LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 73

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ MƯỜI MÔN, phần 3

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt. Nếu là pháp thoái chuyển, cõi dục và ba tĩnh lự sau đều có hai thứ, tĩnh lự thứ nhất có ba thứ. Nếu là pháp không thoái chuyển, cõi dục và ba tĩnh lự trước đều chỉ là thiện, tĩnh lự thứ tư có hai thứ.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ hai, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt. Nếu là pháp thoái chuyển, cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, thứ ba, thứ tư đều có hai thứ, tĩnh lự thứ hai có ba thứ. Nếu là pháp không thoái chuyển, cõi dục và ba tĩnh lự trước đều chỉ là thiện, tĩnh lự thứ tư có hai thứ.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ ba, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt. Nếu là pháp thoái chuyển, cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, thứ hai, thứ tư đều có hai thứ, tĩnh lự thứ ba có ba thứ. Nếu là pháp không thoái chuyển, cõi dục và ba tĩnh lự trước đều chỉ là thiện, tĩnh lự thứ tư có hai thứ.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ tư, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt. Nếu là pháp thoái chuyển, cõi dục và ba tĩnh lự trước đều có hai thứ, tĩnh lự thứ tư có ba thứ. Nếu là pháp không thoái chuyển, cõi dục và ba tĩnh lự trước đều chỉ là thiện, tĩnh lự thứ tư có ba thứ. Tức người kia đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, dùng mắt của bốn tĩnh lự để thấy sắc của năm địa, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký và ít nhiều ý thức phân biệt của năm địa, thuận theo hình tướng nên biết.

Trong đây, đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất v.v…, dùng mắt của cõi dục, khi thấy các sắc, khởi nhãn thức phân biệt về sắc đó, vì dựa theo trước dễ hiểu rõ nên không nói lại.

Nếu các phàm phu sinh nơi tĩnh lự thứ nhất, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, khi thấy sắc nơi cõi dục, đối với sắc ấy khởi hai thứ nhãn thức, trừ nhiễm ô. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: cõi dục có ba thứ, tĩnh lự thứ nhất có hai thứ.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi ba thứ nhãn thức. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: Cõi dục có hai thứ, tĩnh lự thứ nhất có ba thứ. Tức người kia đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai, khi dùng mắt của tĩnh lự thứ nhất để thấy sắc nơi cõi dục, đối với sắc ấy khởi nhãn thức phân biệt, nói rộng như trước.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi hai thứ nhãn thức phân biệt đã khởi, như trước đã nói nên biết. Tức người kia khi dùng mắt của tĩnh lự thứ hai để thấy sắc nơi cõi dục, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: Cõi dục có ba thứ, hai tĩnh lự trước có hai thứ.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: cõi dục và tĩnh lự thứ hai đều có hai thứ, tĩnh lự thứ nhất có ba thứ.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ hai, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: Cõi dục và tĩnh lự thứ nhất đều có hai thứ, tĩnh lự thứ hai có ba thứ. Tức người kia đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba, dùng mắt của ba địa để thấy sắc của bốn địa. Hoặc đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư. Hoặc đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, dùng mắt của bốn địa để thấy sắc của năm địa, đối với sắc ấy khởi nhãn thức phân biệt, dựa theo trước nên biết.

Như nói phàm phu sinh nơi tĩnh lự thứ nhất, như thế tức người kia sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thư tư, mỗi mỗi đều nêu bày rộng, thuận theo tướng nên biết.

Đã nói về phàm phu. Nếu các Thánh giả chưa lìa nhiễm của cõi dục, khi thấy sắc của cõi dục, đối với sắc ấy khởi ba thứ nhãn thức. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ba thứ phân biệt của cõi dục. Tức nếu người kia đã sinh nơi cõi dục, đã lìa nhiễm cõi dục, chưa lìa nhiễm của Tĩnh lự thứ nhất, khi dùng mắt của cõi dục để thấy các sắc, đối với sắc ấy khởi hai thứ nhãn thức. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt. Nếu là pháp thoái chuyển, cõi dục có ba thứ, tĩnh lự thứ nhất có hai thứ. Nếu là pháp không thoái chuyển, cõi dục và tĩnh lự thứ nhất đều có hai thứ. Tức người kia khi dùng mắt của tĩnh lự thứ nhất để thấy sắc của cõi dục, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: tĩnh lự thứ nhất có hai thứ, ở cõi dục nếu là pháp thoái chuyển thì có ba thứ, nếu là pháp không thoái chuyển thì có hai thứ.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt, tĩnh lự thứ nhất có ba thứ, cõi dục chỉ là thiện. Tức người kia đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai, khi dùng mắt của tĩnh lự thứ nhất để thấy sắc của cõi dục, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt. Nếu là pháp thoái chuyển, cõi dục có ba thứ, tĩnh lự thứ nhất có hai thứ. Nếu là pháp không thoái chuyển, cõi dục có hai thứ, tĩnh lự thứ nhất chỉ là thiện.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt, cõi dục chỉ là thiện, tĩnh lự thứ nhất nếu là pháp thoái chuyển thì có ba thứ, nếu là pháp không thoái chuyển thì chỉ là thiện. Tức người kia khi dùng mắt của tĩnh lự thứ hai để thấy sắc của cõi dục, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt. Nếu là pháp thoái chuyển, cõi dục có ba thứ, hai tĩnh lự trước đều có hai thứ. Nếu là pháp không thoái chuyển, cõi dục và tĩnh lự thứ hai đều có hai thứ, tĩnh lự thứ nhất chỉ là thiện.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt, cõi dục chỉ là thiện, tĩnh lự thứ hai có hai thứ, tĩnh lự thứ nhất nếu là pháp thoái chuyển thì có ba thứ, nếu là pháp không thoái chuyển thì chỉ là thiện.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ hai, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt, cõi dục và tĩnh lự thứ nhất đều chỉ là thiện, tĩnh lự thứ hai có ba thứ. Tức người kia đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba, đã dùng mắt của ba địa để thấy sắc của bốn địa. Hoặc đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư. Hoặc đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, dùng mắt của bốn địa để thấy sắc của năm địa, đối với sắc ấy khởi nhãn thức phân biệt, thuận theo tướng nên biết.

