LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 35

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ KHÔNG HỔ THẸN, phần 2

* Thế nào là hổ? Thế nào là thẹn? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt rộng về nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: Có hổ, có thẹn. Khế kinh tuy nói như thế, nhưng không biện luận rõ thế nào là hổ, thế nào là thẹn? Kinh là chỗ nương dựa căn bản của Luận này, những điều Kinh kia không phân biệt, nay nên phân biệt rộng.

Lại nữa, vì muốn cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là hai pháp này lần lượt giống nhau. Hữu tình ở thế gian thấy có hổ nói là thẹn, thấy thẹn nói là có hổ. Đừng cho Thể của hai pháp này là một. Nay muốn hiển bày về tánh, tướng của chúng có sai biệt, để cho kẻ nghi kia hiểu được một cách quyết định.

Lại nữa, tuy ở đoạn trước đã nói về không hổ, không thẹn, nhưng chưa nói đến pháp đối trị gần của chúng. Nay muốn nói rõ về pháp đối trị gần, đó là hổ và thẹn.

Lại nữa, hai pháp như thế chỉ là tánh thiện, cũng là nhân tốt đẹp để thiết lập pháp thiện. Như nói phẩm tâm tương ưng với pháp nào hoàn toàn là thiện, tức là hổ và thẹn. Nay muốn chỉ rõ tướng của hai thứ đó để chúng sinh siêng năng tu tập.

Lại nữa, hai pháp như thế là đã giữ gìn thế gian, như Đức Thế Tôn nói: Có hai pháp trắng có khả năng giữ gìn thế gian, là hổ và thẹn. Nếu không có hai pháp này, tất sẽ không có nẻo thiện giải thoát. Nay muốn chỉ rõ tướng của hai pháp đó để mọi người siêng năng tu tập.

Lại nữa, hai pháp như thế có khả năng khiến có vô số thứ khác nhau giữa các hữu tình, đó là cha mẹ, anh em, chị em, nam, nữ, quyến thuộc, trên dưới, lớn nhỏ. Vì nếu không có hai pháp này thì con người khác nào như bò dê v.v… là không có sự khác nhau về trật tự cao thấp, lớn nhỏ. Vì muốn chỉ rõ tướng của hai pháp đó, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là hổ?

Đáp: Những sự có hổ, có đối tượng bị hổ, có hổ khác, có xấu hổ, có đối tượng bị xấu hổ, có xấu hổ khác, có cung kính, có tánh cung kính, có tự tại, có tánh tự tại. Đối với sự tự tại, có sợ hãi chuyển biến. Đó gọi là hổ.

Luận chủ của Bản luận này đã có được sự khéo léo trong việc lựa chọn danh, nghĩa sai biệt để tạo ra các lối diễn đạt, tuy lời văn có khác, nhưng về Thể thì không khác.

Hỏi: Trong đây đã nói sự khác nhau về danh từ, ngôn thuyết, là nhằm chỉ rõ về tự tánh, về hành tướng hay về đối tượng duyên?

Đáp: Có thuyết nói: Đây là chỉ rõ về tự tánh của hổ.

Hỏi: Nếu như vậy thì hành tướng của hổ là gì?

Đáp: Như hết thảy hành tướng của tâm tâm sở pháp thiện, hành tướng này cũng như thế. Vì sao? Vì tương ưng với các pháp thiện kia.

Hỏi: Đối tượng duyên của hổ là gì?

Đáp: Là tất cả pháp.

Có Sư khác nói: Đây là chỉ rõ về hành tướng của hổ. Hành tướng này đối với các hành tướng khác, nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là hổ không phải là hành tướng của hổ chuyển biến: Nghĩa là hổ tạo ra hành tướng khác chuyển biến.

2. Có trường hợp là hành tướng của hổ chuyển biến không phải là hổ: Nghĩa là pháp tương ưng với hổ tạo ra hành tướng của hổ chuyển biến.

3. Có trường hợp là hổ cũng là hành tướng của hổ chuyển biến: Nghĩa là hổ tạo nên hành tướng của hổ chuyển biến.

4. Có trường hợp không phải là hổ cũng không phải là hành tướng của hổ chuyển biến: Nghĩa là nếu nhận lấy chủng loại này, nên nói là pháp tương ưng với hổ đã tạo nên hành tướng khác chuyển biến. Nếu không như thế, tức nên nói là trừ các tướng nêu trước.

Như nói về chuyển biến có bốn trường hợp, đã chuyển biến, sẽ chuyển biến nên biết cũng như thế.

Như hành tướng của hổ có ba lượt bốn trường hợp, các hành tướng khác nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Nếu như thế thì tự tánh của hổ là gì?

Đáp: Tự tướng của tự Thể là tự tánh của hổ đó. Như nói tự tánh của các pháp tức là tự tướng của các pháp, vì tánh của đồng loại là cộng tướng.

Hỏi: Đối tượng duyên của hổ là gì?

Đáp: Là tất cả pháp.

Lại có thuyết nói: Đây là chỉ rõ về đối tượng duyên của hổ. Nghĩa là những pháp có hổ, có đối tượng bị hổ, có hổ khác, có xấu hổ, có đối tượng bị xấu hổ.

Có xấu hổ khác: Là nói duyên nơi khổ, tập đế.

Có cung kính, có tánh của cung kính, có tự tại, có tánh của tự tại. Đối với tự tại, có sợ hãi chuyển biến: Là nói duyên nơi diệt và đạo đế. Hành tướng, tự tánh đều như trước đã nói.

Hỏi: Thế nào là thẹn?

Đáp: Những sự có thẹn, có đối tượng bị thẹn, có thẹn khác, có tủi thẹn, có đối tượng bị tủi thẹn, có tủi thẹn khác. Trong các tội, có sợ, có hãi, thấy sợ hãi một cách sâu xa. Đó gọi là thẹn.

Luận chủ của Bản luận này đã đạt được sự khéo léo trong việc chọn lựa danh, nghĩa sai biệt để tạo ra các lối diễn đạt, văn tuy bất đồng, nhưng về thể thì không khác.

Hỏi: Ở đây đã nói về danh từ, ngôn thuyết có sai khác, là nhằm chỉ rõ về tự tánh, về hành tướng, hay là về đối tượng duyên?

Đáp: Có thuyết nói: Đây là chỉ rõ về tự tánh của thẹn.

Hỏi: Nếu như thế thì hành tướng của thẹn là gì?

Đáp: Như hành tướng của tất cả tâm tâm sở pháp thiện, hành tướng của thẹn này cũng như thế. Vì sao? Vì hành tướng này tương ưng với tâm tâm sở pháp thiện kia.

Hỏi: Đối tượng duyên của thẹn là gì?

Đáp: Là tất cả pháp.

Có Sư khác nói: Đây là chỉ rõ về hành tướng của thẹn. Hành tướng này đối với pháp khác, nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là thẹn không phải là hành tướng của thẹn chuyển biến: Nghĩa là thẹn tạo nên hành tướng khác chuyển biến.

