LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 185

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ NHẤT HÀNH, phần 3

* Nếu tu Không là tu Vô nguyện chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm ngăn chận ý tưởng cho không có hai đời quá khứ, vị lai và nói không có tu nơi vị lai, tức muốn hiển bày: Là có hai đời quá khứ, vị lai, cũng có tu nơi vị lai, nên tạo ra phần Luận này.

Tu có bốn thứ: 1. Tu đắc. 2. Tu tập. 3. Tu đối trị. 4. Tu trừ bỏ. Ở đây dựa vào hai thứ tu để tạo luận là tu đắc và tu tập.

Hỏi: Nếu tu Không là tu Vô nguyện chăng? Nếu như tu Vô nguyện là tu Không chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp tu Không không phải là Vô nguyện: Nghĩa là đã được Không hiện tiền. Đây là Phật hoặc Độc giác, Thanh văn, vì hiện pháp lạc trụ nên đã khởi được Tam-ma-địa Không hiện tiền. Bấy giờ, uy lực của vị kia hãy còn không theo kịp sát-na vô gián của tự loại, huống là có thể tu tập công đức vị lai khác, nhưng nơi phần vị hiện tiền là tu tập.

2. Có trường hợp tu Vô nguyện không phải là Không: Nghĩa là đã được Vô nguyện hiện tiền. Nếu chưa được Vô nguyện hiện tiền thì không tu Không.

Đã được Vô nguyện hiện tiền: Tức như trước đã giải thích.

Chưa được Vô nguyện hiện tiền thì không tu Không: Nghĩa là trong kiến đạo, hiện quán về tập nơi bốn khoảnh tâm, hiện quán về đạo nơi ba khoảnh tâm. Do trong kiến đạo quyết định đối trị cùng là đối trị không chung, nên không khác với tu đế.

3. Có trường hợp cùng tu cả hai: Nghĩa là chưa được Không hiện tiền. Nếu chưa được Vô nguyện hiện tiền thì tu Không. Nếu chưa được Vô tướng và chưa được thế tục trí hiện tiền thì tu Không, Vô nguyện.

Chưa được Không hiện tiền: Nghĩa là dựa vào Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi bốn khoảnh tâm. Nếu dựa vào Tam-ma-địa Không lìa nhiễm nơi cõi dục cho đến lìa nhiễm nơi Vô sở hữu xứ, hoặc dùng Không làm gia hạnh, tất cả gia hạnh ấy là đạo vô gián, giải thoát, cùng lìa nhiễm nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trừ đạo giải thoát sau cùng.

Nếu dựa vào Tam-ma-địa Không, Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, hoặc dùng Không làm gia hạnh, tất cả gia hạnh ấy là đạo vô gián, giải thoát, cùng Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, trừ đạo giải thoát sau cùng.

Nếu dựa vào Tam-ma-địa Không tu đủ các tĩnh lự nơi khoảnh tâm đầu cuối. Hoặc dựa vào Tam-ma-địa Không khởi niệm trụ vô sắc, giải thoát, hai vô ngại giải nghĩa, biện. Có thuyết nói: Chỉ có vô ngại giải nghĩa. Do vào lúc như thế chưa được Không hiện tiền cũng tu Vô nguyện.

Chưa được Vô nguyện hiện tiền thì tu Không: Nghĩa là dựa vào Tam-ma-địa Vô nguyện nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi bốn khoảnh tâm, khi đạt đạo loại trí. Nếu dựa vào Tam-ma-địa Vô nguyện lìa nhiễm nơi cõi dục cho đến lìa nhiễm nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc dùng Vô nguyện làm gia hạnh, tất cả gia hạnh ấy là đạo vô gián, giải thoát.

Nếu dựa vào Tam-ma-địa Vô nguyện, Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, hoặc dùng Vô nguyện làm gia hạnh, tất cả gia hạnh ấy là đạo vô gián, giải thoát.

Nếu dựa vào Tam-ma-địa Vô nguyện tu đủ tĩnh lự nơi khoảnh tâm đầu cuối. Hoặc khởi tha tâm trí thông vô lậu. Hoặc dựa nơi Vô nguyện khởi niệm trụ, vô sắc, giải thoát, hai vô ngại giải nghĩa, biện, tức vào lúc như thế chưa được Vô nguyện hiện tiền cũng tu Không.

Chưa được Vô tướng hiện tiền thì tu Không, Vô nguyện: Nghĩa là trong kiến đạo, Không ở trong tu đạo, vô học đạo. Nếu dựa vào Tam-ma-địa Vô tướng lìa nhiễm nơi cõi dục cho đến lìa nhiễm nơi Vô sở hữu xứ, hoặc dùng Vô tướng làm gia hạnh, tất cả gia hạnh ấy là đạo vô gián, giải thoát, cùng lìa nhiễm nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trừ đạo giải thoát sau cùng.

Nếu dựa vào Tam-ma-địa Vô tướng, Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, hoặc dùng Vô tướng làm gia hạnh, tất cả gia hạnh ấy là đạo vô gián, giải thoát, cùng Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, trừ đạo giải thoát sau cùng.

Nếu dựa vào Tam-ma-địa Vô tướng tu đủ các tĩnh lự nơi khoảnh tâm đầu cuối. Hoặc dựa vào Vô tướng khởi niệm trụ, vô sắc, giải thoát, vô ngại giải nghĩa, tức vào lúc như thế chưa được Vô tướng hiện tiền thì tu Không và Vô nguyện.

