LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁT TRÍ
Tác giả: Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 1

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 1: PHÁP THẾ ĐỆ NHẤT

Tụng nêu chung:

Pháp thế đệ nhất bảy

Đảnh hai, noãn, thân kiến

Mười một kiến gồm đoạn

Chương nầy xin nói đủ.

*

Hỏi: Thế nào là Pháp thế đệ nhất?

Đáp: Nếu tâm, tâm sở pháp là đẳng vô gián, nhập chánh tánh ly sinh, đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Có thuyết nói: Nếu năm căn là đẳng vô gián, nhập chánh tánh ly sinh, đó gọi là Pháp thế đệ nhất. Ở trong nghĩa nầy, nếu tâm, tâm sở pháp là đẳng vô gián, nhập chánh tánh ly sinh, đó gọi là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Do đâu gọi là Pháp thế đệ nhất?

Đáp: Do tâm, tâm sở pháp như thế, đối với pháp thế gian khác, là tối thắng, là lớn, là tôn quý, là thượng, là diệu, nên gọi là Pháp thế đệ nhất.

Lại nữa, do tâm, tâm sở pháp như thế, là đẳng vô gián, bỏ tánh phàm phu được tánh Thánh, bỏ tánh tà được tánh chánh, có thể nhập chánh tánh ly sinh, nên gọi là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là hệ thuộc nơi cõi Dục, hệ thuộc nơi cõi Sắc, hay hệ thuộc nơi cõi Vô sắc?

Đáp: Nên nói hệ thuộc nơi cõi Sắc.

Vì sao pháp nầy không nên nói là hệ thuộc nơi cõi Dục? Do không phải dùng đạo nơi cõi Dục để có thể đoạn trừ cái (những thứ ngăn che), ngăn chận triền (những thứ trói buộc), khiến cho triền nơi cõi Dục không còn hiện khởi, mà là do đạo nơi cõi Sắc có thể đoạn trừ cái, ngăn chận triền, khiến triền nơi cõi Dục không còn hiện khởi. Nếu dùng đạo nơi cõi Dục để có thể đoạn trừ cái, ngăn chận triền, thì hiện nay triền nơi cõi Dục không còn hiện khởi, như vậy Pháp thế đệ nhất nên nói hệ thuộc nơi cõi Dục. Nhưng không phải do đạo nơi cõi Dục có thể đoạn trừ cái, ngăn chận triền, khiến triền nơi cõi Dục không còn hiện khởi, mà là do đạo nơi cõi Sắc có khả năng đoạn trừ cái, ngăn chận triền, khiến triền nơi cõi Dục không còn hiện khởi, thế nên Pháp thế đệ nhất không nên nói hệ thuộc nơi cõi Dục.

Vì sao pháp nầy không nên nói là hệ thuộc nơi cõi Vô sắc? Do nhập chánh tánh ly sinh, trước là hiện quán về khổ của cõi Dục là khổ, sau hợp hiện quán về khổ của cõi Sắc, Vô sắc là khổ. Thánh đạo khởi, trước là biện minh về sự của cõi Dục, sau hợp biện minh về sự của cõi Sắc, Vô sắc. Nếu nhập chánh tánh ly sinh, trước là hiện quán về khổ của cõi Vô sắc là khổ, sau hợp hiện quán về khổ của cõi Dục, cõi Sắc là khổ. Thánh đạo khởi, trước là biện minh về sự của cõi Vô sắc, sau hợp biện minh về sự của cõi Dục, cõi Sắc, như vậy Pháp thế đệ nhất nên nói hệ thuộc nơi cõi Vô sắc. Nhưng nhập chánh tánh ly sinh, trước là hiện quán về khổ của cõi Dục là khổ, sau hợp hiện quán về khổ của cõi Sắc, Vô sắc là khổ. Thánh đạo khởi, trước là biện minh về sự của cõi Dục, sau hợp biện minh về sự của cõi Sắc, Vô sắc, thế nên Pháp thế đệ nhất không nên nói hệ thuộc nơi cõi Vô sắc.

Lại nữa, nhập định vô sắc là trừ bỏ tưởng sắc, nhưng không phải loại trừ tưởng sắc để có thể nhận biết cõi Dục, hoặc duyên nơi pháp nầy khởi khổ pháp trí nhẫn, tức duyên nơi pháp nầy khởi Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, hay không tầm không tứ?

Đáp: Nên nói là hoặc có tầm có tứ, hoặc không tầm chỉ có tứ, hoặc không tầm không tứ.

Thế nào là có tầm có tứ? Đáp: Nếu dựa vào Tam-ma-địa có tầm, có tứ, nhập chánh tánh ly sinh, thì Hành giả kia đạt được Pháp thế đệ nhất.

Thế nào là không tầm chỉ có tứ? Đáp: Nếu dựa vào Tam-ma-địa không tầm, chỉ có tứ, nhập chánh tánh ly sinh, thì Hành giả kia đạt được Pháp thế đệ nhất.

Thế nào là không tầm không tứ? Đáp: Nếu dựa vào Tam-mađịa không tầm, không tứ, nhập chánh tánh ly sinh, thì Hành giả kia đạt được Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là tương ưng với lạc căn, tương ưng với hỷ căn, hay tương ưng với xả căn?

Đáp: Nên nói là hoặc tương ưng với lạc căn, hoặc tương ưng với hỷ căn, hoặc tương ưng với xả căn.

Thế nào là tương ưng với lạc căn? Đáp: Nếu đã dựa vào tĩnh lự thứ ba, nhập chánh tánh ly sinh, thì Hành giả kia đạt được Pháp thế đệ nhất.

Thế nào là tương ưng với hỷ căn? Đáp: Nếu đã dựa vào tĩnh lự thứ nhất, thứ hai, nhập chánh tánh ly sinh, thì Hành giả kia đạt được Pháp thế đệ nhất.

Thế nào là tương ưng với xả căn? Đáp: Nếu đã dựa vào vị chí nơi tĩnh lự thứ tư, nhập chánh tánh ly sinh, thì Hành giả kia đạt được Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là một tâm hay là nhiều tâm?

Đáp: Nên nói là một tâm.

Vì sao pháp nầy không phải là nhiều tâm? Vì tâm, tâm sở pháp nầy, vô gián không khởi tâm thế gian khác, chỉ khởi tâm xuất thế.

Nếu sẽ khởi tâm thế gian khác là kém, là bằng, hay là hơn? Nếu sẽ khởi là kém, tức không thể nhập chánh tánh ly sinh. Vì sao? Vì không phải do đạo thoái chuyển có thể nhập chánh tánh ly sinh.

Nếu sẽ khởi là bằng, tức cũng không thể nhập chánh tánh ly sinh. Vì sao? Vì trước do dùng loại đạo nầy không thể nhập chánh tánh ly sinh.

Nếu sẽ khởi là hơn, tức trước không phải là Pháp thế đệ nhất, sau mới là Pháp thế đệ nhất.

Hỏi: Pháp thế đệ nhất nên nói là thoái chuyển hay không thoái chuyển?

