LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 126

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ TỰ NGHIỆP, phần 3

* Thế nào là các Bí-sô giữ lại hạnh sống lâu? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Bấy giờ, Đức Bạc-già-phạm giữ lại hạnh sống nhiều (Đa mạng), bỏ hạnh sống lâu (Đa thọ). Lại vì nhằm phân biệt nghĩa của Tỳ-nạida. Như Tỳ-nại-da nói: Đại Sinh Chủ (Ma ha Ba-xà-ba-đề) đứng đầu, có năm trăm vị Bí-sô-ni đã giữ hạnh sống nhiều (Đa mạng) và bỏ hạnh sống lâu (Đa thọ). Kinh, Tỳ-nại-da tuy nói như thế, nhưng chưa phân biệt nhân duyên của việc giữ và bỏ. Kinh và Tỳ-nại-da ấy là chỗ dựa căn bản của Luận này, những gì các kinh, luật ấy chưa nói nay sẽ nêu bày, thế nên tạo ra phần Luận này.

Lại, những người tạo luận vì muốn phân biệt về tự tướng và cộng tướng của tất cả pháp hiện có. Nay ở đây cũng như thế, tức không nên nêu vấn nạn.

Hỏi: Thế nào là các Bí-sô giữ lại hạnh sống lâu?

Đáp: Nghĩa là các bậc A-la-hán đã thành tựu thần thông, tâm được tự tại, đối với toàn Tăng chúng hoặc riêng từng người, hoặc đem y bát, hoặc các thứ cần dùng cho đời sống của một Sa-môn để bố thí, xong thì phát nguyện tức nhập vào biên vực nơi tĩnh lự thứ tư, từ định khởi xong, tâm nghĩ, miệng nói: Các thứ có thể chiêu cảm cho tôi nghiệp có dị thục giàu sang xin chuyển đổi sang quả dị thục sống lâu. Khi đó, các thứ có thể chiêu cảm nghiệp có dị thục giàu sang tức chuyển đổi sang chiêu cảm quả dị thục sống lâu.

Hỏi: Do duyên gì người này muốn giữ hạnh sống lâu?

Đáp: Giữ hạnh sống lâu lược nêu có hai duyên: Tức là vì muốn tạo lợi ích cho người khác và duy trì pháp Phật.

Vì muốn tạo lợi ích cho người khác: Nghĩa là dạy các đệ tử tu các hành quán. Người này xem xét về tuổi thọ của mình chừng ấy thì các môn đệ có kịp đạt được pháp thù thắng chăng? Nếu sau khi mình qua đời thì có ai khác có thể khéo chỉ rõ các thứ đạo, không phải đạo chăng? Nếu thấy không ai có thể thì nên giữ lại hạnh sống lâu.

Vì muốn duy trì pháp Phật: Nghĩa là thực hành các việc như tô đúc tượng Phật, xây dựng phòng nhà cho Tăng chúng v.v… Người này xem xét kỹ về tuổi thọ chừng ấy của mình có thể làm xong các sự việc kia chăng? Nếu khi mình qua đời thì có ai theo phương tiện thiện xảo đủ khả năng đảm nhiệm, thực hiện đầy đủ các sự việc như thế chăng? Nếu thấy không có ai thì nên giữ lại hạnh sống lâu.

Lại nữa, vị ấy xem thấy sẽ có những vua chúa, đại thần, trưởng giả v.v… nào muốn hủy hoại pháp Phật chăng? Nên quán xét kỹ xem khi mình sống đến chừng ấy tuổi sẽ có đủ phương tiện khiến không bị hủy diệt chăng? Nếu khi mình qua đời có ai theo phương tiện thiện xảo để duy trì pháp Phật? Nếu thấy không ai có khả năng thì nên giữ lại hạnh sống lâu.

Vì muốn giữ lại hạnh sống lâu nên đem y, bát v.v… bố thí cho Tăng chúng hay người khác là căn cứ theo lời Khế kinh nói. Nghĩa là Đức Thế Tôn nói: Nếu có thí chủ thường cúng thí các vật cho người khác gọi là bố thí năm việc, do đó nên lại có được quả của năm việc: 1. Sống lâu. 2. Sắc đẹp. 3. Sức khỏe. 4. Vui vẻ. 5. Biện luận giỏi.

Người này xem xét kỹ, bố thí cho Tăng chúng hay cho người khác sẽ được quả báo lớn. Nếu thấy bố thí cho Tăng chúng sẽ được quả lớn thì liền bố thí cho Tăng chúng. Nếu thấy bố thí cho cho kẻ khác sẽ được quả lớn thì nên bố thí cho kẻ khác. Thế nên đem y bát hoặc các vật dụng cần thiết cho đời sống của một Sa-môn bố thí cho Tăng chúng hay cho người khác rồi, liền phát nguyện tức nhập vào biên vực nơi tĩnh lự thứ tư, từ định xuất thì tâm nghĩ, miệng nói: Các thứ có thể chiêu cảm cho tôi nghiệp có dị thục giàu sang xin chuyển đổi chiêu cảm sang quả dị thục sống lâu. Bấy giờ, các thứ có thể chiêu cảm dị thục giàu sang sẽ chuyển đổi chiêu cảm quả dị thục sống lâu.

Hỏi: Theo lý thì quả dị thục không giàu sang mới có thể chuyển đổi thành quả dị thục sống lâu, vì sao lại nói nghiệp có dị thục giàu sang tức chuyển đổi có thể chiêu cảm quả dị thục sống lâu?

Đáp: Không có việc chuyển đổi thể của quả, chỉ có chuyển đổi nghiệp lực. Nghĩa là do định lực của biên vực bố thí chuyển đổi nghiệp có dị thục giàu sang để chiêu cảm quả dị thục sống lâu. Tuy cùng có thể chuyển đổi được nhưng vì người ấy hiện tại không đoái hoài đến quả giàu sang, chỉ mong cầu quả sống lâu.

Có Sư khác nói: Có nghiệp trước đã chiêu cảm quả dị thục sống lâu nhưng lại có tai ương chướng ngại, nay do định lực của biên vực bố thí nên các tai ương chướng ngại ấy diệt, dị thục sống lâu lại khởi lên. Tuy đều có thể chuyển đổi nhưng vì người này hiện tại không đoái hoài đến quả giàu sang chỉ cầu mong được quả sống lâu.

Có thuyết nói: Có nghiệp trước chiêu cảm quả dị thục sống lâu nhưng không quyết định. Nay do định lực của biên vực bố thí nên khiến chiêu cảm được nghiệp quyết định cho quả.

Lại có người cho: Do định lực của bố thí nên dẫn đến việc nhận lấy dị thục sống lâu còn lại của đời trước. Nghĩa là các A-la-hán có những dị thục sống lâu còn lại ở các đời khác, nay do định lực của biên vực bố thí dẫn dắt nên có được sức định hiện tại bất tư nghì khiến đã dứt từ lâu nay lại nối tiếp.

Hỏi: Việc giữ lại hành thọ mạng chính là do cái gì dẫn đến, do sức của bố thí hay do sức của định? Nếu do sức của bố thí thì đâu cần phải nhập định. Còn nếu do sức c định thì đâu cần phải bố thí.

Đáp: Có thuyết nói: Do sức của bố thí. Có thuyết cho: Do sức của định. Như thế nên nói: Là do cả hai thứ. Tuy hành bố thí nhiều nhưng nếu không nhập định thì rốt cuộc không dẫn đến quả sống lâu. Tuy thường nhập định nhưng nếu không hành bố thí thì cuối cùng cũng không dẫn đến quả sống lâu. Tuy nhiên, sức của bố thí có thể dẫn đến sức của định khiến quyết định. Do đấy nên nói là đều do cả hai thứ.

