LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 177

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ BẤT HOÀN, phần 4

Hỏi: Nghiệp tướng dị thục dùng gì làm tự tánh? Dùng thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp chăng?

Đáp: Dùng ba nghiệp làm tự tánh, nhưng ý nghiệp là tăng thượng.

Có thuyết nói: Chỉ dùng ý nghiệp làm tự tánh, không phải là nghiệp thân, ngữ. Vì sao? Vì nghiệp này mãnh liệt, còn nghiệp thân, ngữ thì chậm kém.

Hỏi: Nghiệp tướng dị thục là ở nơi ý địa hay ở nơi năm thức thân?

Đáp: Ở nơi ý địa, không phải nơi năm thức thân. Vì sao? Vì nghiệp này có phân biệt, cần quan sát hành của mình. Năm thức thân thì không phân biệt, tùy theo sức của cảnh giới mà khởi.

Hỏi: Nghiệp tướng dị thục là do gia hạnh đắc, do lìa nhiễm đắc, hay do sinh đắc?

Đáp: Chỉ do gia hạnh đắc, không phải do lìa nhiễm đắc, không phải do sinh đắc. Vì sao? Vì nghiệp này tất ở nơi ba vô số kiếp, tu tập các pháp Ba-la-mật-đa, gia hạnh trong thân viên mãn, tác ý công dụng, sau đấy mới được.

Có thuyết nói: Nghiệp này là gia hạnh đắc, cũng là sinh đắc, chỉ không phải là lìa nhiễm đắc.

Hỏi: Nghiệp tướng dị thục là do văn tạo thành, do tư tạo thành, hay do tu tạo thành?

Đáp: Chỉ do tư tạo thành, không phải do văn, do tu tạo thành. Vì sao? Vì nghiệp này thù thắng, nên không phải do văn tạo thành. Vì thuộc cõi dục, nên không phải do tu tạo thành.

Có thuyết cho: Nghiệp này do chung văn, tư tạo thành, chỉ không phải do tu tạo thành.

Hỏi: Nghiệp tướng dị thục từ xứ nào khởi?

Đáp: Ở nơi cõi dục không phải cõi khác. Tại nẻo người không phải ở nẻo khác. Ở châu Thiệm-bộ không phải châu khác. Dựa vào thân nào khởi? Dựa vào thân nam để khởi, không phải là thân nữ. Nơi khi nào khởi? Khởi khi Đức Phật xuất hiện ở đời, không phải vào đời không có Phật. Duyên nơi cảnh nào để khởi? Hiện tiền duyên nơi Phật khởi, tư nguyện thù thắng, không duyên nơi cảnh khác.

Hỏi: Ba mươi hai tướng đại trượng phu là do một tư nguyện dẫn hay nhiều tư nguyện dẫn? Nếu nêu như vậy thì có lỗi gì?

Nếu do một tư dẫn thì vì sao ít nghiệp có thể dẫn nhiều quả? Luận Thi Thiết nói lại làm sao thông? Như nói: Nghiệp loại như vậy có thể chiêu cảm tướng bên dưới bàn chân bằng đầy khéo an trụ, cho đến nghiệp loại như thế có thể chiêu cảm tướng Ô-sắt-nị-sa nơi đỉnh đầu (Nhục kế).

Nếu do nhiều tư dẫn thì vì sao một chúng đồng phần không phân ra, phân biệt mà dẫn?

Đáp: Có thuyết nói: Do một Tư dẫn.

Hỏi: Vậy vì sao nghiệp ít mà có thể chiêu cảm nhiều quả?

Đáp: Trước do một Tư dẫn dắt, sau đó do nhiều Tư viên mãn, nên không có lỗi. Ví như họa sư, trước dùng một màu làm nền, sau thêm vào nhiều màu.

Hỏi: Nơi Luận Thi Thiết nói lại làm sao thông?

Đáp: Luận ấy nói nghiệp viên mãn, không nói nghiệp khiên dẫn, nên không có lỗi. Nhưng ba mươi hai tướng đại trượng phu là quả của nghiệp viên mãn nơi chúng đồng phần, không phải là quả của nghiệp khiên dẫn nơi chúng đồng phần.

Có thuyết nói: Do nhiều Tư dẫn.

Hỏi: Vì sao một chúng đồng phần không phân ra, phân biệt mà dẫn?

Đáp: Khi ấy, Bồ-tát có thể có một chú tâm nơi một chỗ dựa, nhưng nơi đối tượng duyên hành tướng có nhiều Tư chuyển. Trong đó, có Tư có thể chiêu cảm tướng bên dưới bàn chân bằng đầy khéo an trụ, cho đến có Tư có thể chiêu cảm tướng Ô-sắt-nị-sa (Nhục kế) nơi đỉnh đầu.

Nên nói như vầy: Ba mươi hai tư dẫn ba mươi hai tướng đại trượng phu, mỗi mỗi thứ lại do nhiều nghiệp viên mãn.

Hỏi: Bồ-tát khởi ba mươi hai Tư, ở trong các tướng, trước dẫn tướng nào?

Đáp: Có thuyết nói: Trước dẫn tướng bên dưới bàn chân bằng đầy khéo an trụ, sau dẫn những tướng khác. Trước là nơi chân đứng yên, sau mới đến thứ khác.

Có thuyết nêu: Trước dẫn tướng mắt màu xanh biếc vì trước là dùng mắt từ quán khắp thế gian.

Nên nói như vầy: Điều ấy không nhất định. Tùy theo tướng ấy duyên hợp tức dẫn tướng ấy.

Ba hai tướng đại trượng phu: Đó là:

1. Tướng chân khéo an trụ: Là bên dưới bàn chân Phật bằng đầy, không lồi không lõm. Khi bước đi đều tiếp xúc hết xuống mặt đất, cho nên chỉ tướng của dấu chân Phật là hiện rõ, kẻ tâm ác muốn xóa bỏ nhưng trọn không thể mất được. Những người tại gia có tướng ấy tất làm Nhân vương, thống lãnh đất nước, mọi người đều tuân phục. Chư vị xuất gia có tướng ấy tất làm Pháp vương giáo hóa, dẫn đường cho tất cả.

