LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 137

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ NHẬN THỨC ĐẦY ĐỦ, phần 4

Hỏi: Diệt trừ tưởng sắc ấy tự thể của nó là gì?

Đáp: Tự thể của nó là tuệ.

Hỏi: Nếu như thế vì sao lấy tưởng làm tên gọi?

Đáp: Do dụng của tưởng trong nhóm này tăng. Như trì tức niệm, các niệm trụ như thân v.v…, bản tánh sinh niệm, túc trụ tùy niệm đều do tuệ làm thể, nhưng lấy niệm làm tên, vì dụng của niệm tăng. Đây cũng như vậy.

Đã nói về tự thể, vậy nên giải thích về tên.

Hỏi: Ở đây do đâu gọi là diệt trừ tưởng sắc?

Đáp: Do sự việc này có thể khiến cho các sắc tích tụ chứa nhóm không hiện tiền, nên gọi là diệt trừ tưởng sắc.

Về cõi: Thuộc cõi sắc.

Về địa: Là tĩnh lự thứ tư.

Về chỗ nương dựa: Là nương dựa vào thân nơi cõi dục.

Về hành tướng: Là hành tướng không sáng rõ.

Về đối tượng duyên: Là duyên nơi cõi dục.

Hỏi: Pháp này duyên với pháp nào nơi cõi dục?

Đáp: Có thuyết nói: Duyên với những nơi chốn có hầm hố, bụi rậm.

Có thuyết nêu: Duyên với những chỗ có khoảng không.

Như thế nên nói: Tức duyên với chỗ trừ các sắc hiện có.

Ở đây có thuyết nói: Chỉ duyên với chỗ trừ các sắc của tự thân.

Về niệm trụ: Là thân niệm trụ.

Về trí: Là trí thế tục.

Về đẳng trì: Là không kết hợp với đẳng trì.

Về căn: Là tương ưng với xả căn.

Về đời: Là chung cả ba đời. Quá khứ duyên với quá khứ. Hiện tại duyên với hiện tại. Vị lai nếu sinh thì duyên với vị lai, nếu không sinh thì duyên với ba đời.

Về thiện, bất thiện và vô ký: Là thiện và duyên với ba thứ.

Có thuyết cho: Chỉ duyên với vô ký.

Về thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Là thuộc cõi sắc, duyên với thuộc cõi dục.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Là phi học phi vô học, duyên với phi học phi vô học.

Về do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn và không đoạn: Là do tu đạo đoạn, duyên với tu đạo đoạn.

Về duyên nơi tự thân, tha thân và không phải thân: Có thuyết nêu chỉ duyên với tự thân. Có thuyết nói là duyên với tự thân và tha thân. Có thuyết lại nói là duyên với cả ba thứ.

Về duyên với danh, nghĩa: Là chỉ duyên với nghĩa.

Về do gia hạnh được, do lìa nhiễm được: Là do gia hạnh được, không phải do lìa nhiễm được.

Về việc đã lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ tư: Nếu không có gia hạnh khi cầu đạt tưởng này thì trọn không thể khởi khiến hiện tiền. Có thuyết nói: Phật do lìa nhiễm được, khi lìa nhiễm của cõi Hữu đảnh nên được, do các gia hạnh khác nên được.

Có thuyết nói: Các hạng khác cũng do lìa nhiễm được, nhưng phải có gia hạnh thì mới hiện tiền. Đức Phật không cần gia hạnh. Độc giác thì gia hạnh bậc hạ, hàng Thanh văn thì gia hạnh bậc trung hoặc bậc thượng.

Về xứ khởi: Là khởi ở cõi dục, không phải ở cõi sắc, cõi vô sắc, tại loài người nơi ba châu không phải ở châu Bắc.

Hỏi: Những ai khởi được pháp ấy?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ có bậc Thánh, không phải là hàng phàm phu.

Có thuyết nêu: Hàng phàm phu cũng khởi được. Hàng phàm phu có hai loại: Một là phàm phu nội pháp. Hai là phàm phu ngoại pháp. Chỉ có hàng phàm phu nội pháp mới khởi được không phải là hàng phàm phu ngoại pháp. Do hàng phàm phu ngoại pháp trong suốt nẻo sinh tử luôn chấp có ngã sợ hãi vô ngã, không thích trừ bỏ các sắc bên trong đã nương dựa.

Đã nói về tự tánh của sự diệt trừ tưởng sắc, nay sẽ nêu bày rõ sự xen lẫn và không xen lẫn của nó.

Hỏi: Những người không diệt trừ tưởng sắc thì đều chưa lìa nhiễm sắc chăng?

Đáp: Những người chưa lìa nhiễm sắc thì đều không diệt trừ tưởng sắc. Có người không diệt trừ tưởng sắc nhưng không phải là chưa lìa nhiễm sắc. Đó là người đã lìa nhiễm sắc nhưng chưa nhập vào định ấy.

Hỏi: Những người có thể diệt trừ tưởng sắc thì đều đã lìa nhiễm sắc chăng?

Đáp: Những người có thể diệt trừ tưởng sắc thì đều đã lìa nhiễm sắc. Có người đã lìa nhiễm sắc nhưng không thể diệt trừ tưởng sắc. Đó là những người đã lìa nhiễm sắc nhưng chưa nhập vào định ấy. Vì sao? Vì trước đã nói định ấy chỉ do gia hạnh đạt được, không phải do lìa nhiễm đạt được. Tuy đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ tư, nhưng nếu không gia hạnh để cầu đạt định ấy thì trọn không thể khởi khiến hiện tiền.

Có thuyết nói: Định này tuy do lìa nhiễm đạt được, nhưng hàng Độc giác v.v… cần phải khởi gia hạnh mới khiến hiện tiền. Đây là căn cứ vào việc có hiện tiền hay không hiện tiền để tạo luận nên nói như thế.