2. Có trường hợp là hành tướng của thẹn chuyển biến không phải là thẹn: Nghĩa là pháp tương ưng với thẹn đã tạo nên hành tướng của thẹn chuyển biến.

3. Có trường hợp là thẹn cũng là hành tướng của thẹn chuyển biến: Nghĩa là thẹn tạo nên hành tướng của thẹn chuyển biến.

4. Có trường hợp không phải là thẹn cũng không phải là hành tướng của thẹn chuyển biến: Nghĩa là nếu nhận lấy chủng loại này, nên nói là pháp tương ưng với thẹn đã tạo nên hành tướng khác chuyển biến. Nếu không như thế, tức nên nói là trừ các tướng nêu trước.

Như nói về chuyển biến có bốn trường hợp, đã chuyển biến, sẽ chuyển biến nên biết cũng như thế.

Như hành tướng của thẹn có ba lượt bốn trường hợp, các hành tướng khác nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Nếu như vậy thì tự tánh của thẹn là gì?

Đáp: Tự tướng của tự Thể tức là tự tánh của thẹn. Như nói: Tự tánh của các pháp tức là tự tướng của các pháp, vì tánh đồng loại là cộng tướng.

Hỏi: Đối tượng duyên của thẹn là gì?

Đáp: Là tất cả pháp.

Có thuyết nói: Đây là chỉ rõ về đối tượng duyên của thẹn. Nghĩa là những pháp có thẹn, có đối tượng bị thẹn, có thẹn khác, có tủi thẹn, có đối tượng bị tủi thẹn.

Có tủi thẹn khác: Là nói duyên nơi diệt, đạo đế.

Trong các tội, có sợ, có hãi, nhận thấy sợ hãi một cách sâu xa: Là nói duyên nơi khổ, tập đế. Hành tướng, tự tánh đều như trước đã nói.

Hỏi: Hổ và thẹn khác nhau như thế nào?

Đáp: Đối với người tự tại, có sợ hãi chuyển biến là hổ. Trong các tội, nhận thấy sợ hãi một cách sâu xa là thẹn. Sự sai khác giữa hổ và thẹn là như thế.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: A Tỳ Đạt Ma nói: Hai pháp ấy lần lượt tương ưng với nhau và tướng của chúng là giống nhau. Nay vì muốn phân biệt về tánh tướng của hai thứ hổ và thẹn có sai biệt, nên tạo ra phần Luận này.

Nghĩa là đối với người tự tại có sợ hãi, chuyển biến là hổ. Trong các tội, thấy sợ hãi một cách sâu xa là thẹn.

Lại nữa, có sự cung kính là hổ, có sự sợ hãi là thẹn. Theo thứ lớp như thế, so với trước đã nói về không hổ không thẹn có sai biệt, là trái với hai thứ ấy theo đó mà nói rộng.

Hai pháp như thế đều thuộc về ba cõi và không hệ thuộc, chỉ là thiện, cùng tương ưng khắp với tất cả tâm thiện.

Hỏi: Nếu như vậy như nơi Luận Thi Thiết đã nói làm sao thông? Như nói: Bảy lực có bao nhiêu thứ là hữu lậu, bao nhiêu thứ là vô lậu? Có hai thứ chỉ là hữu lậu, nghĩa là hổ, thẹn. Năm thứ chung cả hữu lậu, vô lậu, nghĩa là tín v.v…

Đáp: Luận kia nên nói bảy lực đều chung cho hữu lậu, vô lậu, nhưng không nói thế là có ý sâu xa riêng. Nghĩa là Luận kia nói về lực gia hạnh, căn bản. Trong phần vị gia hạnh thì hổ, thẹn tăng trưởng nên nói chỉ là hữu lậu. Trong phần vị căn bản, thì tín v.v… tăng trưởng nên nói là chung cả hai thứ. Nếu không như thế thì Thánh đạo nên không cùng với hổ, thẹn tương ưng. Thế thì Thánh giả không nên cùng với hổ, thẹn tăng thượng. Do vậy nên hổ, thẹn nhất định là chung cho cả vô lậu.

Hoặc có trường hợp không hổ giống với hổ mà chuyển biến: Nghĩa là như lúc làm ác có xấu hổ, như cưới vợ, lấy chồng v.v… Hoặc lại có trường hợp hổ giống như không hổ mà chuyển biến: Nghĩa là lúc làm việc thiện không xấu hổ, như hành thí v.v… Hoặc có trường hợp không hổ giống như không hổ mà chuyển biến: Nghĩa là lúc làm ác không biết xấu hổ, như kẻ đồ tể, thợ săn v.v…. Hoặc lại có trường hợp hổ giống như hổ mà chuyển biến: Nghĩa là lúc làm việc thiện có xấu hổ, như sám hối lỗi lầm v.v…

Hoặc có trường hợp không thẹn giống với thẹn mà chuyển biến: Nghĩa là lúc làm ác có hổ thẹn, như cưới vợ lấy chồng. Hoặc có trường hợp thẹn giống với không thẹn mà chuyển biến: Nghĩa là lúc làm điều thiện không có xấu hổ, như hành thí v.v… Hoặc có trường hợp không thẹn giống với không thẹn mà chuyển biến: Nghĩa là lúc làm ác không có xấu hổ, như kẻ đồ tể, thợ săn. Hoặc lại có trường hợp thẹn giống với thẹn mà chuyển biến: Nghĩa là lúc làm việc thiện có xấu hổ, như ăn năn lỗi lầm v.v…

***

* Thế nào là căn bất thiện tăng thượng? Thế nào là căn bất thiện vi tế cùng hiện hành? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt rộng về nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Người kia cũng có căn bất thiện vi tế cùng hiện hành chưa đoạn trừ. Từ đây có pháp bất thiện khác sinh, đều do căn bất thiện này thoái chuyển. Khế kinh tuy nói như thế, nhưng không biện luận rộng về nghĩa, cũng không nói thế nào là căn bất thiện tăng thượng, thế nào là căn bất thiện vi tế cùng hiện hành? Kinh là nơi nương dựa căn bản của Luận này, những điều Kinh kia không phân biệt, ở đây nên phân biệt rộng, vì thế nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao trong đây không nói căn bất thiện phẩm trung?

Đáp: Vì đây là ý của người tạo luận muốn thế, cho đến nói rộng. Lại nữa, nên nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, đã nói trước sau, tức là có nói rõ về phẩm giữa. Như trước, sau, thì trên, dưới, gia hạnh, cứu cánh, hướng nhập đã xuất, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, nếu là pháp thô khởi hiện, dễ hiểu, dễ có thể nêu bày, dễ chỉ rõ, dễ nói, nên ở đây nói đến. Còn phẩm trung thì không như thế, nên không nói. Nghĩa là người lợi căn, như Chỉ Man (Ương Quật Ma La), kẻ độn căn như Xà nô v.v… Hiện khởi thô trọng dễ hiểu, có thể thiết lập dễ dàng, dễ hiển bày, dễ nói, còn căn thuộc phẩm giữa thì không như thế.