Hỏi: Thế nào là Bí-sô bỏ hạnh sống lâu?

Đáp: Nghĩa là A-la-hán đã thành tựu thần thông, tâm được tự tại, bố thí như trước, rồi phát nguyện tức nhập vào biên vực nơi tĩnh lự thứ tư, từ định xuất tâm nghĩ, miệng nói: Các thứ có thể chiêu cảm cho tôi nghiệp có dị thục sống lâu, xin đổi sang chiêu cảm quả dị thục giàu sang. Khi ấy, khả năng chiêu cảm nghiệp có dị thục sống lâu liền đổi sang chiêu cảm quả dị thục giàu sang.

Hỏi: Người này do duyên gì bỏ hạnh sống lâu?

Đáp: Vì tự lợi, lợi tha đều rốt ráo. Khi đã được tận trí nên gọi là tự lợi rốt ráo. Đối với sự việc lợi tha, nếu có thể đảm nhận, gánh vác công việc này hoàn thành thì quy về viên tịch. Nếu không có thể đảm nhận công việc cũng gọi là rốt ráo.

Có thuyết nói: Người này chán tự thân như đồ đựng chất độc, nên nguyện từ bỏ. Như có tụng nói:

Phạm hạnh khéo thành lập

Thánh đạo đã khéo tu

Thọ mạng hết hoan hỷ

Như bỏ đồ đựng độc.

Vì muốn bỏ hạnh sống lâu nên đem y, bát v.v… bố thí cho Tăng chúng và người khác, là căn cứ nơi Khế kinh nói. Nghĩa là Đức Thế Tôn nói: Các sự việc phước nghiệp lược có ba thứ: 1. Phước nghiệp của tánh thí. 2. Phước nghiệp của tánh giới. 3. Phước nghiệp của tánh tu.

Đối với sự việc thuộc tánh thí, nếu tu tập, hành tác nhiều, sẽ chiêu cảm quả giàu sang lớn, cho đến nói rộng. Người này quan sát suy xét xem bố thí cho chúng Tăng hay cho người khác thì được quả lớn. Nếu thấy bố thí cho Tăng chúng sẽ được quả lớn thì liền bố thí cho Tăng chúng, nếu thấy bố thí cho người khác được quả lớn thì liền bố thí cho người khác, nên đối với Tăng chúng và người khác, đem y bát hoặc các vật dụng cần thiết cho đời sống của một Sa-môn để bố thí, cúng dường. Bố thí xong thì phát nguyện, liền nhập vào biên vực duyên nơi tĩnh lự thứ tư, từ định xuất thì tâm nghĩ, miệng nói: Các thứ có thể chiêu cảm cho tôi nghiệp có dị thục sống lâu, xin chuyển đổi sang chiêu cảm quả dị thục giàu sang. Khi đó các thứ chiêu cảm nghiệp có dị thục sống lâu liền đổi qua chiêu cảm quả dị thục giàu sang.

Hỏi: Theo lý thì quả dị thục không sống lâu mới có thể thành quả dị thục giàu có. Vì sao lại nói nghiệp có dị thục sống lâu đổi sang chiêu cảm quả dị thục giàu có?

Đáp: Không có việc chuyển đổi thể của quả, chỉ có chuyển đổi nghiệp lực. Nghĩa là do định lực của biên vực bố thí chuyển đổi nghiệp có dị thục sống lâu chiêu cảm quả dị thục giàu sang. Tuy đều có thể chuyển đổi, nhưng người này hiện thời không đoái hoài đến quả sống lâu chỉ mong cầu quả giàu sang.

Có Sư khác nói: Có nghiệp trước chiêu cảm quả dị thục giàu sang nhưng vì có tai ương ngăn cản, do nay có sức của định nơi biên vực bố thí, nên tai ương đó diệt mất, dị thục giàu sang khởi lên, tuy đều có thể chuyển đổi, nhưng người này hiện thời không đoái hoài đến quả sống lâu chỉ mong cầu quả giàu sang.

Có thuyết cho: Có nghiệp trước chiêu cảm quả dị thục giàu sang nhưng không quyết định. Do nay có sức của định nơi biên vực bố thí nên khiến chiêu cảm nghiệp giàu sang quyết định cho quả.

Lại có thuyết nói: Có nghiệp trước chiêu cảm quả dị thục giàu sang thô, không diệu. Do nay có sức của định nơi biên vực bố thí nên khiến chiêu cảm nghiệp thô chuyển sang chiêu cảm quả diệu. Nghĩa là trước đây trong thời gian dài luôn dẫn dắt quả thô, nay do nguyện lực mong cầu của định và bố thí nên khiến chuyển đổi qua chiêu cảm quả diệu hiện thời.

Lại có người cho: Do thí và định dẫn đến dị thục giàu sang còn lại nơi đời trước. Tức là bậc A-la-hán có dị thục giàu sang còn lại ở các đời khác, nay do định lực nơi biên vực bố thí dẫn dắt định lực bất tư nghì ở hiện tại khiến cho tuy dứt đã lâu nay được nối tiếp.

Hỏi: Thứ dị thục giàu sang này chính là do sức của bố thí hay do sức của định dẫn dắt? Nếu do sức của bố thí thì đâu cần phải nhập định. Nếu do sức của định thì đâu cần phải bố thí.

Đáp: Có thuyết nói: Do bố thí. Có thuyết cho: Do định. Như thế nên nói: Là đều do cả hai thứ. Vì tuy hành nhiều bố thí, nhưng nếu không nhập định thì rốt cuộc không dẫn đến quả giàu sang. Tuy thường nhập định nhưng nếu không hành bố thí thì cuối cùng cũng không dẫn đến quả giàu sang. Nhưng sức của bố thí có thể dẫn đến sức của định khiến quyết định. Do đó nên nói là đều do cả hai thứ.

Hỏi: Nếu các hữu tình có quả giàu sang và quả sống lâu không quyết định thì có thể có giữ lại hay bỏ? Nếu đều đã quyết định làm sao giữ lại hay bỏ?

Đáp: Chỉ nên làm theo phần hạn định, không có việc giữ hay bỏ. Như thầy thuốc giỏi chỉ ghi nhớ phân lượng hạn định, không nên quá mức. Đây cũng như thế.

Tôn giả Diệu Âm nói: Vị A-la-hán ấy do khởi biên vực nơi định lực thứ tư nên dẫn đến các đại chúng ở cõi sắc khiến từ thân hiện tiền, nhưng các đại chủng ấy có thứ thì thuận với hành sống lâu, có thứ thì trái với hành sống lâu. Do nhân duyên đó nên hoặc giữ hoặc bỏ.

Có thuyết nêu: A-la-hán kia do sức của Tam-ma-địa ấy tự tại nên chuyển các nghiệp đã từng có nơi đời trước sinh ra các căn khi đại chủng trụ nơi phần thế mạnh dẫn đến việc nhận lấy các căn của định lực chưa từng khởi khi đại chủng trụ nơi phần thế mạnh.

Thuyết ấy nêu không đúng. Mạng căn là riêng có không phải là căn do đại chủng làm tự tánh.

Hỏi: Kinh nói Đức Thế Tôn giữ lại hạnh sống nhiều, bỏ hạnh sống lâu, nghĩa này là thế nào?

Đáp: Có thuyết nói: Chư Phật Thế Tôn bỏ phần thọ mạng thứ ba. Có thuyết nêu: Chư Phật Thế Tôn bỏ phần thọ mạng thứ năm.

Nếu nói chư Phật bỏ phần thọ mạng thứ ba, tức họ nói Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thọ lượng nên trụ là một trăm hai mươi tuổi, nhưng đã bỏ bốn mươi năm sau, chỉ thọ có tám mươi năm.

