LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 41

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 7: BÀN VỀ VÔ NGHĨA, phần 3

* Như Khế kinh nói: Lúc Đức Phật chuyển pháp luân, các Bí-sô như Kiều-trần-na v.v… thấy pháp, Địa thần Dược Xoa lên tiếng báo khắp: Hôm nay, ở vườn Lộc Uyển, nơi các Tiên nhân tu, tại thành Ba La Nệ Tư, Đức Thế Tôn đã ba lần chuyển pháp luân, hội đủ mười hai tướng, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: Phật chuyển pháp luân, Địa thần Dược Xoa lên tiếng bố cáo khắp v.v… Khế kinh tuy nói như thế, nhưng không phân biệt nghĩa của câu nói đó, không nói là Địa thần vì tự có trí kiến hay là nhân nơi người khác nên biết rồi lên tiếng báo khắp. Kinh là chỗ nương dựa căn bản của Luận này, những điều Kinh kia không nói, nay nên nói đến.

Lại nữa, vì muốn cho người nghi có được quyết định. Kinh nói: Địa thần lên tiếng báo khắp: Đức Phật đã ba lần chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển. Hoặc có kẻ sinh nghi: Địa thần kia tự có trí kiến của hiện lượng, nên mới nhận biết được sự việc như thế. Nay vì khiến người kia được quyết định, đồng thời hiển bày là Địa thần kia chỉ có tri kiến của tỷ lượng và trí sinh xứ đắc, vì chuyển pháp luân không phải là hiện cảnh.

Do nhân duyên ấy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì Địa thần kia có chánh trí kiến nhận biết được Đức Phật chuyển pháp luân và Bí-sô thấy pháp chăng?

Đáp: Không. Vì sự việc này là hết sức sâu xa, không phải là cảnh của họ.

Hỏi: Làm sao vị Địa thần kia nhận biết được?

Đáp: Do 5 duyên:

1. Vì tin tưởng nơi Đức Thế Tôn. Nghĩa là Đức Phật khởi tâm thế tục: Ta chuyển pháp luân, Bí-sô thấy pháp. Do đấy nên Địa thần kia mới nhận biết. Nghĩa là nếu Đức Phật khởi tâm vô lậu, hoặc chưa từng được tâm thế tục, thì hết thảy hữu tình đều không thể nhận biết được. Nếu lúc khởi tâm thế tục đã từng được, thì các loài hữu tình mới có thể nhận biết. Tức Đức Phật lúc khởi tâm thế tục này, nếu muốn khiến cho kẻ độn căn cũng nhận biết, thì hạng tôi tớ thấp kém v.v… cũng có thể nhận biết. Nếu muốn khiến cho hàng lợi căn cũng không nhận biết, thì ngay cả Tôn giả Xá-lợi-tử v.v… nhập biên vực tận cùng nơi tĩnh lự thứ tư, khởi Trí Diệu nguyện cũng không thể nhận biết. Nếu muốn khiến cho nẻo ác cũng nhận biết thì các loài vượn, khỉ v.v… cũng có thể nhận biết. Nếu muốn khiến cho nẻo thiện cũng không nhận biết thì các hàng người, trời cũng không thể nhận biết.

Hôm nay, Đức Phật vì muốn cho Địa thần nhận biết nên khởi tâm thế tục đã từng được: Ta chuyển pháp luân, Bí-sô thấy pháp, nên Địa thần nhận biết rồi mới lên tiếng báo khắp.

Hỏi: Vì sao Đức Phật khởi tâm thế tục ấy?

Đáp: Vì sau khi tu tập vô số các hạnh khổ khó làm trong ba vô số kiếp, vì muốn đem lại lợi ích cho hữu tình, nên hôm nay Đức Phật Chuyển pháp luân, Bí-sô thấy pháp, chính là do công phu gia hạnh xưa kia, nay được quả đầu tiên, vì sinh hoan hỷ sâu xa, nên Ngài khởi tâm này.

Lại nữa, vì từ xưa Đức Phật đã phát thệ nguyện lớn là tạo lợi ích cho muôn người khác, nay mới được quả nên khởi tâm này.

Lại nữa, vì thuở xưa Đức Phật đã phát thệ nguyện lớn là sẽ cứu độ muôn người khác, nay mới được quả nên khởi tâm này.

Lại nữa, thắng nghĩa đúng hẹn đem lại lợi lạc cho chúng hữu tình, nay quả mới được toại nguyện nên Đức Phật khởi tâm này.

2. Hoặc Đức Phật đã bảo với người khác: Ta chuyển pháp luân, Bí-sô thấy pháp, nên Địa thần kia được nghe. Nghĩa là nếu người nào đối với tâm được thiện xảo thì lúc Phật vừa khởi tâm thế tục tức có thể nhận biết rõ. Nếu chỉ đối với ngôn thuyết được thiện xảo thì sau khi Đức Phật bảo với người khác mới có thể nhận biết rõ.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn bảo cho người khác khiến Địa thần kia nhận biết?

Đáp: Vì Đức Thế Tôn muốn hiển bày những lời Ngài đã nói trong pháp khéo thuyết giảng là chân thật, chắc chắn, một lần nghe là một lần ưa thích, cả chúng đều đồng thừa nhận, nên mới bảo cho người khác biết.

Lại nữa, trải qua ba vô số kiếp, Đức Thế Tôn đã tu nhiều khổ hạnh, đều chỉ nhằm đem lại lợi ích cho hữu tình. Nay vừa đắc quả, vì cảm thấy hết sức hoan hỷ, nên mới bảo cho người khác biết.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn tự biểu dương pháp của Ngài là tối tôn tối thắng trong chín mươi sáu thứ đạo pháp, không ai có thể theo kịp, nên mới bảo cho người khác biết.

Lại nữa, Đức Thế Tôn vì muốn chứng tỏ pháp Phật thật sự có khả năng xuất ly và có thần biến lớn, nên mới bảo cho người khác biết.

Lại nữa, Đức Phật vì muốn hiển bày công đức chân thật của nhóm Kiều-trần-na, đồng thời cũng chỉ rõ đó là ruộng phước tốt của thế gian, nên mới bảo cho người khác biết.

Lại nữa, vì muốn cho hàng trời, người luôn kính tin sâu xa đối với Thánh giáo của Phật, nên mới bảo cho người khác biết.

Lại nữa, Đức Thế Tôn vì tự chứng tỏ mình đã xa lìa sự keo kiệt pháp, đối với pháp hy hữu không thầy truyền dạy, nên mới bảo cho người khác biết.

Lại nữa, Đức Thế Tôn vì muốn chứng tỏ mình đã có pháp của bậc Đại sĩ, không phải là đạo nào khác, nên mới bảo cho người khác biết.

Lại nữa, Đức Thế Tôn vì tự hiển bày mình có tướng thông sáng, không phải là đạo khác, nên bảo cho người khác biết. Như Khế kinh nói: Các người thông sáng có ba thứ tướng: a. Khéo tư duy về đối tượng được tư duy. b. Khéo tạo tác về đối tượng được tạo tác. c. Khéo thuyết giảng về đối tượng được thuyết giảng.

1. Hoặc đã nghe nói từ Đại đức Thiên Tiên. Nghĩa là Đức Phật chuyển pháp luân, năm Bí-sô thấy pháp.

Hỏi: Những vị nào gọi là Đại đức Thiên Tiên?

