LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 85

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ MƯỜI MÔN, phần 15

Như Khế kinh nói: Có một Bí-sô đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ nơi chân Phật, rồi ngồi qua một bên, thưa: “Như Thế Tôn nói có cảnh giới minh, cảnh giới tịnh, cảnh giới Không vô biên xứ, cảnh giới Thức vô biên xứ, cảnh giới Vô sở hữu xứ, cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cảnh giới diệt. Bảy cảnh giới như thế thì duyên nơi gì để nêu bày?”. Đức Thế Tôn nói: “Duyên với tối tăm nên nêu bày cảnh giới minh. Duyên với bất tịnh nên nêu bày cảnh giới tịnh. Duyên với nẻo sắc nên nêu bày cảnh giới Không vô biên xứ. Duyên với biên vực tận cùng nên nêu bày cảnh giới Thức vô biên xứ. Duyên với chỗ hiện có nên nêu bày cảnh giới Vô sở hữu xứ. Duyên với hữu thân nên nêu bày cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Duyên với hữu thân diệt nên nêu bày cảnh giới diệt”.

Hỏi: Ở đây Bí-sô đã nương vào sự việc gì để hỏi? Đức Thế Tôn lại dùng sự gì để đáp?

Đáp: Ở đây Bí-sô đã nương vào tướng bao trùm của tám giải thoát để hỏi. Đức Phật cũng dùng tướng bao trùm ấy để trả lời.

Cảnh giới minh: Tức là hai giải thoát đầu.

Cảnh giới tịnh: Tức là giải thoát thứ ba.

Bốn cảnh giới xứ vô sắc: Tức là bốn giải thoát vô sắc.

Cảnh giới diệt: Tức là giải thoát tưởng thọ diệt.

Hỏi: Vì sao vị Bí-sô đã nương vào tướng bao trùm của tám thứ giải thoát để hỏi?

Đáp: Vì vị Bí-sô đó ít ham muốn, biết đủ, che phủ điều thiện của mình, không muốn khiến người khác biết mình có đức độ, nên nêu ra câu hỏi như thế.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn cũng dùng tướng bao trùm của tám giải thoát để đáp?

Đáp: Vì muốn khiến cho ý lạc của Bí-sô kia được thỏa mãn. Tức Bí-sô kia suy nghĩ: Nếu Đức Thế Tôn vì ta dùng tướng bao trùm để giảng nói về tám giải thoát thì hay quá. Do đó Đức Thế Tôn đã dùng tướng bao trùm ấy để đáp.

Ở đây, duyên với tối tăm nên nêu bày cảnh giới minh: Tối tăm tức là cõi dục duyên với tham của sắc xứ. Hai giải thoát đầu là để đối trị nên duyên với nó mà lập ra.

Duyên với bất tịnh nên nêu bày cảnh giới tịnh: Bất tịnh là hai giải thoát đầu. Giải thoát thứ ba là để đối trị nên duyên với chúng mà lập ra.

Duyên với nẻo sắc nên nêu bày cảnh giới Không vô biên xứ: Nẻo sắc tức là tĩnh lự thứ tư. Giải thoát thứ tư là để đối trị nên duyên với nó mà lập ra.

Duyên với biên vực tận cùng nên nêu bày cảnh giới Thức vô biên xứ: Biên vực tận cùng tức là Không vô biên xứ, nó trụ nơi biên vực tận cùng của sắc. Giải thoát thứ năm là để đối trị nên duyên với nó mà lập ra.

Duyên với chỗ hiện có nên nêu bày cảnh giới Vô sở hữu xứ: Chỗ hiện có tức là Thức vô biên xứ, nó có các hành tướng vô biên chuyển biến. Giải thoát thứ sáu là để đối trị nên duyên với nó mà lập ra.

Duyên với hữu thân nên nêu bày cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ: Hữu thân tức là Vô sở hữu xứ. Cõi này cũng có thân sống chết, không phải hoàn toàn không có gì. Giải thoát thứ bảy là để đối trị nên duyên với nó mà lập ra.

Duyên với hữu thân diệt nên nêu bày cảnh giới diệt: Hữu thân diệt tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vì nó có thể diệt pháp hữu thân của cảnh giới Vô sở hữu xứ. Giải thoát thứ tám là để đối trị nên duyên với nó mà lập ra.

Có thuyết nói: Ở đây Bí-sô đã nương vào tướng bao trùm hiển bày lược rộng về lìa nhiễm nơi ba cõi để hỏi, nên Đức Thế Tôn cũng lấy tướng bao trùm ấy để đáp.

Cảnh giới minh: Tức là lược hiển bày về đạo gia hạnh lìa nhiễm nơi cõi dục. Ở đây là duyên với tối tăm để nêu bày. Tối tăm nghĩa là cõi dục duyên với tham năm dục. Gia hạnh của cõi sắc là đối trị nên duyên với nó mà lập ra.

Cảnh giới tịnh: Tức là lược hiển bày về lìa nhiễm nơi cõi dục.

Cảnh giới Không vô biên xứ: Tức là lược hiển bày về lìa nhiễm nơi cõi sắc.

Các cảnh giới Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ: Tức là hiển bày rộng về lìa nhiễm nơi cõi vô sắc.

Cảnh giới diệt: Tức là lược hiển bày về lìa nhiễm nơi cõi vô sắc.

Có thuyết nói: Ở đây, cõi minh: Tức là lược hiển bày về lìa nhiễm nơi cõi dục, chỉ do định vị chí đoạn trừ các tối tăm của dục.

Cảnh giới tịnh: Tức là hiển bày rộng về lìa nhiễm nơi cõi sắc, do bốn tĩnh lự đều gọi là tịnh.

Cảnh giới Không vô biên xứ: Tức là lược hiển bày về lìa nhiễm nơi cõi sắc.

Ba cảnh giới vô sắc xứ sau: Tức là hiển bày rộng về lìa nhiễm ở cõi vô sắc.

Cảnh giới diệt: Tức là lược hiển bày về lìa nhiễm nơi cõi vô sắc.

Ở cõi dục chỉ có một địa nhiễm nên hiển bày lược về sự đối trị. Cõi sắc và cõi vô sắc đều có bốn địa nhiễm, nên hiển bày rộng, lược về các sự đối trị.

Phái Thí Dụ cho: Ở đây Bí-sô dựa vào tướng bao trùm của tám thứ đẳng chí để hỏi. Đức Phật cũng dùng tướng bao trùm đó để đáp, nhưng trong phần kinh văn này người tụng có thêm có bớt. Tức thêm cảnh giới diệt mà giảm cảnh giới rộng.