Lại nữa, vì phẩm giữa thuộc về phần giữa của phẩm trên và dưới, nên không nói riêng. Nghĩa là lúc nói phẩm trên thì phẩm giữa ở dưới nên kém hơn phẩm trên. Lúc nói phẩm dưới thì phẩm giữa ở trên nên hơn phẩm dưới.

Lại nữa, phẩm trên và dưới là chỗ ít thấy ở đời, vì thế nên nói. Phẩm giữa thì rất nhiều, không phải là điều ít thấy, nên lược bỏ, không nói đến.

Hỏi: Thế nào là căn bất thiện tăng thượng?

Đáp: Các căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện và lúc lìa nhiễm nơi cõi dục, là phải từ bỏ trước tiên.

Hỏi: Các căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện, là khi lìa nhiễm nơi cõi dục là bỏ ngay từ đầu hay là có lúc khác? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Nếu ngay khi lìa nhiễm nơi cõi dục thì sao lại nói là bắt kịp? Nếu nói có lúc khác thì các căn bất thiện có thể đoạn căn thiện sẽ đoạn vào lúc nào?

Đáp: Có thuyết nói: Ngay khi lìa nhiễm nơi cõi dục.

Hỏi: Nếu như thế vì sao lại nói là bắt kịp?

Đáp: Vì nghĩa có khác. Nghĩa là căn bất thiện tăng thượng thì rất mạnh mẽ, nhạy bén, nên có thể đoạn căn thiện. Vì căn bất thiện này rất thô trọng, do đó khi lìa nhiễm nơi cõi dục, là bỏ ngay từ đầu. Lại nữa, căn bất thiện này do hai nghĩa nên nói là tăng thượng: 1. Có thể đoạn dứt các căn thiện. 2. Lúc lìa bỏ nhiễm nơi cõi dục là đã bỏ ngay từ đầu.

Có thuyết cho: Có lúc khác.

Hỏi: Nếu như thế thì các căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện được đoạn trừ vào lúc nào?

Đáp: Sẽ đoạn ngay từ đầu, lúc lìa nhiễm cõi dục.

Hỏi: Nếu như vậy thì sao lại có khác?

Đáp: Có khác ở chỗ nhiều, ít. Nghĩa là có thể đoạn dứt căn thiện thì ít, còn bỏ căn bất thiện ngay từ đầu thì nhiều, không phải khi lìa dục, ngay từ đầu đã đoạn tất cả căn bất thiện, đều có thể đoạn căn thiện.

Hỏi: Chỉ có tà kiến có thể đoạn dứt căn thiện, vì sao vừa nói là căn bất thiện?

Đáp: Tuy về lúc căn bản thì do tà kiến đoạn dứt, nhưng đến phần vị gia hạnh thì do căn bất thiện, chứng tỏ lúc gia hạnh do tác dụng của uy thế mạnh hơn, nên nói căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện. Nghĩa là pháp nhiễm, tịnh đều có tác dụng của uy thế tăng thượng lúc gia hạnh, không phải là lúc cứu cánh. Như nói: Bồ-tát nhận thấy già, bệnh, chết, gây cho thế gian bao khổ não bức bách, nên tâm chán lìa sâu xa, ngay từ đầu đã phát khởi tâm Bồ-đề vô thượng, do tâm này nên trải qua ba A-tăng-kỳ đại kiếp, tu tập mọi thứ khổ hạnh khó làm không hề thoái chuyển. Công hạnh này rất là khó, không phải đến lúc đạt tận trí, tu căn thiện tăng thượng thuộc ba cõi nơi đời vị lai, vì uy thế của lúc gia hạnh có tác dụng mạnh mẽ thù thắng.

Có thuyết nói: Sở dĩ tà kiến có thể đoạn căn thiện, nên biết đều là năng lực của căn bất thiện. Nghĩa là căn bất thiện lấn áp đè bẹp căn thiện khiến yếu kém dần, không có uy lực xong, sau đó tà kiến mới có thể đoạn, nên nói như thế.

Lại có thuyết cho: Đây là nói tà kiến tương ưng với căn bất thiện si, nên có thể đoạn dứt căn thiện, không nói phần vị trước như tham v.v…, vì tuy thật sự tà kiến có thể đoạn căn thiện, nhưng bấy giờ vì có thêm si nên nói như thế, như niệm trụ v.v…

Có Sư khác nêu: Ở đây chỉ nói căn bất thiện si lúc chuyển biến tùy chuyển đều cùng có tăng thượng. Nghĩa là tham giận tăng thượng vào lúc chuyển biến, không phải là lúc tùy chuyển. Còn tà kiến thì tăng thượng khi tùy chuyển, không phải là lúc chuyển biến, chỉ có si là luôn tăng thượng trong bất cứ lúc nào, nên nói riêng.

Do các nhân duyên đã nói như thế, nên không lập tà kiến làm căn bất thiện.

Hỏi: Thế nào là căn bất thiện vi tế cùng hiện hành?

Đáp: Là các căn bất thiện lúc lìa nhiễm nơi cõi dục được bỏ sau cùng. Do bỏ căn bất thiện đó nên gọi là lìa nhiễm nơi cõi dục. Nghĩa là phẩm tham, giận, si càng kém dần nơi cõi dục, gọi là căn bất thiện vi tế cùng hiện hành, nên lúc bỏ chúng gọi là lìa nhiễm nơi cõi dục, vì chúng vi tế khó đoạn trừ nên lìa bỏ sau cùng.

Hỏi: Lúc tà kiến đoạn dứt căn thiện là làm một phẩm để đoạn hay là làm chín phẩm để đoạn? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Nếu làm một phẩm để đoạn thì vì sao trước nói các căn bất thiện đều có thể đoạn dứt căn thiện? Những nêu bày như thế không phải chỉ một lần cùng với thuyết kế sau nói làm sao thông? Như nói: Thế nào là căn thiện vi tế cùng hiện hành? Đáp: Là khi đoạn căn thiện chúng được bỏ sau cùng. Nếu làm chín phẩm để đoạn thì vì sao trước nói các căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện, lúc lìa nhiễm nơi cõi dục, được xả bỏ ngay từ đầu, gọi là căn bất thiện tăng thượng? Và vì sao một phẩm đã đoạn, tà kiến lại có thể tạo chín phẩm để đoạn căn thiện? Vì sao một phẩm tà kiến đã đoạn mà gọi là chín phẩm căn thiện được đoạn?

Đáp: Có thuyết nói: Làm một phẩm để đoạn.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao trước nói các căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện?

Đáp: Đoạn văn trước chỉ nên nói căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện, không nên nói là các căn. Nhưng nói các căn là muốn chỉ rõ tà kiến đoạn dứt căn thiện tương ưng với căn bất thiện si, vì chủng loại vị lai có nhiều sát-na nên nói như thế.

Lại nữa, lúc chính thức đoạn việc thiện, tuy không có nhiều phẩm nhưng ở phần vị gia hạnh, phẩm loại lại có nhiều. Những lời đã nói đều chỉ rõ chung gia hạnh đoạn ngầm và chánh đoạn đều gọi là đoạn.

