LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 9

Phẩm 15: GIÁC CHI, phần 2

5. Thế nào là giác chi Khinh an?

Đáp: Nghĩa là như Đức Thế Tôn nói: Khánh Hỷ nên biết! Khi nhập tĩnh lự thứ nhất thì mọi ngôn ngữ lặng dứt. Do đấy làm duyên nên các pháp khác cũng đều lặng dứt. Đây gọi là tướng thuận khinh an thứ nhất.

Khi nhập tĩnh lự thứ hai thì tầm, tứ đều lặng dứt. Do đấy làm duyên nên các pháp khác cũng đều lặng dứt. Đây gọi là tướng thuận khinh an thứ hai.

Khi nhập tĩnh lự thứ ba thì các hỷ lặng dứt. Do đấy làm duyên nên các pháp khác cũng đều lặng dứt. Đây gọi là tướng thuận khinh an thứ ba.

Khi nhập tĩnh lự thứ tư thì các hơi thở vào ra đều lặng dứt. Do đấy làm duyên nên các pháp khác cũng đều lặng dứt. Đây gọi là tướng thuận khinh an thứ tư.

Khi nhập định diệt tưởng thọ thì tưởng, thọ đều lặng dứt. Do đấy làm duyên nên các pháp khác cũng đều lặng dứt. Đây gọi là tướng thuận khinh an thứ năm.

Khánh Hỷ nên biết! Lại có khinh an thượng diệu thứ sáu, là hơn hẳn, là tối thượng, là trên hết, là vô thượng. Khinh an như thế là tối thượng, tối diệu, không còn khinh an nào khác có thể hơn được. Việc nầy lại là thế nào? Nghĩa là tâm từ tham lìa nhiễm, được giải thoát. Tâm từ sân, si lìa nhiễm, được giải thoát. Đây gọi là tướng thuận khinh an thứ sáu.

Khi tư duy về tướng nầy, tác ý vô lậu hiện có đều tương ưng với thân khinh an, tâm khinh an, tánh khinh an, loại khinh an, gọi chung là khinh an, cũng gọi là giác chi khinh an. Đây là đạo tùy hành, đạo cùng có, đạo không chấp giữ, đạo vô lậu xuất thế gian của Phật tùy chuyển, có thể chính thức diệt hết các khổ, trụ nơi biên vực tận cùng của khổ. Các vị hữu học nơi các hành như đã thấy, nên tư duy quan sát khiến đạt đến cứu cánh. Ở trong các hành nên thấy sâu về các lỗi lầm tai họa của chúng. Đối với Niết-bàn luôn thấy rõ về công đức. Hoặc bậc A-la-hán như tâm giải thoát nên tư duy quan sát khiến đạt đến cứu cánh. Tác ý vô lậu hiện có đều tương ưng với thân khinh an, tâm khinh an, tánh khinh an, loại khinh an. Đó gọi là giác chi Khinh an.

*

6. Thế nào là giác chi Định?

Đáp: Như Đức Thế Tôn nói: “Bí-sô nên biết! Ta nói dựa vào tĩnh lự thứ nhất thì có thể diệt hết các lậu”. Ta nói như vầy: “Nếu dựa vào tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, xứ Không vô biên, xứ Thức vô biên, xứ Vô sở hữu v.v… thì có thể diệt hết các lậu”.

Bí-sô nên biết! Như Lai dựa vào đâu để nói: “Nếu nương vào tĩnh lự thứ nhất thì có thể diệt hết các lậu?”. Nghĩa là có Bí-sô, trước đây do tướng trạng của các hành như thế nên lìa dục và các pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, đạt ly sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ nhất. Nhưng người nầy không tư duy đầy đủ về tướng trạng của các hành như thế, chỉ tư duy về các thứ sắc thọ tưởng hành thức đã hướng đến, đã đạt được. Nghĩa là xem các pháp nầy như bệnh hoạn, như ung nhọt, như mũi tên độc não hại, chúng là vô thường, khổ, không, vô ngã. Người ấy đối với các pháp nầy thâm tâm chán ghét, sợ hãi, ngăn trừ, sau đấy thì thâu giữ tâm, đặt vào cảnh giới cam lồ, tư duy về cảnh giới ấy là tịch tĩnh vi diệu, bỏ tất cả các thứ dựa vào ái, lìa hết nhiễm, trụ nơi Niết-bàn vĩnh viễn tịch diệt. Như nhà thiện xạ hoặc các học trò của ông ta, trước học cách bắn gần, bắn những hình người bằng bùn, bằng cỏ bện lại v.v… sau mới có thể bắn xa, những vật lớn chắc cũng khiến bị tan vỡ. Các Bí-sô cũng vậy. Trước do tướng trạng của các hành như thế, lìa dục và các pháp ác bất thiện, có tầm có tứ, đạt ly sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ nhất. Nhưng người ấy không tư duy đầy đủ về tướng trạng của các hành như thế, chỉ tư duy về các thứ sắc thọ tưởng hành thức đã hướng đến, đã đạt được. Nghĩa là xem các pháp nầy như bệnh hoạn, như ung nhọt, như mũi tên độc não hại, chúng là vô thường, khổ, không, vô ngã. Người kia đối với các pháp đó thâm tâm chán ghét, sợ hãi, ngăn trừ, sau đấy thì thâu giữ tâm, đặt vào cảnh giới cam lồ, tư duy về cảnh giới ấy là tịch tĩnh vi diệu, bỏ tất cả các thứ dựa vào ái, lìa hết nhiễm, trụ nơi Niết-bàn vĩnh viễn tịch diệt. Người đó thấy như thế, biết như thế, nên từ dục lậu tâm được giải thoát, cũng từ hữu lậu, vô minh lậu tâm được giải thoát. Được giải thoát rồi, tức có thể tự thấy biết: Ta được giải thoát. Nẻo sinh tử của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn thọ nhận thân sau. Như Lai dựa vào các việc như thế mà nói: “Nương vào tĩnh lự thứ nhất thì có thể diệt hết các lậu”.

Như nói dựa vào tĩnh lự thứ nhất có thể diệt hết các lậu, thì nói dựa vào các tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, cùng xứ Không vô biên, xứ Thức vô biên, xứ Vô sở hữu v.v… đều có thể diệt hết các lậu, theo chỗ ứng hợp nên biết cũng như vậy.

Nghĩa là tĩnh lự thứ hai nên nói như vầy: Lại có Bí-sô, trước do các tướng trạng của các hành như thế, tầm tứ đều vắng lặng, bên trong đều tịnh, tánh tâm một cảnh, không tầm không tứ, định sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ hai. Người nầy không tư duy đầy đủ về tướng trạng của các hành như thế v.v… nói rộng cho đến xứ Vô sở hữu nên nói như vầy: Lại có Bí-sô, trước do tướng trạng của các hành như thế, vượt tất cả các thứ nơi xứ Thức vô biên nhập Vô sở hữu, trụ đầy đủ nơi xứ Vô sở hữu. Nhưng người ấy không tư duy đầy đủ về tướng trạng của các hành như thế, chỉ tư duy về sắc thọ tưởng hành thức đã hướng đến, đã đạt được v.v… nói rộng cho đến Bí-sô nên biết! Cho đến tưởng định cũng có thể làm được các việc nên làm như thế.

