LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 138

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ CHẤP THỌ, phần 2

Hỏi: Pháp nhân tương ưng cùng với pháp nhân tương ưng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có năm nhân là tương ưng, câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Đẳng vô gián duyên nghĩa là pháp nhân tương ưng đẳng vô gián với pháp nhân tương ưng hiện tiền. Sở duyên duyên là pháp nhân tương ưng cùng với pháp nhân tương ưng làm đối tượng duyên. Tăng thượng duyên là không sinh chướng ngại và hoàn toàn là không chướng ngại.

Hỏi: Pháp nhân tương ưng cùng với pháp nhân không tương ưng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có bốn nhân là câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Đẳng vô gián duyên là pháp nhân tương ưng đẳng vô gián với pháp nhân không tương ưng hiện tiền, tức là đẳng chỉ vô tưởng, đẳng chỉ diệt tận, là pháp đẳng vô gián của tâm tâm sở. Tăng thượng duyên như trước đã nói. Không có sở duyên duyên, vì pháp nhân không tương ưng không có đối tượng duyên.

Hỏi: Pháp nhân không tương ưng cùng với pháp nhân không tương ưng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có bốn nhân là câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Hỏi: Pháp nhân không tương ưng cùng với pháp nhân tương ưng làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có bốn nhân là câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Sở duyên duyên nghĩa pháp nhân không tương ưng cùng với pháp nhân tương ưng làm đối tượng duyên. Tăng thượng duyên như trước đã nói. Không có đẳng vô gián duyên, vì pháp nhân không tương ưng không có đẳng vô gián duyên.

Hỏi: Pháp có đối tượng duyên cùng với pháp có đối tượng duyên làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có năm nhân là tương ưng, câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Đẳng vô gián duyên tức là pháp có đối tượng duyên làm đẳng vô gián nơi pháp có đối tượng duyên hiện tiền. Sở duyên duyên tức pháp có đối tượng duyên cùng với pháp có đối tượng duyên làm đối tượng duyên cho nhau. Tăng thượng duyên như trước đã nói.

Hỏi: Pháp có đối tượng duyên cùng với pháp không có đối tượng duyên làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có bốn nhân là câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Đẳng vô gián duyên tức pháp có đối tượng duyên làm đẳng vô gián nơi pháp không có đối tượng duyên hiện tiền, tức là đẳng chỉ vô tưởng, đẳng chỉ diệt tận, là pháp đẳng vô gián của tâm tâm sở. Tăng thượng duyên như trước đã nói. Không có sở duyên duyên, vì pháp không có đối tượng duyên.

Hỏi: Pháp không có đối tượng duyên cùng với pháp không có đối tượng duyên làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có bốn nhân là câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Hỏi: Pháp không có đối tượng duyên cùng với pháp có đối tượng duyên làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có bốn nhân là câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Sở duyên duyên nghĩa là pháp không có đối tượng duyên cùng với pháp có đối tượng duyên làm đối tượng duyên. Tăng thượng duyên như trước đã nói. Không có đẳng vô gián duyên, vì pháp không có đối tượng duyên không có đẳng vô gián duyên.

Hỏi: Pháp có sắc cùng với pháp có sắc làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có ba nhân là câu hữu, đồng loại và dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Hỏi: Pháp có sắc cùng với pháp không sắc làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có ba nhân là câu hữu, đồng loại và dị thục. Sở duyên duyên tức là pháp có sắc cùng với pháp không sắc làm đối tượng duyên. Tăng thượng duyên như trước đã nói. Không có đẳng vô gián duyên, vì pháp có sắc không có đẳng vô gián duyên.

Hỏi: Pháp không sắc cùng với pháp không sắc làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có năm nhân là tương ưng, câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Đẳng vô gián duyên là pháp không sắc làm đẳng vô gián nơi pháp không sắc hiện tiền. Sở duyên duyên là pháp không sắc cùng với pháp không sắc làm đối tượng duyên. Tăng thượng duyên như trước đã nói.

Hỏi: Pháp không sắc cùng với pháp có sắc làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có bốn nhân là câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Có kiến, không kiến, có đối, không đối nêu bày cũng như thế. Có sai biệt: Pháp có kiến cùng với pháp có kiến làm hai nhân là đồng loại và dị thục. Các thứ khác đều như trước đã nói.

Hỏi: Pháp hữu lậu cùng với pháp hữu lậu làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có năm nhân là tương ưng, câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Đẳng vô gián duyên là pháp hữu lậu làm đẳng vô gián nơi pháp hữu lậu hiện tiền. Sở duyên duyên tức là pháp hữu lậu cùng với pháp hữu lậu làm đối tượng duyên. Tăng thượng duyên như trước đã nói.

Hỏi: Pháp hữu lậu cùng với pháp vô lậu làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Đẳng vô gián duyên là pháp hữu lậu làm đẳng vô gián nơi pháp vô lậu hiện tiền. Sở duyên duyên là pháp hữu lậu cùng với pháp vô lậu làm đối tượng duyên, tức là tâm tâm sở pháp của khổ tập nhẫn trí phẩm. Tăng thượng duyên như trước đã nói. Không có nhân duyên, vì nhân như chủng tử, pháp hữu lậu không làm chủng tử cho pháp vô lậu.