2. Tướng bánh xe có ngàn căm: Là bên dưới hai bàn chân Phật có hoa văn như bánh xe có ngàn tăm xe châu vào, tròn đầy, rõ nét, vô cùng khéo léo. Thiên tử Diệu nghiệp tuy tác ý tột cùng cũng không thể phỏng theo đấy hóa tác riêng được. Vì sao? Vì sự việc hóa tác của Thiên tử Diệu Nghiệp là do trí vô phú vô ký dẫn dắt. Còn tướng này là do nghiệp thuần tịnh dẫn phát.

Lại nữa, việc tạo tác của vị trời kia là do trí sinh đắc dẫn dắt. Còn tướng này là do trí gia hạnh tăng thượng dẫn phát.

Lại nữa, việc tạo tác của vị Thiên tử kia là do trí hành tập một đời dẫn dắt. Còn tướng này là do trí hành tập trong vô lượng đời dẫn phát.

1. Tướng ngón tay thon dài: Là ngón tay của Phật thon dài đều, thẳng mà dần nhọn, lóng tay không hiện to, cùng lúc không hở cân đối, sáng bóng, tròn đầy.

2. Tướng gót chân tròn dài: Là gót chân Phật tròn dài, đoan nghiêm, rộng thẳng.

3. Tướng tay chân mềm mại: Là tay chân Phật mềm mại như Đố-la-miên.

4. Tướng tay chân có màn lưới: Là khoảng giữa các ngón tay ngón chân Phật có màn mỏng như giăng lưới, cũng như ngón chân của ngỗng chúa. Nếu khi khép lại thì lưới không hiện cũng không nhăn chùng, khi mở ra lưới hiện nhưng không căng thẳng.

5. Tướng mu bàn chân nổi cao đầy đặn: Là mu bàn chân Phật tròn đầy, hướng theo ngón chân bày đều ra hai bên, ngay thẳng, cân bằng với gót chân. Khi cất bước không bè rộng. Bên dưới bàn chân như sắc hoa sen đỏ. Lằn chỉ bên trong màn lưới như màu vân cây, móng tay chân như sắc lá đồng đỏ. Đường chỉ bên ngoài màn lưới tạo sắc vàng ròng. Lông mịn xanh đượm như Phệ-lưu-ly. Hai chân Phật cũng như vật báu đi trên các báu trang nghiêm, sáng rõ vi diệu.

6. Tướng bắp chân như đùi nai chúa Ê-nê-da: Là bắp chân Phật tròn thẳng, thon dần xuống như đùi của nai chúa Ê-nê-da.

7. Tướng thế phong tàng mật: Là thế phong tàng mật của Phật như Mã vương. Nếu như vậy người được giáo hóa làm sao thấy được?

Có thuyết nói: Đức Thế Tôn thương xót những người được giáo hóa tạo phương tiện để chỉ rõ.

Có thuyết nói: Đức Thế Tôn hóa ra voi ngựa có âm tàng đặc biệt để nói cho những người được giáo hóa biết: Như nơi voi ngựa này, Ta cũng như vậy.

1. Tướng các phần thân viên mãn: Là thân Phật tròn đầy như cây Nặc-cù-đà. Như từ rốn đến đỉnh đầu, như vậy từ rốn xuống chân, trên dưới tương xứng.

2. Tướng đầu sợi lông trên thân đều đẹp đẽ.

3. Tướng nơi lỗ chân lông sinh một sợi lông.

4. Tướng lông nơi thân xoay về phía bên phải: Là các lỗ chân lông trên thân Phật đều mọc một sợi lông như màu xanh biếc của Phệ-lưu-ly thấm đượm uyển chuyển xoay về bên phải, đầu sợi lông thẳng đẹp. Sở dĩ nơi mỗi mỗi lỗ chân lông chỉ mọc một sợi là do khi làm Bồ-tát đã giảng nói pháp không tạp loạn.

5. Tướng thân màu vàng ròng: Là thân Phật màu vàng ròng che khuất hết tất cả ánh sáng của vàng nơi thế gian khiến chúng không còn hiện bày. Như người thời nay dùng sắt v.v…, dùng vàng, nếu đem sắt để bên vàng thì ánh sáng của sắt không hiện. Nếu đem vàng thời nay dùng để bên vàng được dùng thời Phật tại thế thì ánh sáng của vàng thời nay không hiện. Nếu đem vàng được dùng thời Phật tại thế đặt bên vàng Nại-đà của châu Thiệm-bộ dùng làm cát vàng rải trên đường đi của Chuyển luân vương nơi biển cả thì ánh sáng của vàng được dùng thời Phật tại thế không hiện. Nếu đem loại cát vàng ấy đặt bên vàng của bảy núi vàng thì ánh sáng của cát vàng kia không hiện. Nếu đem vàng của bảy núi vàng đặt bên vàng của núi chúa Diệu Cao thì ánh sáng của vàng nơi bảy núi vàng kia không hiện. Nếu đem vàng của núi chúa Diệu Cao đặt bên vàng làm vật dụng trang nghiêm nơi trời Ba Mươi Ba thì ánh sáng của vàng nơi núi chúa kia không hiện. Như thế, lần lượt cho đến nếu đem vàng làm vật dụng nơi trời Lạc biến hóa đặt bên vàng làm vật dụng trang nghiêm nơi trời Tha hóa tự tại thì ánh sáng của vàng làm vật dụng trang nghiêm nơi trời Lạc biến hóa không hiện. Nếu đem vàng làm vật dụng trang nghiêm nơi trời Tha hóa tự tại đặt bên vàng nơi thân Phật thì ánh sáng của vàng nơi trời thtt kia không hiện. Cho nên sắc vàng của thân Phật là tối thắng, che khuất hết sắc của tất cả vàng nơi thế gian.

6. Tướng thường tỏa ánh sáng một tầm: Là thân Phật thường tỏa sáng xung quanh mỗi phía một tầm, ngày đêm luôn chiếu.

7. Tướng da bên ngoài mịn láng: Là lớp da nơi thân Phật mịn láng, không dính nước, bụi, như Phệ-lưu-ly, cánh hoa sen. Nếu Phật dùng chân đạp lên đống bụi, gió Phệ-lam-bà thổi tới tấp tung bụi để làm thân và chân Phật dính bụi thì không có chuyện đó.

