LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 179

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ BẤT HOÀN, phần 6

Hỏi: Nguyện trí là do gia hạnh được hay là do lìa nhiễm được?

Đáp: Có khi do gia hạnh được. Có khi do lìa nhiễm được.

Trong đây: Có thuyết nói: Phật do lìa nhiễm được khi đắc tận trí. Thanh văn, Độc giác do gia hạnh được. Do gia hạnh nên hiện tiền.

Có thuyết cho: Phật và Độc giác đều do lìa nhiễm được khi đắc tận trí. Thanh văn do gia hạnh được. Do gia hạnh nên hiện tiền.

Có thuyết nêu: Phật, Độc giác và Thanh văn đạt đến cứu cánh đều do lìa nhiễm được khi đắc tận trí. Còn Thanh văn khác do gia hạnh nên được. Do gia hạnh nên hiện tiền.

Nên nói như vầy: Nếu quyết định có thể đạt được thì chư vị kia lìa nhiễm được khi đắc tận trí. Sau tạo gia hạnh mới hiện tiền. Phật không do gia hạnh, Độc giác gia hạnh bậc hạ, Thanh văn hoặc bậc trung hoặc bậc thượng. Nhưng có nguyện trí do gia hạnh của định biên vực nên được. Do gia hạnh nên hiện tiền.

Hỏi: Gia hạnh của nguyện trí này như thế nào?

Đáp: Dùng tất cả địa và định biên vực làm gia hạnh. Nghĩa là người tu hành khi sắp khởi nguyện trí này, trước khởi tâm thiện của cõi dục, kế đến là tâm ấy không gián đoạn nhập tĩnh lự thứ nhất, tiếp theo là nhập tĩnh lự thứ hai, thứ lớp cho đến nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Từ Phi tưởng phi phi tưởng xứ khởi trở lại nhập Vô sở hữu xứ, thứ lớp cho đến nhập tĩnh lự thứ nhất. Từ tĩnh lự thứ nhất khởi lại nhập tĩnh lự thứ hai, thứ lớp cho đến nhập tĩnh lự thứ tư. Vị kia đã ở nơi tất cả đẳng chỉ của địa trên dưới, tuần hoàn nhập xuất như thế khiến hết sức điều thuận nơi tĩnh lự thứ tư rồi, lại ở nơi tĩnh lự thứ tư, từ hạ nhập trung, từ trung nhập thượng. Như vậy, phẩm thượng gọi là biên vực nơi tĩnh lự thứ tư. Từ đây, theo thứ lớp dẫn khởi nguyện trí.

Thế nên Tôn giả Thế Hữu nói như vầy: Các A-la-hán vì tạo nhiều lợi ích cho kẻ khác, nên ở nơi địa trên dưới tuần hoàn nhập xuất khiến được nhuần nhuyễn thuận theo tĩnh lự thứ tư. Nếu khi gia hạnh thông suốt không ngưng trệ, bấy giờ gọi là gia hạnh thành tựu viên mãn. Từ đấy có thể dẫn khởi nguyện trí hiện tiền.

Đại đức nói: Ở trong vô gián diệt, vô gián khởi cùng câu sinh đều nhận biết rõ phương tiện. Nếu khi gia hạnh thông suốt không ngưng trệ, khi ấy gọi là gia hạnh thành tựu viêm mãn. Từ đấy có thể dẫn khởi nguyện trí hiện tiền.

Hỏi: Trí túc trụ tùy niệm cùng với nguyện trí duyên nơi quá khứ có gì sai biệt?

Đáp: Tên gọi tức đã khác. Nghĩa là đây gọi là trí túc trụ tùy niệm, đây gọi là nguyện trí duyên nơi quá khứ.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm nhận biết về năm uẩn hữu lậu đời trước, còn nguyện trí này thì nhận biết các uẩn hữu lậu vô lậu.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm nhận biết năm uẩn đời trước nơi cõi dục, cõi sắc, còn nguyện trí này thì nhận biết các uẩn thuộc ba cõi và không hệ thuộc.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm nhận biết cộng tướng của các uẩn, còn nguyện trí này nhận biết tự tướng và cộng tướng của các uẩn.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm nơi pháp này có, nơi ngoại pháp cũng có, còn nguyện trí này chỉ ở nơi pháp này có.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm hàng phàm phu có, bậc Thánh cũng có, còn nguyện trí này chỉ bậc Thánh có.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm hàng hữu học, vô học, phi học phi vô học đều có, còn nguyện trí này chỉ hàng vô học mới có.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm trong sự nối tiếp của các bậc thời giải thoát, bất thời giải thoát đều có, còn nguyện trí này chỉ trong sự nối tiếp của bậc bất thời giải thoát mới có.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm dựa vào bốn tĩnh lự căn bản, còn nguyện trí này chỉ dựa vào tĩnh lự căn bản thứ tư.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm chung cho từng được, chưa từng được, từng hành tập, chưa từng hành tập, chung và không chung, còn nguyện trí này chỉ là chưa từng được, chưa từng hành tập, không chung.

Lại nữa, trí túc trụ tùy niệm khi mới dẫn phát chỉ có thể sinh khởi tùy niệm theo thứ lớp từng đời, về sau, khi thành mãn, hoặc sinh tùy niệm theo thứ lớp từng đời, hoặc vượt qua trăm đời, ngàn đời, theo chỗ mong muốn đều có thể tùy niệm. Còn nguyện trí này khi mới dẫn phát và khi thành mãn thì hoặc theo thứ lớp, hoặc siêu vượt thứ lớp, theo như chỗ nguyện đều nhận biết như thật.

Lại nữa, nguyện trí này chỉ ở nơi cảnh thuộc đối tượng nhận biết của trí túc trụ tùy niệm chuyển, tức có sáu sự việc hơn: 1. Rực rỡ hơn. 2. Tăng thượng hơn. 3. Vi diệu hơn. 4. Thanh tịnh hơn. 5. Minh bạch hơn. 6. Mau chóng hơn, huống chi là nhiều thứ khác.

Đó gọi là trí túc trụ tùy niệm và nguyện trí duyên nơi quá khứ khác nhau.

Hỏi: Tha tâm trí và nguyện trí duyên nơi hiện tại có những gì sai biệt?

Đáp: Tên gọi tức khác nhau. Nghĩa là đây gọi là tha tâm trí, đây gọi là nguyện trí duyên nơi hiện tại.

Lại nữa, tha tâm trí duyên nơi một vật làm cảnh, còn nguyện trí này duyên nơi một vật hoặc nhiều vật làm cảnh.

Lại nữa, tha tâm trí duyên nơi cảnh của tự tướng, còn nguyện trí này duyên nơi cảnh của tự tướng, cộng tướng.

