LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 135

Chương 5: ĐẠI CHỦNG UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ NHẬN THỨC ĐẦY ĐỦ, phần 2

* Sinh ở cõi dục tạo biến hóa về cõi sắc, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn ngăn chận nghĩa lý của người khác, nêu bày nghĩa lý của mình. Như phái Thí Dụ nói: Các vật biến hóa ra đều không phải thật. Nếu là thật thì vì sao lại gọi là hóa?

Đại đức cũng nói: Các vật hóa ra không phải thật có, đó là do tu mà hiện ra. Cũng như thây chết đứng dậy là do đọc bùa chú của quỷ tạo ra. Vì muốn ngăn chận các điều nói như thế và có ý nhằm chỉ rõ các sự vật hóa ra đều là thật có.

Vì các duyên đó nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Sinh ở cõi dục tạo biến hóa về cõi sắc, phát ra tiếng nói nơi cõi sắc, thì thân hình, lời nói, các sắc ấy do đại chủng nào tạo ra?

Đáp: Do đại chủng ở cõi sắc tạo ra.

Hỏi: Sinh ở cõi sắc tạo biến hóa về cõi dục, phát ra tiếng nói nơi cõi dục, thì thân hình, lời nói, các sắc ấy do đại chủng nào tạo ra?

Đáp: Do đại chủng thuộc cõi dục tạo ra. Vì sắc hữu lậu được tạo ra đều đồng phần với cõi và địa của đại chủng tạo ra. Nhưng thân được biến hóa có tám thứ khác nhau. Đó là:

Sinh ở cõi dục biến hóa ra cõi dục có hai thứ: Một là giống thân mình, hai là giống thân khác. Biến hóa ra cõi sắc cũng có hai thứ ấy.

Sinh ở cõi sắc biến hóa ra cõi sắc cũng có hai thứ: Một là giống thân mình, hai là giống thân khác. Biến hóa ra cõi dục cũng có hai thứ ấy. Như vậy là tám thứ.

Trong đây chỉ dựa vào hai thứ để tạo luận, nghĩa là sinh ở cõi dục biến hóa ra cõi sắc và sinh ở cõi sắc biến hóa ra cõi dục và thân giống người khác.

Hỏi: Vì sao trong đây chỉ dựa vào hai thứ thân để tạo luận?

Đáp: Do tác giả của phần luận này muốn như thế, tùy theo ý muốn đó để viết luận, chỉ cần không trái với pháp tướng, không nên hỏi lý do.

Có thuyết nói: Chỉ vì hai thứ thân này vi tế, khó thấy, khó hiểu, thế nên nói riêng.

Có thuyết nêu: Chỉ có hai thứ thân này khó hiện tiền, phải nhờ rất nhiều gia hạnh mới có thể khởi lên được.

Có thuyết cho: Vì sự việc này ở thế gian rất khó tin nhận, cho: Ai có thể biến hóa ra cõi khác, người khác được.

Có thuyết biện: Hai thứ này là việc thật hy hữu, nghĩa là có thể biến hóa ra được cõi khác, người khác, thế nên nói riêng.

Các tâm biến hóa gồm hai thứ: Một là thuộc cõi dục. Hai là thuộc cõi sắc. Hoặc có năm thứ: Đó là cõi dục và bốn tĩnh lự. Hoặc là mười hai: Tức mười hai thứ tâm của chủ thể biến hóa. Nghĩa là người được quả tĩnh lự thứ nhất cho đến được quả tĩnh lự thứ tư, mỗi thứ có ba loại. Những gì là ba? Một là hàng phàm phu. Hai là bậc hữu học. Ba là bậc vô học.

Lại có thuyết nêu có ba thứ: Một là hạng phàm phu trong đạo pháp. Hai là hạng phàm phu ngoài đạo pháp. Ba là bậc Thánh.

Lại có thuyết nói có ba thứ: Tức là ba phần vị có được. Đó là: Một là khi lìa nhiễm mà được, tức là lìa nhiễm dưới mà được tĩnh lự. Hai là khi đạt quả mà được, tức là khi chứng quả vô học. Ba là khi luyện căn mà được, tức là khi chuyển căn tạo kiến chí và bất động.

Hoặc phân ra làm mười bốn thứ: Tức thuộc cõi dục có bốn, đó là bốn quả tĩnh lự. Thuộc tĩnh lự thứ nhất cũng có bốn, như nói thuộc ở cõi dục. Thuộc tĩnh lự thứ hai có ba, đó là ba quả tĩnh lự trên. Thuộc tĩnh lự thứ ba có hai, đó là hai quả tĩnh lự trên. Thuộc tĩnh lự thứ tư có một, đó là quả tĩnh lự thứ tư.

Vì tâm ở địa dưới yếu kém nên không thể biến hóa địa trên được.

Hoặc phân làm mười lăm thứ: Tức các tâm biến hóa thuộc năm địa, mỗi thứ có ba bậc thượng, trung, hạ.

Có thuyết nói: Người được tâm biến hóa của năm địa, mỗi địa lại có ba loại, tức là phàm phu v.v… như trước đã nêu.

Hoặc lại phân làm bốn mươi hai thứ: Tức mười bốn thứ trước đây, mỗi thứ có ba bậc thượng, trung, hạ.

Có thuyết cho: Người được mười bốn thứ tâm biến hóa, mỗi thứ có ba loại là phàm phu v.v… như trước đã nói.

Các sự biến hóa ra cõi dục, thân ấy lại giống với các hữu tình ở cõi dục. Các sự biến hóa ra cõi sắc, thân ấy lại giống với các hữu tình ở cõi sắc.

Hỏi: Các thân được biến hóa ấy có bao nhiêu xứ thâu giữ?

Đáp: Nếu sinh nơi cõi dục biến hóa ra cõi dục, thân mình hay thân khác đều do bốn xứ thâu giữ, đó là sắc, hương, vị, xúc. Còn biến hóa ra cõi sắc, thân mình và thân khác đều do hai xứ thâu giữ, đó là sắc và xúc. Nếu sinh ở cõi sắc biến hóa ra cõi sắc, thân mình hay thân khác đều do hai xứ thâu giữ. Còn biến hóa ra cõi dục, thân mình và thân khác do bốn xứ thâu giữ, như trước đã nói.

Có thuyết cho: Nếu biến hóa ra thân khác tức do bốn xứ thâu giữ, nếu biến hóa ra thân mình chỉ có hai xứ thâu giữ, vì nó không thành tựu hai xứ hương và vị.

