LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 6

Phẩm 9: NIỆM TRỤ, phần 2

4. Niệm trụ thứ tư:

Thế nào là đối với nội pháp nầy, tuần tự quán về pháp, trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian?

Nội pháp: Nghĩa là tưởng uẩn, hành uẩn của mình, hiện đang nối tiếp hoạt động, đã được không mất.

Đối với nội pháp nầy, tuần tự quán về pháp: Nghĩa là: Như có Bí-sô, đối với pháp của năm thủ uẩn bên trong quan sát tư duy về các tướng của nội pháp ấy. Như nơi bên trong có cái (sự ngăn che) tham dục thì nhận biết đúng như thật là ta có cái tham dục. Nơi bên trong không có cái tham dục thì nhận biết đúng như thật là ta không có cái tham dục. Lại nhận biết đúng như thật về cái tham dục bên trong chưa sinh thì sinh, đã sinh thì đoạn trừ, đã đoạn trừ rồi thì về sau không còn sinh nữa. Lúc tư duy về các tướng của nội pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Tuần tự quán về nội pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ.

Thành tựu quán nầy, hiện hành, tùy hành v.v… cho đến hiểu rõ về hành, gọi là Trụ.

Người hành quán nầy, có thể phát sinh sức siêng năng tinh tấn v.v… cho đến: Lại có thể đối với pháp ấy thêm nhanh chóng, tháo vác, gọi là đầy đủ Chánh cần.

Người hành quán nầy, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn v.v… cho đến có thể viên mãn, viên mãn tận cùng, gọi là đầy đủ Chánh tri.

Người hành quán nầy, đủ niệm, tùy niệm v.v… cho đến tánh ghi tâm sáng, gọi là đầy đủ Chánh niệm.

Đối với các cảnh dục khởi các thứ tham cùng tham v.v… cho đến là chủng loại tham, sinh ra tham, gọi chung là Tham.

Khi tiếp xúc thuận theo ưu thọ, tâm khởi lo buồn, thọ nhận không bình đẳng, thuộc về lo lắng, gọi chung là Ưu.

Người hành quán nầy, khi tu pháp quán, đối với hai thứ tham ưu của thế gian đã khởi, có thể đoạn dứt, nhận biết khắp v.v… cho đến diệt trừ hết hẳn, nên gọi là Trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian.

Như nói về cái tham dục bên trong, nói về các cái bên trong còn lại như giận dữ, hôn trầm thùy miên, trạo cử ố tác, nghi cũng như vậy.

Lại có Bí-sô, đối với sáu pháp kiết bên trong quan sát tư duy về các tướng của nội pháp ấy. Như đối với bên trong có nhãn kiết thì nhận biết đúng như thật là bên trong có nhãn kiết. Như bên trong không có nhãn kiết thì cũng nhận biết đúng như thật là bên trong không có nhãn kiết. Lại nhận biết đúng như thật là nhãn kiết bên trong ấy chưa sinh thì sinh, đã sinh thì đoạn trừ, đoạn trừ rồi thì về sau không còn sinh nữa. Lúc tư duy về nội pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Tuần tự quán về nội pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ. Trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian: Đều như trước đã nói. Như nói về nhãn kiết bên trong, nói về năm kiết bên trong còn lại cũng như vậy.

Lại có Bí-sô, đối với pháp bảy đẳng giác chi bên trong quan sát tư duy về các tướng của nội pháp ấy. Như đối với bên trong có giác chi niệm thì nhận biết đúng như thật là bên trong có giác chi niệm. Như bên trong không có giác chi niệm thì cũng nhận biết đúng như thật là bên trong không có giác chi niệm. Lại nhận biết đúng như thật bên trong có giác chi niệm chưa sinh thì sinh, đã sinh thì được bền trụ không quên, tu tập đầy đủ, bội tăng rộng lớn khiến trí tác chứng. Lúc tư duy về nội pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Tuần tự quán về nội pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ. Trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian: Đều như trước đã nói. Như nói về giác chi niệm bên trong, nói về sáu giác chi bên trong còn lại cũng như vậy.

Lại có Bí-sô, đối với các tưởng uẩn, hành uẩn bên trong đã nói, quan sát tư duy thấy có nhiều lỗi lầm tai họa. Nghĩa là các uẩn ấy như bệnh hoạn, như ung nhọt v.v… nói rộng cho đến là pháp biến hoại. Lúc tư duy về các lỗi lầm tai họa của pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bátxá-na. Đó gọi là Tuần tự quán về nội pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ. Trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian: Đều như trước đã nói.

Thế nào là đối với ngoại pháp nầy, tuần tự quán về pháp, trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian?

Ngoại pháp: Nghĩa là tưởng uẩn và hành uẩn của mình, hiện đang nối tiếp hoạt động, chưa được đã mất, cùng với các tưởng uẩn, hành uẩn của hữu tình khác.

Đối với ngoại pháp nầy, tuần tự quán về pháp: Nghĩa là: Như có Bí-sô, đối với pháp của năm thủ uẩn nơi người khác, quan sát tư duy về các tướng của ngoại pháp ấy. Như bên ngoài có cái tham dục thì nhận biết đúng như thật là bên ngoài có cái tham dục. Nơi bên ngoài không có cái tham dục thì cũng nhận biết đúng như thật là bên ngoài không có cái tham dục. Lại nhận biết đúng như thật về cái tham dục bên ngoài chưa sinh thì sinh, đã sinh thì đoạn trừ, đoạn trừ rồi thì về sau không còn sinh nữa. Lúc tư duy về ngoại pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Tuần tự quán về ngoại pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ.

Trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian: Đều như trước đã nói.

Như nói về cái tham dục bên ngoài, nói về bốn thứ cái bên ngoài còn lại cũng như vậy.

Lại có Bí-sô, đối với sáu pháp kiết của người khác, quan sát tư duy về các tướng của ngoại pháp ấy. Như đối với bên ngoài có nhãn kiết thì nhận biết đúng như thật là bên ngoài có nhãn kiết. Nơi bên ngoài không có nhãn kiết thì nhận biết đúng như thật là bên ngoài không có nhãn kiết. Lại nhận biết đúng như thật nhãn kiết bên ngoài chưa sinh thì sinh, đã sinh thì đoạn trừ, đoạn trừ rồi thì về sau không còn sinh nữa. Lúc tư duy về ngoại pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bát-xána. Đó gọi là Tuần tự quán về ngoại pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ. Trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian: Đều như trước đã nói. Như nói về nhãn kiết bên ngoài, nói về năm kiết bên ngoài còn lại cũng như vậy.

