LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 176

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ BẤT HOÀN, phần 3

* Luận Thi Thiết nói: Có năm Tịnh Cư, là trời Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện hiện, Thiện kiến, Sắc cứu cánh.

Hỏi: Thế nào là trời Vô phiền?

Đáp: Nghĩa là trời Vô phiền là một loại bạn bè, chúng đồng phần, chỗ dựa đắc, sự việc đắc, xứ sở đắc, cùng đã sinh nơi trời ấy là sắc thọ tưởng hành thức vô phú vô ký. Đó gọi là trời Vô phiền.

Hỏi: Trời ấy vì sao gọi là Vô phiền?

Đáp: Trời ấy là giả danh, giả tưởng, danh nêu đặt, tưởng nêu đặt, tùy sự mong muốn mà lập chẳng cần như danh tất có nghĩa.

Lại nữa, trời ấy thân không phiền nhiễu, tâm không phiền nhiễu, một đời nhận lãnh an lạc thuần tịch tĩnh, không phải nơi cõi dưới hiện có, nên gọi là Vô phiền.

Lại nữa, trời ấy xét kỹ thấy khổ đúng là khổ, tập đúng là tập, diệt đúng là diệt, đạo đúng là đạo, lìa những phiền não thô trọng đã khởi ở cõi dưới, nên gọi là Vô phiền.

Lại nữa, Phiền nghĩa là rộng (Quảng) tức trời Quảng quả. Nay trời này là xứ đầu tiên vượt qua cõi kia nên gọi là trời Vô phiền.

Hỏi: Thế nào là trời Vô nhiệt?

Đáp: Nghĩa là trời Vô nhiệt là một loại bạn bè, chúng đồng phần, cho đến nói rộng.

Hỏi: Trời ấy vì sao gọi là Vô nhiệt?

Đáp: Trời ấy là giả danh, giả tưởng, cho đến nói rộng.

Lại nữa, trời ấy thân không nhiệt não, tâm không nhiệt não, một đời nhận lãnh an lạc thuần mát mẻ, không phải nơi cõi dưới hiện có, nên gọi là Vô nhiệt.

Lại nữa, trời ấy xét kỹ thấy khổ đúng là khổ, cho đến thấy đạo đúng là đạo, lìa những phiền não nóng bức đã khởi ở cõi dưới, nên gọi là Vô nhiệt.

Lại nữa, trong trời Vô phiền vì ở gần sát địa dưới đã khởi lửa phiền não tăng thượng, nên cũng gọi là nhiệt. Nay trời này đã vượt khỏi cõi kia, nên gọi là trời Vô nhiệt.

Hỏi: Thế nào là trời Thiện hiện?

Đáp: Nghĩa là trời Thiện hiện là một loại bạn bè, chúng đồng phần, cho đến nói rộng.

Hỏi: Trời ấy vì sao gọi là Thiện hiện?

Đáp: Trời ấy là giả danh, giả tưởng, cho đến nói rộng.

Lại nữa, trời ấy hình sắc đoan nghiêm tươi đẹp, vượt hơn hai trời dưới, nên gọi là Thiện hiện.

Lại nữa, trời ấy xét kỹ thấy khổ đúng là khổ, cho đến thấy đạo đúng là đạo, lìa những cấu đục, tâm tịnh hiển bày, nên gọi là Thiện hiện.

Lại nữa, trời ấy được phẩm thượng nơi tu đủ tĩnh lự pháp thiện hiển bày rõ, nên gọi là trời Thiện hiện.

Hỏi: Thế nào là trời Thiện kiến?

Đáp: Nghĩa là trời Thiện kiến là một loại bạn bè, chúng đồng phần, cho đến nói rộng.

Hỏi: Trời ấy vì sao gọi là Thiện kiến?

Đáp: Trời ấy là giả danh, giả tưởng, cho đến nói rộng.

Lại nữa, trời ấy hình sắc lại càng thêm tươi đẹp, mọi người đều ưa thích nhìn ngắm, nên gọi là Thiện kiến.

Lại nữa, trời ấy xét kỹ thấy khổ đúng là khổ, cho đến thấy đạo đúng là đạo, lìa dứt các thứ cấu đục, tâm càng tịnh rõ, nên gọi là Thiện kiến.

Lại nữa, trời ấy được phẩm thượng thắng viên mãn nơi tu đủ tĩnh lự, pháp thiện có được, càng hiển bày rõ, nên gọi là trời Thiện kiến.

Hỏi: Thế nào là trời Sắc cứu cánh?

Đáp: Nghĩa là trời Sắc cứu cánh là một loại bạn bè, chúng đồng phần, cho đến nói rộng.

Hỏi: Trời ấy vì sao gọi là Sắc cứu cánh?

Đáp: Trời ấy là giả danh, giả tưởng, cho đến nói rộng.

Lại nữa, trời ấy hình sắc thắng diệu tột bậc, các trời không sánh kịp, nên gọi là Sắc cứu cánh.

Lại nữa, trời ấy xét kỹ thấy khổ đúng là khổ, cho đến thấy đạo đúng là đạo, lìa dứt mọi cấu đục, các trời sắc khác không sánh kịp, nên gọi là Sắc cứu cánh.

Lại nữa, trời ấy được phẩm thượng cực viên mãn nơi tu đủ tĩnh lự, các căn thiện của cõi sắc khác đều không thể sánh, nên gọi là Sắc cứu cánh.

Lại nữa, trời ấy đối với cảnh giới có sắc là tối tôn, tối thắng, tối cực, nên gọi là Sắc cứu cánh.

Lại nữa, trời ấy cũng gọi là trời Ngại cứu cánh. Ngại nghĩa là tích tập sắc. Trời ấy đối với ngại này là tối tôn, tối thắng, tối cực, nên gọi là Ngại cứu cánh.