Lại có xứ Phi tưởng phi phi tưởng và định diệt tận, Như Lai nói Bí-sô tu định đối với pháp ấy nên nhiều lần xuất nhập.

Vị ấy khi tu bảy lần dựa nơi định như thế, các tác ý vô lậu hiện có đều tương ưng với tâm trụ cùng trụ v.v… cho đến tánh tâm một cảnh, gọi chung là định, cũng gọi là định căn, cũng gọi là định lực, cũng gọi là giác chi định, cũng gọi là chánh định. Đây là đạo tùy hành, đạo cùng có, đạo không chấp giữ, đạo vô lậu xuất thế gian của Phật tùy chuyển, có thể chính thức diệt hết các khổ, trụ nơi biên vực tận cùng của khổ. Các vị hữu học nơi các hành như đã thấy, nên tư duy quan sát khiến đạt đến cứu cánh. Ở trong các hành nên thấy sâu về các lỗi lầm tai họa của chúng. Đối với Niết-bàn luôn thấy rõ về công đức. Hoặc bậc A-la-hán như tâm giải thoát nên tư duy quan sát khiến đạt đến cứu cánh. Các tác ý vô lậu hiện có đều tương ưng với tâm trụ cùng trụ v.v… cho đến tánh tâm một cảnh. Đó gọi là giác chi Định.

*

7. Thế nào là giác chi Xả?

Đáp: Nghĩa là có Bí-sô tư duy về giới đoạn, giới lìa, giới diệt v.v… do đấy phát khởi tánh của tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không cảnh giác, trụ nơi tịch tĩnh. Người ấy suy nghĩ: Ta nay nên đối với các pháp thuận theo tham sân si để lìa bỏ tham sân si, do đấy phát khởi tánh của tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không cảnh giác, trụ nơi tịch tĩnh. Người ấy lại suy nghĩ: Ta nay đối với các pháp tham sân si, tâm không thâu giữ, do đấy phát khởi tánh của tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không cảnh giác, trụ nơi tịch tĩnh. Người ấy tư duy xét kỹ về sáu pháp thuận xả, các tác ý vô lậu hiện có đều tương ưng với tánh của tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không cảnh giác, trụ nơi tịch tĩnh, gọi chung là Xả, cũng gọi là giác chi Xả. Đây là đạo tùy hành, đạo cùng có, đạo không chấp giữ, đạo vô lậu xuất thế gian của Phật tùy chuyển, có thể chính thức diệt hết các khổ, trụ nơi biên vực tận cùng của khổ. Các vị hữu học nơi các hành như đã thấy, nên tư duy quan sát khiến đạt đến cứu cánh. Ở trong các hành nên thấy sâu về các lỗi lầm tai họa của chúng. Đối với Niết-bàn luôn thấy rõ về công đức. Hoặc bậc A-la-hán như tâm giải thoát nên tư duy quan sát khiến đạt đến cứu cánh. Các tác ý vô lậu hiện có đều tương ưng với tánh của tâm bình đẳng, tâm chánh trực, tâm không cảnh giác, trụ nơi tịch tĩnh. Đó gọi là giác chi Xả.

***

Phẩm 16: TẠP SỰ

Một thời, Đức Bạc-già-phạm trú tại khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Các vị nếu có thể đoạn dứt vĩnh viễn một pháp, Ta có thể tin chắc vị ấy nhất định sẽ được một pháp Bất hoàn. Nghĩa là như tham nếu được đoạn dứt vĩnh viễn, Ta có thể tin chắc vị ấy nhất định được pháp Bất hoàn.

Như thế, các thứ sân, si, phẫn, hận, phú (che giấu), não, tật (ganh tỵ), xan (keo kiệt), cuống (lừa dối), siểm (dua nịnh), vô tàm (không hổ), vô quý (không thẹn), mạn, quá mạn, mạn quá mạn, ngã mạn, tăng thượng mạn, ty mạn, tà mạn, kiêu, phóng dật, ngạo, phát phẫn, dối hiện hư giả, dối trá quỷ quyệt, hiện tướng, nói lời gây cảm kích, dùng lợi cầu lợi, dục ác, dục lớn, hiển bày dục, không hỷ túc (tri túc), không cung kính, dấy khởi lời thô ác, thích bạn xấu ác, không thể nhẫn chịu, đam mê đam mê khắp, tham nhiễm, tham phi pháp, tham chấp, tham ác, hữu thân kiến, hữu kiến, không kiến, tham dục, giận dữ, hôn trầm, ham ngủ, trạo cử, ố tác, nghi hoặc, rối loạn mờ tối, không vui, thân buông miệng ngáp, ăn uống không điều độ, tánh của tâm mê mờ, yếu kém, có vô số tưởng, không tác ý, thô trọng, tiếp xúc xung đột, tham ăn tham uống, tánh không nhu hòa, tánh không điều thuận, không thuận với đồng loại, tầm dục, tầm giận dữ, tầm hại, tầm về xóm làng, tầm về đất nước, tầm bất tử, tầm khinh miệt kẻ khác, tầm về tộc họ giả, sầu, than, khổ, ưu, nhiễu não. Đối với một pháp trong số ấy, nếu đoạn dứt vĩnh viễn, Ta có thể tin chắc vị ấy nhất định được pháp Bất hoàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn thâu tóm các nghĩa vừa nói, liền đọc tụng:

Tham buộc chặt hữu tình

Luôn đến các nẻo ác

Người trí đoạn dứt hết

Không trở lại cõi nầy.

Như thế sân, si v.v… cho đến ưu, nhiễu não, mỗi mỗi thứ đều có tụng riêng như tụng về tham, nên biết.

Thế nào là Tham? Nghĩa là đối với các cảnh dục, các thứ tham cùng tham, cầm giữ, chứa cất, phòng hộ, chấp chặt, yêu mến, ưa thích, mê muội, đắm trước, đắm trước khắp, mong cầu, buộc trói, bên trong vướng mắc, tích tập các khổ, là loại tham, sinh ra tham v.v…, gọi chung là Tham.

Thế nào là Sân? Nghĩa là đối với các hữu tình muốn gây tổn hại, tâm ôm giữ xấu ác nhằm tạo khổ não. Đã giận dữ và sẽ giận dữ, thích gây tai họa, tâm ý phẫn hận, luôn tạo trái ngược với mọi người, đã, đang và sẽ gây lỗi lầm tai họa v.v…, gọi chung là Sân.