Lại có Bí-sô, đối với pháp bảy đẳng giác chi của người khác, quan sát tư duy về các tướng của ngoại pháp ấy. Như đối với bên ngoài có giác chi niệm thì nhận biết đúng như thật là bên ngoài có giác chi niệm. Nơi bên ngoài không có giác chi niệm thì nhận biết đúng như thật là bên ngoài không có giác chi niệm. Lại nhận biết đúng như thật giác chi niệm bên ngoài chưa sinh thì sinh, đã sinh thì vững trụ v.v… nói rộng cho đến trí tác chứng. Lúc tư duy về ngoại pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Tuần tự quán về ngoại pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ. Trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian: Đều như trước đã nói. Như nói về giác chi niệm bên ngoài, nói về sáu giác chi bên ngoài còn lại cũng như vậy.

Lại có Bí-sô, đối với các tưởng uẩn, hành uẩn bên ngoài đã nói, quan sát tư duy thấy có nhiều lỗi lầm tai họa. Nghĩa là các uẩn đó như bệnh hoạn, như ung nhọt v.v… nói rộng cho đến là pháp biến hoại. Lúc tư duy về các lỗi lầm tai họa của pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bátxá-na. Đó gọi là Tuần tự quán về ngoại pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ. Trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian: Đều như trước đã nói.

Thế nào là đối với nội ngoại pháp nầy, tuần tự quán về pháp, trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian?

Nội pháp: Tức như trước đã nói. Ngoại pháp: Tức cũng như trước đã nói. Hợp cả hai thứ ấy gọi chung là Nội ngoại pháp.

Đối với nội ngoại pháp nầy, tuần tự quán về pháp: Nghĩa là: Như có Bí-sô hợp cả tưởng uẩn, hành uẩn của mình và người khác chung làm một nhóm, quan sát tư duy về tướng của pháp mình và người, tức năm thủ uẩn, sáu kiết, bảy đẳng giác chi bên ngoài, bên trong đã nói với các thứ tướng đây kia, có, không, chưa sinh, đang sinh, sinh rồi, đoạn trừ, đoạn trừ rồi, không còn sinh nữa. Lúc tư duy về các tướng của nội pháp và ngoại pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bátxá-na. Đó gọi là Tuần tự quán về nội ngoại pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ.

Trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian: Đều như trước đã nói.

Lại có Bí-sô, hợp cả tưởng uẩn, hành uẩn của mình và người khác chung thành một nhóm, quan sát tư duy thấy có nhiều lỗi lầm tai họa. Nghĩa là các uẩn đây kia như bệnh hoạn, như ung nhọt v.v… nói rộng cho đến là pháp biến hoại. Lúc tư duy về các lỗi lầm tai họa của pháp như thế, đối với các pháp đã khởi đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng v.v… cho đến hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Tuần tự quán về nội ngoại pháp, cũng gọi là Pháp niệm trụ. Trụ đầy đủ nơi chánh cần, chánh tri, chánh niệm, trừ bỏ mọi tham ưu của thế gian: Đều như trước đã nói.

***

Phẩm 10: THÁNH ĐẾ

Một thời, Đức Bạc-già-phạm trú nơi khu rừng Thi Lộc, là xứ luận thuyết của các vị Tiên nhân, thuộc nước Bà-la-ni-tư (Ba-la-nại).

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Có 4 Thánh đế:

1. Đây là khổ Thánh đế. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp.

2. Đây là khổ tập Thánh đế. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp.

3. Đây là khổ diệt Thánh đế. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp.

4. Đây là hướng đến khổ diệt đạo Thánh đế. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp.

Lại nữa, nầy các Bí-sô! Có 4 Thánh đế:

1. Khổ Thánh đế nầy nên dùng thông tuệ để nhận biết khắp. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp.

2. Khổ tập Thánh đế nầy nên dùng thông tuệ để đoạn trừ vĩnh viễn. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp.

3. Khổ diệt Thánh đế nầy nên dùng thông tuệ để tác chứng. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp.

4. Hướng đến khổ diệt đạo Thánh đế nầy nên dùng thông tuệ để tu tập. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp.

Lại nữa, nầy các Bí-sô! Có 4 Thánh đế:

1. Khổ Thánh đế nầy, Ta đã dùng thông tuệ để nhận biết khắp. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh trí nhãn nhận biết rõ khắp.

2. Khổ tập Thánh đế nầy, Ta đã dùng thông tuệ để đoạn trừ vĩnh viễn. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh trí nhãn nhận biết rõ khắp.

3. Khổ diệt Thánh đế nầy, Ta đã dùng thông tuệ để tác chứng. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh trí nhãn nhận biết rõ khắp.

4. Hướng đến khổ diệt đạo Thánh đế nầy, Ta đã dùng thông tuệ để tu tập. Nếu đối với pháp chưa từng nghe như thế, tư duy như lý nhất định có thể phát sinh trí nhãn nhận biết rõ khắp.

Bí-sô nên biết! Ta đối với 4 Thánh đế như vậy, nếu chưa ba lần chuyển với mười hai hành tướng, tức là chưa phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp, chưa có thể đối với thế gian của hàng trời, người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, xuất ly, giải thoát, chưa trừ diệt điên đảo để tâm hoàn toàn an trụ, cũng chưa có thể như thật tự xưng nói: “Ta đã chứng được Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng”.

Bí-sô nên biết! Ta đối với 4 Thánh đế như vậy, do đã ba lần chuyển với mười hai hành tướng, tức là đã phát sinh nhãn trí nhận biết rõ khắp, nên có thể đối với thế gian của hàng trời, người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, xuất ly, giải thoát, đã diệt trừ điên đảo, tâm hoàn toàn an trụ, cũng đã có thể như thật tự xưng nói: “Ta đã chứng được Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng”.

Lúc Đức Phật giảng nói pháp nầy, Tôn giả Kiều-trần-na cùng tám vạn Thiên tử xa lìa phiền não cấu uế, ở trong các pháp sinh mắt pháp thanh tịnh.

Bấy giờ, Đức Phật nói với Tôn giả Kiều-trần-na: “Đối với pháp vừa giảng nói, ông đã hiểu chăng?”. Tôn giả Kiều-trần-na thưa: “Con nay đã hiểu”. Vị thứ hai, thứ ba cũng lại như vậy. Do Kiều-trần-na là người đầu tiên hiểu pháp, nên thế gian cùng gọi vị ấy là A-nhãđa. Địa thần Dược-xoa nghe những lời ấy vô cùng vui mừng phấn khích, cao giọng nói lớn: “Hôm nay, Đức Phật ở trong rừng Thi Lộc, xứ Tiên nhân luận thuyết, thuộc nước Bà-la-ni-tư, đã thương xót các chúng sinh nơi thế gian nầy, muốn khiến cho tất cả đều đạt được lợi lạc, nên đã ba lần Chuyển pháp luân, đầy đủ mười hai hành tướng, các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Ma, Phạm trong thế gian đều không thể như pháp chuyển được. Do Đức Phật đã chuyển pháp luân vô thượng ấy, nên Tôn giả Kiều-trần-na v.v… đã thấy rõ về Thánh đế. Từ nay, các chúng trời sẽ dần tăng trưởng, còn chúng A-tố-lạc sẽ dần tổn giảm. Nhân đấy, chúng trời, người lần lượt đạt được lợi ích an lạc thù thắng”.

