LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 61

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ NHẤT HÀNH, phần 6

* Hỏi: Vì phiền não hiện tiền nên thoái chuyển, hay vì thoái chuyển rồi phiền não mới hiện tiền? Giả nêu như vậy thì có lỗi gì? Tức cả hai đều cùng có lỗi. Vì sao? Vì nếu phiền não hiện tiền nên thoái chuyển, thì như nơi Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông? Như nói: Do ba duyên nên khởi tùy miên dục tham: 1. Tùy miên dục tham chưa đoạn, chưa nhận biết khắp. 2. Thuận với pháp của triền dục tham hiện ở trước. 3. Nơi pháp kia có tác ý phi lý. Nói rộng cho đến khởi tùy miên nghi, nên biết cũng như vậy.

Hoặc như Khế kinh nói làm sao thông? Như nói: Do năm nhân duyên khiến A-la-hán thời giải thoát thoái chuyển. Nghĩa là gây tạo nhiều sự nghiệp, cho đến thân luôn có nhiều bệnh.

Lại như nơi chương Định Uẩn đã nói làm sao thông? Như nói: Do tâm phi học phi vô học thoái chuyển, khởi đắc pháp học. Vì sao người kia là A-la-hán mà khởi phiền não hiện tiền? Lại, các tâm nào khởi phiền não không gián đoạn hiện tiền?

Nếu đã thoái chuyển rồi, phiền não mới hiện tiền, thì nơi Luận Thi Thiết nêu làm sao thông? Như nói: Nếu lúc tâm xa cách, tâm cứng cỏi, khởi ba triền của cõi vô sắc hiện tiền là tham, mạn, vô minh, phần nhiều là khởi mạn. Trong ba triền kia, thuận theo một hiện tiền, nên nói là người ấy đã thoái chuyển hoàn toàn nơi tham vô sắc, đều trụ trong tham sắc.

Lại như nơi Luận Thức Thân nói làm sao thông? Như nói: Một loại Bổ đặc già-la, tâm nhiễm ô vô sắc hiện tiền, bỏ căn thiện vô học, căn thiện học nối tiếp, thoái chuyển tâm vô học, trụ nơi tâm học.

Lại như Luận Phẩm Loại Túc nêu bày làm sao thông? Như nói: Thế nào là pháp thuận thoái chuyển? Nghĩa là bất thiện và hữu phú vô ký, trụ nơi những tâm nào, phiền não sau khi hiện tiền?

Đáp: Nên nói như vầy: Vì phiền não hiện tiền nên thoái chuyển.

Hỏi: Ở đây là khéo thông suốt các vấn nạn đối nghịch nêu sau, còn các vấn nạn đối nghịch nêu trước làm sao thông?

Đáp: Đó đều không phải là vấn nạn đối nghịch. Vì sao? Vì như Luận Phẩm Loại Túc nói: “Do ba duyên nên khởi các tùy miên”, là dựa vào người chưa đoạn trừ hết phiền não mà nói: Tức khởi phiền não hiện tiền hoặc có người đã dứt hết phiền não của địa mình, hoặc có kẻ chưa dứt hết phiền não của địa mình. Luận kia đã dựa vào người chưa dứt hết phiền não của địa mình đang khởi phiền não hiện tiền để nói.

Lại, khởi phiền não hiện tiền hoặc thoái chuyển, hoặc không thoái chuyển. Luận kia đã dựa vào không thoái chuyển mà khởi phiền não hiện tiền để nói.

Lại, khởi phiền não hiện tiền hoặc tâm nhiễm ô không gián đoạn, hoặc tâm không nhiễm ô không gián đoạn. Luận kia đã dựa nơi tâm nhiễm ô không gián đoạn mà khởi phiền não hiện tiền để nói.

Lại, khởi phiền não hiện tiền là có đủ nhân duyên, hoặc không đủ nhân duyên. Luận Phẩm Loại Túc kia đã căn cứ nơi trường hợp có đủ nhân duyên mà khởi phiền não hiện tiền để nói. Nghĩa là các hữu tình do ba nhân duyên nên khởi các phiền não, gọi là đủ nhân duyên: 1. Do sức của nhân. 2. Do sức của cảnh giới. 3. Do sức của gia hạnh. Tùy miên dục tham chưa đoạn, chưa nhận biết khắp: Là nói về sức của nhân. Thuận với pháp triền dục tham hiện tiền: Là nói về sức của cảnh giới. Nơi pháp kia có tác ý phi lý: Là nói về sức của gia hạnh.

Lại nữa, vì nhằm ngăn chận ý nghĩa theo ngoại đạo đã nói, nên tạo ra thuyết này: Do ba nhân duyên nên khởi các tùy miên. Nghĩa là ngoại đạo nói: “Chỉ hoàn toàn do nơi cảnh giới nên khởi các phiền não. Nếu có cảnh giới thì phiền não liền sinh. Nếu cảnh giới hoại thì phiền não không khởi”. Vì nhằm ngăn chận ý của ngoại đạo kia, nên nói các triền khởi, cũng nhân nơi chưa đoạn tùy miên của tự loại, cũng do ở nơi pháp kia có tác ý phi lý.

Trong Khế kinh nói: Do năm thứ nhân duyên khiến A-la-hán thời giải thoát thoái chuyển. Kinh kia đối với sự thoái chuyển nói đủ nhân duyên thoái chuyển. Như nơi kinh khác nói cũng có đủ tên gọi như kinh kia.

Nơi chương Định Uẩn đã nói: Do tâm phi học phi vô học thoái chuyển khởi đắc của pháp học, là phần Luận kia nói căn thoái chuyển, không nói quả thoái chuyển.

Lại nữa, vì tâm tương ưng với phiền não, cũng gọi là phi học phi vô học, nên nói quả thoái chuyển cũng không trái với lý.

Hỏi: Vì sao người kia là A-la-hán mà khởi phiền não hiện tiền?

Đáp: Nghĩa là trước là A-la-hán, về sau khởi phiền não hiện tiền. Hoặc khởi phiền não hiện tiền, nên không phải là A-la-hán. Như trước là phàm phu, sau nhập Thánh đạo, nhập Thánh đạo xong liền không phải là phàm phu. Như trước là người học, sau khởi pháp vô học, khởi pháp vô học xong, nên là vô học. Ở đây cũng như thế, về lý đâu có trái.

Hỏi: Những tâm nào không gián đoạn khởi phiền não hiện tiền?

Đáp: Nếu hoàn toàn lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, khởi triền của địa ấy hiện tiền, nên thoái chuyển, tức tâm thiện của địa ấy không gián đoạn khởi phiền não hiện tiền. Nếu chưa hoàn toàn lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, khởi triền của địa ấy hiện tiền, nên thoái chuyển, tức nơi địa ấy hoặc tâm thiện, hoặc tâm nhiễm ô không gián đoạn khởi phiền não hiện tiền, cho đến tĩnh lự thứ nhất nên biết cũng như vậy.