Hỏi: Nói về việc diệt trừ tưởng sắc có nhiều chỗ nói. Nghĩa là ở đây như nơi chương Tạp Uẩn cũng nói: Khi nhập định vô sắc là diệt trừ tưởng sắc. Ba-la-diễn-noa cũng nói:

Những người diệt tưởng sắc

Đều trừ tất cả thân

Nơi các pháp trong, ngoài

Đều không thấy gì nữa.

Trong phẩm Chúng Nghĩa cũng nói:

Nơi tưởng có tưởng chẳng tức, lìa

Cũng chẳng không tưởng không trừ tưởng

Như thế bình đẳng trừ tưởng sắc

Không còn đắm nhiễm nhân duyên ấy.

Hỏi: Như thế thì nghĩa của các thuyết nói trên có gì khác nhau chăng?

Đáp: Ở đây là nói có thể loại trừ các sắc chứa nhóm khiến chúng không hiện tiền gọi là diệt trừ tưởng sắc. Ba-la-diễn-noa và phẩm Chúng Nghĩa nói đoạn dứt hết các ái ở cõi sắc gọi là diệt trừ tưởng sắc. Trong chương Tạp Uẩn nói không duyên với các sắc lưu chuyển nơi các địa dưới gọi là diệt trừ tưởng sắc.

Có thuyết nói: Việc diệt trừ tưởng sắc này là ở tĩnh lự thứ tư.

Ba-la-diễn-noa và phẩm Chúng Nghĩa cũng nói: Diệt trừ tưởng sắc là ở bảy địa, đó là vị chí, trung gian, bốn thứ tĩnh lự và cận phần của Không vô biên xứ. Trong chương Tạp Uẩn nói: Diệt trừ tưởng sắc cũng ở bảy địa, tức là bốn vô sắc và ba thứ cận phần trên.

Có thuyết nói: Diệt trừ tưởng sắc này là thuộc thân niệm trụ. Ba-la-diễn-noa và phẩm Chúng Nghĩa nói diệt trừ tưởng sắc thuộc pháp niệm trụ. Tạp Uẩn nói diệt trừ tưởng sắc là chung cả bốn niệm trụ.

Có thuyết nêu: Ở đây nói diệt trừ tưởng sắc là không chung, còn ba thứ kia nói là chung.

Có thuyết cho: Tạp Uẩn nói là chung, ba thứ kia nói là không chung. Đó là các nghĩa khác nhau.

***

* Có bốn thức trụ và bảy thức trụ. Như thế thì bốn gồm thâu bảy hay bảy gồm thâu bốn? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Nghĩa là như Khế kinh nói: “Bốn thức trụ, bảy thức trụ, chín chỗ ở của hữu tình”, nhưng không phân biệt rộng cũng không nói rõ về sự gồm thâu. Nay muốn giải thích rộng cùng hiển bày sự gồm thâu nhau, nên tạo ra phần Luận này.

Bốn thức trụ, như Khế kinh nói: Một là sắc tùy thức trụ. Hai là thọ tùy thức trụ. Ba là tưởng tùy thức trụ. Bốn là hành tùy thức trụ.

Sắc tùy thức trụ: Là sắc hữu lậu tùy thuận vào sự nhận lấy thuộc số hữu tình.

Hành tùy thức trụ cũng như thế.

Thọ tùy thức trụ: Là thọ hữu lậu tùy thuận theo sự nhận lấy.

Tưởng tùy thức trụ cũng như thế.

Có Sư khác cho: Sắc tùy thức trụ, tức là sắc hữu lậu tùy thuận vào sự nhận lấy thuộc số hữu tình và số phi hữu tình. Hành tùy thức trụ cũng như thế. Thọ, tưởng tùy thức trụ như trước đã nói.

Hỏi: Uẩn của hữu tình số nói là thức trụ, sự việc này có thể như thế, còn uẩn của phi hữu tình số vì sao gọi là thức trụ?

Đáp: Có nhiều thức trụ, tức là thức trụ tương ưng, thức trụ cùng có, thức trụ của chỗ dựa, thức trụ của đối tượng duyên, thức trụ của đối tượng hành. Uẩn của phi hữu tình số là đối tượng duyên của thức, nên gọi là thức trụ.

Đã nói về tự tánh, nên nói về nhân duyên.

Hỏi: Do nhân duyên nào nên gọi là thức trụ?

Đáp: Thức ở trong đó trụ, cùng trụ, trụ gần, nên gọi là thức trụ. Như chỗ ở của ngựa v.v… gọi là mã trụ.

Có thuyết nói: Trong đó, sự vui mừng làm thấm nhuần thức khiến tăng trưởng rộng lớn nên gọi là thức trụ.

Có thuyết nêu: Ở đó do ái làm thấm nhuần thức khiến thâu giữ không lìa, nên gọi là thức trụ.

Có thuyết cho: Trong đó, các thức hữu lậu thuận theo sự nhận lấy thức sinh khởi chấp trước, an trụ, tăng trưởng, nên gọi là thức trụ.

Hỏi: Vì sao pháp vô lậu không lập làm thức trụ?

Đáp: Vì các pháp vô lậu không có tướng của thức trụ.

Lại nữa, nếu pháp có thể tăng ích cho hữu, có thể thâu nhận hữu, có thể trụ giữ hữu, thì lập làm thức trụ. Các pháp vô lậu thì có thể tổn giảm hữu, có thể trái nghịch làm hại hữu, có thể phá trừ hữu, nên không phải là thức trụ.

Lại nữa, nếu pháp cho đến là thân kiến, cho đến rơi vào các đế khổ, tập, thì lập làm thức trụ. Các pháp vô lậu cho đến không phải là thân kiến, cho đến không rơi vào các đế khổ, tập, nên không phải là thức trụ.

