LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 30

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 4: NÓI VỀ ÁI KÍNH, phần 2

* Thế nào là cúng dường, cung kính? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước tuy đã nói riêng về tự tánh của cúng dường, cung kính, nhưng chưa nói chung về sự chuyển biến đối với một cảnh. Nay vì muốn chỉ rõ hai pháp ấy đối với một cảnh đã chuyển biến, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là cung kính, cúng dường?

Đáp: Như có một loại hữu tình đối với Phật, Pháp, Tăng, Thân giáo sư, Quỹ phạm sư và tùy theo một bậc có trí tôn trọng đồng phạm hạnh khác thiết lập cúng dường, cung kính, an trụ. Nếu ở nơi ấy có sự cúng dường và cung kính, đó gọi là cung kính cúng dường.

Ở đây, một loại hữu tình, nghĩa như trước đã nói, tức là phàm phu hoặc Thánh giả.

Đối với Phật, thiết lập cúng dường, cung kính, an trụ: Nghĩa là chỉ thiết lập sự cúng dường của cải, cung kính, an trụ, không phải là cúng dường pháp. Vì sao? Vì Đức Phật đối với các pháp đã được cứu cánh, không còn thọ nhận pháp học từ người khác. Không ai có khả năng vì Đức Thế Tôn thuyết pháp, khiến sinh tuệ giác thiện xảo chưa từng có.

Đối với Pháp, thiết lập cúng dường, cung kính an trụ: Có bản không nói câu: cung kính cúng dường pháp, do đối với Niết-bàn là nghĩa không duyên. Trước nói về cúng dường, nghĩa là có thể tạo duyên, còn Niết-bàn là không duyên, thế nên không nói. Nhưng có bản thì nói: Tuy đối với Niết-bàn không có nghĩa sinh trưởng, nhưng có đối với khía cạnh khác khiến nghĩa được hiển bày đầy đủ. Tức đem của cải và pháp cúng dường Niết-bàn, khiến các hữu tình cung kính mong cầu chứng đắc, do đấy lần lượt đoạn chướng, chứng đạt.

Lại nữa, pháp có hai thứ: 1. Thế tục, nghĩa là các pháp như danh thân v.v… 2. Thắng nghĩa, tức là Niết-bàn cứu cánh. Tuy đối với pháp thắng nghĩa, không có nghĩa sinh trưởng, nhưng đối với pháp thế tục thì có nghĩa sinh trưởng. Vì thế, nên đối với pháp cũng có cung kính cúng dường.

Hỏi: Đối với các việc bố thí pháp và của cải vật dụng, ai là người nên thọ nhận?

Đáp: Thí của cải và pháp theo thế tục thì Sư giảng nói pháp nên thọ nhận. Hoặc nên dùng của cải vật dụng này để biên chép chánh pháp. Bố thí pháp và của cải theo thắng nghĩa, thì nên siêng năng gia công giữ gìn, cũng như giữ gìn vật trong tháp.

Đối với Tăng, thiết lập cúng dường, cung kính, an trụ: Là chung cho hai sự cúng dường của cải và pháp.

Cúng dường của cải: Nghĩa là dùng các vật như hương hoa, y phục, thức ăn, cúng dường chúng Tăng. Hoặc thiết lập các sự việc như đại hội năm năm v.v… gọi là cúng dường của cải cho Tăng.

Cúng dường pháp: Nghĩa là dùng âm thanh của ba sự khế hợp, vì đại chúng giảng nói rộng chánh pháp. Hoặc ở trong chúng bàn luận, quyết đoán, lựa chọn. Hoặc lại ở trong chúng tán thán các công đức tốt đẹp, bày tỏ nguyện vọng của mình, khiến chúng hoan hỷ vui thích. Những sự việc như thế, gọi là cúng dường pháp đối với Tăng.

Đối với Thân giáo sư, Quỹ phạm sư cùng tùy theo một bậc có trí tôn trọng đồng phạm hạnh khác thiết lập cúng dường, cung kính, an trụ, cũng chung cả hai thứ cúng dường của cải và pháp.

Cúng dường của cải: Nghĩa là dùng y bát, thức uống ăn, thuốc thang, ngoài ra tùy các vật dụng cần thiết của một Sa-môn để cúng dường.

Cúng dường pháp: Nghĩa là đem ba Tạng để khuyến khích khiến thọ trì. Hoặc vì đại chúng giải thích khiến không còn nghi ngờ vướng mắc. Hoặc lại khuyến thỉnh khiến tu tập chánh hạnh. Những sự việc như thế gọi là cúng dường pháp.

Trên đây đã nói về Tam bảo, sư, bạn, trong cảnh thù thắng, tùy thuận nên cúng dường, cung kính, an trụ, ở trong cảnh khác thì không quyết định có sự cúng dường. Dựa theo trước nên nói.

Hỏi: Cúng dường, cung kính này ở xứ nào có đủ?

Đáp: Ở cõi dục có đủ, không phải ở cõi sắc, cõi vô sắc. Bốn nẻo trong cõi dục có đủ, không phải ở Nại-lạc-ca, vì trong địa ngục không có sự cúng dường của cải, chỉ có pháp.

Hỏi: Cúng dường của cải và pháp này do ai thiết lập và ai thọ nhận?

Đáp: Đức Phật đối với tất cả hữu tình có thể thiết lập hai thứ cúng dường của cải và pháp, các hữu tình kia tùy theo chỗ ứng hợp đều có thể thọ nhận. Tất cả hữu tình đối với Đức Phật tùy theo chỗ thích hợp có thể thiết lập cúng dường của cải, không phải là cúng dường pháp, vì không ai có thể vì Phật giảng nói pháp cùng không ai có thể làm sinh khởi tuệ giác thiện xảo chưa từng có của Phật.

Bậc Độc giác, trừ Đức Phật, đối với tất cả hữu tình có thể thiết lập hai thứ cúng dường của cải và pháp, các hữu tình kia tùy theo chỗ ứng hợp đều có thể thọ nhận. Tất cả hữu tình đối với bậc Độc giác tùy theo hoàn cảnh thích hợp có thể thiết lập cúng dường của cải, không phải là cúng dường pháp.

Tôn giả Xá-lợi-tử, trừ Đức Phật, bậc Độc giác, đối với tất cả hữu tình có thể thiết lập hai thứ cúng dường của cải và pháp, các hữu tình kia tùy theo chỗ ứng hợp đều có thể thọ nhận. Tất cả hữu tình đối với Tôn giả Xá-lợi-tử tùy theo chỗ thích hợp có thể thiết lập cúng dường của cải, không phải là cúng dường pháp.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, trừ Đức Phật, bậc Độc giác và Tôn giả Xá-lợi-tử, còn lại như đã nói về Tôn giả Xá-lợi-tử. Cho đến người lợi căn đối với kẻ độn căn, tùy theo chỗ ứng hợp có thể thiết lập hai thứ cúng dường của cải và pháp, người kia theo chỗ ứng hợp đều có thể thọ nhận. Kẻ độn căn đối với người lợi căn tùy theo chỗ thích ứng có thể thiết lập cúng dường của cải, không phải là cúng dường pháp. Người kia theo chỗ thích nghi đều có thể thọ nhận.

Hỏi: Nếu không dùng pháp cúng dường Phật thì như Khế kinh đã nói làm sao thông? Như nói: Bí-sô! Lành thay! Lành thay! Ông mới là người có khả năng dùng âm thanh hòa nhã, trong trẻo, rõ ràng, dễ hiểu để đọc tụng chánh pháp khiến Ta hoan hỷ?

