LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 116

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ HÀNH ÁC, phần 5

Hỏi: Nghiệp này có thể nhận lấy quả của thọ mạng một kiếp, đó là kiếp nào?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Đó là kiếp thành.

Lại có thuyết cho: Đó là kiếp hoại.

Lại có thuyết nêu: Đó là đại kiếp.

Nên nói như vầy: Đấy là trung kiếp. Do người kia cũng có khi chưa hết trung kiếp mà được giải thoát. Như nơi Tỳ-nại-da nói: Đề-bà-bạt-đa phải đợi đến khi loài người có thọ mạng là bốn vạn năm mới sinh trở lại trong nẻo người, tất định sẽ chứng quả vị Bồ-đề Độc giác, Tôn giả Xá-lợi-tử v.v… cũng không thể sánh kịp.

Hỏi: Như thế thì Tụng sau đây nói làm sao thông?

Các kẻ phá hoại Tăng

Phá hoại Tăng hòa hợp

Sinh địa ngục Vô gián

Thọ lượng trải kiếp trụ.

Tôn giả Thế Hữu nói: Giảm một kiếp trụ cũng gọi là một kiếp. Như người nơi thế gian đối với việc giảm một ngày nhận giữ thì nơi chốn làm việc cũng gọi là đủ ngày. Đây cũng như thế.

Hỏi: Tội phá Tăng này cũng có thể nhận lấy dị thục là năm uẩn ở địa ngục. Vì sao chỉ nói là nhận lấy thọ mạng một kiếp?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì thọ mạng là trước, nên Đức Thế Tôn nói chung về việc nhận lấy quả của năm uẩn.

Lại có thuyết cho: Trong đây là Đức Thế Tôn nói về pháp tối thắng. Nghĩa là trong năm uẩn, thọ mạng là tối thắng, thế nên riêng nói.

Lại có thuyết nêu: Thọ mạng có thể duy trì tất cả năm uẩn khiến không tan hoại, thế nên nói riêng.

Lại có thuyết nói: Thọ mạng từ lúc mới sinh đến tận cùng nơi chúng đồng phần là không có gián đoạn, khiến chúng đồng phần cũng không gián đoạn. Pháp khác thì không như vậy, thế nên không nói.

Lại có thuyết cho: Do thọ lượng nên biểu thị nhận biết về thế gian, hoặc tăng hoặc giảm, hoặc tiến hoặc thoái, là hưng thịnh hay suy tàn, thế nên nói riêng.

Hỏi: Vì sao phá Tăng bị tội một kiếp trụ, không phải là khởi tâm ác làm thân Phật chảy máu?

Đáp: Nếu khởi tâm ác làm thân Phật chảy máu là hủy hoại sinh thân của Phật. Nếu phá hoại Tăng là hủy hoại pháp thân của Phật. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều kính trọng pháp thân không kính trọng sinh thân.

Lại có thuyết nêu: Nếu khởi tâm ác làm thân Phật chảy máu thì chỉ hủy hoại sự tôn trọng. Nếu phá hoại Tăng tức gọi là hủy hoại sự tôn trọng đã được tôn trọng. Nếu khởi tâm ác làm thân Phật chảy máu thì chỉ làm thương tổn bậc Đại sư. Nếu phá hoại Tăng tức gọi là làm thương tổn bậc Đại sư đã được tôn xưng là Đại sư. Như Đại sư, các thứ Pháp vương, quy y, nương dựa hướng đến cũng như thế.

Có thuyết nói: Kẻ kia khởi tâm giết hại làm thân Phật chảy máu chỉ là tội thuộc phần gia hạnh, vì Phật là pháp như thế, không thể hại được. Còn phá hoại Tăng thì không như thế, đó là tội thuộc phần căn bản. Như gia hạnh và căn bản, thì gia hạnh và cứu cánh cũng như vậy.

Lại có thuyết cho: Nếu khởi tâm ác làm Phật chảy máu thì phần nhiều không phát khởi gia hạnh rộng lớn, chỉ do bất chợt tức thì mà bị thương. Còn phá hoại Tăng thì không như thế, vì cần phải phát khởi các gia hạnh rộng lớn, hoặc trải qua một tháng cho đến bốn tháng tạo phương tiện để lừa dối dẫn dụ các Bí-sô mới tu học, khiến họ thuận theo sau đấy mới có thể phá, thế nên tội rất nặng.

Lại có thuyết nêu: Nếu khởi tâm ác làm Phật chảy máu thì không làm não loạn đại chúng, tuy làm thân Phật bị thương nhưng không thể khiến Phật sinh tâm não loạn, cũng không quấy nhiễu, không gây ồn ào. Vì khi làm việc này thì chúng sinh nơi thế gian có người nghe biết, có người không nghe biết. Nếu phá hoại Tăng thì gây náo động não loạn khắp đại chúng. Do lúc phá hoại Tăng tức khiến người nên được nhập chánh tánh ly sinh thì không được nhập chánh tánh ly sinh. Người nên được chứng quả thì không được chứng quả. Người nên lìa dục thì không được lìa dục. Người nên dứt hết lậu thì không được dứt hết lậu. Không được trì tụng tư duy về ba Tạng. Không được ở nơi xứ tĩnh lặng suy nghĩ về các pháp, tu tập đẳng chí của tĩnh lự, vô sắc. Không được gieo trồng hạt giống của ba Thừa. Nơi tam thiên đại thiên thế giới pháp luân không chuyển. Âm thanh không được lần lượt truyền đến chư thiên trời Tịnh Cư, khiến giác tuệ của họ không được an tĩnh, sáng rõ hiện hành. Nếu khi Tăng đã bị phá trở lại hòa hợp, thì người nên nhập chánh tánh ly sinh tức nhập chánh tánh ly sinh. Người nên được chứng quả tức được chứng quả. Người nên lìa dục thì được lìa dục. Người nên dứt hết lậu tức được dứt hết lậu. Tức có trì tụng tư duy về ba Tạng. Ở nơi xứ vắng lặng suy nghĩ về các pháp, tu tập đẳng chỉ của tĩnh lự, vô sắc, cũng có thể gieo trồng hạt giống của ba Thừa. Khắp tam thiên đại thiên thế giới, pháp luân lại chuyển. Âm thanh lần lượt truyền đến chư thiên trời Tịnh Cư, khiến giác tuệ của họ lại được an tĩnh sáng rõ hiện hành. Do nhân duyên ấy, tức nên khởi tâm ác làm thân Phật chảy máu, thì không thể sinh khởi tội trải qua kiếp trụ. Nếu phá hoại tăng tức có thể sinh khởi tội trải qua kiếp trụ.

Hỏi: Tăng bị phá lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Lấy bất tương ưng hành vô phú vô ký không hòa hợp làm tự tánh, là thuộc về hành uẩn bất tương ưng, tức như nơi xứ khác đã nói.

Ngoài ra lại có chủng loại bất tương ưng hành như thế. Do đó, Tăng bị phá khác, tội phá Tăng khác. Tăng bị phá là tánh không hòa hợp vô phú vô ký, là thuộc về hành uẩn bất tương ưng. Còn tội phá Tăng là nói lời hư dối, là ngữ nghiệp bất thiện, thuộc về sắc uẩn. Cũng như thể thoái chuyển khác, pháp thoái chuyển cũng khác. Thể thoái chuyển là tánh không thành tựu vô phú vô ký, thuộc về hành uẩn bất tương ưng. Còn pháp thoái chuyển là bất thiện hữu phú vô ký, thuộc về năm uẩn. Đây cũng như thế. Tăng bị phá khác, tội phá Tăng khác. Do đấy Tăng bị phá là do Tăng đã tạo thành, còn tội phá Tăng thì do người phá Tăng tạo nên.

