LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 95

Chương 3: TRÍ UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ HỌC CHI, phần 3

* Thế nào là kiến v.v…? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận các tông chỉ khác cùng hiển bày các lý đúng đắn. Tức như có kẻ cho: Các pháp hữu vi đều là tánh của kiến. Vì sao? Vì chúng có hành tướng mạnh, nhanh, nên nói là kiến. Các pháp hữu vi đều có hành tướng và tác dụng mạnh, nhanh, nên chúng đều là tánh của kiến. Vì nhằm ngăn chận ý tưởng trên và nêu rõ: Chỉ có nhãn căn và tuệ quyết đoán suy lường mới là kiến không phải các thứ khác.

Hoặc lại có thuyết nói: Nhẫn hiện quán biên cũng là tánh của trí, như phái Thí Dụ chủ trương. Họ nói như thế này: Đầu tiên, trí vô lậu và mắt khi chạm phải nơi cảnh gọi là nhẫn, sau đó an trụ nơi cảnh gọi là trí. Như người đang đi đường gặp chỗ bằng phẳng sạch đẹp, trước hết có ý nghĩ dừng nghỉ, sau đó mới an trụ.

Đại đức cũng nói: Trí thấp gọi là nhẫn, trí cao gọi là trí.

Nhằm ngăn chận các ý tưởng đó và nêu bày: Nhẫn vô lậu là kiến không phải là trí.

Có thuyết khác lại cho: Tận trí và vô sinh trí cũng là tánh của kiến. Để ngăn chận ý này và làm sáng tỏ: Khi dừng nghỉ sự tìm cầu không còn lường tính đó là trí không phải là kiến.

Lại nữa, trong chương Trí Uẩn này cần phân biệt đầy đủ ba tự tánh của kiến, trí, tuệ có sai biệt, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là kiến?

Đáp: Đó là năm thứ kiến của nhãn căn, chánh kiến của thế tục, kiến học và vô học v.v…

Hỏi: Vì sao gọi nhãn căn là kiến?

Đáp: Do bốn sự việc sau:

  1. Do các Hiền Thánh giảng nói.
  2. Do thế tục nói.
  3. Do Khế kinh nói.
  4. Do hiện thấy ở đời.

Do Hiền Thánh và thế tục nói: Nghĩa là các bậc Hiền Thánh cùng các người thế tục đều nói: Mắt tôi thấy người ấy qua lại, tới lui, đi đứng, nằm ngồi v.v… Hoặc khi thấy có người nghiêng ngã, mê mờ, nhầm lẫn đều cho: Chính mắt ông thấy vì sao nó như thế?

Do Khế kinh nói: Nghĩa là Khế kinh nói: Khi mắt thấy sắc không nên giữ lấy hình tướng và chấp giữ cái đẹp kèm theo của nó. Lại có thuyết cho: Khi mắt thấy sắc nên quán bất tịnh và tư duy như lý. Hoặc nói: Khi mắt thấy sắc, nếu đẹp thì không nên yêu thích, nếu xấu thì đừng nên ghét bỏ. Hoặc lại nói: Khi mắt thấy sắc nên khởi ba ý cận hành là mừng, lo và xả. Lại có nơi cho: Khi mắt thấy sắc không nên vui hoặc lo, chỉ nên trụ vào xả, chánh niệm và chánh tri.

Do hiện thấy ở đời: Nghĩa là điều thấy ở đời, đối với người mắt sáng sạch, các điều thấy được không sai lầm. Nếu người mắt không sáng sạch thì chỗ thấy sẽ lầm lẫn. Lại, do hiện thấy ở đời, người có nhãn căn thì có thể thấy được các sắc, các vật, còn người không có nhãn căn thì không thể thấy được các sắc, các vật. Lại, do hiện thấy ở đời, vật nào đối trước mắt thì thấy được, vật nào không đối trước mắt thì không thể thấy được. Lại, do hiện thấy ở đời, phần nhiều không nhìn thấy được các vật bị ngăn che, phủ lấp, vì đó là mắt bị ngăn che.

Tôn giả Thế Hữu nói: Vì sao nhãn căn được gọi là kiến? Nghĩa là do hiện thấy ở đời, người có mắt sạch cho: Tôi thấy sạch. Còn kẻ có mắt không sạch nói: Tôi thấy không sạch.

Đại đức nói: Vì sao nhãn căn được gọi là kiến? Nghĩa là Khế kinh nói: Đối tượng đạt được của nhãn căn, chỗ thấu tỏ của nhãn thức gọi là đối tượng của kiến. Ở thế tục cũng như vậy. Thế nên nhãn căn được gọi là kiến.

Năm kiến: Tức là hữu thân kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.

Hỏi: Vì sao năm thứ này được gọi là kiến?

Đáp: Do bốn sự việc sau:

1. Là do xem thấy: Nghĩa là chủ thể nhìn xem thấy biết về các đối tượng ứng hợp để giữ lấy cảnh.

Hỏi: Năm thứ nhìn thấy hẹp hòi điên đảo sai lầm này vì sao gọi là kiến?

Đáp: Tuy năm thứ nhìn thấy đó là hẹp hòi, điên đảo, sai lầm, nhưng là tánh của tuệ, nên gọi là kiến. Như nhãn căn của người tuy thấy không rõ ràng nhưng là có thể nhìn thấy, nên gọi là kiến.

2. Là do quyết độ: Nghĩa là có thể quyết đoán lường xét chỗ ứng hợp để giữ lấy cảnh.

Hỏi: Chỉ trong một sát-na làm sao quyết đoán lường xét?

Đáp: Do tánh nhanh mạnh nên lập ra tên quyết độ.