Thế nào là Si? Nghĩa là đối với phần trước không biết, phần sau không biết, cả trước sau đều không biết, trong, ngoài, cả trong ngoài đều không biết. Không biết nghiệp, không biết dị thục (quả báo), không biết dị thục của nghiệp, không biết đối với thiện tạo nghiệp, đối với ác tạo nghiệp, đối với thiện ác tạo nghiệp. Đối với nhân không biết, không biết các pháp do nhân sinh ra. Không biết Phật, Pháp và Tăng, không biết khổ, tập, diệt, đạo. Không biết các pháp: thiện, bất thiện, có tội, không tội, nên tu, không nên tu, thấp kém, thắng diệu, trắng, đen, có đối nghịch, do duyên sinh. Đối với sáu xúc xứ như thật không biết. Không thấy, không biết như thế nên không hiện quán, tối tăm ngu si, không sáng, mịt mờ, ngăn vây buộc trói, phát sinh cặn đục ám độn, phát sinh không mắt, phát sinh không trí, phát sinh tuệ kém, ngăn ngại các phẩm thiện, khiến không chứng đắc Niết-bàn, có lậu vô minh, bộc lưu vô minh, ách vô minh, cộng độc vô minh, lá độc vô minh, hoa độc vô minh, si, cùng si, rất si, bướng, cùng bướng, rất bướng, là loại si, sinh ra si v.v…, gọi chung là Si.

Thế nào là Phẫn? Phẫn có hai loại: 1. Thuộc về ái. 2. Thuộc về không ái. Phẫn thuộc về ái: Nghĩa là như có hữu tình đối với cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, nam nữ, cùng bà con, bạn bè thân thiết khác v.v… sinh khởi phẫn nộ, như bảo: Vì sao không cho ta vật ấy, lại đưa ta vật như thế? Tại sao không để ta làm việc ấy, lại bảo ta làm việc như vậy? Do đó sinh ra các thứ phẫn cùng phẫn, phẫn khắp, phẫn nộ cùng cực, đã, đang và sẽ phẫn nộ. Nóng nảy phẫn uất, hung bạo thô ác, tâm phát khởi giận, khởi sắc xấu, nói lời ác. Đó gọi là phẫn thuộc về ái. Phẫn không thuộc về ái: Nghĩa là có một loại hữu tình tự suy nghĩ: Nay người kia đối với ta muốn làm các thứ vô nghĩa, không lợi ích, không an lạc, không thấm nhuần, không an ổn. Người kia đối với ta đã, đang và sẽ tạo nhiều thứ vô nghĩa. Lại có nhiều người khác đối với ta muốn tạo các thứ vô nghĩa v.v… cho đến không an ổn, nhưng đối với người kia thì họ muốn tạo các việc có nghĩa, có lợi ích, an lạc, thấm nhuần, an ổn. Họ đối với người kia đã, đang và sẽ tạo các việc có nghĩa. Có các kẻ khác đối với ta muốn tạo các thứ có nghĩa v.v… cho đến an ổn, nhưng đối với người kia thì muốn tạo các việc vô nghĩa v.v… cho đến không an ổn. Do đó nên phát sinh các thứ phẫn cùng phẫn v.v… cho đến khởi sắc xấu, nói lời ác. Đó gọi là phẫn không thuộc về ái. Hai thứ ấy gọi chung là Phẫn.

Thế nào là Hận? Nghĩa là có một loại hữu tình suy nghĩ: Người kia đối với ta muốn làm các việc vô nghĩa v.v… nói rộng như trước, ta cũng nên làm như vậy đối với người kia. Do đấy có thể phát sinh phẫn nộ, từ sân sinh ra, thường ôm giữ phẫn nộ, kết thành các hận cùng hận, hận khắp, tạo ra các nghiệp khó chuyển, bị các nghiệp trói buộc, khởi tạo các nghiệp bền chắc, gây các oán hận, tánh của tâm oán hận v.v…, gọi chung là Hận.

Thế nào là Phú (Che giấu)? Nghĩa là có một loại hữu tình phá giới, phá kiến, phá tịnh mạng, phá khuôn phép, đối với giới đã thọ không thể giữ rốt ráo, không thể thuần tịnh, không thể viên mãn. Người ấy tự biết điều mình đã phạm từ lâu, suy nghĩ: Nếu ta hướng tới kẻ khác, nêu bày nói rõ các sự việc đã phạm, tức có sự chê trách cho là xấu xa, lại bị hỏi tội, hạch tội, hủy nhục, không còn được người khác cúng dường, cung kính. Ta thà nhân đấy bị đọa vào ba nẻo ác, trọn không tự khai ra các điều đã phạm. Người nầy đã sợ bị chê trách v.v… cho đến sợ mất sự cúng dường, cung kính, nên đối với tội mình đã phạm liền khởi che giấu cùng che giấu, che giấu khắp, ẩn giấu, cùng ẩn giấu, ẩn giấu khắp, ngăn giữ, cùng ngăn giữ, ngăn giữ khắp, đã, đang và sẽ che giấu v.v…, gọi chung là là Phú.

Thế nào là Não? Nghĩa là có một loại hữu tình ở trong Tăng chúng, nhân nơi pháp phi pháp dấy khởi tranh cãi. Các Bí-sô vì muốn hòa thuận, yên ổn, nên ra sức khuyên can chỉ dẫn, nhưng người ấy cố tình không nghe. Đây là tánh không nhận lời khuyên can, tánh không nghe lời chỉ dạy, tánh cố chấp, tánh giữ chặt ý mình, tánh giữ lấy điều không chánh đáng, tánh không biết giúp đỡ, tánh khó khuyên bỏ, tánh ứng đối vụng về, tánh bướng bỉnh của loài sư tử, tánh của tâm là loài sâu độc, tánh của tâm hung dữ v.v…, gọi chung là Não.

Thế nào là Tật (Ganh tị)? Nghĩa là có một loại hữu tình thấy người khác nhận được cung kính, cúng dường, tôn trọng khen ngợi, đủ cả năm trần đáng yêu thích, cùng các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men và những vật dụng khác, nên suy nghĩ: Kẻ ấy đã được cung kính, cúng dường v.v…, còn ta thì không được. Do đấy phát sinh buồn bực, khổ sở, rất buồn bực khổ sở, ghét bỏ, ganh tỵ hết mực v.v…, gọi chung là Tật.