Có thuyết nói: Nếu pháp do vui mừng làm thấm nhuần thức, trong đó tăng trưởng rộng lớn thì lập làm thức trụ. Các pháp vô lậu trái với các tướng ấy, nên không phải là thức trụ.

Có thuyết nêu: Nếu pháp do ái làm thấm nhuần thức, trong đó thâu nhận không lìa xa thì lập làm thức trụ. Các pháp vô lậu thì không như thế, nên không phải là thức trụ.

Có thuyết cho: Nếu pháp có các thức hữu lậu tùy thuận theo sự nhận lấy thức, trong đó sinh khởi chấp trước, ở yên, tăng trưởng thì lập làm thức trụ. Các pháp vô lậu thì trái với các tướng ấy, nên không phải là thức trụ.

Hỏi: Vì sao thức không phải là thức trụ?

Đáp: Vì thức nên lập ra thức trụ. Như vì vua nên lập ra ghế để vua ngồi. Cũng như ghế vua ngồi thì giường vua nằm, đường vua đi cũng vậy. Nhưng vua không phải là đường đi, đường đi cũng không phải là vua, nhưng nơi vua đi gọi là đường vua đi. Như thế thức không phải là trụ, trụ không phải là thức, nhưng chỗ thức dừng nghỉ gọi là thức trụ, thế nên thức không phải là thức trụ.

Có thuyết nói: Nếu pháp do thức điều khiển, như người điều khiển voi, ngựa, thuyền bè thì pháp đó lập làm thức trụ. Thức không điều khiển thức, nên thức không phải là thức trụ.

Lại nữa, nếu pháp cùng với thức cùng sinh, cùng trụ, cùng diệt, đối với thức có tác dụng thì lập làm thức trụ. Thức đối với thức thì không như thế.

Có thuyết nêu: Pháp như thế của thức trụ cùng với thức cùng ở hiện tại nên là chỗ trụ của thức. Không phải thức cùng với thức có các sự việc như thế.

Hỏi: Thức của mình và thức của người khác đều cùng ở hiện tại, vì sao không lần lượt lập làm thức trụ?

Đáp: Thức của mình đối với thức của mình không phải là thức trụ, đối với thức của người khác cũng không phải là không có tướng khác. Lại nữa, đối với thức của mình là gần gũi hãy còn không phải là thức trụ, huống chi là đối với thứ xa xôi không thân.

Có thuyết cho: Nếu pháp cùng với thức có ba thứ hòa hợp sinh cùng có tác dụng thì lập làm thức trụ. Thức không phải cùng với thức có ba thứ hòa hợp sinh cùng có tác dụng nên không phải là thức trụ.

Do tự phần thức ở trong đó trụ, nên tự phần các uẩn được mang tên là thức trụ. Nghĩa là uẩn của cõi dục là thức nơi cõi dục trụ, uẩn của cõi sắc là thức nơi cõi sắc trụ, uẩn của cõi vô sắc là thức nơi cõi vô sắc trụ. Uẩn của tĩnh lự thứ nhất là thức nơi tĩnh lự thứ nhất trụ v.v…, cho đến uẩn của Phi tưởng phi phi tưởng xứ là thức nơi Phi tưởng phi phi tưởng trụ.

Hỏi: Sinh nơi cõi dục, khởi tâm vô lậu nơi cõi sắc và cõi vô sắc hiện tiền, thì uẩn của hai cõi ấy ở hiện tại có phải là thức trụ không?

Đáp: Nên nói là thức trụ.

Hỏi: Không có thức đồng phần dừng nghỉ trong đó, vì sao lại gọi là thức trụ?

Đáp: Vì có tướng của thức trụ. Nghĩa là thức đồng phần do duyên khác nên không sinh, không phải là thức này không thể sinh, nên cũng gọi là thức trụ. Như bên cạnh ao, suối cho đặt các cống hình miệng voi, ngựa, bò, sư tử, dùng làm nơi nước chảy ra. Khi nước không vận hành, không phải là ở những nơi ấy bị chướng ngại. Nếu nước vận hành thì những nơi ấy làm chỗ dựa, tuy nước không vận hành cũng gọi là nơi nước chảy ra. Sự việc kia cũng như thế.

Bảy thức trụ, như Khế kinh nói:

1. Hữu tình có sắc, khác thân, khác tưởng. Như loài người và một phần cõi trời, là thức trụ thứ nhất.

Có sắc: Là hữu tình này có sắc có thể nhận biết rõ. Thân có sắc, giới xứ uẩn có sắc, nêu đặt ra có sắc, nên gọi là có sắc.

Hữu tình: Nghĩa là nghĩa chắc thật, nghĩa thù thắng. Hữu tình là một hữu thể không thể thủ đắc, không thật, nhưng ở trong giới, uẩn, xứ do giả tưởng nêu đặt gọi là hữu tình. Do ý sinh là nho đồng, kẻ được nuôi lớn, Bổ-đặc-già-la, kẻ có mạng sống, kẻ có sinh trưởng, nên gọi là hữu tình.

Khác thân: Nghĩa là hữu tình ấy có nhiều thứ thân, nhiều tướng mạo hình thù khác nhau, nên gọi là khác thân.

Khác tưởng: Nghĩa là hữu tình ấy có tưởng vui, tưởng khổ và tưởng không vui không khổ, nên gọi là khác tưởng.

Như loài người và một phần cõi trời: Người tức là tất cả loài người. Một phần cõi trời tức là các trời thuộc cõi dục.

Thức trụ thứ nhất: Thứ nhất là số trước nhất trong thứ tự. Thức trụ là thức đó thuộc về sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Giải thích về nghĩa của thức trụ như trước đã nói.

2. Hữu tình có sắc, khác thân, một thứ tưởng. Như trời Phạm chúng, nghĩa là cõi ấy đầu tiên khởi, là thức trụ thứ hai.

Có sắc: Như trước đã nói.