Hỏi: Ở nơi xứ nào có phá Tăng?

Đáp: Là nơi nẻo người ở cõi dục. Nếu phá yết-ma Tăng thì chung nơi ba châu. Nếu phá pháp luân Tăng thì chỉ có ở châu Thiệm bộ. Vì sao? Vì ở nơi xứ nào có bậc Đại sư có thể đạt được và đạo có thể đạt được thì xứ ấy có phá pháp luân. Ở ba châu còn lại không có bậc Đại sư và đạo thế nên cũng không có sự việc phá pháp luân. Ví như ở thế gian, nếu nơi xứ nào có vua thì ở xứ ấy có vua giả khởi lên, nơi xứ nào có lực sĩ thì nơi xứ đó có kẻ đấu sức khởi lên. Đây cũng như thế. Nếu ở nơi xứ này có bậc Đại sư thì ở đấy có tà sư khởi lên. Nếu xứ này có đạo thì ở đấy có tà đạo khởi lên. Pháp như thế tức chánh tà ở cùng xứ nhưng trái nhau.

Hỏi: Phá yết-ma Tăng và phá pháp luân Tăng có gì khác nhau?

Đáp: Phá yết-ma Tăng, tức ở trong một cương giới mà có hai bộ Tăng, mỗi mỗi bộ đều trụ riêng, làm lễ Bố sái tha (Bố-tát) yếtma, thuyết giới đều riêng. Còn phá pháp luân, nghĩa là tạo lập bậc Đại sư khác, đạo khác. Như Đề-bà-đạt-đa nói: Ta là Đại sư, không phải là Sa-môn Kiều-đáp-ma. Năm pháp là đạo, không phải là tám chi Thánh đạo do Kiều-đáp-ma nói ra. Vì sao? Vì nếu ai có thể tu tập năm pháp này thì nhanh chóng chứng được Niết-bàn, không phải là tám chi đạo. Những gì là năm pháp? Đó là:

  1. Suốt đời mặc y phấn tảo.
  2. Suốt đời khất thực để sống.
  3. Suốt đời chỉ ngồi một chỗ để ăn.
  4. Suốt đời luôn ở nơi khoảng đất trống xa.
  5. Suốt đời không ăn các thứ cá thịt, vị máu, muối, tô, sữa v.v..

Đó gọi là phá yết-ma Tăng và phá pháp luân Tăng có khác nhau.

Hỏi: Khi phá Tăng ít nhất phải có bao nhiêu người thì sự việc phá Tăng mới thành?

Đáp: Khi phá yết-ma Tăng ít nhất phải là tám người, vì bốn người trở lên mới gọi là Tăng, ba người thì không như thế. Ở trong cùng một cương giới, có hai bộ Tăng thảy đều trụ riêng, đều làm lễ Bố sái tha, Yết-ma thuyết giới riêng mới được gọi là hủy hoại yếtma. Còn phá pháp luân Tăng ít nhất là có chín người, do trong một cương giới có hai bộ Tăng thảy đều trụ riêng. Ở trong bộ không biết hổ thẹn, nhất định có riêng một chúng đã tôn trọng một người có thể chỉ dạy, nên biết tức là Đề-bà-đạt-đa. Ở trong chánh chúng ít nhất là bốn người, còn đối với tà chúng thì ít nhất là năm người. Như vậy, mức ít nhất cho đến chín người thì pháp luân Tăng mới bị hủy hoại. Hỏi: Ngang với mức độ nào nên nói pháp luân Tăng bị hủy hoại?

Đáp: Luận Thi Thiết nói: Đề-bà-đạt-đa tự làm người thứ năm đều cùng nhận thẻ. Ngang với mức độ này nên nói là pháp luân Tăng bị hủy hoại.

Lại có thuyết nói: Chỉ cần làm lễ tác bạch xong.

Lại có thuyết cho: Lìa bỏ nơi chốn nghe biết (Nơi chốn mình tu học).

Lại có thuyết nêu: Lìa bỏ nơi chốn thấy biết (Nơi chốn mình tu học).

Lại có thuyết nói: Lìa bỏ nơi chốn thấy nghe.

Nên nói như thế này: Nếu do ý lạc nhận theo Đại sư khác. Tức là đám các Bí-sô ngu si kia, do ý lạc quyết định nên phát khởi tâm như thế, nói ra lời nói như thế: “Đề-bà-đạt-đa là bậc Đại sư của ta không phải là Đức Phật Thế Tôn”. Ngang với mức độ này nên nói là pháp luân Tăng đã bị hủy hoại.

Hỏi: Có những chủng loại Bổ-đặc-già-la nào phá pháp luân Tăng?

Đáp: Có hai thứ Bổ-đặc-già-la, một là ái hành, hai là kiến hành. Chỉ có loại kiến hành là phá pháp luân Tăng, không phải là loại ái hành. Vì những kẻ kiến hành hiện có ý lạc bền chắc, mạnh mẽ, đối với phẩm tạp nhiễm, thanh tịnh luôn hành tác quyết định không có thoái chuyển. Những người ái hành thì không có sự việc như thế, nên không thể phá. Lại nữa, chỉ có người nam mới phá pháp luân Tăng, không phải là người nữ, hoặc những kẻ bán nam bán nữ v.v… Vì sao?

Vì khi phá pháp luân Tăng theo pháp như thế để tự an lập làm bậc Đại sư, nhưng các người nữ không phải là pháp khí tăng thượng, đối với bậc Đại sư không phải là phần việc của mình. Nhưng có thể tạo phương tiện rộng cho việc phá Tăng, như trường hợp Bí-sô-ni Thô Hỷ v.v… Các hạng bán nam bán nữ, không hình, hai hình thì đều là loại ái hành. Các người ái hành thì ý lạc hiện có không mạnh mẽ, bền chắc, đối với phẩm nhiễm tịnh đều không quyết định. Thế nên loại Bổ-đặc-già-la này không thể phá Tăng.

Hỏi: Vào thời gian nào thì phá pháp luân Tăng?

Đáp: Ở trong sáu thời sau đây thì không thể phá Tăng, nơi các thời gian khác thì có thể phá. 1. Thời gian đầu. 2. Thời gian sau. 3. Thời gian hai sự rạn nứt chưa xuất hiện. 4. Thời gian chưa hòa hợp cùng kiết giới. 5. Thời gian chưa kiến lập đôi thứ nhất. 6. Thời gian sau Đức Phật nhập Niết-bàn.

Không phải nơi thời gian đầu và sau: Vì trong hai thời gian này các chúng Bí-sô đối với Thánh giáo luôn hòa hợp một vị nên không thể phá hoại.

Không phải vào thời gian hai sự rạn nứt chưa xuất hiện: Tức thời gian trong Thánh giáo chưa sinh ra hai thứ rạn nứt chia rẽ về giới, kiến.

Không phải vào thời gian chưa hòa hợp cùng kiết giới: Chủ yếu là trong một cương giới có hai bộ Tăng trụ riêng, những điều thừa nhận khác nhau mới gọi là phá Tăng.

