LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 140

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ CHẤP THỌ, phần 4

* Do đạo vô gián chứng được quả Dự lưu, khi tu đạo ấy nơi bốn niệm trụ, có bao nhiêu thứ tu ở hiện tại, bao nhiêu thứ tu ở vị lai? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để ngăn chận tông chỉ của người khác và hiển bày nghĩa lý của mình. Nghĩa là hoặc có thuyết nói: “Không có việc tu ở vị lai, chớ nên có việc chưa làm mà đã được”. Vì nhằm ngăn chận lối chấp này, nêu bày rõ có việc tu ở vị lai, việc ấy tuy chưa khởi, nhưng đã khởi về loại đó.

Hoặc có thuyết nói: “Hai tâm cùng hiện hành, do thấy nghe v.v… cùng có trong một lúc”. Để ngăn chận sự chấp này cùng hiển bày không có việc hai tâm cùng hiện hành, vì các sát-na nhanh chóng đổi dời nên không phải cùng lúc, tưởng như cùng lúc.

Hoặc có thuyết nêu: “Bốn thứ chánh đoạn v.v… không phải cùng lúc có tác dụng và nhân khác nhau”. Vì ngăn chận lối chấp đó nên nêu rõ: Đây là đồng thời có bốn thứ thể không khác.

Hoặc có thuyết cho: “Tín v.v… chỉ là vô lậu. Kinh nói phàm phu không có các căn như tín v.v…”. Để ngăn chận lối chấp này và làm rõ tín v.v… chung cho cả hữu lậu, còn Khế kinh chỉ nói về căn vô lậu.

Hoặc có thuyết nói: “Căn và lực, thể của chúng khác nhau, do chúng có phần vị hơn kém khác nhau”. Vì ngăn chận lối chấp đó, cùng làm sáng tỏ phần vị của chúng tuy có khác nhưng lực dụng là một thể.

Hoặc có thuyết nêu: “Giác chi thì chung cho cả hữu lậu, nói quán bất tịnh cùng tu với giác chi niệm”. Vì ngăn chận thứ chấp đó và làm sáng tỏ: Giác chi chỉ là vô lậu, kinh nói là có cùng, nhưng không phải đồng thời cùng có.

Hoặc có thuyết cho: “Địa cận phần có hỷ. Kinh nói dựa vào hỷ đoạn trừ, xuất ly ưu”. Nhằm ngăn chận lối chấp ấy, nêu rõ cận phần không có hỷ, kinh nói đã đoạn, sẽ đoạn gọi là đoạn trừ.

Hoặc có thuyết nói: “Các chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng không đồng thời có, vì trong một sát-na không có hai thứ thân ngữ”. Vì ngăn chận lối chấp ấy, làm rõ ba giới cùng với ba căn khởi, một lúc có thể đạt được.

Hoặc có thuyết cho: “Hàng Dự lưu và Nhất lai cùng đạt được tĩnh lự”. Vì ngăn chận lối chấp này, làm sáng tỏ hai quả đều chưa được tĩnh lự vì chưa lìa hết dục.

Hoặc có thuyết biện: “Nhẫn tức là trí”. Vì ngăn chận thứ chấp ấy, nêu rõ nhẫn không phải là trí, do đối với cảnh của đế chưa xét kỹ, quyết định.

Hoặc có thuyết cho: “Hàng phàm phu chưa đoạn dứt các hoặc nên chưa kiến đế”. Vì ngăn chận lối chấp ấy, làm rõ phàm phu cũng đoạn dứt hoặc, thấy được các đế thô v.v…

Hoặc có thuyết nêu: “Bậc Thánh không dùng đạo thế tục để đoạn trừ các hoặc”. Vì ngăn chận lối chấp ấy, làm sáng tỏ bậc Thánh đạt tự tại, tùy nghi sử dụng các đạo.

Hoặc có thuyết biện: “Ở địa trên cũng có chi chánh tư duy”. Vì ngăn chận thứ chấp ấy, làm rõ ở địa trên không có chi ấy, vì không có tầm.

Hoặc có thuyết cho: “Ở cõi vô sắc cũng có chi giới vô lậu”. Vì ngăn chận lối chấp đó, nói rõ ở cõi ấy không có giới, vì là vô sắc.

Hoặc có thuyết nêu: “Ba thứ Tam-ma-địa nghĩa khác nhưng thể đồng”. Vì ngăn chận lối chấp đó, nêu bày rõ thể của chúng cũng khác, vì hành tướng sai khác.

