LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 181

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ BẤT HOÀN, phần 8

Như nói: Trong hàng đệ tử của Ta, Đại Ca-diếp-ba ít ham muốn, biết đủ, đầy đủ hạnh Đỗ đa (Đầu đà), Bạc-củ-la thì ít bệnh, tiết kiệm, đủ hạnh tịnh giới. Hai vị này có gì khác nhau?

Đáp: Tôn giả Đại Ca-diếp-ba khi có được các thức ăn uống hoặc ngon hoặc dở đều tuần tự ăn, không có phân biệt, cũng như ngựa thuần thì tùy thức ăn có được mà ăn. Tôn giả Bạc-củ-la khi được các thức ăn uống hoặc ngon hoặc dở thì lựa bỏ thức ăn ngon, ăn thức ăn dở.

Hỏi: Vì sao Tôn giả Đại Ca-diếp-ba thức ăn ngon hay dở đều ăn, còn Tôn giả Bạc-củ-la thì lựa bỏ thức ăn ngon chỉ ăn thứ dở?

Đáp: Tôn giả Đại Ca-diếp-ba đầy đủ lạc dục diệu trụ nơi pháp Sa-môn. Đầy đủ lạc dục diệu nên không phân biệt thức ăn ngon. Trụ nơi pháp Sa-môn nên không phân biệt thức ăn dở, chỉ tùy theo chỗ được thứ lớp mà ăn. Tôn giả Bạc-củ-la đầy đủ lạc dục thô trụ nơi pháp Sa-môn. Đầy đủ lạc dục thô nên lựa bỏ thức ăn ngon. Trụ nơi pháp Sa-môn nên chỉ ăn thức ăn dở.

Lại nữa, Tôn giả Đại Ca-diếp-ba là người hiểu biết rộng, phước lớn, dễ được các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, và những vật dụng cần thiết khác, trước không thọ nhận công đức của hạnh Đầu đà nhưng có thể phụng hành. Tôn giả này do hai duyên cho là việc rất khó làm. Đó là dễ được lợi dưỡng, không nhận công đức của hạnh Đầu đà, nhưng có thể phụng hành.

Tôn giả Bạc-củ-la không có hiểu biết rộng, phước lớn, khó được các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, và những vật dụng cần thiết khác, trước thọ nhận công đức của hạnh đầu đà cũng có thể phụng hành. Các Bí-sô ít hiểu biết, thọ nhận công đức của hạnh đầu đà ở trong đó tùy chuyển là không khó. Tôn giả này do hai duyên cho không phải là việc khó làm. Đó là khó được lợi dưỡng và trước thọ nhận công đức của hạnh đầu đà tùy thuận phụng hành.

Có nơi đối với văn này đã tạo tụng trái ngược. Nghĩa là Tôn giả Đại Ca-diếp-ba hiểu biết rộng, phước lớn, dễ có được các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, và những vật dụng cần thiết khác, trước thọ nhận công đức của hạnh đầu đà tùy thuận phụng hành.

Tôn giả Bạc-củ-la không có hiểu biết rộng, phước lớn, khó được các thứ y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, và những vật dùng cần thiết khác, trước không thọ nhận công đức của hạnh đầu đà này nhưng tùy thuận phụng hành. Các Bí-sô ít hiểu biết, không thọ nhận công đức của hạnh đầu đà ở trong ấy tùy chuyển không phải là chuyện khó. Tôn giả này do hai duyên không phải là việc khó làm. Nghĩa là khó được lợi dưỡng, trước không thọ nhận công đức của hạnh đầu đà nhưng ở trong đó phụng hành.

Đây là hiển bày Tôn giả Đại Ca-diếp-ba do ba việc nên hơn: Là đủ lạc dục diệu, dễ được lợi dưỡng, thọ nhận công đức của hạnh đầu đà.

Hỏi: Vì sao Tôn giả Bạc-củ-la lựa bỏ thức ăn ngon chỉ ăn thứ dở?

Đáp: Do sức của ý lạc. Ý lạc của hữu tình là không đồng tùy theo ý ưa thích mà ăn, không nên vấn nạn về lý do.

Có thuyết nói: Thức ăn uống tinh diệu là do nhiều công sức mới thành, vì không muốn uổng phí công sức khó nhọc, cho nên không ăn.

Có thuyết nêu: Thức ăn uống tinh diệu làm tăng trưởng tham ái, phần nhiều do đấy khởi tranh chấp, thế nên không ăn.

Có thuyết cho: Thức ăn ngon là thứ hiện có của nhà giàu cho là có ích, kẻ nghèo vì thế không ăn.

Có thuyết nói: Thức ăn ngon tất nhân nơi nhiều sinh mạng bị hại, trăm ngàn đầu rơi xuống đất, dùng nhiều máu thịt của thân phần tạo thành, vì thương xót các hữu tình kia, thế nên không ăn.

Có thuyết cho: Thức ăn ngon phần nhiều sinh khởi vô số lỗi lầm, bệnh hoạn, thế nên không ăn.

Hỏi: Tôn giả Bạc-củ-la lựa bỏ thức ăn ngon là trước, tức không thọ nhận, hay là nhận rồi mới lựa bỏ? Nếu nêu như vậy có lỗi gì? Nếu là trước, tức không thọ nhận, vì sao nói là thọ hành thứ lớp khất thực, hành hạnh đầu đà. Nếu nhận rồi mới bỏ, vì sao không gọi là làm tổn hại vật thí của thí chủ?

Đáp: Nên nói là trước, tức không thọ nhận.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao gọi là thọ hành thứ lớp khất thực, hành hạnh đầu đà?

Đáp: Tôn giả ấy được thiên nhãn, nguyện trí, khi sắp đi khất thực, trước quán xét nơi chốn nào, xóm làng nào chỉ có thức ăn dở, rồi mới tuần tự đi khất thực.

Như Khế kinh nói: Có bốn Thánh chủng: 1. Thánh chủng dựa theo thức ăn có được, biết đủ. 2. Thánh chủng dựa theo y phục có được, biết đủ. 3. Thánh chủng dựa theo ngọa cụ có được biết đủ. 4. Thánh chủng dựa nơi có không có, vui thích đoạn trừ, vui thích tu tập.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn nói kinh này?