8. Tướng bảy chỗ đều đầy đặn: Là bảy chỗ thân trên Phật đều đầy đặn. Hai tay, hai chân, hai vai, đỉnh đầu đều là bảy.

9. Tướng thân rộng, thẳng: Là thân của Phật rộng thẳng, không khòm, không ưỡng, cũng không nghiêng lệch, mà thanh nhã, cân đối.

10. Tướng thân trên như sư tử: Là ngực bụng của Phật ngang đều, vuông rộng, uy nghiêm như nửa phần thân trên của sư tử chúa.

11. Tướng hai vai tròn đầy: Là hai vai của Phật tròn đầy, không phải các lực sĩ đấu sức hay tráng sĩ có thể sánh kịp.

12. Tướng tay dài quá gối: Là khi Phật đứng thẳng buông tay thì tay dài khỏi đầu gối.

13. Tướng cằm như sư tử: Là cằm Phật tròn rộng đẹp như cằm của sư tử chúa.

14. Tướng đủ bốn mươi răng.

15. Tướng răng đều đặn và khít nhau.

16. Tướng răng trắng bóng có ánh sáng. Nghĩa là Phật có đủ bốn mươi cái răng thảy đều bằng, khít nhau, không kẽ hở dù chỉ bằng sợi tóc. Màu răng trắng bóng ánh sáng tỏa ra như núi Tuyết chúa.

Hỏi: Người khác chỉ có ba mươi hai răng nhưng nói trong thân có một trăm lẻ ba xương. Đức Phật có đủ bốn mươi răng vì sao cũng nói trong thân có một trăm lẻ ba xương không thêm?

Đáp: Người khác xương đầu có chín phần hợp thành, xương đầu của Đức Thế Tôn chỉ có một khối, do đấy cùng có một trăm lẻ ba xương.

17. Tướng được vị tối thượng: Là lưỡi Phật thanh tịnh khiến các thức ăn uống đều biến thành thượng vị.

Có thuyết nói: Trên lưỡi Phật có chủng tử vị thù thắng vừa ý của tất cả thế gian, nên các vật đắng, chua v.v… khi vào lưỡi Ngài đều biến thành thượng vị.

Có thuyết cho: Lưỡi của Như Lai có uy lực như vậy, các thức ăn uống đến lưỡi Ngài, trong đó nếu tánh ngon ngọt vừa ý thì sinh thiệt thức, những gì có tánh thô dở thì không sinh thiệt thức.

Có thuyết nêu: Trong yết hầu Phật có hai nguồn sữa, khi ăn uống thì sữa kia tiết ra nên các thức ăn đều thành thượng vị. Nhưng trong đây đã nói, do thiệt căn tịnh nên khiến vị thù thắng, lý ấy là thuận hợp.

18. Tướng lưỡi rộng dài: Là lưỡi Phật mỏng mềm, dài rộng, khi đưa ra che trùm mặt, tới hết phần tóc nơi mang tai. Khi thu vô miệng thì không có gì trở ngại.

19. Tướng mắt màu xanh biếc: Là mắt Phật dài rộng, màu xanh biếc trong như cánh hoa sen xanh Tô-xà-đa.

20. Tướng lông mày như Ngưu vương: Là lông mày của Phật trải đều, đẹp như lông mày Ngưu vương.

21. Tướng Ô-sắc-nị-sa (Nhục kế): Là nơi đỉnh đầu Phật có búi tóc do xương thịt hợp thành, lượng như nắm tay, xanh tròn thù diệu.

22. Tướng bạch hào giữa hai chân mày: Là chòm lông trắng ở giữa hai chân mày Phật dài nửa tầm, xoay về phía bên phải, uyển chuyển ánh sáng tỏa ra trong xanh.

23. Tướng được âm thanh như Phạm âm: Là ở trong yết hầu của Đức Phật có thứ đại chủng vi diệu, có thể phát ra âm thanh hòa nhã hợp ý như tiếng chim Yết-la-tần-ca, cùng phát ra âm thanh của tiếng sấm chấn động sâu xa như trống trời Đế thích, âm thanh như thế gồm đủ tám công đức: Một là sâu xa. Hai là hòa nhã. Ba là rõ ràng. Bốn là nghe vui tai. Năm là đi vào tâm. Sáu là phát khởi vui mừng. Bảy là dễ hiểu. Tám là nghe không chán.

Hỏi: Những gì là nghĩa của tướng?

Đáp: Nghĩa cờ hiệu dẫn đầu là nghĩa của tướng. Nghĩa thù thắng là nghĩa của tướng. Nghĩa điềm lành là nghĩa của tướng.

Hỏi: Vì sao tướng đại trượng phu chỉ có ba mươi hai không tăng không giảm?

Đáp: Hiếp Tôn giả nói: Hoặc tăng hoặc giảm đều cũng sinh nghi, chỉ có ba mươi hai cũng không trái với pháp tướng.

Có thuyết cho: Ba mươi hai, thế gian cùng cho là số an lành, nên không tăng không giảm.

Có thuyết nêu: Như ba mươi hai tướng trang nghiêm nơi thân Phật tức đối với thế gian là tối thắng không gì sánh. Nếu giảm tức là thiếu, nếu tăng thì cũng tạp loạn, đều không phải thù diệu nên chỉ có từng ấy. Như Phật thuyết giảng pháp không thể tăng giảm, thì tướng của Phật cũng như vậy, không thể tăng giảm.

Hỏi: Tám mươi vẻ đẹp kèm theo là ở nơi nào?

Đáp: Ở nơi các tướng, tùy theo các tướng chuyển, trang nghiêm cho thân Phật khiến càng đẹp đẽ tột cùng.

Hỏi: Tướng và vẻ đẹp có cùng cản trở xâm lấn nhau không?

Đáp: Không như thế. Tướng và vẻ đẹp lại cùng hiển phát, như bông hoa làm tươi sáng các cây trong rừng. Tướng và vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân Phật cũng như vậy. Lại như núi vàng và các báu tô điểm cho nhau. Uy quang kỳ diệu nơi thân Phật cũng như thế. Do thân của Như Lai là hết sức sáng trong, thanh tịnh, nên các vật điềm lành đều hiện trong đó. Như tấm gương Chí-na đã được lau chùi sạch bóng rồi tùy vật xa gần ảnh tượng đều hiện trong đó. Thân Phật cũng như vậy. Thế nên tất cả các thứ ma, ngoại đạo mang tâm ác, nhưng khi đến chỗ Phật thì đều chiêm ngưỡng Ngài, nhìn không thấy chán, nhiễu quanh bên phải rồi đi.

