LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 69

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ HỮU TÌNH, phần 7

* Trong đây, phàm phu, Thánh giả nơi cõi dục có bao nhiêu tùy miên tùy tăng, bao nhiêu kiết trói buộc?

Đáp: Phàm phu có chín mươi tám tùy miên tùy tăng, chín kiết trói buộc. Thánh giả có mười tùy miên tùy tăng, sáu kiết trói buộc.

Trong đây: Nghĩa là từ trước đến nay đã nói tất cả hữu tình nơi các hữu tình, tổng cộng chỉ có sáu, nghĩa là ba cõi, mỗi cõi đều có phàm phu và Thánh giả.

Phàm phu ở cõi dục đủ chín mươi tám tùy miên tùy tăng, đủ chín kiết trói buộc.

Thánh giả nơi cõi dục chỉ có mười tùy miên tùy tăng do tu đạo đoạn, còn tùy miên do kiến đạo đoạn đều đã đoạn.

Sáu kiết trói buộc: Nghĩa là trừ kiến, thủ, nghi, ba thứ kiết này, Thánh giả cũng đã đoạn.

Hỏi: Phàm phu, Thánh giả của cõi sắc có bao nhiêu tùy miên tùy tăng, bao nhiêu kiết trói buộc?

Đáp: Phàm phu có sáu mươi hai tùy miên tùy tăng, sáu kiết trói buộc. Thánh giả có sáu tùy miên tùy tăng, ba kiết trói buộc.

Phàm phu có sáu mươi hai tùy miên tùy tăng: Nghĩa là mỗi cõi sắc, vô sắc đều có ba mươi mốt. Ba mươi sáu tùy miên của cõi dục, hai cõi kia đã đoạn.

Sáu kiết trói buộc: Nghĩa là trừ kiết giận dữ, ganh ghét, keo kiệt, vì cõi định không có.

Thánh giả có sáu tùy miên tùy tăng: Nghĩa là cõi sắc, cõi vô sắc, mỗi cõi đều có ba do tu đạo đoạn. Thánh giả đã đoạn bốn thứ tùy miên của cõi dục do tu đạo đoạn.

Ba kiết trói buộc: Nghĩa là ái, mạn, vô minh, vì các kiết khác đã đoạn.

Hỏi: Phàm phu, Thánh giả của cõi vô sắc có bao nhiêu tùy miên tùy tăng, bao nhiêu kiết trói buộc?

Đáp: Phàm phu có ba mươi mốt tùy miên tùy tăng, sáu kiết trói buộc. Thánh giả có ba tùy miên tùy tăng, ba kiết trói buộc.

Phàm phu có ba mươi mốt tùy miên tùy tăng: Nghĩa là ba mươi mốt thứ của cõi vô sắc, vì số tùy miên còn lại đã đoạn.

Sáu kiết trói buộc: Nghĩa là trừ kiết giận dữ, ganh ghét, keo kiệt, vì cõi vô sắc không có.

Thánh giả có ba tùy miên tùy tăng: Nghĩa là ba thứ nơi cõi vô sắc do tu đạo đoạn, vì tùy miên còn lại đã đoạn.

Ba kiết trói buộc: Nghĩa là ái, mạn, vô minh, vì các kiết còn lại đã đoạn.

Hỏi: Hữu tình của cõi dục không phải là tùy miên tùy tăng của hai cõi trên, vì sao ở đây nói phàm phu của cõi dục có đủ chín mươi tám tùy miên tùy tăng? Thánh giả nơi cõi dục có mười tùy miên tùy tăng do tu đạo đoạn. Hữu tình của cõi sắc không phải là tùy miên tùy tăng của cõi vô sắc, vì sao ở đây nói là phàm phu của cõi sắc có sáu mươi hai tùy miên tùy tăng? Thánh giả nơi cõi sắc có sáu tùy miên tùy tăng do tu đạo đoạn?

Đáp: Vì dựa vào không giải thoát khỏi đắc của tùy miên kia mà nói. Nghĩa là phàm phu của cõi dục tuy không phải là tùy miên tùy tăng của cõi sắc, cõi vô sắc, nhưng vì chưa giải thoát khỏi đắc của tùy miên kia nên nói là tùy tăng. Thánh giả nơi cõi dục tuy không phải là tùy miên tùy tăng của cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn, nhưng vì chưa giải thoát khỏi đắc của tùy miên kia nên nói là tùy tăng. Do phàm phu, Thánh giả của cõi sắc này mà nói tùy miên tùy tăng của cõi vô sắc, cũng không trái lý.

Lại nữa, ở đây là căn cứ nơi chỗ đắc của tùy miên kia hiện hành mà nói. Nghĩa là phàm phu của cõi dục tuy không phải là tùy miên tùy tăng của cõi sắc, cõi vô sắc, nhưng vì có sự chuyển biến hiện tại của đắc nơi tùy miên kia nên cũng nói là tùy tăng. Thánh giả nơi cõi dục tuy không phải là tùy miên tùy tăng của cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn, nhưng vì có sự chuyển biến hiện tại của đắc nơi tùy miên kia nên cũng gọi là tùy tăng. Do phàm phu, Thánh giả của cõi sắc này mà nói tùy miên tùy tăng của cõi vô sắc cũng không trái lý.

Lại nữa, ở đây là căn cứ ở chỗ đã được, chưa được, đang được của đắc nơi tùy miên kia mà nói, nên cũng không trái lý. Đã được: Nghĩa là nói đắc nơi quá khứ của tùy miên kia. Chưa được: Nghĩa là nói đắc nơi vị lai của tùy miên kia. Đang được: Nghĩa là nói đắc nơi hiện tại của tùy miên kia. Tức là phàm phu, Thánh giả của cõi dục, cõi sắc tuy không phải là tùy miên tùy tăng của cõi trên, nhưng vì có đắc của tùy miên kia nơi ba đời lưu chuyển chưa đoạn, nên nói là tùy tăng.

Lại nữa, vì căn cứ ở chỗ dung nạp hiện khởi nên nói như thế. Nghĩa là phàm phu, Thánh giả của cõi dục tuy không phải là tùy miên tùy tăng của cõi sắc, cõi vô sắc, nhưng dung nạp hiện khởi theo tùy miên kia nên cũng nói là tùy tăng. Tức sau khi lìa nhiễm dục rồi, vì Thánh giả, phàm phu kia chấp nhận sự hiện khởi của tùy miên. Do phàm phu, Thánh giả nơi cõi sắc này mà nói tùy miên tùy tăng của cõi vô sắc, nên biết cũng như vậy. Tuy tùy miên kia đã thoái chuyển rồi, nhưng Thánh giả, phàm phu vẫn chấp nhận sự hiện khởi theo tùy miên của cõi dưới, nhưng vì đã đoạn trừ, nên có thể hoàn toàn không còn thoái chuyển, nên không nói là tùy miên tùy tăng của cõi dưới.

Lại nữa, vì hiển bày rõ đẳng lưu của tùy miên kia đã từng hiện khởi, nên nói như thế, cũng không trái lý. Nghĩa là hữu tình của cõi dục từ khi không thể nhận biết về Bản tế đến nay, đều đã từng khởi các tùy miên của cõi sắc, cõi vô sắc, nên nói là tùy tăng. Hữu tình của cõi sắc từ lúc không thể nhận biết Bản tế đến nay, đều đã từng khởi các tùy miên của cõi vô sắc, nên nói là tùy tăng.

