LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 86

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ MƯỜI MÔN, phần 16

* Nhãn căn cho đến tùy miên vô minh của cõi vô sắc do tu đạo đoạn trừ, đối với chín mươi tám tùy miên, trong đó mỗi mỗi thứ kia có bao nhiêu thứ tùy miên tùy tăng?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần luận này?

Đáp: Vì dựa vào các chương trước làm sáng tỏ nghĩa của môn. Nghĩa là dựa vào bốn mươi hai chương đã nói ở trước, hiển bày nghĩa của mười thứ môn như tùy miên v.v…

Lại nữa, vì muốn ngăn chận các chủ trương khác nhằm làm rõ chánh lý. Tức là như có người chấp: “Trong thân vô học thì các pháp như nhãn căn v.v… cũng là vô lậu”. Nhằm ngăn chận chấp ấy cùng hiển bày nhãn căn v.v… chỉ là hữu lậu, là các tùy miên tùy tăng.

Hoặc lại có người chấp: “Phiền não điên đảo không có đối tượng duyên thật”. Để ngăn chận chấp đó cùng hiển bày là các phiền não có đối tượng duyên thật.

Hoặc lại có kẻ chấp: “Không có đối tượng duyên tương ưng với nghĩa trói buộc. Nếu đối với đối tượng duyên có nghĩa trói buộc, thì duyên nơi pháp vô lậu phải có nghĩa trói buộc. Nếu đối với chỗ tương ưng có nghĩa trói buộc, thì phiền não kia được đoạn rồi cũng nên có nghĩa trói buộc”. Nhằm ngăn chận lối chấp này cùng làm sáng tỏ là có đối tượng duyên tương ưng với nghĩa trói buộc. Đối tượng duyên bị trói buộc: Tức chỉ nơi tùy miên duyên với hữu lậu tất có tùy tăng. Tuy duyên với vô lậu nhưng không tùy tăng nên không có nghĩa trói buộc. Tương ưng với trói buộc: Chính là tương ưng với các phiền não chưa đoạn trừ. Nếu các phiền não đã đoạn trừ thì tuy có tương ưng vẫn không có nghĩa trói buộc.

Lại nữa, nhằm ngăn chận những kẻ tự thân mình đang bị trói buộc nhưng lại khởi tăng thượng mạn cho là mình đã được giải thoát. Nghĩa là người này chỉ mới chế ngự tạm thời các phiền não, nhưng lại tự cho là đã được giải thoát. Nay muốn khiến cho họ biết đối với tự nhãn v.v… hãy còn các tùy miên tùy tăng như tham v.v…

Lại nữa, vì muốn phân biệt rộng các nghĩa lý của Khế kinh. Tức như trong Khế kinh có nói nhãn căn có các tùy miên tùy tăng như tham v.v… Tuy nói đến các thứ đó nhưng chưa phân biệt rộng, nay nhằm phân biệt rõ.

Do các nhân duyên như thế, nên tạo ra phần Luận này.

Nên biết trong đây có năm bộ pháp tức là năm bộ tùy miên tùy tăng. Năm bộ pháp đó là pháp do kiến khổ đoạn trừ, cho đến pháp do tu đạo đoạn trừ. Năm bộ tùy miên này nên biết cũng như thế.

Ở đây:

1. Pháp do kiến khổ đoạn trừ: Tức là do kiến khổ đoạn trừ tất cả tùy miên và do kiến tập đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành.

2. Pháp do kiến tập đoạn trừ: Tức là do kiến tập đoạn trừ tất cả tùy miên và do kiến khổ đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành.

3. Pháp do kiến diệt đoạn trừ: Tức là do kiến diệt đoạn trừ tất cả tùy miên và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành.

4. Pháp do kiến đạo đoạn trừ: Tức là do kiến đạo đoạn trừ tất cả tùy miên và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành.

5. Pháp do tu đạo đoạn trừ: Tức là do tu đạo đoạn trừ tất cả tùy miên và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành.

Lại nữa, có mười thứ pháp. Lại là chín thứ tùy miên tùy tăng.

Mười thứ pháp: Nghĩa là do kiến khổ, tập, diệt, đạo đoạn trừ, mỗi thứ có hai thứ pháp là tương ưng và không tương ưng. Do tu đạo đoạn trừ cũng có hai thứ là nhiễm ô và không nhiễm ô.

Chín thứ tùy miên: Nghĩa là các tùy miên do kiến khổ, tập đoạn trừ, mỗi thứ có hai loại là biến hành và không biến hành. Các tùy miên do kiến diệt, đạo đoạn trừ, mỗi thứ có hai loại là duyên nơi hữu lậu và duyên nơi vô lậu. Cùng các tùy miên do tu đạo đoạn trừ gồm chung làm chín thứ.

Ở đây, pháp tương ưng do kiến khổ đoạn trừ: Là do kiến khổ đoạn trừ tất cả tùy miên và do kiến tập đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành. Về tự bộ: Tức tùy chỗ thích hợp có đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Về tha bộ: Tức chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp không tương ưng do kiến khổ đoạn trừ: Là do kiến khổ đoạn trừ tất cả tùy miên và do kiến tập đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, đều chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp tương ưng do kiến tập đoạn trừ: Là do kiến tập đoạn trừ tất cả tùy miên và do kiến khổ đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành. Về tự bộ: Tức tùy chỗ thích hợp có đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Về tha bộ: Tức chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp không tương ưng do kiến tập đoạn trừ: Là do kiến tập đoạn trừ tất cả tùy miên và do kiến khổ đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, đều chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp tương ưng do kiến diệt đoạn trừ: Là do kiến diệt đoạn trừ tất cả tùy miên và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành. Về tự bộ: Nếu duyên nơi hữu lậu thì tùy chỗ thích hợp có đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Còn duyên nơi vô lậu thì chỉ có tương ưng với trói buộc. Về tha bộ: Tức chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp không tương ưng do kiến diệt đoạn trừ: Là do kiến diệt đoạn trừ các tùy miên duyên nơi hữu lậu và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, đều chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp tương ưng do kiến đạo đoạn trừ: Là do kiến đạo đoạn trừ tất cả tùy miên và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành. Về tự bộ: Nếu duyên nơi hữu lậu thì tùy chỗ thích hợp có đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Còn duyên nơi vô lậu thì chỉ có tương ưng với trói buộc. Về tha bộ: Tức chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp không tương ưng do kiến đạo đoạn trừ: Là do kiến đạo đoạn trừ các tùy miên duyên nơi hữu lậu và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, đều chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp nhiễm ô do tu đạo đoạn trừ: Là do tu đạo đoạn trừ tất cả tùy miên và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành. Về tự bộ: Tức tùy chỗ thích hợp có đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Về tha bộ: Tức chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp không nhiễm ô do tu đạo đoạn trừ: Là do tu đạo đoạn trừ tất cả tùy miên và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, đều chỉ có đối tượng duyên bị trói buộc.