Hỏi: Khi Phật ra đời, người ở châu này có tuổi thọ không quá một trăm năm. Vì sao Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni có thọ lượng đến một trăm hai mươi?

Đáp: Như về sắc tướng, sức khỏe, giòng họ của Phật đều thuộc hàng giàu sang và số môn đệ đồ chúng đều có trí tuệ kiến thức hơn các người khác, thế nên thọ lượng cũng phải vượt hơn mọi người.

Nếu nói chư Phật bỏ phần thọ mạng thứ năm, tức họ nói Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni chiêu cảm thọ lượng nên trụ là một trăm tuổi nhưng đã bỏ hai mươi năm sau, nên chỉ sống có tám mươi tuổi.

Hỏi: Chư Phật có sắc tướng, sức khỏe, giòng họ thuộc giàu sang, thù thắng, chúng đệ tử có trí tuệ kiến thức hơn các hữu tình khác, vì sao thọ lượng cũng bằng mọi người?

Đáp: Sinh vào nơi nào, thời nào thì thọ lượng phải như thế. Do đó kinh nói là bỏ hạnh sống lâu, tức bỏ bốn mươi hoặc hai mươi năm. Giữ lại hạnh sống nhiều, tức là giữ lại ba tháng.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn đã giữ và bỏ như thế nhưng mạng sống và tuổi thọ không tăng giảm?

Đáp: Vì sự nghiệp của chư Phật là hoàn toàn rốt ráo. Ngang với mức đó, thời gian đó, thì sự nghiệp của chư Phật được hoàn thành rốt ráo, nên không tăng không giảm.

Có thuyết nói: Pháp như thế nên chư Phật Thế Tôn chỉ bỏ hay giữ lại thọ mạng từng ấy.

Có thuyết nêu: Đây là nhằm hiển bày chư Phật Thế Tôn không tham thọ mạng, nên có thể sớm từ bỏ. Các hữu tình khác thì tham tiếc thọ mạng, không thể sớm từ bỏ. Hàng siêng cầu viên tịch chớ nên sinh nghi. Đức Phật cũng như thế, nên việc xả bỏ tuổi thọ là làm rõ chỗ khác với hữu tình, còn sự nghiệp hóa độ chưa xong nên giữ lại ba tháng.

Có thuyết cho: Vì muốn làm sáng tỏ chư Phật Thế Tôn khéo trụ nơi Thánh chủng, nên mới xả bỏ tuổi thọ. Nghĩa là như Đức Thế Tôn đối với hữu tình luôn sinh biết đủ sâu xa, nên đối với thọ mạng cũng như thế.

Có thuyết nêu: Đức Thế Tôn vì muốn tránh sự già suy của thân thể nên xả bỏ tuổi thọ, nhưng sự việc giáo hóa các hữu tình chưa trọn vẹn nên có thể giữ lại ba tháng. Như Tôn giả Ô-đà-di có một lúc nhân khi xoa bóp thân Phật thấy có nhiều thay đổi nên bạch Phật: Hiện tại thân thể của Đức Thế Tôn có chỗ da nhăn, các căn và dung mạo thay đổi khác trước nhiều, nay còn như thế huống chi là quá tuổi tám mươi. Vì thế nói là tránh sự già suy nên xả bỏ hạnh sống lâu.

Có thuyết nói: Vì muốn chứng tỏ được định tự tại, nên Đức Thế Tôn xả bỏ hoặc giữ lại thọ mạng. Như Đức Thế Tôn nói: Ta khéo tu tập bốn thần túc nên muốn trụ một kiếp hoặc hơn một kiếp đều có thể trụ như ý.

Có thuyết cho: Vì muốn hiển bày chư Phật Thế Tôn có thể hàng phục các ma, nên giữ lại hay xả bỏ thọ mạng. Nghĩa là khi chứng quả Bồ-đề vô thượng diệu thì đã hàng phục hai thứ ma, là thiên ma và ma phiền não. Nay sắp chứng nhập Niết-bàn lại hàng phục hai thứ ma, là ma uẩn và ma chết. Hàng phục ma uẩn là bỏ hạnh sống lâu, hàng phục ma chết là giữ lại hạnh sống nhiều.

Hỏi: Mạng hành (Sự sống) và thọ hành (Tuổi thọ) có gì sai biệt?

Đáp: Có thuyết nói: Không khác. Như Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là mạng căn? Tức là thọ mạng trong ba cõi.

Có thuyết nêu: Hai thứ có khác nhau, tức là về tên gọi: Đây gọi là mạng hành, đây gọi là thọ hành.

Có thuyết cho: Do đấy nên sống gọi là mạng hành. Do đấy nên chết gọi là thọ hành.

Có thuyết biện: Chỗ giữ lại gọi là mạng hạnh. Chỗ xả bỏ gọi là thọ hành.

Có thuyết nói: Pháp có thể sinh gọi là mạng hành. Pháp không thể sinh gọi là thọ hành.

Có thuyết nêu: Tạm thời trụ gọi là mạng hành. Trụ trong một kỳ hạn gọi là thọ hành.

Có thuyết cho: Đồng phần gọi là mạng hành. Đồng phần của nó gọi là thọ hành.

Có thuyết nói: Quả của tu gọi là mạng hành. Quả của nghiệp gọi là thọ hành.

Có thuyết cho: Quả của nghiệp vô lậu gọi là mạng hành. Quả của nghiệp hữu lậu gọi là thọ hành.

Có thuyết nêu: Quả của minh gọi là mạng hành. Quả của vô minh gọi là thọ hành.

Có thuyết nói: Quả của nghiệp mới gọi là mạng hành. Quả của nghiệp cũ gọi là thọ hành.

Có thuyết cho: Quả của nghiệp cho quả gọi là mạng hành. Quả của nghiệp không cho quả gọi là thọ hành.

Có thuyết nêu: Quả của nghiệp gần gọi là mạng hành. Quả của nghiệp xa gọi là thọ hành.

Tôn giả Diệu Âm nói: Quả của nghiệp thuận hiện thọ gọi là mạng hành. Quả của nghiệp thuận thứ sinh thọ, thuận hậu thứ thọ, thuận thọ bất định gọi là thọ hành.

Đó là sự khác nhau về mạng hành và thọ hành.

Hỏi: Nói đa hành có nghĩa thế nào?

Đáp: Nói đa (Nhiều) là chỉ rõ chỗ giữ lại và xả bỏ, không phải là một sát-na. Còn nói hành là chỉ rõ chỗ giữ lại và xả bỏ là pháp vô thường.

Hỏi: Xứ nào có việc giữ lại và xả bỏ mạng hành và thọ hành?

Đáp: Ở cõi dục không phải ở các cõi khác. Ở nẻo người không phải ở các nẻo khác. Ở ba châu không phải ở châu Bắc.

Hỏi: Những ai có thể giữ lại và xả bỏ mạng hành và thọ hành?

Đáp: Là bậc Thánh, không phải là hàng phàm phu. Là bậc vô học, không phải là bậc hữu học. Là bất thời giải thoát, không phải là thời giải thoát. Cũng là nam, cũng là nữ.

***

* Thế nào là tâm cuồng loạn? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn giải thích nghĩa của Khế kinh, Tỳ-nại-da. Như Khế kinh nói: Bà-la-môn nữ Bà-tư-sắt bị chết một lúc cả sáu đứa con nên tâm sinh cuồng loạn, lõa hình mà chạy, đến khi gặp Đức Phật thì tâm tỉnh lại như cũ. Tỳ-nại-da nói: Ông Thất-lợi-phiệt-tha vì tâm cuồng loạn nên làm vô số việc trái hạnh Sa-môn, không hợp lẽ đạo. Tỳ-nại-da lại nói thế này: Nếu bị khổ não bức bách, hoặc tâm cuồng loạn, và mới tạo nghiệp nên không phạm tội. Khế kinh, Tỳ-nại-da tuy nói như thế nhưng không biện giải, nay muốn giải thích rộng, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao tâm sinh cuồng loạn?

