LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 29

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 3: NÓI VỀ BỔ ĐẶC GIÀ LA, phần 7

* Như Đức Thế Tôn nói: Có ba cảnh giới: Nghĩa là cảnh giới đoạn, cảnh giới lìa và cảnh giới diệt, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để phân biệt rộng về nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: Cụ thọ A-nan đi đến chỗ Tôn giả Danh Thượng Tọa.

Hỏi: Vì sao Tôn giả A-nan đi đến chỗ Tôn giả kia?

Đáp: Tôn giả A-nan là người ưa chuộng pháp, là tướng của chánh pháp, thâu nhận Thánh giáo ngự trên thuyền Thánh giáo, luôn qua lại để xem xét bốn chúng, nhằm truyền dạy, khuyên răn, thường xuyên quan sát các Bí-sô đừng có lười biếng, tham đắm hý luận, hoặc đối với cảnh giới tư duy điên đảo, khiến họ suốt một đời luôn trôi qua trong ngã nghiêng. Thế nên Tôn giả mới đi đến chỗ Tôn giả kia.

Lại nữa, Tôn giả A-nan suy nghĩ: Tôn giả Danh Thượng Tọa kia luôn ưa ở chốn A-luyện-nhã, vắng lặng, dũng mãnh siêng năng tinh tấn hẳn đã chứng được đức vi diệu nào đấy, vậy ta nên đến hỏi vị ấy xem. Nếu vị ấy có thể vì ta nêu bày đức đã chứng, ta sẽ chắp tay tùy hỷ, tán thán. Nếu không như vậy, ta sẽ theo phương tiện ân cần chỉ bảo về gia hạnh khiến vị ấy chóng chứng được. Chớ để Tôn giả kia ở lâu nơi A-luyện-nhã mà không được kết quả gì, nên đến chốn ấy.

Như kinh kia nói: Cụ thọ A-nan đến nơi rồi, đã nêu bày ngôn luận đồng phần, không phải là không đồng phần.

Hỏi: Những gì gọi là ngôn luận đồng phần?

Đáp: Nếu là người sống nơi A-luyện-nhã thì hỏi về việc dùng pháp A-luyện-nhã. Nếu thọ trì Tỳ-nại-da thì hỏi về Tỳ-nại-da. Nếu đọc tụng Tố-đát-lãm thì hỏi về Tố-đát-lãm. Nếu học A-tỳ-đạt-ma thì hỏi về A-tỳ-đạt-ma. Đó là ngôn luận đồng phần. Trái lại với đấy gọi là ngôn luận không đồng phần. Nghĩa là đối với người trụ nơi A-luyện-nhã, dùng ba Tạng để hỏi. Người thọ trì Tỳ-nại-da thì hỏi về pháp A-luyện-nhã và hai Tạng kia. Người đọc tụng Tố-đát-lãm thì hỏi về pháp A-luyện-nhã và hai Tạng còn lại. Người học A-tỳ-đạtma thì hỏi về pháp A-luyện-nhã cùng hai Tạng kia. Hoặc lại hỏi sang chuyện khác, đều gọi là ngôn luận không đồng phần.

Tôn giả A-nan sở dĩ chỉ nêu ngôn luận đồng phần là vì nếu dùng ngôn luận không đồng phần thì vị kia không hiểu nên không thể trả lời. Đã không thể trả lời thì tâm liền xấu hổ, do xấu hổ nên hay tranh cãi, chống đối. Vì không muốn khiến vị kia khởi lỗi như vậy, nên Tôn giả chỉ nêu ra ngôn luận đồng phần, nghĩa là chỉ hỏi vị kia về pháp A-luyện-nhã. Như kinh kia nói: Bấy giờ, Tôn giả A-nan hỏi Danh Thượng Tọa: Nếu có Bí-sô ở chốn A-luyện-nhã, hoặc ở bên cội cây, hoặc ở nơi tĩnh thất, hay ở chốn gò mả, nên thường xuyên tư duy về những pháp hành nào? Danh Thượng Tọa đáp: Nếu có Bí-sô ở chốn A-luyện-nhã, hoặc ở bên cội cây, hoặc ở nơi tĩnh thất, hoặc ở chốn gò mả, thì nên thường tư duy về hai thứ pháp hành, đó là Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na. Vì sao? Vì nếu tâm huân tu Xa-ma-tha thì dựa vào Tỳbát-xá-na mà được giải thoát. Nếu tâm huân tu Tỳ-bát-xá-na thì dựa vào Xa-ma-tha mà được giải thoát. Nếu tâm huân tu Xa-ma-tha, Tỳbát-xá-na thì dựa vào ba thứ cảnh giới mà được giải thoát. Thế nào là ba cảnh giới? Đó là cảnh giới đoạn, cảnh giới lìa, cảnh giới diệt.

Hỏi: Dựa vào nghĩa của đối pháp thì ở trong một tâm có Xama-tha, Tỳ-bát-xá-na, vì sao kiến lập hai hạng Hành giả khác nhau như thế?

Đáp: Do gia hạnh nên có hai hạng khác nhau. Nghĩa là lúc gia hạnh, hoặc có người tu tập nhiều tư lương (hành trang) về Xa-matha, hoặc tu tập nhiều tư lương về Tỳ-bát-xá-na. Người tu tập nhiều tư lương về Xa-ma-tha, thì lúc gia hạnh luôn ưa chuộng ở một mình nơi yên tĩnh, rất sợ chốn ồn ào, thấy lỗi của sự nói năng xen tạp, thường ở tĩnh thất, khi nhập Thánh đạo gọi là Hành giả Xa-ma-tha. Người tu tập nhiều tư lương về Tỳ-bát-xá-na, thì lúc gia hạnh luôn ưa thích đọc tụng tư duy về ba Tạng, đối với tướng chung và tướng riêng của tất cả pháp, lúc nào cũng thường xuyên quán sát, khi nhập Thánh đạo gọi là Hành giả Tỳ-bát-xá-na.

Lại nữa, hoặc có Hành giả buộc tâm mình vào một duyên nhưng không phân biệt pháp tướng. Hoặc có Hành giả phân biệt pháp tướng nhưng không buộc tâm vào một duyên. Nếu người buộc tâm vào một duyên, không phân biệt pháp tướng, lúc nhập Thánh đạo gọi là Hành giả Xa-ma-tha. Nếu người phân biệt pháp tướng, không buộc tâm vào một duyên, khi nhập Thánh đạo gọi là Hành giả Tỳ-bát-xá-na.

Lại nữa, nếu là người lợi căn gọi là Hành giả Tỳ-bát-xá-na. Nếu là kẻ độn căn gọi là Hành giả Xa-ma-tha. Như lợi căn – độn căn như vậy thì nhân lực – duyên lực, lực phần trong – lực phần ngoài, lực chánh tư duy bên trong – lực lãnh hội âm thanh của người khác bên ngoài, nên biết cũng như thế.

Hỏi: Thể của cảnh giới đoạn, lìa, diệt là vô vi, không nhân, không quả, vì sao lại nói: Nếu người huân tu tâm theo Xa-ma-tha, Tỳ-bát-xá-na dựa vào ba thứ cảnh giới mà được giải thoát?

