LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 64

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ HỮU TÌNH, phần 2

Sinh nơi cõi dục, Thánh giả có ba sự mạng chung: 1. Hoàn toàn lìa nhiễm mà mạng chung. 2. Hoàn toàn thoái chuyển mà mạng chung. 3. Lìa nhiễm từng phần mà mạng chung. Phàm phu chỉ có hai sự mạng chung: 1. Hoàn toàn lìa nhiễm mà mạng chung. 2. Hoàn toàn thoái chuyển mà mạng chung. Không có lìa nhiễm từng phần mà mạng chung.

Sinh nơi cõi sắc, Thánh giả có hai sự mạng chung: 1. Hoàn toàn lìa nhiễm mà mạng chung. 2. Lìa nhiễm từng phần mà mạng chung. Không có hoàn toàn thoái chuyển mà mạng chung, vì cõi sắc, cõi vô sắc không có nghĩa thoái chuyển. Phàm phu chỉ có một sự mạng chung, là hoàn toàn lìa nhiễm mà mạng chung, không có hai sự kia.

Sinh nơi cõi vô sắc, Thánh giả, phàm phu nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Vì sao Thánh giả có lìa nhiễm từng phần mà mạng chung, còn phàm phu thì không như vậy?

Đáp: Vì các Thánh giả có định vô lậu, nhận giữ sự nối tiếp khiến rất bền chắc. Phàm phu chỉ có các định thế tục, nhận giữ sự nối tiếp không bền chắc. Lại nữa, Thánh giả thành tựu Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na thù thắng, phàm phu thì không như vậy. Lại nữa, Thánh giả thành tựu lực dụng của đạo vô lậu, tùy ý thi hành, phàm phu thì không như vậy. Thế nên, Thánh giả có nghĩa lìa nhiễm từng phần mà mạng chung. Phàm phu thì không có.

Có thuyết cho: Vì các Thánh giả có đủ ba thứ lực: 1. Lực của Thánh đạo. 2. Lực của phiền não. 3. Lực của định nghiệp. Do lực của định nghiệp, nên có nghĩa hoàn toàn lìa nhiễm mà mạng chung. Do lực của phiền não, nên có nghĩa hoàn toàn thoái chuyển mà mạng chung. Do lực của Thánh đạo, nên có nghĩa lìa nhiễm từng phần mà mạng chung. Phàm phu chỉ có hai thứ lực: Lực của phiền não và lực của định nghiệp, không có lực của Thánh đạo. Do lực của định nghiệp, nên có nghĩa hoàn toàn lìa nhiễm mà mạng chung. Do lực của phiền não, nên có nghĩa hoàn toàn thoái chuyển mà mạng chung. Do không có lực của Thánh đạo, nên không có nghĩa lìa nhiễm từng phần mà mạng chung.

Có Sư khác nói: Thánh giả có ba lực: 1. Lực của đạo. 2. Lực của phiền não. 3. Lực của định nghiệp. Do lực của đạo, nên có nghĩa hoàn toàn lìa nhiễm mà mạng chung. Do lực của phiền não, nên có nghĩa hoàn toàn thoái chuyển mà mạng chung. Do lực của định nghiệp, nên có nghĩa lìa nhiễm từng phần mà mạng chung. Nếu hoàn toàn lìa nhiễm mà được địa này, sinh phi trạch diệt, nên quyết định thọ nhận nghiệp, tức không cho quả, do định nghiệp này gây trở ngại. Có lìa nhiễm từng phần mà mạng chung như Gia gia v.v… Phàm phu chỉ có hai lực, nghĩa là lực của đạo và lực của phiền não, không có lực của định nghiệp. Do lực của đạo, nên có nghĩa lìa nhiễm hoàn toàn mà mạng chung. Do lực của phiền não, nên có nghĩa hoàn toàn thoái chuyển mà mạng chung. Do không có lực của định nghiệp, nên không có nghĩa lìa nhiễm từng phần mà mạng chung. Nếu như hoàn toàn lìa nhiễm mà có nghĩa sinh trở lại nơi địa này thì quyết định thọ nhận nghiệp không bị trở ngại.

Hoặc có thuyết nêu: Phần vị của lìa nhiễm từng phần có lập riêng Thánh, Bổ-đặc-già-la. Nghĩa là lìa nhiễm của ba, bốn phẩm nơi cõi dục thì lập riêng là Gia gia. Lìa nhiễm của sáu phẩm thì lập riêng là Nhất lai. Lìa nhiễm của bảy, tám phẩm thì lập riêng là Nhất gián. Thế nên Thánh giả có nghĩa lìa nhiễm từng phần mà mạng chung. Phàm phu nhất định không có phần vị của lìa nhiễm từng phần như bậc Thánh, nên đã lập riêng Bổ-đặc-già-la. Do đó, phàm phu không có nghĩa lìa nhiễm từng phần mà mạng chung.

Lại có thuyết nói: Vì Thánh giả đối với định có lực dụng tự tại, nên khi lìa nhiễm có lìa phần ít mà mạng chung. Phàm phu đối với định vì không có lực dụng tự tại, nên khi lìa nhiễm không có lìa phần ít mà mạng chung.

Tôn giả Tăng Già Phiệt Tô nói: Phàm phu cũng có phần vị lìa nhiễm từng phần mà mạng chung, nhưng mạng chung rồi, khi kiết sinh tâm, kiết trước đã đoạn, tất trở lại tạo thành.

Lời bình: Vị kia không nên tạo ra thuyết ấy, vì người kia mạng chung, uy lực của tâm yếu kém, nên kiết trước đã đoạn xong sẽ được tạo thành. Thế nên, thuyết trước về lý là tốt.