Đáp: Nên nói là không thoái chuyển.

Vì sao pháp nầy quyết định là không thoái chuyển? Vì Pháp thế đệ nhất tùy thuận đế, hướng tới đế, sắp hội nhập đế, trung gian kia đây không chấp nhận được khởi tâm không tương tự, khiến không thể nhập hiện quán Thánh đế. Ví như có tráng sĩ lội qua sông, vượt qua hang, vượt qua núi, băng qua ven núi, giữa đường không thể quay trở lại, khiến thân tráng sĩ kia trở về chốn cũ, hoặc đi tới xứ khác. Trước đã phát khởi thân tăng thượng, hành chưa tới chỗ cần đến, tất không dừng bỏ. Pháp thế đệ nhất cũng lại như vậy, tùy thuận đế, hướng tới đế, sắp hội nhập đế, trung gian kia đây không chấp nhận được khởi tâm không tương tự, khiến không thể nhập hiện quán Thánh đế.

Như châu Thiệm-bộ có năm sông lớn: 1. Căng-già (sông Hằng). 2. Diệm-mẫu-na. 3. Tát-lạc-du. 4. A-thị-la-phiệt-để. 5. Mạc-hê. Năm sông như thế thuận theo biển cả, hướng đến biển cả, sắp vào biển cả, trung gian không thể xoay chuyển, khiến dòng chảy kia trở lại chốn cũ, hoặc đi tới xứ khác. Dòng chảy kia quyết định có thể nhập nơi biển cả. Pháp thế đệ nhất cũng lại như vậy, tùy thuận đế, hướng tới đế, sắp hội nhập đế, trung gian kia đây không chấp nhận được khởi tâm không tương tự, khiến không thể nhập hiện quán Thánh đế.

Lại nữa, Pháp thế đệ nhất cùng với khổ pháp trí nhẫn làm đẳng vô gián duyên, không có một pháp nào nhanh chóng xoay chuyển vượt qua nơi tâm, có thể ở vào lúc nầy hay tạo ra chướng ngại, khiến không được nhập hiện quán Thánh đế.

Thế nên pháp nầy quyết định là không thoái chuyển.

*

Hỏi: Thế nào là Đảnh?

Đáp: Đối với Phật, Pháp, Tăng, sinh tin tưởng với lượng nhỏ. Như Đức Thế Tôn đã vì Ma-nạp-bà Ba-la-diễn-noa nói:

Đối với Phật, Pháp, Tăng

Sinh khởi tin nhỏ, ít

Nho đồng nên biết kia

Gọi đã được pháp Đảnh.

Hỏi: Thế nào là Đảnh đọa?

Đáp: Như có một loại hữu tình gần gũi bậc thiện sĩ (Thiện tri thức), lắng nghe chánh pháp, tác ý như lý, tin Phật, pháp Bồ-đề là khéo giảng nói, Tăng tu hành diệu, rõ sắc là vô thường, thọ tưởng hành thức là vô thường, khéo nêu bày khổ đế, khéo nêu bày tập, diệt, đạo đế. Hữu tình kia ở vào lúc khác, không thân cận bậc thiện sĩ, không lắng nghe chánh pháp, tác ý không như lý, đối với bản thân đã tin theo thế tục, là thoái chìm, hủy hoại, dời đổi, mất mát, nên gọi Đảnh đọa. Như Đức Phật, tức vì Ma-nạp-bà Ba-la-diễn-noa nói:

Nếu người đối như thế

Ba pháp mà thoái mất

Ta nói những loại kia

Nên biết là Đảnh đọa.

*

Hỏi: Thế nào là Noãn?

Đáp: Nếu ở trong chánh pháp Tỳ-nại-da có một ít tín thọ, như Đức Thế Tôn đã vì hai Bí-sô: Mã Sư và Tỉnh Túc nói: Hai kẻ ngu nầy đã lìa chánh pháp cùng Tỳ-nại-da của Ta. Ví như đại địa cách xa hư không, hai kẻ ngu nầy ở trong chánh pháp Tỳ-nại-da của Ta đã không có được phần ít noãn nào cả!

*

Hỏi: Hai mươi câu Tát-ca-da-kiến (Thân kiến) nầy: Có bao nhiêu là ngã kiến, bao nhiêu là ngã sở kiến?

Đáp: Có năm ngã kiến: Là cùng tùy quán sắc là ngã, quán thọ, tưởng, hành, thức là ngã.

Mười lăm ngã sở kiến: Là cùng tùy quán ngã có sắc, sắc là ngã sở, ngã ở trong sắc. Ngã có thọ, tưởng, hành, thức; thọ, tưởng, hành, thức là ngã sở, ngã ở trong thọ, tưởng, hành thức.

*

Hỏi: Nếu là kiến không phải thường, thường, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Là biên chấp kiến thuộc về thường kiến, do kiến khổ đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến thường, không phải thường, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Thuộc về tà kiến, do kiến diệt đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến khổ, lạc, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Cho pháp kém là hơn thuộc về kiến thủ, do kiến khổ đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến lạc, khổ, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Thuộc về tà kiến, do kiến diệt đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến bất tịnh, tịnh, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Cho pháp kém là hơn thuộc về kiến thủ, do kiến khổ đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến tịnh, bất tịnh, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Thuộc về tà kiến. Ở đây có hai thứ: Nếu cho diệt là bất tịnh thì do kiến diệt đoạn. Nếu cho đạo là bất tịnh thì do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến phi ngã, ngã, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Thuộc về hữu thân kiến, do kiến khổ đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến không phải nhân, nhân, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Không phải nhân cho là nhân thuộc về giới cấm thủ, do kiến khổ đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến nhân, không phải nhân, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Thuộc về tà kiến, do kiến tập đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến có, không, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Thuộc về tà kiến. Ở đây có bốn thứ: 1. Nếu cho không có khổ thì do kiến khổ đoạn. 2. Nếu cho không có tập thì do kiến tập đoạn. 3. Nếu cho không có diệt thì do kiến diệt đoạn. 4. Nếu cho không có đạo thì do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Nếu là kiến không, có, thì nơi năm kiến thuộc về kiến nào, do kiến nào đoạn?

Đáp: Đây không phải là kiến mà là tà trí.

***

Phẩm 2: NÓI VỀ TRÍ

Tụng nêu chung:

Một trí, thức nhân duyên

Hai tâm, niệm, tế tự

Ba căn dụng quá khứ

Nghi, danh, cú, văn thân.

Phật chê trách, sáu nhân

Tùy miên tâm cùng đoạn

Nghĩa nhân cảnh đoạn thức

Chương nầy xin nói đủ.

*

Hỏi: Từng có một trí nhận biết tất cả pháp chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Nếu trí nầy sinh tất cả pháp không phải ngã, thì trí nầy không nhận biết về gì?

Đáp: Không nhận biết về tự tánh và trí nầy tương ưng với các pháp cùng có.