Thế nào là Xan (Keo kiệt)? Xan có hai loại: 1. Xan về tiền của. 2. Xan về pháp. Xan về tiền của: Nghĩa là đối với năm trần đáng yêu thích, các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men và những vật dụng khác hiện có, tâm luôn gây chướng ngại, ngăn cấm, khiến người khác không đạt được. Đối với tiền của, vật dụng hiện có của mình, thì không hề bố thí, không bố thí khắp, không tùy bố thí khắp, không xả, không xả khắp, không tùy xả pháp, tánh của tâm luôn tiếc lận. Đó gọi là Xan về tiền của. Xan về pháp: Nghĩa là đối với các pháp hiện có như Tố-đát-lãm, Tỳ-nại-da, A-tỳ-đạt-ma, hoặc do các vị Thân giáo sư (Hòa thượng), Quỹ phạm sư (A-xà-lê) chỉ dạy truyền trao, hoặc do lần lượt lưu truyền các pháp chính yếu v.v… thì ngăn cấm, gây chướng ngại, khiến người khác không được nghe học, tu hành. Đối với các pháp như trên tự mình hiện có cũng không trao truyền giảng nói, không cho, không cho khắp, không tùy cho khắp, không xả, không xả khắp, không tùy xả khắp, tánh của tâm luôn tiếc lận. Đó gọi là Xan về pháp. Hai thứ ấy gọi chung là Xan.

Thế nào là Cuống (Dối lừa)? Nghĩa là đối với kẻ khác, đã giả đấu, tráo thăng, sửa cân, bớt thước, nói lời dối trá quỷ quyệt, bày trò phỉnh gạt v.v… khiến người khác cho là thật, là đúng. Các thứ dối lừa, dối lừa khắp, dối lừa cùng cực v.v…, gọi chung là Cuống.

Thế nào là Siểm (Dua nịnh)? Nghĩa là tánh của tâm ẩn giấu, tâm quanh co, tráo trở, sâu hiểm, tâm không hiển bày, tâm không ngay thẳng, tâm không đảm nhận v.v…, gọi chung là Siểm.

Thế nào là Vô tàm (Không hổ)? Nghĩa là không biết xấu hổ, không bị xấu hổ, không xấu hổ riêng, không tủi hổ, không tủi hổ riêng, không kính trọng, tánh không kính trọng, không tự tại, tánh không tự tại, đối với người tự tại, không biết sợ hãi, chuyển đổi, gọi chung là Vô tàm.

Thế nào là Vô quý (Không thẹn)? Nghĩa là không thẹn, không bị thẹn, không thẹn riêng, không tủi thẹn, không tủi thẹn riêng, đối với các tội không biết sợ hãi, không thấy sợ hãi, gọi chung là Vô quý.

Thế nào là Mạn? Nghĩa là đối với kẻ thấp kém cho là mình hơn, hoặc đối với người cao hơn cho là mình bằng, do đấy khởi kiêu mạn, đã mạn, đang mạn, sẽ mạn, tâm luôn đề cao cậy mình, tâm tự chấp giữ, gọi chung là Mạn.

Thế nào là Quá mạn? Nghĩa là đối với kẻ ngang bằng cho là mình hơn, hoặc đối với kẻ hơn cho là mình ngang với họ, do đấy khởi kiêu mạn v.v… cho đến tâm tự chấp giữ, gọi chung là Quá mạn.

Thế nào là Mạn quá mạn? Nghĩa là đối với kẻ hơn mình cho là mình hơn họ, do đấy khởi kiêu mạn v.v… cho đến tâm tự chấp giữ, gọi chung là Mạn quá mạn.

Thế nào là Ngã mạn? Nghĩa là đối với năm thủ uẩn, theo đấy quán thấy có ngã và ngã sở, do đấy khởi kiêu mạn v.v… cho đến tâm tự chấp giữ, gọi chung là Ngã mạn.

Thế nào là Tăng thượng mạn? Nghĩa là chưa được cho là được, chưa thâu đạt cho là đã thâu đạt, chưa tiếp xúc cho là đã tiếp xúc, chưa chứng đắc cho là đã chứng đắc, do đấy khởi kiêu mạn v.v… cho đến tâm tự chấp giữ, gọi chung là Tăng thượng mạn.

Thế nào là Ty mạn? Nghĩa là đối với kẻ hơn mình nhiều tự cho là mình chỉ thua kém ít, do đấy khởi kiêu mạn v.v… cho đến tâm tự chấp giữ, gọi chung là Ty mạn.

Thế nào là Tà mạn? Nghĩa là mình không có đức lại cho là có đức, do đấy khởi kiêu mạn v.v… cho đến tâm tự chấp giữ, gọi chung là Tà mạn.

Thế nào là Kiêu? Nghĩa là có một loại hữu tình khởi suy nghĩ: Dòng dõi của ta, từ gia tộc, sắc lực, nghề nghiệp kỹ năng, hoặc tiền bạc, phần vị, hoặc giới định tuệ v.v… mỗi mỗi thứ đều thù thắng, do đấy khởi kiêu căng, hết sức kiêu căng, say sưa càng say sưa, mê muội, rất mê muội, tâm hách dịch, phóng túng, tâm tự chấp giữ sinh khởi đủ thứ kiêu căng, cao ngạo, tánh của tâm kiêu căng khắp, gọi chung là Kiêu.

Thế nào là Phóng dật? Nghĩa là đối với việc đoạn trừ các pháp bất thiện, tích tập các pháp thiện v.v… không tu không tập, không hành không tạo, xả bỏ gia hạnh v.v…, gọi chung là Phóng dật.

Thế nào là Ngạo? Nghĩa là có một loại hữu tình, đối với người nên cúng dường thì không cúng dường, nên cung kính thì không cung kính, đáng tôn trọng thì không tôn trọng, đáng khen ngợi thì không khen ngợi, nên thăm hỏi thì không thăm hỏi, đáng lễ bái thì không lễ bái, đáng đón tiếp thì không đón tiếp, nên mời ngồi, nhường đường thì không mời ngồi, nhường đường v.v… do đấy phát sinh thân không khiêm nhường tuân phục, không cùng khiêm nhường tuân phục, không hết lòng khiêm nhường tuân phục, thân tâm ngạo mạn, gọi chung là Ngạo.

Thế nào là Phát phẫn? Nghĩa là tánh của thân bị giam cầm hãm hại, tánh của tâm bị giam cầm hãm hại, tánh của thân, tâm phẫn nộ, đã, đang và sẽ bừng bừng nổi giận, gọi chung là Phát phẫn.

Thế nào là Dối hiện hư giả? Nghĩa là có người nhiều tham, vì muốn được cúng dường, vì các thứ vật dụng, vì muốn được cung kính, được tiếng khen, nên nhổ bỏ râu tóc, lõa hình nằm trên tro than, bước đi từng bước cúi đầu ngó xuống, hoặc lớn tiếng kêu vang hiện bày oai lực, kỹ năng của mình, hoặc hành các việc khổ hạnh v.v…, gọi chung là Dối hiện hư giả.

