LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 42

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 7: BÀN VỀ VÔ NGHĨA, phần 4

* Thế nào là khó đầy? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: “Có khó đầy, có khó nuôi dưỡng”. Khế kinh tuy nói như thế, nhưng không phân biệt nghĩa của câu đó. Kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì Kinh kia không nói nay nên nói đến. Đó là lý do tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là khó đầy?

Đáp: Các thứ coi trọng thức ăn, trọng ăn, ăn nhiều thức ăn, nuốt nhiều thức ăn, thức ăn lớn, ăn lớn, không phải ít mà có thể cứu giúp được. Đó gọi là khó đầy.

Các thứ chú trọng về ăn uống đó v.v… tên gọi tuy có khác nhưng Thể không khác, vì đều hiển bày nghĩa khó đầy.

Hỏi: Thế nào là khó nuôi dưỡng?

Đáp: Các thứ tham ăn, tham ăn uống tột độ, hết sức tham ăn, tham đắm ham thích, quá ham thích, thích nhai nuốt, nhắm nếm, lựa chọn mà ăn, lựa chọn mà nuốt, không phải là nơi chốn có thể cứu giúp. Đó gọi là khó nuôi dưỡng.

Các thứ tham ăn, rất tham ăn v.v… tên gọi tuy có khác nhưng Thể không khác, vì đều hiển bày nghĩa khó nuôi dưỡng.

Hỏi: Khó đầy và khó nuôi dưỡng khác nhau thế nào?

Đáp: Tức như trước đã nói, đó gọi là khác nhau.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là hai pháp này đều lần lượt cho là giống nhau: Thấy người khó đầy, người đời đều nói là khó nuôi dưỡng. Thấy kẻ khó nuôi dưỡng, người đời đều nói là khó đầy. Hoặc có kẻ sinh nghi: Hai pháp này là một. Vì muốn khiến cho nghi kia được quyết định, đồng thời chỉ rõ nghĩa của hai pháp này đều khác biệt, nên tạo ra phần Luận này. Nghĩa là trước đã nói về coi trọng ăn uống v.v… không phải ít mà có thể cứu giúp, là khó đầy. Tham ăn, hết sức ham ăn v.v… không phải là nơi chốn có thể cứu giúp, là khó nuôi dưỡng.

Lại nữa, nhiều dục là khó đầy, vì mong cầu được nhiều thức ăn. Không biết đủ là khó nuôi dưỡng, vì lựa chọn mà ăn.

Ở đây, văn tóm lược, chỉ dựa vào thức ăn để nói. Nên biết y phục v.v… cũng có hai nghĩa. Có bản không có phần hỏi đáp về chỗ khác nhau này.

Hỏi: Vì sao trong Luận này không hỏi về sự sai biệt?

Đáp: Nên hỏi mà không hỏi, phải biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, lời đáp không khác trước, nên không hỏi lại. Không phải như nơi phần nhiều dục, không biết đủ, lời đáp khác trước.

***

* Thế nào là dễ dầy? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: “Có dễ dầy, có dễ nuôi dưỡng”. Khế kinh tuy nói lời ấy nhưng không phân biệt về nghĩa. Kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì Kinh kia không nói nay nên nói đến.

Lại nữa, trước đã nói về khó đầy, khó nuôi dưỡng, nay vì muốn nói pháp đối trị gần của chúng nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là dễ đầy?

Đáp: Các thứ không coi trọng thức ăn, không coi trọng ăn, không ăn nhiều, không nuốt nhiều, không ăn to, không nuốt lớn, ít phương tiện cũng có thể cứu giúp. Đó gọi là dễ đầy.

Các thứ không coi trọng về ăn v.v… tên gọi tuy có khác nhưng Thể không sai biệt, vì đều nhằm chỉ rõ nghĩa dễ đầy.

Hỏi: Thế nào là dễ nuôi dưỡng?

Đáp: Các thứ không tham ăn, không quá tham ăn, không tham ăn uống, không quá tham ăn uống, không ham vui, không quá ham vui, không tham đắm, không quá tham đắm, không ưa nhấm nuốt, không ưa nhai nếm, không chọn lựa để ăn, không chọn lựa để nuốt, là nơi chốn có thể cứu giúp thuận tiện. Đó gọi là dễ nuôi dưỡng.

Các thứ không tham ăn v.v… tên gọi tuy có khác nhưng Thể không sai biệt, vì đều nhằm chỉ rõ nghĩa dễ nuôi dưỡng.

Hỏi: Dễ đầy và dễ nuôi dưỡng khác nhau thế nào?

Đáp: Tức như trước đã nói, đó gọi là khác nhau.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là hai pháp này lần lượt cho là giống nhau. Thấy người dễ đầy người đời cùng nói là dễ nuôi dưỡng. Thấy người dễ nuôi dưỡng người đời đều nói là dễ đầy. Hoặc có kẻ nghi hai pháp này là một. Vì muốn khiến cho nghi kia được quyết định, và nhằm chứng tỏ nghĩa của hai pháp này khác biệt, nên tạo ra phần Luận này. Nghĩa là trước đã nói: Không coi trọng về thức ăn, ăn v.v… ít phương tiện cũng có thể cứu giúp, là dễ đầy. Các thứ không tham ăn v.v… là nơi chốn có thể cứu giúp thuận tiện, là dễ nuôi dưỡng.

Lại nữa, ít dục là dễ đầy, vì không mong cầu thức ăn được ăn. Biết đủ là dễ nuôi dưỡng, vì không chọn lựa để ăn.

Ở đây, văn tóm lược, chỉ dựa vào ăn uống mà nói. Nên biết y phục v.v… cũng có hai nghĩa. Có bản không có phần hỏi đáp về chỗ khác nhau này.

Hỏi: Vì sao trong Luận này không hỏi về sự sai biệt?

Đáp: Nên hỏi nhưng không hỏi, phải biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, vì câu trả lời không khác trước, nên không hỏi lại. Không phải như nơi phần ít dục, biết đủ, câu trả lời khác trước.

Nên biết trong đây có trường hợp ít ăn, gọi là khó đầy: Như ăn một nắm tức được no mà ăn đến hai nắm v.v…

Có trường hợp ăn nhiều, gọi là dễ đầy: Như ăn một hộc mới no và chỉ ăn từng ấy thôi, không ăn nhiều nữa.

Xưa có con voi cái tên là Ma-đồ, từ bên ngoài chở Đà Đô (Xá lợi) của Phật đi vào nước Ca-thấp-di-la. Nhờ diệu lực của phước ấy, sau khi chết voi kia sinh vào cõi này, được thân trượng phu, xuất gia tu đạo thành tựu quả A-la-hán. Vì sức mạnh của tập khí từ kiếp trước, nên mỗi ngày phải ăn một hộc mới được no. Đến khi sắp nhập Niếtbàn, ông tập hợp các Bí-sô-ni từng hầu cận bảo: “Ta sẽ vì các vị nói pháp thù thắng của ta”. Chúng ni nói mỉa: “Tôn giả đã là dễ đầy, thật có pháp thù thắng sao?”. A-la-hán bảo: “Các vị chớ nên xem thường! Ta thật sự là dễ dầy”. Bí-sô-ni nói: “Mỗi ngày ăn một hộc cơm, sao lại là dễ đầy?”. A-la-hán bảo: “Các vị không biết đời trước của ta, đã từng là voi cái chở Đà Đô (Xá lợi) của Phật đi đến nước này. Do nghiệp thiện ấy, đời này mới được làm người, xuất gia tu đạo, chứng đắc A-la-hán. Do sức của tập khí còn sót, nên mỗi ngày ta đúng ra phải ăn từ một hộc đến năm hộc cơm. Vì luôn phải tự hạn chế số lượng, nên chỉ ăn một hộc. Dễ đầy như thế không phải ta thì còn ai?”. Bấy giờ, các Bí-sô-ni đều đảnh lễ xin sám hối.