Đáp: Đức Thế Tôn vì muốn khiến Bí-sô Văn Câu Chi Nhĩ được sự không sợ hãi nên nói như thế, không phải Đức Phật đối với Bí-sô kia thọ nhận cúng dường pháp. Nghĩa là Thân giáo Ca Đa Diễn Na sai Bí-sô này đến chỗ Đức Phật để cầu xin năm sự việc cho các Bí-sô ở miền biên giới lạnh lẽo: 1. Thường xuyên được tắm rửa, gội đầu. 2. Được dùng da thú làm áo lót, khăn trải ngồi. 3. Xin được luôn mang giày, vớ phủ kín chân. 4. Xin trì luật là người thứ năm thì được thọ giới Cụ túc. 5. Xin được phép, nếu có Bí-sô sai người đem y cho Bí-sô khác, trong trường hợp Bí-sô kia nếu không nhận thì chúng con phải phân phát y này ở nơi nào? Văn Câu Chi Nhĩ vâng lời Thân giáo sư sai đến chỗ Đức Phật. Đức Thế Tôn với oai đức luôn được tôn trọng, đối với Thích, Phạm, Hộ thế hãy còn không thể đứng gần bên Phật để được nhìn thẳng, huống chi là Bí-sô kia sao dám bày tỏ thỉnh nguyện? Đức Phật biết sự việc này, nên bảo Tôn giả A-nan: Ông có thể dẫn Bí-sô kia đến phòng của Ta, trải ngọa cụ mời ông ấy tạm nghỉ ở đó. Tôn giả A-nan làm đúng như lời Phật dạy. Đức Thế Tôn và Bí-sô kia cùng nghỉ đến khuya. Biết Bí-sô kia hơi thở có vẻ mỏi mệt, Đức Thế Tôn liền bảo: Ông nên vì Ta đọc tụng pháp ông đã hiểu. Văn Câu Chi Nhĩ dùng tiếng của ba thứ khế hợp đọc lại pháp đã hiểu. Đức Thế Tôn hoan hỷ, vì muốn khiến cho Văn Câu Chi Nhĩ được pháp không sợ hãi, có thể tỏ bày điều thỉnh cầu, nên Đức Phật khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Đức Thế Tôn khen ngợi Bí-sô kia vì trong quá khứ đã tu tập đạo nghiệp thanh tịnh, đã chiêu cảm được âm thanh hay đẹp như vậy, khiến người ưa thích nghe, nên nói như thế, không phải là nhận sự cúng dường pháp của Bí-sô kia.

Có Sư khác cho: Đức Thế Tôn khen ngợi Bí-sô kia có khả năng khéo đọc tụng, thọ trì kinh Ba-la-diễn-noa Kiến đế v.v… nên nói lời như thế, không phải là nhận sự cúng dường pháp của Bí-sô ấy.

Hoặc có thuyết nêu: Do Bí-sô kia lúc còn ở nước Phong Mã làm xong các Phật sự, Đức Thế Tôn đã khen ngợi Bí-sô kia, còn khiến cho vô lượng hữu tình của nước đó kính trọng thọ pháp, nên Phật nói như thế, không phải là nhận sự cúng dường pháp Bí-sô đó.

Lại có thuyết biện: Đức Phật khen ngợi đệ tử có nhiều nhân duyên, không phải vì thọ nhận pháp.

Hoặc vì đệ tử đó được tâm không sợ hãi, như hôm nay Đức Thế Tôn khen ngợi Văn Câu Chi Nhĩ. Hoặc nhằm ngăn chận sẽ có việc phỉ báng đối với người kia. Như bảo Tôn giả Vô Diệt: Ta nay bị đau lưng, ông có thể vì các Bí-sô giảng nói rộng pháp đến gần sự kiên cố. Chỉ ông mới có thể giảng nói về sự việc thù thắng như thế.

Hoặc muốn khiến người kia nêu bày oai lực, như bảo Tôn giả Mục Liên: Chỉ có ông mới có thể vì các người thuộc dòng họ Thích ở thành Kiếp-tỷ-la giảng nói pháp vi diệu.

Hoặc vì muốn làm rõ công đức lớn của người kia, như Đức Phật khen ngợi Tôn giả Xá-lợi-tử: Ông có thể giảng nói pháp như sư tử gầm, vì những điều ông nói ra đều là quyết định.

Hỏi: Như nơi Khế kinh khác đã nói làm sao thông? Như nói: Phật bảo Tôn giả A-nan-đà: Lành thay! Lành thay! Như ông đã nói, tinh tấn tức mau chóng chứng đắc Bồ-đề Vô thượng. Ta nghe ông nói thật hết sức hoan hỷ.

Đáp: Đức Phật vì Tôn giả Khánh Hỷ đã giảng nói hợp thời nên nói lời ấy, không phải là thọ nhận pháp. Nghĩa là Đức Bạc Già Phạm vì hóa độ hữu tình nên đã vượt qua chặng đường xa khiến mỏi mệt, đau lưng, liền đến bên cội cây, xếp y bảy điều gấp làm bốn làm ngọa cụ, y năm điều đắp lên thân, dùng Tăng-già-chi làm gối, nằm nghiêng bên hông phải như sư tử vương, bảo Tôn giả A-nan: Ông có thể vì các Bí-sô giảng nói pháp, không nên để thời gian trôi qua vô ích. Bấy giờ, Tôn giả A-nan vâng theo Thánh chỉ của Phật, vì chúng Bí-sô giảng nói về bảy Giác chi: Các Nhân giả, giác chi Niệm v.v… là do Đức Thế Tôn của chúng ta đã tự giác, tự nói, dựa vào sự nhàm chán, lìa diệt, hồi hướng nơi xả. Như thế cho đến giác chi Xả v.v… nói rộng cũng vậy. Đức Thế Tôn lúc nghe Tôn giả A-nan nói về tinh tấn, liền khởi trí kiến nhớ lại đời trước. Ta đã trải qua ba vô số kiếp trong quá khứ, do diệu lực của tinh tấn, nên đã tu gia hạnh, sớm được viên mãn, nhanh chóng chứng đắc Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng. Suy niệm thế rồi, phát sinh hoan hỷ thù thắng. Do sức vui mừng ấy nên chứng đau lưng khỏi hẳn. Lập tức, Đức Thế Tôn đứng dậy, sửa lại y phục, ngồi kiết già, bảo Tôn giả A-nan: Ông đã vì đại chúng giảng nói pháp Tinh tấn chăng? A-nan bạch Phật: Vâng, thưa Đức Thế Tôn! Đức Phật khen: Lành thay! Lành thay! Ta do tinh tấn nên mau chóng chứng đắc Bồ-đề, nay ông giảng nói nên Ta rất hoan hỷ. Đây là Đức Phật khen ngợi Tôn giả A-nan giảng nói pháp hợp thời, đúng lúc, không phải khen vì thọ nhận cúng dường pháp.

Hỏi: Theo như nơi Tỳ-nại-da đã nói thì làm sao thông? Như nói: Tôn giả A-nan, Ta nay càng thêm tăng trưởng về pháp thiện xuất ly, nên vô cùng hoan hỷ. Nếu Đức Phật không thọ nhận sự cúng dường pháp của người khác, làm sao pháp thiện xuất ly được tăng trưởng?