Thế nào là Dối trá quỷ quyệt? Nghĩa là có kẻ nhiều tham, vì muốn được cúng dường, cung kính v.v… như trước đã nói, nên đi đến nhà người khác, nói: Các ông hiện nay thật khéo được thân người, vì có các vị trì tụng Kinh, Luật, Đối pháp (Luận) khéo giảng nói pháp yếu am hiểu truyện ký, tạo nhiều Sớ giải, Luận giảng, ưa trụ chốn A-luyện-nhã, vui thích chỉ dùng ba y, thích hành lễ khắp nơi, ưa mặc y phấn tảo, hành khất thực, ngày chỉ ăn một lần, chỉ ăn một bát, ngồi ăn một mình, vui thích ở bên gốc cây hoặc nơi đất trống, hay vùng gò mả, thích ngồi chẳng nằm, hoặc tùy nơi ngồi tạm, đã được pháp quán bất tịnh, được pháp quán sổ tức, đã chứng đắc bốn tĩnh lự, được bốn vô lượng, bốn vô sắc, đã chứng được bốn Thánh quả, đã được sáu thông tuệ, đã được tám giải thoát v.v… Các bậc Hiền Thánh như thế chỉ đi đến nhà ông, đều được các ông cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán, vì các ông làm chỗ nương dựa, về đức hạnh của tôi so với các vị kia không hề thua kém. Nay tôi đến nhà ông cố mong được giống như chư vị kia. Đó gọi là Dối trá quỷ quyệt.

Lại có sự Dối trá quỷ quyệt: Nghĩa là có kẻ nhiều tham, vì muốn được cúng dường, cung kính v.v… như trước đã nói, nên đến nhà người khác, bảo: Ông nên nghĩ đối với tôi như là cha mẹ của ông, còn tôi thì xem ông như là con trai, con gái của tôi. Từ nay trở về sau ta nên kết làm thân quyến, vui buồn vinh nhục thảy đều cùng có nhau. Trước đây nơi thế gian vẫn gọi chung chúng tôi là Sa-môn Thích tử, từ hôm nay trở đi đều nên gọi tôi là Sa-môn của gia đình ông. Phàm mọi thứ tôi cần như các vật dụng hàng ngày trong đời sống, các thứ y phục, thuốc men v.v… ông đều nên cúng dường đầy đủ. Nếu ông không thể làm được, tất tôi phải từ biệt để đến nhà thí chủ kính tín thác, ông há không thấy nhục sao? v.v… Các việc làm như thế đều là không thật, chỉ là phương tiện đặt điều để nói, gọi chung là Dối trá quỷ quyệt.

Thế nào là Hiện tướng? Nghĩa là có kẻ nhiều tham, vì muốn được cung kính, cúng dường v.v… như trước đã nêu, nên đến nhà người khác, nói: Nầy ông bà hiền sĩ! Hết thảy y nầy, bát nầy, các tọa cụ ngọa cụ nầy, các thứ quần áo quý giá nầy, tôi nếu có được thì thật là thích hợp, các vị nên luôn ủng hộ, giúp đỡ, đây là phước dành cho các vị. Trừ các vị có thể xả thí, còn ai sẽ làm được việc ấy? Tạo ra phương tiện như thế để nhận được lợi dưỡng, gọi chung là Hiện tướng.

Thế nào là Nói lời gây cảm kích? Nghĩa là có kẻ nhiều tham, vì muốn được cúng dường, cung kính v.v… như trước đã nêu, nên đến nhà người khác nói như vầy: Cha mẹ của ông v.v… là người có đầy đủ tín, giới, văn, xả, tuệ thanh tịnh, nhân nơi nghiệp thiện đó nên các vị ấy đã được sinh lên cõi trời và được giải thoát. Nhưng nay nếu ông không còn giữ đủ tín, giới, văn, xả, tuệ thanh tịnh như người trước thì không tạo các nghiệp thiện, sau nầy khi qua đời nhất định sinh vào các đường ác, biết làm thế nào? Cứ khen chê như thế chỉ để cầu lợi, gọi chung là Nói lời gây cảm kích.

Thế nào là Dùng lợi cầu lợi? Nghĩa là có một loại hữu tình, trước đây từ nơi nhà người kia cầu được y bát, cùng theo đấy nhận được một số thứ nuôi sống thân mạng. Người nầy mang y bát đến nhà một người khác, nêu bày: Ở nhà ông bà kia đã cho tôi vật nầy. Chính ông bà thí chủ ấy trong bao lâu nay đã luôn cung cấp cho tôi y bát và mọi thứ vật dụng v.v… Vậy nay ông bà cũng nên như các vị thí chủ kia, làm nơi chốn nương dựa cho tôi. Đây là nhân nơi phương tiện trước để nhận được lợi dưỡng sau, như thế gọi chung là Dùng lợi cầu lợi.

Thế nào là Dục ác? Nghĩa là có một loại hữu tình thật sự không hề đọc tụng, thọ trì Kinh, Luật, Đối pháp (Luận) v.v… nói rộng cho đến thật sự không chứng được tám giải thoát, nhưng lại muốn khiến người khác tưởng mình là thật có đọc tụng, thọ trì Kinh, Luật, Đối pháp v.v… nhân đấy mà được cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi, vì họ làm chỗ nương cậy. Lại, tự mình thật sự không có các pháp thiện tạo nên do hạnh xuất gia và sự xa lìa, nhưng lại vì người khác nêu bày nói rõ chứng tỏ mình đã chứng được. Các loại như thế gọi chung là Dục ác.

Thế nào là Dục lớn? Nghĩa là có kẻ nhiều tham, vì muốn có được của cải, lợi lộc rộng lớn v.v… nên khởi ham muốn, đã ham muốn, sẽ ham muốn, gọi chung là Dục lớn.

Thế nào là Hiển bày dục? Nghĩa là có một loại hữu tình thật sự đã đọc tụng, thọ trì Kinh, Luật, Đối pháp v.v… nói rộng cho đến đạt được pháp quán sổ tức chứng các quả Dự lưu, Nhất lai, chỉ vì không có tiếng tăm nên người khác không biết đến. Nay vị ấy muốn mọi người biết mình có đức nầy, nhân đấy sẽ có được các sự cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi, tạo được chỗ nương nhờ. Lại người nầy thật sự tự có các pháp thiện do hạnh xuất gia và xa lìa sinh ra, nên muốn vì người khác nêu bày nói rõ là mình đã có được. Các loại như thế gọi chung là Hiển bày dục.

Thế nào là Không hỷ túc (Không biết đủ)? Nghĩa là có một loại hữu tình đối với các thứ sắc hương vị xúc cùng những vật dụng khác đã đạt được không sinh tâm biết đủ, lại cứ mong muốn ưa thích cầu được nhiều nữa, gọi chung là Không hỷ túc.

