LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 183

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ BẤT HOÀN, phần 10

Chuyển pháp luân rồi, Địa thần cất tiếng lớn lần lượt tuyên cáo, cho đến nói rộng.

Hỏi: Trong chúng hội cũng có chúng thiên thần khác, phát lời cùng nói, vì sao chỉ nêu mỗi Địa thần?

Đáp: Do Địa thần ấy phát tiếng trước.

Hỏi: Vì sao Địa thần phát tiếng trước?

Đáp: Vì vị ấy ở rất gần trụ xứ của Phật.

Lại nữa, thần ấy luôn theo bên Phật để hộ vệ. Nghĩa là từ khi Bồ-tát ở trong thai, mới sinh, vượt thành xuất gia cùng tu khổ hạnh, cho đến thành Phật, chuyển pháp luân, khi nào cũng có thần theo hộ vệ, khiến không gặp trở ngại. Nay thấy Đức Như Lai chuyển pháp luân rồi, tâm vô cùng hoan hỷ tự vui mừng vì từ trước tới giờ công lao đã thi thố nay được quả mãn, nên thần này phát tiếng báo trước.

Lại nữa, khi ấy tuy trong chúng hội có chúng thiên thần khác, nhưng Địa thần này tánh vui vẻ hoạt bát, nên đã lên tiếng trước. Như ngày nay trong chúng hội, người có tánh vui vẻ hoạt bát, thì vui mừng nhiều, cất cao tiếng. Sự việc kia cũng như vậy.

Lại nữa, Địa thần tánh nhiều vui mừng, thấy sự việc hy hữu ấy tâm hân hoan tột cùng nên cất tiếng trước.

Lại nữa, đây là pháp theo thứ lớp gần xa. Nghĩa là Địa thần cất tiếng trước, tiếp theo là thần hư không, kế đến là trời Tứ Đại vương chúng, như vậy lần lượt chẳng mấy chốc âm thanh vang tới trời Phạm thế.

Hỏi: Âm thanh tánh là sát-na, nếu phát nơi đây tức diệt nơi đây, vì sao nói là đến trời Phạm thế?

Đáp: Dựa vào nghĩa lần lượt nên nói như vậy. Nghĩa là Địa thần xướng rồi, thần hư không xướng, lần lượt tuyên cáo, cho đến xứ Phạm thiên. Như pháp thắp đèn lần lượt thêm rộng.

Có thuyết nói: Khi chuyển pháp luân, vô lượng Thiên chúng thảy đều tập hội, đã nghe pháp xong tất cả đều trở về trú xứ của mình, báo lại với tự bộ, nên nói: Âm thanh lần lượt đến xứ Phạm thế.

Có thuyết cho: Khi ấy âm thanh phát ra cũng không quyết định về trước sau. Chỉ là người nói nêu thuật theo thứ lớp, pháp nên như vậy nên nói như thế. Địa thần xướng trước, cho đến nói rộng.

Như Khế kinh nói: Khi Chuyển luân vương ra đời, âm thanh vang tới trời Tha hóa tự tại. Khi Đức Phật chuyển pháp luân cho năm người như Kiều-trận-na v.v…, âm thanh vang tới trời Phạm thế. Khi Đức Phật chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, âm thanh vang đến trời Sắc cứu cánh.

Hỏi: Vì sao có ba loại khác nhau vậy?

Đáp: Khi Chuyển luân vương ra đời, dùng pháp mười thiện giáo hóa dẫn dắt hữu tình, pháp ấy tất ở trong các trời thuộc cõi dục thọ quả dị thục. Sáu chúng trời thuộc cõi dục đều sinh hoan hỷ, thấy quyến thuộc của mình chẳng mấy chốc thêm nhiều. Thế nên khi Chuyển luân vương xuất hiện ở đời, âm thanh vang tới trời Tha hóa tự tại.

Phạm Thiên vương thỉnh Phật chuyển pháp luân, vị ấy nghe Phật chuyển pháp luân tất sinh vui mừng, tùy hỷ sâu xa. Thế nên khi Đức Thế Tôn chuyển pháp luân, âm thanh vang tới trời Phạm thế.

Trời Tịnh cư đã tạo điều kiện khiến Bồ-tát tỉnh ngộ vượt thành xuất gia cầu trí vô thượng, khi nghe Bồ-tát chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, trời ấy vô cùng vui mừng. Thế nên khi Phật mới thành đạo, âm thanh vang đến trời Sắc cứu cánh.

Lại nữa, Chuyển luân vương là người thọ dục, nên khi ra đời, âm thanh vang tối đa là hết cõi dục, không đến địa lìa dục. Khi Đức Phật chuyển pháp luân, nơi một chúng hội có đủ trên dưới, hơn kém, sự việc này chỉ đến xứ Phạm thế, nên khi chuyển pháp luân âm thanh vang đến xứ Phạm thế. Chỉ có Đức Như Lai , danh tiếng cao xa không nơi nào là không đến. Thế nên khi Đức Phật chứng đắc Bồ-đề vô thượng thì âm thanh hiện khắp, theo chỗ ứng hợp mà đến các nơi ấy, cho đến trời Sắc cứu cánh. Nếu hữu tình nơi xứ Hữu đảnh có nhĩ thức, âm thanh cũng vang tới đó. Vì sao? Vì Như Lai đã nhiều kiếp tu tập nghiệp tiếng tốt.

Lại nữa, các loài hữu tình tạo tác làm tăng trưởng nghiệp tiếng tốt hơn lớn có thượng, trung, hạ. Hạ là như Chuyển luân vương. Trung là như Kiều-trận-na v.v… Thượng là Phật. Thế nên đối với âm thanh vang đến cũng có xa, có gần.

Lại nữa, các loài hữu tình tạo tác làm tăng trưởng nghiệp thanh tịnh tôn quý có thượng, trung, hạ. Hạ là như Chuyển luân vương. Trung là như Kiều-trận-na v.v… Thượng là Phật. Thế nên âm thanh vang đến có gần, có xa.

Tôn giả Thế Hữu nói: Các hữu tình cung kính, khen ngợi cha mẹ, sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, Phật, Độc giác, và đệ tử Phật, nghiệp thân, ngữ, ý có thượng, trung, hạ. Hạ là như Chuyển luân vương. Trung là như Kiều-trận-na v.v… Thượng là Phật. Thế nên âm thanh vang tới ba nơi không đồng.