Lại nữa, vua Thắng Quân, vì sức của phước đức, nên mỗi ngày có thể ăn cơm, uống nước mía mỗi loại đều đến hai hộc to. Do nhân của nước và cơm này, nên mọc lên một cây mía và một nhánh lúa. Nhưng vì tự hạn chế, nên mỗi lần ăn một hộc.

Những mẫu chuyện trên đây cho biết về trường hợp ăn nhiều mà gọi là dễ đầy.

Có trường hợp lựa chọn ăn, gọi là khó nuôi dưỡng: Như ăn thức ăn dở, đủ được no, nhưng vì ham ăn nên chọn lựa thức ăn để ăn.

Có trường hợp chọn lựa ăn, gọi là dễ nuôi dưỡng: Như ăn thức ăn dở không được lợi cho thân, phải lựa chọn ăn mới có thể no, nhưng đối với thức ăn ngon tâm không tham đắm.

Hoặc có loài tham nhiều nhưng ăn ít như quạ, chim cú v.v… Hoặc có loài ăn nhiều nhưng tham ít như voi, ngựa v.v… Hoặc có loài tham và ăn đều nhiều như mèo, chó v.v… Hoặc có loài tham và ăn đều ít như rùa, cua v.v…

Khó đầy, khó nuôi dưỡng đều thuộc cõi dục, chung cho cả sáu thức, tự tánh là căn bất thiện tham. Dễ đầy, dễ nuôi dưỡng đều cùng thuộc nơi ba cõi và không hệ thuộc, chung cho cả sáu thức, tự tánh đều là căn thiện không tham. Như Khế kinh nói: Có bốn Thánh chủng đều lấy biết đủ làm tự tánh. Bốn Thánh chủng này được nói rộng trong phẩm Bất Hoàn thuộc chương Định Uẩn.

***

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 8: BÀN VỀ TƯ, phần 1

* Thế nào là Tư (Suy nghĩ)? Thế nào là Lự (Lo nghĩ)? Các chương như thế và giải thích nghĩa nơi chương đã lãnh hội rồi, sau đấy nên giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận Tông chỉ của kẻ khác, hiển bày nghĩa chánh. Nghĩa là hoặc có lối chấp: Tư, Lự là tâm, như phái Thí Dụ, họ nói: Tư, Lự là sự khác nhau của tâm, không có tự Thể riêng. Vì nhằm ngăn chận lối chấp đó và chỉ rõ Tư và Lự là tâm sở pháp, đều có tự Thể riêng.

Hoặc lại có lối chấp: Tư và Lự về tiếng gọi tuy có khác, nhưng Thể của chúng không khác, như người của phái Thanh Luận, họ nói: Tư và Lự, về âm vận tuy có khác nhưng Thể không khác. Vì nhằm ngăn chận lối chấp đó cùng để chỉ rõ tự Thể của hai thứ ấy cũng khác, nên tạo ra phần Luận này. Hỏi: Thế nào là Tư?

Đáp: Những thứ tư duy cùng tư duy, tư duy tăng thêm, tánh tư duy, loại tư duy, là tâm hành nơi ý nghiệp. Đó gọi là Tư.

Luận sư của bản Luận này đối với các danh, nghĩa dị biệt đã đạt được thiện xảo, nên dùng nhiều thứ tên gọi để làm rõ thể của tư, văn tuy có khác nhưng Thể không khác.

Hỏi: Trong đây, nói Tư là nói về những tư duy nào?

Đáp: Có thuyết nói: Đây là nói về tư duy của chúng đồng phần dẫn dắt.

Có Sư khác cho: Đây là nói về tư duy của chúng đồng phần viên mãn.

Lời bình: Nên nói như vầy: Trong đây là nói chung về tất cả ý nghiệp. Hoặc có thể là chúng đồng phần dẫn dắt. Hoặc có thể là chúng đồng phần viên mãn. Hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu. Hoặc ở nơi ý địa, hoặc ở nơi năm thức, đều gọi là Tư, vì tất cả đều có tướng tạo tác.

Hỏi: Thế nào là Lự?

Đáp: Những thứ Lự (Lo nghĩ), cùng lo nghĩ, lo nghĩ tăng thêm, nêu lường, trù tính, quán sát. Đó gọi là Lự.

Luận sư của bản Luận này đối với các danh nghĩa dị biệt đã đạt được thiện xảo, nên dùng nhiều thứ tên gọi để hiển bày thể của lự, văn tuy có khác nhưng Thể không khác.

Hỏi: Trong đây, nói Lự là nói về những Lự (lo nghĩ) gì?

Đáp: Có thuyết nói: Đây là nói về Lự thông đạt bốn Thánh đế. Nghĩa là kiến đạo v.v… là quán sát đúng như thật về bốn Thánh đế.

Có Sư khác cho: Đây chính là nói về Lự do tu tạo thành. Nghĩa là noãn, đảnh, nhẫn, pháp thế đệ nhất.

Hoặc có thuyết nêu: Ở đây chính là nói về Lự do tư tạo thành. Nghĩa là quán bất tịnh, trì tức niệm cho đến niệm trụ.

Lại có thuyết nói: Trong đây chính là nói về Lự do văn tạo thành. Nghĩa là phân biệt về tự tướng và cộng tướng của các pháp, an lập tự tướng cộng tướng của các pháp, trừ sự ngu nơi Thể của vật và sự ngu nơi đối tượng duyên, ở trong các pháp không tăng không giảm.

Hoặc có thuyết cho: Ở đây chính là nói về Lự do sinh đạt được. Nghĩa là đối với mười hai phần giáo của ba Tạng đã thọ trì chuyển đọc trọn vẹn và lưu truyền rộng khắp.

Lời bình: Nên nói như vầy: Trong đây là nói chung về tất cả Bát nhã. Hoặc do sinh đạt được, hoặc do văn tạo thành, hoặc do tư tạo thành, hoặc do tu tạo thành, hoặc thông đạt về đế, hoặc là hữu lậu, hoặc là vô lậu, hoặc ở nơi ý địa, hoặc ở nơi năm thức, đều gọi là Lự, tất cả đều có tướng quán sát.

* Tư và Lự có sai biệt gì?

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là hai pháp này lần lượt cho là giống nhau. Như thấy người tư duy (Tư) nhiều, người đời cùng nói người này có nhiều lo nghĩ (Lự). Thấy người có nhiều lo nghĩ (Lự), người đời cùng nói người đó nhiều tư duy (Tư).

Hoặc có người sinh nghi, cho hai thứ này là một. Vì muốn khiến cho các nghi kia có được quyết định và để chứng tỏ Thể của hai pháp này đều khác biệt, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Tư, Lự có gì sai biệt?

Đáp: Tư là nghiệp, Lự là tuệ. Đó là chỗ sai biệt.