Đáp: Do sức mạnh của bốn duyên bức bách khiến tâm cuồng loạn:

1. Do loài phi nhân hiện ra các hình ảnh dữ, ác nên khi gặp rồi kinh sợ khiến tâm cuồng loạn. Nghĩa là loài phi nhân biến hiện ra trước mặt các hình tướng voi, ngựa, lạc đà, dê, bò v.v… rất đáng sợ nên tâm sinh cuồng loạn.

Hỏi: Người này chưa hề trông thấy hình ảnh voi, ngựa v.v… chăng, vì sao nay thấy thì quá sợ hãi?

Đáp: Người ấy tuy có thấy, nhưng nay các thứ ấy hiện ra không đúng lúc, không đúng nơi, không đúng đường.

Nói không đúng lúc: Nghĩa là như ngay giữa đêm lại thấy các thứ voi, ngựa v.v… liền nghĩ giờ này sao lại có đám voi, ngựa đến đây, nhất định là đám phi nhân tới hại ta. Do quá kinh sợ nên tâm sinh cuồng loạn.

Không đúng nơi: Nghĩa là như ở đền đài, phòng buồng trên lầu cao lại có voi, ngựa v.v… lên tới, vậy nhất định là hàng phi nhân đến hại ta. Do quá kinh sợ nên tâm sinh cuồng loạn.

Không đúng đường: Nghĩa là ở giữa chốn gò mả, nghĩa địa, không phải là nơi chốn voi, ngựa v.v… thường lui tới, nay lại thấy chúng hiện ra, nên nghĩ ở chốn này sao lại có voi, ngựa v.v… như thế, nhất định là phi nhân muốn tới hại ta. Do quá kinh sợ nên tâm sinh cuồng loạn.

2. Do loài phi nhân giận dữ đánh vào các chi phần nơi thân đau đớn vô cùng khiến tâm sinh cuồng loạn. Nghĩa là ở những nơi chốn có nhiều người du hành dừng nghỉ, vì tâm khinh mạn nên xả rác, phóng uế khiến bẩn nhớp. Hoặc trong các Tinh xá, đền thờ chư Phật, Độc giác, Thanh văn v.v… lại hành hạnh bất tịnh, nên các thiện thần nổi giận đánh vào chi phần. Người có chi phần ví như hạt cải, nếu khi bị đánh tất sinh cuồng loạn.

3. Do các đại chủng chống trái nhau khiến tâm cuồng loạn. Nghĩa là như có người khi ăn nhiều trái hồ đào, mè, cự đằng v.v… phát sinh phong nhiệt, các đại chủng chống trái nhau nên khiến tâm sinh cuồng loạn.

4. Do dị thục của nghiệp tạo từ trước khiến tâm sinh cuồng loạn. Nghĩa là có người trước đây do vui mừng phấn khích lại phao tin đồn sợ hãi khiến kẻ khác lo buồn. Hoặc đào hầm hố giăng bẩy hãm hại các muông thú. Hoặc phóng lửa dữ thiêu đốt núi đồi, ao đầm. Hoặc dùng sức mạnh bắt ép người khác uống rượu. Hoặc dùng ý tưởng sai lạc giải thích kinh điển v.v… Các nghiệp như thế khiến tâm sinh cuồng loạn. Nhưng những thứ cuồng loạn này không phải là quả dị thục, chỉ từ dị thục của nghiệp ác sinh ra. Vì nghiệp ác không chiêu cảm dị thục của ý địa.

Có thuyết nói: Cuồng loạn là do năm thứ duyên đó là bốn thứ trước và thêm duyên thứ năm là lo buồn quá mức. Nghĩa là như trường hợp như mẹ mất con yêu v.v… các thứ sầu não độc hại buộc chặt lấy tâm khiến sinh cuồng loạn.

Hỏi: Ở xứ nào có tâm cuồng loạn này?

Đáp: Ở cõi dục có, không phải ở cõi sắc và vô sắc. Nhưng ở địa ngục không có vì ở đấy tâm luôn loạn động. Do tâm cuồng loạn chỉ có lúc, không phải thường xuyên.

Nẻo quỷ và bàng sinh có tâm cuồng loạn. Nẻo người và trời cùng có, trừ châu Bắc Câu Lô, vì ở đây không có quả tăng thượng của nghiệp tội.

Hỏi: Tâm cuồng loạn này ai có, ai không?

Đáp: Bậc Thánh và hàng phàm phu đều có. Thánh thì chung cho chúng Thánh chỉ trừ chư Phật, vì Phật không có tâm loạn, không có âm thanh hư hoại, không đoạn dứt mạt ma (Tử huyệt), không dần dần lìa bỏ mạng sống. Hàng phàm phu tâm loạn động, do đủ năm duyên. Bậc Thánh chỉ do các đại chủng trái nhau. Bậc Thánh không có kinh sợ, vì đã vượt khỏi năm thứ sợ hãi, không bị loài phi nhân đánh, không có sự việc uế tạp, cũng không có dị thục của nghiệp ác ở đời trước. Vì nếu có nghiệp quyết định thì trước đã thọ nhận rồi mới nhập vào hàng Thánh. Nếu là nghiệp không quyết định thì do diệu lực của Thánh đạo nên đã chuyển diệt. Bậc Thánh cũng không có sầu não vì đã chứng được pháp tánh.

Có thuyết nói: Bậc Thánh bị cuồng loạn là do hai duyên, tức là các đại chủng trái nhau và bị loài phi nhân đánh.

Hỏi: Bậc Thánh đã được luật nghi bất tác, nhất định không có các việc uế tạp, loài phi nhân do đâu để nổi giận?

Đáp: Hạng tin tưởng pháp Phật thì luôn kính trọng các Thánh chúng, trọn không hề xúc não. Có hạng không tin pháp Phật thì ganh ghét Thánh chúng, luôn dò xét để gây xúc não, nên bậc Thánh cũng bị phi nhân đánh.

Hỏi: Trụ vào những tâm nào thì có tâm cuồng loạn?

Đáp: Trụ vào hữu lậu, không phải là vô lậu. Trụ vào ý thức, không phải là năm thức.

Hỏi: Như thế thì do đâu thấy có hai mặt trăng v.v…?

Đáp: Tất cả đều do ý thức nhận thức phân biệt, không phải do năm thức có sự lãnh hội loạn động như thế.

Hỏi: Vì tâm chưa cuồng loạn nên nói là có cuồng loạn hay tâm đã cuồng loạn rồi mới cho là có cuồng loạn?

Đáp: Không phải là tâm chưa cuồng loạn mà nói là có cuồng loạn, cũng không phải là tâm đã cuồng loạn nên nói là có cuồng loạn. Nhưng là tâm có cuồng loạn và tâm không cuồng loạn. Khi trụ vào đời vị lai, nếu gặp các duyên cuồng loạn thì tâm không cuồng loạn diệt, tâm có cuồng loạn khởi. Nếu gặp các duyên không cuồng loạn thì tâm có cuồng loạn diệt, tâm không cuồng loạn khởi.

Hỏi: Nếu tâm cuồng loạn thì cũng tán loạn chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có tâm cuồng loạn không phải là tán loạn. Nghĩa là kẻ cuồng loạn tâm không nhiễm ô.