Nên biết trong đây nói về các thứ:

Do kiến khổ đoạn trừ các tùy miên biến hành: Là đối với do kiến khổ đoạn trừ các pháp tương ưng với tùy miên biến hành, tùy chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Còn đối với các pháp hữu lậu của tự bộ và tha bộ nơi tự địa còn lại chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Do kiến khổ đoạn trừ các tùy miên không biến hành: Là đối với do kiến khổ đoạn trừ các pháp tương ưng với tùy miên không biến hành, tùy chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Còn đối với các pháp hữu lậu của tự bộ và tha bộ nơi tự địa còn lại chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Do kiến tập đoạn trừ các tùy miên biến hành: Là đối với do kiến tập đoạn trừ các pháp tương ưng với tùy miên biến hành, tùy chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Còn đối với các pháp hữu lậu của tự bộ và tha bộ nơi tự địa còn lại chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Do kiến tập đoạn trừ các tùy miên không biến hành: Là đối với do kiến tập đoạn trừ các pháp tương ưng với tùy miên không biến hành, tùy chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Còn đối với các pháp hữu lậu của tự bộ và tha bộ nơi tự địa còn lại chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Do kiến diệt đoạn trừ các tùy miên duyên nơi hữu lậu: Là đối với do kiến diệt đoạn trừ các pháp tương ưng với tùy miên duyên nơi hữu lậu, tùy chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Còn đối với các pháp hữu lậu của tự bộ nơi tự địa còn lại chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Do kiến diệt đoạn trừ các tùy miên duyên nơi vô lậu: Là đối với do kiến diệt đoạn trừ các pháp tương ưng với tùy miên duyên nơi vô lậu, tùy chỗ thích hợp chỉ là tương ưng với trói buộc.

Do kiến đạo đoạn trừ các tùy miên duyên nơi hữu lậu: Là đối với do kiến đạo đoạn trừ các pháp tương ưng với tùy miên duyên nơi hữu lậu, tùy chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Còn đối với các pháp hữu lậu của tự bộ nơi tự địa còn lại chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Do kiến đạo đoạn trừ các tùy miên duyên nơi vô lậu: Là đối với do kiến đạo đoạn trừ các pháp tương ưng với tùy miên duyên nơi vô lậu, tùy chỗ thích hợp chỉ là tương ưng với trói buộc.

Do tu đạo đoạn trừ các tùy miên: Là đối với do tu đạo đoạn trừ các pháp tương ưng với tùy miên, tùy chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Còn các pháp hữu lậu của tự bộ nơi tự địa còn lại chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Lại nữa, có bốn mươi mốt thứ pháp. Lại là ba mươi sáu thứ tùy miên tùy tăng.

Bốn mươi mốt thứ pháp: Nghĩa là do kiến khổ đoạn trừ có mười một pháp: Tức là pháp tương ưng với mười tùy miên và pháp không tương ưng nên là mười một.

Do kiến tập đoạn trừ có tám pháp: Tức là pháp tương ưng với bảy tùy miên và pháp không tương ưng nên là tám.

Như do kiến tập đoạn trừ, do kiến diệt đoạn trừ cũng như thế.

Do kiến đạo đoạn trừ có chín pháp: Tức là pháp tương ưng với tám tùy miên và pháp không tương ưng nên là chín.

Do tu đạo đoạn trừ có năm pháp: Tức là pháp tương ưng với bốn tùy miên và pháp không tương ưng nên là năm.

Ba mươi sáu thứ tùy miên: Nghĩa là do kiến khổ đoạn trừ có mười thứ. Do kiến tập và kiến diệt đoạn trừ mỗi thứ có bảy. Do kiến đạo đoạn trừ có tám. Do tu đạo đoạn trừ có bốn.

Đó là chỉ dựa vào bộ mà nói, không dựa vào cõi.

Ở đây, pháp tương ưng với hữu thân kiến: Tức là hữu thân kiến cũng tương ưng với chỗ tùy tăng của tùy miên vô minh, tùy theo chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Đây tức là nói chung. Nếu nói riêng, tức nếu nó là đối tượng duyên bị trói buộc thì nó không tương ưng với trói buộc. Nếu nó tương ưng với trói buộc thì nó không phải là đối tượng duyên bị trói buộc. Phần còn lại nên căn cứ theo đây. Đây lại là do kiến khổ đoạn trừ tất cả tùy miên khác và do kiến tập đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Như pháp tương ưng của hữu thân kiến, thì các thứ biên chấp kiến, tà kiến do kiến khổ đoạn trừ cho đến pháp tương ưng của mạn tùy theo chỗ thích hợp cũng như thế.

Pháp tương ưng với vô minh không chung do kiến khổ đoạn trừ: Tức là do kiến khổ đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên vô minh không chung, tùy theo chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Đây lại là do kiến khổ đoạn trừ tất cả tùy miên khác và do kiến tập đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp không ương ưng do kiến khổ đoạn trừ: Tức là do kiến khổ đoạn trừ tất cả tùy miên và do kiến tập đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Như mười một pháp do kiến khổ đoạn trừ, thì tám pháp do kiến tập đoạn trừ, tùy chỗ thích hợp cũng như vậy.

Pháp tương ưng với tà kiến do kiến diệt đoạn trừ: Tức là do kiến diệt đoạn trừ tà kiến tương ưng với các thứ tùy tăng của tùy miên vô minh, chỉ là tương ưng với trói buộc. Đây lại là do kiến diệt đoạn trừ các tùy miên khác duyên nơi hữu lậu và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Như pháp tương ưng với tà kiến do kiến diệt đoạn trừ, pháp tương ưng với nghi do kiến diệt đoạn trừ tùy theo chỗ thích hợp cũng như vậy.