Chưa được thế tục trí hiện tiền thì tu Không, Vô nguyện: Nghĩa là bậc Thánh dùng đạo thế tục lìa nhiễm nơi cõi dục cho đến lìa nhiễm nơi Vô sở hữu xứ. Hoặc dùng đạo thế tục làm gia hạnh, tất cả gia hạnh ấy là đạo vô gián, giải thoát, cùng lìa nhiễm nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, dùng đạo thế tục làm gia hạnh, tất cả đạo gia hạnh ấy tu đủ tĩnh lự trung gian nơi một khoảnh tâm, dẫn phát năm thông. Các đạo gia hạnh, năm đạo vô gián, hai đạo giải thoát, cùng tha tâm trí thông hữu lậu nơi đạo giải thoát, khởi vô lượng thế tục, giải thoát, thắng xứ, biến xứ, quán bất tịnh, trì tức niệm, niệm trụ thế tục, bảy xứ thiện, ba nghĩa quán, vô ngại giải thế tục, nguyện trí vô tránh, trí biên vực, Không không, Vô nguyện vô nguyện, Vô tướng vô tướng, nhập định diệt, tưởng tâm vi tế. Vào lúc như thế chưa được thế tục trí hiện tiền thì tu Không và Vô nguyện.

4. Có trường hợp cùng không tu cả hai: Nghĩa là đã được Vô tướng hiện tiền. Nếu chưa được Vô tướng hiện tiền thì không tu Không, Vô nguyện. Nếu đã được thế tục trí hiện tiền, hoặc chưa được thế tục trí hiện tiền thì không tu Không, Vô nguyện. Tất cả phàm phu, tâm nhiễm ô, tâm vô ký, ở nơi định vô tưởng, định diệt tận, sinh nơi trời Vô tưởng.

Đã được Vô tướng hiện tiền: Như trước đã giải thích.

Chưa được Vô tướng hiện tiền thì không tu Không, Vô nguyện: Nghĩa là trong kiến đạo hiện quán về diệt nơi bốn khoảnh tâm.

Không tu Không, Vô nguyện: Như trước đã giải thích.

Đã được thế tục trí hiện tiền: Như trước đã giải thích.

Chưa được thế tục trí hiện tiền thì không tu Không, Vô nguyện: Nghĩa là bậc Thánh, tuệ do văn, tư tạo thành, nhập định diệt, tâm vi tế.

Tất cả phàm phu: Nghĩa là trong đây đã nói ba Tam-ma-địa chỉ là vô lậu, phàm phu đều không nên không có nghĩa tu.

Tâm nhiễm ô: Nghĩa là tâm cấu nhiễm tánh thuận với phần thoái chuyển, tương ưng với biếng nhác, chìm nặng. Chính là tâm thuận với tánh thắng tấn tương ưng với tinh tấn nhẹ nhàng mới có thể tu.

Tâm vô ký: Nghĩa là tâm vô ký không bền, không trụ, không thật, yếu kém như loại hư hoại. Chính là tâm bền, trụ, thật, mạnh mẽ mới có thể tu.

Ở nơi định vô tưởng, định diệt tận: Nghĩa là nơi hai định kia không có tâm. Chính là phải có phần vị tâm mới có thể tu.

Sinh nơi trời Vô tưởng: Có thuyết nói: Sinh vào cõi ấy nơi tất cả thời đều không khởi tâm thiện. Có thuyết nói: Sinh vào cõi ấy tuy có khởi tâm thiện nhưng không phải là chỗ dựa cho sự tu tập.

Tuy trước đã ngăn chận tất cả phàm phu nhưng còn ngăn chận định vô tưởng, trời Vô tưởng, vì những nơi chốn ấy là chỗ ham chuộng của thế tục. Hoặc có kẻ nghi là có tu cho nên vào lúc như thế không tu Không và Vô nguyện.

Hỏi: Nếu tu Không là tu Vô tướng chăng? Nếu như tu Vô tướng là tu Không chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp tu Không không phải là Vô tướng: Nghĩa là đã được Không hiện tiền. Nếu chưa được Không hiện tiền thì không tu Vô tướng. Nếu chưa được Vô nguyện hiện tiền thì tu Không, không phải là Vô tướng.

Đã được Không hiện tiền: Như trước đã giải thích.

Chưa được Không hiện tiền thì không tu Vô tướng: Nghĩa là dựa vào Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi bốn khoảnh tâm.

Chưa được Vô nguyện hiện tiền thì tu Không, không phải là Vô tướng: Nghĩa là dựa vào Vô nguyện nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi bốn khoảnh tâm.

2. Có trường hợp tu Vô tướng không phải là Không: Nghĩa là đã được Vô tướng hiện tiền. Nếu chưa được Vô tướng hiện tiền thì không tu Không.

Đã được Vô tướng hiện tiền: Như trước đã giải thích.

Chưa được Vô tướng hiện tiền thì không tu Không: Nghĩa là trong kiến đạo, hiện quán về diệt nơi bốn khoảnh tâm.

3. Có trường hợp cùng tu cả hai: Nghĩa là chưa được Không hiện tiền thì tu Vô tướng. Hoặc chưa được Vô tướng hiện tiền thì tu Không. Nếu chưa được Vô nguyện và chưa được thế tục trí hiện tiền thì tu Không, Vô tướng.

Chưa được Không hiện tiền thì tu Vô tướng: Nghĩa là dựa nơi Tam-ma-địa Không lìa nhiễm nơi cõi dục cho đến lìa nhiễm nơi Vô sở hữu xứ, nói rộng như trước gồm tu Vô nguyện.