Lại nữa, tha tâm trí duyên nơi sự nối tiếp của người khác, còn nguyện trí này duyên nơi sự nối tiếp của mình và người khác.

Lại nữa, tha tâm trí duyên nơi tâm tâm sở pháp, còn nguyện trí này duyên nơi năm uẩn.

Lại nữa, tha tâm trí dựa vào bốn tĩnh lự căn bản, còn nguyện trí này chỉ dựa vào tĩnh lự căn bản thứ tư.

Lại nữa, tha tâm trí nơi pháp này có, nơi ngoại pháp cũng có, còn nguyện trí này chỉ ở nơi pháp này có.

Lại nữa, tha tâm trí thì hàng phàm phu có, bậc Thánh cũng có, còn nguyện trí này thì chỉ bậc Thánh mới có.

Lại nữa, tha tâm trí thì hàng hữu học, vô học, phi học phi vô học đều có, còn nguyện trí này thì chỉ hàng vô học mới có.

Lại nữa, tha tâm trí thì trong sự nối tiếp của bậc thời giải thoát, bất thời giải thoát đều có, còn nguyện trí này thì chỉ trong sự nối tiếp của bậc bất thời giải thoát mới có.

Lại nữa, tha tâm trí chung cho cả từng được, chưa từng được, từng hành tập, chưa từng hành tập, chung và không chung, còn nguyện trí này chỉ là chưa từng được, chưa từng hành tập, không chung.

Lại nữa, tha tâm trí là hữu lậu, vô lậu, còn nguyện trí này chỉ là hữu lậu.

Lại nữa, tha tâm trí duyên với pháp thuộc cõi dục, cõi sắc và không hệ thuộc làm cảnh, còn nguyện trí này duyên với pháp thuộc ba cõi và không hệ thuộc làm cảnh.

Lại nữa, nguyện trí này chỉ đối với cảnh được nhận biết của tha tâm trí chuyển, tức có sáu sự việc hơn: Nghĩa là rực rỡ hơn v.v… như đã nói ở trước, huống chi là nhiều thứ khác.

Đó gọi là tha tâm trí và nguyện trí duyên nơi hiện tại khác nhau.

Hỏi: Thế nào là nguyện trí có thể nhận biết vị lai?

Đáp: Có thuyết nói: Dùng quá khứ, hiện tại so sánh để nhận biết vị lai. Ví như nông phu đã gieo giống rồi thì so sánh để nhận biết nhất định có quả sinh như thế. Sự việc kia cũng như vậy.

Có thuyết cho: Nếu như vậy thì nguyện trí nên là trí tỷ lượng, không phải là trí hiện ượng.

Nên nói như vầy: Nguyện trí này không đợi quán nhân nhưng có thể nhận biết quả, không đợi quán quả nhưng có thể nhận biết nhân, thế nên trí này là trí hiện ượng, không phải là trí tỷ lượng.

Hỏi: Thế nào là nguyện trí nhận biết cõi vô sắc?

Đáp: Có thuyết nói: Do quán đẳng lưu và hành có sai biệt. Như xem người đi đường thì nhận biết nơi họ đến.

Có thuyết cho: Nếu như vậy thì nguyện trí nên là trí tỷ lượng, không phải là trí hiện lượng.

Nên nói như vầy: Nguyện trí này không quán nhân nhưng nhận biết quả, không quán quả nhưng nhận biết nhân, nên trí ấy là trí hiện lượng, không phải là trí tỷ lượng. Nhưng hàng Thanh văn, Độc giác còn có những lỗi lầm của tập khí còn sót, nên đối với cảnh đã nguyện cầu gia hạnh mới nhận biết. Như Lai thì mọi lỗi lầm của tập khí còn sót đều vĩnh viễn đoạn dứt, nên đối với chỗ nguyện khởi tâm là nhận biết.

Hỏi: Nguyện trí của Đức Thế Tôn làm sao có thể nhận biết tướng của tâm nơi tất cả hữu tình có sai biệt?

Đáp: Có thuyết nói: Điều này chẳng nên nêu hỏi. Vì sao? Vì đó là cảnh giới không thể nghĩ bàn của chư Phật.

Có thuyết cho: Trước đã có lượng xét nên nay có thể nhận biết.

Có thuyết nêu: Do dùng một phần đã nhận biết về tâm tướng của hữu tình có sai biệt, theo loại để nhận biết phần còn lại. Như khi thế giới hoại, hữu tình phần nhiều đều sinh nơi trời Cực quang, nơi cõi ấy lần hồi hỏi về các sự việc đời trước, sau đó dùng trí túc trụ tùy niệm nhận biết. Đức Phật cũng như vậy.

Có thuyết nói: Đức Phật đối với pháp duyên khởi khéo thông đạt nên nhận biết.

Có thuyết nêu: Đức Phật đối với nguyện trí được tự tại nên nhận biết.

Có thuyết cho: Đức Phật đối với nghiệp của chính mình khéo thông tỏ nên nhận biết.

Có thuyết nói: Đức Phật đối với đẳng lưu luôn khéo thấu đạt nên nhận biết.

Có thuyết cho: Đức Phật đối với các hành khác nhau khéo thông suốt nên nhận biết.

Tôn giả nói: Đức Phật đối với cảnh giới tâm của hữu tình muốn nhận biết liền nhận biết không nhờ vào gia hạnh, không nên nêu hỏi nhiều. Do khi mới chứng đắc Chánh đẳng Chánh giác vô thượng thì chủng loại trí này đều đã đạt được.

Hỏi: Do duyên gì nên phát khởi nguyện trí như thế?

Đáp: Vì tạo lợi ích cho kẻ khác. Nghĩa là trước khi khởi nguyện trí nên quán xét ý lạc có sai biệt của hữu tình, sau đó tùy chỗ ứng hợp tạo sự việc lợi ích. Ví như lương y trước xem tướng sai biệt của người bệnh, sau đấy mới cho thuốc.

Hỏi: Nguyện trí nên nói là thiện hay là vô ký?

Đáp: Hoặc là thiện, hoặc là vô ký.

Trong đó: Có thuyết nói: Nguyện trí chỉ là một. Nghĩa là ở tĩnh lự thứ tư chỉ là thiện.

Có thuyết cho: Nguyện trí có hai. Nghĩa là ở tĩnh lự thứ tư và cõi dục đều chỉ là thiện.

Có thuyết nêu: Nguyện trí có ba. Nghĩa là ở tĩnh lự là thiện, ở cõi dục là thiện, vô ký.

Có thuyết nói: Nguyện trí có năm. Nghĩa là ở bốn tĩnh lự và cõi dục đều chỉ là thiện.

Có thuyết cho: Nguyện trí có sáu. Nghĩa là ở bốn tĩnh lự là thiện, ở cõi dục là thiện, vô ký.