Như thế nên nói: Tuy có biến hóa hương và vị nhưng không có lỗi, như người và y phục đầy đủ hương hoa đẹp đẽ, tuy ở tại thân mình nhưng không thành tựu.

Hỏi: Nếu sinh nơi cõi dục biến hóa ra cõi dục có quả tĩnh lự thứ nhất và biến hóa ra cõi sắc cũng có quả tĩnh lự thứ nhất, vậy hai thứ như thế ai hơn ai kém?

Đáp: Cả hai thứ này đều vận chuyển, không sai khác nhau, nhưng cõi sắc có cõi hơn nên hơn.

Hỏi: Nếu sinh ở cõi dục biến hóa ra cõi dục và có quả tĩnh lự thứ hai, còn biến hóa ra cõi sắc có quả tĩnh lự thứ nhất, vậy hai thứ như thế ai hơn ai kém?

Đáp: Người ở cõi dục thì vận chuyển hơn vì người này từ cõi dục, cho đến tĩnh lự thứ hai có thể qua lại tới lui. Còn cõi sắc có cõi hơn vì pháp của cõi sắc hơn cõi dục.

Hỏi: Nếu sinh ở cõi dục biến hóa ra cõi dục và có quả tĩnh lự thứ nhất, còn biến hóa ra cõi sắc có quả tĩnh lự thứ hai, vậy hai thứ như thế ai kém ai hơn?

Đáp: Ở cõi sắc cả hai việc đều hơn, một là cõi hơn, hai là vận chuyển hơn. Như nói: Sinh ở cõi dục biến hóa ra cõi dục, cõi sắc có quả tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ hai đối nhau đã biện biệt được hơn kém. Như thế, nếu sinh ở cõi dục biến hóa ra cõi dục, cõi sắc có quả tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ ba, quả tĩnh lự thứ nhất và tĩnh lự thứ tư, quả tĩnh lự thứ hai, thứ ba, quả tĩnh lự thứ hai, thứ tư, quả tĩnh lự thứ ba, thứ tư thì đối nhau đã biện biệt rõ sự hơn kém. Căn cứ theo sự hỏi và đáp trước như lý nên suy xét. Như sinh ở cõi dục, thì sinh ở tĩnh lự thứ nhất, tĩnh lự thứ hai, tĩnh lự thứ ba, theo chỗ thích ứng nên suy xét nói rộng.

Hỏi: Như người sinh ở tĩnh lự thứ nhất, tâm có thể phát khởi thân ngữ có biểu hiện, khiến thân được biến hóa có những tác dụng tới lui làm việc v…. như các tĩnh lự trên không có các tâm như thế, chỉ là do người biến hóa hóa ra, vậy tại sao có các tác dụng tới lui v.v…?

Đáp: Như sinh ở tĩnh lự thứ nhất vì phát khởi tâm có biểu hiện khiến các thân được hóa ra có tác dụng tới lui v.v… Như thế sinh nơi các tĩnh lự trên cũng do tĩnh lự thứ nhất phát khởi các tâm có biểu hiện khiến các thân được hóa ra có tác dụng tới lui v.v… cũng như nhãn thức v.v…

Có Sư khác nói: Các thân được biến hóa ra không có các tác dụng tới lui, làm việc v.v… chỉ ngồi im lặng, do sức của người biến hóa khiến nó giống như có đi đứng tới lui v.v… Như lưới Đế Thích vui đùa không phải như hiện có.

Hỏi: Khi biến hóa các thứ cần phải có nhờ cậy mới hiện ra hay là không cần?

Đáp: Có thuyết nói: Sự biến hóa tất phải có nhờ cậy. Nghĩa là phải nhờ vào cây, đá, các khối v.v… thì người biến hóa mới có thể biến hóa các việc.

Có Sư khác nói: Nếu người mới khởi hiện thần thông lần đầu thì khi biến hóa tất phải nhờ cậy. Còn những bậc thông tuệ đầy đủ thì không cần phải nhờ cậy khi biến hóa.

Hỏi: Một tâm biến hóa được một thứ hay nhiều thứ? Nếu một tâm chỉ biến hóa được một thứ thì như tụng của kinh nói làm sao thông? Như nói:

Khi một hóa chủ nói

Các vật hóa đều nói

Nếu hóa chủ im lặng

Các vật hóa đều im.

Hỏi: Còn nếu một tâm biến hóa được nhiều thứ thì như Luận Thi Thiết nói làm sao thông? Như nói: Thần cảnh trí chứng thông phải gia hạnh như thế nào, phải dùng những phương tiện gì để khởi được thần cảnh trí chứng thông? Đáp: Người này khi mới hành trì phải hành tập định thế tục thật thông suốt tự tại, khi đã tự tại rồi nên khiến cho nó hiện tiền. Do hiện tiền mới có thể dẫn phát thần cảnh thông. Từ đó mới có thể thuận khởi sự biến hóa một thứ. Biến hóa một việc còn phải rèn tâm như thế, huống chi là biến hóa nhiều thứ.

Đáp: Có thuyết nêu: Một tâm chỉ biến hóa được một thứ.

Hỏi: Vậy thì nơi tụng của kinh đã dẫn làm sao thông?

Đáp: Trước phải do nhiều tâm kỳ nguyện nhiều để hóa ra lời nói. Sau do một tâm khiến lời nói cùng phát. Trước nhiều tâm là chuyển. Sau một tâm là tùy chuyển.

Có Sư khác nói: Một tâm biến hóa được nhiều thứ.

Hỏi: Vậy thì như Luận Thi Thiết nói làm sao thông?

Đáp: Nếu lần đầu khởi hiện thần thông thì một tâm biến hóa ra một thứ. Nếu bậc thông tuệ đầy đủ thì một tâm biến hóa ra được nhiều thứ.

Hỏi: Ở trong một tâm biến hóa ra các sự việc tất là đồng loại hay cũng là khác loại?

Đáp: Có thuyết nói: Tất phải biến hóa vật cùng loại, tức là khi hóa voi thì không thể hóa ra ngựa v.v… được.

Có thuyết nêu: Cũng biến hóa khác loại. Nghĩa là lúc đầu khởi hiện thần thông thì một tâm chỉ có thể hóa ra một loại vật. Còn các bậc thông tuệ đầy đủ thì một tâm có thể biến hóa ra bốn loại quân như voi, ngựa v.v…

Hỏi: Đã biết do tu tập mới có thể biến hóa các vật, hay cũng có người sinh ra liền biết biến hóa?