Đáp: Vì nhằm an lập về sản nghiệp và việc làm cho các đệ tử. Nghĩa là ba thứ trước là an lập về sản nghiệp, loại thứ tư là an lập về việc làm.

Ba thứ trước là an lập về sản nghiệp: Nghĩa là bỏ bốn thứ nghiệp, hành một thứ nghiệp.

Bỏ bốn thứ nghiệp: 1. Nông vụ là nghiệp. 2. Buôn bán là nghiệp. 3. Làm thuê là nghiệp. 4. Tự do là nghiệp. Bốn nghiệp ấy đều bỏ.

Hành một thứ nghiệp: Là chỉ dùng khất thực làm nghiệp.

Có thuyết nói: Vì nhằm hiển bày nghiệp nuôi sống vô tận và việc nên làm. Lại nữa, nhằm hiển bày nghiệp nuôi sống không tội và việc nên làm. Lại nữa, nhằm hiển bày nghiệp nuôi sống không tổn hại và việc nên làm. Lại nữa, nhằm hiển bày nghiệp nuôi sống không chung với ngoại đạo và việc nên làm. Ở đây, nghiệp nuôi sống là ba thứ trước. Việc nên làm là loại thứ tư.

Có thuyết cho: Vì để hiển bày về đạo và tư lương của đạo. Trong đây, ba thứ trước là hiển bày về tư lương của đạo, một thứ sau là hiển bày về đạo. Như đạo và tư lương của đạo, Sa-môn và tư lương của Sa-môn, Bà-la-môn và tư lương của Bà-la-môn, phạm hạnh và tư lương của phạm hạnh, nên biết cũng như vậy.

Do các nghĩa ấy nên Đức Phật nói Khế kinh Thánh chủng này.

Hỏi: Tự tánh của Thánh chủng là gì?

Đáp: Đều dùng căn thiện không tham làm tự tánh.

Có thuyết nói: Ba thứ trước là căn thiện không tham. Một thứ sau là tinh tấn.

Nên nói như vầy: Thuyết đầu là đúng, vì đều đối trị tham.

Hỏi: Nếu như vậy thì dựa vào nghĩa riêng nào để nói bốn Thánh chủng?

Đáp: Là để đối trị bốn thứ tham ái. Nghĩa là đối với y phục biết đủ là đối trị tham ái về y phục. Đối với thức ăn biết đủ là đối trị tham ái về ăn uống. Đối với ngọa cụ biết đủ là đối trị tham ái về ngọa cụ. Vui thích đoạn trừ, vui thích tu tập là đối trị tham ái về có không có. Do đó nên nói tánh đều là không tham. Nếu gồm luôn tương ưng, tùy chuyển, thì ở cõi dục, cõi sắc năm uẩn là tánh, ở cõi vô sắc bốn uẩn là tánh. Đây là tự tánh của Thánh chủng, là ngã, là vật, là tánh, là tướng, là bản tánh. (

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là Thánh chủng?

Đáp: Có thuyết nói: Cũng là Thánh, cũng là chủng, nên gọi là Thánh chủng. Nghĩa là thiện nên gọi là Thánh. Vô lậu nên gọi là Thánh. Tức ở đây có thể sinh các pháp công đức nối tiếp không đoạn dứt, nên gọi là chủng.

Có thuyết cho: Chủng của Thánh nên gọi là Thánh chủng. Thánh nghĩa là tất cả pháp thiện không điên đảo. Bốn thứ này có thể sinh khởi và nối tiếp nên gọi là chủng.

Có thuyết nêu: Ở trong sự nối tiếp của bậc Thánh ấy hành trì khiến không đoạn dứt, nên gọi là Thánh chủng.

Có thuyết nói: Thánh nghĩa là quả đáng yêu mến, đáng mừng, đáng vui, vừa ý. Quả ấy có thể sinh khởi sự nối tiếp kia không đoạn dứt, nên gọi là Thánh chủng. Đây là dựa vào quả Đẳng lưu để nói.

Có thuyết cho: Thánh là dị thục đáng yêu mến, đáng mừng, đáng vui, vừa ý. Dị thục ấy có thể dẫn phát sự nối tiếp kia không đoạn dứt, nên gọi là Thánh chủng. Đây là dựa vào quả Dị thục để nói.

Có thuyết nêu: Thánh tức là Phật, Độc giác, Thanh văn. Thánh từ đó sinh khởi nối tiếp không đoạn dứt, nên gọi là Thánh chủng.

Có thuyết nói: Chánh pháp gọi là Thánh. Chánh pháp ấy có thể nhận giữ khiến nối tiếp lâu dài, nên gọi là Thánh chủng. Chánh pháp trụ ở đời trải qua hàng ngàn năm không diệt mất đều là do sức của Thánh chủng. Như cột kèo chống đỡ ngôi nhà khiến không hư sập. Do những duyên ấy nên gọi là Thánh chủng.

Về cõi: Đều thuộc về ba cõi và không thuộc về cõi.

Hỏi: Cõi sắc không có ăn uống, cõi vô sắc không có ba thứ trước, vì sao nơi ba cõi đều có đủ bốn Thánh chủng?

Đáp: Các cõi kia tuy không có ăn uống nhưng có công đức biết đủ.

Có thuyết nói: Do cõi dưới có đủ bốn thứ nên lần lượt dẫn sinh nơi cõi trên cũng có đủ bốn thứ.

Tôn giả Thế Hữu nói: Cõi trên tuy không có ăn uống nhưng có đối trị. Đối trị có bốn thứ: 1. Đối trị đoạn trừ. 2. Đối trị chán hoại. 3. Đối trị nắm giữ. 4. Đối trị phần xa. Cõi sắc đối với ăn uống có đủ bốn thứ đối trị. Cõi dục có ba thứ trừ đối trị đoạn trừ. Cõi vô sắc có hai thứ là đối trị nắm giữ và đối trị phần xa.

Tôn giả Giác Thiên nói: Tuy không có y phục, thức ăn uống, vô lậu, nhưng có Thánh chủng vô lậu. Như vậy tuy cõi sắc, cõi vô sắc không có thức ăn uống nhưng có Thánh chủng của cõi ấy.

Đại đức nói: Không màng đến vật dụng cần thiết cho thân hãy còn gọi là trụ nơi Thánh chủng, huống chi nơi cõi kia cũng không luyến tiếc đến thân lại không có Thánh chủng sao?