Có thuyết nêu: Nguyện trí có bảy. Nghĩa là ba tĩnh lự trên là thiện, tĩnh lự thứ nhất và cõi dục đều là thiện, vô ký.

Có thuyết nói: Nguyện trí có mười. Nghĩa là bốn tĩnh lự và cõi dục, mỗi nơi đều là thiện, vô ký.

Nên nói như vầy: Nên biết như trước nói sáu là đúng.

Hỏi: Nguyện trí chỉ ở nơi tĩnh lự thứ tư, lại chỉ là thiện, vì sao lại nói ở bốn tĩnh lự là thiện, ở cõi dục là thiện, vô ký?

Đáp: Nguyện trí thật sự là ở tĩnh lự thứ tư và chỉ là thiện. Nhưng ở đây là dựa vào mật ý để nói: Nguyện trí và sau nguyện trí đồng duyên khởi nói là trí đều gọi là nguyện trí. Sự việc ấy như thế nào? Nghĩa là các Sư Dù già trước dựa vào tĩnh lự thứ tư phát khởi nguyện trí nhận biết pháp của đối tượng nhận thức, tức là duyên với pháp ấy nhập tĩnh lự thứ ba. Thứ lớp cho đến tức duyên với pháp ấy khởi tâm thiện của cõi dục. Từ đó không gián đoạn tức duyên với pháp ấy khởi tâm thiện hoặc tâm vô ký của cõi dục, nói là pháp của đối tượng nhận biết, trong đó hoặc căn bản, hoặc khởi sau đều gọi là nguyện trí. cho nên nói hoặc là thiện, hoặc là vô ký.

***

* Thế nào là hành vô tránh? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Trong các đệ tử của Ta, Bí-sô Thiện Hiện là người trụ nơi hành vô tránh bậc nhất. Khế kinh tuy nói như vậy nhưng không biện giải rộng: Thế nào là hành vô tránh? Vô tránh gọi là pháp gì? Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì Kinh kia không nói thì nay nên nêu bày, vì vậy tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là hành vô tránh?

Đáp: Tất cả A-la-hán khéo thông đạt nội thời, còn ngoại thời thì không như vậy. Nếu cũng khéo thông đạt ngoại thời thì gọi là hành vô tránh.

Thế nào là nội thời? Nghĩa là phiền não hiện có trong sự nối tiếp của chính mình.

Thế nào là ngoại thời? Nghĩa là phiền não hiện có trong sự nối tiếp của kẻ khác.

Ngăn chận phiền não ấy gọi là khéo thông đạt. Tất cả A-la-hán đối với phiền não hiện có trong sự nối tiếp của chính mình đều đã ngăn chận, đoạn dứt. Còn đối với phiền não hiện có trong sự nối tiếp của kẻ khác thì không quyết định. Nếu cũng có thể ngăn chận gọi là hành vô tránh.

Có thuyết nói: Thời nghĩa là ba thời, là đầu ngày, giữa ngày và cuối ngày. Trong ba thời ấy chế ngự các phiền não thì gọi là khéo thông đạt. Tất cả A-la-hán đối với phiền não của ba thời nối tiếp nơi thân mình đều đã chế ngự, đoạn dứt. Còn đối với phiền não của ba thời nối tiếp nơi thân kẻ khác thì không quyết định. Nếu cũng có thể chế ngự thì gọi là hành vô tránh.

Có thuyết cho: Thời nghĩa là sáu thời, tức ngày đêm đều có ba thời. Chế ngự các phiền não trong sáu thời ấy gọi là khéo thông đạt. Tất cả A-la-hán đối với phiền não nơi sáu thời trong sự nối tiếp của mình đều đã chế ngự, đoạn dứt. Còn đối với phiền não nơi sáu thời trong sự nối tiếp của kẻ khác thì không quyết định. Nếu cũng có thể chế ngự thì gọi là hành vô tránh.

Tôn giả Diệu Âm nói: Không phải cho là không có phiền não gây rắc rối trong sự nối tiếp của mình nên gọi là hành vô tránh. Chỉ do có thể chế ngự phiền não gây rắc rối trong sự nối tiếp của kẻ khác nên gọi là hành vô tránh. Vì sao? Vì tránh (tranh cãi) là đối với kẻ khác không phải đối với chính mình.

Hỏi: Vì sao ngăn chận, chế ngự phiền não gọi là khéo thông đạt?

Đáp: Chính là do giác tuệ hiện tiền làm phương tiện mới có thể ngăn chận chế ngự phiền não nơi mình và người khác, nên gọi là khéo thông đạt.

Hỏi: Vô tránh gọi là pháp gì?

Đáp: Là khiến cho sự nối tiếp của kẻ khác chuyển biến không uế tạp. Nghĩa là các phiền não có thể làm thấm đậm các thứ uế tạp cấu bẩn. Người được vô tránh là không bị các thứ uế tạp cấu bẩn của phiền não trong sự nối tiếp nơi kẻ khác làm cho thấm đậm. Tức là nghĩa xa lìa các phiền não trong sự nối tiếp của kẻ khác.

Có thuyết nói: Văn này nên nói như vầy: Đối với sự nối tiếp của kẻ khác hoàn toàn không còn chuyển biến. Nghĩa là người được vô tránh, như đối với phiền não trong sự nối tiếp của chính mình đã vĩnh viễn đoạn dứt không còn sót, như vậy đối với phiền não trong sự nối tiếp của kẻ khác cũng có thể ngăn chận, chế ngự một cách trọn vẹn. Tức là nghĩa ngăn chận khắp mọi sự tương tục nơi thân kẻ khác khiến khởi các phiền não kia.

Có thuyết cho: Văn này nên nói như thế này: Đối với sự nối tiếp của kẻ khác không có chuyển biến sai khác. Nghĩa là người được vô tránh, như có thể ngăn chận phiền não trong sự nối tiếp của người thân khiến chúng không sinh như thế cũng có thể ngăn chận phiền não trong sự nối tiếp của kẻ oán và hạng giữa khiến chúng không khởi. Tức là ngăn chận chế ngự bình đẳng các phiền não trong sự nối tiếp của kẻ khác.

Hỏi: Khéo thông đạt ngoại thời và chuyển biến không còn uế tạp có gì sai biệt?

Đáp: Khéo thông đạt ngoại thời là tuệ, còn chuyển biến không còn uế tạp là phiền não không khởi.

Lại nữa, A-la-hán kia hành năm thứ pháp khiến cho phiền não trong sự nối tiếp của kẻ khác không khởi. Những gì là năm? Đó là: 1. Đường oai nghi thanh tịnh. 2. Đúng lúc nên nói hay im lặng. 3. Khéo lượng thời gian đi và ở. 4. Phân biệt nên thọ nhận hay không nên thọ nhận. 5. Quán xét Bổ-đặc-già-la.

