LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 113

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 1: BÀN VỀ HÀNH ÁC, phần 2

* Ba hành ác và mười nghiệp đạo bất thiện: Ba thứ gồm thâu mười thứ hay mười thứ gồm thâu ba thứ? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có ba hành ác và mười nghiệp đạo bất thiện. Khế kinh tuy nói thế nhưng không biện luận rộng. Nói rộng như trước.

Lại có thuyết nói: Trước tuy đã phân biệt ba thứ hành ác, nhưng chưa phân biệt về mười nghiệp đạo bất thiện. Nay nhằm phân biệt, nên tạo ra phần Luận này.

Ở đây, ba hành ác, tên gọi thì tóm lược nhưng sự việc thì rộng. Còn mười nghiệp đạo bất thiện, tên gọi thì rộng nhưng sự việc lại tóm lược. Cho nên ba hành ác gồm thâu mười nghiệp đạo bất thiện, không phải mười nghiệp đạo bất thiện gồm thâu ba hành ác. Do các hành ác gồm thâu mười nghiệp đạo bất thiện rồi mà lại có thừa. Ví như những đồ đựng lớn trùm lên đồ đựng nhỏ, nên lại còn thừa. Vì vậy ba hành ác gồm thâu mười nghiệp đạo bất thiện, không phải mười nghiệp đạo bất thiện gồm thâu ba hành ác. Không gồm thâu là những gì? Nghĩa là trừ các thứ thuộc về mười nghiệp đạo bất thiện, còn lại là các hành ác khác của thân ngữ ý.

Những gì là các hành ác khác của thân ngữ? Đó là các gia hạnh hậu khởi của nghiệp đạo thân ngữ và các nghiệp nơi Luận Thi Thiết đã nói cùng tất cả nghiệp thuộc về già tội.

Những gì là các hành ác khác của ý? Đó là tư bất thiện.

Nay sẽ hiển bày về ba thứ căn bản, gia hạnh, hậu khởi có sai biệt của mười nghiệp đạo bất thiện:

Như ba phần ấy (gia hạnh căn bản, hậu khởi của sự việc giết hại sinh mạng: Tức như việc giết mổ dê. Trước hết kẻ kia đi đến chỗ có dê, hoặc mua rồi hoặc lôi dắt, trói cột, đánh đập v.v… cho đến khi dê chưa chết, lúc ấy các thứ thân ngữ nghiệp bất thiện hiện có là gia hạnh của sự việc giết hại sinh mạng. Nếu khởi tâm giết hại, thì ngay khi đoạn dứt mạng sống của kẻ khác, bấy giờ thân biểu bất thiện hiện có, cùng với sát-na vô biểu ấy blà phần căn bản của sự việc giết hại sinh mạng. Từ đó trở về sau, tức ở nơi chốn ấy, các việc làm như lột da, chặt xương, lóc thịt, rồi đem bán, trao đổi, hoặc ăn uống v.v… toàn bộ các thân ngữ nghiệp bất thiện hữu biểu vô biểu đã khởi, là phần hậu khởi của sự việc giết hại sinh mạng.

Về ba phần của sự việc không cho mà lấy (Trộm cắp): Tức trước khi khởi tâm trộm cắp là đi đến nhiều nơi chốn, bày mưu tính kế, dò xét, đào tường khoét vách, bẻ khóa cạy rương, để trộm lấy tiền của vật báu của người khác v.v… cho đến ôm mang của cải nhưng chưa lìa khỏi xứ gốc. Tất cả các thứ thân ngữ nghiệp bất thiện hiện có bấy giờ là gia hạnh của sự việc không cho mà lấy. Nếu khởi tâm trộm cắp chính khi trộm lấy vật của kẻ khác mang vật ra đi khỏi xứ gốc, khi ấy các thân biểu bất thiện hiện có cùng sát-na vô biểu này là căn bản của sự việc không cho mà lấy. Từ đó trở về sau, nếu chủ của vật biết được, cho đến trói cột cùng hại v.v… tức là dùng gia hạnh của vật sát sinh làm hậu khởi của việc trộm cắp. Nếu chủ của vật không biết thì đem phân phát thọ dụng v.v… tức các thân ngữ nghiệp bất thiện hữu biểu vô biểu đã khởi lúc ấy là hậu khởi của sự việc không cho mà lấy.

Về ba phần của hành tà dục: Tức do lửa dục thiêu đốt, khiến nhắn tin gửi thư, hoặc dùng các thức ăn uống, tiền của châu báu để biểu hiện tướng ái. Kẻ kia hoặc sờ nắm tay chân hoặc xúc chạm cho đến trước lúc hòa hợp, tất cả những thân ngữ nghiệp bất thiện hiện có trong lúc này là gia hạnh của sự việc hành tà dục. Nếu vào lúc ấy đây kia hòa hợp thì thân biểu bất thiện đã khởi cùng sát-na vô biểu này là phần căn bản của hành tà dục. Ở đây: Có thuyết nói: Khi vừa hòa hợp tức thành nghiệp đạo. Lại có thuyết cho: Khi nhiệt não thông hợp mới thành nghiệp đạo. Từ đó trở về sau, tức dựa vào sự việc này, những thân ngữ nghiệp bất thiện hữu biểu vô biểu hiện có gọi là phần hậu khởi của hành tà dục.

Về ba phần của sự việc nói lời hư dối: Tức là do tiền của, danh lợi, tiếng khen, nên đối với một hữu tình, hoặc ở nơi đông người giả làm minh chứng, che giấu ý tưởng để nói, cho đến chưa phát sinh việc thâu nhận lời nói hư dối ấy, tất cả thân ngữ nghiệp bất thiện hiện có lúc này gọi là gia hạnh của sự việc nói lời hư dối. Nếu chính thức phát sinh việc thừa nhận lời nói kia thì bấy giờ những ngữ biểu bất thiện hiện có cùng sát-na vô biểu ấy gọi là phần căn bản của sự việc nói lời hư dối. Từ đấy về sau, tức dựa vào sự đó để dấy khởi các thân ngữ nghiệp bất thiện hữu biểu vô biểu, gọi là phần hậu khởi của sự việc nói lời hư dối.

