LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 47

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ BẤT THIỆN, phần 2

* Có ba căn bất thiện: 1. Căn bất thiện tham. 2. Căn bất thiện giận. 3. Căn bất thiện si.

Hỏi: Ba căn bất thiện này lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy mười lăm sự việc làm tự tánh. Nghĩa là căn bất thiện tham, giận mỗi thứ đều lấy mười sự việc của năm bộ trong cõi dục làm tự tánh. Căn bất thiện si lấy bốn bộ nơi cõi dục và một phần do kiến khổ đoạn là năm sự việc làm tự tánh. Nghĩa là si thuộc cõi dục do kiến tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn trừ, hoàn toàn là bất thiện, nên lập là căn bất thiện. Si do kiến khổ đoạn trừ có mười thứ, tức là năm kiến, nghi, tham, giận, mạn, cùng với vô minh không chung dùng làm thứ mười. Vì tám thứ trong mười đều là bất thiện, nên lập là căn bất thiện.

Hai kiến Thân, Biên tương ưng với vô minh, vì là vô ký, nên không phải là căn bất thiện.

Hỏi: Căn là nghĩa nhân. Hai kiến Thân, Biên tương ưng với vô minh đã là nhân của tất cả pháp bất thiện, vì sao không lập là căn bất thiện?

Đáp: Nếu Thể của pháp là bất thiện, có thể làm nhân cho hết thảy pháp bất thiện thì lập là căn bất thiện. Hai kiến Thân, Biên tương ưng với vô minh, tuy là nhân của tất cả pháp bất thiện, nhưng Thể là vô ký, nên không phải là căn bất thiện. Do vậy ba căn bất thiện này lấy mười lăm sự việc làm tự tánh.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là căn bất thiện? Căn bất thiện là nghĩa gì?

Đáp: Đối với các pháp bất thiện, có các nghĩa: Có thể sinh, nuôi dưỡng, gia tăng, thêm lên, gồm thâu, gìn giữ, làm thấm nhuần, thêm lớn, là nghĩa của căn bất thiện.

Tôn giả Thế Hữu nói: Đối với các pháp bất thiện, có các nghĩa: Là tự nhân, là chủng tử, là chuyển biến, là tùy chuyển, là cùng khởi, là thâu tóm để tăng thêm, là nghĩa của căn bất thiện.

Đại đức nói: Đối với các pháp bất thiện, có các nghĩa: Là gốc, là có thể gieo trồng, là chuyển biến, là tùy chuyển, là có thể thâu tóm để tăng thêm, là nghĩa của căn bất thiện.

Hỏi: Nếu nghĩa của nhân bất thiện là nghĩa của căn bất thiện, năm uẩn bất thiện của đời trước cùng với năm uẩn bất thiện của đời sau chưa sinh làm nhân, mười nghiệp đạo bất thiện của đời trước cùng với mười nghiệp đạo bất thiện của đời sau chưa sinh làm nhân, ba mươi bốn tùy miên bất thiện của đời trước cùng với ba mươi bốn tùy miên bất thiện của đời sau chưa sinh làm nhân. Các pháp bất thiện như thế đều nên lập là căn bất thiện, vì sao chỉ nói ba căn bất thiện?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Đây là Đức Thế Tôn quán sát đối tượng được giáo hóa cần nghe pháp, nên nói tóm lược.

Hiếp Tôn giả nói: Đức Phật nhận biết về công dụng, thế mạnh nơi tánh, tướng của các pháp, người khác không thể nhận biết. Nếu pháp nên lập làm căn bất thiện là lập ngay. Do vậy không nên vấn nạn.

Tôn giả Diệu Âm nói: Đại sư đã nhận biết ba thứ tham, giận, si này làm nhân cho các pháp bất thiện, vì công dụng, thế mạnh của chúng thiên về nặng, về gần, nên lập làm căn. Lại nữa, trong các pháp bất thiện, ba pháp này là hơn hết về danh nghĩa, vì hơn hết nên lập riêng làm căn.

Lại nữa, trong các pháp bất thiện, ba pháp này là khó đoạn, khó phá, khó vượt qua, nên lập riêng làm căn.

Lại nữa, trong các pháp bất thiện, ba thứ này vì quá nặng, quá nhiều, quá thạnh, nên lập riêng làm căn.

Lại nữa, ba thứ này là chướng ngại gần của ba thứ căn thiện, là giặc oán tăng thượng của ba căn thiện, do vậy lập riêng là căn bất thiện.

Lại nữa, lúc lìa nhiễm nơi cõi dục, ba thứ này gây khó khăn, cản trở tột độ, như những tên cai ngục, nên lập riêng là căn bất thiện.

Lại nữa, trong các pháp bất thiện, ba thứ này là đứng đầu, cũng như viên tướng dũng mãnh luôn đi trước đoàn quân. Do thế mạnh của ba thứ ấy, nên các thứ bất thiện khác đều được sinh trưởng, nên lập riêng làm căn.

Lại nữa, trong các pháp bất thiện, ba thứ này là nhân, là cội rễ, là dẫn đường, là tập hợp, là duyên, là cùng khởi, là chủ thể tạo tác, là ông chủ, là gốc, nên lập làm căn.

Nhân: Là như hạt giống. Cội rễ: Là sự bền chắc.

Dẫn đường: Là khả năng dẫn dắt. Tập hợp: Là khả năng sinh.

Duyên: Là khả năng hỗ trợ. Cùng khởi: Là khả năng phát sinh.

Chủ thể tạo tác: Là khả năng nuôi lớn. Ông chủ: Là khả năng thâu nhận.

Gốc: Là khả năng làm chỗ nương dựa.

Lại nữa, vì ba pháp này hội đủ năm nghĩa, nên lập là căn bất thiện, các pháp khác thì không như vậy. Nghĩa là ba pháp này chung cho cả năm bộ, có mặt khắp sáu thức, là tánh của tùy miên, có khả năng sinh khởi nghiệp thân, ngữ, ý thô ác, nhất là lúc đoạn căn thiện chúng là sức gia hạnh mãnh liệt.

Chung cho cả năm bộ: Nghĩa là chung cho kiến khổ đoạn, cho đến tu đạo đoạn. Đây là phân biệt với năm kiến và nghi.

Có mặt khắp sáu thức: Nghĩa là ba thứ này tương ưng với nhãn thức cho đến ý thức. Đây là phân biệt với mạn.

Là tánh của tùy miên: Nghĩa là căn bất thiện tham là tánh của tùy miên dục tham. Căn bất thiện giận là tánh của tùy miên giận dữ. Căn bất thiện si là tánh của tùy miên vô minh. Đây là phân biệt với triền phiền não cấu.

Có khả năng sinh khởi nghiệp thân, ngữ, ý thô ác: Như Khế kinh nói: Tham, giận, si sinh khởi tất cả nghiệp thân, ngữ, ý thô ác.

Lúc đoạn căn thiện chúng là sức gia hạnh mãnh liệt: Như Luận Thi Thiết nói: Các căn thiện bị đoạn làm sao mà đoạn? Do hành tướng nào để đoạn? Nghĩa là như có một loại hữu tình mang tánh tham, giận, si rất mãnh liệt, cho đến nói rộng. Hai thuyết này đều cùng giải thích về nghĩa căn bất thiện.

Hỏi: Tà kiến tăng thượng có thể đoạn căn thiện, vì sao không lập căn bất thiện?