2. Có tâm tán loạn không phải là cuồng loạn. Nghĩa là kẻ không cuồng loạn có tâm nhiễm ô.

3. Có tâm cuồng loạn cũng là tán loạn. Nghĩa là kẻ cuồng loạn có tâm nhiễm ô.

4. Có tâm không cuồng loạn cũng không tán loạn. Nghĩa là kẻ không cuồng loạn tâm không nhiễm ô hiện tiền.

Hỏi: Các triền nào tương ưng với pháp đều là bất thiện?

Đáp: Đó là không hổ, không thẹn.

Hỏi: Triền có mười thứ, vì sao chỉ nói không hổ, không thẹn?

Đáp: Đây là do ý muốn của người làm luận như thế, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Vì hai thứ này chỉ là bất thiện và cũng đều có chung với tất cả tâm bất thiện. Còn phẫn, phú, xan, tật (giận, che giấu, keo kiệt, ganh ghét) tuy chỉ là bất thiện nhưng không phải tất cả tâm bất thiện đều có. Hôn trầm, trạo cử tuy cùng có với tất cả tâm bất thiện, nhưng chúng không phải chỉ là bất thiện, vì chung cho cả bất thiện và vô ký. Thùy miên ố tác không phải chỉ là bất thiện cũng không phải cùng có với tất cả tâm bất thiện. Thùy miên thì chung cả ba tánh: Thiện, bất thiện và vô ký. Ố tác thì chung cả hai tánh, vì có biết nhưng tâm không hối lỗi, hai thứ này không làm. Trong các tâm bất thiện đều có không hổ, không thẹn, các thứ không hổ, không thẹn luôn gắn liền theo tâm bất thiện, luôn tương ưng, nên nói riêng.

Hỏi: Ở đây cũng nên hỏi thiện nào tương ưng với pháp đều là thiện?

Đáp: Đó là hổ, thẹn, vì hổ thẹn luôn liên hệ với tâm thiện không hề lìa nhau. Nhưng không nói là vì không phải chỉ có hai thứ này là thuộc về tánh thiện, hiện hữu khắp cả tâm thiện.

***

* Thế nào là Phật dạy? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận những kẻ đối với các thứ không phải Phật dạy khởi tưởng cho là Phật dạy. Như nay có kẻ nói: Tôi đã nói về điều Phật dạy. Tôi đã nghe về điều Phật dạy, nhưng thật ra người này chỉ đối với các thứ không phải Phật dạy khởi tưởng đó là Phật dạy. Nay nhằm ngăn chận các ý tưởng như thế và hiển bày các điều Phật giảng nói đích thực là Phật dạy, còn các điều do những kẻ khác nói đều không phải là Phật dạy thật sự, thế nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao hiện nay có kẻ nói: Tôi đã nói về điều Phật dạy. Tôi đã nghe điều Phật dạy?

Đáp: Người này căn cứ vào phần căn bản để nói như thế. Nghĩa là nay nói về các pháp như nhiễm, tịnh, trói buộc, giải thoát, sinh tử, Niết-bàn, nhân, quả v.v… thì căn bản đều là điều Phật giảng nói cả.

Có thuyết nói: Người này đã dựa vào các thứ tương tợ để nói. Nghĩa là trước đây Đức Phật đã dựa vào thứ lớp nơi các thứ danh cú văn thân như thế để giảng nói cho người khác, nay những kẻ kia cũng lại dựa vào thứ lớp như thế để nêu bày.

Có thuyết cho: Người này đã dựa vào sự tùy thuận để nói. Tức là trước đây Đức Phật dựa vào sự tùy thuận nơi các danh cú văn thân như thế, vì người khác giảng nói. Nay những kẻ kia cũng căn cứ vào sự tùy thuận nơi các danh cú văn thân như thế để diễn nói.

Có thuyết nêu: Người này đã căn cứ vào chỗ việc làm giống nhau nên nói như thế. Nghĩa là như ở bên Đức Phật đích thân được nghe các pháp yếu, được vào hàng Thánh chứng quả, lìa nhiễm, dứt hết lậu. Nay nghe những điều đã giảng nói, cũng làm các sự việc như thế.

Hỏi: Thế nào là Phật dạy?

Đáp: Tức là những lời nói, lời xướng đọc, lời bình luận v.v… của Đức Phật, là những ngữ âm, ngữ lộ, ngữ nghiệp, ngữ biểu hiện. Đó gọi là Phật dạy.

Hỏi: Vì sao Phật dạy chỉ là ngữ có biểu hiện không phải là ngữ không biểu hiện?

Đáp: Tạo ra sự hiểu biết chân chánh cho người khác nên gọi là Phật dạy. Sự hiểu biết chân chánh của người khác phát sinh chỉ do nghiệp có biểu hiện, không phải là không biểu hiện.

Có thuyết nói: Phật dạy thì nhĩ thức giữ lấy, không phải nghiệp không biểu hiện có thể khiến nhĩ thức giữ lấy, thế nên không phải Phật dạy.

Có thuyết cho: Phật dạy có hai thức giữ lấy, còn nghiệp không biểu hiện chỉ có một thức giữ lấy, nên không phải là Phật dạy.

Có thuyết nêu: Đức Thế Tôn nơi ba vô số kiếp luôn siêng năng tinh tấn hành khổ hạnh, để cầu được Phật ngữ có biểu hiện, nay đã thành tựu viên mãn, không phải là thứ không biểu hiện. Nghĩa là Đức Phật Thế Tôn từ thời xưa nơi trụ xứ của vô lượng bậc Chánh Đẳng Giác đều siêng năng tinh tấn hành khổ hạnh để cầu được trí tuệ vô thượng, nhằm giảng nói pháp cho mọi người, dựa vào uẩn giới xứ cầu được uẩn giới xứ, lần lượt nối tiếp. Nay đã được thành Phật, vì các hữu tình giảng nói pháp yếu, khiến họ bỏ sinh tử được Niết-bàn. Các sự việc này đều do ngữ nghiệp có biểu hiện của Phật, thế nên Phật dạy chỉ là Phật ngữ có biểu hiện.

Hỏi: Như thế thì Phật dạy lấy gì làm Thể? Lấy ngữ nghiệp hay lấy tên gọi?

Nếu là ngữ nghiệp thì các điều nói ở sau làm sao thông? Như nói: Phật dạy gọi là pháp gì? Đáp: Nghĩa là danh, cú, văn, thân theo thứ lớp được bày ra, theo thứ lớp an lập khắp, theo thứ lớp liên hợp. Lại như kệ nói làm sao thông? Như nói: Muốn làm nhân tụng. Văn tức là chữ. Tụng dựa danh chuyển. Kẻ tạo là nương.

Nếu là tên gọi v.v… thì văn ở đây nói làm sao thông? Như nói: Thế nào là Phật dạy? Tức là lời nói của Phật cho đến ngữ có biểu hiện. Đó gọi là Phật dạy.

Đáp: Nên nói như thế này: Lấy ngữ nghiệp làm Thể.

Hỏi: Nếu thế thì điều nói sau đây làm sao thông? Như nói: Phật dạy gọi là pháp gì? Nghĩa là danh cú văn thân cho đến nói rộng.

Đáp: Lời văn sau là chỉ rõ tác dụng của Phật dạy, không nêu bày tự thể của Phật dạy. Nghĩa là theo thứ lớp được bày ra, an lập khắp, liên hợp về danh cú văn thân là dụng của Phật dạy.

Hỏi: Còn tụng đã nói làm sao thông?

Đáp: Có thứ đối với danh chuyển. Có thứ đối với nghĩa chuyển. Ở đây chỉ nói về thứ đối với danh chuyển.

Có thuyết nói: Phật dạy lấy tên gọi v.v… làm Thể.

Hỏi: Nếu thế thì lời văn ở đây đã nói làm sao thông? Như nói: Thế nào là Phật dạy? Đó là lời Phật nói, cho đến nói rộng.