Về ba phần của sự việc nói lời ly gián: Tức là vì tiền bạc, danh lợi, tiếng khen v.v… nên dùng nhiều phương tiện, đối với bạn thân của kẻ khác, nhằm tạo sự phá hoại, ly gián, cho đến chưa chính thức phát ra lời nói phá hoại ly giác kia, thì bấy giờ tất cả thân ngữ nghiệp bất thiện hiện có, gọi là phần gia hạnh của nói lời ly gián. Nếu khởi ý phá hoại, chính thức phát ra lời nói hủy hoại, lúc này những ngữ biểu bất thiện hiện có cùng với sát-na vô biểu ấy, gọi là phần căn bản của nói lời ly gián. Từ đấy trở về sau, tức dựa vào sự việc này dấy khởi các nghiệp thân ngữ bất thiện hữu biểu, vô biểu, gọi là phần hậu khởi của nói lời ly gián. Trong đây, có thuyết nói: Nếu nói lời ly gián khiến kẻ khác bị tan hoại chia lìa mới thành nghiệp đạo. Nếu như vậy thì nói lời phá hoại Thánh nhân tức nên không phải là nghiệp đạo. Nhưng nói lời ly gián hủy hoại Thánh giả thì tội rất nặng. Nên nói như vầy: Chỉ khởi tâm hủy hoại để tạo ra nói lời ly gián, dù lời nói ấy có gây nên tan hoại hay không đều thành nghiệp đạo.

Về ba phần của sự việc nói lời thô ác: Nghĩa là kẻ kia do bản tánh có nhiều giận dữ, khi sắp phát ra ngôn thuyết thì trước hiện bày những phẫn nộ. Thân cử động mạnh, sắc mặt biến đổi, trợn mắt, miệng quát tháo, đi tới nhà người nọ. Cho đến chưa chính thức phát ra lời nói hủy nhục, bấy giờ những nghiệp thân ngữ bất thiện hiện có, gọi là phần gia hạnh của nói lời thô ác. Nếu đến nơi chốn kia, phát ra lời nói hủy nhục, thì lúc này, các thứ ngữ biểu bất thiện hiện có, cùng với sát-na vô biểu ấy, gọi là phần căn bản của nói lời thô ác. Từ đấy trở về sau, tức dựa vào sự việc này, đã khởi những thân ngữ nghiệp bất thiện hữu biểu vô biểu, gọi là phần hậu khởi của nói lời thô ác. Trong đây, có thuyết cho: Khiến người nọ giận dữ tổn não mới thành nghiệp đạo. Nếu như vậy thì hủy nhục người đã lìa dục tức nên không phải là nghiệp đạo. Nhưng nói lời thô ác mạ lỵ người đã lìa dục là tội nặng. Nên nói như thế này: Chỉ mang tâm giận dữ phát ra lời nói thô ác, hoặc có não hại người nọ hoặc không não hại đều thành nghiệp đạo.

Về ba phần của sự việc nói lời uế tạp: Nghĩa là do tiền bạc, lợi lộc, tiếng khen, sự cung kính cùng vui đùa, nên kẻ kia ưa thích tạo ra những thừ lời nói vô nghĩa, phi thời, không đúng pháp. Hoặc những khi kẻ phường chèo, kẻ muốn làm người ngu nói lời vui cười, chỉ tay, đưa mắt, nhảy múa, tạo ra những lời nói đùa cợt, cho đến khi chưa phát lời nói uế tạp căn bản, bấy giờ các thứ thân ngữ nghiệp bất thiện hiện có ấy, gọi là phần gia hạnh của nói lời uế tạp. Nếu khi chính thức phát khởi các thứ lời nói vô nghĩa, đùa cợt, hỗn tạp, thì những ngữ biểu bất thiện hiện có cùng với sát-na vô biểu này, gọi là phần căn bản của nói lời uế tạp. Từ đấy trở về sau, tức dựa nơi sự việc ấy, đã khởi các nghiệp thân ngữ bất thiện hữu biểu vô biểu, gọi là phần hậu khởi của nói lời uế tạp.

Ngoài ra, ba nghiệp đạo của ý là tham dục, sân giận và tà kiến phát khởi tức là phần căn bản, không có phần gia hạnh và hậu khởi có sai biệt.

Có thuyết nói: Cũng có phần gia hạnh và hậu khởi, nghĩa là các tư bất thiện.

Trong đây, bảy nghiệp đạo bất thiện căn bản gồm có các nghiệp hữu biểu cùng với các nghiệp vô biểu của sát-na ấy đều đủ cả năm nghĩa: 1. Hành ác. 2. Phạm giới. 3. Không luật nghi. 4. Nghiệp. 5. Nghiệp đạo.

Từ đây trở về sau, nơi các nghiệp vô biểu đều chỉ có bốn nghĩa, tức là trừ nghiệp đạo, vì chỉ ở nơi lúc tư là cứu cánh mới gọi là nghiệp đạo.

Hỏi: Do bao nhiêu nghiệp đạo bất thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển? (Tư cứu cánh: Chỉ cho ý nghiệp giữ vai trò chính)

Đáp: Đối với tự tánh của thân nghiệp: Trong ba nghiệp đạo bất thiện, hoặc có lúc do một tư cứu cánh chuyển. Nghĩa là ba thứ nghiệp của thân mỗi mỗi mà khởi.

Hoặc có khi do hai tư cứu cánh chuyển. Nghĩa là như có một kẻ trộm dê của người khác có trông mong ấy, tức ở nơi lúc trộm cũng đoạn hại sinh mạng. Hoặc tự hành tà dục, sai khiến kẻ khác làm một việc giết hại hay trộm vật. Do hành tà dục thì chỉ tự mình là có cứu cánh. Nếu có pháp của chủng loại như thế sinh thì trong khoảnh một sát-na do hai nghiệp đạo bất thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển.

Hoặc có khi do ba tư cứu cánh chuyển. Nghĩa là như có một người, trước sai hai kẻ làm việc sát sinh, trộm cắp, còn tự mình làm việc hành tà dục. Nếu có pháp của chủng loại như thế sinh khởi, thì trong khoảnh một sát-na, ba sự việc kia đều có cứu cánh. Bấy giờ, ba nghiệp đạo bất thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Cũng như một đám giặc cướp cùng hẹn đến tại một xứ để cướp đoạt kẻ khác. Lúc ấy, nơi khoảnh khắc sát-na, có tên thì cướp lấy xe cộ của người kia, có tên thì sát hại sinh mạng, có tên thì hành dâm với phụ nữ. Nên biết bấy giờ, những tên giặc cướp kia do ba nghiệp đạo bất thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển.