Thế nào là Không cung kính? Nghĩa là có một loại hữu tình, hoặc là Thân giáo sư (Hòa thượng) hay cùng loại Thân giáo sư, Quỹ phạm sư (A-xà-lê) hay cùng loại Quỹ phạm sư, cùng một vị nào đấy cũng đáng tôn trọng, tin tưởng, lui tới làm bạn, đúng pháp bảo người kia: Kể từ nay trở đi ông chớ nên hủy hoại ba nghiệp thân, ngữ, ý thiện, chớ nên làm những việc không nên làm, chớ gần gũi với bạn xấu ác, chớ có tạo các thứ nghiệp ác khiến bị đọa vào ba đường ác. Khuyên dạy như thế hợp pháp đúng thời, đối với việc tu đạo tùy thuận hành tập tất tăng trưởng sự trang nghiêm, nên các vị ấy luôn an ủi, giúp đỡ về tư lương. Nhưng người kia lại không vui mừng, yêu thích, mọi lời thầy nói đều trái nghịch, giữ lấy điều không chánh đáng, không nghe theo lẽ phải, lại còn hủy báng bài bác. Các việc như thế gọi chung là Không cung kính.

Thế nào là Dấy khởi lời thô ác? Nghĩa là có một loại hữu tình, hoặc là Thân giáo sư hay cùng loại, hoặc là Quỹ phạm sư hay cùng loại, hoặc một vị nào đấy cũng đáng tôn trọng, tin tưởng, lui tới làm bạn, như pháp nói với người kia: Từ nay trở đi ông chớ nên hủy hoại ba nghiệp thân, ngữ, ý thiện, chớ làm những việc không nên làm, chớ gần gũi với bạn xấu ác, chớ có tạo các thứ nghiệp ác khiến bị đọa vào ba đường ác. Khuyên răn như thế là hợp pháp đúng thời, đối với việc tu đạo tùy thuận hành tác tất tăng trưởng sự trang nghiêm, nên họ luôn an ủi, giúp đỡ về tư lương. Nhưng người kia lại không vui mừng, yêu thích, đối với lời nói của các bậc thầy luôn trái lời làm ngược, chấp giữ điều không chánh đáng, không nghe theo lẽ phải, lại còn hủy báng bài bác, dấy khởi lời mạ lỵ. Các việc như thế gọi chung là Dấy khởi lời thô ác.

Thế nào là Thích bạn xấu ác? Nghĩa là có một loại hữu tình ưa thích gần gũi bạn xấu ác. Gọi là bạn xấu ác, tức là các kẻ giết mổ dê gà heo, bắn chim, bắt cá, săn thú, cầm đầu đám trộm cướp, làm nem chả, làm cai ngục giữ tù, ếm long mạch, nấu thịt chó, đặt bẫy, giăng lưới v.v…, đó gọi là bạn xấu ác. Lại có một loại hữu tình hủy phạm giới cấm, quen hành theo pháp ác, tâm ôm giữ điều hủ bại, bên ngoài hiện vẻ đàng hoàng, đứng đắn. Là loài sên, bò, tiếng ốc, hành chó, thật không phải Sa-môn tự xưng là Sa-môn, thật không phải là phạm hạnh tự cho là phạm hạnh v.v…, đó cũng gọi là bạn xấu ác. Đối với các loại bạn xấu ác như thế, thường gần gũi thừa hành, tùy thuận, mến thích, nên gọi là Thích bạn xấu ác.

Thế nào là Không thể nhẫn chịu? Nghĩa là có một loại hữu tình không thể gắng chịu được các thứ xúc chạm của lạnh, nóng, đói khát, gió, mưa, ruồi muỗi, rắn rít v.v… và những sự khổ sở khác. Lại có một loại hữu tình đối với những thứ bạo ác của người khác có thể khiến cho tự thân, tâm nhận lấy các khổ thọ bức bách mãnh liệt hại mạng, hoặc đối với những lời nói hung dữ thô bỉ đều không thể nhẫn chịu. Như vậy hai thứ vừa nêu gọi chung là Không thể nhẫn chịu.

Thế nào là Đam mê, Đam mê khắp? Nghĩa là sự trói buộc của tham sân si thuộc phẩm hạ gọi là Đam mê, tức ở đây thuộc phẩm trung thì gọi là Đam mê khắp. Lại nữa, sự trói buộc của tham sân si thuộc phẩm trung gọi là Đam mê, tức ở đây thuộc phẩm thượng thì gọi là Đam mê khắp.

Thế nào là Tham nhiễm? Nghĩa là đối với các dục, khởi các thứ tham cùng tham v.v… cho đến là loại tham, sinh ra tham, gọi chung là Tham nhiễm.

Thế nào là Tham phi pháp? Nghĩa là đối với mẹ, vợ, chị em gái, cùng các hàng nữ thân thuộc khác v.v… khởi lên tham cùng tham, giữ lấy, phòng hộ, chấp chặt, ái nhiễm v.v…, gọi chung là Tham phi pháp.

Thế nào là Tham chấp? Nghĩa là đối với của cải, vật dụng, cùng các thứ thuộc về mình đều khởi tham cùng tham, giữ lấy, cất giấu, phòng hộ, chấp chặt, ái nhiễm v.v…, gọi chung là Tham chấp.

Thế nào là Tham ác? Nghĩa là đối với của cải, vật dụng của kẻ khác, cùng các thứ thọ dụng thuộc về họ mà khởi tham cùng tham v.v… nói rộng như trước, đó gọi là Tham ác. Lại nữa, tham ác là mưu toan đối với mạng sống của loài khác, người khác, tham thích các thứ da, sừng v.v… hoặc ăn thịt, uống máu v.v… Hai thứ vừa nêu như thế gọi chung là Tham ác.

Thế nào là Hữu thân kiến? Nghĩa là đối với năm thủ uẩn, dấy khởi tưởng về ngã, ngã sở, do đấy sinh ra các thứ kiến thọ nhận, vui thích, tuệ quán, gọi chung là Hữu thân kiến.

Thế nào là Hữu kiến? Nghĩa là đối với ngã và thế gian nầy, sinh khởi tưởng thường hằng, do đấy sinh ra các thứ kiến thọ nhận, vui thích, tuệ quán, gọi chung là Hữu kiến.

Thế nào là Không kiến? Nghĩa là đối với ngã và thế gian nầy, sinh khởi tưởng không thường hằng, do đấy sinh ra các thứ kiến thọ nhận, vui thích, tuệ quán, gọi chung là Không kiến.

Thế nào là Tham dục? Nghĩa là đối với các cảnh dục khởi tham cùng tham v.v… nói rộng như trước, gọi chung là Tham dục.

Thế nào là Giận dữ? Nghĩa là đối với các hữu tình luôn muốn gây tổn hại v.v… nói rộng như trước, gọi chung là Giận dữ.