Đáp: Có thuyết nói: Không có. Vì sinh ra liền biết biến hóa thì khả năng yếu kém, chỉ có thể chuyển biến khiến giống hay khác với vật gốc.

Có thuyết nêu: Cũng có. Nhưng chỉ có thể biến hóa ra thân mình, không biến hóa được các thứ khác.

Hỏi: Nếu thế thì nơi Khế kinh nói làm sao thông? Như Khế kinh nói: Có ba ma nữ, mỗi người biến hóa ra cả trăm cô gái từ bé gái đến thiếu nữ, phụ nữ đã có con, cho đến trung niên và bà lão, mỗi loại có khoảng cả trăm người. Lại biến hóa các thứ y phục, đồ trang sức đẹp đẽ mê hoặc mọi người. Họ cùng kéo đến chỗ Bồ-tát, nói với Bồ-tát: Này Sa-môn! Hãy nên đứng dậy! Chúng tôi đến đây xin làm mọi việc thích hợp. Bồ-tát không chấp nhận. Tức thì toàn thể ma nữ biến thành già yếu xấu xí, cả đám liền xấu hổ thoái lui.

Đáp: Các ma nữ đã nương vào thân dị thục của mình để biến ra cả trăm thân người nữ như trước đã nói. Cũng như sợi lông của Câu chấp không thể rời Câu chấp.

Như thế nên nói: Khi sinh ra có được tâm biến hóa thì thân mình hay thân khác đều có thể hóa tác. Vì sao nhận biết được? Từng nghe: Tôn giả Ô-ba-cúc-đa đang nghiêm thân ngồi nhập định bị ma đến phá phách lấy tràng hoa đội lên đầu Tôn giả. Khi xuất định, Tôn giả rất kinh ngạc tự hỏi ai đã làm việc này, sau đó biết được là do ma quấy phá. Vì muốn hàng phục chúng ma nên Tôn giả dùng thần lực hóa ra ba thây chết: Một thây chó, một thây rắn và một thây người đem cột chặt vào cổ của ma vương. Do đó ma vương rất xấu hổ, dùng đủ mọi cách trốn đi nhưng không được vì, ba cái thây cột dính vào cổ càng ngày càng hôi thối nồng nặc, khiến ma vương càng buồn khổ kinh hoảng. Để thoát được các thây chết, ma vương liền chui xuống đất rồi bay lên không, lại lặn xuống biển và chui trốn tận giữa lòng núi Tô-mê-lô v.v… tìm hết cách để cởi bỏ nhưng rốt cuộc vẫn không được. Ma vương cố tự cứu để thoát khỏi tai nạn ấy, nhưng sức tàn lực kiệt không thể làm gì, nên lần lượt đi khắp các cõi trời Dục nhờ cứu giúp, đều không được. Sau cùng đi đến bên Phạm cung gặp Đại Phạm thưa: “Xin Đại Phạm thương xót cởi bỏ giùm cái nhục vị Tiên nhân kia đã tròng lên cổ tôi”.

Phạm vương bảo: “Ta không thể cởi ra được! Nhà ngươi nên trở lại quy y nơi người đã buộc vào cổ ngươi”.

Ma vương nghe lời, liền trở xuống châu Thiệm Bộ, năm vóc quy kính lạy dưới chân Tôn giả, thưa: “Cúi xin Đại đức từ bi tha cho con lỗi lầm trước, tháo gỡ giùm con sự trừng phạt của Tôn giả”.

Khi ấy, Tôn giả Ô-ba-cúc-đa hết sức chậm rải bảo ma: “Ta biết rõ lúc nào ngươi thoát nạn ấy”.

Ma càng rạp mình cúi lạy tạ lỗi cầu mong thương xót chỉ cho biết lúc nào và làm sao thoát khỏi nỗi khổ này.

Tôn giả bảo: “Từ nay về sau cho đến khi Thánh giáo của Đức Như Lai chưa diệt, nhà ngươi không còn nhiễu loạn các Bí-sô nữa chăng?”.

Ma vương đáp: “Thưa vâng! Con xin làm đúng theo lời dạy của Tôn giả”.

Tôn giả lại bảo: “Ngươi đã tuân phục pháp Phật, song nay ta có một ý muốn nhờ ngươi giúp được chăng?”.

Ma thưa: “Xin vâng, con sẵn sàng tuân lệnh”.

Tôn giả nói: “Đức Phật nhập Niết-bàn cả trăm năm, ta mới sinh ra. Pháp thân của Như Lai thì ta đã thấy, chỉ chưa nhìn thấy thân Ngài lúc còn sống, vậy ngươi có thể giúp ta hóa hiện ra chăng?”.

Ma đáp: “Việc này đối với con rất dễ, chỉ xin Tôn giả khi thấy thân Phật chớ nên kính lạy, nếu lạy con sẽ bị tội”.

Tôn giả nói: “Được, ta chấp thuận”.

Rồi Tôn giả liền tháo gỡ ba thây chết cho ma. Ma vương hết sức vui mừng tạ ân Tôn giả rồi biến hút vào rừng. Sau đó ma tự biến mình thành Như Lai có đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, ánh hào quang chiếu khắp sáng ngời gấp ngàn lần mặt trời. Lại biến ra có các chúng Bí-sô, bên phải có Tôn giả Xá-lợi-tử, bên trái có Tôn giả Mục-kiền-liên và Tôn giả A-nan ôm bát đứng hầu phía sau. Lại có chư vị gồm một ngàn hai trăm năm mươi người như Tôn giả A-nhã-đa Kiều-trần-na v.v… hội đủ vây quanh Đức Phật thành hình bán nguyệt từ khu rừng hiện ra. Khi đó, Tôn giả Ô-ba-cúc-đa nhìn thấy, hết sức vui mừng cho là việc hiếm có, sững sốt lặng người như cây bị cắt gốc, không thể kìm chế được Tôn giả liền gieo mình sụp lạy dưới chân Phật giả. Ma vương hết hồn liền biến mất.

Do đấy nên biết khi sinh ra có được tuệ thì cũng có thể hóa tác thân mình, thân người khác.

Hỏi: Tôn giả Ô-ba-cúc-đa có sức thần thông biến hóa tự tại gấp trăm ngàn lần ma vương, vì sao Tôn giả không tự mình biến hóa mà phải nhọc công nhờ ma giúp?

Đáp: Do tu nên có thần thông thì Tôn giả rất tự tại, còn do sinh ra thì Tôn giả không bằng Ma vương, nên muốn thử nghiệm xem loài ma có sức biến hóa không, do đó mới nhờ ma biến làm thân Phật.