Cảnh giới minh: Tức là hai tĩnh lự đầu. Ở đây là duyên với tối tăm để nêu bày. Tối tăm tức là duyên với các thứ ngăn che bên ngoài. Hai thứ tĩnh lự đầu là đối trị nên duyên với chúng mà lập ra.

Cảnh giới tịnh: Tức là tĩnh lự thứ ba.

Cảnh giới rộng: Tức là tĩnh lự thứ tư.

Bốn cảnh giới xứ vô sắc: Tức là bốn xứ của cõi vô sắc.

Tức kinh này nói: Khi ấy Bí-sô kia nghe Đức Phật giảng nói thì hết sức vui mừng, kính cẩn tin nhận, lại bạch Phật: “Thưa Đức Thế Tôn! Từ cảnh giới minh cho đến cảnh giới diệt do định nào mà được?”. Đức Phật dạy: “Các cảnh giới như thế do tự hành định khác mà được”. Bí-sô kia nghe xong, kính cẩn tin nhận, vui mừng lễ Phật và lui ra.

Trong đây, có thuyết nói: Vị ấy hỏi vì đạt được cảnh giới.

Lại có thuyết cho: Vị ấy hỏi vì đạt được những đoạn trừ.

Nếu hỏi, vì đạt được cảnh giới thì vị ấy có ý hỏi: Các cảnh giới như thế do định nào đạt được Thể của chúng?

Đức Phật cũng đáp lại ý nói: Từ cảnh giới minh đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ, do định tự hành nên đạt được. Định tự hành tức là cận phần của mình. Do cận phần của mình nên lìa các nhiễm ở địa dưới, đạt được giải thoát ở địa mình. Nghĩa là do cận phần của tĩnh lự thứ nhất lìa nhiễm nơi cõi dục được hai thứ giải thoát đầu. Do cận phần của tĩnh lự thứ tư lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ ba nên được tịnh giải thoát. Do cận phần của Không vô biên xứ lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư nên được giải thoát của Không vô biên xứ. Cho đến do cận phần của Phi tưởng phi phi tưởng xứ lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ nên được giải thoát của Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chỉ có cõi diệt là do các định khác nên đạt được. Định khác nghĩa là định có chỗ nương dựa, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nó là định căn bản của các cõi.

Hoặc có thuyết nói: Đây gọi là định hữu thắng, vì đối với các cõi nó là tối thắng.

Hoặc có thuyết cho: Đây gọi là định tưởng thọ diệt, tức là tưởng thọ diệt xuất nhập nơi định này, do định này nên có được giải thoát thứ tám.

Nếu hỏi, vì đạt được những đoạn trừ thì vị ấy có ý hỏi: Các cảnh giới như thế do định nào đạt được các thứ đoạn trừ kia?

Đức Phật cũng đáp lại ý nói: Từ cảnh giới minh cho đến cảnh giới Vô sở hữu xứ do tự hành định khác nên được. Định tự hành nghĩa là cận phần của mình, tức là định hữu lậu. Còn định khác tức các định vô lậu. Từ cõi dục cho đến cảnh giới Vô sở hữu xứ đều do hai định này lìa nhiễm và đạt được các thứ đoạn trừ. Còn cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ chỉ do định khác đạt được, tức chỉ do các định vô lậu mới có thể lìa được nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đạt được các thứ đoạn trừ kia. Cảnh giới diệt chỉ do cái khác đạt được. Cái khác nghĩa là hữu thân diệt, tức là Niết-bàn, khi nhập Niết-bàn là xả bỏ định diệt tận, nên gọi là đoạn. Do Niết-bàn khác đạt được sự đoạn trừ ấy nên nói do cái khác mà được.

***

* Có tám thắng xứ: Đó là:

1. Bên trong có tưởng sắc, quán phần ít sắc bên ngoài.

2. Bên trong có tưởng sắc, quán nhiều sắc bên ngoài.

3. Bên trong không có tưởng sắc, quán phần ít sắc bên ngoài.

4. Bên trong không có tưởng sắc, quán nhiều sắc bên ngoài.

5 -> 8. Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài có màu xanh, vàng, đỏ, trắng, là cả bốn thứ.

Tám thứ như thế gọi là tám Thắng xứ.

Hỏi: Tự tánh của tám thắng xứ này là gì?

Đáp: Tám thắng xứ lấy căn thiện không tham làm tự tánh để đối trị với tham. Nếu gồm thâu cả tương ưng, tùy chuyển, thì ở cõi dục lấy bốn uẩn làm tự tánh. Ở cõi sắc lấy năm uẩn làm tự tánh. Như thế gọi là tự tánh, là bản tánh, tướng phần, tự thể ngã vật của Thắng xứ.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là thắng xứ? Thắng xứ là nghĩa gì?

Đáp: Cảnh của đối tượng duyên thù thắng nên gọi là thắng xứ.

Lại nữa, thắng vượt các phiền não nên gọi là thắng xứ. Tuy khi tu hành quán, không phải tất cả cảnh của đối tượng duyên đều có thể thắng, nhưng ở nơi đối tượng duyên không khởi phiền não cũng gọi là thắng.

Như Khế kinh nói: Đối với xứ này là thắng, hơn, nên gọi là thắng xứ.

Tám thắng xứ này: Về cõi: Đều là cõi sắc.

Về địa: Bốn thắng xứ trước thuộc về hai tĩnh lự đầu và định vị chí cùng tĩnh lự trung gian. Bốn thắng xứ sau thuộc về tĩnh lự thứ tư.

Về chỗ nương dựa: Tám thắng xứ này đều nương dựa vào thân cõi dục để khởi.

Về hành tướng: Tất cả đều không có hành tướng phân minh.

Về đối tượng duyên: Tám thắng xứ này đều duyên với tất cả sắc xứ của cõi dục.

Hỏi: Nếu như thế thì điều nơi kinh nói làm sao thông?