Thần Dược-xoa không hành nghe những âm thanh như thế thì hết sức vui mừng, liền truyền báo cho trời Tứ Đại vương. Thần Dược-xoa lại cất tiếng lần lượt cùng báo, chỉ trong khoảnh khắc, âm thanh đã đến cõi Phạm thiên. Lúc nầy, Đại Phạm vương nghe xong, vô cùng hoan hỷ, chúc mừng Đức Phật đã chuyển pháp luân vô thượng, đem lại lợi lạc cho vô lượng các hữu tình.

Ở đây, nói về sự việc chuyển pháp luân thế nên gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân. Khi đó, năm vị Bí-sô cùng tám vạn Thiên tử nghe kinh rồi đều vui mừng tin nhận phụng hành.

*

1. Thế nào là khổ Thánh đế?

Đáp: Nghĩa là gồm có các khổ: sinh, già, bệnh, chết, oán ghét gặp nhau, yêu thương phải biệt ly, cầu mong không được, cùng lược nói tất cả năm thủ uẩn là khổ.

Thế nào là sinh khổ? Sinh: Nghĩa là các hữu tình kia ở trong các tụ hữu tình, các sinh cùng sinh, hướng nhập xuất hiện uẩn, được giới được xứ, được các uẩn sinh, mạng căn khởi, gọi chung là sinh.

Do nhân duyên gì nói sinh là khổ? Nghĩa là các hữu tình khi sinh và sống đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự khổ nơi thân, nơi tâm, nơi thân tâm. Đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự nhiệt não nơi thân, nơi tâm, nơi thân tâm. Đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự thiêu đốt nơi thân, nơi tâm, nơi thân tâm, nên nói sinh là khổ. Lại nữa, lúc sinh, sống, phải nhận lấy hai thứ khổ là khổ khổ và hành khổ, nên nói sinh là khổ.

Thế nào là già khổ? Già: Nghĩa là lúc già yếu, tóc rụng, tóc bạc, da mặt nhăn nheo, mình khom, lưng còng, hơi thở gấp vội khò khè, phải chống gậy lần bước, chi thể nổi đầy tàn nhan, suy thoái, mờ chậm, các căn đang biến hoại, các hành đều tổn giảm, gọi chung là già.

Do nhân duyên gì nói già là khổ? Nghĩa là các hữu tình khi già đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự khổ nơi thân v.v… nói rộng cho đến đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự thiêu đốt nơi thân tâm, nên nói già là khổ. Lại nữa, khi già phải nhận lấy ba thứ khổ là khổ khổ, hành khổ, hoại khổ, nên nói già là khổ.

Thế nào là bệnh khổ? Bệnh: Nghĩa là các thứ đau đầu, đau mắt, tai, mũi, lưỡi, các thứ bệnh về mặt mày, môi miệng, răng cỏ, hàm họng, các bệnh phong điên, trúng gió, ho hen, các bệnh cùi, ghẻ lở, trĩ, kiết lỵ, nóng lạnh, sốt rét, động kinh, nhọt độc, ung bướu, phù thũng v.v…, cùng các thứ bệnh khác dựa nơi thân tâm dấy khởi, gọi chung là bệnh.

Do nhân duyên gì nói bệnh là khổ? Nghĩa là các hữu tình khi bệnh đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự khổ nơi thân v.v… nói rộng cho đến đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự thiêu đốt nơi thân tâm, nên nói bệnh là khổ. Lại nữa, khi bệnh phải nhận lấy hai thứ khổ là khổ khổ và hành khổ, nên nói bệnh là khổ.

Thế nào là chết khổ? Chết: Nghĩa là các hữu tình kia từ nơi các tụ hữu tình đã dời chuyển, hư hoại, thoái mất, biệt ly, hơi nóng của thọ mạng nơi thức diệt, mạng căn bất động, các uẩn tan hoại v.v…, gọi chung là chết.

Do nhân duyên gì nói chết là khổ? Nghĩa là các hữu tình khi chết đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự khổ nơi thân v.v… nói rộng cho đến đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự thiêu đốt nơi thân tâm, nên nói chết là khổ. Lại nữa, khi chết phải nhận lấy ba thứ khổ là khổ khổ, hành khổ, hoại khổ, nên nói chết là khổ.

Thế nào là oán ghét gặp nhau là khổ? Oán ghét gặp nhau: Nghĩa là các hữu tình không yêu thương, không ưa thích, không hợp ý, không vừa lòng, nhưng lại cùng kết hợp, cùng ở chung một xứ, không riêng không khác, không phân tán, xa lìa, nhưng phải hòa hợp, tụ tập, gọi chung là oán ghét gặp nhau.

Do nhân duyên gì nói oán ghét gặp nhau là khổ? Nghĩa là các hữu tình khi oán ghét gặp nhau đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự khổ nơi thân v.v… nói rộng cho đến đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự thiêu đốt nơi thân tâm, nên nói oán ghét gặp nhau là khổ. Lại nữa, khi oán ghét gặp nhau phải nhận lấy hai thứ khổ là khổ khổ, hành khổ, nên nói oán ghét gặp nhau là khổ.

Thế nào là yêu thương phải biệt ly là khổ? Yêu thương phải biệt ly: Nghĩa là các hữu tình yêu thương, ưa thích, hợp ý, vừa lòng, nhưng lại không cùng kết hợp, không cùng ở chung một xứ, không cùng làm bạn bè, nhưng phải riêng khác, phân tán, xa lìa, không cùng hòa hợp, tụ tập, gọi chung là yêu thương phải biệt ly.

Do nhân duyên gì nói yêu thương phải biệt ly là khổ? Nghĩa là các hữu tình khi yêu thương phải biệt ly đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự khổ nơi thân v.v… nói rộng cho đến đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự thiêu đốt nơi thân tâm, nên nói yêu thương phải biệt ly là khổ. Lại nữa, khi yêu thương phải biệt ly phải nhận lấy ba thứ khổ là khổ khổ, hành khổ, hoại khổ, nên nói yêu thương phải biệt ly là khổ.

