhân duyên ấy nên được thuận nhẫn đế. Diệt hiện quán biên là đối với diệt vui nhận hiểu rõ là diệt. Đạo hiện quán biên là đối với đạo vui nhận hiểu rõ là đạo. Người kia do nhẫn nầy nên tác ý gìn giữ, hoặc do trung gian không tác ý nên kiến, nghi không hiện hành. Nếu như hiện hành do không biết, tức có suy niệm:

Ta đối với diệt thấy là diệt, hoặc đối với đạo thấy là đạo. Do đấy khởi mạn, đã mạn, sẽ mạn, tâm đề cao, ỷ thị, tâm tự chấp giữ, gọi là tăng thượng mạn. Mạn nầy tức duyên nơi tâm, tâm sở pháp kia.

Hỏi: Nếu khởi tăng thượng mạn: Nẻo sinh tử của ta đã hết, mạn nầy đã duyên vào gì?

Đáp: Như có người khởi suy nghĩ : Đây là đạo, đây là hành. Ta dựa vào đạo nầy, hành nầy, đã nhận biết khắp về khổ, đã vĩnh viễn đoạn dứt tập, đã chứng diệt, đã tu đạo, nẻo sinh tử của ta đã tận, do vậy nên khởi mạn, đã kiêu mạn, sẽ kiêu mạn, tâm đề cao, ỷ thị, tâm tự chấp giữ, gọi là tăng thượng mạn. Mạn nầy tức duyên nơi sinh.

Hỏi: Nếu khởi tăng thượng mạn: Phạm hạnh của ta đã lập, mạn nầy đã duyên vào gì?

Đáp: Như có người khởi suy nghĩ: Đây là đạo, đây là hành. Ta dựa vào đạo nầy, hành nầy, đã nhận biết khắp về khổ, đã vĩnh viễn đoạn dứt tập, đã chứng diệt, đã tu đạo, phạm hạnh của ta đã lập, do vậy nên khởi mạn, đã kiêu mạn, sẽ kiêu mạn, tâm đề cao, ỷ thị, tâm tự chấp giữ, gọi là tăng thượng mạn. Mạn nầy tức duyên nơi tâm, tâm sở pháp kia.

Hỏi: Nếu khởi tăng thượng mạn: Công việc cần làm ta đã làm xong, mạn nầy đã duyên vào gì?

Đáp: Như có người khởi suy nghĩ: Đây là đạo, đây là hành. Ta dựa vào đạo nầy, hành nầy, đã nhận biết khắp về khổ, đã vĩnh viễn đoạn dứt tập, đã chứng diệt, đã tu đạo. Ta đã đoạn trừ tùy miên, đã dứt bỏ phiền não, đã hủy hoại hết kiết, đã diệt hết lậu, công việc đã làm xong, do đấy nên khởi mạn, đã kiêu mạn, sẽ kiêu mạn, tâm đề cao, ỷ thị, tâm tự chấp giữ, gọi là tăng thượng mạn. Mạn nầy tức duyên nơi tâm, tâm sở pháp kia.

Hỏi: Nếu khởi tăng thượng mạn: Ta không thọ nhận thân sau, mạn nầy đã duyên vào gì?

Đáp: Như có người khởi suy nghĩ: Đây là đạo, đây là hành. Ta dựa vào đạo nầy, hành nầy, đã nhận biết khắp về khổ, đã vĩnh viễn đoạn dứt tập, đã chứng diệt, đã tu đạo, nẻo sinh tử của ta đã tận, phạm hạnh đã lập, công việc đã làm xong, không thọ nhận thân sau, thế nên khởi mạn, đã kiêu mạn, sẽ kiêu mạn, tâm đề cao, ỷ thị, tâm tự chấp giữ, gọi là tăng thượng mạn. Mạn nầy tức duyên nơi Hữu.

Hỏi: Thế nào là tự cho là thấp kém mà khởi mạn?

