LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 71

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ MƯỜI MÔN, phần 1

* Hai mươi hai căn cho đến chín mươi tám tùy miên, bốn mươi hai chương như thế cùng giải thích nghĩa của chương, đã lãnh hội xong, nên phân biệt rộng.

***

* Hai mươi hai căn: Nghĩa là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, nữ căn, nam căn, mạng căn, ý căn, lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn, tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, vị tri đương tri căn, dĩ tri căn, cụ tri căn. Phân biệt rộng phần này như sẽ nói trong phẩm Căn, thuộc chương Căn Uẩn ở sau.

***

* Mười tám giới: Nghĩa là nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới. Nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới. Tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới. Thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới. Thân giới, xúc giới, thân thức giới. Ý giới, pháp giới, ý thức giới.

Khế kinh nói về giới này cũng gọi là nói lược, cũng gọi là nói rộng. Gọi là nói lược: Là đối với Kinh Đại Ký, như Đại Thí Dụ, Đại Niết Bàn. Gọi là nói rộng: Là đối với Khế kinh nói về xứ.

Khế kinh nói về xứ kia cũng gọi là nói lược, cũng gọi là nói rộng. Gọi là nói lược: Là đối với Khế kinh nói về giới. Gọi là nói rộng: Là đối với Khế kinh nói về uẩn.

Khế kinh nói về uẩn kia cũng gọi là nói lược, cũng gọi là nói rộng. Gọi là nói lược: Là đối với Khế kinh nói về xứ. Gọi là nói rộng: Là đối với Khế kinh nói về các thọ hiện có đều là khổ.

Các kinh nói về các thọ hiện có kia đều là khổ, chỉ gọi là nói lược, không gọi là nói rộng.

Có thuyết nói: Khế kinh v.v… nói về giới này cũng gọi là nói lược, cũng gọi là nói rộng. Tức căn cứ ở tự thuyết, không đối với kinh khác. Nghĩa là trong kinh nói về giới đã nói rộng về sắc, tâm, nói lược về tâm sở. Khế kinh nói về xứ kia cũng gọi là nói lược, cũng gọi là nói rộng. Tức căn cứ ở tự thuyết, không đối với kinh khác. Nghĩa là trong kinh nói về xứ đã nói rộng về sắc, nói lược về tâm, tâm sở. Khế kinh nói về uẩn kia cũng gọi là nói lược, cũng gọi là nói rộng. Tức căn cứ nơi tự thuyết, không đối với kinh khác. Nghĩa là trong kinh nói về uẩn đã nói rộng về tâm sở, nói lược về sắc, tâm. Các kinh nói về các thọ hiện có kia đều là khổ, chỉ gọi là nói lược, không gọi là nói rộng.

Lại có thuyết cho: Khế kinh nói về giới này gọi là nói rộng, cũng thâu tóm tất cả pháp. Các Kinh Đại Thí Dụ, Đại Niết Bàn v.v… kia, tuy gọi là nói rộng nhưng không thâu tóm tất cả pháp. Khế kinh nói về xứ kia tuy thâu tóm tất cả pháp, nhưng không phải là nói rộng, là nói trung bình. Khế kinh nói về uẩn kia không gọi là nói rộng, vì là nói lược, cũng không thâu tóm tất cả pháp, vì chỉ thâu tóm hữu vi, không phải là vô vi. Các kinh nói về các thọ hiện có kia đều là khổ v.v… không gọi là nói rộng, là vì nói rất tóm lược, nhưng trong đó cũng có thâu tóm tất cả pháp, như nói các pháp là không, là vô ngã v.v…

Có Sư khác nêu: Lại không có Khế kinh nói lược, như nơi các kinh Đức Thế Tôn nói: Thí có hai thứ: 1. Pháp thí. 2. Tài thí. Lại không có Khế kinh nói rộng, như các kinh Đại Thí Dụ. Đại Niết Bàn v.v…

Các thuyết như thế tuy đều có nghĩa, nhưng Đức Phật – Thế Tôn đối với cảnh của đối tượng nhận biết, trước tạo ra việc nói rộng, sau tạo ra việc nói tóm lược. Nghĩa là đối với cảnh của đối tượng nhận biết, trước nói rộng về mười tám giới, sau tức ở mười tám giới này nói lược mười hai xứ.

Lại, tức ở xứ này, trừ pháp vô vi, nói lược là năm uẩn. Đấy gọi là Đức Thế Tôn thuyết pháp rộng lược. Tức căn cứ vào rộng lược như thế mà nói pháp. Như Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-tử: “Đối với Pháp bảo, Ta có thể giảng nói rộng, lược, nhưng người có khả năng am hiểu thật là khó đạt được”.

Lại căn cứ vào sự thuyết pháp rộng lược như thế, Tôn giả Xálợi-tử bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Kính mong Như Lai thuyết pháp rộng, lược. Ở đây, nhất định sẽ có người hiểu được Pháp bảo.

Đối với sự việc như thế, nên tạo ra thí dụ. Như Hải Long vương ở lâu nơi biển cả, oai thế tăng trưởng, bay lên hư không, phát ra mây lớn phủ che khắp cõi hư không, hiện chớp sáng chói, tiếng sấm to gây chấn động báo khắp thế gian: “Ta sẽ trút mưa xuống nơi tất cả cỏ thuốc, cây cối rừng rậm”. Nghe âm thanh như thế, chúng đều sợ hãi, cảm nghĩ thế này: “Đây là xứ của Long vương, uy thế đã gia tăng từ lâu trong biển cả. Hiện nay, nếu trận mưa cứ trút xuống mãi, chưa có kỳ hạn ngừng nghỉ, chúng ta nhất định sẽ bị trôi nổi, chìm ngập”. Bấy giờ, đại địa nghe âm thanh như thế, tâm không sợ hãi, hoài nghi, mặt không có sắc khác, tâm ý kính thỉnh Hải Long vương: “Chỉ nguyện mặc tình trút xuống cơn mưa to vượt qua trăm ngàn năm, chúng ta đều có thể tiếp nhận”.

Đức Thế Tôn cũng như vậy, Đức Thích-ca Mâu-ni trong quá khứ đã từng quán sát thù thắng nơi Đức Nhiên Đăng Bảo Kế Đế Tràng, cho đến sau cuối, ở chỗ Đức Phật Ca Diếp Ba, tăng trưởng tư lương phước đức, trí tuệ, bay lên cõi không của Niết-bàn Hữu dư y, phát khởi mây Đại Bi che khắp thế gian, phát ra ánh chớp tuệ vượt hơn, soi rọi khắp tất cả hư không, dấy tiếng sấm vô ngã, vô úy bố cáo khắp đối tượng được hóa độ: “Xá-lợi-tử v.v… Ta đối với pháp bảo, có thể giảng nói rộng, lược, nhưng người có khả năng am hiểu thật là khó đạt được”.