Pháp tương ưng với kiến thủ do kiến diệt đoạn trừ: Tức là do kiến diệt đoạn trừ kiến thủ tương ưng với các thứ tùy tăng của tùy miên vô minh, tùy theo chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Đây lại là do kiến diệt đoạn trừ các tùy miên khác duyên nơi hữu lậu và các thứ tùy tăng của tùy biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Như pháp tương ưng với kiến thủ do kiến diệt đoạn trừ, pháp tương ưng với các thứ tham, giận, mạn do kiến diệt đoạn trừ theo chỗ thích hợp cũng như thế.

Pháp tương ưng với vô minh không chung do kiến diệt đoạn trừ: Tức là do kiến diệt đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên vô minh không chung, chỉ tương ưng với trói buộc. Đây lại là do kiến diệt đoạn trừ các tùy miên khác duyên nơi hữu lậu và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp không tương ưng do kiến diệt đoạn trừ: Tức là do kiến diệt đoạn trừ các tùy miên duyên nơi hữu lậu và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Như tám pháp do kiến diệt đoạn trừ, thì chín pháp do kiến đạo đoạn trừ, tùy theo chỗ thích hợp cũng như thế.

Pháp tương ưng với tham do tu đạo đoạn trừ: Tức là do tu đạo đoạn trừ tham tương ưng với các thứ tùy tăng của tùy miên vô minh, tùy theo chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Đây lại là do tu đạo đoạn trừ các tùy miên khác và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Như pháp tương ưng với tham do tu đạo đoạn trừ, thì pháp tương ưng với sân, mạn do tu đạo đoạn trừ tùy theo chỗ thích hợp cũng như thế.

Pháp tương ưng với vô minh không chung do tu đạo đoạn trừ: Tức là do tu đạo đoạn trừ các thứ tùy tăng của tùy miên vô minh không chung, tùy theo chỗ thích hợp làm đối tượng duyên tương ưng với trói buộc. Đây lại là do tu đạo đoạn trừ các thứ tùy miên khác và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Pháp không tương ưng do tu đạo đoạn trừ: Tức là do tu đạo đoạn trừ tất cả tùy miên và các thứ tùy tăng của tùy miên biến hành, chỉ làm đối tượng duyên bị trói buộc.

Nếu nói về pháp thâu giữ nên dựa vào mười tám giới. Nếu nói về các thức nên dựa vào mười hai xứ. Nếu nói về các trí nên dựa vào bốn Thánh đế. Nếu nói về các tùy miên nên dựa vào năm bộ. Nay nói về tùy miên nên dựa vào năm bộ để phân biệt các thứ tùy miên tùy tăng có sai khác.

Nhãn căn biến hành ở cõi dục, cõi sắc và do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng: Nhãn căn chung cho cả cõi dục và cõi sắc, chỉ do tu đạo đoạn, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Nhưng nhãn căn này chung cho cả năm địa, tức là cõi dục và bốn tĩnh lự. Cả năm địa này đều là tự địa biến hành (Biến hành của địa mình), do tu đạo đoạn trừ các tùy miên tùy tăng.

Các căn nhĩ, tỷ, thiệt, thân cũng như thế: Chúng cũng chung cho cả năm địa của cõi dục, cõi sắc, chỉ do tu đạo đoạn trừ như nhãn căn.

Nữ căn biến hành ở cõi dục và do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng: Nữ căn chỉ ở cõi dục, do tu đạo đoạn trừ, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Nam căn, khổ căn cũng như vậy: Tức cũng chỉ ở cõi dục, do tu đạo đoạn trừ như nữ căn.

Mạng căn biến hành ở cả ba cõi và do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng: Mạng căn chung cho cả ba cõi, chỉ do tu đạo đoạn trừ, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Nhưng mạng căn này chung cho cả chín địa, tức là cõi dục, bốn tĩnh lự và bốn vô sắc. Chín địa này đều là tự địa biến hành, do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng.

Năm căn như tín v.v… cũng như thế: Năm căn như tín v.v… chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về hữu lậu cũng chung cho cả ba cõi và chín địa, chỉ do tu đạo đoạn trừ như mạng căn. Về vô lậu thì không có tùy miên tùy tăng.

Ý căn thì gồm có tất cả tùy miên tùy tăng: Ý căn chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về hữu lậu thì chung cho cả năm bộ trong ba cõi, nên có từng ấy các tùy miên tùy tăng. Nhưng ý căn này ở cả chín địa, tức là cõi dục, bốn tĩnh lự, bốn vô sắc. Chín địa này đều là tự địa với tất cả tùy miên tùy tăng. Về vô lậu thì không có tùy miên tùy tăng.

Xả căn cũng như thế, cũng chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về hữu lậu cũng chung cho cả ba cõi, chín địa và năm bộ như ý căn.

Lạc căn ở cõi sắc và biến hành ở tất cả cõi dục do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng: Lạc căn chung cho cả cõi dục, cõi sắc và chỉ có nơi ba địa, tức là cõi dục, tĩnh lự thứ nhất và thứ ba. Ở cõi dục thì có trong năm thức. Còn trong tĩnh lự thứ nhất thì chỉ có nơi ba thức. Cả hai phần này đều chỉ do tu đạo đoạn, mỗi mỗi thứ đều là tự địa biến hành, do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng. Ở tĩnh lự thứ ba thì tại ý thức, chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về hữu lậu thì chung nơi năm bộ và tương ưng chung với hết thảy tùy miên, nên tự địa là tất cả tùy miên tùy tăng. Về vô lậu thì không có tùy miên tùy tăng.

Hỷ căn thì ở cõi sắc và tất cả cõi dục, trừ nghi duyên nơi vô lậu cùng tương ưng với vô minh, còn lại là tất cả tùy miên tùy tăng: Hỷ căn chung cho cả cõi dục và cõi sắc, chỉ có nơi ba địa là cõi dục và hai tĩnh lự đầu. Ở Dục giới thì chung nơi năm bộ, không tương ưng với các tùy miên sân, nghi, vì hỷ căn có hành tướng vui vẻ chuyển, còn sân và nghi thì có hành tướng lo buồn chuyển mà vui với lo buồn trái nhau, nên không tương ưng. Nơi cõi dục thì hỷ căn trừ phần nghi do kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ và nghi tương ưng với vô minh, còn lại là tất cả các tùy miên tùy tăng ở cõi dục. Nghi tương ưng với vô minh do kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ đối với hỷ căn không phải là đối tượng duyên bị trói buộc do duyên nơi vô lậu, không phải là tương ưng với trói buộc vì không tương ưng. Các nghi và sân khác tuy không tương ưng, nhưng đối với hỷ căn có nghĩa là duyên nơi trói buộc, nên nói hỷ căn ở cõi dục trừ nghi duyên nơi vô lậu và tương ưng với vô minh, còn lại là tất cả tùy miên tùy tăng. Hỷ căn ở hai tĩnh lự đầu đều chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về hữu lậu đều chung nơi năm bộ và tương ưng chung với tất cả tùy miên. Về nghi nơi định địa cũng cùng tương ưng với hỷ lạc, đều là tự địa nơi tất cả tùy miên tùy tăng, nên nói hỷ căn có tất cả tùy miên tùy tăng ở cõi sắc. Về vô lậu thì không có tùy miên tùy tăng.