Hỏi: Pháp vô lậu cùng với pháp vô lậu làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có ba nhân là tương ưng, câu hữu và đồng loại. Đẳng vô gián duyên là pháp vô lậu làm đẳng vô gián nơi pháp vô lậu hiện tiền. Sở duyên duyên là pháp vô lậu và pháp vô lậu làm đối tượng duyên, tức là tâm tâm sở pháp của diệt đạo nhẫn trí phẩm. Tăng thượng duyên như trước đã nói.

Hỏi: Pháp vô lậu cùng với pháp hữu lậu làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Đẳng vô gián duyên tức là pháp vô lậu làm đẳng vô gián nơi pháp hữu lậu hiện tiền. Sở duyên duyên là pháp vô lậu cùng pháp hữu lậu làm đối tượng duyên. Tăng thượng duyên như trước đã nói. Không có nhân duyên, vì nhân như chủng tử, pháp vô lậu không cùng với pháp hữu lậu làm chủng tử.

Hỏi: Pháp hữu vi cùng với pháp hữu vi làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có năm nhân là tương ưng, câu hữu, đồng loại, biến hành và dị thục. Đẳng vô gián duyên tức là pháp hữu vi làm đẳng vô gián nơi pháp hữu vi hiện tiền. Sở duyên duyên là pháp hữu vi cùng với pháp hữu vi làm đối tượng duyên. Tăng thượng duyên như trước đã nói.

Hỏi: Pháp hữu vi cùng với pháp vô vi làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Không có.

Hỏi: Pháp vô vi cùng với pháp vô vi làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Không có.

Hỏi: Pháp vô vi cùng với pháp hữu vi làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Sở duyên duyên là pháp vô vi cùng với pháp hữu vi làm đối tượng duyên. Tăng thượng duyên như trước đã nói.

Hỏi: Vì sao pháp hữu vi có nhân có duyên, còn pháp vô vi thì không nhân không duyên?

Đáp: Vì tánh của các pháp hữu vi yếu kém, nên phải nhờ vào các nhân duyên. Còn pháp vô vi thì tánh mạnh mẽ đầy đủ, không nhờ vào các nhân duyên. Cũng như kẻ yếu thì nương dựa nơi người khác, còn người khỏe mạnh thì không nương dựa. Đây cũng như thế.

Có thuyết nói: Các pháp hữu vi có tác dụng nên phải nhờ vào các nhân duyên. Pháp vô vi không có tác dụng nên không nhờ vào các nhân duyên. Như cắt cỏ thì cần liềm hái, đào bới thì cần cuốc xuổng, còn nếu không hành tác thì không cần thứ gì. Đây cũng như thế.

Có thuyết nêu: Các pháp hữu vi có hoạt động ở đời, có nhận lấy quả, có tác dụng, có nhận biết cảnh nên cần nhân duyên. Pháp vô vi không có các sự việc như thế, nên không cần nhân duyên. Cũng như người đi xa cần lương thực, người không đi thì không cần. Đây cũng như vậy.

Có thuyết cho: Hữu vi như vua, có quyến thuộc nên có nhân duyên. Vô vi như vua, nhưng không có quyến thuộc nên không có nhân duyên. Như vua và quyến thuộc của vua, thì người giàu sang và quyến thuộc của người giàu sang, Đế Thích và quyến thuộc của Đế Thích nên biết cũng thế.

Hỏi: Các pháp hữu vi có lúc không sinh ra thì do cái gì gây trở ngại, là do pháp hữu vi hay do pháp vô vi?

Đáp: Các pháp hữu vi gây trở ngại, không phải là pháp vô vi. Vì pháp vô vi luôn cùng với pháp hữu vi làm nhân năng tác và tăng thượng duyên đối với sự sinh không sinh đều không gây chướng ngại. Như bên cạnh ao suối được đặt cống hình miệng sư tử, lúc nước không chảy là tự có duyên khác không phải là do nơi đấy bị chướng ngại.

Hỏi: Các pháp vô vi cùng với pháp hữu vi làm tăng thượng duyên và sở duyên duyên, đối với các thứ có thể duyên và không thể duyên làm tăng thượng duyên có hơn kém gì chăng?

Đáp: Nghĩa của tăng thượng duyên đều không sai biệt, nếu có duyên hay không duyên đều không chướng ngại. Còn nghĩa của sở duyên duyên tức có sai khác. Đối với pháp có thể duyên thì làm sở duyên duyên. Đối với pháp không thể duyên thì không làm các triền trói buộc nối tiếp hữu của địa ngục, cho đến nói rộng.

Nghĩa của tiếng hữu nói ở đây có nhiều thứ, như nơi chương Kiết Uẩn đã nói rộng. Trong đây nói nối tiếp chúng đồng phần, năm uẩn của số hữu tình gọi là hữu. Nhưng nối tiếp có năm thứ: Một là trung hữu nối tiếp. Hai là sinh hữu nối tiếp. Ba là phần vị nối tiếp. Bốn là pháp nối tiếp. Năm là sát-na nối tiếp.

Trung hữu nối tiếp: Là khi uẩn của tử hữu diệt, uẩn của trung hữu khởi, trung hữu nối tiếp tử hữu, gọi là trung hữu nối tiếp.