Bấy giờ, các đối tượng được hóa độ, trừ Tôn giả Xá-lợi-tử, nghe lời nói này của Phật, đều sinh khiếp sợ, có cảm nghĩ: Đức Phật đạt được như thế, xưa chỗ chưa được danh cú, văn thân, đã vì chúng ta giảng nói, e không thể hiểu, chỉ có Tôn giả Xá-lợi-tử trong sáu mươi kiếp, đã tăng trưởng trí kiến mạnh mẽ, nhạy bén, viên mãn cũng như đại địa, nghe lời nói này của Đức Phật, tâm không sợ hãi, hoài nghi, mặt không có sắc khác, có thể đạt vô sở úy, thỉnh Phật: “Kính mong Như Lai nói pháp rộng lược, ở đây nhất định có người am hiểu pháp bảo”.

Hỏi: Cũng nên có pháp không phải là cảnh giới của các Thanh văn, Độc giác. Do duyên gì Tôn giả Xá-lợi-tử kia không sợ mà thỉnh cầu như thế?

Đáp: Tôn giả Xá-lợi-tử kia chỉ thỉnh cầu Đức Phật về đối tượng nhận biết của Thanh văn, không phải là đối tượng nhận biết của Phật, vì cảnh giới của Thanh văn, không phải là cảnh giới của Phật, đối tượng hành trì của Thanh văn, không phải là đối tượng hành trì của Phật, đối tượng đạt tới của căn tánh Thanh văn, không phải là đối tượng đạt tới của căn tánh Phật, nên không trái với lý.

Lại nữa, vì biết Phật mở bày, thừa nhận, nên Tôn giả Xá-lợi-tử mới có lời thỉnh cầu ấy. Nghĩa là Tôn giả Xá-lợi-tử có cảm nghĩ như thế này: “Đức Thế Tôn từ bi, các pháp đã giảng nói tất phải xứng lượng, nhất định có lợi ích lớn, chủ yếu là đồ chứa đựng, là ruộng để tuôn mưa pháp, mưa pháp đã tuôn xuống trọn không vô ích. Các lời nói đã phát ra, tất căn cứ ở pháp khí. Nếu không phải pháp khí thì sau cùng sẽ không phát ngôn. Đức Thế Tôn đã biết ta có khả năng như vậy để tiếp nhận pháp khí, nói lời như thế, nên biết Đức Thế Tôn đã mở bày, chấp nhận lời thỉnh cầu của ta”. Thế nên, Tôn giả đã thỉnh Phật, không có sợ sệt.

Hỏi: Đức Phật đã vì những hữu tình được hóa độ nào để giảng nói ba pháp rộng lược như: uẩn, xứ, giới?

Đáp: Đức Phật đã tùy theo hữu tình được hóa độ còn ngu tối mà giảng nói. Nghĩa là người ngu về giới, Phật vì họ giảng nói về mười tám giới. Nếu là người ngu về xứ, Phật vì họ giảng nói về mười hai xứ. Nếu là người ngu về uẩn, Phật vì họ giảng nói về năm uẩn.

Lại nữa, đối tượng được Đức Thế Tôn hóa độ, lược có ba hạng: 1. Tập nghiệp đầu tiên. 2. Đã tu thường xuyên. 3. Vượt quá tác ý. Đối với người tập nghiệp đầu tiên, vì họ giảng nói mười tám giới. Người đã tu thường xuyên, vì họ giảng nói mười hai xứ. Người vượt quá tác ý, vì họ giảng nói năm uẩn.

Lại nữa, đối tượng được Đức Thế Tôn hóa độ có ba thứ căn: 1. Căn chậm kém. 2. Căn trung bình. 3. Căn nhạy bén. Vì người căn chậm kém giảng nói mười tám giới. Vì người căn trung bình giảng nói mười hai xứ. Vì người căn nhạy bén giảng nói năm uẩn.

Lại nữa, đối tượng được Đức Thế Tôn hóa độ có ba thứ trí: 1. Khai trí. 2. Thuyết trí. 3. Dẫn trí. Vì người khai trí giảng nói năm uẩn. Vì người thuyết trí giảng nói mười hai xứ. Vì người dẫn trí giảng nói mười tám giới.

Lại nữa, đối tượng được Đức Thế Tôn hóa độ có ba thứ ưa thích: 1. Rộng. 2. Trung bình. 3. Lược. Vì người ưa thích rộng giảng nói mười tám giới. Vì người ưa thích trung bình giảng nói mười xứ. Vì người ưa thích tóm lược giảng nói năm uẩn.

Lại nữa, đối tượng được Đức Thế Tôn hóa độ có ba loại kiêu hãnh: 1. Kiêu hãnh cậy vào giòng họ. 2. Kiêu hãnh cậy vào của cải. 3. Kiêu hãnh cậy ở thọ mạng. Đối với người kiêu hãnh cậy vào giòng họ, vì họ giảng nói mười tám giới, tức nghĩa giòng họ là nghĩa của giới, vì chủng loại sang hèn không có khác biệt. Đối với người kiêu hãnh cậy vào của cải, vì họ giảng nói mười hai xứ, tức nghĩa môn sinh là nghĩa của xứ, tùy có chỗ sinh liền tiêu tan hết. Đối với người kiêu hãnh cậy vào thọ mạng, vì họ giảng nói năm uẩn, tức nghĩa chứa nhóm là nghĩa của uẩn, mọi tích tụ về hữu vi tức thì tan diệt.

Lại nữa, đối tượng được hóa độ của Đức Thế Tôn có ba thứ ngu: 1. Ngu về sắc tâm. 2. Ngu về sắc. 3. Ngu về tâm sở. Người ngu về sắc tâm, vì họ giảng nói mười tám giới, nghĩa là ở trong giới này, nêu rộng về sắc tâm, nói lược về tâm sở. Người ngu về sắc, vì họ giảng nói mười hai xứ, nghĩa là ở trong xứ này, nói rộng về sắc, nói lược về tâm tâm sở. Người ngu về tâm sở, vì họ giảng nói năm uẩn, nghĩa là ở trong uẩn này, nói rộng về tâm sở, nói lược về sắc tâm.

Lại nữa, vì người chấp ngã giảng nói mười tám giới: Nghĩa là trong một thân có nhiều giới riêng, vì không có một ngã. Vì người ngu về đối tượng nương dựa và đối tượng duyên giảng nói mười hai xứ: Nghĩa là phân biệt thức có sáu đối tượng dựa, sáu đối tượng duyên. Vì người ngã mạn giảng nói năm uẩn: Nghĩa là thân chỉ có năm uẩn sinh, diệt, không nên nhờ cậy để khởi ngã mạn.