Trong đây, đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, khi dùng mắt của cõi dục để thấy các sắc, đối với sắc ấy khởi nhãn thức phân biệt, vì căn cứ theo trước, dễ rõ, nên không nói lại.

Đã nói về Thánh giả sinh nơi cõi dục. Tức Thánh giả kia nếu sinh nơi tĩnh lự thứ nhất, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, khi thấy sắc của cõi dục, đối với sắc ấy khởi hai thứ nhãn thức, sau đấy đối với sắc này lại khởi hai thứ phân biệt của tĩnh lự thứ nhất.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi ba thứ nhãn thức. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ba thứ phân biệt của tĩnh lự thứ nhất. Tức người kia đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai, dùng mắt của tĩnh lự thứ nhất để thấy sắc của cõi dục, đối với sắc ấy khởi nhãn thức phân biệt, căn cứ theo trước, nên biết.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi hai thứ nhãn thức. Sau đấy đối với sắc này lại khởi hai thứ phân biệt của hai tĩnh lự trước. Tức người kia dùng mắt của tĩnh lự thứ hai để thấy sắc của cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi hai tĩnh lự trước, đều có hai thứ phân biệt.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ hai, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt, tĩnh lự thứ nhất chỉ là thiện, tĩnh lự thứ hai có ba thứ. Tức người kia đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba, khi dùng mắt của tĩnh lự thứ nhất để thấy sắc của cõi dục cùng tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi nhãn thức phân biệt, căn cứ theo trước, nên biết. Tức người kia khi dùng mắt của tĩnh lự thứ hai để thấy sắc của cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: tĩnh lự thứ nhất và thứ ba đều có hai thứ, tĩnh lự thứ hai chỉ là thiện.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ hai, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: hai tĩnh lự trước đều chỉ là thiện, tĩnh lự thứ ba có hai thứ. Tức người kia khi dùng mắt của tĩnh lự thứ ba để thấy sắc của cõi dục và tĩnh lự thứ nhất, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ ba đều có hai thứ, tĩnh lự thứ hai chỉ là thiện.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ hai, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: hai tĩnh lự trước đều chỉ là thiện, tĩnh lự thứ ba có hai thứ.

Khi thấy sắc của tĩnh lự thứ ba, đối với sắc ấy khởi nhãn thức vô phú vô ký. Sau đấy đối với sắc này lại khởi ý thức phân biệt: hai tĩnh lự trước đều chỉ là thiện, tĩnh lự thứ ba có ba thứ. Tức người kia đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba, chưa lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư. Hoặc đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, khi dùng mắt của bốn địa để thấy sắc của năm địa, đối với sắc ấy khởi nhãn thức phân biệt, thuận theo tướng nên biết.

Như nói về Thánh giả sinh nơi tĩnh lự thứ nhất. Như thế tức Thánh giả kia sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, mỗi mỗi đều nêu bày rộng thuận theo tướng nên biết.

Trong đây, nhãn thức dựa vào mắt của địa mình, duyên nơi sắc của địa dưới, thâu nhận có hai thứ, nghĩa là trừ nhiễm ô, duyên nơi sắc của địa mình, thâu nhận có ba thứ. Nếu dựa vào mắt của địa trên, chỉ là vô phú vô ký, vì nhãn thức thiện, nhiễm ô chỉ sinh ở địa mình, thâu nhận hiện ở trước. Do đấy tất định hệ thuộc sự sinh, nên ý thức phân biệt thiện có thể duyên nơi tất cả địa dưới, trên của mình. Ý thức phân biệt nhiễm ô chỉ có thể duyên nơi địa trên mình. Ý thức phân biệt vô phú vô ký chỉ có thể duyên nơi địa dưới của mình. Ý thức phân biệt thiện và nhiễm ô sinh nơi địa dưới của mình, thâu nhận hiện ở trước, không phải sinh nơi địa trên. Ý thức phân biệt vô phú vô ký chỉ sinh nơi địa mình cùng hiện tiền. Do đấy tất định hệ thuộc sinh, nên sau nhãn thức, khởi ý thức phân biệt, không phải chỉ một đời. Giả như trải qua nhiều đời vì duyên nơi sắc đã thấy cũng được khởi.

Hỏi: Duyên gì sinh ở ba tĩnh lự sau, nhưng được hiện khởi nơi nhãn thức của tĩnh lự thứ nhất?

Đáp: Phái Thí Dụ nói: Ai nói sinh ở ba tĩnh lự sau, nhưng có thể hiện khởi nơi các thức như nhãn v.v… của địa nơi tĩnh lự thứ nhất?

Sau đó, ba tĩnh lự tự có thức như nhãn v.v… dựa vào căn của địa mình hiểu rõ cảnh thấp của mình. Nếu không như vậy làm sao sinh lên địa trên, tạo ra phương tiện thiện xảo dẫn dắt các thức như nhãn v.v… của các tĩnh lự thứ nhất, khiến hiện ở trước.

Lời bình: Phái Thí Dụ kia không nên tạo thuyết ấy. Nên lập ra thuyết này: Ba tĩnh lự sau không có thức như nhãn v.v… Vì sao? Vì không có tầm tứ và vì năm thức như nhãn v.v… luôn khởi tương ưng với tầm, tứ.

Hỏi: Vì duyên gì sinh ở ba tĩnh lự sau, không dẫn dắt các thức như nhãn v.v… của cõi dục, khiến hiện tiền, mà chỉ dẫn khởi thức của tĩnh lự thứ nhất?

Đáp: Có thuyết nói: Vì cõi dục thấp kém, nên sinh ở địa vượt hơn, không muốn dẫn dắt các thức như nhãn v.v… kia khiến hiện tiền.

Có Sư khác cho: Vì cõi kia riêng lẻ. Tức là các thức như nhãn v.v… hệ thuộc cõi dục, không đồng hệ thuộc với cõi và căn của địa trên. Thức của tĩnh lự thứ nhất với căn của địa trên, tuy không đồng địa, nhưng vì cõi đồng nên cũng căn cứ nơi cõi để khởi.