Hỏi: Hữu tình của cõi sắc, cõi vô sắc từ khi không thể nhận biết Bản tế đến nay, đều đã từng khởi các tùy miên của hai cõi dục, cõi sắc, vì sao không nói cũng là tùy miên tùy tăng của cõi dưới?

Đáp: Tuy hữu tình cũng đã từng khởi tùy miên, nhưng vì đã đoạn trừ, nên không nói là tùy tăng.

Hỏi: Cũng có Thánh giả có đủ chín mươi tám tùy miên. Nghĩa là người gồm đủ trói buộc khi trụ nơi khổ pháp trí nhẫn, trong đây vì sao nói là Thánh giả nơi cõi dục chỉ có mười thứ tùy miên tùy tăng?

Đáp: Tuy cũng có sự việc này, nhưng vì thời gian quá ít, nên chỉ nói có mười tùy miên tùy tăng. Nghĩa là trong sát-na đầu có đủ chín mươi tám, sau sát-na này, tức đã đoạn mười điều liền đến ngay nơi tâm thứ mười sáu, vì thời gian đã thu hẹp, nên chỉ nói có mười tùy miên tùy tăng do tu đạo đoạn.

Lại nữa, người nhập kiến đạo có bảy mươi ba tùy miên, chín thứ trước là khoảng sát-na đầu tiên của hữu tình tuy đã tạo đủ chín mươi tám thứ nhưng không hiện hành, do tâm hữu lậu thiện của quả vị kiến đạo hãy còn không được khởi, huống chi là khởi nhiễm ô, vô phú vô ký. Trong đây chỉ căn cứ ở phiền não hiện hành để kiến lập phần vị hữu tình có sai biệt, nên nói Thánh giả chỉ có tối đa là mười tùy miên tùy tăng, tức chỉ mười thứ này dung nạp sự hiện khởi.

Ở nơi khác cũng căn cứ vào phiền não hiện hành để kiến lập phần vị hữu tình có sai biệt. Như Khế kinh nói: “Có một Phạm chí đi đến chỗ Đức Phật hỏi: Đức Thế Tôn sẽ làm trời chăng?”. Đức Phật nói: “Không”. Lại hỏi: “Sẽ làm rồng, A-tố-lạc, Kiền-đạt-phược, Yếtlộ-đồ, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, Dược-xoa, La-sát-bà, người, phi nhân chăng?”. Phật nói: “Không! Vì sao? Phạm chí nên biết! Nếu có các lậu chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, do hiện hành nên sẽ sinh lên nẻo trời, có thể sẽ làm vị trời. Nói rộng cho đến sẽ sinh nơi nẻo người, có thể sẽ làm người. Ta đối với các lậu đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, như chặt đứt rễ cây, chặt đứt ngọn cây Đa-la. Cũng vậy, do các lậu này đã vĩnh viễn không hiện hành, đối với các hữu sau vì được pháp không sinh, nên Ta quyết định sẽ không làm trời, nói rộng cho đến sẽ không làm người”.

Có nơi cũng căn cứ ở dị thục hiện hành để kiến lập phần vị hữu tình có sai biệt. Như trong Khế kinh có kệ nói:

Phật là chân nhân

Tự điều thường định

Luôn dạo đường phạm

Tâm ưa tịch tĩnh.

Nếu nhận dị thục của cõi này nối tiếp, tức gọi là hữu tình thọ sinh nơi cõi này. Nghĩa là nhận sự nối tiếp nơi dị thục của cõi dục, tức gọi là hữu tình thọ sinh nơi cõi dục. Nếu nhận dị thục của cõi sắc nối tiếp, tức gọi là hữu tình thọ sinh nơi cõi sắc. Nếu nhận dị thục của cõi vô sắc nối tiếp, tức gọi là hữu tình thọ sinh nơi cõi vô sắc. Đức Phật đã nhận dị thục của con người nối tiếp, vì chứng đắc pháp chân thật, nên gọi là chân nhân.

Luận này cũng căn cứ ở dị thục hiện hành để kiến lập địa giới của hữu tình có sai biệt, như trong phần Mười môn nói: Ai thành tựu nhãn căn? Nghĩa là người sinh nơi cõi sắc, hoặc sinh nơi cõi dục đã được, chưa mất. Ai không thành tựu nhãn căn? Nghĩa là người sinh nơi cõi vô sắc, hoặc sinh nơi cõi dục chưa được, đã mất. Ở đây là dựa vào dị thục của ba cõi nối tiếp, nếu hiện tiền gọi là sinh nơi cõi này, vì pháp khác không nhất định, nên không dựa vào đó để nói.

***

* Hỏi: Vì sao trong phẩm này Tôn giả Luận chủ thường căn cứ ở trung hữu để tạo luận?

Đáp: Vì ngăn chận tông chỉ của người khác, nhằm làm sáng tỏ lý chánh. Nghĩa là hoặc có người chấp: Sự thọ sinh của ba cõi đều không có trung hữu, như phái Luận Phân Biệt.

Hoặc lại có thuyết nói: Sự sinh của cõi dục, cõi sắc nhất định có trung hữu, như phái Luận Ứng Lý.

Hỏi: Phái Luận Phân Biệt dựa vào lượng nào nên chấp không có trung hữu?

Đáp: Dựa vào Chí giáo lượng (Thánh giáo lượng). Nghĩa là Khế kinh nói: Nếu có một hữu tình loại tạo tác, tăng trưởng năm nghiệp vô gián không gián đoạn, tất định sinh trong địa ngục. Đã nói vô gián tất sinh vào địa ngục, nên biết trung hữu quyết định là không có. Lại như kệ nói:

Tái sinh nay ông quá vị thịnh

Đến suy sắp gần Diệm ma vương

Muốn tới đường trước không hành trang

Cần trụ trung gian không chỗ dừng.

Đã nói trung gian không xứ dừng lại, nên biết trung hữu quyết định là không có. Lại nói vấn nạn về lỗi chứng tỏ là không có trung hữu. Nghĩa là như giữa bóng sáng không có kẽ hở, tử hữu, sinh hữu, nên biết cũng như thế.

Hỏi: Phái Luận Ứng Lý dựa vào lượng nào mà nói có trung hữu?

Đáp: Là dựa vào Chí giáo lượng. Như Khế kinh nói: Vào thai mẹ chủ yếu do ba sự đều cùng hiện tiền: 1. Thân người mẹ khi ấy là điều hòa, thích hợp. 2. Cha mẹ hòa hợp giao ái. 3. Kiền-đạt-phược (Trung hữu) đang hiện tiền. Trừ thân trung hữu nào có Kiền-đạtphược? Vì uẩn trước đã hoại thì đâu có hiện tiền, nên Kiền-đạt-phược tức là trung hữu.

Lại, Khế kinh nói: Có trung bát Niết-bàn. Nếu trung hữu không có thì ở đây dựa vào gì để lập?

Kinh khác lại nói: Thân này đã hoại, thân khác chưa sinh, ý thành hữu tình nương dựa nơi ái lập thủ. Đức Thế Tôn đã nói: Thân này đã hoại, thân khác chưa sinh, ý thành hữu tình, dựa nơi ái lập thủ, nên biết trung hữu quyết định không phải là không có. Nếu không có trung hữu thì ý thành hữu tình, danh sẽ biểu hiện cái gì?