Đức Phật vì những hữu tình được hóa độ như thế giảng nói rộng, lược về ba pháp: uẩn, xứ, giới.

Hỏi: Mười tám giới này, danh có mười tám, còn thật Thể có bao nhiêu?

Đáp: Thật Thể của mười tám giới này, hoặc có mười bảy, hoặc có mười hai. Nếu nói sáu thức, là mất ý giới, lìa sáu thân thức, không có ý giới riêng, nên mười tám giới danh có mười tám, thật Thể có mười bảy. Nếu nói ý giới, là mất sáu thức, lìa ý giới này, không có sáu thức riêng, nên mười tám giới, danh có mười tám giới, thật Thể có mười hai. Như danh với Thể, thì danh nêu bày, Thể nêu bày, danh khác tướng, Thể khác tướng, danh khác tánh, Thể khác tánh, danh sai biệt, Thể sai biệt, danh kiến lập, Thể kiến lập, danh giác, Thể giác, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Nếu mười tám giới, danh có mười tám, Thể hoặc có mười bảy, hoặc có mười hai, làm sao kiến lập mười tám giới?

Đáp: Do ba sự nên kiến lập mười tám: 1. Do đối tượng được nương dựa. 2. Do chủ thể nương dựa. 3. Do cảnh giới. Do đối tượng được nương dựa, nên lập ra sáu giới nội: Nghĩa là nhãn giới cho đến ý giới. Do chủ thể nương dựa, nên lập ra sáu thức giới: Nghĩa là nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Do cảnh giới, nên lập ra sáu giới ngoại: Nghĩa là sắc giới cho đến pháp giới.

Hỏi: Nếu do đối tượng được nương dựa, chủ thể nương dựa, cảnh giới, mỗi thứ đều có sáu, nên lập ra mười tám giới có khác biệt, thì tâm niệm sau cuối của các A-la-hán tức nên không phải là ý giới, vì dựa vào ý giới kia không thể sinh ra thức sau?

Đáp: Thức sau kia cũng là ý giới, dựa vào ý giới ấy không thể sinh ra thức sau: Nghĩa là không phải ý giới kia làm chướng ngại, chỉ vì duyên khác gây chướng ngại, nên thức sau không thể khởi. Giả sử thức sau khởi thì cũng tạo ra đối tượng được nương dựa. Như có duyên khác không sinh ra mầm v.v… há tưới nước, bốn phân cho đất, thì mầm sinh? Vì các thứ kia không phải là chỗ dựa của mầm.

Mười tám giới này, quá khứ, vị lai, hiện tại đều đủ.

Hỏi: Quá khứ có thể có mười tám giới này, do sáu thân thức vô gián đã diệt gọi là ý giới. Vị lai, hiện vì sao cũng có mười tám giới?

Đáp: Mười tám giới này đều được dựa vào tướng mà lập, ba đời đều có tướng của mười tám giới. Nếu thức vị lai, hiện tại không có tướng của ý giới, tất thức quá khứ cũng nên không, do tướng không chuyển biến.

Hỏi: Đẳng vô gián duyên vị lai chưa có, hiện tại, quá khứ cũng nên không lập. Hiện tại, quá khứ này đã được lập, thì ý giới cũng nên như thế chăng?

Đáp: Đẳng vô gián duyên căn cứ ở dụng mà lập. Vì ở vị lai chưa có pháp đẳng vô gián, nên không thể lập đẳng vô gián duyên. Giả sử lập thì đối với ai có tác dụng của duyên ấy? Mười tám giới này căn cứ vào tướng mà lập, vị lai tuy không có tác dụng nơi đối tượng được nương dựa của thức, nhưng đã có thức, nên có thể lập đối tượng được nương dựa, vì thế thức này với thức kia không thể đối chiếu. Tâm niệm sau cùng của các A-la-hán, tuy không phải là đẳng vô gián duyên, mà là ý giới, căn cứ ở đây nên biết.

Trong Khế kinh khác, Đức Thế Tôn tự nói Dụ về ác xoa tụ. Nói dụ này xong, bảo với các Bí-sô: Trong thân hữu tình có nhiều giới tánh. Giới tánh của hữu tình đó cũng được thâu tóm nơi mười tám giới này, vì thuộc về đối tượng được nương dựa, chủ thể nương dựa và cảnh giới.

Lại, Đức Phật ở trong Kinh Đa Giới kia đã giảng nói về sự khác biệt của giới có sáu mươi hai, chúng cũng được thâu tóm nơi mười tám giới này, tức thuộc về ba sự như đối tượng được nương dựa, chủ thể nương dựa và cảnh giới.

Hỏi: Do đâu Đức Thế Tôn vì chúng giảng nói sáu mươi hai giới kia?

Đáp: Vì đối trị thân kiến của ngoại đạo là gốc có sáu mươi hai kiến thú sai biệt. Lại như Đức Thế Tôn bảo Thiên Đế Thích: Kiều Thi Ca nên biết! Đời có vô số loại giới, thuận theo mỗi thứ giới đã tưởng mà đều chấp vướng, thuận theo mỗi thứ chấp vướng mà đều nói về chúng, đều cho đấy là thật, các thứ khác đều là ngu, giả. Các thứ đó cũng được thâu tóm nơi mười tám giới này, tức thuộc về ba sự như đối tượng được nương dựa, chủ thể nương dựa và cảnh giới.

Có thuyết cho: Kinh kia nói các kiến dùng tiếng giới để nói, đều chỉ thâu tóm trong pháp giới này.

Tôn giả Tả Thọ tạo ra thuyết: Do bốn sự nên lập mười tám giới:

1. Do tự tánh. 2. Do đối tượng được tạo tác. 3. Do chủ thể tạo tác. 4. Do sự khác biệt của uẩn. Do tự tánh nên kiến lập sắc giới cho đến giới pháp giới. Do đối tượng được tạo tác nên kiến lập nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Do chủ thể tạo tác nên kiến lập nhãn giới cho đến ý giới. Do sự khác biệt của uẩn nên kiến lập mười tám giới. Nghĩa là sự khác biệt của sắc uẩn kiến lập mười giới và phần ít của một giới. Sự khác biệt của thức uẩn kiến lập bảy tâm giới, ba uẩn được thâu tóm trong một pháp giới. Như thế, gọi là tự tánh của các giới là bản tánh, tướng phần, tự thể của ngã vật.

