LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 173

Chương 7: ĐỊNH UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ GỒM THÂU, phần 8

Năm diệu dục: Nghĩa là mắt nhận biết sắc là đáng yêu mến, đáng vui mừng, đáng ưa thích, như ý, có thể dẫn đến ham muốn nhiễm đắm. Cho đến thân nhận biết xúc là đáng yêu mến, đáng vui mừng, đáng ưa thích, như ý, có thể dẫn đến ham muốn nhiễm đắm.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Mắt nhận biết sắc là đáng yêu mến, đáng vui mừng, cho đến nói rộng. Khế kinh tuy nói như thế nhưng không phân biệt rộng. Khế kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này nay, những gì Kinh kia chưa nói nay nên nói, vì thế tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là diệu dục của mắt nhận biết sắc?

Đáp: Là như sắc nơi cõi dục được mắt tiếp xúc, sinh ái nơi cảnh của đối tượng duyên.

Hỏi: Thế nào là diệu dục của tai nhận biết tiếng?

Đáp: Là như tiếng nơi cõi dục được tai tiếp xúc, sinh ái nơi cảnh của đối tượng duyên.

Hỏi: Thế nào là diệu dục của mũi nhận biết hương?

Đáp: Là như hương được mũi tiếp xúc, sinh ái nơi cảnh của đối tượng duyên.

Hỏi: Thế nào là diệu dục của lưỡi nhận biết vị?

Đáp: Là như vị được lưỡi tiếp xúc, sinh ái nơi cảnh của đối tượng duyên.

Hỏi: Thế nào là diệu dục của thân nhận biết xúc?

Đáp: Là như xúc nơi cõi dục được thân tiếp xúc, sinh ái nơi cảnh của đối tượng duyên.

Hỏi: Ý nhận biết pháp vì sao không lập làm diệu dục?

Đáp: Nếu đều là đối tượng duyên của ái thì lập làm diệu dục. Ý nhận biết pháp có đối tượng duyên không phải là ái nên không lập làm diệu dục.

Lại nữa, nếu pháp làm hai thứ ái nơi đối tượng duyên thì lập làm diệu dục. Nghĩa là ái do nhãn xúc sinh ra và ái do ý xúc sinh ra, cho đến ái do thân xúc sinh ra và ái do ý xúc sinh ra. Ý nhận biết pháp chỉ làm một thứ ái nơi đối tượng duyên là ái do ý xúc sinh ra, nên không lập làm diệu dục.

Hỏi: Như vậy thì sắc thanh xúc nơi tĩnh lự thứ nhất nên lập làm diệu dục, vì cũng làm hai thứ ái nơi đối tượng duyên?

Đáp: Nếu pháp làm hai thứ ái nơi đối tượng duyên, nhưng ái kia là bất thiện thì lập làm diệu dục. Sắc thanh xúc nơi tĩnh lự thứ nhất tuy làm hai thứ ái nơi đối tượng duyên, nhưng ái kia là vô ký, nên không lập làm diệu dục. Như ái bất thiện, vô ký nơi cõi dục, thì ái sắc nói cũng như vậy.

Có thuyết nói: Nếu pháp làm hai thứ ái nơi đối tượng duyên, nhưng là ái của nhân duyên dâm thì lập làm diệu dục. Sắc thanh xúc nơi tĩnh lự thứ nhất tuy làm hai thứ ái nơi đối tượng duyên, nhưng không phải là ái của nhân duyên dâm, nên không lập làm diệu dục.

Do nghĩa ấy nên ý nhận biết pháp không lập làm diệu dục.

Lại nữa, nếu pháp là sự thọ dụng chung thì lập làm diệu dục. Như người nữ nối tiếp là chỗ thọ dụng của người nam. Người nam nối tiếp là chỗ thọ dụng của người nữ. Ý nhận biết pháp không phải là sự thọ dụng chung, nên không lập làm diệu dục.

Lại nữa, nếu thể tướng của pháp thô hiển sinh nhiều ái thì lập làm diệu dục. Ý nhận biết pháp thì thể tướng vi tế, không phải sinh nhiều ái, nên không lập làm diệu dục.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là diệu dục?

Đáp: Vì dục này là diệu, nên gọi là diệu dục.

Hỏi: Đây đều là hữu lậu, có nhiều thứ lỗi lầm, có công đức gì để nói là diệu?

Đáp: Trong ấy cũng có phần ít công đức. Nghĩa là có thể sinh vui thích, nên gọi là diệu.

Lại nữa, những dục thấp kém mà tham đắm, lại phân biệt tăng ích để giữ lấy làm tịnh diệu, nên gọi là diệu.

Lại nữa, các dục đáng gọi là dục tham theo ý, nên gọi là diệu.

Lại nữa, các dục là đam mê ham muốn, tức bảo vệ, trông mong, nên gọi là diệu.

Lại nữa, dục ấy có thể tùy thuận làm tăng trưởng tham ái dục vị, nên gọi là diệu.

Tôn giả Diệu Âm nói: Đây là hạng ngu phu khởi xứ tưởng diệu nên gọi là diệu.

Tôn giả Thế Hữu nói: Đây là những dục đã hành tập được yêu mến, vui thích, mong cầu, nên gọi là diệu dục.