Hỏi: Địa trên cũng có âm thanh, vì sao khi chuyển pháp luân, âm thanh chỉ vang tới trời Phạm thế?

Đáp: Do âm thanh của nghiệp ngữ biểu chỉ đến đó. Lại nữa, nẻo hành của ngôn ngữ chỉ đến địa ấy. Nẻo hành của ngôn ngữ là tầm tứ. Lại nữa, cho đến địa ấy là có nhĩ thức, không phải là địa trên.

Có thuyết nói: Chỉ đến xứ Phạm thế là có thể khởi đủ âm thanh của ngữ hữu biểu thiện, nhiễm ô, vô phú vô ký, không phải là địa trên. Lại nữa, chỉ đến xứ Phạm thế là có thể khởi đủ nhĩ thức thiện, nhiễm ô, vô phú vô ký hiện tiền, không phải là địa trên.

Có thuyết cho: Nếu ở xứ có chúng sinh sai biệt, thì khi chuyển pháp luân, âm thanh tức đến xứ đó. Lại nữa, nếu ở xứ tạo ra ba ngàn thế giới có sai biệt, thì âm thanh cũng đến hết xứ ấy.

Có thuyết nêu: Phạm thế là xứ được hữu tình của thế gian tôn trọng, cho nên khi chuyển pháp luân, âm thanh vang tới cõi đó.

Lại có thuyết nói: Chư Thiên của địa trên cũng gọi là Phạm, thế nên khi chuyển pháp luân, âm thanh vang tới xứ Phạm thế, không phải chỉ đến tĩnh lự thứ nhất.

Hỏi: Pháp do Phật giảng nói đều gọi là pháp luân chăng?

Đáp: Không phải. Chỉ khi khiến người nhập kiến đạo mới gọi là pháp luân.

Hỏi: Nếu như vậy thì người nghe Phật thuyết pháp nhập kiến đạo là nhiều, vì sao không đều gọi là pháp luân?

Đáp: Tất cả những trường hợp ấy tuy đều là pháp luân, nhưng là người đầu tiên và sau cùng được chánh giải mới gọi là pháp luân. Đầu tiên là Kiều-trận-na v.v…, sau cùng là Tô-bạt-đạt-la.

Hỏi: Nơi chốn chuyển pháp luân của tất cả Phật có cố định không? Nếu cố định thì nơi Bản sự của Phật Nhiên Đăng đã nói nên làm sao thông? Như nói: Phật Nhiên Đăng ở nơi núi Hát-lợi-đa-la thuộc thành Đăng Quang chuyển pháp luân cho đến nói rộng. Nếu không cố định thì kệ tụng do Đạt-ma-tô-bộ-để nói làm sao thông? Như nói:

Nên nhớ Phật quá khứ

Nơi cung Ca Thi này

Tiên luận mở rừng nai

Cũng đầu chuyển pháp diệu.

Đáp: Có thuyết nói: Nên nói nơi chốn chuyển pháp luân là cố định.

Hỏi: Nếu như vậy thì Bản sự của Phật Nhiên Đăng nói nên làm sao thông?

Đáp: Sự việc ấy chẳng cần phải thông. Vì sao? Vì sự việc ấy không phải do nơi Kinh, Luật, Luận nói, đó chỉ là truyền thuyết, mà truyền thuyết thì có đúng, có sai. Nếu tất muốn thông, nên biết thành Đăng Quang thời quá khứ tức là Ba-la-nê-tư. Núi Hát-lợi-đa-la thời quá khứ tức nay là vườn nai Tiên Nhân.

Nên nói như vầy: Nơi chốn Phật chuyển pháp luân là cố định. Thuyết kia nói có bốn nơi chốn cố định, hai nơi chốn không cố định. Bốn nơi chốn cố định là nơi chốn cây Bồ-đề, nơi chốn chuyển pháp luân, nơi chốn từ trên cõi trời đi xuống, nơi chốn hiện đại thần biến. Hai nơi chốn không cố định là nơi chốn Phật sinh và nơi chốn Phật Bát Niết-bàn.

Hỏi: Làm sao nhận biết được nơi chốn cây Bồ-đề là cố định?

Đáp: Từng nghe: Thời quá khứ có Chuyển luân vương dẫn theo bốn binh phi hành trên không, khi bay ngang qua bên trên cây Bồ-đề, xe báu của vua liền dừng, muốn đi về phía trước nhưng không được. Vua hốt hoảng nghĩ: Ta nay đâu muốn mất ngôi vua! Hay là mạng ta có khó khăn gì? Lúc ấy, thần cây Bồ-đề hiện ra thưa với vua: Đại vương chớ cho là lạ! Vua không mất ngôi cũng không gặp khó khăn gì. Vua không thấy bên dưới có cây Bồ-đề chăng? Nơi ấy có tòa kim cang, tất cả Bồ-tát đều ngồi nơi tòa ấy để chứng đắc Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng. Nếu vua muốn đi qua thì nên tránh chốn này, theo đường khác mà qua. Vua liền đáp xuống, đem nhiều thứ cúng dường cây Bồ-đề, rồi theo đường khác mà đi. Do sự việc ấy nên biết nơi chốn cây Bồ-đề là cố định.

Nơi chốn chuyển pháp luân là cố định: Nghĩa là như trước đã dẫn tụng về pháp thiện hiện.

Lại, làm sao nhận biết nơi chốn Phật từ trên cõi trời đi xuống là cố định?