Vì để ngăn chận các thứ tông thuyết sai khác như thế, nhằm hiển bày chỗ đúng đắn nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Do đạo vô gián chứng được quả Dự lưu, khi tu đạo ấy nơi bốn niệm trụ, có bao nhiêu thứ tu ở hiện tại, bao nhiêu thứ tu ở vị lai? Về bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám đạo chi, bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, mười biến xứ, tám trí, ba đẳng trì, có bao nhiêu thứ tu ở hiện tại, bao nhiêu thứ tu ở vị lai?

Đáp: Niệm trụ: Ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc: Ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn và lực: Ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi: Ở hiện tại và vị lai tu sáu. Đạo chi: Ở hiện tại và vị lai tu tám.

Không có tĩnh lự, không có vô lượng, không có vô sắc, không có giải thoát, không có thắng xứ, không có biến xứ, không có trí. Đẳng trì: Ở hiện tại và vị lai tu một.

Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn: Đây là nhằm ngăn chận lối chấp: Hai tâm cùng hiện hành và chấp không có tu ở vị lai. Nếu có hai tâm cùng lúc hiện hành, thì ở hiện tại nên tu bốn niệm trụ. Nhưng bốn niệm trụ tất không hiện hành cùng lúc, vì một tâm tương ưng không có bốn tuệ, không thể đối với bốn thứ này kiến lập một Thể, vì hành tướng, đối tượng duyên đều có khác. Không phải một nối tiếp có nhiều tâm cùng khởi, chớ do đấy xác nhận có nhiều hữu tình. Nếu ở đời vị lai không có nghĩa tu, tức việc tu thiện không có nghĩa tăng rộng, khởi nhiều gia hạnh tức là uổng công, vì dụng công nhiều nhưng đạt được thì ít. Lại, lúc mới thành Phật tức nên chưa đầy đủ tất cả công đức. Chớ có những lỗi lầm này nên nói là có việc tu nơi vị lai. Do đời vị lai rộng nên tu đủ bốn thứ. Các thế dụng nơi hiện tu có thể dẫn đến chủng loại các pháp ở vị lai khiến chúng được hiện tiền. Hiện tại tu một: Nghĩa là tạp duyên pháp niệm trụ, kiến đạo đế.

Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn: Đây là ngăn chận lối chấp nói chánh đoạn và thần túc không có cùng một lúc. Thể của chánh đoạn có bốn, chỗ tạo tác như ngọn đèn soi sáng cùng lúc có cả bốn tác dụng. Một Tam-ma-địa do bốn nhân sinh ra nên từ các nhân lập ra bốn tên gọi.

Tu ở vị lai: Tức thể là một nhưng có nhiều nghĩa. Hiện tại, vị lai đều nói tu bốn thứ.

Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm: Tức nhằm ngăn chận lối chấp cho căn, lực có Thể khác nhau, và nói năm thứ ấy theo thứ lớp sinh ra. Tuy phần vị căn và lực có khác nhưng tự thể của chúng không khác. Tức một tín v.v… cùng có sinh mở ra thành hai tác dụng để lập tên căn lực cùng không trái nhau, tương trợ cùng khởi, nên năm thứ này không phải là theo thứ lớp sinh ra.

Giác chi ở hiện tại và vị lai tu sáu: Đây là nhằm ngăn chận lối chấp cho cận phần có hỷ. Vì xứ này chưa được địa căn bản của bậc trên, chưa lìa sợ hãi ở cõi dưới, nên không sinh hỷ. Kinh nói dựa vào hỷ để đoạn trừ, xuất ly ưu, là dựa vào đạo gia hạnh để nói, không phải là đạo vô gián, nên không trái nhau. Đó là căn cứ vào phần vị chí không có hỷ nên chỉ có sáu.

Đạo chi ở hiện tại và vị lai tu tám: Đây là ngăn chận lối chấp cho các chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng không có cùng lúc, không có tham sân si đã phát khởi vô biểu, nên đều có bảy thứ đồng lúc khởi.

Không có tĩnh lự: Đây là ngăn chận lối chấp cho quả Dự lưu và Nhất lai cũng có được tĩnh lự. Do hai thứ này chưa lìa dục mà nhập kiến đạo. Người đã lìa dục thì không phải là hai hướng.

Không có vô lượng: Đây là ngăn chận lối chấp nói vô lượng cũng chung nơi vô lậu và trong kiến đạo có tu vô lượng. Do thứ này duyên nơi hữu tình, không phải là kiến đạo vô lậu rất nhanh chóng. Lại, vì mới được nên không thể gồm tu. Lại, vì chưa được địa căn bản nên không tu vô lượng.

Không có vô sắc: Đây là ngăn chận lối chấp vô sắc có kiến đạo, vì trong vô sắc không có trí duyên khắp, nên tất không có kiến đạo. Lại, vì thứ này chưa có được định vô sắc.