Tôn giả Giác Thiên nói: Các dục tuy không phải là diệu của thắng nghĩa, nhưng là diệu của thế tục, tuy không phải là diệu cứu cánh nhưng là diệu tạm thời. Nghĩa là có thể trong thời gian ngắn dẫn sinh hỷ lạc ngừng dứt các khổ.

Đại đức nói: Các dục thấp kém nhưng tợ như tịnh diệu nên gọi là diệu.

Do nhân duyên ấy nên gọi là diệu dục. Như Khế kinh nói: Cụ thọ Ca-mạc-ca đến chỗ Đức Phật đảnh lễ nơi chân Ngài, rồi thưa: Thế Tôn! Phật thường nói về dục, vậy dục hiển bày sự việc gì? Đức Phật bảo: Dục tức là năm diệu dục. Những gì là năm? Nghĩa là mắt nhận biết sắc là đáng yêu mến, đáng vui mừng, đáng ưa thích, như ý, có thể dẫn đến ham muốn, nhiễm đắm. Cho đến nói rộng.

Hỏi: Dục của thắng nghĩa tức là ái. Vì sao Đức Thế Tôn nói sắc v.v… gọi là dục?

Đáp: Do chúng là vật dụng của dục nên gọi là dục. Như vật dụng của lạc gọi là lạc. Vật dụng của cấu uế gọi là cấu uế. Vật dụng của lậu gọi là lậu. Đây cũng như vậy.

Hỏi: Làm sao nhận biết được dục của thắng nghĩa chỉ là ái?

Đáp: Do nơi A-cấp-ma. Như Tôn giả Xá-lợi-tử nói tụng:

Các diệu cảnh đời phi chân dục

Chân dục là người phân biệt tham

Diệu cảnh như thế gian vốn trụ

Người trí trong đó đã trừ dục.

Khi ấy, có một ngoại đạo tà mạng đang trụ cách đó không xa, tức thời dùng tụng hỏi Tôn giả Xá-lợi-tử:

Nếu diệu cảnh đời phi chân dục

Nói dục là người phân biệt tham

Bí-sô nên gọi: Người thọ dục

Do khởi tầm tư ác phân biệt.

Tôn giả Xá-lợi-tử đáp lại ngoại đạo: Khởi tầm tư ác đích thực gọi là thọ nhận dục. Lại vì ngoại đạo kia nói kệ:

Nếu diệu cảnh đời là chân dục

Nói dục người chẳng phân biệt tham

Thầy ông nên gọi người thọ dục

Do luôn quán sắc diệu hợp ý.

Lúc này ngoại đạo kia im lặng không thể đáp. Nên biết dục thật là ái, không phải là cảnh.

Trong Khế kinh nói dục sinh có ba thứ:

1. Có những hữu tình nhận vui nơi những cảnh của diệu dục hiện tiền. Những hữu tình ấy ở trong cảnh của hiện dục như thế, tự tại mà chuyển. Đó là người và một phần trời. Người là gồm thâu hoàn toàn nẻo người. Một phần trời là bốn trời dưới.

2. Có những hữu tình nhận lấy vui rồi tự biến hóa các cảnh của diệu dục. Những hữu tình này ở trong cảnh của diệu dục tự biến hóa, tự tại mà chuyển. Đó là trời thứ năm là Lạc biến hóa.

3. Có những hữu tình nhận lấy vui rồi do kẻ khác biến hóa các cảnh của diệu dục. Những hữu tình này ở trong cảnh của diệu dục do kẻ khác biến hóa ấy, tự tại mà chuyển. Đó là trời thứ sáu là Tha hóa tự tại.

Hỏi: Dựa vào đâu để lập ra ba thứ dục sinh này?

Đáp: Dựa vào sự thọ nhận. Như sinh cảnh dục hiện tiền nên lập loại thứ nhất.

Dựa vào sự thọ nhận. Như vui thích nơi cảnh dục tự biến hóa nên lập loại thứ hai.

Dựa vào sự thọ nhận. Như vui thích nơi cảnh dục do người khác biến hóa nên lập loại thứ ba.

Hỏi: Vì sao người và bốn chúng trời trước hợp lập làm dục sinh. Còn hai chúng trời sau đều kiến lập riêng?

Đáp: Người và bốn chúng trời trước phiền não là thô. Hai chúng trời sau thì phiền não vi tế. Lại nữa, người và bốn chúng trời trước thì phiền não sắc bèn. Hai chúng trời sau thì phiền não luôn hiện. Lại nữa, người và bốn chúng trời trước thì phiền não nặng. Hai chúng trời sau thì phiền não nhẹ. Thế nên, người và bốn chúng trời trước là lập chung, hai chúng trời sau là lập riêng.

Có thuyết nói: Người và bốn chúng trời trước cảnh không sáng rõ. Hai chúng trời sau thì cảnh sáng rõ. Lại nữa, người và bốn chúng trời trước cảnh giới không dồi dào. Hai chúng trời sau thì cảnh giới dồi dào. Lại nữa, người và bốn chúng trời trước cảnh giới không tịnh diệu. Hai chúng trời sau thì cảnh giới tịnh diệu. Lại nữa, người và bốn chúng trời trước cảnh giới không xâm đoạt tâm. Hai chúng trời sau thì cảnh giới xâm đoạt tâm. Lại nữa, người và bốn chúng trời trước cảnh không thể khiến các căn sầu muộn. Hai chúng trời sau thì cảnh giới có thể khiến các căn sầu muộn. Thế nên, người và bốn chúng trời trước là hợp lại, hai chúng trời sau là biệt lập.