Đã nói về tự tánh của giới, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là giới? Giới là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa chủng tộc là nghĩa của giới. Nghĩa đoạn, nghĩa phần, nghĩa từng mảnh, nghĩa tướng khác, nghĩa không giống nhau, nghĩa giới hạn sai biệt, nghĩa vô số thứ nhân là nghĩa của giới.

Phái Thanh Luận nói: Vì dong ruổi, lưu chuyển, nên gọi là giới. Vì nhận giữ nên gọi là giới. Vì nuôi lớn nên gọi là giới.

Nên biết trong đây, nghĩa Chủng tộc là nghĩa của giới: Như trong một ngọn núi có nhiều chủng tộc, tức như vàng, bạc, đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc, đá đơn thanh v.v… đất thó trắng v.v… là chủng tộc khác loại. Như thế, ở trong một thân nối tiếp nhau, có chủng tộc khác loại của mười tám giới.

Nghĩa Đoạn là nghĩa của giới: Như có một đoạn vật được bày đặt theo thứ lớp, được vô số thứ danh. Nghĩa là bày đặt theo thứ lớp như đoạn gỗ dùng được v.v… gọi là cung điện, lâu đài, nhà cửa v.v… Bày đặt theo thứ lớp như đoạn dư cam tử v.v… gọi là A-ma-lạc-ca. Bày đặt theo thứ lớp như đoạn phên tre v.v… gọi là tuy, quạt v.v… Bày đặt theo thứ lớp như đoạn xương, thịt v.v… gọi là nam nữ v.v… Như thế, bày đặt theo thứ lớp đoạn mười tám giới như nhãn giới v.v… gọi là hữu tình, Ma-nạp-bà v.v…

Nghĩa Phần là nghĩa của giới: Như trong thân nam có mười tám phần, thân nữ v.v… cũng như vậy, tức là mười tám giới.

Nghĩa Từng mảnh là nghĩa của giới: Như trong thân nam có mười tám mảnh, thân nữ v.v… cũng như vậy, tức là mười tám giới.

Nghĩa Tướng khác là nghĩa của giới: Tức tướng của nhãn giới khác, cho đến tướng của ý thức giới khác.

Nghĩa Không giống nhau là nghĩa của giới: Nghĩa là nhãn giới không giống với giới khác, cho đến ý thức giới không giống với giới khác.

Nghĩa Giới hạn sai biệt là nghĩa của giới: Nghĩa là giới hạn của nhãn giới khác với mười bảy giới còn lại, cho đến giới hạn của ý thức giới khác với mười bảy giới còn lại.

Nghĩa Vô số thứ nhân là nghĩa của giới: Nghĩa là nhân nơi đấy nên có nhãn giới, không phải tức nhân nơi đấy cho đến có ý thức giới. Cho đến nhân nơi đấy nên có ý thức giới, không phải tức nhân nơi đấy cho đến có nhãn giới.

Phái Thanh Luận nói: Vì dong ruổi, lưu chuyển, nên gọi là giới: Nghĩa là các giới này dong ruổi, trôi vào ba cõi, năm nẻo , bốn loài, luân chuyển theo sống chết. Vì nhận giữ nên gọi là giới: Nghĩa là các giới này nhận giữ tự tánh. Vì nuôi lớn nên gọi là giới: Nghĩa là các giới này nuôi lớn tánh khác. Thế nên nghĩa chủng tộc là nghĩa của giới, cho đến vì nuôi lớn, nên gọi là giới.

Đã nói chung về lý do lập danh của giới. Nay sẽ nói riêng về tướng của mỗi mỗi giới.

Hỏi: Thế nào là Nhãn giới?

Đáp: Là các mắt đối với sắc đã đang sẽ thấy và đồng phần kia. Đó gọi là Nhãn giới.

Đã thấy sắc: Là mắt quá khứ.

Đang thấy sắc: Là mắt hiện tại.

Sẽ thấy sắc: Là mắt vị lai.

Và đồng phần kia: Các Sư của nước này nói có bốn thứ: 1. Mắt của đồng phần kia ở quá khứ: Nghĩa là nhãn giới không thấy sắc đã diệt. 2. Mắt của đồng phần kia ở hiện tại: Nghĩa là nhãn giới không thấy sắc đang diệt. 3. Mắt của đồng phần kia ở vị lai: Nghĩa là nhãn giới không thấy sắc sẽ diệt. 4. Nhãn giới hoàn toàn không sinh ở vị lai.

Các Sư nước ngoài nói có năm thứ: Ba thứ như trước đã nói. Nhãn giới hoàn toàn không sinh ở vị lai chia làm hai thứ: 1. Có thức thuộc về nhãn giới. 2. Không thức thuộc về nhãn giới.

Sư nước ngoài xưa, đồng với thuyết của các Sư nước này. Sư của nước này xưa, đồng với thuyết của các Sư nước ngoài.

Các mắt thấy sắc, đối với hữu tình của mình gọi là mắt đồng phần, đối với hữu tình khác cũng gọi là đồng phần. Các mắt không thấy sắc, đối với hữu tình của mình gọi là mắt đồng phần kia, đối với hữu tình khác cũng gọi là đồng phần kia.

Có thuyết nói: Các mắt thấy sắc, đối với hữu tình của mình gọi là mắt đồng phần, đối với hữu tình khác gọi là đồng phần kia. Các mắt không thấy sắc, đối với hữu tình của mình gọi là mắt đồng phần kia, đối với hữu tình khác cũng gọi là đồng phần kia.

Lại có thuyết cho: Các mắt thấy sắc, đối với hữu tình của mình, gọi là mắt đồng phần, đối với hữu tình khác, không phải là đồng phần, cũng không phải là đồng phần kia. Các mắt không thấy sắc, đối với hữu tình của mình, gọi là mắt đồng phần kia, đối với hữu tình khác, không phải là đồng phần, cũng không phải là đồng phần kia.

Lời bình: Người kia không nên tạo ra thuyết ấy. Thế nào là có mắt mà không phải là đồng phần, không phải là đồng phần kia? Nên nói như thế này: Ở trong ba thuyết, thuyết đầu là hợp lý.

Hỏi: Há dùng mắt người khác có thể thấy sắc chăng?

Đáp: Ai nói có thể dùng mắt người khác để thấy sắc?

Hỏi: Nếu không có thể dùng mắt người khác để thấy sắc, thì vì sao hữu tình, mắt tự thấy sắc, đối với hữu tình khác cũng gọi là đồng phần?

Đáp: Vì nhãn căn có công dụng luôn nhất định. Công dụng của nhãn giới, nghĩa là có khả năng thấy sắc. Như mắt đối với sắc có công dụng đã diệt, nói là đồng phần. Đối với mình, đối với người khác, danh xưng đồng phần này luôn luôn không có thay đổi. Tuy không thể dùng mắt người khác để thấy sắc, nhưng vẫn có sử dụng mắt luôn nên gọi là đồng phần. Đang diệt, sẽ diệt, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Mắt đồng phần có thể thấy sắc, mắt đồng phần kia không thể thấy sắc, vậy vì sao mắt thấy sắc là đồng phần của mắt không thấy sắc, mắt không thấy sắc là đồng phần của mắt thấy sắc kia?