Đáp: Có thuyết nói: Là trời Tịnh cư.

Có Sư khác cho: Là trời thuộc cõi dục đã kiến đế.

Lại có thuyết nêu: Có trời Trường thọ đã từng trông thấy chư Phật, Thế Tôn trong đời quá khứ chuyển tướng pháp luân. Nay trông thấy Đức Thế Tôn có tướng như thế nên rất hoan hỷ, phấn chấn bảo cho Địa thần biết, và Địa thần đã nghe rồi lên tiếng báo khắp.

2. Hoặc Tôn giả Kiều-trần-na v.v… kia khởi tâm thế tục: Phật chuyển pháp luân, chúng ta thấy pháp, do đấy nên Địa thần kia nhận biết.

Vì sao Tôn giả khởi tâm thế tục?

Đáp: Vì đã trừ bỏ hai mươi thứ Tát-ca-da-kiến (Thân kiến), đã đoạn trừ nhân của tất cả nẻo ác. Nẻo sinh tử vô biên nay đã có biên vực, biển khổ không bến bờ nay đã có bờ, đã thấy Thánh đế, nhập vào tụ chánh định, cảm thấy hoan hỷ sâu xa nên khởi tâm này.

Lại nữa, vì xưa kia Tôn giả đã phát thệ nguyện lớn, tu các khổ hạnh, nay đạt được quả, cảm thấy hoan hỷ nên khởi tâm này.

3. Hoặc Tôn giả Kiều-trần-na kia bảo với Địa thần nên được nghe.

Hỏi: Vì sao Tôn giả bảo với Địa thần kia khiến được biết?

Đáp: Vì Tôn giả muốn hiển bày những điều Đức Thế Tôn đã giảng nói trong pháp khéo thuyết giảng là lời chắc thật, một lần thấy là một lần ưa thích, chúng đều đồng thừa nhận, nên báo cho Địa thần biết.

Lại nữa, vì nhằm hiển bày Đức Thế Tôn tu tập nhiều khổ hạnh trải qua ba vô số kiếp, nay mới chứng đắc quả nên báo cho Địa thần biết.

Lại nữa, vì muốn làm rõ pháp Phật là tối tôn tối thắng trong chín mươi sáu thứ đạo pháp nên báo cho Địa thần biết.

Lại nữa, vì muốn nêu rõ pháp Phật thật sự có khả năng xuất ly, có đại thần biến, nên báo cho Địa thần biết.

Lại nữa, vì nhằm khiến cho hàng trời, người kính tin sâu xa đối với Thánh giáo của Phật, nên báo cho Địa thần biết.

Lại nữa, vì muốn làm phát sinh tâm ưa thích pháp nơi vô lượng hữu tình, nên báo cho Địa thần biết.

Lại nữa, vì nhằm khiến cho vô lượng hữu tình biếng nhác phát khởi siêng năng tinh tấn, nên báo cho Địa thần biết.

Lại nữa, vì muốn hiển bày Đức Như Lai đã xả bỏ lối tu khổ hạnh cùng cực, đã có quả lớn, nên báo cho Địa thần biết.

Lại nữa, vì muốn hiển bày tự thân quy y nơi pháp Phật thì không uổng công sức, nên báo cho Địa thần biết.

– Về nghĩa của Chuyển pháp luân sẽ nói rõ trong phẩm Bất Hoàn thuộc chương Định Uẩn ở phần sau.

– Lại, Khế kinh nói: Có các Bí-sô đắc quả A-la-hán, dứt sạch hết các lậu, trời Ba Mươi Ba thường xuyên tập trung nơi Thiện Pháp Đường, khen ngợi Tôn giả của xứ nọ, hoặc đệ tử của vị ấy, đã cạo bỏ râu tóc, mặc cà sa, chánh tín xuất gia, siêng tu Thánh đạo, các lậu dứt hết, chứng được vô lậu, tâm tuệ giải thoát, có khả năng tự thông đạt nơi hiện pháp, chứng cụ túc trụ, lại tự nhận biết rõ: Đời sống của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, mọi việc đã làm xong, không còn nhận thân đời sau, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như trong Khế kinh Viên Sinh Thọ nói: Có các Bí-sô đắc quả A-la-hán, dứt sạch hết các lậu, trời Ba Mươi Ba v.v… cho đến nói rộng. Khế kinh tuy nói như vậy, nhưng không phân biệt nghĩa ấy, không nói trời Ba Mươi Ba là tự có trí kiến hay là nhân nơi kẻ khác mà biết, nên tập trung nơi Thiện Pháp Đường để khen ngợi. Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì kinh ấy không nói thì nay nói đến.

Lại nữa, vì muốn khiến cho kẻ nghi có được quyết định. Nghĩa là có kẻ nghi trời kia tự có trí kiến của hiện lượng nên nhận biết sự việc như thế. Nay nhằm khiến nghi đạt được quyết định, nêu rõ trời kia chỉ có trí kiến của tỷ lượng, trí sinh xứ đắc, đối với việc đạt lậu tận, không phải là hiện cảnh của họ.

Do nhân duyên ấy nên tạo ra phần Luận này.

Các vị trời kia có chánh trí kiến nên nhận biết các Bí-sô

đắc quả A-la-hán, các lậu dứt hết chăng?

Đáp: Không. Vì việc này là hết sức thâm diệu, không phải là cảnh giới của họ.

Hỏi: Vậy sao họ nhận biết?

Đáp: Do 5 duyên:

4. Tin tưởng nơi Đức Thế Tôn. Nghĩa là nhờ Phật khởi tâm thế tục, nêu rõ các Bí-sô này đắc A-la-hán, các lậu dứt hết, do vậy nên trời kia nhận biết. Nghĩa là nếu Đức Phật khởi tâm vô lậu hay tâm thế tục chưa từng được thì tất cả hữu tình đều không thể nhận biết. Nếu khi Phật khởi tâm thế tục từng được thì các hữu tình mới có thể nhận biết. Tức lúc Đức Phật khởi tâm thế tục ấy, nói rộng như trước.

Hiện tại, Đức Phật vì muốn khiến cho trời kia nhận biết, nên khởi tâm thế tục từng được, nêu rõ các Bí-sô đắc quả A-la-hán, dứt hết các lậu, trời kia mới biết, nên tập trung nơi Thiện Pháp Đường khen ngợi sự việc đó.

Hỏi: Do đâu Phật khởi tâm thế tục ấy?

Đáp: Do những vị A-la-hán kia là chân thật, thích hợp với ý Phật. Nghĩa là nếu các Bí-sô vĩnh viễn đoạn trừ thân đời sau, chính là chân thật thích hợp với ý Phật. Tức những Bí-sô này các lậu đã dứt hết, hoàn toàn không còn nhận đời sau, đều thích hợp với ý Phật nên Ngài khởi tâm thế tục khiến chư Thiên nhận biết, do vậy, họ tập trung nơi Thiện Pháp Đường kia nói lời khen ngợi.

5. Hoặc Phật báo cho chư Thiên biết, là những Bí-sô này đã đắc A-la-hán, dứt hết các lậu, cho nên trời kia nghe được. Nghĩa là nếu đối với tâm đạt được thiện xảo thì khi Phật khởi tâm liền có thể nhận biết rõ. Còn nếu chỉ đối với ngôn thuyết đạt được thiện xảo thì Phật báo cho chư Thiên biết rồi, mới có thể nhận biết.