Không phải vào thời gian chưa kiến lập đôi thứ nhất: Nghĩa là khi chưa kiến lập được một đôi gồm hai vị thứ nhất, thì nhất định không thể phá pháp luân Tăng. Vì chư Phật theo pháp như thế đều có đôi đệ tử Hiền Thánh bậc nhất. Nếu có phá hoại pháp luân Tăng rồi mà không trải qua một ngày đêm, thì đôi thứ nhất này sẽ trở lại khiến hòa hợp.

Không phải vào thời gian sau khi bậc Đại sư nhập Niết-bàn: Nếu sau khi bậc Đại sư nhập Niết-bàn, mà nói: Ta là bậc Đại sư, không phải là Như Lai, thì đại chúng cùng chê trách: Lúc bậc Đại sư còn tại thế sao ông không nói ta là bậc Đại sư, nay Ngài nhập Niếtbàn rồi mới nói lời ấy.

Thế nên quyết định ở nơi sáu thời gian này thì pháp luân không thể hủy hoại. Các thời gian khác thì pháp luân có thể hủy hoại.

Hỏi: Trụ vào những tâm nào để phá Tăng?

Đáp: Hoặc có thuyết cho: Trụ vào nhãn thức.

Lại có thuyết nêu: Trụ vào nhĩ thức.

Lại có thuyết nói: Trụ nơi ý thức.

Nên nói như thế này: Trong sáu thức thân tùy trụ nơi một thức đều có thể phá Tăng.

Hỏi: Trụ vào những thọ nào để phá Tăng? Đáp: Hoặc có thuyết nói: Trụ vào lạc căn.

Lại có thuyết cho: Trụ nơi khổ căn.

Lại có thuyết nêu: Trụ vào hỷ căn.

Lại có thuyết biện: Trụ nơi ưu căn.

Lại có thuyết nói: Trụ vào xả căn.

Nên nói như vầy: Ở trong năm thọ tùy trụ nơi một thọ đều cùng phá Tăng.

Hỏi: Tăng bị phá là quả của tâm nào?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Là quả của tâm xuất gia. Vì sao? Vì ở tại gia thì không có sự việc phá hoại Tăng.

Lại có thuyết cho: Là quả của tâm thọ cụ giới. Vì sao? Vì hạng Cần sách (Sa-di) không có việc phá hoại Tăng.

Lại có thuyết nêu: Nếu nhận lấy sự gần gũi thì là quả của tâm thọ cụ giới. Nếu nhận lấy sự xa cách thì là quả của tâm xuất gia.

Nên nói như thế này: Nếu trụ vào tâm này để phá hoại Tăng tức là quả của tâm ấy.

Hỏi: Những chủng loại Bổ-đặc-già-la nào có thể phá hoại Tăng?

Đáp: Chỉ là phàm phu, không phải là các Thánh giả. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn đã có ký thuyết: Không xứ nào, không chấp nhận tất cả Thánh giả có thể phá hoại Tăng.

Hỏi: Những vị đã được thuận phần quyết trạch thì có thể phá hoại Tăng không?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Trừ những người ấy, các người còn lại thì có thể phá hoại.

Lại có thuyết cho: Hạng người ấy cũng có thể phá hoại. Vì sao? Vì Đức Thế Tôn chỉ ký thuyết: Không xứ nào, không chấp nhận tất cả Thánh giả là có thể phá hoại. Không nói các hạng người khác.

Hỏi: Như Đề-bà-đạt-đa có thể phá hoại Tăng, vì sao nói quyến thuộc của Đức Thế Tôn là không thể phá hoại?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu nói: Trong đây nói bốn hướng và bốn quả gọi là quyến thuộc của Đức Thế Tôn, đó là những đệ tử chân thật, là những vị Tăng chân thật nên không thể phá hoại. Lại nữa, quyến thuộc của Đức Phật có hai: Một là phàm phu. Hai là Thánh giả. Đềbà-đạt-đa chỉ phá hoại nơi hạng phàm phu. Do đấy nên nói ông ấy có thể phá hoại Tăng. Tất cả Thánh giả thì đều không thể phá hoại. Thế nên nói quyến thuộc của Đức Thế Tôn là không thể phá hoại.

Đại đức nói: Quyến thuộc của Đức Phật có hai thứ là nội và ngoại. Nội tức là các Thánh giả không động không hoại. Còn ngoại tức là hạng phàm phu có thể động, có thể hoại. Ở đây, do hàng phàm phu có thể động, có thể hoại, nên Đề-bà-đạt-đa có thể phá hoại Tăng.

Còn Thánh giả thì không động không hoại, nên nói quyến thuộc của Đức Thế Tôn là không phá hoại.

Hỏi: Khi Tăng bị phá thì Đức Phật có ở trong chúng không?

Đáp: Khi ấy Đức Phật ở nơi giới nội không ở trong chúng. Làm sao nhận biết được? Từng nghe lúc Đề-bà-đạt-đa sắp sửa phá hoại Tăng, Đức Phật vì từ bi nên đã quở trách, ngăn chận nói: Này Đề-bàđạt-đa! Ông chớ nên phá hoại Tăng, chớ nên dấy khởi nghiệp ác bất thiện hết sức nặng ấy, chớ nên hướng đến nơi chốn của quả khổ lớn không đáng yêu thích ấy. Đức Phật tuy ân cần quở trách, ngăn chận như thế, nhưng Đề-bà-đạt-đa đều không chịu dứt bỏ tâm ác kia. Bấy giờ, Đức Thế Tôn khởi trí kiến chân chánh quán xét kỹ về đời trước, hẳn là thời xưa mình đã từng phá bỏ quyến thuộc của kẻ khác. Liền tự quán xét thấy nơi vô lượng vô số kiếp về trước, mình từng phá hoại quyến thuộc của tiên nhân kia. Do dị thục của nghiệp ấy nay đã hiện tiền, nên quán thấy sự việc ấy rồi, biết là Tăng chúng này nhất định sẽ bị phá hoại. Đức Thế Tôn liền vào tĩnh thất yên lặng an tọa. Đề-bà-đạt-đa bèn thực hiện việc phá hoại Tăng. Nên biết Đức Thế Tôn ở nơi giới nội, không ở trong chúng.

Hỏi: Là tất cả Phật đều có sự việc phá hoại Tăng như vậy chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không phải thế. Vì sao? Vì nếu có nghiệp phá hoại kẻ khác như vậy được tạo tác tăng trưởng mới có phá Tăng. Nếu không có nghiệp ấy thì không có phá Tăng. Chỉ Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni từng có tạo tác làm tăng trưởng nghiệp ấy, nên nay Tăng bị phá, các vị Phật khác thì không như thế.

Có thuyết cho: Các vị Phật khác cũng có việc phá Tăng. Từng nghe vào thời Phật Ca Diếp Ba, có Bí-sô tên là Hoa Thượng, là con của Dự Thượng, tạo năm nghiệp vô gián, đoạn dứt căn thiện.

Hỏi: Đề-bà-đạt-đa là trước phá Tăng sau đoạn căn thiện, hay là trước đoạn căn thiện sau mới phá Tăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nêu: Ông ấy trước phá Tăng, sau mới đoạn căn thiện. Vì sao? Vì cần phải có đủ Thi la, đa văn, đoan nghiêm, uy đức của quý tộc, ngôn từ khéo léo mới có thể phá Tăng. Nếu đoạn căn thiện, liền mất tịnh giới, không tăng thượng, nên không thể phá Tăng.