Hỏi: Bồ-tát đối với thân là có ái, mạn mà trang nghiêm chăng?

Đáp: Không hề có.

Hỏi: Vì sao?

Đáp: Do Bồ-tát vì muốn hàng phục người thế gian, cậy sắc đẹp nên kiêu mạn, không thọ nhận sự giáo hóa khiến họ thọ nhận, nên dùng các tướng và vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân.

Lại nữa, vì nhằm hiển bày các pháp hiện có của Phật đều là thù thắng. Nghĩa là về sắc lực, tột họ, quyến thuộc, danh tiếng, tài sản, giàu sang tự tại, cho đến trí kiến công đức thảy đều thù thắng. Nếu không như thế thì pháp được thuyết giảng không người tin nhận. Do đó Bồ-tát trang nghiêm nơi thân.

Lại nữa, vì muốn cùng với đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng làm vật dụng nương dựa. Vì sao? Vì công đức thù thắng quyết định nương dựa nơi thân thù thắng. Nghĩa của đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng vị lai kia nói với Bồ-tát: Ông muốn khiến tôi ở trong thân ông thì trước phải khiến thân ông thanh tịnh thù thắng, dùng các tướng và vẻ đẹp để trang nghiêm. Nếu không như vậy thì tôi cũng không thể sinh nơi thân ông. Ví như có người muốn cưới con gái vua đưa về nhà mình, vương nữ kia mật sai người đến nói với anh ta: Ông muốn khiến công chúa về đây thì trước phải rưới nước quét dọn mọi chốn được sạch sẽ, treo đèn kết hoa, treo cờ phướn rực rỡ, đốt hương, rải hoa, trang nghiêm các thứ, công chúa mới chịu về đây. Nếu không như thế thì công chúa cũng không thể đến nhà ông. Bồ-tát trang nghiêm thân mình cũng như vậy.

Hỏi: Bồ-tát tạo tác làm tăng trưởng nghiệp tướng dị thục rồi, trong khoảng thời gian ấy, hoặc khi làm Chuyển luân vương là do đã tu nghiệp tướng dị thục nên chiêu cảm quả tướng kia hay do nghiệp khác?

Đáp: Có thuyết nói: Tức do đã tu nghiệp tướng dị thục, vì công năng của nghiệp ấy rộng lớn, giả sử cho đến nay luôn làm Luân vương, thì uy lực của nghiệp kia cũng không hết.

Nên nói như vầy: Sự việc ấy là do nghiệp khác. Vì sao? Vì Bồtát tu tập nghiệp tướng dị thục đều vì đối với thân sau cùng thọ nhận quả thù thắng, chưa tiện thọ dụng, nhưng do nghiệp kia làm tăng thượng tạo ra nghiệp thiện khác, chiêu cảm quả tướng Luân vương. Ví như trưởng giả đại phú có nhiều châu báu, trong đó ngọc báu có giá trị lớn chưa tiện đem dùng, nên đem những vật báu giá kém hơn khác tùy lúc trao đổi mua bán. Sự việc của Bồ-tát cũng như thế.

Hỏi: Bồ-tát có được ba mươi hai tướng so với tướng của Luân vương có sai biệt gì?

Đáp: Bồ-tát đạt được các tướng có bốn sự việc nên hơn: Một là tươi thắm. Hai là phân minh. Ba là viên mãn. Bốn là đắc xứ.

Lại nữa, có năm sự việc nên hơn: Một là đắc xứ. Hai là đoan nghiêm tột bậc. Ba là văn tượng sâu xa. Bốn là tùy thuận thắng trí. Năm là tùy thuận lìa nhiễm.

Hỏi: Bồ-tát tạo tác làm tăng trưởng nghiệp tướng dị thục rồi, chưa đến thân sau cùng, đối với các hữu tình có tướng khác biệt có thể nhận biết chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là sinh nơi nhà quý tộc, hình tướng đoan nghiêm, đủ thân trượng phu các căn viên mãn, được túc mạng niệm, tin sâu nhân quả, vui thích học rộng, tôn trọng chánh pháp, kiến trí thông sáng, có biện tài hơn người, chí tánh điều thuận, ngôn từ hòa nhã. Đối với việc làm quyết định trọn không thoái chuyển khuất phục. Thấy kẻ khác thọ khổ không thể nhẫn chịu mà cần phải cứu giúp. Mọi tu tập đều hồi hướng về Bồ-đề. Vui với hữu tình làm lợi ích không cầu báo đáp. Những sự việc ấy gọi là tướng của Bồ-tát kia.

Hỏi: Như Khế kinh nói: Nơi mỗi mỗi tướng của Phật có trăm phước trang nghiêm. Những gì gọi là trăm phước?

Đáp: Ở đây trăm tư gọi là trăm phước. Những gì gọi là trăm tư? Nghĩa là như khi Bồ-tát tạo tác làm tăng trưởng nghiệp tướng chân khéo an trụ (Tướng thứ nhất trong ba mươi hai tướng) khởi năm mươi tư, tu trị thân căn khiến điều thuận thanh tịnh, tiếp theo khởi một tư chính thức dẫn dắt chúng, sau lại khởi năm mươi tư khiến được viên mãn. Ví như nông phu, trước là dọn dẹp, cày bừa đất an trụ, gieo giống xuống, sau thì rải phân, đưa nước vào. Sự việc kia cũng như vậy. Như nghiệp tướng chân khéo an trụ có trăm tư trang nghiêm như thế, cho đến nghiệp tướng Ô-sắc-nị-sa trên đỉnh đầu cũng lại như vậy. Do đấy nên nói: Nơi mỗi mỗi tướng của Phật có trăm phước trang nghiêm.

Hỏi: Những gì là năm mươi tư?