Lại nữa, trời ấy cũng gọi là trời Đảnh cứu cánh, là đảnh của tất cả hữu sắc, cũng là Cứu cánh.

Hỏi: Sinh nơi trời Tịnh Cư là do sự chiêu cảm của nghiệp hay là do tu đủ tĩnh lự? Nếu nêu như vậy thì có lỗi gì? Nếu do nghiệp thì tu đủ tĩnh lự là uổng công. Nếu do tu đủ tĩnh lự thì trái với điều nơi Luận Phẩm Loại Túc đã nói. Như Luận ấy nói: Do tu đủ tĩnh lự và do nghiệp nên sinh nơi trời Tịnh Cư, cho đến nói rộng.

Đáp: Có thuyết nói: Đó là do sự chiêu cảm của nghiệp.

Hỏi: Nếu như vậy thì tu đủ tĩnh lự há chẳng là uổng công?

Đáp: Do tu đủ tĩnh lự nên nghiệp được quyết định nên không uổng công. Lại nữa, cần tu đủ tĩnh lự nên sau mới có thể dẫn phát tư nghiệp kia hiện tiền. Do đấy nên có thể dẫn dắt chúng đồng phần kia.

Có Sư khác nói: Do tu đủ tĩnh lự.

Hỏi: Như vậy Luận Phẩm Loại Túc nói nên làm sao thông?

Đáp: Tức tu đủ tĩnh lự dùng tiếng nghiệp để nói. Lại nữa, Luận kia trước nói tu đủ tĩnh lự là hiển bày thời gian trước nhập định đó. Sau nói cùng do nghiệp nên sinh nơi Tịnh Cư là hiển bày thời gian sau, tức do lực ấy nên sinh nơi trời Tịnh Cư.

Nên nói như vầy: Là cũng do sức của nghiệp, cũng do tu đủ tĩnh lự. Nghĩa là tuy có tư nghiệp hiện tiền, nhưng nếu không có tu đủ tĩnh lự thì không được sinh nơi trời Tịnh Cư. Tuy có tu đủ tĩnh lự, nhưng nếu không có tư nghiệp hiện tiền thì cũng không được sinh nơi trời Tịnh Cư. Thế nên cần có tư nghiệp dẫn dắt tu đủ tĩnh lự khiến có quyết định mới được sinh nơi trời Tịnh Cư.

***

* Các vị học, tất cả các vị ấy là vì được điều chưa được nên học chăng? Nếu như vì được điều chưa được nên học thì tất cả các vị ấy là học chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Kinh Thủy Phược Ca là chỗ dựa căn bản của Luận này. Kinh ấy nói: Học nơi đối tượng học nên gọi là học. Chớ có sinh nghi: Những vị hữu học khi học nơi đối tượng học mới gọi là học. Khi trụ nơi bản tánh không gọi là học. Những vị vô học khi trụ nơi bản tánh mới gọi là vô học. Khi học nơi đối tượng học không gọi là vô học. Muốn khiến nghi ấy có được quyết định, nên hiển bày: Những vị hữu học có trụ nơi bản tánh và những vị vô học cũng học nơi đối tượng học, nên tạo ra phần Luận này.

Trường hợp 1: Có là học nhưng không phải vì được điều chưa được nên học: Nghĩa là học trụ nơi bản tánh.

Có hai nhân duyên gọi là trụ nơi bản tánh: 1. Giữ tánh hiền thiện nhưng không thoái chuyển. 2. Giữ phần đức của mình nhưng không tiến tu. Nay chỉ nói không tiến tu gọi là trụ nơi bản tánh.

Nghĩa là người Dự lưu không tiến tu gia hạnh của quả Nhất lai. Người Nhất lai không tiến tu gia hạnh của quả Bất hoàn. Người Bất hoàn không tiến tu gia hạnh của quả A-la-hán. Vị Tín thắng giải không cầu tạo kiến chí.

Lại, những vị hữu học không cầu khởi những điều chưa được là quán bất tịnh, trì tức niệm, niệm trụ, ba nghĩa quán, bảy xứ thiện, tĩnh lự, vô lượng, vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ, không dẫn phát các thông, không tu đủ tĩnh lự, không nhập định diệt tận, không thọ trì đọc tụng Kinh, Luật, Luận, cũng không truyền cho người khác, không trụ nơi xứ A-luyện-nhã để tư duy quán xét về Kinh Luật Luận, cũng không phát triển sự việc của Phật Pháp Tăng. Đó gọi là học nhưng không phải vì được điều chưa được nên học.

Hỏi: Những vị kia do nhân duyên gì không học nơi đối tượng học?

Đáp: Các vị kia hoặc do bệnh lâu dài, hoặc thiếu điều kiện sinh sống, khởi tư duy như vầy: Ta đã vượt qua vô lượng sinh tử, chỉ còn bảy lần sinh tử nữa hoặc một lần sinh tử nữa. Hoặc nhớ nghĩ: Ta đã ra khỏi vũng bùn ái dục chỉ còn một ít nơi cõi trên thuận sinh ở đấy nhưng nay đã gặp khổ hoạn. Hoặc thiếu thốn vì điều kiện sinh sống may còn chút ít hơi thở, vội gì tiến tu. Do vậy, các vị học không học nơi đối tượng học.

Trường hợp 2: Có vì được điều chưa được nên học nhưng vị kia không phải là học: Nghĩa là A-la-hán và phàm phu tiến cầu pháp trên. Trong đây, pháp trên nghĩa là công đức thù thắng.