Đáp: Vì Đức Phật dùng việc của người khác làm sự việc của mình. Vì pháp thiện của người khác gia tăng, nên Phật mới nói như thế. Nghĩa là các loài hữu tình phần nhiều dựa vào pháp Phật đạt niềm tin thanh tịnh, xuất gia thọ giới Cụ túc, đọc tụng thọ trì ba Tạng, ngụ ở chốn A-luyện-nhã tịch tĩnh, tư duy nhập chánh định đắc quả, lìa dục, cho đến các lậu đều dứt hết, hoặc gieo trồng chủng tử giải thoát, sinh lên cõi trời. Đức Phật nhận biết sự việc này nên rất hoan hỷ và suy niệm: Vô lượng hữu tình do oai lực của Ta nên pháp thiện thế gian cùng xuất thế gian đều được tăng trưởng. Những gì các hữu tình kia đã làm, chính là công việc của Ta, thật đáng vui mừng, nên nói như thế. Nhưng Đức Thế Tôn chắc chắn là đối với người khác không nhận sự cúng dường pháp, vì công đức của pháp thân Phật là hoàn toàn viên mãn, còn sinh thân tất phải nhờ vào sự nuôi dưỡng do thức ăn uống, y phục v.v… nên có đối với người khác thọ nhận sự cúng dường của cải.

***

* Thế nào là sức mạnh của thân? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để ngăn chận Tông chỉ của người khác và nhằm làm rõ chánh nghĩa. Tức như có lối chấp: Sức mạnh của thân và sức yếu kém của thân không có tự Thể riêng. Như Luận Phân Biệt đã nói: Lúc tâm có năng lực, nói là sức mạnh của thân, khi tâm không có năng lực, gọi là sự yếu kém của thân, vì thế nên thân có sức mạnh hay yếu đều không có tự Thể riêng. Vì nhằm ngăn chận lối chấp của Luận kia, hiển bày lực của thân mạnh hay yếu kém đều có Thể riêng, vì thuộc về xúc xứ.

Hoặc lại có lối chấp: Tự Thể của sức mạnh nơi thân tức là tinh tấn. Tự Thể của sự yếu kém nơi thân chính là lười biếng, như Pháp Mật Bộ nói. Nay nhằm ngăn chận lối chấp của Bộ đó, chỉ rõ là có riêng sức mạnh và sự yếu kém của thân, không phải là tinh tấn v.v…

Có người chấp: Sức mạnh và sự yếu kém của thân đều không có tự Thể nhất định, như phái Thí Dụ nói thế này: Sức của voi hơn sức của ngựa, sức của ngựa hơn sức của bò, nên biết sự yếu kém và sức mạnh không có tự Thể nhất định. Nay nhằm ngăn chận lối chấp của phái kia và làm sáng tỏ sức mạnh và sự yếu kém của thân có tự Thể nhất định, vì thuộc về xúc xứ. Do tự tánh của tất cả pháp đều cố định, nên các pháp hữu vi đều có tự thể hơn kém quyết định. Như mắt đối với sắc trông thấy sáng rõ, gọi là trông thấy hơn hết. Trông thấy sắc không sáng rõ gọi là yếu kém. Nói rộng cho đến ý nhận biết các pháp cũng lại như thế, trong đó đều có tánh hơn, kém nhất định. Sức mạnh của thân và sự yếu kém của thân, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Nếu sức của thân yếu kém hay mạnh mẽ đều có tánh nhất định, thì như phái Thí dụ nói làm sao thông?

Đáp: Tuy voi, ngựa v.v… đối đãi với nhau có hơn kém, gọi là không quyết định, nhưng có Thể nhất định. Nghĩa là ngựa đối với voi thì yếu kém, vì sức của đại chủng nhiều, đối với đại chủng ít. Nếu ngựa đối với bò thì yếu kém, vì sức của đại chủng ít, đối với đại chủng nhiều. Như ngựa, các loài khác, nên biết cũng như thế. Do đại chủng của sức mạnh với đại chủng yếu kém đều khác nhau nên có lúc phải chờ đợi nhau. Danh tuy không nhất định nhưng Thể luôn riêng khác.

Vì nhằm ngăn chận các lối chấp dị biệt của Tông khác như thế và để làm rõ thân có sức mạnh và thân yếu kém thật sự là có Thể riêng, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là sức mạnh của thân?

Đáp: Là các thân dũng mãnh, cường tráng, nhanh nhẹn có khả năng hoàn tất mọi việc. Đó gọi là sức mạnh của thân. Luận sư của Bản luận này đối với văn nghĩa khác biệt đã đạt được thiện xảo, nên dùng các thứ văn để chỉ rõ về sức mạnh của thân nhưng Thể không khác.

Hỏi: Thế nào là sự yếu kém của thân?

Đáp: Là các thân không mạnh mẽ, không dũng mãnh, không tráng kiện, không nhanh nhẹn, không thể làm xong mọi việc. Đó gọi là sự yếu kém của thân. Luận sư của Bản luận này đối với văn nghĩa khác biệt đã đạt được thiện xảo, nên dùng các thứ văn để chỉ rõ về sự yếu kém của thân nhưng Thể không khác.

Hỏi: Sức mạnh của thân và sức yếu kém của thân thuộc về bao nhiêu xứ, bao nhiêu thức nhận biết?

Đáp: Thuộc về một xứ là xúc xứ. Hai thức nhận biết là thân thức và ý thức. Ở đây, thân thức chỉ phân biệt về tự tướng kia, còn ý thức thì phân biệt về tự tướng và cộng tướng kia. Chữ ở đây tức nhằm ngăn chận lối chấp của Luận giả Phân Biệt cho sức mạnh cùng sự yếu kém của thân không có tự Thể riêng, đồng thời chỉ rõ hai thân mạnh, yếu này đều có tự Thể riêng. Nếu không có tự Thể riêng tức nên không thuộc về xúc xứ và hai thức nhận biết. Sức của tâm có không phải thuộc về xúc xứ cùng hai thức nhận biết.

Như hai lực sĩ lúc đầu kéo tay nhau, hai cổ tay vừa tiếp xúc là biết ngay đối tượng mạnh hay yếu. Ở đây, Luận chủ dẫn sự việc hiện thấy làm dụ nhằm khiến người trí hay ngu đều được hiểu rõ. Do đấy tức ngăn chận lối chấp của Pháp Mật Bộ cho sức mạnh của thân là tinh tấn, sự yếu kém của thân là lười biếng, nhằm hiển bày sức mạnh và sự yếu kém của thân không phải là tinh tấn, lười biếng v.v… Vì nếu không như vậy thì cổ tay của hai lực sĩ vừa tiếp xúc vì sao nhận biết là mạnh yếu? Tức tinh tấn, lười biếng không phải do tiếp xúc của tay tức có thể nhận biết.

Lại như khi người mạnh nắm lấy kẻ yếu thì sức mạnh hơn, kém cùng nhận biết cũng như thế. Ở đây, Luận chủ dẫn thí dụ hai, nhằm chỉ rõ lần nữa về nghĩa này, khiến dễ nhận biết. Do đấy tức ngăn chận lối chấp của phái Thí dụ cho thân có sức mạnh và thân yếu kém không có tự Thể nhất định, nhằm chỉ rõ là hai thứ này có tự Thể nhất định. Nếu không như thế thì không nên vừa nắm lấy là nhận biết ngay về hơn kém. Cùng chờ đợi nhờ nơi pháp nhất định không phải là lãnh vực thân thức có thể nhận biết rõ.