Đáp: Căn cứ vào nhân lần lượt nên nói như thế. Như pháp con cháu ở đời lần lượt sinh ra. Nghĩa là ngữ phát khởi danh (tên gọi), danh có thể hiển bày nghĩa. Như thế thì người nói ngữ nghiệp là thể. Ý của Phật nói ra người khác nghe hiểu.

***

* Phật dạy nên nói là thiện hay là vô ký? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước tuy có hiển bày về tự thể của Phật dạy nhưng chưa chỉ rõ về đẳng khởi của Phật dạy. Nay muốn nêu bày nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Phật dạy nên nói là thiện hay là vô ký?

Đáp: Hoặc thiện hoặc vô ký. Thế nào là thiện? Nghĩa là ngữ ngôn phát ra cho đến ngữ có biểu hiện đều do tâm thiện của Phật. Thế nào là vô ký? Nghĩa là tâm vô ký của Phật phát ra lời nói cho đến ngữ có biểu hiện.

Hỏi: Ở trong Phật dạy có những gì là thiện, những gì là vô ký?

Đáp: Tạng A-tỳ-đạt-ma (Luận) và Tố-đát-lãm (Kinh) phần nhiều là thiện. Còn tạng Tỳ-nại-da phần nhiều là vô ký. Như khi Đức Thế Tôn nói nên đóng chặt cửa, y bát nên dẹp dọn để trên giá tre, treo trên móc. Những lời nói như thế đều thuộc vô ký.

Có thuyết nói: Phật dạy nếu vì hữu tình được hóa độ mà giảng nói nên biết là thiện. Nếu giảng nói vì các sự việc khác tức là vô ký. Như Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan: Ông hãy xem trời có mưa hay không mưa? Trong vườn vì sao có tiếng kêu to như thế? Tất cả những lời nói như vậy đều là vô ký.

Có thuyết cho: Phật dạy nếu có dụng công để giảng nói nên biết là thiện. Còn nếu tự nhiên giảng nói là vô ký.

Có thuyết nêu: Phật dạy nếu các pháp gồm thâu lực, vô úy v.v… nên biết là thiện. Nếu các pháp không gồm thâu lực, vô úy v.v… đều là vô ký.

Các bậc Thanh văn, Độc giác khi tâm thiện phát ra lời nói thì tâm thiện và vô ký đều được rốt ráo. Khi tâm vô ký phát ra lời nói thì tâm vô ký và tâm thiện đều được rốt ráo. Phật khi tâm thiện phát ra lời nói thì tâm thiện được rốt ráo. Tâm vô ký phát ra lời nói thì tâm thiện và vô ký đều được rốt ráo. Nhất định không có việc tâm thiện phát ra lời nói chỉ có tâm vô ký được rốt ráo. Vì chư Phật giảng nói pháp có tăng không có giảm, nên các nghiệp Phật đã tạo không hề suy yếu thoái chuyển.

***

* Phật dạy gọi là pháp gì? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước tuy có hiển bày về tự thể của Phật dạy, nhưng chưa chỉ rõ về tác dụng của Phật dạy, nay muốn nêu bày rõ nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Phật dạy gọi là pháp gì?

Đáp: Tức là các thứ danh thân, cú thân, văn thân theo thứ lớp nêu bày, thứ lớp an lập khắp, thứ lớp liên hợp. Đây tức là hiển bày chung về tác dụng của Phật dạy.

Hỏi: Các thứ Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Kệ tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Thí dụ, Bản sự, Bản sinh, Phương quảng, Pháp hy hữu, Luận nghị, gọi là pháp gì?

Đáp: Nghĩa là danh thân, cú thân, văn thân theo thứ lớp nêu bày, thứ lớp an lập khắp, thứ lớp liên hợp. Đó gọi là tác dụng sai khác của Phật dạy.

Thế nào là Khế kinh? Tức là những lời nói, câu văn được nêu bày trong khắp các kinh, như nói các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh v.v…

Hỏi: Khế kinh có nghĩa gì?

Đáp: Từ này lược nói có hai nghĩa: Là kết tập và san định.

Nghĩa kết tập: Nghĩa là những lời nói của Phật có thể thâu giữ nghĩa, như sợi chỉ xâu kết vòng hoa cài tóc. Như người thợ kết tràng hoa dùng sợi chỉ xâu kết các hoa thành một mão hoa để cài trên đầu chúng sinh, khiến các hoa kết lâu vào nhau không rơi rớt. Cũng thế, phải kết tập các môn nghĩa lý của Phật dạy vào nhau khiến mão tâm của hữu tình nhớ mãi không quên mất.

Nghĩa san định: Nghĩa là lời nói của Phật có nghĩa có thể đoạn dứt, như dây mực của người thợ mộc. Như người thợ khéo léo dùng dây mực đo các khúc gỗ thấy rõ thẳng cong, khúc nào cong thì bỏ chỉ giữ lại các khúc thẳng. Như thế các môn nghĩa của Phật dạy cũng được san định để dễ thấy rõ sự phải trái, bỏ ác, giữ thiện.

Thế nào là Ứng tụng? Nghĩa là trong các kinh, dựa vào câu văn của Khế kinh đã nói rộng ở phần trước, sau đó tóm kết làm tụng để đọc tụng, tức kết tập văn, kết tập phẩm v.v… Như Đức Thế Tôn nói với chúng Bí-sô: Ta nói tri kiến có thể dứt hết các lậu. Nếu không có tri kiến mà có thể dứt hết các lậu thì không có việc đó. Lời Đức Thế Tôn nói bằng văn xuôi, lời văn đó được tóm kết lại thành tụng để đọc tụng như sau:

Có tri kiến lậu hết

Không tri kiến, không thế

Khi rõ uẩn sinh diệt

Tâm giải thoát phiền não.

Thế nào là Ký thuyết? Nghĩa là trong các kinh, các đệ tử hỏi Đức Như Lai việc ghi nói. Hoặc Đức Như Lai hỏi các đệ tử để ghi nói. Hoặc các đệ tử hỏi các đệ tử về việc ghi nói. Hoặc khi hóa độ chư thiên v.v… hỏi ghi cũng như thế. Hoặc trong các kinh có bốn thứ hỏi ghi. Hoặc ghi nói về các quả sẽ chứng, nơi chốn sẽ sinh đến.

Thế nào là Kệ tụng (Già tha)? Nghĩa là trong các kinh các câu phúng tụng được tóm kết từ các phần đã giảng nói kia, tức như Già tha như Lân tụng:

Quen gần gũi ái cùng oán ghét

Liền sinh tham dục và sân giận

Nên các bậc trí đều xa lánh

Riêng xứ kinh hành như Lân giác.

Thế nào là Tự thuyết? Nghĩa là trong các kinh nhân nơi sự việc vui buồn Đức Thế Tôn tự nói. Nhân nơi sự việc vui: Như Đức Phật một thời thấy con voi chúa hoang liền tự nói tụng:

Voi chúa ở đồng hoang

Tâm thư thái không lo

Kẻ trí ẩn rừng vắng

Chí ung dung yên tịnh.

Nhân nơi sự việc ưu tư: Như Đức Phật một thời thấy một đôi vợ chồng già liền đọc tụng:

Trẻ không tu phạm hạnh

Mất hết của báu Thánh

Nay như đôi hạc già

Cùng giữ một ao cạn.

Thế nào là Nhân duyên? Nghĩa là trong các kinh khi gặp những nhân duyên nên có giảng nói. Như các thứ nhân duyên của phẩm nghĩa v.v… Trong Tỳ-nại-da nói: Do Thiện tài tử v.v… lần đầu phạm tội nên Đức Thế Tôn đã tập hợp các Bí-sô Tăng để chế lập Học xứ.