Hỏi: Khi dùng đạo thế tục để lìa các nhiễm, đạo vô gián – đạo giải thoát có bao nhiêu hành tướng?

Đáp: Các đạo vô gián có ba hành tướng: 1. Hành tướng thô. 2. Hành tướng khổ. 3. Hành tướng chướng.

Các đạo giải thoát có ba hành tướng: 1. Hành tướng tĩnh. 2. Hành tướng diệu. 3. Hành tướng lìa.

Hỏi: Trong đạo vô gián sau hành tướng nào khởi hành tướng nào của đạo giải thoát?

Đáp: Có thuyết nói: Từ sau hành tướng thô nơi đạo vô gián khởi hành tướng tĩnh là đạo giải thoát. Từ sau hành tướng khổ nơi đạo vô gián khởi hành tướng diệu là đạo giải thoát. Từ sau hành tướng chướng nơi đạo vô gián khởi hành tướng lìa là đạo giải thoát.

Có Sư khác cho: Từ sau hành tướng thô nơi đạo vô gián khởi hành tướng diệu là đạo giải thoát. Từ sau hành tướng khổ nơi đạo vô gián khởi hành tướng tĩnh là đạo giải thoát. Từ sau hành tướng chướng nơi đạo vô gián khởi hành tướng lìa là đạo giải thoát, vì thô, diệu, khổ, tĩnh, chướng, lìa đối nhau.

Lời bình: Sự việc này không nhất định: Từ sau hành tướng thô nơi đạo vô gián, dung nạp khởi ba thứ hành tướng như tĩnh v.v… là đạo giải thoát. Từ sau hành tướng khổ nơi đạo vô gián, dung nạp khởi ba thứ hành tướng như diệu v.v… là đạo giải thoát. Từ sau hành tướng chướng nơi đạo vô gián, dung nạp khởi ba thứ hành tướng như lìa v.v… là đạo giải thoát. Dùng sáu thứ hành tướng hữu lậu này tùy theo người lìa nhiễm ưa thích khởi hiện.

Hỏi: Khi dùng đạo thế tục để lìa các nhiễm, đạo giải thoát – đạo vô gián đều duyên nơi địa nào?

Đáp: Khi lìa nhiễm cõi dục, chín đạo vô gián chỉ duyên nơi cõi dục, chín đạo giải thoát duyên nơi tĩnh lự thứ nhất.

Hỏi: Nếu vậy là khéo thông suốt nơi Chương Căn Uẩn đã nói. Như nói: Từng có pháp tư duy nơi cõi sắc có thể nhận biết khắp cõi dục chăng? Đáp: Có. Ý của phần Luận kia là nói về nhận biết khắp của đoạn. Thế nào là hành tướng nơi đối tượng duyên của hai đạo mà không lẫn lộn? Nếu hành tướng nơi đối tượng duyên của hai đạo này có lẫn lộn, thì đối với sự lìa nhiễm làm sao không bị chướng ngại?

Đáp: Hành tướng nơi đối tượng duyên của hai đạo như thế, tuy có lẫn lộn, nhưng đối với sự lìa nhiễm rõ ràng là không thể bị chướng ngại vướng mắc. Vì sao? Vì hành tướng nơi đối tượng duyên kia ở trong các con đường tắt lìa nhiễm, đã khéo tu tập, gia hạnh hoàn thành. Như trong kiến đạo duyên nơi nhẫn trí của cõi dục, sau duyên nơi nhẫn trí của Hữu đảnh hiện tiền. Duyên nơi nhẫn trí của Hữu đảnh, sau duyên nơi nhẫn trí của cõi dục hiện tiền. Tuy có hành tướng của đối tượng duyên lẫn lộn, nhưng đối với sự hiện quán rõ ràng là không thể bị chướng ngại vướng mắc. Vì sao? Vì hành tướng nơi đối tượng duyên kia ở trong các con đường tắt hiện quán, đã khéo tu tập, gia hạnh đã hoàn thành. Ở đây cũng như thế, nên không có lỗi.

Có thuyết nói: Khi lìa nhiễm cõi dục, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát đều duyên nơi cõi dục, đạo giải thoát sau cùng duyên nơi tĩnh lự thứ nhất. Như khi dùng diệt đạo trí lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát đều duyên nơi diệt, đạo, đạo giải thoát sau cùng duyên nơi bốn uẩn hữu lậu của Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ở đây cũng như thế.

Có Sư khác cho: Khi lìa nhiễm cõi dục, hoặc không dừng nghỉ, hoặc có dừng nghỉ. Không dừng nghỉ: Nghĩa là chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát đều duyên nơi cõi dục, đạo giải thoát sau cùng duyên nơi tĩnh lự thứ nhất. Có dừng nghỉ: Nghĩa là hoặc lìa một phẩm nhiễm liền dừng nghỉ, hoặc lìa hai phẩm thì dừng nghỉ. Như thế cho đến hoặc lìa tám phẩm rồi mới dừng nghỉ. Nếu lìa một phẩm tức dừng nghỉ, thì đạo vô gián duyên nơi cõi dục, đạo giải thoát duyên nơi tĩnh lự thứ nhất. Nếu lìa hai phẩm rồi dừng nghỉ, thì hai đạo vô gián, một đạo giải thoát duyên nơi cõi dục, đạo giải thoát thứ hai duyên nơi tĩnh lự thứ nhất. Như thế cho đến nếu lìa tám phẩm mới dừng nghỉ, thì tám đạo vô gián, bảy đạo giải thoát đều duyên nơi cõi dục, đạo giải thoát thứ tám duyên nơi tĩnh lự thứ nhất.