Không có giải thoát, không có thắng xứ, không có biến xứ: Đây là nhằm ngăn chận lối chấp ba thứ giải thoát trước v.v… cũng chung cho vô lậu, vì mười sáu hành tướng không gồm thâu, nên không gọi là vô lậu. Lại, bấy giờ chưa được địa căn bản nên đều không tu.

Không có trí: Đây là ngăn chận lối chấp nói nhẫn tức là trí. Vì nhẫn đối với cảnh của đế chưa thẩm xét quyết đoán như thật, nên không gọi là trí. Lại, đối với phần vị này chỉ tu tự phần không tu các trí ở vị lai, thế nên nói là không.

Đẳng trì ở hiện tại và vị lai tu một: Đây là ngăn chận lối chấp nói ba thứ Tam-ma-địa nghĩa khác nhưng thể đồng. Vì hành tướng của ba thứ đẳng trì khác nhau, nên thể cũng có khác.

Có tu một thứ: Nghĩa là đẳng trì vô nguyện khi có đạo loại nhẫn thì chỉ tu thứ này. Tuy tám nhẫn đều là đạo vô gián, nhưng dựa vào quả vị đã chứng nên nói là đạo loại nhẫn không phải thứ khác.

Hỏi: Do đạo vô gián chứng được quả Nhất lai, khi tu đạo ấy nơi bốn niệm trụ cho đến ba đẳng trì, có bao nhiêu thứ tu ở hiện tại, bao nhiêu thứ tu ở vị lai?

Đáp: Nếu lìa nhiễm dục gấp bội, nhập chánh tánh ly sanh, khi tu đạo ấy thì: Niệm trụ ở hiện tại tu một và vị lai tu bốn. Chánh đoạn và thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn và lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại và vị lai tu sáu. Đạo chi ở hiện tại và vị lai tu tám. Không có tĩnh lự, không có vô lượng, không có vô sắc, không có giải thoát, không có thắng xứ, không có biến xứ, không có trí. Đẳng trì ở hiện tại và vị lai tu một.

Nếu lìa nhiễm dục gấp bội, nhập chánh tánh ly sanh: Đây là nhằm ngăn chận lối chấp cho hàng phàm phu không có đoạn trừ hoặc. Nhưng hàng phàm phu có thể do sáu thứ hành tướng như thô v.v… để lìa nhiễm ở cõi dục, cho đến nhiễm ở Vô sở hữu xứ. Nếu trước đã lìa hết sáu phẩm dục nhiễm, gọi là lìa nhiễm dục gấp bội, tức ba thứ sau cũng gấp bội lần. Các câu văn còn đều giải thích như trước.

Nếu từ quả Dự lưu, dùng đạo thế tục để chứng quả Nhất lai, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn và thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn và lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại không có, ở vị lai tu sáu. Đạo chi ở hiện tại không có, ở vị lai tu tám. Không có tĩnh lự, không có vô lượng, không có vô sắc, không có giải thoát, không có thắng xứ, không có biến xứ. Về trí ở hiện tại tu một, vị lai tu bảy. Về đẳng trì ở hiện tại không có, ở vị lai tu ba.

Dùng đạo thế tục chứng quả Nhất lai: Đây tức ngăn chận lối chấp cho bậc Thánh không dùng đạo thế tục để đoạn trừ các hoặc.

Bậc Thánh đối với hai đạo đều cùng thành tựu, tùy ý muốn thứ nào hiện tiền thì dùng thứ ấy đoạn trừ.

Niệm trụ ở hiện tại tu một: Nghĩa là pháp niệm trụ tạp duyên. Do đạo vô gián hữu lậu lìa nhiễm, tất là duyên chung.

Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm: Đây là nhằm ngăn lối chấp cho tín v.v… chỉ là vô lậu. Nói quán về tín v.v… là tập v.v… Phật quan sát về ba căn rồi mới giảng nói pháp, nên hữu lậu cũng có dụng của căn và lực.

Giác chi ở hiện tại không có: Đây là ngăn chận lối chấp cho giác chi chung cả hữu lậu, nhưng hữu lậu thì không thể nhận biết như thật. Nói quán bất tịnh cùng tu giác chi niệm, tức là nương vào nhân lần lượt có cùng lúc để nói.

Ở vị lai tu sáu: Tức bậc Thánh khi khởi đạo hữu lậu cũng gồm tu cả vô lậu.

Đạo chi ở hiện tại không có: Tức là đạo chi tuy chung cả hữu lậu, nhưng nói sau giác chi nên cũng chỉ là vô lậu, do A-tỳ-đạt-ma có tướng như thế.

Không có vô lượng v.v…: Là trong định vị chí không có các pháp thiện của địa căn bản ấy.

Về trí ở hiện tại tu một: Là trí thế tục. Ở vị lai tu bảy: Tức tám trí trừ tha tâm trí, do cùng trái với đạo vô gián, lại chưa có được. Trong đây chỉ dựa vào tám trí để tạo luận trừ tận trí và vô sinh trí, vì phần vị có giới hạn.