Nếu hoàn toàn lìa nhiễm cõi dục, khởi triền của cõi dục, nên thoái chuyển, tức nơi cõi dục, hoặc tâm thiện, hoặc tâm vô phú vô ký không gián đoạn khởi phiền não hiện tiền. Nếu chưa hoàn toàn lìa nhiễm cõi dục, khởi triền của cõi dục, nên thoái chuyển, tức nơi cõi dục, hoặc tâm thiện, hoặc tâm nhiễm ô, hoặc tâm vô phú vô ký không gián đoạn khởi phiền não hiện tiền. Ở đây, nếu chưa được tĩnh lự căn bản thiện và định vô sắc hiện tiền, người kia không thể khởi triền của cõi sắc, vô sắc hiện tiền nên thoái chuyển, tức chỉ có thể khởi triền của cõi dục hiện tiền nên thoái chuyển. Nếu được tĩnh lự căn bản thiện hiện tiền, không phải định vô sắc, người kia không thể khởi triền của cõi vô sắc hiện tiền nên thoái chuyển, tức chỉ có thể khởi triền của cõi dục, cõi sắc hiện tiền nên thoái chuyển. Nếu được tĩnh lự căn bản thiện và định vô sắc hiện tiền, người kia có thể khởi triền nơi ba cõi hiện tiền nên thoái chuyển.

Có Sư khác nói: Thoái chuyển xong phiền não mới hiện tiền.

Hỏi: Ở đây đã khéo thông suốt các vấn nạn đối nghịch nêu trước, còn các vấn nạn đối nghịch nêu sau làm sao thông?

Đáp: Đó đều không phải là vấn nạn đối nghịch. Vì sao? Vì nơi hai Luận Thi Thiết và Thức Thân đã nói là dựa vào phần vị nhận biết rõ, không nói thời gian thoái chuyển. Nghĩa là trước tuy thoái chuyển nhưng chưa nhận biết rõ, khi phiền não hiện tiền mới nhận biết rõ.

Như có người trước đã tụng bốn bộ A-cấp-ma, vì bị việc khác trói buộc nên quên mất, cho đến khi chưa tụng cũng vẫn không nhận biết. Về sau, nếu khi tụng mới biết là mình đã quên mất. Người kia tuy đã quên việc trước nhưng nay bắt đầu hiểu biết. Ở đây cũng như thế, trước thoái chuyển, sau nhận biết. Do căn cứ vào sự nhận biết về thời gian để nói, nên không trái với lý.

Luận Phẩm Loại Túc nói: Bất thiện và hữu phú vô ký gọi là pháp thuận thoái chuyển: Là căn cứ vào sự tổn hại phẩm thiện, chuyển biến xa phẩm thiện, nên nêu bày như thế. Khi phiền não như thế hiện tiền như thế, vì tổn hại như thế, khiến xa cách phẩm thiện, nên nói là thuận với thoái chuyển, không phải cho là khi phiền não hiện tiền mới thoái chuyển.

Pháp thiện trước đây đã thoái chuyển, trụ ở những tâm nào? Về sau, phiền não hiện tiền trụ nơi tâm vô phú vô ký của cõi dục. Về sau, phiền não hiện tiền, nghĩa là đường oai nghi và xứ công xảo, không phải là dị thục sinh, vì tánh yếu kém.

Hỏi: Há không phải là yếu kém càng thuận với thoái chuyển chăng?

Đáp: Nếu ở phẩm tịnh, tánh tuy yếu kém, nhưng đối với phẩm nhiễm, sức mạnh là hơn hẳn, trụ chấp ở đó liền thoái chuyển. Thoái chuyển rồi phiền não tức hiện tiền, tâm dị thục sinh, đối với phẩm tịnh, nhiễm tánh đều yếu kém, nên khi trụ, tâm kia không phải tiến, không phải thoái.

Có thuyết nói: Ba tâm vô ký của cõi dục, thuận theo trụ nơi một thứ đều có nghĩa thoái chuyển. Tâm này không gián đoạn nơi phiền não hiện tiền. Nhưng tâm vô phú vô ký của cõi dục này có mâu thuẫn với triền của ba cõi. Nghĩa là khi trụ tâm này, tất không thoái chuyển khởi phiền não của ba cõi. Có mâu thuẫn với triền của cõi dục, cõi sắc, không mâu thuẫn với triền của cõi vô sắc: Tức khi trụ tâm này, tuy không thoái chuyển khởi phiền não của cõi dục, cõi sắc, nhưng dung nạp sự thoái chuyển khởi phiền não của cõi vô sắc. Có mâu thuẫn với triền của cõi dục, không mâu thuẫn với triền của cõi sắc, cõi vô sắc: Lúc trụ tâm này, tuy không thoái chuyển khởi phiền não của cõi dục, nhưng dung nạp sự thoái chuyển khởi phiền não của cõi sắc, cõi vô sắc. Đều không mâu thuẫn với triền của ba cõi: Tức khi trụ tâm này, đều dung nạp sự thoái chuyển khởi phiền não của ba cõi.

Lời bình: Trong hai thuyết này, thuyết trước là tốt. Chủ yếu là khi khởi phiền não hiện tiền, mới trở thành thoái mất công đức thù thắng. Ở đây nói về phần vị thoái chuyển. Nếu là tánh thoái chuyển thì không cần phải khởi phiền não hiện tiền, không thoái chuyển quả vị vô học vì có tánh thoái chuyển.

Hỏi: Khi thoái chuyển là trụ nơi ý địa hay là trụ nơi năm thức thân?

Đáp: Nên nói như vầy: Trụ nơi ý địa rồi thoái chuyển, không phải là trụ nơi năm thức thân.

Hỏi: Nếu vậy làm sao thông suốt sự việc của Ổ-đà-diễn-na? Xưa, có vị vua hiệu là Ổ-đà-diễn-na, dẫn đám cung thất đến núi Thủy Tích, loại trừ người nam, chỉ thuần là người nữ, cho tấu năm thứ kỹ nhạc, tâm ý phóng túng vui đùa, cùng với âm nhạc, hương xông ngào ngạt, nhà vua ra lệnh cho đám cung nữ khỏa thân múa hát. Lúc ấy, có năm trăm Tiên nhân lìa dục, vận dụng thần cảnh thông đi ngang qua bên trên chỗ này, có vị trông thấy sắc đẹp, có vị nghe âm thanh êm dịu, có vị ngửi hương thơm lạ, đều thoái chuyển thần thông, rơi ngay nơi ngọn núi này, như đàn chim gãy cánh không còn có thể bay được nữa. Nhà vua thấy vậy, hỏi: “Các ông là những ai?”. Các tiên đáp: “Chúng tôi là Tiên nhân”. Vua lại hỏi: “Các ông đã được định căn bản của Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa?”. Tiên nhân đáp: “Chúng tôi chưa được”. Cho đến vua hỏi: “Các ông đạt được tĩnh lự thứ nhất chăng?”. Các Tiên đáp: “Chúng tôi đã từng được, nhưng hiện tại thì đã thoái mất”. Bấy giờ, nhà vua phẫn nộ, nói: “Người không lìa dục sao dám ngắm xem cung phi thể nữ của ta, thật không phải là việc nên làm. Bèn rút gươm bén, chặt đứt hết tay chân của năm trăm Tiên nhân”. Các Tiên nhân ấy, có người trụ nơi nhãn thức thoái chuyển, có người trụ nơi nhĩ thức thoái chuyển, có người trụ nơi tỷ thức thoái chuyển. Vậy sao nói trụ nơi ý địa thoái chuyển?