Về địa: Nếu là hữu lậu thì ở nơi mười một địa. Nếu là vô lậu thì ở nơi chín địa.

Về chỗ dựa: Đều dựa nơi ba cõi.

Về hành tướng: Đều tạo mười sáu hành tướng và những hành tướng khác.

Về đối tượng duyên: Đều duyên nơi tất cả pháp.

Về niệm trụ: Đều là bốn niệm trụ.

Về trí: Đều là tám trí hoặc mười trí.

Về kết hợp với Tam-ma-địa: Đều cùng kết hợp với ba Tam-mađịa và không cùng kết hợp.

Về căn: Nói chung đều tương ưng với ba căn là lạc, hỷ, xả.

Về đời: Đều thuộc về ba đời, duyên nơi ba đời và tách lìa đời.

Về thiện v.v…: Đều là thiện và duyên nơi cả ba thứ.

Về thuộc cõi dục v.v…: Đều thuộc ba cõi và không hệ thuộc.

Về duyên cũng như vậy.

Hỏi: Nếu như thế thì Luận Thi Thiết nói làm sao thông? Như nói: Bốn Thánh chủng đều không bị phiền não xen tạp cấu nhiễm.

Đáp: Ý của Luận ấy nói là ngăn chận việc tương ưng với phiền não, không ngăn chận hữu lậu, nên không có lỗi.

Về học v.v…: Đều chung cho ba thứ và duyên nơi ba thứ.

Về do kiến đạo đoạn v.v…: Đều do tu đạo đoạn và không đoạn. Duyên nơi cả ba thứ.

Về duyên danh, duyên nghĩa: Đều duyên với danh, nghĩa.

Về duyên nơi sự nối tiếp của mình và của người khác cùng không nối tiếp: Đều duyên nơi ba thứ.

Về do gia hạnh đắc, do lìa nhiễm đắc, sinh đắc: Là do gia hạnh, do lìa nhiễm đắc, không phải sinh đắc.

Có thuyết nói: Cũng là sinh đắc.

Nên nói như vầy: Thuyết đầu là đúng. Nếu thiện sinh đắc cũng là Thánh chủng, thì các thứ trứng kiến, muỗi, mòng v.v… cũng thành tựu Thánh chủng sao? Thế nên Thánh chủng không gồm thâu thiện sinh đắc.

Hỏi: Thánh chủng là do văn, do tư, hay do tu tạo thành?

Đáp: Gồm thâu chung cả ba thứ.

Hỏi: Là ở nơi ý địa hay nơi năm thức?

Đáp: Chỉ ở nơi ý địa, không phải năm thức.

Có thuyết nói: Cũng chung nơi năm thức.

Lời bình: Không nên nói như vậy. Vì sao? Vì thiện trong năm thức chỉ là sinh đắc.

Hỏi: Nếu là thiện gia hạnh thì ngoại đạo đạt được các thứ tĩnh lự, vô lượng, vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ, cũng là Thánh chủng chăng?

Đáp: Đấy không phải là Thánh chủng. Vì sao? Vì nếu vui thích giải thoát, chán bỏ sinh tử, căn thiện đó là Thánh chủng. Điều vui thích của ngoại đạo đều là sinh tử, nên căn thiện đó không gọi là Thánh chủng.

Lại nữa, đối với hữu có sinh đầy đủ về biết đủ thì gọi là Thánh chủng. Căn thiện của ngoại đạo trái với đây nên không phải là Thánh chủng. Do ngoại đạo năm đảnh cũng cầu sinh cõi trời thọ nhận dục lạc.

Lại nữa, căn thiện của Thánh chủng đều là phẩm xuất gia.

Căn thiện của ngoại đạo đều thuộc phẩm tại gia, nên không phải là Thánh chủng.

Hỏi: Ít ham muốn, biết đủ cùng đối trị tham, lấy không tham làm tánh, vì sao chỉ lập biết đủ làm Thánh chủng không phải là ít ham muốn?

Đáp: Tên gọi ít ham muốn có lỗi lầm, có tăng ích. Biết đủ thì không như vậy. Có lỗi lầm: Là chỉ ít ham muốn, không nói không ham muốn. Có tăng ích: Là đối với không ham muốn thật sự nhưng gọi là ít ham muốn. Ở trong biết đủ không có sự việc như thế, nên lập làm Thánh chủng.

Có thuyết nói: Ít ham muốn là ở nơi sự việc chưa được của xứ vị lai chuyển. Biết đủ là ở nơi sự việc đã được của xứ hiện tại chuyển. Không nhận lấy một Ca lý sa bát noa (Một số lượng tiền) của hiện tại là khó, không phải đối với ngôi vị Chuyển luân vương của vị lai. Do biết đủ là khó nên lập làm Thánh chủng.

Có thuyết cho: Vì khác với ngoại đạo nên không nói ít ham muốn là Thánh chủng. Nếu nói ít ham muốn là Thánh chủng, thì các nhóm ngoại đạo sẽ nói: Chúng ta đích thực là trụ nơi Thánh chủng. Vì sao? Vì các ông cũng mặc y phấn tảo, còn chúng tôi đây thì lõa hình, không y. Các ông cũng khất thực để tự sống, còn chúng tôi đây thì phần nhiều là không ăn, nhịn đói. Các ông cũng ngồi bên gốc cây, còn chúng tôi đây thì hoặc luôn giơ tay, giơ cao chân mà đứng. Thế nên chúng tôi đích thực gọi là trụ nơi Thánh chủng. Để ngăn chận sự việc ấy, nên chỉ lập biết đủ làm Thánh chủng, ngoại đạo đối với hữu có đủ về không biết đủ.

Hỏi: Ít ham muốn và biết đủ có gì khác nhau?

Đáp: Có thuyết nói: Ít ham muốn chỉ ở nơi ý địa. Biết đủ thì chung cho cả sáu thức thân.

Có thuyết cho: Ít ham muốn chỉ ở nơi cõi dục. Biết đủ chung cho cả cõi dục, cõi sắc.

Có thuyết nêu: Ít ham muốn chỉ ở nơi cõi dục, cõi sắc. Biết đủ chung cả ba cõi.

Có thuyết nói: Ít ham muốn gắn liền với ba cõi. Biết đủ thuộc về ba cõi và không hệ thuộc.