Đáp: Vì hai mắt đây kia cùng làm nhân lẫn nhau. Nghĩa là mắt thấy sắc cùng với mắt không thấy sắc làm nhân. Mắt không thấy sắc cũng cùng với mắt thấy sắc làm nhân.

Lại nữa, vì hai mắt đây kia cùng sinh lẫn nhau. Nghĩa là mắt thấy sắc có thể sinh ra mắt không thấy sắc, mắt không thấy sắc lại có thể sinh ra mắt thấy sắc.

Lại nữa, vì hai mắt đây kia hỗ tương dẫn dắt. Nghĩa là mắt thấy sắc có khả năng dẫn dắt mắt không thấy sắc. Mắt không thấy sắc lại có khả năng dẫn dắt mắt thấy sắc.

Lại nữa, vì hai mắt đây kia hỗ tương chuyển biến. Nghĩa là mắt thấy sắc có thể chuyển đổi thành mắt không thấy sắc. Mắt không thấy sắc lại có thể chuyển đổi thành mắt thấy sắc.

Lại nữa, vì hai mắt đây kia cùng nối tiếp nhau. Nghĩa là mắt thấy sắc có khả năng nối tiếp với mắt không thấy sắc. Mắt không thấy sắc lại có khả năng nối tiếp với mắt thấy sắc.

Lại nữa, mắt thấy sắc cùng với mắt không thấy sắc đều cùng thuộc về một giới, đều cùng thuộc về một xứ, đều thuộc về một căn, vì đồng một tánh thấy, nên mắt thấy sắc là đồng phần của mắt không thấy sắc, mắt không thấy sắc lại là đồng phần của mắt thấy sắc.

Như Nhãn giới thì Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân giới cũng vậy, vì phẩm loại có sai biệt của đồng phần, đồng phần kia, đều giống nhau.

Hỏi: Thế nào là Sắc giới?

Đáp: Là các sắc được mắt đã, đang, sẽ thấy và đồng phần kia. Đó gọi là Sắc giới.

Đã được thấy: Là sắc quá khứ.

Đang được thấy: Là sắc hiện tại.

Sẽ được thấy: Là sắc vị lai.

Và đồng phần kia: Là có bốn thứ sắc đồng phần kia: 1. Sắc đồng phần kia của quá khứ: Nghĩa là sắc giới không được mắt thấy đã diệt.

2. Sắc đồng phần kia của hiện tại: Nghĩa là sắc giới không được mắt thấy đang diệt. 3. Sắc đồng phần kia của vị lai: Nghĩa là sắc giới không được mắt thấy sẽ diệt. 4. Sắc giới hoàn toàn không sinh ở vị lai.

Hoặc có sắc giới đối với một hữu tình là đồng phần. Đối với hai, ba, bốn, cho đến trăm ngàn các hữu tình v.v… cũng là đồng phần. Nghĩa là sắc giới này là mắt của một hữu tình đã thấy, cũng là mắt của hai, ba, bốn, cho đến mắt của trăm ngàn các hữu tình đã thấy, như trăm ngàn người đều đồng ngắm mặt trăng vừa mới mọc. Nhưng sắc giới này đối với các người duyên nơi mặt trăng kia sinh khởi nhãn thức, gọi là đồng phần, còn đối với người không duyên nơi mặt trăng kia sinh khởi nhãn thức, gọi là đồng phần kia.

Lại như trong chúng, có một kỹ nữ hình dung đoan chánh, mọi vẻ đều đoan nghiêm, các người có duyên với nàng khởi nhãn thức, tức sắc giới kia gọi là đồng phần, còn các người không duyên với nàng khởi nhãn thức, tức sắc giới kia gọi là đồng phần kia.

Lại như Pháp sư lên tòa thuyết pháp, lời lẽ biện luận trong sáng, hình tướng đoan nghiêm, các người có duyên với Pháp sư khởi nhãn thức, sắc giới của Pháp sư kia được gọi là đồng phần, còn các người không duyên với Pháp sư khởi nhãn thức, tức sắc giới kia gọi là đồng phần kia.

Hoặc có sắc giới đối với một hữu tình, gọi là đồng phần kia, đối với hai, ba, bốn hữu tình, cho đến trăm, ngàn các hữu tình v.v… cũng gọi là đồng phần kia. Nghĩa là sắc giới của hữu tình kia ở xứ ẩn giấu ánh sáng, vô lượng hữu tình đều không thể thấy. Hoặc có sắc giới, mắt của tất cả hữu tình đã không thấy, tức sắc giới kia đối với tất cả thời gian, gọi là đồng phần kia, như sắc nơi trung tâm của núi Diệu Cao và sắc dưới biển cả trong đại địa, tất cả hữu tình không ai thấy.

Hỏi: Sắc kia há không phải là cảnh giới của thiên nhãn?

Đáp: Sắc kia tuy là cảnh giới của thiên nhãn, nhưng vì không có công dụng, nên thiên nhãn ấy không xem thấy. Lại nữa, không phải tất cả thời nào thiên nhãn cũng hiện khởi, nên có sắc kia mà thiên nhãn không thấy.

Hỏi: Sắc kia há không phải là cảnh giới của Phật nhãn?

Đáp: Sắc kia tuy là cảnh giới của Phật nhãn, nhưng vì không có công dụng, nên Đức Phật không xem thấy. Lại nữa, không phải tất cả thời kỳ nào cũng có Đức Phật ra đời. Như hiện nay không có Phật, vì đã không có Phật nhãn, nên có sắc kia nhưng không phải là đối tượng trông thấy của Phật nhãn.

Hỏi: Vì sao mắt thấy sắc đối với hữu tình của mình gọi là đồng phần, đối với hữu tình khác cũng gọi là đồng phần? Nhưng sắc được thấy, đối với người thấy gọi là đồng phần, đối với người không thấy gọi là đồng phần kia?

Đáp: Cùng một sắc giới có nhiều hữu tình thấy, không có một nhãn giới mà có hai hữu tình dùng. Nghĩa là có sắc giới một hữu tình thấy, cùng hai, ba, bốn, cho đến trăm, ngàn hữu tình cũng thấy, là vì thấy chung, nên các người có thấy, thì sắc giới này đối với họ gọi là đồng phần. Còn các người không thấy, thì sắc giới này đối với họ gọi là đồng phần kia. Không có một nhãn giới có công dụng nơi hai hữu tình, huống chi là nhiều hữu tình là không chung.