*

Hỏi: Từng có một thức biết rõ về tất cả pháp chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Nếu thức nầy sinh tất cả pháp không phải ngã, thì thức nầy không biết rõ về gì?

Đáp: Không biết rõ về tự tánh và thức nầy tương ưng với các pháp cùng có.

*

Hỏi: Từng có hai tâm lần lượt làm nhân cho nhau chăng?

Đáp: Không có. Vì sao? Vì không có một Bổ-đặc-già-la (Hữu tình) nào không phải trước, không phải sau, hai tâm cùng sinh. Lại, không phải tâm sau làm nhân cho tâm trước.

Hỏi: Từng có hai tâm lần lượt làm duyên cho nhau chăng?

Đáp: Có. Như có tâm khởi, không có tâm vị lai, tức tư duy về tâm nầy khởi tâm thứ hai. Như có tâm khởi, có tâm vị lai, tức tư duy về tâm nầy khởi tâm thứ hai. Như có tâm khởi, không có tâm đạo vị lai, tức tư duy về tâm nầy khởi tâm thứ hai. Như có tâm khởi, có tâm đạo vị lai, tức tư duy về tâm nầy khởi tâm thứ hai. Như có hai người biết tâm kẻ khác, hai tâm kia lần lượt duyên nhau.

Hỏi: Vì sao không có một Bổ-đặc-già-la, không phải trước, không phải sau, hai tâm cùng sinh?

Đáp: Vì không có Đẳng vô gián duyên thứ hai, vì mỗi mỗi tâm của hữu tình nối tiếp chuyển biến, nên Bổ-đặc-già-la đã không thể có được.

Hỏi: Lại, không có lý tâm trước đi đến tâm sau, thì duyên nào có thể nhớ lại sự việc trước kia đã làm?

Đáp: Hữu tình đối với pháp, do sức của tập quán, được trí đồng phận như thế, theo sự việc từng trải qua, nên có thể nhận biết như thế. Như có hai người tạo ra việc in ấn, có thể hiểu rõ kiểu chữ in do mình và người khác đã tạo ra, tuy hai người kia không qua lại với nhau, để hỏi: “Ông đã tạo kiểu chữ nầy ra sao?”, cũng không cùng đáp: “Tôi đã tạo ra chữ nầy như thế”. Nhưng hai người kia, do sức của tập quán, nên được trí đồng phận như thế, có thể hiểu rõ mẫu chữ in do mình và người khác đã tạo ra. Hữu tình cũng như vậy, do sức của tập quán, có được trí đồng phận như thế, tùy theo sự việc từng trải nên có khả năng nhận biết như vậy.

Lại, như có hai người biết tâm kẻ khác, hỗ tương nhận biết tâm, tuy hai người kia không qua lại với nhau, để hỏi: “Làm sao ông nhận biết tâm của tôi?”, cũng không cùng đáp: “Tôi nhận biết về tâm ông như thế”. Nhưng hai người kia do sức của tập quán, nên được trí đồng phận như thế, hỗ tương nhận biết tâm. Hữu tình cũng như vậy, do sức của tập quán, nên được trí đồng phận như thế, tùy theo sự việc đã từng trải qua, có khả năng nhận biết như vậy.

Lại nữa, tất cả tâm, tâm sở pháp đối với đối tượng duyên nhất định an trụ nơi đối tượng duyên. Lại dùng thọ, ý làm sức của nhân nhớ nghĩ mạnh mẽ nên không quên.

*

Hỏi: Vì duyên gì hữu tình quên nhưng lại nhớ?

Đáp: Đồng phận của hữu tình lúc chuyển biến nối tiếp nhau, đối với pháp có khả năng khởi trí, kiến hệ thuộc nhau, lại dùng ý, thọ làm sức của nhân, nhớ nghĩ mạnh mẽ nên không quên.

Hỏi: Vì duyên gì hữu tình nhớ nhưng lại quên?

Đáp: Dị phần của hữu tình lúc chuyển biến nối tiếp nhau, đối với pháp không khởi trí, kiến hệ thuộc nhau, lại dùng ý, thọ làm sức của nhân, sự nhớ nghĩ kém nên quên mất.

*

Hỏi: Vì duyên gì cúng tế, ngạ quỷ thì đến, không phải là nẻo (thú) khác?

Đáp: Nẻo ngạ quỷ kia, theo pháp như thế, nên được sự xứ như vậy, sinh ra phần của ngã. Thế nên có cúng tế thì đến, không phải nẻo khác. Như các loài chim thiên nga, hồng nhạn, khổng tước, anh vũ, xá lợi, mạng mạng v.v…, tuy tự tại như ý bay lượn nơi hư không, nhưng oai đức thần lực không lớn hơn con người. Tuy nhiên, nẻo bàng sinh kia theo pháp như thế nên được sự xứ như vậy, sinh ra phần của ngã, có thể bay lượn nơi hư không. Nẻo (thú) quỷ cũng như vậy, do sức của pháp thường nên nơi nào có thờ tự, cúng tế thì hiện đến, nẻo khác không như thế.

Lại, như một loại Na-lạc-ca (địa ngục) có khả năng nhớ về đời sống ở kiếp trước, cũng nhận biết tâm người khác. Một loại bàng sinh, một loại ngạ quỷ, có khả năng nhớ về đời sống ở kiếp trược, cũng nhận biết được tâm người khác, cùng dấy khởi khói, lửa, mây, mưa, tạo ra lạnh, nóng v.v…, tuy chúng có khả năng tạo ra sự việc như thế, nhưng về oai đức thần lực thì không lớn hơn con người. Tuy nhiên, nơi nẻo kia, theo pháp thường nên được sự xứ như thế, sinh ra phần của ngã, có thể tạo ra sự việc ấy. Nẻo quỷ cũng như vậy, do sức của pháp thường nên nơi nào có thờ tự, cúng tế thì hiện đến, nẻo khác thì không như thế.

Lại nữa, có người suốt trong đêm dài sinh tử, dấy khởi dục như thế, ái lạc như thế nầy: “Ta sẽ cưới vợ, cưới vợ cho con, cưới vợ cho cháu, khiến sinh con cháu, nối dòng kế tục không dứt. Ta mạng chung rồi, nếu sinh vào nẻo quỷ, chúng sẽ nhớ nghĩ đến ta, nên sẽ thờ tự, cúng tế ta”. Do người kia luôn có dục lạc ấy suốt trong đêm dài sinh tử, thế nên hễ có cúng tế thì hiện đến, không phải nẻo khác.

*

Hỏi: Nên nói là một mắt trông thấy sắc, hay là hai mắt trông thấy sắc?

Đáp: Nên nói là hai mắt trông thấy sắc. Vì sao? Vì nếu nhắm một mắt, khởi thức bất tịnh, thì khi mở hai mắt khởi thức tịnh. Nếu nhắm một mắt, khởi thức như thế, thì khi mở cả hai mắt, cũng khởi thức nầy, tức không nên nói hai mắt trông thấy sắc. Tuy nhiên, nhắm một mắt khởi thức bất tịnh, khi mở hai mắt liền khởi thức tịnh, thế nên phải nói là hai mắt trông thấy sắc. Như nhắm mắt, thì che chắn, gây tổn hại, phá hoại cũng thế.