Như nói: Tôn giả Vô Diệt khi ngụ trong một Tinh xá tại thành Thất-la-phiệt. Lúc đó, có bốn thiên nữ ý vui vẻ cùng đến chỗ Tôn giả thưa: “Chúng con đối với bốn sắc xứ đều chuyển biến tự tại, có thể biến hóa thành đủ hình sắc tùy chỗ yêu thích để tự thọ hưởng theo tâm ý, kể cả các thứ y phục, vật dụng đều biến hiện được cả, xin Thánh giả thâu nhận chúng con theo hầu hạ”. Tôn giả Vô Diệt thầm nghĩ: “Ta nên duyên với các nàng này khởi quán bất tịnh”. Nghĩ rồi liền nhập tĩnh lự thứ nhất duyên với bốn thiên nữ ấy nhưng không khởi được tưởng bất tịnh. Sau đó, nhập vào tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư duyên với bốn thiên nữ cũng không khởi được tưởng bất tịnh. Lại nghĩ: “Thân các thiên nữ này có đủ màu sắc dễ khiến mê hoặc làm rối loạn lòng người. Nếu như họ cùng là một màu thì đối với họ ta sẽ khởi quán bất tịnh được”. Nghĩ rồi liền nói: “Trước đây các cô cho là có thể chuyển biến tự tại đối với bốn sắc xứ, nay xin có thể vì ta mà tất cả cùng biến thành màu xanh”. Các nàng này tuân lời liền hiện ra màu xanh, nhưng khi Tôn giả duyên thì cũng không khởi tưởng bất tịnh được. Tôn giả lại nghĩ: “Trong bốn màu họ đều biến đổi tự tại, nếu với màu khác mình có thể khởi quán bất tịnh được chăng?”. Nghĩ xong, liền nói họ cùng hiện thành màu vàng. Thiên nữ liền biến thành màu vàng, nhưng khi duyên thì cũng không khởi được tưởng bất tịnh. Lại nói nên hiện thành màu đỏ thì cũng không khởi tưởng bất tịnh được. Lại nghĩ: “Trong các màu thì màu trắng là thuận cho việc khởi quán bất tịnh nhất”. Liền nói các thiên nữ hiện thành màu trắng, nhưng cuối cùng cũng không khởi được tưởng bất tịnh. Tôn giả liền suy nghĩ: “Màu sắc của trời thật thù diệu khó có thể chế phục hơn được”. Tôn giả bèn nhắm mắt im lặng ngồi yên. Các thiên nữ biết Tôn giả không còn tâm nhiễm nên nhìn nhau xấu hổ, liến biến mất. Khi đó, Tôn giả nhập định cũng không thắng được cảnh mà cảnh cũng không thắng được định của Tôn giả. Như hai lực sĩ lần lượt cho thấy sức ngang nhau nên không ai thắng được ai, việc này cũng như thế.

Vậy điều kinh ấy nói làm sao thông?

Đáp: Tôn giả Vô Diệt đối với cảnh của thiên sắc tuy không thể thắng, nhưng với Tôn giả Xá-lợi-tử do có lợi căn và định hơn hẳn nên đều có thể thắng.

Hỏi: Từng có việc duyên với sắc thân của Phật, có thể khởi quán bất tịnh chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không được. Vì sắc thân của Phật sáng ngời, chói lọi, thanh tịnh không cấu uế nên không thể duyên vào đấy khởi tưởng bất tịnh được.

Lại có thuyết nêu: Tất cả hàng phàm phu, Thanh văn, Độc giác đều không thể duyên nơi sắc thân của Phật để khởi tưởng bất tịnh. Chỉ có Đức Phật đối với sắc thân của mình thừa nhận là có thể duyên khởi tưởng bất tịnh.

Hoặc có thuyết nói: Quán bất tịnh có hai loại: Một là quán lỗi lầm của sắc. Hai là quán duyên khởi của sắc. Quán lỗi lầm của sắc thì không thể duyên với Phật khởi tưởng bất tịnh. Còn quán duyên khởi của sắc thì cũng có thể duyên với Phật khởi tưởng bất tịnh.

Lại có thuyết cho: Quán bất tịnh có hai thứ: Một là đối với tự tướng hoạt động. Hai là đối với cộng tướng hoạt động. Đối với tự tướng hoạt động thì không thể duyên với Phật khởi tướng bất tịnh. Còn nếu đối với cộng tướng hoạt động thì cũng có thể duyên với Phật khởi tưởng bất tịnh.

Hỏi: Các quán bất tịnh là ở tại ý địa hay ở năm thức?

Đáp: Ở tại ý địa không phải ở năm thức.

Hỏi: Nếu như thế thì điều kinh nói làm sao thông? Như kinh nói: Mắt thấy sắc rồi, theo đó quán bất tịnh, tư duy như lý v.v… nói rộng cho đến thân biết chạm xúc rồi, theo đó quán bất tịnh, tư duy như lý.

Đáp: Do năm thức thân theo phương tiện dẫn khởi các quán bất tịnh, nên nói như thế. Như ý cận hành thật sự chỉ là ý địa, năm thức dẫn khởi ở đây cũng như thế.

Hỏi: Các thứ quán bất tịnh đều chỉ duyên với sắc xứ, thì chỉ nên nói là mắt thấy sắc rồi theo đó mà quán bất tịnh, tư duy như lý, vì sao cũng nói tai nghe tiếng rồi v.v… nói rộng cho đến khi thân biết có chạm xúc rồi, tư duy như lý?

Đáp: Như quán bất tịnh có thể điều phục được tham sắc, thì cũng có thể điều phục được tham nơi bốn cảnh khác, nên nói như thế cũng không trái lý.

Có thuyết nói: Mắt thấy sắc rồi v.v… nói rộng cho đến thân biết chạm xúc rồi, mỗi mỗi đều có thể dẫn khởi duyên với sắc mà quán bất tịnh, nên nói như thế.

Hoặc có thuyết cho: Không phải quán bất tịnh duyên với tiếng v.v… mà khởi. Chỉ riêng có hành tướng thù thắng bất tịnh mới có thể duyên với tiếng v.v… sinh ra tướng bất tịnh.

Lại có thuyết nêu: Các Sư Du-già trước duyên với sắc xứ, tu quán bất tịnh. Khi được thành thục rồi sau đó mới duyên với tiếng

v.v… khởi tưởng chán sợ để chế phục thắng được cảnh ấy mới gọi là người khéo có thể hàng phục được. Nếu không thể hàng phục, lại phải duyên với sắc xứ, khởi quán bất tịnh nữa. Cũng như việc tập đánh nhau, những người còn sống từ trong rào chắn nhảy ra cùng đánh với người khác, đánh thắng thì tốt, nếu đánh không thắng thì nhảy trở lại rào chắn. Ở đây cũng như thế, nên không trái nhau.