Lại nói: Vấn nạn về lỗi đã chứng tỏ là có trung hữu. Nghĩa là từ châu này chết sinh Bắc-câu-lô v.v… nếu không có trung hữu thì thân này đã diệt, thân kia chưa sinh, trung gian tức nên đứt đoạn. Đây tức là thân kia vốn không mà có. Thân này cũng tức vốn có mà không. Pháp cũng nên như thế. Vốn không mà có, có rồi trở lại không. Vì chớ có lỗi này, nên có trung hữu.

Hỏi: Phái Luận Ứng Lý giải thích thế nào để thông suốt phần Chí giáo của phái Phân Biệt đã dẫn để nói trung hữu là có, không phải là không có?

Đáp: Kinh do phái kia đã nêu dẫn là không liễu nghĩa, là giả nêu bày, là có ý nghĩa sâu xa riêng. Vì sao? Vì kinh kia nói: Nếu có một loài hữu tình tạo tác tăng trưởng năm nghiệp vô gián không gián đoạn, tất định sinh vào điạ ngục: Ý kinh kia là nhằm ngăn chận nghiệp khác của nẻo khác, không ngăn chận trung hữu.

Ngăn chận nẻo khác: Nghĩa là nghiệp vô gián quyết định chiêu cảm địa ngục, không chiêu cảm nẻo khác.

Người có nghiệp này, lúc mạng chung, quyết định sẽ sinh vào Nại-lạc-ca, không phải là nẻo khác.

Ngăn chận nghiệp khác: Nghĩa là nghiệp vô gián, thuận thứ sinh thọ (Thọ nhận quả báo vào đời sau), không phải thuận theo hiện pháp thọ, không phải thuận theo hậu thứ thọ. Do sức của nghiệp này, nên lúc mạng chung, nhất định sẽ bị đọa trong Nại-lạc-ca thọ nhận dị thục. Đây là ý nghĩa sâu xa của kinh kia đã nói. Nếu theo như văn kinh để nhận lấy nghĩa, thì kinh đã nói tạo tác, tăng trưởng năm nghiệp vô gián không gián đoạn, tất định sinh trong địa ngục, đâu phải tạo bốn, ba, hai, một nghiệp còn lại, không sinh nơi địa ngục mà phải nói năm?

Lại nói không gián đoạn sinh trong địa ngục, đâu phải tạo nghiệp xong là sát-na thứ hai, tức đọa ngay nơi địa ngục. Nhưng tạo nghiệp rồi, có người trải qua hằng trăm năm mới đọa nơi địa ngục. Vì thế không nên như văn nhận lấy nghĩa bèn chấp trung hữu quyết định là không có.

Kệ đã nêu dẫn cũng đồng với cách giải thích này. Nghĩa là ngăn chận nẻo khác và ngăn chận nghiệp khác, nói là không có trung gian, chứ không ngăn chận trung hữu.

Hỏi: Phái Luận Ứng Lý làm sao giải thích thông suốt vấn nạn về lỗi do phái Phân Biệt đã nêu để cho trung hữu quyết định là có, không phải là không có?

Đáp: Vấn nạn do phái Luận Phân Biệt đã đặt ra bất tất cần phải thông suốt. Vì sao? Vì đấy không phải là ba tạng, vì pháp thế tục khác, pháp Hiền Thánh khác, không nên dẫn pháp thế tục để vấn nạn pháp Hiền Thánh. Nếu cần phải thông suốt thì nên nói lỗi của dụ. Dụ đã có lỗi thì việc chứng tỏ không thành. Nghĩa là như bóng sáng, không phải là số hữu tình, không căn, không tâm. Tử hữu, sinh hữu há đồng với chúng? Lại như bóng sáng này đều cùng thời mà khởi. Tử hữu, sinh hữu há đều cùng sinh?

Lại, dụ về bóng sáng không có kẽ hở này, không gián cách là chứng minh trung hữu là có, không phải là không có. Tức như bóng sáng không có gián cách, không có kẽ hở, vì thế lúc từ tử hữu hướng tới trung hữu, không có gián cách, không có kẽ hở.

Lại, lúc từ trung hữu hướng đến sinh hữu, cũng không có gián cách, kẽ hở. Thế nên trung hữu nhất định là có, không phải là không có.

Hỏi: Phái Luận Phân Biệt giải thích thế nào để thông suốt về Chí giáo do phái Luận Ứng Lý đã dẫn để chấp trung hữu quyết định là không có?

Đáp: Kinh do phái Ứng Luận đã nêu dẫn là không liễu nghĩa, là giả thiết lập, có ý nghĩa sâu xa riêng. Vì sao? Vì theo phần đầu kinh nói: Người vào thai mẹ cần phải do ba sự, nói rộng cho đến ba là Kiền-đạt-phược đang hiện tiền. Câu nói về Kiền-đạt-phược kinh không nên nói vì Kiền-đạt-phược kia không có các nhạc khí như trống v.v… mà nên nói là hành uẩn, Kiền-đạt-phược kia là hành uẩn.

Phái Luận Ứng Lý bèn gạn hỏi phái Luận Phân Biệt: Giả sử nói là hành uẩn, hoặc Kiền-đạt-phược đều cùng chứng tỏ trung hữu là có, không phải là không có. Khác với hành uẩn này thì lời nói sẽ biểu thị điều gì?

Phái Luận Phân Biệt lại nêu vấn nạn: Ông nói bốn loài đều có trung hữu, thai, noãn có thể có ba sự vào thai, còn hai loài thấp sinh, hóa sinh sao có thể như thế? Do vậy kinh ông đã dẫn chứng không hợp chánh lý.

Phái Luận Ứng Lý theo dụ để khuyên phái Luận Phân Biệt: Ba sự vào thai là thuận theo sự thích ứng mà nói, đâu khiến cho ba sự cần khắp cho bốn loài? Chẳng phải đặt ra lời ấy là để ngăn chận trung hữu.

Thông suốt nơi kinh thứ hai, phái Luận Phân Biệt nói: Có trung thiên trụ ở xứ kia nhập diệt, do kinh này nói về trung bát Niết-bàn. Lại, bỏ cõi dục xong, chưa đến cõi sắc mà nhập diệt, gọi là trung bát Niết-bàn. Hoặc nhận chúng đồng phần của cõi sắc rồi, chưa trải qua nhiều thời gian mà nhập diệt, gọi là trung bát Niết-bàn. Hoặc người sinh nơi cõi sắc, thọ lượng chưa hết mà nhập diệt, gọi là trung bát Niết-bàn. Thế nên danh từ này không phải chứng minh cho trung hữu.

Phái Luận Ứng Lý hỏi vặn phái Luận Phân Biệt: Danh từ trung thiên này, Phật đã giảng nói ở xứ nào? Kinh chỉ nói có hai mươi tám cõi trời: Nghĩa là trời Bốn đại vương chúng cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không nói có trung thiên, vậy ông dựa vào đâu mà nói?

Lại, kinh nói: Có sinh bát Niết-bàn. Ông cũng nên thừa nhận có trời gọi là sinh, trụ nơi trời kia nhập diệt?

