LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 49

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ BẤT THIỆN, phần 4

* Có năm kiết: Nghĩa là kiết tham, kiết giận, kiết mạn, kiết tật (ganh ghét), kiết xan (keo kiệt).

Hỏi: Năm kiết này lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy ba mươi bảy sự việc làm tự tánh. Nghĩa là kiết tham, kiết mạn, mỗi kiết đều có năm bộ của ba cõi là ba mươi sự việc. Kiết giận có năm bộ nơi cõi dục là năm sự việc. Kiết tật, xan, mỗi kiết đều lấy sự việc của cõi dục do tu đạo đoạn trừ là hai sự việc. Như thế là năm kiết này lấy ba mươi bảy sự việc làm tự tánh.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là kiết? Kiết là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa trói buộc, nghĩa kết hợp với khổ, nghĩa xen lẫn độc hại là nghĩa của kiết. Ở đây nói rộng như đã nói trong ba kiết ở trên.

Hỏi: Vì sao chỉ lập những thứ này là kiết?

Đáp: Cũng nên nói các thứ khác, nhưng không nói, phải biết đây là nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết cho: Đây là Đức Thế Tôn giảng nói tóm lược cho các hữu tình được giáo hóa.

Hiếp Tôn giả nói: Vì Đức Phật đã nhận biết rõ về công dụng, thế mạnh nơi tánh, tướng của các pháp, nếu pháp có thể lập kiết thì lập, nếu không thể thì không lập, do vậy không nên vấn nạn.

Tôn giả Thế Hữu nói: Trong đây chỉ nói các việc mê lầm về sự như sắc v.v… nơi tự tướng phiền não trói buộc tâm là kiết. Ba thứ tham, giận, mạn chỉ là mê lầm về sự nơi tự tướng phiền não nên lập là kiết. Năm kiến và nghi chỉ là mê lầm về lý nơi cộng tướng phiền não. Vô minh tuy lại chung cho cả mê lầm về lý, sự, nhưng phần nhiều là mê lầm về lý, nên không lập là kiết. Hai triền tật, xan cũng chỉ là việc não loạn của mê lầm về sự nơi hai bộ và hai nẻo, vì nhiều lỗi lầm tai hại, nên cũng lập là kiết. Vì các triền còn lại cùng cấu không có sự việc như thế, nên không lập là kiết.

Tôn giả Diệu Âm nói: Năm thứ này đối với sự trói buộc tâm tạo lỗi nặng, nên lập là kiết.

Tôn giả Giác Thiên nói: Năm thứ này về mặt sự thường xuyên hiện hành não loạn mình, người khác, tạo lỗi lầm rất nặng, nên lập là kiết. Các phiền não khác đều không có sự việc như thế, nên không lập là kiết.

***

* Có năm kiết thuận phần dưới: Nghĩa là kiết dục tham thuận phần dưới, kiết giận dữ thuận phần dưới, kiết hữu thân kiến thuận phần dưới, kiết giới cấm thủ thuận phần dưới, kiết nghi thuận phần dưới.

Hỏi: Năm thứ kiết thuận phần dưới này lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy ba mươi mốt sự việc làm tự tánh. Nghĩa là kiết tham dục, giận dữ thuận phần dưới, mỗi thứ đều có năm bộ của cõi dục là mười sự việc. Kiết hữu thân kiến thuận phần dưới nơi ba cõi do kiến khổ đoạn trừ là ba sự việc. Kiết giới cấm thủ thuận phần dưới nơi ba cõi, mỗi cõi đều do kiến khổ, kiến đạo đoạn là sáu sự việc. Kiết nghi thuận phần dưới nơi ba cõi, mỗi cõi đều có bốn bộ thành mười hai sự việc. Như thế là năm thứ kiết thuận phần dưới lấy ba mươi mốt sự việc làm tự tánh.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là kiết thuận phần dưới? Kiết thuận phần dưới là nghĩa gì?

Đáp: Năm kiết như thế hiện hành nơi cõi dưới, là kiết do cõi dưới đoạn trừ, do cõi dưới sinh khởi, vì nhận lấy quả đẳng lưu, dị thục của cõi dưới, nên gọi là kiết thuận phần dưới. Cõi dưới: Nghĩa là cõi dục.

Hỏi: Như vậy hết thảy phiền não đều là hiện hành nơi cõi dưới, thân ở cõi dục, tất cả phiền não đều cùng sinh khởi, sáu mươi tư tùy miên là đối tượng đoạn của cõi dưới, cõi dục ba mươi sáu, Phi tưởng phi phi tưởng xứ hai mươi tám, chỉ ở nơi cõi dục mới có thể đoạn. Ba mươi sáu tùy miên kiết sinh khởi ở cõi dưới. Ba mươi sáu tùy miên của cõi dục, mỗi mỗi tùy miên hiện tiền, đều khiến cho sự sinh của cõi dục luôn nối tiếp. Ba mươi bốn tùy miên đều có thể nhận lấy quả đẳng lưu, dị thục của cõi dưới. Ba mươi bốn tùy miên của cõi dục đều là bất thiện, có thể làm nhân dị thục. Hai tùy miên chỉ có thể nhận quả đẳng lưu của cõi dưới. Hữu thân kiến, biên chấp kiến của cõi dục là vô ký, nên không thể nhận lấy quả dị thục. Như thế, tất cả phiền não đều nên gọi là kiết thuận phần dưới. Vì sao Đức Thế Tôn chỉ nói năm thứ này là kiết thuận phần dưới, không phải là phiền não khác?

Đáp: Cũng nên nói các thứ khác nhưng không nói, phải biết đây là nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết cho: Đây là Đức Thế Tôn giảng nói tóm lược cho các hữu tình được giáo hóa.

Hiếp Tôn giả nói: Vì Đức Phật đã nhận biết rõ về công dụng, thế mạnh nơi tánh, tướng của các pháp. Nếu pháp nào có thể lập thuận phần dưới thì lập, nếu không thể thì không lập, do vậy không nên vấn nạn.

Tôn giả Diệu Âm nói: Đức Phật nhận biết năm kiết này đều hiện hành nơi cõi dưới, là kiết do cõi dưới đoạn trừ, sinh giữ ở cõi dưới, nhận quả của cõi dưới, tác dụng thế mạnh rất nhanh chóng, rất năng, rất gần, hơn các phiền não khác, nên lập riêng là kiết thuận phần dưới.