Hoặc có thuyết nêu: Khi lìa nhiễm cõi dục, chín đạo giải thoát, chín đạo vô gián đều duyên nơi cõi dục. Như khi dùng khổ tập trí lìa nhiễm cõi dục, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát đều duyên nơi cõi dục. Ở đây cũng như thế.

Hỏi: Nếu vậy tuy hành tướng nơi đối tượng duyên của vô gián, giải thoát không có lỗi về lẫn lộn, nhưng nơi Chương Căn Uẩn đã nói làm sao thông? Như nói: Từng có pháp tư duy nơi cõi sắc có thể nhận biết khắp cõi dục chăng? Đáp: Có. Ý của phần Luận kia là nói về nhận biết khắp của đoạn?

Đáp: Nơi Chương Căn Uẩn là dựa vào gia hạnh gần mà nói. Nghĩa là người tu hành khi sắp lìa nhiễm dục, trước phải khởi tư duy phân biệt như thế này: Cõi dục là khổ, thô, chướng. Tĩnh lự thứ nhất là tĩnh, diệu, lìa.

Hỏi: Nếu vậy đoạn sau nơi Chương Căn Uẩn nói làm sao thông? Như nói: Từng có pháp tư duy nơi cõi vô sắc có thể nhận biết khắp cõi dục chăng? Đáp: Không có. Ý của phần Luận kia là nói về nhận biết khắp của đoạn? Há người tu hành khi sắp lìa nhiễm cõi dục, trước không khởi tư duy phân biệt này: Cõi dục là khổ, thô, chướng. Cõi vô sắc là tĩnh, diệu, lìa chăng?

Đáp: Tuy khởi tư duy phân biệt như thế, nhưng là xa không phải gần, không phải đối với cõi vô sắc tư duy, sau tức có thể dẫn sinh đạo lìa nhiễm cõi dục. Tư duy nơi cõi sắc là gia hạnh gần, tức có thể dẫn sinh đạo lìa nhiễm cõi dục. Thế nên hai phần Luận đã nói đều không mâu thuẫn nhau.

Lại có thuyết cho: Khi lìa nhiễm cõi dục, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát đều duyên nơi tĩnh lự thứ nhất.

Hỏi: Nếu vậy thì khéo thông suốt nơi Chương Căn Uẩn đã nói. Như nói: Từng có pháp tư duy nơi cõi sắc có thể nhận biết khắp cõi dục chăng? Đáp: Có. Ý của phần Luận kia là nói về nhận biết khắp của đoạn. Lại không có lỗi lẫn lộn về hành tướng nơi đối tượng duyên của hai đạo. Vì sao duyên nơi địa khác có thể lìa nhiễm của địa khác?

Đáp: Sự việc này cũng không có lỗi. Như diệt đạo trí khi lìa các nhiễm, tuy duyên nơi diệt, đạo, nhưng vẫn đoạn trừ khổ, tập. Ở đây cũng như thế.

Lời bình: Các thuyết như thế tuy đều có thể xuất sinh tuệ giác của đệ tử mình, nhưng thuyết đầu tiên về lý là tốt. Nghĩa là chín đạo vô gián đều duyên nơi cõi dục, chín đạo giải thoát đều duyên nơi tĩnh lự thứ nhất. Vì sao? Vì đạo thế tục khi lìa nhiễm cõi dục, phải chán địa dưới, ưa thích địa trên, mới có thể lìa bỏ. Như lìa nhiễm cõi dục, lìa nhiễm của bảy địa trên nên biết cũng như thế.

Hỏi: Trong đạo vô gián, giải thoát của thế tục nơi mỗi mỗi đạo có thể tu bao nhiêu thứ hành tướng?

Đáp: Các người phàm phu khi lìa nhiễm cõi dục, tu ba hành tướng trong chín đạo vô gián là khổ, thô, chướng, tu sáu hành tướng trong tám đạo giải thoát là khổ, thô, chướng và tĩnh, diệu, lìa. Trong đạo giải thoát sau cùng, tức tu sáu hành tướng này, cũng tu hành tướng vô biên của địa tĩnh lự thứ nhất nơi vị lai. Như thế cho đến lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, theo chỗ thích hợp nên biết cũng như vậy.

Nếu các Thánh giả khi lìa nhiễm cõi dục, tức tu mười chín hành tướng trong chín đạo vô gián, nghĩa là ba hành tướng như thô v.v… và mười sáu hành tướng bậc Thánh hữu lậu, vô lậu. Tu hai mươi hai hành tướng trong tám đạo giải thoát, nghĩa là ba thứ như thô v.v…, ba thứ như tĩnh v.v… và mười sáu hành tướng bậc Thánh vô lậu, hữu lậu. Trong đạo giải thoát sau cùng, tức tu hai mươi hai hành tướng này, cũng tu hành tướng vô biên của địa tĩnh lự thứ nhất nơi vị lai, tức các Thánh giả khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, tu mười chín hành tướng trong chín đạo vô gián, nghĩa là ba thứ như thô v.v… và chỉ mười sáu hành tướng bậc Thánh vô lậu. Tu hai mươi hai hành tướng trong tám đạo giải thoát, nghĩa là ba thứ như thô v.v…, ba thứ như tĩnh v.v… và chỉ mười sáu hành tướng bậc Thánh vô lậu. Trong đạo giải thoát sau cùng, tức tu hai mươi hai hành tướng này, cũng tu hành tướng vô biên của địa thuộc tĩnh lự thứ hai ở vị lai. Như thế cho đến lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, tùy theo chỗ thích ứng nên biết cũng như thế.