Chưa được Vô tướng hiện tiền thì tu Không: Nghĩa là dựa nơi Tam-ma-địa Vô tướng lìa nhiễm nơi cõi dục cho đến lìa nhiễm nơi Vô sở hữu xứ. Hoặc dùng Vô tướng làm gia hạnh, tất cả gia hạnh ấy là đạo vô gián, giải thoát, cùng lìa nhiễm nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trừ đạo giải thoát sau cùng. Nếu dựa nơi Tam-ma-địa Vô tướng luyện căn tạo kiến chí, dùng Vô tướng làm gia hạnh, tất cả gia hạnh này là đạo vô gián, giải thoát, cùng Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, trừ đạo giải thoát sau cùng. Nếu dựa nơi Tam-ma-địa Vô tướng tu đủ tĩnh lự nơi khoảnh tâm đầu cuối. Hoặc dựa nơi Vô tướng khởi niệm trụ, vô sắc, giải thoát, nghĩa vô ngại giải, tức vào lúc như thế chưa được Vô tướng hiện tiền thì cũng tu Không.

Chưa được Vô nguyện hiện tiền thì tu Không, Vô tướng: Nghĩa là khi đạt đạo loại trí. Hoặc dựa nơi Tam-ma-địa Vô nguyện lìa nhiễm nơi cõi dục cho đến lìa nhiễm nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nói rộng như trước gồm tu Không.

Chưa được thế tục trí hiện tiền thì tu Không, Vô tướng: Nghĩa là bậc Thánh dùng đạo thế tục lìa nhiễm nơi cõi dục cho đến lìa nhiễm nơi Vô sở hữu xứ, nói rộng như trước gồm tu Không và Vô nguyện.

4. Có trường hợp cùng không tu cả hai: Nghĩa là đã được Vô nguyện hiện tiền. Nếu chưa được Vô nguyện hiện tiền thì không tu Không, Vô tướng. Nếu đã được thế tục trí hiện tiền, hoặc chưa được thế tục trí hiện tiền thì không tu Không, Vô tướng. Tất cả phàm phu, tâm nhiễm ô, tâm vô ký, ở nơi định vô tưởng, định diệt tận, sinh nơi trời Vô tưởng.

Đã được Vô nguyện hiện tiền: Như trước đã giải thích.

Chưa được Vô nguyện hiện tiền thì không tu Không, Vô tướng: Nghĩa là trong kiến đạo, hiện quán về tập nơi bốn khoảnh tâm, hiện quán về đạo nơi ba khoảnh tâm.

Đã được thế tục trí hiện tiền: Như trước đã giải thích.

Chưa được thế tục trí hiện tiền thì không tu Không, Vô tướng: Nghĩa là bậc Thánh, tuệ do văn, tư tạo thành.

Tất cả phàm phu, tâm nhiễm ô, tâm vô ký, ở nơi định vô tưởng, định diệt tận, sinh nơi trời Vô tưởng: Như trước đã giải thích.

Hỏi: Nếu tu Vô nguyện là tu Vô tướng chăng? Nếu như tu Vô tướng là tu Vô nguyện chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp tu Vô nguyện không phải là Vô tướng: Nghĩa là đã được Vô nguyện hiện tiền. Nếu chưa được Vô nguyện và chưa được không hiện tiền thì không tu Vô tướng.

Đã được Vô nguyện hiện tiền: Như trước đã giải thích.

Chưa được Vô nguyện hiện tiền thì không tu Vô tướng: Là dựa vào Vô nguyện nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi bốn khoảnh tâm, hiện quán về tập nơi bốn khoảnh tâm, hiện quán về đạo nơi ba khoảnh tâm.

Chưa được không hiện tiền thì không tu Vô tướng: Là dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi bốn khoảnh tâm.

2. Có trường hợp tu Vô tướng không phải là Vô nguyện: Nghĩa là đã được Vô tướng hiện tiền. Nếu chưa được Vô tướng hiện tiền thì không tu Vô nguyện.

Đã được Vô tướng hiện tiền: Như trước đã giải thích.

Chưa được Vô tướng hiện tiền thì không tu Vô nguyện: Là trong kiến đạo, hiện quán về diệt nơi bốn khoảnh tâm.

3. Có trường hợp cùng tu cả hai: Nghĩa là chưa được Vô nguyện hiện tiền thì tu Vô tướng. Nếu chưa được Vô tướng hiện tiền thì tu Vô nguyện. Nếu chưa được Không và chưa được thế tục trí hiện tiền thì tu Vô nguyện, Vô tướng. Đây là theo chỗ ứng hợp như trước đã giải thích.

4. Có trường hợp cùng không tu cả hai: Nghĩa là đã được Không và đã được thế tục trí hiện tiền. Nếu chưa được thế tục trí hiện tiền thì không tu Vô nguyện, Vô tướng. Tất cả phàm phu, tâm nhiễm ô, tâm vô ký, ở nơi định vô tưởng, định diệt tận, sinh nơi trời Vô tưởng. Đây cũng tùy theo chỗ ứng hợp, như trước đã giải thích rộng.

***

* Từng có kiết do Không đoạn, không phải Vô nguyện, Vô tướng chăng? Cho đến nói rộng.

Có hai thứ quyết định: 1. Quyết định đối trị. 2. Quyết định tác dụng. Trong đây là dựa vào quyết định đối trị để tạo luận, không phải là quyết định tác dụng. Vì sao? Vì không có lý hai Tam-ma-địa cùng lúc tác dụng, huống chi là có ba.

Hỏi: Từng có kiết do Không đoạn, không phải là Vô nguyện, Vô tướng chăng?

Đáp: Không có. Vì không có loại kiết như vậy, chỉ là do không đối trị.

Hỏi: Từng có kiết do Vô nguyện đoạn, không phải là Không, Vô tướng chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là kiết do kiến tập, kiến đạo đoạn, kiết ấy do Vô nguyện đoạn, vì kiết ấy chỉ là do Vô nguyện đối trị.

Hỏi: Từng có kiết do Vô tướng đoạn, không phải là Không, Vô nguyện chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là kiết do kiến diệt đoạn, kiết ấy do Vô tướng đoạn, vì kiết ấy chỉ là do Vô tướng đối trị.