Hỏi: Vì sao Đức Phật báo cho chư Thiên biết?

Đáp: Đức Thế Tôn muốn hiển bày trong pháp khéo thuyết giảng kia, những điều Ngài đã giảng nói là chắc chắn, chân thật, một lần thấy là ưa thích, các chúng đều thừa nhận, nên báo cho chư Thiên biết.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn tự hiển bày pháp của Ngài là tối tôn tối thắng trong chín mươi sáu đạo pháp không ai có thể theo kịp, nên báo cho chư Thiên biết.

Lại nữa, muốn hiển bày pháp Phật thật sự có khả năng xuất ly và có đại thần biến, nên Đức Thế Tôn đã báo cho chư Thiên biết.

Lại nữa, Đức Phật muốn chỉ rõ công đức chân thật của các Bísô này, chỉ rõ họ là phước điền tốt của thế gian, nên Phật báo cho chư Thiên biết.

Lại nữa, muốn khiến cho hàng trời, người luôn tin kính sâu xa đối với Thánh giáo Phật, nên Đức Phật báo cho chư Thiên biết.

Lại nữa, nhằm khuyến khích những kẻ tu hành khác phát khởi tâm tinh tấn dũng mãnh, nên Đức Phật báo cho chư Thiên biết.

6. Hoặc từ nơi Đại đức Thiên Tiên nghe được. Nghĩa là những Bí-sô kia đã dứt hết các lậu.

Hỏi: Những vị nào gọi là Đại đức Thiên Tiên?

Đáp: Là những vị trong hàng trời chứng đắc A-la-hán.

Hỏi: Hết thảy A-la-hán ấy đều biết sự việc này nên báo cho chư Thiên biết chăng?

Đáp: Không phải vậy. Những vị có căn trí thù thắng mới có thể nhận biết, không phải những kẻ khác.

7. Hoặc Tôn giả kia khởi tâm thế tục: Ta đã dứt hết các lậu, đắc quả A-la-hán, do đó nên chư Thiên nhận biết.

Vì sao Tôn giả ấy khởi tâm thế tục?

Đáp: Vì Tôn giả ấy từ vô thỉ đến giờ thân tâm luôn bị phiền não thiêu đốt, bức bách, nay được mát mẻ. Dòng sinh tử nối tiếp từ vô thỉ đến giờ, nay được vĩnh viễn đoạn hẳn. Đã bỏ chỗ nung đốt, ngột ngạt, được chốn mát mẻ trong lành, bỏ hẳn vị ái nhiễm được hương vị giải thoát, từ bỏ đắm vướng được xuất ly, từ bỏ cấu uế được thanh tịnh, tất sinh hoan hỷ sâu xa nên khởi tâm ấy.

8. Hoặc Tôn giả ấy báo cho vị khác, nên chư Thiên nghe được.

Hỏi: Vì sao Tôn giả ấy báo cho vị khác biết?

Đáp: Tôn giả muốn hiển bày trong pháp khéo thuyết giảng, những điều Đức Phật giảng nói là chắc chắn, chân thật, một lần thấy là ưa thích, các chúng đều chấp nhận nên báo cho vị khác biết. Ngoài ra, tùy chỗ ứng hợp, như Đức Phật báo cho vị khác biết và Tôn giả Kiều-trần-na báo cho vị kia biết.

Lại nữa, nhằm khiến những người đầu tiên đến cung cấp cho Tôn giả các thứ y phục, thức ăn uống, tọa cụ, thuốc men, các thí chủ ấy nghe sinh hoan hỷ, công đức tăng thêm, nên báo cho vị khác biết.

Lại nữa, muốn khiến cho kẻ từ trước đến nay không kính tin, nay sinh kính tin, nên báo cho vị khác biết.

Lại nữa, nhằm hiển bày những vị xuất gia siêng tu khổ hạnh có được quả thù thắng, nên báo cho vị khác biết.

Hỏi: Những thiên thần khác cũng có khen ngợi người dứt hết các lậu chăng?

Đáp: Nên nói là cũng có.

Hỏi: Vì sao chỉ nói trời Ba Mươi Ba này?

Đáp: Do chư Thiên của trời này thường xuyên tụ tập luận về việc thiện, ác, nên nói riêng. Nghĩa là vào những ngày mồng tám, mươi bốn, rằm, vì thời gian có trăng hay tối trăng, chư Thiên kia tụ tập nơi Thiện Pháp Đường khen ngợi về việc thiện, ác ở thế gian nhiều hay ít.

Lại nữa, trời Ba Mươi Ba kia luôn xem xét công việc gây tạo thiện ác ở thế gian, thấy ai tạo thiện thì ủng hộ, thấy ai tạo ác thì cùng chê trách, nên nói riêng.

Lại nữa, trời Ba Mươi Ba kia thấy người thế gian làm thiện thì hoan hỷ, khen ngợi, nên nói riêng.

Lại nữa, trời Ba Mươi Ba kia có cây Viên sinh, dụ cho bậc A-lahán, nên nói riêng.

Hỏi: Trời Ba Mươi Ba kia cũng cùng khen ngợi hàng hữu học chăng?

Đáp: Cũng cùng khen ngợi. Các hàng hữu học, nếu là những hữu tình hiếu dưỡng cha mẹ, trời kia hãy còn khen ngợi, huống chi là bậc hữu học.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao Khế kinh nói trời kia chỉ khen ngợi bậc A-la-hán?

Đáp: Là dựa vào chỗ thù thắng mà nói. Nghĩa là Bổ-đặc-già-la của pháp vô học đều là thù thắng so với hữu học, nên nói riêng.

Lại nữa, do cây Viên sinh hầu hết là giống với bậc lậu tận, có thể lấy đó làm dụ, nên nói riêng.

Lại nữa, do bậc lậu tận là điều đáng ưa thích hơn hết, là lìa mọi lỗi lầm, trở nên thanh tịnh tột bậc, không còn tội lỗi, là vô cùng khó đạt được, không gì có thể chê trách, bậc ấy xứng đáng được cúng dường, nên nói riêng.