Đáp: Làm gia hạnh đoạn thiện và lúc chính thức đoạn, ba thứ này đều hơn hẳn, nên lập làm căn. Còn tà kiến chỉ hơn vào lúc đoạn thiện, không phải ở phần vị gia hạnh, nên không lập căn. Nghĩa là mọi sự việc hành tác nhiễm, tịnh, trong, ngoài, lúc gia hạnh thì khó, khi rốt cùng thì dễ. Như các Bồ-tát thấy già, bệnh, chết gây nên bao khổ não cho thế gian, vì cứu độ nên phát tâm Chánh Đẳng Giác vô thượng. Do tâm này nên suốt trong ba vô số kiếp, Bồ-tát đã tu tập hàng trăm ngàn hạnh khổ khó làm, không hề bị trở ngại mà thường không thoái chuyển. Tâm Bồ-đề ban đầu thật là khó phát khởi, khó được, không phải về sau, lúc đạt tận trí, vô sinh trí, do tu pháp thiện của ba cõi trong vị lai. Thế nên tà kiến không phải là căn bất thiện.

Lại nữa, lúc đoạn căn thiện, vì ba thứ này là chuyển, cũng là tùy chuyển, nên lập làm căn. Tà kiến không phải là chuyển, cũng không phải là tùy chuyển, nên không lập làm căn.

Có thuyết nói: Lúc đoạn căn thiện, tham, giận chỉ là chuyển, si cũng là tùy chuyển, nên lập làm căn. Tà kiến chỉ là tùy chuyển, không phải là chuyển, khi rốt cùng thì dễ, nên không lập làm căn.

Lại nữa, Tà kiến sở dĩ có thể đoạn căn thiện, nên biết đều do sức mạnh của tham, giận, si. Do vậy, chỉ lập tham v.v… làm căn. Nghĩa là căn bất thiện đã chế ngự, loại bỏ pháp thiện, làm cho pháp thiện không có uy lực, càng trở nên yếu kém, sau đấy tà kiến mới có thể đoạn căn thiện.

Lại nữa, trước nói phải hội đủ năm nghĩa mới lập căn bất thiện. Tà kiến thì không như vậy. Nghĩa là tà kiến chỉ tương ưng với ý thức của bốn bộ, tuy là tánh của tùy miên, nhưng không thể phát khởi nghiệp thân, ngữ thô ác. Tâm do kiến đạo đoạn đối với nghiệp thân, ngữ không phải là cùng khởi của nhân gần v.v… cùng khởi của sátna, vì lúc đoạn điều thiện nó không phải là gia hạnh mạnh mẽ, nên tà kiến không phải là căn bất thiện.

Do năm nghĩa trước là phân biệt chung về năm uẩn bất thiện khác. Nghĩa là sắc uẩn bất thiện nơi năm nghĩa đều không có. Thọ, tưởng, thức uẩn bất thiện cùng không phải là triền cấu của tùy miên. Hành uẩn tương ưng tuy chung cho cả năm bộ và hiện hữu khắp sáu thức, có khả năng phát khởi nghiệp thân, ngữ thô ác, nhưng thiếu hai nghĩa còn lại. Hành uẩn bất tương ưng bất thiện tuy chung cho cả năm bộ nhưng thiếu bốn nghĩa sau. Năm kiến và nghi trong các tùy miên tuy là tánh của tùy miên, nhưng thiếu bốn nghĩa còn lại. Mạn tuy chung cho cả năm bộ, là tánh của tùy miên, có khả năng phát sinh nghiệp thân, ngữ thô ác, nhưng thiếu hai nghĩa còn lại. Hôn trầm, trạo cử, không hổ, không thẹn trong mười triền tuy chung cho cả năm bộ, hiện hữu khắp sáu thức, có thể phát khởi hai nghiệp thân, ngữ thô ác, nhưng thiếu hai nghĩa còn lại. Thùy miên tuy chung cho cả năm bộ, nhưng thiếu bốn nghĩa kia. Các thứ phẫn, phú, ố tác, tật, xan, tuy cũng có thể phát khởi nghiệp thân, ngữ thô ác, nhưng thiếu bốn nghĩa còn lại. Những thứ siểm, cuống, kiêu, hại, hận, não là đẳng lưu của phiền não, nên gọi là phiền não cấu, tuy cũng có thể phát khởi hai nghiệp thân, ngữ thô ác, nhưng thiếu bốn nghĩa còn lại. Vì thế nên đều không lập làm căn bất thiện.

Lại nữa, ba thứ tham, giận, si là tập hợp căn bản, tăng thượng của nghiệp, nên lập làm căn bất thiện.

Như Khế kinh nói: Ca-la-ma nên biết! Ba thứ tham, giận, si là sự tập hợp căn bản của nghiệp. Nên biết kinh này căn cứ vào tăng thượng mà nói. Các thứ khác không phải là tăng thượng nên không lập làm căn.

Lại nữa, vì ba thứ tham, giận, si dứt hết nên nghiệp hết, nên lập làm căn. Như Khế kinh nói: Tham, giận, si hết nên các nghiệp cũng theo đó mà hết. Nên biết kinh này cũng dựa vào nghĩa tăng thượng mà nói.

Lại nữa, ba thứ tham giận si lần lượt cùng dẫn dắt, lần lượt cùng hỗ trợ, nên lập làm căn. Như Khế kinh nói: Tham có thể khởi giận. Giận có thể khởi tham, vô minh hỗ trợ cho cả hai, nên biết cũng từ tham, giận mà khởi.

Lại nữa, vì ba thứ này đối với ba thọ có nhiều tùy tăng, nên lập làm căn bất thiện. Các pháp khác thì không như vậy. Như nói đối với lạc thọ thì tham tùy tăng, đối với khổ thọ thì giận tùy tăng, đối với thọ không khổ không lạc thì si tùy tăng.

Hỏi: Đối với mỗi mỗi thọ tất cả đều tùy tăng, vì sao trong đây lại nói như thế?

Đáp: Vì theo phần nhiều nên nói như thế. Nghĩa là đối với lạc thọ thì tham có nhiều tùy tăng. Đối với khổ thọ thì giận có nhiều tùy tăng. Đối với thọ không khổ không lạc thì si có nhiều tùy tăng.

Lại nữa, tham dựa vào lạc thọ mà khởi, dùng lạc thọ là căn bản, tạo nên nhiều hành ác, dẫn đến nhiều quả khổ. Giận dựa vào khổ thọ mà khởi, dùng khổ thọ là căn bản, tạo nên nhiều hành ác, dẫn đến nhiều quả khổ. Si dựa vào thọ không khổ không vui mà khởi, dùng thọ không khổ không lạc là căn bản, tạo nên nhiều hành ác, dẫn đến nhiều quả khổ, nên nói như vậy.

Lại nữa, Đức Phật nói vì ba thứ này là trái, thuận, nên lập làm căn bất thiện. Các pháp khác thì không như vậy. Nghĩa là như Khế kinh nói: Các loài hữu tình do sức trái, thuận, nên dấy khởi nhiều cuộc cãi cọ, tranh chấp. Như chúng chư Thiên với A-tố-lạc, do sức trái, thuận nên thường dấy lên chiến tranh. Cũng như La-ma-la-phạtnoa v.v… chỉ vì nhiều chuyện riêng v.v… mà tạo nên những cuộc tranh chấp dữ dội, nhân đấy sát hại vô số hữu tình. Nên biết đều là do sức trái, thuận. Trái nghĩa là giận, tham gọi là thuận.