Đáp: Khế kinh kia đối với sự duyên nơi thắng giải của Niếtbàn, đã dùng tiếng giới để nói. Nghĩa là người tu hành tuy lúc gia hạnh tu tập tinh tấn dũng mãnh hai thứ tư lương chỉ (Xa-matha), quán (Tỳ-bát-xá-na), nhưng nếu đối với Niết-bàn không khởi thắng giải, quyết định hướng đến chứng ngộ, thì hoàn toàn không thể đoạn dứt các phiền não, tâm được giải thoát. Nên duyên nơi thắng giải của Niết-bàn gọi là giới, vì dựa vào cảnh giới này, nên tâm được giải thoát. Như kinh kia nói: Bấy giờ, Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Danh Thượng Tọa: Vì đoạn những gì nên gọi là cảnh giới đoạn? Vì lìa bỏ những gì nên gọi là cảnh giới lìa? Vì diệt những gì nên gọi là cảnh giới diệt? Danh Thượng Tọa nói: Vì tất cả hành đều đoạn, nên gọi là cảnh giới đoạn. Vì tất cả hành đều lìa, nên gọi là cảnh giới lìa. Vì tất cả đều diệt nên gọi là cảnh giới diệt. Tôn giả A-nan nghe xong liền chắp tay tùy hỷ tán thán rồi cáo từ lui ra. Sau đó, Tôn giả lại đến đạo tràng Trúc lâm, đem sự việc này hỏi năm trăm vị Bí-sô. Hầu hết năm trăm vị Bí-sô đều trả lời như Danh Thượng Tọa.

Hỏi: Các Bí-sô kia trả lời như thế nào?

Đáp: Có người nói như vầy: Từ trẻ đến già, theo thứ tự trả lời, như lúc tập hợp đúng pháp thì người trẻ hỏi trước.

Có Sư khác cho: Trả lời theo thứ tự từ già đến trẻ, như đem vật hành thí thì từ già đến trẻ.

Lại có thuyết nêu: Một Bí-sô trả lời, các người khác đều tùy hỷ.

Hiếp Tôn giả nói: Trước hết là tác bạch, sau đó là phát thẻ, mỗi người thọ nhận thẻ, gọi là trả lời. Như kinh kia nói: Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Danh Thượng Tọa nói thì chắp tay tùy hỷ tán thán rồi cáo từ, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ nơi hai chân Đức Thế Tôn, đoạn lui ra đứng qua một phía, đem nghĩa của câu ấy hỏi Phật – Thế Tôn. Phật trả lời như Thượng Tọa kia.

Hỏi: Vậy Tôn giả A-nan có chấp nhận nghĩa của Danh Thượng Tọa và năm trăm Bí-sô kia đã nói không? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Nếu chấp nhận thì vì sao còn đem việc ấy đến hỏi Đức Phật – Thế Tôn. Nếu không thừa nhận thì vì sao lại chắp tay tùy hỷ tán thán?

Đáp: Tôn giả A-nan đã thừa nhận nghĩa của Danh Thượng Tọa nói.

Hỏi: Vì sao còn đem việc này đến hỏi Đức Phật – Thế Tôn?

Đáp: Như Đức Phật – Thế Tôn đã biết nhưng vẫn cố ý hỏi. Tôn giả A-nan cũng lại như thế. Vì sao? Vì Tôn giả A-nan muốn làm rõ trong pháp khéo thuyết giảng kia là đồng tri kiến, cùng muốn cho nghĩa văn được quyết định. Như bậc Đại sư giảng nói với đồ chúng cũng vậy. Như Thân giáo sư nói với đệ tử cũng thế. Như Quỹ phạm sư nói với kẻ thọ học cũng thế. Như vậy, văn nghĩa vi diệu được quyết định, dựa vào đó tu học, cho đến có thể chứng quả A-la-hán, không như văn nghĩa đã giảng nói của ngoại đạo, giữa thầy trò, đồ chúng đều lần lượt mâu thuẫn nhau, dựa vào đó tu học không chứng đắc gì cả.

Lại nữa, Tôn giả A-nan muốn đem lời vi diệu của Đức Phật đã xác nhận ấn chứng cho nghĩa đã nói, nên lại hỏi Phật. Vì nếu không đem lời nói vi diệu của Phật đã xác nhận ấn chứng cho nghĩa đã nói, thì nghĩa ấy vẫn có thể bị khuynh động, bốn chúng trong vị lai không kính tin. Như thẻ bài của thế gian nếu không có dấu ấn của vua thì những nơi được thi hành mọi người đều không kính nhận. Đây cũng như thế, nên Tôn giả A-nan lại hỏi Phật.

Như kinh kia nói: Phật hỏi A-nan: Ông có biết Tôn giả Danh Thượng Tọa và năm trăm Bí-sô có công đức gì không? Tôn giả A-nan bạch Phật: Tôn giả Danh Thượng Tọa và năm trăm Bí-sô kia đều là A-la-hán, các lậu đã dứt hẳn, đã bỏ gánh nặng xuống, đoạn hết kiết hữu, đạt được lợi mình, khéo hoàn thành ý sâu xa của bậc Thánh, tâm hoàn toàn giải thoát. Phật bảo Tôn giả A-nan: Đúng như ông đã nói.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả A-nan về công đức của Danh Thượng Tọa và năm trăm Bí-sô?

Đáp: Vì Đức Thế Tôn muốn khai phát kho báu công đức chân thật của hạnh ít ham muốn, biết đủ đã bị che lấp, khiến cho thế gian nhận biết rồi, cung kính cúng dường, đạt được quả thù thắng. Như kho báu nơi lòng đất của thế gian, tuy có rất nhiều vật báu, nhưng bị đất, cát vùi lấp, nên không hiện bày. Nếu được mở ra, đem phân phát, để cho vô lượng người nhận lấy thọ dụng tất có được sự giàu vui ở đời. Đây cũng như thế, nên Phật mới hỏi Tôn giả A-nan.

Lại nữa, vì nhằm mở bày chỉ rõ về ý nguyện thù thắng của thí chủ. Nghĩa là có thí chủ luôn đem bốn thứ phẩm vật cúng dường như y phục v.v… để dâng cho Thượng Tọa và năm trăm Bí-sô kia, nhưng không biết các vị đó có được công đức thù thắng nào. Vì muốn cho thí chủ biết được rồi tất sẽ hoan hỷ, hăng hái phát ý nguyện tốt đẹp: Chúng con gặp được phước điền như thế, đã gieo trồng hạt giống thiện, chắc chắn sẽ thọ nhận sự an lạc lớn ở đời sau. Vậy nên Đức Thế Tôn hỏi Tôn giả A-nan về công đức của Danh Thượng Tọa và năm trăm Bí-sô kia.