Hỏi: Vì sao nơi cận phần của tĩnh lự thứ nhất thì tu chung cả hữu lậu, vô lậu nơi mười sáu hành tướng bậc Thánh. Còn nơi cận phần của địa trên chỉ tu vô lậu?

Đáp: Vì cận phần của tĩnh lự thứ nhất có hành tướng của bậc Thánh, nên có thể tu chung cả hữu lậu vô lậu nơi mười sáu hành tướng bậc Thánh. Còn nơi cận phần của địa trên không có hành tướng của bậc Thánh, nên chỉ có thể tu hành tướng vô lậu.

Có thuyết nói: Các người phàm phu khi lìa nhiễm cõi dục, tu chín hành tướng trong chín đạo vô gián, nghĩa là ba thứ như thô v.v… và từ, bi, hỷ, xả, quán bất tịnh, quán sổ tức. Tu mười hai hành tướng trong tám đạo giải thoát, nghĩa là chín hành tướng trước kia và ba thứ như tĩnh v.v…. Trong đạo giải thoát sau cùng tức tu mười hai hành tướng này, cũng tu hành tướng vô biên của địa tĩnh lự thứ nhất ở vị lai. Nếu các Thánh giả khi lìa nhiễm cõi dục, tức tu hai mươi lăm hành tướng trong chín đạo vô gián, nghĩa là ba hành tướng như thô v.v… từ, bi, hỷ, xả, quán bất tịnh, quán sổ tức, cùng mười sáu hành tướng bậc Thánh vô lậu, hữu lậu. Tu hai mươi tám hành tướng trong tám đạo giải thoát, nghĩa là hai mươi lăm hành tướng trước và ba thứ như tĩnh v.v… Trong đạo giải thoát sau cùng tức tu hai mươi tám hành tướng này, cũng tu hành tướng vô biên nơi địa tĩnh lự thứ nhất ở vị lai. Về nghĩa tu cận phần của địa trên, như trước đã nói.

Hỏi: Vì sao cận phần của tĩnh lự thứ nhất có thể tu các thứ hành tướng như thế, còn cận phần của địa trên thì không thể tu?

Đáp: Vì cận phần của tĩnh lự thứ nhất có vô số thứ căn thiện, nên có thể tu các thứ hành tướng này. Còn cận phần của địa trên, các căn thiện ít, nên không thể tu vô số các hành tướng. Lại nữa, phiền não của cõi dục có vô số thứ tướng, tu trở lại các thứ căn thiện là nhằm đối trị. Phiền não của địa trên vì không có vô số thứ tướng, nên Hành giả không tu vô số thứ đối trị.

Hỏi: Trong hiện tại đều cùng hành tác gánh nặng có tác dụng. Về hành tướng nơi đối tượng duyên của đạo giải thoát, vô gián thuộc thế tục đã nói như trước. Người tu vị lai là nơi đối tượng duyên nào?

Đáp: Khi lìa nhiễm cõi dục, trong chín đạo vô gián đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, chỉ duyên nơi cõi dục. Trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên nơi cõi dục và tĩnh lự thứ nhất. Ba hành tướng như tĩnh v.v… chỉ duyên nơi tĩnh lự thứ nhất. Trong đạo giải thoát sau cùng đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên chung nơi ba cõi. Ba hành tướng như tĩnh v.v… duyên nơi tĩnh lự thứ nhất cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, trong chín đạo vô gián đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, chỉ duyên nơi tĩnh lự thứ nhất. Trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên nơi tĩnh lự thứ nhất, thứ hai. Ba hành tướng như tĩnh v.v… chỉ duyên nơi tĩnh lự thứ hai. Trong đạo giải thoát sau cùng đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên chung nơi ba cõi. Ba hành tướng như tĩnh v.v… duyên nơi tĩnh lự thứ hai, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ hai, trong chín đạo vô gián đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, chỉ duyên nơi tĩnh lự thứ hai. Trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên nơi tĩnh lự thứ hai, thứ ba. Ba hành tướng như tĩnh v.v… chỉ duyên nơi tĩnh lự thứ ba. Trong đạo giải thoát sau cùng đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên chung nơi ba cõi. Ba hành tướng như tĩnh v.v… duyên nơi tĩnh lự thứ ba cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba, trong chín đạo vô gián đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, chỉ duyên nơi tĩnh lự thứ ba. Trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên nơi tĩnh lự thứ ba, thứ tư. Ba hành tướng như tĩnh v.v… chỉ duyên nơi tĩnh lự thứ tư. Trong đạo giải thoát sau cùng đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên chung nơi ba cõi. Ba hành tướng như tĩnh v.v… duyên nơi tĩnh lự thứ tư cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Khi lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, trong chín đạo vô gián đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, chỉ duyên nơi tĩnh lự thứ tư. Trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên nơi tĩnh lự thứ tư và Không vô biên xứ. Ba hành tướng như tĩnh v.v… chỉ duyên nơi Không vô biên xứ. Trong đạo giải thoát sau cùng đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v… và ba hành tướng như tĩnh v.v…, duyên nơi Không vô biên xứ cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hỏi: Nếu lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, có thể duyên nơi tĩnh lự thứ tư và Không vô biên xứ. Theo như nơi Luận Thức Thân nói làm sao thông suốt? Như nói: Từng có tâm thiện của cõi vô sắc có thể phân biệt rõ pháp của cõi sắc, vô sắc chăng?