Lại, Khế kinh nói: Có hành bát Niết-bàn cho đến thượng lưu. Ông cũng nên thừa nhận có trời gọi là có hành cho đến thượng lưu. Đã không có tên trời riêng là Sinh v.v… làm sao ông lập riêngcó tên trời là Trung?

Lại, ông đã nói: Bỏ cõi dục rồi, chưa đến cõi sắc mà nhập diệt, gọi là trung bát Niết-bàn cũng không hợp lý. Vì sao? Vì đã bỏ cõi dục, chưa đến cõi sắc, nếu không có Trung hữu thì dựa vào thân nào để trụ mà bát Niết-bàn? Vì thế những lời ông đã nói đều là trống không có thật nghĩa.

Lại, điều ông đã nói: Hoặc nhận chúng đồng phần của cõi sắc rồi, khi chưa trải qua nhiều thời gian mà nhập diệt, gọi là trung bát Niết-bàn, sự việc này cũng phi lý. Vì sao? Vì sinh bát Niết-bàn dựa vào cõi sắc này mà lập. Lại, cõi vô sắc cũng nên nói có trung bát Niếtbàn. Sinh nơi cõi vô sắc kia chưa lâu, đã có dứt hết kiết còn lại mà nhập diệt. Nếu vậy ở cõi vô sắc cũng nên nói có nẻo của bảy thiện sĩ, là trái với Khế kinh, do Khế kinh nói nẻo của bảy thiện sĩ chỉ là cõi sắc.

Lại, ông đã nói: Hoặc sinh nơi cõi sắc, thọ lượng chưa hết mà nhập diệt, gọi là trung bát Niết-bàn, sự việc này cũng phi lý. Vì sao? Vì tất cả hữu tình phần nhiều thọ mạng trung bình và yểu, chỉ trừ châu Bắc-câu-lô của nẻo người và Bồ-tát nhất sinh bổ xứ, trụ nơi cõi trời Đổ-sử-đa. Các người tuổi thọ trung bình và yểu khác đã nhập diệt, đều nên gọi là trung bát Niết-bàn. Thế nên danh từ này không phải chỉ là cõi sắc, nên thuyết phái Luận Phân Biệt kia đã nói đều không hợp lý.

Phái Luận Phân biệt thông qua kinh thứ ba, nói: Ý thành hữu tình tức là cõi vô sắc. Nghĩa là có Phạm chí Độc tử xuất gia, đã lìa nhiễm cõi dục, được thiên nhãn thông, ông ta có người đồng học đã lìa nhiễm cõi sắc, trước đó người này đã mạng chung, sinh nơi cõi vô sắc. Phạm chí Độc tử dùng thiên nhãn thông quan sát khắp trong cõi dục, cõi sắc không thấy, liền khởi suy nghĩ: Bạn đồng học kia đã đoạn diệt chăng? Vì nhằm giải quyết mối nghi của mình, Phạm chí đến chỗ Đức Phật, đem việc ấy bạch với Phật: Kiều Đáp Ma Tôn! Xin Phật vì con giải nói: Thân này đã hoại, thân khác chưa sinh, ý thành hữu tình, phải dựa nơi pháp nào để thiết lập thủ?

Đức Thế Tôn bảo: Phạm chí nên biết! Thân này đã hoại, thân khác chưa sinh, ý thành hữu tình, là nương dựa nơi ái để thiết lập thủ.

Ý Đức Phật nói: Người đồng học của ông đã từ cõi này mạng chung, sinh nơi cõi vô sắc, đã dựa vào ái lập thủ, không phải cho là đoạn diệt.

Phái Luận Ứng Lý bèn cật vấn phái Luận Phân Biệt: Kinh nói ý thành, biểu thị nhiều thứ nghĩa: Thành biểu thị cho trung hữu, hoặc biểu thị cho hóa thân, hoặc biểu thị cho con người thời kiếp sơ, hoặc biểu thị cho hai cõi trên.

Hỏi: Do duyên nào nhận biết được ý thành này biểu thị cho trời vô sắc, không biểu thị cho trung hữu?

Đáp: Phái Luận Phân Biệt nói như thế này: Đâu biết lời nói ấy chỉ biểu thị cho trung hữu, không biểu thị cho trời vô sắc.

Phái Luận Ứng Lý nói: Tức do kinh này nên biết biểu thị cho trung hữu. Nghĩa là kinh ấy nói: Thân này đã hoại, thân khác chưa sinh, ý thành hữu tình đã dựa vào ái để lập thủ. Thân này đã hoại, thân khác chưa sinh, ý thành hữu tình há lìa trung hữu, không phải là cõi vô sắc có thể gọi là chưa sinh? Phái Luận Phân Biệt kia thông qua kinh nhất định không hợp lý.

Hỏi: Phái Luận Phân Biệt phải giải thích thế nào để thông suốt nơi phái Luận Ứng Lý đã thiết lập vấn nạn về lỗi để cho trung hữu quyết định là không có?

Đáp: Các hữu tình khi từ tử hữu đến sinh hữu chủ yếu là được sinh hữu rồi mới bỏ tử hữu. Như Chiết-lộ-ca bò dần lên cây cỏ v.v… trước phải giữ yên chân trước rồi mới dời đổi chân sau, thế nên không có lỗi gián đoạn trong tử hữu, sinh hữu.

Phái Luận Ứng Lý bèn cật vấn phái Luận Phân Biệt: Nếu nói như thế tức có lỗi lớn. Nghĩa là kẻ chết trong nẻo người, sinh vào địa ngục, trước là cần được các uẩn của địa ngục, sau mới bỏ các uẩn trong loài người. Nếu như vậy thì nẻo hoại, chỗ dựa nơi thân hoại có hai tâm trong một thân cùng sinh. Nẻo hoại: Nghĩa là nẻo kia bấy giờ là nẻo địa ngục, cũng thuộc về nẻo người. Thân hoại: Nghĩa là thân người kia lúc ấy là thân địa ngục, cũng thuộc về thân người. Có hai tâm trong một thân cùng sinh: Nghĩa là hai tâm tử hữu, sinh hữu cùng sinh: Hai tâm của một thân hữu tình đều khởi, vì tâm đã có hai thân nên không phải là một, tức thuyết của phái Luận Phân Biệt kia đã nói không phải là giải thích vấn nạn.

Hỏi: Hai Luận sư này đối với một trung hữu, một nói là có, một cho là không, hai thuyết như thế thuyết nào là hơn?

Đáp: Thuyết của Luận Ứng Lý đã nói là hơn, vì đã dẫn Chí giáo cùng nêu ra vấn nạn về lỗi khiến phái Luận Phân Biệt không thông suốt được. Nhưng phái Luận Phân Biệt là quả vô tri, quả đen tối, quả vô minh, quả không siêng năng gia hạnh, do đấy đã quyết định bác bỏ cho là không có trung hữu. Tuy nhiên, trung hữu này là vật thật có, tương ưng với tánh, tướng của vật thật có.