Lại nữa, vì nhằm ngăn chận sự phỉ báng của thế gian, cho Thượng Tọa kia đã ở trong thai mẹ trải qua sáu mươi năm, sau khi ra khỏi thai, hình dáng già yếu, không có oai đức, nên mới sinh đã đặt tên là Thượng Tọa, sau này tuy có xuất gia vẫn bị dè bỉu: Tuổi trẻ cường tráng, siêng năng tinh tấn tu tập cả ngày đêm hãy còn khó đắc quả, huống chi người này, khí lực già nua, suy yếu mà có thể chứng đắc được quả sao? Lại, Thượng Tọa kia đã hóa độ năm trăm Bí-sô mới tu học, trước đây đi theo Thiên Thọ (Đề Bà Đạt Đa). Khi ấy, mọi người gièm pha: Thượng Tọa già nua như thế mà còn tham đắm danh lợi, hóa độ năm trăm người! Vì để thỏa mãn cho bản thân mình có kẻ sai khiến, cung cấp, hầu hạ, mà không thể răn dạy, để họ đi theo pháp tà. Vì năm trăm Bí-sô này trước kia đã thọ nhận sự giáo hóa sai lạc, về sau tuy đã quay về với chánh đạo, được quả vô học, nhưng vẫn có kẻ chê trách: Những người ngu ấy trước kia vì tham lợi dưỡng, bỏ Phật theo tà, tuy sau đã quay trở lại nhưng cũng không chứng đắc gì. Nhằm ngăn chận những sự phỉ báng như thế, nên Đức Phật mới hỏi Tôn giả A-nan về công đức của Thượng Tọa và các Bí-sô kia, để cho người đời cùng biết, từ bỏ tội phỉ báng, siêng tu, cung kính, cúng dường, nơi đời sau sẽ sinh lên cõi trời liền được giải thoát.

Kinh kia tuy đã nói đến ba cảnh giới như đoạn v.v…, nhưng không biện luận rộng về sự khác nhau giữa ba cảnh giới. Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì Kinh kia không nói, nay muốn nói đến, vì vậy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là cảnh giới đoạn?

Đáp: Trừ bỏ kiết ái, các kiết khác đều đoạn dứt, gọi là cảnh giới đoạn.

Hỏi: Thế nào là cảnh giới lìa?

Đáp: Đoạn dứt kiết ái, gọi là cảnh giới lìa.

Hỏi: Thế nào là cảnh giới diệt?

Đáp: Đoạn dứt các pháp thuận với kiết còn lại, gọi là cảnh giới diệt.

Trong đây, trước là căn cứ nơi A-tỳ-đạt-ma, dựa vào lý thế tục để nói về sự khác nhau của ba cảnh giới, là đạo đối trị gần nên có sai biệt.

Đoạn kiết khác: Nghĩa là đoạn tám kiết còn lại.

Pháp thuận với kiết: Nghĩa là trừ chín kiết, còn lại là pháp hữu lậu. Đó là gọi một thứ khác nhau của ba cảnh giới.

Lại có thuyết cho: Nếu tám kiết cùng với đấy tương ưng và sinh khởi đều đoạn thì gọi là cảnh giới đoạn. Nếu kiết ái cùng với đấy tương ưng và sinh khởi đều đoạn thì gọi là cảnh giới lìa. Nếu các pháp thuận với kiết còn lại cùng với đấy tương ưng và sinh khởi đều đoạn thì gọi là cảnh giới diệt. Tức thiện hữu lậu và các pháp hữu vi vô phú vô ký, gọi là pháp thuận với kiết.

Lại có thuyết nêu: Nếu đoạn trừ kiết vô minh, gọi là cảnh giới đoạn. Nếu đoạn trừ kiết ái, gọi là cảnh giới lìa. Nếu đoạn trừ các kiết còn lại, gọi là cảnh giới diệt.

Lại có thuyết nói: Hoặc có các pháp có thể trói buộc, không thể tạo nhiễm, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới đoạn. Hoặc có các pháp có thể trói buộc, cũng có thể tạo nhiễm, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới lìa. Hoặc có các pháp không phải là chủ thể trói buộc, không phải là chủ thể tạo nhiễm, nhưng là đối tượng trói buộc, là đối tượng tạo nhiễm, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới diệt.

Lại có thuyết cho: Hoặc có các pháp là chủ thể trói buộc, không phải là chủ thể tạo nhiễm, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới đoạn. Hoặc có các pháp là chủ thể trói buộc, cũng là chủ thể tạo nhiễm, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới lìa. Hoặc có các pháp không phải là chủ thể trói buộc, không phải là chủ thể tạo nhiễm, nhưng là đối tượng trói buộc, là đối tượng tạo nhiễm, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới diệt.

Có Sư khác nói: Chỉ đoạn các tùy miên có tự tánh.

Hỏi: Vậy theo như Khế kinh đã nói, làm thế nào thông suốt? Như nói: Vì tất cả hành được đoạn, nên gọi là cảnh giới đoạn. Vì tất cả hành được lìa, nên gọi là cảnh giới lìa. Vì tất cả hành được diệt, nên gọi là cảnh giới diệt. Còn như nơi Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông suốt? Như nói: Thế nào là pháp được đoạn? Đáp: Tất cả pháp hữu lậu. Thế nào là pháp nhận biết khắp? Đáp: Tất cả pháp hữu lậu.

Sư kia trả lời như thế này: Nếu các tùy miên duyên nơi tám kiết sinh khởi, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới đoạn. Nếu các tùy miên duyên nơi kiết ái sinh khởi, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới lìa. Nếu các tùy miên duyên nơi pháp khác sinh khởi, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới diệt.

Lời bình: Sư kia không nên nói như vậy. Vì các pháp hữu lậu trước đã bị trói buộc, lúc lìa trói buộc đó thì chúng đều được đoạn.

Có thuyết nói như vầy: Chỉ đoạn tùy miên ái có tự tánh.

Hỏi: Nếu vậy thì Khế kinh và Luận đã nêu ở trước làm sao thông suốt?

Đáp: Thuyết kia đã trả lời thế này: Nếu tùy miên ái duyên nơi tám kiết dấy khởi, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới đoạn. Nếu tùy miên ái duyên nơi kiết ái dấy khởi, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới lìa. Nếu tùy miên ái duyên nơi pháp khác sinh khởi, đoạn trừ chúng, gọi là cảnh giới diệt.

Lời bình: Thuyết kia không nên nói như vậy, vì các pháp hữu lậu trước đã bị trói buộc, lúc lìa sự trói buộc đó, chúng đều được đoạn.

Tôn giả Diệu Âm nói: Đoạn trừ Thể của phiền não, gọi là cảnh giới đoạn. Đối với cảnh lìa mọi trói buộc, gọi là cảnh giới lìa. Bỏ các gánh nặng, gọi là cảnh giới diệt.

Hiếp Tôn giả nói: Không ràng buộc, ràng buộc dứt, gọi là cảnh giới đoạn. Không nhiễm ô, nhiễm ô dứt, gọi là cảnh giới lìa. Không có quả của các thứ kia, quả ấy chấm dứt, gọi là cảnh giới diệt.

Tôn giả Thiết-ma-đạt-đa nói: Các phiền não đều đoạn gọi là cảnh giới đoạn. Không tham đối trị tham gọi là cảnh giới lìa. Quả nối tiếp nhau diệt gọi là cảnh giới diệt.

Tôn giả Tả Thủ nói: Sự nối tiếp nhau đoạn dứt, gọi là cảnh giới đoạn. Đối với duyên lìa trói buộc, gọi là cảnh giới lìa. Lìa mọi chấp thọ, gọi là cảnh giới diệt.

Lại có thuyết cho: Đoạn trừ phiền não quá khứ, gọi là cảnh giới đoạn. Đoạn trừ phiền não hiện tại gọi là cảnh giới lìa. Đoạn trừ phiền não ở vị lai gọi là cảnh giới diệt. Như đoạn trừ phiền não, thì đoạn trừ uẩn cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Khổ thọ đoạn trừ, gọi là cảnh giới đoạn. Lạc thọ đoạn trừ, gọi là cảnh giới lìa. Thọ không khổ không lạc đoạn trừ, gọi là cảnh giới diệt. Như đoạn trừ ba thọ, thì đoạn trừ pháp thuận với ba thọ cũng như thế.