Có thuyết nói: Tu tập đạt thần thông thì Tôn giả tự được nên không cho là hy hữu, còn do sinh ra mà có thì Tôn giả không được nên Tôn giả sinh tâm hy hữu, do đó nhờ ma để xem việc biến hóa do sinh đắc, thế nên nhờ ma biến thành hình Phật.

Có thuyết cho: Tôn giả có tâm kính Phật sâu xa, nếu tự hóa làm Phật thì sợ tâm kính quý không trọn vẹn, nên phải nhờ ma làm giúp.

Có thuyết nêu: Tôn giả là bậc chân tu thiểu dục, nay nếu hóa làm Phật, sợ hàng người, trời lầm cho mình đã là Phật rồi kính trọng cúng dường. Vì sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn thì hàng người, trời cúng dường thương tiếc đau buồn như khi Phật mới diệt độ, thế nên phải nhờ ma làm giúp.

Hỏi: Tu tập đạt được và sinh ra đạt được, hai thứ biến hóa ấy khác nhau như thế nào?

Đáp: Sự biến hóa không khác, nhưng chỉ do tu tập đạt được thì thanh tịnh, nhanh chóng và hoàn mỹ, không phải do sinh ra đạt được.

Có thuyết nói: Sinh ra đạt được tâm biến hóa chỉ nương vào thân tự giới, còn tu tập đạt được tâm biến hóa có thể nương dựa vào thân tự giới và tha giới.

Hỏi: Các vật đã biến hóa ra có lưu lại được chăng? Nếu được, vì sao khi nhập Niết-bàn, Đức Phật không để lại hóa thân nhằm sau khi Phật diệt độ rồi, hóa thân sẽ tiếp tục giữ gìn, thuyết giảng, giúp ích cho hữu tình? Còn nếu không thì vì sao Tôn giả Đại Ca-diếp-ba đã nhập Niết-bàn còn để lại thân trụ lâu dài?

Từng nghe: Tôn giả Đại Ca-diếp-ba vào thành Vương-xá khất thực lần cuối cùng, sau khi ăn xong, Tôn giả liền lên núi Kê Túc, núi này có ba ngọn giương ra như ngón chân gà. Tôn giả vào núi ngồi kiết già, chí thành nguyện: “Xin cho thân tôi cùng bình bát, nạp y, tích trượng còn mãi không hoại, cho đến trải qua năm mươi bảy câu chi sáu mươi trăm ngàn năm, khi Đức Như Lai Từ Thị Ứng Cúng Chánh đẳng Giác xuất hiện ở đời hành hóa Phật sự”. Phát nguyện xong rồi liền nhập Niết-bàn.

Khi ấy, ba ngọn núi hợp lại thành một che kín Tôn giả trong tư thế đang ngồi nhập định. Đến khi Đức Phật Từ Thị xuất hiện ở đời, đã dẫn vô số chúng người, trời đi đến ngọn núi ấy. Ngài hỏi đại chúng: “Chư vị có muốn nhìn thấy Tôn giả Đại Ca-diếp-ba là vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong hàng đệ tử có công đức đầu đà bậc nhất chăng? Đại chúng thưa: “Chúng con muốn được nhìn thấy”.

Bấy giờ, Đức Như Lai Từ Thị dùng tay phải vỗ vào đỉnh núi Kê Túc, lập tức ngọn núi nứt ra trở lại ba phần như cũ. Lúc này, Tôn giả Đại Ca-diếp-ba đắp y, mang bát, tay cầm tích trượng từ trong núi đi ra và bay lên không trung. Vô số chúng người, trời nhìn thấy sự biến hóa thần kỳ ấy tán thán là việc chưa từng có, nên tâm tánh thảy đều nhu hòa thuần phục. Nhân đấy Đức Thế Tôn Từ Thị nói pháp, nghe xong tất cả đều thấy đế. Nếu không để lại các vật đã biến hóa thì làm sao có câu chuyện này.

Đáp: Có thuyết nói: Có thể để lại vật biến hóa.

Hỏi: Nếu thế vì sao sau khi nhập Niết-bàn Đức Thế Tôn không để lại hóa thân để tiếp tục thuyết pháp độ sinh?

Đáp: Việc nên làm đã làm xong trọn vẹn. Phật bảo ai đáng được độ đã độ xong, ai chưa được độ thì các đệ tử của Ngài sẽ tiếp tục hóa độ.

Có thuyết nêu: Không thể lưu giữ lại các vật biến hóa.

Hỏi: Nếu thế vì sao Tôn giả Ca-diếp-ba lại có được việc như thế?

Đáp: Đó là do các hàng trời thần kính tín giúp đỡ, hộ trì.

Có thuyết nói: Lúc đó Tôn giả Ca-diếp-ba chưa nhập Niết-bàn, đến khi Đức Phật Từ Thị ra đời, Tôn giả mới diệt độ. Điều này không hợp lý. Há có thể nói việc không ai không cho là Tôn giả đã ngồi im lặng trong một thời gian dài luống uổng?

Như thế nên nói: Có việc để lại vật biến hóa. Thế nên Tôn giả Đại Ca-diếp-ba đã nhập Niết-bàn.

Hỏi: Kinh nói: Trong cùng một lúc có thể hiện bày hai việc, tức là phần dưới của thân phun lửa, phần trên lại phun nước, hoặc phần dưới phun nước, phần trên phun lửa. Đây là do một tâm hay hai tâm biến hóa? Nếu do một tâm biến hóa thì vì sao một tâm lại có hai quả trái nhau? Còn nếu do hai tâm biến hóa thì vì sao trong cùng một lúc lại có hai tâm cùng khởi?

Đáp: Có thuyết nói: Do một tâm biến hóa.

Hỏi: Vì sao một tâm lại có hai quả trái nhau?

Đáp: Trước dùng hai tâm mong cầu riêng về nước và lửa, sau thì trụ vào một tâm khiến chúng cùng phát ra. Trước hai tâm là chuyển, sau một tâm là tùy chuyển.

Có thuyết cho: Do hai tâm biến hóa.

Hỏi: Vì sao trong cùng một lúc lại có hai tâm cùng khởi?

Đáp: Do diệu lực của định thù thắng nên hai tâm nước và lửa nhanh chóng xoay chuyển khiến giống như phát ra đồng thời. Như Tôn giả Vật-phất-tử tay trái phóng quang, tay phải theo lời nói phân phát các tăng ngọa cụ. Hoặc có lúc phân phát, không phóng quang. Hoặc có lúc phóng quang, không phân phát. Do diệu lực của định thù thắng nên hai thứ phóng quang và phân phát nhanh chóng xoay chuyển, tợ như cùng lúc phát khởi. Hai tâm biến hóa lửa và nước nên biết cũng thế.