Các người dùng mắt này có thể thấy sắc, thì mắt này đối với sắc kia gọi là đồng phần. Mắt của các hữu tình khác, hoặc thấy sắc, hoặc không thấy sắc, mắt này đối với sắc kia cũng gọi là có tác dụng. Mắt đã là không chung, nên đối với tất cả thời gian, tướng luôn nhất định. Như sắc giới, thì thanh, hương vị, xúc giới cũng như vậy. Vì đồng phần và đồng phần kia về phẩm loại có sai biệt đều giống nhau. Nhưng về nghĩa này, hoặc có người muốn khiến chỉ ngửi, nếm, cảm giác, đều có các hương, vị, xúc trong thân mình. Người ấy nói như vầy: Hương, vị, xúc giới được căn cứ nơi lý của thế tục, như nói về sắc giới. Nghĩa là các thế gian đã nói: Ông đã ngửi mùi hương, chúng tôi cũng ngửi. Ông đã nếm vị, chúng tôi cũng nếm. Ông đã có cảm giác xúc chạm, chúng tôi cũng có cảm giác xúc chạm. Căn cứ vào lý của thắng nghĩa, hương vị, xúc giới như nơi phần nhãn giới đã nói. Nghĩa là một hữu tình đã ngửi hương giới, thì giới khác không thể ngửi. Nếu một hữu tình đã nếm vị giới, thì giới khác không thể nếm. Nếu một hữu tình đã có cảm giác nơi xúc giới, giới khác không thể cảm giác.

Hỏi: Nếu một xúc giới nơi thân của hai hữu tình, mỗi thân đều ở một bên, bị bức xúc chung, há không phải là thắng nghĩa, như nơi sắc giới đã nói?

Đáp: Xúc giới như thế có nhiều cực vi hòa hợp tụ tập một chỗ, vì sự bức xúc của hai thân đều được một bên, không có được chung, nên về lý của thắng nghĩa, như nơi nhãn giới đã nói. Hương, vị, xúc giới căn cứ nơi nhãn giới này nên biết.

Lại có người muốn khiến cho cũng ngửi, nếm, cảm giác nơi người khác và các hương, vị, xúc phi tình, người ấy nêu ra thuyết: Hương, vị, xúc giới nếu đã thọ dụng và trong khi đang thọ dụng đều dựa vào lý thế tục, như nơi phần sắc giới đã nói, nghĩa là các thế gian nói tức cùng được. Nếu căn cứ vào lý của thắng nghĩa, như nơi phần nhãn giới nói: Một giới đã thọ dụng, các giới khác không được. Nếu chưa thọ dụng hương, vị, xúc giới, dựa vào lý của thắng nghĩa, cũng có được chung, như nghĩa nơi phần sắc giới đã nói. Tức ở vị lai sẽ đến hiện tại, có nghĩa nhiều người cùng được. Nếu dựa theo nghĩa trước kia, nên tạo ra thuyết này: Hương, vị, xúc giới nếu căn cứ vào lý thế tục, như nơi phần sắc giới nói. Nếu căn cứ nơi lý của thắng nghĩa, như nơi phần nhãn giới đã nói. Nếu căn cứ ở nghĩa sau, nên tạo ra thuyết này: Hương, vị, xúc giới nếu đã thọ dụng và trong lúc đang thọ dụng đều dựa vào lý thế tục, như nơi phần sắc giới đã nói. Nếu căn cứ nơi lý của thắng nghĩa, như nơi phần nhãn giới đã nói. Nếu chưa thọ dụng, căn cứ nơi lý của thắng nghĩa cũng có thể được nói như nơi phần sắc giới đã nói.

Thế nên, các Luận đều tạo ra thuyết này: Như sắc giới, thanh, hương vị, xúc giới cũng vậy, do hương, vị, xúc có thể được chung.

Hỏi: Thế nào là Nhãn thức giới?

Đáp: Mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, đó gọi là Nhãn thức giới.

Hỏi: Lúc nhãn thức sinh, trừ tự tánh, tất cả pháp khác đều làm duyên, vì sao chỉ nói mắt, sắc làm duyên?

Đáp: Trong đây là nói về duyên tăng hơn. Nghĩa là nếu pháp là đối tượng nương dựa, đối tượng duyên của nhãn thức, thì mắt được nói trong đây là đối tượng nương dựa của nhãn thức, còn sắc là đối tượng duyên của nhãn thức, thế nên được nói riêng. Pháp khác thì không như vậy.

Lại nữa, nếu pháp là tăng thượng duyên gần của nhãn thức, thì mắt được nói trong đây và sắc cùng với nhãn thức làm tăng thượng duyên gần hơn hẳn sinh, trụ, dị diệt trên nhãn thức, thế nên được nói riêng.

Lại nữa, nếu pháp là thắng duyên không chung của nhãn thức, thì mắt được nói trong đây và sắc cùng với nhãn thức làm duyên vượt hơn không chung hơn hẳn sinh, trụ, dị, diệt của nhãn thức, thế nên được nói riêng.

Hỏi: Nhãn thức cũng lấy sắc làm duyên sinh, vì sao gọi là nhãn thức, không gọi là sắc thức?

Đáp: Cũng có Kinh nói nhãn thức này gọi là sắc thức, như nói: Sắc giới làm duyên sinh sắc thức, cho đến pháp giới làm duyên sinh pháp thức.

Hỏi: Chỉ có một Kinh nói như thế, còn tất cả Kinh khác đều nói nhãn thức, sao không nói tên là sắc thức?

Đáp: Vì mắt là bên trong nên chỉ gọi là nhãn thức, vì sắc là bên ngoài nên không gọi là sắc thức.

Lại nữa, vì mắt là đối tượng nương dựa nên chỉ gọi là nhãn thức, sắc là đối tượng duyên nên không gọi là sắc thức.

Lại nữa, vì mắt là căn nên chỉ gọi là nhãn thức, vì sắc là nghĩa của căn nên không gọi là sắc thức.

Lại nữa, vì mắt là có cảnh nên chỉ gọi là nhãn thức, vì sắc là cảnh nên không gọi là sắc thức.

Lại nữa, vì mắt không chung nên chỉ gọi là nhãn thức, vì sắc là chung nên không gọi là sắc thức.