Tôn giả Thế Hữu cũng nói: Đề-bà-đạt-đa trước phá hoại Tăng sau mới đoạn dứt căn thiện. Nếu trước đoạn dứt căn thiện rồi sau phá Tăng thì ở nơi lúc phá Tăng tức nên không thể sinh tội một kiếp trụ. Vì sao? Vì không phải Bổ-đặc-già-la đoạn dứt căn thiện, ở trong phi pháp khởi tưởng phi pháp, ở trong sự việc phá Tăng khởi tưởng có tội. Nếu đối với phi pháp khởi tưởng là pháp, ở trong sự việc phá Tăng khởi tưởng không có tội, mà phá Tăng thì chung cuộc không thể sinh tội một kiếp trụ. Điều chính yếu là ở nơi phi pháp khởi tưởng phi pháp, ở trong sự việc phá Tăng khởi tưởng có tội, như thế mà phá Tăng thì mới có thể sinh khởi tội một kiếp trụ.

Hỏi: Vì đạo lý này, các kẻ phá hoại Tăng tất cả đều sinh tội là một kiếp trụ chăng? Nếu như có kẻ có thể sinh tội một kiếp trụ, thì tất cả đều là có thể phá Tăng chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Hoặc có kẻ phá Tăng nhưng không phải có thể sinh khởi tội một kiếp trụ. Nghĩa là kẻ đối với phi pháp khởi tưởng là pháp và đối với việc phá Tăng khởi tưởng không có tội mà phá hoại Tăng.

2. Hoặc có kẻ có thể sinh khởi tội một kiếp trụ nhưng không phải là phá Tăng. Nghĩa là kẻ đoạn dứt căn thiện.

3. Hoặc có kẻ phá Tăng cũng có thể sinh khởi tội một kiếp trụ. Nghĩa là kẻ đối với phi pháp khởi tưởng là phi pháp, ở trong sự việc phá Tăng khởi tưởng là có tội, mà phá hoại Tăng.

4. Hoặc có kẻ không thể không phá hoại Tăng cũng không thể sinh khởi tội một kiếp trụ. Nghĩa là trừ các trường hợp trước.

Đại đức nói: Khi kẻ kia khởi gia hạnh phá Tăng thì cũng khởi gia hạnh đoạn dứt căn thiện. Khi khởi gia hạnh đoạn dứt căn thiện thì cũng khởi gia hạnh phá Tăng. Thế nên khi kẻ ấy phá Tăng thì cũng đoạn dứt căn thiện. Khi kẻ ấy đoạn dứt căn thiện thì cũng là phá Tăng. Kẻ kia do cùng lúc tạo hai tội nên đã gây tạo nghiệp ác bất thiện rất nặng, nhưng tâm không có một niệm hối tiếc, hổ thẹn.

Hỏi: Các kẻ tạo nghiệp vô gián thì chúng cũng đoạn dứt căn thiện chăng? Nếu như đoạn dứt căn thiện thì cũng tạo nghiệp vô gián chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Hoặc có kẻ tạo nghiệp vô gián nhưng không đoạn dứt căn thiện. Đó là như vua Vị Sinh Oán (Vua A-xà-thế).

2. Hoặc có kẻ đoạn dứt căn thiện nhưng không tạo nghiệp vô gián. Đó là như đám Lục sư.

3. Hoặc có kẻ tạo nghiệp vô gián cũng đoạn dứt căn thiện. Đó là như Đề-bà-đạt-đa bắt đầu tách lìa đại chúng.

4. Hoặc có kẻ không tạo nghiệp vô gián cũng không đoạn dứt căn thiện. Đó là trừ các trường hợp nêu trước.

Trong ba hành diệu thì thứ nào có quả lớn nhất? Đó là tư trong đẳng chí của hữu thứ nhất. Vì nghiệp này có thể nhận được quả có thọ lượng tám vạn kiếp nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nên biết ở đây là dựa vào quả dị thục để hỏi, nên đã đáp như thế. Nếu dựa nơi năm quả hoặc chỉ dựa vào quả Ly hệ để hỏi tức nên đáp thế này: Nghĩa là định Kim cang dụ tương ưng với tư thì tư này có thể chứng được quả tất cả kiết đều dứt hết và đoạn nhận biết khắp. Do ý ở đây chỉ hỏi về quả dị thục nên đáp như thế.

Hỏi: Là một tư có thể chiêu cảm thọ lượng tám vạn kiếp hay là nhiều tư? Nếu là một tư, thì vì sao ít nghiệp có thể chiêu cảm nhiều quả? Nếu là nhiều tư thì vì sao không gọi là phần quả của một chúng đồng phần phân biệt chiêu cảm?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Chỉ một tư là có thể chiêu cảm.

Hỏi: Như thế vì sao ít nghiệp mà có thể chiêu cảm nhiều quả?

Đáp: Trước là do một tư chiêu cảm chung, sau là do nhiều tư mới thành đủ. Ví như người vẽ trước dùng một màu phác họa, sau mới dùng nhiều màu sắc thêm vào. Đây cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Do nhiều tư mới có thể chiêu cảm.

Hỏi: Như thế vì sao không gọi là phần quả của một chúng đồng phần phân biệt chiêu cảm?

Đáp: Ở trong định ấy, khi duyên nơi một cảnh giới, một loại hành tướng thì có rất nhiều tư nối tiếp nhau khởi lên. Hoặc có khi có thể chiêu cảm thọ lượng mười ngàn kiếp. Hoặc có khi có thể chiêu cảm thọ lượng hai mươi ngàn kiếp. Hoặc có khi có thể chiêu cảm thọ lượng ba mươi ngàn kiếp, bốn mươi ngàn kiếp. Có nhiều phần tư như thế phân biệt chiêu cảm. Nhưng dựa vào gia hạnh trước của một thứ định, khởi một loại định, duyên với một cảnh giới có một loại hành tướng, thì có nhiều tư cùng nối tiếp hiện tiền mà chiêu cảm, nên gọi là một thân.

Nên nói như thế này: Một tư chiêu cảm chung và nhiều tư thành đủ.

Hỏi: Tư này là thuộc về địa cận phần hay là thuộc về địa căn bản?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Là địa cận phần. Có thuyết khác cho: Là địa căn bản. Nên nói như thế này: Đây tức không nhất định. Hoặc là địa cận phần. Hoặc là địa căn bản. Vì sao? Vì tất cả tư là đồng một địa.

Hỏi: Tám vạn kiếp ấy thuộc về kiếp nào?

Đáp: Hoặc có thuyết cho: Đây là kiếp trung. Lại có thuyết nêu: Đó là kiếp thành. Lại có thuyết biện: Đó là kiếp hoại. Nên nói như vầy: Đây là đại kiếp.

Hỏi: Nghiệp này có thể nhận lấy dị thục của bốn uẩn, vì sao chỉ nói nhận lấy quả có thọ lượng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Do thọ lượng là trước nên Đức Thế Tôn nói chung là nhận lấy quả của bốn uẩn.

Lại có thuyết cho: Ở đây Đức Thế Tôn nói về pháp tối thắng. Nghĩa là trong bốn uẩn thì thọ lượng là tối thắng, thế nên nói riêng.