Lại như sự việc của Mãnh Hy Tử làm sao thông suốt? Xưa, có Tiên nhân tên Mãnh Hy Tử, khi ăn thường nhận lời mời của vua Thắng Quân. Mỗi lần đến giờ ăn, vận dụng sức thần thông như nhạn chúa bay đến trên cung vua. Nhà vua ân cần tiếp đón, đặt trên chiếc giường bằng vàng, đốt hương, rải hoa, cung kính lễ bái, dùng thức ăn uống thượng diệu để cúng dường. Tiên nhân ăn xong, rửa bát, súc miệng, chú nguyện cho nhà vua, rồi bay trên không trở về. Thời gian sau, do việc nước, nhà vua định đến xứ khác, suy nghĩ: “Sau khi ta đi, ai là người sẽ phụng sự Tiên nhân như ta, nếu không phụng sự đúng cách, tánh Tiên nhân vốn vội vã, hoặc nguyền rủa ta khiến mất ngôi vua, hoặc dứt bỏ mạng ta, hoặc hại quốc dân”. Bèn hỏi vương nữ trẻ: “Sau khi ta ra đi, con có thể phụng sự Tiên nhân như ta không?”. Vương nữ tâu: “Dạ có thể”. Nhà vua ân cần dặn dò vương nữ, lệnh đúng như pháp, thường xuyên cúng dường Tiên nhân, sau đấy mới kinh lý việc nước. Qua ngày sau, sắp đến giờ ăn, Tiên nhân bay trên không đến nơi cung vua. Vương nữ vâng lệnh vua cha, ôm đặt trên chiếc giường vàng. Vì sức lìa nhiễm của Tiên nhân còn kém, nên khi tiếp xúc với thân thể mềm mại của vương nữ, lập tức thần thông bị thoái mất. Như thường lệ, thọ thực xong, rửa bát, súc miệng, chú nguyện rồi, định cỡi hư không ra đi nhưng không thể bay. Tiên nhân đi vào vườn thượng của vua, định tu đạo xưa, nhưng nghe những thứ tiếng ồn của đám voi, ngựa v.v…, tuy hết sức tác ý, nhưng vẫn không thể được. Bấy giờ, Tiên nhân kia đã biết các sĩ nữ trong thành Thấtla-phiệt, luôn có suy nghĩ này: “Nếu có Đại tiên nhân lê gót đi trên đất, chúng ta sẽ được tiếp xúc nơi chân để cúng dường”. Bấy giờ, Tiên nhân kia bèn khởi tuệ giả, nói với vương nữ: “Cô hãy bố cáo trong thành: Hôm nay, Tiên nhân sẽ đi bộ ra, những điều gì muốn làm đều nên làm”. Vương nữ y lời, các người nghe xong, bèn dẹp bỏ ngói gạch trong thành, quét dọn những nơi uế tạp, rửa ráy sạch sẽ, trang hoàng cờ phướn, đốt hương, rải hoa, tấu các âm nhạc, tạo vẻ tráng lệ cũng như thành nơi cõi trời. Lúc ấy, Tiên nhân rảo bước đi ra khỏi thành, không xa thì đi vào trong rừng cây, ý định tu lại đạo xưa. Nhưng nghe tiếng các loài chim, tâm Tiên nhân kinh hãi rối loạn, không thể an trụ được, bèn từ bỏ chốn này đi đến ven sông. Ở đây, lại nghe trong nước tiếng quậy nhảy của cá, rồng, tâm đã nhiễu loạn nên không thể tu tập, liền leo lên núi, suy nghĩ: “Ta thoái chuyển phẩm thiện là đều do các hữu tình. Giả như ta từng tu giới cấm khổ hạnh, sẽ chiêu cảm thân hình chồn cáo có đôi cánh rắn chắc, tất hầu hết hữu tình ở dưới nước, nơi đất liền, bay trên không đều không thoát khỏi ta”. Phát nguyện ác xong, tâm độc vừa dứt, chỉ trong giây lát, lại có thể lìa nhiễm của tám địa, sau sinh lên Hữu đảnh của xứ Phi tưởng phi phi tưởng, nhập định tĩnh lặng là ruộng đất của môn cam lộ, thọ nhận nghiệp vui nhàn tĩnh trong tám vạn kiếp. Đến khi thọ mạng hết, trở lại sinh trong rừng khổ pháp ở đây, làm thân thú chồn cáo, có hai cánh đều rộng năm mươi du-thiện-na, dùng thân khổng lồ này giết hại các loài hữu tình bay trên không, lội dưới nước, đi trên đất liền, không loài nào thoát khỏi. Từ đấy mạng chung, đọa vào ngục vô gián, chịu mọi khổ não kịch liệt, khó có thời hạn được ra khỏi. Như thế, Tiên nhân đã trụ nơi thân thức thoái chuyển, vì sao nói là trụ nơi ý địa thoái chuyển?

Lại nữa, làm sao thông suốt về sự việc của Thiên Đế Thích? Nghĩa là thời Đức Phật Thích Ca chưa ra đời, bấy giờ có một Tiên nhân tên Châu Dận. Thiên Đế Thích thường hay đến đấy để hỏi han cùng thọ nhận nghĩa pháp. Về sau, vào một lúc nọ, Thiên Đế Thích cưỡi kiệu định đến chỗ Tiên nhân Châu Dận, phu nhân của Đế Thích là Thiết Chi là A-tố-lạc nữ trộm nghĩ: Nay Thiên Đế Thích tuy không bỏ ta, nhưng muốn đi đến chỗ các mỹ nhân khác! Bèn lên kiệu trước, tự ẩn hình mình khiến Thiên Đế Thích không biết và cùng đi. Sắp đến chỗ vị tiên, vua trời vừa ngoảnh lại thì thấy phu nhân, nhân đấy bảo: “Sao nàng lại đến đây? Tiên nhân này không muốn nhìn thấy các người nữ. Vậy nàng hãy nhanh chóng trở về cung, không nên ở lại đây”. Phu nhân Thiết Chi dùng dằng không muốn trở lại cung vua. Thiên Đế Thích phẫn nộ, dùng cành hoa đánh phu nhân, phu nhân bèn dùng âm thanh ngọt ngào phỉnh nịnh tạ lỗi. Tiên nhân vừa nghe xong, liền sinh dục ái, thoái chuyển định thù thắng nên búi tóc bèn rớt xuống. Điều này chứng tỏ Tiên nhân đã trụ nơi nhĩ thức thoái chuyển. Vì sao nói là trụ nơi ý địa thoái chuyển?

Đáp: Nên biết các sự việc này là trụ nơi ý địa thoái chuyển. Do các thức như nhãn v.v… dẫn dắt khiến khởi nên nói như thế, về lý là không trái.

Tôn giả Tăng-già-phiệt-tô nói: Trụ nơi năm thức thoái chuyển, về lý đâu có sai trái, vì khi năm thức nhận lấy cảnh cũng sinh phiền não, nghĩa là sức đối trị quá yếu kém, nên mắt trông thấy sắc v.v… cũng chấp nhận thoái chuyển.

Lời bình: Nên nói như vầy: Trụ nơi ý địa thoái chuyển, không phải nơi năm thức thân. Đối với cảnh trái, thuận, chủ yếu là có phân biệt khởi phiền não. Do đấy nên nói: Nếu trụ nơi ý địa có sáu sự việc hơn hết, không chung với năm thức: 1. Thoái chuyển. 2. Lìa nhiễm. 3. Chết. 4. Sống. 5. Đoạn dứt căn thiện. 6. Nối tiếp căn thiện.

