LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 115

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ HÀNH ÁC, phần 4

* Có ba nghiệp: Là thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp. Lại có ba nghiệp: Là nghiệp thuận lạc thọ, nghiệp thuận khổ thọ, nghiệp thuận thọ không khổ không lạc.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có các nghiệp thuận lạc thọ v.v… Khế kinh tuy nói như thế nhưng không biện giải rộng. Nói rộng như trước.

Lại có thuyết nói: Trước tuy có phân biệt rõ về ba nghiệp như thân v.v…, nhưng chưa phân biệt rõ về ba nghiệp như thuận lạc thọ v.v… Nay nhằm phân biệt chúng nên tạo ra phần Luận này.

Nói về thọ gồm có năm thứ: 1. Thọ tự tánh. 2. Thọ hiện tiền. 3. Thọ của đối tượng duyên. 4. Thọ tương ưng. 5. Thọ dị thục.

Thọ tự tánh: Như nói ba thọ, là lạc thọ, khổ thọ, thọ không khổ không lạc.

Thọ hiện tiền: Như trong Kinh Đại Nhân Duyên Pháp Môn nói: Tôn giả A-nan nên biết! Khi nhận được lạc thọ thì hai thọ kia liền diệt, nên biết lạc thọ đã nhận được như thế là pháp vô thường, khổ, hoại diệt, là lìa ngã và ngã sở. Như thế khổ thọ, thọ không khổ không lạc, nên biết cũng như vậy.

Thọ của đối tượng duyên: Như Luận Thức Thân nói: Sắc và mắt làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ hòa hợp nên có xúc. Xúc làm duyên nên có thọ. Nên biết thọ này có thể lãnh nhận sắc không phải là Sổ thủ thú (Hữu tình luân hồi). Sắc là duyên của thọ do nhãn xúc sinh ra, không phải là sổ thủ thú. Như vậy cho đến ý và pháp nói rộng cũng thế.

Thọ tương ưng: Như nói có pháp lạc thọ, có pháp khổ thọ, có pháp thọ không khổ không lạc. Thế nào là pháp lạc thọ? Nghĩa là pháp tương ưng với lạc thọ. Thế nào là pháp khổ thọ? Nghĩa là pháp tương ưng với khổ thọ. Thế nào là pháp thọ không khổ không lạc? Nghĩa là pháp tương ưng với thọ không khổ không lạc.

Thọ dị thục: Như ở đây nói: Nghiệp thuận lạc thọ, nghiệp thuận khổ thọ, nghiệp thuận thọ không khổ không lạc.

Trong năm thứ thọ ấy, tác giả đã dựa vào thọ dị thục để tạo ra phần Luận này.

Thế nào là nghiệp thuận lạc thọ? Đáp: Đó là nghiệp thiện thuộc cõi dục, cho đến nghiệp thiện ở nơi địa của tĩnh lự thứ ba.

Thế nào là nghiệp thuận khổ thọ? Đáp: Đó là nghiệp bất thiện.

Thế nào là nghiệp thuận thọ không khổ không lạc? Đáp: Đó là nghiệp thiện thuộc xứ trời Quảng quả và nghiệp thiện thuộc cõi vô sắc.

Hỏi: Nghiệp thuận lạc thọ quyết định có thể chiêu cảm quả dị thục của lạc thọ chăng? Hai nghiệp thọ còn lại cũng nêu hỏi như thế.

Nếu quyết định thì điều nói sau đây làm sao thông? Như phần luận ở sau nói: Từng có nghiệp không chiêu cảm dị thục của thân tâm thọ mà lại chiêu cảm dị thục chăng? Đáp: Có. Đó là các nghiệp chiêu cảm dị thục của sắc, tâm bất tương ưng hành.

Nếu không quyết định thì vì sao nói là nghiệp thuận lạc thọ, nghiệp thuận khổ thọ, nghiệp thuận thọ không khổ không lạc?

Đáp: Có thuyết cho: Nhất định là có chiêu cảm. Nghĩa là nghiệp thuận lạc thọ quyết định là có thể chiêu cảm dị thục của lạc thọ, do đó nên gọi là nghiệp thuận lạc thọ v.v… Cho đến nghiệp thuận thọ không khổ không lạc quyết định là có thể chiêu cảm dị thục của thọ không khổ không lạc, do đó nên gọi là nghiệp thuận thọ không khổ không lạc.

Hỏi: Nếu như thế thì điều nói sau đây làm sao thông? Như nói: Từng có nghiệp không chiêu cảm dị thục của thân tâm thọ mà chiêu cảm dị thục chăng? Cho đến nói rộng.

Đáp: Vì nghiệp ấy nhất định là chiêu cảm dị thục của thọ kia, và chiêu cảm sắc, tâm bất tương ưng hành. Nhưng thọ được chiêu cảm ấy không luôn hiện tiền, sắc được chiêu cảm ấy lại luôn nối tiếp nhau. Nên khi thọ được chiêu cảm không hiện tiền, nói nghiệp thọ ấy chỉ chiêu cảm sắc, tâm bất tương ưng hành, vì thế không có lỗi. Như vậy thì văn của hai phần nói trên đều khéo thông suốt.

Lại có thuyết nói: Nghiệp thuận lạc thọ không nhất định có thể chiêu cảm dị thục thuận lạc thọ v.v… Cho đến nghiệp thuận thọ không khổ không lạc cũng không nhất định có thể chiêu cảm dị thục thọ thuận không khổ không lạc.

Hỏi: Nếu như thế thì vì sao nghiệp này gọi là nghiệp thuận lạc thọ v.v…?

Đáp: Nghiệp thuận lạc thọ tuy không nhất định có thể chiêu cảm dị thục của lạc thọ, nhưng nếu chiêu cảm dị thục của lạc thọ thì chính là nghiệp này, không phải thứ khác. Cho nên gọi đấy là nghiệp thuận lạc thọ. Nói về nghiệp của hai thọ kia cũng như vậy.

Lại có thuyết cho: Nghiệp thuận lạc thọ tuy không nhất định có thể chiêu cảm dị thục của lạc thọ, nhưng như lạc thọ, có thể làm nơi nương dựa cho các sự vui mừng, khiến vui mừng sinh khởi, nối tiếp nhau mà chuyển và làm xứ an đủ. Các quả dị thục khác cũng có thể như thế, nên gọi là nghiệp thuận lạc thọ. Nghiệp thuận khổ thọ tuy không nhất định có thể chiêu cảm dị thục của khổ thọ, nhưng như khổ thọ, có thể làm nơi nương dựa cho các sự sầu khổ, khiến sầu khổ sinh khởi, nối tiếp nhau mà chuyển và làm xứ an đủ. Các quả dị thục khác cũng có thể như thế, nên gọi là nghiệp thuận khổ thọ. Nghiệp thuận thọ không khổ không lạc tuy không nhất định có thể chiêu cảm dị thục của thọ không khổ không lạc, nhưng như thọ không khổ không lạc, không thể làm nơi nương dựa cho các thứ vui mừng, sầu khổ, cũng không thể khiến các thứ vui mừng, sầu khổ sinh khởi, nối tiếp nhau mà chuyển và làm xứ an đủ. Các quả dị thục khác cũng lại như thế, nên gọi là nghiệp thuận thọ không khổ không lạc.