Có thuyết nêu: Chỉ thọ lượng là có thể duy trì bốn uẩn khiến không tan hoại. Do đó nên nói riêng.

Có thuyết biện: Thọ mạng đối với một kỳ hạn là không dứt khiến chúng đồng phần cũng không gián đoạn. Các pháp khác thì không như thế, do đó nói riêng.

Lại có thuyết nói: Do thọ lượng nên biểu hiện nhận biết về thế gian, hoặc tăng hoặc giảm, hoặc tiến hoặc thoái, hoặc hưng hoặc suy. Do nhân duyên ấy nên nói riêng về thọ lượng.

Như nói về hành ác, hành diệu có thể chiêu cảm quả rất lớn đáng yêu thích và không đáng yêu thích. Như thế cũng nên nói rộng về các căn thiện, bất thiện cùng mười nghiệp đạo. Nghĩa là trong ba căn bất thiện thì thứ nào gây tạo tội lớn nhất? Đó là có thể khởi nói lời hư dối phá hoại Tăng. Căn bất thiện này có thể nhận lấy quả có thọ lượng một kiếp nơi địa ngục Vô gián.

Trong mười nghiệp đạo bất thiện thì thứ nào gây tạo tội lớn nhất? Đó là nói lời hư dối phá hoại Tăng. Vì nghiệp này có thể nhận lấy quả có thọ lượng là một kiếp nơi địa ngục Vô gián.

Nơi ba căn thiện thì thứ nào có quả lớn nhất? Đó là có thể khởi tư trong đẳng chí của hữu thứ nhất. Căn thiện này có thể nhận lấy quả có thọ lượng tám vạn kiếp nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Trong mười nghiệp đạo thiện thì thứ nào có quả lớn nhất? Đó là cùng với tư trong đẳng chí của hữu thứ nhất kết hợp. Vì nghiệp đạo này có thể chiêu cảm quả có thọ lượng tám vạn kiếp nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Nên biết trong đây, vì lược nói nên chỉ nói về quả lớn nhất của hành ác và hành diệu không phải thứ khác.

***

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ TÀ NGỮ, phần 1

* Các tà ngữ thì chúng cũng là tà mạng chăng? Nếu như là tà mạng thì chúng cũng là tà ngữ chăng? Các chương như thế và việc giải thích nghĩa của các chương, đã lãnh hội rồi tiếp theo nên giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn ngăn chận các Tông chỉ khác, nhằm hiển bày nghĩa lý của mình. Tức như phái Thí Dụ nói: Lìa ngữ và nghiệp thì riêng có thể tánh của chánh mạng và tà mạng. Vì sao phái ấy nêu bày như thế? Là do dựa nơi Khế kinh. Như Khế kinh nói về tám chi Thánh đạo, phái ấy biện biệt: Đức Phật nói tám chi đạo mỗi thứ đều có Thể tánh riêng, không cùng xen tạp lẫn lộn. Do đó, nên nói chánh mạng và tà mạng, khi lìa ngoài ngữ và nghiệp, thì có thể tánh có thể đạt được. Vì để ngăn chận ý tưởng ấy, nêu bày rõ chánh mạng v.v… đều tức là ngữ nghiệp, nên tạo ra phần Luận này.

Như ở trong nghiệp đạo ngữ bất thiện, nếu có tham khởi lên gọi là tà ngữ cũng gọi là tà mạng, là vì do mạng nên khởi lên. Nếu sân, si khởi lên thì chỉ gọi là tà ngữ, không gọi là tà mạng, vì không do mạng nên khởi.

Ở trong nghiệp đạo thân bất thiện, nếu có tham khởi lên gọi là tà nghiệp, cũng gọi là tà mạng. Còn sân, si khởi lên chỉ gọi là tà nghiệp, không gọi là tà mạng. Lý do như trước đã nói.

Ở trong nghiệp đạo ngữ thiện, nếu không tham khởi lên gọi là chánh ngữ, cũng gọi là chánh mạng, vì để đối trị tà mạng. Nếu không sân, si khởi lên gọi là chánh ngữ, không gọi là chánh mạng. Lý do như trước đã nói.

Ở trong nghiệp đạo thân thiện, nếu không tham khởi lên gọi là chánh nghiệp, cũng gọi là chánh mạng. Nếu không sân, si khởi lên gọi là chánh nghiệp, không gọi là chánh mạng. Lý do như trước đã nói.

Do đấy tức hiển bày chánh mạng và tà mạng đều gồm thâu ngữ nghiệp để làm thể tánh. Đó gọi là ở xứ này đã tóm lược về Tỳ-bà-sa.

Hỏi: Các thứ tà ngữ thì chúng là tà mạng chăng? Nếu như là Tà mạng thì chúng là tà ngữ chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là tà ngữ không phải là tà mạng. Nghĩa là trừ bốn hành ác của ngữ tiến đến tà mạng, còn lại là các hành ác của ngữ khác. Tức là các ngữ nghiệp do sân si khởi lên, là tánh của ngữ nghiệp nên không phải do mạng nên khởi.

2. Có thứ là tà mạng không phải là tà ngữ. Nghĩa là ba hành ác của thân tiến đến tà mạng. Tức là các thân nghiệp do tham khởi lên là vì mạng nên khởi, chúng không phải là tánh của ngữ nghiệp. Các trường hợp sau nên dựa theo đây để giải thích.

3. Có thứ là tà ngữ cũng là tà mạng. Nghĩa là bốn hành ác của ngữ đã khởi tà mạng.

4. Có thứ không phải là tà ngữ cũng không phải là tà mạng. Nghĩa là trừ ba hành ác của thân tiến đến tà mạng, còn lại là các hành ác của thân khác.

Hỏi: Các thứ tà nghiệp thì chúng là tà mạng chăng? Nếu như là tà mạng thì chúng là tà nghiệp chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là tà nghiệp không phải là tà mạng. Nghĩa là trừ ba hành ác của thân tiến đến tà mạng, còn lại là các hành ác của thân khác. Tức các thân nghiệp do sân si khởi lên, là tánh của thân nghiệp nên không phải do mạng nên khởi.

2. Có thứ là tà mạng không phải là tà nghiệp. Nghĩa là bốn hành ác của ngữ tiến đến tà mạng. Tức là các ngữ nghiệp do tham khởi lên vì là mạng nên khởi, không phải là tánh của thân nghiệp. Hai trường hợp sau cũng dựa theo đấy để giải thích.

3. Có thứ là tà nghiệp cũng là tà mạng. Nghĩa là ba hành ác của thân tiến đến tà mạng.

4. Có thứ không phải là tà nghiệp cũng không phải là tà mạng. Nghĩa là trừ bốn hành ác của ngữ tiến đến tà mạng, còn lại là các hành ác của ngữ khác. Trong đây, các tham đã khởi lên đều do tiến đến tà mạng nên gọi là tà mạng.

Hỏi: Các thứ chánh ngữ thì chúng là chánh mạng chăng? Nếu như là chánh mạng thì chúng là chánh ngữ chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là chánh ngữ không phải là chánh mạng. Nghĩa là trừ bốn hành diệu của ngữ tiến đến chánh mạng, còn lại là các hành diệu của ngữ khác. Tức các ngữ nghiệp do không sân, si khởi lên, vì là tánh của ngữ nghiệp nên không phải là đối trị tà mạng.