3. Là do chấp chặt: Nghĩa là đối với cảnh của mình thì chấp giữ chặt, bền. Nếu không phải là kiếm bén của Thánh đạo thì không thể khiến dứt bỏ. Đức Phật và các đệ tử dùng kiếm bén Thánh đạo chặt đứt các nanh vuốt của thứ kiến ấy, sau đó mới bỏ. Như có một loài thú sống ở biển tên là Thất-thủ-ma-la, khi ngậm cắn vật gì thì ngậm mãi không buông, phải dùng kiếm bén chặt đứt các răng thì nó mới nhả ra. Năm thứ kiến kia cũng như thế.

4. Là do vào sâu: Nghĩa là nơi đối tượng duyên là mũi nhọn, bén luồng vào sâu như cây kim găm vào bùn.

Lại nữa, do hai sự việc nên năm thứ đó gọi là kiến: 1. Do ngắm nhìn soi chiếu. 2. Do suy tìm.

Lại nữa, do ba sự việc nên năm thứ đó gọi là kiến: 1. Do tương ưng với tướng thấy. 2. Do có thể tạo thành sự thấy. 3. Do đối với duyên không bị trở ngại.

Lại nữa, do ba sự việc nên năm thứ đó gọi là kiến: 1. Do ý lạc. 2. Do chấp trước. 3. Do tìm cầu.

Lại nữa, do ba sự việc nên năm thứ đó gọi là kiến: 1. Do ý lạc. 2. Do gia hạnh. 3. Do không biết. Do ý lạc: Nghĩa là do được định nên thấy. Do gia hạnh: Nghĩa là do suy tư tìm tòi nên thấy. Do không biết: Nghĩa là do nghe nói đồn đại nên thấy. Lại nữa, do ý lạc: Nghĩa là ý vui thích hoại rồi mới thấy. Do gia hạnh: Nghĩa là gia hạnh hoại rồi mới thấy. Do không biết: Nghĩa là đều cùng hoại mới thấy.

Do đó, năm thứ ấy gọi là kiến.

Chánh kiến của thế tục: Tức là ý thức thiện tương ưng với tuệ, đó là tánh của kiến, nên gọi là kiến.

Kiến học: Tức là tuệ vô lậu của học.

Kiến vô học: Tức là chánh kiến vô học. Hai thứ này cũng đều là tánh của kiến, nên gọi là kiến.

Nên biết ở đây năm kiến đối với cảnh giống như nhìn thấy cảnh vật vào đêm tối mây phủ dày đặc. Còn chánh kiến của thế tục đối với cảnh như nhìn thấy cảnh vật vào đêm tạnh ráo. Kiến học đối với cảnh như nhìn thấy mọi vật vào ban ngày mây phủ dày đặc. Còn kiến vô học đối với cảnh như nhìn thấy mọi vật vào lúc ban ngày nắng ráo.

Hỏi: Thế nào là trí?

Đáp: Đó là năm thức tương ưng với tuệ, trừ nhẫn vô lậu, còn lại là ý thức khác tương ưng với tuệ.

Ở đây, năm thức tương ưng với tuệ: Có ba thứ là thiện, nhiễm ô, vô phú vô ký.

Về thiện: Nghĩa là thiện sinh đắc.

Về nhiễm ô: Nghĩa là do tu đạo đoạn trừ các thứ tương ưng của tham, sân, si.

Về vô phú vô ký: Nghĩa là dị thục sinh, cũng có phần ít về đường oai nghi, xứ công xảo và chung nơi quả tâm cùng sinh.

Ý thức khác tương ưng với tuệ: Cũng có ba thứ thiện, nhiễm ô, vô phú vô ký.

Về thiện: Có hai thứ: 1. Thiện hữu lậu. 2. Thiện vô lậu.

Thiện hữu lậu lại có ba thứ: a. Do gia hạnh được. b. Do lìa nhiễm được. c. Do sinh được.

Do gia hạnh được: Tức là tuệ do văn tạo thành, tuệ do tư tạo thành, tuệ do tu tạo thành.

Tuệ do văn tạo thành: Là đối với văn, nghĩa quyết đoán chọn lựa như lý.

Tuệ do tư tạo thành: Là quán bất tịnh, trì tức niệm (Quán sổ tức), và các niệm trụ v.v…

Tuệ do tu tạo thành: Là noãn, đảnh, nhẫn và pháp thế đệ nhất, thế tục trí hiện quán biên, các thứ vô lượng, giải thoát, thắng xứ, biến xứ v.v…

Do lìa nhiễm được: Tức là các tĩnh lự, vô lượng, vô sắc (Các định vô sắc), giải thoát, thắng xứ, biến xứ v.v…

Do sinh được: Tức là do sinh vào địa ấy, pháp như thế nên được.

Thiện vô lậu có hai thứ: a. Học. b. Vô học.

Thiện vô lậu học: Tức là tám trí học.

Thiện vô lậu vô học: Tức là tận trí và vô sinh trí, trí chánh kiến vô học.

Về nhiễm ô: Tức là do kiến đạo và tu đạo đoạn trừ các thứ tương ưng của phiền não và tùy phiền não.

Về vô phú vô ký: Tức là dị thục sinh, đường oai nghi, xứ công xảo, chung nơi quả tâm cùng sinh.

Hỏi: Thế nào là tuệ?

Đáp: Đó là sáu thức cùng tương ưng với tuệ.

Ở đây có ba thứ là thiện, nhiễm ô và vô phú vô ký, đã nói rộng ở trước. Nhưng có sai khác: Là tám nhẫn vô lậu cũng thuộc về tuệ vì chung nơi trạch pháp, nên tất cả tâm cùng đều được có tuệ.

Đã nói về tự tánh của ba thứ kiến, trí và tuệ. Lại nên phân biệt về các tướng xen tạp và không xen tạp của ba thứ ấy.