Hoặc có thuyết nêu: Các thức như nhãn v.v… nơi cõi dục không phải là quả tu, không phải là quả chung, nên dựa vào căn của địa trên, không được hiện khởi. Các thức như nhãn v.v… của tĩnh lự thứ nhất là quả tu, là quả chung, nên dựa vào căn của địa trên, cũng được hiện khởi.

Lại có thuyết biện: Các thức như nhãn v.v… nơi cõi dục không phải là cõi định, không phải là địa tu, không phải là địa lìa nhiễm, nên dựa vào căn của địa trên, không được hiện khởi. Các thức như nhãn v.v… của tĩnh lự thứ nhất là cõi định, là địa tu, là địa lìa nhiễm, nên dựa vào căn của địa trên, cũng được hiện khởi.

Do những thứ nhân duyên như thế, nên sinh nơi ba tĩnh lự sau được khởi các thức như nhãn v.v… của tĩnh lự thứ nhất, không khởi cõi dục. Như nói nhãn thức dựa vào căn của các địa, hiểu rõ sắc của các địa, dẫn sinh ba thứ phân biệt trong ý thức, thường có nhiều ít, các thức như nhĩ v.v… căn cứ ở đây nên biết.

Hỏi: Các Hành giả thành tựu nhãn giới cũng thành tựu sắc giới chăng?

Đáp: Nếu đã thành tựu nhãn giới thì cũng thành tựu sắc giới. Có thành tựu sắc giới nhưng không thành tựu nhãn giới: Nghĩa là sinh nơi cõi dục, nếu chưa được mắt, hoặc được rồi mất. Chưa được mắt: Tức là phần vị Yết-lạt-lam v.v… và người mù bẩm sinh. Được rồi mất: Tức là được mắt rồi, hoặc hư hoại, hoặc bị khêu chọc, hoặc bị trùng ăn, hoặc bị duyên khác làm hủy hoại.

Hỏi: Các Hành giả thành tựu nhãn giới cũng thành tựu nhãn thức giới chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu nhãn giới không thành tựu nhãn thức giới: Nghĩa là sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhãn thức giới không hiện ở trước.

2. Có trường hợp thành tựu nhãn thức giới không thành tựu nhãn giới: Nghĩa là sinh nơi cõi dục, nếu chưa được mắt, hoặc được rồi mất.

3. Có trường hợp thành tựu nhãn giới cũng thành tựu nhãn thức giới: Nghĩa là sinh nơi cõi dục, đã được mắt, không mất. Hoặc sinh nơi tĩnh lự thứ nhất, hoặc sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhãn thức giới hiện ở trước.

4. Có trường hợp không thành tựu nhãn giới cũng không thành tựu nhãn thức giới: Nghĩa là sinh nơi cõi vô sắc.

Hỏi: Các Hành giả thành tựu sắc giới cũng thành tựu nhãn thức giới chăng?

Đáp: Nếu thành tựu nhãn thức giới cũng thành tựu sắc giới. Có thành tựu sắc giới nhưng không thành tựu nhãn thức giới: Nghĩa là sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhãn thức giới không hiện ở trước.

Hỏi: Các Hành giả không thành tựu nhãn giới cũng không thành tựu sắc giới chăng?

Đáp: Nếu không thành tựu sắc giới cũng không thành tựu nhãn giới. Có khi không thành tựu nhãn giới không phải là không thành tựu sắc giới: Nghĩa là sinh nơi cõi dục, nếu chưa được mắt, hoặc được rồi mất.

Hỏi: Các Hành giả không thành tựu nhãn giới cũng không thành tựu nhãn thức giới chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp không thành tựu nhãn giới không phải là không thành tựu nhãn thức giới: Nghĩa là sinh nơi cõi dục, nếu chưa được mắt, hoặc được rồi mất.

2. Có trường hợp không thành tựu nhãn thức giới không phải là không thành tựu nhãn giới: Nghĩa là sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhãn thức giới không hiện ở trước.

3. Có trường hợp không thành tựu nhãn giới cũng không thành tựu nhãn thức giới: Nghĩa là người sinh nơi cõi vô sắc.

4. Có trường hợp không phải không thành tựu nhãn giới cũng không phải không thành tựu nhãn thức giới: Nghĩa là sinh nơi cõi dục, đã được mắt, không mất, hoặc sinh nơi tĩnh lự thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhãn thức giới hiện ở trước.

Hỏi: Các Hành giả không thành tựu sắc giới cũng không thành tựu nhãn thức giới chăng?

Đáp: Nếu không thành tựu sắc giới thì cũng không thành tựu nhãn thức giới. Có khi không thành tựu nhãn thức giới không phải là không thành tựu sắc giới: Nghĩa là sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhãn thức giới không hiện ở trước.

Hỏi: Các nhãn giới không thành tựu, được thành tựu cũng là sắc giới chăng?

Đáp: Nếu sắc giới không thành tựu thì được thành tựu nhãn giới cũng vậy. Có nhãn giới không thành tựu thì được thành tựu không phải là sắc giới: Nghĩa là sinh nơi cõi dục, dần dần được nhãn giới.

Hỏi: Các nhãn giới không thành tựu, được thành tựu cũng là nhãn thức giới chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp nhãn giới không thành tựu, được thành tựu không phải là nhãn thức giới: Nghĩa là chết ở cõi vô sắc, sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, hoặc sinh nơi cõi dục, dần dần đạt được nhãn giới.

2. Có trường hợp nhãn thức giới không thành tựu, được thành tựu không phải là nhãn giới: Nghĩa là sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhãn thức giới hiện ở trước. Hoặc từ cõi kia chết, sinh nơi cõi dục và tĩnh lự thứ nhất.

3. Có trường hợp nhãn giới không thành tựu, được thành tựu cũng là nhãn thức giới: Nghĩa là chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục và tĩnh lự thứ nhất.

4. Có trường hợp nhãn giới không phải là không thành tựu, được thành tựu cũng không phải là nhãn thức giới: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Các sắc giới không thành tựu, được thành tựu cũng là nhãn thức giới chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp sắc giới không thành tựu, được thành tựu không phải là nhãn thức giới: Nghĩa là chết ở cõi vô sắc, sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư.