Đáp: Từng nghe: Sau khi Đức Phật nhập diệt, xứ ấy có nhiều chuyện rắc rối xảy ra, các Bí-sô đều cùng bỏ đi. Các hàng dị học ngoại đạo đến nơi ấy ở. Sau đó các Bí-sô trở về đòi lại nơi chốn ấy, nói với ngoại đạo: Đây là nơi chốn thầy của chúng tôi từ trên cõi trời đi xuống, các ông nên mau dọn đi nơi khác. Các ngoại đạo nói: Đây là nơi chốn chúng tôi đã ở từ trước tới nay . Do đó, hai bên tranh chấp. Các trưởng giả, Cư sĩ, các quan của triều đình trụ gần nơi thành cùng đến giải quyết sự việc nhưng không thể được. Cho đến nhà vua đích thân giải quyết nhưng cũng không xong. Bấy giờ, các Bí-sô nói với ngoại đạo: Nay chúng tôi và các ông nên dùng lời thành thật để nói nếu như nơi chốn này thuộc về ai thì sẽ có điềm lành. Ngoại đạo đồng ý. Họ họp nhau cầu thỉnh nhưng không có điềm lành nào hiện. Các Bí-sô tức lại nói lời chắc thật: Nơi chốn này nếu là xứ tất cả Như Lai đã lên trời Ba Mươi Ba, vì từ mẫu giảng nói pháp trải qua ba tháng xong rồi trở về trần gian, thì xin hiện điềm lành. Khi ấy, trên trụ đá lớn của trụ xứ kia, có sư tử bằng đá tức thời gầm vang. Ngoại đạo đều kinh hãi, nên cùng bỏ đi. Lại từ miệng sư tử hiện ra nhiều vòng hoa báu, quấn quanh kín cả trụ đá. Đông đảo người đến xem đều tán thán là điều chưa từng có. Như thế là các Bí-sô cùng trụ nơi chốn ấy. Do đó nên biết nơi chốn Phật từ trên cõi trời đi xuống là cố định.

Lại, làm sao nhận biết nơi chốn hiện đại thần biến là cố định?

Đáp: Từng nghe: Ngoại đạo ở nơi sáu thành lớn đều bị đồ chúng của Phật xua đuổi, tìm không ra chốn dung thân, bèn cùng họp nhau, xin cùng với Đức Như Lai đấu pháp thần biến. Đức Phật không chấp nhận. Sau đến thành Thất-la-phiệt-tất-để mới bắt đầu chấp nhận vì họ hiện thần biến. Có vô số ngoại đạo xuất gia theo Phật. Do đó nên biết nơi chốn hiện đại thần biến là cố định.

Có thuyết nói: Nơi chốn chư Phật chuyển pháp luân là không cố định. Vì sao? Vì nếu hai vị Ốt-đạt-lạc-ca-hạt-la-ma-tử và Át-lađồ-ca-la-ma không mạng chung, thì Phật đâu có bỏ nước Ma-yết-đà đến Ba-la-nê-tử. Thế nên biết chỉ tùy theo nơi chốn nào nên được nghe pháp trước hết, tức ở nơi chốn ấy chuyển pháp luân.

Hỏi: Nếu như vậy thì kệ tụng của pháp thiện hiện nên làm sao thông?

Đáp: Tụng ấy phải thông. Vì sao? Vì tụng ấy không phải do Kinh, Luật, Luận nói, chỉ là văn tụng, phàm tạo văn tụng thì hoặc thêm hoặc bớt. Nếu tất muốn thông, nên biết thời quá khứ cũng từng có Phật ở nơi ấy chuyển pháp luân đầu tiên, không phải cho là tất cả, nên không quyết định.

Nên nói như vầy: Nơi chốn chuyển pháp luân là không cố định. Thuyết ấy nói có ba nơi chốn cố định, ba nơi chốn không cố định. Ba nơi chốn cố định là nơi chốn cây Bồ-đề, nơi chốn Phật từ trên cõi trời đi xuống, nơi chốn hiện đại thần biến. Ba nơi chốn không cố định là nơi chốn sinh, nơi chốn chuyển pháp luân, nơi chốn Bát Niết-bàn.

Như đã nói: Đức Phật vì Kiều-trận-na v.v… chuyển chánh pháp luân trong rừng Thí lộc, xứ Tiên nhân luận thành Ba-la-nê-tư.

Hỏi: Vì sao gọi là Ba-la-nê-tư?

Đáp: Đó là tên dòng sông cách không xa thành vua được tạo lập, cho nên thành ấy cũng gọi là Ba-la-nê-tư.

Hỏi: Vì sao gọi là xứ Tiên nhân luận?

Đáp: Hoặc nói như vầy: Chư Phật nhất định ở nơi xứ ấy chuyển pháp luân, tức thuyết kia nói: Phật là Tiên nhân tối thắng, đều ở nơi xứ ấy chuyển pháp luân đầu tiên, nên gọi là xứ Tiên nhân luận.

Hoặc nói như vầy: Chư Phật không nhất định ở nơi chốn ấy chuyển pháp luân tức thuyết ấy nói: Nên nói là xứ Tiên nhân trụ. Nghĩa là khi Phật ra đời, có Phật là Đại tiên và Thánh đệ tử là tiên chúng ở nơi đó. Khi không có Phật ra đời, có Độc giác tiên ở nơi ấy. Nếu khi không có Độc giác tiên, có Tiên thế tục đắc năm thông ở. Vì nơi ấy luôn có các tiên đã ở đang ở sẽ ở, nên gọi là xứ Tiên nhân trụ.

Có thuyết nói: Nên gọi là xứ Tiên nhân đọa. Vì xưa kia có năm trăm Tiên nhân phi hành trong không trung, đến nơi ấy gặp nhân duyên thoái chuyển, nên cùng lúc rơi rớt xuống xứ này.

Hỏi: Vì sao gọi là rừng Thí lộc?

Đáp: Vì nơi rừng ấy luôn có nai lui tới, ở lại, nên gọi là rừng nai. Xưa có quốc vương tên là Phạm-đạt-đa lấy khu rừng này thí cho đàn nai ở, nên gọi là rừng Thí lộc. Như Trưởng giả Yết-lan-đạc-ca ở trong vườn Trúc lâm thuộc thành Vương-xá đã cho đào một ao nước để thí cho chim Yết-lan-đạc-ca khiến chúng có nơi vui chơi, nhân đấy gọi là ao Thí-yết-lan-đạc-ca. Đây cũng như vậy, nên có tên là rừng Thí lộc.

***

* Thế nào gọi là Chánh pháp?

Đáp: Là căn, lực, giác chi vô lậu.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như kệ tụng nói:

Ba đời ba Phật đà

Hay phá trừ sầu độc

Đều tôn trọng chánh pháp

Luôn trụ nơi pháp tánh.