Lại nữa, dưới có hai thứ, nghĩa là cõi dưới và hữu tình ở dưới. Cõi dưới: Nghĩa là cõi dục. Hữu tình ở dưới: Nghĩa là phàm phu. Do lỗi lầm trầm trọng của hai kiết đầu, nên không vượt khởi cõi dục. Vì do lỗi lầm nặng nề của ba kiết sau, nên không vượt qua phàm phu. Do vậy chỉ lập năm thứ này là kiết thuận phần dưới.

Lại nữa, dưới có hai thứ, nghĩa là địa dưới và hữu tình dưới. Địa dưới: Nghĩa là cõi dục. Hữu tình dưới: Nghĩa là phàm phu. Vì lỗi lầm của hai kiết đầu rất nặng, nên không ra khỏi địa dưới. Vì lỗi lầm trầm trọng của ba kiết sau, nên không ra khỏi hữu tình dưới, vì thế chỉ nói năm kiết này gọi là kiết thuận phần dưới.

Lại nữa, năm kiết này đối với hữu tình nơi cõi dục kia, cũng như cai ngục và lính tuần tra canh giữ, nên lập riêng làm kiết thuận phần dưới. Nghĩa là hai kiết đầu cũng như cai ngục. Ba kiết sau cũng như lính tuần tra canh giữ. Như có tội nhân bị nhốt trong ngục, có hai cai ngục luôn canh giữ không để trốn ra khỏi, lại có ba người thường xuyên là lính tuần tra canh giữ. Nếu tội nhân kia dùng sức của tài sản, bạn bè thân thích hại cai ngục, chạy ra nơi xa thì ba người lính tuần tra canh giữ lại tìm bắt dẫn về nhốt trong ngục. Ngục tù ở đây tức dụ cho cõi dục, tù nhân tức dụ cho phàm phu ngu si. Hai cai ngục dụ cho hai kiết đầu. Ba người lính tuần tra canh giữ dụ cho hai kiết sau. Nếu có phàm phu nào dùng quán bất tịnh trừ bỏ tham dục, lại dùng quán từ bi trừ bỏ giận dữ, lìa dục cho đến Vô sở hữu xứ, sinh nơi tĩnh lự thứ nhất cho đến cõi Hữu đảnh, thì người kia bị hữu thân kiến, giới cấm thủ và nghi bắt giữ, dẫn trở lại giam vào cõi dục.

Tôn giả Diệu Âm cũng nói: Vì hai kiết chưa đoạn, chưa nhận biết khắp, nên không ra khỏi cõi dục. Vì ba kiết chưa đoạn, chưa nhận biết khắp, vì trở lại sinh vào cõi dục. Thế nên nói riêng năm kiết này gọi là kiết thuận phần dưới.

Tôn giả Tả Thọ cũng nói: Vì bị hai kiết này trói buộc, nên phàm phu không vượt khỏi cõi dục, vì ba kiết chưa đoạn nên rơi trở lại vào cõi dục. Thế nên lập riêng năm kiết này là kiết thuận phần dưới.

Lại nữa, trong đây là hiện bày về môn, về sự tóm lược, dẫn nhập, nên nói riêng năm kiết này là kiết thuận phần dưới. Nghĩa là các phiền não hoặc chỉ có một bộ, hoặc chung cho hai bộ, hoặc chung cả bốn bộ, năm bộ. Nếu nói hữu thân kiến, nên biết là nói chung về loại phiền não chỉ có một bộ. Nếu nói giới cấm thủ, nên biết là nói chung về loại phiền não chung cho hai bộ. Nếu nói nghi, nên biết là nói chung về loại phiền não chung cho bốn bộ. Nếu nói tham dục, giận dữ, nên biết là nói chung về loại phiền não chung cho năm bộ.

Như thế, chỉ do kiến đạo đoạn – chung cho do kiến đạo và tu đạo đoạn, là biến hành – không phải là biến hành, chỉ có hiện hành của phàm phu – chung cho cả hiện hành của phàm phu và Thánh giả, hành tướng chuyển biến vui – hành tướng chuyển biến buồn, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, trong các phiền não chung do kiến đạo, tu đạo đoạn, chỉ có tham, giận là lập riêng, vì chúng có mặt khắp sáu thức. Nơi các phiền não chỉ do kiến đạo đoạn, chỉ có ba thứ sau như thân kiến v.v… về chuyển biến là đứng hàng đầu, nên lập riêng năm kiết này là kiết thuận phần dưới.

Lại nữa, nếu hỏi vì sao hai kiết đầu được lập là thuận phần dưới, nên đáp rộng như trong phần căn bất thiện. Nếu hỏi vì sao ba kiết sau được lập là thuận phần dưới, nên đáp rộng như trong phần ba kiết. Do hai phần hỏi – đáp này là nhằm ngăn chận chung về vấn nạn vì sao các phiền não khác không lập làm kiết thuận phần dưới.

Hỏi: Vì sao tùy phiền não không phải là kiết thuận phần dưới?

Đáp: Tùy phiền não kia cũng nên nói là kiết thuận phần dưới, nhưng không nói, nên biết đây là nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Đây là Đức Thế Tôn giảng nói giản lược cho các hữu tình được giáo hóa.

Lại có thuyết cho: Nếu khiến cho cõi dưới và sự sống của hữu tình nơi cõi dưới nối tiếp, nên lập làm kiết thuận phần dưới. Các tùy phiền não vì không thể nối kết sự sinh, nên không lập làm kiết thuận phần dưới.

Như Khế kinh nói: Các ông nên thọ trì năm kiết thuận phần dưới như trước đây Ta đã chỉ rõ. Bấy giờ, trong chúng hội, Ma Lạc Ca Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, hướng về Đức Bạc-già-phạm cung kính chấp tay bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Con đã thọ trì năm kiết thuận phần dưới như Đức Thế Tôn đã giảng nói. Đức Thế Tôn bảo: Ông thọ trì như thế nào? Ma Lạc Ca Tử đáp: Tham dục tức là tùy miên dục tham trói buộc tâm, là thuận phần dưới. Đức Thế Tôn đã chỉ rõ và con đã thọ trì, cho đến kiết nghi nói rộng cũng như thế. Phật bảo: Kẻ dị học ngoại đạo ngu tối, khi nghe ông nói thế, sẽ vấn nạn ông: Như trẻ con bệnh đang nằm ngửa trên giường, nó hãy còn không hiểu rõ dục trần như sắc v.v… huống chi là có khả năng hiện khởi tham dục trói buộc tâm. Tuy nhiên nó cũng có tùy miên dục tham, cho đến kiết nghi nói rộng cũng như thế.

Hỏi: Như Đức Phật đã giảng nói năm kiết thuận phần dưới và Ma Lạc Ca Tử đã thọ trì đầy đủ, vì sao bị quở trách?

