LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 151

Chương 6: CĂN UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ ĐẲNG TÂM, phần 1

* Tâm của tất cả hữu tình nên nói là cùng khởi, cùng trụ, cùng diệt chăng? Các chương như thế v.v… và giải thích nghĩa của chương, đã lãnh hội rồi, nên phân biệt rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm khiến cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là các hữu tình hoặc có thân hình to lớn, hoặc có thân hình nhỏ bé. Thân hình to lớn là những hữu tình ở trong biển cả có thân tướng lớn đến hàng trăm do-tuần, hoặc hai ba bốn năm sáu bảy trăm dotuần, hoặc đến hai ngàn một trăm do-tuần như hình lượng rộng lớn của vua A-tố-lạc Hạt-la-hô, hoặc cao đến mười sáu ngàn do-tuần như thân lượng của trời Sắc cứu cánh. Hình lượng nhỏ bé như các loài kiến, muỗi, mòng, trùng li ti, những người có mắt sáng tuy tác ý tột bậc cũng không thể thấy được. Chớ có sinh nghi: Thân rộng lớn thì tâm cũng rộng lớn. Thân nhỏ bé thì tâm cũng nhỏ bé. Nhằm khiến cho nghi kia có được quyết định, hiển bày các hữu tình có sắc do đại chủng tạo, tuy có nhiều ít, nhưng tâm đều bình đẳng, thế nên tạo ra phần Luận này.

Lại, các hữu tình hoặc có loài hành động nhanh nhẹn, hoặc có loài hành động chậm chạp. Hành động nhanh nhẹn là như ngựa, nai, chồn v.v… Hành động chậm chạp là như loài giun, sâu bọ v.v… Chớ có sinh nghi: Hành động nhanh nhẹn thì tâm sinh diệt mau. Hành động chậm chạp thì tâm sinh diệt chậm. Nay khiến cho nghi kia có được quyết định, làm sáng tỏ các hữu tình tuy do đại chủng tạo sắc hoạt động có nhanh chậm, nhưng tâm sinh diệt đều như nhau.

Lại, các hữu tình hoặc có loại uy nghi nhẹ vội cũng như gió thổi, giác tuệ nổi chuyển như sóng dâng cao vào buổi sớm. Hoặc có loài uy nghi nặng nề như núi cao, giác tuệ chìm lặng như đèn trong nhà kín. Chớ có sinh nghi: Uy nghi nhẹ vội, giác tuệ nổi chuyển là tâm sinh diệt mau. Uy nghi nặng nề, giác tuệ chìm lặng là tâm sinh diệt chậm. Nay khiến cho nghi kia có được quyết định, làm sáng tỏ các hữu tình tuy uy nghi có nhẹ nặng, giác tuệ có nổi chìm, nhưng tâm sinh diệt đều như nhau.

Hỏi: Nếu tâm của các hữu tình sinh diệt như nhau, vì sao uy nghi có nhẹ nặng, giác tuệ có nổi chìm?

Đáp: Có các hữu tình đối với nhiều cảnh giới có nhiều tâm khởi lên. Có các hữu tình đối với một cảnh giới có nhiều tâm khởi lên. Nếu các hữu tình đối với nhiều cảnh giới khởi lên nhiều tâm: Tức uy nghi nhẹ vội, giác tuệ nổi chuyển. Nếu các hữu tình đối với một cảnh giới khởi lên nhiều tâm: Tức uy nghi nặng nề, giác tuệ chìm lặng.

Do những nhân duyên ấy, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Tâm của tất cả hữu tình nên nói là cùng khởi, cùng trụ, cùng diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Vì tất cả hữu tình tâm cùng sinh cùng diệt nên tất cả chúng cùng một sát-na sinh cùng một sát-na diệt chăng? Hay tất cả hữu tình không phải tâm cùng sinh cùng diệt cũng không phải tất cả cùng một sát-na sinh cùng một sát-na diệt chăng? Nếu nêu như vậy thì có lỗi gì?

Nếu tất cả hữu tình tâm cùng sinh cùng diệt thì tất cả chúng cùng một sát-na sinh cùng một sát-na diệt, là có tâm vị nên có thể như vậy hay không có tâm vị nên có thể như vậy? Nghĩa là khi nhập định vô tưởng, diệt tận, hữu tình khác tâm cũng sinh cũng diệt, hay tâm ấy diệt nhưng không sinh?

Khi xuất định vô tưởng, diệt tận, hữu tình khác tâm cũng diệt cũng sinh, hay tâm ấy sinh nhưng không diệt?

Khi trụ nơi định vô tưởng, diệt tận, hữu tình khác tâm cũng sinh cũng diệt, hay tâm ấy không sinh, không diệt?

Vậy làm sao có thể nói tâm cùng sinh cùng diệt trong cùng một sát-na? Nếu tất cả hữu tình không phải tâm cùng sinh cùng diệt, cũng không phải một sát-na sinh một sát-na diệt, thì ở đây chỗ đã nói nên làm sao thông? Nghĩa là tất cả hữu tình tâm cùng khởi, trụ, diệt.

Đáp: Nên nói như vầy: Tất cả hữu tình tâm cùng sinh cùng diệt. Tâm ấy tất cả một sát-na sinh một sát-na diệt.

Hỏi: Có tâm vị nên có thể như vậy hay không có tâm vị nên có thể như vậy?