Lại như Khế kinh nói: Có hai thứ Bổ-đặc-già-la có thể trụ giữ chánh pháp, đó là người nói và người hành. Tỳ-nại-da nói: Chánh pháp của Ta nên trụ ngàn năm, hoặc hơn nữa, nhưng vì độ cho người nữ xuất gia, nên giảm năm trăm năm. Đức Thế Tôn tuy ở nhiều nơi đã nói từ chánh pháp, nhưng không phân biệt: Thế nào là chánh pháp? Khế kinh là chỗ dựa căn bản của Luận nay, những gì Khế kinh kia chưa nói nay nên nêu bày. Vì thế tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Căn, lực, đạo chi hữu lậu là chánh pháp chăng? Nếu là chánh pháp, vì sao trong đây không nói? Nếu không phải là chánh pháp, vì sao vô lậu là chánh pháp, còn hữu lậu thì không phải?

Đáp: Có thuyết nói: Chúng cũng là chánh pháp.

Hỏi: Thế trong đây vì sao không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, căn v.v… hữu lậu là gia hạnh của vô lậu. Nếu nói phần căn bản tức đã gồm thâu gia hạnh, nên không nói riêng.

Lại nữa, căn v.v… hữu lậulà gia hạnh của vô lậu, nên cũng gọi là vô lậu, cho nên đã gồm thâu trong phần đã nói ở trước.

Có thuyết nói: Căn v.v… hữu lậu không phải là chánh pháp.

Hỏi: Vì sao vô lậu là chánh pháp, còn hữu lậu thì không phải?

Đáp: Vì pháp hữu lậu có lỗi lầm tai họa. Chính là không có lỗi lầm tai họa mới gọi là chánh pháp.

Lại nữa, những gì là thanh tịnh, là đáng xưng tán, gọi là chánh pháp. Pháp hữu lậu trái với điều này, nên không phải là chánh pháp.

Lại nữa, chánh pháp là có thể vĩnh viễn ra khỏi sinh tử, đạt được Niết-bàn. Hữu lậu thì không như vậy, nên không gọi là chánh pháp.

Hỏi: Niệm trụ, chánh đoạn, thần túc cũng là chánh pháp chăng? Nếu là chánh pháp, trong đây vì sao không nói? Nếu không phải là chánh pháp, vì sao căn, lực, giác chi, đạo chi là chánh pháp còn niệm trụ v.v… thì không?

Đáp: Chúng cũng là chánh pháp.

Hỏi: Nếu vậy trong đây vì sao không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, nếu nói căn v.v… thì ở nơi văn này là tùy thuận. Niệm trụ v.v… thì không thuận với văn này, cho nên không nói.

Lại nữa, niệm trụ, chánh đoạn, thần túc đều cũng gồm thâu trong những điều đã nói. Nghĩa là bốn niệm trụ, tức thuộc về tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến. Bốn chánh đoạn, tức thuộc về tinh tấn căn, tinh tấn lực, tinh tấn giác chi, chánh cần. Bốn thần túc, tức thuộc về định căn, định lực, định giác chi, chánh định.

***

* Ngang mức nào nên nói là chánh pháp trụ?

Đáp: Nếu khi người hành pháp trụ.

Hỏi: Ngang mức nào nên nói là chánh pháp diệt?

Đáp: Nếu khi người hành pháp diệt.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: “Ca-diếp-ba nên biết! Những pháp Tỳ-nại-da Như Lai đã giác ngộ đã giảng nói, không phải các giới địa thủy hỏa phong có thể diệt mất. Nhưng có một Bổ-đặc-già-la sẽ xuất hiện ở đời, dục ác hành ác tạo nên pháp ác, phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp, phi Tỳnại-da nói là Tỳ-nại-da, ở nơi Tỳ-nại-da nói là phi Tỳ-nại-da, tức kẻ ấy có thể hủy diệt chánh pháp mà Ta đã tích tập trong ba vô số kiếp khiến không còn sót”. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt: Ngang mức nào nên nói là chánh pháp trụ? Ngang mức nào nên nói là chánh pháp diệt? Khế kinh là chỗ dựa căn bản của Luận nay, những gì Kinh kia không phân biệt nay nên phân biệt. Vì thế nên tạo ra phần Luận này.

Trong đây, có hai thứ chánh pháp: Chánh pháp thế tục và chánh pháp thắng nghĩa. Chánh pháp thế tục nghĩa là danh cú văn thân, tức là Kinh, Luật, Luận. Chánh pháp thắng nghĩa nghĩa là Thánh đạo, tức là căn, lực, giác chi, đạo chi vô lậu.

Người hành pháp cũng có hai thứ: Trì giáo pháp và trì chứng pháp. Trì giáo pháp nghĩa là đọc tụng, giải nói về kinh v.v… Trì chứng pháp nghĩa là có khả năng tu chứng Thánh đạo vô lậu.

Nếu người trì giáo pháp nối tiếp không diệt là có thể khiến cho chánh pháp thế tục tồn tại lâu dài. Nếu người trì chứng pháp nối tiếp không diệt là có thể khiến cho chánh pháp thắng nghĩa tồn tại lâu dài. Khi hai loại ấy nếu diệt thì chánh pháp diệt, nên Khế kinh nói: Chánh pháp của Ta không dựa vào tường vách trụ cột mà trụ, chỉ dựa vào hữu tình hành pháp nối tiếp mà trụ.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn không quyết định nói về thời gian pháp trụ?

Đáp: Là muốn hiển bày chánh pháp, tùy theo người hành pháp mà trụ lâu hay gần. Nghĩa là người hành pháp, nếu luôn hành chánh hạnh như thời Phật tại thế và như thời sau khi Ngài diệt độ không lâu, thì chánh pháp của Phật thường trụ ở đời không có diệt mất. Nếu không hành chánh pháp như vậy, thì chánh pháp kia mau chóng diệt mất. Như Đức Phật nói với Tôn giả A-nan-đà: Ở trong pháp Tỳ-nạida Ta khéo giảng nói, nếu không độ người nữ xuất gia thì chánh pháp của Ta nên trụ ngàn năm hoặc lại hơn nữa. Do độ người nữ xuất gia, nên khiến chánh pháp của Ta giảm năm trăm năm.

Hỏi: Nếu chánh pháp trụ cũng đủ ngàn năm, vì sao Đức Thế Tôn nói như vậy?

Đáp: Đây là dựa vào mật ý giải thoát kiên cố để nói. Nghĩa là nếu không độ người nữ xuất gia, tức nên trải qua ngàn năm giải thoát kiên cố. Nhưng nay sau năm trăm năm chỉ có giới, văn cùng được duy trì kiên cố, không phải giải thoát, đều là lỗi lầm của việc độ người nữ xuất gia.