Thế nào là Hôn trầm? Nghĩa là tánh nặng nề của thân, của tâm v.v… cho đến rối loạn, mê muội, gọi chung là Hôn trầm.

Thế nào là Thùy miên? Nghĩa là các thứ ngủ mê mộng mị không thể đảm nhận công việc, tánh của tâm tối tăm sơ suất, gọi chung là Thùy miên.

Thế nào là Trạo cử? Nghĩa là tâm không tịch tĩnh, luôn dao động, cùng dao động, tánh của tâm dao động, gọi chung là Trạo cử.

Thế nào là Ố tác? Nghĩa là tâm biến đổi, tâm áo não, tâm hối tiếc việc làm ác của mình, tánh ố tác, gọi chung là Ố tác.

Thế nào là Nghi hoặc? Nghĩa là đối với Phật Pháp Tăng và Khổ Tập Diệt Đạo, sinh khởi nghi hoặc, khởi hai phần hai nẻo v.v… cho đến không hiện một hướng, gọi chung là Nghi hoặc.

Thế nào là Rối loạn mờ tối? Nghĩa là tánh nặng nề của thân, tâm, tánh của thân tâm không thể đảm nhận công việc, tánh rối loạn tối tăm của thân và tâm, đã, đang và sẽ rối loạn, tối tăm, gọi chung là Rối loạn mờ tối.

Thế nào là Không vui? Nghĩa là có một loại hữu tình được các vị Thân giáo sư tốt hoặc cùng loại, các vị Quỹ phạm sư tốt hoặc cùng loại, hoặc một vị nào đấy cũng đáng tôn trọng, tin cậy lui tới làm bạn, rồi khuyên bảo, truyền dạy nên giữ niệm tư duy v.v… cho đến các thứ phòng xá, ngọa cụ. Nhưng tâm người kia không mừng vui, mến thích, lại buồn bã, lo lắng, gọi chung là Không vui.

Thế nào là Thân buông, Miệng ngáp? Nghĩa là thân nằm thấp, giơ tay duỗi chân v.v…, gọi chung là Thân buông. Mũi mở mặt nhăn, môi miệng méo xệch v.v…, gọi chung là Miệng ngáp.

Thế nào là Ăn uống không điều độ? Nghĩa là do không ăn uống, hoặc ăn uống quá lượng, hoặc ăn uống không thích hợp sinh ra khổ thọ, gọi chung là Ăn uống không điều độ.

Thế nào là Tánh của tâm mê mờ yếu kém? Nghĩa là tâm tăm tối, yếu kém, giảm thiểu v.v…, gọi chung là Tánh của tâm mê mờ yếu kém.

Thế nào là Có vô số tưởng? Nghĩa là có các thứ triền, cái (các phiền não che lấp, trói buộc tâm), các tưởng về sắc thanh hương vị xúc nhiễm ô hiện có, các tưởng bất thiện, các tưởng dẫn đến phi lý, các tưởng tạo chướng ngại cho định v.v… gọi chung là Có vô số tưởng.

Thế nào là Không tác ý? Nghĩa là đối với các pháp thiện sinh ra do hạnh xuất gia và xa lìa, không hề khiến phát khởi, không nhớ nghĩ, không tư duy, không đã và sẽ tư duy, tâm không tỉnh giác, gọi chung là Không tác ý.

Thế nào là Thô trọng? Nghĩa là tánh nặng nề của thân tâm, tánh của thân tâm không thể đảm nhận công việc, tánh cứng, bướng của thân tâm, tánh của thân tâm không điều thuận, hòa dịu v.v… gọi chung là Thô trọng.

Thế nào là Tiếp xúc xung đột? Nghĩa là có một loại hữu tình khi trao thức ăn cho người khác ai xin chín thì cho sống, ai xin sống thì cho chín, xin to cho nhỏ, xin bé cho lớn, cho không bình đẳng, cho không như pháp. Đối với điều đáng biết thì không biết, người đáng cho thì không cho, ở đây luôn dấy khởi sự việc trái ngược với lời nói, đó gọi là Tiếp xúc xung đột.

Lại có một loại hữu tình được các Thân giáo sư hay cùng loại, hoặc Quỹ phạm sư hay cùng loại, hoặc một vị nào đấy cũng đáng tôn trọng, tin tưởng cùng lui tới làm bạn và bảo: “Nầy thiện nam! Đối với các sự việc như thế như thế, ông nên theo thứ lớp mà làm”. Người ấy tự nghĩ: “Việc gì, nghiệp gì khiến ta phải làm theo thứ lớp như thế?”. Ở đây luôn dấy khởi việc làm trái với lời nói, đó gọi là Tiếp xúc xung đột.

Lại có một loại hữu tình, hoặc tự mình đến tạ lỗi, hoặc người khác chỉ dạy nên đến tạ lỗi, hoặc tự mình có việc nên đến thưa mời, hoặc do người khác bảo nên đến thưa mời, ở đây luôn khởi việc làm trái ngược với lời nói, đó gọi là Tiếp xúc xung đột.

Như thế, các trường hợp cắt sửa y phục hay tạo dựng sự nghiệp v.v… ở đấy cũng dấy khởi việc làm trái ngược với lời nói v.v…, gọi chung là Tiếp xúc xung đột.

Thế nào là Tham ăn tham uống? Nghĩa là có một loại hữu tình khi phân chia tiền bạc lợi lộc thì bỏ một lấy một, tình tham không định, đó gọi là tham của cải. Trước và sau thời gian ăn, thường đến chỗ bếp núc để nếm, uống các thứ thức ăn, ngon dở không định, đó gọi là tham ăn uống. Phần nầy và phần trước đã nêu gọi chung là Tham an tham uống.

Thế nào là Tánh không nhu hòa? Nghĩa là tâm cứng cõi, tâm ương ngạnh, tâm ngang bướng, tâm không sáng sạch, tâm không linh hoạt, tâm không dịu dàng, tâm không gắng chịu đựng v.v…, gọi chung là Tánh không nhu hòa.

Thế nào là Tánh không điều thuận? Nghĩa là thân cứng cõi, thân ương ngạnh, thân ngang bướng, thân không sáng sạch, thân không linh hoạt, thân không dịu dàng, thân không đảm nhận công việc v.v…, gọi chung là Tánh không điều thuận.

Thế nào là Không thuận với đồng loại? Nghĩa là có một loại hữu tình đối với các vị Thân giáo sư, Quỹ phạm sư hay cùng loại, hoặc một vị nào đấy cũng đáng tôn trọng, tin tưởng cùng lui tới làm bạn, nhưng người nầy không chịu tùy thuận, đó gọi là Không thuận với đồng loại.

Thế nào là Tầm dục? Nghĩa là dục tham tương ưng với các thứ tầm cầu của tâm, tầm cầu khắp, tầm cầu gần, tâm hiển bày, hết sức hiển bày, hiện tiền hiển bày, suy tìm hoạch định, tư duy phân biệt, gọi chung là Tầm dục.