Hỏi: Từng có kiết do Không, Vô nguyện đoạn, không phải là Vô tướng chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là kiết do kiến khổ đoạn, kiết ấy do Không, Vô nguyện đoạn, vì kiết ấy chỉ là do Không, Vô nguyện đối trị.

Hỏi: Từng có kiết do Không, Vô tướng đoạn, không phải là Vô nguyện chăng?

Đáp: Không có. Vì không có loại kiết như vậy, chỉ là do Không, Vô tướng đối trị, không phải là Vô nguyện.

Hỏi: Từng có kiết do Vô nguyện, Vô tướng đoạn, không phải là Không chăng?

Đáp: Không có. Vì không có loại kiết như vậy, chỉ là do Vô nguyện Vô tướng đối trị, không phải là Không.

Hỏi: Từng có kiết do Không, Vô nguyện, Vô tướng đoạn chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là kiết do Học kiến tích tu tập đoạn. Kiết ấy do Không, Vô nguyện, Vô tướng đoạn. Tức là bậc Thánh do tu đạo đoạn trừ kiết nơi ba cõi. Vì kiết ấy là do ba Tam-ma-địa đối trị.

Hỏi: Từng có kiết không phải do Không, Vô nguyện, Vô tướng đoạn chăng? Nhưng là đã đoạn chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là kiết do phàm phu đoạn. Tức các phàm phu do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ kiết nơi cõi dục cho đến Vô sở hữu xứ. Là kiết do đạo thế tục đối trị.

Hỏi: Kiết ấy há không phải là đối tượng đối trị của Không, Vô nguyện, Vô tướng chăng?

Đáp: Là đối tượng đối trị, nhưng là ở bậc Thánh, không phải là phàm phu. Việc đoạn trừ kia ở nơi phàm phu nên nói không phải do Không v.v… đoạn.

Có thuyết nói: Trước là dựa vào quyết định đối trị để tạo luận. Nay dựa vào quyết định tác dụng để luận. Trong sự nối tiếp của phàm phu, ba Tam-ma-địa nhất định không có tác dụng, nên nói kiết ấy không phải do Không v.v… đoạn.

Hỏi: Nếu như vậy trong sự nối tiếp của bậc Thánh, kiết nơi cõi dục cho đến Vô sở hữu xứ do tu đạo đoạn, cũng là do đạo thế tục đoạn, vì sao chỉ nói do Không v.v… đoạn?

Đáp: Văn trước nên nói: Kiết ấy cũng là do đạo thế tục đoạn, nhưng không nói là có ý gì? Nên biết nơi bậc Thánh, đạo vô lậu hiển bày nên không nói đạo thế tục. Phàm phu không có đạo vô lậu, nên phải dựa vào đạo thế tục để nói. Do vậy điều nêu ở trước không có lỗi.

***

* Thế nào là tác ý nhập chánh tánh ly sinh? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận tông chỉ của kẻ khác, làm sáng tỏ nghĩa mình. Nghĩa là hoặc có người nói: Ba Tam-ma-địa tùy một đều có thể nhập chánh tánh ly sinh. Nay để ngăn chận ý ấy và hiển bày chỉ hai Tam-ma-địa tùy một là có thể nhập, nhưng không phải là Vô tướng, nên tạo ra phần Luận này.

Hoặc có thuyết nói: Chỉ Tam-ma-địa Vô tướng là có thể nhập chánh tánh ly sinh, như Bộ Đạt Ma Cúc Đa nói. Bộ ấy cho: Do Tamma-địa Vô tướng đối với Niết-bàn khởi tác ý tịch tĩnh, nên nhập chánh tánh ly sinh. Để ngăn chận lối chấp ấy, hiển bày: Chỉ có Tamma-địa Vô tướng là không thể nhập chánh tánh ly sinh, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là tác ý nhập chánh tánh ly sinh?

Đáp: Là khởi ý hoặc về vô thường, hoặc về khổ, không, vô ngã, do đấy tức dừng ba Tam-ma-địa và chính là Vô tướng, có thể nhập chánh tánh ly sinh. Ở đây, tác ý vô thường, khổ tương ưng với Tam-mađịa Vô nguyện. Tác ý không, vô ngã tương ưng với Tam-ma-địa Không.

Hỏi: Vì sao chỉ hành tướng này nhập chánh tánh ly sinh, không phải là hành tướng khác?

Đáp: Nhập chánh tánh ly sinh có hai thứ: 1. Ái hành. 2. Kiến hành. Người ái hành dựa nơi Vô nguyện để nhập. Người kiến hành dựa nơi Không để nhập.

Bồ-tát tuy là ái hành, nhưng có thể dựa nơi Không nhập chánh tánh ly sinh.

Ái hành lại có hai thứ: 1. Ngã mạn tăng. 2. Biếng trễ tăng. Người ngã mạn tăng dùng hành tướng vô thường để nhập. Người biếng trễ tăng dùng hành tướng khổ để nhập.

Kiến hành cũng có hai thứ: 1. Ngã kiến tăng. 2. Ngã sở kiến tăng. Người ngã kiến tăng dùng hành tướng vô ngã để nhập. Người ngã sở kiến tăng dùng hành tướng không để nhập.

Vì thế chỉ nêu bốn hành tướng ấy.

Hỏi: Bốn hành tướng này tương ưng với phần vị pháp nào?

Đáp: Có thuyết nói: Tương ưng với pháp Thế đệ nhất, do nói nhập chánh tánh ly sinh.

Có thuyết cho: Tương ưng với khổ pháp trí nhẫn.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao nói nhập?