Hỏi: Các thứ kiến có phải là trí chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp. Do tự tánh của kiến và trí cùng có rộng hẹp, nên có bốn trường hợp như sau:

1. Có khi là kiến không phải trí: Nghĩa là nhãn căn và nhẫn vô lậu.

Vì sao nhãn căn không gọi là trí? Đáp: Vì nhãn căn là sắc, trí không phải là sắc. Lại nữa, nhãn căn không tương ưng, không chỗ nương dựa, không đối tượng duyên, không có hành tướng, không có tỉnh biết. Còn trí thì không phải như thế.

Vì sao nhẫn vô lậu không phải là trí? Đáp: Do nhẫn vô lậu đối với đế là đối tượng quán xét, tuy có nhẫn nhưng chưa quyết đoán, tuy có quán nhưng chưa xét kỹ, tuy có tìm cầu (tầm) nhưng chưa đạt được rốt ráo, tuy có xét suy (tứ) nhưng chưa nhận biết rõ, tuy có hiện quán nhưng chưa thẩm định, chỉ tạo công dụng khiến các gia hạnh không ngưng nghỉ, nên không gọi là trí.

Lại nữa, trí có nghĩa quyết định, còn nhẫn cùng với chỗ đoạn trừ nghi cùng sinh ra, nhưng nơi cảnh của đối tượng nhận thức thì chưa quyết định dứt khoát, nên không gọi là trí.

Tôn giả Thế Hữu nói: Nhẫn đối với Thánh đế tuy chính thức đủ sức lãnh hội nhưng chưa suy xét kỹ lưỡng để nhận biết, nên không gọi là trí.

Đại đức nêu: Khi thấy sự việc rốt ráo mới đặt tên là trí, không phải là khi bắt đầu nhẫn là thấy rõ sự việc rốt ráo. Cho nên nhẫn vô lậu tuy không gọi là trí nhưng thật sự là trí.

Tôn giả Vụ cho: Quán xét nhiều lần gọi là trí. Vì từ vô thỉ đến nay, đối với bốn Thánh đế chưa có một niệm nơi Thánh tuệ để từng quán xét. Do nhẫn khởi mới bắt đầu quán xét nên chưa gọi là trí. Năm thức cùng với tuệ tuy ở nơi đối tượng duyên không thể quán xét nhiều lần, nhưng nơi cảnh như sắc v.v… từ vô thỉ đến nay đã khởi vô số tuệ hữu lậu để nhìn xét, nên dựa vào chủng loại mà nói thì đó cũng là quán xét nhiều lần, vì thế cũng gọi là trí. Các trí hữu lậu khác không duyên hợp nhiều lần, căn cứ theo đây mà biết, không nên vấn nạn.

2. Có khi là trí không phải là kiến: Nghĩa là năm thức thân tương ưng với tuệ, tương ưng với tận trí và vô sinh trí, trừ năm kiến và chánh kiến thế tục, còn lại là các ý thức khác tương ưng với tuệ hữu lậu.

Vì sao năm thức thân tương ưng với tuệ không phải là kiến? Đáp: Nhận thức có hành tướng nhanh mạnh, có thể vào sâu nơi đối tượng duyên, nên gọi là kiến. Còn năm thức thân tương ưng với tuệ, hành tướng không nhanh mạnh, không thể vào sâu nơi đối tượng duyên, nên không gọi là kiến.

Lại nữa, kiến có thể phân biệt, còn tuệ kia không thể phân biệt. Kiến có thể duyên nơi tự tướng và cộng tướng, còn tuệ kia chỉ có thể duyên nơi tự tướng. Kiến có khả năng duyên cả ba đời và vô vi, còn tuệ kia chỉ duyên nơi hiện tại. Kiến có thể thường xuyên giữ lấy cảnh, còn tuệ kia chỉ có thể giữ lấy cảnh trong một sát-na. Kiến đối với đối tượng duyên suy tính quan sát kỹ lưỡng, còn tuệ kia thì không như thế.

Do các nhân duyên như thế, nên năm thức thân khi tương ưng với tuệ không gọi là kiến.

Vì sao tận trí và vô sinh trí không phải là kiến? Đáp: Vì hành tướng của hai thứ trí này không nhanh mạnh, không thể vào sâu nơi đối tượng duyên, nên không gọi là kiến.

Lại nữa, kiến tạo ra công dụng cho các gia hạnh không ngừng nghỉ. Hai trí này thì không như thế, như loài chim đang ngủ yên, nên không gọi là kiến.

Lại nữa, tìm cầu quán xét gọi là kiến. Hai thứ trí này thì không như thế, nên không gọi là kiến.

Do đó Tôn giả Diệu Âm nói: Tận trí và vô sinh trí chỗ hành tác đã xong, không còn có sự thù thắng nào để phải mong cầu, đạt đến, nên không gọi là kiến.

Có thuyết nói: Các tuệ vô lậu gồm chung có hai thứ: a. Có thể đối trị với ác kiến. b. Có thể đối trị với vô tri. Có thể đối trị với ác kiến gọi là kiến. Còn tận trí và vô sinh trí chỉ có thể đối trị với vô tri, nên không gọi là kiến.

Lại có thuyết nói: Các tuệ vô lậu gồm chung có ba thứ: a. Chỉ có thể đối trị với ác kiến. b. Chỉ có thể đối trị với vô tri. c. Có thể đối trị với cả ác kiến và vô tri. Chỉ có thể đối trị với ác kiến: Đó là kiến không phải là trí, tức là nhẫn vô lậu hiện quán biên . Chỉ có thể đối trị với vô tri: Đó là trí không phải là kiến, tức là tận trí và vô sinh trí. Có thể đối trị với cả hai thứ: Đó là trí cũng là kiến, tức là các tuệ vô lậu khác.

Tôn giả Thế Hữu nói: Suy lường gọi là kiến. Còn tận trí và vô sinh trí thì việc làm đã rốt ráo, không còn phải suy xét, nên không gọi là kiến.