Như thế vì nhằm ngăn chận tông chỉ của người khác đã nói, cùng bày tỏ thuyết của tông chỉ mình đã nêu là lý chánh, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, không chỉ là ngăn chận kiến giải của kẻ khác, làm rõ tông chỉ của mình, mà còn hiển bày lý chánh của các pháp, khai ngộ cho các kẻ học, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Tất cả trung hữu đều thuộc về nẻo (thú) hay không phải thuộc về nẻo? Giả nêu như thế thì có lỗi gì? Cả hai đều cùng có lỗi. Vì sao? Vì nếu trung hữu này thuộc về nẻo, thì như nơi Luận Thi Thiết nói làm sao thông? Như Luận ấy nói: Năm nẻo gồm thâu bốn loài hay là bốn loài gồm thâu năm nẻo? Đáp: Bốn loài gồm thâu năm nẻo, không phải năm nẻo gồm thâu bốn loài. Không gồm thâu những gì? Là không gồm thâu trung hữu.

Hoặc như nơi Luận Pháp Uẩn nói làm sao thông? Như Luận ấy nói: Thế nào là nhãn giới? Nghĩa là sắc thanh tịnh do bốn đại chủng tạo ra là mắt và nhãn căn, nhãn xứ, nhãn giới, mắt của địa ngục, bàng sinh, quỷ, trời, người, mắt do tu tạo thành và mắt của trung hữu.

Lại theo thuyết của Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông? Như Luận ấy nói: Thế nào là nhãn căn? Nghĩa là sắc tịnh do bốn đại chủng tạo ra, là chủ thể nhìn, chủ thể trông thấy, thuộc về nhãn giới, nhãn xứ, nhãn căn, mắt của địa ngục, bàng sinh, quỷ, trời, người, hoặc là mắt của trung hữu khác v.v…

Nếu không thuộc về nẻo, thì như Tôn giả Đạt-la-đạt-đa đã nói làm sao thông suốt? Như nói: Trung hữu hướng đến nẻo kia tức thuộc về nẻo kia. Như mầm lúa nước, tuy không phải là lúa nước, nhưng có thể dẫn sinh lúa kia, nên cũng gọi là lúa nước.

Đáp: Có thuyết nói: Trung hữu của các nẻo tức thuộc về các nẻo.

Hỏi: Nếu vậy là khéo thông suốt thuyết của Tôn giả Đạt-la-đạtđa, còn thuyết của Luận Thi Thiết đã nêu làm sao thông tỏ?

Đáp: Văn của Luận Thi Thiết nên nói như thế này: “Bốn loài, năm nẻo lần lượt gồm thâu lẫn nhau, thuận theo chủng loại của bốn loài, năm nẻo ấy”, nhưng không nói như thế, nên biết văn đó là người tụng đã nhầm lẫn.

Hỏi: Còn như Luận Pháp Uẩn nói làm sao thông?

Đáp: Văn của Luận Pháp Uẩn phải nên nêu bày như vầy: “Mắt của địa ngục, bàng sinh, quỷ, trời, người là mắt do tu tạo thành”, không nên nói: “Và mắt của Trung hữu”. Nhưng lại nói, là có ý nghĩa sâu xa riêng. Nghĩa là mắt của trung hữu tuy thuộc về nẻo, nhưng vì vi tế nên lại hiển bày riêng. Như vị tướng của quân giặc tuy thuộc về quân giặc, nhưng vì tội nặng, nên sau khi quở mắng đám giặc xong, lại quở mắng riêng vị tướng. Lại như người nữ, tuy thuộc về các vật dụng của dục, nhưng vì lỗi nặng, nên chê trách các vật dụng của dục xong lại chê trách riêng. Trung hữu cũng như vậy, tuy tức thuộc về nẻo, nhưng vì vi tế nên lại hiển bày riêng.

Do đấy, đã thông suốt thuyết của Luận Phẩm Loại Túc.

Có thuyết nói: Trung hữu không phải thuộc về nẻo.

Hỏi: Nếu vậy thì khéo thông suốt kiến giải của Luận Thi Thiết v.v…, còn về thuyết của Tôn giả Đạt-la-đạt-đa đã nói làm sao thông?

Đáp: Thuyết của Tôn giả kia chẳng cần phải thông suốt, vì không phải là ba tạng, nên như văn tụng đã nói, hoặc đúng, hoặc không đúng. Tôn giả Đạt-la-đạt-đa là người làm văn tụng, vì lời nói thật có nhiều lỗi, nên chẳng cần thông suốt. Nếu cần thiết phải thông suốt, thì nên tìm về ý của tụng kia. Nghĩa là các trung hữu giống như hình nơi nẻo hướng đến, nên nói thuộc về các nẻo được hướng tới. Hình của trung hữu địa ngục như địa ngục, cho đến hình của trung hữu người tức như con người, nhưng thật sự trung hữu không phải thuộc về nẻo.

Lời bình: Trong hai thuyết này, thuyết sau là tốt. Vì sao? Vì nẻo nghĩa là đối tượng hướng tới, tức nơi chốn đã đến. Trung hữu hướng đến nẻo kia, không phải là nơi chốn đã đến. Cũng như con đường, nên không phải thuộc về nẻo.

Lại nữa, nẻo không phải nhiễu loạn, còn trung hữu thì nhiễu loạn, thế nên trung hữu không phải thuộc về nẻo.

Lại nữa, nẻo phần nhiều an trụ, còn trung hữu thì không dừng lại, vì như gió, dợn nắng, nên không phải thuộc về nẻo.

Lại nữa, các nẻo là quả, trung hữu là nhân, nhân không tức là quả, nên không phải thuộc về nẻo. Như nhân không phải do quả tạo, không phải đối tượng được tạo, thì chủ thể nhận lấy, không phải đối tượng nhận lấy, chủ thể hướng tới, không phải đối tượng hướng tới, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, tướng của các nẻo là thô, tướng của trung hữu vi tế, vì vi tế không tức là thô, nên không phải thuộc về nẻo. Như tế không phải là thô, thì không hiện thấy, không phải là hiện thấy, không sáng tỏ, không phải là sáng tỏ, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, vì trung hữu ở khoảng giữa của hai nẻo kia, nên không phải thuộc về nẻo. Như trung gian của thế giới thổ cư, ấp, ruộng, không phải thuộc về ruộng v.v…

Lại nữa, nẻo là chiêu cảm của nghiệp thiện, ác căn bản. Nghiệp gia hạnh kia chiêu cảm trung hữu, nhân đã có khác, nên không gồm thâu nhau.

Hỏi: Cõi, địa, xứ nào có trung hữu?

Đáp: Có thuyết nói: Nghiệp mạnh mẽ, nhạy bén tức không có trung hữu. Nghiệp đần độn, chậm chạp tức có trung hữu. Do đấy, địa ngục và trong chư Thiên đều không có trung hữu, vì nghiệp mạnh mẽ, nhạy bén. Người, bàng sinh, quỷ, hoặc có trung hữu, hoặc không có trung hữu, vì nghiệp không nhất định.

Lại có thuyết cho: Hữu tình hóa sinh tức không có trung hữu, vì nghiệp mạnh mẽ, nhạy bén. Hữu tình của ba loài kia (Thai, noãn, thấp), hoặc có trung hữu, hoặc không có trung hữu, vì nghiệp không nhất định.

Có Sư khác nêu: Nếu do nghiệp thuận thọ quyết định chiêu cảm sự sinh, tức không có trung hữu. Nếu do nghiệp thuận bất định thọ chiêu cảm sự sinh, tức có trung hữu.