Nên nói như vầy: Ít ham muốn, biết đủ cùng thuộc chung nơi ba cõi và không hệ thuộc.

Hỏi: Nếu như thế thì có gì khác nhau?

Đáp: Ít ham muốn ở nơi sự việc chưa được của xứ vị lai chuyển. Biết đủ thì ở nơi sự việc đã được của xứ hiện tại chuyển. Đó gọi là khác nhau.

Hỏi: Khi bệnh có được thuốc men sinh biết đủ, vì sao không gọi là Thánh chủng?

Đáp: Cũng nên nói là Thánh chủng nhưng không nói, nên biết là nghĩa ấy nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Điều này đã gồm thâu trong phần nói ở trước. Nghĩa là khi bệnh có được thuốc men, có hai loại: Có thể ăn được. Không thể ăn. Loại thứ nhất gồm thâu trong phần thức ăn. Loại không thể ăn gồm thâu trong phần y phục, ngọa cụ.

Có thuyết cho: Vì muốn tạo lợi ích cho các Bí-sô bệnh nên không nói đối với thuốc men sinh biết đủ là Thánh chủng. Nghĩa là có các Bí-sô thân tuy có bệnh nhưng nhẹ, nên không cầu thuốc men. Nếu Phật lập điều ấy làm Thánh chủng, thì các vị kia liền giữ lấy bệnh, không thể siêng năng tu tập gia hạnh Thánh đạo. Vì tạo lợi ích cho các Bí-sô kia, giúp siêng tu tập, nên không nói điều ấy là Thánh chủng.

Có thuyết nêu: Nếu khi thọ dụng có thể sinh phóng dật, tức ở nơi sự việc đó sinh biết đủ thì lập làm Thánh chủng. Khi bệnh được thuốc men, lúc thọ dụng chỉ có thể trừ bệnh, không tăng phóng dật cho nên không nói.

Có thuyết nói: Nếu tất cả nơi chốn, tất cả người, tất cả thời thọ dụng thì biết đủ đối với điều ấy mới lập làm Thánh chủng. Khi có bệnh được thuốc men, không nằm trong trường hợp kia, nên biết đủ về thuốc men không lập làm Thánh chủng. Vì thế Tôn giả Bạc-củ-la nói: Ta xuất gia trong pháp Phật hơn tám mươi năm, từng không nhớ là thân có bệnh sởi, cho đến đau đầu, cũng không nhớ đến việc thọ dụng thuốc men khi có bệnh, kể cả Ha-lê-đát-kê. Người sinh nơi cõi dục hãy còn như thế huống chi là sinh nơi cõi sắc, vô sắc.

Hỏi: Vì sao luật nghi biệt giải thoát chỉ vô biểu mới lập làm Thánh chủng không phải là hữu biểu?

Đáp: Trước đã nói nối tiếp không đoạn dứt gọi là Thánh chủng. Hữu biểu không phải nối tiếp không đoạn dứt cho nên không nói.

Có thuyết nói: Vô biểu có thể cùng với Thánh đạo kết hợp nên lập làm Thánh chủng. Hữu biểu không cùng với Thánh đạo kết hợp, thế nên không nói.

Người xuất gia có bốn Thánh chủng, người tại gia cũng có bốn Thánh chủng, nhưng người xuất gia do hai nhân duyên nên gọi là có Thánh chủng. Một là ý lạc. Hai là thọ dụng. Những người tại gia do một nhân duyên nên gọi là có Thánh chủng. Đó là ý lạc, không phải là thọ dụng. Như Trời Đế Thích ở nơi tòa diệu hoa có mười hai Nadũ-đa thị nữ vây quanh, sáu vạn thứ âm nhạc để tự hưởng vui thú, đối với Thánh chủng luôn có ý lạc nhưng không có thọ dụng. Các quốc vương như Tần-tỳ-sa-la v.v…, các trưởng giả như Tô-đạt-đa v.v… cũng như vậy.

Hỏi: Vì có mỗi mỗi Thánh chủng tức gọi là trụ nơi Thánh chủng chăng?

Đáp: Không phải vậy. Chính là phải đủ bốn thứ mới gọi là trụ nơi Thánh chủng. Nhưng khi được một Thánh chủng tất được đủ bốn. Như vô ngại giải được một thứ tất đủ bốn.

Chư Phật quá khứ đều khen ngợi y phấn tảo, nhưng không mặc.

Nay Đức Phật Thích-ca cũng khen ngợi y phấn tảo và mặc.

Hỏi: Vì sao như vậy?

Đáp: Thời quá khứ, tâm tham của con người mỏng, ít, tuy được y phục giá trị trăm ngàn, nhưng tâm nhiễm đắm không như tâm nhiễm đắm của người đời nay đối với y phục bình thường.

Có thuyết nói: Thời ấy đông đảo người giàu có nhiều tài sản, vật báu. Các Bí-sô muốn có y phục giá trị trăm ngàn dễ hơn thời nay tìm y phấn tảo.

Tôn giả Thế Hữu nói: Thời quá khứ ý lạc của con người rộng lớn, thấy các Bí-sô có nhiều vật dụng cần thiết thuộc loại thượng diệu, liền sinh tâm hoan hỷ tín kính. Đời nay ý lạc của con người hẹp nhỏ, thấy các Bí-sô có nhiều vật dụng cần thiết thô xấu thì họ mới sinh tâm hoan hỷ tín kính.

Tôn giả Giác Thiên nói: Thời xa xưa thân thể con người mềm mại, nếu thọ dụng vật thô xấu thì không thể tự tồn. Đời nay thân thể con ngươi thô cứng, nên tuy thọ dụng các thứ thô xấu đều có thể tự tồn.

Đại đức nói: Chư Phật quá khứ khen ngợi y phấn tảo, nên biết tức là cũng chấp nhận thọ dụng. Nếu không như vậy thì vì sao khen ngợi? Chư Phật không nêu bày những chuyện không có.

Như Đức Thế Tôn nói: Y phấn tảo ít, dễ được, không có tội. Thế nào là ít, dễ được, không có tội?

Tôn giả Thế Hữu nói: Là ít dụng công mà thành, không phải nhiều người thọ dụng, nên gọi là ít. Tùy theo lúc nơi kia đều có thể được, nên gọi là dễ được. Phật cho phép người trí thọ dụng, nên gọi là không có tội.