Lại có thuyết biện: Nếu khổ khổ đoạn, gọi là cảnh giới đoạn. Nếu hoại khổ đoạn, gọi là cảnh giới lìa. Nếu hành khổ đoạn, gọi là cảnh giới diệt.

Lại có thuyết cho: Nếu cõi dục đoạn, gọi là cảnh giới đoạn. Nếu cõi sắc đoạn, gọi là cảnh giới lìa. Nếu cõi vô sắc đoạn, gọi là cảnh giới diệt.

Tất cả các thuyết như thế đều dựa vào thế tục, tùy thuận theo một môn để biện minh về sự khác nhau giữa ba cảnh giới, đều không phải là thắng nghĩa.

Hỏi: Các cảnh giới đoạn là cảnh giới lìa chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như là cảnh giới lìa cũng là cảnh giới đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Các cảnh giới đoạn đều là cảnh giới diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như là cảnh giới diệt cũng là cảnh giới đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Các cảnh giới lìa là cảnh giới diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như là cảnh giới diệt cũng là cảnh giới lìa chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã căn cứ nơi A-tỳ-đạt-ma, dựa vào lý thế tục, theo chỗ đối trị gần để biện minh sự khác nhau giữa ba cảnh giới. Nay thuận theo Khế kinh để làm rõ về thể của ba cảnh giới ấy không sai biệt. Nghĩa là mỗi mỗi pháp hữu lậu khi đoạn dứt đều được đoạn một lúc, mỗi mỗi đoạn trừ ấy là căn cứ nơi nghĩa khác nhau mà nói là ba cảnh giới. Do vậy, ba cảnh giới này nghĩa tuy có khác nhưng thể không khác.

***

* Như Đức Thế Tôn nói: Có ba tưởng, nghĩa là tưởng đoạn, tưởng lìa, tưởng diệt, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để phân biệt rộng về nghĩa của kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: Có ba thứ tưởng, đó là: đoạn, lìa, diệt. Khế kinh tuy đã nêu như vậy nhưng không phân biệt rộng. Kinh kia là căn bản của Luận này, những điều Kinh kia không nói, nay muốn nói đến, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là tưởng đoạn?

Đáp: Trừ kiết ái, đoạn các kiết còn lại, các tưởng được giải thoát, gọi là tưởng đoạn.

Hỏi: Thế nào là tưởng lìa?

Đáp: Đoạn kiết ái, các tưởng giải thoát, gọi là tưởng lìa.

Hỏi: Thế nào là tưởng diệt?

Đáp: Các pháp thuận với kiết khác được đoạn, các tưởng giải thoát, gọi là tưởng diệt.

Ở đây, giải thích rộng như nơi cảnh giới, nên biết.

Hỏi: Vì sao trong đây không nói ba tưởng như ba cảnh giới trước, lần lượt tương tức?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, phải biết nghĩa ấy được nêu chưa trọn vẹn. Lại nữa, trong đây vì muốn làm rõ về tướng khác, văn khác, nên nói như vậy. Vì nếu tạo tướng khác, văn khác thì dễ thọ trì. Lại nữa, trong đây muốn hiện bày hai môn, hai sự tóm lược, hai bậc thềm, hai bước chân, hai hào quang, hai ngọn đuốc, hai ánh sáng, hai sự soi chiếu, hai văn hỗ tương cho nhau. Như cảnh giới tương tức thì tưởng cũng nên như vậy. Như tưởng không tương tức thì cảnh giới cũng nên như vậy. Nhưng vì cùng ảnh hưởng nên nói như thế.

Hỏi: Ngoài mười sáu hành tướng có tuệ vô lậu không? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Nếu có thì nơi Luận Thức Thân và trong chương Trí Uẩn vì sao không nói? Nếu không thì những gì đã nói trong đoạn văn này làm sao thông suốt? Như nói: Thế nào là tưởng đoạn? Đáp: Trừ kiết ái, đoạn các kiết còn lại, các tưởng được giải thoát, gọi là tưởng đoạn, cho đến nói rộng. Các tưởng như đoạn v.v…

này cùng với hành tướng tuệ Thánh nào tương ưng?

Như nơi Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông? Như nói: Thế nào tận trí? Nghĩa là nhận biết như thật: Ta đã nhận biết khổ, đã đoạn tập, đã chứng diệt, đã tu đạo. Thế nào là vô sinh trí? Nghĩa là nhận biết như thật: Ta đã nhận biết khổ, không còn nhận biết nữa, cho đến ta đã tu đạo, không còn tu nữa. Hai trí như thế thuộc về hành tướng nào?

Hoặc Luận Tập Dị Môn nói, lại làm sao thông? Như nói: Nhận biết như thật ta đã dứt hết dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu là tận trí. Không còn trở lại dứt hết nữa là vô sinh trí. Hai trí như thế là thuộc về hành tướng nào?

Hoặc nơi chương Kiến Uẩn trong Luận này nói làm sao thông? Như nói: Lúc nhận lạc thọ nhận biết như thật là nhận lạc thọ, là hành tướng nào?

Theo như Khế kinh đã nói làm sao thông? Như nói: Nhận biết rõ như thật: Sự sinh của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, mọi công việc đã làm xong, không thọ thân sau, là hành tướng gì?

Đáp: Có thuyết nói: Ngoài mười sáu hành tướng, không có tuệ vô lậu riêng khác, nên Luận Thức Thân và chương Trí Uẩn của Luận này đều không nói là có.

Hỏi: Vậy những gì đã nói trong đây làm sao thông? Như nói: Thế nào là tưởng đoạn? Nói rộng cho đến: Các tưởng như đoạn v.v… này cùng với hành tướng tuệ Thánh nào tương ưng?

Đáp: Đây là căn cứ vào đối tượng duyên để kiến lập ba tưởng, không dựa vào hành tướng. Do ba tưởng này đều tạo duyên nơi bốn hành tướng của diệt. Nghĩa là duyên nơi đoạn nên gọi là tưởng đoạn, không đối với đoạn này tạo hành tướng đoạn. Hai tưởng còn lại cũng thế. Nếu nói như vậy tức ba tưởng này như ba cảnh giới trước, lần lượt tương tức.

Hỏi: Vậy như nơi Luận Phẩm Loại Túc nói làm sao thông? Như nói: Thế nào là tận trí? Nói rộng cho đến: Hai trí như thế thuộc về hành tướng nào?

Đáp: Nhận biết như thật: Ta đã nhận biết khổ, không còn nhận biết nữa, là thuộc về duyên nơi hai hành tướng của khổ, là khổ và vô thường. Ta đã đoạn tập, không còn đoạn nữa, là thuộc về duyên nơi bốn hành tướng của tập. Ta đã chứng diệt, không còn chứng nữa, là thuộc về duyên nơi bốn hành tướng của diệt. Ta đã tu đạo, không còn tu nữa, là thuộc về duyên nơi bốn hành tướng của đạo.

Hỏi: Như thế nơi Luận Tập Môn Dị nói làm sao thông? Như nói: Nhận biết như thật ta đã dứt hết dục lậu, nói rộng cho đến: Hai trí như thế thuộc về hành tướng nào?

Đáp: Thuộc về sáu hành tướng, nghĩa là khổ, vô thường và duyên nơi bốn hành tướng của tập.