Tức là bậc Thời giải thoát cầu tạo Bất động và A-la-hán khởi những gì mình chưa được như quán bất tịnh, trì tức niệm, niệm trụ, ba nghĩa quán, bảy xứ thiện, tĩnh lự, vô lượng, vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ, dẫn phát các thông, tu đủ tĩnh lự, nhập định diệt tận, khởi vô ngại giải, nguyện trí, vô tránh, định biên vực, không không, vô nguyện vô nguyện, vô tướng vô tướng, thọ trì đọc tụng Tố-đát-lãm, Tỳ-nại-da, A-tỳ-đạt-ma, hoặc trao truyền cho kẻ khác, hoặc trụ nơi xứ A-luyện-nhã, tư duy quán xét về Kinh, Luật, Luận, hoặc lại phát triển sự việc của Phật Pháp Tăng.

Và phàm phu cầu lìa nhiễm của cõi dục, nhiễm của cõi sắc, một phần nhiễm của cõi vô sắc. Hoặc khởi quán bất tịnh, trì tức niệm, niệm trụ, ba nghĩa quán, bảy xứ thiện, noãn, nhẫn, đảnh, pháp thế đệ nhất, tĩnh lự, vô lượng, vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ, dẫn phát các thông, nhập định vô tưởng, thọ trì đọc tụng ba Tạng Kinh Luật Luận, hoặc truyền cho kẻ khác, hoặc trụ nơi xứ A-luyện-nhã, tư duy quán xét về ba Tạng Kinh Luật Luận, hoặc lại phát triển các sự việc của Phật Pháp Tăng. Đó gọi là vì được điều chưa được nên học nhưng vị kia không phải là học.

Hỏi: Vì sao A-la-hán lại học nơi đối tượng học?

Đáp: Các vị ấy tuy không phải vì đoạn trừ phiền não nên học, nhưng do yêu thích công đức thù thắng nên học.

Trường hợp 3: Có là học cũng vì được điều chưa được nên học: Nghĩa là học tiến cầu pháp trên. Tức người Dự lưu tiến tu gia hạnh của quả Nhất lai, nói rộng cho đến hoặc lại phát triển sự việc của Phật Pháp Tăng. Đó gọi là học cũng là vì được điều chưa được nên học.

Trường hợp 4: Có không phải là học cũng không phải vì được điều chưa được nên học: Nghĩa là A-la-hán và phàm phu trụ nơi bản tánh. Tức bậc Thời giải thoát không cầu làm Bất động, nói rộng cho đến cũng không phát triển sự việc của Phật Pháp Tăng. Và phàm phu không cầu lìa nhiễm của cõi dục, nói rộng cho đến cũng không phát triển sự việc của Phật Pháp Tăng. Đó gọi là không phải là học cũng không phải vì được điều chưa được nên học.

Hỏi: Các vị vô học, tất cả các vị ấy không vì được điều chưa được nên học chăng? Nếu như không vì được điều chưa được nên học thì tất cả các vị ấy là vô học chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

Trường hợp 1: Có là vô học nhưng không phải không vì được điều chưa được nên học: Nghĩa là A-la-hán tiến cầu pháp trên. Tức là Thời giải thoát cầu làm Bất động và A-la-hán khởi những thứ chưa được như quán bất tịnh, trì tức niệm, nói rộng cho đến hoặc lại phát triển sự việc của Phật Pháp Tăng. Đó gọi là vô học nhưng không phải không vì được điều chưa được nên học.

Trường hợp 2: Có không vì được điều chưa được nên học nhưng vị kia không phải là vô học: Nghĩa là hàng hữu học và phàm phu trụ nơi bản tánh. Tức là người Dự lưu không tiến tu gia hạnh của quả Nhất lai, nói rộng cho đến cũng không phát triển các sự việc của Phật Pháp Tăng. Và phàm phu không vì lìa nhiễm của cõi dục, nói rộng cho đến cũng không phát triển các sự việc của Phật Pháp Tăng. Đó gọi là không vì được điều chưa được nên học nhưng vị kia không phải là vô học.

Trường hợp 3: Có là vô học cũng không vì được điều chưa được nên học: Nghĩa là A-la-hán trụ nơi bản tánh. Tức là Thời giải thoát không cầu được Bất động và A-la-hán không cầu khởi những thứ chưa được như quán bất tịnh, trì tức niệm, nói rộng cho đến cũng không phát triển các sự việc của Phật Pháp Tăng. Đó gọi là vô học cũng không vì được điều chưa được nên học.

Trường hợp 4: Có không phải là vô học cũng không phải không vì được điều chưa được nên học: Nghĩa là hàng hữu học và phàm phu tiến cầu pháp trên. Tức là người Dự lưu tiến tu gia hạnh quả Nhất lai, nói rộng cho đến hoặc lại phát triển các sự việc của Phật Pháp Tăng. Và phàm phu cầu lìa nhiễm của cõi dục, nói rộng cho đến hoặc lại phát triển các sự việc của Phật Pháp Tăng. Đó gọi là không phải là vô học cũng không phải không vì được điều chưa được nên học.

Hỏi: Vì học nơi đối tượng học nên gọi là học hay vì được pháp học nên gọi là học? Nếu nêu như vậy thì có lỗi gì?

Nếu học nơi đối tượng học nên gọi là học, thì văn ở đây nêu làm sao thông? Như nói: Học trụ nơi bản tánh.

Nếu được pháp học nên gọi là học, thì như nơi kinh nói làm sao thông? Như nói: Học nơi đối tượng học nên gọi là học.

Đáp: Có thuyết nói: Được pháp học nên gọi là học. Nghĩa là hoặc học, hoặc chẳng học, chỉ thành tựu pháp học, tức gọi là học.

Hỏi: Nếu như vậy thì nơi kinh nói nên làm sao thông?

Đáp: Kinh kia chỉ dựa vào hiện học để nói, không nói là tất cả.