Nên tạo ra thuyết này: Sinh nơi cõi dục, cõi sắc, nhất định có trung hữu, vì ở xứ liên tục cách biệt giữa tử hữu, sinh hữu khiến không đoạn dứt. Sinh nơi cõi vô sắc nhất định không có trung hữu.

Hỏi: Vì sao ở cõi vô sắc nhất định không có trung hữu?

Đáp: Vì cõi ấy không phải là ruộng, là vật chứa đựng. Nghĩa là sắc pháp là ruộng, là vật chứa đựng của trung hữu. Sinh nơi cõi vô sắc, vì không có các sắc, nên nhất định không có trung hữu.

Lại nữa, ở xứ liên tục cách biệt đối với tử hữu, sinh hữu, vì khiến không đoạn dứt nên khởi trung hữu. Sinh nơi cõi vô sắc không có phương xứ cách biệt để có thể cần liên tục, khởi trung hữu, nên cõi vô sắc nhất định không có trung hữu.

Lại nữa, nếu ở nơi cõi, địa, xứ nhận quả dị thục của hai thứ nghiệp tức có trung hữu. Hai thứ nghiệp là: 1. Nghiệp thuận thọ trung hữu. 2. Nghiệp thuận thọ sinh hữu. Lại có hai thứ: 1. Nghiệp thuận khởi thọ. 2. Nghiệp thuận sinh thọ. Lại có hai thứ: 1. Nghiệp thuận khởi dị thục. 2. Nghiệp thuận sinh dị thục. Lại có hai thứ: 1. Nghiệp thuận quả tế. 2. Nghiệp thuận quả thô. Trong cõi vô sắc chỉ nhận quả dị thục của một thứ nghiệp, nên không có trung hữu. Một thứ nghiệp, nghĩa là nghiệp thuận thọ sinh hữu, cho đến nghiệp thuận quả thô.

Lại nữa, nếu cõi, địa, xứ nhận quả dị thục của hai thứ nghiệp căn bản, gia hạnh, tức là có trung hữu. Trong cõi vô sắc vì chỉ nhận quả dị thục của nghiệp căn bản, nên không có trung hữu.

Lại nữa, nếu cõi, địa, xứ nhận quả di thục của hai thứ nghiệp tức có trung hữu. Hai thứ nghiệp là: 1. Nghiệp có sắc. 2. Nghiệp không sắc. Lại có hai thứ: 1. Nghiệp tương ưng. 2. Nghiệp không tương ưng. Lại có hai thứ: 1. Nghiệp có đối tượng nương dựa. 2. Nghiệp không có đối tượng nương dựa. Lại có hai thứ: 1. Nghiệp có đối tượng duyên. 2. Nghiệp không có đối tượng duyên. Lại có hai thứ: 1. Nghiệp có hành tướng. 2. Nghiệp không có hành tướng. Lại có hai thứ: 1. Nghiệp có tỉnh giác. 2. Nghiệp không có tỉnh giác. Trong cõi vô sắc vì chỉ nhận quả dị thục của một thứ nghiệp, nên không có trung hữu. Một thứ nghiệp, nghĩa là nghiệp vô sắc, cho đến nghiệp có tỉnh giác.

Lại nữa, nếu cõi, địa, xứ nhận quả dị thục nơi nghiệp của chủ thể hướng đến, đối tượng được hướng đến, tức là có trung hữu. Trong cõi vô sắc vì chỉ nhận quả dị thục nơi nghiệp của đối tượng được hướng đến, nên không có trung hữu. Như chủ thể hướng đến, đối tượng được hướng đến, thì chủ thể nối tiếp, đối tượng được nối tiếp, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, nếu cõi, địa, xứ nhận quả dị thục của ba thứ nghiệp thân ngữ ý thì có trung hữu. Trong cõi vô sắc vì chỉ nhận quả dị thục của một thứ ý nghiệp, nên không có trung hữu.

Lại nữa, nếu cõi, địa, xứ nhận quả dị thục của năm uẩn thiện, tức là có trung hữu. Trong cõi vô sắc vì chỉ nhận quả dị thục của bốn uẩn vô sắc thiện, nên không có trung hữu.

Lại nữa, nếu cõi, địa, xứ nhận quả dị thục của mười đạo nghiệp thiện, tức là có trung hữu. Trong cõi vô sắc vì chỉ nhận quả dị thục của ba đạo nghiệp thiện sau, nên không có trung hữu.

Lại nữa, nếu cõi, địa, xứ nhận quả dị thục của nghiệp hắc hắc, hoặc bạch bạch, hoặc hắc bạch, hắc bạch, tức là có trung hữu. Trong cõi vô sắc vì không nhận quả dị thục của ba nghiệp này, nên không có trung hữu.

Lại nữa, nếu cõi, địa, xứ có nhân trắng sạch và quả trắng sạch, tức là có trung hữu. Trong cõi vô sắc tuy có nhân trắng sạch, nhưng không có quả trắng sạch, nên không có trung hữu.

Lại nữa, nếu cõi, địa, xứ có đi có đến, tức là có trung hữu. Trong cõi vô sắc vì không có đi, không có đến, nên không có trung hữu.

Hỏi: Nếu ở xứ này chết, trở lại sinh nơi xứ này, như nhận biết có sống chết trong thi thể của mình đã không có đi, đến thì đâu cần trung hữu, tức hai hữu liên tục khiến không đoạn tuyệt chăng?

Đáp: Hữu tình chết rồi, hoặc sinh nơi nẻo ác, hoặc sinh trong nẻo người, hoặc sinh lên các trời, hoặc bát Niết-bàn. Người sinh nơi nẻo ác: Thức diệt ở chân. Người sinh trong nẻo người: Thức diệt ở rốn. Người sinh lên các trời: Thức diệt ở đầu. Người bát Niết-bàn: Thức diệt ở tâm. Các hữu tình chết rồi, sinh trong tử thi của mình là trùng v.v…: Người kia khi chưa chết, vì phần nhiều yêu thích khuôn mặt mình, nên lúc người ấy chết rồi, sinh trên mặt mình. Đã từ nơi chân kia đến sinh trên mặt mình, nếu không có trung hữu thì cái gì có thể tạo liên tục? Không ở xứ này chết, trở lại nơi sinh xứ này, vì bỏ thân, thọ thân, tất có di chuyển. Giả như có sự việc này thì không sắc cũng không, nên cõi vô sắc quyết định không có trung hữu.

Hỏi: Người chết ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục, cõi sắc, đã thuận theo xứ sẽ sinh, trung hữu hiện tiền, người kia đã không có qua lại thì đâu cần trung hữu?

Đáp: Vì người ấy trước đã tạo nghiệp chiêu cảm trung hữu, nên tuy không có qua lại, cũng vẫn nhận sức của nghiệp trung hữu, vì bị nghiệp dẫn dắt tất nhiên phải khởi.

Hỏi: Trung hữu có thể chuyển biến hay không thể chuyển biến?