2. Có trường hợp nhãn thức giới không thành tựu, được thành tựu không phải là sắc giới: Nghĩa là sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhãn thức giới hiện ở trước. Hoặc chết ở cõi sắc kia, sinh nơi cõi dục và tĩnh lự thứ nhất.

3. Có trường hợp sắc giới không thành tựu, được thành tựu cũng là nhãn thức giới: Nghĩa là chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục và tĩnh lự thứ nhất.

4. Có trường hợp sắc giới không phải là không thành tựu, được thành tựu cũng không phải là nhãn thức giới: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Các nhãn giới thành tựu, được không thành tựu cũng là sắc giới chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp nhãn giới thành tựu, được không thành tựu không phải là sắc giới: Nghĩa là sinh nơi cõi dục, đã được mắt mà mất.

2. Có trường hợp sắc giới thành tựu, được không thành tựu không phải là nhãn giới: Nghĩa là người không có mắt của cõi dục, chết sinh nơi cõi vô sắc.

3. Có trường hợp nhãn giới thành tựu, được không thành tựu cũng là sắc giới: Nghĩa là người có mắt của cõi dục, chết sinh nơi cõi vô sắc, hoặc mất ở cõi sắc, sinh nơi cõi vô sắc.

4. Có trường hợp nhãn giới không phải là thành tựu, được không thành tựu cũng không phải là sắc giới: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Các nhãn giới thành tựu, được không thành tựu cũng là nhãn thức giới chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp nhãn giới thành tựu, được không thành tựu không phải là nhãn thức giới: Nghĩa là sinh nơi cõi dục, đã được mắt mà mất. Hoặc ở nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư chết sinh nơi cõi vô sắc.

2. Có trường hợp nhãn thức giới thành tựu, được không thành tựu không phải là nhãn giới: Nghĩa là người không có mắt của cõi dục, chết sinh nơi cõi vô sắc. Hoặc chết ở cõi dục, tĩnh lự thứ nhất, sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, hoặc trụ nơi nhãn thức giới của tĩnh lự đó đã hiện ở trước rồi dứt.

3. Có trường hợp nhãn giới thành tựu, được không thành tựu cũng là nhãn thức giới: Nghĩa là người có mắt của cõi dục, chết sinh nơi cõi vô sắc, hoặc ở tĩnh lự thứ nhất chết, sinh nơi cõi vô sắc.

4. Có trường hợp nhãn giới không phải là thành tựu, được không thành tựu cũng không phải là nhãn thức giới: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Các sắc giới thành tựu, được không thành tựu cũng là nhãn thức giới chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp sắc giới thành tựu, được không thành tựu không phải là nhãn thức giới: Nghĩa là chết ở tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư, sinh nơi cõi vô sắc.

2. Có trường hợp nhãn thức giới thành tựu, được không thành tựu không phải là sắc giới: Nghĩa là chết ở cõi dục, tĩnh lự thứ nhất, sinh nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư. Hoặc ở nhãn thức giới của tĩnh lự kia đã hiện ở trước rồi dứt.

3. Có trường hợp sắc giới thành tựu, được không thành tựu cũng là nhãn thức giới: Nghĩa là chết ở cõi dục, tĩnh lự thứ nhất, sinh nơi cõi vô sắc.

4. Có trường hợp sắc giới không phải là thành tựu, được không thành tựu cũng không phải là nhãn thức giới: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Như nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới, lần lượt cùng đối có mười hai trường hợp. Như thế, nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, lần lượt cùng đối, cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới lần lượt cùng đối, cũng đều nên có mười hai trường hợp.

Như vậy, tức là thuyết giảng đồng phần đối đồng phần. Nếu không đồng phần đối không đồng phần nên tạo ra thuyết này: Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới có năm thứ ba luận chứng (trường hợp). Nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới có bốn thứ ba luận chứng. Tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới có ba thứ ba luận chứng. Thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới có hai thứ ba luận chứng. Thân giới, xúc giới, thân thức giới có một thứ ba luận chứng. Như thế, mỗi mỗi thuận theo tướng, nên biết.

***

* Mười hai xứ: Nghĩa là nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thanh xứ, tỷ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ, ý xứ, pháp xứ.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt rộng nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: “Có Bà-la-môn Sinh Văn đi đến chỗ Đức Phật, đến nơi đảnh lễ hai chân Đức Thế Tôn, chấp tay, cung kính hỏi han Phật, rồi lùi lại ngồi vào một phía, bạch Phật: Kiều Đáp Ma Tôn! Phật thường vì chúng thuyết giảng hai chữ tất cả. Thế nào là tất cả? Theo giới hạn nào để nêu bày tất cả này? Phật bảo Bà-la-môn Sinh văn: Ta nói tất cả tức là mười hai xứ. Đó là nhãn xứ cho đến pháp xứ. Như Lai đã theo giới hạn này để nêu bày về tất cả. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn v.v… nào nói như thế này: Ta có thể bỏ tất cả do Phật đã thuyết giảng, lại thiết lập riêng có lời nói tất cả thì họ chỉ có lời nói, không có nghĩa thật. Nếu hỏi lại, họ sẽ không thể hiểu rõ. Về sau, họ tự tư duy, thẩm xét, càng trở nên mê muội. Vì sao? Vì không phải là cảnh giới của họ”. Khế kinh tuy nêu ra như vậy, nhưng không phân biệt về nghĩa tất cả kia. Kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì Kinh kia chưa nói, nay muốn nói rõ, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nếu tạo ra thuyết này: Nói tất cả nghĩa là mười tám giới. Hoặc tạo ra thuyết này: Nói tất cả nghĩa là năm uẩn và vô vi. Hoặc tạo ra thuyết này: Nói tất cả nghĩa là bốn đế và hư không phi trạch diệt. Hoặc tạo ra thuyết này: Nói tất cả tức là danh với sắc. Các thuyết v.v… như thế, há chỉ có lời nói không có nghĩa thật chăng?