Hỏi: Thuyết kế sau nói làm thế nào thông? Như nói: Thế nào là căn thiện vi tế cùng hiện hành? Đáp: Lúc đoạn căn thiện chúng được bỏ sau cùng.

Đáp: Vì dựa vào hiện hành để đoạn nên nói như thế. Nghĩa là tà kiến thuộc phẩm hạ hạ hiện tiền, khiến căn thiện phẩm thượng thượng không hoạt động. Như thế, cho đến nếu tà kiến phẩm trung thượng hiện tiền, tức khiến căn thiện thuộc phẩm hạ trung không hoạt động. Nếu tà kiến phẩm thượng thượng hiện tiền, khiến căn thiện phẩm hạ hạ không hoạt động, cùng khiến cho cả chín phẩm đều không thành tựu. Do vậy, nên căn thiện thuộc tám phẩm trước, trước hết là không thể hiện hành và sau là không thể thành tựu. Lúc căn thiện phẩm thứ chín không thể hiện hành, tức là không thể thành tựu, do lần lượt không thể hiện hành, về sau mới nói lời này: Lúc đoạn căn thiện được bỏ sau cùng gọi là căn thiện vi tế cùng hiện hành. Do một lúc không thể thành tựu, nên trước đã nói lời này: Lúc lìa nhiễm nơi cõi dục, đã bỏ trước nhất gọi là căn bất thiện tăng thượng có thể đoạn dứt căn thiện. Vì thế hai thuyết trước, sau đều khéo thông suốt.

Nên nói thế này: Làm chín phẩm để đoạn.

Hỏi: Nếu vậy sao trước lại nói: Các căn bất thiện có thể đoạn dứt căn thiện, lúc lìa nhiễm nơi cõi dục, đầu tiên xả bỏ gọi là căn bất thiện tăng thượng, cho đến nói rộng?

Đáp: Có nhiều thứ chín phẩm. Nghĩa là có chín phẩm hiện hành, có chín phẩm dị thục, có chín phẩm đối trị, có chín phẩm đoạn căn thiện.

Chín phẩm hiện hành: Nghĩa là có lúc phẩm hạ hạ hiện hành, cho đến có lúc phẩm thượng thượng hiện hành. Có, tức nói đây là nhân nơi chín phẩm. Nghĩa là gia hạnh đạt được, tức phẩm hạ hạ là nhân của chín phẩm, cho đến phẩm thượng trung là nhân của hai phẩm. Phẩm thượng thượng chỉ là nhân của phẩm thượng thượng. Kém là nhân của hơn, không phải hơn là nhân của kém, vì không phải là chỗ được ưa chuộng.

Không phải gia hạnh đạt được: Nghĩa là chín phẩm đều được lần lượt làm nhân.

Chín phẩm dị thục: Nghĩa là nghiệp của phẩm thượng thượng thọ nhận dị thục của phẩm thượng thượng, cho đến nghiệp của phẩm hạ hạ thọ nhận dị thục của phẩm hạ hạ. Như Luận Thi Thiết nói: Nếu người tạo tội sát sinh thuộc phẩm thượng thượng, sẽ sinh nơi địa ngục Vô gián. Thuộc phẩm thượng trung sẽ sinh vào địa ngục Đại nhiệt, cho đến phẩm hạ hạ sinh vào cõi bàng sinh, ngạ quỷ, cho đến nói rộng.

Chín phẩm đối trị: Nghĩa là minh của phẩm hạ hạ đoạn vô minh của phẩm thượng thượng, cho đến minh của phẩm thượng thượng đoạn vô minh của phẩm hạ hạ.

Chín phẩm đoạn căn thiện: Nghĩa là tà kiến của phẩm hạ hạ đoạn dứt căn thiện của phẩm thượng thượng, cho đến tà kiến của phẩm thượng thượng đoạn dứt căn thiện của phẩm hạ hạ.

Nếu dựa vào chín phẩm đoạn căn thiện mà nói, thì tà kiến kia tức có chín phẩm. Nếu dựa vào chín phẩm đối trị mà nói thì tà kiến kia tức chỉ có một phẩm. Do chín phẩm đối trị, nên trước nói lúc lìa nhiễm nơi cõi dục, đã xả bỏ đầu tiên. Do chín phẩm đoạn căn thiện, nên sau nói lúc đoạn căn thiện đã xả bỏ sau cùng. Vì thế cả hai thuyết trước và sau đều khéo thông suốt.

Lại nữa, pháp đoạn có hai thứ:

1. Như do kiến đạo đoạn: Tức nên có thể đoạn trừ chín phẩm tà kiến, khi lìa nhiễm nơi cõi dục một phẩm được đoạn tức khắc.

2. Như do tu đạo đoạn trừ: Tức chỗ đoạn trừ chín phẩm căn thiện, khi chúng đoạn thì chín phẩm sẽ đoạn dần.

Hỏi: Đoạn căn thiện nghĩa là gì?

Đáp: Không phải như thế gian dùng búa rìu v.v… để chặt cây, vì tà kiến không cùng tiếp xúc với điều thiện, nhưng trong sự nối tiếp, lúc tà kiến hiện tiền, khiến các căn thiện chỉ có diệt mất chứ không được sinh khởi, nên gọi là đoạn. Nếu trong sự nối tiếp nhau, không có căn thiện nào được thành tựu, bấy giờ gọi là căn thiện đã đoạn.

Hỏi: Tự tánh của đoạn căn thiện này là gì?

Đáp: Có thuyết nói: Lấy sự không tin làm tự tánh. Nghĩa là vì tin nên căn thiện được nối tiếp, không tin nên căn thiện bị đoạn.

Có Sư khác cho: Dùng tà kiến làm tự tánh. Nghĩa là do tà kiến nên căn thiện đoạn.

Hoặc có thuyết nêu: Lấy các phiền não trói buộc làm tự tánh lúc đoạn căn thiện. Nghĩa là do sức của phiền não kia nên căn thiện bị đoạn.

Lại có thuyết cho: Lấy tất cả pháp làm tự tánh. Nghĩa là lúc đoạn căn thiện, tất cả pháp đều tùy thuận.

Phái Thí Dụ nói: Không có tự tánh thật. Nghĩa là sự nối tiếp nhau của đoạn căn thiện kia trước có căn thiện, lúc này đã đoạn dứt thì đâu có tự tánh. Chỗ dẫn chứng là thí dụ hiện có như nói trong phần Đảnh.

Lời bình: Nên nói như vầy: Các căn thiện bị đoạn là do không thành tựu làm tự tánh, là thuộc về tâm vô phú vô ký không tương ưng với hành uẩn. Đây tức là nói về sự tồn tại, ngoài ra lại có loại pháp như thế không tương ưng.

Hỏi: Ở nẻo nào, cõi nào, xứ nào có thể đoạn căn thiện?

Đáp: Ở cõi dục, không phải ở cõi sắc, cõi vô sắc. Ở nẻo người, không phải ở nẻo khác. Ở ba châu, trừ châu Bắc.