2. Có thứ là chánh mạng không phải là chánh ngữ. Nghĩa là ba hành diệu của thân tiến đến chánh mạng. Tức là các thân nghiệp do không tham khởi lên, là đối trị tà mạng, nên không phải là tánh của ngữ nghiệp. Hai trường hợp sau cũng dựa theo đây để giải thích.

3. Có thứ là chánh ngữ cũng là chánh mạng. Nghĩa là bốn hành diệu của ngữ tiến đến chánh mạng.

4. Có thứ không phải là chánh ngữ cũng không phải là chánh mạng. Nghĩa là trừ ba hành diệu của thân tiến đến chánh mạng, còn lại là các hành diệu của thân khác.

Hỏi: Các thứ chánh nghiệp thì chúng là chánh mạng chăng? Nếu như là chánh mạng thì chúng là chánh nghiệp chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là chánh nghiệp không phải là chánh mạng. Nghĩa là trừ ba hành diệu của thân tiến đến chánh mạng, còn lại là các hành diệu của thân khác. Tức là các thân nghiệp do không sân không si khởi lên, vì là tánh của thân nghiệp nên không phải là đối trị tà mạng.

2. Có thứ là chánh mạng không phải là chánh nghiệp. Nghĩa là bốn hành diệu của ngữ tiến đến chánh mạng. Tức là các ngữ nghiệp do không tham khởi lên, là đối trị tà mạng, nên không phải là tánh của thân nghiệp. Hai trường hợp sau cũng dựa theo đây để giải thích.

3. Có thứ là chánh nghiệp cũng là chánh mạng. Nghĩa là ba hành diệu của thân tiến đến chánh mạng.

4. Có thứ không phải là chánh nghiệp cũng không phải là chánh mạng. Nghĩa là trừ bốn hành diệu của ngữ tiến đến chánh mạng, còn lại là các hành diệu của ngữ khác. Trong đây, các thứ không tham đã khởi đều do tiến đến chánh mạng nên gọi là chánh mạng.

Đã hiển bày tóm tắt về tướng xen lẫn, không xen lẫn, nay sẽ nói rộng về tướng sai khác của chúng. Nghĩa là nếu có người vì nhân duyên tạo lợi ích cho mạng sống nên khởi lên các hành ác thì đấy gọi là tà ngữ, tà nghiệp, cũng gọi là tà mạng, là tánh của các ngữ nghiệp do mạng khởi lên. Nếu có người vì các thứ nhân duyên nên khởi các hành ác thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, không gọi là tà mạng, vì tánh của ngữ nghiệp tức không phải do mạng nên khởi. Các môn khác cũng căn cứ theo đây để giải thích.

Lại nữa, nếu có người tùy theo các thứ minh chú của bàng sinh duyên với mạng sống tà vạy khởi lên các hành ác thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, cũng gọi là tà mạng. Nếu có người vì các thứ nhân duyên khác khởi lên các hành ác thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, không gọi là tà mạng.

Lại nữa, nếu do nhân duyên của bốn ái khởi lên các hành ác thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, cũng gọi là tà mạng. Nếu do các nhân duyên khác khởi lên các hành ác thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, không gọi là tà mạng.

Lại nữa, nếu có người hiện tướng giả trá dùng lợi cầu lợi, duyên nơi năm thứ tà mạng, khởi lên các hành ác, thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, cũng gọi là tà mạng. Nếu vì các duyên khác khởi lên các hành ác thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, không gọi là tà mạng.

Lại nữa, nếu khởi các gia hạnh của hành ác thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, cũng gọi là tà mạng. Nếu khởi nghiệp đạo căn bản của hành ác thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, không gọi là tà mạng. Vì sao? Vì gia hạnh thì khó đoạn trừ, không phải như căn bản.

Lại nữa, nếu khởi vô số các thứ già tội thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, cũng gọi là tà mạng. Nếu khởi các thứ tánh tội thì gọi là tà ngữ, tà nghiệp, không gọi là tà mạng. Vì sao? Vì giả tội thì khó đề phòng ngăn giữ không phải như tánh tội.

Do sáu môn, bảy môn như thế đã nói về đạo lý, nên quyết định không thể lìa ngoài ngữ nghiệp để lập riêng tà mạng.

Hỏi: Nếu như thế vì sao nói ba thứ tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, và ở trong kinh nói tám chi Thánh đạo thì ngoài chánh ngữ, chánh nghiệp riêng nói về chánh mạng?

Đáp: Vì Đức Phật cho tà mạng là lừa dối mê hoặc nơi người, do vi tế khó nhận biết, nên cùng với ngữ nghiệp đồng thời chỉ rõ và lại nêu bày riêng nữa. Như khi trừ diệt chung đám quân tướng giặc dữ rồi lại riêng bêu đầu từng tên.

Lại có thuyết cho: Vì các thứ tà mạng khó có thể trừ sạch, nên cùng với ngữ nghiệp đồng thời chê trách, rồi lại chê trách riêng nữa. Cũng như người nữ làm việc tà dục và có các dục phiền não thì đồng thời nói về lỗi lầm rồi lại chê trách riêng.

Hỏi: Vì sao tà mạng khó có thể trừ sạch?

Đáp: Nghĩa là có hai thứ khó trừ khó bỏ. Đó là tà kiến của người tại gia và tà mạng của người xuất gia. Các người tại gia tuy rất thông sáng, thọ trì năm giới, nhưng nếu bị các khổ bức bách, tức dùng vô số hương hoa, các thức ăn uống để cúng tế trời thân. Những người xuất gia tuy hiểu biết rộng, thọ trì giới cụ túc, nhưng các thứ vật dụng nuôi sống thân mạng đều hệ thuộc người khác. Khi thấy thí chủ đến thì liền chỉnh đốn oai nghi, hiện tướng thân thiện. Thế nên nói riêng về chánh mạng, tà mạng.

Khế kinh và Luận Thi Thiết đều nói: Từ đoạn hại mạng sống cho đến tà kiến đều có ba thứ: Một là từ tham sinh. Hai là từ sân sinh. Ba là từ si sinh.

Thế nào là đoạn hại sinh mạng từ tham sinh? Nghĩa là như có người vì tham các thứ da thịt, gân xương v.v… nên đã giết hại các hữu tình khác. Hoặc vì yêu mến, muốn làm vui lòng những bạn thân đã từng giúp ích mình nên làm các việc giết hại. Hoặc người khác dùng tiền của và các thứ lợi ích khác yêu cầu mình nên giết hại. Như các vua chúa dùng tiền bạc địa vị chiêu mộ các kẻ dũng mãnh khiến họ dẹp trừ các nhóm không chịu thần phục. Các thứ đoạn hại sinh mạng như thế là gọi là từ tham sinh.

Thế nào là đoạn hại sinh mạng từ sân sinh? Nghĩa là như có người đối với các hữu tình khác luôn có tâm tổn não, tâm oán đối hiềm khích, tâm có ý lạc ác, nên đoạn dứt mạng sống những hữu tình kia. Hoặc lại giết hại cả hàng thân thuộc, bè bạn cho tuyệt đường oán. Các thứ đoạn hại sinh mạng như thế gọi là từ sân sinh.