Ưu căn có tất cả tùy miên tùy tăng ở cõi dục: Ưu căn chỉ chung cho năm bộ ở cõi dục và tương ưng với hết thảy tùy miên, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Ba căn vô lậu không có tùy miên tùy tăng: Vì tất cả pháp vô lậu không phải là sự việc của các tùy miên tùy tăng. Vì sao? Vì nếu pháp là sự việc của hữu thân kiến là sự việc điên đảo, là sự việc của tùy miên, là chốn an nghỉ đầy đủ của tham, sân, si, có cấu uế, có cặn đục v.v… là chỗ tùy tăng của các tùy miên. Pháp vô lậu thì không như thế, nên không phải là chỗ tùy tăng của các tùy miên.

Lại nữa, nếu chốn nào có ái thì chốn ấy là tùy miên tùy tăng, như chỗ ẩm thấp thì bụi dơ dễ bám. Pháp vô lậu thì không như thế, nên không phải là chỗ tùy tăng của tùy miên.

Lại nữa, nếu pháp nào có hữu thân kiến chấp cho là ngã, ngã sở thì pháp ấy là tùy miên tùy tăng. Pháp vô lậu thì không như thế.

Lại nữa, nếu pháp nào là sự việc nơi đối tượng duyên của tùy miên và sự việc tùy tăng là chỗ tùy tăng của tùy miên. Pháp vô lậu tuy là sự việc nơi đối tượng duyên của tùy miên, nhưng không phải là sự việc tùy tăng, nên không phải là chỗ tùy tăng của tùy miên.

Lại nữa, nếu pháp là nơi chốn thuộc đối tượng duyên của tùy miên, cũng là nơi chốn tùy tăng, tức là chỗ tùy tăng của tùy miên. Pháp vô lậu tuy là nơi chốn thuộc đối tượng duyên của tùy miên, nhưng không phải là nơi chốn tùy tăng, nên không phải là chỗ tùy tăng của tùy miên.

Hiếp Tôn giả nói: Vô lậu linh hoạt, thanh tịnh, không phải là chỗ có thể nghỉ chân của các tùy miên, nên không phải là tùy miên tùy tăng. Như phệ-lưu-ly rất trong sạch, các thứ ruồi muỗi không thể dựa vào được.

Đại đức nói: Vô lậu cháy nóng, sáng rực, không phải là chỗ các tùy miên nghỉ chân, thế nên không phải là tùy miên tùy tăng. Cũng như chỗ đất cháy nóng đâu có thể dừng chân trên đó.

Tôn giả Diệu Âm nói: Vô lậu uy nghiêm, mạnh mẽ, các tùy miên duyên vào nhưng không thể tùy tăng. Như kẻ Chiên-đồ-la khi nhìn mặt đức vua uy dũng thì hết sức run sợ.

Tôn giả Thế Hữu cho: Khi duyên với pháp hữu lậu khởi tùy miên thì tùy miên dần tăng, như người nhìn mặt trăng thì nhãn căn tăng trưởng, nên pháp hữu lậu là tùy miên tùy tăng. Còn khi duyên với pháp vô lậu khởi tùy miên thì tùy miên dần giảm, như người nhìn mặt trời thì nhãn căn tổn giảm, nên pháp vô lậu không phải là tùy miên tùy tăng.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và sắc, thanh, xúc cùng các thứ nhãn, nhĩ, thân… thức giới, biến hành ở cõi dục, cõi sắc và do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng: Cả mười một giới này chung cho cả cõi dục và cõi sắc, chỉ do tu đạo đoạn trừ, có từng ấy tùy miên tùy tăng. Đây là dựa vào cõi mà nói, nhưng về địa thì có khác. Nghĩa là tám thứ như mắt v.v… chung cho cả năm địa, là năm địa biến hành và do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng.

Các thứ nhãn, nhĩ, thân thức chỉ có nơi hai địa, tức là cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, nên chỉ có hai địa biến hành, do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng.

Các xứ như nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, sắc, thanh, xúc v.v… là sắc uẩn, sắc thủ uẩn. Năm giới trước là pháp có sắc, có thấy, có đối, cũng như thế: Tức các pháp như vậy cũng chung nơi năm địa của cõi dục và cõi sắc, chỉ do tu đạo đoạn trừ giống như nhãn giới v.v…

Các thức giới hương, vị, tỷ, thiệt biến hành ở cõi dục, do tu đạo đoạn trừ các tùy miên tùy tăng: Bốn giới như thế chỉ ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Các xứ hương, vị cũng như vậy, tức là cũng chỉ ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ như hương giới v.v…

Ý, pháp, ý thức giới là tất cả tùy miên tùy tăng: Ba giới như thế đều chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về hữu lậu thì chung cho cả năm bộ chín địa của ba cõi và chung nơi tất cả tùy miên tương ưng, nên là tất cả, tùy miên tùy tăng. Về vô lậu thì không có tùy miên tùy tăng.

Các thứ ý và pháp xứ là bốn uẩn sau, bốn thủ uẩn sau. Thức giới là pháp hữu lậu, hữu vi, không sắc, không thấy, không đối, quá khứ, vị lai, hiện tại, là pháp phi học phi vô học cũng như thế. Trong các pháp này có thứ chỉ là hữu lậu, có thứ chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về các pháp hữu lậu đều chung cho cả năm bộ, chín địa của ba cõi, tương ưng chung với tất cả tùy miên, nên là tất cả tùy miên tùy tăng. Về vô lậu thì không phải là tùy miên tùy tăng, vì các pháp vô lậu, vô vi không có tùy miên tùy tăng. Các pháp học, vô học, không đoạn trừ cũng như thế, vì đều là vô lậu nên nghĩa như trước đã nói.