Thế nào là mong cầu không được là khổ? Mong cầu không được: Nghĩa là mong cầu các thứ hợp ý vừa lòng về sắc thanh hương vị xúc, các thứ vật dụng cho đời sống như y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men v.v…, nhưng lại không đạt, không được, không gặp, không thấy, không thành tựu, không hòa hợp, gọi chung là mong cầu không được.

Do nhân duyên gì nói mong cầu không được là khổ? Nghĩa là các hữu tình khi mong cầu không được đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự khổ nơi thân v.v… nói rộng cho đến đã nhận lãnh thâu giữ vô số sự thiêu đốt nơi thân tâm, nên nói mong cầu không được là khổ. Lại nữa, khi mong cầu không được phải nhận lấy hai thứ khổ là khổ khổ và hành khổ, nên nói mong cầu không được là khổ.

Thế nào là lược nói tất cả năm thủ uẩn là khổ? Năm thủ uẩn là sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn, gọi chung là năm thủ uẩn.

Do nhân duyên gì nên lược nói tất cả năm thủ uẩn là khổ? Nghĩa là năm thủ uẩn nầy đều là vô thường, chuyển dời, mệt mỏi suy khốn, là pháp mất, tán, nhanh chóng không dừng, luôn suy hao, không thường hằng, không thể tin giữ, là pháp biến hoại, có tăng có giảm, tạm trụ chóng diệt, xưa không nay có, có rồi hoàn không. Do nhân duyên ấy nên lược nói tất cả năm thủ uẩn là khổ.

Như nói các uẩn tánh đều là khổ, vì không an ổn, vì trái ngược với Thánh tâm. Các khổ như thế gọi là Khổ đế: Nghĩa là đây gọi là vô thường thì đúng thật là vô thường. Đây gọi là khổ thì đúng thật là khổ. Nếu Phật xuất thế, hoặc không xuất thế, thì pháp khổ như thế vẫn là pháp trụ pháp giới. Tất cả Như Lai đều tự nhiên thông đạt, đẳng giác tuyên thuyết, nêu đặt kiến lập, phân biệt khai thị, khiến chúng hiển bày. Nghĩa là đây là vô thường, đây là khổ, đây là tánh vô thường, đây là tánh của khổ, là chân là thật, là đế là như, không hư không vọng, không điên không đảo, không đổi không khác, nên gọi là Khổ đế.

Gọi là Thánh đế: Thánh tức là chư Phật và đệ tử Phật. Đây là Thánh đế, nghĩa là các vị Thánh ấy đối với các pháp kia (khổ, vô thường v.v…) đều thấy biết, hiểu rõ, chánh giác chúng là đế. Do nhân duyên ấy nên gọi là Thánh đế. Lại nữa, khổ Thánh đế là giả kiến lập theo danh tưởng, ngôn thuyết, nên nói là Khổ Thánh đế. Phật và các đệ tử nhiều hơn cát sông Hằng đều cùng thiết lập tên gọi như thế.

*

2. Thế nào là khổ tập Thánh đế?

Đáp: Nghĩa là các ái hiện có, ái thân sau, vui thích cùng hành với ái, thảy đều vui thích ái. Như thế là lược nói về khổ tập Thánh đế. Nếu nói rộng tức hai ái, ba ái, lại có ba ái, bốn ái, năm ái, sáu ái, cùng hết thảy các pháp bất thiện, các pháp thiện hữu lậu, tất cả kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền đều gọi là khổ tập Thánh đế.

Do nhân duyên gì các ái hiện có, ái thân sau, vui thích cùng hành với ái, thảy đều vui thích ái đều gọi là khổ tập Thánh đế? Nghĩa là bốn thứ ái nầy đều là nhân căn bản, là con đường duyên khởi của khổ quá khứ hiện tại vị lai v.v…, nói rộng cho đến thân nầy hoại rồi do đấy làm nhân cho quả khổ sinh khởi, nên nói đều gọi là khổ tập Thánh đế.

Do nhân duyên gì nên hai ái, ba ái, lại có ba ái, bốn ái, năm ái, sáu ái, cùng hết thảy các pháp bất thiện, các pháp thiện hữu lậu, tất cả kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền đều gọi là khổ tập Thánh đế? Nghĩa là các pháp nầy đều là nhân căn bản, là con đường duyên khởi của khổ quá khứ hiện tại vị lai v.v…, nói rộng cho đến thân nầy hoại rồi do đấy làm nhân cho quả khổ sinh khởi, nên nói đều gọi là khổ tập Thánh đế.

Như nói ái v.v… đều là nhân của khổ, vì có thể làm căn bản, dẫn đến các khổ. Ái v.v… như thế gọi là Tập đế: Nghĩa là đây gọi là ái v.v… thì đúng thật là ái v.v… Đây gọi là tập thì đúng thật là tập. Nếu Phật xuất thế, hoặc không xuất thế, thì pháp tập như vậy vẫn là pháp trụ pháp giới. Tất cả Như Lai đều tự nhiên thông đạt, đẳng giác tuyên thuyết, nêu đặt kiến lập, phân biệt khai thị, khiến chúng hiển bày. Nghĩa là đây là ái v.v…, đây là tập, đây là tánh của ái v.v…, đây là tánh của tập, là chân là thật, là đế là như, không hư không vọng, không điên không đảo, không đổi không khác, nên gọi là Tập đế.

Gọi là Thánh đế: Tức như trước đã nói rộng nơi phần Khổ Thánh đế. Lại nữa, khổ tập Thánh đế là giả kiến lập theo danh tưởng, ngôn thuyết, nên nói là Khổ tập Thánh đế. Phật và các đệ tử nhiều hơn cát sông Hằng đều cùng thiết lập tên gọi như thế.

*

3. Thế nào là khổ diệt Thánh đế?

Đáp: Nghĩa là các ái, ái thân sau, vui thích cùng hành với ái, thảy đều vui thích ái đã được đoạn trừ vĩnh viễn, rốt ráo, dứt bỏ, loại trừ, lìa diệt hết nhiễm chấp, đạt tịch tĩnh hoàn toàn. Như thế là lược nói về khổ diệt Thánh đế. Nếu nói rộng tức hai ái, ba ái v.v… cho đến hết thảy kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền đều được đoạn dứt vĩnh viễn, rốt ráo, đạt tịch tĩnh hoàn toàn, đều gọi là khổ diệt Thánh đế.

Do nhân duyên gì tức các ái, ái thân sau, vui thích cùng hành với ái, thảy đều vui thích ái đã được đoạn trừ vĩnh viễn, rốt ráo v.v… cho đến đạt tịch tĩnh hoàn toàn đều gọi là khổ diệt Thánh đế? Nghĩa là bốn thứ ái nầy, nếu chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, chưa tiêu diệt, chưa loại trừ hết, thì quả khổ của hữu sau luôn nối tiếp sinh khởi. Còn nếu đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, đã tiêu diệt, đã loại trừ hết, thì quả khổ của hữu sau không còn sinh khởi, nên sự đoạn dứt vĩnh viễn nầy gọi là khổ diệt Thánh đế.