Một thứ tưởng: Nghĩa là hữu tình ấy có cùng tưởng nhiễm không khác.

Như trời Phạm chúng: Là chỉ rõ chư thiên Phạm thế.

Nghĩa là cõi ấy đầu tiên khởi: Nghĩa là cõi ấy từ lúc mới sinh cùng khởi tưởng nhiễm, sau mới có tưởng khác.

Thức trụ thứ hai: Thứ hai là căn cứ theo thức trụ trước, như trước đã nói.

3. Hữu tình có sắc, một thứ thân, khác tưởng. Như trời Cực quang tịnh, là thức trụ thứ ba.

Có sắc: Như trước đã nói.

Một thứ thân: Nghĩa là hữu tình này có một loại thân, một loại tướng mạo hình dạng không khác.

Khác tưởng: Nghĩa là hữu tình ấy có tưởng vui và tưởng không khổ không vui. Do chư thiên nơi trời ấy đã nhàm chán hỷ căn ở địa căn bản và khởi địa cận phần có xả căn hiện tiền, chán xả căn ở địa cận phần, lại khởi địa căn bản có hỷ căn hiện tiền. Như một người giàu sang khi chán dục lạc thì vui thích trụ nơi pháp lạc, khi chán pháp lạc thì lại vui thích trụ nơi dục lạc.

Như trời Cực quang tịnh: Nghĩa là hiển bày các trời ở tĩnh lự thứ hai.

4. Hữu tình có sắc, một thứ thân, một thứ tưởng. Như trời Biến tịnh là thức trụ thứ tư.

Có sắc: Như trước đã nói.

Một thứ tưởng: Nghĩa là hữu tình ấy có một thứ tưởng vô phú vô ký không khác nhau.

Như trời Biến tịnh: Là chỉ rõ các trời ở tĩnh lự thứ ba.

1. Hữu tình không sắc, đều đã vượt khỏi tất cả tưởng sắc, các tưởng có đối đều ẩn mất, không có tác ý đối với các tưởng riêng khác, nhập vào vô biên không, trụ đầy đủ nơi Không vô biên xứ, như trời Tùy không vô biên xứ, là thức trụ thứ năm.

2. Hữu tình không sắc, đều đã vượt khỏi tất cả Không vô biên xứ, nhập vào vô biên thức, trụ đầy đủ nơi Thức vô biên xứ, như trời Tùy thức vô biên xứ, là thức trụ thứ sáu.3

3. Hữu tình không sắc, đều đã vượt khỏi tất cả Thức vô biên xứ, nhập vào vô sở hữu, trụ đầy đủ nơi Vô sở hữu xứ, như trời Tùy vô sở hữu xứ, là thức trụ thứ bảy.

Trong đây, các vô sắc: Là hữu tình ấy không có sắc để có thể nhận biết, thân không có sắc, giới xứ uẩn không có sắc, nêu đặt ra không có sắc, nên gọi là vô sắc.

Hữu tình: Như trước đã nói.

Đều đã vượt khỏi tất cả Không vô biên xứ v.v…: Như các chỗ khác đã nói.

Thức trụ: Nghĩa là nơi ấy thuộc thọ, tưởng, hành, thức.

Hỏi: Vì sao tĩnh lự thứ nhất có thân khác không phải ở các địa trên?

Đáp: Vì nơi tĩnh lự thứ nhất có lập ra chúng vua, quan khác nhau. Tức là vua Đại Phạm, cùng với các Phạm phụ và Phạm chúng, luôn luôn tụ hội, trong đó có nhiều hình dạng, diện mạo, y phục, tiếng nói đều có khác nhau. Ở địa trên thì không như thế.

Có thuyết nói: Nơi tĩnh lự thứ nhất thọ nhận bậc thượng, trung, hạ không có dị biệt, do dị thục của nghiệp nên thân có khác nhau.

Các địa trên thì không như thế.

Có thuyết nêu: Nơi tĩnh lự thứ nhất thọ nhận có tầm tứ, do dị thục của nghiệp nên thân có khác. Các địa trên thì không như thế.

Có thuyết cho: Nơi tĩnh lự thứ nhất thọ nhận có biểu hiện và không biểu hiện, do dị thục của nghiệp nên thân có khác. Các địa trên thì không như thế.

Có thuyết nói: Nơi tĩnh lự thứ nhất thọ nhận bốn thức thân tương ưng, do dị thục của nghiệp nên thân có khác. Các địa trên thì không như thế.

Có thuyết nêu: Nơi tĩnh lự thứ nhất thọ nhận ba thọ tương ưng, do dị thục của nghiệp nên thân có khác. Các địa trên thì không như thế.

Vì các thứ nhân duyên như thế, nên tĩnh lự thứ nhất thân có khác, còn các địa trên chỉ có một thứ thân.

Lại, nơi tĩnh lự thứ nhất do có tưởng nhiễm ô nên nói là một thứ tưởng. Tĩnh lự thứ hai do có tưởng thiện nên nói là khác tưởng. Tĩnh lự thứ ba do tưởng dị thục vô phú vô ký nên nói là một thứ tưởng.

Hỏi: Vì sao các nẻo ác, tĩnh lự thứ tư và Phi tưởng phi phi tưởng xứ đều không lập làm thức trụ?

Đáp: Có thuyết biện: Các nơi ấy cũng nên lập làm thức trụ, nhưng không lập là do nêu bày chưa trọn vẹn.

Tôn giả Thế Hữu nói: Đây là do Đức Thế Tôn tóm lược để nói. Nhưng các nẻo ác v.v… đã được gồm thâu trong đó. Nghĩa là các nẻo ác nên biết đã được gồm thâu trong thức trụ thứ nhất, tĩnh lự thứ tư được gồm thâu trong ba thức trụ tiếp theo và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì được gồm thâu nơi ba thức trụ sau. Vì sao? Vì cảnh giới đồng.