Có Sư khác nói: Trong Khế kinh này không nói duyên với sắc khởi quán bất tịnh, chỉ nói đối với sắc v.v… cùng khởi tưởng chán bỏ. Khi quán việc này đã hoàn thành rồi, cho đến có thể chán bỏ cả tâm và tâm sở pháp nên kinh ấy nói: Lúc ý đã nhận biết các pháp, mới theo đó quán bất tịnh, tư duy như lý nên bất tịnh nói là hiển bày tưởng chán sợ không phải là quán bất tịnh.

Do đó, tám thắng xứ chỉ lấy tất cả sắc xứ của cõi dục làm cảnh của đối tượng duyên.

Về niệm trụ: Tám thắng xứ này cùng với thân niệm trụ kết hợp.

Về trí: Tất cả đều cùng kết hợp với thế tục trí.

Về Tam-ma-địa: Tất cả đều không cùng kết hợp với Tam-ma-địa.

Về căn tương ưng: Nói chung chỉ cùng tương ưng với hỷ căn, xả căn.

Về ba đời: Tất cả đều chung nơi ba đời là quá khứ, vị lai, hiện tại.

Về duyên với ba đời: Tám thắng xứ này ở quá khứ duyên với quá khứ, ở hiện tại duyên với hiện tại, ở vị lai nếu pháp sinh thì duyên với vị lai, nếu pháp không sinh thì duyên với cả ba đời.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Tám thắng xứ này đều chỉ là thiện.

Về duyên với thiện, bất thiện và vô ký: Tám thắng xứ này đều duyên với cả ba thứ.

Về thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Tám thắng xứ đều thuộc cõi sắc.

Về duyên với thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Tám thắng xứ này đều chỉ duyên với cõi dục.

Về học, vô học và phi học phi vô học: Tám thắng xứ này đều chỉ là phi học phi vô học.

Về duyên với học, vô học và phi học phi vô học: Tám thắng xứ này chỉ duyên với phi học phi vô học.

Về do kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn và không phải đoạn: Tám thắng xứ này đều chỉ do tu đạo đoạn trừ.

Về duyên với kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không phải đoạn: Tám thắng xứ này đều chỉ duyên với tu đạo đoạn.

Về duyên với danh và duyên với nghĩa: Tám thắng xứ này đều chỉ duyên với nghĩa.

Về duyên với sự nối tiếp của mình, sự nối tiếp của người khác và không phải nối tiếp: Hai thắng xứ đầu duyên với sự nối tiếp của mình và của người khác. Sáu thắng xứ sau, có thuyết nói chỉ duyên với sự nối tiếp của người khác. Có thuyết cho là duyên cả sự nối tiếp của mình và của người khác.

Về do gia hạnh đắc, do lìa nhiễm đắc: Tám thắng xứ này đều chung cho cả hai thứ.

Do lìa nhiễm đắc: Ở tĩnh lự thứ nhất khi lìa nhiễm nơi cõi dục là đắc. Ở tĩnh lự thứ hai khi lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ nhất là đắc. Ở tĩnh lự thứ tư khi lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ ba là đắc. Sau này do gia hạnh nên hiện tiền.

Do gia hạnh đắc: Là do gia hạnh nên đắc, cũng do gia hạnh nên hiện tiền. Thanh văn thì do gia hạnh bậc trung, hoặc gia hạnh bậc thượng, Độc giác thì do gia hạnh bậc hạ, còn Phật thì không do gia hạnh mà đắc hoặc hiện tiền.

Về từng được và chưa từng được: Tám thắng xứ này đều chung cho từng được và chưa từng được. Nghĩa là các bậc Thánh và các phàm phu nội pháp đều chung cho cả hai thứ, riêng phàm phu ngoại chỉ là từng được.

Như thế là đã nói về tướng chung của Thắng xứ. Nay sẽ nói rộng về các tướng riêng biệt của chúng.

Bên trong có tưởng sắc quán phần ít sắc bên ngoài, đối với các sắc ấy hoặc xấu hay đẹp đều thấy biết rõ vượt hơn, là thắng xứ thứ nhất.

Ở đây, bên trong có tưởng sắc: Nghĩa là bên trong có các tưởng sắc riêng biệt nhưng chưa lìa bỏ, dẹp trừ.

Quán các sắc bên ngoài: Là đã lìa bỏ, dẹp trừ các tưởng sắc riêng biệt bên trong và do tác ý thắng giải quán các sắc bên ngoài.

Phần ít: Tức có hai thứ ít: Một là đối tượng duyên ít. Hai là tự tại ít.

Hoặc đẹp: Tức các màu sắc xanh vàng đỏ trắng không xấu, hoại.

Hoặc xấu: Tức các màu sắc xanh vàng đỏ trắng xấu, hoại.

Đối với các sắc ấy thấy biết rõ vượt hơn: Nghĩa là để điều phục dục tham, đoạn trừ hủy hoại dục tham, vượt qua các dục tham, nên đối với các sắc ấy khởi thấy biết rõ hơn hẳn để điều phục các sắc ấy được thắng lợi. Nghĩa là thâu giữ chúng cùng điều phục. Cũng như các ông chủ, con của ông chủ thâu giữ sai khiến các kẻ hầu của mình, thế nên gọi là thấy biết rõ, hơn hẳn.

Thứ nhất: Là theo danh số thứ lớp thì nó đứng đầu, hoặc khi nhập định thì thứ tự là thắng xứ thứ nhất. Nghĩa là khi nhập định ấy, tất cả sắc thọ tưởng hành thức thiện hiện có đều gọi chung là thắng xứ.

Như thắng xứ thứ nhất, thắng xứ thứ hai nên biết cũng như thế.

Có sai khác: Là thắng xứ thứ hai quán nhiều sắc bên ngoài. Về nhiều, có hai thứ: Một là đối tượng duyên nhiều. Hai là tự tại nhiều. Các thứ còn lại như trước đã nói.

Bên trong không có tưởng sắc, quán phần ít sắc bên ngoài, đối với các sắc ấy hoặc xấu hoặc đẹp đều thấy biết rõ hơn hẳn, là thắng xứ thứ ba.

Ở đây, bên trong không có tưởng sắc: Nghĩa là các tưởng sắc riêng biệt bên trong đã lìa bỏ, đã đoạn trừ.

Quán các sắc bên ngoài: Là không chỉ các tưởng sắc riêng biệt bên trong đã lìa bỏ, dẹp trừ, mà do tác ý thắng giải quán các sắc bên ngoài.

Các thứ khác như trước đã nói.

Như thắng xứ thứ ba, thắng xứ thứ tư nên biết cũng như thế.