Đẳng trì ở hiện tại không có: Tức ba thứ đẳng trì tuy chung cả hữu lậu, nhưng trong đây chỉ nói về vô lậu, vì vô lậu là cửa giải thoát. Văn này chỉ nói về đạo vô gián thứ sáu, vì đạo ấy có thể chứng được quả Nhất lai.

Các thứ còn lại như trước đã nói.

Nếu từ quả Dự lưu dùng đạo vô lậu chứng quả Nhất lai, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn và thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại và vị lai tu sáu. Đạo chi ở hiện tại và vị lai tu tám. Không có tĩnh lự, không có vô lượng, không có vô sắc, không có giải thoát, không có thắng xứ, không có biến xứ. Về trí ở hiện tại tu hai, vị lai tu bảy. Đẳng trì ở hiện tại tu một, vị lai tu ba.

Niệm trụ ở hiện tại tu một: Tức là pháp niệm trụ, hoặc tạp duyên hay không tạp duyên vì bốn pháp trí theo đấy khởi một.

Trí ở hiện tại tu hai: Tức là hai thứ khổ trí, pháp trí, hoặc cho đến hai thứ đạo trí, pháp trí.

Đẳng trì ở hiện tại tu một: Tức là trong ba thứ theo đấy tu một thứ.

Các thứ còn lại như trước đã nói.

Hỏi: Do đạo vô gián chứng được quả Bất hoàn, khi tu đạo ấy từ bốn niệm trụ cho đến ba đẳng trì, có bao nhiêu thứ tu ở hiện tại, bao nhiêu thứ tu ở vị lai?

Đáp: Nếu đã lìa nhiễm dục, nương vào định vị chí, nhập chánh tánh ly sanh, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn và thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại và vị lai tu sáu. Đạo chi ở hiện tại và vị lai tu tám. Không có tĩnh lự, không có vô lượng, không có vô sắc, không có giải thoát, không có thắng xứ, không có biến xứ, không có trí. Đẳng trì ở hiện tại và vị lai tu một.

Không có tĩnh lự: Tức kiến đạo nương vào địa dưới không tu ở địa trên.

Các thứ khác như trước đã nói.

Nếu nương vào tĩnh lự thứ nhất, nhập chánh tánh ly sanh, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn và thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại và vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại và vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại và vị lai tu một. Không có vô lượng, không có vô sắc, không có giải thoát, không có thắng xứ, không có biến xứ, không có trí. Đẳng trì ở hiện tại và vị lai tu một. Giải thích các câu văn này căn cứ theo trước, nên biết.

Nếu nương vào tĩnh lự trung gian, nhập chánh tánh ly sanh, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn và thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại tu sáu, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại tu bảy, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại không có, vị lai tu một. Không có vô lượng, không có vô sắc, không có giải thoát, không có thắng xứ, không có biến xứ, không có trí. Đẳng trì ở hiện tại và vị lai tu một.

Giác chi ở hiện tại tu sáu: Do nơi tĩnh lự trung gian không có hỷ căn và nương vào địa trên tu ở địa dưới, còn ở vị lai tu bảy.

Đạo chi ở hiện tại tu bảy: Đây là ngăn chận lối chấp cho địa trên có tầm do tâm ở trên đấy là tế, nên không có tầm.

Các thứ khác như trước đã nói.

Nếu nương vào tĩnh lự thứ hai, nhập chánh tánh ly sanh, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn và thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại, vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại và vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại tu bảy, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại tu một, vị lai tu hai. Không có vô lượng, không có vô sắc, không có giải thoát, không có thắng xứ, không có biến xứ, không có trí. Đẳng trì ở hiện tại và vị lai tu một. Giải thích các câu văn này căn cứ theo trước, nên biết.

Nếu nương vào tĩnh lự thứ ba, nhập chánh tánh ly sanh, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại tu sáu, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại tu bảy, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại tu một, vị lai tu ba. Không có các thứ vô lượng, vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ và trí. Đẳng trì ở hiện tại và vị lai tu một. Giải thích phần này như trước.

Nếu nương vào tĩnh lự thứ tư, nhập chánh tánh ly sanh, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại tu sáu, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại tu bảy, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Không có các thứ vô lượng, vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ và trí. Đẳng trì ở hiện tại và vị lai tu một. Ở đây tùy theo chỗ thích ứng giải thích như trước.