Thế nào là đoạn hại sinh mạng từ si sinh? Nghĩa là như có một loài người khởi kiến chấp và lập luận như vầy: Các loài trâu, bò, dê, ngựa, lạc đà, heo, gà, nai, thỏ v.v… đều là vật đem cúng tế cho con người thọ dụng, nên giết chúng thì không có tội. Lại có một loại người khởi kiến chấp, lập luận như vầy: Các loại hùm beo, lang sói, rắn rít độc hại thường làm hại người nên giết chúng tất nhiên là vô tội. Lại như ở các xứ phương Tây (Ấn Độ) này có hạng Miệt-lệ-xa gọi là Mục ca khởi kiến chấp và lập luận: Cha mẹ già yếu, lại gặp phải bệnh tật nan y, nếu giết đi thì vô tội, lại còn có phước. Vì sao? Vì khi con người già yếu thì các bộ phận nơi cơ thể đều già cỗi không còn ăn uống được nữa. Nếu chết rồi sẽ có thân mới, những bộ phận mới, ăn uống có nhiều chất bổ dưỡng. Nếu gặp phải bệnh tật kéo dài thì chịu nhiều khổ não, chết là được giải thoát, thế nên giết chết thì không tội. Các thứ đoạn hại sinh mạng như thế gọi là từ si sinh.

Thế nào là không cho mà lấy từ tham sinh? Nghĩa là như có người tham muốn của cải tiền bạc nơi người khác nên không cho mà cứ lấy. Hoặc vì do thương yêu, muốn làm vừa lòng những bạn thân đã giúp ích nhiều cho mình nên làm việc trộm cắp. Hoặc do người khác dùng tiền bạc và các thứ lợi lộc để yêu cầu mình làm việc trộm cắp. Cũng như mộ tập binh lính đi xâm lược cướp giật của cải vật báu… Các sự việc không cho mà lấy như thế gọi là từ tham sinh.

Thế nào là không cho mà lấy từ sân sinh? Nghĩa là như có một kẻ đối với các hữu tình luôn có tâm oán ghét, gây tổn não, khởi ý lạc ác, nên trộm cắp tiền của người khác, khiến họ khốn khổ. Hoặc lại trộm cắp tiền bạc vật dụng của đám bà con, thân thích họ, là vì oán ghét họ. Các sự việc không cho mà lấy như thế gọi là từ sân sinh.

Thế nào là không cho mà lấy từ si sinh? Nghĩa là như có một loại các Bà-la-môn khởi kiến chấp, lập luận như vầy: Tất cả mọi thứ hiện có trên quả đại địa này đều vốn do thần lực của Phạm vương biến hóa ra để cho các Bà-la-môn. Nay uy lực của Bà-la-môn suy kém nên bị hàng Sát-đế-lợi chiếm đoạt thọ dụng. Do đó, khi Bà-lamôn lấy dùng chính là lấy dùng vật của mình, nên đều không có tội trộm cắp. Tuy nhiên, khi họ lấy để thọ dụng thì nghĩ đó là vật của người khác. Các thứ không cho mà lấy như thế gọi là từ si sinh. Vì mê lầm nơi quả của nghiệp nên hủy báng, sai lạc.

Thế nào là hành tà dục từ tham sinh? Nghĩa là ở đây phần nhiều do tâm nhiễm ô tham đắm. Hoặc do các sự lợi ích về tiền của lợi lộc khiến nhiều người ở nhiều nơi cùng hành tà dục. Đó gọi là hành tà dục từ tham sinh.

Thế nào là hành tà dục từ sân sinh? Nghĩa là như có người đối với các hữu tình khác luôn có tâm oán ghét muốn gây tổn não, khởi ý vui thích ác muốn khiến họ bị ô nhục, chịu nhiều tổn hại nên hành tà dục. Đó gọi là hành tà dục từ sân sinh.

Thế nào là hành tà dục từ si sinh? Nghĩa là như các Bà-la-môn khởi kiến chấp, lập luận: Hạng Bà-la-môn có đủ bốn vợ, hàng Sátđế-lợi có ba, Phệ-xá có hai, còn hàng Thú-đạt-la có một. Nếu các Bà-la-môn có số vợ chưa đủ thì dâm với vợ của người khác cũng không có tội. Lại, ở xứ phương Tây này có hạng Miệt-lệ gọi là Mục ca khởi kiến chấp và lập luận: Các người nữ như mẹ, chị, em gái, con gái của vợ v.v… thì hành dâm với họ đều không có tội. Vì sao? Vì tất cả các thứ nữ sắc đều như quả chín đã dọn sẵn để ăn uống, cũng như đường sá, cầu cống, ghe thuyền, bậc thang, cối giã v.v… đều là vật chung của mọi người theo đúng pháp, thế nên khi hành dâm với họ thì không có tội. Những thứ tà hạnh như thế gọi là từ si sinh.

Thế nào là nói lời hư dối từ tham sinh? Nghĩa là như có kẻ vì danh lợi, hoặc vì mình, hoặc vì người khác, đối với các hữu tình kia che giấu ý tưởng của mình để nói dối với họ. Như hàng vua chúa thường chiêu mộ những kẻ có tài biện luận sai đi du thuyết, dụ dỗ những kẻ chưa tùng phục. Người này lúc đó vì tiền tài và địa vị nên dựa bên trong lừa dối bên ngoài, hoặc dựa bên ngoài để lừa dối bên trong, hoặc dựa cả hai thứ để lừa dối cả hai bên. Những thứ nói lời hư dối như thế gọi là từ tham sinh.

Thế nào là nói lời hư dối từ sân sinh? Nghĩa là như có kẻ đối với các hữu tình khác luôn có tâm oán ghét, gây tổn não, khởi ý vui thích ác muốn hãm hại họ nên nói lời hư dối. Hoặc đối với những bạn bè thân thích của họ nói lời lừa dối do oán ghét họ. Những thứ nói lời hư dối như thế gọi là từ sân sinh.

Thế nào là nói lời hư dối từ si sinh? Nghĩa là như có người khởi kiến chấp và lập luận: Những kẻ vì mình hay vì người khác thân gặp nạn, thọ mạng gặp nạn, nếu nói dối thì không bị tội nói dối. Như khi gặp kẻ đi săn hỏi nai thỏ ở đâu, hoặc gặp quân giặc hỏi vua quan, quân lính ở đâu… tuy thật có thấy biết, nhưng sợ họ bị hại nên nói không thật, thì không có tội. Nên biết các loại đó không phải là không có tội, vì sự việc này không phải là làm thường xuyên. Những thứ nói lời hư dối như thế gọi là từ si sinh, lý do như trước đã nói.

Thế nào là nói lời ly gián từ tham sinh? Nghĩa là như có người vì danh lợi nên đối với các hữu tình khác hoặc đối với bạn bè thân thích của họ, hoặc vì mình, hoặc vì người nói lời ly gián. Như các vua chúa thường chiêu mộ các biện sĩ sai thực hiện các cách ly gián những kẻ chưa tùng phục. Lúc ấy, những người này vì tiền tài địa vị nên dựa vào bên trong ly gián bên ngoài, hoặc dựa vào bên ngoài để ly gián bên trong, hoặc dựa vào cả hai bên để ly gián cả hai phía. Lại như một Bà-la-môn có hai vị thí chủ, một người thí y phục, một người thí thức ăn. Ông Bà-la-môn ấy nghĩ, nếu hai thí chủ này cùng hòa thuận với nhau thì ở hai nơi cúng ta chỉ nhận được mỗi chỗ một thứ. Nếu hai bên trái chống nhau thì nơi mỗi chỗ ta sẽ nhận được hai thứ, do đó ông ta gây việc ly gián, chia rẽ. Đó gọi là nói lời ly gián từ tham sinh.