Pháp thiện do tu đạo đoạn trừ biến hành nơi ba cõi, cùng do tu đạo đoạn trừ các tùy miên tùy tăng: Pháp thiện ở đây chung cho cả hữu lậu và vô lậu, còn pháp do tu đạo đoạn trừ chỉ là hữu lậu. Các thứ hữu lậu đều chung cho cả chín địa, ba cõi, chỉ do tu đạo đoạn trừ, nên có từng ấy các tùy miên tùy tăng. Còn pháp vô lậu thì không phải là tùy miên tùy tăng.

Pháp bất thiện và thuộc cõi dục là tất cả tùy miên tùy tăng ở cõi dục: Hai pháp như thế chỉ chung nơi năm bộ của cõi dục, nên có từng ấy các thứ tùy miên tùy tăng.

Pháp vô ký ở cõi sắc, cõi vô sắc, tất cả hai bộ cõi dục và do kiến tập đoạn trừ là tùy miên biến hành tùy tăng: Pháp vô ký tức là các pháp nhiễm ô ở cõi sắc, cõi vô sắc và pháp vô phú vô ký. Nơi cõi dục là phần pháp nhiễm ô của hữu thân kiến, biên chấp kiến và pháp vô phú vô ký cùng hư không phi trạch diệt. Nếu pháp vô ký ở cõi sắc, cõi vô sắc chung cho cả năm bộ tám địa của hai cõi là tất cả tùy miên tùy tăng ở cõi sắc và Vô sắc. Nếu pháp vô ký ở Dục giới bị nhiễm ô thì chỉ do kiến khổ đoạn trừ, nên nó ở cõi dục do kiến khổ đoạn trừ tất cả cùng do kiến tập đoạn trừ các tùy miên biến hành tùy tăng. Còn không nhiễm ô chỉ do tu đạo đoạn trừ, nên là ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ tất cả cùng các tùy miên biến hành tùy tăng. Hư không phi trạch diệt thì không phải là tùy miên tùy tăng.

Pháp thuộc cõi sắc, tất cả là tùy miên tùy tăng nơi cõi sắc: Đây chỉ ở Sắc giới chung nơi năm bộ, bốn địa ở cõi sắc, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Pháp thuộc cõi vô sắc, tất cả là tùy miên tùy tăng ở cõi vô sắc: Thứ này chỉ ở nơi cõi vô sắc chung nơi năm bộ, bốn địa ở cõi vô sắc, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Pháp do kiến đạo đoạn trừ, tất cả là tùy miên tùy tăng do kiến đạo đoạn trừ: Thứ này chung nơi chín địa, ba cõi và bốn bộ trước, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Còn các tùy miên do tu đạo đoạn trừ thì không thể duyên nơi pháp do kiến đạo đoạn, nên không phải các tùy miên tùy tăng do tu đạo đoạn trừ.

Khổ, tập đế, tất cả là tùy miên tùy tăng: Hai đế khổ, tập bao gồm các pháp hữu lậu của năm bộ, chín địa nơi ba cõi, tất cả là tùy miên tùy tăng. Còn diệt và đạo đế không có tùy miên tùy tăng.

Các trí pháp, loại, khổ tập diệt đạo, ba thứ Tam-ma-địa cũng như thế: Tức đều là vô lậu, nên tất cả không là tùy miên tùy tăng. Ba thứ Tam-ma-địa chỉ là vô lậu: Trong đây chỉ nói ba môn giải thoát đã thâu tóm các định.

Bốn tĩnh lự ở cõi sắc là tất cả tùy miên tùy tăng: Bốn tĩnh lự này chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về hữu lậu chỉ ở cõi sắc chung cho năm bộ, chung cho cả nhiễm ô và không nhiễm ô, hoặc định hoặc sinh, đều là bốn tĩnh lự thâu giữ, nên gồm chung là tất cả tùy miên tùy tăng ở cõi sắc. Còn về vô lậu thì không phải là tùy miên tùy tăng.

Bốn vô lượng là biến hành ở cõi sắc, do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng. Trong đây, chỉ nói các vô lượng thành tựu đầy đủ ở cõi sắc. Nhưng hỷ vô lượng chỉ có ở hai tĩnh lự đầu, còn ba vô lượng kia chung cho cả bốn tĩnh lự, đều chỉ do tu đạo đoạn trừ, thế nên nói chung là biến hành ở cõi sắc và do tu đạo đoạn trừ các tùy miên tùy tăng.

Ba giải thoát trước, tám thắng xứ, tám biến xứ trước, tha tâm trí cũng như thế. Ở đây, cũng nói các giải thoát, thắng xứ, biến xứ đã thành tựu trọn vẹn, chỉ ở cõi sắc do tu đạo đoạn trừ, thâu giữ, nếu dựa vào địa thì có sai khác, như trước đã nói nên biết. Tha tâm trí chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Về hữu lậu chỉ ở cõi sắc chung nơi bốn tĩnh lự do tu đạo đoạn trừ. Trí này và ba thứ hữu lậu trước, như nơi phần vô lượng đã nói.

Bốn vô sắc là tất cả tùy miên tùy tăng ở cõi vô sắc. Trong bốn vô sắc này, ba thứ trước chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Loại thứ tư chỉ là hữu lậu. Về hữu lậu thì chung nơi năm bộ ở cõi vô sắc, chung cho nhiễm ô và không nhiễm ô, hoặc định hoặc sinh, đều do bốn vô sắc này thâu giữ, do đó chúng là tất cả tùy miên tùy tăng ở cõi vô sắc. Về vô lậu thì không phải là tùy miên tùy tăng.

Năm giải thoát sau và hai biến xứ sau là biến hành ở cõi vô sắc và do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng. Trong đây, về hữu lậu tùy theo địa có sai khác, nhưng đều chỉ ở cõi vô sắc và chỉ do tu đạo đoạn, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Về vô lậu thì không phải là tùy miên tùy tăng.

Thế tục trí, trừ kiến duyên với vô lậu, ngoài ra tất cả đều là tùy miên tùy tăng: Thế tục trí này chung cho cả ba cõi, chín địa, năm bộ, nhiễm ô và không nhiễm ô cùng tất cả tuệ hữu lậu, nên có các tùy miên tùy tăng như thế.

Trừ kiến duyên nơi vô lậu: Nghĩa là trừ tà kiến do kiến diệt, đạo đoạn trừ, nên đối với thế tục trí không phải là đối tượng duyên bị trói buộc. Duyên với vô lậu nên không phải là tương ưng với trói buộc, vì tự tánh không tương ưng với tự tánh, nên tà kiến tức là thế tục trí.

Nhưng các tùy miên đối với thế tục trí nơi đối tượng duyên tương ưng với hai thứ trói buộc, do sai biệt nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Hoặc có tùy miên đối với thế tục trí là đối tượng duyên bị trói buộc không phải là tương ưng với trói buộc: Nghĩa là kiến duyên nơi hữu lậu.