Lại có thuyết nêu: Cũng như lạc thọ có thể nuôi lớn chỗ nương dựa (Thân tâm), các dị thục khác cũng như thế, nên gọi là nghiệp thuận lạc thọ. Như khổ thọ có thể làm tổn hại chỗ nương dựa (Thân tâm), các dị thục khác cũng như thế, nên gọi là nghiệp thuận khổ thọ. Như thọ không khổ không lạc không thể nuôi lớn, cũng không làm tổn hoại chỗ nương dựa, các dị thục khác cũng như thế, nên gọi là nghiệp thuận thọ không khổ không lạc.

Hỏi: Ở cõi dục cho đến ở tĩnh lự thứ ba, có dị thục của thọ không khổ không lạc chăng? Nếu có thì điều ở đây nói làm sao thông? Như nói: Thế nào là nghiệp thuận thọ không khổ không lạc? Nghĩa là nghiệp thiện thuộc xứ trời Quảng quả và nghiệp thiện thuộc cõi vô sắc. Còn nếu không thì nghiệp thiện hiện có của tĩnh lự trung gian nên nói là có thể chiêu cảm dị thục của thọ nào?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Ở các địa dưới không có dị thục của thọ không khổ không lạc. Vì sao? Vì pháp ở địa dưới thì thô mà thọ này lại vi tế. Địa dưới không tịch tĩnh còn thọ này thì tịch tĩnh.

Lại có thuyết cho: Hữu tình ở các địa dưới khi khởi tạo nghiệp thiện đều mong cầu lạc thọ nên khởi, không có mong cầu thọ không khổ không lạc. Thế nên nghiệp thiện hiện có ở địa dưới đều không chiêu cảm dị thục của thọ ấy.

Hỏi: Hữu tình kia cũng không có mong cầu khổ thọ vì sao ở địa dưới lại chiêu cảm dị thục của thọ ấy?

Đáp: Các hữu tình ở cõi dục vì mong cầu lạc nhưng phần lớn đều gây tạo các nhân khổ, nên tuy không mong cầu mà lại có thể chiêu cảm dị thục của thọ ấy. Còn xả thọ (Tức thọ không khổ không lạc) tịch tĩnh, không có mong cầu lạc thọ nhưng tạo nghiệp xả thọ, thế nên không có dị thục kia.

Hỏi: Các nghiệp thiện hiện có ở tĩnh lự trung gian nên nói là có thể chiêu cảm dị thục của thọ nào?

Đáp: Chúng chiêu cảm dị thục của hỷ căn ở tĩnh lự thứ nhất.

Lại có thuyết cho: Chúng chiêu cảm dị thục của lạc thọ ở tĩnh lự thứ nhất.

Hỏi: Nếu như thế thì văn nói sau đây làm sao thông? Như nói: Từng có nghiệp chiêu cảm dị thục của tâm thọ không phải là thân thọ chăng? Đáp: Có. Đó là nghiệp thiện không có tầm.

Đáp: Văn ấy nên nói như vầy: Nghĩa là nghiệp thiện không tầm, không tứ. Nhưng không nói như thế là có ý gì? Nên biết ở đây là nói về thế mạnh giảm thiểu.

Lại có thuyết nêu: Nghiệp thiện hiện có ở tĩnh lự trung gian tuy không chiêu cảm thọ quả dị thục nhưng có thể chiêu cảm các sắc tâm bất tương ưng hành.

Hỏi: Nếu như thế vì sao phần sau Luận này nói: Nghiệp thiện không tầm chiêu cảm tâm thọ chăng?

Đáp: Chỉ nói là có thể chiêu cảm tâm thọ, không phải là thân, không nói là chỉ chiêu cảm dị thục của tâm thọ, không chiêu cảm các sắc tâm bất tương ưng hành.

Lại có thuyết nói: Ở các địa dưới cũng có dị thục của thọ không khổ không lạc.

Hỏi: Vậy điều nơi đây đã nói nên làm sao thông? Như nói: Thế nào là nghiệp thuận thọ không khổ không lạc? Nghĩa là nghiệp thiện thuộc xứ trời Quảng quả và các nghiệp thiện thuộc cõi vô sắc.

Đáp: Trong đây chỉ hiển bày về biên vực sau cùng nơi dị thục của nghiệp thuận thọ không khổ không lạc. Nghĩa là tĩnh lự thứ tư là biên vực của địa có sắc, còn cõi vô sắc là biên vực của ba cõi.

Lại có thuyết nói: Ở đây chỉ hiển bày về nơi chốn thích hợp không chung nơi dị thục của thọ này. Cái gì là nơi chốn thích hợp không chung nơi dị thục của thọ này? Đó là tĩnh lự thứ tư và cõi vô sắc.

Lại có thuyết cho: Ở các địa dưới, tuy có các dị thục của thọ này, nhưng lại bị các thọ khác lấn át che lấp, nên tướng của nó không sáng rõ, không nối tiếp lâu dài. Từ trời Quảng quả trở lên lại không có thọ khác, chỉ có thọ này nối tiếp sáng rõ, thế nên nói riêng.

Các thuyết nêu: Ở các địa dưới không có dị thục của thọ không khổ không lạc, tức họ nói: Ở cõi dục và ba tĩnh lự dưới, các A-la-hán trụ vào tâm oai nghi, nhập Niết-bàn. Các A-la-hán ở nơi trời Quảng quả trụ vào tâm oai nghi, tâm dị thục, nhập Niết-bàn. Các A-la-hán ở cõi vô sắc trụ vào tâm dị thục, nhập Niết-bàn.

Các thuyết nói: Ở các địa dưới cũng có dị thục của thọ không khổ không lạc, tức họ nói: Ở cõi dục và bốn tĩnh lự, các A-la-hán trụ vào tâm oai nghi, tâm dị thục, nhập Niết-bàn. Các A-la-hán ở cõi vô sắc trụ vào tâm dị thục, nhập Niết-bàn.

Đã nói về tự tánh của ba nghiệp trước và sau, nay sẽ hiển bày về tướng xen lẫn và không xen lẫn của chúng.

Hỏi: Vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Các thứ trước gồm thâu các thứ sau, không phải các thứ sau gồm thâu các thứ trước. Không gồm thâu là những gì? Đó là không gồm thâu các nghiệp vô ký, nghiệp vô lậu. Ở đây, ba nghiệp trước là chung cho cả hữu ký và vô ký, còn ba nghiệp sau chỉ là hữu ký. Ba nghiệp trước là chung cho cả nghiệp hữu lậu và vô lậu, còn ba nghiệp sau chỉ là hữu lậu. Thế nên nói các thứ trước gồm thâu các thứ sau, không phải các thứ sau gồm thâu các thứ trước. Không gồm thâu là những gì? Đó là nghiệp vô ký và nghiệp vô lậu.

– Có ba nghiệp: Là thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp. Lại có ba nghiệp: Là nghiệp quá khứ, nghiệp vị lai, nghiệp hiện tại. Lại có ba nghiệp: Là nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, nghiệp vô ký. Lại có ba nghiệp: Là nghiệp học, nghiệp vô học, nghiệp phi học phi vô học. Lại có ba nghiệp: Là nghiệp do kiến đạo đoạn, nghiệp do tu đạo đoạn và nghiệp không đoạn. Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Tùy theo từng sự việc lần lượt gồm thâu lẫn nhau. Vì sao? Vì tự tánh của nghiệp thân, ngữ, ý hoặc ở quá khứ, hoặc ở vị lai, hoặc ở hiện tại, hoặc là thiện, hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký, hoặc là học, hoặc là vô học, hoặc là phi học phi vô học, hoặc do kiến đạo đoạn, hoặc do tu đạo đoạn, hoặc không đoạn. Thế nên nói là tùy theo từng sự việc lần lượt gồm thâu lẫn nhau.