Đáp: Không có. Vì các cõi kia ngăn chận sát-na, không ngăn chận sự nối tiếp. Nghĩa là trong khoảnh khắc một sát-na tâm thiện của cõi vô sắc có thể phân biệt rõ pháp của cõi sắc, vô sắc, là không có điều này. Nếu lìa nhiễm của cõi sắc, vô sắc kia, trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, hoặc duyên nơi tĩnh lự thứ tư của cõi sắc, hoặc duyên nơi Không vô biên xứ của cõi vô sắc, thì có điều này, tức ngăn chận sát-na, không ngăn chận sự nối tiếp.

Ở đây cùng với Luận kia nói đều cùng khéo thông suốt.

Khi lìa nhiễm của Không vô biên xứ, trong chín đạo vô gián đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, chỉ duyên nơi Không vô biên xứ. Trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên nơi Không vô biên xứ và Thức vô biên xứ. Ba hành tướng như tĩnh v.v… chỉ duyên nơi Thức vô biên xứ. Trong đạo giải thoát sau cùng đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v… và ba hành tướng như tĩnh v.v…, duyên nơi Thức vô biên xứ cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Khi lìa nhiễm của Thức vô biên xứ, trong chín đạo vô gián đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, chỉ duyên nơi Thức vô biên xứ. Trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên nơi Thức vô biên xứ và Vô sở hữu xứ. Ba hành tướng như tĩnh v.v… chỉ duyên nơi Vô sở hữu xứ. Trong đạo giải thoát sau cùng đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v… và ba hành tướng như tĩnh v.v… duyên nơi Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Khi lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, trong chín đạo vô gián đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, chỉ duyên nơi Vô sở hữu xứ. Trong tám đạo giải thoát đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v…, duyên nơi Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ba hành tướng như tĩnh v.v… chỉ duyên nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Trong đạo giải thoát sau cùng đã tu ở vị lai ba hành tướng như thô v.v… và ba hành tướng như tĩnh v.v… chỉ duyên nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Hỏi: Vì sao trong đạo giải thoát sau cùng các hành tướng như thô v.v… thuộc về tĩnh lự ở vị lai đã được tu duyên chung nơi ba cõi. Còn các hành tướng như thô v.v… thuộc về cõi vô sắc, lại chỉ duyên nơi cõi vô sắc?

Đáp: Trong địa tĩnh lự có trí duyên khắp, có thể duyên nơi địa mình, địa dưới, địa trên. Còn trong địa vô sắc không có trí duyên khắp, chỉ duyên nơi địa trên, không duyên nơi địa dưới. Lại nữa, trong địa tĩnh lự có công đức thô, rõ, dễ thấy, dễ biết, không phải là địa vô sắc. Lại nữa, trong địa tĩnh lự có nhiều công đức, nhiều thắng lợi, còn cõi vô sắc thì không như thế. Lại nữa, trong địa tĩnh lự thiện có vô số các tướng khác, tánh khác, cõi vô sắc thì không như thế. Lại nữa, trong địa tĩnh lự có căn tướng khác, thọ tướng khác, tâm tâm sở pháp của tướng khác, cõi vô sắc thì không như thế. Thế nên, bấy giờ đã tu các hành tướng như thô v.v… thuộc về tĩnh lự vị lai, duyên chung nơi ba cõi. Hành tướng như thô v.v… thuộc về Vô sắc chỉ duyên nơi cõi vô sắc.

***

* Kiết của cõi dục do kiến đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã nói các kiết của hai bộ nơi ba cõi được, bỏ dần dần, tức khắc, nhưng chưa nói việc đoạn của kiết kia thuộc về quả nào? Nay vì muốn nói đến, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Kiết của cõi dục do kiến đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Nghĩa là kiết kia đã được dứt hết, khi chứng quả Dự lưu tức thuộc về quả Dự lưu, khi chứng quả Nhất lai tức thuộc về quả Nhất lai, khi chứng quả Bất hoàn tức thuộc về quả Bất hoàn, khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Theo thứ lớp: Nghĩa là hai khoảnh tâm hiện quán của đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hỏi: Kiết của cõi dục do tu đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Quả Bất hoàn, A-la-hán, hoặc không có xứ.

Thuộc về quả Bất hoàn: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả Bất hoàn tức thuộc về quả Bất hoàn.

Thuộc về quả A-la-hán: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi lìa nhiễm cõi dục, đạo vô gián thứ chín diệt, kiết kia mới được đoạn tận. Lúc đạo giải thoát thứ chín sinh, là chứng quả Bất hoàn, kiết kia dứt hết, tức thuộc về quả Bất hoàn.

Hỏi: Kiết của cõi sắc do kiến đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả Dự lưu tức thuộc về quả Dự lưu, cho đến khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi sắc, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi đạo loại trí nhẫn diệt mới đoạn hết kiết kia. Lúc đạo loại trí sinh, tùy theo chỗ thích hợp mới chứng được ba quả trước, kiết kia dứt hết, tức thuộc về ba quả trước.

Hỏi: Kiết của cõi sắc do tu đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Quả A-la-hán, hoặc không có xứ.

Thuộc về quả A-la-hán: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc, kiết của phàm phu đã hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi sắc, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo cùng với đạo loại trí v.v… Các vị hữu học, kiết của họ hết, không thuộc về quả.

Theo thứ lớp: Từ lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, đạo giải thoát thứ chín, cho đến lúc định kim cang dụ hiện tiền, kiết của vị hữu học kia hết, không thuộc về quả.

Hỏi: Kiết của cõi vô sắc do kiến đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả Dự lưu tức thuộc về quả Dự lưu, cho đến khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Không có phàm phu: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến đạo đoạn.

Cũng không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi đạo loại trí nhẫn diệt mới đoạn hết kiết kia. Lúc đạo loại trí sinh, tùy theo chỗ thích hợp chứng ba quả trước, kiết kia dứt hết, tức thuộc về ba quả trước.