2. Hoặc có tùy miên đối với thế tục trí là tương ưng với trói buộc không phải là đối tượng duyên bị trói buộc: Nghĩa là trừ kiến duyên nơi vô lậu, còn lại là các thứ tùy miên duyên nơi vô lậu.

3. Hoặc có tùy miên đối với thế tục trí là đối tượng duyên bị trói buộc cũng là tương ưng với trói buộc: Nghĩa là trừ kiến duyên nơi hữu lậu, còn lại là các tùy miên duyên nơi hữu lậu. Đây là nói chung. Nếu nói riêng, thì nếu tùy miên đối với trí kia là đối tượng duyên bị trói buộc, tức đối với trí kia không phải là tương ưng với trói buộc.

Nếu tùy miên đối với trí kia đã là tương ưng với trói buộc thì đối với trí kia không phải là đối tượng duyên bị trói buộc.

4. Hoặc có tùy miên đối với thế tục trí không phải là đối tượng duyên bị trói buộc cũng không phải tương ưng với trói buộc: Nghĩa là kiến duyên nơi vô lậu.

Ở trong nghĩa này, Tôn giả Vụ nêu bày về bốn trường hợp có khác:

1. Hoặc có tùy miên đối với thế tục trí là đối tượng duyên bị trói buộc không phải là tương ưng với trói buộc: Nghĩa là tự địa duyên nơi tùy miên kiến chưa đoạn của thế tục trí.

2. Hoặc có tùy miên đối với thế tục trí là tương ưng với trói buộc không phải là đối tượng duyên bị trói buộc: Nghĩa là trừ tự địa duyên với cảnh giới khác, hoặc duyên với địa khác, hoặc cảnh giới của mình và cảnh giới khác duyên nhau, hoặc tự địa duyên với pháp khác, hoặc tùy miên kiến duyên nơi vô lậu, hoặc các phần của tự địa còn lại duyên nơi cảnh giới khác, hoặc địa khác duyên, hoặc cảnh giới của mình duyên với cảnh giới khác, hoặc tự địa duyên với các pháp khác, hoặc tùy miên chưa đoạn duyên nơi vô lậu.

3. Hoặc có tùy miên đối với thế tục trí là đối tượng duyên bị trói buộc cũng là tương ưng với trói buộc: Nghĩa là trừ tự địa duyên nơi tùy miên kiến của thế tục trí, các phần còn lại nơi tự địa duyên nơi tùy miên chưa đoạn của thế tục trí. Đây tức là nói chung. Nếu nói riêng thì nếu đối với trí kia đã là đối tượng duyên bị trói buộc thì không tương ưng với trói buộc, nếu đối với trí kia đã tương ưng với trói buộc thì không phải là đối tượng duyên bị trói buộc.

4. Hoặc có tùy miên đối với thế tục trí không phải là đối tượng duyên bị trói buộc cũng không phải là tương ưng với trói buộc: Nghĩa là các tùy miên của địa khác và tùy miên của địa mình đã đoạn trừ hết. Giả như chưa đoạn hết, nhưng là duyên với cảnh giới khác, hoặc duyên với địa khác, hoặc cảnh giới của mình duyên với cảnh giới khác, hoặc địa của mình duyên với pháp khác, hoặc tùy miên kiến duyên nơi vô lậu.

Ba lớp Tam-ma-địa là biến hành nơi cả ba cõi, do tu đạo đoạn trừ là tùy miên tùy tăng: Là ba lớp Tam-ma-địa chung cho cả chín địa, ba cõi, chỉ do tu đạo đoạn nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Kiết hữu thân kiến do kiến khổ đoạn trừ tất cả và do kiến tập đoạn trừ là tùy miên biến hành tùy tăng: Nghĩa là trong ba kiết, kiết hữu thân kiến chung cho cả chín địa của ba cõi, chỉ do kiến khổ đoạn trừ, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Hữu thân kiến nơi kiết thuận phần dưới, hữu thân kiến, biên chấp kiến cũng như thế: Nghĩa là hữu thân kiến trong năm kiết thuận phần dưới cùng hữu thân kiến và biên chấp kiến trong năm kiến cũng chung nơi chín địa của ba cõi, chỉ do kiến khổ đoạn.

Như hữu thân kiến trong ba kiết, kiết giới cấm thủ cũng do kiến khổ đoạn trừ tất cả và do kiến tập đoạn trừ các biến hành, do kiến đạo đoạn trừ duyên nơi hữu lậu là tùy miên tùy tăng. Nghĩa là kiết giới cấm thủ trong ba kiết chung cho cả chín địa của ba cõi, chỉ do kiến khổ, đạo đoạn trừ, chỉ có duyên nơi hữu lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Do kiến đạo đoạn trừ các tùy miên duyên nơi vô lậu, đối với giới cấm thủ không phải là đối tượng duyên bị trói buộc, vì duyên nơi vô lậu, không phải là tương ưng với trói buộc, vì không tương ưng.

Giới cấm thủ và giới cấm thủ nơi thân bị trói buộc cùng giới cấm thủ của kiết thuận phần dưới cũng như thế: Nghĩa là giới cấm thủ trong bốn thủ, giới cấm thủ trong bốn thứ trói buộc thân, giới cấm thủ trong năm kiết thuận phần dưới và giới cấm thủ trong năm kiến cũng đều chung cho cả chín địa nơi ba cõi, chỉ do kiến khổ đạo đoạn, chỉ có duyên nơi hữu lậu v.v… như kiết giới cấm thủ trong ba kiết.

Về kiết nghi: Do kiến đạo đoạn trừ, duyên nơi hữu lậu và nghi này tương ưng với vô lậu, duyên với vô minh là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là kiết nghi trong ba kiết chung cho cả chín địa, ba cõi, bốn bộ trước duyên chung cả hữu lậu và vô lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Do kiến đạo đoạn trừ phần duyên nơi hữu lậu: Nghĩa là do kiến khổ, tập đoạn trừ tất cả, và do kiến diệt, đạo đoạn trừ các tùy miên duyên nơi hữu lậu, cũng do kiến diệt, đạo đoạn trừ các tùy miên duyên nơi vô lậu, đối với kiết nghi, không phải là đối tượng duyên bị trói buộc, vì duyên với vô lậu, không phải là tương ưng với trói buộc, hoặc là do khác tụ, hoặc là tự tánh không tương ưng với tự tánh.