Lại nữa, kinh kia dựa nơi ý lạc không dứt nên nói như vậy. Nghĩa là các vị hữu học hoặc khởi tâm thiện, hoặc khởi tâm bất thiện, hoặc khởi tâm vô ký, hoặc khởi gia hạnh, hoặc không khởi gia hạnh, thì tất cả các vị hữu học kia ý lạc chưa từng phế bỏ. Do không vĩnh viễn xả bỏ gia hạnh, nên như người đi đường khi tạm nghỉ chân, kẻ khác hỏi đi đâu, đáp: Đến nơi kia. Các vị hữu học này cũng do ý lạc không dứt, nên tuy là trụ nhưng nói đi đến. Đây cũng như vậy.

Có thuyết nói: Học nơi đối tượng học nên gọi là học.

Hỏi: Nếu như vậy thì văn ở đây nêu làm sao thông? Như nói: Học trụ nơi bản tánh.

Đáp: Ở đây là dựa vào gia hạnh tạm dừng để nói, nhưng do ý lạc, không xả bỏ học, nên gọi là học nơi đối tượng học. Lại nữa, khi học trụ nơi bản tánh, tuy không khởi tâm tâm sở học, nhưng sự việc học kia luôn được hiện hành. Dựa vào nghĩa này nên gọi là học nơi đối tượng học.

Hỏi: Nếu hàng hữu học không học, hàng vô học học, làm sao kiến lập hữu học, vô học có khác nhau?

Đáp: Ở trong Thánh vị là căn cứ nơi sự đoạn dứt phiền não để lập hữu học, vô học, không dựa vào sự tu tập công đức thù thắng, cho nên có khác.

***

* Thế nào là nghĩa của Thuận lưu? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì để phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có bốn Bổ-đặc-già-la: 1. Thuận lưu. 2. Nghịch lưu. 3. Trụ ở giữa. 4.

Đến bờ kia. Khế kinh tuy nói như vậy nhưng không phân biệt rộng. Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì Kinh kia không nói nay tức nên nên nêu bày. Vì vậy tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là nghĩa của Thuận lưu?

Đáp: Là đối với các loài, các nẻo, các hữu, các chủng loại, các sinh tử, làm chi, làm môn, làm sự, làm đường, làm dấu vết hướng đến. Đó là nghĩa của thuận lưu.

Hỏi: Thế nào là nghĩa của Nghịch lưu?

Đáp: Là đối với các loài diệt, nẻo diệt, hữu diệt, chủng loại diệt, sinh tử diệt, làm chi, làm môn, làm sự, làm đường, làm dấu vết hướng đến. Đó là nghĩa của Nghịch lưu.

Lưu có nhiều thứ: Hoặc nói Thánh đạo gọi là lưu. Hoặc nói nghiệp gọi là lưu. Hoặc nói ái gọi là lưu. Hoặc nói sinh tử gọi là lưu. Trong đây, lưu là chỉ nói về sinh tử.

Lại, Khế kinh nói: Thế nào là thuận lưu? Nghĩa là hành tập các dục và tạo nghiệp ác. Thế nào là nghịch lưu? Nghĩa là không hành tập các dục, không tạo nghiệp ác. Nên biết kinh kia dựa vào một đời để kiến lập thuận lưu, nghịch lưu. Trong đây đã nói là dựa vào nhiều đời để kiến lập thuận lưu, nghịch lưu.

Lại nữa, kinh kia là dựa vào tạm thời khởi dục ác, lìa ác dục để kiến lập thuận lưu, nghịch lưu. Cho nên bậc Thánh chưa lìa nhiễm dục cũng gọi là thuận lưu. Phàm phu đã lìa nhiễm dục cũng gọi là nghịch lưu. Trong đây đã nói là dựa vào thời gian dài, hướng tới sinh tử, dứt bỏ sinh tử để kiến lập thuận lưu, nghịch lưu. Cho nên có người đã lìa nhiễm cõi sắc mà gọi là thuận lưu. Có kẻ chưa lìa nhiễm cõi dục mà gọi là nghịch lưu.

Trong nghĩa của thuận lưu: Các loài: Là bốn loài. Các nẻo: Là năm nẻo. Các hữu: Là ba hữu. Các chủng loại: Là những chủng loại khác nhau như địa, xứ. Các sinh tử: Là sự lưu chuyển có sai biệt từ vô thỉ đến nay cho đến đời sau.

Làm chi: Nghĩa là mười hai chi hữu. Làm môn: Nghĩa là nghiệp phiền não. Làm sự: Nghĩa là nơi chốn nương dựa. Làm đường: Nghĩa là đường đi tới sinh tử. Làm dấu về hướng đến: Nghĩa là dấu vết hướng đến của Thân tăng tiến.

Trong đây, năm câu trước là nêu rõ về sinh tử. Năm câu sau là nêu rõ về sự nuôi lớn sinh tử, thâu nhận sinh tử, giữ lấy sinh tử, sinh tử không đoạn dứt, sinh tử tăng trưởng tùy thuận, như dòng sông nối dài chảy mãi không cùng tận.

Trong nghĩa của nghịch lưu: Năm thứ như loài v.v…: Như trước đã nói. Sai khác: Là đối với kia là được, đây là diệt.

Làm chi: Nghĩa là tám chi Thánh đạo. Làm môn: Nghĩa là quán bất tịnh, trì tức niệm. Làm sự: Nghĩa là ba môn giải thoát. Làm đường: Nghĩa là hướng đến đường diệt trừ sinh tử. Làm dấu vết hướng đến: Nghĩa là dấu vết hướng tới diệt bỏ Hữu thân kiến.

Trong đây, năm câu trước là nêu rõ về việc diệt trừ sinh tử. Năm câu sau là hiển bày: Có thể trừ diệt sinh tử, không phải là nuôi lớn. Có thể dứt bỏ sinh tử, không phải là thâu nhận. Có thể làm tan hoại sinh tử, không phải là giữ gìn. Có thể đoạn tuyệt sinh tử, không phải là không đoạn tuyệt. Có thể làm tổn giảm, trái ngược với sinh tử, không phải là làm tăng trưởng tùy thuận. Như khơi tháo ao hồ khiến khô cạn dần.