Như mắt trông thấy sắc, thì tai nghe tiếng, mũi ngửi hương cũng như vậy.

*

Hỏi: Các quá khứ, tất cả quá khứ ấy là không hiện chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp:

1. Có quá khứ không phải là không hiện: Nghĩa là như Tôn giả Ô-đà-di nói:

Tất cả kiết quá khứ

Từ rừng, lìa rừng đến

Vui xuất ly các dục

Như vàng rời đỉnh núi.

2. Có không hiện không phải là quá khứ: Nghĩa là như có một hữu tình, hoặc dùng thần thông, hoặc dùng chú thuật, hoặc dùng vật thuốc, hoặc do xứ sinh như thế nên được trí, có chỗ ẩn mất, khiến không hiện rõ.

3. Có quá khứ cũng là không hiện: Nghĩa là hành hiện có đã khởi cùng khởi, đã sinh cùng sinh, đã chuyển hiện chuyển, đã tập, đã hiện, đã là quá khứ, đã tận diệt, đã lìa, biến đổi, là quá khứ, phần quá khứ, thuộc về đời quá khứ.

4. Không phải là quá khứ cũng không phải là không hiện: Nghĩa là trừ các tướng đã nêu trước.

Hỏi: Các quá khứ, tất cả quá khứ ấy là tận cùng chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp:

1. Có quá khứ không phải là tận cùng: Nghĩa là như Tôn giả Ô-đà-di nói: “Tất cả kiết quá khứ v.v… cho đến nói rộng”.

2. Có tận cùng không phải là quá khứ: Nghĩa là như Đức Phật nói: “Đệ tử Thánh nầy, đã tận (diệt hết) địa ngục, đã tận bàng sinh, đã tận ngạ quỷ, đã tận mọi hầm hố hiểm nguy hiện có nơi cõi ác”.

3. Có quá khứ cũng là tận cùng: Nghĩa là các hành hiện có đã khởi cùng khởi v.v… cho đến nói rộng.

4. Không phải là quá khứ cũng không phải là tận cùng: Nghĩa là trừ các tướng đã nêu trước.

Lại nữa, nếu dựa vào kiết đoạn để nói thì:

1. Có kiết quá khứ không phải là tận cùng: Nghĩa là kiết quá khứ chưa đoạn, chưa nhận biết khắp, chưa diệt, chưa biến đổi, loại trừ.

2. Có kiết tận cùng không phải là quá khứ: Nghĩa là kiết vị lai đã đoạn, đã nhận biết khắp, đã diệt, đã biến đổi, loại trừ.

3. Có kiết quá khứ cũng là tận cùng: Nghĩa là kiết quá khứ đã đoạn, đã nhận biết khắp, đã diệt, đã biến đổi, loại trừ.

4. Có kiết không phải là quá khứ cũng không phải là tận cùng: Nghĩa là kiết vị lai chưa đoạn, chưa nhận biết khắp, chưa diệt, chưa biến đổi, loại trừ, và kiết hiện tại.

Hỏi: Các quá khứ, tất cả quá khứ ấy là diệt chăng?

Đáp: Nên tạo ra bốn trường hợp:

1. Có quá khứ không phải là diệt: Nghĩa là như Tôn giả Ô-đà-di nói: “Tất cả kiết quá khứ v.v… cho đến nói rộng”.

2. Có diệt không phải là quá khứ: Nghĩa là dựa vào con đường nhỏ, ngôi nhà nhỏ, đồ đựng nhỏ, mắt nhỏ của thế tục, nói là diệt con đường cho đến diệt mắt.

3. Có quá khứ cũng là diệt: Nghĩa là các hành hiện có đã khởi cùng khởi v.v… cho đến nói rộng.

4. Không phải là quá khứ cũng không phải là diệt: Nghĩa là trừ các tướng đã nêu trước.

Lại nữa, nếu dựa vào kiết đoạn để nói thì:

1. Có kiết quá khứ không phải là diệt: Nghĩa là kiết quá khứ chưa đoạn, chưa nhận biết khắp, chưa diệt, chưa biến đổi, loại trừ.

2. Có kiết diệt không phải là quá khứ: Nghĩa là kiết vị lai đã đoạn, đã nhận biết khắp, đã diệt, đã biến đổi, loại trừ.

3. Có kiết quá khứ cũng là diệt: Nghĩa là kiết quá khứ đã đoạn, đã nhận biết khắp, đã diệt, đã biến đổi, loại trừ.

4. Có kiết không phải là quá khứ cũng không phải là diệt: Nghĩa là kiết vị lai chưa đoạn, chưa nhận biết khắp, chưa diệt, chưa biến đổi loại trừ, và kiết hiện tại.

*

Hỏi: Nếu đối với khổ sinh nghi: Đây là khổ chăng? Đây không phải là khổ chăng? Nên nói là một tâm hay là nhiều tâm?

Đáp: Nên nói là nhiều tâm. Tức đây là khổ chăng, là tâm thứ nhất. Đây không phải là khổ chăng, là tâm thứ hai. Đối với tập, diệt, đạo sinh nghi cũng như vậy.

Hỏi: Từng có một tâm là có nghi không nghi chăng?

Đáp: Không có. Vì sao? Vì đối với khổ đế, nếu nói đây là khổ chăng?, thì tâm ấy có nghi. Nếu nói đây là khổ, thì tâm ấy không nghi. Nếu nói đây không phải là khổ chăng?, thì tâm ấy có nghi. Nếu nói đây không phải là khổ, thì tâm ấy không nghi. Đối với tập, diệt, đạo nên biết cũng như vậy.

*

Hỏi: Thế nào là nhiều Danh thân?

Đáp: Nghĩa là nhiều danh hiệu, dị ngữ, tăng ngữ, tưởng cùng tưởng, giả thiết lập. Đó gọi là nhiều Danh thân.

Hỏi: Thế nào là nhiều Cú thân?

Đáp: Nghĩa là các câu có thể đầy đủ, chưa đầy đủ, nghĩa ở trong ấy liên hợp. Đó gọi là nhiều Cú thân. Như Đức Thế Tôn nói:

Các ác đừng làm

Các thiện vâng làm

Tự tịnh tâm mình

Lời chư Phật dạy.

Bốn câu như thế đều có thể đầy đủ, chưa đầy đủ, nghĩa ở trong ấy liên hợp. Đó gọi là nhiều Cú thân.

Hỏi: Thế nào là nhiều Văn thân?

Đáp: Nghĩa là các nhóm chữ. Đó gọi là nhiều Văn thân.

Như Đức Thế Tôn nói:

Muốn làm bản tụng

Văn tức là chữ

Tụng dựa nơi danh

Cùng người tạo tụng.

*

Như Đức Phật, Thế Tôn quở trách các đệ tử: Gọi là “Người ngu si”, điều nầy có nghĩa gì?