Đường oai nghi thanh tịnh: Nghĩa là A-la-hán kia trước an tọa một chỗ, nếu có người khác đến thì quán xét tâm ý, nên dùng oai nghi nào khiến kẻ ấy không khởi phiền não. Nếu biết do đấy khiến kẻ kia phiền muộn tức nên bỏ, trụ vào oai nghi khác. Nếu không có gì phiền phức thì vẫn giữ tư thế cũ. Oai nghi khác cũng vậy.

Đúng lúc nên nói hay im lặng: Nghĩa là A-la-hán kia khi thấy kẻ khác đến thì quán xét tâm ý họ, nên nói hay nên im lặng? Quán xét rồi, thấy nói chỉ khiến họ bực bội, thì tuy hết sức muốn nói cũng nên im lặng. Nếu thấy do im lặng đã gây bực bội cho họ, thì tuy không muốn nói cũng nên nói. Nếu khi đi trên đường thấy hai người đi tới, thì quán xét xem ai là người mình nên nói trước. Quán rồi, nếu thấy khi cùng với người này nói, người kia khởi phiền não, tức cùng với người kia nói. Cùng với người kia cũng như vậy. Nếu cùng với cả hai cùng nói đều khiến cả hai khởi phiền não tức nên im lặng. Cùng với cả hai im lặng cũng như vậy. Nếu nói hoặc im lặng cùng khiến khởi phiền não, tức nên tránh qua ngả khác để khỏi gây phiền não.

Khéo lượng thời gian đi, ở: Nghĩa là A-la-hán kia tùy nơi chốn mình ở, tức nên quán xét: Ta nên ở hay nên đi? Nếu thấy khi ở đó khiến kẻ khác khởi phiền não thì nên bỏ đi, tuy xứ ấy an ổn, vật dụng dồi dào, tùy thuận phẩm thiện. Nếu thấy do ra đi khiến kẻ khác khởi phiền não thì cương quyết ở, tuy nơi ấy không an ổn, vật dụng thiếu thốn, không thuận phẩm thiện.

Phân biệt nên thọ nhận hay không nên thọ nhận: Nghĩa là A-lahán kia nếu có thí chủ đem các thứ vật dụng đến cúng thí thì nên quán xét tâm ý họ rồi mới nên nhận hay không nên nhận. Quán xét rồi, nếu thấy thọ nhận khiến kẻ kia khởi phiền não thì tuy là vật rất cần vẫn không nhận. Nếu thấy không thọ nhận khiến kẻ kia khởi phiền não thì tuy là vật dụng không cần thiết vẫn nên nhận.

Quán xét Bổ-đặc-già-la: Nghĩa là A-la-hán kia khi khất thực, sắp vào làng xóm, thôn ấp có nhiều nhà cửa, nên quán xét người nam kẻ nữ lớn nhỏ trong đó, có ai vì ta mà khởi các phiền não. Nếu biết không khởi thì nên vào khất thực. Nếu biết khiến họ khởi phiền não thì không nên vào khất thực, tuy đang hết sức đói khát, vì không có sự việc như thế để phân biệt. Giả sử tất cả hữu tình nhân thấy ta nên khởi phiền não, thì ta liền đi đến một nơi không có hữu tình, đoạn thực mà chết, trọn không khiến kẻ khác nhân nơi ta khởi phiền não.

A-la-hán kia tu hành năm thứ hành pháp như vậy, tức có thể ngăn chận các phiền não trong sự nối tiếp của kẻ khác khiến chúng không hiện tiền.

Hỏi: Vì sao A-la-hán đã được giải thoát lại còn tu pháp tự trói buộc này?

Đáp: Vì A-la-hán ấy, trước là chủng tánh Bồ-tát, không chịu đựng nổi sự việc hữu tình tạo ác chiêu cảm quả khổ. Vì luôn muốn cứu vớt họ, nên luôn khởi niệm như vầy: Ta từ vô thỉ đến nay cùng với các hữu tình cùng khởi những triền phược, luân hồi nơi năm nẻo, chịu các khổ dữ. Ta may được thoát khỏi nên phải cứu vớt họ. Lại khởi suy nghĩ: Ta từ vô thỉ đến nay, hoặc làm ca kỹ, hoặc làm dâm nữ, thân thể uế tạp, trăm ngàn chúng sinh đối với ta khởi phiền não, hãy còn do đấy nên trong đêm dài sinh tử thọ khổ, huống chi nay ta đã lìa tham, giận, si, làm phước điền cho thế gian, đối với ta khởi phiền não nhưng không chiêu cảm khổ, thế nên ta nay không nên tạo nhân duyên của phiền não nữa. Vì thế bậc A-la-hán tuy tự mình đã giải thoát, nhưng vì hữu tình nên khởi hành vô tránh.

Hỏi: Sự việc kia là ngăn chận phiền não nơi tự tướng của kẻ khác hay là cộng tướng?

Đáp: Chỉ tự tướng là có thể ngăn chận, không phải là cộng tướng. Vì sao? Vì phiền não của cộng tướng tùy chỗ thích ứng, một lúc duyên chung nơi một giới, một địa, một xứ, một loại, một thân có được chấp ngã, ngã sở, hoặc chấp đoạn, thường, hoặc bác bỏ cho là không, hoặc chấp cho là bậc nhất, hoặc chấp là có thể đạt thanh tịnh, hoặc khởi do dự, do vô minh không hiểu rõ tất cả hữu tình luôn tự nhiên khởi lên, không thể ngăn chận. Thế nên chỉ ngăn chận phiền não của tự tướng.

Hỏi: Tự tánh của hành vô tránh là gì? Là định hay là tuệ? Nếu nêu như vậy thì có lỗi gì? Nếu là định thì văn ở đây nói làm sao thông? Như nói: Khéo thông đạt ngoại thời gọi là hành vô tránh, nhưng khéo thông đạt là tuệ. Nếu là tuệ thì những điều nơi khác nêu làm sao thông? Như nói: Nên hành tập định tĩnh vô tránh.

Đáp: Nên nói là tuệ.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao nói nên hành tập định tĩnh vô tránh?

Đáp: Văn ấy đáng lẽ nói: Nên hành tập tuệ tĩnh vô tránh, nhưng đã nói: Nên hành tập định tĩnh vô tránh, là vì muốn hiển bày cùng với định kết hợp nên nói là định, nhưng thật sự là tuệ. Đó gọi là tự tánh của vô tránh. Như tự tánh, thì ngã vật v.v… cũng như thế.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là hành vô tránh?

Đáp: Hành này có thể đối trị sự tranh cãi do phiền não của kẻ khác, nên gọi là hành vô tránh. Nhưng tranh cãi có ba: 1. Tranh cãi của phiền não. 2. Tranh cãi của uẩn. 3. Tranh cãi của đánh nhau.