Hỏi: Ngang với mức nào gọi là thuận lưu, nghịch lưu?

Đáp: Có thuyết nói: Cho đến khổ pháp trí nhẫn chưa sinh gọi là thuận lưu. Đã sinh gọi là nghịch lưu.

Có thuyết cho: Cho đến pháp Thế đệ nhất chưa sinh gọi là thuận lưu. Đã sinh gọi là nghịch lưu.

Có thuyết nêu: Cho đến nhẫn tăng thượng chưa sinh gọi là thuận lưu. Đã sinh gọi là nghịch lưu.

Có thuyết nói: Cho đến pháp Nhẫn. Có thuyết nêu: Cho đến pháp đảnh. Có thuyết cho: Cho đến pháp noãn. Có thuyết nói: Cho đến niệm trụ. Có thuyết nêu: Cho đến quán bất tịnh, trì tức niệm v.v… chưa sinh, gọi là thuận lưu. Đã sinh, gọi là nghịch lưu.

Nên nói như vầy: Nếu chưa gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát gọi là thuận lưu. Đã gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát gọi là nghịch lưu. Vì sao? Vì vô lượng hữu tình tuy có thể bố thí cho các Sa môn, Bà-la-môn, người nghèo khổ, cô độc, đi xa cực nhọc và những kẻ khổ hạnh, bố thí cho họ các thứ thức ăn uống, y phục, đồ nằm, thuốc thang, phòng xá, đèn đuốc, hương hoa, châu báu cùng những thứ cần dùng khác, lại thiết lập đại hội Vô già để cúng tế, như Phệ la ma bất cang cường v.v… Những người kia do không gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát, nên ở trong đêm dài sinh tử thọ nhận quả báo của sự bố thí ấy rồi trở lại sinh vào nẻo ngạ quỷ, chịu khổ về đói khát trải qua trăm ngàn năm, cho đến không nghe đến hai tiếng ăn uống. Hoặc sinh trong loài người là hạng bần cùng thấp kém, có nhiều khổ não.

Hoặc lại thấy có vô lượng hữu tình hộ trì giới cấm, ham học, đa văn, thọ trì, đọc tụng ba Tạng Kinh, Luật, Luận, thông đạt văn nghĩa, phân biệt giải nói. Lại có thể thông suốt các luận của thế tục, như Ký luận, Nhân luận, Vương luận, các Y phương luận, Công xảo luận. Hoặc lại khéo gồm thông các luận của ngoại đạo, là Thắng luận, Số luận, Minh luận, Thuận thế gian luận, Ly hệ luận v.v… Những người kia do không gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát, nên ở trong đêm dài sinh tử thọ nhận quả báo rồi trở lại sinh trong nẻo bàng sinh, làm thân bò, dê, lạc đà v.v… ngu si, mù tối, cho đến không thể nói năng. Hoặc sinh trong loài người thì mù, điếc, câm, ngọng, ám độn vô trí.

Hoặc lại thấy có vô lượng hữu tình tu tập các định, hoặc lìa nhiễm dục, hoặc lìa nhiễm sắc, hoặc lìa một phần nhiễm vô sắc, trụ nơi tám đẳng chí, khởi bốn vô lượng, dẫn phát năm thông. Các vị ấy do không gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát, nên ở trong đêm dài sinh tử thọ nhận quả báo kia rồi trở lại sinh trong địa ngục, chịu khổ não dữ. Hoặc sinh nơi nẻo bàng sinh làm thân loài rắn lớn phun nọc độc làm tan hoại núi, đá. Hoặc sinh trong loài người làm hạng chuyên tạo nghiệp xấu ác như Chiên-đồ-la, Bổ-yết-bà v.v….

Những trường hợp như thế, tuy tạm thọ nhận phước, nhưng trở lại thoái đọa, đều gọi là thuận lưu.