Luận Thi Thiết nói: Có một lúc Đức Phật biến hóa ra hóa Phật, thân sắc vàng ròng, tướng tốt trang nghiêm. Khi Đức Thế Tôn nói, hóa Phật cũng nói. Hóa Phật nói, Đức Thế Tôn cũng nói. Đệ tử của Phật có lúc cũng biến hóa ra hình đệ tử, cũng cạo bỏ râu tóc, đắp y Tăng-già-chi. Khi đệ tử nói thì hóa thân im lặng, khi hóa thân nói thì đệ tử im lặng. Vì sao? Vì tâm định của Phật luôn được tự tại, ra vào nhanh chóng, không rời bỏ đối tượng duyên, nên phát ra lời nói của mình rồi, tiếp theo phát ra lời nói của hóa thân, phát ra lời nói của hóa thân rồi, liền phát ra lời nói của mình. Vì quá nhanh chóng nên tợ như cùng lúc phát khởi. Còn tâm định của đệ tử không được hoàn toàn tự tại, ra vào chậm chạp, nhiều lần rời bỏ đối tượng duyên. Phát ra lời mình nói rồi mới phát ra lời nói của hóa thân. Khi lời nói của hóa thân khởi lên thì lời nói của mình đã mất. Phát ra lời nói của hóa thân rồi mới phát ra lời nói của mình. Khi lời nói của mình khởi lên thì lời nói của hóa thân đã mất. Không được nhanh chóng xoay chuyển nên biết có trước có sau.

Hỏi: Các hàng Đại Thanh văn cũng có thể như thế. Vậy Đức Thế Tôn đối với sự việc đó do đâu không chung?

Đáp: Đức Phật dùng một tâm có thể phát ra hai thứ lời nói, tức lời nói của mình và lời nói của hóa thân. Mình nói rồi thì hóa thân nói, hóa thân nói rồi thì đến mình nói, thay nhau vô cùng nhanh chóng nên không cùng lúc mà gọi là cùng lúc. Hàng Thanh văn cũng do một tâm phát ra hai thứ lời nói, tức là lời mình nói và lời hóa thân nói, nhưng khi lời mình nói diệt rồi hóa thân mới nói, lời hóa thân diệt rồi mình mới nói, không phải nhanh chóng thay đổi nhau, nên không phải cùng lúc liền biết là không phải cùng lúc.

Lại, Đức Phật Thế Tôn đối với các cảnh trí rất tự tại không phải như các Thanh văn. Cho nên trong sự việc này Đức Phật cũng có chỗ không chung.

Điều kia có thể nói ngược lại: Một lúc nọ, Đức Phật biến hóa ra hóa Phật, thân sắc vàng ròng, tướng tốt trang nghiêm thân, khi Đức Phật nói thì hóa Phật im lặng, khi hóa Phật nói thì Đức Thế Tôn im lặng. Còn hàng đệ tử, một lúc biến hóa ra hóa thân đệ tử, cũng cạo bỏ râu tóc, mặc y Tăng-già-chi. Khi đệ tử nói thì hóa thân đệ tử cũng nói, khi hóa thân đệ tử nói thì đệ tử cũng nói.

Hỏi: Các vị Đại Thanh văn cũng có thể như thế. Đức Thế Tôn đối với sự việc này có điều gì là không chung?

Đáp: Đức Phật đối với tâm định đều được tự tại, khi xuất nhập luôn nhanh chóng, không rời bỏ đối tượng duyên, có thể dùng một tâm phát ra hai thứ tiếng nói, tức là mình nói và hóa thân nói. Trong đó, muốn khiến nói liền nói, không khiến nói liền im lặng. Còn hàng Thanh văn có tâm định không hoàn toàn được tự tại, xuất nhập đều chậm, luôn rời bỏ đối tượng duyên, tuy có thể dùng một tâm phát ra hai thứ tiếng nói, tức mình nói và hóa thân nói, nhưng trong đó, khi muốn khiến một người nói thì người thứ hai cũng nói, muốn khiến người này im lặng thì người kia cũng im lặng, không thể khiến người này im lặng, người kia nói. Lại, Đức Phật Thế Tôn đối với các cảnh trí đều được tự tại không phải như hàng Thanh văn. Thế nên Đức Phật ở đây cũng có phần không chung.

Trong Khế kinh nói: Đức Phật nói với Tôn giả A-nan: Thần lực của Ta có thể khiến thân do ý tạo thành chỉ thoáng chốc đi đến cõi Phạm thế. Tôn giả A-nan bạch Phật: Việc này hàng Thanh văn cũng có thể làm được đâu có kém. Đức Thế Tôn có những gì đầy đủ hơn để lại tự khen. Nghĩa là các thứ hóa tác gọi là thân do ý tạo thành, hàng Thanh văn cũng có thể dùng thân ấy đi đến xứ Phạm thế. Nếu Đức Phật cũng như vậy thì có gì là không chung?

Từng có việc Đức Thế Tôn có thể lìa bỏ lựa thần thông để lấy thứ đại chủng thô là thân do cha mẹ sinh ra, trong thoáng chốc đến ngay nơi xứ Phạm thế chăng? Đức Thế Tôn bảo: Việc này Ta cũng có thể làm được. Tôn giả A-nan lại thưa: Việc này thật khó, xin kể thí dụ khiến con tin hiểu được. Đức Phật bảo: Hãy lắng nghe! Như ở thế gian, các thứ như sắt, hoặc bánh hay nắm cơm để trong lò lửa nóng thì dần dần nhẹ, mềm, điều hòa sạch sẽ, tùy ý mà làm. Như thế, thân Như Lai tùy tâm chuyển. Giữ tâm nơi thân khởi tưởng thân nhẹ, mềm. Thân tùy theo sức của tâm thành nhẹ, mềm. Do sức mạnh có thể giữ tâm liên tục này khiến thân hệ thuộc ấy vận chuyển theo ý muốn.

Trong đây, có thuyết nói khi Đức Phật được tận trí thì được tâm, tâm sở pháp vô phú vô ký ở cõi dục chưa từng được. Do uy lực ấy, nên không nhập tĩnh lự, không khởi thần thông, chỉ mới phát khởi tâm tức có thể đưa thân đến cõi trời Sắc cứu cánh, huống chi là cõi trời Phạm thế.