Lại nữa, do bậc A-la-hán giải thoát viên mãn, gồm đủ mọi công đức, vĩnh viễn dứt sạch tất cả sinh, lão, bệnh, tử, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu bậc A-la-hán xuất hiện nơi thế gian thì hàng trời, người sung mãn, nẻo ác giảm thiểu, như có bậc vua đức hạnh xuất hiện trên đời, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian thì chúng chư Thiên tăng, chúng phi thiên giảm, như lúc trăng tròn thì biển cả trần đầy, vì thế nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian thì quân của chư Thiên chiến thắng A-tố-lạc, như lúc đánh nhau thấy Thiên tử Thiện Dũng, thế nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian thì thiên tử sinh sau, thọ mạng, sức lực và danh tiếng hơn người sinh trước, như kẻ nghèo khổ đem nước cơm để bố thí, sẽ hơn thí chủ khác, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian, chỉ dùng một ít vật dụng để bố thí mà được quả lớn. Như Tôn giả Ca-diếp-ba, Tôn giả Vô-diệt (A-na-luật) chỉ bố thí một bữa ăn dở, mà nhiều lần sinh trong cõi trời, người, nhận quả vi diệu thù thắng, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian, có khả năng khiến người trông thấy tuy chỉ sinh khởi một ít tâm tịnh mà được sinh lên cõi trời, thọ hưởng an lạc, như loài chó, ểnh ương, chỉ hít lấy không khí mà buộc giữ chặt điều ác, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian thì ngục tù sinh tử phần nhiều được giải thoát, như vua sinh con, đại ân xá cho thiên hạ, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian, con đường của nẻo thiện ác hiện bày sáng rõ, như lúc mặt trời mọc lên tỏa chiếu soi sáng các chốn nguy hiểm, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian, có thể khiến chư Thiên không mất ngôi vị trời, như tướng suy của Thiên Đế Thích đã được trừ bỏ, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian, có thể khiến các chúng trời, tiên đều sung mãn trong các cung trời, như được bạn lành thâu giữ, công đức đầy đủ, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian, có thể khiến chư Thiên nhàm chán năm thứ dục lạc, như Thiên Đế Thích Diễm Ma Luân Vương, các thứ dục diệu hiện tiền, vẫn có thể sinh nhàm chán, dứt bỏ, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian, có thể khiến thế gian lắng nghe chánh pháp, pháp Bồ-đề báu thảy đều dồi dào, như nương theo thuyền báu trên biển cả sẽ đến nơi mình định đến, nên nói riêng.

Lại nữa, nếu A-la-hán xuất hiện nơi thế gian, tất cả hữu tình đều được thọ nhận an vui, như mưa cam lồ, gieo trồng lúa thóc được mùa, nên nói riêng.

Do các nhân duyên như thế, nên chư Thiên chỉ nói về bậc vô học.

Hỏi: Chư Thiên trời Ba Mươi Ba khen ngợi tất cả A-la-hán hay chỉ là phần ít?

Đáp: Có thuyết nói: Tất cả. Vì chư Thiên kia thích khen ngợi đức của người khác. Các bậc A-la-hán mọi công việc đã làm xong, thật là hiếm có, nên xưng tán.

Lại có thuyết cho: Không khen ngợi tất cả. Vì sao? Vì có A-lahán hoặc hàng trăm, hàng ngàn, đều dựa nơi núi, hang mà nhập Niếtbàn. Các người ở chung hãy còn không biết rõ, huống chi là các người, trời khác ở xa mà cùng xưng tán!

Hỏi: Những A-la-hán nào được xưng tán?

Đáp: Như trong kinh này đã nêu về việc xưng tán. Nghĩa là các A-la-hán đã tạo tác nghiệp danh tiếng tăng trưởng, được chư Thiên kia xưng tán. Nếu không tạo tác nghiệp danh tiếng, hoặc tạo tác mà không tăng trưởng, chư Thiên kia không xưng tán.

Lại nữa, nếu có người nào thuộc hàng hào quý mà xuất gia thì chư Thiên kia xưng tán, như vua họ Thích v.v…

Lại nữa, nếu có người nào thuộc loại giàu có lớn tạo nhiều công đức lớn thì chư Thiên kia xưng tán, như Tôn giả Vô-diệt v.v…

Lại nữa, nếu người có trí lớn, lợi tha không biết mỏi mệt, thì được chư Thiên xưng tán, như Tôn giả Xá-lợi-tử v.v…

Lại nữa, nếu là người có khả năng hộ trì pháp Phật, đông đảo người cùng quy y thì được chư Thiên xưng tán, như Tôn giả Ẩm Quang v.v…

Lại nữa, nếu có người lúc sinh, gây chấn động cả trời, đất, hiện bày hào quang rực rỡ, tức được chư Thiên xưng tán.

Lại nữa, nếu có người xuất gia tinh tấn tu trì khổ hạnh, có thể hành tác những hạnh khó làm, gìn giữ Phật pháp, đem lợi ích cho hàng trời, người, thì chư Thiên kia xưng tán.

Ngoài ra, các A-la-hán khác, chư Thiên kia không xưng tán.

Hỏi: Kẻ tăng thượng mạn, chư Thiên có nhận biết không?

Đáp: Có thuyết nói: Có nhận biết và không nhận biết. Nghĩa là người dựa vào công đức thù thắng khởi tăng thượng mạn thì chư Thiên không nhận biết. Nếu kẻ dựa vào công đức thấp kém khởi tăng thượng mạn thì chư Thiên nhận biết. Nếu người dựa vào công đức vi diệu khởi tăng thượng mạn thì chư Thiên không nhận biết. Nếu kẻ dựa vào công đức thô thiển khởi tăng thượng mạn thì chư Thiên nhận biết.

Lại nữa, nếu người dựa vào công đức của cõi trên khởi tăng thượng mạn thì chư Thiên không nhận biết. Nếu người dựa vào công đức của cõi dục khởi tăng thượng mạn thì chư Thiên nhận biết.

Có Sư khác cho: Kẻ tăng thượng mạn, chư Thiên không nhận biết. Như Thiên Đế Thích, lúc thế gian không có Phật, hoặc trông thấy ngoại đạo ở một mình nơi thanh vắng, vội vã đến tận nơi quán sát, tỏ vẻ cung kính, cho là Như Lai. Đế Thích hãy còn như vậy huống chi là Thiên chúng khác.

Hỏi: Các người phạm giới, chư Thiên có biết không?

Đáp: Có biết và không biết. Nghĩa là kẻ phạm giới thô trọng, chư Thiên nhận biết. Nếu người phạm giới nhỏ nhặt, chư Thiên không nhận biết.

***

* Như Khế kinh nói: Tại nước Ma-kiệt-đà, các quan phụ tá, hoặc là hàng hóa pháp điều phục, hoặc là hàng pháp tùy pháp hành, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Kinh Thắng Uy nói: Một thời, Đức Phật ở tại khu rừng Quận-thị-ca, thuộc ấp Na-địa-ca. Lúc ấy, ở nước Ma-kiệt-đà có tám vạn bốn ngàn quan phụ tá chết cùng một lúc.

Có thuyết nói: Họ chết là do bệnh dịch.

Có thuyết cho: Họ bị vua Vị Sinh Oán giết. Nghĩa là vua Vị Sinh Oán giết vua cha rồi cũng giết luôn tám vạn bốn ngàn quan phụ tá. Các quyến thuộc của nạn nhân kéo đến chỗ đức A-nan nói như thế này: Ở ấp nọ của nước kia, có người tin Phật, thân hoại mạng chung, Đức Như Lai đều ghi nhận họ sẽ được sinh vào các nơi này, xứ kia. Nước Ma-kiệt-đà có tám vạn bốn ngàn quan hầu cận của vua trước, cũng đều tin Phật. Nay họ đã chết nhưng chưa được Đức Thế Tôn ghi nhận nơi sinh cho họ, ngưỡng mong được nhận lời thỉnh cầu này. Tôn giả A-nan chấp nhận lời thỉnh cầu ấy. Sáng sớm hôm đó, Tôn giả A-nan đến chỗ Đức Như Lai, đảnh lễ nơi hai chân, lui lại, đứng qua một bên, cung kính chấp tay, hiện tướng thân ái, tìm cách thưa thỉnh: Có người tin Phật ở ấp kia, nước kia, thân hoại mạng chung, Đức Phật đã ghi nhận nơi chốn thọ sinh của họ. Vua Ảnh Kiên nước Ma-kiệt-đà và tám vạn bốn ngàn vị quan cũng đều tin Phật, nay họ thân hoại mạng chung nhưng Đức Như Lai không ghi nhận về nơi chốn thọ sinh, quyến thuộc của họ cảm thấy buồn bã. Nếu Đức Phật không ghi nhận về nơi chốn thọ sinh của họ, e đám quyến thuộc kia sẽ sinh tâm hiềm trách. Ngưỡng mong Đức Thế Tôn vì xót thương họ mà ghi nhận cho.