Đáp: Có tâm vị nên có thể như vậy. Không có tâm vị cũng có thể như vậy. Nghĩa là khi nhập định vô tưởng, diệt tận, như hữu tình khác có tâm sinh, người ấy ở sát-na đầu tiên nơi định cũng sinh. Như hữu tình khác có tâm diệt, người ấy nhập định tâm cũng diệt.

Khi xuất định vô tưởng, diệt tận, như hữu tình khác tâm sinh, người ấy xuất định tâm cũng sinh. Như hữu tình khác tâm diệt, người ấy ở sát-na sau cùng nơi định cũng diệt.

Khi trụ nơi định vô tưởng, diệt tận, như hữu tình khác tâm nơi sát-na sát-na cũng sinh cũng diệt, người ấy nơi định trung gian sát-na sát-na cũng sinh cũng diệt. Cho nên có tâm vị hay không có tâm vị đều có thể như thế.

Có Sư khác nói: Tất cả hữu tình không phải có tâm cùng sinh cùng diệt, cũng không phải tất cả một sát-na sinh một sát-na diệt. Nghĩa là có hữu tình tâm diệt, không sinh, như người nhập định vô tưởng, diệt tận. Hoặc có hữu tình tâm sinh, không diệt, như người xuất định vô tưởng, diệt tận. Hoặc có hữu tình tâm không sinh, không diệt, như người trụ nơi định vô tưởng, diệt tận. Hoặc có hữu tình tâm cũng sinh cũng diệt, như người trụ nơi có tâm vị.

Hỏi: Vậy điều trong đây đã nói làm sao thông?

Đáp: Đây là dựa vào lượng bằng nhau để nói. Chớ có cho tâm hoặc lớn hoặc nhỏ, nên nói tất cả hữu tình tâm như nhau.

Nên nói như vầy: Là tất cả hữu tình tâm cùng khởi cùng diệt, hết thảy các tâm kia một sát-na sinh, một sát-na diệt, do pháp hữu vi từ duyên sinh nên đều phải diệt.

Hỏi: Có tâm tham, lìa tâm tham, nên nói là cùng khởi, cùng trụ, cùng diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Có tâm sân – lìa tâm sân, có tâm si – lìa tâm si, tâm lược – tâm tán, tâm hạ thấp – tâm nêu cao, tâm lớn – tâm nhỏ, tâm trạo cử – tâm không trạo cử, tâm không yên tĩnh – tâm yên tĩnh, tâm không định – tâm định, tâm không tu – tâm tu, tâm không giải thoát – tâm giải thoát, nên nói là cùng khởi, cùng trụ, cùng diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Các tâm nhiễm ô tánh chìm, nặng. Các tâm thiện tánh nhẹ nhàng. Chớ có sinh nghi: Tâm nhiễm thì sinh diệt chậm chạp. Tâm thiện thì sinh diệt mau chóng. Nhằm khiến cho nghi kia có được quyết định, làm sáng tỏ hai thứ tâm lúc sinh diệt là như nhau, nên tạo ra phần Luận này.

Do hai nghĩa nên tâm gọi là có tham: Một là cùng tương ưng với tham. Hai là bị tham trói buộc. Nếu chỉ tương ưng với tham thì gọi là có tâm tham. Tức phẩm tương ưng như sân v.v… và hữu lậu thiện vô phú vô ký, nên gọi là lìa tâm tham, nhưng tâm ấy cũng gọi là có tâm tham vì bị tham trói buộc. Tuy do hai nghĩa nên tâm gọi là có tham, nhưng ở đây chỉ dựa vào nghĩa tương ưng để nói khiến không tạp loạn.

Cũng do hai nghĩa nên tâm gọi là lìa tham: Một là không tương ưng với tham. Hai là đối trị tham. Nếu chỉ không tương ưng với tham thì gọi là lìa tâm tham. Tức phẩm tương ưng như sân v.v… cũng nên gọi là lìa tâm tham, nhưng tâm ấy không nên gọi là lìa tâm tham vì có nhiễm ô. Tuy do hai nghĩa nên tâm gọi là lìa tham, nhưng ở đây chỉ dựa vào đối trị tham để nói khiến không tạp loạn.

Có tâm sân, lìa tâm sân v.v… đều căn cứ theo đấy nhận biết.

Vì thế trong đây nên nói như vầy: Có tâm tham là tương ưng với tham. Lìa tâm tham là đối trị tham.

Có tâm sân là tương ưng với sân. Lìa tâm sân là đối trị sân.

Có tâm si là tương ưng với si. Lìa tâm si là đối trị si.

Tâm lược (Thâu gọn) là tâm thiện đối với cảnh đã gồm thâu, ghi nhận. Tâm tán (Phân tán) là tâm nhiễm đối với cảnh đã buông thả.

Các Luận sư nước Kiện-đà-la nói: Ngủ nghỉ tương ưng với tâm gọi là lược, vì Đức Thế Tôn nói ngủ nghỉ gọi là tâm lược. Như Khế kinh nói: Thế nào là ngủ mộng? Nghĩa là ngủ mộng nơi đó tâm lược, tụ, tán.

Hỏi: Làm sao giải thích để thông suốt nơi phần Kiến Uẩn đã nói: Bốn trí nhận biết như thật về tâm lược, đó là pháp trí, loại trí, đạo trí, thế tục trí. Một trí nhận biết như thật về tâm tán, đó là thế tục trí?