Có thuyết nói: Khi ấy, Đức Thế Tôn khởi tâm duyên nơi gió khiến thân chuyển động đi thẳng.

Có Sư khác nói: Do khởi tâm duyên nơi hư không, có thể khiến thân Phật đi đến đâu đều vô ngại.

Có thuyết nêu: Ý của Phật tức nói thân này gọi là do ý tạo thành, do theo sức của ý muốn mà thành các việc vận chuyển, mềm, nhẹ. Vì vậy Đức Phật không nhập định hay khởi thần thông, có thể vận chuyển thân này đi đến cõi trời Phạm thế, nên có khác đối với hàng Thanh văn.

Có thuyết cho: Phật nói thân do ý tạo thành, tức là thân được hóa ra không phải nhờ sức của định hay thần thông vẫn có thể đi đến cõi trời Phạm thế, so với hàng Thanh văn là khác.

Có thuyết biện: Đức Phật nói do sức mạnh nơi thần thông của ý khiến hóa thân nhanh chóng đi đến cõi trời Phạm thế. Đây là diệu lực nhanh chóng, hàng Nhị thừa không có. Cho nên Đức Phật căn cứ vào đấy để hiển bày sự thù thắng.

Hỏi: Từng có tâm biến hóa trong khoảng một sát-na đoạn dứt mà không có được, hoặc có được mà không đoạn dứt, có cùng lúc hay không cùng lúc chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là khi đạo vô gián sau cùng đã lìa nhiễm dục, đối với tâm biến hóa có bốn trường hợp này:

1. Có thứ đoạn dứt nhưng không được. Tức là ba quả tĩnh lự trên thuộc cõi dục.

2. Có thứ được nhưng không đoạn dứt. Tức là quả tĩnh lự thứ nhất thuộc tĩnh lự thứ nhất.

3. Có thứ đoạn dứt cũng là được. Tức là quả tĩnh lự thứ nhất thuộc cõi dục.

4. Có thứ không đoạn dứt cũng không được. Tức là ba quả tĩnh lự trên thuộc tĩnh lự thứ nhất, là ba quả tĩnh lự trên thuộc tĩnh lự thứ hai, là hai quả tĩnh lự trên thuộc tĩnh lự thứ ba, là quả tĩnh lự thứ tư thuộc tĩnh lự thứ tư.

Như đạo vô gián sau cùng lìa nhiễm nơi cõi dục tạo bốn trường hợp. Như thế, đạo vô gián sau cùng lìa nhiễm của tĩnh lự thứ nhất cho đến đạo vô gián sau cùng lìa nhiễm nơi tĩnh lự thứ ba theo chỗ thích ứng đều có bốn trường hợp.

Hỏi: Các thứ biến hóa nên nói là có đại chủng hay không có đại chủng?

Đáp: Nên nói là có đại chủng. Vì không có sắc hiện tại lìa đại chủng.

Hỏi: Các thứ biến hóa nên nói là có sắc được tạo hay không có sắc được tạo?

Đáp: Nên nói là có sắc được tạo. Sự biến hóa có hai thứ: Một là do tu tập đạt được. Hai là do sinh ra đạt được. Các thứ biến hóa do tu tập đạt được, nếu thuộc cõi dục thì do bốn xứ gồm thâu, nếu thuộc cõi sắc thì do hai xứ gồm thâu. Còn các thứ biến hóa do sinh ra đạt được, nếu thuộc cõi dục thì do chín xứ gồm thâu, nếu thuộc cõi sắc thì do bảy xứ gồm thâu. Vì pháp như thế tạo thành hóa thân.

Hỏi: Các thứ biến hóa nên nói là có tâm hay không có tâm?

Đáp: Nên nói là không có tâm. Nhưng sự biến hóa có hai thứ: Một là do tu tập đạt được, thứ này không có tâm. Hai là do sinh ra đạt được, thứ này có tâm. Ở đây nói do tu tập đạt được sự biến hóa không phải là tâm nương vào đó. Lại có hai thứ: Một là hóa ra thân khác, thứ này không có tâm. Hai là hóa ra thân mình, thứ này có tâm. Trong đây nói hóa ra thân khác, không phải là tâm nương vào đó. Nếu biến hóa ra thân các hữu tình khác thì như phần nói về thân mình.

Hỏi: Các thứ biến hóa nên nói là do tâm của ai chuyển biến?

Đáp: Nên nói là tâm của người biến hóa. Do tâm của họ khiến có các thứ biểu hiện. Nhưng sự biến hóa do tu tập đạt được là do tâm của người biến hóa chuyển, sự biến hóa do sinh ra đạt được thì do tự tâm chuyển. Ở đây là nói về sự biến hóa do tu tập đạt được. Lại, tạo ra thân khác là do tâm của người biến hóa chuyển. Nếu tạo ra tự thân thì do tự tâm chuyển. Trong đây là nói về sự biến hóa ra thân khác.

Hỏi: Các thứ biến hóa ra đều diệt mất chăng?

Đáp: Sự biến hóa do tu tập đạt được thì diệt mất, còn sự biến hóa do sinh ra đạt được thì có khi diệt có khi không diệt. Nghĩa là các hàng trời, rồng, Dạ-xoa v.v… khi tự hóa ra thân mình có sắc khác khởi lên, thì thân hóa hiện này sau đó cùng với sắc khác ấy diệt nhưng tự thân vẫn còn. Lại tạo ra thân khác thì diệt, còn tạo ra thân mình thì có khi diệt có khi không diệt. Nếu biến hóa ra thân các hữu tình khác thì như phần nói về thân mình.

Hỏi: Các thứ biến hóa khi ăn vào thì tiêu hóa trong bụng ai?

Đáp: Ở đây, nếu người biến hóa cần dùng thức ăn thích hợp thì sẽ tiêu hóa trong bụng của người biến hóa. Nếu không phải người biến hóa cần dùng thức ăn thích hợp như cây cỏ v.v… thì chúng tích tụ lại ở một chỗ. Còn khi hóa ra các hữu tình khiến có ăn uống thì tùy theo ý của người biến hóa nên có tiêu hóa hay không có tiêu hóa.

Hỏi: Hóa thân do đâu phát ra lửa, khói?

Đáp: Là do sức của người biến hóa. Nghĩa là những người biến hóa muốn ở nơi ấy phát ra lửa, khói, như nơi đỉnh núi phát ra khói lửa, hay ở nơi nhà phát khởi khói lửa, thì ở những nơi chốn ấy khói lửa sẽ khởi lên.