Lại nữa, các người lập danh đều căn cứ theo đối tượng nương dựa để làm sáng tỏ chỗ danh được lập có khác biệt. Vì mắt là căn tức đối tượng nương dựa của thức, nên chỉ gọi là nhãn thức, cho đến ý là căn tức đối tượng nương dựa của ý thức, nên chỉ gọi là ý thức. Như tiếng chỉ căn cứ theo đối tượng nương dựa để lập danh, nhằm chỉ rõ chỗ danh đã lập có khác biệt. Như dựa vào trống khởi, chỉ gọi là tiếng trống. Nếu dựa vào vỏ ốc khởi, chỉ gọi là tiếng ốc. Nếu dựa vào đàn không đàn hầu v.v… nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Sáu thức như nhãn v.v… đều dựa vào ý sinh, duyên gì năm thức trước không gọi là ý thức?

Đáp: Nếu pháp là đối tượng nương dựa không loạn, không chung, không xen tạp của thức, thì thức gọi là chủ thể nương dựa. Mắt kia là đối tượng nương dựa không loạn, không chung, không xen tạp của nhãn thức, nên gọi là nhãn thức. Nói rộng cho đến thân là đối tượng nương dựa không loạn, không chung, không xen tạp của thân thức, nên gọi là thân thức. Ý là chỗ nương dựa rối loạn, chung, xen tạp của năm thức, thế nên năm thức trước không gọi là ý thức.

Hỏi: Nếu vậy ý thức cũng không nên gọi là ý thức chăng?

Đáp: Ý thức lại không có đối tượng nương dựa không rối loạn, không chung, không xen tạp, như năm thức trước, thế nên chỉ nói là ý thức.

Do nhân duyên này nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có pháp là đối tượng nương dựa của nhãn thức không phải là đẳng vô gián duyên: Nghĩa là mắt đều cùng sinh.

2. Có pháp là đẳng vô gián duyên của nhãn thức không phải là đối tượng nương dựa: Nghĩa là các tâm sở pháp vô gián đã diệt.

3. Có pháp là đối tượng nương dựa của nhãn thức cũng là đẳng vô gián duyên: Nghĩa là ý giới vô gián đã diệt.

4. Có pháp không phải là đối tượng nương dựa của nhãn thức cũng không phải là đẳng vô gián duyên: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Cho đến bốn trường hợp của thân thức cũng như vậy. Nếu pháp là đối tượng nương dựa của ý thức cũng là đẳng vô gián duyên. Có pháp là đẳng vô gián duyên của ý thức không phải là đối tượng nương dựa: Nghĩa là các tâm sở pháp vô gián đã diệt.

Tôn giả Thế Hữu cũng tạo ra thuyết này: Nhãn thức cũng lấy sắc làm duyên sinh.

Hỏi: Vì sao nhãn thức không gọi là sắc thức?

Đáp: Vì mắt là đối tượng nương dựa của nhãn thức, còn sắc thì không như thế.

Lại nữa, mắt là thắng duyên của nhãn thức, còn sắc thì không như thế.

Lại nữa, mắt chỉ gắn liền với sự nối tiếp nhau của mình, còn sắc thì không nhất định.

Lại nữa, mắt chỉ ở gần, còn sắc thì không nhất định.

Lại nữa, mắt chỉ ở bên trong, còn sắc thì không nhất định.

Lại nữa, mắt là không chung, còn sắc thì không như thế.

Lại nữa, mắt chỉ có chấp thọ, còn sắc thì không nhất định.

Lại nữa, mắt có tổn ích, thức thuận theo sự tổn ích, còn sắc thì không như vậy.

Hỏi: Nếu sắc có tổn ích thì thức cũng thuận theo sự tổn ích. Nếu không có sắc thì nhãn thức không sinh, cũng nên gọi là sắc thức, duyên gì chỉ gọi là nhãn thức?

Đáp: Điều này không nên so sánh. Vì sao? Vì có nhãn căn nên tuy một sắc hoại lại duyên nơi sắc khác, nhãn thức có thể sinh. Nếu không có nhãn căn thì tuy có nhiều sắc luôn chuyển biến nơi hiện tại, nhưng nhãn thức không sinh. Thế nên nhãn thức tổn ích là thuận theo căn, không thuận theo sắc.

Lại nữa, mắt có hạ, trung, thượng, thức thuận theo hạ, trung, thượng, còn sắc thì không như vậy.

Lại nữa, mắt là không chung, còn sắc thì không nhất định, nên có duyên sắc của một cõi sinh nhãn thức của hai cõi. Không có dựa vào mắt của một cõi sinh nhãn thức của hai cõi. Nên có duyên sắc của một nẻo sinh nhãn thức của năm nẻo. Không có dựa vào mắt của một nẻo sinh nhãn thức của hai nẻo, huống chi có nhiều. Nên có duyên sắc của một loài sinh nhãn thức của bốn loài. Không có dựa vào mắt của một loài sinh nhãn thức của hai loài, huống chi là có nhiều.

Lại nữa, mắt là tăng thượng duyên vượt hơn của nhãn thức, còn sắc thì không như thế.

Đại đức nói: Nếu mắt có trở ngại thì thức cũng có trở ngại. Nếu mắt không có trở ngại thì thức cũng không có trở ngại, nên gọi là nhãn thức, không gọi là sắc thức.

Hỏi: Nếu sắc có trở ngại thì nhãn thức cũng có trở ngại, vì không có sắc của đối tượng duyên thì nhãn thức không sinh chăng?

Đáp: Sắc có đa số, mắt chỉ có một, không nên đem so sánh. Nghĩa là nếu có mắt thì tuy có một sắc bị hoại, nhưng duyên nơi sắc thứ hai thì nhãn thức được sinh. Nếu sắc thứ hai hoại thì duyên nơi sắc thứ ba nhãn thức được sinh. Các hoại khác, duyên nơi khác sinh thức cũng như vậy.

Nếu nhãn căn trong một thân bị hoại, giả như có vô lượng nado-tha sắc đang hiện tiền duyên với chúng thì nhãn thức kia đều không được sinh. Thế nên nhãn thức không gọi là sắc thức, cho đến thân thức nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Như Khế kinh nói: Sắc là đối tượng nhận thức của mắt, điều này có ý gì? Các sắc chỉ là đối tượng nhận thức của nhãn thức, vì nhãn căn không thể phân biệt sắc?

Đáp: Kinh kia đối với đối tượng nương dựa nhằm chỉ rõ sự việc của chủ thể nương dựa, nên không trái lý. Nghĩa là Đức Thế Tôn hoặc đối với đối tượng nương dựa nhằm chỉ rõ sự việc của chủ thể nương dựa. Hoặc đối với chủ thể nương dựa để hiển bày sự việc của đối tượng nương dựa.

Đối với đối tượng nương dựa nhằm chỉ rõ sự việc của chủ thể nương dựa: Như Kinh kia nói: Sắc là đối tượng nhận thức của mắt.