Lại nữa, Tư là tướng tạo tác, Lự là tướng quán sát.

Lại nữa, có thể phân biệt về quả yêu thích, không yêu thích, khiến không lẫn lộn, là tướng của Tư. Có thể phân biệt về tự tướng, cộng tướng của các pháp, khiến không có nghi hoặc, là tướng của Lự.

Hỏi: Tất cả pháp hữu lậu thiện, bất thiện đều có khả năng chiêu cảm quả dị thục yêu thích, không yêu thích, vì sao chỉ nói là Tư có khả năng phân biệt quả yêu thích, không yêu thích, không phải là pháp khác?

Đáp: Vì Tư là tối thắng nên nói như thế. Nghĩa là Tư có khả năng chiêu cảm quả yêu thích, không yêu thích vì thế mạnh tối thắng, nên nói riêng. Như nói về việc tìm ra chữ viết, thuốc nhuộm, tuy có duyên khác nhưng vì do sức của con người là hơn hết, nên con người được mang tên. Đây cũng như thế.

Hỏi: Về việc phân biệt tự tướng và cộng tướng của các pháp, các tâm tâm sở khác cũng có khả năng này, vì sao chỉ nói Lự ấy là tuệ, không phải là pháp khác?

Đáp: Vì tuệ là tối thắng, nên nói như thế. Nghĩa là tuệ phân biệt về tự tướng và cộng tướng của các pháp là tối thắng, thế nên nói riêng. Nêu dụ như trước.

Hỏi: Những tuệ nào có khả năng phân biệt về tự tướng của các pháp? Những tuệ nào có khả năng phân biệt về cộng tướng của các pháp?

Đáp: Phân biệt về tướng của một vật là phân biệt tự tướng. Phân biệt về tướng của nhiều vật là phân biệt cộng tướng.

Lại nữa, phân biệt về mỗi mỗi uẩn v.v… là phân biệt tự tướng. Phân biệt về hai uẩn, ba uẩn v.v… là phân biệt cộng tướng.

Lại nữa, tuệ do văn, tư tạo thành phần nhiều là phân biệt tự tướng. Tuệ do tu tạo thành phần nhiều là phân biệt cộng tướng.

Lại nữa, tuệ không gồm thâu mười sáu hành tướng phần nhiều là phân biệt tự tướng. Tuệ gồm thâu mười sáu hành tướng chỉ phân biệt cộng tướng.

Lại nữa, tuệ lúc hành đế phần nhiều là phân biệt tự tướng. Tuệ lúc hiện quán chỉ phân biệt cộng tướng.

Lại nữa, tuệ quán riêng các đế gọi là phân biệt tự tướng. Tuệ quán chung các đế gọi là phân biệt cộng tướng.

Hỏi: Hai thứ tuệ này nên nhận biết như thế nào?

Đáp: Như các vật đặt gần ngọc báu Đế thanh, tự tướng của các vật đó không hiện, vì đều đồng với màu của ngọc báu kia. Tuệ phân biệt về cộng tướng nên biết cũng như thế. Nếu như các vật để cách xa ngọc báu Đế thanh, các màu sắc xanh, vàng v.v… của các vật đều hiện rõ. Tuệ phân biệt về tự tướng nên biết cũng như thế.

Lại nữa, như lúc mặt trời mọc lên, ánh sáng soi chiếu cùng khắp, mọi bóng tối đều tan biến tức khắc. Tuệ phân biệt về cộng tướng nên biết cũng như thế. Như mặt trời đã mọc lên cao, dần dần chiếu sáng muôn vật, những thứ tường vách, kẽ hở, trên núi cao, dưới thung lũng, vùng chằm đầm âm u đều hiện rõ. Tuệ phân biệt về tự tướng nên biết cũng như thế.

Lại nữa, như người cầm đèn mới bước vào căn nhà tối, mọi sự tối tăm tức thì xua tan. Tuệ phân biệt về cộng tướng nên biết cũng như thế. Như đèn đã đem vào nhà, ánh sáng sẽ lan tỏa dần, soi rọi các vật dụng như bình hoa, tủ rương đựng các vật. Tuệ phân biệt về tự tướng nên biết cũng như thế.

Lại nữa, như tấm gương phản chiếu xa, tướng riêng lẻ không rõ. Tuệ phân biệt về cộng tướng nên biết cũng như thế. Như tấm gương chiếu rọi gần, mọi tướng đều sáng rõ. Tuệ phân biệt về tự tướng nên biết cũng như thế.

Lại nữa, như người đứng từ xa ngắm cảnh vật nơi núi rừng v.v… Tuệ phân biệt về cộng tướng nên biết cũng như thế. Như người đứng gần nhìn cảnh vật nơi núi rừng v.v… Tuệ phân biệt về tự tướng nên biết cũng như thế.

Hỏi: Ở đây đã nói về tuệ do văn, tư, tu tạo thành, tướng của chúng như thế nào?

Đáp: Có thuyết nói: Nếu đối với mười hai phần giáo của ba Tạng thọ trì, đọc tụng trọn vẹn, lưu truyền rộng khắp, gọi là tuệ do văn tạo thành. Dựa vào tuệ này phát sinh tuệ do tư tạo thành. Dựa vào tuệ này phát sinh tuệ do tu tạo thành. Đây là đoạn trừ phiền não, chứng đắc Niết-bàn. Như dựa vào mỏ vàng sinh ra vàng ròng, dựa vào vàng ròng sinh kim cương. Kim cương này có khả năng hủy hoại mọi vật như núi, đá v.v…

Lời bình: Nên nói như vầy: Nếu đối với mười hai phần giáo của ba Tạng thọ trì, đọc tụng trọn vẹn, lưu truyền rộng khắp, là tuệ sinh đắc. Dựa vào tuệ này phát sinh tuệ do văn tạo thành. Dựa vào tuệ này phát sinh tuệ do tư tạo thành. Dựa vào tuệ này phát sinh tuệ do tu tạo thành. Đây là đoạn trừ phiền não, chứng đắc Niết-bàn. Như dựa vào hạt giống sinh ra mầm, dựa vào mầm mọc ra thân cây, dựa vào thân cây chuyển sinh cành, lá, hoa, quả.

Lại nữa, dựa vào nghe hiểu sinh gọi là tuệ do văn tạo thành. Dựa vào tư duy sinh gọi là tuệ do tư tạo thành. Dựa vào tu tập sinh gọi là tuệ do tu tạo thành.

Lại nữa, do nghe hiểu dẫn phát gọi là tuệ do văn tạo thành. Do tư duy dẫn phát gọi là tuệ do tư tạo thành. Do tu tập dẫn phát gọi là tuệ do tu tạo thành.

Lại nữa, do sức của duyên dấy khởi gọi là tuệ do văn tạo thành. Do sức của nhân dấy khởi gọi là tuệ do tư tạo thành. Do sức của cả hai cùng dấy khởi gọi là tuệ do tu tạo thành.

Lại nữa, do sức của người khác mới sinh khởi gọi là tuệ do văn tạo thành. Do sức của mình sinh khởi gọi là tuệ do tư tạo thành. Do sức của cả hai cùng sinh khởi gọi là tuệ do tu tạo thành.

Lại nữa, do sức của tư lương sinh khởi gọi là tuệ do văn tạo thành. Do sức của tự tánh sinh khởi gọi là tuệ do tư tạo thành. Do sức của cả hai sinh khởi gọi là tuệ do tu tạo thành.