Tôn giả Cù Sa Phạt Ma nói: Chỉ ở châu Thiệm bộ là có thể đoạn dứt căn thiện, vì con người của châu này đối với nghiệp thiện, ác đã gây tạo rất mãnh liệt, không phải là châu khác.

Hỏi: Nếu như vậy thì nơi phần Uẩn Căn nói làm sao thông? Như nói: Người của châu Thiệm bộ đã thành tựu nhiều nhất là mười chín căn, ít nhất là tám căn. Như châu Thiệm bộ, các châu Đông thắng thân và Tây ngưu hóa cũng như thế.

Đáp: Đoạn văn kia nên nói: Người của châu Đông, Tây, thành tựu tối đa là mười chín căn, tối thiểu là mười ba căn, nhưng không nói như thế, nên biết đây là sự thiếu sót của người tụng luận.

Lời bình: Tôn giả kia không nên nói như vậy, vì tất cả chỗ tụng đều không khác nhau. Tức chỗ tạo tác của ba châu đều mãnh liệt, nên biết thuyết trước về mặt lý là đúng.

Hỏi: Những Bổ-đặc-già-la nào có thể đoạn căn thiện?

Đáp: Chỉ có người kiến hành là có thể đoạn căn thiện, không phải là người ái hành. Do kẻ kiến hành có ý lạc vững chắc đối với nghiệp thiện, ác, chỗ tạo tác rất mãnh liệt, nhạy bén. Còn ái hành thì sự tạo tác không như thế, nên đối với phẩm nhiễm, tịnh đều không mạnh mẽ. Trong kiến hành thì nam, nữ đều cùng có thể đoạn dứt căn thiện.

Tôn giả Cù Sa Phạt Ma nói: Chỉ người nam mới có thể đoạn dứt căn thiện, vì chí tánh cương cường. Như Luận Thi Thiết nói: Người nam tạo nghiệp mạnh hơn người nữ, người nam luyện căn mạnh hơn, ý lạc cũng mạnh hơn người nữ. Nên biết người nữ không thể đoạn dứt căn thiện.

Hỏi: Nếu như vậy theo như Uẩn Căn đã nói làm sao thông? Như nói: Nếu thành tựu nữ căn thì nhất định thành tựu tám căn. Nam căn cũng như thế.

Đáp: Đoạn văn kia nên nói: Nếu thành tựu nữ căn thì nhất định thành tựu mười ba căn. Nếu thành tựu nam căn thì nhất định thành tựu tám căn. Nhưng không nói như thế, nên biết đó là chỗ thiếu sót của người tụng luận.

Lời bình: Tôn giả kia không nên nói như thế, vì hết thảy chỗ tụng đều không khác nhau. Mọi tạo tác của nam, nữ đều mạnh mẽ và nhạy bén như nhau. Chẳng hạn như Bà-la-môn nữ Chiên Chước Ca, tâm xấu ác hủy báng Đức Phật hơn các trượng phu. Nhưng Luận Thi Thiết nói người nam hơn người nữ là căn cứ vào phần nhiều mà nói, không phải cho là tất cả. Do đó nên biết thuyết trước là đúng.

Hỏi: Đối với những kẻ quắc Bán trạch ca không có hình, hai hình, có thể đoạn căn thiện không?

Đáp: Không thể. Vì sao? Vì trước đã nói là phải có ý lạc kiên cố, chỗ tạo tác mạnh mẽ thì mới có thể đoạn căn thiện, tức là loại kiến hành, còn họ là thuộc về ái hành. Lại nữa, người có nhiều giận dữ có thể đoạn căn thiện, còn họ thì vì có nhiều tham nên không thể đoạn căn thiện.

Hỏi: Đoạn các căn thiện nào, ở đâu? Chỉ có ở cõi dục hay chung cả ba cõi? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Nếu chỉ đoạn căn thiện ở cõi dục thì theo như Luận Thức Thân đã nói làm sao thông? Như nói: Nếu giết hại trứng kiến, tâm không chút hối hận, nên nói người đó đã đoạn dứt điều thiện nơi ba cõi. Nếu đoạn chung nơi ba cõi thì người kia đối với pháp thiện của cõi trên, vì trước không thành tựu, bây giờ làm sao đoạn?

Đáp: Nên nói chỉ đoạn căn thiện ở cõi dục.

Hỏi: Nếu như vậy thì như nơi Luận Thức Thân nói làm sao thông?

Đáp: Đoạn văn kia nên nói như vầy: Nếu giết hại trứng kiến, tâm không chút hối hận, nên nói người đó đã đoạn dứt điều thiện trong ba cõi. Nhưng không nói thế là vì muốn cho ba lượt được đầy đủ. Nghĩa là trước kia thành tựu căn thiện của cõi dục, căn thiện của cõi trên đã không thành tựu, lúc này lại đoạn căn thiện của cõi dục, tức thì căn thiện của ba cõi đều không thành tựu. Do đoạn phần vị thiện phải ba lượt mới đầy đủ, nên nói người kia đoạn điều thiện của ba cõi.

Có thuyết nói: Đoạn chung căn thiện nơi ba cõi.

Hỏi: Người kia đối với căn thiện của cõi trên, trước không thành tựu bây giờ làm sao đoạn?

Đáp: Trong chỗ không thành tựu, lại không thành tựu, do phải di chuyển xa, nên gọi là đoạn.

Lại nữa, căn thiện của cõi trên là do dựa vào điều thiện của cõi dục mà được sinh trưởng, dồi dào, tươi tốt, nên nếu việc thiện của cõi dục đã đoạn, thì căn thiện của cõi trên sẽ héo khô, nên nói là đoạn căn thiện của cõi trên.

Lại nữa, căn thiện của cõi dục cùng với điều thiện của cõi trên là cửa, là gia hạnh, là nơi nương dựa đầy đủ. Vì thế nếu điều thiện của cõi dục đoạn dứt thì căn thiện của cõi trên không có cửa đi vào v.v…, nên cũng nói là đoạn.

Lại nữa, nếu căn thiện của cõi dục không đoạn, thì điều thiện của cõi trên mới có được nghĩa sinh trưởng, tích tụ. Nay vì điều thiện của cõi dục đã đoạn, nên điều thiện của cõi trên không tạo được sự sinh trưởng, tích tụ, nên nói là đoạn.

Do đấy, Tôn giả Diệu Âm nói: Nếu không đoạn căn thiện của cõi dục thì căn thiện của cõi sắc, cõi vô sắc có thể được sinh trưởng. Do sự đoạn này, nên căn thiện của hai cõi kia không sinh, nên cũng nói là đoạn.

Hỏi: Vì sao chỉ nói giết hại trứng kiến, tâm không chút hối hận mà không nói thứ khác?

Đáp: Luận kia nói hoàn toàn không có lỗi, vì không có chỗ dùng. Nghĩa là các trứng kiến so với con người thì không hơn, cũng không có chỗ dùng mà còn cố tình giết hại, không chút tâm hối tiếc, huống chi lại có chỗ hơn và có chỗ sử dụng. Nên biết loài kia đã đoạn căn thiện, vì thế nên nói riêng.