Có Sư khác nói: Đây là dựa vào mật ý nếu không hành tám pháp tôn trọng để nói. Nghĩa là nếu độ người nữ xuất gia, không khiến họ hành tám pháp tôn trọng, thì chánh pháp của Phật nên giảm năm trăm năm tồn tại. Do Phật khiến họ hành tám pháp tôn trọng ấy, nên chánh pháp trụ ở đời lại đủ ngàn năm.

Hỏi: Chánh pháp của Như Lai diệt như thế nào?

Đáp: Khi chánh pháp của Như Lai sắp diệt, ở châu Thiệm-bộ này sẽ có ba vua ra đời: Một vua có pháp. Hai vua không có pháp.

Vua có pháp sinh ở phương Đông, oai đức, nhân từ, chinh phục năm xứ Ấn Độ. Hai vua không có pháp sinh ở vùng biên địa xa xôi, tánh đều hung bạo, ghét bỏ Phật pháp, đều cùng kết hợp với nhau từ phía Tây kéo tới xâm chiếm dần vào Ấn Độ chuyển đến phương Đông, nuôi chí làm tổn hại Phật pháp. Đi tới đâu đều tàn phá tháp, chùa, giết các Bí-sô, những bậc đa văn trì giới không ai thoát khỏi, lại thiêu hủy hết mọi kinh điển.

Lúc này, vua ở phương Đông nghe hai vua kia đem quân xâm chiếm Ấn Độ dần tới phía Đông, bèn đốc thúc quân sĩ dốc sức kháng cự. Hai bên giao chiến, quân của hai vua xâm lược tức thời thoái chạy, phần nhiều bị bắt, hai vua hung bạo đều bị giết chết. Vua phương Đông liền sai sứ giả đi khắp các phương sở bố cáo lệnh vua, thỉnh triệu tất cả Sa môn Thích tử đều tập hội trụ trong nước của vua. Vua sẽ trọn đời cung cấp phụng thí các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, cùng các vật dụng cần thiết khác, khiến không thiếu thốn. Như thế là tất cả các Bí-sô hiện có trong châu Thiệm-bộ đều tập hội ở nước Kiều-hướng-di.

Bấy giờ, hằng ngay vua đều thiết lập Hội năm năm cúng dường đủ các thứ vật dụng. Nhưng các Bí-sô do được nhiều lợi dưỡng, cùng do có nhiều người trước vì kiếm sống nên xuất gia, nên không thể siêng năng tinh tấn đọc tụng kinh điển, không thích ở riêng một mình tư duy tĩnh lự. Ngày thì tụ tập bàn chuyện thế gian, gây ồn ào phiền phức. Đêm thì biếng mệt chỉ ham thích ngủ nghỉ, không chút tỉnh giác. Do đấy đối với những lời dạy khuyên hiện có của Đức Phật thảy đều bê trễ, không tuân hành.

Khi ấy, trong châu Thiệm-bộ chỉ có hai người hành pháp: Một là A-la-hán tên Tô-thích-đa. Hai là Tam tạng tên Thất-sử-ca, cũng còn gọi là Bát Chu, làm thủ chúng. Tức ở nơi ngày chánh pháp sắp diệt, vào buổi sáng, trong thành Kiều-hướng-di, vua làm thượng thủ, có năm trăm vị Trưởng giả tịnh tín cùng lúc tạo lập năm trăm Tănggià-lam, do chư vị trước đã nghe pháp sắp diệt nên giơ tay bàn luận nói: Khi Đức Phật sắp Niết-bàn đã đem pháp phó chúc cho hai bộ đệ tử, một là tại gia, hai là xuất gia. Chớ cho là hiện nay do hàng đệ tử tại gia không thể cung cấp phụng thí cho các vị xuất gia khiến thiếu thốn, nên chánh pháp diệt mất. Chỉ do chư vị đệ tử xuất gia không có chánh pháp nên khiến chánh pháp diệt.

Có thuyết nói: Như pháp đãi khách, là thời gian trước và sau đều bày biện món ngon, phù hợp. Như thế chánh pháp khi mới xuất hiện và khi sắp diệt đều luôn có dồi dào sung túc về duyên cúng dường.

Có thuyết cho: Họ nghĩ như vầy: Cho đến khi Phật pháp chưa diệt, thế gian còn có vô lượng phước điền. Phật pháp nếu diệt, thế gian chỉ có phước điền có hạn. Chúng ta may mắn nhân nhờ Phật pháp chưa diệt, nên cùng nhau kịp thời làm những việc nên làm.

Có thuyết nêu: Khi Đức Thế Tôn còn làm Bồ-tát thấy chư Phật quá khứ, hoặc do thiếu các vật dụng về đời sống, hoặc do gặp phải bệnh dịch, nên khiến chánh pháp diệt tức thời phát nguyện: Nguyện tôi khi thành Phật, không vì những sự việc như vậy, khiến cho pháp diệt tận. Thế nên pháp tuy diệt, nhưng duyên về vật dụng vẫn dồi dào, trụ xứ cũng thêm rộng.

Đêm ấy bên trong Tăng-già-lam làm lễ Bố-tát, vô lượng Bí-sô đều cùng tập hội. Lúc này, vị Duyệt chúng thỉnh thủ chúng là Tam tạng Thất-sử-ca thuyết Bát-la-để-mộc-xoa cho đại chúng. Tam tạng nhận lời và muốn nói tóm lược. Khi đó, A-la-hán Tô-thích-đa từ tòa ngồi đứng dạy, để hở vai phải, đảnh lễ Tam tạng, chấp tay thưa: Cúi mong Thượng tọa vì đại chúng nói rộng về ba Tạng. Đáp: Trong chúng này ai có thể hành đủ giới Bát-la-để-mộc-xoa mà thỉnh tôi nói rộng?

Vị A-la-hán thưa: Như Phật tại thế, các Bí-sô đối với các học xứ đều hành đến chỗ tận cùng, tôi đều có thể hành. Nếu ở đây gọi là người có thể hành đủ, thì xin vì tôi nói rộng. Thưa như thế xong, các đệ tử của Tam tạng sinh giận dữ mắng: Đây là Bí-sô nào cố ý ở trước đại chúng làm ngược lời thầy ta? Không nhận sự chỉ dạy? Liền cùng hại mạng A-la-hán kia. Chánh pháp thắng nghĩa từ đó diệt mất. Lúc đó, các trời, rồng, Dược-xoa do kính trọng A-la-hán kia, nên nổi giận hết sức liền giết Tam tạng Thất-sử-ca.