Hỏi: Kiết của cõi vô sắc do tu đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-la-hán: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Không có phàm phu: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do tu đạo đoạn.

Cũng không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì đến khi định kim cang dụ hiện tiền mới đoạn hẳn kiết kia. Khi tận trí đầu tiên sinh, là chứng quả A-la-hán, kiết kia dứt hết, tức thuộc về quả A-la-hán.

***

* Có năm bộ kiết: Nghĩa là kiết do kiến khổ đoạn cho đến kiết do tu đạo đoạn.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước tuy đã nói hai bộ kiết của ba cõi dứt hết thuộc về các quả, nhưng chưa nói năm bộ kiết đoạn hết thuộc về các quả. Nay nhằm nói về điều ấy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Kiết do kiến khổ đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả Dự lưu tức thuộc về quả Dự lưu, cho đến lúc chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là không có phàm phu, tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu nào có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến khổ đoạn.

Theo thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán khổ. Bốn khoảnh tâm đều hiện quán tập, diệt. Ba khoảnh tâm hiện quán đạo. Kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hỏi: Kiết do kiến tập đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Như trước đã nói.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là không có phàm phu, tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có người phàm phu nào có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến tập đoạn.

Theo thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán tập, bốn khoảnh tâm hiện quán diệt, ba khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hỏi: Kiết do kiến diệt đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Như trước đã nói.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là không có phàm phu, tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu nào có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến diệt đoạn.

Theo thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán diệt. Ba khoảnh tâm hiện quán đạo. Kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hỏi: Kiết do kiến đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Bốn quả Sa-môn: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả Dự lưu tức thuộc về quả Dự lưu, cho đến khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Không có phàm phu: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu nào có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến đạo đoạn.

Cũng không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi đạo loại trí nhẫn diệt mới đoạn trừ hết kiết kia. Lúc đạo loại trí sinh, tùy theo chỗ thích hợp chứng ba quả trước. Kiết kia dứt hết, tức thuộc về ba quả trước.

Hỏi: Kiết do tu đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-la-hán: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Không có phàm phu: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu nào có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do tu đạo đoạn.

Cũng không có thứ lớp: Là không có nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi định kim cang dụ hiện tiền mới đoạn trừ hết kiết kia. Lúc tận trí đầu tiên sinh là chứng quả A-la-hán. Kiết kia dứt hết, tức thuộc về quả A-la-hán.

***

* Có chín bộ kiết: Nghĩa là kiết do khổ pháp trí đoạn cho đến kiết do tu đạo đoạn.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước tuy đã nói năm bộ kiết đoạn trừ hết, thuộc về các quả, nhưng chưa nói chín bộ kiết đoạn trừ hết, thuộc về các quả. Nay vì muốn nói đến, nên tạo ra phần Luận này.

Tức các kiết của năm bộ trước, căn cứ vào sự đối trị có khác biệt để nói là chín bộ. Nghĩa là phẩm pháp loại trí đều phân biệt kiết được đối trị, chia làm tám bộ. Chỗ đối trị xen tạp, chung thành một bộ, nên có chín bộ.

Hỏi: Kiết do khổ pháp trí đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả Dự lưu tức thuộc về quả Dự lưu, cho đến lúc chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết của chúng được dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Thứ lớp: Là ba khoảnh tâm hiện quán khổ. Hiện quán tập, diệt đều có bốn khoảnh tâm. Ba khoảnh tâm hiện quán đạo. Kiết kia được dứt hết, không thuộc về quả.

Hỏi: Khổ loại trí cho đến đạo pháp trí đã đoạn trừ kiết hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Như trước đã nói.

Hoặc không có xứ: Nếu khổ loại trí đã đoạn trừ kiết hết thì không có phàm phu, không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu nào có thể lìa kiết nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến khổ đoạn.

Thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán khổ. Hiện quán tập, diệt đều có bốn khoảnh tâm. Ba khoảnh tâm hiện quán đạo. Kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc tập pháp trí đã đoạn trừ kiết hết. Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Thứ lớp: Là ba khoảnh tâm hiện quán tập. Bốn khoảnh tâm hiện quán diệt. Ba khoảnh tâm hiện quán đạo. Kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc tập loại trí đã đoạn trừ kiết hết. Không có phàm phu. Không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến tập đoạn.

Thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán tập. Bốn khoảnh tâm hiện quán diệt. Ba khoảnh tâm hiện quán đạo. Kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc diệt pháp trí đã đoạn trừ kiết hết. Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Thứ lớp: Là hiện quán diệt, đạo đều có ba khoảnh tâm. Kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc diệt loại trí đã đoạn trừ kiết hết, không có phàm phu, vì không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu nào có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến diệt đoạn.

Thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán diệt. Ba khoảnh tâm hiện quán đạo. Kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc đạo pháp trí đã đoạn trừ kiết hết. Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Thứ lớp: Là hai khoảnh tâm hiện quán đạo. Kiết kia dứt hết, không thuộc về quả, nên nói không có xứ.

Hỏi: Kiết do đạo loại trí đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Bốn quả Sa-môn: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả Dự lưu tức thuộc về quả Dự lưu, cho đến lúc chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Không có phàm phu, vì không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến đạo đoạn.

Cũng không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi đạo loại trí nhẫn diệt mới đoạn trừ hết kiết kia. Khi đạo loại trí sinh, tùy theo chỗ thích hợp chứng ba quả trước. Kiết kia đã hết, tức thuộc về ba quả trước.