Đại đức nói: Lượng giá ít nên gọi là ít. Không theo kẻ khác cầu tìm, nên gọi là dễ được. Không nhận lấy của ai, nên gọi là không có tội.

Do hai nhân duyên nên Đức Phật nói đối với y phục sinh biết đủ là Thánh chủng: 1. Quở trách kẻ đối với y phục không sinh biết đủ, như Nan-đà v.v… 2. Khen ngợi người đối với y phục sinh biết đủ, như Đại Ca-diếp-ba v.v…

Do hai nhân duyên nên Đức Phật nói đối với ăn uống sinh biết đủ là Thánh chủng: 1. Quở trách kẻ đối với ăn uống không sinh biết đủ, như Bà-đà-lê v.v… 2. Khen ngợi người đối với ăn uống sinh biết đủ, như Bạc-củ-la v.v…

Do hai nhân duyên nên Đức Phật nói đối với ngọa cụ sinh biết đủ là Thánh chủng: 1. Quở trách kẻ đối với ngọa cụ không sinh biết đủ, như Bí-sô Ngu Vương. Như Khế kinh nói: Bí-sô Ngu Vương bạch Phật: Kính mong Đức Thế Tôn xem qua giường tòa của con thô xấu như vậy. 2. Khen ngợi người đối với ngọa cụ sinh biết đủ, như Hiệt-lệ-phiệt-đa v.v…

Do hai nhân duyên nên Đức Phật nói người vui thích đoạn trừ, vui thích tu tập là Thánh chủng: 1. Quở trách kẻ biếng nhác, như Xiển-đà v.v… 2. Khen ngợi người tinh tấn, như Thất-lô-noa v.v…

Do bốn nhân duyên nên biết người kia là Bổ-đặc-già-la an trụ nơi Thánh chủng: 1. Không ưa thích nghe kẻ khác nói về việc được lợi dưỡng. 2. Không ưa thích gần gũi kẻ tham ăn ngon. 3. Vật dụng cần thiết cho đời sống tuy ít nhưng thanh tịnh không sinh nhiễm chấp. 4. Đối với các thứ lợi dưỡng được, không được, không sinh tâm yêu ghét.

Như Đức Thế Tôn nói: Bốn Thánh chủng này là sự hiểu biết tối thắng, là sự hiểu biết của chủng tánh, là sự hiểu biết đáng ưa thích, là không tạp nhiễm, không thể chê trách. Tất cả các hàng Sa-môn, Bàla-môn, Trời, Ma, Phạm nơi thế gian hoặc thế gian khác không ai có thể như pháp nói về lỗi lầm của bốn Thánh chủng kia.

Hỏi: Thế nào gọi là hiểu biết tối thắng?

Đáp: Có thuyết nói: Bốn Thánh chủng này có thể dẫn đến tối thắng, được quả tối thắng, hướng tới tối thắng, tùy thuận tối thắng, nên gọi là tối thắng. Do Phật đã thiết lập, do Phật đã nhận biết, nên gọi là hiểu biết.

Có thuyết cho: Phật nói năm trăm Thanh vănđều có pháp tối thắng. Bốn điều này ở trong pháp tối thắng kia, nên gọi là tối thắng. Phật nhận biết bốn thứ này là sự biết đủ đích thực, nên gọi là hiểu biết.

Có thuyết nêu: Phật và các đệ tử gọi là người tối thắng. Chỗ nêu bày khen ngợi của các bậc ấy gọi là hiểu biết tối thắng.

Có thuyết nói: Đức Phật nhận biết bốn pháp này là kho báu hơn hết, có thể khiến cho người an trụ, tâm ý mong được đầy đủ, nên gọi là hiểu biết tối thắng. Nghĩa là các hữu tình phần nhiều ý mong cầu không đầy đủ mà chết. Còn người chỉ trụ nơi Thánh chủng thì tâm ý mong muốn luôn đầy đủ.

Có thuyết nêu: Đức Phật nhận biết bốn pháp này là kho tàng không cùng tận khiến các bậc trí thọ dụng không bao giờ hết, nên gọi là hiểu biết tối thắng. Nghĩa là người trụ nơi đấy thì không phải cầu tìm nhiều cùng tích tụ nhiều, cũng không ngăn giữ cửa ngõ v.v… tùy ý thọ dụng trọn không hề hết. Như Chuyển luân vương làm vua bốn châu, chỗ thọ dụng tài sản vật báu có thể mau chóng cùng tận, nhưng thọ dụng bốn thứ ấy thì không hề tận.

Hỏi: Thế nào gọi là hiểu biết của chủng tánh?

Đáp: Là hằng hà sa chư Phật quá khứ và đệ tử Phật đều từ đấy sinh, nên gọi là chủng tánh. Người trí thấu tỏ nên gọi là hiểu biết.

Có thuyết nói: Chủng tánh là nghĩa có thể giữ gìn. Nghĩa là có thể trụ giữ Thánh giáo khiến tồn tại lâu dài, không diệt, nên gọi là chủng tánh. Đức Phật đã biết rõ nên gọi là hiểu biết.

Hỏi: Thế nào gọi là hiểu biết đáng ưa thích?

Đáp: Bốn pháp này được người trí ưa thích, được người trí nhận biết, nên gọi là sự hiểu biết đáng ưa thích.

Có thuyết nói: Đức Phật nhận biết bốn pháp này đều có thể hỗ trợ cho việc vui thích đoạn trừ, vui thích tu tập, nên gọi là sự hiểu biết đáng ưa thích.

Có thuyết cho: Đức Phật nhận biết bốn pháp này người trí ở trong ba thời của ngày đêm theo chỗ ứng hợp đều yêu thích an trụ không có biếng mệt, nên gọi là sự hiểu biết đáng ưa thích.

Có thuyết nêu: Đức Phật nhận biết bốn pháp này là điều khiến người tu hành ưa thích an trụ lâu. Nghĩa là từ cuối ngày hôm nay ngồi kiết già an trụ trong ấy, cho đến sáng sớm hôm sau, do phải làm các công việc khác nên mới đứng dậy.

Hỏi: Thế nào gọi là không tạp nhiễm?