Nếu từ quả Nhất lai dùng đạo thế tục chứng đắc quả Bất hoàn, khi tu đạo này: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại không có, vị lai tu sáu. Đạo chi ở hiện tại không có, vị lai tu tám. Không có các thứ tĩnh lự, vô lượng, vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ. Trí ở hiện tại tu một, vị lai tu bảy. Đẳng trì ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Giải thích các câu văn ở đây như trước nên biết.

Nếu từ quả Nhất lai dùng đạo vô lậu chứng quả Bất hoàn, khi tu đạo này: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại và vị lai tu sáu. Đạo chi ở hiện tại và vị lai tu tám. Không có các thứ tĩnh lự, vô lượng, vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ. Trí ở hiện tại tu hai, vị lai tu bảy. Đẳng trì ở hiện tại tu một, vị lai tu ba. Đều giải thích như trước.

Hỏi: Dùng đạo vô gián chứng được thần cảnh trí thông, khi tu đạo ấy, từ bốn niệm trụ cho đến ba đẳng trì, có bao nhiêu thứ tu ở hiện tại, bao nhiêu thứ tu ở vị lai?

Đáp: Nếu các phàm phu nương vào tĩnh lự thứ nhất, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Không có giác chi, không có đạo chi. Tĩnh lự ở hiện tại và vị lai tu một. Vô lượng ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có vô sắc. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu hai. Thắng xứ ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có biến xứ. Trí ở hiện tại và vị lai tu một. Không có đẳng trì.

Trong đây nói: Niệm trụ ở hiện tại tu một: Tức là thân niệm trụ. Vì thần cảnh trí thông chỉ duyên nơi sắc, đạo vô gián kia cũng chỉ duyên nơi sắc.

Hỏi: Như định kim cang dụ khi duyên nơi bốn uẩn của cõi Hữu đảnh, hoặc là diệt đạo lậu tận thông ở ba cõi duyên nơi bốn uẩn của cõi Hữu đảnh như thế thì đối tượng duyên hoặc có khác. Vì sao trong đây nói thần cảnh trí thông cùng với đạo vô gián tất đồng duyên nơi sắc?

Đáp: Định kim cang dụ cùng với tận trí và vô sinh trí đầu tiên đều là đạo quán đế đoạn trừ phiền não, chỉ cầu được lìa nhiễm không phải ở nơi đối tượng duyên có chuyển tác, nên đối tượng duyên hoặc khác. Các thứ thần cảnh thông v.v… đều là tác ý tùy chuyển, cùng muốn đối với cảnh biến hiện nhận biết rõ, nên đối tượng duyên tất đồng nhau.

Vô lượng ở hiện tại không có, vị lai tu bốn: Tức trong địa căn bản, các công đức hữu lậu do địa bằng nhau nên tùy theo chỗ thích ứng đều tu.

Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu hai: Tức hai giải thoát đầu, thuộc nơi hai tĩnh lự thứ nhất, thứ hai.

Thắng xứ ở hiện tại không có, vị lai tu bốn: Nghĩa là bốn thắng xứ đầu cũng thuộc nơi ấy.

Trí ở hiện tại và vị lai tu một: Đó là trí thế tục.

Hỏi: Vì sao không có tha tâm trí?

Đáp: Vì trong đạo vô gián không có tu thứ ấy. Đây là chỗ tu của đạo thư thả.

Các thứ khác theo chỗ thích ứng, như trước đã nói.

Nếu các bậc Thánh nương vào tĩnh lự thứ nhất, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại không có, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại không có, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại và vị lai tu một. Vô lượng ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có vô sắc. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu hai. Thắng xứ ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có biến xứ. Trí ở hiện tại tu một, vị lai tu bảy. Đẳng trì ở hiện tại không có, vị lai tu ba.

Tĩnh lự ở hiện tại và vị lai tu một:

Hỏi: Bậc Thánh đã lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ ba, được tĩnh lự thứ tư, nay nương vào tĩnh lự thứ nhất tu thần cảnh thông thì trong đạo vô gián nên nói là tĩnh lự ở vị lai tu bốn, vì vô lậu nương chung vào trên và dưới để tu, vì sao chỉ nói vị lai tu một?

Đáp: Có thuyết nói: Nên nói ở vị lai tu bốn nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết cho: Trong đây là căn cứ vào sự lần lượt để nói. Nghĩa là từ hạng còn đủ các thứ ràng buộc, nhập chánh tánh ly sanh, cho đến khi chứng được quả Bất hoàn rồi, nương vào tĩnh lự thứ nhất để tu thần cảnh thông, trong đạo vô gián, vị lai tu một thứ, không tu các thứ trên vì chưa đạt được.

Có thuyết nêu: Giả sử đã lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ ba, nương vào tĩnh lự thứ nhất để tu thần cảnh thông thì cũng chỉ tu một thứ, không tu địa trên.