Hỏi: Thân có sức mạnh và thân yếu kém lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Có thuyết nói: Lấy đại chủng làm tự tánh.

Hỏi: Đại chủng nào tăng gọi là thân có sức mạnh? Đại chủng nào tăng gọi là thân yếu kém?

Đáp: Có thuyết cho: Đại chủng không có tăng riêng, nhưng bốn đại chủng có nơi người mạnh hơn, gọi là sức mạnh của thân. Bốn đại chủng có nơi kẻ gầy yếu, gọi là thân yếu kém.

Có thuyết nêu: Vì địa giới tăng nên gọi là sức mạnh của thân. Thủy giới tăng nên gọi là thân yếu kém. Vật bên ngoài cũng như thế. Vật gánh vác, núi, cây v.v… vì địa giới tăng nên thể của chúng mạnh, rắn chắc. Cây liễu, các thứ dưa v.v… vì thủy giới tăng nên thể của chúng yếu ớt, trống rỗng.

Có Sư khác nói: Sức mạnh của thân và sự yếu kém của thân không phải là bốn đại chủng mà là do xúc tạo ra.

Hỏi: Trong bảy xúc được tạo thì thứ nào tăng nên gọi là sức mạnh của thân? Thứ nào tăng nên gọi là sức yếu kém của thân?

Đáp: Có thuyết cho: Vì nặng tăng nên gọi là thân có sức mạnh, vì nhẹ tăng nên gọi là thân yếu kém. Vật bên ngoài cũng như thế. Vật nào nặng thì Thể mạnh. Vật nào nhẹ thì Thể yếu.

Có thuyết nêu: Hai thứ này là do xúc tạo ra, không phải thuộc vào bảy xúc được tạo. Nghĩa là ngoài bảy thứ, có riêng do xúc được tạo gọi là sức mạnh của thân và sức yếu kém của thân.

Lời bình: Nên nói như vầy: Tức bốn đại chủng và xúc được tạo ra đều là tự tánh của thân có sức mạnh và thân yếu kém. Nghĩa là nếu thân được điều hòa cùng gọi là sức mạnh của thân, nếu không điều hòa cùng gọi là sức yếu kém của thân.

Như Khế kinh nói: Thân của Bồ-tát có đủ sức của Na-la-diên, sức này về lượng như thế nào?

Có thuyết nói: Sức của mười con bò thường bằng sức của một con bò mạnh mẽ. Sức của mười con bò mạnh mẽ bằng sức của một thanh ngưu. Sức của mười thanh ngưu bằng sức của một voi thường. Sức của mười voi thường bằng sức của một Hương tượng. Sức của mười Hương tượng bằng sức của một Đại Nặc-kiện-na. Sức của mười Đại Nặc-kiện-na bằng sức của một Bát-la-tắc-kiến-đề. Sức của mười Bát-la-tắc-kiến-đề bằng sức phân nửa của Na-la-diên. Sức của hai phân nửa Na-la-diên bằng sức của một Na-la-diên. Sức của thân Bồ-tát ngang với sức này.

Có Sư khác cho: Lượng này rất ít. Nên nói là sức của mười bò thường bằng sức của một bò mạnh mẽ. Sức của mười bò mạnh mẽ bằng sức của một thanh ngưu. Sức của mười thanh ngưu bằng sức của một voi thường. Sức của mười voi thường bằng sức của một dã tượng. Sức của mười dã tượng bằng sức của một Yết-noa-lỗ-ha tượng. Sức của mười Yết-noa-lỗ-ha tượng bằng sức của một A-latrạch-ca tượng. Sức của mười A-la-trạch-ca tượng bằng sức của một Căng-kỳ-lạc-ca tượng. Sức của mười Căng-kỳ-lạc-ca tượng bằng sức của một Tuyết sơn tượng. Sức của mười Tuyết sơn tượng bằng sức của một Hương sơn tượng. Sức của mười Hương sơn tượng bằng sức của một Thanh sơn tượng. Sức của mười Thanh sơn tượng bằng sức của một Hoàng sơn tượng. Sức của mười Hoàng sơn tượng bằng sức của một Xích sơn tượng. Sức của mười Xích sơn tượng bằng sức của một Bạch sơn tượng. Sức của mười Bạch sơn tượng bằng sức của một Ốt-bát-la tượng. Sức của mười Ốt-bát-la tượng bằng sức của một Câu-mâu-đà tượng. Sức của mười Câu-mâu-đà tượng bằng sức của một Bát-đặc-ma tượng. Sức của mười Bát-đặcma tượng bằng sức của một Bôn-trà-lợi-ca tượng. Sức của mười Bôn-trà-lợi-ca tượng bằng sức của một Bát-đặc-mạc-ca tượng. Sức của mười Bát-đặc-mạc-ca tượng bằng sức của một Đại Bát-đặcmạc-ca tượng. Sức của mười Đại Bát-đặc-mạc-ca tượng bằng sức của một Đại Hương tượng. Sức của mười Đại Hương tượng bằng sức của một Đại Nặc-kiện-na. Sức của mười Đại Nặc-kiện-na bằng sức của một Bát-la-tắc-kiến-đề. Sức của mười Bát-la-tắc-kiến-đề bằng sức của một Sa-lãng-già. Sức của mười Sa-lãng-già bằng sức của một Phạt-lãng-già. Sức của mười Phạt-lãng-già bằng sức của một Già-nộ-la. Sức của mười Già-nộ-la bằng sức của một Phạt-lagià-nộ-la. Sức của mười Phạt-la-già-nộ-la bằng sức của nửa Na-ladiên. Sức của hai phần Na-la-diên bằng sức của một Na-la-diên. Sức của thân Bồ-tát ngang đồng sức này.

Hoặc có thuyết nêu: Lượng này cũng còn ít. Nên nói trong thân của Bồ-tát có mười tám lóng xương lớn, mỗi mỗi lóng xương lớn đều có sức của một Na-la-diên.

Lại có thuyết nói: Lượng này vẫn còn ít. Nên nói trong thân của Bồ-tát có mười tám lóng xương lớn, mỗi mỗi lóng xương lớn có sức của mười tám Na-la-diên.

Hoặc lại có thuyết cho: Lượng này vẫn còn ít. Nên nói trong thân của Bồ-tát có tổng cộng ba trăm hai mươi lóng xương lớn, lóng xương nhỏ, lóng nhỏ nhất có sức của một Na-la-diên, thứ đến lóng lớn hơn có sức của hai Na-la-diên, lần lượt sức của lóng lớn tăng gấp bội.