Lại, Đức Phật đã thành tựu bậc Chánh Đẳng Chánh Giác tại nước Ma-kiệt-đà này, nên đất nước đó có ơn. Lại, vua Ảnh Kiên thâm tín Tam bảo, luôn cung kính cúng dường chưa từng có chút thiếu sót, do vậy Đức Thế Tôn nên ghi nhận cho họ. Vì thương xót họ, nên Đức Phật yên lặng chấp nhận. Ngay sau đó, Đức Phật mang y bát đi vào ấp Na-địa-ca, như pháp khất thực, thọ trai xong, Đức Phật quay về khu rừng Quận-thị-ca, cất y bát, rửa chân, vào phòng nghỉ trải tọa cụ rồi ngồi, ổn định thân ý, buộc niệm tư duy, quán sát nơi sinh của các vị quan nước Ma-kiệt-đà.

Hỏi: Đức Phật đối với các pháp, lúc vừa khởi tâm là trí kiến vô ngại tự nhiên vận chuyển, vì sao Đức Phật lại phải vào phòng để chuyên chú tư duy, quán sát?

Đáp: Vì muốn chứng tỏ quả nghiệp là hết sức sâu xa, vô cùng vi tế, khó nhận biết, khó hiểu rõ, khó hiện thấy. Là do trong tất cả giáo pháp của ba Tạng, Tạng Tỳ-nại-da là sâu xa hơn hết, phần nhiều nêu rõ về tướng sai biệt của quả nghiệp. Trong các Khế kinh, nói về xứ của nghiệp quả là thâm diệu tột bậc. Hai thứ hành, hữu trong mười hai chi là hết sức sâu xa. Trí lực tự nghiệp trong mười lực của Phật rất là vô cùng vi diệu. Nghiệp uẩn thứ tư trong tám uẩn này (Chương thứ tư trong 8 chương của Luận này) là sâu xa bậc nhất. Trong bốn điều khó suy nghĩ, nghiệp quả của hữu tình là sâu rộng hơn cả. Do đó Đức Phật phải vào phòng để chuyên chú tư duy, quán sát.

Lại nữa, vì Đức Phật muốn chỉ rõ nhân, quả nơi thân, tâm của các quan nước Ma-kiệt-đà, về những chướng ngại, đối trị, mạng chung, thọ sinh, mỗi mỗi đều có đủ thứ loại khác nhau. Do vậy Đức Phật phải vào phòng để chuyên chú tư duy, quán sát.

Lại nữa, vì người đáng thọ nhận sự giáo hóa hãy còn chưa tập hội. Nghĩa là Đức Phật giảng nói pháp không phải vì một người, như Đại Long vương làm mưa, tất thấm nhuần khắp cả. Vì còn phải chờ đợi vô lượng hữu tình đáng được hóa độ, nên Đức Phật vào phòng để buộc niệm tư duy.

Lại nữa, Thiên tử Thắng Uy hãy còn chưa đến. Nghĩa là vua Ảnh Kiên sau khi bị con giết chết, sinh vào nhà đa văn tên là Thắng Uy, nghe Đức Như Lai giảng nói những sự khác nhau về nơi sinh của các quan phụ tá kia, ông ta tức đến nghe nhận. Vì còn chờ đợi vị ấy, nên Đức Phật lại vào phòng để buộc niệm tư duy.

Lại nữa, vì Đức Phật muốn khiến Tôn giả A-nan kính trọng pháp. Nghĩa là nếu Đức Phật vì Tôn giả A-nan mà xem thường việc giảng nói pháp, tức Tôn giả A-nan sẽ không kính trọng sâu xa chánh pháp. Vì muốn cho Tôn giả A-nan tỏ ra khao khát được nghe Phật nói, tất sẽ thọ trì, tư duy như lý, vì người khác giảng nói rộng. Do vậy Đức Phật mới vào phòng để buộc niệm tư duy.

Lại nữa, vì nhằm đoạn trừ tâm kiêu mạn của người ngu. Nghĩa là kẻ không trí thật sự không hiểu biết gì mà mang tâm kiêu mạn cho là thông sáng. Nếu Tôn giả A-nan thỉnh hỏi, Đức Phật không quán sát chỗ cạn, sâu tức đã trả lời một cách khinh suất. Ở đây, Đức Phật muốn đoạn trừ tâm kiêu mạn của Tôn giả A-nan và tự làm rõ trí kiến của mình vận chuyển tự nhiên đối với tất cả pháp. Nếu được Tôn giả A-nan hỏi hãy còn nhận xét, tư duy thật rõ chắc để đáp, huống chi đối với kẻ không trí hỏi mà vội trả lời hay sao?

Lại nữa, Đức Phật vì muốn tự hiển bày pháp của bậc Thiện sĩ. Nghĩa là các bậc Thiện sĩ có ba thứ tướng: Là khéo tư duy về đối tượng được tư duy v.v… Vì thế không phải hỏi xong là trả lời một cách dễ dãi.

Lại nữa, vì Đức Phật muốn tự hiển bày tướng của người trí. Nghĩa là các người trí đều xét nghĩ thật kỹ rồi mới nói, nên Đức Phật được hỏi mà vẫn phải buộc niệm tư duy.

Có thuyết nói: Đức Phật muốn vào phòng nghỉ để hiện bày diệu dụng nơi tĩnh lự, vì Tôn giả A-nan thỉnh hỏi nên Đức Phật chưa trả lời.

Bấy giờ, vào khoảng xế chiều, Đức Thế Tôn từ định đứng dậy, đi đến chỗ đại chúng, tự trải tọa cụ lên tòa như thường lệ, ngồi một cách an lành.

Tôn giả A-nan đến trước Đức Phật, đảnh lễ nơi hai chân, chấp tay cung kính, bạch Phật: Hôm nay con nhận thấy gương mặt và mắt của Như Lai rất thanh tịnh, đi đứng thật khoan thai, các căn vắng lặng, chứng tỏ Như Lai đã hiện bày diệu dụng nơi tĩnh lự, thọ hiện pháp lạc. Những điều trước đây con đã thỉnh hỏi, ngưỡng mong Như Lai giảng nói.

Phật bảo Tôn giả A-nan: Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói, hãy lắng nghe, khéo tư duy, Như Lai sẽ vì ông giảng nói về việc tám vạn bốn ngàn quan phụ tá của nhà vua nước Ma-kiệt-đà đã qua đời. Hoặc họ là hóa pháp điều phục, hoặc họ là pháp tùy pháp hành, đều đoạn trừ ba kiết, được quả Dự lưu, không còn thoái chuyển nữa, chắc chắn hướng đến Bồ-đề, tối đa là bảy lần trở lại thọ sinh, tức bảy lần trở lại nơi cõi người, trời, lưu chuyển tới lui là tạo được biên vực tận cùng của sự khổ. Một loại sinh lên cõi trời Tứ Đại vương chúng, như thế cho đến một loại sinh trong chúng đồng phần của trời Tha Hóa Tự Tại, cho đến nói rộng.