Có thuyết cho: Người và bốn chúng trời trước cách đạo lìa dục xa, sự việc dâm khó dứt, cho nên hợp lập. Hai chúng trời sau cách đạo lìa dục gần, sự việc dâm dễ dứt, thế nên lập riêng.

Có thuyết nêu: Người và bốn chúng trời trước xúc chạm nhau thành dâm, nên lập chung. Trời thứ năm cùng cười là thành dâm. Trời thứ sáu cùng nhìn nhau là thành dâm, nên lập riêng. Đây là dựa vào dụ để làm rõ thời lượng của sự việc dâm có khác nhau mà nói, như trước đã biện giải.

Có thuyết nói: Người và bốn chúng trời trước cùng vui thọ dụng cảnh tự nhiên sinh, nên lập chung làm một. Chúng trời thứ năm thì riêng vui thọ dụng, cảnh tự biến hóa. Chúng trời thứ sáu thì riêng vui thọ dụng, cảnh do người khác biến hóa, nên đều lập riêng.

Năm diệu dục này đều thuộc cõi dục, cho nên chỉ dựa vào định vị chí diệt.

Năm học xứ: 1. Lìa đoạn sinh mạng. 2. Lìa không cho mà lấy. 3. Lìa hạnh tà dục. 4. Lìa nói hư dối. 5. Lìa uống các thứ rượu. Năm Học xứ này, đã nói rộng như nơi Chương Nghiệp Uẩn, đều thuộc cõi dục, nên chỉ dựa vào định vị chí diệt.

***

* Sáu nội xứ, sáu ngoại xứ, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân, sáu ái thân, dựa vào định nào diệt?

Đáp: Năm nội xứ, sắc, thanh, xúc nơi ngoại xứ dựa vào bốn hoặc vị chí. Ý nơi nội xứ, pháp nơi ngoại xứ, ý thức thân cùng những thứ chúng tương ưng là xúc, thọ, tưởng, tư, ái thân dựa vào bảy, hoặc vị chí. Hương, vị nơi ngoại xứ, tỷ, thiệt thức thân cùng những thứ chúng tương ưng là xúc, thọ, tưởng, tư, ái thân dựa vào vị chí. Nhãn, nhĩ, thân thức thân và những thứ chúng tương ưng là xúc, thọ, tưởng, tư, ái thân dựa vào thứ nhất hoặc vị chí.

Hỏi: Vì sao ở đây đã dựa vào sáu pháp để tạo luận?

Đáp: Là do ý của người tạo luận muốn thế. Tức Luận giả theo ý của mình để tạo luận, chỉ không trái với pháp tướng, vậy không nên nêu vấn nạn.

Lại nữa, không nên hỏi về ý của người làm luận, do đây là theo những gì Khế kinh đã nói.

Trong Khế kinh, nơi nhiều chỗ, Đức Phật giảng nói sáu pháp môn này nhưng không phân biệt rộng. Khế kinh là chỗ dựa căn bản của Luận này. Những gì Khế kinh chưa phân biệt thì nay nên phân biệt. Do đó tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Không nói về ý của người tạo luận. Chỉ hỏi là trong kinh vì sao Đức Phật nói sáu pháp môn này?

Đáp: Có thuyết nói: Là vì muốn làm rõ năm uẩn cùng nhân của chúng. Nghĩa là nếu nói năm nội xứ trước, năm ngoại xứ trước và một phần của pháp xứ là làm rõ Sắc uẩn. Nếu nói sáu thọ thân và một phần của pháp xứ là làm rõ Thọ uẩn. Nếu nói sáu tưởng thân và một phần của pháp xứ là làm rõ Tưởng uẩn. Nếu nói sáu xúc thân và một phần của pháp xứ là làm rõ Hành uẩn. Nếu nói sáu thức thân và ý xứ là làm rõ Thức uẩn. Nếu nói sáu tư thân, sáu ái thân là làm rõ nhân của năm uẩn. Như Khế kinh nói: Nghiệp là nhân sinh. Ái là nhân khởi. Sinh, khởi tức là chỗ đạt được của năm uẩn.

Có thuyết cho: Là nhằm hiển bày về ba thứ tập là nghiệp, phiền não, khổ. Nghĩa là nếu nói sáu tư thân là hiển bày về nghiệp tập. Nếu nói sáu ái thân là hiển bày về phiền não tập. Nếu nói sáu thứ còn lại là hiển bày về khổ tập.

Như hiển bày về ba tập như nghiệp v.v… thì hiển bày về ba sinh như nghiệp v.v…, ba đạo như nghiệp v.v… nên biết cũng như vậy.

Tự tánh của các sáu pháp nơi Chương Tạp Uẩn v.v… đã nói.

Năm nội xứ trước và sắc thanh xúc nơi ngoại xứ đều thuộc năm địa, tức dựa vào bốn hoặc vị chí diệt.

Trong đó, thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí diệt. Cho đến thuộc tĩnh lự thứ tư là dựa nơi tĩnh lự thứ tư, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ diệt.

Nhưng ở đây đã nói về định: Có thuyết cho là dựa vào định vô lậu để nói. Có thuyết cho là dựa vào định hữu lậu, vô lậu để nói, như trước đã phân biệt.