Đáp: Dựa vào mười nghiệp đạo, mỗi nghiệp đạo có năm tư. Nghĩa là dựa vào nghiệp đạo lìa sát hại có năm tư: 1. Tư lìa sát. 2. Tư khuyên dẫn. 3. Tư khen ngợi. 4. Tư tùy hỷ. 5. Tư hồi hướng. Nghĩa là hồi chuyển chỗ tu tập hướng về Bồ-đề. Cho đến chánh kiến cũng như vậy. Đó gọi là năm mươi tư.

Có thuyết nói: Dựa vào mười nghiệp đạo, mỗi thứ khởi năm phẩm thiện tư hạ, trung, thượng, thượng thắng, thượng cực, như nơi tu đủ tĩnh lự.

Có thuyết cho: Dựa vào mười nghiệp đạo, mỗi thứ khởi năm tư: 1. Gia hạnh tịnh. 2. Căn bản tịnh. 3. Hậu khởi tịnh. 4. Không bị hại do tầm. 5. Niệm thâu nhận.

Có thuyết nêu: Duyên nơi một tướng của Phật khởi năm mươi sát-na tư chưa từng hành tập nối tiếp mà chuyển.

Hỏi: Trăm phước như vậy mỗi mỗi thứ lượng như thế nào?

Đáp: Có thuyết nói: Nếu nghiệp có thể chiêu cảm ngôi vị Chuyển luân vương đối với bốn đại châu tự tại mà chuyển là lượng của một phước.

Có thuyết cho: Nếu nghiệp có thể chiêu cảm ngôi vị thiên Đế thích đối với hai chúng trời tự tại mà chuyển là lượng của một phước.

Có thuyết nêu: Nếu nghiệp có thể chiêu cảm ngôi vị Tha hóa tự tại Thiên vương đối với tất cả chúng trời thuộc cõi dục tự tại mà chuyển là lượng của một phước.

Có thuyết biện: Nếu nghiệp có thể chiêu cảm ngôi vị Đại phạm Thiên vương đối với tĩnh lự thứ nhất và chúng trời cõi dục tự tại mà chuyển là lượng của một phước.

Có thuyết cho: Phước của Đại phạm Thiên vương chủ thế giới Sa-ha (Ta-bà) khi khuyến thỉnh Như Lai chuyển pháp luân là lượng của một phước.

Hỏi: Vị kia khi thỉnh Phật là tâm vô phú vô ký thuộc cõi dục, vì sao gọi là phước?

Đáp: Có thuyết nói: Vị kia trụ nơi trời Phạm thế, khi sắp đến thỉnh Phật, trước khởi tâm thiện như vầy: Ta sẽ vì các hữu tình tạo lợi ích lớn là thỉnh Phật chuyển pháp luân. Bấy giờ, tức gọi là vị kia được phạm phước. Điều ấy không hợp lý. Vì sao? Vì không phải khi chưa làm mà đã thành tựu.

Nên nói như vầy: Phạm thiên thỉnh Phật rồi, trở về đến Phạm cung. Sau đó, khi Đức Thế Tôn chuyển pháp luân, địa thần báo trước, lần lượt như vậy âm thanh ấy thấu đến Phạm cung, Phạm vương nghe rồi hoan hỷ, tự chúc mừng, phát tâm thuần tịnh, sinh tùy hỷ, khi đó mới gọi là thành tựu phước kia.

Có thuyết cho: Khi thế giới mới thành, tất cả hữu tình do sức tăng thượng của nghiệp nên có thể chiêu cảm đến ba ngàn đại thiên thế giới là lượng của một phước.

Có thuyết nêu: Trừ Bồ-tát gần đến Phật địa, tất cả hữu tình còn lại hiện có, đều có thể chiêu cảm nghiệp quả giàu vui là lượng của một phước.

Có thuyết nói: Ở đây lượng của mỗi mỗi phước nên dùng dụ để hiển bày. Giả sử tất cả hữu tình thảy đều bị mù bẩm sinh, có một hữu tình dùng phương tiện lớn khiến mọi người cùng được mắt sáng, thì phước của hữu tình ấy có được là lượng của một phước.

Lại nữa, giả sử tất cả hữu tình đều uống thuốc độc, vật vã sắp chết, có một hữu tình khiến cho mọi người đều trừ độc, tâm được tỉnh ngộ, thì phước của hữu tình ấy có được là lượng của một phước.

Lại nữa, giả sử tất cả hữu tình đều bị cột trói sắp phải đoạn mạng, có một hữu tình cùng khiến giải thoát cùng lúc được sống, thì phước của hữu tình ấy có được là lượng của một phước.

Lại nữa, giả sử tất cả hữu tình đều hoại giới, hoại kiến, có một hữu tình có thể khiến cho mọi người cùng lúc giới, kiến đầy đủ, thì phước của hữu tình ấy có được là lượng của một phước.

Lời bình: Nêu bày như thế đều là ý lạc thuần tịnh, theo phương tiện để tán thán về lượng phước của Bồ-tát, nhưng đều chưa đạt được nẻo thật. Về nghĩa như thật: Tức Bồ-tát đã khởi mỗi mỗi phước lượng là vô lượng, vô biên do Bồ-tát nơi ba vô số kiếp đã tích tập viên mãn các pháp Ba-la-mật-đa rồi, đã dẫn phát tư nguyện hết sức rộng lớn chỉ có Phật mới có thể nhận biết, không phải kẻ khác có thể lường xét được. Nêu rõ phước với lượng rộng lớn như thế, đầy đủ trăm phước để trang nghiêm cho một tướng. Lần lượt cho đến ba mươi hai tướng đều đủ trăm phước. Đức Phật dùng ba mươi hai tướng mỗi tướng có đủ trăm phước trang nghiêm như thế cùng tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân, nên ở trong hàng người, trời, Ngài là tối tôn, tối thắng.

Hỏi: Nghiệp tướng dị thục này trải qua bao nhiêu thời gian tu tập viên mãn?