Sinh hữu nối tiếp: Là khi uẩn của trung hữu diệt, uẩn của sinh hữu khởi, sinh hữu nối tiếp trung hữu, gọi là sinh hữu nối tiếp.

Phần vị nối tiếp: Là khi uẩn của phần vị Yết-la-lam diệt, uẩn của phần vị Át-bộ-đàm khởi, cho đến uẩn của phần vị trung niên diệt, uẩn của phần vị lão niên khởi, đều do phần vị sau nối tiếp phần vị trước, nên gọi là phần vị nối tiếp.

Pháp nối tiếp: Là pháp thiện đẳng vô gián, pháp nhiễm hoặc vô ký hiện tiền. Pháp nhiễm đẳng vô gián, pháp thiện hoặc vô ký hiện tiền. Pháp vô ký đẳng vô gián, pháp thiện hoặc nhiễm hiện tiền. Tất cả đều do pháp sau nối tiếp pháp trước, nên gọi là pháp nối tiếp.

Sát-na nối tiếp: Là uẩn của sát-na đầu tiên đẳng vô gián thì uẩn của sát-na thứ hai hiện tiền. Sát-na sau nối tiếp sát-na trước, nên gọi là sát-na nối tiếp.

Cả năm thứ này đều nhập vào hai thứ nối tiếp, nghĩa là pháp nối tiếp và sát-na nối tiếp, đều không lìa pháp và sát-na.

Phân biệt về cõi: Ở cõi dục có đủ năm thứ. Cõi sắc có bốn thứ trừ phần vị. Cõi vô sắc có ba thứ trừ phần vị và trung hữu.

Phân biệt về nẻo: Ở địa ngục có bốn trừ phần vị. Các nẻo khác đều đủ năm thứ.

Phân biệt về loài: Tất cả các loài đều đủ năm thứ.

Đối với năm thứ nối tiếp này chỉ căn cứ vào hai thứ nối tiếp để tạo luận là trung hữu và sinh hữu.

Hỏi: Các triền trói buộc nối tiếp hữu ở địa ngục và lần đầu tiên được đại chủng của các căn, thì đại chủng của các căn ấy cùng với tâm tâm sở pháp ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Tâm tâm sở pháp ấy cùng với đại chủng của các căn ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Các triền trói buộc nối tiếp hữu ở bàng sinh, ngạ quỷ, ở nẻo người, trời lần đầu tiên được đại chủng của các căn, thì đại chủng của các căn ấy cùng với các tâm tâm sở pháp ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Tâm tâm sở pháp ấy cùng với đại chủng của các căn ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Nếu các tâm tâm sở pháp ấy không duyên nơi đại chủng của các căn ấy nhưng kết sinh thì có thể nói đại chủng của các căn ấy cùng với các tâm tâm sở pháp ấy chỉ làm một duyên là tăng thượng. Còn nếu các tâm tâm sở pháp ấy duyên nơi đại chủng của các căn ấy mà kết sinh thì đại chủng của các căn ấy cùng với tâm tâm sở pháp ấy liền làm hai duyên, là sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Vậy sao nhất định đáp chỉ có một duyên là tăng thượng?

Đáp: Cũng nên nói làm hai duyên nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Trong đây nói quyết định. Nghĩa là tăng thượng duyên là nhất định, còn sở duyên duyên là bất định, thế nên không nói.

Có thuyết lại nói: Trong đây là nói về cùng có. Nghĩa là đại chủng của căn cùng với tâm tâm sở lần lượt làm tăng thượng duyên, thế nên nói đến, không phải là tâm tâm sở cùng với đại chủng của căn làm sở duyên duyên nên không nói.

Có thuyết nêu: Ở đây là nói về sự cùng tương trợ. Nghĩa là đại chủng của các căn ấy cùng với tâm tâm sở pháp cùng tương trợ khiến nghĩa của tăng thượng hơn, còn sở duyên duyên thì không như thế, chỉ tùy duyên nơi pháp nào đều được khởi, nên không nói.

Hỏi: Nếu sinh ở cõi dục, nhập nơi tĩnh lự thứ nhất hữu lậu cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nuôi lớn các căn, tăng ích đại chủng, thì đại chủng của các căn ấy cùng với tâm tâm sở pháp làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Các tâm tâm sở pháp ấy cùng với đại chủng của các căn ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Các tâm tâm sở pháp ấy nếu duyên nơi các pháp khác để nhập định thì có thể nói như thế. Còn nếu duyên với đại chủng của các căn để nhập định tức có hai duyên, vì sao nói chỉ có một duyên là tăng thượng?

Đáp: Đáng lẽ nói hai duyên nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Ở đây là nói về quyết định, sở duyên duyên thì bất định, thế nên không nói.

Có thuyết cho: Đây là nói về cùng có. Sở duyên duyên thì không như vậy, thế nên không nói.

Có thuyết nêu: Đây là nói về sự tương trợ. Nghĩa là tâm tâm sở pháp cùng với đại chủng của căn ấy cùng tương trợ khiến nghĩa của tăng thượng hơn hẳn, còn sở duyên duyên thì không như thế, chỉ tùy duyên nơi pháp nào đều được sinh khởi, thế nên không nói.

Hỏi: Nhập nơi các tĩnh lự nuôi lớn, giúp ích các căn, đại chủng, cùng nhập nơi vô sắc thì khác nhau như thế nào?