Lại nữa, do sức bên ngoài sinh khởi gọi là tuệ do văn tạo thành. Do sức bên trong sinh khởi gọi là tuệ do tư tạo thành. Do sức của cả hai cùng sinh khởi gọi là tuệ do tu tạo thành.

Lại nữa, do sức của giáo sinh khởi gọi là tuệ do văn tạo thành. Do sức của nghĩa sinh khởi gọi là tuệ do tư tạo thành. Do sức của định sinh khởi gọi là tuệ do tu tạo thành.

Hỏi: Ba tuệ như thế có khác nhau gì?

Đáp: Tuệ do văn tạo thành nơi tất cả thời đều dựa vào danh để hiểu rõ nghĩa. Tuệ ấy khởi suy niệm: Tố-đát-lãm, Tỳ-nại-da và A-tỳđạt-ma đã nói có ý nghĩa gì? Các Thân giáo sư, Quỹ phạm sư đồng phạm hạnh đã giảng nói có ý nghĩa gì? Các luận khác đã nêu bày có ý nghĩa gì? Tùy chỗ suy niệm đều có khả năng hiểu rõ. Tuệ do tư tạo thành có lúc dựa vào danh để hiểu rõ nghĩa. Có khi không dựa vào danh mà vẫn hiểu rõ nghĩa. Tuệ do tu tạo thành nơi tất cả thời đều không dựa vào danh để hiểu rõ nghĩa.

Như có ba người lội xuống ao tắm: Người thứ nhất chưa tập bơi lội, người thứ hai đã có tập nhưng chưa bơi lội giỏi, người thứ ba đã tập bơi lội giỏi. Người chưa tập bơi lội nơi tất cả thời cũng vin dựa vào các bụi cỏ mọc ven bờ ao v.v… sau đấy mới tắm rửa. Tuệ do văn tạo thành nên biết cũng như thế. Người tập bơi lội chưa giỏi có lúc vin dựa hoặc không vin dựa vào bụi cỏ, vẫn có thể tắm gội. Tuệ do tư tạo thành nên biết cũng như thế. Người đã tập bơi lội giỏi nơi tất cả thời cũng không nhờ vin dựa vào bụi cỏ, tắm rửa tự tại. Tuệ do tu tạo thành nên biết cũng như thế.

Lại nữa, tuệ do văn tạo thành là nhân của ba tuệ. Tuệ do tư tạo thành chỉ là nhân của tư tuệ, không phải là nhân của văn tuệ vì tuệ kia yếu, không phải là nhân của tu tuệ vì tu tuệ thuộc cõi khác. Tuệ do tu tạo thành chỉ là nhân của tu tuệ, không phải là nhân của văn tuệ vì tuệ kia yếu, không phải là nhân của tư tuệ do tuệ kia cũng yếu và vì thuộc cõi khác.

Lại nữa, tuệ do văn tạo thành chỉ là quả của văn tuệ, không phải là quả của hai thứ còn lại, vì hai tuệ kia là hơn hẳn. Tuệ do tư tạo thành là quả của hai tuệ, không phải là quả của tu tuệ, vì tuệ kia là hơn và vì thuộc cõi khác. Tuệ do tu tạo thành là quả của hai tuệ, không phải là quả của tư tuệ, vì tu tuệ thuộc cõi khác.

Lại nữa, tuệ do văn tạo thành lúc hiện tiền chỉ tu văn tuệ. Tuệ do tư tạo thành lúc hiện tiền chỉ tu tư tuệ. Tuệ do tu tạo thành lúc hiện tiền có khả năng tu cả ba tuệ.

Hỏi: Vì sao lúc hai tuệ văn, tư hiện tiền chỉ tu tự loại, còn tuệ do tu tạo thành lại có khả năng tu cả ba thứ?

Đáp: Vì hai tuệ văn, tư đều không dựa vào định phát sinh, uy lực kém, nên lúc hiện tiền chỉ tu tự loại, vì tập tu nên gọi là tu, không tu tự loại và tha loại ở vị lai. Tuệ do tu tạo thành dựa vào định phát sinh, uy lực tăng thắng, nên lúc hiện tiền có khả năng tu tự loại và tu tha loại.

Tu tự loại: Là hiện tại tu tập, vị lai tu đắc.

Tu tha loại: Là chỉ tu vị lai.

Lại nữa, tuệ do văn, tư tạo thành lúc sát-na ban đầu hiện tiền chỉ có thành tựu hiện tại. Từ sát-na thứ hai trở đi lúc hiện tiền thì thành tựu quá khứ, hiện tại. Về sau lúc không sinh khởi chỉ thành tựu quá khứ. Tuệ do tu tạo thành chưa từng được: Lúc sát-na đầu hiện tiền là thành tựu vị lai, hiện tại. Từ sát-na thứ hai trở đi thành tựu ba đời. Về sau lúc không khởi hiện chỉ thành tựu quá khứ, vị lai.

Có Sư khác nói: Hai tuệ văn, tư nơi người có tập quán thù thắng, lúc hiện tiền cũng tu tập pháp thiện của tự loại ở vị lai. Chỗ nói về thành tựu kia không phải như trước nói.

Ba tuệ như thế, về cõi: Tức nơi cõi dục có hai tuệ: Tuệ do văn tạo thành và tuệ do tư tạo thành. Cõi sắc có hai: Tuệ do văn tạo thành và tuệ do tu tạo thành. Cõi vô sắc chỉ có tuệ do tu tạo thành.

Hỏi: Vì sao ở cõi dục không có tuệ do tu tạo thành?

Đáp: Vì cõi dục là cõi không định, không phải là địa tu, không phải là địa lìa nhiễm, nếu lúc sắp tu là rơi vào tư duy.

Hỏi: Vì sao ở cõi sắc, cõi vô sắc không có tuệ do tư tạo thành?

Đáp: Vì cõi sắc, cõi vô sắc là cõi định, là địa tu, là địa lìa nhiễm, nếu lúc sắp tư duy là rơi vào tu.

Hỏi: Vì sao cõi vô sắc không có tuệ do văn tạo thành?

Đáp: Vì cõi vô sắc không có nhĩ căn để nghe, lãnh hội pháp. Tuệ do văn tạo thành cần phải nhân nơi nhĩ căn nghe lãnh hội pháp xong, lần lượt có khả năng dẫn sinh hiện tiền.

Có thuyết nói: Cõi dục có đủ ba thứ tuệ. Cõi sắc, cõi vô sắc như trước nói.

Tuệ do tu tạo thành ở cõi dục: Nghĩa là như thế tục trí hiện quán biên, các Tam-ma-địa không và không, vô nguyện và vô nguyện, vô tướng và vô tướng đều cùng có, và lúc tận trí đã tu căn thiện tương ưng nơi cõi dục, nhưng vì quá ít nên các chỗ không nói đến.

Có Sư khác cho: Hai cõi dục, Sắc đều có đủ ba tuệ. Cõi vô sắc chỉ có tuệ do tu tạo thành.

Hoặc có thuyết nêu: Hai cõi dục, Sắc đều có đủ ba tuệ. Cõi vô sắc có hai thứ, là tuệ do tư và tu tạo thành.

Lại có thuyết biện: Ba cõi đều có đủ ba tuệ.

Lời bình: Nên biết trong đây, thuyết đầu là đúng.