Đáp: Trong đây là ngăn chận về nghĩa không phải ngăn chận về văn, chỉ ngăn chận về sự thiết lập nghĩa, không ngăn chận về sự nêu bày văn. Ý Phật nói: Tánh của tất cả pháp đều gồm thâu vào trong mười hai xứ này. Nếu có người nói: Tôi có thể thiết lập có pháp riêng khác không gồm thâu trong mười hai xứ này, thì người ấy chỉ có lời nói không có nghĩa thật. Không phải ý Phật nói ngoài mười hai xứ không còn có pháp môn nào khác biệt như danh, sắc v.v… Tuy nhiên, giáo pháp mười hai xứ do Phật đã giảng nói là giáo pháp vi diệu thù thắng trên hết, không phải là pháp môn khác.

Hỏi: Vì sao giáo pháp này là vi diệu thù thắng trên hết?

Đáp: Vì giáo pháp này là thuyết giảng ở giữa, gồm thâu hết thảy pháp. Giáo pháp mười tám giới tuy gồm thâu tất cả pháp, nhưng là thuyết giảng rộng, khó có thể tiếp nhận, thọ trì. Vì giáo pháp năm uẩn không phải chỉ thuyết giảng tóm lược nên khó có thể hiểu rõ, cũng không thể gồm thâu tất cả pháp, do uẩn không gồm thâu ba vô vi. Nên chỉ giáo pháp mười hai xứ do Đức Phật đã giảng nói là gồm thâu tất cả pháp, không phải rộng, không phải lược, vì vậy gọi là vi diệu thù thắng trên hết. Do đó, nên nói như thế này: Nếu muốn quát sát tánh tướng của các pháp, cần phải căn cứ ở giáo pháp mười hai xứ như thế. Nếu căn cứ ở mười hai xứ như vậy, nhằm quán sát tánh tướng hiện có của các pháp, tất sinh mười hai trí sáng của cảnh giới, lại hiện ra mười hai ảnh tượng thật nghĩa. Như người dùng đá ngọc để lau mười hai tấm gương sáng, rồi đem treo ở các hướng. Nếu ta bước vào nơi đó, là sẽ hiện ra mười hai ảnh tượng của thân mình. Trong thân mỗi mỗi hữu tình đều có mười hai xứ có thể đạt được.

Hỏi: Nếu trong một thân có mười hai xứ, làm sao kiến lập mười hai xứ?

Đáp: Do tác dụng riêng của tự tánh nơi mười hai xứ kia. Nghĩa là tuy mười hai xứ ở một thân, nhưng mười hai thứ tác dụng của tự tánh có khác biệt, nên không phải hỗ tương lẫn lộn, xen tạp. Như trong một nhà gồm mười hai người có tài nghệ đều riêng, nên tuy cùng ở chung trong một nơi vẫn có mười hai tác dụng của tự tánh.

Lại nữa, do hai sự việc nên lập mười hai xứ: 1. Do đối tượng nương dựa, tức sáu căn như mắt v.v… 2. Do đối tượng duyên, tức sáu trần như sắc v.v…

Lại nữa, do ba sự việc nên lập mười hai xứ: 1. Do tự tánh. 2. Do đối tượng nương dựa. 3. Do đối tượng duyên. Do tự tánh: Là lập nhãn xứ cho đến pháp xứ. Do đối tượng nương dựa: Là lập nhãn xứ cho đến ý xứ. Do đối tượng duyên: Là lập sắc xứ cho đến pháp xứ.

Như thế gọi là bản tánh tướng phần, tự thể vật ngã, tự tánh của các xứ.

Đã nói về tự tánh của xứ. Về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là xứ? Xứ là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa môn sinh là nghĩa của xứ. Nghĩa con đường sinh, nghĩa cất chứa, nghĩa kho lẫm, nghĩa sợi dọc, nghĩa chốn giết hại, nghĩa ruộng, nghĩa ao, nghĩa dòng chảy, nghĩa biển, nghĩa trắng, nghĩa sạch, là nghĩa của xứ, nên biết.

Trong đây, nghĩa môn sinh là nghĩa của xứ: Như các vật xuất sinh trong thành ấp, do vật này nuôi lớn thân của các hữu tình. Như thế, trong đối tượng nương dựa, đối tượng duyên sinh ra các thứ tâm tâm sở pháp này, do đấy nuôi lớn sự nối tiếp của nhiễm tịnh.

Nghĩa con đường sinh là nghĩa của xứ: Như các vật sinh chung nơi con đường, do các vật này nuôi lớn thân các hữu tình. Như thế, các thứ tâm tâm sở pháp đều được sinh chung trong đối tượng nương dựa và đối tượng duyên, do tâm tâm sở này đã nuôi lớn sự nối tiếp của nhiễm tịnh.

Nghĩa cất chứa là nghĩa của xứ: Như trong kho tàng có chứa các vật báu vàng bạc v.v… Như thế, trong đối tượng nương dựa, đối tượng duyên có chứa nhóm các pháp như tâm tâm sở pháp.

Nghĩa kho lẫm là nghĩa của xứ: Như trong kho lẫm có tích chứa các thứ lúa gạo, lúa mạch v.v… Như thế, có các tâm tâm sở pháp được chứa nhóm trong đối tượng nương dựa, đối tượng duyên.

Nghĩa sợi dọc là nghĩa của xứ: Như các sợi ngang xếp bày trên sợi dọc của khung dệt. Như thế, vô số các thứ tâm tâm sở pháp được xếp bày trên đối tượng nương dựa và đối tượng duyên.

Nghĩa chốn giết hại là nghĩa của xứ: Như trong chiến trường chặt đứt trăm ngàn đầu khiến rơi xuống đất. Như thế, trong đối tượng nương dựa và đối tượng duyên có vô số các thứ tâm tâm sở pháp đã bị diệt hoại của vô thường diệt.

Nghĩa ruộng là nghĩa của xứ: Như ở trong thửa ruộng có vô lượng thứ mầm mạ sinh trưởng. Như thế, trong đối tượng nương dựa và đối tượng duyên có vô số các thứ tm, tâm sở pháp được sinh trưởng.

Nghĩa ao là nghĩa của xứ: Như có người hỏi:

Nước từ ao nào chảy?

Xứ nào đạo không thông?