Có sai khác: Là thắng xứ thứ tư quán nhiều sắc bên ngoài.

Bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài có màu xanh, hiển bày hiện rõ vô lượng ánh sáng xanh, vô lượng sự sạch tươi, đẹp đẽ, rất đáng vui mừng, không hề trái nghịch, như hoa Ô-mạc-ca, hoặc như màu xanh của áo nhuộm ở Ba-la-ni-tư. Đối với các sắc ấy đều thấy biết rõ hơn hẳn. Có các tưởng như thế là thắng xứ thứ năm.

Ở đây, bên trong không có tưởng sắc, quán các sắc bên ngoài: Nghĩa như trước đã nói.

Xanh: Nghĩa là các sắc xanh, hoặc lớn hoặc nhỏ gọi chung là xanh.

Màu xanh hiển bày: Nghĩa là màu xanh ấy mắt đã thấy, là cảnh nơi đối tượng hoạt động của mắt, nên gọi là màu xanh hiển bày.

Màu xanh hiện rõ: Nghĩa là màu xanh ấy, như đã được nhãn thức phân biệt rõ, dẫn đến sinh ra ý thức cũng phân biệt nhận biết, nên gọi là màu xanh hiện rõ.

Ánh sáng xanh: Nghĩa là màu xanh ấy sáng rực chói lọi, nên gọi là ánh sáng xanh.

Vô lượng: Nghĩa là màu xanh ấy rộng lớn không bờ bến, nên gọi là vô lượng.

Vô lượng sạch tươi đẹp đẽ: Nghĩa là màu xanh ấy rộng lớn không bờ bến, tức các tướng sạch tươi đẹp đẽ cũng vô biên.

Đáng vui mừng: Nghĩa là màu xanh ấy rất đáng vui, khiến thích ý, vui lòng, nên gọi là đáng vui mừng.

Đáng ưa thích: Nghĩa là màu xanh ấy rất đáng yêu thích, nếu khi đã duyên với màu ấy rồi thì không còn mong cầu đến các thứ khác nữa, nên gọi là đáng ưa thích.

Không hề trái nghịch: Nghĩa là màu xanh ấy khiến tâm rất dễ chịu tùy thuận hướng về, nên gọi là không hề trái nghịch.

Như hoa Ô-mạc-ca, hoặc như màu xanh của áo nhuộm ở xứ Bàla-ni-tư: Nghĩa là màu rất xanh nên dẫn làm thí dụ.

Đối với các sắc ấy đều thấy biết rõ hơn hẳn: Nghĩa như trước đã nói.

Có các tưởng như thế: Nghĩa là đối với màu xanh ấy có các tưởng về màu xanh hiện rõ, như trước đã nói.

Tưởng xanh hiện tiền là thắng xứ thứ năm: Nghĩa cũng như trước đã nói.

Như nói về thắng xứ của màu xanh, các thắng xứ của màu vàng, đỏ, trắng, nên biết cũng như thế.

Có sai khác: Là về thắng xứ màu vàng thì nói như hoa Yết-nica-la. Thắng xứ màu đỏ thì nói như hoa Bàn-độ-thì-phược-ca. Thắng xứ màu trắng thì nói như hoa Ô-sát-tư-tinh. Còn áo nhuộm ở Bà-lani-tư, các màu vàng đỏ trắng tùy loại mà nói.

Hỏi: Trong số bốn hiển sắc ấy thì sắc nào là tối thắng?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Màu trắng là hơn hết, vì ở đời cùng cho là màu của an lành. Cũng như trong bốn phương, phương Đông là tối thắng, là an lành, màu trắng cũng như thế.

Đại đức nói: Khi duyên với màu trắng thì khiến tâm sáng sạch, nó không thuận theo hôn trầm, ham ngủ nghỉ, có thể nhận giữ thân, nên là hơn hết.

***

* Có mười Biến xứ: 1. Xanh. 2. Vàng. 3. Đỏ. 4. Trắng. 5. Đất. 6. Nước. 7. Gió. 8. Lửa. 9. Không vô biên xứ. 10. Thức vô biên xứ.

Hỏi: Tự tánh của mười Biến xứ này là gì?

Đáp: Tám biến xứ trước lấy căn thiện không tham làm tự tánh, tức đối trị tham. Nếu gồm thâu các thứ tương ưng tùy chuyển, thì ở cõi dục lấy bốn uẩn làm tự tánh, ở cõi sắc lấy năm uẩn làm tự tánh. Hai biến xứ sau đều lấy bốn uẩn làm tự tánh.

Như thế gọi là tự tánh, là bản tánh, tướng phần, tự thể ngã vật của biến xứ.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là Biến xứ? Biến xứ có nghĩa gì?

Đáp: Do hai duyên nên gọi là biến xứ: Một là do không gián đoạn. Hai là do rộng lớn.

Do không gián đoạn: Tức là thuần một màu xanh khi tác ý thắng giải, không đan xen lẫn lộn, nên gọi là không gián đoạn.

Do rộng lớn: Tức là khi duyên với màu xanh v.v… thì tác ý thắng giải về các cảnh tướng rộng khắp không bờ, nên gọi là rộng lớn.

Đại đức nói: Vì đối tượng duyên rộng lớn, không có chút gián đoạn, nên gọi là biến xứ.

Mười biến xứ này: Về cõi: Tám biến xứ trước thuộc về cõi sắc. Hai biến xứ sau thuộc về cõi vô sắc.

Về địa: Tám biến xứ trước thuộc về tĩnh lự thứ tư. Biến xứ thứ chín thuộc Không vô biên xứ. Biến xứ thứ mười thuộc Thức vô biên xứ. Vì sao? Vì tịnh giải thoát thuộc tĩnh lự thứ tư, do đấy có thể nhập vào bốn thắng xứ sau và bốn thắng xứ sau này lại có thể nhập vào tám biến xứ trước.

Ở đây giải thoát chỉ ở nơi đối tượng duyên nhận lấy chung tướng tịnh chưa có thể phân biệt các màu xanh vàng đỏ trắng. Bốn thắng xứ sau tuy có thể phân biệt được các màu xanh vàng đỏ trắng, nhưng chưa thể tạo các hành tướng vô biên. Bốn biến xứ trước không chỉ phân biệt được các màu xanh vàng đỏ trắng mà cũng có thể tạo được các hành tướng vô biên. Tức là quán màu xanh v.v… mỗi mỗi đều vô biên rồi lại suy nghĩ: Màu xanh này nương vào đâu? Biết là nó nương dựa vào các đại chủng. Kế đến quán về đất (địa) v.v… mỗi mỗi đều vô biên. Lại tư duy về sắc được nhận biết này do đâu rộng lớn? Biết là do hư không. Sau đó khởi Không vô biên xứ. Lại tư duy về chủ thể hiểu biết này nương dựa vào cái gì? Biết là nương dựa vào thức rộng lớn. Kế đến lại khởi Thức vô biên xứ. Ở đây biết được thức và chỗ nương dựa của nó không khác, nên không lập các thứ trên làm biến xứ.