Đối với tự tánh của ngữ nghiệp: Trong bốn nghiệp đạo bất thiện, hoặc có lúc do một tư cứu cánh chuyển. Nghĩa là bốn nghiệp của ngữ ấy mỗi mỗi mà khởi. Có thuyết nói: Một thứ chỉ là nói lời uế tạp.

Hoặc có lúc do hai tư cứu cánh chuyển. Nghĩa là tạo nói lời hư dối không đúng lúc, nên có nói lời uế tạp. Hoặc khởi nói lời ly gián không đúng lúc, nên có nói lời uế tạp. Hoặc tạo nói lời thô ác không đúng lúc, nên có nói lời uế tạp.

Hoặc có lúc do ba tư cứu cánh chuyển. Nghĩa là do nói lời hư dối, nói lời ly gián không phải lúc, nên nói lời uế tạp. Hoặc do nói lời hư dối, nói lời thô ác không phải lúc, nên có nói lời uế tạp.

Hoặc do bốn tư cứu cánh chuyển. Nghĩa là do nói lời hư dối, nói lời ly gián, nói lời thô ác không phải lúc, nên có nói lời uế tạp.

Nếu luận chung, hoặc có lúc do năm tư cứu cánh chuyển. Hoặc cho đến do tám tư cứu cánh chuyển. Nghĩa là như trường hợp sai khiến sáu kẻ tạo sáu nghiệp đạo, còn tự mình thì tạo hành tà dục. Nếu có pháp của chủng loại như thế sinh ra, thì trong khoảnh một sát-na, nghiệp đạo kia đều có cứu cánh và ba nghiệp đạo của ý tùy một hiện tiền. Như vậy là tám thứ nghiệp đạo cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nên biết, ba nghiệp đạo của ý đều hiện khởi riêng tư cứu cánh chuyển, không có nghĩa cùng sinh, vì không có hai tâm, không có việc khiến kẻ khác cùng làm. Do đó, không nói nghĩa hoặc chín hoặc mười nghiệp đạo cùng sinh.

Hỏi: Ở nơi cõi nào có bao nhiêu thứ nghiệp đạo bất thiện có thể tạo tác?

Đáp: Chỉ ở nơi cõi dục, tất cả mười thứ đều gồm đủ có thể tạo tác. Hoặc thuộc về không luật nghi, hoặc thuộc về không phải là luật nghi, không phải là không luật nghi. Còn ở cõi sắc và cõi vô sắc, tất cả đều không thể tạo tác.

Hỏi: Ở trong nẻo nào có bao nhiêu thứ nghiệp đạo bất thiện có thể tạo tác?

Đáp: Ở nẻo Nại-lạc-ca (Địa ngục) có năm thứ sau, thuộc về không phải là luật nghi, không phải là không luật nghi. Không có giết hại sinh mạng, do hữu tình nơi nẻo ấy không thể giết hại kẻ khác. Như nói: Đối với nẻo ấy, cho đến các nghiệp ác bất thiện hiện có chưa dứt hết, chưa loại bỏ hết, thì nhất định không mạng chung. Không có không cho mà lấy, do ở nẻo ấy không có sự việc thọ nhận tiền của. Cũng không có hành tà dục, do ở xứ ấy không có sự việc thâu nhận thê thiếp. Không có nói lời hư dối và nói lời ly gián, vì ở đấy không thâu nhận sự việc nói lời hư dối, vì thường không hòa hợp. Có nói lời thô ác, vì bị các thứ khổ thọ bức bách. Có nói lời uế tạp, vì nói năng không phải lúc. Tham dục, giận dữ, tà kiến thì có đủ, vì chưa lìa dục.

Nẻo bàng sinh, nẻo quỷ có đủ mười thứ, thuộc về không phải là luật nghi không phải là không luật nghi.

Nẻo người, ở ba châu có đủ mười nghiệp đạo bất thiện, hoặc thuộc về không luật nghi, hoặc thuộc về không phải là luật nghi không phải là không luật nghi. Còn ở châu Bắc câu lô có bốn thứ sau, thuộc về không phải là luật nghi không phải là không luật nghi. Không có giết hại sinh mạng vì thọ mạng đã nhất định là ngàn tuổi, không có chết yểu, và tánh thuần thiện nên nhất định thăng tiến. Không có không cho mà lấy, vì ở châu này không có sự việc thâu nhận phần mình và phần của người khác. Không có hành tà dục, vì ở đấy không có sự việc thâu nhận thê thiếp. Người ở châu này, khi muốn làm việc phi phạm hạnh, thì đôi nam nữ dắt nhau đến nơi gốc cây, nếu hợp pháp thì cành cây rũ xuống để che cho họ giao tình, nếu cành cây không rũ xuống thì cả hai xấu hổ lìa nhau. Không có việc nói lời hư dối, vì không có sự việc thâu nhận lời nói hư dối. Không có nói lời ly gián, do người ở châu ấy luôn hòa thuận. Không có nói lời thô ác, do ở châu này ngôn ngữ thường hòa nhã dịu dàng. Có nói lời uế tạp, vì hữu tình ở châu này luôn ca hát ngâm vịnh, cười đùa phi thời. Tham dục, sân giận và tà kiến thì đều có đủ, vì chưa lìa dục.

Các xứ trời thuộc cõi dục có đủ mười nghiệp đạo bất thiện, thuộc về không phải là luật nghi không phải là không luật nghi.

Hỏi: Ở các xứ trời kia có sự việc đoạn hại sinh mạng chăng?

Đáp: Người nơi xứ này tuy không giết hại nhau, nhưng có giết hại hữu tình nơi nẻo khác.

Lại có thuyết cho: Cũng có cùng giết hại nhau, nên có câu nói như thế này: Chư Thiên về tay chân thì tùy chặt tùy sinh, chỉ khi chặt đứt đầu thì mới chết. Ở xứ này cũng có không cho mà lấy, cho đến nói lời uế tạp, do ở nơi các xứ này cũng có trộm cướp vật của người khác, xâm chiếm chỗ thọ dụng của người khác, lừa gạt nói dối, nói lời ly gián, phá hoại, tức giận mắng nhiếc, hủy nhục, ca haut, ngâm vịnh phi thời. Tham dục, sân hận và tà kiến đều có đủ, vì chưa lìa dục.