Đáp: Tĩnh lự có nuôi lớn giúp ích nhiều, nhưng không thượng diệu, như thức ăn ở nước Phược-hát. Còn vô sắc nuôi lớn giúp ích thượng diệu nhưng không nhiều, như thức ăn ở Trung Ấn Độ.

Hỏi: Sinh nơi cõi dục, nhập tĩnh lự thứ nhất vô lậu cho đến Vô sở hữu xứ, nuôi lớn các căn, tăng ích đại chủng, thì đại chủng của các căn ấy cùng với tâm tâm sở pháp ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Còn tâm tâm sở pháp ấy cùng với đại chủng của các căn ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Trong đây không nói nghĩa của sở duyên duyên và tĩnh lự, vô sắc nuôi lớn tăng ích có sai khác, như trước đã nói, nên biết.

Hỏi: Nhập tĩnh lự và vô sắc hữu lậu, nuôi lớn tăng ích các căn, đại chủng và nhập nơi vô lậu thì có gì khác nhau?

Đáp: Hữu lậu nuôi lớn tăng ích nhiều nhưng không thượng diệu, còn vô lậu thì nuôi lớn tăng ích thượng diệu nhưng không nhiều, như hai thí dụ đã nói ở trước.

Hỏi: Sinh nơi cõi sắc, nhập tĩnh lự thứ nhất hữu lậu cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nuôi lớn các căn, tăng ích đại chủng, thì đại chủng của các căn ấy cùng với tâm tâm sở pháp ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Còn tâm tâm sở pháp ấy cùng với đại chủng của các căn ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Sinh nơi cõi sắc, nhập nơi tĩnh lự thứ nhất vô lậu cho đến Vô sở hữu xứ, nuôi lớn các căn, tăng ích đại chủng, thì đại chủng của các căn ấy cùng với tâm tâm sở pháp ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Hỏi: Còn các tâm tâm sở pháp ấy cùng với đại chủng của các căn ấy làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một duyên là tăng thượng.

Trong đây, không nói sở duyên duyên và tĩnh lự, vô sắc, hữu lậu, vô lậu cùng sự nuôi lớn tăng ích có khác nhau, đều như trước đã nói.

Hỏi: Thế nào là nghĩa có chấp thọ?

Đáp: Đây là tăng ngữ đã hiển bày pháp gắn liền với tự thể.

Hỏi: Thế nào là nghĩa không chấp thọ?

Đáp: Đây là tăng ngữ đã hiển bày pháp không gắn liền với tự thể.

Nhưng nhiều nơi nói từ có chấp thọ, tức trong đây nói có chấp thọ là nghĩa thế nào, tức là pháp gắn liền với tự thể.

Khế kinh lại nói:

Có chấp thọ khổ uẩn

Liền dẫn sinh các khổ

Là sinh khổ, già khổ

Và bệnh khổ, chết khổ.

Có Kinh lại nói: Hàng phàm phu không hiểu biết trong đêm dài sinh tử lúc nào cũng sửa sang bồi đắp cái ngã có chấp thọ.

Có Kinh khác lại nói: Huống chi đối với thân này tạm dừng trụ trong có chấp thọ.

Luận Phẩm Loại Túc nói: Phần ít của chín xứ gọi là có chấp thọ.

Luận Thức Thân nói: Uẩn có chấp thọ là đối tượng duyên của tâm từ.

Hỏi: Như thế thì nghĩa nơi các Kinh Luận ấy nói có gì khác nhau? Đáp: Ở đây nói: Năm uẩn thuộc về nội thân gọi là có chấp thọ.

Khế kinh đầu nói: Nối tiếp chúng đồng phần nơi năm uẩn của hữu tình gọi là có chấp thọ.

Khế kinh tiếp nói: Từ vô thỉ đến nay do việc chấp có thân năm uẩn gọi là có chấp thọ.

Khế kinh sau nói: Nội thân gồm thâu sắc uẩn gọi là có chấp thọ.

Luận Phẩm Loại Túc nói: Trong một sát-na, phần ít của chín xứ gọi là có chấp thọ.

Luận Thức Thân nói: Trong một sát-na, phần ít của năm uẩn gọi là có chấp thọ.

Có thuyết cho: Luận Phẩm Loại Túc và Luận Thức Thân nói: Trong một sát-na, phần ít của chín xứ thuộc số hữu tình gọi là có chấp thọ.

Có thuyết nêu: Cả hai Luận nói trong một sát-na, có căn gồm thâu phần ít của chín xứ gọi là có chấp thọ.

Có thuyết cho: Cả hai Luận nói trong một sát-na, dị thục gồm thâu phần ít của chín xứ gọi là có chấp thọ.

Đó gọi là có sai khác.

Hỏi: Vì sao tâm từ chỉ duyên vào sắc?

Đáp: Khi mới tu thì duyên vào sắc, khi đã thành tựu thì duyên nơi năm uẩn.

Các Sư phương Tây nói: Có chấp thọ có bốn thứ: Một là thân có chấp thọ. Hai là nối tiếp có chấp thọ. Ba là chúng đồng phần có chấp thọ. Bốn là thế tục nêu đặt có chấp thọ.

Thân có chấp thọ: Tức như kinh đầu nói có chấp thọ nơi khổ uẩn.

Nối tiếp có chấp thọ: Như nói ta có thân căn nối tiếp chấp thọ.