Về địa: Tuệ do văn tạo thành ở nơi năm địa, là cõi dục và bốn tĩnh lự.

Có thuyết nói: Ở sáu địa. Là năm địa trước và tĩnh lự trung gian.

Có thuyết cho: Ở bảy địa. Là sáu địa trước và địa vị chí.

Tuệ do tư tạo thành chỉ ở một địa là cõi dục. Tuệ do tu tạo thành: Nếu là hữu lậu ở tại mười bảy địa. Nghĩa là bốn tĩnh lự và bốn cận phần, tĩnh lự trung gian, bốn vô sắc và bốn cận phần. Nếu là vô lậu ở tại chín địa. Là bốn tĩnh lự, vị chí, trung gian và ba vô sắc dưới.

Về đối tượng nương dựa: Tuệ do văn tạo thành dựa vào thân của cõi dục, cõi sắc. Tuệ do tư tạo thành dựa vào thân của cõi dục.

Tuệ do tu tạo thành dựa vào thân của ba cõi.

Về hành tướng: Có thuyết nói: Tuệ do văn, tư tạo thành không phải là mười sáu hành tướng, vì đều là hữu lậu. Tuệ do tu tạo thành thuộc mười sáu hành tướng, hoặc hành tướng khác.

Lời bình: Nên nói như vầy: Ba tuệ đều chung cho cả mười sáu hành tướng và hành tướng khác, vì mười sáu hành tướng đều chung cho cả hữu lậu và vô lậu.

Hỏi: Nếu ba tuệ đều chung cho cả mười sáu hành tướng và hành tướng khác, vậy ba tuệ như thế có gì khác nhau?

Đáp: Như trước đã nói về các thứ khác nhau. Nhưng tuệ do văn, tư tạo thành là tự lực nên không có tu vị lai, vì tha lực nên có tu vị lai. Tuệ do tu tạo thành là tự lực nên có tu vị lai. Đây là điểm khác nhau.

Về đối tượng duyên: Ba tuệ đều duyên nơi tất cả pháp.

Về niệm trụ: Ba tuệ đều chung cho cả bốn niệm trụ.

Về trí: Tuệ do văn, tư tạo thành, chỉ là thế tục trí. Tuệ do tu tạo thành thì chung cả mười trí.

Về căn tương ưng: Tuệ do văn, tu tạo thành tương ưng với ba căn lạc, hỷ, xả. Tuệ do tư tạo thành tương ưng với hai căn là hỷ và xả.

Về cùng hành với Tam-ma-địa: Tuệ do văn, tư tạo thành không kết hợp với Tam-ma-địa vì đều là hữu lậu. Tuệ do tu tạo thành kết hợp với ba Tam-ma-địa và không kết hợp.

Về quá khứ, vị lại, hiện tại: Ba tuệ này đều gắn liền với ba đời, duyên nơi ba đời và tách lìa đời.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Ba tuệ này đều là thiện, duyên nơi ba thứ.

Về hệ thuộc, không hệ thuộc: Tuệ do văn tạo thành thuộc cõi dục, cõi sắc. Tuệ do tư tạo thành chỉ thuộc cõi dục. Tuệ do tu tạo thành thuộc cõi sắc, cõi vô sắc và không hệ thuộc. Ba tuệ đều duyên nơi chỗ hệ thuộc của ba cõi và không hệ thuộc.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Tuệ do văn, tư tạo thành chỉ là phi học phi vô học. Tuệ do tu tạo thành chung cho cả ba thứ. Ba tuệ đều duyên nơi ba thứ.

Về kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn và không đoạn. Tuệ do văn, tư tạo thành chỉ do tu đạo đoạn. Tuệ do tu tạo thành chung cho cả tu đạo đoạn và không đoạn. Ba tuệ đều duyên nơi ba thứ.

Về duyên nơi danh và nghĩa: Ba tuệ này đều duyên nơi danh, nghĩa.

Về duyên nơi sự nối tiếp của mình và sự nối tiếp của người khác, không phải nối tiếp: Ba tuệ này đều duyên nơi ba thứ.

Về tại ý địa, tại năm thức thân: Ba tuệ này chỉ ở ý địa, do trong năm thức không có gia hạnh thiện.

Về gia hạnh đắc, lìa nhiễm đắc, sinh đắc: Ba tuệ này đều chung cho cả gia hạnh đắc và lìa nhiễm đắc, không phải sinh đắc.

Tuệ do văn, tư tạo thành lìa nhiễm đắc: Là lúc lìa nhiễm nơi Hữu đảnh mà được.

Có thuyết nói: Ba tuệ tuy đều là gia hạnh đắc, nhưng cũng có thể nói là sinh đắc, vì lúc từ địa trên chết, sinh xuống địa dưới, cũng có đắc.

Có Sư khác cho: Tuệ do văn tạo thành, ở cõi dục: Chỉ có gia hạnh đắc, ở cõi sắc: Có thể nói là gia hạnh đắc, có thể nói là sinh đắc. Có thể nói là gia hạnh đắc: Là ở cõi dục, gia hạnh tu tập tuệ do văn tạo thành, quán sát về tự tướng, cộng tướng của các pháp, tu tập rất thuần thục, từ cõi dục chết, lúc sinh nơi cõi sắc mới có thể đắc. Có thể nói là sinh đắc: Là tuy ở cõi dục, do gia hạnh tu tập tuệ do văn tạo thành, quán sát về tự tướng, công tướng của các pháp, nếu chưa phát sinh thì vẫn chưa có thể chứng đắc, cần phải sinh lên cõi sắc mới chứng được tuệ ấy. Tuệ do tư tạo thành chỉ là gia hạnh đắc. Tuệ do tu tạo thành thì chung cho cả ba đắc, tức lúc gia hạnh, lìa nhiễm, sinh đều đắc.

Hỏi: Ba tuệ như thế, Thanh văn, Độc giác, Như Lai có đủ bao nhiêu thứ?

Đáp: Đức Như Lai tuy có đủ ba tuệ, nhưng tuệ do tu tạo thành được hiển bày. Vì sao? Vì tự nhiên giác ngộ, do tu đầy đủ công đức như mười lực, bốn pháp vô úy, đại bi v.v… Độc giác tuy hội đủ ba tuệ, nhưng tuệ do tư tạo thành được hiển bày. Vì sao? Vì Độc giác kia tuy tự nhiên giác ngộ, nhưng không tu các công đức như mười lực, bốn pháp vô úy v.v… do vì nhiều tư duy lo nghĩ mà nhập đạo. Thanh văn tuy có đủ ba tuệ, nhưng tuệ do văn tạo thành được hiển bày. Vì sao? Vì Thanh văn là do nghe pháp âm mà nhập đạo.

Lại nữa, ba tuệ như thế đều có thể gọi là tuệ do văn tạo thành. Như nói: Vì nghe nhiều nên có khả năng nhận biết pháp v.v… Đều có thể gọi là tuệ do tư tạo thành: Như trong đây nói Lự tức là tuệ. Lự giống với Tư nên cũng gọi là Tư. Đều có thể gọi là tuệ do tu tạo thành. Như nói: Thế nào là pháp nên tu? Nghĩa là pháp hữu vi thiện.