Do nhân duyên gì tức hai ái, ba ái v.v…, nói rộng cho đến hết thảy kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền đều được đoạn dứt vĩnh viễn, rốt ráo, đạt tịch tĩnh hoàn toàn đều gọi là khổ diệt Thánh đế? Nghĩa là các pháp nầy, nếu chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, chưa tiêu diệt, chưa loại trừ hết, thì quả khổ của hữu sau luôn nối tiếp sinh khởi. Còn như đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, đã tiêu diệt, đã loại trừ hết, thì quả khổ của hữu sau không còn sinh nữa, nên sự đoạn dứt vĩnh viễn nầy gọi là khổ diệt Thánh đế. Tức khổ diệt Thánh đế nầy cũng gọi là nhà cửa, cũng gọi là bến bãi, cũng gọi là cứu hộ, cũng gọi là quy y, cũng gọi là nên hướng tới, cũng gọi là vô ưu, cũng gọi là không bệnh, cũng gọi là bất tử, cũng gọi là không thiêu đốt, cũng gọi là không nhiệt não, cũng gọi là an ổn, cũng gọi là mát mẻ, cũng gọi là tịch tĩnh, cũng gọi là việc thiện, cũng gọi là an lành, cũng gọi là an lạc, cũng gọi là bất động, cũng gọi là Niết-bàn. Như nói Niết-bàn là khổ diệt chân thật, là quả vị cứu cánh của các Sa-môn.

Sự đoạn dứt như thế gọi là Diệt đế: Nghĩa là đây gọi là Niếtbàn thì đúng thật là Niết-bàn. Đây gọi là diệt thì đúng thật là diệt. Nếu Phật xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, thì pháp diệt như thế vẫn là pháp trụ pháp giới. Tất cả Như Lai đều tự nhiên thông đạt, đẳng giác tuyên thuyết, nêu đặt kiến lập, phân biệt khai thị, khiến chúng hiển bày. Nghĩa là đây là Niết-bàn, đây là diệt, đây là tánh Niết-bàn, đây là tánh của diệt, là chân là thật, là đế là như, không hư không vọng, không điên không đảo, không đổi không khác, nên gọi là Diệt đế.

Gọi là Thánh đế: Thánh tức là chư Phật và hàng đệ tử của Phật. Đây là đế của chư vị, nghĩa là chư vị đối với đế ấy đều thấy biết, hiểu rõ, chánh giác chúng là đế. Do nhân duyên ấy nên gọi là khổ diệt Thánh đế. Lại nữa, khổ diệt Thánh đế là giả kiến lập theo danh tưởng, ngôn thuyết, nên nói là Khổ diệt Thánh đế. Phật và các đệ tử nhiều hơn cát sông Hằng đều cùng thiết lập tên gọi như thế.

*

4. Thế nào là hướng khổ diệt đạo Thánh đế?

Đáp: Nghĩa là hoặc đạo, hoặc Thánh hành nơi quá khứ hiện tại vị lai đối với khổ đều có thể đoạn dứt vĩnh viễn, có thể trừ bỏ, có thể biến đổi, diệt hết, có thể lìa cấu nhiễm, có thể đạt tịch tĩnh hoàn toàn. Đây lại là thế nào? Tức là tám chi Thánh đạo, gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần, chánh niệm, chánh định.

Thế nào là Chánh kiến? Nghĩa là đệ tử Phật đối với khổ tập diệt đạo đều tư duy về khổ tập diệt đạo, luôn tác ý vô lậu tương ưng, đối với các pháp hiện có đều lựa chọn, lựa chọn kỹ lưỡng, lựa chọn tận cùng, nhân đấy đã hiểu rõ, cùng hiểu rõ, hiểu gần, thông đạt sáng tỏ thẩm xét tường tận, tuệ giác soi rõ hành Tỳ-bát-xá-na. Đó gọi là Chánh kiến.

Thế nào là Chánh tư duy? Nghĩa là đệ tử Phật đối với khổ tập diệt đạo đều tư duy về khổ tập diệt đạo, luôn tác ý vô lậu tương ưng, đối với các tư duy hiện có, cùng tư duy, tư duy gần, tầm cầu, cùng tầm cầu, tầm cầu gần, xét tìm, cùng xét tìm, xét tìm gần, khiến tâm đối với các pháp thô động mà chuyển đổi. Đó gọi là Chánh tư duy.

Thế nào là Chánh ngữ? Nghĩa là đệ tử Phật đối với khổ tập diệt đạo đều tư duy về khổ tập diệt đạo, luôn tác ý vô lậu tương ưng, đối với lực xét chọn, nên trừ bỏ bốn hành ác nơi ngữ của tà mạng. Nơi các hành ác khác của ngữ để được vô lậu đều biết xa lìa, xa lìa vượt bậc, xa lìa gần, xa lìa tận cùng, đạt luật nghi tịch tĩnh, không làm, không tạo, từ bỏ phòng hộ, đối với các quy ước ngăn cấm về thuyền bè, cầu đường đều không vượt quá, tánh không vượt quá khuôn phép. Đó gọi là Chánh ngữ.

Thế nào là Chánh nghiệp? Nghĩa là đệ tử Phật đối với khổ tập diệt đạo đều tư duy về khổ tập diệt đạo, luôn tác ý vô lậu tương ưng, đối với lực xét chọn, nên trừ bỏ ba hành ác nơi thân của tà mạng. Nơi các hành ác khác của thân để được vô lậu đều biết xa lìa v.v… cho đến thân nghiệp không hiểu hiện. Đó gọi là Chánh nghiệp.

Thế nào là Chánh mạng? Nghĩa là đệ tử Phật đối với khổ tập diệt đạo đều tư duy về khổ tập diệt đạo, luôn tác ý vô lậu tương ưng, đối với lực xét chọn, nên trừ bỏ các hành ác nơi thân ngữ hướng đến tà mạng. Nơi các hành ác khác của thân ngữ để được vô lậu đều biết xa lìa v.v… cho đến thân nghiệp, ngữ nghiệp không hiểu hiện. Đó gọi là Chánh mạng.

Thế nào là Chánh cần (Chánh tinh tấn)? Nghĩa là đệ tử Phật đối với khổ tập diệt đạo đều tư duy về khổ tập diệt đạo, luôn tác ý vô lậu tương ưng, đối với sức siêng năng tinh tấn hiện có, thế dụng mạnh mẽ, hăng hái tột bậc, rất khó ngăn cản, tâm ý luôn cố gắng không dừng. Đó gọi là Chánh cần.