Hỏi: Như vậy nơi chương Kiến Uẩn nói làm sao thông? Như nói: Lúc nhận lạc thọ nhận biết như thật là nhận lạc thọ, là hành tướng nào?

Đáp: Phần luận kia đối với Thánh đạo nói tiếng lạc thọ, tức là thuộc về duyên nơi bốn hành tướng của đạo.

Hỏi: Như vậy nơi Khế kinh đã nói làm sao thông? Như nói: Nhận biết rõ như thật: Sự sinh của ta đã hết, nói rộng cho đến: Là hành tướng nào?

Đáp: Nhận biết rõ như thật: Sự sinh của ta đã hết: Là duyên nơi bốn hành tướng của tập. Phạm hạnh đã lập: Là duyên nơi bốn hành tướng của đạo. Mọi công việc đã làm xong: Là duyên nơi bốn hành tướng của diệt. Không thọ thân sau: Là duyên nơi hai hành tướng của khổ, là khổ và vô thường.

Lại nữa, do năm duyên nên kinh kia nói như vậy, không nói hành tướng. Năm duyên đó là:

  1. Do ý lạc. Nghĩa là lúc gia hạnh phát khởi ý lạc này: Thế nào là sẽ khiến nẻo sinh tử của ta vĩnh viễn chấm dứt? Nói rộng cho đến không thọ thân sau.
  2. Do đối trị. Nghĩa là tu pháp đối trị thù thắng như thế, khiến nẻo sinh tử vĩnh viễn chấm dứt, nói rộng cho đến không thọ thân sau.
  3. Do công việc đã làm. Nghĩa là do việc đã làm thù thắng như thế, khiến nẻo sinh tử vĩnh viễn chấm dứt, nói rộng cho đến không thọ thân sau.
  4. Do nối tiếp. Nghĩa là được sự nối tiếp thù thắng như thế, khiến nẻo sinh tử vĩnh viễn dứt, nói rộng cho đến không thọ thân sau.
  5. Do Bổ-đặc-già-la. Nghĩa là Bổ-đạc-già-la này dễ hiện, dễ nêu đặt tất cả sự sinh đã chấm dứt, nói rộng cho đến không thọ thân sau.

Do năm duyên ấy nên nói như vậy, không phải cho là có riêng hành tướng như thế.

Có Sư khác nói: Ngoài mười sáu hành tướng, có tuệ vô lậu riêng.

Hỏi: Nếu thế các đoạn văn được nêu bày sau là khéo thông suốt, nhưng vì sao nơi chương Trí Uẩn và Luận Thức Thân không nói?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, phải biết là nghĩa ấy nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, nếu có hành tướng hiện tại hòa hợp, có thể làm xong công việc đã làm và có tác dụng, thì nơi Luận Thức Thân và chương Kiến Uẩn nói đến một cách rõ ràng. Vì sự tu tập vị lai kia hoàn toàn không khởi, thế nên không nói.

Lại nữa, nếu có hành tướng có thể nhập kiến đạo, đắc quả, lìa nhiễm, dứt hết các lậu, thì nơi chương Kiến Uẩn và Luận Thức Thân nêu bày chỉ rõ. Vì hành tướng kia không có dụng này, nên không nói. Tức quả vô học của hành tướng kia về sau mới khởi hiện tiền, thọ hiện pháp lạc, đạt thần thông diệu dụng, quán sự thọ dụng Thánh tài vốn đã tạo tác.

Lại nữa, nếu có hành tướng, bốn đạo gia hạnh, vô gián, giải thoát, thắng tấn có thể đạt được, thì nơi chương Kiến Uẩn và Luận Thức Thân hiển bày chỉ rõ. Các hành tướng kia chỉ xa cách đạo gia hạnh, xa cách đạo thắng tấn mới được hiện khởi, do vậy nên không nói.

Nếu nói như thế tức ngoài mười sáu hành tướng, có tuệ vô lậu, nên thuyết kia ở đây đã dựa vào hành tướng để kiến lập riêng ba tưởng. Nghĩa là tưởng tương ưng với hành tướng đoạn, gọi là tưởng đoạn. Tưởng tương ưng với hành tướng lìa, gọi là tưởng lìa. Tưởng tương ưng với hành tướng diệt, gọi là tưởng diệt. Ba tưởng như thế, dựa vào hành tướng để kiến lập riêng ba thứ, không căn cứ nơi đối tượng duyên. Nghĩa là đối với mỗi mỗi trạch diệt vô vi đều khởi hiện ba tưởng này. Như nơi một đích cả ba mũi tên đều bắn trúng, nhưng tướng của mũi tên kia đều khác. Dựa vào đấy mà nói ba tưởng như đoạn v.v… đều không tương tức, nên nói như vậy.

Hỏi: Các tưởng đoạn là tưởng lìa chăng?

Đáp: Không phải.

Nói rộng cho đến: Nếu như là tưởng diệt cũng là tưởng lìa chăng?

Đáp: Không phải.

Lời bình: Nên nói như vầy: Ngoài mười sáu hành tướng không có tuệ vô lậu riêng khác, đối với lý là đúng. Tuy nhiên trong đây nói ba tưởng như đoạn v.v… nếu là vô lậu thì lần lượt tương tức. Nếu là hữu lậu thì dung nạp làm ba thứ hành tướng như đoạn v.v… cùng không tương tức. Thế nên trong Luận này không quyết định nói.

***

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 4: NÓI VỀ ÁI KÍNH, phần 1

* Thế nào là Ái? Thế nào là Kính? Các chương như thế và giải thích về nghĩa của chương đã được lãnh hội rồi, sau đấy nên giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để phân biệt rộng về nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: “Nếu có người tu tập pháp hổ thẹn viên mãn, nên biết ái kính cũng được viên mãn”. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt thế nào là ái, thế nào là kính? Khế kinh là chỗ nương dựa căn bản của Luận này, những gì Kinh kia không phân biệt, nay nên phân biệt tường tận. Lại nữa, vì muốn chê trách đả phá pháp không phải của bậc Thiện sĩ (Thiện tri thức) khiến từ bỏ, vì muốn tán thán pháp của các bậc Thiện sĩ khiến tu tập, vì muốn làm sáng tỏ khi năm thứ ô trược gia tăng thì quảng đại hữu tình rất khó tu được.

Ở đây, pháp không phải của bậc Thiện sĩ: Nghĩa là có một hạng người hễ ái thì hại kính, kính thì hại ái.

Ái hại kính: Nghĩa là như có cha mẹ đối với con thì rất yêu, nên con đối với cha mẹ thì có ái, không có kính. Thầy đối với đệ tử, nên biết cũng như thế. Những sự việc này gọi là ái tức hại kính.

Kính hại ái: Nghĩa là như có cha mẹ đối với con tỏ ra quá nghiêm khắc, nên con đối với cha mẹ chỉ có kính không có ái. Thầy đối với đệ tử, nên biết cũng như thế. Những sự việc này gọi là kính tức hại ái. Như thế đều gọi là không phải pháp của bậc Thiện sĩ.

Pháp của bậc Thiện sĩ: Nghĩa là có một hạng người ái thì thêm kính, kính thì thêm ái. Cả ái và kính cùng hành gọi là pháp của bậc Thiện sĩ. Nếu có pháp này tăng thượng viên mãn, nên biết người đó chính là hữu tình rộng lớn. Hữu tình như thế rất là khó được. Nếu ở vào đời không có Phật thì những bậc ấy không dễ gì gặp. Nếu như là có thì người đó chính là vị Đại Bồ-tát, vì các Đại Bồ-tát ái, kính tất gồm đủ.