Đáp: Như có một loại hữu tình thấy người khác hơn mình về chủng tánh, dòng họ, của cải, phần vị, kỹ năng, cùng các thứ như ruộng vườn v.v… nên khởi suy nghĩ: Kẻ kia hơn ta một ít, ta chỉ thua kém họ một ít, nhưng thật sự là thua kém kẻ kia nhiều gấp trăm ngàn lần. Vì thế người ấy khởi mạn, đã kiêu mạn, sẽ kiêu mạn, tâm đề cao, ỷ thị, tâm tự chấp giữ. Đó gọi là tự cho là thấp kém mà khởi mạn.

*

Như Khế kinh nói:Nếu khởi tầm dục, tầm giận, tầm hại, hoặc tự hại, hoặc hại người khác, hoặc đều cùng hại”.

Hỏi: Thế nào là tầm dục tự hại?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì khởi triền tham, nên thân tâm vất vả, thân tâm bị nung đốt, nóng bức, nhiệt não. Lại do duyên nầy sẽ phải thọ nhận các quả dị thục không yêu, không thích, không vui mừng, không vừa ý nơi cõi sinh tử. Như thế là tự hại.

Hỏi: Thế nào là tầm dục hại người khác?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì khởi triền tham, nên ngắm nhìn vợ người khác, chồng của bà ấy thấy, tâm sinh giận dữ, kết hận, sầu não. Như thế là hại người khác.

Hỏi: Thế nào là tầm dục đều cùng hại?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì khởi triền tham, nhiễm ô, chiếm đoạt vợ người khác, chồng của bà ấy biết được nên bắt trói cả hai, đánh đập, đoạn mạng, hoặc đoạt lấy của cải vật báu. Như thế là đều cùng hại.

*

Hỏi: Thế nào là tầm giận tự hại?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì khởi triền giận nên thân nhọc, tâm khổ, thân tâm bị nung đốt, nóng bức, nhiệt não. Lại do duyên nầy nên phải thọ nhận các quả dị thục không yêu, không thích, không vui mừng, không vừa ý trong cõi sinh tử. Như thế là tự hại.

Hỏi: Thế nào là tầm giận hại người khác?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì khởi triền giận nên hại mạng người khác. Như thế là hại người khác.

Hỏi: Thế nào là tầm giận đều cùng hại?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì khởi triền giận nên đoạn hại mạng người khác, cũng lại bị người khác đoạn hại mạng mình. Như thế là đều cùng hại.

*

Hỏi: Thế nào là tầm hại tự hại?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì khởi triền hại nên thân tâm vất vả, khổ nhọc, thân tâm bị nung đốt, nóng bức, nhiệt não. Lại do duyên nầy nên phải thọ nhận các quả dị thục thục không yêu, không thích, không vui mừng, không vừa ý trong cõi sinh tử. Như thế là tự hại.

Hỏi: Thế nào là tầm hại hại người khác?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì khởi triền hại nên trói buộc, đánh đập kẻ khác. Như thế là hại người khác.

Hỏi: Thế nào là tầm hại đều cùng hại?

Đáp: Như có một loại hữu tình vì khởi triền hại nên trói buộc, đánh đập người khác, cũng lại bị người khác bắt trói, đánh đập mình. Như thế là đều cùng hại.

*

Hỏi: Trí nhiều hay là cảnh nhiều?

Đáp: Cảnh nhiều, không phải là trí nhiều. Vì sao? Vì trí cũng là cảnh.

Hỏi: Trí nhiều hay là thức nhiều?

Đáp: Thức nhiều, không phải là trí nhiều. Vì sao? Vì các trí đều tương ưng với thức, không phải các thức đều tương ưng với trí. Vì thức tương ưng với nhẫn, không phải tương ưng với trí.

*

Hỏi: Hành hữu lậu nhiều hay là hành vô lậu nhiều?