Đáp: Phái Thí Dụ nói: Trung hữu có thể chuyển biến, vì tất cả nghiệp đều có thể chuyển. Phái kia nói đã tạo năm nghiệp vô gián hãy còn có thể dời chuyển, huống chi là nghiệp trung hữu? Nếu nghiệp vô gián không thể dời chuyển, tức nên không ai có thể vượt qua Hữu đảnh, vì nghiệp thiện của Hữu đảnh là tối thắng. Đã thừa nhận có người có thể vượt qua Hữu đảnh, nên nghiệp vô gián cũng có thể dời chuyển.

Các Luận sư thuộc A-tỳ-đạt-ma nói: Trung hữu đối với cõi, với nẻo, với xứ, đều không thể dời chuyển, vì nghiệp chiêu cảm của trung hữu rất mãnh liệt và nhạy bén.

Hỏi: Nếu trung hữu đối với cõi không thể dời chuyển thì sự việc của Bí-sô Vô Văn làm sao thông suốt? Có tộc tánh tử ở trong pháp Phật vừa xuất gia xong, không học đa văn, liền đến ở chốn A-luyệnnhã kiên trì giới cấm, tâm ưa tịch tĩnh, nhân nơi sức của nhân đời trước tu định thế tục. Nếu khi khởi tĩnh lự thứ nhất thế tục, bèn cho mình được quả Dự lưu, cho đến nếu khi khởi tĩnh lự thứ tư của thế tục, bèn cho là được quả A-la-hán. Người kia trong một đời khởi tăng thượng mạn: Chưa đắc cho là đã đắc, chưa đạt cho là đạt, chưa hiểu cho là hiểu, chưa chứng nói là chứng, không cầu đạo thắng tấn.

Người ấy lúc mạng chung, trung hữu của tĩnh lự thứ tư hiện tiền, liền khởi suy cảm nghĩ: Tất cả kiết phược ta đã dứt trừ vĩnh viễn, tức nên bát Niết-bàn lại không có xứ sinh, duyên gì có trung hữu này hiện tiền? Liền khởi tà kiến, bác bỏ cho là không có giải thoát. Nếu có giải thoát thì ta tức nên đã được. Do sức của tà kiến hủy báng Niết-bàn nên trung hữu của tĩnh lự thứ tư liền diệt, trung hữu của địa ngục vô gián hiện tiền, sau khi mạng chung sinh vào địa ngục vô gián.

Hỏi: Thế là trung hữu đối với cõi có thể chuyển biến, sao nói là đối với cõi không thể dời chuyển?

Đáp: Khi trụ ở bản hữu đã có sự di chuyển này, không phải là phần vị trung hữu, nên không mâu thuẫn với nhau. Nghĩa là người kia khi sắp chết, do uy lực của nghiệp, nên tướng sinh của tĩnh lự thứ tư hiện tiền, người kia đã thấy rồi liền khởi suy nghĩ: Tất cả kiết phược ta đã đoạn trừ vĩnh viễn, tức nên bát Niết-bàn, là không xứ sinh mới phải, duyên gì lại có tướng sinh này hiện tiền? Liền khởi tà kiến, bác bỏ cho là không có giải thoát. Nếu có giải thoát, ta tức nên đạt được. Do sức của tà kiến hủy báng Niết-bàn, nên tướng sinh của tĩnh lự thứ tư liền diệt, tướng sinh của địa ngục vô gián hiện tiền, sau khi mạng chung sinh vào địa ngục vô gián. Vì trụ nơi vị bản hữu nên có sự di chuyển này, vì không phải là vị trung hữu, nên không trái với lý.

Hỏi: Nếu trung hữu đối với nẻo không thể dời chuyển, thì sự việc của người làm điều thiện, ác làm sao thông suốt? Xưa, tại nước Thất-la-phiệt có hai người: Một người luôn tu thiện, một người luôn làm ác. Người tu hành thiện, ở trong một thân, luôn tu hành thiện, chưa từng làm ác. Người tạo hành ác, ở trong một thân, thường xuyên tạo hành ác, chưa từng tu thiện.

Hành giả tu thiện, khi sắp mạng chung, vì thuận với sức thọ nhận nghiệp ác hậu thứ, nên lập tức có trung hữu của địa ngục hiện tiền, liền khởi suy nghĩ: Trong một đời, ta luôn tu hành thiện, chưa từng làm việc ác, tức nên được sinh lên nẻo trời, duyên gì lại có trung hữu này hiện tiền. Liền khởi niệm: Ta quyết định nên có thuận với việc thọ nghiệp ác của hậu thứ. Nay vì nghiệp ác ấy đã thành thục, nên trung hữu của địa ngục này mới hiện tiền. Liền tự nhớ nghĩ: Một đời trước nay đã tu nghiệp thiện, nên sinh hoan hỷ sâu xa. Do tư duy thiện vượt hơn hiện tiền, nên trung hữu địa ngục tức thời ẩn mất, Trung hữu của nẻo trời tức khắc hiện tiền, từ đấy mạng chung được sinh lên nẻo trời.

Người tạo hành ác, khi sắp mạng chung, vì thuận với sức thọ nhận nghiệp thiện hậu thứ, trong phút chốc có trung hữu nơi nẻo trời hiện tiền, người ấy bèn nghĩ: Trong một đời, ta đã thường gây tạo biết bao hành ác, chưa từng tu thiện, tức nên sinh vào địa ngục, duyên gì lại có trung hữu này hiện tiền? Liền khởi tà kiến, bác bỏ cho không thiện, ác và quả dị thục. Nếu có quả dị thục thiện, ác thì ta không nên như thế. Do sức của tà kiến hủy báng nhân quả, nên trung hữu nơi nẻo trời lập tức ẩn mất, trung hữu của địa ngục tức khắc hiện tiền, từ đấy mạng chung sinh vào địa ngục.

Hỏi: Vậy thì trung hữu đối với nẻo (thú) có thể dời chuyển, sao nói là trung hữu không thể dời chuyển?

Đáp: Do người kia khi ở nơi bản hữu đã có sự dời chuyển này, không phải là phần vị trung hữu, nên không trái nhau. Nghĩa là các hữu tình ở phần vị sắp mạng chung, có tướng sinh của ái, phi ái hiện tiền. Như Khế kinh nói: Hành giả tu thiện, khi sắp mạng chung, trông thấy lầu gác đẹp, vườn rừng, ao hồ, kỹ nhạc, hương hoa, mỗi mỗi chỗ đều được bày biện, trang sức bằng vật báu, kiệu xe v.v… trông giống như sắp sửa nghênh đón nhau.

Kẻ gây tạo hành ác, khi sắp mạng chung, trông thấy ngòi rãnh hiểm trở, lửa dữ, khói nóng, núi dao, rừng gươm, rừng rậm đầy dẫy gai nhọn, chồn sói, dã can, mèo rừng, mồ mã, mọi vật dụng hung ác, cấu uế, trông giống như sắp sửa cùng đón tiếp.

Người tu hành thiện, ở phần vị sắp mạng chung, vì thuận với sức của nghiệp ác được thọ nhận kế sau, nên có tướng sinh của nẻo địa ngục hiện tiền. Người kia trông thấy rồi, bèn khởi suy nghĩ: Trong một đời, ta luôn tu hành thiện, chưa từng làm việc ác, lẽ ra phải được sinh lên nẻo trời, vì sao lại có tướng sinh này hiện tiền? Liền khởi suy niệm: Ta nhất định nên có thuận với sự thọ nhận nghiệp ác kế sau, đến nay vì nghiệp ấy đã thành thục, nên tướng sinh của địa ngục kia hiện tiền. Tức thời tự nhớ nghĩ: Một đời từ trước đến nay, ta đã tu nghiệp thiện, nên sinh hoan hỷ sâu xa. Do tư duy về điều thiện vượt hơn hiện tiền, nên tướng sinh của địa ngục lập tức ẩn mất, tướng sinh của nẻo trời tức khắc hiện tiền, từ đấy mạng chung sinh lên nẻo trời.