Vì nhằm hiển bày sự việc ấy và ba thứ nhân duyên đã nói ở trước nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là ái?

Đáp: Là các ái cùng ái, mừng cùng mừng, vui cùng vui. Đó gọi là ái.

Luận sư của bản Luận này đối với văn nghĩa dị biệt đã đạt được thiện xảo, nên có thể dùng nhiều thứ văn để chỉ rõ về ái ấy nhưng Thể của nó không khác.

Hỏi: Ái lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Ái có hai thứ: 1. Ái nhiễm ô, nghĩa là tham. 2. Ái không nhiễm ô, nghĩa là tín.

Hỏi: Các tham đều là ái chăng?

Đáp: Nên tạo thuận với trường hợp trước, nghĩa là tham đều là ái. Có ái không phải là tham, đây tức là tín.

Hỏi: Các tín đều là ái chăng?

Đáp: Có thuyết nói như vầy: Các tín đều là ái. Có ái không phải là tín, nghĩa là ái nhiễm ô.

Nên nói như vầy: Tín có hai loại:

1. Đối với cảnh chỉ có tín, không tìm cầu.

2. Đối với cảnh cũng tín, cũng tìm cầu.

Vì vậy ở đây nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp là tín không phải là ái: Nghĩa là tín không có tìm cầu.

2. Có trường hợp là ái không phải là tín: Nghĩa là ái nhiễm ô.

3. Có trường hợp là tín cũng là ái: Nghĩa là tín cũng có tìm cầu.

4. Có trường hợp không phải là tín cũng không phải là ái: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Thế nào là kính?

Đáp: Là có kính, có tánh kính, có tự tại, có tánh tự tại. Đối với người tự tại có sự sợ sệt chuyển biến. Đó gọi là kính.

Luận sư của bản Luận này đối với văn nghĩa dị biệt đã đạt được thiện xảo, nên có thể dùng nhiều thứ văn để làm sáng tỏ về kính ấy nhưng thể của nó không khác.

Hỏi: Kính dùng gì làm tự tánh?

Đáp: Kính dùng hổ (tàm) làm tự tánh.

***

* Thế nào là ái kính? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để nêu bày: Trước tuy có nói riêng về tự tánh của ái kính, nhưng chưa nói chung là đối với cùng một cảnh chuyển biến. Nay muốn chỉ rõ về hai thứ ái kính đối với một cảnh chuyển biến nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là ái kính?

Đáp: Như có một loại hữu tình đối với Phật, Pháp, Tăng, Thân giáo sư (Hòa thượng), Quỹ phạm sư (A-xà-lê) cùng tùy theo bậc có trí, tôn trọng đồng phạm hạnh khác, tâm yêu thích vui vẻ, cung kính an trụ. Nếu ở nơi ấy có ái và kính, đó gọi là ái kính.

Ở đây nói một loại hữu tình: Là chỉ cho phàm phu hoặc bậc Thánh.

Phàm phu đối với Đức Phật tâm yêu thích, vui vẻ, cung kính, an trụ, nghĩa là họ suy nghĩ thế này: Nhờ oai lực của Phật, nên chúng ta được giải thoát khỏi vô số sự khổ do tai họa bất ngờ, phục dịch cho vua quan, và được các vật dụng sinh sống của thế gian.

Bậc Thánh đối với Đức Phật, tâm yêu thích, vui vẻ, cung kính, an trụ, tức họ có suy niệm: Nhờ oai lực của Đức Phật, nên chúng ta mới vĩnh viễn từ bỏ được nhân của các nẻo ác, đoạn trừ hai mươi thứ Tát-ca-da-kiến (Thân kiến), được chánh quyết định, thấy bốn Thánh đế đã tạo được phần giới hạn nơi các thứ khổ trong nẻo sinh tử luân hồi không bờ bến.

Lại nữa, phàm phu và Thánh giả kia đối với Đức Phật tâm yêu thích, vui vẻ, cung kính, an trụ, đều suy nghĩ: Nhờ oai lực của Đức Phật nên chúng ta mới được xuất gia, thọ giới Cụ túc, được tánh Bísô và nhiều tư lương lợi ích, an lạc khác. Vì thế, Tôn giả Ô-đà-di nói: Đức Thế Tôn đối với con có ân đức lớn, nghĩa là đã cứu vớt vô lượng khổ của con, đã cho con vô lượng an vui, diệt trừ vô lượng điều ác của con, sinh cho con vô lượng điều thiện.

Lại nữa, hai hạng hữu tình kia đối với Đức Phật cùng khởi cảm nghĩ: Đức Thế Tôn đã khai phát mắt tuệ cho chúng ta, vì thế nên ái kính Ngài. Do đấy Tôn giả Xá-lợi-tử nói: Nếu Đức Phật – Thế Tôn không xuất hiện ở thế gian, tất cả chúng ta đều sống, chết trong cảnh mù lòa.

Lại nữa, phàm phu và Thánh giả đối với Đức Phật cùng khởi suy niệm: Đức Phật là đấng Pháp vương đầu tiên khai thị chánh pháp vô thượng, khiến các hữu tình thấu đạt thuận hợp về sự tạp nhiễm, thanh tịnh, trói buộc, giải thoát, lưu chuyển, hoàn diệt, sinh tử và Niết-bàn. Ngoài ra không ai có được khả năng này, thế nên nên ái kính.

Lại nữa, phàm phu và Thánh giả đối với Đức Phật cùng khởi suy niệm: Đức Thế Tôn đã đầu tiên thoát khỏi màng lưới vô minh, giảng nói chánh pháp, cũng khiến cho vô lượng vô biên hữu tình cùng thoát khỏi màng lưới vô minh. Ngoài Đức Phật ra, không ai có khả năng này, thế nên ái kính.

Lại nữa, hai hạng hữu tình kia đối với Đức Phật cùng khởi cảm nghĩ: Từ vô thỉ đến nay, Đức Phật đã có bảy kiếp nương vào định thù thắng, luôn ẩn mình không hiện. Đức Phật xuất hiện ở thế gian đã khai thị thuận hợp, khiến vô lượng chúng dựa vào đó hướng nhập cung Đại Niết-bàn. Ngoài Đức Phật ra, không ai có khả năng này, thế nên ái kính.

Lại nữa, phàm phu và Thánh giả đối với Đức Phật đều khởi cảm nghĩ: Nhờ oai lực của Phật nên có thể khiến cho vô lượng vô biên hữu tình tu các pháp thiện. Nghĩa là từ pháp quán bất tịnh cho đến đạt trí vô sinh. Ngoài Đức Phật ra, không ai có khả năng này, nên phải ái kính.

Lại nữa, hai hạng hữu tình trên đối với Đức Phật cùng có cảm nghĩ: Nhờ oai lực của Đức Phật nên khiến các hữu tình gieo trồng các căn thiện được thành thục, giải thoát. Ngoài Đức Phật ra, không ai có khả năng này, thế nên ái kính.

Lại nữa, phàm phu và bậc Thánh đối với Đức Phật cùng khởi cảm niệm: Nhờ oai lực của Đức Phật nên cả kho báu công đức là ba mươi bảy thứ Bồ-đề phần như niệm trụ, chánh đoạn, thần túc, căn, lực, giác chi, đạo chi đều xuất hiện ở thế gian, đã đem lại lợi ích an lạc cho vô biên hữu tình. Ngoài Đức Phật ra, không ai có khả năng này, nên phải ái kính.