Hỏi: Kiết do tu đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-la-hán. Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Không có phàm phu, vì không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do tu đạo đoạn.

Cũng không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi định kim cang dụ hiện tiền mới đoạn trừ hết kiết kia. Lúc tận trí đầu tiên sinh là chứng quả A-la-hán, kiết kia đã hết tức thuộc về quả A-la-hán.

Hỏi: Là đạo vô gián có thể đoạn trừ các kiết hay là đạo giải thoát có thể đoạn trừ các kiết? Giả nêu như vậy thì có lỗi gì? Cả hai đều cùng có lỗi. Vì sao? Vì nếu đạo vô gián có thể đoạn các kiết, thì văn này đã nói làm sao thông? Như nói: Khổ pháp trí đã đoạn trừ kiết, cho đến đạo loại trí đã đoạn trừ kiết.

Nếu đạo giải thoát có thể đoạn các kiết, thì nơi phần Trí Uẩn đã nói làm sao thông? Như nói: Các kiết do kiến khổ đoạn, kiết ấy không phải do khổ trí đoạn mà là khổ nhẫn đoạn. Cho đến các kiết do kiến đạo đoạn, kiết ấy không phải do đạo trí đoạn mà là đạo nhẫn đoạn.

Đáp: Nên nói như thế này: Chỉ đạo vô gián có thể đoạn trừ các kiết.

Hỏi: Nếu vậy thì khéo thông tỏ như nơi phần Trí Uẩn đã nói.

Còn theo văn này nói làm sao thông?

Đáp: Văn ở đây tức nên nói thế này: Có chín bộ kiết. Nghĩa là kiết do khổ pháp trí nhẫn đoạn, cho đến kiết do đạo loại trí nhẫn đoạn. Nhưng không nói như thế là có ý nghĩa riêng. Nghĩa là nhẫn hệ thuộc trí, là bạn hỗ trợ của trí. Đối tượng đoạn của các nhẫn, được gọi là đối tượng đoạn của trí. Như công việc làm của quan, được gọi là công việc làm của vua.

Lại nữa, đạo vô gián chính là khả năng đoạn trừ kiết, còn đạo giải thoát có công năng gìn giữ, khiến cho kiết không sinh. Nghĩa là đạo vô gián tuy đang đoạn trừ kiết, nhưng nếu không có đạo giải thoát ngăn giữ khiến kiết không sinh, thì kiết kia sẽ khởi trở lại, tức là lỗi lầm tai hại. Điều ấy chứng tỏ đạo giải thoát có công dụng đối với việc đoạn trừ kiết, nên văn này nói pháp loại trí đoạn trừ kiết.

Lại nữa, đạo vô gián, đạo giải thoát đều đồng một đối tượng tạo tác. Đối với việc diệt trừ kiết đều cùng có uy lực. Như hai lực sĩ đồng loại trừ một kẻ thù: một người thì đấm đá, quật ngã lăn ra đất, một người thì khiến cho kẻ kia không giương dậy nổi. Nếu không như vậy kẻ thù kia sẽ đứng lên, tức sẽ gây tai hại. Lại như hai người đồng đuổi bắt một tên trộm: một người đuổi tên trộm ra ngoài, một người đóng cổng chắc chắn. Vì nếu không làm như vậy, tên trộm sẽ lẻn vào trở lại, có thể gây tai hại. Lại như hai người cùng bắt một con rắn độc: một người bắt nó bỏ vào bình, một người bịt miệng bình lại cho thật chặt. Nếu không làm như thế, rắn sẽ lại bò ra, tất sẽ gây tai hại. Sự việc đoạn trừ kiết của hai đạo vô gián, giải thoát cũng như vậy. Như vậy là chứng tỏ đạo giải thoát có công dụng đối với việc đoạn trừ kiết, thế nên văn này nói pháp loại trí đoạn trừ kiết.

Lại nữa, vì muốn hiển bày đạo giải thoát đối với việc đoạn trừ kiết của đạo vô gián có nhiều tác dụng, điều ấy như nơi phần Căn Uẩn đã nói, nên văn này nói pháp loại trí đoạn trừ kiết.

Lại nữa, các đạo vô gián lúc đang đoạn trừ kiết đã được các đạo giải thoát hỗ trợ, tức cùng sinh với các kiết được đoạn kia. Khi đạo vô gián đoạn các kiết là có tác dụng của đạo giải thoát, nên văn này nói pháp loại trí đoạn trừ kiết.

Lại nữa, đoạn có hai thứ: 1. Riêng. 2. Chung. Riêng chỉ là đạo vô gián, chung là gồm cả đạo giải thoát. Ở đây, căn cứ nơi trường hợp chung mà nói nên không trái lý.

Lại nữa, trong đây các nhẫn đều dùng tên trí để nói, vì có thể dẫn khởi trí, nên nhân đấy lập tên quả. Như tên gọi đói khát là nhân nơi người đói khát, nhân nơi sự tiếp xúc, va chạm. Thế nên khả năng đoạn trừ kiết chỉ có đạo vô gián.

***

* Có mười lăm bộ kiết. Nghĩa là ba cõi, mỗi cõi đều có năm.

Tức kiết do kiến khổ đoạn cho đến kiết do tu đạo đoạn.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước tuy đã nói chín bộ kiết diệt hết, thuộc về các quả, nhưng chưa nói đến kiết của mười lăm bộ diệt hết, thuộc về các quả. Nay vì muốn nói đến nên tạo ra phần Luận này. Nghĩa là căn cứ ở hai môn bộ, giới, nhằm phân biệt sự khác nhau của các kiết gồm có mười lăm thứ.