Đáp: Quở trách về nghĩa đã nhận lấy, không phải là quở trách về danh đã nhận lấy. Quở trách về nghĩa đã hiểu, không phải về danh đã hiểu. Ngăn chận về chỗ nghĩa đã nói, không phải ngăn chận về danh đã nói. Tức Tôn giả kia nói khởi phiền não gọi là thuận phần dưới, không phải là không khởi. Đức Phật nói: Nếu khi phiền não chưa đoạn gọi là thuận phần dưới, không cần phải hiện khởi.

Lại nữa, Tôn giả kia nói: Lúc phiền não phải hiện hành mới gọi là thuận phần dưới. Đức Phật nói: Tạo thành cũng được gọi là kiết thuận phần dưới.

Lại nữa, Tôn giả kia nói: Phiền não cần phải là lúc hiện tại mới gọi là thuận phần dưới. Đức Phật nói: Ba đời đều được gọi là kiết thuận phần dưới.

Lại nữa, Tôn giả kia nói: Phiền não chủ yếu là lúc trói buộc tâm mới gọi là thuận phần dưới. Đức Phật nói: Hoặc là ở phần vị triền hay tùy miên đều được gọi là kiết thuận phần dưới.

Như nói triền tham dục và tùy miên, lúc không chính thức đoạn hoàn toàn cũng gọi là kiết thuận phần dưới, cho đến kiết nghi nói rộng cũng như thế.

***

* Có năm kiết thuận phần trên: Nghĩa là kiết sắc tham thuận phần trên, kiết vô sắc tham thuận phần trên, kiết trạo cử thuận phần trên, kiết mạn thuận phần trên, kiết vô minh thuận phần trên.

Hỏi: Năm kiết thuận phần trên này lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy tám sự việc làm tự tánh. Nghĩa là sắc tham tức ái nơi cõi sắc do tu đạo đoạn trừ, là một sự việc. Vô sắc tham tức ái nơi cõi vô sắc do tu đạo đoạn trừ, là một sự việc. Trạo cử, mạn, vô minh tức ba thứ ấy nơi cõi sắc, cõi vô sắc đều do tu đạo đoạn trừ, là sáu sự việc. Như thế là năm kiết thuận phần trên này lấy tám sự việc làm tự tánh.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là kiết thuận phần trên? Chúng là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa khiến đi tới trên, nghĩa khiến hướng lên trên, nghĩa khiến sinh lên trên nối tiếp nhau, là nghĩa của kiết thuận phần trên.

Hỏi: Nếu nghĩa đi tới trên v.v… là nghĩa của kiết thuận phần trên, thì kiết thuận phần trên nên không phải là bộc lưu, vì sự rơi rớt, chìm đắm v.v… là nghĩa của bộc lưu?

Đáp: Nghĩa của bộc lưu khác với nghĩa của kiết thuận phần trên. Tức là dựa vào cõi, địa để lập kiết thuận phần trên. Vì kiết kia khiến hữu tình hướng tới, sinh lên trên. Còn dựa vào đạo giải thoát để lập bộc lưu, nên tuy sinh lên xứ Hữu đảnh, vẫn khiến hữu tình chìm đắm trong sinh tử, không đến với giải thoát và Thánh đạo.

Hỏi: Vì sao tham của cõi sắc, cõi vô sắc đều lập riêng là kiết thuận phần trên. Ba thứ còn lại (trạo cử, mạn, vô minh) nơi hai cõi lập chung là một?

Đáp: Ba thứ còn lại cũng nên dựa vào cõi để lập riêng, nhưng không làm như vậy, nên biết là nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, vì muốn cho nghĩa đã nói được dễ hiểu, nên dùng vô số các thứ ngôn từ, các câu văn để nêu bày.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn chỉ rõ về hai môn, hai sự tóm lược, hai thềm, hai bậc, hai ánh sáng, hai ngọn đuốc, hai lời văn, hai ảnh. Như ái dựa vào cõi lập riêng hai kiết, trạo cử, mạn, vô minh mỗi thứ cũng nên lập làm hai. Như trạo cử v.v… nơi hai cõi hợp lại để lập, ái cũng nên như vậy. Như thế là tạo nên kiết thuận phần trên, hoặc tám, hoặc bốn, là hiện bày hai môn cho đến hai ảnh, vì cùng soi sáng lẫn nhau nên nói như thế.

Lại nữa, ái khiến cho cõi riêng, địa riêng, bộ riêng, ái có thể làm tăng trưởng tất cả phiền não. Ái có ái xứ vì đã nói có nhiều lỗi lầm, nên dựa vào cõi lập riêng làm hai kiết. Ba thứ như trạo cử v.v… vì không có sự việc như thế, nên nơi hai cõi trên kết hợp lập làm một.

Hỏi: Vì sao chỉ do tu đạo đoạn trừ lập làm kiết thuận phần trên?

Đáp: Vì khiến hướng sinh lên cõi trên, nên gọi là kiết thuận phần trên. Vì kiết do kiến đạo đoạn khiến cho rơi xuống cõi dưới, nên không lập làm kiết thuận phần trên.

Lại nữa, chỗ hành tác của người trên gọi là thuận phần trên. Người trên là bậc Thánh, không phải là các phàm phu. Kiết do kiến đạo đoạn chỉ do phàm phu sinh khởi, nên không lập làm kiết thuận phần trên. Nơi các Thánh giả chỉ có người Bất hoàn đã khởi các kiết, nên lập thuận phần trên.

Hỏi: Nhân luận sinh luận, vì sao người Dự lưu và Nhất lai đã khởi các kiết, không phải là kiết thuận phần trên?

Đáp: Thuận phần trên nghĩa là hướng tới sinh lên cõi trên. Vì người Dự lưu, Nhất lai đã khởi các kiết chỉ khiến sinh nơi cõi dưới, nên không lập làm kiết thuận phần trên.

Lại nữa, nếu vượt qua cõi cũng đắc quả, thì các vị đã khởi kiết cũng lập thuận phần trên. Hàng Dự lưu, Nhất lai tuy lại đắc quả, nhưng không phải là vượt qua cõi, nên chỗ khởi kiết của họ không phải là thuận phần trên.

Lại nữa, nếu vượt qua cõi cũng đoạn hết phiền não bất thiện, thì chỗ khởi các kiết nên lập thuận phần trên. Hàng Dự lưu, Nhất lai cả hai việc đều cùng thiếu, nên kiết đã khởi không phải là thuận phần trên.

Lại nữa, nếu vượt qua cõi, kiết thuận phần dưới cũng đoạn hết, thì kiết đã khởi gọi là thuận phần trên. Hàng Dự lưu, Nhất lai cả hai việc đều cùng thiếu, nên kiết đã khởi không phải là thuận phần trên.