Đáp: Phần nhiều trải qua một trăm đại kiếp, chỉ trừ Bồ-tát Thích-ca, do Bồ-tát Thích-ca hết sức tinh tấn, nên vượt qua chín đại kiếp, chỉ trải qua chín mươi mốt kiếp tu tập viên mãn đạt được Chánh đẳng Bồ đề Vô thượng. Sự việc ấy như thế nào? Như Khế kinh nói:

Về thời quá khứ có Đức Phật hiệu là Để Sa, hoặc gọi là Bổ Sa, có hai vị đệ tử Bồ-tát siêng tu phạm hạnh, một vị tên là Thích-ca Mâu-ni, vị kia tên là Mai-đát-lệ-dược (Từ Thị). Khi ấy, Phật Để Sa quán xét căn của hai vị đệ tử xem người nào thuần thục trước, liền nhận biết như thật là Từ Thị thuần thục trước, còn Năng Tịch thì thuần thục sau. Ngài lại quán hữu tình nơi hai cõi được giáo hóa xem hữu tình nơi nào thuần thục trước. Lại nhận biết như thật là hữu tình được Thích-ca giáo hóa là thuần thục trước. Biết như vậy rồi tức suy nghĩ: Ta nay làm sao khiến cho vị kia cơ – cảm cùng hội ngộ? Nhưng khiến một người mau chóng thuần thục chẳng phải như khiến nhiều người! Suy nghĩ rồi liền bảo Bồ-tát Thích-ca: Ta muốn dạo núi, ông có thể đi theo. Bấy giờ, Phật Để Sa liền đem theo Ni-sư-đàn, theo đường vào núi. Tới nơi, ngài vào am Phệ-lưu-ly trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già, nhập định Hỏa giới, trải qua bảy ngày đêm thọ hỷ lạc vi diệu, uy quang tỏa sáng. Bồ-tát Thích-ca phút chốc cũng đến núi ấy, nơi nơi tìm Phật như nghé con tìm mẹ, lần lượt đến trước am kia, hốt nhiên thấy rõ tướng uy nghi đoan nghiêm của Phật hào quang tỏa sáng, liền hết sức thành khẩn, phát sinh hoan hỷ tràn trề, nơi hành không gián đoạn, chỉ đứng một chân chiêm ngưỡng tôn nhan Phật, mắt không chút rời, trải qua bảy ngày đêm dùng một bài kệ tán thán Phật:

Trời đất cõi này am đa văn

Cung thệ, xứ trời, mười phương không

Trượng phu, ngưu vương, Đại Sa-môn

Khắp cả núi rừng, không ai sánh.

Tán thán như thế rồi, liền vượt qua chín kiếp, đối với Bồ-tát Từ Thị được Vô Thượng Giác trước.

Hỏi: Bồ-tát gần đến Phật địa tất đối với danh cú văn thân đã được xảo diệu tự tại chưa từng được, tức nên dùng tụng riêng theo môn khác để tán thán Phật. Vì sao trải qua bảy ngày đêm chỉ dùng một tụng để khen ngợi Phật?

Đáp: Bồ-tát khi ấy tư nguyện thù thắng, nên không tạo thêm văn tụng. Nếu đổi văn tụng thì tư nguyện không thuần nhất.

Lại nữa, Bồ-tát bấy giờ lo sợ bị tán loạn như tụng sai biệt thì tâm cũng đổi khác, làm sao có được một tâm chuyên chú.

Lại nữa, Bồ-tát hiển bày tâm mình không hề chán mệt, có thể ở nơi một tụng luôn nối tiếp phát khởi đổi mới tư nguyện thù thắng.

Hỏi: Vì sao Bồ-tát Từ Thị tự căn thì thành thục trước, nhưng nơi chốn giáo hóa lại thành thục sau? Còn Bồ-tát Thích-ca thì ngược lại?

Đáp: Bồ-tát Từ Thị phần nhiều là làm lợi ích cho mình, ít tạo lợi ích cho kẻ khác, còn Bồ-tát Thích-ca thì phần nhiều tạo lợi ích cho kẻ khác, ít làm lợi ích cho mình. Thế nên đều cùng với nơi chốn giáo hóa không như nhau.

Hỏi: Như Khế kinh nói: Bồ-tát trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp tu hành bốn Ba-la-mật-đa mới được viên mãn. Đấy là những kiếp nào?

Đáp: Có thuyết nói: Là trung kiếp. Có thuyết nói: Là kiếp thành. Có thuyết nói: Là kiếp hoại. Nên nói như vầy: Đấy là đại kiếp. Tích tập đại kiếp này đến một A-tăng-kỳ, như vậy cho đến ba A-tăng-kỳ là tu tập viên mãn.

Hỏi: Làm sao có thể nhận biết được thời lượng của A-tăng-kỳ kiếp ấy?

Đáp: Có thuyết nói: Lấy đại kiếp làm một. Tích tập một này cho đến trăm ngàn gọi là Lạc xoa. Đến trăm trăm ngàn gọi là Câuchi. Trăm ngàn Câu-chi gọi là Na dũ đa. Trăm ngàn Na dũ đa gọi là Tần bà. Trăm ngàn Tần bà gọi là Kiến tha. Từ đây trở về sau thì trí toán số không thể đạt tới. Đến phần vị không thể tính đếm ấy gọi là thời lượng của một A-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, thứ ba cũng như vậy.

Có thuyết nêu: Lấy đại kiếp làm một. Tích tập một này đến trăm ngàn gọi là Lạc xoa. Đến trăm trăm ngàn gọi là Câu-chi. Trăm ngàn Câu-chi gọi là Câu-chi – Câu-chi. Trăm ngàn Câu-chi – Câu-chi gọi là A triết triết Câu-chi. Trăm ngàn A triết triết Câu-chi gọi là A trá trá Câu-chi. Trăm ngàn A trá trá Câu-chi gọi là A dũ đa. Trăm ngàn A dũ đa gọi là A dũ đa phần. Trăm ngàn A dũ đa phần gọi là Na dũ đa. Trăm ngàn Na dũ đa gọi là Na dũ đa phần. Trăm ngàn Na dũ đa phần gọi là Câu vật đà. Trăm ngàn Câu vật đà gọi là Câu vật đà phần. Trăm ngàn Câu vật đà phần gọi là Bát đặc ma. Trăm ngàn Bát đặc ma gọi là Bát đặc ma phần. Trăm ngàn Bát đặc ma phần gọi là Ca mạt la. Trăm ngàn Ca mạt la gọi là Ca mạt la phần. Trăm ngàn Ca mạt la phần gọi là Nại trĩ na. Trăm ngàn Nại trĩ na gọi là Nại trĩ na phần. Trăm ngàn Nại trĩ na phần gọi là Đổ chi. Trăm ngàn Đổ chi gọi là Đổ chi phần. Trăm ngàn Đổ chi phần gọi là A ba ba. Trăm ngàn A ba ba gọi là A ba ba phần. Trăm ngàn A ba ba phần gọi là Trá trá. Trăm ngàn Trá trá gọi là Trá trá phần. Trăm ngàn Trá trá phần gọi là Ô già. Trăm ngàn Ô già gọi là Ô già phần. Trăm ngàn Ô già phần gọi là Bạt la. Trăm ngàn Bạt la gọi là Bạt la phần. Trăm ngàn Bạt la phần gọi là Bà yết la. Từ đây trở về sau thì trí toán số không đạt tới. Đến phần vị này gọi là lượng của một A-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, thứ ba cũng như vậy.