Đáp: Hành hữu lậu nhiều, không phải là hành vô lậu nhiều. Vì sao? Vì hành hữu lậu gồm thâu mười xứ và phần ít của hai xứ. Hành vô lậu chỉ gồm thâu phần ít của hai xứ.

Hỏi: Thế nào là hành viên mãn?

Đáp: Là thân luật nghi, ngữ luật nghi vô học, cùng thọ mạng thanh tịnh.

Hỏi: Thế nào là hộ viên mãn?

Đáp: Là luật nghi của căn vô học.

*

Hỏi: Thế nào là tánh phàm phu?

Đáp: Nếu đối với pháp Thánh, noãn Thánh, kiến Thánh, nhẫn Thánh, dục Thánh, tuệ Thánh đều không được, đã không được, sẽ không được. Đó gọi là tánh phàm phu.

Hỏi: Tánh phàm phu nầy nên nói là thiện, là bất thiện, hay là vô ký?

Đáp: Nên nói là vô ký.

Vì sao tánh phàm phu không phải là thiện? Vì pháp thiện hoặc do gia hạnh nên được, hoặc do các duyên khác nên được, không thiết lập gia hạnh để cầu làm phàm phu. Lại nữa, khi đoạn căn thiện, pháp thiện đều bỏ, được tánh không thành tựu các pháp thiện. Nếu tánh phàm phu là thiện thì người đoạn căn thiện tức không phải là phàm phu.

Vì sao tánh phàm phu không phải là bất thiện? Vì khi lìa dục nhiễm, pháp bất thiện đều bỏ, được tánh không thành tựu pháp bất thiện. Nếu tánh phàm phu là bất thiện thì các phàm phu đã lìa dục nhiễm tức không phải là phàm phu.

Hỏi: Tánh phàm phu nầy nên nói là hệ thuộc nơi cõi Dục, hệ thuộc nơi cõi Sắc hay hệ thuộc nơi cõi Vô sắc?

Đáp: Nên nói là hoặc hệ thuộc nơi cõi Dục, hoặc hệ thuộc nơi cõi Sắc, hoặc hệ thuộc nơi cõi Vô sắc.

Vì sao tánh phàm phu không phải chỉ hệ thuộc nơi cõi Dục? Do khi mất nơi cõi Dục, sinh nơi cõi Vô sắc, pháp của cõi Dục đều bỏ, được pháp của cõi Dục với tánh không thành tựu. Nếu tánh phàm phu chỉ hệ thuộc nơi cõi Dục, thì các phàm phu mất nơi cõi Dục, sinh nơi cõi Vô sắc, tức không phải là phàm phu.

Vì sao tánh phàm phu không phải chỉ hệ thuộc nơi cõi Sắc? Do khi mất nơi cõi Sắc, sinh nơi cõi Vô sắc, pháp của cõi Sắc đều bỏ, được pháp nơi cõi Sắc với tánh không thành tựu. Nếu tánh phàm phu chỉ hệ thuộc nơi cõi Sắc, thì các phàm phu mất nơi cõi Sắc, sinh nơi cõi Vô sắc, tức không phải là phàm phu.

Vì sao tánh phàm phu không phải chỉ hệ thuộc nơi cõi Vô sắc? Do nhập chánh tánh ly sinh, trước hiện quán về khổ nơi cõi Dục, sau hợp hiện quán về khổ nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc. Thánh đạo khởi, trước biện minh về sự việc nơi cõi Dục, sau hợp biện minh về sự việc nơi cõi Sắc, Vô sắc. Thế nên tánh phàm phu không phải chỉ hệ thuộc nơi cõi Vô sắc.

Hỏi: Tánh phàm phu nầy nên nói là do kiến đạo đoạn hay là do tu đạo đoạn?

Đáp: Nên nói là do tu đạo đoạn.