Đáp: Ở đây nói đã nhập gọi là nhập, đối với gần nói tiếng xa. Như nói: Đại vương từ nơi nào đến? Tức vị ấy lúc này đã đến gọi là đến. Đây cũng như vậy.

Hỏi: Khi ấy cũng có tâm sở pháp khác, vì sao chỉ nói tác ý?

Đáp: Do chỉ có tác ý là có thể dẫn phát tâm tâm sở.

Có thuyết nói: Tác ý là hết sức tùy thuận đối với nhập chánh tánh ly sinh.

***

* Tư duy về hành thuộc cõi nào để nhập chánh tánh ly sinh?

Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn ngăn chận ý của Tôn giả Đạt-ma-đát-la-đa, cho: Tư duy tức thì về hành của ba cõi nhập chánh tánh ly sinh. Lại cũng để ngăn chận ý cho: Tư duy về Niết-bàn nhập chánh tánh ly sinh, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Tư duy về hành thuộc cõi nào để nhập chánh tánh ly sinh?

Đáp: Thuộc cõi dục. Do đấy tức ngăn chận hai lối chấp như trước đã nêu.

Hỏi: Vì sao chỉ tư duy về hành thuộc cõi dục để nhập chánh tánh ly sinh?

Đáp: Vì khổ nơi cõi dục thô trọng hiển bày hiện thấy dễ quán sát. Có thuyết nói: Khổ nơi cõi dục là sự nối tiếp kia hiện thành tựu.

Có thuyết cho: Hành thuộc cõi dục có đủ ba khổ. Do vậy, người của A-tỳ-đạt-ma nói: Quán các hành của ba khổ nhập chánh tánh ly sinh. Không phải như người của phái Thí Dụ chỉ nói: Quán các hành của hành khổ nhập chánh tánh ly sinh. Ở đây, các hành không vừa ý gọi là khổ khổ. Các hành vừa ý gọi là hoại khổ. Các hành thuận với xả gọi là hành khổ.

Có thuyết nêu: Khổ nơi cõi dục đối với người tu hành hiện là sự bức não hết sức chán lìa, thế nên trước quán chúng để nhập chánh tánh ly sinh.

Hỏi: Niết-bàn cũng là hết sức vui thích vì sao không quán Niếtbàn để nhập chánh tánh ly sinh?

Đáp: Các loài hữu tình có tâm chán khổ hơn không phải là tâm vui thích Niết-bàn hơn. Vì sao? Vì hiện đang bị khổ bức não. Còn Niết-bàn thì không hiện thấy. Như các hữu tình không ai là không sợ khổ.

Hỏi: Duyên nơi đế nhẫn nào sau mới có thể nhập chánh tánh ly sinh?

Đáp: Có thuyết nói: Duyên nơi đạo đế.

Nên nói như vầy: Duyên nơi khổ đế. Nói rộng như nơi phẩm đầu của Chương Tạp Uẩn.

***

* Tận trí nên nói là niệm trụ ở nơi thân tuần tự quán thân chăng? Cho đến nên nói là niệm trụ ở nơi pháp tuần tự quán pháp chăng?

Đáp: Tận trí nên nói hoặc là niệm trụ ở nơi thân tuần tự quán thân. Hoặc là niệm trụ ở nơi thọ, ở nơi tâm, ở nơi pháp tuần tự quán thọ, quán tâm, quán pháp.

Như tận trí, vô sinh trí cũng như vậy.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì khiến cho kẻ nghi có được quyết định. Nghĩa là có người sinh nghi như vầy: Tận trí, vô sinh trí không phải là tánh kiến, nên cũng không phải là tánh niệm trụ. Nay muốn quyết định làm rõ hai trí này tuy không phải là tánh kiến, nhưng là niệm trụ, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, trong Chương Kiến Uẩn phân biệt niệm trụ tự tánh là kiến. Còn ở đây, trong Chương Định Uẩn thì phân biệt niệm trụ tự tánh không phải là kiến, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, trong địa gia hạnh nói tu niệm trụ có nhân nơi gia hạnh, nghĩa là địa vô học không có niệm trụ. Nay muốn nêu rõ trong địa vô học có niệm trụ, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, kinh nói: Tận trí, vô sinh trí duyên nơi đời và thân sau làm cảnh, có nhân nơi cảnh ấy. Nghĩa là hai trí kia chỉ duyên nơi đời cùng thân sau. Nay muốn hiển bày hai trí ấy duyên nơi tất cả pháp, chỉ trừ hư không và phi trạch diệt, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, có lối chấp: Tận trí, vô sinh trí chỉ duyên chung nơi năm uẩn. Nay nhằm ngăn chận ý ấy, hiển bày tận trí, vô sinh trí hoặc duyên chung nơi năm uẩn, hoặc lại duyên riêng, nên tạo ra phần Luận này.

Tận trí nên nói hoặc là niệm trụ ở nơi thân tuần tự quán thân: Nghĩa là duyên nơi sắc uẩn. Hoặc là niệm trụ ở nơi thọ tuần tự quán thọ: Nghĩa là duyên nơi thọ uẩn. Hoặc là niệm trụ ở nơi tâm tuần tự quán tâm: Nghĩa là duyên nơi thức uẩn. Hoặc là niệm trụ ở nơi pháp tuần tự quán pháp: Nghĩa là duyên nơi tưởng uẩn, hành uẩn và trạch diệt.

Ở đây nói là pháp niệm trụ không duyên tạp. Nếu pháp niệm trụ duyên tạp thì ở nơi năm uẩn hoặc hai duyên hai, hoặc ba duyên ba, hoặc bốn duyên bốn, hoặc năm duyên chung.