Nghi nơi kiết thuận phần dưới, tùy miên nghi và kiết nghi cũng như vậy: Nghĩa là kiết nghi trong năm kiết thuận phần dưới, tùy miên nghi của bảy tùy miên, kiết nghi trong chín kiết cũng đều chung nơi ba cõi, chín địa, bốn bộ trước duyên nơi hữu lậu và vô lậu, như kiết nghi trong ba kiết.

Về căn bất thiện tham, sân: Duyên nơi hữu lậu ở cõi dục là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là tham, sân trong ba căn bất thiện chỉ chung nơi năm bộ ở cõi dục, chỉ duyên nơi hữu lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Còn tùy miên duyên nơi vô lậu đối với tham sân thì không phải là đối tượng duyên bị trói buộc vì duyên với vô lậu, không phải tương ưng với trói buộc vì thuộc tụ khác. Các phần còn lại căn cứ theo đây nên biết.

Kiết sân nơi hai thứ trói buộc thân trước, nơi hai cái trước, thuộc hai kiết trước trong năm kiết thuận phần dưới, kiết sân thuộc hai tùy miên trước cũng như vậy: Nghĩa là tham, sân trong bốn thứ trói buộc thân, tham sân nơi năm cái, kiết sân trong năm kiết, tham sân của năm kiết thuận phần dưới, sân hận, dục tham trong bảy tùy miên, kiết sân trong chín kiết, cũng chỉ chung nơi năm bộ ở cõi dục, chỉ duyên nơi hữu lậu v.v… như căn bất thiện tham sân.

Về căn bất thiện si: Trừ vô minh duyên nơi vô lậu ở cõi dục, còn lại tất cả là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là si trong ba căn bất thiện chỉ chung nơi năm bộ của cõi dục, duyên với hữu lậu và vô lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Trừ vô minh duyên nơi vô lậu, là do kiến diệt, đạo đoạn trừ vô minh không chung tương ưng duyên nơi vô lậu, đối với căn bất thiện si không phải là đối tượng duyên bị trói buộc vì duyên nơi vô lậu, không phải là tương ưng với trói buộc vì tự tánh không tương ưng với tự tánh.

Dục lậu ở cõi dục là tất cả tùy miên tùy tăng: Nghĩa là dục lậu trong ba lậu chỉ chung nơi năm bộ của cõi dục, duyên nơi hữu lậu và vô lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Các thứ bộc lưu, ách, thủ dục, cái hôn trầm – thùy miên, trạo cử cũng như vậy: Nghĩa là bộc lưu dục trong bốn bộc lưu, ách dục trong bốn ách, thủ dục trong bốn thủ, cái hôn trầm – thùy miên, trạo cử trong năm cái cũng chỉ chung nơi năm bộ ở cõi dục, duyên nơi hữu lậu và vô lậu, cũng như dục lậu.

Hữu lậu ở cõi sắc, vô sắc là tất cả tùy miên tùy tăng: Nghĩa là hữu lậu trong ba lậu chung nơi tám địa, năm bộ của cõi sắc, vô sắc, duyên nơi hữu lậu và vô lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Bộc lưu hữu, ách hữu, ngã ngữ thủ cũng như vậy: Nghĩa là bộc lưu hữu trong bốn bộc lưu, ách hữu trong bốn ách, ngã ngữ thủ trong bốn thủ cũng đều chung nơi tám địa, năm bộ nơi cõi sắc, vô sắc, duyên nơi hữu lậu và vô lậu, cũng như hữu lậu.

Vô minh lậu, trừ vô minh duyên nơi vô lậu, còn lại là tất cả tùy miên tùy tăng: Nghĩa là vô minh lậu trong ba lậu chung nơi chín địa, năm bộ của ba cõi, duyên nơi hữu lậu và vô lậu, nên có từng ấy các tùy miên tùy tăng. Trừ vô minh duyên với vô lậu: Tức vô minh kia đối với vô minh lậu không phải là đối tượng duyên bị trói buộc vì duyên với vô lậu, không phải là tương ưng với trói buộc do tự tánh không tương ưng với tự tánh.

Bộc lưu vô minh, ách vô minh, tùy miên vô minh, kiết vô minh cũng như thế: Nghĩa là bộc lưu vô minh trong bốn bộc lưu, ách vô minh trong bốn ách, tùy miên vô minh trong bảy tùy miên, kiết vô minh trong chín kiết cũng đều chung nơi chín địa, năm bộ của ba cõi, duyên nơi hữu lậu và vô lậu, cũng như vô minh lậu.

Bộc lưu kiến, ách kiến do kiến đạo đoạn trừ duyên nơi hữu lậu và kiến tương ưng với vô minh duyên nơi vô lậu là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là bộc lưu kiến trong bốn bộc lưu, ách kiến trong bốn ách cũng chung nơi chín địa, bốn bộ trước của ba cõi, duyên nơi hữu lậu và vô lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Trừ tà kiến, nghi duyên với vô lậu và nghi đó tương ưng với vô minh, cùng vô minh không chung duyên với vô lậu, do chúng đối với bộc lưu kiến, ách kiến không phải là đối tượng duyên bị trói buộc vì duyên với vô lậu, không phải là tương ưng với trói buộc, do tự tánh không tương ưng với tự tánh, hoặc thuộc tụ khác.

Các thứ kiến thủ, tà kiến, tùy miên kiến, kiết kiến cũng như thế: Nghĩa là kiến thủ trong bốn thủ, tà kiến trong năm kiến, tùy miên kiến trong bảy tùy miên, kiết kiến trong chín kiết cũng đều chung nơi chín địa, bốn bộ trước của ba cõi, duyên nơi hữu lậu và vô lậu, như bộc lưu kiến, ách kiến.

Chấp điều ấy là thật trói buộc thân do kiến đạo đoạn trừ, duyên nơi hữu lậu là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là chấp điều ấy là thật trói buộc thân trong bốn thứ trói buộc thân chung cho cả chín địa, bốn bộ trước của ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Kiến thủ và kiết thủ cũng như vậy: Nghĩa là kiến thủ trong năm kiến, kiết thủ trong chín kiết, cũng chung cho cả chín địa, bốn bộ trước của ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, như chấp điều ấy là thật nơi bốn thứ trói buộc thân.