Thoái chuyển có ba thứ: a. Đã được thoái chuyển. b. Chưa được thoái chuyển. c. Thọ dụng thoái chuyển.

Đã được thoái chuyển: Là trước đã được các công đức thù thắng, vì gặp phải duyên nên thoái chuyển.

Chưa được thoái chuyển: Như kệ nói:

Ta quán trời, thế gian

Thoái chuyển mắt tuệ Thánh

Do tham đắm danh sắc

Không thấy bốn Thánh đế.

Tụng này ý nói: Tất cả hữu tình, nếu siêng năng vận dụng phương tiện đều có thể đạt được mắt tuệ của các Thánh. Chỉ do tham vướng nơi danh sắc, nên không thể siêng năng tinh tấn tu phương tiện chân chánh, đối với bốn chân đế, chưa được hiện quán, đối với mắt tuệ của Thánh, có người chưa được đã thoái chuyển.

Lại như tụng nói:

Người ngu, nhiều kẻ kính

Đây chính là suy tổn

Nơi đảnh mà thoái, rớt

Đoạn dứt các căn thiện.

Tụng này, Đức Phật căn cứ nơi Điều Đạt mà nói. Nghĩa là Điều Đạt đã khởi căn thiện noãn, không lâu sẽ khởi căn thiện đảnh, trong khoảng ấy vì tham vướng danh lợi nổi bật, nên đối với căn thiện đảnh chưa được đã thoái chuyển, từ đấy lần lượt đoạn dứt căn thiện. Các trường hợp như thế v.v… gọi là chưa được thoái chuyển.

Thọ dụng thoái chuyển: Nghĩa là đối với các công đức thù thắng đã đạt được giờ không hiện tiền. Như Đức Phật đối với các công đức của Phật đã đạt được không hiện tiền. Độc giác đối với các công đức của Độc giác đã đạt được không hiện tiền. Thanh văn đối với các công đức của Thanh văn đã đạt được không hiện tiền. Các trường hợp khác cũng nên như thế.

Hỏi: Như thế, ba thứ thoái chuyển Phật, Độc giác, Thanh văn, mỗi bậc có bao nhiêu thứ?

Đáp: Đức Phật có một thứ là Thọ dụng thoái chuyển, các công đức đã đạt được có thứ không hiện tiền. Không có: Chưa được thoái chuyển, vì trụ nơi căn tối thắng của các hữu tình. Không có: Đã được thoái chuyển, vì chư Phật đều là pháp bất thoái. Độc giác có hai thứ: Chưa được thoái chuyển và Thọ dụng thoái chuyển. Chưa được thoái chuyển: Là chưa được căn tối thắng của chư Phật. Thọ dụng thoái chuyển: Là công đức đã đạt được có khi không hiện tiền. Không có: Đã được thoái chuyển: Là vì Độc giác đều là pháp bất thoái. Trong thừa Thanh văn Bất thời giải thoát có hai thứ: Chưa được thoái chuyển và Thọ dụng thoái chuyển. Chưa được thoái chuyển: Là chưa được căn của Độc giác, chư Phật. Thọ dụng thoái chuyển: Là công đức đã đạt được không hiện tiền. Không có: Đã được thoái chuyển: Là vì Bất thời giải thoát không phải là pháp thoái chuyển. Thời giải thoát có đủ ba thứ: Đã được thoái chuyển: Là công đức đã được có thể thoái chuyển. Chưa được thoái chuyển: Là chưa được căn không thoái chuyển của ba thừa. Thọ dụng thoái chuyển: Là công đức đã đạt được không hiện tiền.

Có thuyết nói: Đức Phật hoàn toàn không có thoái chuyển. Không có Đã được thoái chuyển: Vì chư Phật đều là pháp không thoái chuyển. Không có Chưa được thoái chuyển, vì trụ nơi căn tối thắng của các hữu tình. Không có Thọ dụng thoái chuyển: Vì Đức Phật trong ba vô số kiếp quá khứ đã tu tập trăm ngàn hạnh khổ khó làm, đều vì đem lại lợi lạc cho hết thảy hữu tình. Được thành Phật rồi, sáu thời của ngày đêm quán sát giới hữu tình, không có kẻ đáng hóa độ nào mà không tạo lợi ích. Thế nên chư Phật không có Thọ dụng thoái chuyển, tuy có công đức không hiện tiền nhưng không phải là chỗ ước nguyện của gốc nên không gọi là thoái chuyển. Độc giác chỉ có một Thọ dụng thoái chuyển: Tức có công đức đã đạt được không hiện tiền. Không có Chưa được thoái chuyển: Tức đối với căn tánh của thừa Độc giác đã định, lại không cầu căn tánh thù thắng của Phật. Không có Đã được thoái chuyển: Tức Độc giác đều là pháp không thoái chuyển. Trong thừa Thanh văn Bất thời giải thoát cũng chỉ có Thọ dụng thoái chuyển: Tức có công đức đã đạt được không hiện tiền. Không có Chưa được thoái chuyển: Vì căn tánh của thừa Thanh văn đã định, lại không cầu Phật thừa, Độc giác thừa. Không có Đã được thoái chuyển: Vì bất thời giải thoát là pháp không thoái chuyển. Thời giải thoát có hai thứ: 1. Đã được thoái chuyển: Tức công đức đã đạt được có thể thoái chuyển. 2. Thọ dụng thoái chuyển: Tức có công đức đã đạt được không hiện tiền. Không có Chưa được thoái chuyển: Vì đối với căn tánh của Thời giải thoát đã định, không mong cầu căn tánh thù thắng của ba thừa.

Lời bình: Trong hai thuyết này, thuyết đầu là tốt, vì chư Phật quyết định có thọ dụng thoái chuyển. Độc giác, Thanh văn đối với căn tánh thù thắng có tâm khâm phục, mong cầu.

Thời giải thoát có thể chuyển biến làm Bất thời giải thoát, sao nói bậc ấy không có Chưa được thoái chuyển?

Hỏi: Làm sao nhận biết Phật có Thọ dụng thoái chuyển?

Đáp: Do Khế kinh nói. Như Khế kinh nói: “Phật bảo Tôn giả A-nan! Như Lai đã đạt được bốn tâm tăng thượng nơi hiện pháp lạc trụ. Ta nói đối với tâm tăng thượng kia lần lượt có thoái chuyển. Như khi Ta cùng tập hội chung với đệ tử, nếu tâm không lay động, thân giải thoát, tác chứng trụ đầy đủ, Ta nói đối với tâm tăng thượng kia đều không có thoái chuyển”. Do đấy nên biết được Đức Phật có Thọ dụng thoái chuyển.

Hỏi: Kinh này nói có Đã được thoái chuyển hay là nói có Thọ dụng thoái chuyển? Giả nêu như vậy thì có lỗi gì? Cả hai đều cùng có lỗi. Vì sao? Vì nếu Kinh này nói: “Đã được thoái chuyển” thì bốn tâm tăng thượng nơi hiện pháp lạc trụ cũng không nên là thoái chuyển, vì chư Phật đều là pháp không thoái chuyển. Còn nếu Kinh này nói: “Thọ dụng thoái chuyển” thì tâm không lay động, giải thoát cũng phải có thoái chuyển, vì không phải tất cả thời đều hiện tiền.