Lại có thuyết nói: Tìm cầu gọi là kiến. Còn tận trí và vô sinh trí thì việc làm đã xong, không còn gì để tìm cầu, nên không gọi là kiến.

Lại có thuyết nêu: Nếu tận trí và vô sinh trí là tánh của kiến, thì các bậc A-la-hán chỉ nên thành tựu chín chi vô học, trừ chi chánh trí. Nhưng Đức Thế Tôn nói: “Các bậc A-la-hán thành tựu được mười chi vô học”, nên tận trí, vô sinh trí không phải là kiến.

Như chánh kiến thế tục, kiến học và kiến vô học tuy cũng là trí nhưng gọi là kiến. Nếu tận trí và vô sinh trí tuy cũng là kiến nhưng gọi là trí, thế điều này có lỗi gì? Đáp: Như khi mới tu tập, gia hạnh quán sát, chánh kiến thế tục tuy có đủ cả tánh của trí và kiến nhưng lập làm chi chánh kiến không phải là chi chánh trí. Khi đã nhập vị học, tám trí hữu học tuy có đủ cả tánh của trí và kiến nhưng lại lập làm chi chánh kiến không phải là chi chánh trí. Đến khi đạt tới quả vị vô học, chánh kiến vô học tuy có đủ tánh của trí và kiến nhưng lại lập làm chi chánh kiến không phải là chi chánh trí. Nếu tận trí và vô sinh trí cũng có đủ tánh của trí và kiến, cũng nên lập làm chi chánh kiến không phải là chi chánh trí. Vì thế các bậc A-la-hán chỉ nên thành tựu chín chi vô học, như vậy là trái với các điều Đức Thế Tôn đã nói: “Các bậc A-la-hán thành tựu mười chi”.

Đại đức nói: Tận trí và vô sinh trí nhất định là tánh của kiến, là tánh quyết độ.

Nếu như thế thì A-la-hán chỉ nên thành tựu chín chi chăng? Đáp: Có hai chi chỉ ở địa vô học có, đó là chánh giải thoát và chánh trí. Tám chi thì chung cho địa học và vô học đều có, tức là tám chi còn lại. Tận trí và vô sinh trí tuy cũng là kiến nhưng chỗ tạo tác đã được rốt ráo, khác với quả vị học trước, nên lập riêng làm chi, không nên vấn nạn.

Lời bình: Nên nói như vầy: Tận trí và vô sinh trí là trí không phải là kiến. Vì việc làm đã xong, đối với bốn Thánh đế không còn gì để suy tìm quán xét nữa và các gia hạnh đã chấm dứt.

Trừ năm kiến và chánh kiến thế tục, còn lại là các ý thức khác tương ưng với tuệ hữu lậu: Nhận thức này có hai loại: a. Nhiễm ô. b. Vô phú vô ký.

Nhiễm ô: Tức là tham, sân, mạn, nghi và vô minh không chung tương ưng với tuệ.

Vô phú vô ký: Tức là dị thục sinh, đường oai nghi, xứ công xảo, chung nơi quả tâm cùng sinh tuệ.

Vì sao ý địa tham v.v… tương ưng với tuệ không phải là kiến? Đáp: Vì hành tướng của tuệ ấy không nhanh mạnh, không thể vào sâu nơi cảnh của đối tượng duyên. Lại nữa, nó bị hai phiền não che lấp làm tổn hại. Hai phiền não tức là tham, sân, mạn, nghi, theo đấy có một thứ và nó tương ưng với vô minh.

Như thế thì vô minh không chung tương ưng với tuệ nên là kiến, vì chỉ tương ưng với một phiền não để khởi? Đáp: Vô minh này có hai thứ: a. Vô minh không chung do kiến đạo đoạn trừ, nó ngăn che càng mạnh hơn cả hai thứ phiền não. b. Vô minh không chung do tu đạo đoạn trừ, do sức của chính nó khởi các thứ tương ưng với triền cấu, nó được lập riêng, có thể che chắn gây tổn hại các tuệ cũng như tham, sân v.v…, nó tương ưng với tuệ như tham cùng tương ưng, nên cũng không gọi là kiến.

Vì sao tuệ vô phú vô ký không phải là kiến? Đáp: Do hành tướng của tuệ đó không nhanh mạnh, không thể vào sâu nơi cảnh của đối tượng duyên. Lại nữa, uy lực của tuệ ấy rất yếu kém, nên không gọi là kiến. Vì đối với cảnh cần phải có sức mạnh bền vững mới gọi là kiến.

Các dị thục sinh, đường oai nghi, tuệ của chúng uy lực yếu kém, đối với lý có thể là như thế, nhưng tuệ của xứ công xảo và tuệ của tâm thông quả tương ưng, uy lực rất mạnh mà không phải là kiến chăng? Đáp: Tuệ của xứ công xảo tuy có uy lực mạnh mẽ: Như các trời Tỳthấp-phược, Yết-ma v.v… mọi sự tạo tác của tuệ ấy như nguyện trí sinh ra, nhưng vì bị tà mạng ngăn che, gây tổn hại, nên không gọi là kiến. Nghĩa là các sự việc công xảo đều do ham muốn về đời sống làm nhân dấy khởi, tuy các tâm tâm sở pháp của xứ công xảo khi hiện tiền là không nhiễm ô, nhưng do sức mạnh của tà mạng đã dẫn sinh, nên nói chúng bị tà mạng ngăn che, gây tổn hại, tức là nghĩa bị các tham dục ngăn che, gây tổn hại. Nếu như không bị các tham ngăn che, gây tổn hại, nhưng lực dụng cạn, nhẹ, hành tướng lại yếu chậm, không thể vào sâu nơi cảnh của đối tượng duyên, nên không gọi là kiến.