Có thuyết nói: Tam tạng bị giết là do đệ tử của vị A-la-hán kia báo thù.

Có thuyết cho: Vua nghe vị A-la-hán ấy không tội mà bị sát hại thì vô cùng thương tiếc buồn bã, nên ra lệnh giết Tam tạng kia. Chánh pháp thế tục từ đó bị hủy – diệt. Bấy giờ, hai thứ chánh pháp là Thắng nghĩa và Thế tục nơi thế gian đều diệt mất. Trời đất tối sầm trải qua bảy ngày đêm nhưng thế gian vẫn không hề hay biết là chánh pháp đã diệt. Vì sao? Do vào thuở xưa, khi Phật còn làm Bồ-tát, luôn khéo che chở những hành xấu ác của người khác, cũng không nêu dẫn những sự việc của kẻ khác đã ẩn giấu. Vì nghiệp ấy nên pháp diệt đã bảy ngày nhưng không người biết. Qua bảy ngày, đại địa chấn động, sao rụng, mưa tuôn, lửa bốc cháy khắp bốn phương, trên không trống trời rền vang như tiếng gầm rống thật đáng sợ. Quyến thuộc của thiên ma cùng nhau vui mừng hả hê. Giữa hư không trương lên chiếc lọng trắng lớn, lại có tiếng xướng to: Chánh pháp hiện có của Thích-ca Đại tiên từ nay vĩnh viễn đoạn diệt. Không còn một ai có thể nhập chánh tánh ly sinh, cửa cam lồ vi diệu từ đây cũng mãi đóng kín. Đại khổ đen tối trùm khắp thế gian. Lại không người cứu giúp dẫn dắt.

Có thuyết nói: Khi ấy, tất cả luật nghi, Yết-ma, kiết giới đều bỏ.

Nên nói như vầy: Từ đấy trở về sau không còn kiết giới, Yếtma, thọ giới, nhưng những thứ đã có từ trước hiện thời không bỏ.

Hoặc có chư Phật chưa Bát Niết-bàn, chánh pháp liền diệt. Hoặc có chư Phật Bát Niết-bàn, qua bảy ngày sau chánh pháp liền diệt. Nhưng Đức Thế Tôn Thích-ca-mâu-ni của ta sau khi Bát Niếtbàn cho đến ngàn năm chánh pháp mới diệt.

Trường hợp chưa Bát Niết-bàn và Bát Niết-bàn rồi, sau bảy ngày chánh pháp diệt: Là dựa vào không có người nhập chánh tánh ly sinh để nói là diệt.

Chánh pháp của Như Lai Thích-ca diệt: Là dựa vào cảnh giới cam lồ đoạn dứt để nói là diệt. Tuy trong cõi trời cũng có cảnh giới cam lồ hiện còn nhưng dựa vào sự diệt trong nẻo người nên nói là diệt.

Hỏi: Vì sao chư Phật ở quá khứ có vị chưa Bát Niết-bàn mà chánh pháp liền diệt, có vị bát Niết-bàn sau bảy ngày chánh pháp tức diệt, còn nay thì chánh pháp của Phật Thích-ca ngàn năm mới diệt?

Đáp: Chư Phật quá khứ thọ lượng lâu dài, những gì chánh giáo kia nên làm hầu hết đã làm xong khi Phật còn tại thế, nên pháp mau diệt. Thời nay Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu Ni ra đời, thọ lượng chỉ còn trăm năm là ngắn ngủi, những sự việc chánh giáo nên làm, tuy Phật đã Bát Niết-bàn, nhưng phần nhiều là chưa hoàn thành. Cho đến hàng ngàn năm, trong thời gian ấy, có người gieo trồng căn thiện, có người thành thục, có kẻ giải thoát. Thế gian trải qua nhiều thời gian chánh pháp mới diệt.

Có thuyết nói: Chư Phật ở quá khứ hiện có các đệ tử yêu chuộng Xa-ma-tha, không phải là Tỳ-bát-xá-na. Do trọng Xa-ma-tha nên luôn trụ nơi vắng lặng, dừng nghỉ, không ưa truyền nói mười hai phần giáo như Khế kinh v.v… nên pháp mau diệt. Đời nay, đệ tử của Đức Thế Tôn yêu chuộng Tỳ-bát-xá-na, không phải là Xa-ma-tha, vì trọng Tỳ-bát-xá-na nên trụ nhiều nơi quán sát đều ưa thích truyền trao mười hai phần giáo như Khế kinh v.v… cho nên chánh pháp trải qua nhiều thời gian mới diệt.

Hỏi: Chánh pháp diệt rồi là không đạt được bậc Thánh chăng?

Đáp: Cũng có người từ quả Dự lưu được quả Nhất lai, từ quả Nhất lai được quả Bất hoàn, từ quả Bất hoàn đắc quả A-la-hán. Nhưng không có người từ thuận phần quyết trạch nhập chánh tánh ly sinh. Chính do đấy nên gọi là chánh pháp diệt.

***

* Nếu đầu tiên nhập vô lậu nơi tĩnh lự thứ nhất, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để ngăn chận tông chỉ của kẻ khác, làm rõ nghĩa của mình. Nghĩa là, hoặc có thuyết nói: Không có tu vị lai.

Hoặc có thuyết nói: Thánh đạo là vô vi.

Hoặc có thuyết nói: Thánh đạo là một.

Nhằm ngăn chận các ý tưởng ấy, hiển bày là có vị lai, cũng hiển bày Thánh đạo là hữu vi, nhưng không phải là một, nên tạo ra phần Luận này.

Nếu vị lai không có người tu, thì pháp công đức không có nghĩa tăng ích. Khi Phật được tận trí thì không gồm đủ Nhất thiết trí.

Nếu Thánh đạo là vô vi, thì không thể tu tập, vì pháp vô vi không phải là đối tượng tu tập.

Nếu Thánh đạo là một, thì không có ba đời có sai biệt, kinh không nên nói là có Phật của ba đời.