Có thuyết cho: Không phải trí toán số không đạt tới gọi là A-tăng-kỳ. Nhưng có Khế kinh nói: Sáu mươi số, trong đó có một số gọi là A-tăng-kỳ. Tích tập số đại kiếp, khi tới số này gọi là một A-tăng-kỳ kiếp.

Như kinh kia nói: Có một số Vô dư khởi đầu làm một. Mười lần một là mười. Mười lần mười là một trăm. Mười trăm là ngàn. Mười ngàn là Bát-la-bệ-đà.

Mười Bát-la-bệ-đà là Lạc-xoa. Mười Lạc-xoa là Át-để-lạc-xoa.

Mười Át-để-lạc-xoa là Câu-chi.

Mười Câu-chi là Mạt-đà. Mười Mạt-đà là A-dũ-đa. Mười Dũđa là Đại A-dũ-đa. Mười Đại A-dũ-đa là Na-dũ-đa.

Mười Na-dũ-đa là Đại Na-dũ-đa. Mười Đại Na-dũ-đa là Bát-lana-dũ-đa. Mười Bát-la-na-dũ-đa là Đại Bát-la-na-dũ-đa. Mười Đại Bát-la-na-dũ-đa là Căng-yết-la.

Mười Căng-yết-la là Đại Căng-yết-la. Mười Đại Căng-yết-la là Tần-bạt-la. Mười Tần-bạt-la là Đại Tần-bạt-la. Mười Đại Tần-bạt-la là A-sô-bà.

Mười A-sô-bà là Đại A-sô-bà. Mười Đại A-sô-bà là Tỳ-bàha. Mười Tỳ-bà-ha là Đại Tỳ-bà-ha. Mười Đại Tỳ-bà-ha là Ốtthặng-già.

Mười Ốt-thặng-già là Đại Ốt-thặng-già. Mười Đại Ốt-thặng-già là Bà-hát-na. Mười Bà-hát-na là Đại Bà-hát-na. Mười Đại Bà-hát-na là Địa-trí-bà.

Mười Địa-trí-bà là Đại Địa-trí-bà. Mười Đại Địa-trí-bà là Hêđô. Mười Hê-đô là Đại Hê-đô. Mười Đại Hê-đô là Yết-lạp-bà.

Mười Yết-lạp-bà là Đại Yết-lạp-bà. Mười Đại Yết-lạp-bà là Ấn-đạt-la. Mười Ấn-đạt-la là Đại Ấn-đạt-la. Mười Đại Ấn-đạt-la là Tam-ma-bát-đam.

Mười Tam-ma-bát-đam là Đại Tam-ma-bát-đam. Mười Đại Tam-ma-bát-đam là Yết-để. Mười Yết-để là Đại Yết-để. Mười Đại Yết-để là Khô-phiệt-la-xà.

Mười Khô-phiệt-la-xà là Đại Khô-phiệt-la-xà. Mười Đại Khôphiệt-la-xà là Mụ-đạt-la. Mười Mụ-đạt-la là Đại Mụ-đạt-la. Mười Đại Mụ-đạt-la là Bạt-lam.

Mười Bạt-lam là Đại Bạt-lam. Mười Đại Bạt-lam là San-nhã.

Mười San-nhã là Đại San-nhã. Mười Đại San-nhã là Tỳ-bộ-đa.

Mười Tỳ-bộ-đa là Đại Tỳ-bộ-đa. Mười Đại Tỳ-bộ-đa là Bạt-lasam. Mười Bạt-la-sam là Đại Bạt-la-sam. Mười Đại Bạt-la-sam là A-tăng-kỳ.

Từ đây trở về sau lại có tám số cùng với sáu mươi số trước hợp làm một đại kiếp, cho đến số A-tăng-kỳ thứ năm mươi hai lúc đó gọi là một A-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, thứ ba cũng lại như vậy.

Có thuyết nói: Tôn giả Xá-lợi-tử dựa nơi tĩnh lự thứ tư khởi Túc trụ tùy niệm trí thông, duyên nơi đời quá khứ ngang với chỗ kiếp đạt được là lượng của một A-tăng-kỳ kiếp. Lượng của A-tăng-kỳ kiếp thứ hai, thứ ba cũng như vậy. Thuyết kia không nên nói như thế. Do lượng của A-tăng-kỳ kiếp không phải là cảnh giới thuộc túc trụ trí của Tôn giả Xá-lợi-tử. Trong đây, hoặc nói lượng của ba A-tăng-kỳ kiếp đều là cảnh giới thuộc túc trụ trí của Tôn giả Xá-lợi-tử, thì không nên nói ngang với trí kia đạt tới kiếp nào là một A-tăng-kỳ kiếp.

Có thuyết cho: Dựa vào một hành thí để phân biệt lượng của ba A-tăng-kỳ kiếp. Nghĩa là nếu khi Bồ-tát hành tuệ thí nhưng chưa có thể xả bỏ tất cả vật thí, tất cả ruộng. Ngang tới mức đó gọi là A-tăngkỳ kiếp thứ nhất. Nếu khi Bồ-tát hành tuệ thí cũng có thể xả bỏ tất cả vật nhưng chưa có thể thí tất cả ruộng, hoặc có thể thí tất cả ruộng nhưng chưa có thể xả bỏ tất cả vật. Ngang tới mức đó gọi là A-tăngkỳ kiếp thứ hai. Nếu khi Bồ-tát hành tuệ thí cũng có thể xả bỏ tất cả vật, cùng có thể thí tất cả ruộng. Ngang tới mức đó gọi là A-tăng-kỳ kiếp thứ ba.