Hỏi: Do đâu hóa thân có khi bị đốt cháy, có khi không bị đốt cháy? Lại, vì sao có lúc thân bị cháy, y phục còn nguyên, hoặc có lúc y phục cháy hết, thân không hề gì, hoặc có lúc cả hai cùng cháy hoặc cả hai cùng không cháy?

Đáp: Là do sức của người biến hóa. Nghĩa là các thứ được hóa ra tùy theo ý muốn của người biến hóa nên hoặc cháy hoặc không cháy.

Như Khế kinh nói: Tôn giả Đạt-lạp-bà-mạt-la-tử dùng sức thần thông bay lên không trung, hỏa giới đốt cháy thân mình, không còn chút tro tàn.

Hỏi: Tôn giả kia khi dùng lửa đốt cháy thân mình thì trước khi Tôn giả nhập Niết-bàn hay sau khi nhập Niết-bàn?

Đáp: Các thuyết cho là có lưu lại các thứ biến hóa thì nói lửa đốt cháy thân sau khi nhập Niết-bàn. Nghĩa là Tôn giả ấy đạt được tâm định tự tại, nên khi sắp diệt độ, liền dùng thần lực bay lên không trung hóa ra các thứ giường nằm, củi lửa v.v… rồi do nguyện lực nhập định hỏa giới, khi lửa vừa phát lên tức đã nhập Niết-bàn, do đó lửa đốt cháy thân không còn chút tro than.

Còn các thuyết cho những thứ biến hóa không lưu lại được, thì nói khi thọ mạng chưa hết đã khởi lửa đốt thân. Nghĩa là Tôn giả kia đã được tâm định tự tại, khi sắp diệt độ thì dùng thần lực bay lên không trung nhập đẳng trì hỏa khiến thân chết dần, theo chỗ không căn lửa khởi lên đốt cháy. Cho đến sau cùng, chỉ còn chỗ nương dựa của tâm mạng hết sức nhỏ như đầu sợi lông, bấy giờ mới nhập Niếtbàn và lửa cũng theo đấy mà tắt. Các phần còn lại lượng như đầu sợi lông không bị đốt cháy, do quá nhỏ nên khó nhận biết, cho là không còn tro than.

***

* Trung hữu nên nói là có đại chủng hay không có đại chủng?

Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao sau phần biến hóa lại nêu rõ về trung hữu?

Đáp: Là do ý muốn của người tạo luận, cho đến nói rộng.

Có thuyết nêu: Biến hóa cùng với trung hữu đều là sự việc vi tế khó có thể nhận biết rõ.

Có Sư khác nói: Hai thứ này đều là thân do ý tạo nên.

Có thuyết cho: Hai thứ này đều bị nhiều người bài bác. Như phái Thí Dụ cho các thứ biến hóa đều là không thật, còn phái Luận Phân Biệt thì bác, cho không có trung hữu. Trước biện minh về sự biến hóa là thật có, nay thì làm rõ trung hữu chẳng phải là không. Do đó nên tiếp theo phần biến hóa là nêu rõ về trung hữu.

Hỏi: Trung hữu nên nói là có đại chủng hay không có đại chủng?

Đáp: Nên nói là có đại chủng. Vì không có hiện sắc nào lìa đại chủng.

Hỏi: Trung hữu nên nói là có sắc được tạo hay không có sắc được tạo?

Đáp: Nên nói là có sắc được tạo, ở cõi dục thuộc về chín xứ, ở cõi sắc thuộc về bảy xứ. Do pháp như thế tạo thành thân ấy.

Hỏi: Trung hữu nên nói là có tâm hay không có tâm?

Đáp: Nên nói là có tâm.

Hỏi: Trung hữu nên nói là do tâm của ai chuyển biến?

Đáp: Nên nói là do tự tâm, chính sức của tự tâm khởi lên các nghiệp có biểu hiện.

Nghĩa của trung hữu như nơi chương Kiết Uẩn đã nói rộng.

Hỏi: Đời gọi là pháp gì?

Đáp: Đây là tăng ngữ hiển bày về các hành.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn ngăn chận tông chỉ của người khác, nêu bày rõ tông chỉ của mình. Nghĩa là như phái Thí Dụ và các Luận sư phái Phân Biệt chấp đời và hành, thể của chúng khác nhau. Thể của hành là vô thường, còn thể của đời là thường. Các hành vô thường. Khi hành ở trong đời thường còn cũng như các trái cây đổi chỗ trong những đồ đựng. Lại như con người thay đổi chỗ ở trong các nhà. Vì để ngăn chận các thứ chấp đó cùng hiển bày thể của ba đời tức là các hành. Hành vô thường nên đời cũng vô thường. Do các duyên ấy nên tạo ra phần Luận này.

Về nghĩa của ba đời như trong chương Kiết Uẩn đã nói rộng.

Hỏi: Kiếp gọi là pháp gì?

Đáp: Đây là tăng ngữ hiển bày về thời gian nửa tháng, tháng mùa, năm.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm để giải thích kinh. Như Khế kinh nói: Có một Bísô đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ nơi hai chân Phật rồi lui ra ngồi sang một bên, thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Phật thường nói về kiếp, vậy số lượng của nó như thế nào?”. Đức Phật bảo: “Này Bí-sô! Lượng của kiếp dài lâu, không phải số lượng trăm ngàn năm có thể nhận biết”. Bí-sô lại thưa: “Có thể nêu thí dụ được chăng?”. Đức Thế Tôn nói: “Có. Ta nay sẽ nêu bày để ông rõ. Như ở một nơi gần thành ấp, có ngọn núi đá đứng riêng lẻ, chiều rộng, dài và cao đều bằng một duthiện-na. Nếu dùng chổi tơ Ca thi cứ một trăm năm quét qua một lần, núi đá ấy đã mòn diệt nhưng kiếp vẫn chưa hết. Bí-sô nên biết! Các ông trong đêm dài sinh tử đã trải qua vô lượng trăm ngàn số kiếp này ở trong địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ và hàng người, trời chịu các khổ dữ, sống chết luân chuyển không biết khi nào chấm dứt. Vậy sao cứ an nhiên không cầu giải thoát?”.