Có thuyết nêu: Nếu xứ nào có hai thứ, thức phần nhiều có thể đạt được nên lập làm thức trụ. Một là thức do ái thâu nhận. Hai là thức do kiến thâu nhận. Nẻo ác và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì thức do ái thâu nhận phần nhiều không thể đạt được. Tĩnh lự thứ tư thì thức do kiến thâu nhận phần nhiều không thể đạt được, nên không phải là thức trụ.

Có thuyết nói: Nếu xứ có ba thứ, thức phần nhiều có thể đạt được thì lập làm thức trụ: Một là thức do kiến đạo đoạn. Hai là thức do tu đạo đoạn. Ba là thức không đoạn. Nẻo ác và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì thức không đoạn nên đều không thể đạt được. Tĩnh lự thứ tư thì thức do kiến đạo đoạn, phần nhiều không thể đạt được, nên không phải là thức trụ.

Hỏi: Hàng phàm phu ở tĩnh lự thứ tư há không có thức do kiến đạo đoạn có thể đạt được chăng?

Đáp: Tuy có nhưng ở địa ấy không phải là phần nhiều có thể đạt được. Như trời Ngũ Tịnh Cư hoàn toàn không có.

Hỏi: Người, trời nơi cõi dục có thức không đoạn, cũng không thể đạt được, nên không phải là thức trụ sao?

Đáp: Có thể đạt được gồm hai thứ: Một là tự tánh có thể đạt được. Hai là chỗ nương có thể đạt được. Người, trời nơi cõi dục có thức không đoạn, tuy không phải là tự tánh có thể đạt được, nhưng là chỗ nương có thể đạt được, nên lập làm thức trụ.

Hỏi: Phi tưởng phi phi tưởng xứ há không có thức không đoạn cũng thuộc về chỗ nương có thể đạt được chăng? Vì người sinh ở xứ ấy cũng chứng đắc A-la-hán.

Đáp: Tuy có nhưng không phải là phần nhiều, vì sinh ở cõi đó chỉ tạm khởi Thánh đạo, chứng được quả vô học rồi cho đến Niết-bàn vẫn không hiện tiền.

Có thuyết nói: Nếu xứ có sáu thứ, thức phần nhiều có thể được thì lập làm thức trụ. Đó là: Thức do kiến khổ đoạn, cho đến thức do tu đạo đoạn và thức không đoạn. Nẻo ác và Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì thức không đoạn, đều không thể đạt được. Tĩnh lự thứ tư thì thức do bốn thứ đoạn trước, phần nhiều không thể đạt được, nên không phải là thức trụ. Hỏi và đáp phân biệt như trước, nên biết.

Có thuyết nêu: Nếu xứ nào thức ưa thích trụ vào thì lập làm thức trụ. Trong các nẻo ác bị các khổ bức bách nên thức không ưa thích trụ. Tĩnh lự thứ tư thì ưa thích dời động, nên thức không an trụ. Nghĩa là các phàm phu hoặc ưa thích nhập nơi vô sắc, hoặc ưa thích nhập nơi vô tưởng, hoặc ưa thích khiến thức diệt mất. Các bậc Thánh hoặc ưa thích nhập nơi vô sắc, hoặc ưa thích nhập nơi cõi Tịnh cư, hoặc ưa thích nhập Niết-bàn vô dư. Còn cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì rất tịch tĩnh, tâm yếu kém, thức không ưa thích trụ.

Có thuyết nói: Nếu xứ nào không có pháp hủy hoại thức nhưng có thể đạt được thì lập làm thức trụ. Trong các nẻo ác có thọ cực khổ, còn tĩnh lự thứ tư thì có định vô tưởng, có dị thục vô tưởng, Phi tưởng phi phi tưởng xứ có định diệt tận, là pháp có thể hủy hoại thức nên không phải là thức trụ.

Có thuyết nêu: Nếu xứ nào do hai sự việc nên phát khởi các thức có phần khác nhau thù thắng, khiến hiện tiền, thì lập làm thức trụ, đó là do định và do sinh. Nẻo ác và Phi tưởng phi phi tưởng xứ hai sự việc kia đều không có, còn tĩnh lự thứ tư tuy có định nhưng không có sinh.

Có thuyết cho: Nẻo ác thì không có cả hai thứ. Tĩnh lự thứ tư có định nhưng không có sinh. Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì có sinh nhưng không có định.

Do các thứ nhân duyên như thế nên các nẻo ác v.v… không phải là thức trụ.

Hỏi: Vì sao trong bốn thức trụ thức không phải là Thức trụ, còn trong bảy thức trụ thì thức là thức trụ?

Đáp: Là do nhân riêng khác nên lập làm bốn thức trụ hoặc bảy thức trụ. Nghĩa là nếu có pháp do thức điều khiển, cùng với thức cùng hành gần gũi, hòa hợp thì lập làm bốn thức trụ. Thức đối chiếu với thức không có các sự việc như thế, nên không lập làm bốn thức trụ.

Nếu pháp cùng với thức làm nhân, làm quả, lần lượt hỗ trợ nhau thì lập làm bảy thức trụ. Vì thức đối chiếu với thức có các sự việc như thế nên lập trong bảy thức trụ.

Có chín chỗ ở của hữu tình. Như Khế kinh nói:

1. Hữu tình có sắc, khác thân, khác tưởng, như loài người và một phần cõi trời. Đó là chỗ ở thứ nhất của hữu tình.

2. Hữu tình có sắc, khác thân, một thứ tưởng, như cõi trời Phạm chúng. Đó là chỗ ở thứ hai của hữu tình.

3. Hữu tình có sắc, một thứ thân, khác tưởng, như cõi trời Cực quang tịnh. Đó là chỗ ở thứ ba của hữu tình.

4. Hữu tình có sắc, một thứ thân, một thứ tưởng, như cõi trời Biến tịnh. Đó là chỗ ở thứ tư của hữu tình.

Có sắc v.v…: Như trước đã nói.