Hỏi: Quan phụ tá nghĩa là gì?

Đáp: Những người đó luôn hộ trì Phật, Pháp, Tăng bảo, khiến không tổn giảm, nên gọi là phụ tá.

Lại nữa, do các vị quan ấy đều là những người lo việc cung phụng trong hoàng cung vua Tần-tỳ-sa-la, nên gọi là phụ tá.

Lại nữa, vì họ đều là những người giúp đỡ vua Tần-tỳ-sa-la cai trị, nuôi dưỡng muôn dân trong nước, nên gọi là phụ tá.

Lại nữa, các quan phụ tá đó là những người từ đời trước đã từng được đặt tên. Nghĩa là xưa có vị vua Chuyển Luân đầy đủ bảy báu, cai trị bốn châu thiên hạ. Vua dẫn đám phụ tá gồm tám vạn bốn ngàn người, vượt hư không dạo chơi. Bấy giờ, xe báu bỗng dưng dừng lại không đi nữa, vua kinh sợ nói với các quan: Sắp mất ngôi hay là mạng hết rồi chăng? Vị thần cây Bồ-đề tâu nhà vua: Từ đây trở xuống không xa, có cội cây Bồ-đề, chư Phật đều dựa vào đó để chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác. Vậy không nên đi trên hư không ngang qua chỗ đó. Nghe thần cây nói vậy, vua cùng các quan vội hạ xuống nơi cây Bồ-đề, đảnh lễ sám hối, tất cả đều cung kính nhiễu quanh cây theo phía tay phải, bày biện lễ cúng dường, rồi ra đi theo ngả khác. Chuyển Luân Vương thời ấy nay chính là vua Ảnh Kiên, tám vạn bốn ngàn quan phụ tá kia nay là các quan phụ tá bị vua Vị Sinh Oán sát hại.

Vì thế nên biết các quan phụ tá ấy đã mang tên từ đời trước.

Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt về nghĩa của sự việc đó. Kinh là chỗ nương dựa căn bản của Luận này, những điều Kinh kia không nói nay nên nói đến, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Như Kinh kia nói: Thế nào là Hóa pháp điều phục? Thế nào là Pháp tùy pháp hành?

Đáp: Nếu ở trong nẻo trời mà thấy pháp, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người mà thấy pháp, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu người nào không thọ trì giới mà thấy pháp, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu người nào thọ trì giới mà thấy pháp, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người gieo trồng các căn thiện cũng khiến thành thục, về sau sinh trong nẻo trời được giải thoát, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở nơi nẻo người gieo trồng các căn thiện cũng khiến được thành thục, tức ở nơi nẻo người đạt được giải thoát, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người tu căn thiện thuận phần quyết định lựa chọn, về sau sinh trong nẻo trời có được thông đạt, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người tu căn thiện thuận phần quyết trạch, tức ở nơi nẻo người có được thông đạt, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người tu đạo gia hạnh, về sau sinh trong nẻo trời nhập chánh tánh ly sinh, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người tu đạo gia hạnh, tức ở nơi nẻo người nhập chánh tánh ly sinh, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người tu căn thiện hành đế, về sau sinh trong nẻo trời được hiện quán đế, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người tu căn thiện hành đế, tức ở nơi nẻo người được hiện quán đế, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người tu trị căn thiện, về sau sinh trong nẻo trời thấy pháp thanh tịnh, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người tu trị căn thiện, tức ở nơi nẻo người thấy pháp thanh tịnh, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người thọ giới giả danh, về sau sinh trong nẻo trời được giới của Thánh giả yêu thích, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người thọ giới giả danh, tức ở nơi nẻo người được giới của Thánh giả yêu thích, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người được biệt giải thoát luật nghi tĩnh lự, về sau sinh trong nẻo trời được luật nghi vô lậu, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người được biệt giải thoát luật nghi tĩnh lự, tức ở nơi nẻo người được luật nghi vô lậu, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người thọ giới tác ý, về sau sinh trong nẻo trời được giới pháp như thế, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người thọ giới tác ý, tức ở nơi nẻo người được giới pháp như thế, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người được giới tăng thượng, tâm học tăng thượng, về sau sinh trong nẻo trời được tuệ học tăng thượng, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người được giới học tăng thượng, tâm học tăng thượng, tức ở nơi nẻo người được tuệ học tăng thượng, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người tu chi Dự lưu, về sau sinh trong nẻo trời được quả Dự lưu, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người tu chi Dự lưu, tức ở nơi nẻo người được quả Dự lưu, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người được niềm tin thế tục, về sau sinh trong nẻo trời được chứng tịnh, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người được niềm tin thế tục, tức ở nơi nẻo người được chứng tịnh, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, nếu ở trong nẻo người tu ba mươi bảy pháp phần Bồđề, về sau sinh trong nẻo trời đạt được đầy đủ, gọi là Hóa pháp điều phục. Nếu ở trong nẻo người tu ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề, tức ở nơi nẻo người đạt được đầy đủ, thì gọi là Pháp tùy pháp hành.

Hỏi: Vì sao trong nẻo trời được thấy pháp, gọi là Hóa pháp điều phục, còn ở trong nẻo người được thấy pháp, lại gọi là Pháp tùy pháp hành?

Đáp: Nếu ở trong nẻo trời thấy pháp thì tu gia hạnh ít, còn nếu ở trong nẻo người được thấy pháp thì tu gia hạnh nhiều. Nghĩa là ở trong nẻo người, người được thấy pháp, trước hết phải siêng năng cung kính, cúng dường thầy, bạn, tụng Tố-đát-lãm, học Tỳ-nạida, phải nghe, nhận, quyết trạch A-tỳ-đạt-ma, tư duy, quan sát về tự tướng và cộng tướng của tất cả pháp. Lúc được thuần thục, phải cư ngụ nơi thanh vắng, trong núi rừng, từ đầu hôm đến sáng hôm sau, trừ bỏ thùy miên, dần dần thọ trì bảy pháp lớn nhỏ, bắt đầu lúc mặt trời lặn, đến khi mặt trời mọc, luôn ngồi kiết già, giữ sự yên tĩnh ở đầu, khi đi phải nương gậy pháp, tinh tấn hết mực, buộc niệm tư duy mới nhập được Thánh đạo. Người tu hạnh kia do vận dụng pháp gia hạnh nhiều như vậy, nên gọi là Pháp tùy pháp hành.

Nếu ở trong nẻo trời được thấy pháp, là do từ xưa ở trong cõi người đã từng nghe, tư duy, tu tập nên nay Thánh đạo tự nhiên hiện tiền. Người đó nhờ thọ nhận sự giáo hóa mà được thấy pháp, được pháp điều phục, nên có tên riêng là Hóa pháp điều phục.

***

* Thế nào là nhiều dục? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt rộng nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: “Có nhiều dục, có không biết đủ”. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt nghĩa của câu nói đó. Kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này, những điều Kinh kia không nói nay nên nói, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là nhiều dục?

Đáp: Các thứ dục, đã dục, sẽ dục. Đó gọi là nhiều dục. Luận sư của bản Luận này đối với danh nghĩa khác biệt đã có được thiện xảo, nên dùng vô số tên gọi để hiển bày về nhiều dục. Văn tuy bất đồng nhưng Thể không khác biệt.