Kinh ấy là chỗ dựa căn bản của Luận này. Tuy Khế kinh nói đến kiếp nhưng chưa phân biệt thể của kiếp là thế nào. Nay muốn phân biệt nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao chỉ nói thời gian nửa tháng, tháng mùa, năm là kiếp mà không nói Sát-na, Lạp-phược, Mâu-hô-lật-đa, ngày đêm là kiếp?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Ở đây là nêu phần thô để gồm thâu phần tế. Nghĩa là sát-na v.v… là tế, còn nửa tháng, một tháng v.v… là thô. Nếu nói thô nên biết là đã nói tế, do tích chứa nhiều thời gian tế thành thời gian thô.

Có thuyết nêu: Trong đây là nêu gần để gồm thâu xa. Nghĩa là kiếp gần là do nửa tháng v.v… tạo thành, còn nửa tháng lại do sát-na v.v… tạo thành. Thế nên nói thời gian gần là cũng đã nói xa.

Hỏi: Thể của kiếp là gì?

Đáp: Có thuyết nói: Đó là sắc xứ.

Hỏi: Làm sao nhận biết được?

Đáp: Như Luận Thi Thiết nói: Vào lúc kiếp đầu tiên, thân người có ánh sáng luôn chiếu tỏa, do tham vị đất ở cõi này nên ánh sáng diệt và bóng tối sinh. Lúc này ở phương Đông có mặt trời hiện ra, ánh sáng rực rỡ chiếu ra như ngày xưa. Thấy thế mọi người cùng vui mừng nói: “Ánh sáng của trời đến kia”. Do ánh sáng của trời xuất hiện nên gọi là ngày. Thoáng chốc, chưa được bao lâu thì mặt trời lặn về phương Tây, bóng tối lại hiện ra như trước. Mọi người thấy thế đều than: “Ánh sáng của trời đã lặn mất”. Vì ánh sáng của trời đã tắt nên gọi là đêm. Do đấy chứng biết thể của kiếp là sắc. Thể của kiếp đều do sự chứa nhóm nhiều ngày đêm mà thành.

Như thế nên nói: Phần vị của ngày đêm đều là năm uẩn sinh diệt. Do các thứ đó tạo thành kiếp nên thể của kiếp cũng như thế. Nhưng kiếp đã chung cho cả thời gian của ba đời nên dùng năm uẩn và bốn uẩn làm tánh.

Đáp: Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói: Vì sao gọi là kiếp? Kiếp có nghĩa gì?

Đáp: Phân biệt về thời gian nên gọi là kiếp. Nghĩa là phân biệt về thời gian của Sát-na, Lạp-phược, Mâu-hô-lật-đa để tạo thành ngày đêm. Phân biệt về thời gian của ngày đêm để tạo thành nửa tháng, tháng, mùa, năm. Phân biệt về thời gian nửa tháng v.v… để tạo thành kiếp. Vì kiếp là mức tận cùng trong thời gian được phân biệt nên được mang tên gọi chung. Phái Thanh Luận nói: Ở phần vị phân biệt nên gọi là kiếp. Vì sao? Vì kiếp là phần vị tột cùng trong sự phân biệt các hành hữu vi.

Kiếp có ba thứ: Kiếp trung gian, kiếp thành hoại và đại kiếp.

Kiếp trung gian lại có ba thứ: Kiếp giảm, kiếp tăng và kiếp tăng giảm.

Kiếp giảm: Nghĩa là tuổi thọ của con người từ vô lượng tuổi giảm xuống đến còn mười tuổi.

Kiếp tăng: Nghĩa là tuổi thọ của con người từ mười tăng đến tám vạn tuổi.

Kiếp tăng giảm: Nghĩa là tuổi thọ của con người từ mười tuổi tăng lên đến tám vạn tuổi, lại từ tám vạn tuổi giảm xuống còn mười tuổi. Trong đây, một kiếp tăng, một kiếp giảm, có mười tám kiếp tăng giảm.

Có hai mươi kiếp trung gian trải qua hai mươi trung kiếp thế gian thành, hai mươi trung kiếp thành rồi trụ, hai thứ này hợp lại gọi là kiếp thành. Trải qua hai mươi trung kiếp thế gian hoại, hai mươi trung kiếp thế gian hoại rồi không, hai thứ này hợp lại gọi là kiếp hoại. Gồm chung tám mươi trung kiếp gọi là đại kiếp.

Hai mươi trung kiếp trong kiếp thành rồi trụ chỉ có một kiếp đầu là giảm, một kiếp sau cùng là tăng, mười tám kiếp trung gian kia cũng tăng cũng giảm.

Hỏi: Trong ba thứ đó thì thứ nào là lâu nhất?

Đáp: Có thuyết nói: Kiếp giảm là lâu nhất, kiếp tăng là trung bình, còn kiếp tăng giảm thì ngắn nhất. Nghĩa là thời gian thân người có ánh sáng thì lâu hơn thời gian thân người mất ánh sáng. Cho đến thời gian đang ăn mùi vị đất thì lâu hơn thời gian vị đất hết. Cho đến thời gian đang ăn bánh đất thì lâu hơn thời gian bánh đất hết. Cho đến thời gian ăn các thứ rau, cây rừng lâu hơn thời gian các thứ đó hết. Cho đến thời gian ăn lúa gạo tự nhiên kéo dài hơn thời gian các thứ này hết và cho đến hiện nay. Thế nên thời gian của kiếp giảm này là lâu nhất.

Như vậy nên nói: Đầu giảm, sau tăng và mười tám kiếp trung gian tức hai mươi kiếp này về lượng đều bằng nhau. Chỉ ở thời gian kiếp giảm Phật xuất hiện ở đời, nơi thời gian kiếp tăng Chuyển luân Thánh vương ra đời và nơi thời gian kiếp tăng giảm có bậc Độc giác ra đời.

Hỏi: Luận Thi Thiết nói: Người nơi bốn châu do mặt trời mặt trăng nên phân biệt được ngày đêm, còn ngày đêm ở các cõi trời thuộc Dục giới làm sao phân biệt được?

Đáp: Nhân nơi các hiện tượng nên nhận biết. Nghĩa là ở cõi trời kia khi hoa Bát-đặc-ma khép lại, hoa Uẩn-bát-la nở ra, chim chóc hót thưa thớt, gió mát thổi mạnh, ít thích vui chơi, ưa ngủ nghỉ nhiều, nên biết bấy giờ gọi là đêm. Còn khi hoa Uẩn-bát-la khép lại, hoa Bátđặc-ma nở ra, chim chóc cùng đua tiếng hót, gió nhẹ từ từ thổi, ưa thích vui chơi, ít muốn ngủ nghỉ, nên biết bấy giờ gọi là ngày.

HẾT – QUYỂN 135