Hai duyên hai: Là sắc thọ duyên. Sắc tưởng duyên. Sắc hành duyên. Sắc thức duyên. Thọ tưởng duyên. Thọ hành duyên. Thọ thức duyên. Tưởng hành duyên. Tưởng thức duyên. Hành thức duyên.

Ba duyên ba: Là sắc thọ tưởng duyên. Sắc thọ hành duyên. Sắc thọ thức duyên. Sắc tưởng thức duyên. Sắc hành thức duyên. Thọ tưởng hành duyên. Thọ tưởng thức duyên. Thọ hành thức duyên. Tưởng hành thức duyên.

Bốn duyên bốn: Là sắc thọ tưởng hành duyên. Sắc thọ tưởng thức duyên. Sắc thọ hành thức duyên. Sắc tưởng hành thức duyên. Thọ tưởng hành thức duyên.

Năm duyên chung: Là sắc thọ tưởng hành thức duyên chung với tất cả.

Về trạch diệt, vô vi, nếu pháp niệm trụ là hữu lậu thì cũng cùng với pháp khác như sắc v.v… hợp duyên.

Trong đây đã nói là vô lậu nên chỉ là không duyên tạp.

***

* Các lạc vô lậu nơi tĩnh lự thứ nhất và các lạc của giác chi khinh an v.v… có khác nhau không?

Đáp: Không khác nhau.

Hỏi: Các lạc vô lậu nơi tĩnh lự thứ hai và các lạc của giác chi khinh an v.v… có khác nhau không?

Đáp: Không khác nhau.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để ngăn chận ý cho hai tĩnh lự đầu có lạc căn vô lậu, hiển bày nơi hai địa ấy không có lạc căn vô lậu, nên tạo ra phần Luận này. Nếu như có thì không nên đáp là hai thứ ấy không khác nhau. Vì sao? Vì lạc của giác chi khinh an v.v… ở trong pháp đại thiện địa, khinh an là tự tánh. Còn lạc căn vô lậu ở trong pháp đại địa, thọ là tự tánh. Lại, lạc của giác chi khinh an là thuộc về hành uẩn, còn lạc căn vô lậu là thuộc về thọ uẩn. Như vậy hai lạc tức có khác nhau, nhưng nói không khác nhau, nên biết lạc vô lậu nơi hai địa kia tức là lạc khinh an. Do đó, lạc căn vô lậu không phải nơi hai địa kia hiện có.

***

* Nếu từ đẳng trì xuất thì đó là đối tượng duyên chăng? Cho đến nói rộng.

Xuất có năm thứ: 1. Địa. 2. Hành tướng. 3. Đối tượng duyên. 4. Tâm dị loại. 5. Sát-na. Trong đây chỉ dựa vào hai thứ xuất để tạo luận là địa và đối tượng duyên.

Hỏi: Nếu từ đẳng trì xuất thì đó là đối tượng duyên chăng? Nếu như từ đối tượng duyên xuất thì đó là đẳng trì chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp từ đẳng trì xuất không phải là đối tượng duyên: Nghĩa là như có một người tư duy về tướng này nhập tĩnh lự thứ nhất, người ấy lại tư duy về tướng ấy nhập tĩnh lự thứ hai. Trong đây, đối tượng duyên dùng tiếng tướng để nói. Như duyên nơi sắc uẩn, tĩnh lự thứ nhất đẳng vô gián duyên nơi sắc uẩn, tĩnh lự thứ hai hiện tiền. Duyên nơi uẩn khác cũng như vậy. Đó gọi là từ đẳng trì xuất không phải là đối tượng duyên. Hỏi: Tĩnh lự thứ hai cũng là đẳng trì vì sao nói là xuất? Đáp: Do địa khác. Thế nên trước nói là dựa vào hai thứ xuất để tạo luận, là địa và đối tượng duyên.

2. Có trường hợp từ đối tượng duyên xuất không phải là đẳng trì: Nghĩa là như có một người tư duy về tướng này nhập tĩnh lự thứ nhất, người ấy không xuất tĩnh lự thứ nhất, lại tư duy về tướng khác. Như duyên nơi sắc uẩn, tĩnh lự thứ nhất đẳng vô gián duyên nơi thọ uẩn, tĩnh lự thứ nhất hiện tiền. Duyên nơi uẩn khác cũng như vậy. Đó gọi là từ đối tượng duyên xuất không phải là đẳng trì.

3. Có trường hợp từ đẳng trì xuất cũng là đối tượng duyên: Nghĩa là như có một người tư duy về tướng này nhập tĩnh lự thứ nhất, người ấy tư duy về tướng khác nhập tĩnh lự thứ hai. Như duyên nơi sắc uẩn, tĩnh lự thứ nhất đẳng vô gián duyên nơi thọ uẩn, tĩnh lự thứ hai hiện tiền. Duyên nơi uẩn khác cũng như vậy. Đó gọi là từ đẳng trì xuất cũng là đối tượng duyên.

4. Có trường hợp không phải từ đẳng trì xuất cũng không phải là đối tượng duyên: Nghĩa là như có một người tư duy về tướng này nhập tĩnh lự thứ nhất, trụ ở đó trải qua nhiều thời gian. Như duyên nơi sắc uẩn, tĩnh lự thứ nhất liên tục nối tiếp hiện tiền nhiều thời gian. Duyên nơi uẩn khác cũng như vậy. Đó gọi là không phải từ đẳng trì xuất cũng không phải là đối tượng duyên.

Như uẩn, phi uẩn cũng như thế.

Như tĩnh lự thứ nhất, cho đến Vô sở hữu xứ cũng như thế.