Có thuyết nêu: Dựa vào việc gặp và thờ Phật để phân biệt lượng của ba A-tăng-kỳ kiếp. Nghĩa là vào thời quá khứ lâu xa, khi mạng của con người trăm tuổi, có Phật tên là Thích-ca Mâu Ni xuất hiện ở đời. Ngài sinh trong tộc họ Thích-ca, thuộc chủng tộc Sát-đế-lợi, mẹ là Ma ha Ma Da, cha là Tịnh Phạn, con tên là La-hỗ-la, kinh thành tên Kiếp-tỷ-la-phiệt-tốt-đổ, có nhiều tộc họ Thích, đệ tử thị giả là A-nan-đà, hai vị đệ tử bậc nhất là Xá-lợi-tử và Mục-kiền-kiên.

Bấy giờ, nơi thế gian năm thứ ô trược tăng nhiều, bị sinh lão tử bức bách, chìm trong ngu si tăm tối không người dẫn đường. Đức Phật, Thế Tôn kia do sức của bi nguyện nên xuất hiện ở đời, tinh tấn tăng thượng, giáo hóa dẫn dắt hữu tình chưa từng dừng nghỉ. Vì thế Ngài bị nhiễm sương gió, đau nhức bên vai.

Lúc này, có người thợ đồ gốm tên là Quảng Xí, Đức Phật nhận biết đã đến lúc, nên nói với thị giả A-nan: Ta nay thân bị đau, không an, ông hãy đến nhà người thợ đồ gốm là Quảng Xí xin dầu mè, nước nóng đem về để Ta tắm rửa. Thị giả A-nan cung kính vâng lời đi tới nhà ông Quảng Xí, dùng lời dịu dàng thăm hỏi sức khỏe công việc hằng ngày rồi khéo léo tán thán Phật có vô số công đức: Giới định tuệ thù thắng, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp hào quang luôn tỏa chiếu, trí kiến vô ngại, biện tài xuất chúng. Xong, lại nói với Quảng Xí: Đức Thế Tôn như vậy nếu không xuất gia thì sẽ làm Luân vương cai trị bốn châu, tức tôi và ông đây cùng hết cả thế gian đều là dân, là bề tôi của vua kia. Nhưng nay Phật đã từ bỏ ngôi vua như thế, xuất gia sống đời khổ hạnh, chứng đắc quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đầy đủ tất cả trí kiến, đoạn dứt mọi thứ nghi ngờ, đem lại mọi thứ quyết định, có thể giải đáp hết tất cả cội nguồn của nghi vấn, xem các hữu tình cũng như con một, hiện Ngài ở cách đây không xa, vì mãi lo giáo hóa cứu khổ trong khu vực này, chịu nắng gió đường trường nên bị cảm nhiễm, vai đau nhức, tôi muốn xin dầu và nước nóng nên tới đây, ông có thể thí cho chăng?

Nghe xong, Quảng Xí cảm thấy rộn lên nỗi hoan hỷ chưa từng có. Làm sao nơi nhân gian có công đức này? Liền thưa với Tôn giả A-nan: Thôi, Nhân giả hãy trở về, như lời Tôn giả nói, tôi sẽ đến chỗ Phật.

Tôn giả A-nan ra về không lâu thì Quảng Xí sắm sửa đủ dầu mè, nước nóng thơm mang tới chỗ Phật. Phật từ xa trông thấy, vì muốn cho người này gieo trồng căn thiện, nên cởi bớt lớp y ngoài, chỉ mặc y sát người, ngồi trên ghế đợi. Đến nơi, Quảng Xí phát tâm thuần tịnh, rồi lấy dầu mè khéo léo xoa bóp nơi hai vai Phật, xong lấy nước nóng thơm tắm Phật, bao nhiêu đau nhức do nhiễm gió thảy đều tan biến. Phật dùng lời từ hòa an ủi Quảng Xí. Nghe rồi, Quảng Xí vô cùng hoan hỷ, liền phát nguyện: Nguyện vào đời vị lai tôi sẽ thành Phật, danh hiệu, quyến thuộc, thời, xứ, đệ tử cũng như Đức Thế Tôn hiện tại không khác.

Nên biết, người thợ đồ gốm ấy tức là Bồ-tát Thích-ca, do bản nguyện nên nay các thứ danh hiệu v.v… đều như xưa không khác.

Nhưng từ nơi Đức Phật kia phát nguyện ấy trở về sau cho đến khi gặp và thờ phụng Như Lai Bảo Kế, đó gọi là đủ A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất. Từ đấy trở đi, cho đến khi gặp và phụng thờ Như Lai Nhiên Đăng, đó gọi là đủ A-tăng-kỳ kiếp thứ hai. Lại, từ đó trở về sau, cho đến khi gặp và phụng thờ Như Lai Thắng Quán, đó gọi là đủ A-tăngkỳ kiếp thứ ba. Sau đấy lại trải qua chín mươi mốt kiếp tu nghiệp tướng diệu, cho đến khi gặp và phụng thờ Phật Ca Diếp Ba mới được viên mãn.

Có thuyết nói: Có ba thứ A-tăng-kỳ: 1. Kiếp A-tăng-kỳ. 2. Sinh A-tăng-kỳ. 3. Hành diệu A-tăng-kỳ.

Kiếp A-tăng-kỳ: Là lấy đại kiếp làm một, tích tập cho đến Lạcxoa Câu-chi, lần lượt cho đến quá số Bà-yết-la.

Sinh A-tăng-kỳ: Là mỗi mỗi kiếp trải qua vô số đời.

Hành diệu A-tăng-kỳ: Là mỗi mỗi kiếp tu vô số hành diệu. Do ba thứ A-tăng-kỳ ấy, nên chứng Vô Thượng Giác.

Thuyết này không hợp lý.

Về nghĩa như thật: Trong đây chỉ nói trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp tu hành viên mãn.

HẾT – QUYỂN 177