Đáp: Là bốn Thánh chủng này không bị phiền não nơi nghiệp ác xâm lấn xen tạp.

Hỏi: Thế nào gọi là không thể chê trách?

Đáp: Nếu trụ nơi bốn Thánh chủng này thì luôn được những người trụ nơi chánh pháp khen ngợi, chưa từng chê trách. Tức do đấy nên tất cả các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Ma, Phạm nơi thế gian đều không thể như pháp nói về lỗi lầm của người trụ nơi Thánh chủng.

Tôn giả Thế Hữu nói như vầy: Đức Phật nhận biết bốn pháp này có thể nhập nơi Thánh thai, nên gọi là hiểu biết tối thắng. Tất cả bậc Thánh đều từ đấy, nên gọi là hiểu biết của chủng tánh. Là điều được người tu hành ngày đêm ưa thích, nên gọi là hiểu biết đáng ưa thích. Xa lìa bốn thứ nghiệp nơi sự việc thế gian, nên gọi là không tạp nhiễm. Bốn nghiệp nơi sự việc thế gian là làm ruộng, đi buôn, làm thuê, làm nghề tự do. Tất cả công đức do đấy nên đầy đủ, vì thế gọi là không thể chê trách. Đối với mình, đối với người cùng không tổn hại, nên hết thảy các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Ma, Phạm nơi thế gian đều không thể không như pháp nói về lỗi lầm của người trụ nơi Thánh chủng.

Như Đức Thế Tôn ở trong Khế kinh nói kệ:

Nếu hàng phục yêu ghét

Thường ở bên ngọa cụ

Hằng trụ không phóng dật

Nhổ tùy miên hữu tham.

Hỏi: Trong kệ tụng này biện giải về nghĩa gì?

Đáp: Ái (yêu) là tham ái, ghét là ghét giận. Đệ tử Thánh của Phật nếu hàng phục hai thứ này, ở bên ngọa cụ, trụ không phóng dật, liền có thể vĩnh viễn nhổ sạch tùy miên hữu tham.

Lại nữa, nếu đối với chánh pháp Tỳ-nại-da, theo chỗ đạt được vị, tâm đắm nhiễm chuyển, gọi là ái. Đối với những thứ chưa được, tâm sầu muộn chuyển, gọi là ghét. Đệ tử Thánh của Phật đối với những gì đã được, không đắm nhiễm vị, đối với những gì chưa được không buồn bã, nên có thể cùng hàng phục ái, ghét. Do cùng hàng phục nên ở bên ngọa cụ, trụ không phóng dật, tức có thể vĩnh viễn nhổ sạch tùy miên hữu tham.

Lại nữa, nếu đối với y phục, thức ăn uống thượng diệu tham cầu, gọi là ái. Nếu đối với các thứ y phục, thức ăn uống thô dở giận chống, gọi là ghét. Đệ tử Thánh của Phật, cả hai thứ đều có thể hàng phục. Câu này hiển bày về Thánh chủng đối với y phục, thức ăn uống sinh biết đủ. Câu thứ hai hiển bày về Thánh chủng đối với ngọa cụ sinh biết đủ. Hai câu sau hiển bày về Thánh chủng vui thích đoạn trừ, vui thích tu tập.

Hỏi: Ưa thích đoạn trừ, ưa thích tu tập có gì khác nhau?

Đáp: Là ưa thích đoạn trừ phiền não, ưa thích tu tập Thánh đạo.

Lại nữa, đạo vô gián gọi là ưa thích đoạn trừ. Đạo giải thoát gọi là ưa thích tu tập.

Lại nữa, kiến đạo gọi là ưa thích đoạn trừ. Tu đạo gọi là ưa thích tu tập. Như kiến đạo – tu đạo, thì kiến địa – tu địa, vị tri đương tri căn – dĩ tri căn, nên biết cũng như vậy.

Lại nữa, ưa thích đoạn trừ là làm sáng tỏ các nhẫn. Ưa thích tu tập là làm sáng tỏ các trí.

Đó là chỗ khác nhau của ưa thích đoạn trừ, ưa thích tu tập.

***

* Như nói: Đại Danh! Học trụ nhiều, năm cái đoạn dần, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Phật nói với Đại Danh: Học trụ nhiều, năm cái đoạn dần. Khế kinh tuy nói như vậy nhưng không phân biệt: Thế nào là học? Thế nào là học trụ nhiều, năm cái đoạn dần? Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận này. Những gì Kinh kia chưa nói nay nên nêu bày. Vì thế nên tạo ra phần Luận này.

Như nói: Đại Danh! Học trụ nhiều, năm cái đoạn dần.

Hỏi: Thế nào là học?

Đáp: Là Dự lưu hoặc Nhất lai.

Hỏi: Thế nào là học trụ nhiều, năm cái đoạn dần?

Đáp: Là đoạn dần, lìa dần, hàng phục dần, từ bỏ dần.

Hỏi: Vì sao trong đây không nói Tùy tín hành, Tùy pháp hành gọi là học trụ nhiều, năm cái đoạn dần?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Hàng Tùy tín hành, Tùy pháp hành có vị trụ, năm cái đã đoạn, có vị trụ, năm cái đoạn dần: Là do bất định nên không nói. Hàng Dự lưu, Nhất lai thì không như vậy, vì quyết định chỉ trụ, năm cái đoạn dần, thế nên nói đến.

Có thuyết cho: Nếu trong thân kia, năm cái phiền não có thể hiện hành nhưng đoạn dần, thì ở đây nói đến. Hàng Tùy tín hành, Tùy pháp hành, tâm thiện hữu lậu, tâm vô phú vô hãy còn không cho chúng hiện hành, huống nữa là phiền não, thế nên không nói.

Hỏi: Trong thân của hàng Dự lưu, Nhất lai cái nghi đã đoạn, cái ố tác tuy chưa đoạn nhưng lại không hiện hành. Vì sao nói các vị kia trụ nhiều, năm cái đoạn dần, lại nói là có thể hiện hành?

Đáp: Văn trước nên nói như vầy: Học trụ nhiều, các cái đoạn dần. Không nên nói năm, nhưng nói năm, vì sự việc đoạn trừ có năm: Tham dục, sân giận, thùy miên, hôn trầm, trạo cử.