Chốn nào thâu thế gian?

Khổ, vui thảy đều hết.

Đức Thế Tôn bảo:

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân

Ý và các xứ khác

Đây gồm thâu danh sắc

Hay khiến đều trọn vẹn.

Nước từ ao này tuôn

Chốn này đạo không thông

Nơi đây thâu thế gian

Khổ vui thảy đều hết.

Nghĩa dòng chảy là nghĩa của xứ. Như có người hỏi:

Các chỗ sắp chảy, rỉ

Dùng gì để ngăn ngừa?

Nếu từ chỗ kia chảy

Ai có thể chận lấp?

Đức Thế Tôn bảo:

Các chỗ sắp chảy, rỉ

Dùng chánh niệm để ngăn

Nếu từ chỗ đã chảy

Tuệ tịnh có thể lấp.

Nghĩa biển là nghĩa của xứ: Như Đức Thế Tôn nói: Bí-sô nên biết! Các loài hữu tình lấy mắt làm biển. Các sắc hiện tiền là làn sóng lớn kia. Đối với làn sóng lớn sắc, phải tự ngăn chận, chế ngự, con người mới có thể lội qua biển mắt, tránh khỏi dòng nước cuồn cuộn chảy, mọi thứ tai nạn nguy hiểm của La-sát-sa v.v… Cho đến ý pháp, nêu giảng rộng cũng vậy.

Nghĩa trắng là nghĩa của xứ: Tức là xứ như mắt v.v… thô, hiển, sáng rõ.

Nghĩa sạch là nghĩa của xứ: Tức là xứ như mắt v.v… trinh, thật, lắng sạch.

Đó gọi là nghĩa môn sinh cho đến nghĩa sạch.

Luận ngoài nói: Đây gọi là Bột-lộ-noa, như Ma-kiện-địa-ca là ngoại đạo xuất gia nói: Kiều Đáp Ma nói với các Bột-lộ-noa đều đến nhập vào chương câu chú thuật của Ta. Tiếng Bột-lộ-noa bao hàm hai thứ nghĩa: 1. Nghĩa căn bản. 2. Nghĩa có thể tạo tác. Do mười hai xứ làm căn bản cho tâm tâm sở và có thể tác động nơi tâm tâm sở.

Đã nêu tổng quát về lý do lập danh của xứ. Nay sẽ mỗi mỗi nêu bày riêng về tướng của xứ kia.

Hỏi: Thế nào là Nhãn xứ?

Đáp: Các mắt đối với sắc đã đang sẽ thấy và đồng phần của mắt kia. Đó gọi là Nhãn xứ.

Nói sắc v.v… đã thấy: Như đã giải thích trong phần giới, cho đến ý xứ, nên biết cũng vậy.

Hỏi: Thế nào là Sắc xứ?

Đáp: Các sắc được mắt đã đang sẽ thấy và đồng phần của sắc ấy. Đó gọi là sắc xứ.

Nói đã được thấy v.v…: Như đã giải thích trong phần giới, cho đến pháp xứ, nên biết cũng thế.

Hỏi: Nếu mười sắc xứ, phần ít của pháp xứ, Thể đều là sắc, vì sao chỉ một xứ gọi là sắc xứ?

Đáp: Chính vì sắc tướng của một xứ này là thô, rõ rệt, dễ thấy, dễ hiểu, nên gọi là sắc xứ, vì xứ khác thì không như thế, nên lập tên riêng.

Lại nữa, chỉ một xứ này là cảnh của hai mắt, nghĩa là nhục nhãn, thiên nhãn, nên gọi là sắc xứ. Vì xứ khác thì không như thế, nên lập tên riêng.

Lại nữa, chỉ một xứ này là cảnh của ba mắt, tức là nhục nhãn, thiên nhãn, Thánh tuệ nhãn, nên gọi là sắc xứ. Vì xứ khác thì không như vậy, nên lập tên riêng.

Lại nữa, chỉ một xứ này là cảnh của hai mắt, vì là đối tượng duyên của nhãn thức, nên gọi là sắc xứ. Thế nên Tôn giả Diệu Âm nói: “Nếu cảnh của hai mắt là đối tượng duyên của nhãn thức, lập tên là sắc xứ, còn xứ khác thì không như thế”.

Lại nữa, nếu có thô, tế, dài, ngắn, phương xứ đây kia, có thể hiểu rõ, nên lập tên sắc xứ. Vì xứ khác thì không như thế, nên không phải là sắc xứ.

Lại nữa, nếu hình tướng to lớn và có thể chứa nhóm, dễ biết rõ, thì lập tên sắc xứ. Vì xứ khác thì không như vậy, nên không phải là sắc xứ.

Lại nữa, nếu có thể gieo trồng tăng trưởng, dễ hiểu rõ, thì lập tên sắc xứ. Vì xứ khác thì không như thế, nên không phải là sắc xứ. Sự gieo trồng, tăng trưởng chung cho phần trong, ngoài. Gieo trồng phần ngoài tức là khi xuống giống, tăng nghĩa là thời gian nẩy mầm, trưởng nghĩa là lúc sinh cộng, lá, hoa, quả. Sự gieo trồng phần trong tức là phần vị yết-lạt-lam, tăng nghĩa là phần vị Át-bộ-đàm, trưởng nghĩa là phần vị Bế-thi, Kiện-nam, Bát-la-xa-khư v.v…

Lại nữa, nếu có thể thiết lập tánh của lãnh vực, nơi chốn, thì lập tên sắc xứ. Vì xứ khác thì không như vậy, nên không phải là sắc xứ. Chỉ ở sắc xứ mới thiết lập tự tánh của tất cả cạnh góc, nơi chốn, không phải xứ khác.

Lại nữa, nếu có thể thiết lập tánh của du-thiện-na, thì lập tên sắc xứ. Vì xứ khác thì không như thế, nên không phải là sắc xứ. Chỉ nơi sắc xứ mới thiết lập tánh của tất cả du-thiện-na (do-tuần), không phải là xứ khác.