Lại nữa, kiết thuận phần trên cùng với kiết thuận phần dưới, về chỗ nương dựa đều khác biệt. Nếu trong thân khởi kiết thuận phần trên, tất người kia không khởi kiết thuận phần dưới. Nếu trong thân khởi kiết thuận phần dưới, tất người kia không khởi kiết thuận phần trên. Hàng Dự lưu, Nhất lai trong thân đều khởi kiết thuận phần dưới, tất không khởi kiết thuận phần trên.

Lại nữa, nếu không còn khởi giống như nghiệp của phàm phu, thì kiết đã khởi nên lập là thuận phần trên. Hàng Dự lưu, Nhất lai vẫn còn hiện khởi giống như nghiệp của phàm phu, nên kiết đã khởi không phải là thuận phần trên. Thế nào là hai hạng kia khởi giống như nghiệp của phàm phu? Nghĩa là ưa thích mặc y phục bằng tơ màu, trang sức, xoa hương hoa, thọ nhận, cất giữ vàng bạc, các vật quý giá, sai khiến, ra lệnh, cũng làm các việc đánh đập, trừng phạt, cũng có cảnh nam nữ nằm chung một giường, thân thể tiếp xúc, sinh tưởng mịn trơn, lại không biết hổ thẹn khi hành phi phạm hạnh. Những sự việc như thế gọi là giống như nghiệp của phàm phu.

Lại nữa, nếu có người không còn sinh nơi giọt máu, tăng yết trá tư nhập vào hai tạng sinh thục trong thai mẹ, dừng lại trong khoảng trung gian, thì người kia đã khởi kiết gọi là thuận phần trên. Hàng Dự lưu, Nhất lai đã cùng có việc này, nên kiết đã khởi không phải là thuận phần trên. Như Khế kinh kia nói: Cư sĩ Chất-đát-la bảo với các bạn thân: Các bạn nên biết, tôi chắc chắn không còn sinh nơi giọt máu, tăng yết trá tư nhập vào hai tạng sinh thục trong thai mẹ, dừng trụ ở khoảng trung gian, tôi đã vĩnh viễn đoạn dứt năm kiết thuận phần dưới, không còn thoái chuyển để thọ sinh nơi cõi dục nữa.

Tôn giả Diệu Âm cũng nói: Người đã giải thoát khỏi kiết tham dục, giận dữ, tôi nói người đó đã giải thoát khỏi việc vào thai mẹ.

Hỏi: Trong thuận phần trên tự tánh của trạo cử có phải là kiết không? Nếu nói như vậy thì có lỗi gì? Nếu là kiết thì như nơi Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông? Như nói: Thế nào là pháp kiết? Nghĩa là chín kiết. Thế nào là pháp không phải kiết? Nghĩa là trừ chín kiết, là các pháp còn lại. Nếu không phải là kiết, thì theo như Kinh này đã nói làm thế nào thông? Như nói: Thế nào là năm kiết thuận phần trên? Nghĩa là sắc tham, vô sắc tham, trạo cử, mạn, vô minh?

Đáp: Nên nói là kiết.

Hỏi: Nếu vậy theo Luận Phẩm Loại Túc đã nói làm sao thông?

Đáp: Các sư nước ngoài đã tụng khác với đây. Nghĩa là các Sư đó tụng: Thế nào là pháp kiết? Nghĩa là chín kiết và trạo cử trong kiết thuận phần trên. Thế nào là pháp không phải kiết? Nghĩa là trừ chín kiết và trạo cử trong kiết thuận phần trên, còn lại là các pháp.

Hỏi: Vì sao các Sư ở nước Ca-thấp-di-la không tụng như các Sư kia?

Đáp: Các Sư ở đây cũng nên đọc tụng như các Sư kia, nhưng không đọc tụng là có ý nghĩa riêng. Do trạo cử kia đã không quyết định là kiết, không phải là kiết. Nghĩa là tánh của trạo cử, phần ít là kiết, tức ở nơi hai cõi trên. Phần ít không phải là kiết, là thuộc cõi dục. Hoặc có trường hợp là kiết, tức do Thánh giả khởi. Hoặc có trường hợp không phải là kiết, tức là do phàm phu khởi. Có phần vị là kiết, tức Thánh giả lìa nhiễm cõi dục đã khởi. Có phần vị không phải là kiết, tức Thánh giả chưa lìa nhiễm nơi cõi dục mà khởi.

Hỏi: Vì sao trạo cử ở hai cõi trên là kiết, còn ở cõi dục không phải là kiết?

Đáp: Vì cõi dục không phải là cõi định, không phải là địa tu, không phải là địa lìa nhiễm, không có định, tuệ thù thắng để có thể nhận biết trạo cử là sự nhiễu loạn, nên không lập là kiết. Cõi sắc, cõi vô sắc là cõi định, là địa tu, là địa lìa nhiễm, có định, tuệ thù thắng, vì có thể nhận biết trạo cử là sự nhiễu loạn, nên lập là kiết. Như ở gần thôn ấp, tuy la lớn tiếng, cũng không cho là tai hại, nhưng nếu ở chốn A-luyện-nhã, tuy phát ra tiếng động nhỏ, cũng cho là có hại.

Lại nữa, ở cõi dục có nhiều phiền não phi pháp, như phẫn hận v.v… che ngăn khiến trạo cử không hiện rõ, nên không lập là kiết. Ở cõi sắc, cõi vô sắc không có nhiều thứ phiền não phi pháp như thế che ngăn trạo cử, trạo cử ở đây đã hiện rõ, nên lập là kiết. Như ở gần thôn ấp, Bí-sô hành ác tuy nhiều, nhưng không ai biết, còn ở chốn A-luyện-nhã, Bí-sô hành ác tuy ít, nhưng dễ hay biết.

Hỏi: Hôn trầm, trạo cử đều chung nơi ba cõi, đều cùng có mặt khắp sáu thức, đều chung nơi năm bộ, và cùng với hết thảy tâm nhiễm ô kết hợp. Vì sao trạo cử được lập là kiết thuận phần trên, không phải là hôn trầm?