Đáp: Trong đây nói Đức Phật có Thọ dụng thoái chuyển.

Hỏi: Như thế là đã khéo thông suốt nơi vấn nạn trước, còn đối với vấn nạn sau làm sao thông? Nghĩa là tâm không lay động, giải thoát, cũng nên có thoái chuyển, vì không phải tất cả thời đều hiện tiền.

Đáp: Tâm không lay động, giải thoát lấy sự thành tựu làm hơn hết. Nếu đạt được pháp kia, lại vì không có đối tượng tạo tác, nên tuy không hiện tiền, nhưng không nói là thoái chuyển. Bốn tâm tăng thượng nơi hiện pháp lạc trụ lấy sự hiện hành làm hơn hết, nếu không hiện tiền thì nói là thoái chuyển.

Có thuyết nói: Trong Khế kinh này nói: Định vị chí gọi là tâm không lay động giải thoát. Nói tĩnh lự căn bản gọi là tâm tăng thượng nơi hiện pháp lạc trụ. Đức Thế Tôn phần nhiều khởi định vị chí hiện tiền, không phải là tĩnh lự căn bản. Nghĩa là trước thọ thực, sau thọ thực, khi sắp giảng nói pháp và thuyết pháp xong, đều nói pháp rồi nhập tĩnh thất. Đức Phật tuy đối với các định có thể nhanh chóng nhập, nhưng đối với pháp rất gần, thường nhập không phải là thứ khác, nên Phật thường xuyên nhập Định vị chí. Như người dũng mãnh, tráng kiện, tuy đối với các xứ có thể nhanh chóng qua lại, nhưng đối với chốn gần thì thường xuyên dạo chơi, không phải đối với xứ xa, nên nói như thế.

Có Sư khác cho: Trong Khế kinh này nói: Việc tạo lợi ích cho người khác gọi là tâm không lay động giải thoát. Nói việc làm lợi ích cho mình gọi là tâm tăng thượng nơi hiện pháp lạc trụ. Đức Thế Tôn phần nhiều khởi việc tạo lợi ích cho người khác hiện tiền, không phải tự tạo lợi ích cho mình, nên nói như thế.

Hoặc có thuyết nêu: Trong Khế kinh này nói: Từ bi gọi là tâm không lay động giải thoát. Nói hỷ xả gọi là tâm tăng thượng nơi hiện pháp lạc trụ. Đức Thế Tôn phần nhiều khởi tâm từ bi hiện tiền, chỉ khởi một ít hỷ xả, nên nói như vậy.

Lại có thuyết biện: Trong Khế kinh này nói: Đại bi gọi là tâm không lay động giải thoát. Nói đại xả gọi là tâm tăng thượng nơi hiện pháp lạc trụ. Đức Thế Tôn phần nhiều khởi đại bi hiện tiền, chỉ khởi một ít đại xả, nên nói như vậy.

Tôn giả Diệu Âm nói: Trong Khế kinh này nói: Tất cả kiết đã đoạn trừ vĩnh viễn nhận biết khắp, gọi là tâm bất động giải thoát. Nói tất cả thứ công đức hữu vi, gọi là tâm tăng thượng nơi hiện pháp lạc trụ. Đức Phật đối với tất cả công đức vô vi luôn thành tựu nên nói là không thoái chuyển. Đức Phật đối với tất cả công đức hữu vi, vì có trường hợp không khởi, nên nói có thoái chuyển. Công đức hữu vi lấy việc dấy khởi hiện tiền làm sự thù thắng.

Tôn giả Giác Thiên nói: Trong Khế kinh này nói: Chủ thể đạt được gọi là tâm bất động, giải thoát. Nói đối tượng đạt được gọi là tâm tăng thượng nơi hiện pháp lạc trụ. Đức Phật đối với tất cả công đức đã đạt được, vì có lúc không hiện tiền, nên nói là có thoái chuyển. Các chủ thể đạt được, vì những thứ đạt được luôn hiện tiền, nên nói không thoái chuyển.

Hỏi: Nếu Phật cũng có Thọ dụng thoái chuyển thì Thọ dụng thoái chuyển này tối đa là Phật, là Độc giác, hay là Thanh văn?

Đáp: Thọ dụng thoái chuyển này, Đức Phật là tối đa, không phải là hàng Độc giác, Thanh văn, vì công đức của họ ít. Nghĩa là công đức trong khoảnh khắc một sát-na của Phật không hiện tiền là có thọ dụng thoái chuyển, nhiều hơn đối với toàn bộ chúng đồng phần nơi các công đức có thọ dụng thoái chuyển của hàng Nhị thừa? Vì công đức của Như Lai là vô lượng, vô số, vi diệu tối thắng thanh tịnh, sáng rõ, vượt qua số lượng cực vi trần của các thế giới, mỗi một công đức đều nên hiện tiền, nếu không hiện tiền là có thọ dụng thoái chuyển. Nên thọ dụng thoái chuyển, Đức Phật là tối đa. Như Chuyển luân vương thống lãnh bốn châu, nếu trong một ngày đêm bỏ quốc độ mình, tức có thọ dụng thoái chuyển nhiều hơn toàn bộ chúng đồng phần của các Tiểu vương từ bỏ cõi nước của mình có thọ dụng thoái chuyển.

Từ trước đến nay là nói vô học của ba thừa, đối với ba thứ thoái chuyển, có đủ, không đủ. Bậc hữu học và phàm phu tùy theo chỗ thích ứng, nên căn cứ theo đây để nêu bày.

Như nơi Chương Định Uẩn nói: Vì sao ba quả trên có thoái chuyển, không phải là quả Dự lưu? Tức văn nơi phần kia nói: Phiền não do kiến đạo đoạn, vì đối với không sự dấy khởi nên đoạn trừ phiền não xong, không thoái chuyển. Vì sao nói kiến đạo kia dấy khởi nơi không sự? Nghĩa là không có xứ chuyển biến. Thế nào là không có xứ chuyển biến? Tức chuyển biến đối với ngã, nên ở nơi thắng nghĩa đế, vì ngã hoàn toàn không có, nên phiền não kia đã đoạn rồi, không thoái chuyển. Phiền não do tu đạo đoạn, vì đối với có sự dấy khởi, nên đoạn xong, có thoái chuyển. Vì sao nói tu đạo kia đối với có sự dấy khởi? Nghĩa là có xứ chuyển biến. Thế nào là có xứ chuyển biến? Tức chuyển biến nơi phần ít tướng tịnh. Vì sao gọi là phần ít tướng tịnh? Nghĩa là đối với các hình tướng như tóc, móng, môi, răng, mặt, mắt, tay, chân, ngón tay v.v… trong hiển sắc đều có một ít tướng tịnh, ở đấy cũng có các tướng bất tịnh. Quán tướng bất tịnh, do tác ý như lý nên trước là lìa phiền não. Quán tướng tịnh kia, do tác ý phi lý nên khởi phiền não, thoái chuyển, không có một chút pháp nào có ngã, ngã sở, có thể khiến quán vô ngã kia thoái chuyển. Quán vô ngã, như Khế kinh nói: Tất cả pháp vô ngã không có hữu tình, không có thọ mạng, không có sự dưỡng dục, không có Bổ-đặc-già-la, ở nơi thân nội này là không, không có sĩ phu, không có chủ thể tạo tác, không có kẻ sai khiến tạo tác, không có chủ thể thọ nhận, không có người sai khiến thọ nhận, thuần là tụ hành không. Thế nên tất cả kiết do kiến đạo đoạn, được tuệ Thánh đoạn xong, đều vĩnh viễn không thoái chuyển. Do đó không có thoái chuyển nơi quả Dự lưu.