Cái ố tác biến hành ở cõi dục và do tu đạo đoạn trừ, là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là cái ố tác trong năm cái, chỉ ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Kiết xan, tật, mũi lưỡi chạm xúc sinh ra ái thân, kiết xan, tật cũng như vậy: Nghĩa là kiết xan tật trong năm kiết, mũi lưỡi chạm xúc sinh ra ái thân của sáu thứ ái thân, kiết xan, tật trong chín kiết cũng chỉ ở cõi dục, do tu đạo đoạn trừ, như cái ố tác.

Cái nghi ở cõi dục do kiến đạo đoạn, duyên nơi hữu lậu và nghi tương ưng với vô minh duyên nơi vô lậu là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là cái nghi trong năm cái chỉ chung nơi bốn bộ trước ở cõi dục, duyên nơi hữu lậu và vô lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Trừ nghi, tà kiến duyên với vô lậu nơi cõi dục và tà kiến đó tương ưng với vô minh, cùng vô minh không chung duyên với vô lậu, do chúng đối với cái nghi không phải là đối tượng duyên bị trói buộc vì duyên nơi vô lậu, không phải là tương ưng với trói buộc vì tự tánh không tương ung tự tánh, hoặc thuộc về tụ khác.

Kiết tham, mạn duyên nơi hữu lậu của ba cõi là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là kiết tham mạn trong năm kiết chung cho cả chín địa, năm bộ của ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Ý xúc sinh ra ái thân, tùy miên mạn, kiết ái mạn cũng như thế: Nghĩa là ý xúc sinh ra ái thân trong sáu thứ ái thân, tùy miên mạn trong bảy tùy miên, kiết ái mạn trong chín kiết cũng chung cho cả năm bộ, chín địa nơi ba cõi, chỉ duyên nơi hữu lậu, như kiết tham, mạn trong năm kiết.

Sắc tham, biến hành ở cõi sắc, do tu đạo đoạn trừ, là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là sắc tham trong năm kiết thuận phần trên, chỉ ở bốn địa của cõi sắc, do tu đạo đoạn trừ, hiện hành trong thân của bậc Bất hoàn, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Còn trong hàng phàm phu thì biến hành nơi cõi sắc đối với tham kia có đối tượng duyên bị trói buộc.

Vô sắc tham biến hành nơi cõi vô sắc, do tu đạo đoạn trừ, là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là vô sắc tham trong năm kiết thuận phần trên, chỉ ở nơi bốn địa của cõi vô sắc, do tu đạo đoạn trừ, hiện hành trong thân của bậc Bất hoàn, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Ngoài ra, như trước đã nói.

Ba kiết sau nơi năm kiết thuận phần trên là biến hành ở cõi sắc, vô sắc và do tu đạo đoạn trừ, là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là trạo cử, mạn, vô minh trong năm kiết thuận phần trên chung nơi tám địa của cõi sắc, vô sắc, chỉ do tu đạo đoạn, hiện hành trong thân của bậc Bất hoàn, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng. Ngoài ra, như trước đã nói.

Mắt, tai, thân chạm xúc sinh ái thân là biến hành ở cõi dục, do tu đạo đoạn trừ, là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là trong sáu thứ ái thân, mắt, tai, thân chạm xúc sinh ra ái thân chung nơi cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, chỉ do tu đạo đoạn trừ, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Tùy miên hữu tham ở cõi sắc, vô sắc, duyên nơi hữu lậu, là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là tùy miên hữu tham trong bảy thứ tùy miên chung cho cả năm bộ, tám địa nơi hai cõi sắc, vô sắc, chỉ duyên nơi hữu lậu, nên có từng ấy tùy miên tùy tăng.

Tùy miên ở cõi dục do kiến khổ đoạn trừ: Tức ở cõi dục do kiến khổ đoạn trừ tất cả và do kiến tập đoạn trừ các biến hành là tùy miên tùy tăng. Nghĩa là trong chín mươi tám tùy miên, thì ở cõi dục do kiến khổ đoạn trừ mười tùy miên, mỗi mỗi thứ đều là ở cõi dục do kiến khổ đoạn trừ tất cả tùy miên, cùng do kiến tập đoạn trừ các biến hành là tùy miên tùy tăng. Ở cõi dục do kiến tập đoạn trừ tùy miên, tức nơi cõi dục do kiến tập đoạn trừ tất cả, và do kiến khổ đoạn trừ các biến hành là tùy miên tùy tăng. Nghĩa là trong chín mươi tám tùy miên, thì nơi cõi dục do kiến tập đoạn trừ bảy tùy miên, mỗi mỗi thứ đều là ở cõi dục do kiến tập đoạn trừ tất cả tùy miên, cùng do kiến khổ đoạn trừ các biến hành là tùy miên tùy tăng.

Ở cõi dục do kiến diệt đoạn trừ các tùy miên, tức ở cõi dục do kiến diệt đoạn trừ, trừ vô minh không chung duyên với vô lậu, tất cả các thứ còn lại và các biến hành là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là trong chín mươi tám tùy miên, thì ở cõi dục do kiến diệt đoạn trừ bảy thứ tùy miên, mỗi mỗi đều là từng ấy tùy miên tùy tăng.

Ở cõi dục do kiến đạo đoạn trừ tùy miên, tức nơi cõi dục do kiến đạo đoạn trừ, trừ vô minh không chung duyên với vô lậu, tất cả các thứ còn lại và các biến hành là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là trong chín mươi tám tùy miên, thì ở cõi dục do kiến đạo đoạn trừ tám tùy miên, mỗi mỗi đều là từng ấy tùy miên tùy tăng.

Trong phần do kiến diệt và đạo đoạn trừ, đều có nói việc trừ vô minh không chung duyên với vô lậu: Nghĩa là vì vô minh kia đối với tùy miên không phải là đối tượng duyên bị trói buộc, vì duyên với vô lậu, không phải là tương ưng với trói buộc, vì không tương ưng với tùy miên.

Tùy miên ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ: Tức nơi cõi dục do tu đạo đoạn trừ tất cả và các biến hành là tùy miên tùy tăng: Nghĩa là trong chín mươi tám tùy miên, thì ở cõi dục do tu đạo đoạn trừ bốn tùy miên, mỗi mỗi đều là từng ấy tùy miên tùy tăng.

Cả năm bộ tùy miên ở cõi sắc, vô sắc, nói rộng cũng như vậy: Nghĩa là trong chín mươi tám tùy miên, năm bộ của cõi sắc có ba mươi mốt tùy miên, năm bộ của cõi vô sắc cũng có ba mươi mốt tùy miên, mỗi mỗi đều là giới và bộ của mình, và các biến hành là tùy miên tùy tăng, quảng diễn như đã nói về cõi dục do tương đồng.

HẾT – QUYỂN 86