Chỗ ở của hữu tình: Nghĩa là ở đó thuộc về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, lại là nơi chốn các hữu tình đã ở, đã trụ, đã dừng nghi, là xứ sinh, nên gọi là chỗ ở của hữu tình.

5. Hữu tình có sắc, không có tưởng, không có tưởng riêng, như cõi trời hữu tình Vô tưởng. Đó là chỗ ở thứ năm của hữu tình.

Có sắc v.v…: Như trước đã nói.

Không có tưởng: Tức ở cõi đó suốt đời các tưởng đều diệt mất. Do nghĩa này nên gọi là cõi trời hữu tình Vô tưởng.

6. Hữu tình không có sắc, đều đã vượt khỏi tất cả tưởng sắc, nên các tưởng có đối đều ẩn mất, không có tác ý đối với các tưởng riêng khác, nhập vào vô biên không, trụ đầy đủ nơi Không vô biên xứ, như cõi trời Tùy không vô biên xứ. Đó là chỗ ở thứ sáu của hữu tình.

7. Hữu tình không có sắc, đều đã vượt khỏi tất cả Không vô biên xứ, nhập vào vô biên thức, trụ đầy đủ nơi Thức vô biên xứ, như cõi trời Tùy thức vô biên xứ. Đó là chỗ ở thứ bảy của hữu tình.

8. Hữu tình không có sắc, đều đã vượt khỏi tất cả Thức vô biên xứ, nhập vào vô thiểu sở hữu, trụ đầy đủ nơi Vô sở hữu xứ, như cõi trời Tùy vô sở hữu xứ. Đó là chỗ ở thứ tám của hữu tình.

9. Hữu tình không có sắc, đều đã vượt khỏi tất cả Vô sở hữu xứ, nhập vào phi tưởng phi phi tưởng, trụ đầy đủ nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, như cõi trời Tùy phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đó là chỗ ở thứ chín của hữu tình.

Không có sắc v.v…: Như trước đã nói.

Đã vượt khỏi tất cả Vô sở hữu xứ: Như các chỗ khác đã nói.

Hỏi: Vì sao nẻo ác và Vô tưởng không gồm thâu trời Quảng quả v.v… không phải là chỗ ở của hữu tình?

Đáp: Có thuyết cho: Các xứ đó cũng nên lập làm chỗ ở của hữu tình, nhưng không lập là vì nêu bày chưa trọn vẹn.

Tôn giả Thế Hữu nói: Đây là Đức Thế Tôn đã tóm tắt để nêu giảng. Nhưng nẻo ác v.v… đều đã được gồm thâu trong đó. Nghĩa là các nẻo ác nên biết đã gồm thâu trong chỗ ở thứ nhất của hữu tình. Còn xứ Vô tưởng không gồm thâu trời Quảng quả v.v… nên biết là đã gồm thâu nơi chỗ ở thứ năm của hữu tình. Vì sao? Vì có cùng địa.

Có thuyết nêu: Nếu xứ có người khác thích đến ở, đã ở trong đó rồi không thích dời động thì xứ đó nên lập làm chỗ ở của hữu tình. Trong các nẻo ác không có hai thứ kia, chỉ do nghiệp lực khiến phải đến đó ở, nếu theo ý muốn thì chỉ một sát-na cũng không ở, nên không lập. Tĩnh lự thứ tư thì trừ trời Vô tưởng, các xứ khác tuy thích đến ở, nhưng thích dời động, như người không thích ở nơi biên giới của thành ấp. Nghĩa là hàng phàm phu hoặc thích cõi vô sắc, hoặc thích cõi Vô tưởng. Nếu các bậc Thánh thì thích ở cõi Tịnh cư, hoặc thích tiến đến Niết-bàn. Cũng như thành nơi vùng biên giới của một nước, luôn bị giặc cướp hoặc kẻ địch xâm phạm. Nếu phải ở trong thời gian ngắn để trấn thủ, hàng quý tộc và người giàu có thường muốn chuyển tới ở chỗ khác. Có nhiều thương nhân đến tìm hàng hóa, vật dụng, người ở biên trấn bảo: Nơi này có nhiều tai họa, không để kịp nhìn nhau. Khách thương nhân xứ xa cùng nói: Nơi đây không phải là thành ấp. Như thế, các trời không thuộc Vô tưởng do hoặc nghiệp luôn xô đẩy thường ưa thích dời động, nên không nói đó là chỗ ở của hữu tình.

Đã phân biệt về tự tánh của ba thứ, nay sẽ nói về tướng xen lẫn và không xen lẫn.

Hỏi: Bốn thức trụ và bảy thức trụ, thì bốn gồm thâu bảy hay bảy gồm thâu bốn?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Bốn gồm thâu bảy không phải bảy gồm thâu bốn. Đó là sắc, thọ, tưởng, hành của các nẻo địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, trời Quảng quả và thọ, tưởng, hành của cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

2. Bảy gồm thâu bốn không phải bốn gồm thâu bảy. Đó là tâm của loài người, trời nơi cõi dục, các trời Phạm chúng, Cực quang tịnh, Biến tịnh, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ.

3. Bốn gồm thâu bảy và bảy gồm thâu bốn. Đó là sắc, thọ, tưởng, hành của loài người, trời nơi cõi dục, các trời Phạm chúng, Cực quang tịnh, Biến tịnh, và thọ, tưởng, hành của các xứ Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ.