Nếu các hữu tình hoặc chỉ bố thí một nắm cơm, hoặc chỉ trì giới một ngày một đêm, hoặc cho đến chỉ đọc tụng bốn câu kệ, hoặc chỉ trong giây lát tu gia hạnh định, nhưng có thể gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát, do đấy thời gian về sau, tuy nhân nơi phiền não tạo tác nhiều thứ hành ác của thân khẩu ý, hoặc tạo nghiệp vô gián, hoặc lại đoạn dứt hết căn thiện, cho đến trong thân không có chút hạt giống nào gọi là pháp trắng, bị đọa nơi địa ngục vô gián, chịu vô số khổ não, nhưng được gọi là trụ nơi bờ Niết-bàn, do kẻ ấy tất được bát Niết-bàn. Ở đây, có dụ: Như người câu cá dùng thức ăn làm mồi, móc vào lưỡi câu, quăng xuống nước sâu, có cá tới ăn, cá kia bấy giờ tuy lại vui chơi, hoặc bơi vào trong hang, nên biết đã gọi là ở trong tay người, vì không lâu nhất định sẽ đưa lên bờ. Vì thế nên nói: Thà làm Đề-bà-đạt-đa đọa địa ngục vô gián, không làm Ốt-đạt-lạcca-át-la-ma-tử, sinh nơi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vì sao? Vì Đề-bà-đạt-đa tuy tạo ba nghiệp vô gián, đoạn các căn thiện, đọa nơi địa ngục vô gián, nhưng đến khi loài người có tuổi thọ bốn vạn năm, sẽ thành tựu Bồ-đề Độc giác, lợi căn hơn cả Xá-lợi-tử v.v… Còn Ốtđạt-lạc-ca-át-la-ma-tử tuy lìa nhiễm của tám địa, trụ nơi tám đẳng chí, cùng tột Xa-ma-tha, sắp vượt ba cõi, gần cửa cam lồ, sinh nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trải qua tám vạn đại kiếp, thọ nhận an lạc tịch tĩnh, nhưng từ nơi ấy mạng chung, do lực của nghiệp ác nên sinh trong rừng khổ hạnh vắng vẻ, làm thân loài chồn có cánh biết bay, lùng bắt các cầm thú sống dưới nước, trên cạn, trên không. Do hành ác ấy nên mạng chung, đọa nơi địa ngục vô gián, chịu đủ mọi thống khổ, Đức Phật không thọ ký khi nào ông ấy được giải thoát. Do vậy nên nói, tuy trụ trong rừng khổ hạnh mà gọi là thuận lưu. Tuy ở nơi cảnh giới của năm dục mà gọi là nghịch lưu. Ở đây có dụ: Như người mang theo hai thứ đồ dùng một bằng vàng một bằng sành, đang đi trượt chân té nhào, hai thứ đồ dùng kia đều vỡ. Kẻ ấy bấy giờ không tiếc vật bằng vàng mà tiếc vật bằng sành, than thở tức giận. Ai hỏi lý do anh ta đều đáp đủ. Có người lại hỏi kỹ: Đồ vật bằng vàng bị vỡ sao anh không tiếc lại đi tiếc đồ bằng sành? Anh ta đáp: Ông thật chẳng biết gì cả! Vì sao? Vì đồ bằng vàng tuy bị vỡ, hình tuy mất, nhưng thể của nó còn, chỉ trở lại giao cho thợ kim hoàn thì có thể làm lại như trước hoặc còn đẹp hơn. Còn đồ bằng sành bị vỡ, cả hình, thể đều mất, tuy có giao cho thợ đồ gốm cho đến không thể làm lại đủ một cây đèn huống là làm lại vật như cũ. Thế nên tôi nay không tiếc đồ bằng vàng mà tiếc đồ bằng sành. Như vậy, Thiên Thọ đã gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát, tuy tạo các ác sinh trong địa ngục, nhưng rồi sẽ thành Độc giác, hơn cả Xá-lợi-tử, ví như đồ bằng vàng tuy vỡ nhưng vẫn làm trở lại được. Mãnh-hỷ-tử không gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát, nên tuy lìa nhiễm nơi tám địa, sinh nơi trời Hữu đảnh, nhưng chung cuộc bị đọa nơi nẻo ác, chưa biết khi nào giải thoát, như đồ bằng sành kia vỡ rồi không thâu lại được. Do đó, chưa gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát gọi là thuận lưu. Đã gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát gọi là nghịch lưu.

Hỏi: Căn thiện thuận phần giải thoát ở nơi thân hữu tình, tướng của nó vi tế, đã gieo trồng, chưa gieo trồng làm sao có thể nhận biết?

Đáp: Do tướng nên nhận biết. Sự việc ấy có tướng như thế nào? Nghĩa là nếu khi nghe bậc Thiện hữu giảng nói chánh pháp, lông tóc dựng đứng, nước mắt ràn rụa, chán lìa sinh tử, vui thích Niết-bàn, đối với pháp và Pháp sư sinh ái kính sâu xa, nên biết quyết định là đã gieo trồng căn thiện thuận phần giải thoát. Nếu không thể như thế nên biết là chưa gieo trồng.

Ở đây có dụ: Như người kia gieo giống xuống thửa ruộng đã lâu, sinh nghi: Ta nơi thửa ruộng này đã từng gieo giống chăng? Do dự chưa quyết. Người hàng xóm nói: Có gì phải do dự! Ông nay nên cho nước vào ruộng rồi rải phân lên, nếu sinh mầm tức biết là đã gieo, nếu không như thế là chưa gieo. Người này làm theo lời khuyên liền được quyết định.

Hành giả cũng như vậy, tự nghi trong thân mình từng đã gieo trồng chủng tử giải thoát hay chưa, khi ấy nên nghe lời bậc Thiện hữu nói: Ông nay nên đi đến chỗ giảng nói pháp, nếu lúc nghe pháp, lông tóc dựng đứng, nước mắt ràn rụa, cho đến đối với pháp và Pháp sư sinh ái kính, nên biết là đã gieo trồng chủng tử giải thoát. Nếu không như thế là chưa gieo trồng. Do tướng ấy nên có thể nhận biết rõ được.

Hỏi: Thế nào là nghĩa của Tự trụ?

Đáp: Là không phải đối với các loài cho đến các sinh tử, làm chi cho đến làm dấu vết hướng tới. Cũng không phải đối với các loài diệt cho đến sinh tử diệt, làm chi cho đến làm dấu vết hướng tới, là nghĩa của tự trụ. Đây nghĩa là việc làm phần ít đã làm xong, hoặc tất cả việc làm đã làm xong, ý lạc tạm dừng, hoặc dừng hoàn toàn. Không đồng với thuận lưu và nghịch lưu, đối với sinh tử, Niết-bàn đều hành tác, ý lạc không dứt. Đó gọi là tự trụ, tức là nghĩa trụ nơi tự phần.

Hỏi: Các vị A-la-hán tất cả các vị ấy là tự trụ chăng? Nếu như là tự trụ thì tất cả các vị ấy là A-la-hán chăng?

Đáp: Các vị A-la-hán tất cả các vị ấy đều là tự trụ. Chư vị trụ nơi xứ nào? Nghĩa là trụ nơi sự lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, trong quả A-la-hán tất cả các kiết đã đoạn dứt hết và đã nhận biết khắp. Nhưng có trường hợp là tự trụ nhưng không phải A-la-hán: Đó là Bất hoàn. Vị này trụ nơi xứ nào? Nghĩa là trụ nơi sự lìa nhiễm của cõi dục, trong quả Bất hoàn năm kiết thuận phần dưới đã đoạn dứt hết và nhận biết khắp. Như Đức Thế Tôn nói:

Vĩnh đoạn năm phiền não

Học đủ, không dẫn pháp

Định căn được tự tại

Người ấy gọi tự trụ.