Hỏi: Ở đây là đoạn căn thiện gia hạnh hay là đoạn căn thiện sinh đắc?

Đáp: Nên nói chỉ đoạn lành sinh đắc. Vì sao? Vì căn thiện gia hạnh trước đây đã xả.

Có thuyết nói: Cũng đoạn căn thiện gia hạnh.

Hỏi: Căn thiện đó trước kia đã không thành tựu, thì sao nói là nay đoạn?

Đáp: Ở trong sự không thành tựu, lại không thành tựu, do di chuyển xa, nên gọi là đoạn. Có nhiều nghĩa như thế v.v… như đã nói rộng trong ba cõi.

Ở đây, lại có một nghĩa không chung. Nghĩa là căn thiện gia hạnh lấy điều thiện của sinh đắc làm nhân duyên, làm căn bản, làm chỗ cùng khởi, nên lúc đoạn căn thiện này cũng nói đoạn căn thiện kia.

Hỏi: Vì chỉ là tà kiến duyên nơi hữu lậu, có thể đoạn dứt căn thiện, hay cũng là duyên nơi vô lậu?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ có tà kiến duyên nơi hữu lậu là có thể đoạn dứt căn thiện. Vì sao? Vì có đủ hai thứ trói buộc cùng uy lực mạnh.

Lời bình: Nên nói như vầy: Tà kiến duyên nơi vô lậu, cũng có thể đoạn dứt căn thiện. Vô lậu đó tuy không có đối tượng duyên bị ràng buộc, nhưng do sức của nhân nuôi lớn nên cũng thịnh thêm.

Hỏi: Vì chỉ có tà kiến duyên nơi hữu vi là có thể đoạn căn thiện, hay cũng duyên nơi vô vi chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ có tà kiến duyên nơi hữu vi là có thể đoạn dứt căn thiện, nghĩa như trước đã nói.

Lời bình: Nên nói như vầy: Tà kiến duyên nơi vô vi, cũng có thể đoạn dứt căn thiện, nghĩa như trước đã nói.

Hỏi: Vì chỉ là tà kiến duyên nơi giới, địa đồng phần là có thể đoạn căn thiện hay là cũng duyên nơi giới, địa không đồng phần?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ là tà kiến duyên nơi giới, địa đồng phần là có thể đoạn căn thiện, nghĩa như trước đã nói.

Lời bình: Nên nói như vầy: Tà kiến duyên nơi giới, địa không đồng phần cũng có thể đoạn căn thiện, nghĩa như trước đã nói.

Hỏi: Trong chỗ duyên nơi giới, địa đồng phần, là tà kiến hủy báng nhân là có thể đoạn căn thiện hay là tà kiến hủy báng quả?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ tà kiến hủy báng nhân là có thể đoạn căn thiện. Như nói: Nếu giết hại trứng kiến, tâm không chút hối hận, nên nói người này đã đoạn dứt điều thiện của ba cõi.

Có Sư khác cho: Chỉ là tà kiến hủy báng quả là có thể đoạn căn thiện. Như nói: Nếu người nào quyết định cho không có dị thục nơi quả của nghiệp thiện, ác, nên nói người đó đã đoạn dứt điều thiện của ba cõi.

Lời bình: Nên nói là tà kiến hủy báng nhân, quả đều có thể đoạn dứt thiện. Tà kiến hủy báng nhân như nơi đạo vô gián, tà kiến hủy báng quả như nơi đạo giải thoát. Kẻ hủy báng nhân cùng với căn thiện thành tựu được đều cùng diệt. Người hủy báng quả cùng với căn thiện không thành tựu được đều cùng sinh, vì vậy nên cả hai thứ này đều cùng có thể đoạn dứt việc thiện.

Hỏi: Lúc đoạn căn thiện của chín phẩm là không khởi đoạn hay là thường xuyên khởi đoạn?

Đáp: Có thuyết biện: Không khởi đoạn, như kiến đạo.

Có Sư khác cho: Thường xuyên khởi đoạn, như tu đạo.

Lời bình: Nên nói là không nhất định: Hoặc có lúc không khởi hiện nhưng lại có thể nối tiếp đoạn hết chín phẩm. Hoặc có khi chỉ đoạn một phẩm là khởi hiện, hoặc đoạn hai, ba cho đến hoặc tám, sau đó mới khởi hiện, lại tiếp tục đoạn nốt phẩm sau.

Hỏi: Người an trụ nơi luật nghi, lúc đoạn căn thiện, trước hết xả luật nghi, sau đó mới đoạn việc thiện, hay là ngay lúc đoạn là xả?

Đáp: Có thuyết nói: Trước xả luật nghi, sau đó mới đoạn việc thiện. Nghĩa là trong thân người đó, trước khởi một loại tà kiến xả luật nghi, sau khởi một loại tà kiến đoạn các căn thiện. Như cơn gió lốc thổi ập vào cây cối, trước hết là bẻ gãy cành, lá, sau đó là nhổ bật cả gốc rễ. Tà kiến kia cũng như thế.

Lời bình: Nên nói là không nhất định. Vì sao? Vì tùy theo mỗi mỗi loại tâm kia mà khởi hiện mỗi mỗi luật nghi kia, nên lúc tâm của người an trụ nơi luật nghi mà xả, thì luật nghi của họ cũng xả theo.

Hỏi: Lúc căn thiện nối tiếp là chín phẩm nối tiếp tức khắc hay là mỗi phẩm nối tiếp dần dần?

Đáp: Có thuyết nói: Mỗi mỗi phẩm nối tiếp nhau dần dần.

Có Sư khác cho: Nếu người phải từ trong địa ngục chết, sinh vào địa ngục, sẽ có thể nối tiếp ba phẩm. Nếu người phải từ trong địa ngục chết, sinh vào bàng sinh, nẻo quỷ, sẽ có thể nối tiếp sáu phẩm. Nếu kẻ phải từ trong địa ngục chết, sinh vào nẻo người, trời, sẽ có thể nối tiếp chín phẩm.

Lời bình: Nên nói như vầy: Chín phẩm nối tiếp nhau tức khắc, sẽ lần lượt hiện tiền. Như người lành bệnh, bệnh chỉ dứt trong một lúc, về sau sức khỏe phục hồi dần. Tuy nhiên, người đó nên từ trong địa ngục chết, sẽ sinh vào địa ngục, ba phẩm căn thiện đều được, cũng ở ngay nơi thân thành tựu, cũng hiện tiền, sáu phẩm căn thiện đều được, nhưng không ở nơi thân thành tựu, không hiện tiền.

Sẽ sinh nơi bàng sinh, nẻo quỷ: Sáu phẩm căn thiện đều được, cũng ở nơi thân thành tựu, cũng hiện tiền. Ba phẩm căn thiện đều được, nhưng không ở nơi thân thành tựu, không hiện tiền.

Sẽ sinh vào nẻo người, trời: Chín phẩm căn thiện đều được, cũng ở nơi thân thành tựu, cũng hiện tiền.