Đáp: Điều nơi phần Luận ấy nói không nên thông, do trái với chỗ khác nói để tạo luận. Nếu muốn thông thì phải đổi văn kia: Tâm lược, tâm tán, tâm hạ thấp v.v… một trí nhận biết như thật là thế tục trí. Tâm nêu cao v.v… là bốn trí nhận biết như thật, như nói ở trước. Phần Luận kia nói là không đúng lý. Nếu nói như thế thì tâm ngủ nghỉ nhiễm ô nên cũng là lược, cũng là tán, vì tương ưng với ngủ nên là nhiễm ô. Nhằm khiến không có lỗi như thế, nên điều vừa nói ở trước là đúng.

Tâm hạ thấp là tâm nhiễm ô, tương ưng với biếng nhác. Tâm nêu cao là tâm thiện, tương ưng với tinh tấn.

Tâm nhỏ là tâm nhiễm ô, do sinh hành tập nhỏ. Tâm lớn là tâm thiện, do sinh hành tập lớn.

Hỏi: Vô lượng hữu tình hành tập các hành ác, không phải các hành diệu, tâm nhiễm hiện tiền không phải là tâm thiện. Vì sao gọi tâm nhiễm là sinh hành tập nhỏ, tâm thiện là sinh hành tập lớn?

Đáp: Không phải lấy số đông để lập lớn nhỏ. Ở đây, nếu có thể tu hành theo pháp bạch (thiện) gọi là lớn, ngoài ra gọi là nhỏ. Trong ba cõi, chỉ có một Đức Phật được gọi là lớn, vì có đủ pháp bạch. Các loài khác tuy nhiều nhưng gọi là nhỏ, do các pháp bạch không đầy đủ.

Có thuyết nói: Tâm nhiễm gọi là nhỏ, vì giá trị đạt được nhỏ. Nghĩa là các tâm nhiễm ô không do gia hạnh, không cần của báu, chỉ khởi lời hứa nhỏ, tác ý không đúng lý, liền nối tiếp chuyển biến như sông lớn chảy xiết. Tâm thiện gọi là lớn, vì giá trị đạt được lớn. Nghĩa là các tâm thiện chủ yếu do gia hạnh và nhiều gia hạnh, tuy bỏ hàng trăm ngàn châu báu mới có thể hiện tiền, hoặc không hiện tiền.

Có thuyết cho: Tâm nhiễm gọi là nhỏ, do tương ưng với căn nhỏ. Nghĩa là các tâm nhiễm hoặc chỉ tương ưng với một căn, hoặc hai căn, không đủ ba. Tâm thiện gọi là lớn, do tương ưng với nhiều căn. Nghĩa là các tâm thiện đều cùng với ba căn tương ưng, không thiếu.

Có thuyết nêu: Tâm nhiễm gọi là nhỏ, vì tùy chuyển ít. Nghĩa là các tâm nhiễm chỉ tùy chuyển nơi ba uẩn. Tâm thiện gọi là lớn, vì tùy chuyển nhiều. Nghĩa là các tâm thiện tùy chuyển nơi ba hoặc bốn uẩn.

Có thuyết biện: Tâm nhiễm gọi là nhỏ, do quyến thuộc ít. Nghĩa là các tâm nhiễm không có tu tập về vị lai. Tâm thiện gọi là lớn, do quyến thuộc nhiều. Nghĩa là các tâm thiện có tu tập về vị lai.

Có thuyết cho: Tâm nhiễm gọi là nhỏ, do đối trị ít. Nghĩa là nhiều phiền não nối tiếp hiện tiền, đoạn dứt ít căn thiện, sau trở lại nối tiếp. Tâm thiện gọi là lớn, do đối trị nhiều. Như khởi một niệm về khổ pháp trí nhẫn, tức thời đoạn dứt mười thứ tùy miên nơi cõi dục do kiến khổ đoạn khiến chúng vĩnh viễn không khởi.

Có thuyết nêu: Tâm nhiễm gọi là nhỏ, do dẫn đầu yếu kém. Những gì gọi là tâm nhiễm dẫn đầu? Nghĩa là các vô minh. Như nói vô minh là dẫn đầu, liền khởi vô lượng các pháp ác, bất thiện cùng có thể dẫn sinh không hổ không thẹn. Như thương chủ không mắt không chân, ra lệnh những kẻ buôn tìm gì cũng không vừa ý. Tâm thiện gọi là lớn, do dẫn đầu thù thắng. Những gì gọi là tâm thiện dẫn đầu? Nghĩa là các tuệ sáng. Như nói: Tuệ sáng là dẫn đầu, liền khởi vô lượng các pháp thiện diệu, lại có thể dẫn sinh hổ thẹn thù thắng. Như thương chủ có mắt có chân, ra lệnh những kẻ buôn tìm gì cũng vừa ý.

Có thuyết nói: Tâm nhiễm gọi là nhỏ, do uy lực nhỏ. Tâm thiện gọi là lớn, do uy lực lớn. Nghĩa là từ vô thỉ đến nay, quen hành theo pháp ác, pháp thiện vừa khởi đều liền khiến xa lìa. Như trải qua nhiều thời gian quen với tưởng không có muối mặn, nên khi vừa ăn có chất muối, tưởng kia đều bỏ. Lại như trong nhà từ lâu là bóng tối phủ kín, đèn sáng vừa đến là bóng tối liền tan. Lại, pháp thiện đoạn ác, vĩnh viễn khiến không sinh. Pháp ác đoạn thiện, sau tất nối tiếp.

Do những duyên như vậy, nên tâm nhiễm gọi là nhỏ, tâm thiện gọi là lớn.

Tâm trạo cử là tâm nhiễm ô vì tương ưng với trạo cử. Tâm không trạo cử là tâm thiện vì tương ưng với hành xả.