Hỏi: Vì sao trong đây không nói si?

Đáp: Vì si đã được gồm thâu trong hai phần này. Đã nói về trái, thuận là đã nói đến si. Nếu các hữu tình đều không ngu si, thì vì cảnh tốt đẹp của trời hãy còn không tạo ác, huống chi là nhân gian và cảnh của nẻo ác mà nổi lên tranh chấp, gây ra các nghiệp ác, nhân đấy nên lưu chuyển, chịu bao khổ não vô cùng.

Lại nữa, vì tóm lược để chỉ rõ thềm bậc và cửa ngõ của phiền não, nên nói căn bất thiện chỉ có ba thứ. Nghĩa là các phiền não được gồm thâu trong ba phẩm là phẩm tham, phẩm giận, phẩm si. Như Khế kinh nói: Phật bảo Phạm chí: Nếu các hữu tình bị hai mươi mốt thứ phiền não cấu nhiễm tâm, tuy tự cho là có pháp tịnh chân thật, được tịnh hoàn toàn, nhưng bị đọa vào nẻo ác thọ nhận thân thấp kém.

Đại đức Pháp Cứu đối với kinh đó đã thâu tóm các thứ phiền não đều nhập vào ba phẩm. Nghĩa là ba phẩm tham, giận, si có khác nhau mà nói một, tức là nói tất cả phẩm kia. Như nói phẩm tham, phẩm giận, phẩm si, thì các phẩm thân, phẩm oán, phẩm vừa, phẩm có ân, phẩm có oán, phẩm không hai, phẩm vừa ý, phẩm không vừa ý, phẩm không phải hai, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, do ba căn bất thiện sinh khởi mười nghiệp đạo ác, đọa mười chốn ác, thế nên nói riêng.

Thế nào là ba căn bất thiện khởi mười nghiệp đạo ác? Như Khế kinh nói: Sát sinh có ba thứ, nghĩa là tham, giận, si sinh khởi, cho đến tà kiến nên biết cũng như vậy. Luận Thi Thiết cũng nói ba căn bất thiện là gốc của nhân sinh trưởng nơi mười nghiệp đạo ác

Thế nào là do mười nghiệp đạo ác kia nên bị đọa vào mười chốn ác? Như Khế kinh nói: Nghiệp đạo sát sinh nếu tập, nếu hành, nếu gây tạo nhiều, sẽ khiến chúng sinh sẽ bị đọa vào địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, nói rộng cho đến tà kiến cũng như vậy.

Luận Thi Thiết cũng nói: Nghiệp đạo sát sinh nếu tập, nếu hành, nếu gây tạo nhiều, thì kẻ tạo tác nhiều nhất sẽ bị đọa vào địa ngục Vô gián. Kém hơn một bậc sẽ bị đọa vào địa ngục Đại viêm nhiệt. Kém hơn một bậc nữa sẽ bị đọa vào địa ngục Viêm nhiệt. Kém thua một bậc sẽ bị đọa vào địa ngục Đại hào khiếu. Kém thua một bậc nữa sẽ bị đọa vào địa ngục Hào khiếu. Kém thua kế tiếp sẽ bị đọa vào địa ngục Chúng hợp. Kém thua kế tiếp sẽ bị đọa vào địa ngục Hắc thằng. Kém thua tiếp theo sẽ bị đọa vào địa ngục Đẳng hoạt. Tiếp theo bị đọa vào nẻo bàng sinh, ngạ quỷ, nói rộng cho đến tà kiến cũng như thế.

Lại nữa, như Đức Thế Tôn nói, là sự cấu uế bên trong, nên lập làm căn bất thiện. Các pháp khác thì không như vậy. Như Khế kinh nói: Cấu uế bên trong có ba, đó là tham, giận, si. Như nói cấu uế bên trong, thì oán bên trong, hiềm khích bên trong, giặc bên trong cũng như vậy.

Lại nữa, như Đức Thế Tôn nói, có tăng giảm nên lập làm căn bất thiện. Các pháp khác thì không như vậy. Như Khế kinh nói: Thế nào là tham tăng, giận tăng, si tăng? Thế nào là tham giảm, giận giảm, si giảm? Đối với các phiền não khác, không nói tăng giảm, thế nên không lập làm căn bất thiện.

Lại nữa, như nói tăng thượng là nhân duyên của sự thoái chuyển, nên lập làm căn bất thiện. Các pháp khác thì không như vậy. Như nói: Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… nếu tự quán xét thấy tham, giận, si tăng, nên tự biết rõ là mình đã thoái chuyển nơi các pháp thiện. Các pháp khác thì không như vậy.

Lại nữa, như Đức Phật nói, là phiền não chướng nên lập làm căn bất thiện. Các pháp khác thì không như thế. Như nói: Thế nào gọi là phiền não chướng? Nghĩa là có một loại hữu tình đủ ba thứ tham, giận, si thường xuyên hiện hành, tăng thượng mãnh liệt.

Lại nữa, như Đức Thế Tôn nói, chúng là trần, nên lập làm căn bất thiện. Các pháp khác không như vậy. Như Khế kinh nói: Trần có ba thứ là tham, giận, si. Như nói về trần, thì về các thứ căn, tạo, cấu uế, nóng bức, mũi tên độc, lửa cháy, dao đâm, các bệnh ung nhọt v.v… cũng như vậy. Do vậy, nên lập làm ba căn bất thiện.

Hỏi: Ba căn bất thiện hiện khởi như thế nào?

Đáp: Nếu tâm khởi tham thì giận không khởi. Nếu tâm khởi giận thì tham không khởi. Khi hai tâm này đều khởi, quyết định là có si. Vì sao? Vì hành tướng của tham, giận đều mâu thuẫn nhau. Si thì không như vậy. Hành tướng của tham thì vui. Hành tướng của giận thì buồn. Hành tướng của vô minh (Si) đều không mâu thuẫn nhau.

Lại nữa, lúc tham hiện khởi khiến thân tăng thêm, vì thâu giữ thân. Lúc giận hiện khởi khiến thân tổn giảm, vì thân bị hủy hoại. Si đối với hai thứ này đều cùng không mâu thuẫn nhau.

Lại nữa, tham hiện khởi khiến thân mềm mại, vừa ý, ưa thích đối tượng duyên, hoặc yêu mến cảnh trước, ngày đêm ngắm nhìn không biết chán. Giận hiện khởi khiến thân trở nên thô cứng, ương ngạnh, ghét bỏ đối tượng duyên, hoặc ghét cảnh trước, cho đến không muốn mở mắt để nhìn. Đối với hai việc này, si đều không mâu thuẫn nhau.