Hỏi: Lấy trộm cắp tiền bạc vật dụng của các Bí-sô đã qua đời thì ở nơi xứ nào đối với ai gọi là tạo được nghiệp đạo căn bản?

Đáp: Nếu đã tác pháp yết-ma thì ở xứ của chúng yết-ma bị tội. Nếu chưa tác pháp yết-ma thì ở khắp nơi xứ của tất cả chúng nói pháp thiện mà bị tội.

Hỏi: Nếu có được vật nơi kho báu nằm dưới đất, khởi tưởng trộm cắp rồi tự thọ dụng thì kẻ kia ở nơi xứ nào đối với ai gọi là phạm tội?

Đáp: Ở nơi xứ của vua bị phạm tội, vì tất cả đại địa hiện có đều thuộc về vua.

Lại có thuyết nói: Ở nơi xứ thuộc về ruộng đất, nhà cửa của người chủ bị phạm tội. Vì sao? Vì người chủ ruộng đất nơi có kho báu kia đã phải đóng thuế lợi tức.

Nên nói như vầy: Ở nơi xứ của vua bị phạm tội, vì đại địa hiện có thì vua làm chủ. Còn người chủ ruộng đất, nhà cửa kia chỉ nộp thuế lợi tức nơi phần trên mặt đất không có nộp thuế đối với kho báu nằm dưới mặt đất.

Hỏi: Nếu lấy được vật nơi kho báu dưới lòng đất ở ranh giới giữa hai nước, khởi tưởng trộm cắp để tự thọ dụng, thì ở nơi xứ nào đối với ai bị phạm tội?

Đáp: Nếu khi Chuyển luân vương ra đời thì phạm tội với Chuyển luân vương, nếu không có Chuyển luân vương thì không phạm tội.

Hỏi: Nếu trộm lấy hiện vật nơi tháp thờ cúng Như Lai thì ở nơi xứ nào đối với ai bị phạm tội?

Đáp: Có thuyết nói: Cũng ở nơi xứ của quốc vương bị phạm tội.

Lại có thuyết cho: Ở nơi xứ của thí chủ đã cúng các thứ vật dụng kia cho tháp, bị phạm tội.

Lại có thuyết nêu: Ở nơi xứ của người coi giữ tháp bị phạm tội.

Lại có thuyết nói: Ở nơi xứ của các hàng phi nhân trời, rồng, Dược xoa đã có thể hộ trì ngôi tháp kia, bị phạm tội

Nên nói như vầy: Ở nơi xứ của Phật, bị phạm tội. Vì sao? Vì như Đức Thế Tôn nói: Tôn giả A-nan nên biết! Nếu Ta trụ nơi thế gian, có người đối với Ta đã cung kính cúng dường và sau khi Ta nhập Niết-bàn cho đến hàng ngàn năm, nếu có người đối với xá lợi của Ta dù chỉ bé nhỏ như hạt cải đều hết lòng cung kính cúng dường, Ta nói người ấy luôn trụ nơi tâm bình đẳng, chiêu cảm quả dị thục bình đẳng, bình đẳng. Do lời nói này nên biết: Tuy Đức Thế Tôn đã diệt độ trải qua ngàn năm, nhưng tất cả hữu tình ở thế gian nếu cung kính cúng dường thì Đức Thế Tôn đều thâu nhận.

Hỏi: Nếu tạo hành bất tịnh đối với người nữ thọ học giới cấm như Bí-sô-ni hay Ô-ba-tư-ca (Nữ cư sĩ) đang siêng tu phạm hạnh, hoặc nữ ngoại đạo dốc tâm tu khổ hạnh, hủy phạm giới cấm của chư vị ấy, thì ở nơi xứ nào, đối với ai, bị phạm tội?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Ở nơi xứ của các vị Sư là thầy của những người kia, bị phạm tội.

Lại có thuyết cho: Ở nơi xứ của những vị đồng tu phạm hạnh với các người kia, bị phạm tội.

Nên nói như vầy: Ở nơi xứ của vua bị phạm tội, vì những người kia đã được quốc vương bảo vệ che chở.

Hỏi: Nếu tạo hành bất tịnh đối với người nữ khách trọ, thì ở nơi xứ nào đối với ai bị phạm tội?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Ở nơi xứ của người chủ nhà trọ bị phạm tội.

Nên nói như vầy: Ở nơi xứ của vui bị phạm tội, vì người này đã được quốc vương bảo vệ, che chở.

Hỏi: Nếu tạo hành bất tịnh đối với người nữ tự bán mình thì ở nơi xứ nào đối với ai bị phạm tội?

Đáp: Nếu cùng nhau thõa thuận về giá cả thì không phạm tội. Nếu không cùng nhau thõa thuận về giá cả thì ở nơi xứ của vua, bị phạm tội.

Hỏi: Nếu tạo hành bất tịnh đối với người nữ chưa gả chồng thì ở nơi xứ nào đối với ai bị phạm tội?

Đáp: Nếu đã hứa gả cho người khác thì ở nơi xứ của vị hôn phu kia bị phạm tội. Nếu chưa hứa gả cho ai thì ở nơi xứ cha mẹ, người thân của cô gái ấy, bị phạm tội.

Hỏi: Nếu có người nữ đã được cha mẹ, anh chị em, bà con… bảo hộ, có trừng phạt ngăn cấm, được thê thiếp của người khác hoặc do người khác thâu nhận, cho đến hoặc có khi tặng một vòng hoa cài tóc. Nếu tạo hành bất tịnh với cô gái ấy thì ở nơi xứ nào đối với ai bị phạm tội?

Đáp: Ở nơi xứ của những người có thể bảo hộ cô ấy, cho đến kẻ có tặng một vòng hoa cài tóc bị phạm tội.