Lại như Khế kinh nói: Có ba thứ tuệ: 1. Tuệ của ngôn thuyết cứu cánh: Tức là ở đây nói tuệ do văn tạo thành. 2. Tuệ của tư lự cứu cánh: Tức là ở đây nói tuệ do tư tạo thành. 3. Tuệ của xuất ly cứu cánh: Tức là ở đây nói tuệ do tu tạo thành.

Tất cả gia hạnh thiện nơi tâm tâm sở đều được gồm thâu vào ba phẩm tuệ như thế.

***

* Thế nào là Tầm? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận Tông chỉ của người khác cùng làm rõ nghĩa chánh. Nghĩa là: Hoặc có lối chấp: Tầm, Tứ tức là tâm, như phái Thí dụ. Nay nhằm ngăn chận lối chấp đó và hiển bày Tầm, Tứ là tâm sở pháp.

Hoặc lại có kẻ chấp: Tầm, Tứ là giả, không có thật. Nay nhằm ngăn chận lối chấp đó, đồng thời hiển bày hai thứ ấy là pháp thật có, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là Tầm?

Đáp: Các tâm tìm cầu, biện bạch rõ, hiển bày, suy lường, bàn định là tánh phân biệt, là loại phân biệt. Đó gọi là tầm. Các tâm tìm cầu v.v… tên gọi tuy có khác nhau, nhưng Thể không khác, vì đều là làm rõ tự tánh của tầm.

Hỏi: Thế nào là Tứ?

Đáp: Các tâm dò xét, quán sát, tùy hành, tùy chuyển, tùy lưu, tùy thuộc. Đó gọi là tứ. Các tâm dò xét, quán sát v.v… tên gọi tuy có khác nhau, nhưng Thể không khác, vì đều là làm rõ tự tánh của tứ.

Hỏi: Tầm, Tứ có sai biệt gì?

Đáp: Tánh của tâm thô trọng gọi là Tầm. Tánh của tâm vi tế gọi là Tứ. Đây là điểm khác nhau giữa Tầm và Tứ.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho kẻ nghi có được quyết định. Nghĩa là hai pháp này lần lượt cho là giống nhau: Thấy người tìm cầu nhiều, người đời đều nói: Đó là kẻ dò xét nhiều. Thấy kẻ dò xét nhiều, người đời đều nói: Người này tìm cầu nhiều. Hoặc có kẻ sinh nghi cho thể của hai pháp này là một. Vì muốn khiến cho nghi kia được quyết định và chỉ rõ tự Thể của hai thứ ấy đều khác, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Trong đây đã nói tánh của tâm thô, tế là hiển bày về nghĩa gì?

Đáp: Có thuyết nói: Đây là chỉ rõ tâm có tánh thô, tánh tế. Nếu nói như thế, Tầm, Tứ nên lấy tâm làm tự tánh, cũng không tương ưng, vì một vật không cùng có thô, tế.

Có Sư khác cho: Đây là hiển bày lúc tâm thô là có tánh của Tầm, khi tâm tế là có tánh của Tứ. Nếu nói như thế, nên nêu rõ Tầm, Tứ không phải là cùng một tâm, vì lúc tâm thô và tế thì sát-na đã khác biệt.

Lời bình: Nên nói như vầy: Ở đây, chỉ rõ tức trong một tâm tánh thô gọi là Tầm, tánh tế gọi là Tứ. Nếu nói như thế, là nêu rõ trong một tâm có Tầm, có Tứ. Tầm khiến tâm thô nặng, Tứ khiến tâm vi tế.

Hỏi: Vì sao trong một tâm có hai pháp thô, tế cùng không trái nhau?

Đáp: Vì đối tượng tạo tác khác nhau. Tánh của Tầm thì mạnh nhanh, còn tánh của Tứ thì chậm độn. Vì cùng hỗ trợ một tâm, nên tuy có thô, tế, nhưng không mâu thuẫn.

Hỏi: Tầm, Tứ thô tế, tướng ấy như thế nào?

Đáp: Như cây kim và lông chim, đem bó lại thành một bó rồi rà sát vào thân, sinh cảm nhận nhạy bén và chậm chạp. Tầm, Tứ cũng như thế. Lại như lấy rượu nước phần lượng như nhau rồi hòa chung hớp một ngụm, sẽ có sự nhận biết về nhanh chậm. Tầm, Tứ cũng như thế. Và như ta hốt một nhúm muối và bột mì trộn với nhau rồi bỏ vào miệng, sẽ nhận thức được tính chất nhanh chậm. Tầm, Tứ cũng như vậy.

Luận Thi Thiết nói: Như gõ vào các thứ chuông nhỏ bằng đồng, sắt v.v… sẽ phát ra tiếng vang trước thô, sau tế. Tầm, Tứ cũng như thế.

Luận Pháp Uẩn nói: Như tiếng sấm sét và tiếng thổi tù và v.v…, lúc đầu to, sau nhỏ dần. Tầm, Tứ cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Như đàn chim bay trên không, khi vỗ cánh bay lên, cử động của chúng trước thô, sau tế. Tầm, Tứ cũng như thế.

Các thuyết nói trên đều nêu rõ về Tầm, Tứ, lúc không cùng có tác dụng gia tăng, vì có trước, sau.

Có thuyết nêu: Như ta lấy bơ bỏ vào chậu đựng nước lạnh đặt vào chỗ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Do nước phản chiếu ánh nắng của mặt trời, nên bơ ở trạng thái lơ lửng không hòa tan, cũng không đọng lại. Như thế, một tâm có Tầm, có Tứ hai sức cùng nhận giữ, không phải thô cũng không phải tế. Do vậy, Tầm, Tứ cùng được tương ưng. Tầm khiến tâm thô, Tứ làm cho tâm tế.

Trong đây, lược có ba thứ phân biệt:

  1. Phân biệt tự tánh: Nghĩa là hai pháp Tầm, Tứ.
  2. Phân biệt tùy niệm: Nghĩa là niệm tương ưng với ý thức.
  3. Phân biệt suy tính: Tức là tuệ của ý địa không định.

Năm thức thân nơi cõi dục chỉ có một thứ phân biệt tự tánh, tuy cũng có niệm, nhưng không phải là phân biệt tùy niệm, vì không thể nhớ nghĩ. Tuy cũng có tuệ, nhưng không phải là phân biệt suy tính, vì không thể suy tính.

Ý địa nơi cõi dục có đủ ba thứ phân biệt. Ba thức thân của tĩnh lự thứ nhất chỉ có một thứ phân biệt tự tánh, tuy có niệm và tuệ nhưng không phải là hai thứ phân biệt kia. Về nghĩa như đã nói ở trước.

Ý địa nơi tĩnh lự thứ nhất, nếu không định là có đủ ba thứ phân biệt. Nếu ở trong định thì có hai thứ phân biệt là tự tánh và tùy niệm. Tuy cũng có tuệ, nhưng không phải là phân biệt suy tính, vì nếu lúc suy tính là đã ra khỏi định.

Về tâm của tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư: Nếu không định thì có hai thứ phân biệt là tùy niệm và suy tính, trừ tự tánh, vì hai thứ phân biệt đó không có Tầm, Tứ. Nếu ở nơi định thì chỉ có một thứ là phân biệt tùy niệm.

Tâm của cõi vô sắc, nếu không định thì có hai thứ phân biệt là tùy miên và tự tánh. Nếu ở trong định thì chỉ có một thứ là phân biệt tùy niệm.