Tâm không yên tĩnh là tâm nhiễm ô vì tương ưng với không tịch tĩnh. Hết thảy phiền não tánh đều không tịch tĩnh. Tâm yên tĩnh là tâm thiện vì tương ưng với tịch tĩnh. Tất cả pháp thiện tánh đều tịch tĩnh.

Tâm không định là tâm nhiễm ô vì tương ưng với tán loạn. Tâm định là tâm thiện vì tương ưng với đẳng trì.

Tâm không tu là tâm đối với tu đắc tu tập đều không tu. Tâm tu là tâm đối với tu đắc tu tập tùy vào một hoặc đều tu.

Tâm không giải thoát là tâm đối với tự tánh giải thoát, tương tục giải thoát đều không giải thoát. Tâm giải thoát là tâm đối với tự tánh giải thoát, tương tục với giải thoát, tùy vào một hoặc đều giải thoát.

***

* Thọ mạng nên nói là tùy tâm chuyển hay không tùy tâm chuyển?

Đáp: Không tùy tâm chuyển.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm ngăn chận tông chỉ của kẻ khác, làm sáng tỏ nghĩa của mình. Nghĩa là như phái Luận Phân biệt nói: Thọ mạng là tùy tâm chuyển.

Hỏi: Vì sao phái ấy nói như vậy?

Đáp: Vì họ dựa vào Khế kinh. Như Khế kinh nói: Thọ mạng, noãn, thức, ba thứ hòa hợp, không phải là không hòa hợp. Như vậy, ba pháp không thể nêu đặt sự lìa riêng, khác biệt. Do đấy chứng biết thọ mạng là tùy tâm chuyển. Để ngăn chận thuyết ấy, hiển bày thọ mạng là không tùy tâm chuyển, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao thọ mạng không tùy tâm chuyển?

Đáp: Pháp tùy tâm chuyển quyết định cùng với tâm một khởi, một trụ, một diệt. Thọ mạng thì không phải cùng với tâm quyết định một khởi, một trụ, một diệt.

Có thuyết nói: Pháp tùy tâm chuyển quyết định cùng với tâm là một quả, một đẳng lưu, một dị thục. Thọ mạng thì không phải cùng với tâm quyết định một quả, một đẳng lưu, một dị thục.

Có thuyết lại nói: Pháp tùy tâm chuyển quyết định cùng với tâm cùng sinh. Thọ mạng thì không quyết định cùng với tâm cùng sinh.

Có thuyết cho: Pháp tùy tâm chuyển là pháp như thế. Nếu tâm thiện thì nó cũng thiện. Nếu tâm bất thiện, vô ký thì nó cũng như vậy. Còn thọ mạng chỉ là vô ký. Nếu tùy tâm chuyển, tức khi tâm vô ký hiện tiền thì thọ mạng có thể chuyển. Khi tâm thiện, bất thiện hiện tiền thì thọ mạng nên đoạn.

Có thuyết nêu: Pháp tùy tâm chuyển là pháp như thế. Nếu tâm thuộc cõi dục thì nó cũng thuộc cõi dục. Nếu tâm thuộc cõi sắc, cõi vô sắc, hoặc không hệ thuộc thì nó cũng như vậy. Còn thọ mạng chỉ thuộc nơi ba cõi tùy sinh. Thọ mạng của cõi này là có ở cõi này, không phải ở cõi khác. Nếu tùy tâm chuyển, tức sinh nơi cõi dục, khi tâm cõi dục hiện tiền thì thọ mạng có thể chuyển. Sinh nơi cõi sắc v.v…, khi tâm cõi sắc hiện tiền thì thọ mạng nên đoạn. Cho đến sinh nơi cõi vô sắc cũng như vậy.

Có thuyết nói: Pháp tùy tâm chuyển là pháp như thế. Nếu tâm là học thì nó cũng là học. Nếu tâm vô học, phi học phi vô học thì nó cũng như vậy. Còn thọ mạng chỉ là phi học phi vô học. Nếu tùy tâm chuyển, tức khi tâm phi học phi vô học hiện tiền thì thọ mạng có thể chuyển. Khi tâm học, tâm vô học hiện tiền thì thọ mạng nên đoạn.

Có thuyết cho: Pháp tùy tâm chuyển là pháp như thế. Nếu tâm do kiến đạo đoạn thì nó cũng do kiến đạo đoạn. Nếu tâm do tu đạo đoạn, hay không đoạn thì nó cũng như vậy. Còn thọ mạng chỉ do tu đạo đoạn. Nếu tùy tâm chuyển, tức khi tâm do tu đạo đoạn hiện tiền thì thọ mạng có thể chuyển. Khi tâm do kiến đạo đoạn hiện tiền thì thọ mạng thọ nên đoạn.

Có thuyết nói: Pháp tùy tâm chuyển là pháp như thế. Tâm có thì nó có, tâm không thì nó không. Nếu thọ mạng tùy tâm chuyển, thì lúc có tâm thọ mạng có thể chuyển, lúc không có tâm thì thọ mạng nên đoạn. Tức khi trụ nơi đẳng chí vô tưởng, diệt tận, và khi sinh nơi vô tưởng, tâm không hoạt động nên gọi là chết, không có mạng căn.

Nhằm khiến không có các lỗi như thế, nên nói thọ mạng là không tùy tâm chuyển.

Hỏi: Phái Luận Phận biệt đã nêu dẫn kinh làm sao thông? Như nói: Thọ mạng, noãn, thức, ba thứ hòa hợp, không phải là không hòa hợp, cho đến nói rộng.