Thế nào là Thí dụ? Nghĩa là trong các kinh đã nói rất nhiều các thứ thí dụ. Như thí dụ dài, thí dụ lớn v.v… Như nơi Kinh Đại Niết Bàn đã nói về người giữ luật v.v…

Thế nào là Bản sự? Nghĩa là trong các kinh nói về các sự việc đã được thấy nghe của kiếp trước. Như nói ở quá khứ có một vương đô lớn tên là Hữu Hương Mao, vua tên là Thiện Kiến. Thời quá khứ có Đức Phật tên là Tỳ Bát Thi vì các đệ tử giảng nói pháp như thế. Thời quá khứ có các Đức Phật tên là Thức Xí, Tỳ Thấp Phược Phù, Yết Lạc Ca Tôn Đà, Yết Nặc Ca Mâu Ni, Ca Diếp Ba đã vì các đệ tử thuyết giảng pháp như thế v.v…

Thế nào là Bản sinh? Nghĩa là trong các kinh đã nêu bày các sự việc đã sống, đã trải qua ở đời quá khứ. Như các kinh Bản Sinh nói về gấu, nai v.v… Như Đức Phật nhân nơi Đề-bạt-đạt-đa nên nói về sự việc bản sinh của năm trăm đời.

Thế nào là Phương quảng? Nghĩa là trong các kinh nói rộng về vô số nghĩa pháp thâm diệu. Như năm ba kinh Phạm Võng, Huyễn Võng, Năm uẩn, Sáu xứ, Đại nhân duyên v.v…

Hiếp Tôn giả nói: Ở đây, Bát-nhã gọi là Phương Quảng do sự việc và tác dụng lớn.

Thế nào là Pháp hy hữu? Nghĩa là trong các kinh nói các sự việc hết sức hy hữu như Tam bảo v.v…

Có Sư khác nói: Những đệ tử tán thán các công đức hy hữu của Đức Thế Tôn. Như Tôn giả Xá-lợi-tử tán dương công đức vô thượng của Đức Thế Tôn. Tôn giả Khánh Hỷ ca tụng về pháp rất hy hữu của Đức Thế Tôn.

Thế nào là Nghị luận? Nghĩa là trong các kinh có những giáo pháp như phán xét, quyết đoán, nói ngầm, nói lớn rộng v.v…

Lại như có lúc Đức Phật thuyết giảng tóm lược về kinh xong, liền vào tĩnh thất yên lặng trong thời gian lâu, khi ấy các bậc Đại Thanh văn cùng tập hợp lại một nơi, dùng các lời văn khác để giải thích lời Phật đã giảng nói.

***

* Thư gọi là pháp gì? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến các kẻ nghi có được quyết định. Nghĩa là trong Luận này biện luận rộng về tự tánh của thắng nghĩa có sai biệt. Chớ nên sinh nghi: Người tạo Luận này chỉ khéo nêu bày về thắng nghĩa, không giải thích về thế tục. Vì nhằm làm rõ tác giả Bản luận, về thắng nghĩa và thế tục đều khéo thông đạt nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thư gọi là pháp gì?

Đáp: Nghĩa là thân nghiệp chuyển biến như lý cùng làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo. Trong đây, thư không phải là chữ được tạo mà chỉ là pháp có thể tạo ra chữ hiện có. Vì pháp ấy có thể tạo thành chữ nên gọi là thư.

Thân nghiệp chuyển biến như lý: Là chỉ rõ về quả được khởi, tức là sắc uẩn.

Làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo: Là hiển bày về nhân của chủ thể khởi, tức là bốn uẩn.

Như thế, năm uẩn là tự tánh của thư.

Hỏi: Số gọi là pháp gì?

Đáp: Nghĩa là ý nghiệp chuyển biến như lý, cùng làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo. Ở đây, số không phải là số lượng trăm ngàn các vật như gạo, mè v.v… được tính đếm mà chỉ là pháp có thể tính đếm hiện có. Vì pháp ấy có thể tính đếm nên gọi là số.

Trong các vị đệ tử của Phật, Tôn giả Khánh Hỷ có biệt tài tính đếm không ai hơn được. Chuyện kể vào một lúc nọ, Tôn giả Khánh Hỷ đắp y mang bát vào thành Quảng nghiêm khất thực, khi ấy trước cửa thành có một ngoại đạo chợt thấy Tôn giả thì nghĩ: Nhân cơ hội gặp vị Sa-môn tính toán giỏi bậc nhất này ta hãy thử xem có thật hay không. Bấy giờ, bên cửa thành có một đại thọ tên là Nặc-cù-đà cành lá sum suê, người ngoại đạo liền đến trước đợi bên gốc cây và hỏi: Thầy có biết lá trên cây hiện có là bao nhiêu chăng? Tôn giả Khánh Hỷ ngước nhìn lên cây liền đáp: Lá trên cây này là bao nhiêu… đó, nói xong liền đi vào thành. Sau đó, ngoại đạo suy nghĩ: Dùng cách nào để nghiệm biết lời nói ấy là đúng sai? Liền bẻ ít lá nhỏ đem giấu. Khi Tôn giả Khánh Hỷ trở ra, anh ngoại đạo vội đến hỏi: Xin nhân giả đếm lại số lá ấy nhất định là bao nhiêu? Tôn giả Khánh Hỷ bảo: Ta đã nói rồi. Anh ngoại đạo lại thưa: Xin thầy nhắc lại một lần nữa. Tôn giả liền nhìn lên cây rồi đáp: Trước có bao nhiêu lá đó, giờ thì thiếu từng ấy lá. Anh ngoại đạo này mừng rỡ, tạ lỗi, khen: Đếm số giỏi nhất chỉ có vị này!

Lại như Tôn giả Ba-la-diễn-noa, khi vừa nhìn thấy cằm của Đức Phật liền nói đây nhất định là có bốn mươi chiếc răng đẹp. Tính đếm giỏi như thế loại ấy có rất nhiều.

Ý nghiệp chuyển biến như lý: Là chỉ rõ về quả được khởi.

Làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo: Là chỉ rõ nhân của chủ thể khởi.

Như thế bốn uẩn là tự tánh của số.

Hỏi: Toán gọi là pháp gì?

Đáp: Nghĩa là ngữ nghiệp chuyển biến như lý cùng làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo. Trong đây, toán không phải là đối tượng được tính toán từ một, mười, trăm, ngàn, vạn, ức v.v… mà chỉ là pháp có thể tính toán hiện có. Vì pháp ấy có thể tính toán nên gọi là toán.

Ngữ nghiệp chuyển biến như lý: Là chỉ rõ về quả được khởi, tức là sắc uẩn.

Làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo: Là chỉ rõ về nhân của chủ thể khởi, tức là bốn uẩn.

Như thế năm uẩn là tự tánh của toán.

Hỏi: Ấn gọi là pháp gì?

Đáp: Nghĩa là thân nghiệp chuyển biến như lý cùng làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo. Ở đây, ấn không phải là việc in ấn được tạo ra mà chỉ là pháp có thể tạo ra việc in ấn hiện có. Vì pháp ấy có thể tạo thành việc in ấn nên gọi là ấn.

Thân nghiệp chuyển biến như lý: Là chỉ rõ về quả được khởi, tức là sắc uẩn.

Làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo: Là chỉ rõ về nhân của chủ thể khởi, tức là bốn uẩn.

Như thế năm uẩn là tự tánh của ấn.

Hỏi: Thi gọi là pháp gì?

Đáp: Nghĩa là ngữ nghiệp chuyển biến như lý cùng làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo. Trong đây, thi không phải là đối tượng được thuật vịnh mà chỉ là pháp có thể tạo thành sự ngâm vịnh hiện có. Vì pháp ấy có thể thành tựu việc ngâm vịnh nên gọi là thi.