– Có ba nghiệp: Là thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp. Lại có ba nghiệp: Là nghiệp thuộc cõi dục, nghiệp thuộc cõi sắc, nghiệp thuộc cõi vô sắc. Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Các thứ trước gồm thâu các thứ sau, không phải các thứ sau gồm thâu các thứ trước. Không gồm thâu là những gì? Đó là không gồm thâu các nghiệp vô lậu. Ở đây, ba nghiệp trước là chung cho cả hữu lậu và vô lậu, còn ba nghiệp sau chỉ là hữu lậu. Thế nên nói là các thứ trước gồm thâu các thứ sau, không phải các thứ sau gồm thâu các thứ trước. Không gồm thâu là những gì? Đó là nghiệp vô lậu.

– Có bốn nghiệp: Như trước đã nói. Có ba nghiệp: Là các nghiệp thuận hiện pháp thọ v.v… Như vậy bốn nghiệp gồm thâu ba nghiệp hay ba nghiệp gồm thâu bốn nghiệp?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp bốn nghiệp gồm thâu ba nghiệp: Nghĩa là các học tư có thể đoạn trừ các nghiệp, các nghiệp thiện, bất thiện, bất định thuộc cõi dục, các nghiệp thiện, bất định thuộc cõi sắc.

2. Có trường hợp ba nghiệp gồm thâu bốn nghiệp: Nghĩa là các nghiệp thiện quyết định thuộc cõi vô sắc.

3. Có trường hợp bốn nghiệp và ba nghiệp cùng gồm thâu nhau: Nghĩa là các nghiệp thiện, bất thiện quyết định thuộc cõi dục và các nghiệp thiện quyết định thuộc cõi sắc.

4. Có trường hợp bốn nghiệp và ba nghiệp không cùng gồm thâu nhau: Nghĩa là trừ các học tư có thể đoạn trừ các nghiệp, còn lại là các nghiệp vô lậu khác, các nghiệp thiện, bất định thuộc cõi vô sắc và các nghiệp vô ký.

* Có bốn nghiệp: Như trước đã nói. Có ba nghiệp: Là các nghiệp thuận lạc thọ v.v… Như vậy bốn nghiệp gồm thâu ba nghiệp hay ba nghiệp gồm thâu bốn nghiệp?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp bốn nghiệp gồm thâu ba nghiệp: Nghĩa là các học tư có thể đoạn trừ các nghiệp.

2. Có trường hợp ba nghiệp gồm thâu bốn nghiệp: Nghĩa là nghiệp thiện thuộc cõi vô sắc.

3. Có trường hợp bốn nghiệp và ba nghiệp cùng gồm thâu nhau: Nghĩa là nghiệp thiện, bất thiện thuộc cõi dục, cùng nghiệp thiện thuộc cõi sắc.

4. Có trường hợp bốn nghiệp và ba nghiệp không cùng gồm thâu nhau: Nghĩa là trừ các học tư có thể đoạn trừ các nghiệp, còn lại là các nghiệp vô lậu khác và các nghiệp vô ký.

– Có bốn nghiệp: Như trước đã nói. Có ba nghiệp: Là các nghiệp quá khứ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp thiện v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp học v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp do kiến đạo đoạn v.v… Như vậy bốn nghiệp gồm thâu ba nghiệp hay ba nghiệp gồm thâu bốn nghiệp?

Đáp: Ba nghiệp gồm thâu bốn nghiệp, không phải bốn nghiệp gồm thâu ba nghiệp. Không gồm thâu là những gì? Đó là trừ các học tư có thể đoạn trừ các nghiệp, còn lại là các nghiệp vô lậu khác, các nghiệp thiện thuộc cõi vô sắc và các nghiệp vô ký.

– Có bốn nghiệp: Như trước đã nói. Có ba nghiệp: Là các nghiệp thuộc cõi dục v.v… Như vậy bốn nghiệp gồm thâu ba nghiệp hay ba nghiệp gồm thâu bốn nghiệp?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có trường hợp bốn nghiệp gồm thâu ba nghiệp: Nghĩa là các học tư có thể đoạn trừ các nghiệp.

2. Có trường hợp ba nghiệp gồm thâu bốn nghiệp: Nghĩa là các nghiệp thiện ở cõi vô sắc và tất cả nghiệp vô ký.

3. Có trường hợp bốn nghiệp và ba nghiệp cùng gồm thâu nhau: Nghĩa là nghiệp thiện, bất thiện thuộc cõi dục, cùng nghiệp thiện thuộc cõi sắc.

4. Có trường hợp bốn nghiệp và ba nghiệp không cùng gồm thâu nhau: Nghĩa là trừ các học tư có thể đoạn trừ các nghiệp, còn lại là các nghiệp vô lậu khác.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp thuận hiện pháp thọ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp thuận lạc thọ v.v… Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp bất định. Ở đây, ba thứ trước chỉ gồm thâu các nghiệp quyết định, còn các thứ sau gồm thâu chung cả các nghiệp quyết định và bất định. Thế nên nói các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp bất định.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp thuận hiện pháp thọ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp quá khứ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp thiện v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp học v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp do kiến đạo đoạn trừ v.v… Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là không gồm thâu các nghiệp bất định, nghiệp vô ký, nghiệp vô lậu. Ở đây, ba nghiệp trước chỉ gồm thâu các nghiệp quyết định, nghiệp hữu ký, nghiệp hữu lậu. Còn ba nghiệp sau gồm thâu chung các nghiệp quyết định và bất định, hữu ký và vô ký, hữu lậu và vô lậu. Thế nên nói các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp bất định, nghiệp vô ký, nghiệp vô lậu.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp thuận hiện pháp thọ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp thuộc cõi dục v.v… Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp bất định, các nghiệp vô ký. Ở đây, ba nghiệp trước chỉ gồm thâu các nghiệp quyết định, nghiệp hữu ký. Còn ba nghiệp sau thì gồm thâu chung cả các nghiệp quyết định và bất định, hữu ký và vô ký. Thế nên nói các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp bất định và các nghiệp vô ký.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp thuận lạc thọ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp quá khứ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp thiện v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp học v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp do kiến đạo đoạn v.v… Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là không gồm thâu các nghiệp vô ký, các nghiệp vô lậu. Ở đây, ba nghiệp trước chỉ là hữu ký, hữu lậu. Còn ba nghiệp sau là chung cho cả hữu ký, vô ký, hữu lậu, vô lậu. Thế nên nói là các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp vô ký, nghiệp vô lậu.

Hỏi: Vì sao các nghiệp vô ký và vô lậu không chiêu cảm các dị thục của lạc thọ v.v…?