Hỏi: Há không nương vào tĩnh lự thứ nhất đoạn dứt nhiễm của địa trên và bậc vô học khi tu luyện căn cũng tu địa trên hiện có các công đức, sao nói nương vào địa dưới không thể tu địa trên?

Đáp: Người nào đoạn trừ hoặc ở địa trên thì có thể tu địa trên, do chỗ đối trị của đạo nơi địa ấy là đồng, vì pháp nào đoạn trừ hoặc của địa ấy tức cũng có thể đối trị để tu. Bậc vô học luyện căn như đã được quả ấy thế nên vị ấy đều nương vào dưới để tu địa trên. Còn các thần thông thì không như thế, nên không tu địa trên. Như trong kiến đạo chỉ tu địa dưới của mình. Điều nêu bày này là phi lý. Vì kiến đạo là mới được chủng tánh, chưa tự tại, nên chỉ tu phần của mình. Tu đạo là đã được chủng tánh, đối với pháp ấy được tự tại đâu chẳng gồm tu. Nhưng năm thần thông là công đức thù thắng nên khi tu gia hạnh tất phải hết sức tác ý. Nếu các tĩnh lự đã được tự tại thì lý gì còn chướng ngại mà không gồm tu. Do đấy nên biết thuyết nêu trước là đúng.

Không có vô sắc v.v…: Là căn cứ theo đây, nên biết.

Các thứ khác như trước đã nói.

Nếu các phàm phu nương vào tĩnh lự thứ hai, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Không có giác chi và đạo chi. Tĩnh lự ở hiện tại và vị lai tu một. Vô lượng ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có vô sắc. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu hai. Thắng xứ ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có biến xứ. Trí ở hiện tại và vị lai tu một. Không có đẳng trì.

Tĩnh lự ở hiện tại và vị lai tu một: Do người ấy đã được địa dưới. Nhưng không tu là vì công đức hữu lậu, chỉ tu nơi địa của mình gắn liền với cõi địa.

Các thứ khác như trước đã nói.

Nếu các bậc Thánh nương vào tĩnh lự thứ hai, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại không có, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại không có, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại tu một, vị lai tu hai. Vô lượng ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có vô sắc. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu hai. Thắng xứ ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có biến xứ. Trí ở hiện tại tu một, vị lai tu bảy. Đẳng trì ở hiện tại không có, vị lai tu ba.

Tĩnh lự ở vị lai tu hai: Nghĩa là hai tĩnh lự thứ nhất, thứ hai lúc đầu chỉ là vô lậu.

Các thứ khác như trước đã nói.

Nếu các phàm phu nương vào tĩnh lự thứ ba, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Không có giác chi và đạo chi. Tĩnh lự ở hiện tại và vị lai tu một. Vô lượng ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Không có vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ. Trí ở hiện tại và vị lai tu một. Không có đẳng trì.

Vô lượng ở vị lai tu ba: Tức là trừ hỷ vô lượng.

Không có giải thoát v.v…: Là vì ở tĩnh lự thứ ba còn mê nơi lạc nên không có giải thoát v.v… Do chán các hành công đức giải thoát tịnh v.v… Tuy tạo hành tướng vui thích nhưng do địa có các tai họa bất kỳ nên cũng không có được.

Các thứ khác như trước đã nói.

Nếu các bậc Thánh nương vào tĩnh lự thứ ba, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại không có, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại không có, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại tu một, vị lai tu ba. Vô lượng ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Không có vô sắc, giải thoát, thắng xứ, biến xứ. Trí ở hiện tại tu một, vị lai tu bảy. Đẳng trì ở hiện tại không có, vị lai tu ba.

Giải thích rộng như trước.

Nếu các phàm phu nương vào tĩnh lự thứ tư, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Không có giác chi và đạo chi. Tĩnh lự ở hiện tại và vị lai tu một. Vô lượng ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Không có vô sắc. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu một. Thắng xứ ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Biến xứ ở hiện tại không có, vị lai tu tám. Trí ở hiện tại và vị lai tu một. Không có đẳng trì.

Giải thoát ở vị lai tu một: Tức là tịnh giải thoát do thân tác chứng an trụ đầy đủ.

Thắng xứ ở vị lai tu bốn: Tức là bốn thắng xứ sau.

Biến xứ ở vị lai tu tám: Tức là tám biến xứ trước. Do trong địa này đã lìa khỏi tám tai họa bất kỳ nên có các thứ công đức thanh tịnh ấy.

Các thứ khác như trước đã nói.

Nếu các bậc Thánh nương vào tĩnh lự thứ tư, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại không có, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại không có, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Vô lượng ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Không có vô sắc. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu một. Thắng xứ ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Biến xứ ở hiện tại không có, vị lai tu tám. Trí ở hiện tại tu một, vị lai tu bảy. Đẳng trì ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Giải thích rộng như trước.