Đáp: Đây là lời quở trách. Nghĩa là Đức Phật, Thế Tôn quở trách đệ tử, gọi: “Người ngu si”. Như Thân giáo sư (Hòa thượng) và Quỹ phạm sư (A-xà-lê) hiện nay, nếu có đệ tử là cận trụ y chỉ, khởi các lỗi lầm, liền quở trách nói: “Ông là kẻ ngu si, không sáng, không tốt”. Đức Thế Tôn cũng như vậy, quở trách các đệ tử, gọi là người ngu si.

Hỏi: Do đâu Đức Thế Tôn quở trách các đệ tử, gọi là người ngu si?

Đáp: Do các đệ tử của Phật kia, đối với những lời dạy khuyên trao truyền của Đức Thế Tôn, không theo đúng nghĩa hành tác, không tùy thuận, không nối tiếp. Lại nữa, các đệ tử kia đối với Thánh giáo đã làm những sự việc ngu si, hoàn toàn không có quả, không có xuất ly, không có ý vị, không có thắng lợi, trái vượt lời Phật dạy, đối với các Học xứ không thể thọ học, nên Đức Phật đã quở trách gọi là người ngu si.

*

Có sáu nhân: Đó là nhân tương ưng cho đến nhân năng tác.

Hỏi: Thế nào là Nhân tương ưng?

Đáp: Thọ cùng pháp tương ưng với thọ làm nhân tương ưng. Pháp tương ưng với thọ cùng thọ làm nhân tương ưng. Tưởng, tư, xúc, tác ý, dục, thắng giải, niệm, tam-ma-địa, tuệ, cùng pháp tương ưng với tuệ làm nhân tương ưng. Pháp tương ưng với tuệ cùng tuệ làm nhân tương ưng. Đó gọi là Nhân tương ưng.

Hỏi: Thế nào là Nhân câu hữu?

Đáp: Tâm cùng với tâm sở pháp làm nhân câu hữu. Tâm sở pháp cùng với tâm làm nhân câu hữu. Tâm cùng với tùy tâm chuyển nơi thân nghiệp, ngữ nghiệp làm nhân câu hữu. Tâm cùng với tùy tâm chuyển nơi hành bất tương ưng làm nhân câu hữu. Tùy tâm chuyển nơi hành bất tương ưng cùng với tâm làm nhân câu hữu. Lại nữa, bốn đại chủng cùng sinh lần lượt làm nhân câu hữu. Đó gọi là Nhân câu hữu.

Hỏi: Thế nào là Nhân đồng loại?

Đáp: Căn thiện đời trước cùng với căn thiện của tự giới nơi đời sau và pháp tương ưng làm nhân đồng loại. Căn thiện quá khứ cùng với căn thiện của tự giới nơi hiện tại, vị lai và pháp tương ưng làm nhân đồng loại. Căn thiện hiện tại cùng với căn thiện của tự giới ở vị lai và pháp tương ưng làm nhân đồng loại. Như căn thiện, căn bất thiện, căn vô ký cũng như vậy, nhưng có sự sai biệt: Trong bất thiện, trừ tự giới (Cảnh giới của mình). Đó gọi là Nhân đồng loại.

Hỏi: Thế nào là Nhân biến hành?

Đáp: Tùy miên biến hành do kiến khổ đoạn nơi đời trước cùng với tùy miên và pháp tương ưng do kiến tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn nơi cảnh giới của mình thuộc đời sau làm nhân biến hành. Tùy miên biến hành do kiến khổ đoạn nơi quá khứ cùng với tùy miên và pháp tương ưng do kiến tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn nơi cảnh giới của mình thuộc hiện tại, vị lai làm nhân biến hành. Tùy miên biến hành do kiến khổ đoạn nơi hiện tại cùng với tùy miên và pháp tương ưng do kiến tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn nơi cảnh giới của mình thuộc vị lai làm nhân biến hành. Như kiến khổ đoạn, kiến tập đoạn cũng như vậy. Đó gọi là Nhân biến hành.

Hỏi: Thế nào là Nhân dị thục?

Đáp: Các tâm, tâm sở pháp thọ nhận dị thục nơi sắc tâm, tâm sở pháp, tâm bất tương ưng hành. Tâm, tâm sở pháp nầy cùng với dị thục kia làm nhân dị thục.

Lại nữa, các nghiệp thân, ngữ thọ nhận dị thục nơi sắc tâm, tâm sở pháp, tâm bất tương ưng hành. Nghiệp thân, ngữ ấy cùng với dị thục kia làm nhân dị thục.

Lại nữa, các tâm bất tương ưng hành thọ nhận dị thục nơi sắc tâm, tâm sở pháp, tâm bất tương ưng hành. Tâm bất tương ưng hành ấy cùng với dị thục kia làm nhân dị thục. Đó gọi là nhân dị thục.

Hỏi: Thế nào là Nhân năng tác?

Đáp: Mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Nhãn thức nầy dùng mắt, sắc kia, pháp tương ưng của mắt, sắc kia là pháp câu hữu của mắt, sắc kia. Và nhĩ, thanh, nhĩ thức, tỷ, hương, tỷ thức, thiệt, vị, thiệt thức, thân, xúc, thân thức, ý, pháp, ý thức, có sắc, không sắc, có thấy, không thấy, có đối, không đối, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi v.v…, tất cả các pháp như thế làm nhân năng tác, trừ tự tánh của chúng. Như nhãn thức, các thức nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng như vậy. Đó gọi là Nhân năng tác.

*

Hỏi: Các tâm do tùy miên nên gọi là tâm có tùy miên. Tùy miên kia đối với tâm nầy là tùy tăng chăng?

Đáp: Hoặc là tùy tăng, hoặc là không tùy tăng.

Thế nào là tùy tăng? Nghĩa là tùy miên kia tương ưng với tâm nầy, chưa đoạn, và duyên với tâm nầy.

Thế nào là không tùy tăng? Nghĩa là tùy miên kia tương ưng với tâm nầy, đã đoạn.

Hỏi: Giả thiết tùy miên đối với tâm tùy tăng, tâm nầy chỉ do tùy miên kia, nên gọi là tâm có tùy miên chăng?

Đáp: Hoặc do tùy miên kia và không phải là pháp khác, hoặc do tùy miên kia và pháp khác.

Thế nào là do tùy miên kia không phải là pháp khác? Nghĩa là tâm ấy chưa đoạn.

Thế nào là do tùy miên kia và pháp khác? Nghĩa là khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh. Nếu tâm do kiến khổ đoạn, kiến tập đoạn, là đối tượng duyên của tùy miên, thì các tâm do tùy miên, nên gọi là tâm có tùy miên.

Hỏi: Tùy miên kia đối với tâm nầy sẽ đoạn chăng?

Đáp: Hoặc sẽ đoạn, hoặc không sẽ đoạn.

Thế nào là sẽ đoạn? Nghĩa là tùy miên kia duyên nơi tâm nầy.