Về chỗ nương dựa: Tám biến xứ trước chỉ dựa vào thân của cõi dục để khởi. Hai biến xứ sau dựa chung vào thân của ba cõi để khởi. Về hành tướng: Mười biến xứ này đều tạo hành tướng vô biên.

Về đối tượng duyên: Tám biến xứ trước chỉ duyên với sắc xứ của cõi dục. Hai biến xứ sau thì mỗi thứ chỉ duyên vào bốn uẩn nơi địa mình.

Về niệm trụ: Tám biến xứ trước cùng kết hợp với thân niệm trụ.

Hai biến xứ sau thì cùng kết hợp với pháp niệm trụ.

Về trí: Mười biến xứ này đều cùng kết hợp với thế tục trí.

Về Tam-ma-địa: Mười biến xứ này đều không cùng kết hợp với Tam-ma-địa.

Về căn tương ưng: Tất cả chỉ tương ưng với xả căn.

Về ba đời: Tất cả đều chung cho ba đời.

Về duyên với ba đời: Tám biến xứ trước ở quá khứ duyên với quá khứ, ở hiện tại duyên với hiện tại, ở vị lai nếu là pháp sinh thì duyên với vị lai, nếu là pháp không sinh thì duyên với ba đời. Hai biến xứ sau duyên với cả ba đời.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Mười biến xứ này chỉ là thiện.

Về duyên với thiện, bất thiện, vô ký: Tám biến xứ trước duyên với cả ba thứ. Hai biến xứ sau chỉ duyên với thiện và vô ký.

Về thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Tám biến xứ trước chỉ thuộc cõi sắc. Hai biến xứ sau chỉ thuộc cõi vô sắc.

Về duyên với ba cõi hệ thuộc, không hệ thuộc: Tám biến xứ trước chỉ duyên với chỗ hệ thuộc cõi dục. Hai biến xứ sau chỉ duyên với chỗ hệ thuộc cõi vô sắc.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Tất cả đều chỉ là phi học phi vô học.

Về duyên với học, vô học, phi học phi vô học: Mười biến xứ này đều chỉ duyên với phi học phi vô học.

Về do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn, không phải đoạn: Mười biến xứ này đều chỉ do tu đạo đoạn.

Về duyên với kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không phải đoạn: Tám biến xứ trước chỉ duyên với do tu đạo đoạn. Hai biến xứ sau duyên với kiến đạo, tu đạo đoạn.

Về duyên với danh, nghĩa: Mười biến xứ này đều duyên với nghĩa.

Về duyên với sự nối tiếp của mình, của người khác cùng không nối tiếp: Tám biến xứ trước có thuyết nói chỉ duyên với sự nối tiếp của người khác. Có thuyết lại cho là duyên chung cho cả sự nối tiếp của mình và của người khác. Hai biến xứ sau đều duyên với sự nối tiếp của mình và của người khác.

Về do gia hạnh đắc, do lìa nhiễm đắc: Mười biến xứ này đều chung do gia hạnh đạt được và do lìa nhiễm đạt được.

Do lìa nhiễm đạt được: Tám biến xứ trước khi lìa nhiễm ở tĩnh lự thứ ba thì đạt được. Biến xứ thứ chín khi lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ tư là đạt được. Biến xứ thứ mười khi lìa nhiễm của Không vô biên xứ là đạt được. Sau này chúng do các gia hạnh nên hiện tiền.

Do gia hạnh đạt được: Là do gia hạnh nên đạt được, cũng do gia hạnh nên được hiện tiền. Hàng Thanh văn hoặc do gia hạnh bậc trung, hoặc do gia hạnh bậc thượng, Độc giác thì do gia hạnh bậc hạ, riêng Đức Phật thì không do gia hạnh đạt được, cùng hiện tiền.

Về từng được và chưa từng được: Mười biến xứ này đều chung cho cả từng được và chưa từng được. Nghĩa là các bậc Thánh và các phàm phu nội pháp thì chung cho cả từng được và chưa từng được, còn hàng phàm phu ngoại pháp thì chỉ là từng được.

Hỏi: Gia hạnh của mười biến xứ này như thế nào?

Đáp: Bốn biến xứ đầu lấy nhãn thức làm gia hạnh, đến khi thành thục đầy đủ thì duyên với các sắc xứ xanh vàng đỏ trắng làm cảnh. Bốn biến xứ giữa lấy thân thức làm gia hạnh, đến khi thành thục đầy đủ thì duyên với bốn xúc xứ là đất nước lửa gió làm cảnh.

Có thuyết nói: Bảy biến xứ trước lấy nhãn thức làm gia hạnh, một biến xứ giữa lấy thân thức làm gia hạnh. Vì sao? Vì các biến xứ đất nước lửa lấy hình thể của hiển sắc làm đối tượng duyên. Biến xứ gió lấy tánh động nơi xúc làm đối tượng duyên.

Lại có thuyết cho: Tám biến xứ trước đều lấy nhãn thức làm gia hạnh. Vì sao? Vì biến xứ gió cũng lấy sắc làm đối tượng duyên như ở thế gian thường bảo gió đông, gió tây, gió nam, gió bắc, gió đầy bụi, gió không bụi, gió Tỳ-thấp-phược, gió Phệ-lam-bà, gió Phong luân v.v… Cho nên biến xứ gió cũng có duyên với sắc xứ.

Còn Không vô biên xứ lấy khoảng không làm gia hạnh. Thức vô biên xứ lấy thức làm gia hạnh.

Như thế là đã nói về tướng chung của các biến xứ. Nay lược nói về mỗi mỗi tướng riêng của các biến xứ.

Đối với tất cả màu xanh hoặc trên, dưới, các bên, luôn không hai và vô lượng, khởi một tưởng về màu xanh, là biến xứ thứ nhất.

Tất cả màu xanh: Tức là các màu xanh hoặc lớn hoặc nhỏ đều gọi chung là màu xanh.