Kẻ gây tạo hành ác, khi sắp mạng chung, vì thuận với sức thọ nhận nghiệp thiện kế sau, nên tức thời có tướng sinh của nẻo trời hiện tiền. Người kia đã trông thấy rồi liền khởi suy nghĩ: Suốt đời ta thường gây tạo hành ác, chưa từng tu thiện, đáng lý sinh nơi địa ngục mới phải, nay do duyên gì tướng sinh này lại hiện tiền? Bèn khởi tà kiến hủy báng không có thiện, ác và quả dị thục. Nếu như có quả dị thục của thiện, ác, thì ta không nên như vậy. Do sức của tà kiến hủy báng nhân quả, nên tướng sinh của nẻo trời lập tức ẩn mất, tướng sinh của địa ngục bỗng nhiên hiện tiền, từ đấy mạng chung sinh vào địa ngục.

Vì phần vị của bản hữu nơi người kia đã có sự dời chuyển này, không phải là phần vị của trung hữu nên không trái với lý.

Hỏi: Nếu trung hữu đối với xứ không thể dời chuyển, thì sự việc vua Ảnh Kiên làm sao thông suốt? Ngày trước ở nước Ma-yết-đà có đại vương tên là Ảnh Kiên, luôn ưa tu tập nghiệp thiện thắng diệu của trời Đổ-sử-đa. Khi mạng chung, thân nhờ nơi trung hữu của trời kia, đi đến xứ trời nọ, tới bên vương cung Đa văn, ở lưng chừng núi Diệu Cao, gặp được vua, tạo ra các thức ăn uống hình sắc tinh khiết, thơm ngon. Nhìn thấy rồi, vua khởi ái, có cảm nghĩ thế này: “Nguyện cho ta sẽ sinh lên cõi trời này, được thọ những thức ăn uống ở đây”, sau đó, vua lại hướng đến trời Đổ-sử-đa. Khi có ý nghĩ ấy, trung hữu của trời kia lập tức ẩn mất, trung hữu của thiên tử Đa văn hiện tiền. Nhân đấy, vua sinh vào xứ của trời Đa văn. Như vậy đối với xứ, trung hữu có thể dời chuyển, sao nói trung hữu không thể dời chuyển?

Đáp: Lúc ở nơi bản hữu của vua Ảnh Kiên kia đã có sự dời chuyển này, không phải là phần vị trung hữu, nên không mâu thuẫn nhau. Nghĩa là vua Ảnh Kiên bị người con giả danh là vua Vị Sinh Oán giam cầm trong ngục tù, cắt đứt các thức ăn uống, lột da dưới chân, bị nỗi đói khát bức bách, nhận chịu nhiều khổ não.

Bấy giờ, Đức Phật đang ngự nơi núi Thứu Phong, vì xót thương vua Ảnh Kiên, nên dùng thân phóng ánh sáng từ bi vào nơi cửa sổ, soi rọi tiếp xúc thân vua, khiến vua chỉ trong thời gian ngắn thân tâm được yên ổn. Nhà vua cảm nghĩ: Đức Thế Tôn đại từ, đâu không rủ lòng thương xót cứu vớt nỗi khổ của ta.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của vua, liền bảo Tôn giả Đại Mục Kiền Liên: Ông có thể nhanh chóng đến chỗ vua Ảnh Kiên, như lời Ta, nói: Đại vương nên biết! Ta đối với đại vương những gì nên làm đều đã làm xong. Nghĩa là Ta cứu vớt vĩnh viễn nỗi khổ đau của các nẻo ác, một ít trường hợp trong nẻo người, quyết định thọ nhận nghiệp ác, Phật hãy còn không tránh khỏi, huống chi vua là tiểu Thánh mà có thể thoát khỏi chăng? Đại vương nên tự an tâm, chớ lo buồn nhiều!

Khi đó, vâng lời Phật dạy, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên vội nhập thắng định, khởi thần cảnh thông, từ núi Thứu Phong ẩn mất, xuất hiện ở vương cung, như trong ao suối, nổi chìm tự tại, bỗng nhiên vụt hiện trước vua Ảnh Kiên, báo với vua: Đại vương nên biết! Như Lai đại từ lời nói không hai, đã nhận thấy sâu về nhân quả, có thể khéo ký biệt, nên Như Lai đã sai tôi đến đây để hỏi thăm, an ủi vua và nói với vua: Đại vương nên biết! Như Lai đối với đại vương, những việc gì nên làm đều đã làm xong. Nghĩa là đã cứu vớt vĩnh viễn nỗi khổ của các nẻo ác, một ít trường hợp trong nẻo người, nhất định phải thọ nhận nghiệp ác, Phật hãy còn không tránh khỏi huống chi vua là tiểu Thánh mà có thể thoát khỏi chăng? Đại vương nên tự an tâm, chớ lo buồn nhiều.

Tôn giả Mục Kiên Liên nhân dịp này lại vì nhà vua giảng nói vô số các pháp. Lúc ấy, nhà vua hay bị cơn đói khát gây bức não, nên đối với các nghĩa do Tôn giả đã giảng nói không thể lãnh hội, bèn thưa với Tôn giả Mục Kiền Liên: Trong thức ăn của chư Thiên, đoạn thực của cõi trời nào là ngon hơn hết? Tôn giả hãy vì tôi giảng nói, tôi xin muốn nghe.

Tôn giả Đại Mục Kiền Liên theo thứ lớp nêu bày, khen ngợi thức ăn uống thượng diệu trong sáu cõi trời thuộc Dục giới. Trước hết, nhà vua nghe nói ở cung điện của vua Đa văn, xứ Tứ Thiên vương có thức ăn uống rất ngon, tức thời xả mạng, sinh lên cung trời kia, làm thái tử con vua Đa văn, vua đặt tên là Tối Thắng Tôn.

Thái tử lập tức từ cõi trời kia đến chỗ Đức Phật, đến xong, đảnh lễ nơi chân Đức Thế Tôn, hết sức hoan hỷ, luôn tự xưng danh: Con là Tối Thắng Tôn, nguyện Phật hiện tâm từ xót thương nghĩ đến!

Vua Ảnh Kiên kia trụ nơi bản hữu, khi sắp mạng chung, tướng sinh của trời Đổ-sử-đa hiện tiền, khi yêu thích thức ăn thượng diệu của cung trời Đa văn, tướng sinh của trời Đổ-sử-đa tức thời ẩn mất, tướng sinh của Thiên tử Đa văn hiện tiền. Từ đấy, mạng chung thọ nhận trung hữu, nhân nơi trung hữu ấy sinh vào cõi trời kia. Đã là thời gian của bản hữu có sự dời chuyển này, không phải là phần vị của trung hữu, nên không mâu thuẫn nhau.

HẾT – QUYỂN 69