Như Luận Thi Thiết nói: Người ở châu Thiệm-bộ thì thân hình giao hợp là thành dâm. Người ở châu Đông Tỳ Đề Ha, châu Tây Cù Đà Ni, châu Bắc Câu Lô, trời Tứ Đại vương chúng, trời Ba mươi ba cũng như thế. Riêng ở trời Dạ Ma thì chỉ ôm nhau là thành dâm. Trời Đổ Sử Đa thì nắm tay là thành dâm. Trời Lạc Biến Hóa thì vui cười là thành dâm. Trời Tha Hóa Tự Tại thì liếc mắt nhìn nhau là thành dâm.

Hỏi: Hữu tình địa cư (Ở trên mặt đất) đã khởi gia hạnh của sự việc hành dâm, tức là nghiệp đạo căn bản của hữu tình không cư (Ở nơi không trung). Vậy nghiệp đạo của hữu tình không cư có phần gia hạnh không?

Đáp: Đều có phần gia hạnh. Nghĩa là ở trời Dạ Ma thì lấy việc nắm tay, vui cười, liếc nhìn làm gia hạnh. Trời Đổ Sử Đa thì lấy việc vui cười, liếc nhìn làm gia hạnh. Trời Lạc Biến Hóa thì lấy việc liếc nhìn làm gia hạnh.

Hỏi: Ở nơi xứ chỉ cùng liếc nhìn là thành nghiệp đạo thì ở đấy có gia hạnh không?

Đáp: Ở nơi xứ ấy cũng có. Tức trước đối nơi một phương để liếc nhìn người nữ khác xoay lại nhìn về phương khác, chưa thấy là gia hạnh, thấy là thành căn bản. Trước ngồi nơi một cung để nhìn người nữ khác, đứng đậy hướng đến cung khác, chưa thấy là gia hạnh, thấy là thành căn bản.

Hỏi: Vì sao hữu tình địa cư thì thân hình giao hợp là thành dâm, còn hữu tình không cư thì không như thế?

Đáp: Vì cõi này có phiền não thô, cõi kia có phiền não vi tế. Cõi này có phiền não nặng, cõi kia có phiền não nhẹ. Cõi này có phiền não dốc sức, cõi kia có phiền não thuận lợi.

Lại nữa, các xứ trời kia có cảnh giới rất đẹp đẽ, cảnh giới sáng sạch, cảnh giới thắng diệu. Do cảnh giới như thế đã dẫn dắt tác động, nên khi vừa tiếp xúc đối nhau tức khiến tham đắm. Thế nên ở các xứ ấy lửa dục dễ dứt.

Lại có thuyết cho: Do chư Thiên ở nơi xứ trên là gần với đạo lìa dục, thế nên ở các chốn ấy lửa dục dần mỏng, ít.

Nên nói như vầy: Tất cả sự việc hành dâm phải có hai thân hình giao nhau thì lửa dục mới dứt.

Hỏi: Nếu như thế thì điều nơi Luận Thi Thiết nói là sao thông?

Đáp: Vì Luận ấy nói về thời lượng nhanh chậm có sai biệt. Nghĩa là như ở trời Dạ-ma, có thời lượng là khi cùng ôm nhau thì lửa dục liền dứt. Cho đến nơi trời Tha Hóa Tự Tại có thời lượng là liếc nhìn nhau thì lửa dục liền dứt. Luận Thi Thiết chỉ căn cứ vào thời lượng nhanh chậm nên nói như thế.

***

* Ba hành diệu và mười nghiệp đạo thiện: Ba thứ gồm thâu mười thứ hay mười thứ gồm thâu ba thứ? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có ba hành diệu và mười nghiệp đạo thiện. Khế kinh tuy nói như thế nhưng chưa biện biệt rộng. Nói rộng như trước.

Lại có thuyết nói: Trước đã phân biệt về ba thứ hành diệu nhưng chưa phân biệt về mười nghiệp đạo thiện, nay muốn phân biệt chúng, nên tạo ra phần Luận này.

Ở đây, ba thứ hành diệu tên gọi thì tóm lược nhưng sự việc thì rộng, còn mười nghiệp đạo thiện tên gọi thì rộng nhưng sự việc thì tóm lược. Thế nên ba hành diệu gồm thâu mười nghiệp đạo thiện, không phải mười nghiệp đạo thiện gồm thâu ba hành diệu. Nêu dụ như trước. Không gồm thâu là những gì? Nghĩa là trừ các hành diệu của thân ngữ ý thuộc về nghiệp đạo, còn lại là các hành diệu của thân ngữ ý khác. Ở đây, những hành diệu nào của thân ngữ không thuộc về nghiệp đạo? Đó là các phần gia hạnh hậu khởi của các nghiệp đạo thân ngữ và các nghiệp nơi Luận Thi Thiết đã nói cùng lìa bỏ các nghiệp thuộc về già tội.

Những gì là hành diệu của ý không phải thuộc về nghiệp đạo? Đó là tư thiện.

Nay nên nêu bày rõ về ba phần căn bản, gia hạnh và hậu khởi có sai biệt của mười nghiệp đạo thiện. Nghĩa là lìa bỏ phần căn bản của mười nghiệp đạo bất thiện, tức là phần căn bản của mười nghiệp đạo thiện. Lìa bỏ các phần gia hạnh, hậu khởi của mười nghiệp đạo bất thiện, tức là các phần gia hạnh, hậu khởi của mười nghiệp đạo thiện.

Điều này lại là thế nào? Nghĩa là cũng như khi chư vị Cần sách thọ giới cụ túc, trước hết là sửa lại y phục cho chỉnh tề, rồi đi đến giới đàn, đảnh lễ nơi chân chư Tăng thỉnh làm Thân giáo sư, thọ trì y bát, sang tới nơi chốn xét hỏi về việc thọ giới. Tiếp đấy lại ra giữa đại chúng và được xét hỏi lần nữa, rồi làm lễ bạch yết-ma từ một đến lần thứ ba… chưa xong. Đó gọi là phần gia hạnh của nghiệp đạo thiện. Đến khi bạch yết-ma lần thứ ba xong, bấy giờ biểu nghiệp cùng với sát-na vô biểu này gọi là phần căn bản của nghiệp đạo thiện. Từ đó trở về sau là nói về các sự việc như bốn y, bốn trọng là phần hậu khởi của nghiệp đạo thiện.