Hai hạng phàm phu và bậc Thánh đối với pháp tâm yêu thích, vui vẻ cung kính an trụ, cùng khởi cảm nghĩ: Ta nương dựa vào pháp này nên giải thoát được hết thảy khổ não của thân tâm, đạt an lạc trọn vẹn.

Hai hang hữu tình kia đối với Tăng tâm yêu thích, vui vẻ cung kính an trụ, cùng khởi cảm nghĩ: Nhờ oai lực của Tăng nên chúng ta ở trong chánh pháp Tỳ-nại-da được xuất gia, tâm tin thanh tịnh, thọ giới cụ túc, được tánh Bí-sô, có thể chính thức nhận giữ một trăm lẻ một pháp Yết ma, không hề hủy phạm, trụ trong an lạc, do vậy mau chóng chứng đắc Niết-bàn cứu cánh.

Hai hạng hữu tình trên đối với Thân giáo sư, Quỹ phạm sư, cùng tùy theo một bậc có trí tôn trọng đồng phạm hạnh khác, tâm yêu thích, vui vẻ cung kính an trụ. Nghĩa là họ cùng khởi cảm nghĩ: Các vị thầy bạn này là bạn bè của ta, giúp cho ta đối với pháp siêng năng tu tập chánh hạnh nhanh chóng hoàn thành.

Đối với Tam bảo đã nói ở trước, cũng thầy, bạn trong cảnh thù thắng, khởi đủ ái kính, ngoài ra thì không nhất định. Nên nêu bốn trường hợp: 1. Có trường hợp, hoặc có cảnh khởi ái không phải là kính: Như cha mẹ đối với các con, thầy đối với đệ tử v.v… 2. Có trường hợp, hoặc lại có cảnh khởi kính không phải là ái: Như đối với bậc có đức, nhưng không phải là sư trưởng của mình. 3. Có trường hợp, hoặc lại có cảnh khởi cả ái và kính: Như có một loại con đối với cha mẹ, đệ tử đối với thầy v.v…. 4. Có trường hợp, hoặc lại có cảnh không khởi ái kính: Nghĩa là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Ái kính như thế ở xứ nào có?

Đáp: Ở ba cõi, năm nẻo, tuy đều có dung nạp, nhưng ở đây nói ái kính thù thắng chỉ ở nẻo người trong cõi dục, không phải xứ khác, chỉ trong pháp Phật mới có ái kính này.

***

* Thế nào là cúng dường? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để phân biệt rộng về nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói:

Đối với Phật, Pháp, Tăng

Và Học xứ đã thọ

Hay cung kính cúng dường

Mới gọi là người trí.

Nếu nơi không phóng dật

Tam-ma-địa thù thắng

Hay cung kính cúng dường

Không thoái, gần Niết-bàn.

Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt rộng thế nào là cung kính, thế nào là cúng dường? Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận này, những điều Kinh kia không nói nay nên nói đến. Lại nữa, vì muốn chê trách phá trừ các pháp không phải của bậc Thiện sĩ, khiến từ bỏ, vì muốn tán thán các pháp của bậc Thiện sĩ, khiến tu tập, vì muốn làm sáng tỏ khi năm thứ ô trược gia tăng thì quảng đại hữu tình rất khó tu được.

Ở đây, không phải là pháp của bậc Thiện sĩ: Nghĩa là có một loại hữu tình, nếu cúng dường thì hại cung kính, nếu cung kính thì hại cúng dường.

Thế nào là cúng dường có hại cho cung kính? Như người tại gia, hoặc có nam nữ tuy có đủ uy lực, có thể đem các thứ vật dụng quý, ngon cần cho sự sống để cung cấp, phụng dưỡng cha mẹ, nhưng lại cậy vào năng lực này tâm sinh khinh dể, kiêu mạn. Như người xuất gia, hoặc có đệ tử là hàng phước đức, học rộng, tuy đối với thầy mình có thể tạo nên của cải và pháp để cúng dường, nhưng lại cậy vào việc này, nên ở nơi trụ xứ của thầy không tỏ ra cung kính. Các thứ cúng dường ấy tức có hại cho cung kính.

Thế nào là cung kính có hại cho cúng dường? Như có một loại hữu tình vì rất sợ sệt oai lực của người khác, nên tuy cung kính nhưng không cúng dường.

Cả hai sự việc như thế, đều gọi không phải là pháp của bậc Thiện sĩ.

Pháp của bậc Thiện sĩ: Nghĩa là có một loại hữu tình nếu cúng dường người kia thì thêm cung kính, nếu cung kính thì thêm cúng dường, cả hai sự việc này cùng làm, gọi là pháp của bậc Thiện sĩ. Nếu có pháp này tăng thượng viên mãn, nên biết tức là hữu tình rộng lớn. Hữu tình như thế thật là khó có được. Thế gian nếu không có Phật, các bậc ấy cũng rất khó gặp. Nếu như có thì đấy là vị Đại Bồtát, vì các Đại Bồ-tát tất hội đủ hai sự việc ấy.

Vì muốn chỉ rõ về việc đó cùng ba thứ nhân duyên trước đã nói, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là cúng dường?

Đáp: Cúng dường có hai thứ: 1. Cúng dường của cải. 2. Cúng dường pháp.

Về cúng dường của cải:

Hỏi: Cúng dường của cải lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Có thuyết nói: Vì tạo lợi ích rộng khắp nên xả các của cải, vật dụng. Vậy của cải vật dụng được xả thí ấy là tự tánh của sự cúng dường này.

Có Sư khác cho: Hai nghiệp thân, ngữ của người có khả năng cúng dường là tự tánh của sự cúng dường.

Hoặc có thuyết nêu: Tức chủ thể phát khởi tâm và tâm sở pháp kia là tự tánh của sự cúng dường.

Lại có thuyết nói: Người thọ nhận, thọ nhận rồi, đại chủng của các căn và các sắc được tạo khác đều được tăng trưởng, là tự tánh của sự cúng dường.

Lời bình: Nên nói như vầy: Hoặc tài sản đã được thí xả, hoặc hai nghiệp thân ngữ của chủ thể thí xả, hoặc chủ thể phát khởi tâm và tâm sở pháp ấy, hoặc người thọ nhận nhận rồi thì đại chủng của các căn và sắc được tạo tăng trưởng, đều là tự tánh của sự cúng dường này. Như thế là cúng dường của cải đều dùng chung năm uẩn làm tự tánh.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là cúng dường của cải? Cúng dường của cải là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa có thể làm duyên là nghĩa của cúng dường. Vì sự cúng dường này lấy của cải làm đầu nên gọi là cúng dường của cải.

Nếu vì tạo lợi ích nên xả thí các của cải vật dụng, người thọ nhận, nhận xong, thân tâm thêm ích, như thế gọi là thí cho, cũng gọi là cúng dường. Nếu vì lợi ích nên xả thí các của cải, vật dụng, người thọ nhận, nhận rồi, thân tâm bị tổn giảm, như thế gọi là thí cho, không gọi là cúng dường. Nếu vì tổn hại nên thí xả các vật không thích nghi, người thọ nhận, nhận rồi, hoặc do thần thông, hoặc do thuốc, chú thuật, hoặc do phước lực, nên thân tâm được tăng ích, sự việc này tuy không phải là thí cho, nhưng gọi là cúng dường. Nếu vì tổn hại nên thí xả vật dụng không thích nghi, người thọ nhận, nhận rồi, thân tâm bị tổn giảm, đấy không gọi là thí cho, cũng không phải là cúng dường.