Thế nào là không sẽ đoạn? Nghĩa là tùy miên kia tương ưng với tâm nầy.

Hỏi: Các tùy miên nhân nơi pháp nào sẽ đoạn?

Đáp: Nhân nơi đối tượng duyên.

Hỏi: Ông nói tùy miên nhân nơi đối tượng duyên sẽ đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu vậy, các tùy miên do kiến diệt, đạo đoạn và tùy miên kia duyên nơi hữu lậu nhân nơi pháp nào sẽ đoạn? Nếu nói đây đoạn, kia đoạn đều không hợp lý?

Đáp: Do kiến diệt, đạo đoạn. Tùy miên duyên nơi vô lậu nhân nơi đối tượng duyên nên đoạn. Do đoạn nầy nên tùy miên kia cũng đoạn.

Nếu tùy miên ở nơi tâm sẽ đoạn, thì tâm nầy chỉ do tùy

miên kia, nên gọi là tâm có tùy miên chăng?

Đáp: Hoặc do tùy miên kia và không phải là pháp khác, hoặc do tùy miên kia và pháp khác.

Thế nào là do tùy miên kia và không phải là pháp khác? Nghĩa là tâm không nhiễm ô, do tu đạo đoạn.

Thế nào là do tùy miên kia và pháp khác? Nghĩa là tâm nhiễm ô.

*

Hỏi: Thế nào là nhân nơi cảnh đoạn thức?

Đáp: Nghĩa là khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, nếu tâm do kiến tập đoạn, duyên nơi kiến khổ đoạn, thì đó gọi là nhân nơi cảnh đoạn thức.

Hỏi: Nơi thức nầy có bao nhiêu tùy miên tùy tăng?

Đáp: Có mười chín.

Hỏi: Là một tâm chăng?

Đáp: Không phải như vậy. Nghĩa là chưa lìa dục nhiễm, khổ pháp trí đã sinh, tập pháp trí chưa sinh, nếu tâm nơi cõi Dục do kiến tập đoạn duyên nơi kiến khổ đoạn, thì đó gọi là nhân nơi cảnh đoạn thức.

Kiến tập nơi cõi Dục đã đoạn bảy tùy miên tùy tăng, đã lìa dục nhiễm, chưa lìa sắc nhiễm, khổ loại trí đã sinh, tập loại trí chưa sinh, nếu tâm nơi cõi Sắc do kiến tập đoạn duyên nơi kiến khổ đoạn, thì đó gọi là nhân nơi cảnh đoạn thức.

Kiến tập nơi cõi Sắc đã đoạn sáu tùy miên tùy tăng, đã lìa sắc nhiễm, khổ loại trí đã sinh, tập loại trí chưa sinh, nếu tâm nơi cõi Vô sắc do kiến tập đoạn duyên nơi kiến khổ đoạn, thì đó gọi là nhân nơi cảnh đoạn thức.

Kiến tập nơi cõi Vô sắc đã đoạn trừ sáu tùy miên tùy tăng.

 

Phẩm 3: BỔ ĐẶC GIÀ LA

Tụng nêu chung:

Duyên khởi, duyên hơi thở

Tâm nương không có ái

Tâm thoát dựa giới tưởng

Chương nầy xin nói đủ.

*

Hỏi: Một Bổ-đặc-già-la, nơi mười hai chi duyên khởi được sinh nầy, có bao nhiêu là quá khứ, vị lai, hiện tại?

Đáp: Hai quá khứ: vô minh, hành. Hai vị lai: sinh, lão tử. Tám hiện tại: thức, danh sắc, sáu xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu.

Như Đức Thế Tôn đã nói: “Vô minh duyên hành, thủ duyên hữu”.

Hỏi: Thế nào là vô minh duyên hành?

Đáp: Vô minh duyên hành: Đây là hiển bày về nghiệp trong đời khác ở trước đã tạo tác, tăng trưởng, được dị thục là Hữu hiện nay cùng đã thọ nhận dị thục.

Hỏi: Thế nào là thủ duyên hữu?

Đáp: Thủ duyên hữu: Đây là hiển bày về nghiệp trong đời hiện tại đang tạo tác, tăng trưởng, đang được dị thục là Hữu.

Hỏi: Vô minh duyên hành, thủ duyên hữu có sai biệt gì?

Đáp: Vô minh duyên hành, nói rộng như trước. Nghiệp duyên nầy như Đức Thế Tôn nói: “Một phiền não nghĩa là vô minh”. Thủ duyên hữu, nói rộng như trước. Nghiệp duyên nầy như Đức Thế Tôn nói: “Tất cả phiền não nghĩa là các thủ”. Đấy là sự sai biệt.

Từng có hành duyên vô minh không duyên minh chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Từng có hành duyên minh không duyên vô minh chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Từng có hành duyên vô minh cũng duyên minh chăng?

Đáp: Có.

Hỏi: Từng có hành không duyên vô minh cũng không duyên minh chăng?

Đáp: Không có. Vì sao? Vì không một hữu tình nào, từ lâu xa đến nay, đã không đối với Thánh đạo, hủy báng, cho là: “Không phải đạo”. Trước đã hủy báng đạo rồi, thời gian sau hữu tình ấy tạo tác, tăng trưởng, chiêu cảm nghiệp đại địa. Hoặc thời gian sau nữa lại tạo tác, tăng trưởng, chiêu cảm nghiệp tiểu vương. Hoặc thời gian sau nữa lại tạo tác, tăng trưởng, chiêu cảm nghiệp đại vương. Hoặc thời gian sau nữa lại tạo tác, tăng trưởng, chiêu cảm nghiệp Chuyển luân vương. Do nhân nầy, do duyên nầy, do Thánh đạo kia, lần lượt chiêu cảm được đại địa, hiện có các thứ thành ấp, thôn xóm, nhân, phi nhân, chứa cất lúa thóc, cỏ thuốc, cây cối, rừng rậm, tăng trưởng tươi tốt.

Bốn duyên của tâm trước như thế, đối với tâm sau, chỉ là một tăng thượng duyên.

Lại nữa, nếu dựa vào nhân duyên để nêu:

Hỏi: Từng có hành duyên vô minh không duyên minh chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là vô minh nơi dị thục cùng hành nhiễm ô.

Hỏi: Từng có hành duyên minh không duyên vô minh chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là trừ minh đầu tiên, còn lại là các hành vô lậu.

Hỏi: Từng có hành duyên vô minh cũng duyên minh chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Từng có hành không duyên vô minh cũng không duyên minh chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là trừ dị thục của vô minh, còn lại là các hành vô phú vô ký và hành hữu lậu thiện của minh đầu tiên.

*

Hỏi: Hơi thở ra, hơi thở vào, nên nói là dựa nơi thân chuyển hay dựa nơi tâm chuyển?

Đáp: Nên nói cũng dựa nơi thân chuyển, cũng dựa nơi tâm chuyển, theo như chỗ ứng hợp. Nếu hơi thở ra vào chỉ dựa nơi thân chuyển, không dựa nơi tâm chuyển, thì ở phần vị định vô tưởng, định diệt tận, hơi thở ra vào cũng phải chuyển biến.