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Đây là căn cứ vào một chỗ nương dựa, một sự tương tục để nói. Nghĩa là ba pháp này ở trong một chỗ nương dựa, một sự tương tục đều có thể đạt đủ. Không nói ba pháp tất cùng tùy chuyển.

Nếu nói như vậy để tạo quyết định: Tức không nên thiết lập uẩn, xứ, giới khác nhau, do kinh kia nói: Ba pháp như vậy không thể nêu đặt sự lìa riêng, khác biệt. Nhưng thọ là hành uẩn, thuộc về pháp giới, pháp xứ. Noãn là sắc uẩn, thuộc về xúc giới, xúc xứ. Thức là thức uẩn, thuộc về ý xứ và cảnh giới của bảy tâm. Do đấy không nên như văn mà chấp lấy.

Lại, nếu ba pháp này quyết định là hòa hợp, thì nơi cõi vô sắc nên có noãn, trong loài phi tình nên có thọ mạng thức, nơi định vô tưởng v.v… nên có thức hiện hành. Nếu chấp nhận điều ấy thì trái với chánh lý của Thánh giáo. Vì thế không nên theo văn để quyết định giữ lấy. Nên biết văn ở đây là dựa vào chỗ bao gồm có nghĩa để nói hòa hợp v.v…

***

* Thọ mạng nên nói là theo tương tục chuyển, là một khởi liền trụ chăng?

Đáp: Nếu hữu tình nơi cõi dục không trụ nơi đẳng chí vô tưởng, diệt tận, nên nói là theo tương tục chuyển. Nếu trụ nơi đẳng chí vô tưởng, diệt tận và hữu tình nơi cõi sắc, cõi vô sắc, nên nói là một khởi liền trụ.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để ngăn chận Tông chỉ của kẻ khác, làm sáng tỏ nghĩa của mình. Tức là như phái Thí Dụ không thừa nhận có mạng chung phi thời. Vì sao? Như Khế kinh nói: Mạng chung là không thể cứu. Do đấy nên biết là không có chết phi thời. Nhằm ngăn chận ý tưởng đó, hiển bày có mạng chung phi thời, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào gọi là theo tương tục chuyển?

Đáp: Có thuyết nói: Tai họa bất ngờ gọi là tương tục. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, không trụ nơi đẳng chí vô tưởng, diệt tận, thọ mạng theo tai họa bất ngờ tương tục chuyển. Vì sao? Vì nếu có hữu tình ở nơi thọ mạng không luôn tạo tác, không luôn chuyển đổi, không nhận tạo tác, không nhận chuyển đổi, không phải thời hành, không phải xứ hành, không tu phạm hạnh, ăn không đúng cách, ăn không đúng lượng, sống thì không khiến chín, chín thì giữ lấy, đối với chỗ nên không nên đều không thể quán xét, không uống thuốc men, không nghe lời thầy thuốc, không tránh tai nạn, tạo các thứ vui chơi hung ác. Do những thứ ấy nên thọ mạng chết yểu giữa chừng. Nếu có hữu tình đối với thọ mạng luôn tạo tác, luôn chuyển đổi, nhận tạo tác, nhận chuyển đổi, thời hành, xứ hành, tu phạm hạnh, ăn đúng cách, ăn hợp lượng, sống thì khiến chín, chín thì từ bỏ, đối với chỗ nên không nên đều có thể quán xét kỹ, uống thuốc men, nghe lời thầy thuốc, tránh tai nạn, xa lìa những thứ vui chơi hung ác. Do những thứ ấy nên thọ mạng không chết yểu giữa chừng.

Có thuyết cho: Sắc thân gọi là tương tục. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, không trụ vào đẳng chí vô tưởng, diệt tận, thọ mạng tùy theo sắc thân tương tục chuyển. Vì sao? Vì nếu sắc thân hòa hợp ổn định thì thọ mạng không yểu. Nếu sắc thân tổn hoại thì thọ mạng liền yểu.

Có thuyết nêu: Thân kẻ khác gọi là tương tục. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, không trụ vào đẳng chí vô tưởng, diệt tận, thọ mạng tùy theo thân kẻ khác tương tục chuyển. Vì sao? Vì nếu có thân khác đối với thọ mạng của mình không làm tổn hại thì thọ mạng không yểu. Nếu có thân khác đối với thọ mạng của mình làm tổn hại thì thọ mạng liền yểu.

Hỏi: Thế nào gọi là một khởi liền trụ?

Đáp: Theo nhân khởi lên rồi liền tương tục trụ, không tùy theo tai nạn bất ngờ, tự thân, thân kẻ khác không hại mà chuyển. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, đang trụ nơi đẳng chí vô tưởng, diệt tận cùng sinh nơi cõi trên, thọ mạng đều không theo ngoại duyên mà chuyển.

Hỏi: Ở cõi dục không nhập hai định không tâm, cũng có thọ lượng không tùy theo duyên chuyển, vì sao không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết cho: Trong đây nói quyết định nghĩa là nếu trụ nơi hai định không tâm thì thọ mạng hành quyết định không theo duyên chuyển. Phần còn lại hoặc là tùy duyên, nên không nói.

Có thuyết nêu: Cõi dục tuy còn có không theo duyên chuyển, nhưng để làm sáng tỏ uy lực của hai định, nên nói riêng.