Ba căn bất thiện đều chung cho cả năm bộ, cũng có mặt khắp sáu thức. Vì sao? Nếu căn bất thiện chỉ do kiến đạo đoạn trừ thì các thứ bất thiện do tu đạo đoạn trừ nên là không có căn (gốc) mà sinh. Nếu căn bất thiện chỉ do tu đạo đoạn trừ thì các thứ bất thiện do kiến đạo đoạn trừ đúng ra không có căn mà sinh. Do vậy, căn bất thiện nhất định là chung cho cả năm bộ. Nếu căn bất thiện chỉ ở nơi ý địa thì các thứ bất thiện trong năm thức nên là không có căn mà sinh. Nếu căn bất thiện chỉ ở nơi năm thức thì các thứ bất thiện ở nơi ý địa tức nên không có căn mà sinh. Thế nên căn bất thiện nhất định là có mặt khắp sáu thức. Nếu tham cùng khởi các tâm bất thiện, do hai căn nên nói là có căn. Nghĩa là tham và giận kia tương ưng với vô minh. Nếu giận cùng khởi các tâm bất thiện, do hai căn nên nói là có căn. Nghĩa là giận và tham kia đều tương ưng với vô minh. Các Hoặc khác đều cùng khởi các tâm bất thiện, do một căn nên gọi là có căn, nghĩa là chỉ có vô minh.

Hỏi: Có nhiều chỗ nói về căn. Nghĩa là có chỗ nói hữu thân kiến là căn. Hoặc có chỗ nói: Đức Thế Tôn là căn. Hoặc có chỗ nói: Dục là căn. Hoặc có nơi nói: Không phóng dật là căn. Hoặc có chỗ nói: Tự tánh là căn. Danh nghĩa của các căn này có sai biệt gì?

Đáp: Nói hữu thân kiến là căn: Là dựa vào các nơi chốn kiến. Nghĩa là chấp có ngã và ngã sở, nên sáu mươi hai nơi chốn kiến sinh trưởng.

Nói Đức Thế Tôn là căn: Là dựa vào pháp được Ngài giảng nói. Nghĩa là chỉ có Đức Phật mới có thể giảng nói các pháp môn vi diệu như tạp nhiễm, thanh tịnh, trói buộc, giải thoát, lưu chuyển, hoàn diệt v.v…

Nói dục là căn: Là dựa vào sự tích tập pháp thiện. Nghĩa là cần phải có mong muốn mới có thể tập hợp các điều thiện.

Nói không phóng dật là căn: Là dựa vào sự giữ gìn pháp thiện. Nghĩa là vì không phóng dật, nên có thể giữ gìn các thứ thiện. Những người phóng dật tuy có pháp thiện nhưng đều lại thoái chuyển, hư hoại.

Nói tự tánh là căn: Là dựa vào chỗ không bỏ tự thể. Nghĩa là hết thảy pháp đều lấy tự tánh làm căn, nên không mất tự thể.

Hỏi: Nếu vậy pháp vô vi cũng nên gọi là có căn chăng?

Đáp: Nếu dựa vào nghĩa này, các pháp vô vi gọi là có căn, cũng không có lỗi.

Có thuyết nói: Có nơi nói tự tánh là căn, là do dựa vào nhân đồng loại. Nghĩa là nhân đồng loại cùng với tự tánh chưa sinh của đời sau theo pháp loại làm nhân đồng loại.

Hỏi: Khổ pháp trí nhẫn và pháp cùng khởi nên gọi là không có căn chăng?

Đáp: Các trí này tuy đều không có nhân đồng loại, nhưng là nhân đồng loại khác. Các pháp vô vi thì không như thế.

Có thuyết cho: Khổ pháp trí nhẫn và pháp cùng khởi tuy không có nhân đồng loại, nhưng có nhân tương ưng, câu hữu, nên không gọi là pháp không có căn.

Lời bình: Nên nói như vầy: Trong đây, tự thể gọi là tự tánh, vì không có chỗ nào nói nhân là tự tánh.

***

* Có ba lậu: 1. Dục lậu. 2. Hữu lậu. 3. Vô minh lậu.

Hỏi: Ba lậu này lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy một trăm lẻ tám sự việc làm tự tánh. Nghĩa là dục lậu lấy bốn mươi mốt sự việc của cõi dục làm tự tánh, tức là tham năm, giận năm, mạn năm, kiến mười hai, nghi bốn, triền mười. Hữu lậu lấy năm mươi hai sự việc của cõi sắc, cõi vô sắc làm tự tánh, tức là tham mười, mạn mười, kiến hai mươi bốn, nghi tám. Vô minh lậu lấy mười lăm sự việc của ba cõi làm tự tánh, tức là mỗi cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc đều có năm bộ vô minh. Do đấy ba lậu này lấy một trăm lẻ tám sự việc làm tự tánh.

Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là dục lậu? Nghĩa là ở cõi dục, trừ vô minh, còn lại là các kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền. Đó gọi là dục lậu. Thế nào là hữu lậu? Nghĩa là ở cõi sắc, cõi vô sắc, trừ vô minh, còn lại là các kiết phược, tùy miên, tùy phiền não, triền. Đó gọi là hữu lậu. Thế nào là vô minh lậu? Nghĩa là không nhận biết về ba cõi. Đó gọi là vô minh lậu.

Luận kia nói hợp lý. Nếu như nói là duyên nơi sự không hiểu biết về ba cõi, đấy gọi là vô minh lậu, tức là không gồm thâu vô minh duyên nơi vô lậu.

Hỏi: Hành ác của thân, ngữ là tùy phiền não hay không phải là tùy phiền não? Nếu nêu ra như vậy thì có lỗi gì? Nếu là tùy phiền não, vì sao trong đây không nói? Nếu không phải là tùy phiền não, như Luận Thức Thân Túc nói làm sao thông hợp? Như nói: Hành ác của thân, ngữ là bất thiện, không phải là kiết, không phải là phược, không phải là tùy miên, là tùy phiền não, không phải là triền, nên từ bỏ, nên xả, nên đoạn, nên nhận biết khắp, có thể sinh dị thục của khổ sau?

Đáp: Có thuyết nói: Hành ác của thân, ngữ là tùy phiền não.

Hỏi: Nếu vậy vì sao trong đây không nói?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, nếu pháp là tùy phiền não cũng là triền, nên trong đây nói đến. Hành ác của thân, ngữ tuy là tùy phiền não, nhưng không phải là triền, nên trong đây không nói đến.

Lại có thuyết cho: Hành ác của thân ngữ không phải là tùy phiền não.

Hỏi: Nếu vậy như Luận Thức Thân Túc nói phải được thông hợp như thế nào?

Đáp: Phần Luận Thức Thân Túc nêu, nên nói: Hành ác của thân ngữ là bất thiện, không phải là kiết, không phải là phược, không phải là tùy miên, không phải là tùy phiền não, không phải là triền, cho đến nói rộng. Tuy nhiên, Luận kia nói là tùy phiền não, là do hành ác của thân ngữ bị tùy phiền não nhiễu loạn, nên cũng gọi là tùy phiền não.

Hỏi: Nếu vậy hành ác của thân ngữ kia cũng là chỗ trói buộc của kiết, cho đến là chỗ trói buộc của triền, cũng nên gọi là kiết, cho đến gọi là triền chăng?

Đáp: Về lý cũng nên như vậy nhưng không nói, nên biết là Luận kia nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, Luận ấy hiện bày về lối nghe, nói khác, do nói khác nên nghĩa dễ hiểu.