Trên: Tức là phía trên.

Dưới: tức là phía dưới.

Các bên: Tức là bốn phía chung quanh.

Không hai: Tức là thuần một màu xanh không lẫn lộn thứ khác.

Vô lượng: Tức là không bờ bến, không có giới hạn.

Khởi một tưởng về màu xanh: Tức là tác ý thắng giải đối với mọi nơi, khởi lên tưởng toàn là màu xanh.

Là biến xứ thứ nhất: Thứ nhất là theo danh số thì nó có thứ tự đứng đầu, hoặc khi nhập vào định này thì thứ tự của nó là biến xứ thứ nhất. Nghĩa là khi nhập định ấy, các sắc thọ tưởng hành thức thiện hiện có gọi chung là biến xứ.

Như biến xứ màu xanh, nói rộng cho đến biến xứ Thức vô biên xứ cũng như thế.

Có sai khác: Là hai biến xứ sau không nên nói là sắc, chỉ nên nói là thọ, tưởng, hành, thức uẩn.

Hỏi: Tám biến xứ trước có thể nói là có trên dưới, vì cảnh nơi đối tượng duyên của chúng có nơi chốn phương hướng. Hai biến xứ sau duyên với không và thức, đối tượng duyên ấy không có phương hướng trên dưới như vậy làm sao có thể nói là trên dưới?

Đáp: Đối tượng duyên của hai biến xứ sau tuy không có nơi chốn phương hướng trên dưới, nhưng định được chúng nương vào thì có ba bậc, nên có thể nói trên dưới. Trên tức là nương vào định bậc trên. Dưới tức là nương vào định bậc dưới. Còn nói các bên tức là nương vào định bậc trung.

Lại nữa, kẻ tu hành quán, thân người này có trên dưới, nên có thể nói là trên dưới, các bên, tức như đang ở. Sự việc ấy như thế nào? Ở dưới là chỗ ở của loài người. Ở giữa là các trời Tứ đại vương chúng. Ở trên là trời Ba mươi ba, như thế cho đến trời Tha hóa tự tại. Lần lượt đối chiếu có trên giữa dưới. Trên gọi là ở trên, dưới gọi là ở dưới, giữa gọi là các bên.

Hỏi: Vì sao tĩnh lự thứ ba không có thắng xứ, biến xứ giải thoát?

Đáp: Vì đấy không phải là ruộng, vật chứa (Nơi chốn thích hợp) cho đến nói rộng.

Lại nữa, đối trị ở cõi dục, trong tĩnh lự thứ nhất, các thức thân dẫn khởi duyên với tham sắc, nên hai tĩnh lự đầu lập ra duyên với thắng xứ giải thoát bất tịnh. Tĩnh lự thứ hai, thứ ba không có các thân thức dẫn đến duyên với tham sắc, nên tĩnh lự thứ ba, thứ tư không lập ra duyên với thắng xứ giải thoát bất tịnh. Ba tĩnh lự trước có tầm tứ, hỷ lạc và các sự việc hít thở ra vào với nhiều nhiễu loạn quấy động, nên không có tịnh giải thoát. Bốn thắng xứ sau, tám biến xứ trước duyên với các cảnh sạch đẹp, nên việc có thể điều phục các phiền não thật rất khó khăn, tức phải nương nhờ địa không bị nhiễu loạn quấy động mới thành tựu được.

Lại nữa, tĩnh lự thứ ba cách xa cõi dục, nhưng ở trong các tĩnh lự thì tĩnh lự này không phải là hơn hết, cho nên không có thắng xứ, biến xứ giải thoát.

Lại nữa, tĩnh lự thứ ba như xứ vô sắc thứ ba không có nhiều công đức, cho nên không có giải thoát v.v… Nghĩa là Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ có các công đức của hình tướng vô biên. Phi tưởng phi phi tưởng xứ có công đức của định diệt. Còn Vô sở hữu xứ không có hành tướng vô biên, lại không có định diệt, thế nên công đức của địa này giảm thiểu. Tĩnh lự thứ ba cũng dạng như nó, nên không có công đức của biến xứ, thắng xứ giải thoát.

Lại nữa, tĩnh lự thứ ba có các thứ thọ lạc tối thắng trong sinh tử, có thể khiến các hành giả tham đắm mê loạn, nên không có thắng xứ, biến xứ giải thoát.

Hỏi: Nếu như thế phải nói không có vô lượng chung với các công đức khác chăng?

Đáp: Nói công đức ít chứ không nói là hoàn toàn không có. Nếu trong địa này không có các vô lượng thì tĩnh lự mới là hoàn toàn không có công đức.

Lại nữa, các vô lượng cùng duyên chung với thông tuệ diệu dụng nơi địa này, nên có được công đức của thắng xứ biến xứ giải thoát. Vì duyên riêng với các sắc để điều phục các thứ phiền não rất là khó thành tựu, nên ở địa này không có thắng xứ, biến xứ giải thoát.

Như Khế kinh nói: Người được định của biến xứ địa thì nghĩ: “Đất tức là ta, ta tức là đất, đất với ta không hai không khác”. Còn những người được các định của biến xứ khác tùy theo chỗ duyên của mình nói rộng cũng như thế.

Hỏi: Người được định của biến xứ tất đã lìa bỏ nhiễm ở tĩnh lự thứ ba. Ngã kiến kẻ ấy khởi lên thì ở tĩnh lự thứ tư, nếu là ngã kiến của tĩnh lự thứ tư tất chỉ duyên với tĩnh lự thứ tư. Còn tám biến xứ trước chỉ duyên với sắc xứ của cõi dục làm cảnh. Vậy vì sao nói là cùng với ngã kiến đó đồng duyên nơi địa?

Đáp: Có thuyết cho: Ở đây là đối với người chưa được định ấy mà nói tiếng là đã được định, cũng như không phải Sa-môn gọi là Sa-môn, không phải Bà-la-môn gọi là Bà-la-môn. Nghĩa là ở cõi dục do văn, tư trở thành kẻ mới tu tập các biến xứ như đất v.v… cũng chưa thể đoạn dứt các phiền não của cõi dục, cũng chưa được các biến xứ như địa căn bản v.v… nên phải duyên với địa v.v… để khởi ngã kiến.

Hoặc có thuyết nói: Nói những tên cũ thì cũng không trái nhau. Như có vị vua đã mất ngôi nhưng cũng theo thói quen cũ gọi là vua. Như vậy, nếu trước đã được những biến xứ địa v.v… tuy nay đã thoái mất, nhưng cũng gọi là được. Khi người ấy khởi ngã kiến ở cõi dục và duyên với các địa ở cõi dục mà chấp ngã thì cũng không trái lý.