Chúng đồng phần có chấp thọ: Như nói ta có thân căn nơi chúng đồng phần chấp thọ.

Thế tục nêu đặt có chấp thọ: Như nói ngã chấp thọ có gánh nặng như thế, sự nghiệp như thế.

Trong đây nói năm uẩn của nội thân gọi là có chấp thọ. Nếu không gồm thâu pháp là không chấp thọ.

Hỏi: Như trước đã nói: Có chấp thọ, không chấp thọ thì tướng của chúng như thế nào?

Đáp: Có thuyết nói: Nếu cùng với các thứ máu thịt, gân xương trụ xen lẫn nhau gọi là có chấp thọ. Trái với các sự việc đó gọi là không chấp thọ.

Có thuyết nêu: Đối với hữu tình kia khi bị đâm chém, đánh, xé khiến sinh thống khổ phải bỏ công việc gọi là có chấp thọ. Trái với các sự việc ấy gọi là không chấp thọ.

Tôn giả Diệu Âm nói: Nếu pháp đã sinh chưa diệt nơi số hữu tình, là có đối, không phải là chỗ được nghe gọi là có chấp thọ. Nói:

Đã sinh: Là phân biệt về vị lai. Chưa diệt: Là ngăn chận quá khứ. Số hữu tình: Là ngăn chận số phi hữu tình. Là có đối: Là ngăn chận ý xứ, pháp xứ. Không phải là chỗ được nghe: Là ngăn chận thanh xứ. Cùng trái với các tướng ấy gọi là không chấp thọ.

Tôn giả Tả Thủ nói: Nếu pháp có phương phần, thân hệ thuộc số hữu tình, là có đối, có thể dẫn dắt, mở bày, gọi là có chấp thọ. Có phương phần: Là ngăn chận quá khứ và vị lai. Số hữu tình: Là ngăn chận số phi hữu tình. Thân hệ thuộc: Là ngăn chận thân đã sinh ra, tức các thứ lông, tóc v.v… Là có đối: Là ngăn chận ý xứ và pháp xứ. Có thể dẫn dắt, mở bày: Là ngăn chận thanh xứ. Cùng trái với các thứ tướng ấy là không chấp thọ.

Hỏi: Trong mười hai xứ, có bao nhiêu xứ là có chấp thọ và không chấp thọ?

Đáp: Nếu sinh ở cõi dục thì phần ít của chín xứ là có chấp thọ, còn ba xứ hoàn toàn và phần ít của chín xứ là không chấp thọ. Ba xứ là thanh xứ, ý xứ và pháp xứ. Nếu sinh ở cõi sắc thì phần ít của bảy xứ là có chấp thọ, còn ba xứ hoàn toàn và phần ít của bảy xứ là không chấp thọ. Ba xứ như trước đã nói.

Hỏi: Ở trong thân này có ba mươi sáu thứ các vật bất tịnh, có bao nhiêu thứ có chấp thọ và bao nhiêu thứ không chấp thọ?

Đáp: Các thứ tóc, lông, răng, móng, căn là có chấp thọ, còn các thứ khác là không chấp thọ. Các thứ da, mật, não, huyết sinh ra là có chấp thọ, còn suy yếu, hư hoại là không chấp thọ. Các thứ xương thịt, gân mạch, tim, phổi, lách, thận, gan, ruột, bao tử, mô màng, não tủy và hai tạng sống chín, đều là có chấp thọ. Còn các thứ mỡ, mũ, đàm dãi, nước mắt, nước mũi, mồ hôi, phân, nước tiểu, bụi bặm, cáu ghét v.v… đều là không chấp thọ.

Hỏi: Thế nào là nghĩa thuận thủ?

Đáp: Đây là tăng ngữ đã hiển bày pháp hữu lậu.

Hỏi: Thế nào là nghĩa không thuận thủ?

Đáp: Đây là tăng ngữ đã hiển bày pháp vô lậu.

Hỏi: Vì sao pháp hữu lậu gọi là thuận thủ?

Đáp: Có thuyết nói: Pháp này từ thủ sinh, lại có thể sinh ra thủ, nên gọi là thuận thủ.

Có thuyết nêu: Pháp này từ thủ chuyển, lại có thể chuyển đổi thủ, nên gọi là thuận thủ.

Có thuyết cho: Pháp này do thủ dẫn dắt, lại có thể dẫn dắt thủ, nên gọi là thuận thủ.

Có thuyết nói: Pháp này do thủ nuôi lớn, lại có thể nuôi lớn thủ, nên gọi là thuận thủ.

Có thuyết cho: Pháp này do thủ tăng rộng, lại có thể khiến thủ tăng rộng, nên gọi là thuận thủ. Nói tăng rộng: Là nêu rõ nghĩa thấm đầy, tràn ra khắp.

Có thuyết biện: Pháp này hệ thuộc nơi thủ nên nói là thuận thủ. Như thuộc về vua gọi là thuận vua. Do bên trong không có ngã, nên nếu hỏi: Ông thuộc về ai? Đáp: Thuộc về thủ.

Có thuyết nêu: Các thủ ở trong pháp này sắp sinh thì đã sinh, sắp nắm giữ đã nắm giữ, sắp trụ đã trụ, nên gọi là thuận thủ.