Các tâm vô lậu tùy theo địa không định mà có. Chỉ có phân biệt: Nghĩa là trừ suy tính mà có. Chỉ có một phân biệt là tùy niệm. Không có đủ ba là không có bất định.

***

* Thế nào là trạo cử? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận Tông chỉ của người khác cùng hiển bày nghĩa chánh. Tức là: Hoặc có người chấp: Trạo cử, tâm tán loạn không có Thể riêng. Nhằm ngăn chận lối chấp đó và muốn chỉ rõ Thể của hai thứ ấy đều khác biệt nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là trạo cử?

Đáp: Các tâm không tịch tĩnh, không dừng nghỉ, cử động vội vã, lao chao, tánh của tâm dao động, vội vã. Đó gọi là trạo cử. Các tâm không tịch tĩnh v.v… tên gọi tuy có khác nhau, nhưng Thể không khác, vì đều nhằm hiển bày tự tánh của trạo cử.

Hỏi: Thế nào là tâm tán loạn?

Đáp: Các tâm tán loạn, trôi nổi không dừng, không phải là tánh của một cảnh. Đó gọi là tâm tán loạn. Các tâm tán loạn v.v… tên gọi tuy có khác nhau, nhưng Thể không khác, vì đều hiển bày tự tánh của tâm tán loạn.

Hỏi: Trạo cử và tâm tán loạn có gì khác nhau?

Đáp: Tướng không tịch tĩnh gọi là trạo cử. Tướng không phải là một cảnh gọi là tâm tán loạn. Đây là sự khác nhau.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì khiến cho người nghi có được quyết định. Tức hai pháp này lần lượt cho là giống nhau: Thấy kẻ trạo cử, người đời đều nói đó là tâm tán loạn. Thấy người tâm tán loạn, người đời cùng nói đó là trạo cử. Hoặc có kẻ sinh nghi cho hai thứ này là một. Vì muốn cho nghi ấy được quyết định và chỉ rõ Thể của hai thứ ấy đều khác, nên tạo ra phần Luận này.

Tướng không tịch tĩnh: Nghĩa là khiến tâm chao đảo vội vàng, gây chướng ngại cho bốn chi, năm chi nơi định.

Tướng không phải là một cảnh: Nghĩa là khiến tâm trôi nổi nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc bên ngoài.

Hỏi: Trạo cử và tâm tán loạn tướng của chúng như thế nào?

Đáp: Như người đang ngồi trên giường, vụt đứng phắt dậy, trạo cử cũng như thế, vì tâm phát động. Như một lệnh ban hành, tâm tán loạn cũng như thế, vì khiến tâm luôn di chuyển theo ngoại cảnh.

Lại như khiến nước từ nơi hố suối chảy ra, trạo cử cũng như thế, vì khiến tâm chao đảo vội vàng. Như khiến cho nước chảy ra rồi tuôn chảy đầy các ao hồ, tâm tán loạn cũng như thế, vì khiến tâm luôn phân tán.

Hỏi: Tâm tán loạn lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy Tam-ma-địa nhiễm ô làm tự tánh.

Có thuyết nói: Có tâm sở riêng, gọi là tâm tán loạn, không phải là Tam-ma-địa.

Lời bình: Nên nói như vầy: Thuyết trước nói là đúng. Tức Tamma-địa tương ưng với phiền não, khiến tâm thường xuyên dời chuyển đối với cảnh, nên gọi là tâm tán loạn.

Trạo cử và tâm tán loạn tuy luôn tương ưng, nhưng căn cứ theo tác dụng tăng trưởng, nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có tâm gọi là có trạo cử không phải là có tâm tán loạn. Nghĩa là đối với một cảnh nơi Tam-ma-địa, lúc cử động quá vội vàng.

2. Có tâm gọi là có tâm tán loạn không phải là có trạo cử. Nghĩa là lúc đối với nhiều cảnh nơi Tam-ma-địa không cử động quá vội vàng.

3. Có tâm gọi là có trạo cử cũng có tâm tán loạn. Nghĩa là lúc đối với nhiều cảnh Tam-ma-địa, cử động quá vội vàng.

4. Có tâm không gọi là có trạo cử cũng không phải là có tâm tán loạn. Nghĩa là lúc đối với một cảnh nơi Tam-ma-địa không cử động quá vội vàng.

Đại đức nói: Nếu tâm gọi là có tâm tán loạn cũng gọi là có trạo cử. Có tâm gọi là có trạo cử không phải là có tâm tán loạn. Nghĩa là lúc ở trong một cảnh nơi Tam-ma-địa với cử động quá vội vàng, như vừa đi vừa chạy trên một quãng đường không ngừng nghỉ.

Lại nữa, trong đây nhân nói về tâm sở, nên nói về pháp đại địa v.v… Nghĩa là:

Pháp đại địa có mười thứ: 1. Thọ. 2. Tưởng. 3. Tư. 4. Xúc. 5. Dục. 6. Tác ý. 7. Thắng giải. 8. Niệm. 9. Tam-ma-địa. 10. Tuệ.

Pháp đại phiền não địa cũng có mười: 1. Bất tín (Không tin). 2. Giải đãi (Biếng nhác). 3. Phóng dật. 4. Trạo cử. 5. Vô minh. 6. Vong niệm (Quên niệm). 7. Bất chánh tri. 8. Tâm tán loạn. 9. Tác ý phi lý. 10. Thắng giải tà.

Hai thứ pháp đại địa này về danh (tên gọi) tuy có hai mươi, thể chỉ có mười lăm. Nghĩa là trong pháp đại địa thọ, tưởng, tư, xúc, dục, danh có năm, thể cũng năm.

Trong pháp đại phiền não địa Bất tín, giải đãi, phóng dật, trạo cử và vô minh, danh có năm, thể cũng năm.

Mười pháp còn lại danh tuy có mười, nhưng thể chỉ có năm. Nghĩa là vong niệm trong pháp đại phiền não địa tức là niệm trong pháp đại địa. Bất chánh tri tức ở kia là tuệ. Tâm tán loạn tức ở kia là Tam-ma-địa. Tác ý phi lý tức ở kia là tác ý. Thắng giải tà tức ở kia là thắng giải. Tuy nhiên, pháp đại địa chung cho cả nhiễm ô, không nhiễm ô. Pháp đại phiền não địa chỉ có nhiễm ô. Năm pháp như niệm v.v… thuận với phẩm thiện thù thắng, đa số đều kiến lập trong các phẩm thiện.

Hoặc có người sinh nghi: Chỉ là không nhiễm ô sao lại nói ở trong địa phiền não.

Có thuyết nói: Vì năm thứ này thuận với nhiễm, cũng hơn hẳn, nên nói lại. Hôn trầm thuận với định, số còn lại không nhiễm khắp, do vậy không kiến lập ở trong pháp địa này. Tuy nhiên, trong đây nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là pháp đại địa không phải là pháp đại phiền não địa: Nghĩa là thọ, tưởng, tư, xúc, dục.

2. Có trường hợp là pháp đại phiền não địa không phải là pháp đại địa: Nghĩa là bất tín, giải đãi, phóng dật, trạo cử và vô minh.

3. Có trường hợp là pháp đại địa cũng là pháp đại phiền não địa: Nghĩa là vong niệm, bất chánh tri, tâm tán loạn, tác ý phi lý và thắng giải tà.