Lại có thuyết nêu: Lượng này vẫn còn ít. Nên nói sức nơi thân của Bồ-tát có bằng sức của một ngàn Long tượng vương Ái-la-phạtnoa. Sức của tượng vương ấy, về lượng như thế nào? Nghĩa là toàn thân của tượng vương này trắng tươi như sắc hoa sen trắng Câumâu-đà, bảy chi thiện trụ có đủ sáu ngà, đầu màu đỏ hồng như sắc Nhân-đạt-la-cù-bác-ca, bên hông trái, phải mỗi bên đều rộng hai duthiện-na rưỡi, mỗi phần trước sau của thân đều là một du-thiện-na, chu vi của lượng thân có đến bảy du-thiện-na, chiều cao thấp là một du-thiện-na rưỡi. Đây là thân thường biến hóa không nhất định. Thân này có tám ngàn Long tượng làm quyến thuộc, thân đều trắng tươi như Câu-mâu-đà, có đủ sáu ngà, bảy chi thiện trụ, đầu màu hồng đỏ như phấn sáp thượng hạng. Nếu Chuyển Luân vương xuất hiện ở đời, thì tùy theo một con trong số các voi ấy ứng hiện đến. Trời Ba Mươi Ba định dạo chơi nơi khu vườn, do diệu lực nơi phước đức của Trời nên vừa khởi tâm, liền khiến Đại Tượng vương xuất hiện, màu sắc kỳ lạ, suy nghĩ thế này: Thiên Đế Thích v.v… hôm nay cần cỡi ta vào vườn dạo chơi. Tức từ nơi châu Thiệm Bộ này mất đi, hiện đến trước cung Đế thích. Trên thân hóa ra ba mươi hai đầu, mỗi đầu đều có sáu ngà, như sắc ở đầu gốc. Đầu này cùng với đầu gốc có ba mươi ba. Trên mỗi mỗi chiếc ngà hóa làm bảy ao. Trong mỗi mỗi ao hóa làm bảy hoa sen. Trên mỗi mỗi hoa sen hóa làm bảy viện báu. Trong mỗi mỗi viện báu hóa tạo ra bảy đài báu. Trong mỗi mỗi đài báu hóa làm bảy màn báu. Trong mỗi mỗi tấm màn hóa làm bảy thiên nữ. Mỗi thiên nữ hóa ra bảy người đứng hầu. Mỗi mỗi người đứng hầu hóa làm bảy kỹ nữ đồng hòa tấu các nhạc múa. Hóa hiện như vậy xong, bấy giờ, Thiên Đế Thích và các quyến thuộc cùng bước lên đầu voi gốc kia, ba mươi hai vị trời và các quyến thuộc bước lên chỗ ba mươi hai đầu được hóa hiện. Gia tộc của các trời trong mười ngàn thành khác cùng bước lên lưng Long tượng kia. Thân của họ cử động nhẹ nhàng như gió xoay, thổi vào các hoa sen, hoặc thổi vào vỏ cây hoa, cỡi hư không đi đến vườn để dạo chơi. Lúc ấy, chư Thiên đều không tự trông thấy có người trước sau. Khi tới nơi, liền xuống, mỗi người đều đến khu rừng vui chơi, thọ nhận hoan lạc thỏa thích. Bấy giờ, Long tượng kia cũng tự hóa thân như hình Thiên tử dạo chơi, thọ nhận niềm vui. Sức mạnh của voi Ái-la-phạt-noa là như thế.

Có thuyết nói: Sức mạnh này hãy còn ít. Nên nói trong thân của Bồ-tát tổng cộng có mười tám đốt xương lớn. Mỗi mỗi đốt xương lớn đều có như sức của ngàn Long tượng vương Ái-la-phạt-noa.

Có thuyết khác cho: Sức mạnh này hãy còn ít. Nên nói trong thân của Bồ-tát tổng cộng có ba trăm hai mươi đốt xương lớn nhỏ. Đốt xương nhỏ nhất có sức mạnh gấp ngàn lần sức mạnh của Long tượng vương Ái-la-phạt-noa. Lần lượt đốt xương lớn hơn có sức mạnh gấp bội.

Đại đức nói: Sức này vẫn còn ít. Nên nói ý lực của Bồ-tát là vô biên, sức thân của Bồ-tát cũng như thế. Làm sao biết được như vậy? Nghĩa là trước kia, Bồ-tát nhận bó cỏ kiết tường bên cạnh người kiết tường đi đến cội cây Bồ-đề, tự trải ra làm tòa, ngồi kiết già, phát nguyện kiên cố: Nếu chưa vĩnh viễn dứt hết các lậu và chứng đắc Bồđề vô thượng thì ta nhất quyết sẽ không rời khỏi tòa ngồi này. Bồ-đề Vô thượng ấy từ nơi đời vị lai sắp đi vào hiện tại. Lúc này, cả ba ngàn đại thiên thế giới hiện đủ sáu cách chấn động, Bồ-tát vẫn không lay động một sợi lông tóc. Do sự việc này, nên biết diệu lực nơi thân của Bồ-tát cũng như ý lực, về số lượng là không có giới hạn.

Hỏi: Nếu như thế vì sao trong kinh nói thân Bồ-tát có sức của Na-la-diên?

Đáp: Lực này là cả thế gian đều trân trọng, nên dùng làm thí dụ, nhưng thật sự thì không như vậy.

Hỏi: Do duyên gì Bồ-tát tích tập diệu lực của thân này?

Đáp: Vì muốn thể hiện những gì Bồ-tát có đều là thù thắng. Nghĩa là các sắc lực, tộc họ tự tại, quyến thuộc, của cải, ngôi vị, công đức, danh tiếng, trí kiến uy dũng đều thù thắng, nhằm khiến những hữu tình kiêu mạn quy phục, thọ nhận pháp. Lại nữa, vì muốn làm nơi nương dựa cho đạo quả Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng, nên tích tập diệu lực của thân này. Nghĩa là Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng của Phật cần dựa vào thân này mới được an trụ. Giả sử Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng ấy đem đặt ở đỉnh Đại sơn vương Diệu Cao, thì núi chúa kia sẽ tan nát như hạt bụi, do mười lực, bốn pháp không sợ hãi v.v… là các pháp hết sức tôn trọng. Do đấy châu Thiệm Bộ trong ba ngàn đại thiên thế giới, có tòa kim cang, trên là bờ đất tận cùng, dưới là dựa vào kim luân, Bồ-tát an tọa nơi đấy thành tựu Đẳng Chánh Giác, ngoài ra không có một chốn nương dựa nào kiên cố bằng. Thế nên lúc mới thành Phật, Bồ-tát vừa muốn kinh hành, đặt nhẹ chân xuống đất, tức khiến cả đại địa hiện đủ sáu cách chấn động, bèn khởi thắng giải, mới được kinh hành.

Lại nữa, vì muốn dẫn dắt thâu nhận hữu tình đã giáo hóa, cũng như sai khiến, nên tích tập diệu lực của thân này. Nghĩa là bậc Vô Thượng Giác dùng diệu lực này để hàng phục mọi sự kiêu mạn của số hữu tình kia, sau đó mới hóa độ họ. Nên khi còn tại gia, Bồ-tát đã thường xuyên tham dự mọi cuộc đấu sức với các vị trong dòng họ Thích, không ai thắng nổi, đến khi sắp nhập Niết-bàn, Bồ-tát cũng dùng sức mạnh của thân này hàng phục các lực sĩ và độ thoát họ: Tức là Đức Thế Tôn, khi duyên hóa độ sắp hết, muốn nhập Niếtbàn, Ngài đi đến ấp Ba Ba thuộc thành Câu Thi. Năm trăm lực sĩ nghe nói, vội vì Phật nên kéo nhau sửa sang đường sá. Ngay trên đường đó có một tảng đá lớn, chiều dài sáu mươi khuỷu tay, rộng ba mươi khuỷu. Các lực sĩ này định dời tảng đá kia sang nơi khác, tất cả đều dốc hết sức nhưng vẫn không thể lay động được. Khi ấy, Đức Thế Tôn đi đến, thấy sự việc như vậy, mới hỏi: Các đồng tử đang định làm gì đó?