Có thuyết cho: Các thủ ở trong pháp này sắp nuôi lớn thì đã nuôi lớn, nên gọi là thuận thủ.

Có thuyết nói: Các thủ ở trong pháp này khi sắp tăng rộng thì đã tăng rộng, nên gọi là thuận thủ.

Có thuyết chủ trương: Các thủ đối với pháp này chấp chặt như các vật ướt, trơn nhẵn, bụi bặm bám theo nên gọi là thuận thủ.

Có thuyết biện: Các thủ đối với pháp này ưa thích trụ vào, như cá, tôm, ếch, nhái thích ở trong nước, nên gọi là thuận thủ.

Có thuyết nêu: Pháp này là nhà cửa, là xứ an lập đầy đủ của thủ, nên gọi là thuận thủ. Nghĩa là nương vào pháp này thì tất cả các thứ triền, cấu như ái, mạn, kiến, nghi, sân, si v.v… đều sinh trưởng. Các pháp hữu lậu do đồng phần với thủ nên được mang tên là thuận thủ, không phải dị phận với thủ. Nghĩa là pháp ở cõi dục thì do thủ ở cõi dục, pháp ở cõi sắc thì do thủ ở cõi sắc, pháp ở cõi vô sắc thì do thủ ở cõi vô sắc, pháp ở địa tĩnh lự thứ nhất thì do thủ ở địa tĩnh lự thứ nhất v.v… cho đến pháp ở địa Phi tưởng phi phi tưởng thì do thủ ở địa Phi tưởng phi phi tưởng, vì cõi, địa của pháp hữu lậu không có xen tạp. Nếu dựa vào sự nối tiếp thì có nghĩa xen tạp. Nghĩa là do thủ của tự thân và pháp của thân người khác nên được tên là thuận thủ. Do thủ của thân người khác và pháp của tự thân nên được tên là thuận thủ. Nếu không như thế thì pháp bên ngoài thân không phải là thuận thủ, vì bên ngoài không có thủ.

Hỏi: Thế nào là nghĩa thuận kiết?

Đáp: Đây là tăng ngữ đã hiển bày pháp hữu lậu.

Hỏi: Thế nào là nghĩa không thuận kiết?

Đáp: Đây là tăng ngữ đã hiển bày pháp vô lậu.

Giải thích rộng về nghĩa thuận kiết và không thuận kiết giống như đã giải thích về thuận thủ và không thuận thủ.

Hỏi: Thế nào là nghĩa kiến xứ?

Đáp: Đây là tăng ngữ đã hiển bày pháp hữu lậu.

Hỏi: Thế nào là nghĩa không kiến xứ?

Đáp: Đây là tăng ngữ đã hiển bày pháp vô lậu.

Nhưng từ kiến xứ có nhiều chỗ nói. Tức như trong đây nói: Kiến xứ là gì? Nghĩa là những gì thuộc về pháp hữu lậu.

Khế kinh Ca Nại Đà nói: Các kiến hiện có, các kiến xứ hiện có, các kiến triền hiện có, các kiến đẳng khởi hiện có và các kiến tổn hại hiện có, Đức Thế Tôn tất cả thảy đều thấy biết. Ở đây: Kiến tức là năm kiến. Kiến xứ tức là đối tượng duyên của kiến. Kiến triền tức là kiến hiện hành. Kiến đẳng khởi tức là nhân của kiến. Kiến tổn hại tức là kiến đã diệt. Đức Thế Tôn tất cả thảy đều thấy biết, tức là pháp đối trị kiến.

Có thuyết nói: Kiến, kiến xứ, kiến triền v.v… tức là khổ đế. Kiến đẳng khởi tức là tập đế. Kiến tổn hại tức là diệt đế. Đức Thế Tôn tất cả thảy đều thấy biết tức là đạo đế.

Kinh A-la-yết-đà-dụ lại nói: Có sáu kiến xứ. Nghĩa là các sắc hiện có hoặc ở quá khứ, hiện tại, vị lai, nói rộng cho đến các Bí-sô nên dùng chánh tuệ quan sát tất cả các thứ ấy không phải là ngã, không phải là ngã sở, chớ nên khởi ngã mạn. Các thọ hiện có cho đến nói rộng. Các tưởng hiện có cho đến nói rộng. Các thứ thấy nghe hiểu biết hoặc đã được hoặc đang tìm cầu, ý theo đấy tầm tứ cho đến nói rộng. Các thứ có nhận thức: Có ngã, có hữu tình, có thế gian v.v… các thứ đó đều thường hằng an trụ không đổi dời, đang trụ như thế cho đến nói rộng. Các thứ có nhận thức này: Ngã nên chẳng có. Ngã nên không phải có. Ngã sẽ chẳng có. Ngã sẽ không phải có. Các Bísô nên dùng chánh tuệ quan sát tất cả các thứ đó không phải là ngã, không phải là ngã sở, chớ nên khởi ngã mạn. Các Bí-sô nên đối với các kiến xứ, thủ xứ v.v… như thế theo đấy quan sát không có ngã, không có ngã sở. Nếu có thể đạt được như thế thì đối với thế gian này không còn chấp thọ, cho đến nói rộng.