Lại nữa, Luận kia vì hiện bày về hai môn, hai sự tóm lược, hai thềm, hai cấp bậc, hai ngọn đuốc, hai sự sáng tỏ, hai văn, hai ảnh. Do các môn v.v… này, nên hai nghĩa đều thông. Như tự tánh kia vì không phải là kiết v.v… nên gọi không phải là kiết v.v… cũng không phải là tự tánh của tùy phiền não, nên gọi không phải là tùy phiền não. Như hành ác của thân, ngữ kia bị tùy phiền não nhiễu loạn, nên gọi là tùy phiền não. Cũng bị kiết trói buộc, cho đến cũng bị triền trói buộc, nên gọi là kiết, cho đến gọi là triền. Luận kia chính vì hiện bày hai môn v.v… nên đều làm rõ về một thuyết gồm hai nghĩa cùng thông. Thế nên ba lậu lấy một trăm lẻ tám sự việc làm tự tánh của chúng.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là lậu? Lậu là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa lưu giữ, dừng lại, nghĩa ngâm lâu, dự trữ, nghĩa dòng chảy, nghĩa cấm giữ, nghĩa mê hoặc, lầm lạc, nghĩa say sưa, tán loạn, là nghĩa của lậu.

Nghĩa lưu giữ, dừng lại là nghĩa của lậu: Là chỉ khiến hữu tình lưu giữ, dừng lại trong cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc. Đó là các lậu.

Nghĩa ngâm lâu, dự trữ là nghĩa của lậu: Là như hạt giống được dự trữ, ngâm lâu trong chậu ẩm ướt nên có thể sinh mầm. Hữu tình như thế là đã gieo hạt giống nghiệp được dự trữ và ngâm lâu trong chậu phiền não, có khả năng sinh khởi hữu sau.

Nghĩa dòng chảy là nghĩa của lậu: Như suối tuôn nước chảy ra, như sữa từ bầu vú chảy ra. Hữu tình như thế là từ cửa ngõ của sáu xứ, các lậu tuôn chảy ra.

Nghĩa cấm giữ là nghĩa của lậu: Như người bị kẻ khác cấm giữ, nên không thể tùy ý dạo chơi thỏa thích khắp bốn phương. Hữu tình như thế vì bị các phiền não cấm giữ, nên mãi quanh quẩn trong các cõi, các nẻo, các đời, không được tự tại để đi tới cảnh giới Niết-bàn.

Nghĩa mê hoặc, lầm lạc là nghĩa của lậu: Như người bị quỷ làm cho mê hoặc, không nên nói mà nói, không nên làm mà làm, không nên suy nghĩ mà suy nghĩ. Hữu tình như thế bị các thứ phiền não làm mê hoặc, nên khởi hiện ba thứ hành ác của thân, ngữ, ý.

Nghĩa say sưa, tán loạn là nghĩa của lậu: Là như người uống các loại rượu được chế biến bằng các thứ gốc, rễ, nhánh, lá, hoa, quả v.v… tức say sưa rối loạn, không hiểu rõ sự việc nên làm hay không nên làm, không biết hổ thẹn, điên đảo, phóng dật. Hữu tình như thế vì uống rượu phiền não, nên không hiểu rõ sự việc nên làm hay không nên làm, không hổ, không thẹn, điên đảo, phóng dật.

Phái Thanh Luận nói: A-tát-lạp-phược: Tát-lạp-phược là nghĩa dòng chảy. A là nghĩa giới hạn sai biệt. Như nói: Trời mưa A-ba-trálê, hoặc bố thí của cải thức ăn cho A-chiên-đồ-la. Chữ A hiển bày nghĩa từ nơi này đến nơi kia. Phiền não như thế là đã lôi cuốn, xoay chuyển hữu tình cho đến tận xứ Hữu đảnh, nên gọi là lậu.

Hỏi: Nếu nghĩa lưu giữ, dừng lại là nghĩa của lậu, các nghiệp đều có lực dụng lưu giữ dừng lại. Như Khế kinh nói: Hai nhân, hai duyên lưu giữ các hữu tình ở lâu trong vòng sinh tử, tức là nghiệp phiền não. Do nghiệp phiền não là hạt giống, nên sinh tử khó đoạn, khó phá, khó diệt trừ. Có người lúc lên tám tuổi, hoặc mười tuổi, đoạn trừ hết phiền não, chứng được A-la-hán, nhưng do sức của nghiệp nên vẫn còn ở trong sinh tử. Hoặc có người sống đến chín mươi, một trăm tuổi. Vì sao chỉ nói phiền não là lậu, không nói là nghiệp?

Đáp: Nên nói mà không nói, phải biết nghĩa này là nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, vì nghiệp không nhất định. Nghĩa là hoặc có nghiệp lưu giữ hữu tình ở lại lâu trong vòng sinh tử. Hoặc lại có nghiệp khiến các hữu tình đối trị sinh tử. Phiền não thì không như thế, nên chỉ gọi riêng là lậu.

Lại nữa, vì nghiệp lấy phiền não làm căn bản. Nghĩa là chắc chắn không có người không đoạn trừ phiền não mà bỏ các nghiệp, do vậy chỉ nói phiền não là lậu.

Lại nữa, nghiệp là do thế mạnh của phiền não dẫn phát, nên chỉ nói phiền não là lậu, không phải là nghiệp. Có người do phiền não đã dứt hết mà được sống lâu, cũng là do thế mạnh khác của phiền não. Như lấy nắm bùn ném vào vách tường, tuy nắm bùn đã khô nhưng vẫn dính chặt không rớt. Nên biết ở đây nói thế mạnh khác ấy là lúc còn ướt.

Lại nữa, vì phiền não đã dứt hết mà nhập Niết-bàn, không phải là do nghiệp dứt hết, nên nghiệp không phải là lậu. Nghiệp của các A-la-hán tích chứa như núi, vì uẩn sau không nối tiếp, nên nhập Niết-bàn.

Hỏi: Vì sao các phiền não v.v… của cõi dục đều trừ vô minh để lập dục lậu? Các phiền não của cõi sắc, cõi vô sắc đều trừ vô minh để lập hữu lậu? Vô minh của ba cõi thành lập vô minh lậu chăng?

Đáp: Vì như trước đã nói: Nghĩa luu giữ, dừng lại là nghĩa của lậu. Hữu tình của cõi dục sở dĩ sống nơi cõi dục là do tâm của họ mong cầu hướng về dục, vui thích nơi dục, khâm phục, ham chuộng nơi dục, hy vọng nơi dục, suy nghĩ, mong cầu nơi dục, tìm kiếm, hỏi han về dục, tham đắm nơi dục. Thế nên phiền não v.v… của cõi dục đều trừ vô minh để lập dục lậu.

Hữu tình ở cõi sắc, cõi vô sắc sở dĩ trụ nơi cõi sắc, cõi vô sắc là do tâm của họ mong cầu hướng về hữu, vui thích về hữu, khâm phục, ham chuộng nơi hữu, hy vọng ở hữu, suy nghĩ, cầu mong ở hữu, tìm kiếm, hỏi han về hữu, tham đắm về hữu. Vì thế nên phiền não của cõi sắc, cõi vô sắc đều trừ vô minh để lập hữu lậu.

Hữu tình của ba cõi sở dĩ tâm mong cầu nơi dục hữu, cho đến tham đắm về hữu, trụ mãi trong ba cõi, đều do sức của sự không hiểu biết. Thế nên vô minh của ba cõi thành lập vô minh lậu.

Lại nữa, hữu tình ở cõi dục tuy cũng mong cầu hữu, nhưng đa số là mong cầu dục, do vậy phiền não v.v… của cõi dục đều trừ vô minh để lập dục lậu. Hữu tình ở cõi sắc, cõi vô sắc đều hoàn toàn không mong cầu dục, chỉ mong cầu về hữu.