Lại nữa, vĩnh viễn đoạn trừ kiết nơi ba cõi do kiến đạo đoạn, lập quả Dự lưu, không có việc thoái chuyển đối với kiết nơi ba cõi do kiến đạo đã đoạn trừ vĩnh viễn.

Lại nữa, vĩnh viễn đoạn trừ kiết nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến đạo đoạn trừ, lập quả Dự lưu, không có việc thoái chuyển đối với kiết nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến đạo đã đoạn trừ vĩnh viễn.

Hỏi: Thế nào là vĩnh viễn đoạn trừ kiết kia không có thoái chuyển?

Đáp: Vì kiết nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến đạo đoạn trừ là khó đoạn, khó phá, khó có thể vượt qua. Vì thế nên kiết đã đoạn rồi, không thể nối tiếp trở lại.

Lại nữa, dùng nhẫn đối trị phiền não vô sự, lập quả Dự lưu, tất không có nhẫn thoái chuyển để khởi kiết vô sự, nên quả kia không thoái chuyển.

Lại nữa, do lực dụng của kiến đạo, được quả Dự lưu, nên nhất định không có thoái mất kiến đạo.

Hỏi: Nhân luận sinh luận, vì sao nhất định không có người kiến đạo thoái chuyển?

Đáp: Do kiến đạo là đạo hết sức nhanh chóng, là đạo không khởi tâm trông mong, là đạo không dung nạp sự thoái mất như thế.

Lại nữa, các Sư Du-già nhập kiến đạo rồi, gọi là nhập vào sông pháp, nhập vào dòng chảy đại pháp, vào nơi pháp sóng kia, nhập nơi dòng nước xoáy chuyển của pháp, hãy còn không có chỗ trống nào để có thể khởi tâm thiện hữu lậu vô phú vô ký, huống là có thể khởi tâm nhiễm ô thoái chuyển? Như người rơi vào dòng thác trong hang núi, trôi nổi theo làn sóng, hãy còn không thể bám víu vào hai bờ bên này bên kia, huống chi là có thể ra khỏi.

Lại nữa, kiến đạo là chủ thể đối trị kiết hiện có nơi ba cõi do kiến đạo đoạn, nên không có việc thoái chuyển nơi đạo đối trị kiết của ba cõi do kiến đạo đoạn.

Lại nữa, kiến đạo là chủ thể đối trị kiết hiện có nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến đạo đoạn, nên không có việc thoái chuyển nơi đạo đối trị kiết của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do kiến đạo đoạn.

Lại nữa, kiến đạo là nhẫn, là chủ thể đối trị, đã đối trị phiền não vô sự, nên không có việc thoái chuyển nơi đạo đối trị kia.

Lại nữa, kiến đạo đầu tiên thấy rõ lý của bốn Thánh đế, quyết định minh bạch, không còn mê lầm trở lại đối với lý này, nên tất không thoái chuyển.

Hỏi: Như đến quả vị vô học có thoái chuyển trụ nơi tu đạo, há không có đến quả vị tu đạo thoái chuyển trụ nơi kiến đạo chăng?

Đáp: Trong quả vị tu đạo có nghĩa khởi phiền não hiện tiền. Trong quả vị kiến đạo không có nghĩa khởi phiền não hiện tiền, thế nên kia đây không thể làm mẫu mực để đối chiếu.

Lại nữa, trong quả vị tu đạo chấp nhận có người thoái chuyển, nên đến quả vị vô học có người thoái chuyển trụ nơi tu đạo. Trong quả vị kiến đạo không có người thoái chuyển, nên đến quả vị tu đạo không có thoái chuyển trụ nơi kiến đạo.

Hỏi: Thoái chuyển nơi quả A-la-hán, khi trụ nơi quả Dự lưu, có gọi là thoái chuyển nơi quả Nhất lai, Bất hoàn không?

Đáp: Cũng gọi là thoái chuyển nơi các quả đó. Vì sao? Vì trụ nơi phẩm hạ của quả đó. Như người từ tầng nhà thứ ba rơi xuống đất, người ấy cũng nói là đã rơi từ hai tầng đầu. Ở đây cũng như thế.

Hỏi: Trước kia đã không thành tựu hai quả trung gian, nay sao lại nói là thoái chuyển?

Đáp: Đã không thành tựu, lại không thành tựu, nên cũng được gọi là thoái chuyển.

Hỏi: Vì sao nói hai quả kia đã không thành tựu, lại không thành tựu?

Đáp: Vì hai quả kia trước kia đã xa, nay lại càng xa hơn.

Lại nữa, trước đã đoạn trừ hết từng ấy phiền não, nên kiến lập hai quả, nay vì thoái chuyển trở lại khởi từng ấy phiền não, nên nói là thoái chuyển nơi hai quả kia.

Lại nữa, trước đã đoạn phần đắc là đối tượng được đối trị của hai quả, nay vì đang thoái chuyển trở lại dấy khởi, nên nói là thoái chuyển nơi hai quả kia.

Lại nữa, trước đã vận dụng đạo giải thoát, vô gián như thế, nhằm dứt trừ các phiền não, đạt được hai quả, nay thoái chuyển trở lại khởi phiền não đã đoạn, khiến xa cách hai đạo kia, lại càng cách xa hơn, nên nói là thoái chuyển nơi hai quả kia.

Lại nữa, vì quả Bất hoàn, Nhất lai là nhân của A-la-hán, nên khi quả thoái chuyển thì nhân cũng gọi là thoái chuyển.

Hỏi: Quả Dự lưu cũng là nhân của A-la-hán. Khi thoái chuyển A-la-hán thì quả Dự lưu cũng nên thoái chuyển chăng?

Đáp: Quả Dự lưu này là quả vị Thánh phẩm hạ. Khi quả trên thoái chuyển, cuối cùng là trụ nơi quả này. Nếu thoái chuyển mất quả Dự lưu, tức nên quả vốn đã được nay trở lại không được. Trong phần vị kiến đạo không có nghĩa trụ, tức nên vốn đã kiến đế nay trở lại không kiến đế, tức nên vốn đã hiện quán nay không phải là hiện quán, tức nên vốn là Thánh giả nay trở thành phàm phu. Vì muốn khiến không có những lỗi như thế, nên không có nghĩa thoái mất quả Dự lưu.