Đáp: Vì trạo cử kia là quá mãnh liệt, quá nhiều, quá nặng, nên Đức Phật lập là kiết thuận phần trên. Cũng do đấy nên trạo cử được lập trong mười pháp phiền não đại địa. Lại, do đấy nên các Sư nước ngoài đã đọc tụng như Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là pháp kiết? Nghĩa là chín kiết và trạo cử trong kiết thuận phần trên. Lại, do đấy nên nơi chương Tạp Uẩn đã nói: Thế nào là tùy miên vô minh không chung? Thế nào triền trạo cử không chung? Lại, do đấy nên Luận Thi Thiết nói: Tùy miên dục tham của phàm phu lúc sinh khởi có năm pháp khởi: 1. Tùy miên dục tham. 2. Tùy miên dục tham tùy sinh. (Có tụng nói: Tùy miên dục tham tăng ích). 3. Tùy miên vô minh. 4. Tùy miên vô minh tùy sinh. (Có tụng nói: Tùy miên vô minh tăng ích). 5. Trạo cử. Vì hôn trầm thì không như vậy, nên không lập là kiết thuận phần trên.

Lại nữa, do hành tướng của triền trạo cử sáng rõ, nhạy bén, hành tác luôn nhanh chóng, nhiễu loạn năm chi, bốn chi định tuệ, do vậy Đức Phật lập là kiết thuận phần trên. Vì hành tướng của hôn trầm tối tăm, chậm độn, tương tợ với định, có thể tùy thuận định, có thể nhanh chóng phát sinh định, nên không lập là kiết thuận phần trên.

Lại nữa, hôn trầm đã là đẳng lưu của vô minh, vô minh lại là kiết thuận phần trên, đã che ngăn hôn trầm khiến không hiện rõ. Vì thế nên hôn trầm không phải là kiết thuận phần trên.

Hỏi: Ở cõi trên cũng có ba thứ siểm, cuống, kiêu, vì sao không lập là kiết thuận phần trên?

Đáp: Các phiền não cấu thô động, dễ dứt trừ, tác dụng trói buộc của chúng yếu kém, nên không lập chúng trong tụ kiết là do nghĩa này.

Hiếp Tôn giả nói: Đức Phật đã nhận biết rõ về công dụng thế mạnh nơi tánh tướng của các pháp, nếu pháp có thể lập kiết được thì lập, nếu không thể thì không lập, do vậy không nên vấn nạn.

Tôn giả Diệu Âm nói: Siểm, cuống, kiêu v.v… thô động, dễ dứt trừ, vì không thuận với nghĩa của kiết, nên không lập là kiết. Chỉ phần ít trong tất cả tùy miên triền có thể lập là kiết.

***

* Có năm kiến: Nghĩa là hữu thân kiến, biên chấp kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.

Hỏi: Năm kiến này lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy ba mươi sáu sự việc làm tự tánh. Nghĩa là hữu thân kiến, biên chấp kiến đều ở nơi ba cõi do kiến khổ đoạn, là sáu sự việc. Tà kiến, kiến thủ ở trong ba cõi đều có bốn bộ, là hai mươi bốn sự việc. Giới cấm thủ của ba cõi đều do kiến khổ, kiến đạo đoạn, là sáu sự việc. Như thế là năm kiến này lấy ba mươi sáu sự việc làm tự tánh.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là kiến? Kiến là nghĩa gì?

Đáp: Do bốn sự việc nên gọi là kiến: 1. Nhìn thấu suốt. 2. Suy xét lường tính. 3. Chấp chặt. 4. Nhập sâu nơi đối tượng duyên.

Nhìn thấu suốt: Là có thể nhìn xuyên suốt, nên gọi là kiến.

Kiến này đã tà, lại là điên đảo, sao gọi là nhìn? Đáp: Tuy kiến này là tà, là điên đảo, nhưng tánh của nó là tuệ, có thể nhận thấy đối tượng duyên, nên cũng gọi là nhìn. Như người thấy cảnh, hoặc sáng hoặc tối, đều cùng gọi là nhìn.

Suy xét lường tính: Nghĩa là có thể suy xét lường tính, nên gọi là kiến.

Trong khoảng một sát-na làm sao có thể suy xét lường tính? Đáp: Vì tánh mạnh mẽ, nhạy bén, nên cũng có thể suy xét lường tính.

Chấp chặt: Nghĩa là có thể chấp chặt nên gọi là kiến. Kiến này đối với cảnh luôn chấp giữ hẹp hòi bền chắc, nếu không phải là đao tuệ của bậc Thánh thì không thể dứt bỏ. Phật và đệ tử của Phật đã dùng đao tuệ Thánh để cắt đứt mầm kiến kia mới khiến dứt trừ hẳn. Như có một loài thú biển tên là Thất-thủ-ma-la, hễ nó cắn vào vật nào, nếu không có đao thì không thể gỡ được. Nghĩa là con vật ấy nếu cắn vào cỏ, cây v.v… cần phải cắt đứt mầm kia mới chịu nhả ra. Như có tụng nói:

Người ngu đã nhận giữ

Như cá kình ngậm vật

Thất thủ Ma-la cắn

Không đao không thể cứu.

Nhập sâu nơi đối tượng duyên: Nghĩa là tánh mãnh liệt, nhạy bén, vào sâu nơi đối tượng duyên, như cây kim rớt xuống vũng bùn, nên gọi là kiến.

Lại nữa, do hai việc nên gọi là kiến: 1. Ngắm nhìn kỹ. 2. Quyết định suy đoán.

Lại nữa, do ba việc nên gọi là kiến: 1. Có tướng thấy. 2. Thành tựu công việc đã làm. 3. Đối với cảnh không trở ngại.

Lại nữa, do ba việc nên gọi là kiến: 1. Ý ưa thích. 2. Chấp trước. 3. Suy cứu.

Lại nữa, do ba việc nên gọi là kiến: 1. Ý lạc. 2. Gia hạnh. 3. Không nhận biết. Ý lạc: Là ý ưa thích hủy hoại. Gia hạnh: Là gia hạnh hủy hoại. Không nhận biết: Là cùng hủy hoại. Lại nữa, ý lạc: Là tu định tà. Gia hạnh: Là tìm cầu tà. Không nhận biết: Là nghe pháp tà.

Đã giải thích nghĩa chung của các kiến. Về nghĩa riêng của mỗi kiến, nay sẽ giải thích.

Hỏi: Vì sao gọi là Hữu thân kiến?

Đáp: Vì kiến này ở nơi hữu thân chuyển, nên gọi là hữu thân kiến.

Hỏi: Kiến khác cũng có ở nơi hữu thân chuyển nên chúng cũng gọi là hữu thân kiến chăng?

Đáp: Kiến này ở nơi tự thân chuyển, không phải ở nơi thân người khác. Đối với có thân chuyển, không phải là không thân, nên gọi là hữu thân kiến. Kiến khác ở nơi tự thân chuyển, hoặc ở nơi thân khác chuyển, ở nơi có thân chuyển, hoặc ở nơi không thân chuyển, nên không gọi là hữu thân kiến.