Có thuyết nói: Tuy cũng mong cầu về dục, nhưng đa số là mong cầu về hữu, thế nên phiền não của cõi sắc, cõi vô sắc trừ vô minh để lập hữu lậu. Hữu tình ở ba cõi vì đa số đều mong cầu về dục và hữu, do sức của không hiểu biết, nên vô minh của ba cõi được thành lập vô minh lậu.

Lại nữa, nếu cõi có thành, có hoại, là cõi đã sinh khởi phiền não, thì trừ vô minh mà lập dục lậu. Nếu cõi có thành, không có hoại, là cõi đã sinh khởi phiền não, thì trừ vô minh mà lập hữu lậu. Địa của ba tĩnh lự tuy cũng có thành, có hoại, nhưng vì tĩnh lự thứ tư và cõi vô sắc có thành, không hoại, nên theo số nhiều mà nói. Nếu cõi có thành có hoại và cõi có thành, không hoại, thì hữu tình trụ ở đó là do sức của sự không hiểu biết, nên vô minh của ba cõi thành lập vô minh lậu.

Có thuyết khác chỉ giải thích việc lập nhân hữu lậu. Nghĩa là ở nơi hữu này, mong cầu hữu nơi khác. Nếu ở nơi khác vì không cầu hữu ở nơi này, nên phiền não kia trừ vô minh lập hữu lậu.

Luận sư phái Thí Dụ chỉ lập hai lậu: Nghĩa là vô minh lậu và hữu ái lậu. Hai phần vị căn bản của duyên khởi: Nghĩa là vô minh là căn bản duyên khởi của phần vị trước. Hữu ái là căn bản duyên khởi của phần vị sau.

Hỏi: Luận kia giải thích như thế nào về ba lậu nơi kinh đã nói?

Đáp: Luận kia nói hữu ái có hai thứ. Nghĩa là có thứ bất thiện, có thứ vô ký. Có thứ có dị thục, có thứ không dị thục. Có thứ chiêu cảm hai quả, có thứ chiêu cảm một quả. Có thứ tương ưng với không hổ, không thẹn, có thứ không tương ưng với không hổ, không thẹn.

Các thứ bất thiện có dị thục, chiêu cảm hai quả, tương ưng với không hổ, không thẹn, thì lập dục lậu. Do ái này nên phiền não khác ở cõi dục, trừ vô minh, cũng gọi là dục lậu.

Các thứ vô ký không có dị thục, chiêu cảm một quả, không tương ưng với không hổ, không thẹn, thì lập hữu lậu. Do ái này nên phiền não còn lại của cõi sắc, cõi vô sắc, trừ vô minh, cũng gọi là hữu lậu.

Hỏi: Vì sao các phiền não khác do ái, đều trừ vô minh, gọi là dục lậu và hữu lậu?

Đáp: Do ái rất khó đoạn, khó phá, khó vượt qua, do vì nặng quá, nhiều quá, thạnh quá, có thể khiến thành cõi riêng, địa riêng, bộ riêng. Do thế mạnh của ái nên sinh ra các phiền não, cho đến nói rộng về lỗi lầm tai họa của ái. Vì thế, nên do ái các phiền não v.v… khác được mang tên hai lậu.

Hỏi: Vì sao vô minh của ba cõi lại lập riêng vô minh lậu?

Đáp: Hiếp Tôn giả nói: Vì Đức Phật nhận biết rõ về công dụng, thế mạnh của tánh, tướng nơi các pháp không có sai lầm. Nếu pháp nào có thể tùy thuận đứng riêng, thì lập lậu riêng. Nếu pháp nào không thể tùy thuận đứng riêng một mình, thì lập lậu chung, vì vậy không nên vấn nạn. (

Lại nữa, trước đã nói lậu là nghĩa lưu giữ, dừng trụ, không có phiền não khác có thể lưu giữ các hữu tình ở lâu trong vòng sinh tử như vô minh, nên thành lập lậu riêng.

Tôn giả Diệu Âm nói: Đức Phật nhận biết vô minh đã lưu giữ các hữu tình ở lại lâu trong sinh tử, lực dụng rất nhanh chóng, rất nặng và thân cận hơn các phiền não khác, nên lập lậu riêng.

Lại nữa, vì nhân nơi vô minh, nên đối với cảnh của đối tượng nhận biết, mới có ái, giận, si, do vậy nên lập lậu riêng.

Lại nữa, do vô minh nên khiến các hữu tình không nhận biết biên vực trước, biên vực sau, biên vực trước sau, không nhận biết trong, không nhận biết ngoài, không nhận biết trong ngoài, không nhận biết nghiệp, không nhận biết quả, không nhận biết nghiệp quả, không nhận biết hành thiện, không nhận biết hành ác, không nhận biết nhân, không nhận biết pháp từ nhân sinh, không nhận biết Phật, Pháp, Tăng bảo, không nhận biết khổ, tập, diệt, đạo, không nhận biết pháp thiện, bất thiện, không nhận biết có tội, không tội, không nhận biết nên tu, không nên tu, không nhận biết hơn, kém, không nhận biết đen, trắng. Đối với các pháp duyên sinh, duyên khởi chung, riêng và sáu xúc xứ không có trí kiến thật vì có si mê tối tăm, do vậy nên lập riêng vô minh là lậu.

Lại nữa, vì vô minh rất khó lìa, gây lỗi lầm tại họa lớn, nên lập riêng là lậu. Tham tuy khó lìa nhưng không có lỗi lầm tai họa lớn. Giận tuy có lỗi lầm tai họa lớn nhưng không phải là khó lìa. Mạn v.v… vì không có cả hai thứ nên lập lậu chung.

Lại nữa, kinh nói: Vô minh là pháp đứng đầu trong các điều ác, nên lập lậu riêng. Như nói: Vô minh là đứng đầu, là tướng trước, nên sinh ra vô lượng thứ pháp ác, bất thiện, lại ở trong đó đều không hổ, không thẹn.

Lại nữa, tự thể của vô minh rất nặng, tạo nghiệp rất nặng, nên lập lậu riêng. Tự thể rất nặng: Nghĩa là cùng với tất cả phiền não tương ưng, cũng có không chung. Tạo nghiệp rất nặng: Nghĩa là cùng với tất cả phiền não tạo nghiệp, cũng tạo nghiệp riêng. Các phiền não v.v… khác thì không như vậy. Lại nữa, kinh nói: Vô minh là gốc của nẻo ác nên lập lậu riêng. Như nói:

Các đời này, đời khác

Điên đảo rơi nẻo ác

Đều do gốc vô minh

Cũng tham dục làm nhân.

Lại nữa, kinh nói: Vô minh gọi là làn sóng đam mê nên lập lậu riêng. Như Khế kinh nói: Bí-sô nên biết! Làn sóng đam mê đích thực tức là vô minh. Nghĩa là có loài sâu độc gọi làn sóng đam mê, tự thân đã mù, sinh con ra cũng mù, nếu nó cắn người khác, cũng khiến người khác mù luôn. Vô minh cũng vậy. Đã tự đui mù tối tăm, còn khiến cho pháp tương ưng cũng trở thành tối tăm mù lòa.

Nếu sinh khởi trong sự nối tiếp của hữu tình, cũng khiến cho mù lòa u tối.