Nói về diệt: Nếu cho dựa vào chủng loại diệt để nói thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của bốn địa trên. Ở trong định vị chí gồm thâu hữu lậu vô lậu, dựa vào đó có thể diệt năm nội xứ và sắc, thanh, xúc nơi ngoại xứ thuộc cõi dục cho đến thuộc tĩnh lự thứ tư. Nếu cho dựa vào cứu cánh diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ. Ở trong định vị chí chỉ gồm thâu vô lậu, dựa vào đó có thể diệt năm nội xứ, sắc, thanh, xúc nơi ngoại xứ thuộc tĩnh lự thứ tư.

Do vậy, nên nói dựa nơi bốn hoặc vị chí diệt.

Ý nơi nội xứ, pháp nơi ngoại xứ, ý thức thân cùng những thứ chúng tương ưng là xúc, thọ, tưởng, tư, ái thân đều thuộc chín địa và không hệ thuộc. Thuộc chín địa là dựa vào bảy hoặc vị chí diệt.

Trong đó, thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí diệt. Cho đến thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ là dựa nơi bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian diệt.

Nhưng ở đây đã nói về định: Có thuyết nói là vô lậu. Có thuyết nói là hữu lậu vô lậu, như trước đã phân biệt.

Nói về diệt: Nếu cho dựa vào chủng loại diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của bảy địa trên. Ở trong định vị chí gồm thâu hữu lậu vô lậu, dựa vào đấy có thể diệt ý xứ v.v… thuộc cõi dục cho đến thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nếu cho dựa nơi cứu cánh diệt để nói, thì thuyết kia nói: Nêu vị chí là gồm thâu định vị chí, tĩnh lự trung gian. Ở trong định vị chí chỉ gồm thâu vô lậu, dựa vào đấy có thể diệt ý xứ v.v… thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Do đó nên nói dựa vào bảy hoặc vị chí diệt.

Hương, vị nơi ngoại xứ, tỷ, thiệt thức thân, cùng những thứ chúng tương ưng là xúc, thọ, tưởng, tư, ái thân đều thuộc cõi dục nên chỉ dựa nơi định vị chí diệt.

Nhãn, nhĩ, thân thức thân, cùng những thứ chúng tương ưng là xúc, thọ, tưởng, tư, ái thân đều thuộc hai địa nên dựa nơi thứ nhất hoặc vị chí diệt.

Trong đó, thuộc cõi dục tức dựa nơi định vị chí diệt. Thuộc tĩnh lự thứ nhất là dựa nơi tĩnh lự thứ nhất, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt.

Nhưng ở đây đã nói về định: Có thuyết nói là vô lậu. Có thuyết nói là hữu lậu, vô lậu. Như trước đã phân biệt.

Ở đây nói về diệt: Có thuyết cho là dựa vào chủng loại diệt để nói. Có thuyết cho là dựa vào cứu cánh diệt để nói. Theo chỗ thích hợp cũng như trước đã phân biệt.

Do vậy nói dựa vào định thứ nhất hoặc vị chí diệt.

***

* Bảy thức trụ, tám pháp thế gian, chín chỗ ở của hữu tình, mười nghiệp đạo, dựa vào định nào diệt?

Đáp: Thức trụ thứ nhất, tám pháp thế gian, chỗ ở thứ nhất của hữu tình, mười nghiệp đạo dựa nơi vị chí.

Thức trụ thứ hai, chỗ ở thứ hai của hữu tình dựa nơi thứ nhất, hoặc vị chí. Thức trụ thứ ba, chỗ ở thứ ba của hữu tình dựa nơi hai, hoặc vị chí.

Thức trụ thứ tư, chỗ ở thứ tư của hữu tình dựa vào ba, hoặc vị chí. Chỗ ở thứ năm của hữu tình dựa vào bốn, hoặc vị chí.

Thức trụ thứ năm, chỗ ở thứ sáu của hữu tình dựa vào năm, hoặc vị chí. Thức trụ thứ sáu, chỗ ở thứ bảy của hữu tình dựa vào sáu, hoặc vị chí.

Thức trụ thứ bảy, chỗ ở thứ tám – thứ chín của hữu tình dựa vào bảy, hoặc vị chí.

Bảy thức trụ như nơi Chương Đại Chủng Uẩn đã nói rộng.

Ở đây: Thức trụ thứ nhất chỉ thuộc cõi dục, nên chỉ dựa nơi định vị chí diệt. Thức trụ thứ hai thuộc tĩnh lự thứ nhất, dựa nơi tĩnh lự thứ nhất, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt. Thức trụ thứ ba thuộc tĩnh lự thứ hai, dựa nơi tĩnh lự thứ nhất, thứ hai, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ ba diệt. Thức trụ thứ tư thuộc tĩnh lự thứ ba, dựa nơi ba tĩnh lự đầu, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ tư mà diệt. Thức trụ thứ năm thuộc Không vô biên xứ, dựa nơi năm căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Thức vô biên xứ diệt. Thức trụ thứ sáu thuộc Thức vô biên xứ, dựa nơi sáu căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Vô sở hữu xứ diệt. Thức trụ thứ bảy thuộc Vô sở hữu xứ, dựa nơi bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Phi tưởng phi phi tưởng xứ diệt.

Nhưng ở đây đã nói về định: Có thuyết nói là vô lậu. Có thuyết nói là hữu lậu, vô lậu. Như trước đã phân biệt.