Vì sao tánh phàm phu không phải do kiến đạo đoạn? Pháp do kiến đạo đoạn đều là nhiễm ô, còn tánh phàm phu không nhiễm ô. Lại, Pháp thế đệ nhất đang diệt, khổ pháp trí nhẫn đang sinh, bấy giờ, bỏ tánh phàm phu nơi ba cõi, được tánh không tạo thành kia, không phải vào lúc ấy, pháp do kiến đạo đoạn có xả bỏ.

Hỏi: Tánh phàm phu gọi là pháp gì?

Đáp: Là tâm bất tương ưng hành không nhiễm ô nơi ba cõi.

*

Hỏi: Các pháp tương ưng với tà kiến, pháp ấy cũng tương ưng với tà tư duy chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp:

1. Có pháp tương ưng với tà kiến không tương ưng với tà tư duy: Nghĩa là tà kiến tương ưng với tà tư duy và tà tư duy khác không tương ưng với pháp tương ưng của tà kiến.

2. Có pháp tương ưng với tà tư duy không tương ưng với tà kiến: Nghĩa là tà tư duy tương ưng với tà kiến và tà kiến khác không tương ưng với pháp tương ưng của tà tư duy.

3. Có pháp tương ưng với tà kiến cũng tương ưng với tà tư duy: Nghĩa là trừ tà kiến tương ưng với tà tư duy cùng tà tư duy tương ưng với tà kiến, các tà kiến khác là pháp tương ưng của tà tư duy.

4. Có pháp không tương ưng với tà kiến cũng không tương ưng với tà tư duy: Nghĩa là tà kiến không tương ưng với tà tư duy, tà tư duy không tương ưng với tà kiến, và các tâm, tâm sở pháp khác, cùng các sắc, vô vi, tâm bất tương ưng hành.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tà kiến, pháp ấy cũng tương ưng với tà tinh tấn chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp:

1. Có pháp tương ưng với tà kiến không tương ưng với tà tinh tấn: Nghĩa là tà kiến tương ưng với tà tinh tấn.

2. Có pháp tương ưng với tà tinh tấn không tương ưng với tà kiến: Nghĩa là tà kiến và tà kiến khác không tương ưng với pháp tương ưng của tà tinh tấn.

3. Có pháp tương ưng với tà kiến cũng tương ưng với tà tinh tấn: Nghĩa là trừ tà kiến tương ưng với tà tinh tấn, là các pháp tương ưng của tà kiến còn lại.

4. Có pháp không tương ưng với tà kiến cũng không tương ưng với tà tinh tấn: Nghĩa là tà kiến không tương ưng với tà tinh tấn, và các tâm, tâm sở pháp khác, cùng các sắc, vô vi, tâm bất tương ưng hành.

Như dùng tà kiến đối chiếu với tà tinh tấn, dùng tà kiến đối chiếu với tà niệm, tà định cũng như vậy. Như dùng tà kiến đối chiếu với tà tinh tấn, tà niệm, tà định, dùng tà tư duy đối chiếu với tà tinh tấn, tà niệm, tà định cũng như thế.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tà tinh tấn, pháp ấy cũng tương ưng với tà niệm chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp:

1. Có pháp tương ưng với tà tinh tấn không tương ưng với tà niệm: Nghĩa là tà niệm.

2. Có pháp tương ưng với tà niệm không tương ưng với tà tinh tấn: Nghĩa là tà tinh tấn.

3. Có pháp tương ưng với tà tinh tấn cũng tương ưng với tà niệm: Nghĩa là pháp tương ưng của tà niệm, tà tinh tấn.

4. Có pháp không tương ưng với tà tinh tấn cũng không tương ưng với tà niệm: Nghĩa là các tâm, tâm sở pháp khác, cùng các sắc, vô vi, tâm bất tương ưng hành.

Như dùng tà tinh tấn đối chiếu với tà niệm, dùng tà tinh tấn đối chiếu với tà định cũng như thế. Như dùng tà tinh tấn đối chiếu với tà niệm, tà định, dùng tà niệm đối chiếu với tà định cũng như vậy.

HẾT – QUYỂN 2