Đối với chủ thể nương dựa để hiển bày sự việc của đối tượng nương dựa: Nghĩa là như có chỗ nói: Đối tượng thọ nhận của nhãn thức, đối tượng thấu tỏ của nhãn thức, gọi là đối tượng thấy biết.

Lại nữa, Kinh kia tức nên nói: Sắc là đối tượng nhận thức của nhãn thức. Vì người tụng đã nhầm lẫn, nên chỉ nói: Sắc là đối tượng nhận thức của mắt.

Lại nữa, Kinh kia đáng lẽ nên nói: Sắc là đối tượng nhận thức của nhãn thức, vì lược bỏ phần trung gian nên chỉ nói: Sắc là đối tượng nhận thức của mắt. Như nói: Xe bò, trạch diệt v.v…

Lại nữa, trong Kinh kia, vì căn cứ ở vật dụng thù thắng để nói, nên không trái lý. Như nghề ca nhạc, nhuộm, biên chép dựa vào vật dụng vượt hơn để nói. Ở đây cũng như thế. Như khi tạo kỹ nhạc, tuy có nhạc cụ, các người nam nữ cùng các bạn hỗ trợ khác, nhưng chủ kỹ nhạc riêng được mang tên là vì vật dụng vượt hơn. Lại như khi nhuộm áo v.v… không phải là không có chậu nước, thợ nhuộm, bạn giúp đỡ, nhưng màu nhuộm của người kia riêng được mang tên là vì vật dụng vượt hơn. Lại như khi biên chép sách, không phải là không có nước, mực đựng trong bình, con người, tờ giấy v.v… nhưng vì sự hơn hẳn của nét bút nên riêng được mang tên người viết. Ở đây cũng như thế, tuy khi nhận thức sắc có nhiều công cụ của sự nhận thức như hư không, ánh sáng v.v… nhưng vì sự vượt hơn của mắt nên riêng được mang tên. Vì thế nên Kinh kia nói: Sắc là đối tượng nhận thức của mắt.

Lại nữa, mắt là chỗ nương dựa của việc nhận thức sắc, nên Khế kinh kia nói: Sắc là đối tượng nhận thức của mắt. Như nói: Con đường là chốn đi thích hợp của các khách buôn. Nhưng con đường kia chỉ là chỗ đi thích hợp của đôi chân. Người khách buôn v.v… là chốn nương dựa của đôi chân họ, nên riêng được mang tên mình. Ở đây cũng như thế.

Như nhãn thức giới, thì nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới cũng thế. Duyên nơi sự sinh lập danh, giải thích chung về nghĩa kinh đều giống nhau.

Hỏi: Thế nào là Ý giới?

Đáp: Các ý đối với pháp đã, đang, sẽ phân biệt rõ và đồng phần kia, đó gọi là Ý giới.

Đã phân biệt rõ pháp: Là ý giới quá khứ.

Đang phân biệt rõ pháp: Là ý giới hiện tại.

Sẽ phân biệt rõ pháp: Là ý giới vị lai.

Và đồng phần kia: Nghĩa là ý giới hoàn toàn không sinh ở vị lai, không có ý giới quá khứ, hiện tại là đồng phần kia. Tâm tâm sở pháp tất phải nhờ vào đối tượng duyên mới có thể phát khởi. Do ý giới sẽ sinh ở vị lai này cũng tất là đồng phần.

Hỏi: Ý giới nếu duyên nơi mười bảy giới khởi là đồng phần chăng?

Đáp: Cũng là đồng phần. Như nhãn giới v.v… có tác dụng như thấy v.v… tất là đồng phần, ý giới cũng thế, có tác dụng phân biệt rõ, tức gọi là đồng phần.

Hỏi: Thế nào là Pháp giới?

Đáp: Các pháp được ý đã đang sẽ phân biệt rõ, đó gọi là Pháp giới.

Đã được ý phân biệt rõ: Là các pháp giới đã được ý giới quá khứ phân biệt rõ.

Đang được ý phân biệt rõ: Là các pháp giới đang được ý giới hiện tại phân biệt rõ.

Sẽ được ý phân biệt rõ: Là các pháp giới sẽ được ý giới vị lai phân biệt rõ.

Hỏi: Pháp giới là có đồng phần kia không?

Đáp: Không có. Vì sao? Vì không có pháp nào không phải là vô lượng ý thức quá khứ, hiện tại, vị lai phân biệt rõ, nên có ý thức khởi trong một sát-na, chỉ trừ tương ưng cùng có của tự tánh, tất cả pháp khác đều phân biệt rõ.

Hỏi: Mười bảy giới còn lại cũng là cảnh nơi đối tượng phân biệt rõ của ý thức, nên đều là đồng phần, tức không có đồng phần kia, vì sao nói là có đồng phần kia?

Đáp: Mười bảy giới còn lại không căn cứ vào ý thức để lập làm đồng phần và đồng phần kia, chỉ căn cứ ở căn, cảnh đều riêng khác cùng đối nhau. Nghĩa là mắt đối sắc, sắc đối mắt, cho đến thân đối xúc, xúc đối thân.

Hỏi: Nếu như vậy thì ý giới và ý thức giới chỉ nên đối với pháp giới lập ra đồng phần, đồng phần kia. Đây tức là duyên nơi mười bảy giới còn lại nên không phải là đồng phần?

Đáp: Về lý thì nên như thế, nhưng vì ý giới và ý thức giới đều có thể phân biệt rõ chung về tất cả pháp, nên đã căn cứ ở tác dụng của mình lập làm đồng phần. Như căn của mắt v.v… có tác dụng trông thấy v.v… tất cũng không lập làm đồng phần kia.

Có Sư khác nói: Pháp giới thâu tóm chung hết tất cả pháp. Do mười bảy giới cũng gọi là pháp, nên không có lỗi lầm này.

Lời bình: Sư kia không nên tạo ra thuyết ấy. Danh của pháp tuy chung, nhưng pháp giới thì riêng, do đấy thuyết trước về lý là tốt.

Ở đây, nên tạo ra câu hỏi – đáp:

Hỏi: Từng có pháp câu hữu có là đồng phần, có là đồng phần kia chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là sinh, trụ, dị, diệt trên mười bảy giới của đồng phần kia, vì pháp giới thâu tóm, nên luôn gọi là đồng phần.

Hỏi: Từng có pháp tương ưng, câu hữu có là đồng phần, có là đồng phần kia chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là vị lai không sinh ý giới, ý thức giới v.v… là đồng phần kia, cùng tâm sở pháp tương ưng với ý giới, ý thức giới và ý giới, ý thức giới nơi sắc tùy chuyển, vì thuộc về pháp giới bất tương ưng hành, nên luôn gọi là đồng phần.

HẾT – QUYỂN 71