Như kinh nói: Hữu tình đạt được tự thể có bốn thứ: 1. Tự thể đạt được có thể tự hại, không bị kẻ khác hại. 2. Tự thể đạt được có thể bị kẻ khác hại, không phải tự hại. 3. Tự thể đạt được có thể tự hại, cũng bị kẻ khác hại. 4. Tự thể đạt được không tự hại, cũng không bị kẻ khác hại.

Thế nào là hữu tình tự thể đạt được có thể tự hại, không bị kẻ khác hại? Nghĩa là có chư thiên Hý vong ở cõi dục, khi vui thích trang điểm, thân tham đắm hoan lạc, quá thời, vô cùng mỏi mệt, mất niệm mà chết. Lại có chư Thiên Ý phẫn ở cõi dục, có lúc quá giận dữ đôi mắt cùng nhìn nhau, vì phẫn uất lâu, không tự ngăn được, do đó bỏ mạng. Lại có một loài, hoặc Long Diệu sí, hoặc quỷ và người, hay loài khác, có thể tự hại, không phải kẻ khác hại.

Thế nào là hữu tình tự thể đạt được có thể bị kẻ khác hại, không phải là tự hại? Nghĩa là ở trong trứng, ở trong thai, các căn chưa đủ, chưa thành thục. Lại có một loài, hoặc Long Diệu sí, hoặc quỷ và người, hay loài khác, có thể bị kẻ khác hại, không phải tự hại.

Thế nào là hữu tình tự thể đạt được có thể tự hại, cũng bị kẻ khác hại? Nghĩa là các loài cầm thú, hoặc Long Diệu sí, hoặc quỷ và người, hoặc loài khác, có thể tự hại, cũng bị kẻ khác hại.

Thế nào là hữu tình tự thể đạt được không tự hại, cũng không bị kẻ khác hại? Nghĩa là sinh nơi cõi sắc, cõi vô sắc, hết thảy trung hữu, hết thảy địa ngục, là hàng trụ nơi định vô tưởng, định diệt tận, định từ, tùy tín hành, tùy pháp hành, Bồ-tát với thân sau cùng, mẹ Bồ-tát, Bồ-tát khi ở trong thai, Chuyển luân vương, mẹ Chuyển luân vương, Chuyển luân vương khi ở trong thai, Vương tiên Phật sử, Phật đã thọ ký: như Trưởng giả tử Căng Kỳ La Thù Để Sắt Ca, Trưởng giả tử Ốt Đát La, Trưởng giả tử Đạt Dẫn La, Trị xa thắng xí sư tử, Thời phược ca cưu ma la v.v…

Phật đã thọ ký: Là Bổ-đặc-già-la trụ nơi thân sau cùng, việc làm chưa xong, người vào lúc kiếp sơ ở châu Bắc Câu Lô, Long vương Ai-la-phạt-noa, Long vương Thiện Trụ, Diệm ma vương v.v… Cùng một loài khác cùng không bị hại. Đó gọi là bốn thứ tự thể đạt được.

Đức Thế Tôn nói: Có tự thể đạt được không tự hại cũng không bị kẻ khác hại.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-tử, từ nơi chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai phải, gối bên phải quỳ chấm đất, chấp tay cung kính bạch Phật: Những hữu tình nào tự thể đạt được không tự hại cũng không bị kẻ khác hại?

Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-tử: Hữu tình nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ không tự hại cũng không bị kẻ khác hại.

Hỏi: Nhân luận sinh luận. Tôn giả Xá-lợi-tử đối với điều mình hỏi có nhận biết rõ chăng? Nếu nhận biết rõ vì sao còn hỏi? Nếu không nhận biết rõ thì vì sao Tôn giả được gọi là Thanh văn đạt đến cứu cánh? Vì sao Đức Thế Tôn không ở nơi không phải là chốn thích hợp để tuôn trận mưa pháp khiến pháp mình nói ra hoàn toàn là không có kết quả?

Đáp: Có thuyết nói: Tôn giả nhận biết rõ điều mình hỏi.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao còn hỏi?

Đáp: Cũng có trường hợp nhận biết nhưng vẫn hỏi. Như trong Tỳ-nại-da nói: Khi ấy, Đức Thế Tôn nhận biết nhưng vẫn cố hỏi vì muốn khiến cho điều giảng nói được rõ ràng. Lại, Tôn giả Xá-lợi-tử tuy tự nhận biết rõ, nhưng vì nhằm tạo lợi ích cho người khác nên hỏi. Nghĩa là nơi chúng hội có vị chưa nhận biết rõ, nhưng vì sợ hãi nên không dám thưa hỏi Đức Phật. Tôn giả Xá-lợi-tử đã thành tựu vô úy, vì lợi ích cho đại chúng, nên tuy nhận biết mà vẫn hỏi.

Có thuyết cho: Tôn giả Xá-lợi-tử khi hỏi cũng không nhận biết.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao Tôn giả được gọi là Thanh văn đạt đến cứu cánh?

Đáp: Không nói là không biết. Nói rồi tức là biết, điều này đâu có lỗi gì?

Hỏi: Vì sao không ở nơi không phải là chốn thích hợp để tuôn trận mưa pháp khiến pháp mình nói ra hoàn toàn là không có kết quả?

Đáp: Tôn giả Xá-lợi-tử tuy không nhận biết rõ, nhưng trong chúng có người khác có thể nhận biết, như Bồ-tát Từ Thị v.v… nên không phải là không có kết quả. Như về tuệ vô lậu, tuy khi ấy Tôn giả Xá-lợi-tử hơn, nhưng nếu nói về tuệ thế tục thì Bồ-tát Từ Thị hơn. Thế nên có một thời, Đức Phật bàn luận với Bồ-tát Từ Thị về thế tục đế, các hàng Đại Thanh văn như Tôn giả Xá-lợi-tử v.v… không ai hiểu rõ.