Ngữ nghiệp chuyển biến như lý: Là chỉ rõ về quả được khởi, tức là sắc uẩn.

Làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo: Là chỉ rõ về nhân của chủ thể khởi, tức là bốn uẩn.

Như thế năm uẩn là tự tánh của thi.

Hỏi: Đối với các văn tụng những gì là thi, những gì không phải thi?

Đáp: Có thuyết nói: Đức Phật nói không phải là thi, lời người khác nói là thi.

Có Sư khác cho: Nội giáo không phải là thi, ngoại giáo là thi.

Như thế nên nói: Văn, nghĩa tương xứng có thể dẫn đến nghĩa lợi không gọi là thi. Còn thi tức là trái lại, đấy là văn tụng của thế gian.

***

* Các thứ xứ nghiệp công xảo ở thế gian gọi là pháp gì? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn tóm gọn phần văn bao gồm nhiều nghĩa. Tức là nếu tùy theo các xứ nghiệp công xảo để nói rộng thì sinh nhiều ngôn luận. Vì muốn dùng cách nói tóm lược để gồm thâu chúng, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Các thứ xứ nghiệp công xảo ở thế gian gọi là pháp gì?

Đáp: Nghĩa là trí tuệ làm đầu tạo tác các xứ nghiệp công xảo kia, cùng làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo. Trong đây, không biện giải về các sự việc của đối tượng tạo tác, chỉ hiển bày pháp của chủ thể tạo tác.

Tạo tác các xứ nghiệp công xảo kia: Là chỉ rõ về quả đã khởi nơi các nghiệp thân, ngữ, ý theo chỗ thích ứng của chúng.

Làm chỗ nương dựa cho các trí thiện xảo: Là chỉ rõ về nhân của chủ thể khởi.

Như thế hoặc dùng năm uẩn, hoặc dùng bốn uẩn làm tự tánh cho các xứ nghiệp công xảo kia.

Xứ xứ nói về đường oai nghi cùng khởi đường oai nghi. Đường oai nghi nghĩa là lấy bốn xứ sắc, hương, vị, xúc làm thể.

Khởi đường oai nghi: Tức có thể khởi hai xứ là pháp và ý làm thể. Bốn thức nhãn, tỷ, thiệt, thân là gia hạnh của đường oai nghi, không phải là khởi đường oai nghi. Ý thức là gia hạnh của đường oai nghi, cũng là khởi đường oai nghi.

Lại, bốn thức như nhãn v.v… có thể duyên nơi đường oai nghi nhưng không thể duyên nơi khởi đường oai nghi. Ý thức có thể duyên nơi đường oai nghi, cũng có thể duyên nơi khởi đường oai nghi. Ngoài ra, do chỗ dẫn dắt nơi ý thức ấy nên có thể duyên đủ với mười hai xứ.

Xứ xứ nói về xứ công xảo cùng khởi xứ công xảo.

Xứ công xảo: Tức là năm xứ sắc, thanh, hương, vị, xúc làm thể.

Khởi xứ công xảo: Tức là có thể khởi hai xứ ý và pháp làm thể.

Năm thức như nhãn v.v… là gia hạnh của xứ công xảo, không phải là khởi xứ công xảo. Ý thức là gia hạnh của xứ công xảo, cũng là khởi xứ công xảo.

Lại, năm thức như nhãn v.v… có thể duyên nơi xứ công xảo nhưng không thể duyên nơi khởi xứ công xảo. Ý thức có thể duyên nơi xứ công xảo, cũng có thể duyên nơi khởi xứ công xảo. Ngoài ra do chỗ dẫn dắt nơi ý thức này nên có thể duyên đủ với mười hai xứ.

Hỏi: Nếu thành tựu giới học thì cũng thành tựu giới phi học phi vô học chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu giới học không thành tựu giới phi học phi vô học. Nghĩa là người hữu học sinh ở cõi vô sắc, vì giới thế tục ấy đã vượt khỏi địa, cõi nên xả bỏ.

2. Có trường hợp thành tựu giới phi học phi vô học không thành tựu giới học. Nghĩa là các A-la-hán và các phàm phu sinh ở cõi dục và cõi sắc. Các bậc A-la-hán ở cõi dục và cõi sắc nhất định thành tựu giới phi học phi vô học và nhất định không thành tựu giới học, vì đã xả bỏ. Nếu các phàm phu ở nơi cõi dục và cõi sắc hoặc thành tựu giới phi học phi vô học, và tất cả phàm phu nhất định không thành tựu giới học, vì chưa được.

3. Có trường hợp thành tựu giới học cũng thành tựu giới phi học phi vô học. Nghĩa là người hữu học sinh ở cõi dục và cõi sắc, tất cả người hữu học ở cõi dục và cõi sắc nhất định thành tựu giới phi học phi vô học và giới học vì chưa xả bỏ.

4. Có trường hợp không phải thành tựu giới học cũng không phải thành tựu giới phi học phi vô học. Nghĩa là bậc A-la-hán và các phàm phu sinh nơi cõi vô sắc. Sinh vào cõi đó, các A-la-hán nhất định không thành tựu giới học, vì đã xả bỏ. Sinh vào cõi đó, các phàm phu nhất định không thành tựu giới học, vì chưa được. Đối với giới thế tục hai hạng kia đều không thành tựu vì đã vượt khỏi địa, cõi, nên xả bỏ.

Hỏi: Nếu thành tựu giới vô học thì cũng thành tựu giới phi học phi vô học chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp thành tựu giới vô học không thành tựu giới phi học phi vô học. Nghĩa là các bậc A-la-hán sinh nơi cõi vô sắc, vì giới thế tục ấy đã vượt khỏi địa, cõi, nên xả bỏ.

2. Có trường hợp thành tựu giới phi học phi vô học không thành tựu giới vô học. Nghĩa là hàng hữu học và những phàm phu sinh nơi cõi dục và cõi sắc. Hàng hữu học ở cõi dục và cõi sắc nhất định thành tựu giới thế tục. Các phàm phu ở cõi dục và cõi sắc hoặc thành tựu giới thế tục. Cả hai đều không thành tựu giới vô học, vì đều chưa được.

3. Có trường hợp thành tựu giới vô học cũng thành tựu giới phi học phi vô học. Nghĩa là các bậc A-la-hán sinh ở cõi dục và cõi sắc.

4. Có trường hợp không phải thành tựu giới vô học cũng không phải thành tựu giới phi học phi vô học. Nghĩa là các người hữu học và các phàm phu sinh ở cõi vô sắc, cả hai đều chưa được giới vô học, còn giới thế tục kia thì cả hai đều đã xả bỏ.

Hỏi: Các thứ là giới thì cũng là nghiệp chăng?

Đáp: Các thứ là giới tức là nghiệp, nhưng có thứ là nghiệp không phải là giới, đó là ý nghiệp v.v…

Hỏi: Nếu xứ nào có giới thì cũng có nghiệp chăng?

Đáp: Nếu xứ có giới thì cũng có nghiệp. Hoặc có xứ có nghiệp nhưng không có giới, đó là cõi vô sắc v.v…

Hỏi: Nếu thành tựu giới thì cũng thành tựu nghiệp chăng?

Đáp: Nếu thành tựu giới thì cũng thành tựu nghiệp. Có trường hợp thành tựu nghiệp nhưng không thành tựu giới, đó là hàng phàm phu sinh ở cõi vô sắc v.v…

Hỏi: Nếu có giới thì cũng có nghiệp chăng?

Đáp: Nếu có giới thì cũng có nghiệp, nhưng có nghiệp không có giới, nghĩa là các phàm phu sinh ở cõi vô sắc v.v…

HẾT – QUYỂN 126