Năm phiền não: Nghĩa là năm cái và năm kiết thuận phần dưới, quả Bất hoàn đã đoạn dứt hết, nên nói là vĩnh đoạn.

Học đủ: Nghĩa là quả đủ, căn đủ, không phải là đẳng chí đủ.

Không dẫn pháp: Nghĩa là nghiệp phiền não của cõi dục không thể dẫn dắt nữa.

Được tự tại: Nghĩa là tâm được tự tại. Tức đối với Tha tâm trí chứng thông được nghĩa tự tại rốt ráo.

Được định căn: Nghĩa là thành tựu căn của Tam-ma-địa thuộc về tĩnh lự.

Người ấy gọi tự trụ: Nghĩa là trụ nơi sự lìa nhiễm của cõi dục, trong quả Bất hoàn đã đoạn dứt hết và nhận biết khắp năm kiết thuận phần dưới.

Hỏi: Các vị được cực cấm thì tất cả các vị ấy được cực tích chăng? Nếu như được cực tích thì tất cả các vị ấy được cực cấm chăng?

Đáp: Những vị được cực cấm thì tất cả các vị ấy được cực tích. Vì sao? Vì giới của bậc vô học gọi là cực cấm. Bốn thứ thần túc gọi là cực tích. Những vị đã được giới của bậc vô học tất cũng đạt được bốn thần túc. Có trường hợp được cực tích nhưng không được cực cấm, đó là Bất hoàn. Như Đức Thế Tôn nói: Thế nào là Bí-sô được cực tích? Nghĩa là đối với năm kiết thuận phần dưới đã vĩnh viễn đoạn dứt và nhận biết khắp. Vì sao? Vì người Bất hoàn đã được bốn thần túc nhưng chưa được giới của bậc vô học.

Hoặc nói như thế này: Những vị được cực tích thì tất cả các vị ấy là đáo bỉ ngạn chăng? Nếu như là đáo bỉ ngạn thì tất cả các vị ấy được cực tích chăng?

Đáp: Những vị được cực tích thì tất cả các vị ấy đều đáo bỉ ngạn. Vì sao? Vì tất cả kiết đã đoạn dứt hết gọi là cực tích. Như Khế kinh nói: Tích nghĩa là Niết-bàn. Vĩnh viễn đoạn dứt năm kiết, không còn luân hồi sinh tử, gọi là đáo bỉ ngạn (Đến bờ kia). Các A-la-hán thân đã tác chứng, gọi là được cực tích. Đã đoạn năm kiết thuận phần trên, không còn luân hồi sinh tử trong ba cõi, gọi là đáo bỉ ngạn. Có trường hợp là đáo bỉ ngạn nhưng không được cực tích, đó là Bất hoàn. Như Đức Thế Tôn nói: Thế nào là Bí-sô gọi là đáo bỉ ngạn? Nghĩa là đối với năm kiết thuận đã đoạn và nhận biết khắp. Do đoạn kiết ấy nên không còn luân hồi sinh tử trong cõi dục, nên gọi là đáo bỉ ngạn. Lại nữa, A-la-hán đối với ba cõi lại đáo bỉ ngạn. Nghĩa là đoạn cả ba cõi, khi do kiến đạo và do tu đạo đoạn. Người Bất hoàn đối với cõi dục cũng lại đáo bỉ ngạn. Nghĩa là đoạn cõi dục khi do kiến đạo và do tu đạo đoạn, nhưng chưa được Niết-bàn, nên không gọi là được cực tích.

Hoặc nói như vầy: Các vị A-la-hán tất cả các vị ấy đã dứt hết nguồn gốc chăng? Nếu như dứt hết nguồn gốc thì tất cả các vị ấy là A-la-hán chăng?

Đáp: Các vị A-la-hán thì tất cả các vị ấy đã dứt hết nguồn gốc. Nhưng có trường hợp dứt hết nguồn gốc nhưng không phải A-la-hán, đó là Bất hoàn. Như Đức Thế Tôn nói: Thế nào là Bí-sô dứt hết nguồn gốc? Nghĩa là đối với năm kiết thuận phần dưới đã vĩnh viễn đoạn dứt và nhận biết khắp. Trong đây, hai giải thích như nói về đáo bỉ ngạn.

***

* Ngang tới mức độ nào được gọi là Bồ-tát? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có một hữu tình không phải là loại ngu tối mà là loại thông tuệ, đó là Bồ-đề Tát đỏa. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt: Ngang tới mức nào gọi là Bồ-tát? Được những gì gọi là Bồ-tát? Kinh kia là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì Kinh kia không nói nay tức nên nêu bày. Vì thế tạo ra phần Luận này.

Lại nữa, vì nhằm đoạn dứt trường hợp thật sự không phải là Bồ-tát thật, nhưng khởi tăng thượng mạn cho là Bồ-tát, nên tạo ra phần Luận này.

Vì sao? Vì có những hữu tình dùng một bữa ăn để bố thí, hoặc dùng một thứ y phục, một chỗ ở, cho đến hoặc dùng một cây tăm xỉa răng để bố thí. Hoặc có những hữu tình hoặc chỉ thọ trì một giới, tụng một bài kệ, chỉ một lần thâu giữ tâm, quán bất tịnh, đã lớn tiếng nói: Ta nhân nơi đấy nên nhất định sẽ thành Phật. Vì nhằm đoạn trừ những tăng thượng mạn như vậy, đồng thời hiển bày: Tuy trải qua ba vô số kiếp, tu đủ vô số hạnh khổ khó làm, nhưng nếu chưa tu tập nghiệp tướng diệu thì cũng chưa nên nói ta là Bồ-tát, huống chi các hữu tình kia là còn quá thấp kém mà đã khởi tăng thượng mạn. Thế nên Bồ-tát cho đến khi mãn vô số kiếp đầu tiên, tuy tu đủ vô số hạnh khổ khó làm, nhưng chưa có thể quyết định tự nhận biết là thành Phật. Khi mãn vô số kiếp thứ hai, tuy có thể quyết định tự nhận biết thành Phật, nhưng vẫn chưa dám nói lời vô úy: Ta sẽ thành Phật. Khi mãn vô số kiếp thứ ba rồi, lúc tu nghiệp tướng diệu cũng quyết định nhận biết ta sẽ thành Phật, cũng là lúc phát lời như sư tử gầm vô úy: Ta sẽ thành Phật.