Tranh cãi của phiền não: Là một trăm lẻ tám phiền não.

Tranh cãi của uẩn: Là chết.

Tranh cãi của đánh nhau: Là các hữu tình cùng dùng lời lẽ chống đối, ức hiếp, hủy nhục. Nên biết ở đây nói tranh cãi của phiền não là nhằm ngăn chận hữu tình khởi phiền não.

Lại có thuyết nói: Do hành ấy có thể khiến cho mình và người không còn tranh cãi, nên gọi là hành vô tránh. Tức là nghĩa khéo tu tập hành vô ngã. Thế nên Tôn giả Thiện Hiện, vào một buổi chiều nọ từng đến một tự viện, gõ cửa rồi đứng ở đấy. Bí-sô bên trong cửa hỏi: Ai đấy? Tôn giả Thiện Hiện do trụ lâu trong vô tránh, tu hành vô ngã thuần thục nên im lặng, không thể đáp tôi là Thiện Hiện. Hồi lâu mới nói: Đây là thế gian giả lập gọi là Thiện Hiện. Lại cũng Tôn giả Thiện Hiện, từng đang đi trên đường gặp mưa, nên ghé vào bên cửa nhà của một ngoại đạo để tránh. Ngoại đạo hỏi: Nhân giả tên là gì? Tôn giả Thiện Hiện do trụ lâu trong vô tránh, tu hành vô ngã thuần thục, nên đã im lặng không thể đáp tôi là Thiện Hiện. Hỏi đến ba lần, Tôn giả mới từ từ nói: Đây là thế gian giả lập gọi là Thiện Hiện. Nên biết người khéo tu hành vô ngã khiến mình và người không còn tranh cãi gọi là hành vô tránh.

Có thuyết nói: Các Sư Du già do trụ lâu trong vô tránh nên ở trong các sự việc yêu thích, không yêu thích, thuận hợp, không thuận hợp, vừa ý, không vừa ý, có lợi, không lợi, khổ, vui thảy đều không tranh cãi, nên gọi là hành vô tránh.

Lại nữa, vô tránh: Về cõi: Là thuộc cõi sắc. Có thuyết nói: Là thuộc cõi dục, cõi sắc. Nên nói như vầy: Thuyết đầu là đúng.

Về địa: Là ở tĩnh lự thứ tư. Có thuyết nói: Ở năm địa, là bốn tĩnh lự và cõi dục. Nên nói như vầy: Thuyết đầu là đúng.

Về chỗ dựa: Là dựa nơi thân của cõi dục.

Về hành tướng: Là hành tướng không phân minh,

Về đối tượng duyên: Là duyên nơi cõi dục. Ở trong cõi dục chỉ duyên với phiền não. Có thuyết nói: Duyên chung nơi năm uẩn của cõi dục. Nên nói như vầy: Thuyết đầu là đúng.

Về niệm trụ: Là pháp niệm trụ. Có thuyết nói: Là chung cho cả bốn niệm trụ. Nên nói như vầy: Pháp niệm trụ là đúng.

Về trí: Là thế tục trí.

Về kết hợp với Tam-ma-địa: Không cùng kết hợp với Tamma-địa.

Về tương ưng với căn: Là tương ưng với xả căn.

Về đời: Là thuộc về ba đời, duyên nơi vị lai.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Là thiện, duyên với bất thiện. Có thuyết nói: Duyên chung với bất thiện, vô ký, nhưng phần nhiều là duyên với bất thiện.

Về thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Là thuộc cõi sắc, duyên với hệ thuộc cõi dục.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Là phi học phi vô học, duyên với phi học phi vô học.

Về do kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn: Là do tu đạo đoạn, duyên với do tu đạo đoạn. Có thuyết nói: Duyên chung với do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn, nhưng phần nhiều là duyên với do tu đạo đoạn.

Về duyên nơi danh, duyên nơi nghĩa: Là chỉ duyên nơi nghĩa.

Về duyên với sự nối tiếp của mình và người khác, hoặc không nối tiếp: Là chỉ duyên với sự nối tiếp của kẻ khác. Có thuyết nói: Duyên chung với sự nối tiếp của mình và người khác, nhưng phần nhiều là duyên vơi sự nối tiếp của kẻ khác.

Về nơi chốn khởi: Nên nói là khởi ở cõi dục, không phải ở cõi sắc và cõi vô sắc. Ở cõi dục thì chỉ ở nẻo người, không phải ở các nẻo khác. Trong nẻo người chỉ ở ba châu, không phải là châu Bắc. Trong ba châu thì nơi thân nam nữ đều có thể khởi. Tôn giả Chúng Thế nói: Chỉ ở châu Thiệm-bộ, chỉ là thân nam, mới có thể khởi. Nên nói như vầy: Thuyết đầu là đúng.

Những Bổ-đặc-già-la nào khởi? Là bậc Thánh, không phải là hàng phàm phu. Chỉ ở bậc vô học, không phải là hàng hữu học. Trong bậc vô học chỉ là bậc bất thời giải thoát, không phải là bậc thời giải thoát. Vì sao? Vì chính là được định tự tại và nối tiếp, không bị phiền não nắm giữ mới có thể khởi được.

Hỏi: Phật, Độc giác, Thanh văn đạt đến cứu cánh cũng trụ nơi vô tránh chăng? Nếu nêu như vậy thì có lỗi gì? Nếu các bậc kia cũng trụ nơi vô tránh thì vô tránh có thể ngăn chận phiền não nơi sự nối tiếp của kẻ khác, vì sao còn có trăm ngàn chúng sinh duyên nơi các bậc kia khởi phiền não? Nếu không trụ nơi vô tránh thì như Khế kinh nói làm sao thông? Như nói: Tôn giả Thiện Hiện là người trụ nơi vô tránh bậc nhất. Căn tánh của Tôn giả ấy thấp hãy còn có thể trụ nơi vô tránh, còn Phật, Độc giác v.v… căn tánh thù thắng lại không thể trụ nơi vô tránh sao?

Đáp: Nên nói: Phật v.v… cũng trụ nơi vô tránh.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao còn có trăm ngàn chúng sinh duyên nơi các bậc kia khởi phiền não?

Đáp: Phật và Thanh văn đạt đến cứu cánh cùng là giảng nói pháp giáo hóa kẻ khác, đều được nguyện trí, quan sát hữu tình: Ta nay có thể khiến họ đối với ta không khởi phiền não mà gieo trồng căn thiện chăng? Nếu biết là có thể thì đến giáo hóa. Nếu biết là không thể thì không nên khiến họ khởi phiền não. Chỉ có thể khiến họ trồng căn thiện, tức suy niệm: Chính yếu là khiến họ khởi căn thiện, cho dù họ có khởi phiền não. Vì sao? Vì những hữu tình kia nếu có thể khởi chút pháp thiện thù thắng, tất cũng có thể trừ diệt các hành ác của phiền não như núi. Nếu biết cả hai việc đều không thể thì nên tạo phương tiện để tránh. Như thế là hơn quá trăm ngàn lần đối với Thiện Hiện.