Các lực sĩ nghe hỏi đâm ra chán nản, nghĩ thầm: Chúng ta có uy lực, phải nói từng được suy tôn là bậc nhất trong cả châu Thiệm Bộ này, sao Đức Thế Tôn lại gọi là đồng tử? Nghĩ như vậy rồi, tất cả đều bạch Phật: Chúng con đã vì Đức Thế Tôn nên sửa sang đường sá, đã cùng hợp sức để đẩy tảng đá này qua một bên, nhưng không thể xê dịch được. Chúng con từng nghe nói Đức Thế Tôn là người luôn có thể thương xót chúng hữu tình, vô tình, nhưng trừ tảng đá này chăng?

Đức Phật nói: Ta có thể làm được. Vậy các ngươi hãy tránh xa ra. Đức Phật liền dùng hai ngón chân kẹp lấy tảng đá nhấc bổng lên đặt vào lòng bàn tay, rồi lại quăng tảng đá vào hư không và đón nhận tảng đá trước khi rơi xuống đất. Sau đó, Đức Phật dùng miệng thổi tan, khiến nó trở thành hạt bụi, trở lại khiến nó có hình tướng như cũ, vứt bỏ nằm bên vệ đường.

Các lực sĩ thấy thế, hết sức ca ngợi và kinh ngạc về sự việc chưa từng có, tỏ vẻ cung kính lễ bái, đồng chắp tay bạch Phật: Như Lai đã dùng thần lực gì để làm nên sự việc vừa rồi?

Đức Thế Tôn bảo họ: Việc nhấc tảng đá đặt vào lòng bàn tay, lại quăng nó vào khoảng không, đón nhận rồi bỏ nằm ven đường, đều là lực của thân do cha mẹ sinh ra. Dùng miệng thổi khiến nó tan thành hạt bụi, là do lực thần thông của Ta. Việc làm cho tảng đá gộp lại như cũ là lực của thắng giải.

Nghe Phật nói xong, các lực sĩ vô cùng hoan hỷ, bạch Đức Phật: Từng có lực nào khác có thể mạnh hơn lực như thế của Đức Thế Tôn chăng?

Đức Phật đáp: Có. Đó là sức mạnh của vô thường.

Phật bảo các lực sĩ: Lực của thân do cha mẹ sinh, hoặc lực thần thông và lực thắng giải của Ta, chỉ trong giữa đêm nay, đều sẽ bị sức mạnh của vô thường hủy diệt.

Sau khi nghe Đức Phật nói xong, các lực sĩ, đối với thế gian đều sinh tưởng chán lìa. Đức Phật liền vì họ giảng nói pháp chính yếu ứng hợp, khiến họ và vô lượng hữu tình khác ở cõi người, trời kia đều được pháp nhãn thanh tịnh, vĩnh viễn lìa bỏ nẻo ác.

Vì Hữu thứ tám v.v… vì dẫn dắt thâu nạp các hữu tình đã được giáo hóa, cũng như sai khiến, nên tích tập diệu lực của thân này.

Hỏi: Thân lực của Bồ-tát được viên mãn vào lúc nào?

Đáp: Vào lúc hai mươi lăm tuổi, sau đó cho đến năm mươi tuổi, lực của Bồ-tát vẫn không suy giảm. Từ đấy trở về sau, thân lực của Đức Thế Tôn suy giảm dần dần.

Có thuyết cho: Thân lực của Đức Thế Tôn không giảm, cũng như ý lực không suy thoái.

Lời bình: Tuy Pháp thân của Như Lai không suy thoái, nhưng lực của sinh thân tất có thoái giảm, vì các quả dị thục có suy thoái. Thế nên Tôn giả Ô-đà-di nói: Hôm nay con thấy sắc lực của Đức Thế Tôn suy giảm, các căn đều đổi khác. Nghĩa là năm sắc căn.

Hỏi: Các hữu tình khác có lực này không?

Đáp: Lực này không chung với tất cả hữu tình, chỉ Bồ-tát với thân sau cùng mới có được. Như thuyết đầu tiên nói: Dung lượng nơi lực của Bồ-tát là hết sức giảm thiểu hãy còn khó được, huống chi như thuyết thứ hai, thứ ba v.v… đã nói, các loài hữu tình khác lại có được lực này.

Tuy nhiên, lúc thế giới của Hiền kiếp này bắt đầu thành lập, có các hữu tình hội đủ sức của Na-la-diên, hoặc có phân nửa sức của Na-la-diên, hoặc có sức của Bát-la-tắc-kiến-đề, hoặc có sức của Maha-nặc-kiện-na. Các lực sĩ này hiện diện đầy đủ trong thế gian, qua giai đoạn ấy trở về sau, dần dần bớt đi cho đến thời đại ngày nay, hoàn toàn không có sức của Na-la-diên kia.

Lúc Phật còn tại thế, có ba vị thuộc giòng họ Thích có đủ sức của Bát-la-tắc-kiến-đề, đó là Thích tử A-nan-đà, Thích tử Thiết Ma, Thích nữ Cù Ba.

Bấy giờ, cũng có người gồm đủ sức của Ma ha nặc kiện na, sức của voi, ngựa, bò v.v… không thể kể xiết.

Hoặc Độc giác Lân giác dụ cũng có sức của Na-la-diên. Nếu là Độc giác Bộ hành dụ thì sức của bậc ấy không thể nói nhất định, do các Độc giác kia phần nhiều là chủng tánh Thanh văn, về sau gặp được duyên riêng nên chứng được quả vô học. Tuy ưa thích tịch tĩnh, nhưng có khi ở đông như năm trăm vị tiên cùng ở một xứ đắc quả.

Bậc Lân giác dụ: Căn tánh thù thắng, rất ưa thích độc xuất nên biết như Đức Phật, tất không có hai vị cùng xuất hiện ở thế gian. Như Tôn giả Xá-lợi-tử hãy còn không có người cùng xuất hiện, huống chi là Lân giác dụ còn hơn Tôn giả Xá-lợi-tử gấp nhiều lần.

Lực của các người Thanh văn không nhất định, như nói về người Độc giác Bộ hành dụ.

Lực của các Chuyển luân vương cũng không nhất định. Vua cai trị bốn châu có sức của Na-la-diên. Vua cai trị ba châu có sức của Phạt-lãng-già. Vua cai trị hai châu có sức của Bát-la-tắc-kiến-đề. Vua cai trị một châu có sức của Ma-ha-nặc-kiện-na.

Luân báu của bốn vị này cũng có khác nhau: Vị làm vua thống lãnh bốn châu có báu Kim luân, lượng ngang với bốn câu-lô-xá. Vua trị vì ba châu có báu Ngân luân lượng ngang ba câu-lô-xá. Vua trị vì hai châu có báu Đồng luân lượng ngang hai câu-lô-xá. Vua trị vì một châu có báu Thiết luân lượng ngang một câu-lô-xá.

Như sự khác nhau giữa bốn luân báu này, nên biết các báu khác cũng có hơn kém. Nghĩa là vua trị vì bốn châu các báu khác tốt đẹp hơn hết, cho đến vua trị vì một châu các báu khác kém hơn hết.

Hỏi: Sức thân của các loài hữu tình có khác nhau giữa các đốt xương riêng đã được thiết lập chăng?