Nói về diệt: Trong đây không có hai thuyết sai biệt là chủng loại diệt và cứu cánh diệt, do mỗi mỗi thứ chỉ thuộc một địa.

Tám pháp thế gian: 1. Có lợi. 2. Không lợi. 3. Khen. 4. Không khen. 5. Khen ngợi. 6. Hủy báng. 7. Vui. 8. Khổ.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm ngăn chặn Tông chỉ khác, hiển bày nghĩa của mình. Nghĩa là như phái Luận Phận Biệt và Sư của Đại Chúng Bộ cho sinh thân của Phật là pháp vô lậu. Vì sao họ nói như thế? Vì dựa vào Khế kinh. Như Khế kinh nói: Như Lai sinh nơi thế gian, trụ nơi thế gian, xuất hiện nơi thế gian, nhưng không bị pháp thế gian cấu nhiễm. Các phái kia đã dựa vào đó nên nói: Sinh thân của Phật là pháp vô lậu. Lại, các thuyết kia nói: Tất cả phiền não và tập khí, Đức Phật đều vĩnh viễn đoạn dứt, vì sao sinh thân lại là hữu lậu? Vì nhằm ngăn chận ý tưởng đó và làm sáng tỏ sinh thân của Phật chỉ là pháp hữu lậu, không phải là pháp vô lậu, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao nhận biết sinh thân của Phật là pháp hữu lậu?

Đáp: Như Khế kinh nói: Bí-sô nên biết! Do vô minh che lấp kiết ái trói buộc, người ngu chiêu cảm được thân hữu thức. Người thông sáng cũng như vậy. Sinh thân của Phật đã là quả của vô minh ái, nên biết không phải là pháp vô lậu.

Lại, Khế kinh nói: Phần ít của mười hai xứ là hữu lậu. Do vậy nên biết sinh thân của Phật nhất định là hữu lậu. Nếu sinh thân của Phật là vô lậu, thì người nữ Vô Tỷ không nên sinh tham, Ương-quậtlợi-ma-la không nên sinh giận dữ, Ô-lư-tần-loa Ca-diếp-ba không nên sinh si, hàng Bà-la-môn ngạo mạn không nên sinh kiêu mạn. Do sinh thân của Phật đã khiến kẻ khác khởi tham, sân, si, mạn, nên biết nhất định là hữu lậu.

Hỏi: Nếu như vậy thì kinh do các phái kia đã dẫn làm sao thông?

Đáp: Kinh kia có mật ý nói về pháp thân của Phật. Nghĩa là Như Lai sinh nơi thế gian, trụ nơi thế gian: Là nói về sinh thân của Phật. Xuất hiện nơi thế gian, không bị pháp thế gian cấu nhiễm: Là nói về pháp thân của Phật. Lại nữa, pháp thế gian tức là tám pháp thế gian, Như Lai không bị tám pháp thế gian cấu nhiễm, nên nói pháp thế gian không thể làm cho nhiễm ô, không phải cho là vô lậu. Nghĩa là tám pháp thế gian tùy thuận hữu tình thế gian, hữu tình thế gian cũng tùy thuận tám pháp thế gian. Tám pháp thế gian tùy thuận Như Lai, Như Lai không tùy thuận tám pháp thế gian, nên nói Như Lai không bị pháp thế gian cấu nhiễm. Lại nữa, Như Lai lìa tám pháp thế gian, nên nói là không nhiễm, không phải cho là vô lậu.

Hỏi: Như Lai cũng có tám pháp thế gian, vì sao nói là lìa?

Có lợi: Như Trưởng giả Ô-yết-la trong một ngày đã cúng thí Phật ba trăm ngàn y phục. Khi ấy, tám mươi người như y vương Phược-ca cũng trong một ngày đều cúng dường Phật trăm ngàn đôi y Kiêu-xá-da.

Không lợi: Như Phật có lúc đắp y, cầm bát vào trong thôn của Bà-la-môn khất thực, không được cúng, nên mang bát không ra về.

Khen: Là khi Đức Phật mới sinh, tiếng tăm vang đến trời Tha hóa tự tại. Lúc đắc quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, tiếng tăm vang đến trời Sắc cứu cánh. Khi Chuyển pháp luân, tiếng tăm vang đến cõi Phạm thiên.

Không khen: Là như Đức Phật vào một ngày bị Bà-la-môn nữ là Chiến-già phỉ báng. Lại vào một lúc nọ nhân sự việc của người nữ Tôn-đà-lợi nên tiếng xấu lan đến khắp mười sáu nước.

Có khen ngợi: Tức ông Bà-la-môn ấy, do thấy sắc diện của Đức Phật không chút đổi khác, nên sinh tâm tin thanh tịnh, lại dùng năm trăm bài tụng khen ngợi trước mặt Phật. Tôn giả Xá-lợi-tử dùng rất nhiều tụng tán thán công đức vô thượng của Phật. Tôn giả A-nan-đà dùng rất nhiều tụng tán thán pháp diệu hy hữu của Phật. Cũng vậy, các Đại Luận sư là Ô-ba-ly-bà, Kỳ-xà-ni, La-bộ-để v.v… đều dùng trăm ngàn kệ tụng tán thán Phật trước mặt Ngài.