Có thuyết nói: Phật và Thanh văn đạt đến cứu cánh không trụ nơi vô tránh.

Hỏi: Vì sao Tôn giả Thiện Hiện có thể trụ nơi vô tránh, còn Đức Phật v.v…. căn thù thắng lại không thể trụ?

Đáp: Tôn giả Thiện Hiện đối với vô tránh luôn yêu thích, tôn trọng, lúc nào cũng tu tập. Phật v.v… thì không như vậy, vì đối với vô tránh không khởi tưởng hết sức tôn trọng, nhưng không phải là không thể trụ.

Nên nói như vầy: Phật v.v… cũng trụ nơi vô tránh, nhưng không trụ nhiều, vì còn sự việc hóa độ hữu tình. Vì sao? Vì những người được hóa độ căn tánh không như nhau. Hoặc có khi nên an ủi dẫn dụ, hoặc có khi nên quở trách, hoặc có khi nên khen ngợi. Sau đấy đã nhập pháp, những người kia tuy đối với các sự việc quở trách v.v… đã khởi tham, giận, mạn, nhưng tất nhân đấy mà gieo trồng các căn. Thế nên Đức Như Lai, Tôn giả Xá-lợi-tử v.v… tuy có thể luôn trụ nơi hành vô tránh nhưng do giáo hóa hữu tình nên không trụ nhiều.

Hỏi: Vô tránh là do gia hạnh được hay là do lìa nhiễm được?

Đáp: Có trường hợp do gia hạnh được, có trường hợp do lìa nhiễm được.

Trong đây, có thuyết nói: Phật do lìa nhiễm được khi đắc tận trí. Thanh văn, Độc giác thì do gia hạnh được. Do gia hạnh nên hiện tiền.

Có thuyết cho: Phật và Độc giác đều do lìa nhiễm được khi đắc tận trí. Thanh văn thì do gia hạnh được. Do gia hạnh nên hiện tiền.

Có thuyết nêu: Phật, Độc giác, Thanh văn đạt đến cứu cánh đều do lìa nhiễm được khi đắc tận trí. Còn những Thanh văn khác thì do gia hạnh được. Do gia hạnh nên hiện tiền.

Nên nói như vầy: Nếu quyết định có thể đạt được thì chư vị kia do lìa nhiễm được khi đắc tận trí. Sau do gia hạnh nên hiện tiền. Phật không gia hạnh, Độc giác gia hạnh bậc thấp, Thanh văn hoặc bậc trung, hoặc bậc thượng. Nhưng có vô tránh do gia hạnh của định biên vực nên được. Do gia hạnh nên hiện tiền.

Hỏi: Vô tránh này gia hạnh như thế nào?

Đáp: Dùng tất cả địa và định biên vực làm gia hạnh, như đã nói rộng nơi nguyện trí.

Như Khế kinh nói: Bí-sô Thiện Hiện tu hành vô tránh, chứng pháp tùy pháp.

Hỏi: Vô tránh không thể đoạn trừ các phiền não vì sao Đức Thế Tôn nói như thế? (Như kinh vừa dẫn)

Đáp: Là Tôn giả Thiện Hiện kia đối với hành vô tránh, từ xưa đến giờ đã yêu thích tu tập, do đó lần lượt có thể khởi Thánh đạo, đoạn trừ phiền não, thành A-la-hán, từ đấy có thể khởi vô tránh hiện tiền. Dựa vào mật ý này nên nói như vậy, không phải cho là vô tránh có thể đoạn trừ phiền não. Sự việc ấy ra sao? Từng nghe Tôn giả, xưa kia do hai nhân duyên nên ở trong vô tránh phát khởi chánh nguyện. Đó là do thấy và do nghe.

Do thấy: Là nơi thời xưa, thấy đệ tử Phật vì trụ nơi vô tránh, nên mỗi khi đi đến thành ấp, xóm làng, chợ búa, đều che chở giúp đỡ các hữu tình, khiến họ không khởi phiền não.

Do nghe: Là nơi thuở xưa, nghe đệ tử Phật vì trụ nơi vô tránh v.v… Phần còn lại như trước đã nói.

Đã thấy, nghe rồi, nên khởi nhớ nghĩ đúng đắn theo đó tu tập về thí, giới, đa văn, tinh tấn, phạm hạnh, tất cả đều hồi hướng nơi vô tránh: Nguyện ta trong đời vị lai làm đệ tử Phật luôn trụ nơi vô tránh, che chở giúp đỡ cho các hữu tình như những gì đã thấy nghe. Các đệ tử Phật, do nguyện lực kia, nêu chiêu cảm chúng đồng phận, tức ở trong pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni làm đệ tử trụ nơi vô tránh bậc nhất. Vì vô tránh nên nhanh chóng chứng đắc quả A-la-hán, vì vô tránh tất dựa vào thân vô học. Do mật ý ấy nên Khế kinh nói: Tu hành vô tránh, chứng pháp tùy pháp.

Hỏi: Vô tránh là tạo những hành gì?

Đáp: Là tạo hành tịch tĩnh và làm tịch tĩnh các phiền não nơi kẻ khác.

***

* Như nói: Trong hàng đệ tử của Ta, Nhân Nho Đồng là người thông sáng bậc nhất. Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như trong Khế kinh, Đức Thế Tôn đã ký thuyết năm trăm vị đệ tử đều tùy theo khả năng từng đôi là bậc nhất. Nay, Luận sư của Bản luận muốn ở trong từng đôi vị đệ tử giống nhau ấy hiển bày sự sai biệt, nên tạo ra phần luận này.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn ký thuyết các vị đệ tử có từng đôi là bậc nhất?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Đức Thế Tôn muốn hiển bày trong pháp thuyết giảng về thiện thầy và đệ tử luôn hiền hòa, không tranh cãi, cùng không ẩn giấu công đức chân thật. Không phải như ngoại đạo, vì danh lợi nên tâm luôn mang ganh ghét, đệ tử và thầy thường cùng hủy báng.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn hiển bày trong pháp nêu giảng về thiện hàng đệ tử hãy còn có công đức chân thật, đáng khen ngợi, đáng ghi nhớ, huống nữa là đối với thầy. Trong pháp thuyết giảng về ác, thầy hãy còn không có công đức chân thật để ghi nhớ huống hồ là đệ tử.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn hiển bày trong pháp nêu giảng về thiện đã vĩnh viễn đoạn dứt mọi cấu uế của tâm keo kiệt, nên thầy và đệ tử thường cùng biểu dương, khen ngợi công đức chân thật. Không phải như ngoại đạo, còn có những cấu uế của tâm keo kiệt, nên đệ tử đối với thầy, thầy đối với đệ tử, hãy còn không muốn nghe kẻ khác khen ngợi trước mặt mình, huống gì là tự mình nói.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn hiển bày đối với việc nên làm đều đã hoàn thành, trút bỏ gánh nặng, dạy truyền được an ổn.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn hiển bày các Bí-sô tu gia hạnh đúng đắn có nơi chốn quay về hướng đến, không hề bơ vơ.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn khiến đối với các vị theo chỗ yêu thích trụ nhiều nơi các công đức được khen ngợi, nên sinh tâm kính trọng, ý mong được viên mãn.