Trong đây, về phần căn bản nơi bảy nghiệp đạo thiện, hoặc là hữu biểu cùng với sát-na vô biểu này đều có đủ bảy nghĩa: 1. Thi la. 2. Hành diệu. 3. Luật nghi. 4. Biệt giải thoát. 5. Luật nghi biệt giải thoát. 6. Nghiệp. 7. Nghiệp đạo.

Từ đấy trở về sau, các nghiệp vô biểu mỗi thứ đều chỉ có năm nghĩa, tức là bảy nghĩa trên trừ Biệt giải thoát và Nghiệp đạo. Đã được giải thoát hoàn toàn các thứ ác, không phải là đầu tiên, cũng chỉ khi ở nơi tư cứu cánh mới gọi là nghiệp đạo.

Hỏi: Do bao nhiêu thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển?

Đáp: Đối với người khi thọ tám giới và năm giới, nếu trụ vào tâm thiện của năm thức thì do sáu thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu trụ vào tâm thiện của ý thức, thì do bảy thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu trụ vào tâm nhiễm ô hoặc tâm vô ký, thì do bốn nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Khi thọ mười giới cũng như thế.

Khi thọ giới cụ túc, nếu trụ vào tâm thiện của năm thức thì do chín thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu trụ vào tâm thiện của ý thức thì do mười, hoặc chín nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu trụ vào tâm nhiễm ô, hoặc tâm vô ký, hoặc khi không có tâm, thì do bảy thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển.

Nếu khi thọ không phải luật nghi không phải không luật nghi, thì bảy nghiệp đạo thiện của thân, ngữ, tùy theo kỳ hạn cần thiết mà có nhiều ít không nhất định. Ba nghiệp đạo thiện của ý hoặc có hoặc không có, hoặc nhiều hoặc ít.

Người sinh nơi cõi dục, nếu khởi tâm thiện của năm thức ở cõi dục, thì do một thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tâm thiện của ý thức ở cõi dục thì do ba thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tâm thiện ở cõi sắc và tâm cùng sinh chánh kiến vô lậu của địa ấy, thì do mười thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tận trí và vô sinh trí của địa ấy và tâm cùng sinh, thì do chín thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tâm thiện ở cõi vô sắc và tâm cùng sinh chánh kiến vô lậu của địa ấy, thì do ba thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tận trí, vô sinh trí của địa ấy và tâm cùng sinh, thì do hai thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển.

Người sinh nơi tĩnh lự thứ nhất, nếu khởi tâm thiện của ba thức thì do hai thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tâm thiện bất định của ý thức ở địa mình, thì do ba thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tâm định hữu lậu nơi ý thức của địa mình và tâm cùng sinh chánh kiến vô lậu của tự địa, thì do mười thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tận trí, vô sinh trí của địa mình và tâm cùng sinh thì do chín thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tâm thiện ở tĩnh lự thứ hai, thứ ba, thứ tư và tâm cùng sinh chánh kiến vô lậu ở địa ấy, thì do mười thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tận trí và vô sinh trí của địa ấy và tâm cùng sinh, thì do chín thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tâm thiện ở cõi vô sắc và tâm cùng sinh chánh kiến vô lậu ở địa ấy, thì do ba thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển. Nếu khởi tận trí và vô sinh trí ở địa ấy và tâm cùng sinh, thì do hai thứ nghiệp đạo thiện cùng sinh với tư cứu cánh chuyển.

Như sinh nơi tĩnh lự thứ nhất, thì sinh nơi tĩnh lự thứ hai cho đến sinh nơi cõi vô sắc, đều nên nói rộng. Có sai khác là trừ ba thức thân, và sinh ở cõi vô sắc cũng trừ bảy nghiệp đạo trước.

Hỏi: Ở nơi cõi nào nẻo nào có bao nhiêu nghiệp đạo thiện có thể đạt được?

Đáp: Ở cõi dục có đủ mười thứ nghiệp đạo thiện, hoặc thuộc về luật nghi, hoặc thuộc về không phải luật nghi không phải không luật nghi. Ở cõi sắc cũng có đủ mười thứ và đều thuộc về luật nghi. Còn trong cõi vô sắc, thành tựu có mười thứ, nhưng hiện tiền thì chỉ có ba thứ.

Ở các nẻo, như nơi nẻo Na-lạc-ca (Địa ngục) chỉ có ba thứ sau. Ở nẻo bàng sinh và nẻo quỷ có đủ mười thứ và đều thuộc về không phải luật nghi không phải không luật nghi.

Về nẻo người ở ba châu và các xứ trời thuộc cõi dục đều có đủ mười thứ, hoặc thuộc về luật nghi, hoặc thuộc về không phải luật nghi không phải không luật nghi. Ở châu Bắc Câu Lô chỉ có ba thứ sau và đều thuộc về không phải luật nghi không phải không luật nghi.

Ở các xứ trời thuộc cõi sắc và cõi vô sắc như trước đã nói.

***

* Ba nghiệp và mười nghiệp đạo thì ba thứ gồm thâu mười thứ hay mười thứ gồm thâu ba thứ? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Có ba nghiệp và mười nghiệp đạo. Khế kinh tuy nói như thế, nhưng không biện giải đầy đủ. Nói rộng như trước.

Lại có thuyết cho: Vì muốn hiển bày các nẻo nghiệp vô cùng sâu xa vi tế, rất khó thấy khó nhận biết. Vì sao? Vì trong tất cả các kinh do Đức Như Lai giảng nói, không có kinh nào sâu xa như kinh Nghiệp. Nơi mười hai thứ chuyển, không có thứ nào sâu xa bằng phần chuyển của nghiệp. Trong mười lực của Phật, không có thứ nào thâm diệu như lực của nghiệp. Ở trong tám uẩn, không có thứ nào sâu xa như nghiệp uẩn. Nơi bốn thứ bất tư nghì, không có thứ nào thâm diệu bằng nghiệp bất tư nghì… Do các duyên đó, nên Đức Thế Tôn, một thời đã rất khéo an trụ, ân cần tác ý, thâu giữ tâm để tư duy, đi vào xứ tịch tĩnh, im lặng an tọa quan sát xét kỹ xem các quan phụ tá ở nước Ma-kiệt-đà đã đi đến xứ nào, thọ sinh ở nơi nẻo nào. Do tác ý như thế mới có thể nhận biết rõ các vị đại thần kia đã đi đến xứ như thế, ở tại nẻo như thế, thọ sinh như thế.