Ở nơi tự thân chuyển: Nghĩa là duyên nơi địa thuộc cõi của mình. Ở nơi thân khác chuyển: Nghĩa là duyên nơi địa thuộc cõi của người khác.

Ở nơi có thân chuyển: Nghĩa là duyên nơi hữu lậu hoặc duyên nơi hữu vi. Ở nơi không thân chuyển: Nghĩa là duyên nơi vô lậu, hoặc duyên nơi vô vi.

Hỏi: Biên chấp kiến cũng ở nơi tự thân chuyển, không phải thân khác. Ở nơi có thân chuyển, không phải là không thân, vậy kiến đó nên gọi là hữu thân kiến chăng?

Đáp: Nghĩa tuy cùng có, nhưng nghĩa đầu được mang tên, về sau tên được lập lại theo nghĩa khác. Nghĩa là kiến chấp riêng về hai biên đoạn, thường, tùy theo nghĩa này nên gọi là biên chấp kiến.

Lại nữa, kiến này ở nơi có thân chuyển, chấp ngã và ngã sở, nên gọi là hữu thân kiến. Kiến khác tuy cũng có ở nơi có thân chuyển, nhưng không chấp ngã và ngã sở, nên không gọi là hữu thân kiến.

Lại nữa, kiến này ở nơi có thân chuyển, tạo hành tướng của ngã và ngã sở, nên gọi là hữu thân kiến. Kiến khác tuy cũng có ở nơi có thân chuyển, nhưng không tạo hành tướng của ngã và ngã sở, nên không gọi là hữu thân kiến.

Lại nữa, kiến này ở nơi có thân chuyển, chấp ngã và tạo sự thọ nhận của ngã, nên gọi là hữu thân kiến. Kiến khác tuy cũng có ở nơi có thân chuyển, nhưng không chấp ngã và tạo sự thọ nhận của ngã, nên không gọi là hữu thân kiến.

Lại nữa, kiến này ở nơi có thân chuyển thuận với tu thí, giới, nên gọi là hữu thân kiến. Kiến khác tuy cũng có ở nơi có thân chuyển, nhưng không thuận với tu thí, giới, nên không gọi là hữu thân kiến.

Lại nữa, kiến này ở nơi có thân chuyển không trái với quả của nghiệp, nên gọi là hữu thân kiến. Kiến khác tuy cũng có ở nơi có thân chuyển, nhưng trái với quả của nghiệp, nên không gọi là hữu thân kiến.

Tôn giả Thế Hữu nói: Kiến này chỉ ở nơi tự thân chuyển, nên gọi là hữu thân kiến. Tức năm thủ uẩn gọi là tự thân.

Hỏi: Vì duyên gì thủ uẩn gọi là tự thân?

Đáp: Vì chỗ tạo tác là do lực nơi nhân duyên của mình và quả có được là do phiền não của tự nghiệp.

Đối với Biên chấp kiến hỏi – đáp như trước.

Hỏi: Vì sao gọi là Biên chấp kiến?

Đáp: Vì kiến này chấp nơi hai biên, nên gọi là biên chấp kiến. Nghĩa là đối với hai biên đoạn, thường, tạo chuyển biến. Như Khế kinh nói: Này Ca-đa-diễn-na! Nếu dùng chánh tuệ thấy biết như thật về tập của thế gian, nên đối với thế gian không chấp là không. Chấp là không tức là đoạn kiến. Nghĩa là người kia khi thấy thân sau sinh, liền suy nghĩ: Hữu tình như thế chết đây sinh kia, tất định không phải là đoạn. Nếu dùng chánh tuệ thấy biết như thật về diệt của thế gian, nên không chấp là có. Chấp là có tức là thường kiến. Nghĩa là nếu người kia thấy các uẩn, giới, xứ đều nối tiếp nhau riêng biệt, liền suy nghĩ: Hữu tình như thế là có sinh có diệt, tất định không phải là thường còn. Lại nữa, vì kiến này đã chấp tột cùng về một bên, nên gọi là biên chấp kiến. Nghĩa là các ngoại đạo chấp có thật ngã đã là ngu tối, huống chi còn chấp ngã là đoạn, là thường, mà không phải là biên tột cùng sao?

Lại nữa, kiến này đã chấp về một bên hết sức xa, nên gọi là biên chấp kiến. Nghĩa là các ngoại đạo chấp có thật ngã, đối với lý vô ngã đã là một bên rất xa, huống chi lại chấp ngã là đoạn, là thường, mà không phải là biên quá xa sao?

Lại nữa, kiến này chấp hành tướng của hai biên chuyển, nên gọi là biên chấp kiến. Nghĩa là chấp hai hành tướng đoạn, thường chuyển biến. Như Khế kinh nói: Bí-sô nên biết! Ta không cùng với thế gian tranh chấp, nhưng thế gian lại đi tranh chấp với Ta.

Hỏi: Kinh này nói như vậy về nghĩa là thế nào?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Đức Thế Tôn nói nhất định có nhân quả. Nghĩa là Đức Phật nếu gặp ngoại đạo chấp thường, họ nói: Các pháp có quả, không nhân. Vì không nhân, nên tự tánh của nó là thường có. Đức Thế Tôn sẽ bảo họ: Ông nói có quả, Ta cũng nói có. Ông nói không nhân, là lý luận ngu si. Đức Thế Tôn nếu gặp ngoại đạo chấp đoạn, họ nói: Các pháp có nhân, không quả. Vì không quả, nên đương lai đoạn diệt. Đức Thế Tôn sẽ bảo họ: Ông nói có nhân, Ta cũng nói có nhân. Ông nói không quả, là lý luận ngu si. Đối với hai luận trên, Đức Phật đều cho là một biên, phải lìa đoạn, lìa thường mà nói trung đạo, nên Ngài nói: Ta không cùng với thế gian tranh chấp, nhưng thế gian lại tranh chấp với Ta.

Lại nữa, Đức Thế Tôn là luận giả như pháp, còn các ngoại đạo v.v… là luận giả phi pháp. Luận giả như pháp thì pháp tự nhiên là không tranh. Luận giả phi pháp thì pháp tự nhiên là có tranh.

Lại nữa, Đức Thế Tôn đối với thế tục là tùy thuận thế gian. Luận giả phi pháp kia đối với thắng nghĩa không tùy thuận Phật.

Lại nữa, Đức Phật đã khéo đoạn trừ hai gốc tranh chấp. Hai gốc tranh chấp là ái và kiến. Vì Đức Thế Tôn đã vĩnh viễn đoạn trừ, nên nói là không tranh. Vì thế gian chưa đoạn trừ, nên nói là có tranh.