4. Có trường hợp không phải là pháp đại địa cũng không phải là pháp đại phiền não địa: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Có những người muốn khiến tâm tán loạn không phải là Tam-ma-địa. Họ nói hai pháp đại địa này về danh có hai mươi, về thể có mười sáu. Phần nêu ra bốn trường hợp so với trước có khác. Nghĩa là trường hợp một có sáu pháp, tức là năm thứ trước và Tam-ma-địa. Trường hợp hai cũng có sáu pháp, nghĩa là năm thứ trước và tâm tán loạn. Trường hợp ba có bốn pháp, nghĩa là trừ tâm tán loạn trong năm thứ trước. Trường hợp bốn như trước đã nói.

Lời bình: Trong đây, thuyết trước là đúng.

Pháp tiểu phiền não địa có mười thứ: 1. Phẫn. 2. Hận. 3. Phú (Che giấu). 4. Não. 5. Siểm (Dua nịnh). 6. Cuống (Dối trá). 7. Kiêu. 8. Xan (Keo kiệt). 9. Tật (Ganh ghét). 10. Hại.

Pháp đại thiện địa có mười thứ: 1. Tín. 2. Tinh tấn. 3. Hổ. 4. Thẹn. 5. Không tham. 6. Không sân. 7. Khinh an. 8. Xả. 9. Không phóng dật. 10. Không hại.

Pháp đại bất thiện địa có năm thứ: 1. Vô minh. 2. Hôn trầm. 3. Trạo cử. 4. Không hổ. 5. Không thẹn.

Pháp đại hữu phú vô ký địa có ba thứ: 1. Vô minh. 2. Hôn trầm. 3. Trạo cử.

Pháp đại vô phú vô ký địa có mười thứ, tức mười pháp đại địa như thọ v.v… ở trước.

Hỏi: Pháp đại địa v.v… có nghĩa là gì?

Đáp: Nếu là pháp trong tất cả tâm đều có thể đạt được gọi là pháp đại địa. Nghĩa là hoặc nhiễm ô, không nhiễm ô. Hoặc hữu lậu, vô lậu. Hoặc thiện, bất thiện, vô ký. Hoặc thuộc ba cõi, không hệ thuộc. Hoặc học, vô học, phi học phi vô học. Hoặc kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn. Hoặc ở nơi ý địa, hoặc ở nơi năm thức thân. Vì trong tất cả tâm đều có thể đạt được, nên gọi là pháp đại địa.

Nếu là pháp trong tất cả tâm nhiễm ô có thể đạt được, gọi là pháp đại phiền não địa. Nghĩa là hoặc bất thiện, hoặc vô ký. Hoặc thuộc cõi dục, hoặc thuộc cõi sắc, hoặc thuộc cõi vô sắc. Hoặc kiến đạo đoạn, hoặc tu đạo đoạn. Hoặc ở tại ý địa, hoặc ở tại năm thức thân. Vì lúc phiền não sinh khởi đều có thể có được, gọi là pháp đại phiền não địa. Nên biết trong đây năm thứ như bất tín v.v… đều chỉ cùng kết hợp với tất cả tâm nhiễm ô, lập pháp đại phiền não địa.

Năm thứ như vọng niệm v.v… như trước đã nói, nếu chỉ một phần ít pháp trong tâm nhiễm ô có thể có được, gọi là pháp tiểu phiền não địa. Nghĩa là bảy thứ như phẫn v.v… chỉ là bất thiện. Siểm, cuống, kiêu hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký.

Lại, bảy thứ như phẫn v.v… chỉ thuộc cõi dục. Siểm, cuống thuộc cõi dục và tĩnh lự thứ nhất. Kiêu thuộc cả ba cõi.

Lại, mười thứ này chỉ do tu đạo đoạn, chỉ ở tại ý địa. Nếu một thứ lúc khởi, tất không có pháp thứ hai cùng trái nhau, nên gọi là pháp tiểu phiền não địa.

Nếu pháp chỉ ở trong tất cả tâm thiện có thể đạt được, gọi là pháp đại thiện địa. Nghĩa là hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu. Hoặc thiện sinh đắc, hoặc thiện gia hạnh. Hoặc thuộc ba cõi, hoặc không không hệ thuộc. Hoặc học, hoặc vô học, hoặc phi học phi vô học. Hoặc ở tại ý địa, hoặc ở tại năm thức thân. Vì tất cả tâm thiện đều có thể đạt được, nên gọi là pháp đại thiện địa.

Nếu là pháp ở trong tất cả tâm bất thiện có thể có được, gọi là pháp đại bất thiện địa. Nghĩa là hoặc do kiến khổ đoạn, hoặc do kiến tập đoạn, hoặc do kiến diệt đoạn, hoặc do kiến đạo đoạn, hoặc do tu đạo đoạn. Hoặc ở tại ý địa, hoặc ở tại năm thức thân. Vì trong tất cả tâm bất thiện đều có thể đạt được, nên gọi là pháp đại bất thiện địa. Nên biết trong đây, không hổ, không thẹn, vì chỉ ở trong tất cả tâm bất thiện có thể có được, nên gọi là pháp đại bất thiện địa. Hôn trầm và trạo cử đều thuộc về triền phiền não, cùng tương ưng chung với hết thảy tâm bất thiện, lại gây chướng ngại cho chỉ, quán với tác dụng mạnh, nên lại kiến lập ở trong địa bất thiện. Vô minh thuộc về một thứ tùy miên, cùng tương ưng khắp với tất cả tâm bất thiện, nên lại lập ở trong địa bất thiện. Các tùy miên và tùy phiền não khác không có nghĩa như thế.

Nếu pháp trong tất cả tâm hữu phú vô ký có thể đạt được, gọi là pháp đại hữu phú vô ký địa. Nghĩa là hoặc tâm tương ưng với Tát-cada-kiến (Thân kiến) và biên chấp kiến của cõi dục. Hoặc tâm tương ưng với tất cả phiền não của cõi sắc, cõi vô sắc. Hoặc ở tại ý địa, hoặc ở tại năm thức thân. Vì trong tất cả tâm hữu phú vô ký đều có thể có được, nên gọi là pháp đại hữu phú vô ký địa. Nên biết ở đây không có tâm sở riêng, chỉ thuộc về tánh hữu phú vô ký. Chỉ có vô minh, hôn trầm, trạo cử là triền phiền não, gây trở ngại cho chỉ, quán thù thắng. Hoặc là tùy miên hiện hữu khắp trong tất cả tâm hữu phú vô ký có thể đạt được, nên lập trong địa hữu phú vô ký.

Nếu pháp trong tất cả tâm vô phú vô ký có thể đạt được, gọi là pháp đại vô phú vô ký địa. Nghĩa là hoặc thuộc cõi dục, hoặc thuộc cõi sắc, hoặc thuộc cõi vô sắc, hoặc ở nơi ý địa, hoặc ở nơi năm thức thân, hoặc là dị thục sinh, hoặc là đường oai nghi, hoặc là xứ công xảo, hoặc nơi tâm thông quả, đều có thể đạt được, nên gọi là pháp đại vô phú vô ký địa. Nên biết trong đây không có tâm sở riêng, chỉ thuộc về tánh vô phú vô ký. Tức là mười thứ như thọ v.v… vì có thể hiện hữu khắp trong tất cả tâm vô phú vô ký, nên lập trong địa vô phú vô ký.

HẾT – QUYỂN 42