Hỏi: Thế nào là không biết đủ?

Đáp: Các thứ không biết đủ, không cùng biết đủ, không biết đủ khắp, không đã biết đủ, không sẽ biết đủ. Đó gọi là không biết đủ. Luận sư của bản Luận này đối với danh nghĩa khác biệt đã có được thiện xảo, nên dùng vô số tên gọi để hiển bày về không biết đủ. Văn tuy bất đồng nhưng Thể không khác biệt.

Nhiều dục và không biết đủ khác nhau thế nào? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là hai pháp này lần lượt cho là giống nhau. Thấy người nhiều dục, người thế gian cùng nói là không biết đủ. Thấy người không biết đủ, người thế gian cùng nói là nhiều dục. Hoặc có người sinh nghi cho: Hai pháp này là một. Vì muốn những kẻ nghi đó có được quyết định, đồng thời chỉ rõ nghĩa của hai pháp nói trên đều khác biệt, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nhiều dục và không biết đủ có gì khác nhau?

Đáp: Đối với những thứ đáng yêu thích chưa có được, như sắc, thanh, hương, vị, xúc, y phục, thức uống ăn, giường nằm, tòa ngồi, thuốc thang và những vật dụng cần thiết khác, thì mong cầu, tìm kiếm, suy tính tạo phương tiện để có được. Đó gọi là nhiều dục.

Ở đây, đối với những thứ đáng yêu thích, mình chưa có được, như sắc, thanh, hương, vị, xúc: Là dựa nơi người tại gia mà nói. Người kia đối với những thứ đáng yêu thích nhưng chưa có được như sắc v.v… tức sẽ dong ruổi tìm cầu khắp bốn phương. Như người làm ruộng thì tìm cầu ruộng vườn, các loài gia súc như bò, dê v.v…, các vật dụng cần thiết cho đời sống như y phục, nhà cửa, lúa gạo v.v… Nếu là kẻ giàu sang thì mong cầu cho mình được ngôi vị tôn quý hơn người cùng với cõi nước, thành ấp, voi ngựa, châu báu và mọi thứ dục lạc.

Đối với người chưa có được những thứ y phục, thức ăn uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men và các vật dụng khác: Là dựa nơi người xuất gia mà nói. Tức các vị kia chưa có được y bát, phòng nhà, đồ dùng cần thiết cho đời sống và đệ tử v.v… nên luôn dốc sức cầu tìm có đủ các thứ như thế.

Vô số thứ cầu tìm v.v… như thế, về tên gọi tuy có khác nhau, nhưng về Thể vẫn không có khác biệt, vì đều làm rõ nghĩa nhiều dục.

Đối với những thứ đáng yêu thích đã có được như sắc, thanh, hương, vị, xúc, các loại y phục, thức ăn uống, giường nằm, tòa ngồi, thuốc thang và những vật dụng cần thiết khác, lại còn trông mong ham muốn ưa thích tìm cầu. Đó gọi là không biết đủ.

Ở đây, đối với những thứ đáng yêu thích đã có được như các thứ sắc, thanh, hượng, vị, xúc: Là dựa nơi người tại gia mà nói. Kẻ kia đối với những thứ đáng yêu thích đã có được như sắc v.v… không sinh tâm biết đủ, lại còn mong cầu nhiều hơn. Như kẻ làm ruộng đối với ruộng vườn v.v… đã được một, lại mong được hai, cho đến nói rộng. Nếu là người giàu sang, đối với ngôi vị tốt đẹp v.v… đã được một, lại hy vọng được hai, cho đến nói rộng.

Đối với những thứ đã có được như y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc thang và các vật dụng cần thiết khác cho đời sống: Là dựa nơi người xuất gia mà nói. Tức các vị kia đối với những thứ đã có được như y phục v.v… không sinh tâm biết đủ lại còn mong cầu thêm. Nghĩa là đối với y bát, phòng nhà, vật dụng cần thiết, đệ tử v.v… đã được một, lại mong cầu hai, cho đến nói rộng. Những thứ mong cầu đó tên gọi tuy khác nhưng về Thể thì không khác, vì đều làm rõ là không biết đủ.

Sự khác nhau là như thế: Hiển bày về nhiều dục: Là mong cầu tìm kiếm, tính toán, tạo phương tiện, tức nhiều dục là nhân của mong cầu. Nếu tâm không yêu thích thì không mong cầu. Hiển bày về không biết đủ: Tức lại trông mong, lại ham muốn, lại ưa thích, lại tìm cầu, tức không biết đủ là nhân của hành tác lại mong cầu. Nếu tâm không tham thì không lại mong cầu. Đây tức là làm sáng tỏ về nhiều dục, không biết đủ, tuy đều dùng căn bất thiện tham làm tự tánh, nhưng vì căn cứ vào cảnh chưa được, đã được để khởi nên có sai biệt.

Có thuyết nói: Không biết đủ là nhân, nhiều dục là quả, trong đó nhân, quả luôn hỗ tương hiển bày.

Hoặc có thuyết cho: Mong muốn là nhiều dục. Theo đuổi tìm cầu là không biết đủ.

Lại có thuyết nêu: Khó thõa mãn là nhiều dục nên nhiều mong cầu. Khó nuôi dưỡng là không biết đủ vì vui mừng lựa chọn.

Có Sư khác nói: Nhiều dục chỉ có nơi ý địa duyên nơi vị lai. Không biết đủ thì chung cho cả sáu thức thân, duyên nơi hiện tại.

Lời bình: Nên nói như vầy: Hai pháp này đều là tất cả căn bất thiện tham của cõi dục, cùng chung nơi sáu thức. Nghĩa là kẻ kia tất cả khiến đối với cảnh giới đã đạt được như sắc có nghĩa không biết đủ, gọi là không biết đủ. Khiến đối với cảnh giới chưa đạt được như sắc v.v… có nghĩa nhiều mong cầu, gọi là nhiều dục. Do đó hai thứ này đều chung nơi cõi dục, sáu thức cùng khởi với căn bất thiện tham.

***

* Thế nào là ít dục? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: “Có ít dục, có biết đủ”. Khế kinh tuy nói như vậy nhưng không phân biệt về nghĩa. Kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này, những điều Kinh kia không nói nay Luận này nói đến. Lại nữa, trước đã nói về nhiều dục và không biết đủ. Nay nhằm nói về pháp đối trị gần của hai thứ đó, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là ít dục?

Đáp: Các thứ không dục, không đã dục, không sẽ dục. Đó gọi là ít dục. Luận sư của bản Luận này đối với các danh nghĩa dị biệt đã đạt được thiện xảo, nên dùng các thứ danh để chĩ rõ về ít dục. Văn tuy bất đồng nhưng Thể không khác.

Hỏi: Thế nào là biết đủ?

Đáp: Các thứ biết đủ, cùng biết đủ, biết đủ khắp, đã biết đủ, sẽ biết đủ. Đó gọi là biết đủ. Luận sư của bản Luận này đối với các danh nghĩa dị biệt đã đạt được thiện xảo, nên dùng vô số tên gọi để hiển bày về biết đủ. Văn tuy bất đồng nhưng Thể không khác.