Đáp: Vì các nghiệp vô ký tự tánh thì yếu kém, thế lực không trụ vững, cho nên không có các dị thục. Còn các nghiệp vô lậu thì đã lìa các phiền não, không còn hệ thuộc ba cõi, nên không có dị thục. Vì sao? Vì nếu nghiệp dấy khởi, có tự tánh mạnh mẽ, phiền não vây buộc thì có thể chiêu cảm dị thục. Ví như hạt giống bên ngoài, nếu thể chất vững chắc, có nước làm thấm ướt, phân đất ủ che thì mới có thể sinh mầm. Nếu hạt giống không chắc, thì tuy có nước thấm ướt, phân đất ủ che, cũng không sinh mầm. Nội nghiệp cũng như thế. Nếu thể tánh chắc mạnh, nước ái làm thấm ướt, phiền não khác che phủ thì có thể chiêu cảm dị thục. Các nghiệp vô ký tuy có nước ái làm thấm ướt, các phiền não khác che phủ, nhưng vì tánh yếu kém, không bền chắc, nên không chiêu cảm dị thục. Các nghiệp vô lậu tuy thể tánh bền mạnh, nhưng không có nước ái làm thấm ướt, các phiền não khác che phủ, nên không chiêu cảm dị thục. Các nghiệp bất thiện, các nghiệp hữu lậu thì gồm đủ cả hai nghĩa tức có thể chiêu cảm dị thục. Thế nên các nghiệp vô ký và nghiệp vô lậu không phải các nghiệp trước đã gồm thâu.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp thuận lạc thọ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp thuộc cõi dục v.v… Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp vô ký. Ở đây, ba nghiệp trước chỉ là hữu ký, còn ba nghiệp sau là chung cho cả hữu ký, vô ký. Thế nên nói là các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau.

Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp vô ký.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp quá khứ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp thiện v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp học v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp do kiến đạo đoạn v.v… Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Tùy theo từng sự việc mà chúng lần lượt gồm thâu nhau, vì nghĩa có khác nhưng thể thì không khác.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp quá khứ v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp thuộc cõi dục v.v… Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Các thứ trước gồm thâu các thứ sau, không phải các thứ sau gồm thâu các thứ trước. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp vô lậu. Ở đây, ba nghiệp trước là chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Còn ba nghiệp sau chỉ là hữu lậu. Thế nên nói các thứ trước gồm thâu các thứ sau, không phải các thứ sau gồm thâu các thứ trước. Không gồm thâu là các nghiệp vô lậu.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp thiện v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp thuộc cõi dục v.v… Như vậy ba nghiệp trước gồm thâu ba nghiệp sau hay ba nghiệp sau gồm thâu ba nghiệp trước?

Đáp: Ba nghiệp trước gồm thâu ba nghiệp sau, không phải ba nghiệp sau gồm thâu ba nghiệp trước. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp vô lậu. Ở đây, ba nghiệp trước là chung cho cả hữu lậu và vô lậu, còn ba nghiệp sau chỉ là hữu lậu. Thế nên nói là ba nghiệp trước gồm thâu ba nghiệp sau, không phải ba nghiệp sau gồm thâu ba nghiệp trước. Không gồm thâu là các nghiệp vô lậu.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp thiện v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp học v.v… Lại có ba nghiệp: Là nghiệp do kiến đạo đoạn v.v… Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Tùy theo từng sự việc mà chúng lần lượt gồm thâu nhau, vì nghĩa có khác nhưng thể thì không khác.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp thuộc cõi dục v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp học v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp do kiến đạo đoạn trừ v.v… Như vậy các thứ trước gồm thâu các thứ sau hay các thứ sau gồm thâu các thứ trước?

Đáp: Các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là những gì? Đó là các nghiệp vô lậu. Ở đây, ba nghiệp trước chỉ là hữu lậu, còn ba nghiệp sau là chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Thế nên nói các thứ sau gồm thâu các thứ trước, không phải các thứ trước gồm thâu các thứ sau. Không gồm thâu là các nghiệp vô lậu.

– Có ba nghiệp: Là các nghiệp học v.v… Lại có ba nghiệp: Là các nghiệp do kiến đạo đoạn v.v… Như vậy ba nghiệp trước gồm thâu ba nghiệp sau hay ba nghiệp sau gồm thâu ba nghiệp trước?

Đáp: Tùy theo từng sự việc mà chúng lần lượt gồm thâu nhau. Như trước đã giải thích.

Hỏi: Từng có nghiệp chiêu cảm thân thọ không phải là tâm thọ chăng?

Đáp: Có. Đó là nghiệp bất thiện. Vì nghiệp bất thiện chỉ chiêu cảm dị thục của khổ căn.

Hỏi: Vì sao nghiệp bất thiện không chiêu cảm các thứ tâm thọ?

Đáp: Vì loại tâm thọ kia gọi là ưu căn, nhưng ưu căn không phải là dị thục, nên không chiêu cảm các thứ tâm thọ.

Hỏi: Vì sao ưu căn không phải là dị thục?

Đáp: Vì ưu căn do tác ý sinh, sức phân biệt rất mạnh, lìa dục thì xả bỏ, còn dị thục thì không như thế.

Hỏi: Từng có nghiệp chiêu cảm các tâm thọ không phải là thân thọ chăng?

Đáp: Có. Đó là nghiệp thiện không tầm.

Ở đây, có những người muốn khiến ở các địa dưới không có quả dị thục của thọ không khổ không lạc, tức nói nghiệp thiện không tầm này đã chiêu cảm các dị thục của tâm thọ. Đó là hỷ căn của tĩnh lự thứ hai, lạc căn của tĩnh lự thứ ba, cùng xả căn của tĩnh lự thứ tư và cõi vô sắc.

Có thuyết nói: Cũng chiêu cảm hỷ căn ở tĩnh lự thứ nhất, vì đồng một địa, nhưng không chiêu cảm lạc căn tương ưng với ba thức, vì nghiệp này thì vi tế.

Có những người muốn khiến ở các địa dưới cũng có quả dị thục của thọ không khổ không lạc, tức nói nghiệp thiện không tầm này đã chiêu cảm các dị thục của tâm thọ. Đó là hỷ căn và xả căn của tĩnh lự thứ hai, xả căn và lạc căn của tĩnh lự thứ ba, xả căn ở tĩnh lự thứ tư và cõi vô sắc.

Có thuyết nói: Cũng chiêu cảm xả căn của tĩnh lự trung gian.

Có thuyết cho: Cũng chiêu cảm hỷ căn của tĩnh lự thứ nhất, lạc căn vì thô nên nghiệp này không chiêu cảm.

Hỏi: Từng có nghiệp chiêu cảm cả thân tâm thọ chăng?

Đáp: Có. Đó là nghiệp thiện có tầm.

Có những người muốn khiến ở các địa dưới không có quả dị thục của thọ không khổ không lạc, tức nói nghiệp thiện có tầm này, nếu ở cõi dục thì chiêu cảm dị thục của thân thọ là lạc căn tương ưng với năm thức thân, và chiêu cảm dị thục của tâm thọ là hỷ căn tương ưng với ý thức. Nếu ở tĩnh lự thứ nhất thì chiêu cảm dị thục của thân thọ là lạc căn tương ưng với ba thức thân, và chiêu cảm dị thục của tâm thọ là hỷ căn tương ưng với ý thức.

Có những người muốn khiến ở các địa dưới cũng có quả dị thục của thọ không khổ không lạc, tức nói nghiệp thiện có tầm này, nếu ở cõi dục thì chiêu cảm dị thục của thân thọ là lạc căn, xả căn tương ưng với năm thức thân, và chiêu cảm dị thục của tâm thọ là hỷ căn, xả căn tương ưng với ý thức. Nếu ở tĩnh lự thứ nhất thì chiêu cảm dị thục của thân thọ là lạc căn, xả căn tương ưng với ba thức thân và chiêu cảm dị thục của tâm thọ là hỷ căn, xả căn tương ưng với ý thức.