Hỏi: Căn thiện bị đoạn là nhiều hay được nối tiếp là nhiều?

Đáp: Tùy thuộc vào chỗ đoạn từng ấy căn thiện trở lại nối tiếp cùng từng ấy căn thiện. Tức căn thiện bị đoạn bao nhiêu sẽ được nối tiếp lại bấy nhiêu. Nghĩa là đoạn nơi cõi dục, cõi dục nối tiếp đoạn nơi sinh đắc, sinh đắc lại nối tiếp. Đoạn nơi chín phẩm, chín phẩm lại nối tiếp.

Hỏi: Đoạn căn thiện rồi, ở trong hiện pháp còn có thể nối tiếp không?

Đáp: Căn cứ theo Luận Thi Thiết nói, người kia ở trong hiện pháp không thể nối tiếp điều thiện, mà quyết định ở trong địa ngục lúc sinh, hoặc khi chết mới có thể nối tiếp việc thiện. Như Luận kia nói: Nếu giết hại trứng kiến, tâm không chút hối hận, nên nói người đó đã đoạn điều thiện của ba cõi. Người kia đối với hiện pháp không thể nối tiếp căn thiện nhất định ở trong địa ngục, lúc sống hoặc lúc chết mới có thể nối tiếp việc thiện.

Hỏi: Lúc sinh trong địa ngục ai có thể nối tiếp căn thiện? Khi chết ở địa ngục ai có thể nối tiếp căn thiện?

Đáp: Nếu trung hữu (Thân trung ấm ) trong địa ngục, khi chưa thọ nhận quả dị thục của tà kiến đoạn dứt căn thiện, thì thân người đó có thể nối tiếp căn thiện lúc sinh vào địa ngục. Nếu thân trung hữu trong địa ngục đã thọ nhận quả dị thục của tà kiến kia, cho đến khi chết ở địa ngục, vì quả dị thục đã dứt hết, mới có thể nối tiếp căn thiện. Vì sao? Vì như tà kiến cùng với căn thiện thường cùng tạo trở ngại, quả kia cũng như thế.

Lại nữa, nếu người do sức của nhân đoạn căn thiện, người đó khi chết ở địa ngục mới nối tiếp. Nếu do sức của duyên đoạn căn thiện, người đó lúc sinh vào địa ngục mới có thể nối tiếp.

Lại nữa, nếu người do sức mình đoạn căn thiện thì khi chết mới được nối tiếp. Nếu do sức của người khác đoạn căn thiện thì lúc sinh mới có thể nối tiếp.

Lại nữa, nếu người do sức của tự tánh đoạn dứt thì khi chết mới nối tiếp. Nếu người do sức của tư lương (hành trang) đoạn dứt thì lúc sinh mới có thể nối tiếp.

Lại nữa, nếu người nào kiến, giới đều hủy hoại mà đoạn dứt căn thiện thì khi chết mới nối tiếp. Nếu người nào kiến hoại, giới không hoại mà đoạn dứt thì lúc sinh mới có thể nối tiếp.

Lại nữa, nếu ý lạc và gia hạnh đều hoại mà đoạn căn thiện thì khi chết mới được nối tiếp. Nếu ý lạc bị hoại, nhưng gia hạnh không hoại mà đoạn dứt thì lúc sinh mới nối tiếp.

Lại nữa, nếu chấp thường làm gia hạnh mà đoạn thì khi chết mới nối tiếp. Nếu chấp đoạn làm gia hạnh mà đoạn thì lúc sinh mới có thể nối tiếp.

Tôn giả Diệu Âm nói: Người đoạn việc thiện kia, hoặc có lúc sinh ở địa ngục trông thấy tướng nơi quả dị thục của nghiệp bất thiện hiện tiền, liền suy niệm như vầy: Trước kia vì ta đã tự gây tạo nghiệp ác như thế, nên hôm nay phải thọ nhận quả không như ý này. Chính lúc khởi niềm tin ấy, gọi là sự nối tiếp việc thiện. Hoặc có người sau khi sinh vào địa ngục rồi, tức thì thọ nhận quả dị thục khổ, liền suy niệm: Trước kia vì ta đã gây tạo nghiệp ác như thế, nên bây giờ trở lại tự nhận quả khổ như thế. Lúc sinh khởi niềm tin này gọi là sự nối tiếp việc thiện.

Lại nữa, nếu căn cứ vào lý mà nói về sự đoạn căn thiện thì trong hiện pháp cũng có thể nối tiếp. Nghĩa là nếu người đó may mắn gặp được bạn thiện học rộng, giữ giới đầy đủ, ngôn từ biện tài, oai nghi nghiêm túc, có khả năng vì người đó giảng nói pháp, dẫn phát tâm người đó, bảo: Đối với chánh lý nhân quả ông nên sinh tin hiểu, đừng khởi tâm hủy báng bất chánh. Như ở chỗ tôi đem tâm thuần tịnh cung kính cúng đường, đối với người đồng phạm hạnh được tôn trọng khác cũng nên như thế. Do đấy khiến ông luôn đạt được yên ổn suốt trong cõi sinh tử. Người kia nghe lời nói như thế thì hoan hỷ thọ nhận, nên biết là người đó đã nối tiếp căn thiện. Vì thế nên căn thiện có hiện pháp nối tiếp, có chuyển thân nối tiếp.

Hỏi: Ai là hiện pháp nối tiếp? Ai là chuyển thân nối tiếp?

Đáp: Nếu người đoạn căn thiện không tạo nghiệp vô gián là hiện pháp có thể nối tiếp. Nếu người đoạn căn thiện cũng gây tạo nghiệp vô gián thì khi chuyển thân mới nối tiếp.

Lại nữa, nếu do sức của duyên đoạn căn thiện thì nơi hiện pháp có thể nối tiếp. Nếu do sức của nhân đoạn căn thiện thì khi chuyển thân mới nối tiếp.

Lại nữa, nếu do sức của người khác đoạn dứt căn thiện thì nơi hiện pháp có thể nối tiếp. Nếu do sức của mình đoạn dứt căn thiện thì khi chuyển thân mới nối tiếp.

Lại nữa, nếu do sức của tư lương đoạn dứt căn thiện thì nơi hiện pháp có thể nối tiếp. Nếu do sức của tự tánh đoạn dứt căn thiện thì khi chuyển thân mới nối tiếp.

Lại nữa, nếu kiến hoại, giới không hoại đoạn dứt thì nơi hiện pháp có thể nối tiếp. Nếu kiến và giới đều hoại đoạn dứt căn thiện thì khi chuyển thân mới nối tiếp.

Lại nữa, nếu ý lạc hoại, gia hạnh không hoại đoạn dứt thì nơi hiện pháp có thể nối tiếp. Nếu ý lạc và gia hạnh đều hoại đoạn dứt thì khi chuyển thân mới nối tiếp.

Hỏi: Nếu trong hiện pháp cũng có thể nối tiếp thì theo như Luận Thi Thiết đã nêu ở trước làm sao thông?