Có hủy báng: Như Bà-la-môn Bạt-la-nọa-xà ác khẩu, dùng năm trăm bài tụng đến trước mặt Phật để mạ lỵ.

Có vui: Là thân tâm Phật thường thọ nhận an lạc thù thắng và diệu lạc khinh an, tất cả hữu tình đều không thể sánh.

Có khổ: Là Đức Thế Tôn cũng bị đau lưng, nhức đầu, bị mảnh gỗ nhọn đâm nơi chân, bị đá văng trúng ngón tay chảy máu.

Các pháp thế gian như thế, Đức Thế Tôn đều có, vì sao nói là lìa?

Đáp: Vì những thứ ấy đều không thể khiến Phật sinh nhiễm ô nên gọi là lìa. Nghĩa là Đức Phật, Thế Tôn tuy có được bốn pháp như lợi v.v…, nhưng tâm không cho là cao. Tuy gặp phải bốn pháp như không lợi v.v…, nhưng tâm không hạ thấp. Lại, tuy có được bốn pháp như lợi v.v…, nhưng tâm không lấy làm vui. Tuy gặp phải bốn pháp như không lợi v.v…, nhưng tâm không lấy làm buồn. Lại, tuy có được bốn pháp như lợi v.v…, nhưng tâm không nhiễm để sinh mừng. Tuy gặp phải bốn pháp như không lợi v.v…, nhưng tâm không ghét để sinh lo. Lại, tuy có được bốn pháp như lợi v.v…, nhưng tâm không sinh yêu thích. Tuy gặp phải bốn pháp như không lợi v.v…, nhưng tâm không sinh giận dữ. Ví như núi chúa Diệu cao trụ trên kim luân, gió dữ của tám phương đều không thể làm nghiêng động. Đức Thế Tôn cũng như vậy. Ngài an trụ trên Kim Luân là giới, tám gió thế gian đều không thể lay động. Thế nên gọi là không bị pháp thế gian làm cho cấu nhiễm, không phải cho là sinh thân của Phật là vô lậu nên nói là không nhiễm.

Hỏi: Như Lai đối với tất cả phiền não và tập khí đều đã vĩnh viễn đoạn dứt, vì sao lại nói là hữu lậu?

Đáp: Tuy trong tự thân các lậu đã vĩnh viễn đoạn dứt, nhưng vẫn còn có thể làm tăng trưởng lậu ở thân khác. Lại, từ thời trước, các lậu đã sinh nên nói là hữu lậu. Thế nên, vì để ngăn chận tông chỉ khác, hiển bày nghĩa của mình, nên tạo ra phần Luận này.

Trong đây, nói lợi có hai thứ: 1. Có mạng. 2. Không mạng. Lợi có mạng: Là có được voi ngựa, bò dê, vợ con, tôi tớ. Lợi không mạng: Là có được các thứ báu như vàng, bạc, các vật dụng như y phục v.v…

Không lợi: Tức không được hai thứ lợi như đã nói.

Khen: Là khen ngợi hay đẹp không ở trước mặt.

Không khen: Là không ở trước mặt nói lời chê bai.

Ca ngợi: Là lời khen ngợi ở trước mặt.

Hủy báng: Là chê bai ở trước mặt.

Vui: Là thân tâm an vui thuộc cõi dục. Có thuyết nói: Chỉ lấy vui tương ưng với năm thức.

Khổ: Là thân tâm khổ thuộc cõi dục. Có thuyết nói: Chỉ lấy khổ tương ưng với năm thức.

Hỏi: Tám pháp thế gian này thuộc về bao nhiêu giới, bao nhiêu xứ, bao nhiêu uẩn?

Đáp: Lợi có mạng thuộc về mười bảy giới, mười một xứ, năm uẩn, trừ thanh vì thanh không phải luôn có tức thuộc thân. Lợi không mạng thuộc về bốn giới, bốn xứ, một uẩn. Đó là sắc, hương, vị, xúc giới, xứ và sắc uẩn.

Không lợi, khen, không khen, ca ngợi, chê bai, vui, khổ thuộc về hai giới, hai xứ, ba uẩn. Đó là thanh, pháp giới, xứ, sắc thọ hành uẩn. Trong đây, không lợi thuộc về pháp giới, pháp xứ và hành uẩn do không lợi là không thành tựu.

Khen, không khen, ca ngợi, chê bai thuộc về thanh giới, thanh xứ, sắc uẩn.

Khổ, vui thuộc về pháp giới, pháp xứ và thọ uẩn.

Nếu nói chung thì tám pháp thế gian này thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn.

Có thuyết nói: Lợi, không lợi đều thuộc về mười tám giới, mười hai xứ, năm uẩn. Do những gì được và không được cùng chung nơi mười tám giới. Ngoài ra, như trước đã nói.

Có thuyết cho: Lợi, không lợi đều thuộc về pháp giới, pháp xứ, hành uẩn. Do lợi, không lợi đã dùng tánh thành tựu, không thành tựu làm thể. Ngoài ra, như trước đã nói.

Hỏi: Vì sao tám thứ ấy gọi là pháp thế gian?