Lại nữa, vì quả Dự lưu là quả do kiến đạo đã chứng, nên trước đã nói kiến đạo, tất không có nghĩa thoái chuyển. Thế nên không có thoái chuyển nơi quả Dự lưu. Ở đây, nói thoái chuyển nơi quả vị, không nói căn tánh, vì chuyển căn của quả Dự lưu cũng có người thoái chuyển, nên đã thoái chuyển nơi quả Sa-môn căn bản. Nếu chưa trở lại được thì không có nghĩa mạng chung. Nếu đã thoái chuyển nơi hướng của quả Sa-môn kia, tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn chấp nhận có thể mạng chung. Vì sao? Vì quả vị căn bản dễ thấy, dễ nêu bày: Đây là quả Dự lưu, cho đến đây là quả A-la-hán. Vì thế, đã thoái chuyển rồi, nếu chưa trở lại được, tất không mạng chung. Vì ở phần vị hướng, vì khó thấy, khó nêu bày, nên từ phần vị đó thoái chuyển rồi, tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn có nghĩa mạng chung.

Lại nữa, ở quả vị căn bản, các Sư Du-già đối với quả đã phát khởi sự vui mừng, ưa thích tăng thượng. Như nhà nông đối với mùa vụ, trong thời gian sáu tháng đã sửa sang gieo cấy, về sau thu hoạch được lúa thóc đem chứa trong kho lẫm, sinh vui mừng thích thú vô cùng. Ở đây cũng như thế. Nên khi quả thoái chuyển cảm thấy rất lo lắng, buồn phiền. Nếu chưa trở lại được thì trọn không từ bỏ mạng sống. Trong phần vị hướng, vì không như thế nên khi quả kia thoái chuyển, tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn có nghĩa mạng chung.

Lại nữa, quả vị căn bản có đủ ba nhân duyên: 1. Bỏ đạo đã từng được. 2. Được đạo chưa từng được. 3. Chứng đã đoạn trừ kiết được một vị. Nên khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, tất không mạng chung. Vì phần vị hướng tức không như vậy, nên quả thoái chuyển tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn chấp nhận có nghĩa mạng chung.

Lại nữa, quả vị căn bản có đủ năm nhân duyên: 1. Bỏ đạo đã từng được. 2. Được đạo chưa từng được. 3. Chứng đã đoạn trừ kiết được một vị. 4. Được tức khắc tám trí. 5. Cùng một lúc tu mười sáu hành tướng. Nên khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, tất không có lý mạng chung. Trong phần vị hướng vì không như vậy, nên khi quả thoái chuyển tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn có nghĩa mạng chung.

Lại nữa, vì quả vị căn bản là xứ nghỉ ngơi thuộc sự sống yên ổn tối thắng của Sư Du-già, nên khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, tất không có nghĩa mạng chung. Vì phần vị hướng không như vậy, nên khi quả thoái chuyển tuy chưa trở lại, nhưng vẫn có lý mạng chung.

Lại nữa, kiết hiện có của quả vị căn bản đã được đoạn, là chốn tạo tác và chốn tạo tác sau cùng. Thánh đạo hiện có là công dụng và công dụng sau cùng, nên khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, tất không có lý mạng chung. Kiết đã đoạn trong phần vị hướng là chốn tạo tác, không phải là chốn tạo tác sau cùng. Thánh đạo hiện có là công dụng, không phải là công dụng sau cùng, vì thế nên khi hướng thoái chuyển, tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn có nghĩa mạng chung.

Lại nữa, quả vị căn bản dung nạp các Hành giả tu rộng Thánh đạo, nên khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, tất không có lý mạng chung. Trong phần vị hướng, vì không dung nạp tu rộng Thánh đạo, nên khi hướng thoái chuyển rồi, tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn có nghĩa mạng chung.

Lại nữa, nơi quả vị căn bản, các Sư Du-già có thể khéo nhận biết rõ về công đức, lỗi lầm. Công đức nghĩa là đạo và quả đạo. Lỗi lầm nghĩa là nhân quả sinh tử. Nên khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, không có lý mạng chung. Vì trong phần vị hướng không như vậy, nên khi quả thoái chuyển, tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn có nghĩa mạng chung.

Lại nữa, ở quả vị căn bản, các Sư Du-già mới có thể khéo nhận lấy tướng của bốn Thánh đế. Trong phần vị hướng, vì sự việc không như vậy, chưa thành tựu, như người đi trên đường, đối với tướng bốn phương, chưa có thể khéo nhận lấy, nếu ngồi lại một chỗ mới có thể khéo nhận lấy. Vì quả nơi hướng cũng như thế, nên khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, tất không có lý mạng chung. Nếu khi hướng thoái chuyển, tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn có nghĩa mạng chung.

Lại nữa, ở quả vị căn bản, nếu khi thoái mất, có người chứng biết, nên chưa trở lại được, tất không mạng chung. Khi hướng thoái mất, không có người chứng biết, nên chưa trở lại được, vẫn có nghĩa mạng chung. Như trong thôn ấp, nếu bị cướp giựt, có người chứng biết, tức nhanh chóng có thể tìm lại. Nơi vùng giữa hai thôn ấp, nếu bị cướp giựt vì không có người chứng biết, nên khó có thể tìm lại được.

Lại nữa, ở quả vị căn bản, các Sư Du-già trước gia hạnh rộng, đủ yên ổn bền chắc, do đấy khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, tất trọn không bỏ mạng. Trong phần vị hướng vì không như vậy, nên khi hướng kia thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, vẫn có lý mạng chung. Quả Dự lưu trước đã gia hạnh rộng: Nghĩa là tức quả Dự lưu kia vì trước cầu quả giải thoát, nên siêng năng tinh tấn tu tập tuệ thí, tịnh giới, quán bất tịnh, quán sổ tức, niệm trụ, văn tạo thành tuệ, tư tạo thành tuệ, tu tạo thành tuệ, và noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất, cùng khoảnh khắc mười lăm tâm trong kiến đạo, ở đây gọi chung là đủ yên ổn bền chắc.

Có thuyết nói: Từ đầu cho đến pháp thế đệ nhất, gọi là gia hạnh rộng, mười lăm tâm của kiến đạo gọi là đủ yên ổn kiên cố. Quả Nhất lai là gia hạnh rộng trước: Nghĩa là tức trước đã nói và các đạo gia hạnh lìa dục nhiễm, sáu đạo vô gián, năm đạo giải thoát, tức ở đây gọi là đủ yên ổn kiên cố.

Có thuyết cho: Quả Dự lưu gọi là đủ yên ổn kiên cố. Quả Bất hoàn là gia hạnh rộng nơi trước: Nghĩa là tức như trước đã nói và các đạo gia hạnh lìa dục nhiễm, ba đạo vô gián, hai đạo giải thoát, tức ở đây gọi là đủ yên ổn kiên cố.

Có thuyết nêu: Quả Nhất lai gọi là đủ yên ổn kiên cố. Quả A-la-hán là gia hạnh rộng nơi trước: Nghĩa là tức như trước đã nói và lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, cho đến lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, mỗi mỗi địa đều có các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát và lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ có các đạo gia hạnh, chín đạo vô gián, tám đạo giải thoát, tức ở đây gọi chung là đủ yên ổn kiên cố.

Có thuyết nói: Quả Bất hoàn gọi là đủ yên ổn kiên cố.