Thế nào là Chánh niệm? Nghĩa là đệ tử Phật đối với khổ tập diệt đạo đều tư duy về khổ tập diệt đạo, luôn tác ý vô lậu tương ưng, đối với niệm hiện có, tùy niệm, chuyên niệm, ức niệm, không quên không mất, không thiếu không sót, tánh không mất pháp, tánh ghi tâm sáng. Đó gọi là Chánh niệm.

Thế nào là Chánh định? Nghĩa là đệ tử Phật đối với khổ tập diệt đạo đều tư duy về khổ tập diệt đạo, luôn tác ý vô lậu tương ưng, đối với tâm trụ hiện có, cùng trụ, trụ gần, an trụ, không tán, không loạn, thâu giữ đẳng trì, tánh tâm một cảnh. Đó gọi là Chánh định.

Như thế là đã nói về tám chi Thánh đạo cùng với các hành vô lậu khác v.v… gọi là đạo hướng đến diệt khổ.

Như nói Thánh hành là đạo chân thật, rốt ráo lìa khổ, hướng đến Niết-bàn. Thánh hành như thế gọi là Đạo đế: Nghĩa là đây gọi là Thánh hành thì đúng thật là Thánh hành. Đây gọi là đạo thì đúng thật là đạo. Nếu Phật xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, thì pháp đạo như thế vẫn là pháp trụ pháp giới. Tất cả Như Lai đều tự nhiên thông đạt, đẳng giác tuyên thuyết, nêu đặt kiến lập, phân biệt khai thị, khiến chúng hiển bày. Nghĩa là đây là Thánh hành, đây là đạo, đây là tánh của Thánh hành, đây là tánh của đạo, là chân là thật, là đế là như, không hư không vọng, không điên không đảo, không đổi không khác, nên gọi là Đạo đế.

Gọi là Thánh đế: Thánh tức là chư Phật và hàng đệ tử của Phật. Đây là đế của chư vị, nghĩa là chư vị đối với đế ấy đều thấy biết, hiểu rõ, chánh giác chúng là đế. Do nhân duyên ấy nên gọi là Hướng khổ diệt đạo Thánh đế. Lại nữa, hướng khổ diệt đạo Thánh đế là giả kiến lập theo danh tưởng, ngôn thuyết, nói là Thánh đế. Phật và các đệ tử nhiều hơn cát sông Hằng đều cùng thiết lập tên gọi như thế.

***

Phẩm 11: TĨNH LỰ, phần 1

Một thời, Đức Bạc-già-phạm trú nơi khu vườn rừng Thệ Đa – Cấp Cô Độc, thuộc thành Thất-la-phiệt.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Có 4 Thiên đạo, khiến các hữu tình, người chưa tịnh thì được tịnh, người đã tịnh sẽ được tươi trắng. Những gì là bốn?

1. Có một loại hữu tình hành thiền đã lìa các pháp dục ác bất thiện, có tầm có tứ, ly sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ nhất. Đó gọi là Thiên đạo thứ nhất.

2. Lại có một loại hữu tình hành thiền tầm tứ cùng tịch tĩnh, các thứ bên trong cùng tịnh, tánh tâm một cõi, không tầm không tứ, định sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ hai. Đó gọi là Thiên đạo thứ hai.

3. Lại có một loại hữu tình hành thiền lìa hỷ, trụ nơi xả, chánh niệm, chánh tri, thân thọ nhận lạc, Thánh nói nên xả, trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ ba. Đó gọi là Thiên đạo thứ ba.

4. Lại có một loại hữu tình hành thiền đoạn dứt lạc khổ, các hỷ, ưu trước đây đều mất hết, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ tư. Đó gọi là Thiên đạo thứ tư.

4 Thiên đạo như thế đều khiến các hữu tình chưa tịnh được tịnh, đã tịnh rồi thì tươi trắng.

*

1. Tĩnh lự thứ nhất:

Lìa các pháp dục ác bất thiện:

Thế nào là dục? Tức là tham cũng gọi là dục. Cõi Dục cũng gọi là dục. Năm cảnh dục hơn hết cũng gọi là dục. Nay trong nghĩa nầy ý nói năm cảnh dục hơn hết gọi là dục. Vì sao? Vì năm thứ dục hơn hết đó là rất đáng yêu mến, say đắm, mong muốn, ưa thích, tham cầu, trông đợi, càng khiến sầu muộn, hệ thuộc, trói buộc, ở đây gọi là dục. Nhưng năm thứ dục lạc hơn hết nầy, không phải là Thể thật của dục, Thể thật của dục là dục duyên nơi tham, như Đức Thế Tôn nói kệ:

Cảnh diệu thế gian không dục thật

Dục thật là người phân biệt tham

Cảnh diệu như gốc trụ thế gian

Người trí ở đấy đã trừ dục.

Tụng nầy ý nói: Các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc diệu đáng yêu thích ấy không phải là Thể thật của dục. Thể thật của dục là duyên nơi dục, sinh phân biệt tham chấp. Cảnh dục như gốc, người trí ở trong đó gọi là lìa dục.

Như có lúc, Tôn giả Xá-lợi-tử đang giảng nói tụng như thế cho mọi người. Khi đó, có một ngoại đạo tà mạng ở gần đó dùng tụng để vấn nạn Tôn giả Xá-lợi-tử:

Cảnh diệu đời, nếu không dục thật

Dục thật là người phân biệt tham

Bí-sô nên gọi người thọ dục

Khởi phân biệt ác và suy tìm.

Lúc nầy, Tôn giả Xá-lợi-tử đáp lời ngoại đạo kia: Khởi tầm tư ác thật sự gọi là thọ dục. Nhưng các Bí-sô đối với cảnh diệu nơi thế gian đều không hề khởi tầm tư bất thiện để phân biệt. Vậy ông không nên nêu vấn nạn như thế. Rồi Tôn giả dùng tụng trả lời ngoại đạo:

Nếu cảnh diệu đời là dục thật

Nói dục không người phân biệt tham

Thầy ông nên gọi người thọ dục

Luôn nhìn sắc diệu hợp tâm ý.

Bấy giờ, ngoại đạo kia im lặng, không thể đáp lại. Vì thầy của ông ta thật sự ưa nhìn các sắc đáng yêu thích. Do đó nên biết dục là do tham chứ không phải do cảnh.

Ngay khi ấy, một cô gái gánh nước đi ngang qua, nghe kệ ấy, liền nói tụng:

Dục ta biết gốc mày

Mày từ phân biệt sinh

Nếu lại không phân biệt

Mày lại từ đâu khởi?

Lại có một người thuộc dòng Át-trá-la, nghe bài kệ ấy, cũng nói tụng:

Mâu-ni an ổn ngủ

Gặp ác không sầu não

Tâm lạc nơi tĩnh lự

Không vui nơi các dục.