Đáp: Do hữu tình nơi thế gian đều tùy thuận theo chúng, nên gọi là pháp thế gian. Hữu tình nơi thế gian nếu gặp được bốn pháp như lợi v.v… thì tâm họ vươn cao. Nếu gặp phải bốn pháp như không lợi v.v… thì tâm họ hạ thấp. Lại, nếu gặp được bốn pháp như lợi v.v… thì tâm họ sinh vui vẻ. Nếu gặp phải bốn pháp như không lợi v.v… thì tâm họ sinh buồn bã. Lại, nếu gặp được bốn pháp như lợi v.v… thì tâm họ nhiễm nên sinh mừng. Nếu gặp phải bốn pháp như không lợi v.v… thì tâm họ ghét bỏ nên sinh lo. Lại, nếu gặp được bốn pháp như lợi v.v… thì tâm họ sinh yêu mến. Nếu gặp phải bốn pháp như không lợi v.v… thì tâm họ khởi giận dữ. Do vậy, tám thứ pháp này gọi là tám pháp thế gian. Đức Như Lai đối với các pháp ấy tâm không tùy thuận, nên nói không bị cấu nhiễm do pháp thế gian.

Hỏi: Hàng Thanh văn, Độc giác đã đoạn dứt ái giận nên cũng không thuận theo tám pháp như thế, vì sao không nói?

Đáp: Do hai bậc kia là bất định. Nghĩa là có khi không nhiễm, như bậc pháp bất động. Hoặc lại có khi nhiễm, như bậc pháp thoái chuyển. Lại nữa, hàng Nhị thừa còn có pháp tương tợ. Nghĩa là A-lahán tuy đã đoạn dứt ái giận, nhưng còn có những tập khí khác tương tợ như ái, giận. Như có hai vị A-la-hán đều là bậc Bất thời giải thoát, cùng sống chung một nơi, nhưng một vị thì được nhiều người cung kính cúng dường khen tặng, một vị thì không được. Vị được ấy liền như tự cao, như có hỷ, ái. Còn vị không được tức như hạ thấp, như có lo buồn. Thế nên không nói các bậc kia không bị pháp thế gian cấu nhiễm. Chỉ có Đức Phật là vĩnh viễn nhổ sạch tập khí ái, giận. Giả sử tất cả hữu tình đều được lợi ích thù thắng, được cung kính, tiếng khen, còn Như Lai không được mảy may nào, thì Ngài cũng trọn không tự hạ thấp tợ như có tướng sầu buồn, trái lại còn sinh vui mừng. Nếu như chỉ một mình Đức Phật được tất cả lợi lạc thù thắng, được cung kính, tiếng khen, còn các hữu tình khác không được mảy may nào, thì Phật cũng hoàn toàn không hề tự đề cao như có tướng hỷ ái, trái lại còn sinh lòng thương xót. Thế nên Đức Phật được tôn xưng riêng là không nhiễm pháp thế gian.

Lại, Đức Phật, Thế Tôn được lợi không đề cao vì tập khí mạn đã đoạn. Gặp không lợi không hạ thấp, do ưa thích xa lìa. Được tiếng khen không vui, vì tập khí ái đã dứt. Không được tiếng khen cũng không buồn, vì đã đạt được vô úy. Được tán thán không sinh mừng, vì tập khí kiêu đã hết. Bị hủy báng không sinh lo, vì trụ trong Tam muội Không. Được vui không sinh ái, vì trụ trong Tam-ma-địa Vô nguyện. Bị khổ không sinh giận, vì trụ trong Tam-ma-địa vô tướng.

Tám pháp thế gian này chỉ thuộc cõi dục, nên dựa vào định vị chí diệt.

Chín nơi ở của hữu tình: Nói rộng như nơi Chương Đại Chủng Uẩn.

Trong đây, bảy thứ diệt nghĩa như nói ở bảy thức trụ.

Nơi ở thứ năm của hữu tình thuộc tĩnh lự thứ tư, nên dựa nơi bốn tĩnh lự, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ diệt.

Nơi ở thứ chín của hữu tình thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nên dựa vào bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian diệt.

Nhưng ở đây đã nói về định: Có thuyết nói là hữu lậu. Có thuyết nói là hữu lậu, vô lậu. Như trước đã phân biệt. Trong đây cũng không có hai thuyết chủng loại diệt và cứu cánh diệt có sai biệt, do mỗi mỗi thứ chỉ thuộc một địa.

Mười nghiệp đạo: Nói rộng như nơi Chương Nghiệp Uẩn.

Trong đây, mười nghiệp đạo bất thiện chỉ thuộc cõi dục, nên chỉ dựa vào định vị chí diệt.

Bảy nghiệp đạo thiện trước thuộc năm địa và không hệ thuộc. Thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí diệt. Cho đến thuộc tĩnh lự thứ tư là dựa nơi bốn tĩnh lự, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ diệt.

Ba nghiệp đạo thiện sau thuộc chín địa và không hệ thuộc. Thuộc cõi dục là dựa nơi định vị chí diệt. Cho đến thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ là dựa vào bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian diệt.

Nhưng trong đây là dựa vào nghiệp đạo thiện ở cõi dục đối trị gần nghiệp đạo bất thiện, nên chỉ nói dựa vào định vị chí diệt.

***

* Bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, mười biến xứ, dựa vào định nào diệt?