Hỏi: Cúng dường của cải này ở xứ nào có?

Đáp: Chỉ có ở cõi dục, không phải cõi sắc, cõi vô sắc. Chỉ có ở bốn nẻo, không phải ở Nại-lạc-ca (Địa ngục).

Hỏi: Cúng dường của cải này do ai thiết lập, thọ nhận?

Đáp: Có thuyết nói: Nếu ở nẻo bàng sinh thiết lập, chỉ có nẻo bàng sinh thọ nhận, cho đến nơi nẻo trời thiết lập, chỉ có nẻo trời thọ nhận.

Có Sư khác cho: Nẻo bàng sinh thiết lập chỉ có nẻo bàng sinh thọ nhận. Nẻo quỷ thiết lập có hai nẻo thọ nhận. Nẻo người thiết lập có ba nẻo thọ nhận. Nẻo trời thiết lập có bốn nẻo thọ nhận. Vì cõi dưới không cùng cõi trên, còn cõi trên thì cùng với cõi dưới.

Lời bình: Nên nói như vầy: Bốn nẻo đều có thể lần lượt cúng dường.

Hỏi: Luận Thi Thiết nói: Lúc chư Thiên muốn ăn, lấy bát bằng vật báu rỗng không, dùng tấm vải đậy lên miệng bát rồi đặt trước tòa ngồi. Trong khoảnh khắc, tùy theo phước lực của vị trời đó mà thức ăn uống có ngon, dở tự nhiên được tràn đầy. Đã thế làm sao nhận vật cúng dường của người khác?

Đáp: Tuy không nhận thức ăn uống cúng dường của người khác, nhưng vẫn có thể nhận các phẩm vật như hương, hoa khác.

Về cúng dường pháp:

Hỏi: Cúng dường pháp lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Có người nói: Do giảng nói pháp nên lời nói là tự tánh của sự cúng dường pháp.

Có Sư khác cho: Do lời nói được dấy khởi nên đấy là tự tánh.

Hoặc có thuyết nêu: Do chủ thể phát khởi lời nói nên tâm tâm sở pháp ấy làm tự tánh cho sự cúng dường pháp.

Lại có thuyết nói: Người thọ nhận, nghe rồi, phát sinh tuệ giác thiện xảo chưa từng có, dùng làm tự tánh.

Lời bình: Nên nói như vầy: Hoặc lời nói của người thuyết pháp, hoặc tâm tâm sở pháp của chủ thể phát ra lời nói, hoặc người thọ nhận, nghe rồi phát sinh tuệ giác thiện xảo chưa từng có, đều làm tự tánh cho sự cúng dường pháp. Như thế sự cúng dường pháp dùng chung năm uẩn làm tự tánh.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là cúng dường pháp? Cúng dường pháp là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa có thể tạo duyên là nghĩa của cúng dường. Sự cúng dường này vì lấy pháp làm đầu nên gọi là cúng dường pháp. Nếu vì đem lại lợi ích, nên vì người khác giảng nói pháp, người khác sau khi nghe xong, sinh tuệ giác thiện xảo chưa từng có, như thế gọi là thí cho, cũng gọi là cúng dường. Nếu vì tạo lợi ích, nên vì người khác giảng nói pháp, người khác nghe rồi không sinh tuệ giác thiện xảo chưa từng có, như thế gọi là thí cho, không gọi là cúng dường. Nếu vì tổn hại nên thuyết pháp chê trách, chỉ trích người khác, người khác nghe việc này rồi, an trụ nơi sự nhớ nghĩ chân chánh, hoan hỷ chấp nhận, không kể lỗi kia, sinh tuệ giác thiện xảo chưa từng có, sự việc này tuy không phải là thí cho nhưng gọi là cúng dường. Nếu vì tổn hại nên giảng nói pháp chê trách, chỉ trích kẻ khác, kẻ đó nghe rồi tâm khởi giận dữ, không sinh tuệ giác thiện xảo chưa từng có, đây không gọi là thí cho, cũng không gọi là cúng dường.

Hỏi: Cúng dường pháp này ở xứ nào có?

Đáp: Cúng dường pháp này ở nơi cõi dục, cõi sắc, không phải ở cõi vô sắc, năm nẻo đều có.

Ở địa ngục có: Như con của Từ Thọ sinh trong ngục, cho là đang ở trong nhà tắm, nhìn thấy các vật dụng tạo khổ, liền nói tụng:

Từng nghe thế gian thọ khổ vui

Không phải ta, không phải người làm

Thọ các khổ vui đều duyên thân

Thân nếu diệt không ai nhận lại.

Bấy giờ, vô lượng hữu tình đang ở trong địa ngục kia, sau khi nghe tụng này rồi thoát khỏi khổ ở địa ngục. Từ địa ngục ấy mạng chung, được sinh lên cõi trời thọ nhận an vui.

Ở bàng sinh có: Như chim Ca-tần-chiết-la (Ca-lăng-tần-già) tự tu phạm hạnh, vì người khác nói pháp.

Nẻo quỷ có: Như quỷ mẹ Phát Ái vì các quỷ con nói tụng này:

Im lặng, bậc thượng thắng

Im lặng, là sao tỉnh

Lúc ta được kiến đế

Cũng khiến con được thấy.

Nẻo người có: Như nay hiện trông thấy.

Nẻo trời có: Trong trời thuộc cõi dục, như đức Từ Tôn bổ xứ giảng nói pháp cho chư Thiên. Trong trời thuộc cõi sắc, như Thủ Thiên tử đến bạch Phật: Như Đức Thế Tôn ở đây có bốn chúng vây quanh, vì họ giảng nói chánh pháp, nghe rồi phụng hành. Tôi nghe pháp rồi, trở lại trời Vô nhiệt, sẽ vì các vị trời kia giảng nói pháp cũng như thế.

Hỏi: Cúng dường pháp này do ai thiết lập, thọ nhận?

Đáp: Có thuyết nói: Nẻo địa ngục thiết lập, chỉ có nẻo địa ngục thọ nhận, cho đến nẻo trời thiết lập, chỉ có nẻo trời thọ nhận.

Có Sư khác cho: Nẻo địa ngục thiết lập, chỉ có nẻo địa ngục thọ nhận. Nẻo bàng sinh thiết lập có hai nẻo thọ nhận. Nẻo quỷ thiết lập có ba nẻo thọ nhận. Nẻo người thiết lập có bốn nẻo thọ nhận. Nẻo trời thiết lập có năm nẻo thọ nhận.

Lời bình: Nên nói như vầy: Năm nẻo đều có thể lần lượt cúng dường.

Hỏi: Thế nào là cung kính?

Đáp: Có các cung kính, có tánh cung kính, có tự tại, có tánh tự tại. Đối với người tự tại có sự sợ sệt chuyển biến. Đó gọi là cung kính.

Luận sư của bản Luận này đối với văn nghĩa khác biệt đã đạt được thiện xảo, nên dùng các thứ văn để chỉ rõ về cung kính, nhưng Thể không khác. Cung kính cũng lấy hổ làm tự tánh.

HẾT – QUYỂN 29