Nếu hơi thở ra vào chỉ dựa nơi tâm chuyển, không dựa nơi thân chuyển, thì hơi thở ra vào của hữu tình nơi cõi Vô sắc cũng phải chuyển biến.

Nếu hơi thở ra vào chỉ dựa nơi thân, tâm chuyển biến, không theo như chỗ ứng hợp, thì ở nơi trứng và trong thai mẹ, Yết-lạt-lam, Át-bộ-đàm, Bế-thi, Kiện-nam, các căn chưa đầy đủ, chưa thành thục, cùng ở tĩnh lự thứ tư, hơi thở ra vào cũng phải chuyển biến.

Hỏi: Do hơi thở ra vào cũng dựa nơi thân chuyển, cũng dựa nơi tâm chuyển, cùng theo như chỗ ứng hợp, thế nên dưới từ địa ngục Vô gián, trên đến cõi trời Biến tịnh, trong ấy các căn của hữu tình đã đầy đủ, thành thục, hơi thở ra vào dựa nơi thân, tâm chuyển. Như tâm của hữu tình có sắc nối tiếp dựa vào thân chuyển biến, tâm của hữu tình vô sắc nối tiếp dựa vào cái gì chuyển?

Đáp: Dựa vào chúng đồng phận của mạng căn và pháp khác cùng loại như thế.

*

Tâm bất tương ưng hành không có ái, nên nói là do kiến đạo đoạn hay do tu đạo đoạn?

Đáp: Nên nói là do tu đạo đoạn.

Có thuyết nói: Không có ái hoặc do kiến đạo đoạn, hoặc do tu đạo đoạn.

Thế nào là do kiến đạo đoạn? Nghĩa là đối với pháp do kiến đạo đoạn không có mà tham.

Thế nào là do tu đạo đoạn? Nghĩa là đối với pháp do tu đạo đoạn không có mà tham. Ở trong nghĩa nầy, không có ái chỉ nên nói là do tu đạo đoạn.

Ông đã nói: “Không có ái chỉ do tu đạo đoạn”.

Hỏi: Các người Dự lưu chưa đoạn ái nầy chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Ý ông muốn gì? Các người Dự lưu vì khởi tâm như thế nầy: Nếu sau khi ta chết, đoạn hoại không có, há không an lạc chăng?

Đáp: Không phải như vậy. Xin nghe điều tôi nói: Nếu không có ái thì chỉ do tu đạo đoạn. Các người Dự lưu khi chưa đoạn ái ấy, tức nên nói người Dự lưu đã khởi tâm như thế nầy: Nếu sau khi ta chết, đoạn hoại không có, há không an lạc. Nếu người Dự lưu không khởi tâm như vầy: Nếu sau khi ta chết, đoạn hoại không có, há không an lạc, thì không nên nói: Không có ái chỉ do tu đạo đoạn. Các người Dự lưu chưa đoạn trừ ái nầy, nói như thế đều không hợp lý.

Các ông cũng nêu: “Ái nơi dị thục của địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ chỉ do tu đạo đoạn”.

Hỏi: Các người Dự lưu chưa đoạn ái nầy chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Ý ông muốn gì? Các người Dự lưu vì khởi tâm như thế nầy: Ta sẽ làm Long vương Ai-la-phiệt-noa, Long vương Thiên Trụ, Quỷ vương Diệm-ma, thống lãnh các hữu tình nơi cõi quỷ chăng?

Đáp: Không phải như vậy. Hãy nghe tôi nói: Nếu ái nơi dị thục của địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, chỉ do tu đạo đoạn. Các người Dự lưu chưa đoạn trừ ái nầy, tức nên nói người Dự lưu đã khởi tâm như vầy: Ta sẽ làm Long vương Ai-la-phiệt-noa v.v… cho đến nói rộng. Nếu người Dự lưu không khởi tâm như vầy: Ta sẽ làm Long vương Ai-la-phiệt-noa v.v… cho đến nói rộng, tức không nên nói: Ái nơi dị thục của địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, chỉ do tu đạo đoạn. Các người Dự lưu chưa đoạn ái nầy, nếu nói như thế đều không hợp lý.

Các ông cũng nói: “Vì bị các triền ràng buộc nên hại mạng cha mẹ, triền nầy chỉ do tu đạo đoạn”.

Hỏi: Các người Dự lưu chưa đoạn triền nầy chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Ý ông muốn gì? Các người Dự lưu vì khởi triền như vậy nên hại mạng cha mẹ chăng?

Đáp: Không phải như vậy. Hãy nghe tôi nói: Nếu bị triền ràng buộc nên đã hại mạng cha mẹ, thì triền nầy chỉ do tu đạo đoạn. Các người Dự lưu chưa đoạn triền nầy, tức nên nói: Người Dự lưu vì khởi triền như thế, nên hại mạng cha mẹ. Nếu người Dự lưu không khởi triền như thế, nên hại mạng cha mẹ, thì không nên nói: Vì bị các triền ràng buộc, nên đã hại mạng cha mẹ, thì triền nầy chỉ do tu đạo đoạn. Các người Dự lưu chưa đoạn triền ấy, nếu nói như thế đều không hợp lý.

Các ông cũng nêu: “Đối với pháp do tu đạo đoạn, không có mà tham, tham nầy chỉ do tu đạo đoạn”.

Các người Dự lưu chưa đoạn tham ấy chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Ý ông muốn gì? Các người Dự lưu vì duyên nơi tham nầy nên khởi ái chăng?

Đáp: Không phải như vậy. Hãy nghe tôi nói: Nếu đối với pháp do tu đạo đoạn, không có mà tham, thì tham ấy chỉ do tu đạo đoạn. Các người Dự lưu chưa đoạn tham nầy, tức nên nói: Người Dự lưu duyên nơi tham ấy nên khởi ái. Nếu người Dự lưu không duyên nơi tham ấy để khởi ái, tức không nên nói: Đối với pháp do tu đạo đoạn, không có mà tham, thì tham nầy chỉ do tu đạo đoạn. Các người Dự lưu chưa đoạn tham ấy, nếu nói như thế đều không hợp lý.

Kia đã hợp lý thì đây cũng nên như thế.

*

Hỏi: Không, có gọi là pháp gì?

Đáp: Ba cõi là vô thường.

*

Như Đức Thế Tôn nói:Tâm giải thoát tham, sân, si”.

Hỏi: Những gì là tâm được giải thoát? Có tâm tham, sân, si chăng? Hay lìa tâm tham, sân, si chăng?

Đáp: Lìa tâm tham, sân, si, được giải thoát.

Có thuyết nói: Tâm tương ưng với tham, sân, si, được giải thoát.

Người kia không nên tạo ra thuyết ấy. Vì sao? Vì không phải tâm nầy cùng với tham, sân, si tương hợp tương ưng, xen tạp nhau, mà vì tham, sân, si chưa đoạn trừ, nên tâm không giải thoát. Tham, sân , si được đoạn trừ, tâm liền giải thoát.