4. Không phải bốn gồm thâu bảy cũng không phải bảy gồm thâu bốn. Đó là tâm ở các nẻo địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, trời Quảng quả, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Trong đây, các lý do như trước đã nói rộng.

Hỏi: Bốn thức trụ và chín chỗ ở của hữu tình, thì bốn gồm thâu chín hay chín gồm thâu bốn?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Bốn gồm thâu chín không phải chín gồm thâu bốn. Đó là sắc, thọ, tưởng, hành ở các nẻo địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, trời Vô tưởng không gồm thâu trời Quảng quả.

2. Chín gồm thâu bốn không phải bốn gồm thâu chín. Đó là tâm của loài người và trời nơi cõi dục, các trời Phạm chúng, Cực quang tịnh, Biến tịnh, Vô tưởng và bốn xứ vô sắc.3

3. Bốn gồm thâu chín và chín gồm thâu bốn. Đó là sắc, thọ, tưởng, hành ở nẻo người, các trời thuộc Dục giới, các trời Phạm chúng, Cực quang tịnh, Biến tịnh, Vô tưởng và thọ, tưởng, hành ở bốn xứ vô sắc.

4. Không phải bốn gồm thâu chín cũng không phải chín gồm thâu bốn. Đó là tâm ở các nẻo địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, trời Vô tưởng không gồm thâu trời Quảng quả.

Trong đây, các lý do như trước đã nói.

Hỏi: Bảy thức trụ và chín chỗ ở của hữu tình, thì bảy gồm thâu chín hay chín gồm thâu bảy?

Đáp: Chín gồm thâu bảy, không phải bảy gồm thâu chín.

Hỏi: Không gồm thâu những nơi nào?

Đáp: Có hai xứ, là xứ trời Vô tưởng và xứ Phi tưởng phi phi tưởng.

Ở đây, lý do như trước đã nói.

Hỏi: Đức Thế Tôn vì sao đối với trời Vô tưởng và trời Hữu đảnh, phần nhiều nói là xứ?

Đáp: Vì có các ngoại đạo chấp hai xứ đó cho là giải thoát. Để ngăn chận ý tưởng ấy nên Đức Phật nói đó là xứ sinh.

Có thuyết nói: Ngoại đạo chấp hai xứ ấy là cõi tịch tĩnh nhất. Đức Phật nói là xứ để làm rõ nơi ấy còn ồn, động, không phải là tịch tĩnh, là cõi nẻo sinh, là xứ lưu chuyển.

Có thuyết nêu: Ngoại đạo chấp hai xứ ấy là cõi giải thoát đích thật, vĩnh viễn không còn thoái chuyển trở lại nữa, nên Đức Phật nói đó là xứ còn thoái chuyển trở lại, không phải là xứ giải thoát chân thật. Nghĩa là từ Phi tưởng phi phi tưởng mạng chung phần nhiều sinh vào các địa dưới, ở trời Vô tưởng mạng chung tất sinh trở lại cõi dục.

Có thuyết nói: Hai cõi trời ấy có thọ lượng rất lâu dài, ngoại đạo phần nhiều chấp cho là cảnh giới Niết-bàn chân thật. Nghĩa là trời Vô tưởng chỉ đối với hàng phàm phu, là xứ sinh có tuổi thọ rất lâu dài, còn cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì đối với tất cả xứ sinh là chốn có thọ lượng lâu dài nhất, nên Đức Phật nói hai nơi ấy vẫn còn là xứ vô thường.

Có thuyết nêu: Trong chín chỗ ở của hữu tình, Đức Thế Tôn đều dùng hai tên gọi để nêu bày. Trong bảy thứ kia cũng dùng hai tên gọi để nói đó là thức trụ và chỗ ở của hữu tình. Hai cõi còn lại cũng dùng hai tên gọi, đó là xứ và chỗ ở của hữu tình.

Có Sư khác cho: Đức Phật dùng thức trụ và chỗ ở của hữu tình lần lượt gồm thâu nhau, các xứ còn lại thì không gồm thâu hết. Chỉ có hai xứ không nên giải thích khác, vì không vô biên v.v… cũng gọi là xứ.

Có thuyết nêu: Xứ sinh trong quả siêng năng tinh tấn, đó là nơi ở sau cùng nên gọi là xứ. Nghĩa là chỉ là xứ sinh của hàng phàm phu trong quả siêng năng tinh tấn, thì trời Vô tưởng là cõi sau cùng. Còn xứ sinh của tất cả trong quả siêng năng tinh tấn thì trời Hữu đảnh là cõi sau cùng.

***

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ CHẤP THỌ, phần 1

* Đại chủng có chấp thọ cùng với đại chủng có chấp thọ làm bao nhiêu duyên? Các chương như thế cùng giải thích nghĩa của chương đã lãnh hội rồi nên phân biệt rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là do ý muốn của người tạo luận như thế. Tùy theo ý muốn để tạo phần Luận này, miễn là không trái với pháp tướng, thế nên không nêu vấn nạn.

Lại nữa, vì muốn ngăn chận thuyết cho “Pháp nhân duyên và đời quá khứ, vị lai đều không thật có”, nay nhằm hiển bày các nhân duyên và đời quá khứ, vị lai là thật có, nên tạo ra phần Luận này.

Trong đây nói: Đại chủng có chấp thọ tức là đại chủng đã chấp thọ của tâm tâm sở pháp thuộc số hữu tình nơi sát-na hiện tại. Còn đại chủng không chấp thọ tức là hữu tình ở quá khứ, vị lai và một phần ở hiện tại, cùng tất cả loài phi hữu tình ở ba đời hiện có các đại chủng. Đó gọi là chỗ tóm lược nơi Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Đại chủng có chấp thọ cùng với đại chủng có chấp thọ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân câu hữu. Về tăng thượng duyên tức là không sinh chướng ngại và hoàn toàn không chướng ngại.