Lại nữa, nếu có thể che trùm các sắc pháp khác, như khăn mũ, thì lập tên sắc xứ. Vì xứ khác thì không như vậy, nên không phải là sắc xứ. Chỉ có sắc xứ mới có thể che trùm chung các sắc pháp khác, không phải là xứ khác.

Lại nữa, nếu xứ có đủ hình sắc, hiển sắc, thì lập tên sắc xứ. Vì xứ khác thì không như vậy, nên không phải là sắc xứ.

Lại nữa, nếu xứ có đủ hai mươi thứ sắc, hoặc hai mươi mốt thứ, thì lập tên sắc xứ. Vì xứ khác thì không như vậy, nên không phải là sắc xứ.

Hỏi: Thế nào gọi là Xúc xứ? Vì có thể tiếp xúc nên gọi là xúc xứ, hay vì thể là tiếp xúc nên gọi là xúc xứ, hay vì là đối tượng duyên của xúc nên gọi là xúc xứ? Giả nêu như thế thì có lỗi gì? Tức cả ba đều có lỗi. Vì sao? Vì nếu là có thể tiếp xúc nên gọi là xúc xứ, thì cực vi lần lượt đã không cùng xúc chạm, làm sao xúc xứ là có thể tiếp xúc? Nếu Thể là tiếp xúc nên gọi là xúc xứ, thì sắc do đại chủng tạo không phải là tự tánh của xúc, như vậy làm sao Thể của xúc xứ là tiếp xúc? Nếu vì là đối tượng duyên của xúc nên gọi là xúc xứ, thì điều này cũng là cảnh của tâm tâm sở khác, sao chỉ nói là đối tượng duyên của xúc?

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Đây là vì có thể tiếp xúc nên gọi là xúc xứ.

Hỏi: Cực vi của vật lần lượt đã không cùng tiếp xúc, làm sao xúc xứ là có thể tiếp xúc?

Đáp: Vì căn cứ ở thế tục mà nói, không căn cứ nơi thắng nghĩa. Tức đời cùng nói cảnh được mắt thọ nhận, gọi là có thể thấy. Cảnh được tai thọ nhận, gọi là có thể nghe. Cảnh được mũi thọ nhận, gọi là có thể ngửi. Cảnh được lưỡi thọ nhận, gọi là có thể nếm. Cảnh được thân thọ nhận, gọi là có thể tiếp xúc. Cảnh được ý thọ nhận, gọi là có thể biết. Thế nên, vì có thể tiếp xúc nên gọi là xúc xứ.

Lại nữa, vì duyên sinh thân thức, nên gọi là xúc xứ. Như Khế kinh nói: Sự tiếp xúc của thân làm duyên sinh ra thân thức. Đây là phân biệt rõ về tâm cảnh của thắng nghĩa, nên đối tượng duyên của thân này gọi là xúc xứ.

Lại nữa, đây gọi là xúc xứ, cũng gọi là xứ nuôi nấng. Do sự nuôi lớn các sắc pháp khác này khiến tăng thịnh, như có thể tăng thêm vui mừng, gọi là hỷ xứ. Vì xứ này có thể nuôi lớn, nên gọi là xứ nuôi nấng.

Tôn giả Thế Hữu tạo ra thuyết này: Cực vi lần lượt hỗ tương tiếp xúc chăng? Đáp: Cùng không hỗ tương tiếp xúc. Nếu cùng tiếp xúc tức nên trụ đến sát-na thứ hai.

Đại đức nói: Tất cả cực vi thật sự không tiếp xúc với nhau, chỉ do vô gián giả lập tên xúc.

Có thuyết cho: Cực vi lần lượt thật sự không tiếp xúc nhau, cũng không phải là vô gián, chỉ hòa hợp trụ, kia, đây gần nhau nên giả lập tên xúc.

Hỏi: Thể của mười hai xứ đều là pháp, vì sao chỉ một thứ được lập tên pháp xứ?

Đáp: Tuy Thể của mười hai xứ đều là pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên pháp xứ cũng không có lỗi, vì có thí dụ. Như Thể của mười tám giới tuy đều là pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên pháp giới. Lại như mười trí, tuy đều là duyên nơi pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên là pháp trí. Lại như bảy giác chi, tuy đều là trạch pháp, nhưng chỉ đối với một thứ được lập tên giác chi trạch pháp. Lại như sáu tùy niệm, tuy đều là duyên nơi pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên pháp tùy niệm. Lại như bốn niệm trụ, tuy đều duyên nơi pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên pháp niệm trụ. Lại như bốn chứng tịnh, tuy đều duyên nơi pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên pháp chứng tịnh. Lại như bốn vô ngại giải, tuy đều duyên nơi pháp, nhưng chỉ đối với một thứ lập tên pháp vô ngại giải. Lại như Tam bảo, Tam quy, tuy thể đều là pháp, nhưng chỉ ở nơi một thứ lập tên Pháp bảo, Quy pháp. Ở đây cũng như thế, tuy thể của mười hai xứ đều là pháp, nhưng chỉ ở nơi một thứ lập tên pháp xứ, cũng không có lỗi.

Lại nữa, pháp xứ có một tên gọi, xứ khác có hai tên gọi. Một tên nghĩa là tên gọi chung, do mười hai xứ đều là pháp. Hai tên nghĩa là tên gọi chung, không chung. Tên gọi chung như trước đã nêu bày. Tên gọi không chung nghĩa là nhãn xứ v.v… Vì muốn cho dễ hiểu nên hiển bày tên gọi không chung, pháp xứ lại không có tên gọi không chung, tức chỉ biểu thị tên chung, nên gọi là pháp xứ.

Lại nữa, sinh khởi tướng sinh của pháp hữu vi chỉ gồm thâu ở tại xứ này, nên gọi riêng là pháp xứ.

Lại nữa, bốn tướng hữu vi là cờ hiệu phong cho tất cả pháp ấn, vì giản biệt hữu vi khác với vô vi, nên tướng hữu vi kia chính được gồm thâu ở xứ này, nên gọi riêng là pháp xứ.

Lại nữa, danh, cú, văn thân, giải thích khẳng định, chỉ bày về tánh tướng của các pháp khiến hiểu rõ, ba thứ kia chính được gồm thâu ở xứ này, nên gọi riêng là pháp xứ.