Tụng nầy ý nói: Các cảnh diệu đáng yêu mến kia đều không phải là dục thật. Đối với cảnh diệu ấy dấy khởi phân biệt tham ái mới là dục thật. Thế nên trong đây nên nêu ra bốn trường hợp: a. Có một loại Bổ-đặc-già-la đối với các cảnh dục, thân lìa, tâm chưa lìa: Nghĩa là có một người đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục cà sa, chánh tín xuất gia, thân tham dự cùng hành tác với các pháp lữ, nhưng tâm vẫn luyến tiếc về các dục đã thọ nhận, luôn phát khởi tham ái mãnh liệt, nên người ấy thân xuất gia, nhưng tâm thì chưa xuất. Đó gọi là đối với dục, thân lìa, tâm chưa lìa. b. Có một loại Bổ-đặc-già-la đối với các cảnh dục, tâm lìa, thân chưa lìa: Nghĩa là có một người sống với gia đình vợ con thọ dụng các thứ ruộng vườn, nhà cửa, ngọa cụ, các loại hương, chuỗi ngọc, y phục, thức ăn uống đều thượng diệu, cất chứa nhiều thứ vàng bạc, châu báu, sai khiến đám tôi tớ, hoặc có lúc phát khởi sự việc đánh mắng v.v…, nhưng đối với các dục thì không sinh đắm nhiễm, không dấy khởi tham ái mãnh liệt, nên người ấy thân tại gia, nhưng tâm đã xuất. Đó gọi là đối với dục, tâm lìa, thân chưa lìa. c. Có một loại Bổ-đặc-già-la đối với các cảnh dục, thân tâm đều lìa: Nghĩa là có một người đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục cà sa, chánh tín xuất gia, thân thường tham dự hành đạo cùng các pháp lữ, đối với các cảnh dục tâm không hề luyến tiếc, không phát khởi duyên nơi tham ái, mỗi khi mất chánh niệm vừa khởi thì hết sức hối hận xấu hổ, nên người ấy thân đã xuất gia, tâm cũng đã xuất. Đó gọi là đối với dục, thân tâm đều lìa. d. Có một loại Bổ-đặc-già-la đối với các cảnh dục, thân tâm đều không lìa: Nghĩa là có một người sống nơi gia đình vợ con thọ dụng các thứ ruộng vườn, nhà cửa, giường nằm, các thứ hương, chuỗi ngọc, y phục, thức ăn uống đều thượng diệu, cất chứa vô số vàng bạc, châu báu, sai khiến đám tôi tớ, nhiều lúc khởi các việc đánh mắng, nhưng đối với các dục thì rất tham đắm, luôn phát khởi tham ái mãnh liệt, nên người ấy hai thứ thân tâm đều không xuất gia. Đó gọi là đối với dục thân tâm đều không lìa.

Thế nào là lìa dục? Nghĩa là đối với các dục thì xa lìa, xa lìa cùng cực, hoàn toàn không đạt tới, nên gọi là lìa dục.

Thế nào là các pháp ác bất thiện? Đó là năm thứ cái (phiền não có tánh che lấp tâm): Tham dục, giận dữ, hôn trầm thùy miên, trạo cử ố tác, nghi.

Thế nào là cái tham dục? Nghĩa là đối với các dục, khởi các tham cùng tham v.v…, nói rộng cho đến là chủng loại tham, sinh ra các tham, gọi chung là tham. Tham dục như thế đã che phủ tâm, ngăn trở tâm, trói buộc tâm, ẩn giấu tâm, vây bọc trùm lấp tâm, nên gọi là cái. Cái tức là tham dục, nên gọi là cái tham dục.

Thế nào là cái giận dữ? Nghĩa là đối với hữu tình muốn gây tổn hại v.v…, nói rộng cho đến hiện gây ra các lỗi lầm tai họa, gọi chung là giận dữ. Giận dữ như thế đã che phủ tâm v.v… cho đến vây bọc trùm lấp tâm, nên gọi là cái. Cái tức là giận dữ, nên gọi là cái giận dữ.

Thế nào là cái hôn trầm – thùy miên? Nghĩa là tánh nặng nề của thân tâm, tánh của thân tâm không kham nổi sự việc, tánh hôn trầm của thân tâm lờ mờ, mê muội, gọi chung là hôn trầm. Phẩm tâm bị cấu nhiễm hiện có ngủ nghỉ, mộng mị, không thể nhận giữ công việc, tánh của tâm tối tăm sơ suất, gọi chung là ham ngủ nghỉ (thùy miên). Các thứ hôn trầm – thùy miên đã nói như thế luôn che phủ tâm v.v… cho đến vây bọc trùm lấp tâm, nên gọi là cái. Cái tức là hôn trầm – thùy miên, nên gọi là cái hôn trầm thùy miên.

Thế nào là cái trạo cử – ố tác? Nghĩa là tâm không tịch tĩnh luôn trạo cử, cùng trạo cử, tánh của tâm trạo cử, gọi chung là trạo cử. Phẩm tâm bị cấu nhiễm hiện có tâm biến đổi, tâm áo não, tâm hối hận, ghét việc đã làm, tánh hối hận, gọi chung là ố tác. Các thứ trạo cử – ố tác đã nói như thế luôn che phủ tâm v.v… cho đến vây bọc trùm lấp tâm, nên gọi là cái. Cái tức là trạo cử – ố tác, nên gọi là cái trạo cử – ố tác.

Thế nào là cái nghi? Nghĩa là đối với Phật Pháp Tăng cùng bốn đế khổ tập diệt đạo sinh khởi nghi hoặc, hai phần hai ngả, do dự, bị tên độc của nghi nên không quyết định, không rốt ráo, không xét đoán. Không phải đã một hướng, không phải sẽ một hướng, không phải hiện một hướng, gọi chung là nghi. Tánh nghi như thế luôn che phủ tâm v.v… cho đến vây bọc trùm lấp tâm, nên gọi là cái. Cái tức là nghi, nên gọi là cái nghi.

Thế nào là lìa các pháp ác bất thiện? Nghĩa là đối với các pháp ác bất thiện như thế đều xa lìa, xa lìa cùng cực, hoàn toàn không còn, nên gọi là lìa các pháp ác bất thiện.

Có tầm có tứ:

Thế nào là tầm? Nghĩa là người lìa dục và các pháp ác bất thiện, tâm tìm cầu, tìm cầu khắp, tìm cầu gần, tâm hiển bày, hết sức hiển bày, hiện tiền hiển bày, suy lường, hoạch định, tư duy phân biệt, gọi chung là tầm.