Lại nữa, vô minh ở ba cõi, duyên nơi một cõi sinh ngu, nghĩa là bốn uẩn của cõi vô sắc. Ở chín địa, duyên nơi một địa sinh ngu, nghĩa là bốn uẩn của Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Có chín phẩm, duyên nơi một phẩm sinh ngu, nghĩa là bốn uẩn nơi phẩm hạ hạ của Phi tướng phi phi tướng xứ. Thế nên thành lập lậu riêng.

Hỏi: Tùy miên biến hành của địa, cõi khác còn lại, đều nên lập lậu riêng như vô minh chăng?

Đáp: Vì vô minh riêng có nhiều, nên lập lậu riêng là có chín thứ. Địa khác, cõi khác duyên nơi vô minh biến hành, tức tương ưng với bảy thứ như tà kiến v.v… và hai pháp không chung. Tà kiến, kiến thủ, nghi chỉ có hai, vì giới cấm thủ chỉ có một, do đó không nên vấn nạn.

Lại nữa, vô minh là đứng đầu trong các phiền não, nó hiện hành cùng khắp nên lập lậu riêng. Đứng đầu: Là vô minh che lấp nên đối với bốn Thánh đế, không ưa, không nhận, mờ tối, không hiểu rõ. Như người đang đói, trước đó gặp thức ăn dở vẫn ăn no. Sau khi ăn xong, tuy có được các thức ăn ngon vẫn không ăn nổi. Hữu tình như thế do vô minh nên từ lâu đã ăn thức ăn dở là uẩn trong tâm, sau này tuy có gặp thức ăn thơm ngon là bốn đế vẫn không thích ăn nữa. Vì không thích nên sinh do dự: Đây là khổ hay không phải khổ? Cho đến: Đây là đạo hay không phải là đạo?

Vô minh như thế dẫn sinh do dự. Tất cả do dự có thể dẫn đến quyết định, nếu gặp thuyết đúng đắn sẽ được quyết định đúng đắn, tức biết có khổ cho đến có đạo. Nếu gặp phải thuyết tà sẽ mắc lấy quyết định tà, cho là không có khổ cho đến không có đạo.

Do dự như thế dẫn sinh tà kiến. Người đó suy nghĩ: Nếu không có bốn đế thì quyết định có ngã và có ngã sở.

Tà kiến như thế dẫn sinh thân kiến. Lại khởi suy nghĩ: Ngã và ngã sở này là đoạn hay là thường? Nếu thấy những điều mình đã chấp giống như nối tiếp nhau thì cho là thường còn, tức là thường kiến. Nếu thấy những gì mình đã chấp là biến hoại không nối tiếp thì cho là đoạn, tức là đoạn kiến.

Thân kiến như thế dẫn sinh biên kiến. Người kia tùy thuận chấp một trong ba kiến cho là có khả năng đạt được thanh tịnh, giải thoát, xuất ly, tức là giới thủ.

Biên kiến như thế dẫn sinh giới thủ. Người đó lại nghĩ: Ba kiến như thế đã được thanh tịnh, giải thoát, xuất ly, liền cho là hơn hết, tức kiến thủ.

Giới thủ như thế dẫn sinh kiến thủ. Người đó yêu mến kiến chấp của mình, ghét giận kiến chấp của người khác. Cân nhắc so xét kiến chấp của mình với người khác, rồi khởi mạn.

Như thế vô minh đối với dẫn dắt tùy miên là đứng đầu, trên hết. Do tùy miên nên dẫn khởi mười triền, nghĩa là triền phẫn, tật (ganh ghét) là đẳng lưu của sân. Triền phú, có thuyết nói là đẳng lưu của tham.

Có Sư khác nói: Là đẳng lưu của si. Nên nói như vầy: Hai đẳng lưu này, hoặc tham danh lợi, nên che giấu tội của mình, hoặc do không biết, nên che giấu tội của mình. Hôn trầm, thùy miên và triền không thẹn là đẳng lưu của si. Trạo cử và xan (keo kiệt) và triền không hổ là đẳng lưu của tham. Triền ố tác là đẳng lưu của nghi. Tùy miên cũng dẫn đến sáu phiền não cấu, nghĩa là cấu hại, hận là đẳng lưu của sân, cấu não là đẳng lưu của kiến thủ, cấu cuống, kiêu là đẳng lưu của tham, cấu siểm là đẳng lưu của năm kiến.

Như thế, vô minh lại là đứng đầu, dẫn sinh các triền cấu. Nói hiện hữu khắp là từ ngục vô gián cho đến xứ Hữu đảnh đều có thể có.

Lại nơi hàng phàm phu, nơi vị kiến đạo, tu đạo đều có gây tạo.

Lại, đối với tự tướng, cộng tướng của các pháp đều dấy khởi mê lầm.

Biến hành: Tức là nếu không phải do vô minh trong một sát-na dấy khởi, thì pháp gì có thể duyên nơi năm bộ, là nhân của năm bộ, là tùy tăng của năm bộ, nên gọi là biến hành. Chỉ do vô minh có mặt khắp tất cả xứ, đồng loại khởi, nên gọi là biến hành. Nghĩa là cùng với tùy miên biến hành đều cùng khởi, tức gọi là biến hành. Cùng với tùy miên không biến hành đều khởi, gọi là không biến hành. Duyên nơi cõi mình, cõi khác, địa mình, địa khác, hữu lậu, vô lậu, duyên nơi hữu vi, vô vi cũng nói như thế. Cùng với các phiền não đều cùng khởi hiện, hòa hợp như mỡ trong một cục mỡ, như dầu trong hạt mè, nên gọi là biến hành.

Do vô minh này gồm đủ ba nghĩa trên nên lập lậu riêng. Như Khế kinh nói: Người kia do tác ý phi lý mà khởi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Chưa sinh làm cho sinh ngay, đã sinh lại làm cho rộng thêm gấp bội.

Hỏi: Có từng ấy phiền não sinh, trở lại có từng ấy phiền não diệt, vì sau một sát-na tất không dừng lại, sao lại nói ba lậu sinh rồi sẽ lan rộng thêm gấp bội?

Đáp: Vì căn cứ vào sự tăng dần nên nói như thế. Nghĩa là phẩm hạ sinh rồi là làm duyên cho phẩm trung, phẩm trung sinh rồi là làm duyên cho phẩm thượng, nên nói như thế.

Lại nữa, vì căn cứ vào đẳng vô gián duyên nên nói là lan rộng thêm gấp bội. Nghĩa là phiền não phẩm hạ sinh rồi làm đẳng vô gián duyên cho phẩm trung, phiền não phẩm trung sinh rồi làm đẳng vô gián duyên cho phẩm thượng, nên nói như thế.

Lại nữa, vì căn cứ vào nhân đồng loại, nhân biến hành, nên nói lan rộng thêm gấp bội. Nghĩa là phiền não phẩm hạ sinh rồi làm hai nhân cho phẩm trung, phiền não phẩm trung sinh rồi làm hai nhân cho phẩm thượng, nên nói như thế.

Lại nữa, căn cứ vào sự nhận quả, cho quả mà nói lan rộng thêm gấp bội. Nghĩa là phiền não phẩm hạ sinh rồi có thể nhận và cho quả nơi phẩm trung, phiền não phẩm trung sinh rồi có thể nhận và cho quả nơi phẩm thượng, nên nói như thế.