Lại nữa, tuệ của xứ công xảo như nghi mà chuyển, nên nơi cảnh của đối tượng duyên không thể quyết định. Vì sao? Vì tuy rất thiện xảo, tạo sự việc công xảo, nhưng nếu bị người khác bài bác, liền trở nên do dự. Tuệ của các chung quả nơi cảnh của đối tượng duyên cũng không nhanh mạnh, không thể vào sâu nơi cảnh của đối tượng duyên, chỉ do uy lực của định trước đó thúc đẩy dẫn dắt nên tự nhiên chuyển biến, nhưng nơi cảnh của đối tượng duyên không suy tìm, nên không gọi là kiến.

Lại nữa, tuệ của các thông quả do các hành tập quen trước, các sự việc biến hóa thay đổi làm nhân dẫn sinh như hành tập công xảo, nên không gọi là kiến.

Lại nữa, bốn thứ tuệ vô ký như dị thục sinh v.v… sức lực đều yếu kém, như chẳng thành thiện, chẳng thành nhiễm ô, nên không thành kiến.

1. Có khi là kiến cũng là trí: Nghĩa là năm kiến và chánh kiến thế tục, trừ nhẫn vô lậu, tận trí và vô sinh trí, còn lại là tuệ vô lậu, tức là tám trí hữu học và chánh kiến vô học. Tuệ vô lậu này và năm thứ kiến cùng chánh kiến thế tục trước đều có đủ hai thứ tướng của kiến và trí, nên chúng thuộc về trường hợp thứ ba.

2. Có khi không phải là kiến cũng không phải là trí: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng là tên được gọi. Nếu pháp được ba trường hợp trước biểu hiện đều gọi là tướng. Trừ các pháp này, các pháp còn lại đều thuộc vào trường hợp thứ tư, tức là pháp được biểu hiện theo trường hợp này. Đây lại là thế nào? Tức là trong sắc uẩn, trừ nhãn là các sắc còn lại, trong hành uẩn, trừ tuệ là các hành còn lại, cùng với ba uẩn hoàn toàn và pháp vô vi là thuộc về trường hợp thứ tư.

Hỏi: Các thứ kiến có phải là tuệ chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp. Do tự tánh của kiến và tuệ cùng có rộng hẹp, nên có bốn trường hợp như sau:

1. Có khi là kiến không phải là tuệ: Nghĩa là nhãn căn có thể nhìn thấy, là tự tánh của sắc.

2. Có khi là tuệ không phải là kiến: Nghĩa là năm thức thân tương ưng với tuệ, tương ưng với tận trí và vô sinh trí, trừ năm kiến và chánh kiến thế tục, còn lại là các ý thức khác tương ưng với tuệ hữu lậu, là tánh trạch pháp, không phải là suy lường xét đoán, như trước đã nói rộng.

3. Có khi là kiến cũng là tuệ: Nghĩa là trừ tận trí và vô sinh trí, còn lại là tuệ vô lậu cùng năm kiến, chánh kiến thế tục. Tức là nhẫn vô lậu, tám trí hữu học và chánh kiến vô học v.v…, có thể suy tính, xét lường, có tánh trạch pháp, đủ cả hai thứ tướng kiến và tuệ.

4. Có khi không phải là kiến cũng không phải là tuệ: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng là tên được gọi, như trước đã nói rộng.

Hỏi: Các thứ trí có phải là tuệ chăng?

Đáp: Các trí đều là tuệ: Nghĩa là có khả năng xét đoán, quyết định, đều là trạch pháp.

Có tuệ không phải là trí: Nghĩa là các nhẫn vô lậu, mới lần đầu quán cảnh của đế, chưa xét đoán kỹ lưỡng.

Kiến gồm thâu trí hay trí gồm thâu kiến v.v…? Cho đến nói rộng. Trong đây có hai thứ bốn trường hợp: Mỗi thứ có hai trường hợp, căn cứ vào chỗ hỏi trước, nhất định nhận biết rõ tướng của chúng.

Các thứ thành tựu về kiến thì đó là trí chăng v.v…? Cho đến nói rộng. Ở đây, ba thứ kiến, trí, tuệ, nếu thành tựu một thứ tất có hai thứ kia, thế nên đều nêu ra các trường hợp như thế để đáp.

Hỏi: Những ai thành tựu ba thứ kiến, trí, tuệ?

Đáp: Là tất cả hữu tình. Ở đây tức là nói chung, nhưng có nhiều, ít.

Về hàng phàm phu: Nếu là kẻ đoạn dứt căn thiện, thành tựu kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở ba cõi do tu đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục.

Nếu là kẻ không đoạn dứt căn thiện và chưa được tâm thiện ở cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở ba cõi do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục.

Nếu là người đã được tâm thiện ở cõi sắc, chưa lìa nhiễm cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở ba cõi do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục.

Nếu là người đã lìa nhiễm cõi dục, chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc: Nếu sinh vào cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc. Nếu sinh vào cõi sắc, không thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục. Thành tựu các thứ khác như đã nói nơi phần sinh vào cõi dục.

Người đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa nhiễm cõi sắc. Nếu sinh vào cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc. Nếu sinh vào cõi sắc, không thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục. Thành tựu các thứ khác như đã nói nơi phần sinh vào cõi dục.

Người đã lìa nhiễm cõi sắc, sinh vào cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi vô sắc do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi vô sắc do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc. Nếu sinh vào cõi sắc, không thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục. Thành tựu các thứ khác như đã nói nơi phần sinh vào cõi dục. Nếu sinh vào cõi vô sắc, không thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, không thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc. Nếu tâm của dị thục sinh hiện tiền, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi vô sắc. Nếu tâm của dị thục sinh không hiện tiền, cũng không thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi vô sắc. Thành tựu các thứ khác như đã nói nơi phần sinh vào cõi dục.

Về bậc Thánh: Hàng Tùy tín tùy pháp hành, khi khổ trí chưa sinh, người chưa lìa nhiễm cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở ba cõi do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục, thành tựu kiến, tuệ vô lậu.