Ở đây, nói: Các thứ sắc, thọ, tưởng hiện có, tức là các uẩn sắc, thọ, tưởng. Các thứ có nhận thức này có ngã, có hữu tình v.v… cho đến nói rộng. Các thứ có nhận thức này: Ngã nên chẳng có v.v… cho đến nói rộng, tức là hành uẩn. Các thứ thấy nghe hiểu biết v.v… tức là thức uẩn.

Hỏi: Thấy nghe hiểu biết nghĩa ấy đã đầy đủ. Còn hoặc đã được hoặc đang tìm cầu, ý theo đấy tầm tứ là hiện bày về gì?

Đáp: Trước là nói rộng nay là tóm lược, trước là nói riêng nay là nói chung, trước là mở ra nay là hợp lại, trước là dần dần nay là nhanh chóng. Đó gọi là chỗ hiển bày.

Kinh Phòng Chư Lậu lại nói: Đối với sáu kiến xứ nếu không chánh tư duy thì ở nội thân theo đấy khởi một chấp về đế về trụ, về ngã có ngã đế, về trụ, về ngã không ngã, ngã thấy ngã, ngã thấy không ngã, không ngã thấy ngã. Hoặc đây là có ngã, có hữu tình, có thọ mạng, có người sinh, có người được nuôi lớn, có Bổ-đặc-già-la, có ý sinh, có ma nạp bà. Hoặc không từng sẽ hiện nơi các xứ kia đã tạo chưa tạo các nghiệp thiện ác thọ nhận quả dị thục.

Hỏi: Bốn nơi như thế nói về từ kiến xứ thì có gì khác nhau?

Đáp: Có thuyết nói: Trong đây nói kiến xứ là nêu rõ về tất cả pháp hữu lậu. Kinh đầu nói kiến xứ là hiển bày chung về năm kiến. Kinh thứ hai nói kiến xứ là hiển bày về kiến và pháp lìa bỏ kiến. Kinh thứ ba nói kiến xứ là nêu rõ về hữu thân kiến, biên chấp kiến.

Có thuyết nêu: Ở đây và hai kinh đầu nói kiến xứ là nêu rõ chung về năm thủ uẩn. Kinh thứ ba nói kiến xứ là chỉ rõ về phần ít của hành uẩn.

Có thuyết nói: Ở đây và hai kinh đầu đều nêu rõ chung về pháp tương ưng và không tương ưng. Kinh thứ ba là chỉ hiển bày về pháp tương ưng. Như tương ưng và không tương ưng, thì có chỗ nương và không chỗ nương, có hành tướng và không hành tướng, có đối tượng duyên và không đối tượng duyên, có tỉnh biết và không tỉnh biết cũng như vậy.

Có thuyết cho: Ở đây và hai kinh đầu là nêu rõ chung cho pháp có sắc và pháp không sắc. Kinh thứ ba chỉ hiển bày về pháp không sắc. Như có sắc và không sắc, thì có thấy và không thấy, có đối và không đối cũng như thế.

Có thuyết nêu: Ở đây và hai kinh đầu là nêu rõ chung về pháp nhiễm và không nhiễm. Kinh thứ ba chỉ nêu rõ về pháp nhiễm. Như nhiễm và không nhiễm, thì có tội và không tội, có ngăn che và không ngăn che, đen và trắng, ràng buộc và không ràng buộc cũng như vậy.

Có thuyết nói: Ở đây và hai kinh đầu là hiển bày chung về pháp do kiến đạo đoạn và do tu đạo đoạn. Kinh thứ ba chỉ hiển bày về pháp do kiến đạo đoạn. Như do kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, thì không sự và có sự, nhẫn đối trị và trí đối trị cũng như thế.

Có thuyết cho: Ở đây và hai kinh đầu là nêu rõ chung về pháp thiện, bất thiện và vô ký. Kinh thứ ba chỉ hiển bày về pháp vô ký.

Có thuyết biện: Ở đây và hai kinh đầu là hiển bày chung về pháp có dị thục và không có dị thục. Kinh thứ ba chỉ hiển bày về pháp không có dị thục.

Hỏi: Các pháp hữu lậu do kiến nào nên gọi là kiến xứ?

Đáp: Có thuyết nói: Do hữu thân kiến và biên chấp kiến nên gọi là kiến xứ, vì hai thứ này chỉ duyên nơi cảnh của địa mình.

Có thuyết nêu: Do bốn kiến, tức trừ tà kiến, do bốn thứ này duyên nơi hữu lậu.

Như thế nên nói: Là do năm kiến nên có tên là kiến xứ.

Hỏi: Nếu thế thì diệt trừ đạo nên gọi kiến xứ, là cảnh của tà kiến chăng?

Đáp: Kiến xứ có hai thứ: Một là xứ nơi đối tượng duyên. Hai là xứ của tùy miên. Nếu đủ cả hai nghĩa này mới gọi là kiến xứ. Diệt trừ đạo tuy là xứ nơi đối tượng duyên của tà kiến, nhưng không phải là xứ của tùy miên, nên không gọi là kiến xứ.

Có thuyết cho: Kiến xứ có hai thứ: Một là xứ nơi đối tượng duyên. Hai là xứ của tương ưng. Nếu đủ cả hai nghĩa này mới lập làm kiến xứ. Diệt trừ đạo tuy là xứ nơi đối tượng duyên của tà kiến, nhưng không phải là xứ của tương ưng, do đó không gọi là kiến xứ.