Lại nữa, Đức Phật nhằm khuyến tấn khích lệ các Bí-sô mới học, khiến họ sinh ham chuộng siêng năng tu tập.

Đại đức nói: Do hai nhân duyên nên Đức Thế Tôn ký thuyết về công đức của đệ tử: 1. Hiển bày hiện pháp lạc trụ của mình. 2. Thương xót các hữu tình đời sau.

Lại nữa, Đức Thế Tôn tự hiển bày ở trong chín mươi sáu các chúng ngoại đạo, thì chúng của mình là tối thắng.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn hiển bày Phật xuất hiện ở thế gian là có lợi ích lớn. Nghĩa là do Phật xuất hiện ở đời mới có đôi Khai sĩ bậc nhất xuất hiện như vậy, không phải như thời không Phật.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn khiến chư vị ưa thích riêng lẻ về các môn công đức sai biệt, nên hoan hỷ siêng năng tu tập, trừ bỏ các thứ biếng trễ, mau chóng chứng đắc.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn đem những điều các đệ tử đạt được để chứng tỏ pháp mình đã nêu giảng là chân thật.

Lại nữa, vì muốn ngăn chận những thứ phỉ báng đối với pháp giảng nói về thiện, cho là trong pháp ấy không có pháp của bậc thượng nhân hiện chứng.

Lại nữa, Đức Thế Tôn muốn ngăn dứt những kẻ thấy các Bí-sô hình dạng ốm yếu sinh tâm khinh an, nên hiển bày các vị ấy đều có những công đức thù thắng.

Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Thuận theo pháp của chư Phật. Nghĩa là pháp của hằng hà sa số chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời vào thời quá khứ, đều ký thuyết về những công đức bậc nhất của các đôi đệ tử hiện có trong chúng đệ tử của mình. Phật nay cũng như vậy.

Lại nữa, nhằm khiến cho những người ở thế gian yêu thích riêng lẻ các công đức kia, nghe rồi sinh hoan hỷ, đối với chánh pháp của Phật khởi tâm tôn trọng, gieo trồng các căn thiện, đạt được lợi ích lớn.

Lại nữa, muốn cùng với chư Phật vị lai trang nghiêm đồ chúng. Nghĩa là Phật ký thuyết các đệ tử rồi, vô lượng hữu tình hoặc thấy hoặc nghe đều sinh hoan hỷ, phát khởi chánh nguyện, theo chỗ tu tập về thí, giới, đa văn, chánh cần, phạm hạnh, đều đem hồi hướng về công đức bậc nhất. Nguyện cho mình vào đời vị lai, ở trong pháp Phật được dự vào số các bậc Chánh sĩ ấy, tức là trang nghiêm đồ chúng của Đức Phật kia.

Lại nữa, vì muốn khiến cho các đệ tử đã được ký thuyết tự vui mừng về nguyện viên mãn. Nghĩa là năm trăm Bí-sô như Nhân Nho Đồng v.v… từng ở nơi trụ xứ của năm trăm vị Phật quá khứ, hoặc thấy hoặc nghe chư vị Phật kia ký thuyết về công đức của đệ tử, hoan hỷ phát nguyện: Theo chỗ thí, giới, đa văn, chánh cần, phạm hạnh hiện có của mình, nguyện vào đời vị lai, ở trong chánh pháp của Phật, được dự vào số các đại đệ tử như thế. Nay nguyện ấy đã viên mãn. Lại nghe Phật ký thuyết nên vô cùng hoan hỷ, thâm tâm tự vui mừng.

Có thuyết nói: Chúng đại đệ tử của mỗi mỗi Đức Như Lai đều ở nơi trụ xứ của năm trăm Phật quá khứ phát thệ nguyện lớn, trang nghiêm mới được thành tựu.

Do nhiều thứ nhân duyên như vậy, nên Phật ký thuyết nhiều đôi đệ tử bậc nhất.

Như nói: Trong hàng đệ tử của Ta, Nhân Nho Đồng là người thông sáng bậc nhất, Bà-hí-ca v.v… thì mẫn tiếp bậc nhất.

Hỏi: Hai vị này có gì khác nhau?

Đáp: Tôn giả Nhân Nho Đồng thì tâm ngay thẳng, tâm không quanh co, tâm thuần chất tăng thượng. Còn Tôn giả Bà Hí Ca v.v… thì tâm dịu dàng, tâm điều phục, tâm hòa thuận tăng thượng. Do đấy cả hai đều gọi là bậc nhất. Trong đây, thông sáng tức là mẫn tiệp, mẫn tiệp tức là thông sáng, nhưng Đức Phật đều gọi cả hai là bậc nhất, nên cần hỏi về tướng dị biệt.

Tôn giả Nhân Nho Đồng tâm ngay thẳng, tâm không quanh co, tâm thuần chất tăng thượng: Tức ngay thẳng, không quanh co, thuần chất, tên gọi là khác nhưng nghĩa là một. Như thứ lớp ấy dùng sau để giải thích trước. Hoặc nói tâm ngay thẳng là câu nêu chung. Tâm không quanh co là nêu riêng, làm rõ tâm không dua nịnh. Tâm thuần chất là hiển bày riêng về tâm không lừa dối. Như ngựa khôn khéo nhận biết ý người, tuy có khi sợ hãi nhưng không tổn hại người. Tôn giả Nhân Nho Đồng cũng lại như vậy. Do thông sáng nên khéo biết ý Phật. Khi bị cật vấn cứ tùy thuận đáp đúng. Sự việc đó như thế nào?

Như Khế kinh nói: Tôn giả Nhân Nho Đồng khi còn tại gia, gia đình thuộc loại giàu có, nhiều tài sản, vật báu, thân thuộc là hàng hào quý, thường thờ phụng mặt trời. Tuổi trưởng thành, ngày cưới vợ, đã mời nhiều chúng Bà-la-môn ngoại đạo tới nhà mở tế lễ linh đình.