Thế nào là nói lời ly gián từ sân sinh? Nghĩa là như có người đối với người khác luôn có tâm oán ghét gây tổn não, khởi ý vui thích ác, nên nói lời ly gián, chia rẽ họ hoặc bạn bè thân thích của họ. Đó gọi là nói lời ly gián từ sân sinh.

Thế nào là nói lời ly gián từ si sinh? Nghĩa là như có một loại Bà-la-môn khởi kiến chấp, lập luận: Các gia đình không luật nghi nếu hòa hợp tốt thì việc ác tăng nhiều, nếu trái lìa nhau thì việc ác liền giảm thiểu, do đấy nói lời ly gián đối với các kẻ kia là không có tội. Đó gọi là nói lời ly gián từ si sinh, lý do như trước đã nói.

Thế nào là nói lời thô ác từ tham sinh? Nghĩa là như có kẻ do danh lợi hoặc vì mình hoặc vì người khác nên mắng nhiếc hủy nhục người khác. Như vua chúa giao cho vị quan giữ pháp tàn bạo khiến chủ ngục tra khảo lấy cung cùng khiến quân hầu cận tạo hịch kể tội v.v… Do các duyên như thế nên nói toàn những lời thô ác. Đó gọi là nói lời thô ác từ tham sinh.

Thế nào là nói lời thô ác từ sân sinh? Nghĩa là như có người đối với các hữu tình khác luôn có tâm oán ghét muốn gây tổn hại, khởi ý vui thích ác nên mắng nhiếc nhục mạ họ, hoặc hủy nhục bạn bè thân thích của họ, vì mình hay vì người khác. Đó gọi là nói lời thô ác từ sân sinh.

Thế nào là nói lời thô ác từ si sinh? Nghĩa là như kẻ ngoại đạo Trượng Kế gọi việc thờ lửa là tánh của trời, thể hiện qua những lời nói thô ác hủy nhục. Đám đệ tử của ông này cho đó là thiện diệu nên đều tập nói những lời thô dữ ấy. Đó gọi là nói lời thô ác từ si sinh, lý do như trước đã nói.

Thế nào là nói lời uế tạp từ tham sinh? Nghĩa là như có kẻ vì danh lợi cho mình hay cho người khác nên nói nhiều lời uế tạp. Như có kẻ phường chèo vì tiền bạc lợi lộc nên ở trước đông đảo người xem tụ tập đã ngâm vịnh, ca haut, đùa cợt bằng những lời lẽ nhảm nhí. Lại có nhiều hạng nam nữ vì tâm ái nhiễm nên tạo ra những lời nói uế tạp. Hoặc còn có những kẻ chuyên tạo văn chương thế tục để nhiều người đọc tụng, cất giữ. Đó gọi là nói lời uế tạp từ tham sinh.

Thế nào là nói lời uế tạp từ sân sinh? Nghĩa là như có người đối với kẻ khác tâm luôn oán ghét, giận dữ, muốn gây tổn hại, khởi ý vui thích ác nên khinh thường, đùa cợt nói lời uế tạp đối với họ, hoặc đối với các bạn bè thân thích của họ do oán ghét. Đó gọi là nói lời uế tạp từ sân sinh.

Thế nào là nói lời uế tạp từ si sinh? Nghĩa là như có một loại Bà-la-môn khởi kiến chấp, lập luận: Những kẻ thờ cúng lửa, thờ các vị thần khác, hoặc đọc tụng Phệ-đà và các chú thuật khác v.v… tất cả đều được thanh tịnh giải thoát. Đó gọi là nói lời uế tạp từ si sinh, lý do như trước đã nói.

Thế nào là tham từ nơi tham sinh? Nghĩa là những kẻ luôn bị tham trói buộc không hề gián đoạn, và tham luôn trói buộc hiện tiền.

Đó gọi là tham từ nơi tham sinh.

Thế nào là tham từ nơi sân sinh? Nghĩa là những kẻ luôn bị sân trói buộc không hề gián đoạn, và tham luôn trói buộc hiện tiền. Đó gọi là tham từ nơi sân sinh.

Thế nào là tham từ nơi si sinh? Nghĩa là những kẻ luôn bị si trói buộc không hề gián đoạn, và tham luôn trói buộc hiện tiền. Đó gọi là tham từ nơi si sinh.

Thế nào là sân từ nơi tham sinh? Nghĩa là những kẻ luôn bị tham trói buộc không hề gián đoạn và sân luôn trói buộc hiện tiền. Đó gọi là sân giận từ nơi tham sinh.

Thế nào là sân từ nơi sân sinh? Nghĩa là những kẻ luôn bị sân giận trói buộc không hề gián đoạn và sân luôn trói buộc hiện tiền. Đó gọi là sân giận từ nơi sân sinh.

Thế nào là sân từ nơi si sinh? Nghĩa là những kẻ luôn bị si trói buộc không hề gián đoạn và sân luôn trói buộc hiện tiền. Đó gọi là sân giận từ nơi si sinh.

Thế nào là tà kiến từ nơi tham sinh? Nghĩa là những kẻ luôn bị tham trói buộc không hề gián đoạn và tà kiến luôn trói buộc hiện tiền. Đó gọi là tà kiến từ nơi tham sinh.

Thế nào là tà kiến từ nơi sân sinh? Nghĩa là những kẻ luôn bị sân trói buộc không hế gián đoạn và tà kiến luôn trói buộc hiện tiền. Đó gọi là tà kiến từ nơi sân giận sinh.

Thế nào là tà kiến từ nơi si sinh? Nghĩa là những kẻ luôn bị si trói buộc không hề gián đoạn và tà kiến luôn trói buộc hiện tiền. Đó gọi là tà kiến từ nơi si sinh.

Hỏi: Đã nhận biết về mười nghiệp đạo bất thiện, tất cả đều từ tham sân si dấy khởi. Vậy trong đó mỗi mỗi có bao nhiêu thứ là gia hạnh, bao nhiêu thứ là cứu cánh để có thể khởi?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Đoạn hại sinh mạng, nói lời thô ác và sân giận có ba thứ (Tham sân si) làm gia hạnh, do sân là cứu cánh. Không cho mà lấy, hành tà dục và tham dục có ba thứ làm gia hạnh, do tham là cứu cánh. Nghiệp đạo của ngữ còn lại có ba thứ làm gia hạnh, do ba thứ làm cứu cánh. Một thứ tà kiến có ba thứ làm gia hạnh, do si làm cứu cánh.

Lại có thuyết nói: Hành tà dục thì không nhất định. Nghĩa là nếu dâm dục phải đợi xuất chất bất tịnh mới thành nghiệp đạo, thì có ba thứ làm gia hạnh do tham làm cứu cánh. Nếu khi dâm dục mới giao hợp liền thành nghiệp đạo, thì ba thứ làm gia hạnh, do ba thứ làm cứu cánh. Còn các nghiệp đạo khác thì tất cả đều lấy ba thứ làm gia hạnh và do ba thứ (Tham sân si) làm cứu cánh.

HẾT – QUYỂN 116