Hỏi: Vì sao hỷ căn là quả dị thục mà ưu căn thì không phải?

Đáp: Vì hành tướng của hỷ thọ có thô có tế, không cần lúc nào cũng phải tác ý mới khởi, không cần lúc nào cũng phải phân biệt mạnh mẽ, trong định vi tế cũng có được hỷ. Lại, hỷ căn này không cần phải lìa dục mới xả bỏ và cùng với pháp dị thục là không trái nhau, nên hỷ căn là dị thục. Ưu căn thì không như thế, nên không phải là dị thục.

Hỏi: Vì sao chỉ có nghiệp thiện mới chiêu cảm xả căn, còn nghiệp bất thiện thì không chiêu cảm?

Đáp: Vì xả căn có hành tướng vi tế, tịch tĩnh, bậc trí rất vui thích, nên nghiệp thiện đã chiêu cảm. Còn các nghiệp bất thiện tánh của chúng thô động, nên không thể chiêu cảm dị thục của xả thọ.

Hỏi: Từng có nghiệp không chiêu cảm thân tâm thọ nhưng chiêu cảm dị thục chăng?

Đáp: Có. Đó là các nghiệp chiêu cảm dị thục của sắc tâm bất tương ưng hành.

Về dị thục của sắc: Tức là chín xứ trừ thanh xứ.

Về dị thục của tâm bất tương ưng hành: Tức là mạng căn, chúng đồng phần, đắc, sinh, trụ, lão, vô thường. Có thuyết cho:

Cùng sự vô tưởng.

Hỏi: Trong đây, những gì gọi là thân thọ, những gì gọi là tâm thọ?

Đáp: Nếu thọ ở tại năm thức thân gọi là thân thọ. Còn thọ ở tại ý địa thì gọi là tâm thọ.

Có thuyết nói: Trong các thọ nếu không phân biệt thì gọi là thân thọ. Nếu có phân biệt tức gọi là tâm thọ.

Lại có thuyết cho: Nếu thọ duyên với cảnh của tự tướng thì gọi là thân thọ. Nếu duyên với cảnh của tự tướng và cộng tướng tức gọi là tâm thọ.

Lại có thuyết nêu: Nếu thọ duyên với cảnh hiện tại thì gọi là thân thọ. Nếu duyên với cảnh của ba đời và cảnh vô vi tức gọi là tâm thọ.

Lại có thuyết nói: Nếu thọ duyên với cảnh thật có thì gọi là thân thọ. Nếu duyên với cảnh thật có, giả có tức gọi là tâm thọ.

Lại có thuyết cho: Nếu thọ ở nơi cảnh chỉ một lần giữ lấy thì gọi là thân thọ. Nếu luôn luôn giữ lấy cảnh tức gọi là tâm thọ.

Lại có thuyết nêu: Nếu thọ đối với cảnh vừa duyên liền nhận biết rõ thì gọi là thân thọ. Nếu phải suy tìm mới nhận biết rõ tức gọi là tâm thọ.

Lại có thuyết nói: Trong các thọ, nếu nương dựa vào sắc duyên với sắc thì gọi là thân thọ. Nếu nương dựa vào phi sắc duyên với sắc, phi sắc tức gọi là tâm thọ.

Như sắc và phi sắc, thì có đối – không đối, tích tụ – không tích tụ, hòa hợp – không hòa hợp, nêu bày cũng như vậy.

Tôn giả Thế Hữu nói: Đức Phật nói có hai thứ thọ là thân thọ và tâm thọ. Những gì gọi là thân thọ? Những gì gọi là tâm thọ? Trong đây không có thân thọ, vì các thọ hiện có đều là tâm thọ. Vì sao? Vì đều tương ưng với tâm. Nhưng các thọ hiện có, nếu dựa vào năm căn để chuyển thì gọi là thân thọ, vì luôn dùng thân làm tăng thượng duyên. Nếu dựa vào ý căn để chuyển tức gọi là tâm thọ, vì luôn dùng tâm làm tăng thượng duyên.

Có thuyết cho: Không có thân thọ, vì các thọ hiện có đều là tâm thọ. Vì sao? Vì đều tương ưng với tâm. Nhưng các thọ hiện có, nếu dựa vào ba căn để chuyển, giữ lấy cảnh hòa hợp thì gọi là thân thọ, vì luôn tạo khởi tưởng. Nếu dựa vào ba căn để chuyển, giữ lấy cảnh không hòa hợp tức gọi là tâm thọ, vì không phải luôn tạo khởi tưởng.

Đại đức nói: Thọ có hai thứ là thân thọ và tâm thọ. Nếu là thân thọ thì cũng là tâm thọ. Nhưng có thứ là tâm thọ không phải là thân thọ. Nghĩa là thọ hiện có không nhận lấy sự việc bên ngoài để khởi phân biệt, chỉ dựa vào các sự việc bên trong để giữ lấy tướng kia dấy khởi phân biệt. Tức là duyên với tất cả Bổ-đặc-già-la, có duyên với các sắc thuộc về pháp xứ, tâm bất tương ưng hành và pháp vô vi v.v… đó gọi là tâm thọ. Đại đức ý muốn khiến các tâm thọ như thế không có cảnh giới thật, chỉ do phân biệt chuyển.

***

* Như nói về ba chướng: 1. Phiền não chướng. 2. Nghiệp chướng. 3. Dị thục chướng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Nếu các hữu tình tạo nên sáu pháp này, thì tuy có nghe Đức Như Lai thuyết giảng về pháp, Tỳ-nại-da đã chứng đắc, nhưng lại không thể thực hiện việc xa lìa trần cấu và đối với các pháp sinh pháp nhãn tịnh. Sáu pháp đó là: 1. Phiền não chướng. 2. Nghiệp chướng. 3. Dị thục chướng. 4. Không tin tưởng. 5. Không vui thích. 6. Tuệ ác. Tuy nói tạo ra sáu pháp như thế, nhưng Khế kinh chưa biện giải rộng, cũng như chưa nói: Thế nào là phiền não chướng? Thế nào là nghiệp chướng? Thế nào là dị thục chướng? Khế kinh kia là duyên khởi căn bản của Luận này, những điều Kinh kia chưa nói thì nay sẽ nêu bày. Do đó tạo ra phần Luận này.

Lại có thuyết cho: Trước tuy có phân biệt về các nghiệp, nhưng chưa phân biệt về chướng của các nghiệp, nay muốn phân biệt rõ nên tạo ra phần Luận này.

Ba chướng như thế đều lấy chung các phiền não mãnh liệt dữ dội, lấy năm nghiệp vô gián và vô số các thứ dị thục ở địa ngục (Nalạc-ca) làm tự tánh của mình.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Thế nào gọi là chướng?

Đáp: Ba thứ như thế có thể ngăn trở, làm chướng ngại Thánh đạo và căn thiện gia hạnh của Thánh đạo, nên gọi là chướng.

Thế nào là phiền não chướng? Nghĩa là như có một kẻ bản tánh đầy đủ các phiền não tham, sân, si mãnh liệt, do đấy khó sinh chán lìa, khó có thể khuyên dạy, khó có thể khai ngộ, khó được miễn trừ, khó được giải thoát.