Đáp: Cũng có khác nhau. Nghĩa là sức của phàm phu thường, các đốt xương cách khoảng thưa. Còn những người có sức của voi, ngựa, các đốt xương khít hơn.

Người có sức của Đại nặc kiện na, các đốt xương cùng liên tiếp, như tấm ván khép kín đều nhau. Người có sức của Bát la tắc kiến đề, các đốt xương đều liên lạc như sợi dây xích. Người có sức của Na-ladiên các đốt xương như câu móc liền nhau.

Các đốt xương trong thân Bồ-tát lần lượt giao nhau như rồng cuộn khúc kết chặc lại, thế nên là hơn hết.

Đã nói về thân lực của Phật, ý lực nay sẽ nói. Nghĩa là Đức Phật – Thế Tôn đã thành tựu vô biên công đức không thể nghĩ bàn như mười lực, bốn pháp không sợ hãi, đại bi, ba niệm trụ v.v… Tùy theo sự sai khác nơi diệu dụng mà lập các thứ danh, gồm đủ mười thứ, gọi là ý lực. Mười thứ đó là:

  1. Trí lực của xứ phi xứ.
  2. Trí lực của pháp nghiệp tích tập.
  3. Trí lực của tĩnh lự, đẳng trì, đẳng chí giải thoát, phát khởi tạp nhiễm, thanh tịnh.
  4. Trí lực của vô số các thứ giới.5. Trí lực của các thứ thắng giải.
  5. Trí lực của các căn có hơn, kém.
  6. Trí lực đi đến khắp các cõi.
  7. Trí lực của túc trụ tùy niệm.
  8. Trí lực của sinh tử.
  9. Trí lực của lậu đã dứt hết.

Hỏi: Mười lực như thế lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy trí làm tự tánh. Nghĩa là ý lực của Phật là do trí tạo thành, dùng trí làm Thể, vì thuộc về trí. Như Khế kinh nói: Đối với xứ, phi xứ, nhận biết rõ như thật, cho đến nói rộng.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là lực? Lực là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa không thể khuất phục được là nghĩa của lực. Nghĩa không thể nằm nép xuống, bị đè bẹp xuống, nghĩa không thể bẻ gãy được, nghĩa không thể hãm hại, nghĩa không thể đổi thay, nghĩa không thể che lấp, nghĩa có thể nhận biết cùng khắp, nghĩa có thể gánh vác, nghĩa kiên cố, nghĩa tối thắng, nghĩa có khả năng chế ngự người khác, là nghĩa của lực.

Về giới: Trí lực của túc trụ tùy niệm và trí lực của sinh tử là thuộc về cõi sắc. Các lực khác, nếu là hữu lậu thì thuộc về ba cõi, nếu là vô lậu thì không hệ thuộc.

Về địa: Trí lực của túc trụ tùy niệm và trí lực của sinh tử ở nơi bốn tĩnh lự căn bản, vì là tánh chung. Cận phần nơi vô sắc và địa bất định, không phải chung nơi đối tượng nương dựa, nên không có hai trí lực này. Các lực khác, nếu là hữu lậu thì ở mười một địa, đó là cõi dục và bốn tĩnh lự, bốn định vô sắc cùng định vị chí, tĩnh lự trung gian. Nếu là vô lậu thì ở chín địa.

Về đối tượng nương dựa: Nghĩa là đều dựa vào con người nơi cõi dục, thân đại trượng phu ở châu Thiệm Bộ, vì chỉ có nương dựa nơi thân này mới được thành Phật.

Về hành tướng: Trí lực của xứ phi xứ và trí lực đi đến khắp các cõi đều có mười sáu hành tướng, hoặc hành tướng khác. Trí lực của pháp nghiệp tích tập có tám hành tướng của khổ, tập, hoặc hành tướng khác. Trí lực thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu có mười hai hành tướng của khổ, tập, đạo, hoặc hành tướng khác. Trí lực của túc trụ tùy niệm và trí lực của sinh tử là hành tướng khác, không phải mười sáu hành tướng. Trí lực của lậu đã dứt hết. Các hữu tình muốn khiến duyên nơi cảnh lậu tận nên gọi là trí lực của lậu đã dứt hết, tức thuyết kia nói có bốn hành tướng của diệt, hoặc hành tướng khác. Các hữu tình muốn khiến dựa vào thân dứt lậu tận, nên gọi là trí lực của lậu đã dứt hết, tức thuyết kia nói có mười sáu hành tướng, hoặc hành tướng khác.

Về đối tượng duyên: Trí lực của xứ phi xứ duyên nơi tất cả pháp. Trí lực của pháp nghiệp tích tập chỉ duyên nơi khổ, tập. Trí lực thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu duyên nơi ba đế trừ diệt đế. Trí lực đi đến khắp các cõi chỉ duyên nơi bốn đế. Trí lực của túc trụ tùy niệm duyên nơi năm uẩn của phần trước thuộc cõi dục, cõi sắc. Trí lực của sinh tử duyên nơi sắc xứ. Trí lực của lậu đã dứt hết, nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì duyên nơi diệt đế, nếu dựa nơi thân lậu tận thì duyên nơi tất cả pháp.

Về niệm trụ: Trí lực của các thứ thắng giải, Trí lực của túc trụ tùy niệm chỉ có pháp niệm trụ. Trí lực của sinh tử chỉ có thân niệm trụ. Trí lực của lậu đã dứt hết, nếu duyên nơi cảnh lậu tận là pháp niệm trụ, nếu dựa vào thân lậu tận là bốn niệm trụ. Các lực còn lại đều là bốn niệm trụ.

Về trí: Trí lực của xứ phi xứ, Trí lực đi đến khắp các cõi chung cả mười trí. Trí lực của pháp nghiệp tích tập chỉ có tám trí, trừ diệt, đạo. Trí lực thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu chỉ có chín trí, trừ diệt trí. Trí lực của túc trụ tùy niệm và Trí lực của sinh tử chỉ có thế tục trí. Trí lực của lậu đã dứt hết nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì chỉ có sáu trí, nghĩa là pháp trí, loại trí, diệt trí, tận trí, vô sinh trí, thế tục trí, nếu dựa vào thân lậu tận thì chung cả mười trí.

Về Tam-ma-địa cùng hành: Trí lực của xứ phi xứ, Trí lực đi đến khắp các cõi cùng hành với ba Tam-ma-địa hoặc không cùng hành. Trí lực của pháp nghiệp tích tập duyên nơi khổ, tập, không, vô nguyện, đều cùng hành hoặc không cùng hành. Trí lực thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu duyên nơi khổ, tập, đạo, không, vô nguyện, đều cùng hành hoặc không cùng hành. Trí lực của túc trụ tùy niệm và Trí lực của sinh tử không phải là Tam-ma-địa cùng hành. Trí lực của lậu đã dứt hết, nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì cùng hành với vô tướng, hoặc không cùng hành, nếu dựa vào thân lậu tận thì ba Tam-ma-địa đều cùng hành, hoặc không cùng hành.

Về tương ưng với căn: Nói tổng quát là đều tương ưng với ba căn là lạc căn, hỷ căn và xả căn.

Về quá khứ, vị lai, hiện tại: Mười lực này đều thông cả ba đời.