Hỏi: Dùng đạo vô gián chứng được thiên nhĩ trí thông, tha tâm trí thông, túc trụ tùy niệm trí thông, tử sinh trí thông, khi tu đạo ấy, từ bốn niệm trụ cho đến ba đẳng trì, có bao nhiêu thứ tu ở hiện tại, bao nhiêu thứ tu ở vị lai?

Đáp: Như ở thần cảnh trí thông, nên tùy theo tướng để nói, do năm thứ này đều nương vào bốn thứ tĩnh lự. Hàng phàm phu, bậc Thánh đều có thể khởi được. Nhưng khi tu thiên nhĩ và tử sinh trí thông khi khởi đạo vô gián ở hiện tại, niệm trụ như nơi thần cảnh trí thông, đều cùng duyên với sắc tạo thân niệm trụ. Khi tu tha tâm trí thông khi khởi đạo vô gián ở hiện tại chỉ khởi tâm niệm trụ. Khi tu túc trụ niệm trí thông, khởi đạo vô gián, ở hiện tại chỉ khởi pháp niệm trụ. Các thứ khác theo chỗ thích ứng đều như trước đã nói.

Hỏi: Dùng đạo vô gián chứng lậu tận trí thông, khi tu đạo ấy, từ bốn niệm trụ cho đến ba đẳng trì, có bao nhiêu thứ tu ở hiện tại, bao nhiêu thứ tu ở vị lai?

Đáp: Nếu nương vào định vị chí chứng quả A-la-hán, khi tu đạo này: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại tu sáu, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại và vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có vô lượng. Vô sắc ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Không có thắng xứ và biến xứ. Trí ở hiện tại tu hai, vị lai tu sáu. Đẳng trì ở hiện tại tu một, vị lai tu ba.

Niệm trụ ở hiện tại tu một: Tức là pháp niệm trụ, hoặc tạp duyên hay không tạp duyên. Bốn loại trí, hai pháp trí tùy một thứ hiện tiền.

Tĩnh lự ở vị lai tu bốn: Tức là đoạn dứt các hoặc ở cõi Hữu đảnh, tu chung cả trên và dưới có thể được đạo đối trị.

Không có vô lượng: Tức lúc đó không tu pháp hữu lậu, vì hữu lậu không thể đối trị với Hữu đảnh.

Còn Vô sắc và giải thoát ở hiện tại tu ba: Tức ba thứ vô sắc trước và ba giải thoát ấy chung cả vô lậu.

Về trí ở hiện tại tu hai: Tức hai thứ diệt trí và pháp trí, hoặc hai thứ đạo trí và pháp trí, hoặc hai thứ khổ trí và loại trí, cho đến hoặc hai thứ đạo trí và loại trí. Ở vị lai tu sáu: Nghĩa là trừ thế tục trí và tha tâm trí, vì chúng là hữu lậu, cùng trái với đạo vô gián.

Đẳng trì ở hiện tại tu một: Đó là không, vô tướng, vô nguyện tùy theo một thứ hiện tiền. Định kim cang dụ tương ưng với sáu trí, trong đây chỉ nói đoạn trừ các hoặc ở cõi Hữu đảnh và đạo vô gián thứ chín cũng có thể chứng đắc lậu tận trí thông.

Các thứ khác như trước đã nói.

Nếu nương vào tĩnh lự thứ nhất, chứng quả A-la-hán, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại và vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Không có vô lượng. Vô sắc ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Không có thắng xứ và biến xứ. Trí ở hiện tại tu hai, vị lai tu sáu. Đẳng trì ở hiện tại tu một, vị lai tu ba.

Nếu nương vào tĩnh lự trung gian, chứng quả A-la-hán, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại tu sáu, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại tu bảy, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có vô lượng. Vô sắc ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Không có thắng xứ và biến xứ. Trí ở hiện tại tu hai, vị lai tu sáu. Đẳng trì ở hiện tại tu một, vị lai tu ba.

Nếu nương vào tĩnh lự thứ hai, chứng quả A-la-hán, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại và vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại tu bảy, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Không có vô lượng. Vô sắc ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Không có thắng xứ và biến xứ. Trí ở hiện tại tu hai, vị lai tu sáu.

Đẳng trì ở hiện tại tu một, vị lai tu ba.

Nếu nương vào tĩnh lự thứ ba, thứ tư, chứng quả A-la-hán, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại tu sáu, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại tu bảy, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Không có vô lượng. Vô sắc ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Giải thoát ở hiện tại không có, vị lai tu ba. Không có thắng xứ và biến xứ. Trí ở hiện tại tu hai, vị lai tu sáu. Đẳng trì ở hiện tại tu một, vị lai tu ba. Ở đây theo chỗ thích ứng giải thích như trước.