Ở đây, kẻ có bản tánh đầy đủ phiền não tham mãnh liệt hiện bày rõ: Là như ông Nan-đà v.v…

Kẻ có bản tánh đầy đủ phiền não sân mãnh liệt hiện bày rõ: Là như Chỉ man v.v…

Kẻ có bản tánh đầy đủ các phiền não si mãnh liệt hiện bày rõ: Là như Ca-diếp-ba v.v…

Hỏi: Nếu như thế thì như nói: “Khó sinh chán lìa, khó có thể khuyên dạy, khó có thể khai ngộ, khó được miễn trừ, khó được giải thoát”, thì những lời nói ấy là khéo thông suốt. Do các người kia đã siêng năng tinh tấn theo phương tiện giáo hóa, nên đều được kiến đế. Còn như nói: “Có thể ngăn trở làm chướng ngại Thánh đạo và căn thiện gia hạnh của Thánh đạo”, thì ở đây làm sao thông hợp?

Đáp: Các vị kia tuy có thể làm chướng ngại Thánh đạo cùng căn thiện gia hạnh của Thánh đạo, nhưng do phương tiện khéo léo giáo hóa của phật lực, nên họ đều được kiến đế. Còn đối với hàng Đại Thanh văn như Tôn giả Xá-lợi-tử v.v… thì không phải là cảnh của đối tượng giáo hóa.

Lại có thuyết nêu: Kẻ đầy đủ về phiền não tham mãnh liệt hiện bày rõ như hạng huỳnh môn. Kẻ đầy đủ về phiền não sân mãnh liệt hiện bày rõ như ông Khí hư v.v… Kẻ đầy đủ về phiền não si mãnh liệt hiện bày rõ như đám Lục sư.

Hỏi: Nếu như thế thì như nói: “Có thể cản trở làm chướng ngại Thánh đạo và căn thiện gia hạnh của Thánh đạo”, tức các lời nói này là khéo thông hợp, do những người kia là hoàn toàn không kiến đế. Còn như nói: “Khó sinh chán lìa, khó có thể khuyên dạy v.v…”, thì ở đây làm sao thông hợp, do họ hoàn toàn là không kiến đế, thì không gọi là khó?

Đáp: Nên nói như vầy: Không sinh chán lìa thì không thể khuyên dạy v.v… Nhưng không nói như thế là có ý sâu xa gì? Tức không sinh chán lìa gọi là khó sinh chán lìa, cho đến tức không được giải thoát gọi là khó được giải thoát.

Hỏi: Do đâu để kiến lập phiền não chướng này? Do dựa vào sự gây tạo hay dựa vào sự hiện hành?

Đáp: Đây là dựa vào sự hiện hành, không phải là dựa vào sự gây tạo. Nếu dựa theo sự gây tạo thì tất cả các hữu tình không có sai khác, vì cùng đều gây tạo đủ các phiền não. Do căn cứ vào sự hiện hành để kiến lập nên phiền não có sai biệt, tức thành bốn trường hợp:

  1. Hoặc có thứ phiền não hiện rõ nhưng không mãnh liệt.
  2. Hoặc có thứ phiền não mãnh liệt nhưng không hiện rõ.
  3. Hoặc có thứ phiền não cũng hiện rõ cũng mãnh liệt.
  4. Hoặc có thứ phiền não không hiện rõ cũng không mãnh liệt.

Các thứ phiền não hiện rõ nhưng không mãnh liệt: Nghĩa là các phiền não phẩm hạ thường hiện hành.

Các thứ phiền não mãnh liệt nhưng không hiện rõ: Nghĩa là các phiền não phẩm thượng không thường hiện hành.

Các thứ phiền não cũng hiện rõ cũng mãnh liệt: Nghĩa là các phiền não phẩm thượng thường hiện hành.

Các thứ phiền não không hiện rõ cũng không mãnh liệt: Nghĩa là các phiền não phẩm hạ không thường hiện hành.

Ở đây: Các phiền não hiện rõ nhưng không mãnh liệt cũng là phiền não chướng. Do thứ phiền não này tuy là phẩm hạ nhưng lại thường hiện hành, tức dựa nơi hạ sinh trung, dựa nơi trung sinh thượng, lần lượt cho đến có thể đoạn dứt căn thiện.

Các phiền não mãnh liệt nhưng không hiện rõ kia cũng không phải là phiền não chướng, vì thứ phiền não ấy tuy là phẩm thượng nhưng vì không thường hiện hành, nên dần dần có thể tổn giảm, cho đến khi có thể nhập chánh tánh ly sinh thì đoạn dứt rốt ráo.

Các phiền não cũng hiện rõ cũng mãnh liệt là phiền não chướng nặng hơn tất cả.

Các phiền não không hiện rõ cũng không mãnh liệt thì không phải là phiền não chướng vì tất cả là nhẹ.

Như thế, căn thiện cũng có bốn trường hợp:

  1. Hoặc có thứ căn thiện hiện rõ nhưng không mãnh liệt.
  2. Hoặc có thứ căn thiện mãnh liệt nhưng không hiện rõ.
  3. Hoặc có thứ căn thiện cũng hiện rõ cũng mãnh liệt.
  4. Hoặc có thứ căn thiện không hiện rõ cũng không mãnh liệt.

Các căn thiện hiện rõ nhưng không mãnh liệt: Nghĩa là các căn thiện phẩm hạ thường hiện hành.

Các căn thiện mãnh liệt nhưng không hiện rõ: Nghĩa là các căn thiện phẩm thượng không thường hiện hành.

Các căn thiện cũng hiện rõ cũng mãnh liệt: Nghĩa là các căn thiện phẩm thượng thường hiện hành.

Các căn thiện không hiện rõ cũng không mãnh liệt: Nghĩa là các căn thiện phẩm hạ không thường hiện hành.

Ở đây: Các căn thiện hiện rõ nhưng không mãnh liệt thì không bị các phiền não chướng ngăn trở, vì thứ này tuy là căn thiện phẩm hạ, do thường hiện hàn, nên dựa nơi hạ sinh trung, dựa nơi trung sinh thượng, dần dần tăng trưởng có thể nhanh chóng tiến đến chứng đắc đoạn dứt tất cả kiết.

Các căn thiện mãnh liệt nhưng không hiện rõ thì bị các phiền não chướng ngăn trở, do thứ này tuy là căn thiện phẩm thượng nhưng lại không thường hiện hành, nên hoặc cùng với các phiền não luôn hiện hành dần dần tăng trưởng có thể đoạn dứt các căn thiện.

Các căn thiện cũng hiện rõ cũng mãnh liệt thì tất cả là hơn hết.

Các căn thiện không hiện rõ cũng không mãnh liệt thì tất cả là yếu kém.

Thế nào là nghiệp chướng? Nghĩa là năm nghiệp vô gián. Năm nghiệp ấy là gì? Đó là giết mẹ, giết cha, giết hại A-la-hán, phá Tăng đoàn và tâm ác làm thân Phật chảy máu.