Lại nữa, nơi quả vị căn bản, các Sư Du-già đoạn tuyệt dừng nghỉ tất cả phần sinh. Khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, sẽ không có nghĩa mạng chung. Trong phần vị hướng vì không như vậy, nên khi quả kia thoái chuyển, tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn có lý mạng chung. Tức là quả Dự lưu, trừ bảy lần sinh nơi cõi dục và một lần sinh nơi một xứ của cõi sắc, cõi vô sắc, tất cả lần sinh còn lại đều được phi trạch diệt. Quả Nhất lai, trừ hai lần sinh nơi cõi dục và một lần sinh nơi một xứ của cõi sắc, cõi vô sắc, tất cả lần sinh còn lại đều được phi trạch diệt. Quả Bất hoàn, trừ một lần sinh nơi một xứ ở cõi sắc, cõi vô sắc, tất cả lần sinh còn lại đều được phi trạch diệt. Quả A-la-hán, đối với hết thảy lần sinh đều được phi trạch diệt, vì không còn sinh trở lại.

Lại nữa, nơi quả vị căn bản, các Sư Du-già đều tập hợp chung phiền não nơi ba cõi do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ đều đoạn được, nên khi quả thoái chuyển, nếu chưa trở lại được, thì trọn không xả bỏ thọ mạng. Trong phần vị hướng vì không như vậy, nên khi quả kia thoái chuyển, tuy chưa trở lại được, nhưng vẫn có nghĩa mạng chung. Nghĩa là quả vị Dự lưu tập hợp chung phiền não nơi ba cõi do kiến đạo đều đoạn được. Quả vị Nhất lai tập hợp chung phiền não nơi ba cõi do kiến đạo và sáu phẩm phiền não nơi cõi dục do tu đạo đoạn đều đoạn được. Quả vị Bất hoàn tập hợp chung phiền não nơi ba cõi do kiến đạo đoạn và chín phẩm phiền não nơi cõi dục do tu đạo đoạn đều đoạn được. Quả vị A-la-hán tập hợp chung tất cả phiền não nơi ba cõi do kiến đạo, tu đạo đoạn đều đoạn được.

Lại nữa, quả vị căn bản là nơi chốn mong cầu căn bản của Sư Du-già, nên quả thoái chuyển rồi, nếu chưa trở lại được, tất không mạng chung. Ở phần vị hướng vì không như vậy, nên khi quả thoái chuyển, hướng kia nếu chưa trở lại được, vẫn có nghĩa mạng chung.

Nếu lìa nhiễm cõi dục, hoặc lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất, hoặc lại cho đến lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, sau đấy được nhập chánh tánh ly sinh. Về sau nếu người kia thoái chuyển thì quyết định không khởi thoái chuyển nơi triền của địa dưới, chỉ chấp nhận được khởi thoái chuyển nơi triền của địa trên. Vì sao? Vì phiền não của địa dưới do hai đạo đối trị hữu lậu, vô lậu đã làm tổn giảm, nên chúng không có sức mạnh khởi triền kia để thoái chuyển.

Lại nữa, đoạn trừ triền của địa trên, về sau có kiến đạo sinh, trấn áp triền của địa trên, nên không thể khởi triền nơi địa dưới để thoái chuyển. Ví như có người từ trên núi rơi xuống, về sau lại còn có tảng đá lớn đè lên hãy còn không thể nhúc nhích, huống chi là có thể đứng dậy đi.

Lại nữa, đoạn trừ triền của địa trên, về sau có nhẫn trí sinh, vì không có người thoái chuyển nơi nhẫn trí, nên không thể khởi triền nơi địa dưới để thoái chuyển.

Lại nữa, đoạn trừ triền của địa trên, về sau khởi pháp loại trí, vì không có sự thoái chuyển hoàn toàn nơi pháp loại trí, nên không thể khởi triền nơi địa dưới để thoái chuyển.

Lại nữa, đoạn trừ triền của địa trên, về sau khởi nhẫn tăng thượng, pháp thế đệ nhất, vì không có sự thoái chuyển nhẫn tăng thượng nơi pháp pháp thế đệ nhất, nên không thể khởi triền nơi địa dưới để thoái chuyển.

Lại nữa, hàng phàm phu lìa nhiễm cõi dục, cho đến khi lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, phiền não nơi mỗi mỗi địa do kiến đạo, tu đạo đoạn hợp chung làm một nhóm, tạo thành chín phẩm đoạn. Về sau, nhập kiến đạo, được quả Thánh rồi, giả như khởi phiền não của địa dưới để thoái chuyển, vì chỉ được kiết do tu đạo đoạn của địa trên, hay là cũng được kiết do kiến đạo kia đoạn trừ? Nếu chỉ được kiết nơi địa trên do tu đạo đoạn, vì sao hai kiết đồng một đạo đoạn? Vì khi đạo thoái chuyển, duy chỉ được một. Nếu cũng được kiết do kiến đạo đoạn, vì sao được quả Thánh trở thành kiết do kiến đạo đoạn? Thế nên hàng phàm phu thuận theo lìa nhiễm của phẩm nào, địa nào xong, về sau nếu được nhập chánh tánh ly sinh, được quả Thánh rồi, tất không khởi trở lại phiền não theo nghĩa thoái chuyển do thời gian trước đã đoạn.

Hỏi: Như sẽ được quả A-la-hán, lúc trụ nơi Định kim cang dụ, cũng tạo thành kiết của phẩm hạ hạ nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nếu khi thoái chuyển quả A-la-hán, khởi trở lại kiết của phẩm hạ hạ nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cũng thành tựu được Định kim cang dụ không?

Đáp: Không thành tựu được Định kim cang dụ. Vì sao? Vì dụng của Định kim cang dụ có công sức lớn, do tác ý gia hạnh tu tập mà được. Còn kiết của phẩm hạ hạ nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ kia, không do công sức tác ý gia hạnh tu tập mà được. Thế nên khi thoái chuyển chỉ được kiết của phẩm hạ kia, không được Định này.

Lại nữa, Định kim cang dụ là lúc thắng tấn đạt được, cũng chính là lúc kiết của phẩm hạ hạ kia do thoái chuyển mà được. Vì vậy khi thoái chuyển chỉ được kiết của phẩm hạ hạ nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không được Định này.

Lại nữa, lúc Định kim cang dụ hiện tiền là trái với sự hiện hành của kiết nơi phẩm hạ hạ, không trái với sự thành tựu Định kim cang dụ. Do đó khi Định kim cang dụ hiện tiền, cũng là lúc kiết kia được tạo thành. Khi kiết của phẩm hạ hạ nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ hiện tiền là trái với sự hiện hành của Định kim cang dụ, cũng trái với sự thành tựu của Định kim cang dụ. Vì thế khi khởi kiết của phẩm hạ hạ kia để thoái chuyển, tất không thành tựu Định kim cang dụ.

Lại nữa, Định kim cang dụ là đạo vô gián. Có người không trụ nơi đạo vô gián mà thoái chuyển, cũng có người không thoái chuyển nhưng đã trụ nơi đạo vô gián. Có người trụ nơi đạo giải thoát mà thoái chuyển, cũng có người thoái chuyển xong trụ nơi đạo giải thoát.

Có thuyết nói: Cũng có người trụ nơi đạo thắng tấn mà thoái chuyển, và có người thoái chuyển rồi, trụ nơi đạo thắng tấn. Thế nên lúc trụ nơi Định kim cang dụ là lúc kiết của phẩm hạ hạ nơi xứ Hữu đảnh được tạo thành, nên lúc khởi kiết nơi phẩm hạ hạ của Hữu đảnh để thoái chuyển, tất không trở lại được Định kim cang dụ.

HẾT – QUYỂN 61