Lại có nghĩa khác:

Hỏi: Nếu từ đẳng trì xuất thì đó là hành tướng chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp từ đẳng trì xuất không phải là hành tướng: Nghĩa là như có một người dùng hành tướng này nhập tĩnh lự thứ nhất, người ấy lại dùng hành tướng ấy nhập tĩnh lự thứ hai. Như hành tướng vô thường, tĩnh lự thứ nhất đẳng vô gián nơi hành tướng vô thường, tĩnh lự thứ hai hiện tiền. Các hành tướng khác cũng như vậy.

2. Có trường hợp từ hành tướng xuất không phải là đẳng trì: Nghĩa là như có một người dùng hành tướng này nhập tĩnh lự thứ nhất, người ấy không xuất tĩnh lự thứ nhất, lại tạo ra hành tướng khác. Như hành tướng vô thường, tĩnh lự thứ nhất đẳng vô gián nơi hành tướng khổ, tĩnh lự thứ nhất hiện tiền. Các hành tướng khác cũng như vậy.

3. Có trường hợp từ đẳng trì xuất cũng là hành tướng: Nghĩa là như có một người dùng hành tướng này nhập tĩnh lự thứ nhất, người ấy dùng hành tướng khác nhập tĩnh lự thứ hai. Như hành tướng vô thường, tĩnh lự thứ nhất đẳng vô gián nơi hành tướng khổ, tĩnh lự thứ hai hiện tiền. Các hành tướng khác cũng như vậy.

4. Có trường hợp không phải từ đẳng trì xuất cũng không phải là hành tướng: Nghĩa là như có một người dùng hành tướng này nhập tĩnh lự thứ nhất, trụ ở đó trải qua nhiều thời gian. Như hành tướng vô thường, tĩnh lự thứ nhất liên tục nối tiếp hiện tiền nhiều thời gian. Các hành tướng khác cũng như vậy.

Như tĩnh lự thứ nhất, cho đến Vô sở hữu xứ cũng như thế.

Lại có nghĩa khác:

Hỏi: Nếu từ hành tướng xuất thì đó là đối tượng duyên chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp từ hành tướng xuất không phải là đối tượng duyên: Nghĩa là như có một người dùng hành tướng này tư duy về tướng này, người ấy không bỏ hành tướng này, lại tạo hành tướng khác. Như duyên nơi sắc uẩn, hành tướng vô thường đẳng vô gián duyên nơi sắc uẩn, hành tướng khổ hiện tiền. Duyên nơi uẩn khác, hành tướng khác cũng như vậy.

2. Có trường hợp từ đối tượng duyên xuất không phải là hành tướng: Nghĩa là như có một người dùng hành tướng này tư duy về tướng này, tức dùng hành tướng này lại tư duy về tướng khác. Như duyên nơi sắc uẩn, hành tướng vô thường đẳng vô gián duyên nơi thọ uẩn, hành tướng vô thường hiện tiền. Duyên nơi uẩn khác, hành tướng khác cũng như vậy.

3. Có trường hợp từ hành tướng xuất cũng là đối tượng duyên: Nghĩa là như có một người dùng hành tướng này tư duy về tướng này, lại dùng hành tướng khác tư duy về tướng khác. Như duyên nơi sắc uẩn, hành tướng vô thường đẳng vô gián duyên nơi thọ uẩn, hành tướng khổ hiện tiền. Duyên nơi uẩn khác, hành tướng khác cũng như vậy.

4. Có trường hợp không phải từ hành tướng xuất cũng không phải là đối tượng duyên: Nghĩa là như có một người dùng hành tướng này tư duy về tướng ấy trụ trải qua nhiều thời gian. Như duyên nơi sắc uẩn, hành tướng vô thường liên tục nối tiếp hiện tiền nhiều thời gian. Duyên nơi uẩn khác, hành tướng khác cũng như vậy.

Như uẩn, phi uẩn cũng như thế.

***

* Như nói: Này Bí-sô, cho đến tưởng định có thể đạt được Thánh chỉ. Đệ tử của Đức Thế Tôn sinh nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì họ dựa vào định nào để đắc quả A-la-hán?

Đáp: Dựa nơi định của Vô sở hữu xứ.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là muốn khiến cho kẻ nghi có được quyết định. Như Khế kinh nói: Có bảy định nương dựa, Ta nói dựa vào đó là có thể dứt hết các lậu. Đó là tĩnh lự thứ nhất cho đến Vô sở hữu xứ.

Lại, Khế kinh nói: Này Bí-sô, cho đến tưởng định có thể đạt được Thánh chỉ.

Tưởng định: Là bốn tĩnh lự và ba vô sắc.

Có thể đạt được Thánh chỉ: Là có thể khởi trí đoạn trừ phiền não, do tu đạo dứt hết lậu.

Hoặc có kẻ sinh nghi: Phi tưởng phi phi tưởng xứ đã không có Thánh đạo, nếu đệ tử của Đức Thế Tôn sinh nơi xứ ấy thì họ dựa vào gì để có thể dứt hết các lậu? Hay không có loại như vậy, không do Thánh đạo đắc quả A-la-hán? Để khiến cho nghi ấy có được quyết định nên nói các vị ấy đã dựa vào Vô sở hữu xứ để đắc quả A-la-hán.

Lại nữa, nhằm ngăn chận thuyết của phái Phân Biệt Luận nói ngang nơi Hữu đảnh là A-la-hán. Họ nói: Đệ tử của Đức Thế Tôn sinh lên Phi tưởng phi phi tưởng xứ, khi mạng chung, ba thứ nghiệp, phiền não, chướng cùng hết, đắc quả A-la-hán không do Thánh đạo. Để ngăn chận ý ấy, hiển bày những thuyết giải kia là hoàn toàn không đúng, tất đều do Thánh đạo, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao chỉ nói dựa vào Vô sở hữu xứ, không phải địa khác?

Đáp: Vì xứ ấy đối với xứ Hữu đảnh là gần nhất.