Hỏi: Ở địa dưới tự thể cũng có, đều cùng không phải tự tha đã hại. Vì sao chỉ nói nơi xứ Phi tưởng phi phi tưởng?

Đáp: Nêu phần sau để làm rõ phần trước nên nói như vậy. Đức Thế Tôn có nơi nêu phần sau để làm rõ phần trước, như văn ở đây. Có nơi nêu phần trước để làm sáng tỏ phần sau. Như nói lìa dục pháp ác, bất thiện, có tầm có tứ, ly sinh hỷ lạc, trụ đầy đủ nơi tĩnh lự thứ nhất v.v… Như nêu phần sau để làm rõ phần trước, thì nêu phần chung cuộc để làm rõ phần khởi đầu, nêu phần xuất để làm rõ phần nhập, nêu phần cứu cánh để làm rõ phần gia hạnh, nên biết cũng như vậy.

Có thuyết nói: Địa dưới do không ổn định nên không nói. Nghĩa là hữu tình nơi địa dưới đạt được tự thể hoặc không bị tai họa bất ngờ như trụ nơi định vô tưởng v.v… Hoặc có tai họa bất ngờ như chư Thiên Hý vong v.v… Còn Phi tưởng phi phi tưởng xứ là địa ổn định, không có tai họa bất ngờ, nên nói riêng.

Có thuyết cho: Trong bốn tĩnh lự, ba vô sắc cũng có các sự việc như chư Thiên Hý vong ở cõi dục bị chết v.v… Phi tưởng phi phi tưởng xứ hoàn toàn không có các sự việc ấy, nên nói riêng.

Có thuyết nêu: Hữu tình nơi địa dưới đều có thế mạnh của phiền não tăng thượng, nếu chúng hiện tiền liền bị chết yểu. Phi tưởng phi phi tưởng xứ không có các phiền não như vậy, nên Đức Thế Tôn chỉ nói xứ ấy thôi.

Tôn giả Pháp Cứu giải thích như vầy: Ở đây nói tự làm hại nghĩa là tự địa đối trị đạo bị hại. Bị kẻ khác làm hại, nghĩa là ở bên địa trên đối trị đạo bị hại. Tự thể của tĩnh lự thứ nhất là tự làm hại, nghĩa là Thánh đạo của tự địa. Bị kẻ khác làm hại, nghĩa là đạo thế tục gần bên tĩnh lự thứ hai. Cho đến tự thể của xứ Vô sở hữu là tự hại mình, nghĩa là Thánh đạo của tự địa. Bị kẻ khác làm hại, nghĩa là đạo thế tục gần bên Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Tự thể của Phi tưởng phi phi tưởng xứ không phải là tự làm hại, vì tự địa không có Thánh đạo. Cũng không phải bị kẻ khác làm hại, vì là đạo thế tục gần địa vô thượng. Do đấy nên chỉ nói tự thể đạt được của Phi tưởng phi phi tưởng xứ không phải là cùng bị hại.

***

* Trụ nơi đẳng chí vô tưởng, diệt tận, thọ mạng nên nói là chuyển hay là trụ?

Đáp: Nên nói là chuyển.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm khiến kẻ nghi có được quyết định. Nghĩa là trụ nơi đẳng chí vô tưởng, diệt tận, các tâm tâm sở tất cả đều không hoạt động. Bấy giờ, tâm tâm sở pháp không khởi, không diệt. Chớ cho là nơi phần vị này thọ mạng hoạt động hiện có như tâm tâm sở cũng không khởi, không diệt, chỉ an nhiên trụ. Để trừ mối nghi ấy, làm sáng tỏ ở phần vị này thọ mạng niệm niệm khởi diệt, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào gọi là chuyển?

Đáp: Sát-na, sát-na khởi, diệt nối tiếp, nên gọi là chuyển. Tức là nghĩa dời đổi lưu chuyển, không phải là ngưng trụ. Như Đức Thế Tôn nói: Thọ mạng của con người dần hết như nước sông nhỏ.

***

* Nếu thọ mạng của các hữu tình khởi lên liền trụ, làm sao nhận biết thọ mạng ấy dần hết?

Đáp: Do đời hết, kiếp hết.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để khiến cho người nghi có được quyết định. Nghĩa là văn trước nói nếu trụ nơi đẳng chí vô tưởng, diệt tận và thọ mạng của hữu tình nơi cõi sắc, cõi vô sắc, nên nói là một khởi liền trụ. Hoặc có người cho thọ mạng kia một khởi không diệt. Để trừ mối nghi đó, làm sáng tỏ hoạt động của thọ mạng do lìa khỏi tai họa bất ngờ, nên nói là một khởi liền trụ, nhưng thật sự là sát-na sát-na có sinh có diệt, khiến thọ mạng dần hết, do đấy tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Năm uẩn đều dần hết vì sao chỉ nói riêng về thọ mạng?

Đáp: Trong đây, Đức Thế Tôn nêu thọ mạng dần hết để hiển bày năm thứ đều có nghĩa dần hết.

Có thuyết cho: Thọ mạng vượt hơn, nên trong đây Đức Thế Tôn nêu phần vượt hơn để làm sáng tỏ phần kém, vì thế chỉ nói về thọ mạng dần hết.