Thế nào là tứ? Nghĩa là người lìa dục và các pháp ác bất thiện, tâm luôn dò xét, dò xét khắp, dò xét gần, tùy hành, tùy chuyển, tùy loại, tùy thuộc, gọi chung là tứ.

Tầm và tứ sai biệt: Tánh khiến tâm thô là tầm, tánh khiến tâm tế là tứ. Đây lại là thế nào? Như khi đánh chuông, tiếng kêu lớn vừa phát lên, tiếng kêu nhỏ tùy chuyển. Tiếng kêu lớn dụ cho tầm, tiếng vang nhỏ dụ cho tứ. Các sự việc như rung chuông gõ bát, thổi tù và đánh trống, phóng tên, sấm động có hai thứ tiếng lớn nhỏ để dụ cũng như thế. Lại như bầy chim bay lượn trên không vỗ cánh vươn thân mới bay theo ý được. Vỗ cánh dụ cho tầm, còn vươn thân dụ cho tứ. Đó gọi là hai tướng sai biệt của tầm và tứ.

Thế nào là có tầm có tứ? Nghĩa là người lìa dục và các pháp ác bất thiện, tâm tương ưng với phẩm có đủ tầm tứ.

Ly sinh hỷ lạc:

Thế nào là ly (lìa)? Nghĩa là lìa dục cũng gọi là lìa. Lìa pháp ác bất thiện cũng gọi là lìa. Xuất gia cũng gọi là lìa. Căn thiện nơi cõi Sắc cũng gọi là lìa. Bậc tĩnh lự thứ nhất cũng gọi là lìa. Nay trong nghĩa nầy ý nói tĩnh lự thứ nhất gọi là lìa.

Thế nào là hỷ (mừng)? Nghĩa là người lìa dục và pháp ác bất thiện, tâm vui, rất vui, hiện tiền rất vui, tánh vui, loại vui, vừa ý hợp ý, tánh hỷ, loại hỷ, thích hòa hợp, không biệt ly, hân hoan, tánh có thể đảm nhận công việc, phấn khích, tánh phấn khích, hoan hỷ, tánh hoan hỷ, gọi chung là hỷ.

Thế nào là lạc (vui)? Nghĩa là người lìa dục và pháp ác bất thiện đã đoạn dứt tánh nặng nề của thân tâm, đoạn dứt tánh của thân tâm không thể đảm nhận công việc, đạt được tánh của thân tâm linh hoạt, mềm dịu, đảm nhận sự việc, lìa mọi ngăn che, khinh an, không nóng bức, được thuận hợp, gọi chung là lạc.

Thế nào là ly sinh hỷ lạc? Nghĩa là các thứ hỷ lạc ở trước nhân nơi lìa (lìa dục v.v…) dựa nương vào lìa, đã kiến lập lìa, do sức mạnh của lìa nên dấy khởi, cùng khởi, phát sinh, cùng sinh, hướng nhập, xuất hiện, nên gọi đó là ly sinh hỷ lạc.

Trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ nhất:

Thứ nhất: Nghĩa là tĩnh lự nầy theo thứ tự là đứng đầu. Lại nữa, tĩnh lự nầy trong chín loại định thứ đệ thì nó ở hàng thứ nhất.

Tĩnh lự: Nghĩa là ở trong định nầy, có tầm, tứ, hỷ, lạc, tánh tâm một cảnh, gồm chung năm chi ấy gọi là bậc tĩnh lự thứ nhất. Như có tụng nói:

Tâm hành theo tham dục

Hoặc lại theo giận dữ

Mà tu tập tĩnh lự

Chư Phật không khen ngợi.

Cái hôn – thùy buộc tâm

Không biết tu tĩnh lự

Thân tướng tuy an tĩnh

Chư Phật không khen ngợi.

Cái trạo – hối buộc tâm

Các căn không tịch tĩnh

Tuy siêng tu tĩnh lự

Chư Phật không khen ngợi.

Trong Tam bảo, bốn đế

Tâm lại luôn do dự

Tuy siêng tu tĩnh lự

Chư Phật không khen ngợi.

Xa lìa dục và ác

Tầm tứ đều như lý

Thân nhu hòa an tĩnh

Nhận ly sinh hỷ lạc.

Thân như vừa tắm gội

Khắp mình đều láng sạch

Không mạnh cũng không yếu

Nước ái không làm chìm.

Năm chi như Tầm Tứ

Hiền Thánh Tiên đã chứng

Gọi chung: Tĩnh lự một

Chư Phật đều khen ngợi.

Ở trong định nầy, các tâm ý thức gọi là tĩnh lự thứ nhất cùng có tâm. Các thứ tư duy, cùng tư duy, hiện tiền tư duy, đã đang và sẽ tư duy, tâm tạo ý nghiệp, gọi là tĩnh lự thứ nhất cùng có ý nghiệp. Các tâm thắng giải, đã thắng giải, sẽ thắng giải, gọi là tĩnh lự thứ nhất cùng có thắng giải.

Ở trong định nầy, có các pháp hoặc thọ, hoặc tưởng, hoặc dục, hoặc tác ý, hoặc niệm, hoặc định, hoặc tuệ, gọi là tĩnh lự thứ nhất cùng có các pháp. Các pháp như thế cũng được gọi là tĩnh lự thứ nhất.

Tên gọi của tĩnh lự thứ nhất nầy là dựa vào nghĩa nào để lập? Nghĩa là có thể làm vắng lặng tất cả các pháp ác bất thiện và tạp nhiễm khác nơi các pháp hữu lậu như sinh già chết của dị thục khổ sẽ thiêu đốt thân đời sau, nên gọi là tĩnh lự.

Lại nữa, khi tất cả các pháp ác bất thiện cùng những tạp nhiễm khác nơi các pháp hữu lậu như sinh già chết của dị thục khổ sẽ thiêu đốt thân đời sau đã được vắng lặng rồi, thì tĩnh lự nầy sinh khởi cùng sinh khởi, hướng nhập xuất hiện, nên gọi là tĩnh lự

Lại nữa, khi các pháp ác bất thiện cùng những tạp nhiễm khác nơi các pháp hữu lậu như sinh già chết của dị thục khổ sẽ thiêu đốt thân đời sau đã được vắng lặng rồi, thì tĩnh lự nầy sáng đầy khắp chiếu, nên gọi là tĩnh lự.

Đầy đủ: Nghĩa là tĩnh lự nầy đã dựa vào các pháp thiện tạo nên do hạnh xuất gia và xa lìa, siêng năng tinh tấn tu tập không gián đoạn mới được viên mãn, nên gọi là đầy đủ.

Trụ: Nghĩa là thành tựu tĩnh lự nầy thì hiện hành, tùy hành, hành khắp, tùy hành khắp, chuyển động hiểu rõ về hành, nên gọi là trụ.

HẾT – QUYỂN 6