Đáp: Luận kia nói hiện pháp không thể nối tiếp, tức nói chỗ đoạn căn thiện kia cũng có tạo nghiệp vô gián, hoặc do sức của nhân đoạn căn thiện v.v…

Hỏi: Nếu người trong hiện pháp nối tiếp căn thiện, người đó khi chết rồi sinh vào địa ngục chăng?

Đáp: Người đó không quyết định sinh vào địa ngục. Chỉ có người khi chuyển thân mới nối tiếp căn thiện thì chắc chắn sinh vào địa ngục.

Hỏi: Trụ nơi những tâm nào mới có thể nối tiếp căn thiện?

Đáp: Hoặc trụ nơi tâm nghi, hoặc trụ nơi chánh kiến. Nghĩa là đối với nhân quả có lúc sinh nghi: Nhân quả này nên có chăng? Hoặc sinh chánh kiến: Nhân quả này quyết định là có, lúc ấy căn thiện sẽ được nối tiếp sinh khởi trở lại. Vì điều thiện được sinh khởi, nên gọi là nối tiếp căn thiện.

Hỏi: Ai trụ nơi tâm nghi nối tiếp? Ai trụ nơi chánh kiến nối tiếp?

Đáp: Có thuyết nói: Người chuyển thân mới nối tiếp là người trụ nơi tâm nghi nối tiếp. Người ở hiện pháp nối tiếp là người trụ nơi chánh kiến nối tiếp.

Lời bình: Nên nói như vầy: Điều ấy không quyết định.

Hỏi: Căn thiện nếu nối tiếp nên có thể khởi hiện chăng?

Đáp: Có thuyết cho: Nơi hiện pháp nối tiếp thì có thể khỏi hiện tiền. Còn chuyển thân mới nối tiếp thì chỉ là thành tựu.

Lời bình: Nên nói như vầy: Điều ấy không quyết định.

Hỏi: Nếu căn thiện nối tiếp trong hiện pháp thì ngay nơi thân hiện tại, người đó có thể nhập chánh tánh ly sinh chăng?

Đáp: Có thuyết nêu: Không thể. Vì tà kiến kia đã hủy hoại sự nối tiếp, nên căn thiện yếu kém hãy còn không đủ khả năng sinh thuận phần quyết trạch, huống chi là nhập chánh tánh ly sinh.

Có thuyết nói: Người kia tuy hiện tại không thể nhập chánh tánh ly sinh, nhưng vẫn có thể dẫn khởi thuận phần quyết trạch.

Lời bình: Nên nói như vầy: Người kia có thể dẫn khởi thuận phần quyết trạch, cũng có thể nhập chánh tánh ly sinh, cho đến có thể đắc quả A-la-hán. Như Bà-la-môn Ốt-yết-trá v.v… đã đoạn căn thiện rồi, được Tôn giả Xá-lợi-tử giảng nói pháp khiến ông ta nối tiếp căn thiện, dần dần được kiến đế, cho đến cứu cánh, như trong Tỳ-nại-da đã nói rộng.

Hỏi: Giết, đoạn người thiện với hại trứng kiến, tội nào nặng hơn?

Đáp: Nên dựa vào Luận Thi Thiết nói: Hoặc tội kia có kết buộc như trụ v.v… chính là đồng thì chỗ thọ nhận dị thục không khác. Nếu kết buộc không đồng với tội thì theo đấy có khác.

Có thuyết cho: Tội hại trứng kiến là nặng, không phải là tội đoạn người thiện nặng. Vì sao? Vì trứng kiến đã thành tựu các căn thiện.

Có thuyết nêu: Giết, đoạn người thiện thì mắc tội nặng. Vì sao? Vì người là ở nẻo thiện, nên hại con người là tội nặng.

Lời bình: Nên nói như vầy: Nếu căn cứ vào sự trị phạt tội thì sự giết, đoạn người thiện là tội nặng, vì mắc biên tội. Nếu dựa vào nghiệp đạo thì việc hại trứng kiến là tội nặng, vì chúng đã thành tựu các pháp thiện.

Hỏi: Những kẻ đoạn căn thiện có phải đều là tà tánh định tụ chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Những kẻ đoạn căn thiện đều là tà tánh định tụ. Hoặc có kẻ là tà tánh định tụ, nhưng không phải là đoạn căn thiện, như vua Vị Sinh Oán (A-xà-thế) v.v… Ông ta đã tạo nghiệp vô gián nhưng không đoạn căn thiện.

Lời bình: Nên nói như vầy: Sự việc ấy có bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là đoạn căn thiện không phải là tà tánh định tụ: Như Lục Sư Bố Thích Noa v.v… họ đoạn căn thiện, nhưng không tạo nghiệp vô gián.

2. Có trường hợp là tà tánh định tụ không phải là đoạn căn thiện: Như vua Vị Sinh Oán.

3. Có trường hợp là đoạn căn thiện cũng là tà tánh định tụ: Như Đề-bà-đạt-đa v.v… Ông ấy đã đoạn căn thiện, cũng gây tạo nghiệp vô gián.

4. Có trường hợp không đoạn căn thiện cũng không phải là tà tánh định tụ: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Ở xứ nào thọ nhận quả dị thục của tà kiến đoạn việc thiện?

Đáp: Thọ nhận quả dị thục của tà kiến kia là ở địa ngục Vô gián. Như chỗ hướng tới tối thượng của A-la-hán là đạt đến Niết-bàn, chỗ hướng tới thấp nhất của kẻ đoạn dứt căn thiện là đến địa ngục Vô gián.

Lại nữa, như tư của định Hữu đảnh là thù thắng trong pháp thiện hữu lậu, nên thọ nhận quả dị thục của Hữu đảnh, tà kiến đoạn thiện như vậy là hơn hết trong các thứ ác, nên thọ nhận quả dị thục nơi địa ngục vô gián.

Hỏi: Ở xứ nào thọ nhận quả của nghiệp vô gián?

Đáp: Nếu kẻ đoạn điều thiện, tạo các nghiệp vô gián và các hành phá hoại Tăng khác, thì nhất định thọ nhận quả dị thục trong địa ngục vô gián. Nếu là kẻ không đoạn điều thiện, chỉ tạo bốn nghiệp vô gián còn lại, thì thọ nhận quả dị thục, hoặc ở địa ngục vô gián, hoặc ở các địa ngục khác.

Hỏi: Các tà kiến đoạn căn thiện nơi chúng đồng phần chỉ là Năng mãn nghiệp hay cũng là Năng dẫn nghiệp?

Đáp: Cũng là Năng dẫn nghiệp, cũng là Năng mãn nghiệp.

Có thuyết nói: Chỉ là Năng mãn nghiệp, không phải là Năng dẫn nghiệp. Vì sao? Vì nghiệp có khả năng lôi kéo, dẫn dắt đến quả của chúng đồng phần, còn tà kiến kia không phải là nghiệp.

Lời bình: Nên nói như vầy: Thuyết trước là đúng. Vì nghiệp hữu tư tương ưng với tà kiến, nên tà kiến với nghiệp kia đồng một quả.

HẾT – QUYỂN 35