Nhưng có sai biệt: Nếu là một quả, khác loại cùng trông cậy nhau thì làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Nếu không phải một quả thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Hỏi: Đại chủng có chấp thọ cùng với đại chủng không chấp thọ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói. Nhưng có sai biệt: Đại chủng có chấp thọ cùng với đại chủng của số hữu tình ở vị lai làm nhân duyên, tăng thượng duyên. Nếu cùng với đại chủng không chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Hỏi: Đại chủng không chấp thọ cùng với đại chủng không chấp thọ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có hai nhân là nhân câu hữu và nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nhưng có sai biệt: Đại chủng của hữu tình ở quá khứ cùng với đại chủng của hữu tình ở quá khứ làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có hai nhân là nhân câu hữu và nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng của hữu tình ở vị lai và đại chủng không chấp thọ của hữu tình ở hiện tại thì làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng không chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Đại chủng của phi hữu tình ở quá khứ cùng với đại chủng của phi hữu tình ở quá khứ làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có hai nhân là nhân câu hữu và nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng của phi hữu tình ở vị lai và hiện tại thì làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng của hữu tình ở quá khứ, vị lai và đại chủng không chấp thọ của hữu tình ở hiện tại thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Đại chủng của hữu tình ở vị lai cùng với đại chủng của hữu tình ở vị lai làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân câu hữu. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng không chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Đại chủng của phi hữu tình ở vị lai cùng với đại chủng của phi hữu tình ở vị lai làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân câu hữu. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng không chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Đại chủng không chấp thọ của hữu tình ở hiện tại cùng với đại chủng không chấp thọ của hữu tình ở hiện tại làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân câu hữu. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng của hữu tình ở vị lai thì làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng không chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Đại chủng của phi hữu tình ở hiện tại cùng với đại chủng của phi hữu tình ở hiện tại làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân câu hữu. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng của phi hữu tình ở vị lai thì làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với đại chủng không chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Hỏi: Đại chủng không chấp thọ cùng với đại chủng có chấp thọ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nhưng có sai biệt: Đại chủng của hữu tình ở quá khứ cùng với đại chủng có chấp thọ làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Đại chủng không chấp thọ khác cùng với đại chủng có chấp thọ chỉ làm một tăng thượng duyên.

Đã nói về đại chủng, nay sẽ nói về sự tạo ra.

Sự tạo ra cũng có hai thứ là có chấp thọ và không chấp thọ.

Hữu tình ở một sát-na trong hiện tại có tâm tâm sở pháp chấp thọ là có chấp thọ. Còn các hữu tình ở quá khứ, vị lai và một phần ở hiện tại cùng tất cả các loài phi hữu tình ở ba đời là không chấp thọ. Đó gọi là chỗ tóm lược nơi Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Sắc được tạo có chấp thọ cùng với sắc được tạo có chấp thọ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm một tăng thượng duyên. Nghĩa của tăng thượng duyên như trước đã nói. Không có nhân duyên, vì sắc được tạo có đối lần lượt trông vào nhau không phải là nhân câu hữu.

Hỏi: Sắc được tạo có chấp thọ cùng với sắc được tạo không chấp thọ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có hai nhân là nhân đồng loại và nhân dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nhưng có sai biệt: Nghĩa là sắc được tạo có chấp thọ cùng với sắc được tạo của hữu tình ở vị lai làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Còn cùng với sắc được tạo không chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Hỏi: Sắc được tạo không chấp thọ cùng với sắc được tạo không chấp thọ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có ba nhân là nhân câu hữu, nhân đồng loại và nhân dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nhưng có sai biệt: Nghĩa là sắc được tạo của hữu tình ở quá khứ cùng với sắc được tạo của hữu tình ở quá khứ làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có ba nhân là nhân câu hữu, nhân đồng loại và nhân dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với sắc được tạo của hữu tình ở vị lai làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có hai nhân là nhân đồng loại và nhân dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với sắc được tạo không chấp thọ của hữu tình ở hiện tại làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với sắc được tạo không chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Sắc được tạo của loài phi hữu tình ở quá khứ cùng với sắc được tạo của loài phi hữu tình ở quá khứ, vị lai, hiện tại làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với sắc được tạo không có chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Sắc được tạo của hữu tình ở vị lai cùng với sắc được tạo của hữu tình ở vị lai làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có hai nhân là nhân câu hữu và nhân dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với sắc được tạo không có chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Sắc được tạo của loài phi hữu tình ở vị lai cùng với tất cả sắc được tạo không có chấp thọ thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Sắc được tạo không có chấp thọ của hữu tình ở hiện tại cùng với sắc được tạo không có chấp thọ của hữu tình ở hiện tại làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân câu hữu. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với sắc được tạo của hữu tình ở vị lai làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có hai nhân là nhân đồng loại và nhân dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với sắc được tạo không có chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Sắc được tạo của loài phi hữu tình ở hiện tại cùng với sắc được tạo của loài phi hữu tình ở vị lai làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có một nhân là nhân đồng loại. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu cùng với sắc được tạo không có chấp thọ khác thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

Hỏi: Sắc được tạo không có chấp thọ cùng với sắc được tạo có chấp thọ làm bao nhiêu duyên?

Đáp: Làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có hai nhân là nhân đồng loại và nhân dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nhưng có sai biệt: Nghĩa là sắc được tạo của hữu tình ở quá khứ cùng với sắc được tạo có chấp thọ làm nhân duyên và tăng thượng duyên. Về nhân duyên có hai nhân là nhân đồng loại và nhân dị thục. Về tăng thượng duyên như trước đã nói.

Nếu sắc được tạo không có chấp thọ khác cùng với sắc được tạo có chấp thọ thì chỉ làm một tăng thượng duyên.

HẾT – QUYỂN 137