Hỏi: Như trước đã nói: Có thể cản trở, làm chướng ngại Thánh đạo và căn thiện gia hạnh của Thánh đạo nên gọi là chướng. Vậy trừ năm nghiệp vô gián, còn có các thứ hành diệu và hành ác khác. Đó gọi là nghiệp quyết định nơi hữu thứ tám. Cùng do triền giận dữ ở trên đã giết hại nhiều loài vật như kiến v.v… Do đấy bị chướng ngại, không thể ở trong hiện pháp hướng nhập Thánh đạo, vì sao không nói là nghiệp chướng?

Đáp: Cũng nên nói đó là nghiệp chướng, nhưng không nói như thế nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Tức ở đây cả ba chướng đều giảng nói chưa đầy đủ.

Lại có thuyết nói: Năm nghiệp vô gián nhất định có thể làm chướng ngại, thế nên nói riêng. Các hành diệu và hành ác khác hoặc có thể làm chướng ngại hoặc không làm chướng ngại, thế nên không nói.

Lại có thuyết cho: Năm nghiệp vô gián có đủ năm nhân duyên tức dễ thấy, dễ nhận biết, thế nên nói riêng. Những gì là năm thứ? 1. Tự tánh. 2. Nẻo. 3. Sinh. 4. Quả. 5. Bổ-đặc-già-la.

Về tự tánh: Nghĩa là chủng tánh của năm thứ này quyết định là nghiệp ác cực nặng.

Về nẻo: Nghĩa là năm thứ này quyết định là thọ nhận nơi địa ngục, không phải ở nẻo khác.

Về sinh: Nghĩa là năm thứ này quyết định thuận thứ sinh thọ, không phải là thuận hiện pháp thọ, không phải là thuận hậu thứ thọ, không phải là thuận bất định thọ.

Về quả: Nghĩa là năm thứ này nhất định chiêu cảm quả hoàn toàn không đáng yêu thích ở thế gian.

Về Bổ-đặc-già-la: Nghĩa là có thể tạo ra năm thứ Bổ-đặc-già-la này dễ thấy dễ nhận biết. Tức đây có thể giết hại mẹ, đây có thể giết hại cha v.v… cho đến đây có thể làm thân Phật chảy máu. Trừ năm thứ nghiệp ác này, tất cả các thứ hành diệu hành ác khác đều không có năm thứ nhân duyên dễ thấy dễ nhận biết như thế, nên không nói.

Hỏi: Các thứ gia hạnh của nghiệp vô gián có thể tạo đầy đủ cho nghiệp của quả kia. Ở đây đối với quả kia là quyết định hay bất định?

Nếu cho là quyết định thì trong đây vì sao không nói? Lại như Tôn giả Chỉ-man, Thất-lợi-cúc-đa làm sao có thể chuyển đổi? Nếu là bất định thì trong phẩm Hại sinh đã nói làm sao thông? Như nói: Từng có nghiệp chưa hại sinh sát sinh chưa diệt, nhưng dị thục của nghiệp ấy quyết định sinh nơi địa ngục chăng? Đáp: Có. Như khi tạo gia hạnh của nghiệp vô gián thì mạng chung.

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Nghiệp này đối với quả kia là quyết định.

Hỏi: Nếu như thế thì đối với phẩm Hại sinh đã nói là khéo thông hợp, nhưng trong đây vì sao không nói?

Đáp: Trong đây nên nói về năm nghiệp vô gián và gia hạnh của chúng, nhưng không nói là có ý gì? Điều này đã nói ở trong năm vô gián, năm nghiệp vô gián dùng đấy làm gia hạnh, tức nếu nói về quả nên biết là đã nói về gia hạnh.

Hỏi: Như Tôn giả Chỉ man (Ương-quật-ma-la) vì sao có thể chuyển đổi?

Đáp: Tôn giả kia cũng chưa tạo gia hạnh của nghiệp vô gián. Thế nên vị kia nói ta nay lại chưa giết hại mẹ, lại nên ăn cơm!

Hỏi: Há chẳng phải là muốn hại bậc Nhất thiết trí?

Đáp: Bấy giờ vị ấy đối với không phải là bậc Nhất thiết trí khởi gia hạnh giết hại. Do nhân duyên đó, nên Đức Thế Tôn hóa làm Bí-sô bình thường đi vào rừng Đạp-bà, tức chớ khiến Tôn giả kia đối với bậc Nhất thiết trí khởi gia hạnh giết hại, vì như thế là không thể cứu độ. Nếu các hữu tình đối với bậc Nhất thiết trí khởi gia hạnh giết hại thì như có hằng hà sa số chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng cũng không thể cứu họ thoát khỏi địa ngục. Nên biết vị kia đã đối với không phải bậc Nhất thiết trí khởi gia hạnh giết hại, không phải đối với bậc Nhất thiết trí.

Hỏi: Về việc ông Thất-lợi-cúc-đa vì sao có thể chuyển đổi?

Đáp: Ông ấy cũng không tạo gia hạnh của nghiệp vô gián. Thế nên tuy ông ta có ngầm sắp đặt hầm lửa và trộn chất độc vào thức ăn, nhưng tâm niệm nói: Như Lai nếu là bậc Nhất thiết trí thì tự sẽ tránh khỏi. Còn nếu không phải là bậc Nhất thiết trí tức sẽ bỏ mạng. Chớ khiến huyễn hoặc đối với sự việc ăn uống của thế gian. Tức vị kia không phải đối với bậc Nhất thiết trí khởi gia hạnh giết hại, thế nên có thể chuyển đổi.

Lại có thuyết cho: Nghiệp này đối với quả kia là bất định.

Hỏi: Ở đây không nói tức là khéo thông hợp. Nghiệp đã tạo của Tôn giả Chỉ Man, của Thất-lợi-cúc-đa cũng có thể chuyển. Nhưng nơi phẩm Hại sinh đã nói làm sao thông suốt?

Đáp: Các thứ gia hạnh của nghiệp vô gián có thể tạo đầy đủ cho nghiệp của quả kia. Ở đây, đối với quả kia là có quyết định, có bất định. Như nơi phẩm Hại sinh đã nói. Nếu là quyết định thì Tôn giả Chỉ Man, Thất-lợi-cúc-đa đã có thể chuyển đổi. Nếu là bất định thì cả hai thuyết như thế đều cùng là khéo thông hợp.

Thế nào là dị thục chướng? Nghĩa là các hữu tình ở tại các nẻo Na-lạc-ca (Địa ngục), bàng sinh, quỷ giới, châu Bắc câu lô, xứ trời Vô tưởng.

Hỏi: Ở các châu khác cũng có dị thục làm chướng, như nơi loại Phiến-dĩ-ca, Bán-trạch-ca, không hình, hai hình v.v… trong đây vì sao không nói?

Đáp: Trong đây đáng lẽ nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Là do như trước đã nói: Cả ba chướng ở đây đều nêu giảng chưa đầy đủ.

Lại có thuyết cho: Ở đây chỉ nói các thứ quyết định là chướng, còn dị thục kia không phải là quyết định. Do dị thục hiện có của các hữu tình kia, hoặc có thứ là chướng, hoặc có thứ không là chướng, thế nên không nói.

Hỏi: Ba chướng như thế đối với một sự tương tục có thể gây tạo bao nhiêu thứ?

Đáp: Hoặc chỉ gây tạo một thứ. Nghĩa là đối với ba thứ chướng ấy tùy mỗi một thứ mà gây tạo. Hoặc gây tạo hai thứ, tức là phiền não chướng, nghiệp chướng, hoặc là phiền não chướng, dị thục chướng. Không có kẻ gây tạo nghiệp chướng, dị thục chướng, không phải phiền não chướng. Do đấy cũng không có việc gây tạo ba chướng.