Hỏi: Ngang tới mức nào gọi là Bồ-tát?

Đáp: Ngang tới mức có thể tạo tác làm tăng trưởng nghiệp tướng dị thục.

Hỏi: Nếu các hữu tình phát tâm cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, có thể không thoái chuyển, từ đó tức nên gọi là Bồ-tát. Vì sao cho đến tạo tác làm tăng trưởng nghiệp tướng dị thục mới gọi là Bồ-tát?

Đáp: Nếu đối với Bồ-đề đã quyết định và sự hướng tới cũng quyết định mới gọi là Bồ-tát chân thật. Từ lúc mới phát tâm cho đến chưa tu nghiệp tướng diệu, tuy đối với Bồ-đề đã quyết định, nhưng hướng tới thì chưa quyết định, nên chưa được gọi là Bồ-tát chân thật. Chính yếu là đến khi tu tập nghiệp tướng diệu mới đối với Bồ-đề quyết định và sự hướng tới cũng quyết định. Thế nên ngang tới mức đó mới gọi là Bồ-tát.

Lại nữa, khi tu nghiệp tướng diệu, nếu hàng trời và người đều cùng nhận biết vị ấy là Bồ-tát, nên gọi là Bồ-tát chân thật. Khi chưa tu nghiệp tướng diệu, chỉ có hàng trời nhận biết, nên chưa được gọi là Bồ-tát chân thật.

Lại nữa, khi tu nghiệp tướng diệu là bỏ năm sự việc thấp kém và được năm sự việc thù thắng: 1. Bỏ các nẻo ác, luôn sinh vào nẻo thiện. 2. Bỏ nhà thấp kém, luôn sinh vào nhà cao quý. 3. Bỏ thân chẳng phải nam, luôn được thân nam. 4. Bỏ căn không đủ, luôn đủ các căn. 5. Bỏ niệm có quên mất, luôn được niệm tự tánh sinh. Do vậy nên được gọi là Bồ-tát chân thật. Khi chưa tu nghiệp tướng diệu thì trái với các điều này, nên không gọi là Bồ-tát chân thật.

Hỏi: Bồ-tát được niệm tự tánh sinh này có lợi ích gì?

Đáp: Bồ-tát được niệm tự tánh sinh này thì lìa lỗi lầm của hữu tình, chứa nhóm mọi hiểu biết, tin sâu nơi nhân quả, khéo gồm thâu đồ chúng, những lời dạy khuyên không uổng công. Tư lương của Bồtát càng trở nên viên mãn. Đó là những lợi ích.

Hỏi: Được những gì gọi là Bồ-tát?

Đáp: Được nghiệp tướng dị thục.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho kẻ nghi có được quyết định. Nghĩa là trước đã nói: Ngang tới mức có thể tạo tác làm tăng trưởng nghiệp tướng dị thục gọi là Bồ-tát. Chớ có sinh nghi: Tuy ngang nơi phần vị này gọi là Bồ-tát, nhưng tên gọi Bồ-tát hoặc do chứng đắc những thắng pháp khác. Nay muốn hiển bày: Tức do nghiệp tướng dị thục nên được gọi là Bồ-tát, không do pháp khác, vì thế tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Do quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng nên gọi là Bồ-đề Tát đỏa. Vì sao khi chưa chứng đắc gọi là tùy chuyển? Sau khi chứng đắc không gọi là tùy chuyển mà gọi là Phật Đà?

Đáp: Do Tát đỏa này chưa được quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đã dùng ý lạc tăng thượng luôn tùy thuận Bồ-đề, hướng tới Bồ-đề, thân cận Bồ-đề, yêu thích Bồ-đề, tôn trọng Bồ-đề, khát ngưỡng Bồ-đề, để cầu chứng, muốn chứng, không biếng trễ, không dừng nghỉ, ở trong Bồ-đề tâm không tạm xả, nên gọi là Bồ-đề Tát đỏa. Khi đã chứng đắc quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng rồi, đối với việc cầu Bồ-đề, ý lạc gia hạnh đều cùng ngưng dừng, chỉ đối với nghĩa thành tựu giác ngộ là tối thắng. Tất cả sự nhiễm ô, không nhiễm ô đều vĩnh viễn đoạn dứt, nên nhận biết rõ về tất cả thắng nghĩa cùng các cảnh giới thế tục, nên lại có thể giác ngộ cho vô lượng hữu tình, tùy theo căn tánh cùng sự ưa muốn của họ để tạo lợi ích. Do nghĩa Đẳng giác tối thắng như thế nên gọi là Phật Đà, không gọi là Bồ-tát.

Lại nữa, Tát đỏa là nghĩa dũng mãnh. Khi chưa được quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, đối với Bồ-đề luôn tinh tấn dũng mãnh, cầu muốn mau chóng chứng đắc, cho nên gọi là Bồ-đề Tát đỏa. Khi đã chứng đắc Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng rồi, tức đối với Bồ-đề tâm dũng mãnh dừng, chỉ có nghĩa giác ngộ là tối thắng, nên gọi là Phật Đà, do có thể thành tựu giác ngộ tối thắng.

HẾT – QUYỂN 176