Có thuyết nêu: Thọ mạng có khả năng giữ lấy năm uẩn, nếu nói thọ mạng dần hết, nên biết là đã nói về nghĩa dần hết của năm uẩn.

Có thuyết nói: Thọ mạng đoạn dứt thì chúng đồng phần cũng đoạn dứt. Chúng đồng phần đoạn dứt thì năm uẩn cũng đoạn dứt.

Theo chỗ căn bản nên Phật nói thọ mạng dần hết.

Có thuyết nói: Thọ lượng có tăng có giảm, có thịnh có suy, nên Đức Phật nói riêng về thọ mạng.

Hỏi: Các nẻo đều có nghĩa thọ mạng giảm dần hết, vì sao chỉ nói thọ mạng của con người giảm dần hết?

Đáp: Đức Phật vào lúc bấy giờ đang giảng nói cho con người.

Có thuyết nói: Ý Đức Phật là lấy người làm đầu, để làm sáng tỏ nơi các nẻo thọ mạng đều dần hết.

Có thuyết nêu: Đức Phật cũng là đồng loại với người, thế nên Ngài nói pháp phần nhiều là tùy thuận nơi con người.

Có thuyết cho: Thọ mạng của con người có nghĩa tăng giảm, thịnh suy cùng cực. Nghĩa là vào kiếp sơ, thọ mạng của con người là vô lượng, sau giảm đến tám vạn tuổi, sau lại chuyển giảm cho đến mười tuổi. Như vậy, nghĩa giảm dần hết của thọ mạng con người là sáng rõ, có thể nhận biết. Các nẻo khác không như vậy, nên Đức Phật đã nói riêng.

Hỏi: Nước nơi các sông lớn cũng có nghĩa dần hết, vì sao chỉ nói như sông nhỏ?

Đáp: Sông lớn luôn chảy xiết, không thể nhận biết về sự dần hết. Không như nước nơi các sông nhỏ có lúc đầy tràn như mùa hè trời mưa, có lúc khô kiệt như mùa đông không mưa. Thọ mạng của các loài hữu tình cũng như sông nhỏ ấy, có lúc tràn đầy như nơi phần vị kiết sinh, có lúc đều hết như khi bỏ thân mạng này, thế nên Đức Phật lấy sông nhỏ làm ví dụ.

Nếu thọ mạng của các hữu tình khởi lên liền trụ: Nghĩa là trụ vào hai định không tâm và hữu tình nơi cõi trên.

Đời hết kiếp hết: Có thuyết nói: “Vô thường vi tế gọi là đời hết. Vô thường thô gọi là kiếp hết”. Có thuyết cho: “Sát-na vô thường gọi là đời hết. Nhất kỳ vô thường gọi là kiếp hết”. Có thuyết nêu: “Vật của số hữu tình vô thường gọi là đời hết. Vật của số phi hữu tình vô thường gọi là kiếp hết”. Có thuyết nói: “Nội pháp vô thường gọi là đời hết. Ngoại pháp vô thường gọi là kiếp hết”.

***

* Nhập định vô tưởng có bao nhiêu căn diệt? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để ngăn chận Tông chỉ của kẻ khác, làm sáng tỏ nghĩa của mình. Như Luận sư Phận biệt thuộc phái Thí Dụ cho: Định vô tưởng là tâm vi tế không diệt. Họ nói như vầy: Nếu định vô tưởng hoàn toàn không có tâm, mạng căn liền đoạn dứt, nên gọi là chết, không gọi là ở trong định. Để ngăn chận ý tưởng ấy, làm rõ: Định vô tưởng đều không có tâm.

Hoặc có lối chấp: Định này tuy không có tâm, nhưng chỉ khi lìa nhiễm dục tức có thể hiện khởi vì đồng cõi. Để ngăn chận lối chấp ấy, hiển bày: Định vô tưởng lìa nhiễm nơi xứ Biến tịnh mới có thể hiện tiền, chủ yếu là dùng tĩnh lự thứ tư làm đẳng vô gián duyên. Do đó, nên Tôn giả Thế Hữu nói: Thế nào là định vô tưởng? Nghĩa là đã lìa nhiễm nơi xứ Biến tịnh, chưa lìa nhiễm nơi cõi trên. Nó trước tiên là tác ý về tưởng xuất ly, tâm tâm sở pháp diệt gọi là định vô tưởng.

Do các nhân duyên như thế, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nhập định vô tưởng có bao nhiêu căn diệt? Đáp: Bảy căn. Đó là ý, xả và năm căn như tín v.v… Hỏi: Tâm tâm sở diệt thuộc vào cõi nào?

Đáp: Thuộc cõi sắc. Đây là dựa vào tướng chung của loại cõi để nói, nhưng chỉ hệ thuộc địa của tĩnh lự thứ tư.

Hỏi: Xuất định vô tưởng có bao nhiêu căn hiện tiền?

Đáp: Bảy căn. Như nói ở trước.

Hỏi: Tâm tâm sở hiện tiền thuộc vào cõi nào?

Đáp: Thuộc cõi sắc. Đây cũng là dựa vào tướng chung của loại cõi để nói, nhưng chỉ thuộc về địa của tĩnh lự thứ tư.

Do những điều đã nói ấy chứng tỏ định vô tưởng quyết định không có tâm. Vì khi nhập định chỉ nói các căn, tâm tâm sở pháp diệt, không nói khởi. Khi xuất định chỉ nói các căn, tâm tâm sở pháp khởi, không nói diệt.

HẾT – QUYỂN 151