Nếu vị này đã lìa nhiễm cõi dục, chưa lìa nhiễm cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn trừ. Nếu chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, tuệ vô lậu.

Nếu vị này đã lìa nhiễm cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi vô sắc do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi vô sắc do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, tuệ vô lậu.

Khi khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, người chưa lìa nhiễm cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ ở ba cõi do kiến tập diệt đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở ba cõi do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu.

Nếu vị ấy đã lìa nhiễm cõi dục, chưa lìa nhiễm cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi sắc, vô sắc do kiến tập diệt đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn trừ. Nếu chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu.

Nếu vị ấy đã lìa nhiễm cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi vô sắc do kiến tập diệt đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi vô sắc do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu.

Khi tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, người chưa lìa nhiễm cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ ở ba cõi do kiến diệt đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở ba cõi do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu.

Tức vị ấy đã lìa nhiễm cõi dục, chưa lìa nhiễm cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi sắc, vô sắc do kiến diệt đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn trừ.

Nếu chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu.

Khi diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, nếu chưa lìa nhiễm cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ ở ba cõi do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở ba cõi do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu.

Tức vị ấy đã lìa nhiễm cõi dục, chưa lìa nhiễm cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn trừ.

Nếu chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc. Nếu đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu.

Tức vị ấy đã lìa nhiễm cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ ở cõi vô sắc do kiến đạo đoạn trừ, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi vô sắc do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu.

Bậc Tín thắng giải, Kiến chí, chưa lìa nhiễm cõi dục: Thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở ba cõi do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu.

Tức vị ấy đã lìa nhiễm cõi dục, chưa được tâm thiện ở cõi vô sắc: Nếu sinh vào cõi dục, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến trí tuệ vô lậu. Nếu sinh vào cõi sắc, không thành tựu kiến trí tuệ thiện ở cõi dục. Thành tựu các thứ khác như đã nói nơi phần sinh vào cõi dục.

Tức vị ấy đã được tâm thiện ở cõi vô sắc, chưa lìa nhiễm cõi sắc: Nếu sinh vào cõi dục, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu. Nếu sinh vào cõi sắc, không thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục. Thành tựu các thứ khác như đã nói nơi phần sinh vào cõi dục.

Tức vị ấy đã lìa nhiễm cõi sắc: Nếu sinh vào cõi dục, thành tựu trí, tuệ nhiễm ô ở cõi vô sắc do tu đạo đoạn trừ, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu. Nếu sinh vào cõi sắc, không thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục. Thành tựu các thứ khác như đã nói nơi phần sinh và cõi dục. Nếu sinh vào cõi vô sắc, không thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi dục và cõi sắc, không thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc.

Nếu khi tâm của dị thục sinh hiện tiền, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi sắc. Nếu khi tâm của dị thục sinh không hiện tiền, cũng không thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi vô sắc. Thành tựu các thứ khác như đã nói nơi phần sinh vào cõi dục.

Bậc A-la-hán nếu sinh vào cõi dục, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở ba cõi, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu. Nếu sinh vào cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi sắc, vô sắc, thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi dục và cõi sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu. Nếu sinh vào cõi vô sắc, tâm của dị thục sinh không hiện tiền, thành tựu kiến, trí, tuệ thiện ở cõi vô sắc, thành tựu kiến, trí, tuệ vô lậu. Nếu tâm của dị thục sinh hiện tiền, cũng thành tựu trí, tuệ vô phú vô ký ở cõi vô sắc.

Hỏi: Các kiến đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp thì chúng là trí chăng?

Đáp: Đúng thế.

Hỏi: Nếu như trí đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp thì nó là kiến chăng?

Đáp: Đúng thế.

Hỏi: Các kiến đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp thì chúng là tuệ chăng?

Đáp: Đúng thế.

Hỏi: Nếu như tuệ đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp thì nó là kiến chăng?

Đáp: Đúng thế.

Hỏi: Các trí đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp thì chúng là tuệ chăng?

Đáp: Đúng thế.

Hỏi: Nếu như tuệ đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp thì nó là trí chăng?

Đáp: Đúng thế.

Vì sao? Vì cả ba thứ kiến, trí, tuệ khi đoạn dứt và nhận biết khắp thì chúng cùng ở vị trí giống nhau.

Hỏi: Những ai đối với kiến, trí, tuệ đã đoạn dứt và nhận biết khắp?

Đáp: Là các bậc A-la-hán. Ở đây là nói bậc đã đoạn dứt và nhận biết khắp rốt ráo. Còn các phàm phu, hữu học thì có ít hoặc nhiều, không nhất định.

Nghĩa là các bậc A-la-hán ở trong ba cõi thì kiến, trí, tuệ đều đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp.

Các bậc Bất hoàn, nếu đã lìa nhiễm ở Vô sở hữu xứ thì có kiến, trí, tuệ ở ba cõi do kiến đạo đoạn trừ, và kiến, trí, tuệ ở tám địa do tu đạo đoạn đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp. Cho đến nếu chưa lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ nhất thì có kiến, trí, tuệ ở ba cõi do kiến đạo đoạn trừ và kiến, trí, tuệ ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp.

Các vị Nhất lai và Dự lưu thì có kiến, trí, tuệ ở ba cõi do kiến đạo đoạn trừ đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp.

Các bậc Tùy tín hành, Tùy pháp hành, nếu diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, thì có kiến, trí, tuệ ở ba cõi do kiến khổ, tập, diệt đoạn trừ đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp. Nếu tập trí đã sinh, diệt trí chưa sinh, thì có kiến, trí, tuệ ở ba cõi do kiến khổ, tập đoạn trừ đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp. Nếu khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, thì có kiến, trí, tuệ ở ba cõi do kiến khổ đoạn trừ đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp. Bậc Thánh là như thế.