Hỏi: Sinh nơi các địa dưới cũng có nơi gần gũi với vô lậu của địa dưới, vì sao không nói dựa vào đấy để dứt hết các lậu mà chỉ nói là sinh nơi xứ Hữu đảnh?

Đáp: Trong các địa dưới có Hoặc của tự địa. Địa trên, Thánh đạo dễ có thể hiện tiền, không phải ở nơi địa dưới. Vì sao? Vì pháp thiện thuộc địa dưới đều đã bỏ nên Thánh đạo khó khởi, do đấy không có người khởi Thánh đạo hiện tiền. Sinh nơi Hữu đảnh thì không như thế. Tự địa không có Thánh đạo. Lại không còn địa trên để có thể nương dựa, không thể không do Thánh đạo mà có thể dứt hết lậu. Thế nên nơi địa dưới tuy khó khởi, nhưng Thánh đạo kia do sức của nhân mạnh không phải sức của gia hạnh, tạm khởi hiện tiền đoạn trừ các ph iền não còn lại, đắc quả A-la-hán xong, nếu như lại trụ nơi thọ lượng trải qua tám vạn kiếp trong không khởi lần nữa vì không dùng.

***

* Như nói: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói: Này Cụ thọ! Tôi nhớ khi trụ nơi định Vô sở hữu xứ, nghe tiếng gầm rống của rất nhiều voi quý bên hồ Mạn-đà-chỉ-ni. Tôn giả ấy nghe tiếng gầm rống kia là ở trong định nghe hay là khi khởi định?

Đáp: Nghe khi khởi định, không phải ở trong định.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì khiến cho người nghi có được quyết định. Như nơi Tỳnại-da nói: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nói với các Bí-sô: Này các Cụ thọ! Tôi tự nhớ lúc ở tại đỉnh núi Thứu, trụ nơi định Vô sở hữu xứ, đã nghe tiếng gầm rống của rất nhiều voi quý bên hồ Mạn-đà-chỉ-ni. Lúc này các Bí-sô cùng nói với nhau: Nay Tôn giả Đại Mục Kiền Liên này tự xưng là đạt được pháp hơn người, tất là không có sự việc ấy. Nên các Bí-sô này cùng cho là không hay. Vì sao? Vì trụ nơi tĩnh lự thứ nhất hãy còn không nghe tiếng huống chi là trụ nơi định Vô sở hữu xứ. Liền đem sự việc này bạch Phật, Đức Phật bảo: Các Bí-sô không nên xem thường Tôn giả Đại Mục Kiền Liên. Vì sao? Vì Tôn giả ấy theo như tướng mà nói. Tức Tỳ-nại-da tuy nêu như thế nhưng không phân biệt. Do đấy hoặc có người sinh nghi: Tôn giả kia ở nơi định nghe tiếng gầm rống. Nay muốn khiến nghi ấy được dứt bỏ, nên hiển bày là Tôn giả kia đã nghe khi khởi định. Vì thế tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các vị Thanh văn khác cũng nhận biết là trong định không nghe tiếng, hãy còn không nói như thế huống chi là Tôn giả Đại Mục Kiền Liên là bậc Thanh văn tối thắng, vì sao lại ở trong chúng Bí-sô nói điều không nên nói?

Đáp: Có thuyết nói: Điều ấy bất tất phải thông! Vì sao? Vì đây không phải là Tỳ-nại-da thật. Nghĩa là sau khi Đức Phật diệt độ, có những trường hợp là Tố-đát-lãm ngụy tạo, cũng như Tỳ-nại-da ngụy tạo, A-tỳ-đạt-ma ngụy tạo. Văn nghĩa không thật nên không cần giải thích thông suốt.

Có thuyết cho: Biển định sâu diệu, hàng Thanh văn như loài thỏ không thể chạm tới đáy, chỉ có Đức Phật mới có thể thấu đạt. Tôn giả kia tuy nói như vậy cũng không có lỗi.

Hỏi: Tôn giả kia há không biết là ở trong định không nghe tiếng chăng? Vì sao lại nói như vậy?

Đáp: Tôn giả ấy đối với định tự tại nhập xuất nhanh chóng, tuy nghe khi khởi định, nhưng tưởng như trụ nơi định. Nghĩa là Tôn giả ấy trước từ tâm thiện của cõi dục nhập tĩnh lự thứ nhất, từ đó nhập tĩnh lự thứ hai, như thế cho đến nhập định Vô sở hữu xứ. Từ Vô sở hữu xứ khởi trở lại nhập nơi Thức xứ, như vậy cho đến nhập nơi tĩnh lự thứ nhất. Từ đấy tâm thiện của cõi dục hiện tiền, nghe tiếng voi quý gầm rống nhưng không khởi phân biệt. Lại từ tâm thiện của cõi dục nhập tĩnh lự thứ nhất, từ tĩnh lự thứ nhất nhập tĩnh lự thứ hai, như vậy cho đến nhập nơi Vô sở hữu xứ. Từ Vô sở hữu xứ khởi trở lại nhập nơi Thức xứ, như vậy cho đến nhập nơi tĩnh lự thứ nhất. Từ đó tâm thiện của cõi dục hiện tiền, không phân biệt xét kỹ liền nói như vầy: Tôi tự nhớ lại ở trong định Vô sở hữu xứ, nghe tiếng voi quý gầm rống bên hồ Mạn-đà-chỉ-ni. Vị ấy chỉ ở hai tâm khởi phân biệt nhận biết là tâm mới nhập định và tâm sau khi xuất định, ở trong khoảng giữa các tâm nối tiếp nhau, vì không phân biệt xét kỹ nên nói như vậy, cũng không có lỗi.

HẾT – QUYỂN 185