Thế nào là Tầm giận dữ? Nghĩa là giận dữ tương ưng với các thứ tầm cầu của tâm, tầm cầu khắp v.v… cho đến tư duy phân biệt, gọi chung là Tầm giận dữ.

Thế nào là Tầm hại? Nghĩa là hại tương ưng với các thứ tầm cầu của tâm, tầm cầu khắp v.v… cho đến tư duy phân biệt, gọi chung là Tầm hại.

Thế nào là Tầm về xóm làng? Nghĩa là đối với xóm làng, muốn khiến đều được an lạc, được gặp bạn tốt, không có não hại, thành tựu tất cả pháp không não hại. Vua quan đều yêu mến, tôn trọng, người cả nước đều tôn kính, mến mộ, các thứ lúa đậu ngô khoai được mùa, mưa gió thuận hòa. Do các duyên ấy nên khởi tâm tầm cầu, tầm cầu khắp v.v… cho đến tư duy phân biệt, gọi chung là Tầm về xóm làng.

Thế nào là Tầm về đất nước? Nghĩa là đối với mọi người trong đất nước thân yêu, muốn khiến đều được an lạc v.v… nói rộng cho đến mưa gió thuận hòa. Do các duyên ấy nên khởi tâm tầm cầu, tầm cầu khắp v.v… cho đến tư duy phân biệt, gọi chung là Tầm về đất nước.

Thế nào là Tầm bất tử? Nghĩa là có một loại hữu tình khởi suy nghĩ: Ta đối với giáo pháp của Phật giảng nói về định thù thắng chưa hề tu tập, vậy trước hết ta nên trì tụng Kinh, Luật, Đối pháp (Luận), rồi vì các hữu tình nói rõ pháp yếu, học các truyện ký, tạo các Luận Sớ, trụ chốn A-luyện-nhã, chỉ giữ ba y v.v… nói rộng cho đến tùy chỗ được mà an tọa, làm các việc như thế xong, sau đó mới tu tập định.

Lại có một loại hữu tình khởi suy nghĩ: Ta đối với giáo pháp của Phật giảng nói về định thù thắng chưa hề tu tập, vậy trước hết ta nên đi thăm xem khắp núi sông đất nước, vườn rừng, ao hồ, đồi cao, động lớn, nghĩa địa, lễ bái các tháp miếu, dạo thăm các chùa, xong các việc như thế sau đấy mới tu tập định.

Lại có một loại hữu tình khởi suy nghĩ: Ta đối với giáo pháp của Phật giảng nói về định thù thắng chưa hề tu tập, vậy hãy đợi qua bảy năm, sáu năm, năm, bốn, ba, hai, một năm, hoặc bảy tháng cho đến một tháng, hoặc qua bảy ngày cho đến một ngày, hoặc qua ngày nầy, hoặc qua đêm nầy, qua lúc nầy v.v…, sau đấy mới tu tập định.

Suy nghĩ như thế đối với thân mạng của mình không rõ các thứ nguy khốn đang chờ sẵn, thế nên khởi tâm tầm cầu, tầm cầu khắp v.v… cho đến tư duy phân biệt, gọi chung là Tầm bất tử.

Thế nào là Tầm khinh miệt kẻ khác? Nghĩa là có một loại hữu tình khởi suy nghĩ: Chủng tánh của ta, về gia tộc, sắc đẹp, sức khỏe, sự nghiệp, kỹ năng, tài sản, tiền bạc, phần vị và cả giới định tuệ v.v… mỗi mỗi thứ thảy đều hơn người v.v… Cậy vào các thứ ấy nên sinh tâm khinh miệt tất cả, do đấy dấy khởi tâm tầm cầu, tầm cầu khắp v.v… cho đến tư duy phân biệt, gọi chung là Tầm khinh miệt kẻ khác.

Thế nào là Tầm về tộc họ giả? Nghĩa là có một loại hữu tình đối với người không phải là bà con, nhưng nhận làm bà con, muốn cho tất cả đều được an vui, có được bạn bè tốt, không có não hại, thành tựu tất cả pháp không não hại, được vua quan thương mến, quý trọng, được người khắp nước ái mộ, kính yêu, lúa thóc đều được mùa, mưa gió hòa thuận. Do các duyên ấy nên khởi tâm tầm cầu, tầm cầu khắp v.v… cho đến tư duy phân biệt, gọi chung là Tầm về tộc họ giả.

Thế nào là Sầu? Nghĩa là có một loại hữu tình nhân nơi cha mẹ, anh em, chị em, thầy, bạn v.v… qua đời, hoặc nhân nơi bà con đều mất hết, hoặc nhân nơi tiền của, địa vị đều bị tiêu tan, khiến tự thân người ấy nhận lấy bao thứ khổ thọ bức bách, như muốn dứt bỏ mạng sống. Bấy giờ, người ấy tâm ý bực bội khó chịu, bực bội khắp, liền sinh ra sầu, đã và sẽ sầu não, trong tâm như trúng tên độc sầu não, gọi chung là Sầu.

Thế nào là Than? Nghĩa là có một loại hữu tình nhân nơi cha mẹ, anh em, chị em, thầy, bạn v.v… qua đời v.v… khiến tự thân người ấy nhận lấy bao thứ khổ thọ v.v… Bấy giờ, người ấy tâm ý bực bội khó chịu v.v… cho đến trong tâm như trúng tên độc sầu não. Do duyên ấy nên cất tiếng than thở: Khổ thay! Khổ thay! Cha ta, mẹ ta v.v… nói rộng cho đến tiền tài, địa vị của ta, vì sao chỉ trong một sớm mà đến nông nỗi nầy? Ở đây các lời than oán nơi các thứ ngữ nghiệp gọi chung là Than.

Thế nào là Khổ? Nghĩa là các thọ không bình đẳng tương ưng với năm thức, gọi chung là Khổ.

Thế nào là Ưu? Nghĩa là các thọ không bình đẳng tương ưng với ý thức, gọi chung là Ưu.

Thế nào là Nhiễu não (Quấy nhiễu não loạn)? Nghĩa là tâm luôn bị quấy nhiễu, sầu não. Đã và sẽ bị quấy nhiễu sầu não, là tánh loại của quấy nhiễu não loạn, gọi chung là Nhiễu não.

Từ tham, sân, si v.v… cho đến ưu, nhiễu não đều gọi là Tạp Sự. Đối với Tạp Sự nầy, nếu đoạn trừ vĩnh viễn một thứ, nhất định sẽ được pháp Bất hoàn. Do khi đoạn trừ một thứ, tức các thứ khác sẽ theo đấy mà đoạn, nên Đức Phật tin chắc là người đó nhất định được pháp Bất hoàn.

HẾT – QUYỂN 9