Nếu các phàm phu khi đã lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, thì có kiến, trí, tuệ ở tám địa do kiến đạo và tu đạo đoạn trừ, đã được đoạn dứt, đã nhận biết khắp. Cho đến đã lìa nhiễm ở cõi dục, chưa lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ nhất, thì có kiến, trí, tuệ của một địa do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ đã được đoạn dứt, đã nhận biết khắp.

Đó gọi là phân biệt ba môn kiến, trí, tuệ thuộc định đã thành tựu năm môn đoạn dứt.

***

* Các chánh kiến là giác chi trạch pháp chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Ở đây căn cứ vào phần luận trước làm căn bản. Tức trước đây đã nói: Thế nào là kiến, là trí, là tuệ? Tuy nói như thế nhưng chưa phân biệt về chánh kiến, chánh trí cùng với giác chi trạch pháp có liên hệ rộng hẹp với nhau ra sao v.v… Nay muốn phân biệt các sự việc ấy nên tạo ra phần Luận này.

Nhưng hiện trong Luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí này đã có tướng quyết định: Nếu giác chi phân biệt sau đạo chi, thì các đạo chi chỉ thuộc về vô lậu, vì bảy giác chi đều chỉ là vô lậu. Nếu giác chi phân biệt trước đạo chi, thì các đạo chi chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Ở đây, giác chi được phân biệt trước đạo chi, nên biết các đạo chi này là chung cho cả hữu lậu và vô lậu.

Đó gọi là ở đây đã tóm lược về Tỳ Bà Sa, các bậc hữu trí nên theo đó phân biệt.

Hỏi: Các chánh kiến là giác chi trạch pháp chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp. Vì chánh kiến và giác chi trạch pháp có nhiều liên hệ rộng hẹp:

1. Có chánh kiến không phải là giác chi trạch pháp: Nghĩa là chánh kiến thế tục, do các giác chi đã giúp cho sự nhận biết như thật nên chỉ là vô lậu.

2. Có giác chi trạch pháp không phải là chánh kiến: Nghĩa là tận trí và vô sinh trí, vì chúng không phải là tánh của kiến.

3. Có chánh kiến cũng là giác chi trạch pháp: Nghĩa là trừ tận trí và vô sinh trí, còn lại là các tuệ vô lậu khác, tức là tám nhẫn hiện quán biên, tám trí hữu học, chánh kiến vô học, vì ba thứ như thế có đủ hai tướng.

4. Có không phải là chánh kiến cũng không phải là giác chi trạch pháp: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng là tên được gọi như trước đã nói rộng. Đây lại là thế nào? Tức trong hành uẩn trừ ý thức tương ưng với tuệ thiện, các hành uẩn còn lại và bốn uẩn hoàn toàn, cùng với pháp vô vi đều thuộc về trường hợp thứ tư này.

Hỏi: Các chánh trí là giác chi trạch pháp chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp. Vì chánh trí cùng với giác chi trạch pháp có liên hệ rộng hẹp, nên:

1. Có chánh trí không phải là giác chi trạch pháp: Nghĩa là chánh trí thế tục, vì nó không có tướng của giác chi.

2. Có giác chi trạch pháp không phải là chánh trí: Nghĩa là nhẫn vô lậu, vì nó không có tướng của trí.

3. Có chánh trí cũng là giác chi trạch pháp: Nghĩa là trừ nhẫn vô lậu, còn lại là các tuệ vô lậu khác, tức tám trí hữu học, tận trí và vô sinh trí, chánh kiến vô học, vì chúng có đủ cả hai tướng.

4. Có không phải là chánh trí cũng không phải là giác chi trạch pháp: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng là tên được gọi như trước đã nói rộng. Đây lại là thế nào? Tức trong hành uẩn trừ sáu thức tương ưng với tuệ thiện, hành uẩn còn lại và bốn uẩn hoàn toàn, cùng với pháp vô vi đều thuộc về trường hợp thứ tư này.

Hỏi: Vì sao ở đây chỉ nói chánh kiến, chánh trí cùng với giác chi trạch pháp có liên hệ rộng hẹp, không nói các đạo chi khác cùng với các giác chi khác cũng có liên hệ rộng hẹp?

Đáp: Vì ý của người tạo ra phần luận này muốn như thế, cho đến nói rộng.

Lại nữa, trong đây cũng nên nói các thứ chánh cần là giác chi tinh tấn chăng? Xin đáp: Các thứ là giác chi tinh tấn cũng là chánh cần, nhưng có các thứ là chánh cần không phải là giác chi tinh tấn:

Nghĩa là chánh tinh tấn thế tục. Cho đến các thứ là chánh định cũng là giác chi định chăng? Xin đáp: Các thứ là giác chi định cũng là chánh định, nhưng có các thứ là chánh định không phải là giác chi định: Nghĩa là chánh định thế tục. Phải nên nói như thế nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, trong đây là nói các thứ biểu hiện về đầu và cuối, lược bỏ khoảng giữa, nên nói như thế. Đầu tức là chánh kiến, cuối tức là chánh trí. Như biểu hiện đầu và cuối, mới vào và đã vượt qua phương tiện và cứu cánh, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, nếu pháp cùng đối có đủ bốn trường hợp thì ở đây nói đến. Nếu pháp cùng đối chỉ thuận nơi trường hợp sau thì ở đây không nêu.

Lại nữa, trong chương Trí Uẩn này, nếu pháp tự tánh là kiến, trí, tuệ thì bàn luận phân biệt, vì chúng thuộc về loại trí. Các thứ tinh tấn, niệm, định không phải là loại trí nên trong đây không nói đến.

***

* Bảy giác chi và tám đạo chi, mỗi mỗi thứ khi hiện tiền có bao nhiêu giác chi, bao nhiêu đạo chi hiện tiền?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận tông chỉ của kẻ khác cùng làm sáng tỏ chánh lý. Nghĩa là như có thuyết nói: Các pháp tâm sở theo thứ lớp sinh không phải cùng lúc sinh, như phái Thí Dụ đã chủ trương.