Đức Thế Tôn cũng nói: Bí-sô nên biết! Vầng mặt trời, mặt trăng nầy, vì bị ngăn che do năm thứ che lấp, nên không sáng, không soi chiếu, không rộng, không sạch. Những gì là năm? 1. Mây. 2. Khói. 3. Bụi. 4. Sương mù. 5. Tay của A-tố-lạc Hạt-la-hô. Như vầng mặt trời, mặt trăng, không phải cùng với năm thứ che lấp tương hợp, tương ưng, xen tạp nhau, mà vì sự che lấp kia chưa lìa, nên vầng mặt trời, mặt trăng nầy không sáng, không soi chiếu, không rộng, không sạch. Các thứ che lấp kia, nếu lìa thì vầng mặt trời, mặt trăng nầy sẽ sáng, soi chiếu, rộng, sạch. Như thế, không phải tâm nầy cùng với tham, sân, si, tương hợp, tương ưng, xen tạp nhau, mà do tham, sân, si chưa đoạn, nên tâm không giải thoát. Tham, sân, si đã đoạn, tâm liền giải thoát.

Hỏi: Những gì là tâm giải thoát? Là quá khứ chăng? Hoặc là vị lai hay là hiện tại?

Đáp: Khi tâm vô học của vị lai sinh khởi là giải thoát tất cả chướng ngại.

Hỏi: Sự việc đó như thế nào?

Đáp: Như định kim cang dụ của đạo vô gián sắp diệt, tận trí của đạo giải thoát sắp sinh. Nếu định kim cang dụ của đạo vô gián đang diệt, tận trí của đạo giải thoát đang sinh. Bấy giờ gọi là lúc tâm vô học vị lai sinh khởi tức giải thoát tất cả chướng ngại.

Hỏi: Khi tâm chưa giải thoát nên nói giải thoát, hay lúc tâm đã giải thoát nên nói giải thoát?

Đáp: Khi tâm đã giải thoát nên nói là giải thoát. Nếu đã giải thoát thì không nên nói là giải thoát. Nếu giải thoát thì không nên nói đã giải thoát, vì tâm đã giải thoát mà nói là giải thoát thì không hợp chánh lý.

Nay, nên hỏi người kia. Như Đức Thế Tôn nói:

Nếu đoạn ái trọn vẹn

Như hoa sen trong nước

Bí-sô bỏ đây, kia

Như rắn lột da cũ.

Hỏi: Ông thừa nhận thuyết nầy là thuyết tốt đẹp chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Ý ông muốn gì? Vì đã bỏ (xả) nên nói là bỏ, hay vì chưa bỏ nên nói là bỏ chăng?

Đáp: Vì đã bỏ nên nói là bỏ.

Hãy nghe tôi nói: Nếu đã bỏ thì không nên nói là bỏ. Nếu bỏ thì không nên nói đã bỏ, vì đã bỏ mà nói bỏ là không hợp chánh lý.

Lại như Đức Thế Tôn nói:

Đoạn mạn, tự khéo định

Tâm thiện, tất cả thoát

Một Tĩnh cư không buông

Vượt chết đến bờ kia.

Hỏi: Ông chấp nhận thuyết nầy là thuyết tốt đẹp chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Ý ông muốn gì? Vì đã đến nói là đến, hay vì chưa đến nói là đến chăng?

Đáp: Đã đến nói là đến.

Hãy nghe tôi nói: Nếu đã đến thì không nên nói là đến. Nếu đến thì không nên nói là đã đến. Vì đã đến mà nói là đến thì không hợp chánh lý. Kia đã hợp lý thì đây cũng phải như thế. Nên đối với Khế kinh, phải phân biệt nghĩa.

Như Đức Thế Tôn nói:

Thú về rừng, chằm

Chim về hư không

Thánh quy Niết-bàn

Pháp quy phân biệt.

*

Như Đức Thế Tôn nói: “Bí-sô nên biết! Dựa nơi nhàm chán để lìa nhiễm, dựa nơi lìa nhiễm đạt giải thoát, dựa nơi giải thoát đạt Niết-bàn”.

Hỏi: Thế nào là nhàm chán?

Đáp: Nếu đối với các hành, bậc vô học nhàm chán ác, trái ngược với ác, đó gọi là nhàm chán.

Hỏi: Thế nào là dựa nơi nhàm chán để lìa nhiễm?

Đáp: Là nếu nhàm chán tương ưng với căn thiện không tham, không cùng tham, không sân, không cùng sân, không si, không cùng si, đó gọi là dựa nơi nhàm chán để lìa nhiễm.

Hỏi: Thế nào là dựa nơi lìa nhiễm đạt giải thoát?

Đáp: Là nếu lìa nhiễm tương ưng với tâm, đã thắng giải, đang thắng giải, sẽ thắng giải, đó gọi là dựa nơi lìa nhiễm đạt giải thoát.

Hỏi: Thế nào là dựa nơi giải thoát đạt Niết-bàn?

Đáp: Là nếu tham sân si vĩnh viễn đoạn trừ, tất cả phiền não vĩnh viễn đoạn trừ, đó gọi là dựa nơi giải thoát đạt Niết-bàn.

*

Như Đức Thế Tôn nói:Có ba cảnh giới: 1. Cảnh giới đoạn. 2. Cảnh giới lìa. 3. Cảnh giới diệt”.

Hỏi: Thế nào là cảnh giới đoạn?

Đáp: Trừ kiết ái, các kiết còn lại đều đoạn, gọi là cảnh giới đoạn.

Hỏi: Thế nào là cảnh giới lìa?

Đáp: Kiết ái đoạn trừ, gọi là cảnh giới lìa.

Hỏi: Thế nào là cảnh giới diệt?

Đáp: Các pháp thuận kiết khác được đoạn trừ, gọi là cảnh giới diệt.

Hỏi: Các cảnh giới đoạn là cảnh giới lìa chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu là cảnh giới lìa là cảnh giới đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Các cảnh giới đoạn là cảnh giới diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu là cảnh giới diệt là cảnh giới đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Các cảnh giới lìa là cảnh giới diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu là cảnh giới diệt là cảnh giới lìa chăng?

Đáp: Đúng vậy.

*

Như Đức Thế Tôn nói:Có ba tưởng: 1. Tưởng đoạn. 2. Tưởng lìa. 3. Tưởng diệt”.

Hỏi: Thế nào là tưởng đoạn?

Đáp: Trừ kiết ái, các kiết còn lại đoạn dứt, các tưởng tan lìa, gọi là tưởng đoạn.

Hỏi: Thế nào là tưởng lìa?

Đáp: Kiết ái đoạn dứt, các tưởng tan lìa, gọi là tưởng lìa.

Hỏi: Thế nào là tưởng diệt?

Đáp: Các pháp thuận kiết khác được đoạn dứt, các tưởng tan lìa, gọi là tưởng diệt.

HẾT – QUYỂN 1