Hỏi: Nếu Thánh đạo là hữu vi, không phải một, thì vì sao kinh nói: Ta chứng được cựu đạo chỉ là một không hai?

Đáp: Do năm nhân duyên nên nói như thế: Là gia hạnh tương tợ, hành tướng tương tợ v.v… nói rộng như nơi Chương Trí Uẩn.

Hỏi: Nếu đầu tiên nhập vô lậu nơi tĩnh lự thứ nhất, do được những thứ này, nên được các tâm tâm sở pháp vô lậu khác. Vậy chúng thuộc về đời nào?

Đáp: Thuộc về đời vị lai.

Hỏi: Nếu đầu tiên nhập cho đến nhập vô lậu nơi Vô sở hữu xứ, do được những thứ này, nên được các tâm tâm sở pháp vô lậu khác. Vậy chúng thuộc về đời nào?

Đáp: Thuộc về đời vị lai.

Trong đây, đầu tiên có bốn thứ: 1. Đầu tiên nhập chánh tánh ly sinh. 2. Đầu tiên được quả. 3. Đầu tiên lìa nhiễm. 4. Đầu tiên chuyển căn. Nói rộng như ở Chương Trí Uẩn.

Nơi vị lai khi sinh gọi là được. Nếu đến hiện tại gọi là đã được. Nếu nay được thì nói là lúc sinh.

***

* Các thứ sinh là thuộc về ? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm ngăn chận tông chỉ của kẻ khác, làm rõ nghĩa của mình. Nghĩa là như phái Thí Dụ nói: Pháp hữu vi chỉ có hai thời: 1. Thời chưa sinh. 2. Thời đã sinh. Ngoài hai thời ấy thì không có đang sinh, đang diệt. Nay nhằm hiển bày là thật có thời đang sinh, đang diệt, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, để ngăn chận lối chấp: Bác bỏ cho là không có đời quá khứ, vị lai, hiện tại là pháp vô vi. Nay nói vị lai có sinh, hiện tại có diệt, tức hiển bày quá khứ, vị lai không phải là không có, nhưng hiện tại là hữu vi, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, nhằm ngăn chận lối chấp: Pháp hữu vi chỉ chuyển biến ẩn hiển, còn thể là không sinh diệt. Nay nói vị lai sinh, hiện tại diệt, tức là hiển bày pháp hữu vi không phải chỉ chuyển biến mà thật có sinh diệt, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các thứ sinh thuộc về đời nào?

Đáp: Thuộc về đời vị lai.

Hỏi: Những thứ diệt thuộc về đời nào?

Đáp: Thuộc về đời hiện tại.

Do vị lai gọi là đang sinh, hiện tại gọi là đang diệt. Hiện tại gọi là đã sinh, quá khứ gọi là đã diệt.

***

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ NHẤT HÀNH, phần 1

* Ba Tam-ma-địa: 1. Không. 2. Vô nguyện. 3. Vô tướng. Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có ba Tam-ma-địa là Không, Vô nguyện, Vô tướng. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt các sự việc như: Nếu thành tựu Không là thành tựu Vô nguyện chăng? v.v… Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận nay, những gì Kinh kia không nói nay nên nêu bày, do vậy tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, vì nhằm ngăn chận quan điểm bác bỏ cho là không có tánh không thành tựu, nói tánh thành tựu chỉ là giả có. Nay muốn hiển bày: Thành tựu và không thành tựu, tánh đều thật có, nên tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, cũng để ngăn chận quan điểm đã bác bỏ cho là không có hai đời quá khứ, vị lai, hiện tại là pháp vô vi. Nay hiển bày là có hai đời, hiện tại là pháp hữu vi, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nếu thành tựu Không là thành tựu Vô nguyện chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như thành Vô nguyện là thành tựu Không chăng?

Đáp: Đúng vậy. Do hai Tam-ma-địa này cùng lúc đạt được và đồng đối trị.

Cùng lúc đạt được: Nghĩa là nếu dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi bốn khoảnh tâm thì cũng được Vô nguyện. Nếu dựa nơi Tam-ma-địa Vô nguyện nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi bốn khoảnh tâm thì cũng được Không. Cùng ở trong tu đạo, đạo vô học, nếu được một tất đủ cả hai.

Đồng đối trị: Nghĩa là Không, Vô nguyện đều có thể đối trị phiền não do kiến khổ đoạn và do tu đạo đoạn. Tuy đối với kiến đạo, hiện quán về tập nơi bốn khoảnh tâm, hiện quán về đạo nơi ba khoảnh tâm, thì được Vô nguyện, không phải là Không. Nhưng lúc trước đối với không thành tựu được thành tựu tất cùng được, nên luôn cùng thành tựu.

Hỏi: Nếu thành tựu Không là thành tựu Vô tướng chăng?

Đáp: Nếu được. Ở đây, được nghĩa là đã được. Tức diệt pháp trí nhẫn đã sinh, sau đó luôn thành tựu Vô tướng.

Hỏi: Nếu như thành tựu Vô tướng là thành tựu Không chăng?

Đáp: Đúng vậy. Do khi thành tựu Vô tướng tất trước đó đã được Không.

Hỏi: Nếu thành tựu Vô nguyện là thành tựu Vô tướng chăng?

Đáp: Nếu được.

Hỏi: Nếu như thành tựu Vô tướng là thành tựu Vô nguyện chăng? Đáp: Đúng vậy. Ở đây như dùng Không đối với Vô tướng để nói.

Hỏi: Nếu thành tựu Không nơi quá khứ là thành tựu Không nơi vị lai chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Đây là nói dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi ba khoảnh tâm, hiện quán về tập, diệt mỗi thứ bốn khoảnh tâm, hiện quán về đạo nơi ba khoảnh tâm, và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, A-la-hán thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không kia đã khởi diệt không mất.

Hỏi: Nếu như thành tựu Không nơi vị lai là thành tựu Không nơi quá khứ chăng?

Đáp: Nếu đã diệt không mất tức thành tựu. Nếu chưa diệt hoặc như đã diệt mà mất thì không thành tựu.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Nếu đã diệt không mất thì thành tựu: Đây là nói tức các phần vị đã nói ở trước.