Lại có thuyết nói: Nếu dựa vào việc vào, ra nhanh chóng khởi các ngã kiến của biến xứ mà nói như thế thì cũng không trái. Nghĩa là người đó trước đây đã được biến xứ địa v.v… sau đó lại nhanh chóng thoái chuyển khởi ngã kiến ở cõi dục, rồi duyên với địa ở cõi dục chấp cho là ta, nhanh chóng đạt được trở lại các biến xứ địa v.v… của tĩnh lự thứ tư, và người này lại duyên với địa ở cõi dục làm cảnh.

Như chuyện của Đề-bà-đạt-đa trước đã chứng được tĩnh lự, dùng sức của thần cảnh thông biến thành chú bé mặc áo tơ lụa vàng, như áo người thế tục cài năm thứ hoa lên đầu, đến ngồi lên gối của thái tử Vị Sinh Oán, nũng nịu đùa giỡn, nhưng khiến thái tử biết mình là Tôn giả Đề-bà-đạt-đa biến thành. Khi đó, Vị Sinh Oán rất yêu thương, ôm ấp Đề-bà-đạt-đa cùng đùa giỡn và bảo Đề-bà-đạt-đa hả miệng ra để nhổ nước miếng vào. Đề-bà-đạt-đa vì ham lợi dưỡng nên nuốt hết đàm của thái tử. Do đó Đức Phật quở trách: “Ông là thây chết nuốt nước miếng của người ta”. Kẻ nuốt nước miếng ấy liền thoái chuyển tĩnh lự, nhưng nhanh chóng có được trở lại, nên biến mình vẫn ngồi lên đầu gối của thái tử đùa giỡn. Về ngã kiến của biến xứ nên biết cũng như thế.

Có Sư khác nêu: Ở đây do hữu thân kiến nên trong tĩnh lự thứ tư chấp đất ấy cho là ta, và tám biến xứ trước cũng duyên với đất v.v… nơi tĩnh lự thứ tư v.v…

Hỏi: Tám biến xứ trước há không duyên với các sắc ở cõi dục chăng?

Đáp: Cũng duyên với các sắc ở cõi dục, cũng duyên với các sắc của tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Ở cõi sắc các trời chỉ một màu trắng, làm thế nào duyên với chúng để làm thành màu xanh?

Đáp: Ở cõi sắc, hữu tình chỉ thuần là một màu trắng, còn đấy là phi tình nên cũng có màu xanh.

Lời bình: Người kia không nên nói như thế. Nếu hữu thân kiến cùng với tám biến xứ tương ưng, cùng có, thì có thể nêu vấn nạn: Vì sao pháp tương ưng, cùng có hoặc duyên với tĩnh lự thứ tư, hoặc duyên với cõi dục? Song do hữu thân kiến và tám biến xứ trước không phải là tương ưng, không phải là cùng có, vậy không nên nêu vấn nạn. Nhưng một hữu tình gọi là kẻ chấp ngã, cũng gọi là người được định. Vì hữu thân kiến nên gọi là kẻ chấp ngã, do biến xứ nên gọi là người được định. Vì hữu thân kiến nên chấp đất của tĩnh lự thứ tư cho là ngã. Tám biến xứ trước khi duyên với sắc ở cõi dục, không phải là cùng thời, nên khéo thông suốt với kinh này. Hữu thân kiến này cùng với tám biến xứ đồng nương vào thân mà có cảnh của đối tượng duyên khác.

Như Khế kinh nói: Có định như địa v.v… có biến xứ như địa v.v…

Hỏi: Ở đây định như địa v.v… biến xứ như địa v.v… có gì khác nhau?

Đáp: Định như địa v.v… thuộc về cõi dục, bốn tĩnh lự, còn biến xứ như địa v.v… chỉ ở nơi tĩnh lự thứ tư.

Lại nữa, khi còn gia hạnh gọi là định như địa v.v… khi đã thành tựu trọn vẹn gọi là biến xứ như địa v.v…

Lại nữa, khi còn là nhân gọi là định như địa v.v… khi đã là quả gọi là biến xứ như địa v.v…

Lại nữa, nếu khi làm cho hiểu rõ một phần ít gọi là định như địa v.v… nếu khi làm cho hiểu rõ cùng khắp gọi là biến xứ như địa v.v…

Đó là sự khác nhau.

Hỏi: Giải thoát, thắng xứ, biến xứ có gì khác nhau?

Đáp: Về tên gọi có sai khác. Đây gọi là giải thoát, đây gọi là thắng xứ, đây gọi là biến xứ.

Lại nữa, căn thiện bậc thấp gọi là giải thoát, căn thiện bậc trung gọi là thắng xứ, căn thiện bậc cao gọi là biến xứ.

Lại nữa, căn thiện nhỏ gọi là giải thoát, căn thiện lớn gọi thắng xứ, căn thiện vô lượng gọi là biến xứ.

Lại nữa, chỉ là nhân gọi là giải thoát, chỉ là quả gọi là thắng xứ, chung cho cả nhân và quả gọi là biến xứ.

Lại nữa, có thể buông bỏ gọi là giải thoát, khi điều phục thắng được các cảnh gọi là thắng xứ, còn có đối tượng duyên rộng khắp gọi là biến xứ.

Lại nữa, chỉ tạo thắng giải gọi là giải thoát, có thể hàng phục được các phiền não gọi là thắng xứ, còn đối với cảnh của đối tượng duyên là không hai và vô lượng gọi là biến xứ.

Lại nữa, nếu đã được giải thoát vị tất đã được thắng xứ, biến xứ. Nếu đã được thắng xứ tất đã được giải thoát, nhưng chưa hẳn đã được biến xứ. Nhưng nếu đã được biến xứ tất là được giải thoát và thắng xứ. Vì sao? Vì từ giải thoát mới nhập vào thắng xứ, từ thắng xứ mới nhập vào biến xứ.

Đó gọi là sự sai khác của giải thoát, thắng xứ và biến xứ.

Ở đây, các thứ tám trí, ba Tam-ma-địa, ba lớp Tam-ma-địa v.v… ở chương Trí Uẩn sau sẽ phân biệt rộng.

Còn ba kiết cho đến chín mươi tám tùy miên như nơi phần đầu của Uẩn này đã phân biệt rộng.

HẾT – QUYỂN 85