Đáp: Tĩnh lự thứ nhất là dựa vào định thứ nhất hoặc vị chí. Tĩnh lự thứ hai, hỷ vô lượng, giải thoát thứ nhất, thứ hai, bốn thắng xứ trước là dựa vào hai hoặc vị chí. Tĩnh lự thứ ba là dựa vào ba hoặc vị chí. Tĩnh lự thứ tư, ba vô lượng, tịnh giải thoát, bốn thắng xứ sau, tám biến xứ trước dựa vào bốn hoặc vị chí. Không vô biên xứ và giải thoát biến xứ kia là dựa vào năm hoặc vị chí. Thức vô biên xứ và giải thoát biến xứ kia là dựa vào sáu hoặc vị chí. Hai vô sắc sau, ba giải thoát sau là dựa vào bảy hoặc vị chí.

Trong đây, bốn tĩnh lự cho đến mười biến xứ, nói rộng như những nơi khác.

Bốn tĩnh lự này đều thuộc tự địa và không hệ thuộc. Thuộc tự địa là đều dựa vào địa căn bản từ bên dưới, định vị chí, tĩnh lự trung gian và cận phần kế trên diệt. Nhưng ở đây đã nói về định là có hữu lậu, vô lậu, như trước đã phân biệt. Nói về diệt: Là ở đây không có hai thuyết chủng loại diệt và cứu cánh diệt có sai biệt do mỗi mỗi thứ chỉ thuộc một địa.

Trong bốn vô lượng: Hỷ vô lượng thuộc tĩnh lự thứ nhất, thứ hai là dựa vào hai hoặc vị chí diệt. Ba vô lượng còn lại là thuộc bốn địa tức dựa vào bốn hoặc vị chí diệt. Trong ấy có sai biệt là theo chỗ thích ứng như trước. Nhưng đã nói về định là có hữu lậu, vô lậu, như trước đã phân biệt. Nói về diệt: Có thuyết cho là dựa vào chủng loại diệt để nói. Có thuyết cho là dựa vào cứu cánh diệt để nói, đều tùy chỗ ứng hợp phân biệt như trước. Ở trong định vị chí đều chỉ gồm thâu vô lậu nên biết.

Trong bốn vô sắc: Ba vô sắc trước đều thuộc tự địa và không hệ thuộc. Thuộc tự địa đều dựa vào địa căn bản từ dưới, định vị chí, tĩnh lự trung gian và cận phần kế trên diệt. Một vô sắc sau chỉ có thuộc tự địa là dựa vào bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian diệt. Nhưng ở đây đã nói về định là có hữu lậu, vô lậu, như trước đã phân biệt. Đối với một vô sắc sau chỉ nên dựa vào định vô lậu để nói. Nói về diệt ở đây cũng không có hai thuyết chủng loại diệt và cứu cánh diệt có sai biệt, do mỗi mỗi thứ chỉ thuộc một địa.

Trong tám giải thoát: Giải thoát thứ nhất, thứ hai như nói về hỷ vô lượng. Ba vô sắc giải thoát dưới như nói về ba vô sắc dưới. Hai giải thoát sau như nói về vô sắc thứ tư. Tịnh giải thoát thuộc địa tĩnh lự thứ tư, nên dựa vào bốn tĩnh lự, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ diệt. Nhưng trong đây đã nói về định và diệt đều như nói về tĩnh lự thứ tư.

Trong tám thắng xứ: Bốn thắng xứ trước như nói về giải thoát thứ nhất, thứ hai. Bốn thắng xứ sau như nói về tịnh giải thoát.

Trong mười biến xứ: Tám biến xứ trước như nói về bốn thắng xứ sau. Không vô biên xứ biến xứ chỉ thuộc tự địa, nên dựa vào năm căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Thức vô biên xứ diệt. Thức vô biên xứ biến xứ cũng chỉ thuộc tự địa, nên dựa vào sáu căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Vô sở hữu xứ diệt. Nhưng trong đây đã nói về định là có hữu lậu, vô lậu, như trước đã phân biệt. Nói về diệt ở đây cũng không có hai thuyết chủng loại diệt và cứu cánh diệt có sai biệt, do mỗi mỗi thứ chỉ thuộc tự địa.

***

* Tha tâm trí, thế tục trí, dựa vào định nào diệt?

Đáp: Tha tâm trí dựa vào bốn hoặc vị chí. Thế tục trí dựa vào bảy hoặc vị chí. Trong đây, tha tâm trí, thế tục trí nói rộng như ở những nơi khác.

Tha tâm trí thuộc bốn địa và không hệ thuộc. Thuộc tĩnh lự thứ nhất là dựa vào tĩnh lự thứ nhất, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của tĩnh lự thứ hai diệt. Cho đến thuộc tĩnh lự thứ tư là dựa vào bốn tĩnh lự, định vị chí, tĩnh lự trung gian, cận phần của Không vô biên xứ diệt. Nhưng ở đây đã nói về định tức có hữu lậu, vô lậu, như trước đã phân biệt. Đã nói về diệt: Có thuyết cho là dựa vào chủng loại diệt để nói. Có thuyết cho là dựa vào cứu cánh diệt để nói, cũng tùy theo chỗ ứng hợp phân biệt như trước.

Thế tục trí thuộc chín địa. Thuộc cõi dục là dựa vào định vị chí diệt. Cho đến thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ là dựa vào bảy căn bản, định vị chí, tĩnh lự trung gian diệt. Nhưng trong đây đã nói về định và diệt, đều tùy vào chỗ ứng hợp phân biệt như trước. Do đó nên nói là dựa vào bảy hoặc vị chí diệt.

HẾT – QUYỂN 173