Tôn giả Thế Hữu nói: Không phải vì phiền não nhiều mà nói là lan rộng thêm gấp bội, nhưng vì dựa vào phiền não kia sinh rồi không còn rơi trở lại trong phần vị chưa sinh, nên nói như thế.

Lại nữa, dựa vào phiền não kia sinh rồi không còn kẹt lại trong đời vị lai, nên nói như thế.

Lại nữa, vì căn cứ vào việc thường sinh, nên nói như thế. Nghĩa là một phiền não sinh rồi, lại khởi tác ý phi lý, không căn cứ vào đối trị, liền sinh thứ hai, lại sinh thứ ba, cho đến trăm ngàn lần sinh, nên nói như thế.

Lại nữa, vì dựa vào sự mạnh mẽ dần nên nói như thế. Nghĩa là phiền não phẩm hạ sinh rồi, lại khởi tác ý phi lý, không dựa vào pháp đối trị, liền sinh phẩm trung, lại sinh phẩm thượng, lần lượt thêm thạnh, nên nói như thế.

Lại nữa, vì dựa vào sự chuyển biến theo cảnh, nên nói như thế. Nghĩa là tùy thuận duyên nơi cảnh giới của một sắc v.v…, phiền não sinh rồi, do phiền não kia nên khởi tác ý phi lý, không dựa vào đối trị, lại duyên nơi âm thanh v.v… sinh các phiền não, nên nói như thế.

Đại đức nói: Vì dựa vào triền trong một hữu có nhiều hành, nên nói là lan rộng thêm gấp bội. Nghĩa là kẻ có đủ trói buộc: Tức từ ngục vô gián cho đến cõi Hữu đảnh, phiền não đều đồng với phiền não của địa mình, không thêm bớt, nhưng có hiện hành, không hiện hành. Nghĩa là nếu khởi tác ý phi lý, không dựa vào đối trị, khiến thường hiện hành. Nếu khởi tác ý như lý, dựa vào đối trị, là không hiện hành, nên nói như thế.

Như Khế kinh nói: Lậu có bảy thứ là hại và nhiệt não. Nghĩa là hoặc hữu lậu là do kiến đạo đoạn, cho đến nói rộng.

Hỏi: Thắng nghĩa lậu có ba thứ, đó là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Vì sao kinh này lại nói bảy lậu?

Đáp: Ở đây, vật dụng của lậu cùng dùng chữ lậu. Như trong các kinh đối với các vật dụng của lậu kia cũng đã nói đủ, như trước đã nói rộng.

Hiếp Tôn giả nói: Đức Phật giảng nói pháp xong, có người di đạo được giáo hóa đi đến trong hội, Đức Như Lai thương xót dùng câu văn riêng lại nói bảy lậu để cho người đó được hiểu.

Lại nữa, Đức Phật nói ba lậu thì người lợi căn đã hiểu. Vì kẻ độn căn lại nói bảy lậu. Như căn lợi, độn, thì sức nhân, sức duyên, sức trong, sức ngoài, sức tư duy trong, sức nghe pháp bên ngoài, khai mở trí, nói trí, nên biết cũng như vậy.

Tôn giả Vọng Mãn nói: Trong kinh này Đức Phật nói hai thắng nghĩa lậu. Nghĩa là do kiến đạo đoạn và do tu đạo đoạn. Lậu do kiến đạo đoạn là dùng tên gọi của chính nó mà nói. Lậu do tu đạo đoạn là dựa vào pháp đối trị mà nói. Pháp đối trị kia có hai thứ: Đó là đối trị bằng điều phục và đối trị bằng đoạn trừ. Ở đây, sáu thứ trước là dựa vào đối trị bằng điều phục, một thứ sau cùng là dựa vào đối trị bằng đoạn trừ, nên nói có bảy lậu.

Như Khế kinh nói: Người kia chánh tri kiến, chứng đắc quả A-la-hán, từ nơi dục, hữu, vô minh lậu, tâm được giải thoát.

Hỏi: Lúc lìa nhiễm nơi cõi dục, từ dục lậu mà tâm được giải thoát. Khi lìa nhiễm nơi xứ Hữu đảnh là từ hữu lậu, vô minh lậu mà tâm đều được giải thoát. Vì sao Đức Phật nói lúc người kia chánh tri kiến, chứng đắc quả A-la-hán từ nơi ba lậu như dục v.v… tâm được giải thoát?

Đáp: Trong đây, đối với đã giải thoát cũng dùng tiếng nay giải thoát, tức đối với gần, dùng tiếng xa để nói. Như nói: Hôm nay từ đâu đến? Lại như chỗ khác đã đoạn nói là đoạn, đã nhập nói là nhập, đã nhận nói là nhận. Đây cũng như thế.

Lại nữa, vì căn cứ vào hai thứ dục, hữu lậu đều hoàn toàn diệt, nên nói như thế.

Lại nữa, đây là căn cứ vào vào sự chứng đắc, do đoạn một vị của ba lậu mà được, nên nói như thế.

Lại nữa, vì dựa vào tập nơi lậu đã đoạn, nên nói như thế.

Lại nữa, vì dựa vào diệt tác chứng, nên nói như thế. Như nói: Lúc đắc quả A-la-hán, chín mươi tám tùy miên đều diệt tác chứng.

Lại nữa, vì căn cứ vào lúc được pháp trí vô học, đối trị với ba lậu kia, nên nói như thế.

Lại nữa, dựa vào sự chứng đắc vô học, lìa tánh hệ thuộc của ba lậu kia, nên nói như thế.

Lại nữa, vì căn cứ sự nối tiếp được đoạn, nên nói như thế. Nghĩa là từ vô thỉ đến nay, đã thường đoạn dục lậu, hai lậu nối tiếp nhau khởi hiện, nay đoạn hai lậu đó không còn nối tiếp nữa.

Lại nữa, vì căn cứ vào việc đoạn dứt nơi chốn duyên của ba lậu kia, nên nói như thế. Nghĩa là từ vô thỉ đến nay, hai lậu cùng với khổ kia duyên tạo thành ba thứ duyên. Nay đoạn hai lậu rồi, các nơi chốn duyên kia đều vĩnh viễn đoạn.

Lại nữa, vì căn cứ vào pháp đối trị sự nhàm chán nên nói như thế. Nghĩa là lúc người kia chứng được quả thứ tư, đều nhàm chán chung về ba lậu: Từ vô thỉ đến nay, ta đã bị chúng dối gạt làm cho mê lầm, nên tâm không được giải thoát. Nay đã được giải thoát rồi, càng cảm thấy chán lìa.

Hỏi: Bấy giờ, năm uẩn đều được giải thoát, vì sao chỉ nói có tâm được giải thoát?

Đáp: Vì tâm đối với năm uẩn là tối thắng, nên nói như thế. Nghĩa là nếu nói về chỗ hơn, thì cũng đã nói những cái khác. Như vua được giải thoát, thì quyến thuộc của vua cũng vậy.

Lại nữa, vì tâm là đứng đầu, nên nói chung năm uẩn đều được giải thoát. Lại nữa, do vì dựa vào tâm, nên gọi là tâm sở pháp. Vì tâm lớn, nên gọi là pháp đại địa, nên chỉ nói là tâm.

Lại nữa, lúc tu tha tâm trí nơi đạo vô gián, chỉ duyên nơi tâm nên nói như thế. Những sự việc thù thắng của tâm, như những chỗ khác đã nói rộng.

HẾT – QUYỂN 47