Đức Phật đối với việc giáo hóa trọn không để mất cơ hội. Sáng sớm hôm ấy, nhằm hóa độ Nhân Nho Đồng, Đức Phật mang y, cầm bát nói với Tôn giả A-nan-đà: Ông có thể theo Ta đi vào thành khất thực. Rồi Phật vào thành Thất-la-phiệt đến đứng trước nhà Nhân Nho Đồng. Các Phạm chí ngoại đạo vừa trông thấy Phật liền hô lớn: Hôm nay nhà này thiết lập hội an lành nhưng vật không an lành lại đến đây làm gì?

Nghe vậy, Đức Phật liền bảo Tôn giả A-nan-đà: Ông vào nói với các ngoại đạo kia biết: Ta là Đại sư an lành bậc nhất trong ba cõi, chỉ vì các ông không muốn thấy sự an lành. Đúng là hôm nay Nhân Nho Đồng sẽ từ bỏ các ông xuất gia theo Phật, mọi thứ tài nghệ của các ông có thể gây trở ngại chăng?

Tôn giả A-nan-đà thọ nhận lời Phật dạy, như sư tử con không chút sợ hãi trước chúng ngoại đạo như đàn nai, đà vào nhà nói với họ: Đức Như Lai là người khéo thông đạt nhân quả, những điều Ngài nói là đúng thật. Ngài bảo với các ông: Ta là Đại sư an lành bậc nhất trong ba cõi, chỉ vì các ông không muốn thấy sự an lành. Đúng là hôm nay Nhân Nho Đồng sẽ từ bỏ các ông xuất gia theo Phật, mọi thứ tài nghệ của các ông có thể gây trở ngại chăng?

Nghe vậy, các ngoại đạo nhìn nhau cười, nói: Sa-môn Kiềuđáp-ma mặc tình nói dối. Có lý nào nhà đang tế lễ, yến tiệc linh đình, hết lòng mời chúng ta đến, trong ngoài vui hợp lại quy Phật xuất gia? Thật là lạ lùng, Sa-môn chỉ chuyên nói dối.

Khi ấy, có Bà-la-môn tên là Ngũ Đảnh, từng thấy Đức Phật ghi nhận sự việc không bao giờ sai, nên nói với các ngoại đạo: Ông Nhân Nho Đồng này nhất định sẽ xuất gia, chớ sinh suy nghĩ khác.

Ngoại đạo đều nói: Nếu như có sự việc ấy, chúng ta tất có thể tạo được trở ngại. Tức cùng theo nhau búng ngón tay, khoác tay đứng vây bảy lớp quanh nhà Nhân Nho Đồng. Giây lát mặt trời mọc, Nhân Nho Đồng mặc áo mới và sạch bước lên lầu, thắp hương phát nguyện quỳ lạy mặt trời. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết thời cơ hóa độ đã tới, liền tự hóa làm một vị Bà-la-môn, mặc áo da nai đen, có dây vàng buộc quanh, tay cầm gậy vàng, từ nơi mặt trời đi đến trước Nhân Nho Đồng, trải tòa mà ngồi. Nhân Nho Đồng thành kính đảnh lễ sát chân. Các ngoại đạo vui mừng nói: Phước của Nhân Nho Đồng cảm đến trời Đại Phạm, nên ngài đích thân hiện đến, thờ phụng bấy lâu, nay đã thành tựu. Đích thị là Sa-môn đã nói không thật.

Khi ấy, Đức Phật do hình tượng hóa tác, hỏi Nhân Nho Đồng: Hôm nay nhà ngươi có chuyện gì mà vui ồn thế?

Nhân Nho Đồng đỏ mặt, cúi đầu thưa: Dạ, hôm nay theo pháp thế gian con chính thức cưới vợ.

Phật hỏi: Phải chi phí bao nhiêu?

Đáp: Con chi ra ba trăm ngàn vàng.

Lại hỏi: Dùng vào những chuyện gì?

Đáp: Một trăm ngàn cho vợ sắm các thứ trang sức. Một trăm ngàn dùng vào việc thết ăn uống. Một trăm ngàn dùng cúng thí cho các Bà-la-môn.

Phật nói: Ngươi bày biện việc ăn uống, cúng thí cho các Bà-lamôn dùng hai trăm ngàn vàng để được quả đáng yêu thích sự việc như vậy là được. Một trăm ngàn vàng còn lại là dùng để mua vợ chăng?

Do tâm ngay thẳng nên Nhân Nho Đồng đáp: Dạ mua.

Phật nói: Vợ ngươi có giá trị như thế chăng? Lại, tóc của vợ ngươi có giá trị bao nhiêu?

Nho Đồng đáp: Thứ ấy không có giá trị nhiều. Nếu nói về các kỹ nữ, dâm nữ thì có thể được. Giá một ca-yết-ni, hoặc chỉ có giá phân nửa.

Lại hỏi: Móng tay của cô nàng có giá trị bao nhiêu?

Nho Đồng đáp: Thứ ấy không có giá trị gì.

Đức Phật lại theo thứ lớp nêu ra ba mươi sáu vật trong thân kia, mỗi mỗi đều hỏi. Nho Đồng cũng mỗi mỗi đáp lại đều nói là thứ ấy không có giá trị gì.

Do Nhân Nho Đồng từng ở trong pháp của Phật Ca-diếp-ba thời quá khứ, trải qua mười ngàn năm tu quán phương tiện về giới, nhân đó Phật hỏi riêng về các vật bất tịnh, phẩm thiện đã hành tập ở quá khứ hiện tiền, liền điều phục được dục tham, lìa nhiễm của cõi dục.

Lúc này, Đức Thế Tôn hiện lại hình cũ, giảng nói bốn chân đế cho Nho Đồng. Nghe xong, Nho Đồng chứng đắc quả Bất hoàn. Phật liền nắm tay Nho Đồng bay lên không, nói kệ:

Tuy rất trang nghiêm nhưng hành pháp

Vắng lặng điều phục tu phạm hạnh

Hệ lụy thế gian đều buông bỏ

Tức là Sa-môn Tăng Tịnh Chí.

Do đấy nên biết tâm của Tôn giả Nho Đồng là ngay thẳng. Nếu không như vậy thì khi Hóa nhân hỏi ông nên đáp: Ông là Phạm chí tức phải biết việc tôi lấy vợ là theo đúng pháp, vì sao lại hỏi là mua? Vì tâm ngay thẳng nên cứ theo câu hỏi mà đáp. Phẩm thiện đã thành thục nên chứng đắc quả Bất hoàn.

Vì thế Đức Thế Tôn khen ngợi: Nhân Nho Đồng là người thông sáng bậc nhất.

HẾT – QUYỂN 179