***

* Nếu pháp là bên trong thì pháp ấy thuộc về xứ bên trong chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Đây là do ý của người tạo luận muốn như thế. Tùy theo ý muốn của mình để tạo ra phần Luận này, chỉ cần không trái pháp tướng, vậy không nên nêu vấn nạn.

Có thuyết nêu: Vì muốn ngăn chận tông chỉ của người khác và hiển bày nghĩa lý của mình. Nghĩa là có Tông khác nói các pháp trong ngoài đều không thật có. Nay nhằm ngăn chận ý tưởng ấy và nêu rõ các pháp trong ngoài đều là thật có, nên tạo ra phần Luận này.

Nhưng pháp trong ngoài có ba thứ khác nhau:

1. Tương tục trong ngoài: Nghĩa là ở tại thân mình gọi là trong, ở tại thân người khác và phi hữu tình gọi là ngoài.

2. Xứ trong ngoài: Nghĩa là chỗ dựa của các tâm tâm sở gọi là trong, đối tượng duyên gọi là ngoài.

3. Tình và phi tình trong ngoài: Nghĩa là pháp thuộc số hữu tình gọi là trong. Pháp thuộc số phi hữu tình gọi là ngoài.

Ở đây chỉ căn cứ vào tương tục trong ngoài để tạo luận.

Hỏi: Nếu pháp là bên trong thì pháp ấy thuộc về xứ bên trong chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có pháp là bên trong nhưng không phải thuộc về xứ bên trong: Như nói: Ở bên trong thọ nhận pháp bên trong để trụ, tu pháp quán. Pháp ấy là bên trong: Là ở tại thân mình. Không phải thuộc về xứ bên trong: Tức không phải chỗ nương dựa của tâm tâm sở. Nên biết trong đây cũng gồm thâu năm cảnh như sắc v.v… của thân mình.

2. Có pháp thuộc về xứ bên trong nhưng không phải là bên trong: Như nói: Ở ngoài thân, ngoài tâm mà trụ, tu tâm quán. Pháp ấy thuộc về xứ bên trong: Là chỗ nương dựa của tâm tâm sở. Không phải là bên trong: Tức không phải ở tại thân mình. Nên biết trong đây cũng gồm thâu mắt, tai, mũi, lưỡi của thân người khác.

3. Có pháp là bên trong cũng thuộc về xứ bên trong: Như nói: Đối với nội thân, nội tâm mà trụ, tu tâm quán. Pháp ấy là bên trong: Tức ở tại thân mình. Cũng thuộc về xứ bên trong: Tức là chỗ nương dựa của tâm tâm sở. Nên biết ở đây cũng gồm thâu mắt, tai, mũi, lưỡi của thân mình.

4. Có pháp không phải là bên trong cũng không phải thuộc về xứ bên trong: Như nói: Đối với bên ngoài thọ nhận pháp bên ngoài để trụ, tu pháp quán. Pháp ấy không phải là bên trong: Là không phải ở tại thân mình. Không phải thuộc về xứ bên trong: Tức không phải là chỗ nương dựa của tâm tâm sở. Nên biết ở đây cũng gồm thâu năm cảnh như sắc v.v… của thân người khác.

Hỏi: Nếu pháp là bên ngoài thì pháp ấy thuộc về xứ bên ngoài chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có pháp là bên ngoài nhưng không phải thuộc về xứ bên ngoài: Như nói: Ở ngoài thân ngoài tâm mà trụ, tu tâm quán. Pháp ấy là bên ngoài: Là ở nơi thân người khác. Không phải thuộc về xứ bên ngoài: Là không phải chỉ là đối tượng duyên của tâm tâm sở. Nên biết ở đây cũng gồm thâu mắt, tai, mũi, lưỡi của thân người khác.

2. Có pháp thuộc về xứ bên ngoài nhưng không phải là bên ngoài: Như nói: Ở bên trong thọ nhận pháp bên trong mà trụ, tu pháp quán. Pháp ấy thuộc về xứ bên ngoài: Tức chỉ là đối tượng duyên của tâm tâm sở. Không phải là bên ngoài: Tức không phải ở nơi thân người khác cùng nơi số phi hữu tình. Nên biết ở đây cũng gồm thâu năm cảnh như sắc v.v… của thân người khác.

3. Có pháp là bên ngoài cũng thuộc về xứ bên ngoài: Như nói: Ở bên ngoài thọ nhận pháp bên ngoài mà trụ, tu pháp quán. Pháp ấy là bên ngoài: Vì ở nơi thân người khác và nơi số phi hữu tình. Cũng thuộc về xứ bên ngoài: Tức chỉ là đối tượng duyên của tâm tâm sở. Nên biết ở đây cũng gồm thâu năm cảnh như sắc v.v… của thân người khác.

4. Có pháp không phải là bên ngoài cũng không phải thuộc về xứ bên ngoài: Như nói: Ở trong thân trong tâm mà trụ, tu tâm quán. Pháp ấy không phải là bên ngoài: Vì không phải ở nơi thân người khác và số phi hữu tình. Không phải thuộc về xứ bên ngoài: Tức không phải chỉ là đối tượng duyên của tâm tâm sở. Nên biết ở đây cũng gồm thâu mắt, tai, mũi, lưỡi của thân mình.

HẾT – QUYỂN 138