Đại đức nói: Đức Thế Tôn là luận giả như lý, các ngoại đạo v.v… là luận giả phi lý. Luận giả như lý theo pháp tự nhiên là không tranh. Luận giả phi lý theo pháp tự nhiên là có tranh. Như ngựa bước trên chặng đường hiểm phải cúi xuống, ngửa lên. Nếu đi trên đường bằng phẳng tức sẽ phóng nhanh, không sai.

Lại nữa, Đức Phật là bậc thấy nghĩa, thấy pháp, thấy điều thiện, thấy sự điều phục, nhu hòa, nên nói là không tranh chấp. Thế gian không như vậy, nên nói là có tranh chấp.

Hỏi: Vì sao gọi là Tà kiến?

Đáp: Vì suy xét lường tính tà vạy, nên gọi là tà kiến.

Hỏi: Nếu vậy thì năm kiến đều là suy xét lường tính tà, vì sao chỉ nói riêng kiến này là tà kiến?

Đáp: Vì căn cứ vào hành tướng riêng khác để đặt tên. Hành tướng riêng khác: Nghĩa là không có hành tướng. Nếu không dựa vào hành tướng này để đặt tên, tức nên năm thứ ấy đều gọi là tà kiến, vì năm kiến đều là sự suy xét lường tính tà, nhưng không có hành tướng nào gây lỗi lầm tai hại rất nặng bằng kiến kia, nên chỉ dựa vào đấy để lập tên là tà kiến.

Lại nữa, nếu sự suy xét lường tính tà cũng hủy hoại sự việc thì gọi là tà kiến. Bốn kiến kia tuy có suy xét lường tính tà, nhưng không hủy hoại sự việc, nên lập tên gọi khác.

Lại nữa, nếu sự suy xét lường tính tà cùng hủy báng nhân quả thì gọi là tà kiến. Bốn kiến còn lại tuy có suy xét lường tính tà, nhưng không hủy báng nhân quả, nên lập tên gọi khác.

Lại nữa, nếu sự suy xét lường tính tà rất mâu thuẫn với tu thí, giới, thì gọi là tà kiến. Bốn kiến còn lại thì không như vậy, nên lập tên gọi khác.

Lại nữa, nếu sự suy xét lường tính tà cũng hủy báng chánh đẳng Bồ-đề của quá khứ, vị lai, hiện tại và quy y Tam bảo, thì gọi là tà kiến. Các kiến còn lại thì không như thế, nên lập tên gọi khác.

Lại nữa, nếu sự suy xét lường tính tà hủy hoại hai ân thì gọi là tà kiến. Bốn kiến còn lại thì không như thế, nên lập tên gọi khác. Hai ân: 1. Ân pháp. 2. Ân sinh thành. Hủy hoại ân pháp: Nghĩa là cho không có thí cho, không yêu thích, không có thờ cúng, không có hành diệu, không có hành ác, không có dị thục nơi quả nghiệp của hành diệu, hành ác, không có đời này, không có đời khác. Hủy hoại ân sinh thành: Nghĩa là nói không có cha, không có mẹ, không có hữu tình hóa sinh, ở thế gian không có bậc A-la-hán chân thật, chánh chí, chánh hạnh, cho đến nói rộng.

Lại nữa, nếu sự suy xét lường tính tà sinh khởi hai oán thì gọi là tà kiến. Bốn kiến còn lại thì không như thế, nên lập tên gọi khác. Khởi hai oán: 1. Khởi oán pháp. 2. Khởi oán sinh. Khởi oán pháp: Là nói không có thí cho, cho đến nói rộng. Khởi oán sinh: Là nói không có cha mẹ, cho đến nói rộng.

Lại nữa, nếu sự suy xét lường tính tà hủy hoại hiện lượng, thì gọi là tà kiến. Bốn kiến còn lại thì không như vậy, nên lập tên gọi khác. Như người rơi xuống hầm lửa đang bùng cháy, lại lừa dối thế gian nói mình đã nhận được an vui. Hữu tình tà kiến cũng lại như thế. Ở trong các uẩn, giới, xứ khổ, tà kiến trói buộc tâm, nói: Tôi không có khổ. Nói như thế gọi là hủy hoại hiện lượng.

Lại nữa, nếu sự suy xét lường tính tà gọi là hung bạo, thì gọi là tà kiến. Như Khế kinh nói: Bí-sô nên biết! Các kẻ tà kiến đều tùy theo sức kiến chấp của họ nên hiện có thân nghiệp, ngữ nghiệp và hành nguyện suy nghĩ mong cầu. Tất cả chủng loại đó đều có thể chiêu cảm quả không đáng yêu, không đáng mừng, không thể vui, không vừa ý. Vì sao? Vì tà kiến kia là kiến bạo ác. Bốn kiến còn lại tuy suy xét lường tính tà, nhưng không phải bạo ác, nên lập tên gọi khác.

Hỏi: Vì sao gọi là Kiến thủ?

Đáp: Vì kiến này chấp giữ các kiến, nên gọi là kiến thủ.

Hỏi: Kiến này chấp giữ chung cả năm thủ uẩn, vì sao chỉ gọi là kiến thủ?

Đáp: Vì kiến này nhân nơi các kiến chấp giữ chung năm uẩn, nên chỉ gọi là kiến thủ. Lại nữa, do tướng nào để lập tên gọi kiến thủ? Nghĩa là nếu nhận lấy kiến, hoặc nhận lấy uẩn khác, rồi chấp cho là tối thắng, nên lập tên là kiến thủ. Lại nữa, kiến này nên gọi là kiến đẳng thủ, vì lược bỏ chữ đẳng, nên chỉ gọi là kiến thủ. Lại nữa, vì kiến này chấp thủ nhiều kiến, nên gọi là kiến thủ.

Hỏi: Vì sao gọi là Giới cấm thủ?

Đáp: Kiến này là nhận lấy chấp giữ các giới cấm, nên gọi là giới cấm thủ.

Hỏi: Kiến này là nhận lấy chung năm thủ uẩn, vì sao chỉ gọi là giới cấm thủ?

Đáp: Kiến này nhân nơi giới cấm, nhận lấy chung năm uẩn, nên chỉ gọi là giới cấm thủ. Lại nữa, do hành tướng nên gọi là giới cấm thủ. Nghĩa là nhận lấy giới cấm, hoặc nhận lấy uẩn khác, rồi chấp cho là có thể được thanh tịnh, nên gọi là giới cấm thủ. Lại nữa, kiến này nên gọi là giới cấm đẳng thủ, vì lược bỏ chữ đẳng, nên chỉ gọi là giới cấm thủ. Lại nữa, vì kiến này đã chấp thủ nhiều giới cấm, nên gọi là giới cấm thủ.