Nếu chưa diệt hoặc như đã diệt mà mất thì không thành tựu: Đây là nói nếu dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi một khoảnh tâm. Nếu dựa nơi Tam-ma-địa Vô nguyện nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ tập diệt mỗi thứ bốn khoảnh tâm, hiện quán về đạo nơi ba khoảnh tâm, và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không chưa khởi diệt, đã khởi diệt, do được quả chuyển căn nên mất.

Hỏi: Nếu thành tựu Không nơi quá khứ là thành tựu Không nơi hiện tại chăng?

Đáp: Nếu hiện tiền. Nghĩa là không khởi Vô nguyện, hoặc Vô tướng, hoặc tâm hữu lậu, cũng không phải là không tâm, nên nói: Nếu hiện tiền.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Đây là nói dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi ba khoảnh tâm và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không đã khởi diệt không mất cùng hiện tiền.

Hỏi: Nếu như thành tựu Không nơi hiện tại là thành tựu Không nơi quá khứ chăng?

Đáp: Nếu đã diệt không mất thì thành tựu. Nếu chưa diệt hoặc như đã diệt mà mất thì không thành tựu.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Nếu đã diệt không mất thì thành tựu: Đây là nói tức các phần vị đã nêu ở trước.

Nếu chưa diệt hoặc như đã diệt mà mất thì không thành tựu: Đây là nói dựa vào Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi một khoảnh tâm và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không hiện tiền, nhưng chưa diệt, trước đã khởi diệt, do được quả chuyển căn nên mất.

Hỏi: Nếu thành tựu Không nơi vị lai là thành tựu Không nơi hiện tại chăng?

Đáp: Nếu hiện tiền. Nghĩa là không khởi Vô nguyện, hoặc Vô tướng, hoặc tâm hữu lậu, cũng không phải là không tâm, nên nói: Nếu hiện tiền.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Đây là nói dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi bốn khoảnh tâm và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không hiện tiền.

Hỏi: Nếu như thành tựu Không nơi hiện tại là thành tựu Không nơi vị lai chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Đây là nói tức những phần vị đã nói ở trước.

Hỏi: Nếu thành tựu Không nơi quá khứ là thành tựu Không nơi vị lai, hiện tại chăng?

Đáp: Vị lai thì thành tựu. Hiện tại nếu hiện tiền.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Đây là nói dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi ba khoảnh tâm và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không đã khởi diệt không mất cũng hiện tiền.

Hỏi: Nếu như thành tựu Không nơi vị lai, hiện tại là thành tựu Không nơi quá khứ chăng?

Đáp: Nếu đã diệt không mất thì thành tựu. Nếu chưa diệt hoặc như đã diệt mà mất thì không thành tựu.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Nếu đã diệt không mất thì thành tựu: Đây là nói tức những phần vị đã nói ở trước.

Nếu chưa diệt hoặc như đã diệt mà mất thì không thành tựu: Như ở trước hiện tại đối với quá khứ để nói.

Hỏi: Nếu thành tựu Không nơi vị lai là thành tựu Không nơi quá khứ, hiện tại chăng?

Đáp: Có khi thành tựu Không nơi vị lai không phải là quá khứ, hiện tại. Có khi thành tựu Không nơi vị lai và quá khứ không phải là hiện tại. Có khi thành tựu Không nơi vị lai và hiện tại không phải là quá khứ. Có khi thành tựu Không nơi vị lai và quá khứ, hiện tại.

Thành tựu Không nơi vị lai không phải là quá khứ, hiện tại: Nghĩa là đã được Không chưa diệt nếu như đã diệt mà mất thì không hiện tiền.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Đây là nói dựa vào Tam-ma-địa Vô nguyện nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ tập diệt mỗi thứ bốn khoảnh tâm, hiện quán về đạo nơi ba khoảnh tâm, và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không chưa khởi diệt, trước đã khởi diệt, do được quả chuyển căn nên mất, cũng không hiện tiền.

Thành tựu Không nơi vị lai và quá khứ không phải là hiện tại: Nghĩa là Không đã diệt không mất, không hiện tiền.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Đây là nói dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về tập diệt mỗi thứ bốn khoảnh tâm, hiện quán về đạo nơi ba khoảnh tâm, và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không đã khởi diệt không mất, không hiện tiền.

Thành tựu Không nơi vị lai và hiện tại không phải là quá khứ: Nghĩa là Không hiện tiền, chưa diệt hoặc như đã diệt mà mất.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Đây là nói dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi một khoảnh tâm và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không chưa khởi diệt, trước đã khởi diệt, do được quả chuyển căn nên mất, nhưng hiện tiền.

Thành tựu Không nơi vị lai và quá khứ, hiện tại: Nghĩa là Không đã diệt không mất và hiện tiền.

Hỏi: Đây là nói ở nơi phần vị nào?

Đáp: Đây là nói dựa nơi Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, hiện quán về khổ nơi ba khoảnh tâm và được quả Dự lưu cho đến quả A-la-hán. Nếu Tín thắng giải luyện căn tạo kiến chí, Thời giải thoát luyện căn tạo bất động, thì Tam-ma-địa Không đã khởi diệt không mất, cũng hiện tiền.

Hỏi: Nếu như thành tựu Không nơi quá khứ, hiện tại là thành tựu Không nơi vị lai chăng?

Đáp: Đúng vậy. Đây tức là những phần vị đã nói ở trước. Nói thành tựu quá khứ, hiện tại tất thành tựu vị lai.

Hỏi: Nếu thành tựu Không nơi hiện tại là thành tựu Không nơi quá khứ, vị lai chăng?

Đáp: Vị lai thành tựu. Quá khứ nếu đã diệt không mất thì thành tựu. Nếu chưa diệt hoặc như đã diệt mà mất thì không thành tựu.

Vị lai thành tựu: Là như trước hiện tại đối với vị lai mà nói.

Quá khứ nếu đã diệt không mất v.v…: Là như trước hiện tại đối với quá khứ mà nói.

Hỏi: Nếu như thành tựu Không nơi quá khứ, vị lai là thành tựu Không nơi hiện tại chăng?

Đáp: Nếu hiện tiền. Đây như trước vị lai đối với hiện tại mà nói. Có sai khác: Là trong đây tất thành tựu quá khứ.

Như Không lần lượt tạo ra sáu trường hợp, nên biết Vô nguyện, Vô tướng cũng như vậy. Theo chỗ ứng hợp đều nên nhận biết.

HẾT – QUYỂN 183