Có thuyết nói: Trước đoạn, nay đoạn, nên nói chung là đoạn năm. Như nói đoạn năm kiết thuận phần dưới đắc quả Bất hoàn.

Trụ nhiều: Nghĩa là thường xuyên trụ.

Hỏi: Đoạn, lìa, hàng phục, từ bỏ có gì khác nhau?

Đáp: Có thuyết nói: Không khác nhau, vì cùng làm sáng tỏ việc đoạn trừ.

Có thuyết cho: Cũng có khác nhau. Nghĩa là đoạn dứt trói buộc kia nên gọi là đoạn. Lìa được sự trói buộc ấy nên gọi là lìa. Khiến không hiện hành nên gọi là hàng phục. Chán nghịch với sự trói buộc nên gọi là từ bỏ.

Lại nữa, dựa nơi đạo vô gián nên gọi là đoạn. Dựa nơi đạo giải thoát nên gọi là lìa. Hai thứ này là dựa nơi sự đoạn trừ vĩnh viễn để nói. Dựa nơi gia hạnh gần nên gọi là hàng phục. Dựa nơi gia hạnh xa nên gọi là từ bỏ. Hai thứ này là dựa nơi đoạn trừ tạm thời để nói.

Lại nữa, dựa nơi đạo vô gián nói là đoạn. Dựa nơi đạo giải thoát nói là lìa. Hai thứ này là dựa nơi chánh đoạn để nói. Dựa nơi đạo gia hạnh nói là hàng phục. Dựa nơi đạo thắng tấn nói là từ bỏ. Hai thứ này là dựa nơi trợ đoạn để nói.

Lại nữa, đoạn là dựa vào đối trị đoạn để nói. Lìa là dựa vào đối trị nắm giữ để nói. Hàng phục là dựa vào đối trị phần xa để nói. Từ bỏ là dựa vào đối trị chán hoại để nói.

Đó là chỗ khác nhau của đoạn, lìa, hàng phục, từ bỏ.

***

* Như nói: Bí-sô! Pháp San Độ Sa nên Tỳ-nại-da San Độ Sa.

Tỳ-nại-da San Độ Sa nên pháp San Độ Sa. Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Vị lai có các Bí-sô không tu thân giới tâm tuệ. Các vị kia không tu thân giới tâm tuệ: Là pháp San Độ Sa, cho đến nói rộng. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt: Thế nào là Tỳ-nại-da? Thế nào là pháp San Độ Sa? Cho đến nói rộng. Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận nay, những gì Kinh ấy không nói nay đều nên nêu bày. Vì vậy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là pháp?

Đáp: Là tám chi Thánh đạo.

Hỏi: Thế nào là Tỳ-nại-da?

Đáp: Là diệt trừ tham, sân, si.

Hỏi: Thế nào là pháp San Độ Sa nên Tỳ-nại-da San Độ Sa. Tỳnại-da San Độ Sa nên pháp San Độ Sa?

Đáp: Nếu khi ở nơi tám chi Thánh đạo không tu tập thì Hành giả đối với việc diệt trừ tham sân si không thể tác chứng. Nếu khi đối với việc diệt trừ tham sân si không thể tác chứng thì Hành giả kia đối với tám chi Thánh đạo không thể tu tập. Do nhân duyên ấy nên nói như thế.

Trong đây, từ San Độ Sa: Có thuyết nói: Là hiển bày về biết đủ. Có thuyết cho: Là hiển bày về hủy hoại.

Nếu nói hiển bày về biết đủ, thì thuyết kia nói: Thế nào là pháp San Độ Sa nên Tỳ-nại-da San Độ Sa? Nghĩa là đối với kiến đạo sinh biết đủ, nên liền đối với tu đạo không thể tu tập. Nếu khi ở nơi tu đạo không thể tu tập, tức đối với các phiền não do tu đạo đoạn không thể tác chứng. Như vậy pháp San Độ Sa nên Tỳ-nại-da San Độ Sa. Thế nào là Tỳ-nại-da San Độ Sa nên pháp San Độ Sa? Nghĩa là đối với phiền não do kiến đạo đoạn sinh biết đủ, nên liền đối với phiền não do tu đạo đoạn không thể tác chứng. Nếu khi đối với phiền não do tu đạo đoạn không thể tác chứng, tức ở nơi tu đạo không thể tu tập. Như vậy Tỳ-nại-da San Độ Sa nên pháp San Độ Sa.

Nếu nói hiển bày về hủy hoại, thì thuyết kia nói: Do hủy hoại Thánh đạo nên đối với việc diệt trừ tham sân si không thể tác chứng, nên nói pháp San Độ Sa nên Tỳ-nại-da San Độ Sa. Do hủy hoại việc diệt trừ tham sân si, nên liền ở nơi Thánh đạo không thể tu tập, nên nói Tỳ-nại-da San Độ Sa nên pháp San Độ Sa.

Hỏi: Thánh đạo cùng với diệt không có lỗi lầm, không thể hủy hoại. Vì sao nói hủy hoại Thánh đạo, hủy hoại diệt?

Đáp: Hủy hoại sự nối tiếp kia nên nói là hủy hoại. Tự thể của pháp kia không phải thật sự có thể hủy hoại. Nghĩa là do phiền não hiện tiền nên hủy hoại sự nối tiếp. Do hủy hoại sự nối tiếp khiến Thánh đạo chuyển xa. Do Thánh đạo chuyển xa, nên đối với việc diệt trừ tham sân si không thể tác chứng, nên nói là hủy hoại.

Như Khế kinh nói: Đây là pháp. Đây là Tỳ-nại-da. Đây là Đại sư dạy.

Hỏi: Ba thứ ấy có gì khác nhau?

Đáp: Pháp là tám chi Thánh đạo. Tỳ-nại-da là diệt trừ tham sân si. Đại sư dạy là lời Phật nói.

Có thuyết nói: Pháp là tạng A-tỳ-đạt-ma. Tỳ-nại-da là tạng Tỳnại-da. Đại sư dạy là tạng Tố-đát-lãm. Đó gọi là chỗ khác nhau của ba thứ trên.

***

* Như nói: Pháp tùy pháp hành, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Pháp tùy pháp hành. Khế kinh tuy nói như vậy nhưng không phân biệt: Thế nào là pháp? Thế nào là tùy pháp? Thế nào là pháp tùy pháp hành? Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận nay, những gì Kinh ấy không nói nay nên nêu bày. Vì thế nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là pháp?