Hỏi: Theo như pháp của chư Phật chỉ vừa khởi tâm là ở nơi tất cả pháp, trí thù thắng, thấy biết không hề bị chướng ngại, vì nghĩa gì phải rất khéo an trụ, ân cần tác ý, nói rộng cho đến im lặng an tọa?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì nhằm làm rõ về nẻo nghiệp là hết sức thâm diệu, là rất vi tế, rất khó thấy, rất khó nhận biết.

Lại có thuyết cho: Vì nhằm quán xét kỹ về vô số các thứ tánh của nhân, vô số các thứ tánh của quả, vô số các thứ tánh của sự tương tục, tánh của sự đối trị và tâm khi mạng chung, tâm nối tiếp sinh của các đại thần phụ tá thuộc nước Ma-kiệt-đà. Do quán sát như thế, theo chỗ ứng hợp thảy đều nhận biết. Lại nữa, Đức Thế Tôn vì muốn nhận biết rõ về xứ sinh có sai biệt của các vị đại thần kia nên đã hết sức tác ý.

Lại có thuyết nêu: Vì phải đợi các vị ấy hóa sinh nơi đời vị lai, do những người hóa sinh ấy cần được nghe pháp và tạo nhiều sự việc lợi ích cho họ. Nay số ấy vẫn chưa tập hội.

Lại có thuyết cho: Vì phải đợi ông thần Na Lật Liên Bà, vì đời trước của ông ấy nay là vua Tần Tỳ Sa La, ở trong chúng này cũng chưa tập hội.

Lại có thuyết nói: Vì muốn khiến Tôn giả A-nan sinh khởi tâm ý tôn trọng, ân cần cung kính, thọ trì, lường xét quan sát thuận hợp.

Lại có thuyết cho: Vì muốn diệt trừ tâm kiêu ngạo của những kẻ tà mạn. Nghĩa là có những kẻ đối với pháp đã nhận biết được phần ít, liền sinh kiêu mạn, không chịu tu học thêm nữa. Để trừ bỏ ý tưởng đó và hiển bày Đức Thế Tôn không do gia hạnh, đối với tất cả các pháp đều có trí kiến thù thắng chuyển biến không hề bị chướng ngại, hãy còn ở trong hết thảy sự việc hỏi đáp ghi nhận, ân cần quán xét, huống chi là hạng tiểu trí như ông mà không chịu tu học lại sinh kiêu mạn chăng?

Lại có thuyết nêu: Vì muốn chứng tỏ là đã thành tựu được pháp chánh sĩ. Những vị có pháp chánh sĩ như thế đều nên khéo tư duy về những điều đã tư duy, khéo thuyết giảng về những điều đã thuyết giảng, khéo làm những việc đã làm.

Lại có thuyết nói: Đức Thế Tôn có một thời đi vào nơi chốn vắng vẻ, im lặng ngồi yên. Khi đó, Tôn giả A-nan thưa hỏi về các sự việc ấy, Đức Thế Tôn chưa trả lời mà liền nhập định tịch tĩnh. Từ định xuất Ngài mới ghi nhận riêng.

Do các nhân duyên ấy nên tạo ra phần Luận này.

Lại có thuyết cho: Do ba nhân duyên nên tạo ra phần Luận này:

  1. Là nhằm phân biệt về nghĩa của Khế kinh.
  2. Là để ngăn chận ngôn thuyết của kẻ khác.
  3. Là muốn làm rõ chỗ hiện thấy của thế gian về các sự việc đã hiện hành.

Phân biệt về nghĩa của Khế kinh: Tức là như Khế kinh nói nghiệp có hai thứ: 1. Tư nghiệp. 2. Nghiệp do tư đã khởi. Kinh kia đã nói về nghiệp, nay muốn giải thích rộng. Đó gọi là phân biệt về nghĩa của Khế kinh.

Để ngăn chận ngôn thuyết của kẻ khác: Như ngoại đạo Thắng Luận nói có năm thứ nghiệp, là giữ lấy, buông bỏ, co lại, duỗi ra và hành là nghiệp thứ năm. Ngoại đạo Số Luận thì nói có chín thứ nghiệp, là giữ lấy, buông bỏ, co lại, duỗi ra, đưa lên, hạ xuống, mở, đóng và hành là nghiệp thứ chín. Hoặc có ngoại đạo nói mười hai xứ đều là tánh của nghiệp. Họ nói thế này: Mắt tạo ra nghiệp gì? Là nhìn thấy sắc. Sắc tạo ra nghiệp gì? Là đối tượng hành của mắt. Nói rộng cho đến ý tạo ra nghiệp gì? Là chủ thể nhận biết các pháp. Pháp tạo ra nghiệp gì? Là đối tượng hành của ý… Nay nhằm ngăn chận các Tông chỉ sai lạc đã lập như thế và hiển bày về tự tánh của các nghiệp là không điên đảo. Lại, phái Thí Dụ nói: Các nghiệp thân, ngữ, ý đều là một tư. Vì muốn ngăn chận ý tưởng ấy, nêu bày trừ Thể của tư ra, riêng có tự tánh của hai nghiệp thân và ngữ. Lại Phân biệt thuyết bộ kiến lập tham dục, sân giận và tà kiến là tự tánh của nghiệp. Vì sao họ nêu bày như thế? Vì họ dựa vào Khế kinh. Như Khế kinh nói: Vì tư đã tạo ba thứ nghiệp của thân. Đã gây tạo, đã tích tập các thứ ác, bất thiện đó tức có thể sinh ra chúng khổ, chiêu cảm dị thục khổ. Nên tư đã tạo bốn thứ nghiệp của ngữ và ba thứ nghiệp của ý. Đã gây tạo, đã tích tập các thứ ác bất thiện đó tức có thể sinh ra chúng khổ, chiêu cảm dị thục khổ. Ba nghiệp của ý nghĩa là tham dục, sân giận và tà kiến… Do kinh này nên bộ kia đã nói… ba thứ như tham v.v… là tự tánh của nghiệp. Để ngăn chận ý tưởng ấy và chỉ rõ tham dục v.v… không phải là tự tánh của nghiệp, thế nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nếu tham dục v.v… không phải là tự tánh của nghiệp, thì các điều kinh nói được phái Phân biệt thuyết bộ nêu dẫn làm sao thông?