Hỏi: Ba chướng như thế thì thứ nào là nặng nhất?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Dị thục chướng là nặng nhất. Vì sao? Vì nhân có lúc chuyển đổi, còn quả thì không thể chuyển đổi.

Lại có thuyết cho: Nghiệp chướng là nặng hơn hết. Vì sao? Vì nghiệp chướng có thể dẫn đến dị thục chướng.

Nên nói như vầy: Phiền não chướng là nặng nhất. Vì sao? Vì phiền não chướng có thể dẫn đến nghiệp chướng, nghiệp chướng lại có thể dẫn đến dị thục chướng. Như thế đều do phiền não làm gốc, nên nói là nặng nhất.

Trong ba thứ hành ác thì thứ nào tội lớn hơn hết? Tức là nói lời hư dối phá hòa hợp Tăng. Vì nghiệp này có thể nhận lấy quả khổ của dị thục là thọ lượng một kiếp ở địa ngục vô gián. Còn các nghiệp khác thì không nhất định.

Hỏi: Ở đây nói: Nói lời hư dối phá hòa hợp Tăng là tội lớn nhất, ở xứ khác lại nói ý nghiệp là tội lớn nhất, nơi khác lại nói tà kiến là tội lớn nhất. Vậy ba thứ tội lớn này có gì khác nhau?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Tội có ba thứ: 1. Là nghiệp. 2. Là phiền não. 3. Là hành ác.

Trong nghiệp thì ý nghiệp là tội lớn. Trong phiền não thì tà kiến là tội lớn. Còn trong hành ác thì nói lời hư dối phá hòa hợp Tăng là tội lớn.

Lại có thuyết cho: Làm não loạn đại chúng, nên ý nghiệp là tội lớn. Diệt mất hết tất cả căn thiện, nên tà kiến là tội lớn. Có thể chiêu cảm quả dị thục của khổ lớn, nên nói lời hư dối phá hòa hợp Tăng là tội lớn.

Lại có thuyết nêu: Trong ba nghiệp thì ý nghiệp là tội lớn. Trong năm kiến thì tà kiến là tội lớn. Trong năm nghiệp vô gián thì nói lời hư dối phá hòa hợp Tăng là tội lớn.

Lại có thuyết nói: Trong nghiệp đạo do kiến đạo đoạn thì tà kiến là tội lớn. Trong nghiệp đạo do tu đạo đoạn thì nói lời hư dối phá hòa hợp Tăng là tội lớn. Trong nghiệp do kiến đạo, tu đạo đoạn thì ý nghiệp là tội lớn.

Lại có thuyết cho: Căn cứ vào tư nghiệp nên nói ý nghiệp là tội lớn. Căn cứ vào nghiệp do tư đã gây tạo thì nói lời hư dối phá hòa hợp Tăng là tội lớn. Căn cứ vào không phải nghiệp nên nói tà kiến là tội lớn.

Lại có thuyết nêu: Căn cứ vào chủ thể tạo nghiệp nên nói ý nghiệp là tội lớn. Căn cứ vào nghiệp của đối tượng dấy khởi nên nói nói lời hư dối phá hòa hợp Tăng là tội lớn. Căn cứ vào không phải nghiệp nên nói tà kiến là tội lớn.

Lại có thuyết nói: Dựa vào nghiệp của chủ thể chuyển nên nói ý nghiệp là tội lớn. Dựa vào nghiệp của đối tượng chuyển nên cho nói lời hư dối phá hòa hợp Tăng là tội lớn. Dựa vào không phải nghiệp nên nói tà kiến là tội lớn.

Đó gọi là ba thứ tội lớn có sai biệt.

Hỏi: Khi kẻ kia phá hòa hợp Tăng thì cũng có gia hạnh của thân nghiệp tới lui, suy nghĩ và ngữ nghiệp khác, vì sao chỉ nêu nói lời hư dối có thể phá hòa hợp Tăng?

Đáp: Nếu khi phá hòa hợp Tăng, gia hạnh là cứu cánh, có mặt ở tất cả thời, thì trong đây nói đến. Còn ở trong các nghiệp chỉ nói lời hư dối là gia hạnh cứu cánh, có mặt nơi tất cả thời, có thể khiến hòa hợp Tăng bị hủy hoại, thế nên nói riêng. Các nghiệp khác thì không như vậy, thế nên không nói.

Hỏi: Như nói có thể nhận lấy quả của địa ngục vô gián. Vì sao gọi là địa ngục vô gián?

Đáp: Đây là tên gọi giả lập, là tưởng giả lập, không hẳn như tên gọi tất có nghĩa kia. Lại, địa ngục này cũng gọi là vô gián, cũng gọi là nơi chỉ thể bị ngọn lửa cháy rực của thỏi sắt nung đỏ tra khảo liên hồi. Cũng gọi là luôn ở nơi cửa của sáu xúc xứ thọ nhận các khổ não. Cũng gọi là nơi tự thọ nhận các khổ do nghiệp đã tạo ra.

Lại có thuyết nói: Do ở trong xứ ấy là vô gián, là không có kẽ hở có thể khiến lạc thọ tạm thời hiện tiền, nên gọi là vô gián.

Hỏi: Trong các địa ngục khác là có các sự việc hỷ lạc như ca múa, ăn uống v.v… chăng?

Đáp: Trong các địa ngục khác tuy không có dị thục về hỷ lạc, nhưng có đẳng lưu về hỷ lạc. Như Luận Thi Thiết nói: Trong địa ngục Đẳng hoạt có lúc có một phần gió mát tạm thời thổi vào. Hoặc lúc nghe có âm thanh gọi lớn như vầy: Cùng sống lại! Cùng sống lại! Khi ấy, các hữu tình kia hốt nhiên sống lại, chân tay các chi phần máu thịt v.v… bình phục như cũ và tạm thời sinh hỷ lạc. Còn ở địa ngục vô gián thì không các sự việc như thế, nên gọi là vô gián.

Lại có thuyết cho: Số hữu tình kia sinh vào chốn ấy là rất nhiều, không hề gián đoạn, không có kẽ hở, nên gọi là vô gián. Thuyết này không đúng. Vì sao? Vì kẻ có hành ác phẩm thượng (Cực ác) mới sinh vào địa ngục kia. Các hữu tình ở thế gian không phải đều có thể dấy khởi hành ác phẩm thượng. Cũng như chủ yếu cần tu tập hành diệu phẩm thượng mới được sinh vào xứ Hữu đảnh. Nhưng các hữu tình ở thế gian không phải đều có thể khởi hành diệu phẩm thượng, thế nên số được sinh lên xứ Hữu đảnh là ít. Hữu tình bị đọa vào địa ngục vô gián cũng như thế, nên thuyết ấy là không đúng.

Hỏi: Nếu như thế vì sao gọi là vô gián?

Đáp: Vì dựa vào quả dị thục nên gọi là vô gián. Do các hữu tình tạo các nghiệp ác lớn tức sinh nơi địa ngục kia, có thân tướng rất to lớn, mỗi mỗi phần nơi thân hình thảy đều to lớn, hiện đầy khắp nhiều xứ trong đó, không gián đoạn, không có khoảng trống, nên gọi là vô gián.

HẾT – QUYỂN 115