Nếu nương vào định vô sắc, chứng quả A-la-hán, khi tu đạo ấy: Niệm trụ ở hiện tại tu một, vị lai tu bốn. Chánh đoạn, thần túc ở hiện tại và vị lai tu bốn. Căn, lực ở hiện tại và vị lai tu năm. Giác chi ở hiện tại tu sáu, vị lai tu bảy. Đạo chi ở hiện tại tu bốn, vị lai tu tám. Tĩnh lự ở hiện tại không có, vị lai tu bốn. Không có vô lượng. Vô sắc ở hiện tại tu một, vị lai tu ba. Giải thoát ở hiện tại tu một, vị lai tu ba. Không có thắng xứ và biến xứ. Trí ở hiện tại tu hai, vị lai tu sáu. Đẳng trì ở hiện tại tu một, vị lai tu ba.

Nương vào định vô sắc: Nghĩa là nương vào Không vô biên xứ, hoặc Thức vô biên xứ, hoặc nương vào Vô sở hữu xứ, do ba địa này đều có đạo vô lậu co lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vì Phi tưởng phi phi tưởng xứ có định lực mờ tối, yếu kém, không phải chỗ nương dựa của đạo vô lậu, nên ở đây không nói.

Đạo chi ở hiện tại tu bốn: Đây là ngăn chận lối chấp nói ở cõi vô sắc có giới cấm vô lậu và cho ở địa trên có chánh tư duy. Vì không có việc nương dựa nơi bốn đại chủng và tâm ở địa trên thì dần dần vi tế.

Hỏi: Như không có đại chủng vô lậu nhưng có giới vô lậu, như thế tuy không có đại chủng của địa ấy nhưng có giới của địa ấy, thì việc này có lỗi gì?

Đáp: Giới vô lậu không rơi vào cõi, địa, nhưng tùy nương vào thân do đại chủng tạo. Vì thế tuy không có đại chủng vô lậu nhưng có giới vô lậu được tạo nên. Còn giới vô lậu tất phải thuộc vào địa cõi, nên chỉ do đại chủng của địa mình tạo nên, ở đấy không có đại chủng nên giới cũng không.

Hỏi: Nếu giới vô lậu tùy nương vào thân do đại chủng tạo, thì sinh nơi cõi dục, khi nhập định vô sắc vô lậu, phải khởi định ấy cùng với giới vô lậu có thân nương dựa là đại chủng chăng?

Đáp: Tuy giới vô lậu tùy nương vào thân do đại chủng tạo, nhưng nó tùy theo địa nào cần có đại chủng tạo. Còn giới hữu lậu phải tùy vào loại ấy để khởi. Riêng giới vô lậu trong vô sắc không có đại chủng tạo giới hữu lậu, nên giới vô lậu cũng không nương vào đó để phát khởi vô lậu.

Hỏi: Vì sao Thể của giới chỉ là sắc?

Đáp: Là để ngăn chận sắc xấu ác khởi lên. Lại nó là tánh của nghiệp thân ngữ, vì hai nghiệp thân ngữ thể của chúng là sắc.

Hỏi: Vì sao ý nghiệp không phải là giới?

Đáp: Vì không thể tự thân ngăn chận giới ác.

Hỏi: Vì sao giới ác không phải là ý nghiệp?

Đáp: Vì khi chưa lìa dục thì đều tạo thành ý nghiệp bất thiện, như thế đâu thể gọi tất cả là phạm giới hoặc không có luật nghi? Vì vậy giới ác không phải là ý nghiệp.

Lại, ý nghiệp thiện nếu là giới thiện tức nên tất cả những kẻ không đoạn dứt thiện đều gọi là trụ nơi luật nghi vì những người ấy đều thành tựu ý nghiệp thiện. Nếu cho là như thế liền có một hữu tình gọi là trụ nơi luật nghi, cũng gọi là kẻ trụ nơi không luật nghi, tức nên không có ba thứ khác nhau. Như vậy là cùng trái với Thánh giáo, vì giới thiện ác đều không phải là ý nghiệp.

Lại, ở đời cùng cho việc ngăn cấm về thân và ngữ gọi là giới, nhưng ý nghiệp không phải là giới, nên biết ý nghiệp là nhân phát sinh ra giới. Không thể cho nhân của giới tức gọi là giới. Chớ khiến nhân quả có lỗi tạp loạn. Thế nên ở vô sắc đạo chi chỉ có bốn và ở vị lai tu chung cả vô lậu ở địa dưới, nên có đủ tám thứ giải thoát vô sắc.

Về hiện tại tu một: Tức là trước đã nương vào ba địa theo đấy tu một.

Các thứ khác như trước đã nói.

HẾT – QUYỂN 140