Hỏi: Vì sao hai kiến đều cùng gọi là thủ?

Đáp: Do hai kiến này đều nhận lấy (thủ) hành tướng chuyển, nên cùng gọi là thủ. Nghĩa là hữu thân kiến chấp ngã và ngã sở. Biên chấp kiến chấp đoạn và thường. Tà kiến chấp không có nhân quả. Còn ở đây nhận lấy (thủ) các kiến này rồi cho là tối thắng, nên gọi là kiến thủ. Vì chấp lấy (thủ) các giới cấm, cho là có thể đạt được thanh tịnh, nên gọi là giới cấm thủ.

Lại nữa, vì ba kiến trước đã suy xét lường tính về đối tượng duyên có thế mạnh tác dụng mãnh liệt, nhạy bén, nên gọi là kiến. Hai kiến sau vì nhận giữ nơi chủ thể duyên có thế mạnh tác dụng mãnh liệt, nhanh nhạy, nên gọi là thủ.

***

* Có sáu ái thân: Nghĩa là ái thân do nhãn xúc sinh. Ái thân do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc sinh. Ái thân như thế, nên nói là một thứ, như các ái của ba cõi trong chín kiết được lập chung là kiết ái. Hoặc nên nói là hai thứ, như ái của cõi dục trong bảy tùy miên được lập làm tùy miên dục tham, ái của cõi sắc, cõi vô sắc được lập làm tùy miên hữu tham. Hoặc nên nói là ba thứ, như Khế kinh nói: Bí-sô nên biết, ba sông ái tức là ái của ba cõi. Hoặc nên nói là bốn thứ, như Khế kinh nói: Có các Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nhân nơi y phục, nhân nơi thức uống ăn, nhân nơi giường nằm, nhân nơi có hay không có, sinh khởi ái, tùy theo những lúc đi, đứng, mặc áo.

Hoặc nên nói có năm thứ, nghĩa là ái do kiến khổ, tập, diệt, đạo và tu đạo đoạn. Hoặc nên nói có chín thứ, nghĩa là ái thuộc phẩm thượng thượng cho đến phẩm hạ hạ. Hoặc nên nói có mười tám thứ, như mười tám hành ái. Hoặc nên nói có ba mươi sáu thứ, như ba mươi sáu hành ái. Hoặc nên nói có một trăm lẻ tám thứ, như một trăm lẻ tám hành ái. Nếu lấy sát-na nơi thân để phân biệt thì có đến vô lượng ái.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nói rộng về một ái v.v… tóm lược về vô lượng ái v.v… để nói sáu ái thân?

Đáp: Vì căn cứ ở chỗ nương dựa. Nghĩa là từ một ái cho đến vô lượng ái, tất cả đều dựa vào sáu căn, sáu cửa, sáu thềm, sáu bậc, sáu dấu vết, sáu đường, sáu chúng, hiện ra chỗ tương ưng với sáu thức, nên chỉ nói là sáu.

Hỏi: Vô minh, giận dữ cũng dựa nơi sáu căn, nói rộng cho đến pháp tương ưng với sáu thức, vì sao Đức Thế Tôn chỉ nói sáu ái thân, không nói sáu giận dữ, sáu vô minh thân?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, đã nói ái thân, nên biết tức cũng là nói giận dữ, vô minh thân, vì chỗ nương dựa như nhau.

Lại nữa, ái chung cho cả ba cõi, hành tác riêng, có mặt khắp sáu thức, nên nói là thân. Giận dữ tuy cũng hành tác riêng, có mặt khắp sáu thức, nhưng không chung cho ba cõi. Vô minh tuy cũng chung cho cả ba cõi, nhưng không phải hành tác riêng, có mặt khắp sáu thức, nên không nói là thân.

Lại nữa, ái chung cho cả ba cõi, hành tác riêng, có mặt khắp sáu thức, phàm phu, Thánh giả đều cùng có hiện hành, nên nói là thân. Giận dữ tuy cũng hành tác riêng, có mặt khắp sáu thức, phàm phu, Thánh giả đều cùng có hiện hành, nhưng không chung cho ba cõi. Vô minh tuy cũng chung cho ba cõi, phàm phu, Thánh giả đều cùng có hiện hành, nhưng không phải hành tác riêng, có mặt khắp sáu thức, nên không nói là thân.

Lại nữa, ái có thể phân biệt các cõi, các địa, các bộ, cũng có thể sinh trưởng tất cả phiền não, do vậy nên lập làm thân. Giận dữ, vô minh đều không có sự việc như thế, nên không nói là thân.

Hỏi: Vì sao gọi là thân?

Đáp: Nhiều ái chứa nhóm, nên gọi là thân. Nghĩa là không phải trong một sát-na nhãn xúc sinh ái gọi là ái thân do nhãn xúc sinh, mà chính là nhiều sát-na nhãn xúc sinh ái mới gọi là ái thân do nhãn xúc sinh. Cho đến ái thân do ý xúc sinh khởi cũng vậy. Như riêng một con voi không gọi là quân voi, cần phải có nhiều voi tập hợp lại mới gọi là quân voi. Quân ngựa, quân bộ, nên biết cũng như thế. Thế nên nhiều ái mới gọi là ái thân.

Hỏi: Hữu thân kiến v.v… cũng do tích tập nhiều nên gọi là thân, vì sao chỉ nói riêng về ái?

Đáp: Hữu thân kiến v.v… cũng nên gọi là thân, nhưng không nói là vì nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, vì hữu thân kiến v.v… chỉ ở nơi ý địa, không ở nơi năm thức, nên không gọi là thân.

Hỏi: Không hổ, không thẹn, hôn trầm, trạo cử cũng chung cho cả sáu thức, vì sao không gọi là thân?

Đáp: Cũng nên nói là thân nhưng không nói, nên biết đây là nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, trước nói chung cho ba cõi, hành tác riêng, có mặt khắp sáu thức, nên nói là thân. Hôn trầm, trạo cử tuy chung cho ba cõi, nhưng không phải hành tác riêng, có mặt khắp sáu thức, nên không gọi là thân. Không hổ, không thẹn nơi hai nghĩa đều thiếu, nên không gọi là thân.

Lại nữa, tùy miên vi tế có thế mạnh tác dụng tăng cường nên có thể gọi là thân. Còn triền cấu vì thô động, thế mạnh tác dụng đều kém nên không gọi là thân.

Lại nữa, trước nói ái có thể phân biệt các cõi, các địa, các bộ, nên nói là thân. Hữu thân kiến v.v… không có nghĩa như thế, hãy còn không gọi là thân, huống chi là triền cấu.

HẾT – QUYỂN 49