Đại đức cũng nói: Các pháp tâm sở theo thứ lớp sinh không phải cùng lúc sinh. Như có nhiều khách buôn cùng đi qua một lối hẹp, cần phải đi qua từng người một, không thể đi cùng lúc hai người hoặc nhiều người. Các pháp tâm sở cũng như vậy, mỗi mỗi đều riêng lẻ sinh ra, tức chúng không cùng một lúc hòa hợp sinh ra.

Hỏi: Vị ấy đã căn cứ vào lượng nào để nói như thế?

Đáp: Vị ấy đã căn cứ vào Chí giáo lượng (Thánh giáo lượng) để nhận định. Tức căn cứ vào Khế kinh nói: Nếu gặp lúc tâm hôn trầm hoặc sợ bị hôn trầm, tu ba giác chi khinh an, định và xả gọi là tu không đúng thời. Nếu tu ba giác chi trạch pháp, tinh tấn và hỷ gọi là tu đúng thời. Còn gặp lúc tâm đang trạo cử hoặc sợ bị trạo cử, tu ba giác chi trạch pháp, tinh tấn và hỷ gọi là tu không đúng thời. Nếu tu ba giác chi khinh an, định và xả gọi là tu đúng thời. Theo đấy, vị kia cho các giác chi đã có tu đúng thời và không đúng thời, nên biết các tâm sở theo thứ lớp sinh ra, không phải trong cùng một lúc dấy khởi.

Lại như kinh khác nêu: Tôn giả Xá-lợi-tử nói: Đối với giác chi định trong bảy giác chi, ta tùy ý tự tại an trụ. Như buổi sáng ta muốn trụ vào giác chi định liền trụ được, muốn trụ vào buổi trưa hay vào buổi chiều tối đều trụ được cả. Theo đấy, phái kia cho Tôn giả Xálợi-tử tùy ý tự tại trụ vào bảy giác chi, nên biết các tâm sở tuần tự sinh ra không phải khởi cùng một lúc, lý đó là quyết định.

Để ngăn chận ý tưởng ấy nhằm hiển bày nhiều tâm sở có thể sinh ra trong cùng một lúc, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nếu các tâm sở cùng sinh ra trong một lúc thì các điều đã dẫn nơi kinh làm sao thông?

Đáp: Khế kinh trước nói về việc tu ba giác chi đúng thời và không đúng thời, chứng tỏ các tâm sở không cần phải tuần tự từng thứ sinh ra. Vì đã nói cùng tu ba giác chi trong một lúc, chứng tỏ các tâm sở cũng cùng sinh ra trong một lúc.

Hỏi: Nếu các giác chi theo địa được nương dựa mà có cả sáu hoặc bảy chi cùng một lúc sinh ra, vì sao trong Kinh nói về tu đúng thời và không đúng thời mỗi thứ chỉ có ba giác chi?

Đáp: Dựa vào phẩm Chỉ – Quán và sức tác dụng của giác chi có tăng giảm nên nói như thế. Nghĩa là ba giác chi này thuộc phẩm Xa-ma-tha, ba giác chi kia thuộc phẩm Tỳ-bát-xá-na. Nếu các giác chi thuộc phẩm Xa-ma-tha tăng lên sẽ khiến tâm chìm xuống vì hôn trầm. Nghĩa là lúc đó cần phải tu về phẩm Quán, dùng các giác chi thúc đẩy tâm hoạt động, nhưng lại tu phẩm Chỉ, nên nói là tu không đúng thời. Còn khi các giác chi thuộc phẩm Tỳ-bát-xá-na tăng lên thì khiến tâm hưng phấn, bồng bột. Khi đó đáng lẽ phải tu các giác chi thuộc phẩm Chỉ để kìm chế đè nén tâm xuống, nhưng lại tu phẩm Quán, nên nói là tu không đúng thời. Tuy các giác chi có thể khởi lên cùng một lúc, nhưng tác dụng có tăng giảm, nên chỉ nói có ba thứ.

Lại nữa, khi nhập Thánh đạo, nương theo phẩm Chỉ, Quán có sai biệt, nên nói như thế. Tức là nếu nương vào các giác chi của phẩm Xa-ma-tha nhập Thánh đạo, thì phải tu các chi thuộc phẩm Chỉ để kìm chế đè tâm xuống, nhưng lại tu phẩm Quán, nên nói là tu không đúng thời. Còn như nương vào các giác chi của phẩm Tỳ-bát-xá-na để nhập Thánh đạo, thì phải tu các giác chi thuộc phẩm Quán để thúc đẩy cho tâm hưng phấn hoạt động nhưng lại tu phẩm Chỉ, nên nói là tu không đúng thời.

Có Sư khác nói: Ngược lại với các điều vừa nói, nghĩa là nếu nương vào các giác chi của phẩm Xa-ma-tha để nhập Thánh đạo, khi tâm trầm xuống thì phải tu các giác chi thuộc phẩm Quán để thúc đẩy tâm hoạt động nhưng lại tu về phẩm Chỉ, nên nói là không đúng thời. Còn nếu nương vào các giác chi của phẩm Tỳ-bát-xá-na để nhập Thánh đạo, khi tâm hưng phấn hăng hái thì phải tu các giác chi thuộc phẩm Chỉ để kìm chế tâm xuống nhưng lại tu phẩm Quán, nên nói là không đúng thời.

Tuy Thể của các giác chi khởi lên cùng một lúc, nhưng tác dụng của chúng có lúc thêm bớt, nên các điều kinh nói không trái với chỗ cùng khởi, chỉ trái với việc theo thứ lớp lần lượt sinh từng giác chi một.

HẾT – QUYỂN 95