Lại nữa, như các cửa sổ, vì thông suốt gió nên gọi là nơi chốn gió vận hành. Pháp xứ cũng vậy, vì sinh chung các pháp, nên gọi là pháp xứ. Các nghiệp phiền não và định tuệ, v.v… có thể sinh tất cả pháp hữu vi, cùng có thể chứng chung pháp vô vi.

Lại nữa, thấu suốt tất cả pháp đều không, không ngã, môn giải thoát không vì gồm thâu ở xứ này, nên gọi là pháp xứ.

Hỏi: Tát-ca-da-kiến hay chấp các pháp là ngã, ngã sở, cũng gồm thâu xứ này, vì sao xứ này không gọi là ngã xứ?

Đáp: Tát-ca-da-kiến (Thân kiến) là lối chấp hư vọng, không xứng hợp với thật tướng của các pháp để lãnh hội, thế nên xứ này không lập tên ngã. Môn giải thoát không chứng đạt thật tướng của các pháp, thế nên xứ này căn cứ ở môn giải thoát kia gọi là pháp.

Lại nữa, Niết-bàn trạch diệt là thường, là thiện, là không biến, không đổi, sinh lão bệnh tử không thể hủy hoại, là pháp thắng nghĩa. Pháp đó chỉ được gồm thâu ở xứ này, nên gọi riêng là pháp xứ.

Lại nữa, phân biệt tự tướng, cộng tướng của các pháp, an lập tự tướng, cộng tướng của các pháp, phá vỡ ngu về tự tánh và ngu nơi đối tượng duyên, đối với tất cả pháp không tăng, không giảm, tuệ giải như thật, chỉ thuộc về xứ này, nên gọi là pháp xứ, vì xứ khác thì không như thế, nên lập riêng danh xưng.

Lại nữa, vì xứ này gồm thâu nhiều pháp nên gọi là pháp xứ. Gồm thâu nhiều pháp: Nghĩa là ở xứ này có pháp sắc, pháp phi sắc, pháp tương ưng, pháp không tương ưng, pháp có đối tượng nương dựa, pháp không có đối tượng nương tưạ, pháp có đối tượng duyên, pháp không có đối tượng duyên, pháp có hành tướng, pháp không có hành tướng, pháp có cảnh giác, pháp không có cảnh giác, pháp hữu vi, pháp vô vi. Vì xứ khác thì không như vậy, nên lập riêng danh xưng.

Lại nữa, xứ này vì đối hợp với ý, nên gọi là pháp xứ. Nghĩa là xứ như mắt v.v… chỉ đối hợp với sắc v.v…, chỉ có ý xứ đối hợp với tất cả pháp, nên đối hợp với ý riêng được tên chung.

Do vô số thứ nhân duyên như thế v.v… nên trong mười hai xứ, một xứ gọi là pháp xứ.

Đã thuyết giảng riêng về mỗi mỗi tướng của các xứ xong. Nay nên nói về thứ lớp của các xứ.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn trước nói về nội xứ, sau thuyết giảng về ngoại xứ?

Đáp: Vì căn cứ vào thứ lớp nơi đối tượng nương dựa, đối tượng duyên của sáu thức để nêu giảng.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nơi sáu nội xứ, trước nói về nhãn xứ, sau nói về ý xứ? Đối với sáu ngoại xứ, trước nói về sắc xứ, cho đến sau nói về pháp xứ?

Đáp: Vì tùy thuận nơi tướng của sự giải thích, khẳng định theo văn từ.

Lại nữa, vì tùy thuận nơi pháp thứ lớp của người thuyết giảng, người thọ nhận, người hành trì.

Lại nữa, vì tùy thuận theo pháp của thứ lớp thô, tế. Nghĩa là trong sáu nội xứ, nhãn xứ là rất thô nên nói trước, cho đến ý xứ là rất vi tế nên thuyết giảng sau. Trong sáu ngoại xứ, sắc xứ là rất thô nên nói trước, cho đến pháp xứ là rất vi tế nên thuyết giảng sau.

Lại nữa, vì căn cứ theo thứ lớp định, không định để giảng nói, nên trong sáu nội xứ, năm xứ trước vì quyết định nhận lấy cảnh hiện tại nên thuyết giảng trước, vì ý xứ nhận lấy cảnh không quyết định nên giảng nói sau, tức dùng ba đời và pháp vô vi, hoặc chung, hoặc riêng làm đối tượng được nhận lấy. Bốn xứ trước trong năm xứ trước, vì quyết định nhận lấy sắc được tạo nên nói trước, do thân xứ nhận lấy cảnh không quyết định nên nói sau, nghĩa là dùng chủ thể tạo và sắc được tạo, hoặc chung, hoặc riêng làm đối tượng được nhận lấy, đối với cảnh của đối tượng được nhận lấy trong bốn xứ trước, mau chóng xa ánh sáng nên nói trước, trái với đây nên nói sau.

Căn cứ nơi thứ lớp trước sau của sáu nội xứ để nêu bày, về thứ lớp của sáu ngoại xứ cũng như vậy.

Lại nữa, vì căn cứ theo thứ lớp trên dưới của xứ để nói. Nghĩa là trong một thân, nhãn xứ là trên hết, tiếp theo là nhĩ xứ, tiếp theo là tỷ xứ, tiếp theo nữa là thiệt xứ, thân xứ phần nhiều ở dưới, vì ý không có phương xứ nên thuyết giảng sau cùng.

Căn cứ theo thứ lớp trước sau của sáu nội xứ để thuyết giảng, về sáu ngoại xứ, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, vì căn cứ theo thứ lớp lễ nghi lần lượt gặp nhau của các hữu tình, nên nêu ra thuyết này. Nghĩa là thời gian gặp gỡ: Trước là cùng gặp nhau, tiếp theo là nói năng, bàn bạc, tiếp theo là dâng cúng hương hoa, tiếp theo là bày biện thức ăn uống, tiếp theo là trao cho những ngoạ cụ v.v… mịn màng, đẹp đẽ.

Do sự đắc ý hỗ tương sau cùng này, nên thứ lớp của mười hai xứ là như thế.

HẾT – QUYỂN 73