Về duyên nơi quá khứ, vị lai, hiện tại: Trí lực của xứ phi xứ và Trí lực đi đến khắp các cõi duyên nơi cả ba đời và lìa thế gian. Trí lực thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu duyên nơi ba đời. Trí lực của túc trụ tùy niệm nếu là quá khứ, hiện tại thì duyên nơi quá khứ, nếu là vị lai thì duyên nơi cả ba đời. Trí lực của sinh tử nếu là quá khứ thì duyên nơi quá khứ, nếu là hiện tại thì duyên nơi hiện tại, nếu pháp sinh đời vị lai thì duyên nơi vị lai, nếu pháp không sinh thì duyên nơi ba đời. Trí lực của lậu đã dứt hết nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì duyên nơi lìa thế gian, nếu dựa vào thân lậu tận thì duyên nơi cả ba đời và lìa thế gian.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Mười lực này đều là thiện.

Về duyên nơi thiện, bất thiện, vô ký: Trí lực của lậu đã dứt hết, nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì chỉ duyên nơi thiện, nếu dựa vào thân lậu tận thì duyên nơi cả ba thứ. Chín lực còn lại đều duyên nơi cả ba thứ.

Có Sư khác nói: Trí lực thứ ba chỉ duyên nơi thiện, vô ký. Sư kia không nên nói như thế. Vì lực này duyên chung nơi pháp hữu vi tạp nhiễm, thanh tịnh và trong pháp tạp nhiễm có bất thiện.

Về hệ thuộc, không hệ thuộc: Trí lực của túc trụ tùy niệm và Trí lực của sinh tử chỉ hệ thuộc cõi sắc. Tám trí lực còn lại, nếu là hữu lậu là hệ thuộc ba cõi, nếu là vô lậu thì không hệ thuộc.

Về duyên nơi hệ thuộc, không hệ thuộc: Trí lực của túc trụ tùy niệm và Trí lực của sinh tử đều duyên nơi hệ thuộc cõi dục, cõi sắc. Trí lực của pháp nghiệp tích tập duyên nơi hệ thuộc ba cõi. Trí lực của lậu đã dứt hết, nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì duyên nơi không hệ thuộc, nếu dựa vào thân lậu tận thì duyên nơi hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc. Các lực còn lại đều duyên nơi hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Trí lực của túc trụ tùy niệm và Trí lực của sinh tử chỉ có phi học phi vô học. Tám lực còn lại, nếu là vô lậu là vô học, nếu là hữu lậu là phi học phi vô học.

Về duyên nơi học, vô học, phi học phi vô học: Trí lực của pháp nghiệp tích tập, Trí lực của túc trụ tùy niệm và Trí lực của sinh tử chỉ duyên nơi phi học phi vô học. Trí lực của lậu đã dứt hết, nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì chỉ duyên nơi phi học phi vô học, nếu dựa vào thân lậu tận thì duyên nơi ba thứ. Các lực còn lại đều duyên nơi ba thứ.

Do kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn và không đoạn: Trí lực của túc trụ tùy niệm và Trí lực của sinh tử chỉ do tu đạo đoạn. Tám lực còn lại, nếu là hữu lậu thì do tu đạo đoạn, nếu là vô lậu thì không đoạn.

Duyên nơi do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn, không đoạn: Trí lực của pháp nghiệp tích tập và Trí lực của túc trụ tùy niệm đều duyên nơi kiến đạo, tu đạo đoạn. Trí lực của sinh tử duyên nơi tu đạo đoạn. Trí lực của lậu đã dứt hết, nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì duyên nơi không đoạn, nếu dựa vào thân lậu tận thì duyên nơi cả ba thứ. Các lực còn lại đều duyên nơi ba thứ.

Duyên nơi danh, nghĩa: Trí lực của các thứ thắng giải, Trí lực hơn kém của các căn và Trí lực của sinh tử chỉ duyên nơi nghĩa. Trí lực của lậu đã dứt hết, nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì chỉ duyên nơi nghĩa, nếu dựa vào thân lậu tận thì duyên chung cả danh, nghĩa. Các lực còn lại đều duyên nơi cả danh, nghĩa.

Duyên nơi sự nối tiếp của mình, sự nối tiếp của người khác và không nối tiếp: Trí lực của xứ phi xứ, Trí lực đi đến khắp các cõi đều duyên nơi ba thứ. Trí lực của lậu đã dứt hết, nếu duyên nơi cảnh lậu tận thì duyên nơi không nối tiếp, nếu dựa vào thân lậu tận thì duyên nơi ba thứ. Các lực còn lại đều duyên nơi sự nối tiếp của mình, của người khác.

Gia hạnh đắc, lìa nhiễm đắc: Mười lực này đều có thể nói là gia hạnh đắc. Do đã tích tập gia hạnh đắc thù thắng trong ba vô số kiếp, nên đều có thể nói là lìa nhiễm đắc, lìa nhiễm nơi xứ Hữu đảnh, lúc được tận trí là đắc các lực.

Hỏi: Mười lực như thế đã gia hạnh như thế nào?

Đáp: Gia hạnh này có hai thứ:

  1. Gia hạnh gần: Nghĩa là thuận phần quyết định lựa chọn v.v…
  2. Gia hạnh xa: Nghĩa là ngay từ lúc đầu không thoái chuyển tâm Bồ-đề.

Hỏi: Trí lực của pháp nghiệp tích tập và Trí lực của sinh tử đều có thể duyên nơi nghiệp, có sai khác gì?

Đáp: Từ nhân đi vào quả là Trí lực của pháp nghiệp tích tập. Từ quả đi vào nhân là Trí lực của sinh tử. Như nhân quả, thì thô – tế, hiện thấy – không hiện thấy, xa – gần cũng vậy.

Hỏi: Nghiệp vô biểu làm thế nào nhận biết được?

Đáp: Từ quả vào nhân, từ thô vào tế, từ hiện thấy vào không hiện thấy, từ gần vào xa, như thế nên nhận biết.

Hỏi: Trí lực của túc tùy niệm và Trí lực của sinh tử, hàng Nhị thừa cũng có, vì sao chỉ có Đức Phật là kiến lập lực?

Đáp: Trước đã nói nghĩa không thể bị đè bẹp xuống v.v… là nghĩa của lực. Hàng nhị thừa tuy có hai trí ấy nhưng không có nghĩa này, nên không gọi là lực. Như Tôn giả Xá-lợi-tử tuy nhập tĩnh lự thứ tư, nhưng không biết được những sự việc nơi chốn con người sẽ sinh và từ đâu đến.

Hỏi: Hàng Nhị thừa cũng có trí lậu vĩnh viễn dứt hết, vì sao không phải là lực?

Đáp: Trí Phật rất dũng mãnh, nhạy bén, mau chóng đoạn dứt phiền não và tập khí khác, trí đó không phải là hàng Nhị thừa.

Lại nữa, trí Phật có thể nhận biết được về sự tương tục của tự tha nơi thời gian các lậu vĩnh viễn dứt hết, không sai lầm. Hàng Thanh văn, Độc giác không thể như thế.

Lại nữa, không phải chỉ do tự nhận biết các lậu vĩnh viễn dứt hết nên gọi là lực của lậu tận, mà còn do có thể nhận biết được sự khác nhau về lậu tận của các loài hữu tình trong vô biên thế giới, và vì các hữu tình đó giảng nói về phương tiện khiến lậu tận một cách sáng rõ không sai lầm, nên gọi là lực của lậu đã dứt hết. Hàng Thanh văn, Độc giác đều không có nghĩa như thế.

HẾT – QUYỂN 30