Hỏi: Kiết của cõi dục do kiến khổ, tập, diệt, đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Nghĩa là kiết kia đã dứt hết, khi chứng quả Dự lưu tức thuộc về quả Dự lưu, cho đến lúc chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Hoặc không có xứ: Nếu kiết của cõi dục do kiến khổ đoạn trừ hết: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia được dứt hết, không thuộc về quả.

Theo thứ lớp: Là ba khoảnh tâm hiện quán khổ. Hiện quán tập, diệt đều có bốn khoảnh tâm. Ba khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia được dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc kiết của cõi dục do kiến tập đoạn trừ hết. Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết của phàm phu kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia được dứt hết, không thuộc về quả.

Theo thứ lớp: Là ba khoảnh tâm hiện quán tập, bốn khoảnh tâm hiện quán diệt, ba khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia được dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc kiết của cõi dục do kiến diệt đoạn trừ hết. Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết của chúng đã dứt hết, không thuộc về quả. (coi lại)

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia được dứt hết, không thuộc về quả.

Theo thứ lớp: Là hiện quán diệt, đạo đều có ba khoảnh tâm, kiết kia được dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc kiết của cõi dục do kiến đạo đoạn trừ hết. Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Theo thứ lớp: Là do hai khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia được dứt hết, không thuộc về quả.

Hỏi: Kiết của cõi dục do tu đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào? Đáp: Thuộc về quả Bất hoàn, quả A-la-hán, hoặc không có xứ.

Thuộc về quả Bất hoàn: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả Bất hoàn tức thuộc về quả Bất hoàn.

Thuộc về quả A-la-hán: Nghĩa là kiết kia đoạn hết, khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia được dứt hết, không thuộc về quả.

Không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi lìa nhiễm cõi dục, đạo vô gián thứ chín diệt mới đoạn trừ hết kiết kia. Lúc đạo giải thoát thứ chín sinh, là chứng quả Bất hoàn, tức thuộc về quả Bất hoàn.

Hỏi: Kiết của cõi sắc do kiến khổ, tập, diệt, đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Như trước đã nói.

Hoặc không có xứ: Nếu kiết của cõi sắc do kiến khổ đoạn trừ hết: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi sắc, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán khổ, hiện quán tập, diệt đều có bốn khoảnh tâm, ba khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc kiết của cõi sắc do kiến tập đoạn trừ hết: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi sắc, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán tập, bốn khoảnh tâm hiện quán diệt, ba khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc kiết của cõi sắc do kiến diệt đoạn trừ hết: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi sắc, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán diệt, ba khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc kiết của cõi sắc do kiến đạo đoạn trừ hết: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi sắc, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi đạo loại trí nhẫn diệt mới đoạn trừ hết kiết kia. Lúc đạo loại trí sinh, tùy theo chỗ thích hợp chứng ba quả trước, kiết kia dứt hết, tức thuộc về ba quả trước.

Hỏi: Kiết của cõi sắc do tu đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-la-hán, hoặc không có xứ.

Thuộc về quả A-la-hán: Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Hoặc không có xứ: Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Đã lìa nhiễm cõi sắc, nhập chánh tánh ly sinh: Là do mười lăm khoảnh tâm của kiến đạo và các quả vị hữu học như đạo loại trí v.v…, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Theo thứ lớp: Là từ lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, theo đạo giải thoát thứ chín, cho đến khi định kim cang dụ hiện tiền, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hỏi: Kiết của cõi vô sắc do kiến khổ, tập, diệt đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ.

Thuộc về bốn quả Sa-môn: Như trước đã nói.

Hoặc không có xứ: Như kiết của cõi vô sắc do kiến khổ đoạn trừ kiết hết, không có phàm phu, không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì không có phàm phu có thể lìa kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ.

Theo thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán khổ, hiện quán tập, diệt đều có bốn khoảnh tâm, ba khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc kiết của cõi vô sắc do kiến tập đoạn trừ hết, không có phàm phu, không phải là nghĩa thuộc về quả, nghĩa như trước đã nói.

Theo thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán tập, bốn khoảnh tâm hiện quán diệt, ba khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hoặc kiết của cõi vô sắc do kiến diệt đoạn trừ hết, không có phàm phu, không phải là nghĩa thuộc về quả, nghĩa như trước đã nói.

Theo thứ lớp: Là một khoảnh tâm hiện quán diệt, ba khoảnh tâm hiện quán đạo, kiết kia dứt hết, không thuộc về quả.

Hỏi: Kiết của cõi vô sắc do kiến đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn. Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả Dự lưu tức thuộc về quả Dự lưu, cho đến lúc chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Không có phàm phu, không phải là nghĩa thuộc về quả: Nghĩa như trước đã nói.

Cũng không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì khi đạo loại trí nhẫn diệt mới đoạn trừ hết kiết kia. Lúc đạo loại trí sinh, tùy theo chỗ thích hợp chứng ba quả trước. Kiết kia dứt hết, tức thuộc về ba quả trước.

Hỏi: Kiết của cõi vô sắc do tu đạo đoạn trừ hết thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-la-hán. Nghĩa là kiết kia dứt hết, khi chứng quả A-la-hán tức thuộc về quả A-la-hán.

Không có phàm phu, không phải là nghĩa thuộc về quả: Nghĩa như trước đã nói.

Cũng không có thứ lớp: Tức không phải là nghĩa thuộc về quả. Vì sao? Vì đến khi định kim cang dụ hiện tiền mới đoạn trừ hết kiết kia. Lúc tận trí đầu tiên sinh, là chứng quả A-la-hán, kiết kia dứt hết tức thuộc về quả A-la-hán.

HẾT – QUYỂN 64