Đáp: Là Niết-bàn tịch diệt.

Hỏi: Thế nào là tùy pháp?

Đáp: Là tám chi Thánh đạo.

Hỏi: Thế nào là pháp tùy pháp hành?

Đáp: Nếu ở trong ấy theo nghĩa mà hành. Đó là vì cầu đạt Niếtbàn, nên tu tập tám chi Thánh đạo, nên gọi là pháp tùy pháp hành. Có thể an trụ nơi đấy, gọi là người hành pháp tùy pháp hành.

Hỏi: Vì sao Niết-bàn riêng gọi là pháp? Tám chi Thánh đạo gọi là tùy pháp?

Đáp: Vì ở trong các pháp Niết-bàn là tối thắng. Sinh lão bệnh tử không thể xâm lấn được, nên riêng được gọi là pháp. Tám chi Thánh đạo là tiếp theo Niết-bàn, là thuận theo Niết-bàn, như đại thần của vua, nên gọi là tùy pháp. Thế nên Khế kinh nói: Trong tất cả các pháp Niết-bàn là tối thắng. Trong tất cả pháp hữu vi Thánh đạo là tối thắng. Nhưng Tôn giả Xá-lợi-tử trong Kinh Tán Học nói: Cụ thọ! Tùy pháp của pháp, đó là lìa trói buộc. Trong kinh ấy Thánh đạo gọi là pháp, Niết-bàn gọi là tùy pháp. Là do trước được Thánh đạo, sau chứng Niết-bàn. Kinh trước dựa vào thứ lớp hơn kém để làm rõ pháp, tùy pháp. Kinh sau dựa vào thứ lớp chứng đắc để làm rõ pháp, tùy pháp.

Lại nữa, biệt giải thoát gọi là pháp. Luật nghi biệt giải thoát gọi là tùy pháp. Nếu ở trong ấy theo nghĩa mà hành gọi là pháp tùy pháp hành. Nghĩa là vì cầu biệt giải thoát nên thọ luật nghi biệt giải thoát. Được rồi, theo đấy giữ gìn không có hủy phạm gọi là pháp tùy pháp hành. Có thể an trụ trong ấy gọi là người hành pháp tùy pháp hành.

Lại nữa, thân luật nghi, ngữ luật nghi, mạng thanh tịnh, gọi là pháp. Thọ nhận các thứ ấy gọi là tùy pháp. Nếu ở trong ấy theo nghĩa mà hành gọi là pháp tùy pháp hành. Nghĩa là vì cầu thân ngữ luật nghi, mạng thanh tịnh, nên thọ nhận và thọ nhận rồi theo đấy giữ gìn, gọi là pháp tùy pháp hành. Có thể an trụ trong đó gọi là người hành pháp tùy pháp hành.

Hỏi: Thân ngữ luật nghi, mạng thanh tịnh tức là thuộc về luật nghi biệt giải thoát, vì sao lại nói lần nữa?

Đáp: Trước là nói không phân biệt, nay là nói có phân biệt.

Trước là nói chung, nay là nói riêng.

Có thuyết nói: Trước là luật nghi gồm thâu thuộc về hành diệu, không phải thuộc về lìa luật nghi. Nay là luật nghi gồm thâu thuộc về hành diệu cũng thuộc về lìa luật nghi.

Có thuyết cho: Trước là làm rõ về đối tượng phát khởi, nay là làm rõ về chủ thể phát khởi. Trước là che chở đối tượng phát khởi, nên che chở chủ thể phát khởi. Nay là che chở chủ thể phát khởi, nên che chở đối tượng phát khởi.

Có thuyết nêu: Trước là che chở đối với quả, nên theo đó che chở đối với nhân. Nay là che chở đối với nhân, nên theo đó che chở đối với quả. Như nhân – quả, chủ thể tạo tác – đối tượng tạo tác cũng như vậy.

Trong đây, giới biểu biệt giải thoát và niệm vô biểu thứ nhất là Thi la, là luật nghi, là hành diệu, là Bát-la-để-mộc-xoa, là Bátla-để-mộc-xoa luật nghi, là nghiệp, là nghiệp đạo. Vô biểu sau đấy là Thi la, là luật nghi, là hành diệu, là Bát-la-để-mộc-xoa luật nghi, không phải là Bát-la-để-mộc-xoa, không phải là giải thoát thứ nhất, nên là nghiệp, không phải là nghiệp đạo. Tư duy rốt ráo không ở nơi đây chuyển.

Như nói: Này Cụ thọ! Ta nay sẽ nói về Bát-la-để-mộc-xoa, các ông phải lắng nghe kỹ. Trong đây, pháp gì gọi là Bát-la-để-mộc-xoa? Là Thi la hay là người thuyết giới nói. Nếu là Thi la vị kia không thể nói, vì sao nói: Ta sẽ nói về Bát-la-để-mộc-xoa? Nếu là người thuyết giới nói thì vị ấy hoặc do tâm thiện nói, hoặc do tâm bất thiện, vô ký nói. Và nơi Tỳ-nại-da nói làm sao thông? Như nói: Bát-la-để-mộcxoa là đầu, là đứng đầu , đi trước nơi các pháp thiện.

Có thuyết nói: Là Thi la.

Hỏi: Thi la không thể nói, vì sao nói: Ta sẽ nói?

Đáp: Dựa vào nhân lần lượt nên gọi là nói, như pháp của con cháu. Nghĩa là lời nói có thể phát khởi danh, danh có thể hiển bày nghĩa.

Có thuyết nói: Là người thuyết giới nói.

Hỏi: Vị kia hoặc do tâm thiện nói, hoặc do tâm bất thiện, vô ký nói. Vì sao nói là đầu, đứng đầu, đi trước nơi các pháp thiện?

Đáp: Tỳ-nại-da kia là dựa vào nhân không bị chướng ngại, cho nên nói như thế. Nghĩa là người thuyết giới tùy theo tâm nào để nói. Người nghe nếu có thể theo như đã nói tu hành, tức đều có thể cùng với tất cả công đức kia tạo nhân không chướng ngại. Nên Bát-la-đểmộc-xoa là đầu, đứng đầu, đi trước nơi các pháp thiện.

HẾT – QUYỂN 181