Ít dục và biết đủ có gì khác nhau? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là hai pháp này lần lượt cho là giống nhau. Thấy kẻ ít dục, người đời đều nói là biết đủ. Thấy người biết đủ, người đời đều nói là ít dục. Hoặc có người sinh nghi cho: Hai pháp này là một. Vì muốn khiến các nghi kia có được quyết định và hiển bày nghĩa của hai pháp ấy đều riêng nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Ít dục và biết đủ có gì khác nhau?

Đáp: Đối với các thứ đáng yêu thích chưa có được, như sắc, thanh, hương, vị, xúc, y phục, thức ăn uống, giường nằm, tòa ngồi, thuốc thang và những vật dụng cần thiết khác, đều không hi vọng, không mong cầu, không tìm kiếm, không đòi hỏi, không suy xét, không tìm các phương tiện để đạt, đó gọi là ít dục.

Ở đây, đối với những thứ đáng yêu thích chưa có được như sắc thanh hương vị xúc: Là kẻ kia đối với những thứ đáng yêu thích chưa có được như sắc v.v… không sinh tâm mong cầu. Như kẻ làm ruộng không sinh tâm mong cầu về ruộng vườn v.v… Như người giàu sang không sinh tâm mong cầu về ngôi vị tốt đẹp hơn.

Đối với những thứ chưa được như y phục, thức uống ăn, giường tòa, thuốc thang và các vật dụng cần thiết khác: Là dựa nơi người xuất gia mà nói. Tức các vị kia đối với những thứ chưa có được như y bát, phòng nhà, vật dụng cần thiết v.v… cùng đệ tử v.v… không sinh tâm mong cầu. Những sự việc không mong cầu kia v.v… tên gọi tuy có khác nhau, nhưng Thể không dị biệt, vì đều chỉ rõ về nghĩa ít dục.

Vì sao trong đây hỏi về ít dục mà trả lời là không dục? Đáp: Chưa được các thứ đáng yêu thích như sắc v.v… và các vật dụng cần thiết v.v… tổng cộng có hai thứ: Nghĩa là như pháp và không như pháp. Đối với như pháp thì có dục. Đối với không như pháp thì không sinh dục.

Lại nữa, đối với các phẩm vật nên thọ nhận thì có dục. Đối với các phẩm vật không nên thọ nhận thì không sinh dục.

Lại nữa, đối với điều có thể dứt khổ thì có dục. Đối với điều gia tăng phiền não thì không sinh dục.

Lại nữa, đối với việc cầu phạm hạnh thì có dục. Đối với việc cầu dục, cầu hữu, cầu phạm hạnh tà thì không sinh dục.

Lại nữa, đối với sự việc tạo ích lợi cho người khác thì có dục.

Đối với điều gây tổn hại cho kẻ khác thì không sinh dục.

Nên biết, ở đây không sinh dục là dục bất thiện. Có dục là dục thiện.

Đối với những thứ đáng yêu thích đã có được như sắc, thanh, hương, vị, xúc, các loại y phục, thức ăn uống, giường nằm, tòa ngồi, thuốc thang, những vật dụng cần thiết khác, đều không trông mong, không ham muốn, không ưa thích, không tìm cầu thêm nữa, đó gọi là biết đủ.

Trong đây, đối với những thứ đáng yêu thích đã có được như sắc, thanh, hương, vị, xúc: Là dựa nơi người tại gia mà nói. Người kia đối với các thứ đáng yêu thích đã có được như sắc v.v… sinh tâm biết đủ, nên không còn mong cầu. Như kẻ làm ruộng đối với ruộng vườn v.v…, theo chỗ đã được đầy đủ nên sinh tâm biết đủ, không mong cầu nữa. Nếu là người giàu sang, tùy thuận với ngôi vị tốt đẹp đã đạt được, nên sinh tâm biết đủ, không còn mong cầu nữa.

Đối với các thứ đã có được như y phục, thức uống ăn, giường tòa, thuốc thang, các vật dụng cần thiết khác: Là dựa nơi người xuất gia mà nói. Tức các vị kia đối với những thứ đã có được như y phục v.v… sinh tâm biết đủ nên không mong cầu nữa. Nghĩa là đối với những thứ cần dùng như y bát, phòng nhà v.v… cùng đệ tử v.v… thuận vào những gì mình đã được sinh tâm biết đủ nên không mong cầu.

Những thứ không mong cầu thêm nữa v.v… tên gọi tuy có khác nhau, nhưng về Thể thì không khác biệt, vì đều hiển bày về nghĩa biết đủ.

Sự khác nhau là như thế: Hiển bày về ít dục: Là không mong không cầu, cho đến nói rộng, tức ít dục là nhân của không mong cầu. Nếu tâm có ái thì có mong cầu. Hiển bày về biết đủ: Là không mong cầu thêm nữa, tức biết đủ là nhân của không mong cầu thêm nữa. Nếu tâm có tham thì lại có mong cầu. Đây là chỉ rõ ít dục và biết đủ, tuy đều lấy căn thiện không tham làm tự tánh, nhưng căn cứ vào cảnh chưa được, đã được để sinh khởi, nên có khác nhau.

Có thuyết nói: Biết đủ là nhân, ít dục là quả, ở đây nhân, quả hỗ tương hiển bày.

Hoặc có thuyết cho: Không mong muốn là ít dục. Không dong ruổi tìm cầu là biết đủ.

Lại có thuyết nêu: Dễ làm đầy là ít dục, vì ít mong cầu. Dễ nuôi dưỡng là biết đủ, vì không lựa chọn.

Có Sư khác biện: Ít dục chỉ có ở địa của ý, vì duyên nơi vị lai. Biết đủ thì chung cho cả sáu thức thân vì duyên nơi hiện tại.

Lời bình: Nên nói như vầy: Hai pháp này đều thuộc về ba cõi và không hệ thuộc, đều là căn thiện không tham, đều chung cho cả sáu thức. Nghĩa là kẻ kia tất cả khiến đối với cảnh giới như sắc v.v… đã có được, sinh khởi nghĩa biết đủ, gọi là biết đủ. Khiến đối với cảnh giới như sắc v.v… chưa có được có nghĩa ít mong cầu, gọi là ít dục. Thế nên hai pháp này đều thuộc chung nơi ba cõi và không hệ thuộc, sáu thức cùng khởi căn thiện không tham.

Nên biết, trong đây nói có trường hợp ít dục mà gọi là nhiều dục: Như chỉ cần một lượng thuốc, tức có thể cứu giúp đầy đủ, nhưng lại mong hai lượng v.v… Có trường hợp nhiều dục mà gọi là ít dục: Như cần có trăm ngàn thứ của cải và vật dụng cần thiết cho đời sống thì mới có thể cứu giúp đầy đủ, nhưng chỉ muốn từng ấy thôi chứ không mong nhiều hơn nữa.

Có trường hợp ít mong cầu mà gọi là không biết đủ: Như có được ít vật dụng là đã có thể cứu giúp đầy đủ nhưng còn mong cầu thêm ít nữa. Có trường hợp nhiều mong cầu mà gọi là biết đủ: Như được ít vật dụng hoàn toàn chưa thể cứu giúp đầy đủ, lại cần hàng trăm ngàn phẩm vật cung cấp cho thân mới đủ, và chỉ cầu mong được chừng đó thôi, không mong cầu hơn nữa.

HẾT – QUYỂN 41