Đáp: Đó là tư lương của nghiệp nên gọi là nghiệp. Như Đức Bạc-già-phạm xứ xứ trong kinh đã nói về tư lương ấy gọi là pháp ấy. Như trước đã nói rộng về tư lương của lạc gọi là lạc. Ở đây cũng như vậy, đối với tư lương của nghiệp gọi là nghiệp.

Tôn giả Pháp Cứu nói: Ở đây, Đức Thế Tôn chỉ thâu nhận nghiệp kia, căn cứ theo xứ của đối tượng nương dựa để hiện bày về tánh của nghiệp nên nói như thế. Nghĩa là nếu dựa vào các thứ bậc ấy là thù thắng nên tư cứu cánh chuyển, tức ở nơi xứ ấy tuyên nói về tên của nghiệp. Tất cả như thế gọi là nhằm ngăn chận ngôn thuyết của kẻ khác.

Là muốn làm rõ chỗ hiện thấy của thế gian về các sự việc đã hiện hành. Nghĩa là các thế gian đối với quả của nghiệp kia thì khởi tưởng là tên của nghiệp. Như khi thấy các vật như bức họa nhiều màu sắc, tấm gấm thêu v.v… thì cho là nghiệp đã tạo kỷ xảo như thế. Đấy thực sự không phải là nghiệp mà chỉ là quả của nghiệp. Đó gọi là muốn làm rõ chỗ hiện thấy của thế gian về các sự việc đã hiện hành.

Do ba duyên ấy nên tạo ra phần Luận này.

Ba nghiệp: Tức là thân nghiệp, ngữ nghiệp và ý nghiệp.

Hỏi: Ba nghiệp này do đâu để kiến lập? Là do tự tánh, do đối tượng nương dựa, hay do đẳng khởi? Nếu do tự tánh tức nên chỉ có một nghiệp, đó là ngữ nghiệp, vì ngữ tức là nghiệp. Nếu do đối tượng nương dựa tức nên tất cả đều gọi là thân nghiệp, vì ba thứ nghiệp đều dựa vào thân. Nếu do đẳng khởi thì tất cả nghiệp đều nên gọi là ý nghiệp, vì ba thứ này đều là đẳng khởi của ý.

Đáp: Do gồm đủ ba duyên nên kiến lập ba nghiệp:

  1. Do tự tánh nên kiến lập ngữ nghiệp.
  2. Do đối tượng nương dựa nên kiến lập thân nghiệp.
  3. Do đẳng khởi nên kiến lập ý nghiệp.

Lại có thuyết nói: Do ba duyên nên kiến lập ba nghiệp:

  1. Dựa vào xứ của mình.
  2. Dựa vào xứ khác.
  3. Dựa vào xứ tương ưng.

Vì dựa vào xứ của mình nên kiến lập ngữ nghiệp. Dựa vào xứ khác nên kiến lập thân nghiệp. Dựa vào xứ tương ưng nên kiến lập ý nghiệp. Như thế gọi là tự tánh của ba nghiệp.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là nghiệp, nghiệp có nghĩa gì?

Đáp: Do ba nghĩa nên gọi là nghiệp.

  1. Tác dụng.
  2. Giữ lấy pháp thức.
  3. Phân biệt về quả.

Tác dụng: Tức là do tác dụng nên gọi là nghiệp.

Giữ lấy pháp thức: Tức là có thể nhận giữ pháp thức của bảy chúng.

Phân biệt về quả: Tức là có thể phân biệt về quả yêu thích không yêu thích.

Hỏi: Nếu như thế thì pháp câu hữu tương ưng kia cũng có thể phân biệt về quả yêu thích không yêu thích nên đều gọi là nghiệp chăng?

Đáp: Trong đây chỉ nói về chỗ hơn hẳn nên gọi là nghiệp. Ba thứ nghiệp này ở trong các pháp câu hữu tương ưng là hơn hẳn là tối thắng. Ví như ở thế gian, đối với vô số xứ thù thắng thì được vô số tên gọi.

Đây cũng như thế. Như ở thế gian nói nhạc sư tạo nhạc, trong ấy không phải là không có nhạc cụ, nhạc khí và người tấu nhạc. Song nơi sự việc này, nhạc sư là hơn hết nên được mang tên. Lại như nói về sách, không phải là không có các thứ giấy, mực, bút… và phương tiện gắng sức để hòa hợp thành các chữ… Nhưng tùy theo chỗ hơn hết mà người được mang tên. Dụ về thợ nhuộm, thợ rèn… cũng như thế. Nay sự việc này cũng vậy, tuy có các thứ tự tánh nơi pháp câu hữu và pháp tương ưng, tất cả đều có thể chiêu cảm quả dị thục, nhưng ở trong sự việc này có khả năng phân biệt quả thì nghiệp là hơn hết, thế nên nói riêng.

Lại có thuyết nói: Do ba nghĩa nên gọi là nghiệp:

  1. Có tác dụng.
  2. Có hành động.
  3. Có tạo tác.

Có tác dụng: Tức là ngữ nghiệp. Như bình luận nói tôi sẽ như thế, như thế hành tác.

Có hành động: Tức là thân nghiệp. Tuy thật sự không động như đi đến phương khác.

Có tạo tác: Tức là ý nghiệp. Đã tạo tác hai thứ trước. Do nghĩa này nên gọi là nghiệp.

Mười nghiệp đạo: Nghĩa là thân có ba nghiệp đạo, ngữ có bốn nghiệp đạo và ý có ba nghiệp đạo.

Hỏi: Mười nghiệp đạo thiện và mười nghiệp đạo bất thiện vì sao không hợp lại để nói có hai mươi thứ? Vì sao ở đây chỉ nói có mười thứ?

Đáp: Vì không vượt quá mười. Nghĩa là dựa nơi xứ của hành ác đã nương dựa phát khởi mười thứ nghiệp đạo bất thiện. Tức dựa nơi xứ ấy, do xa lìa, nên có thể phát khởi mười nghiệp đạo thiện.

Lại có thuyết nói: Lược nêu thì có mười thứ, nói rộng thì có hai mươi thứ. Như nói lược và nói rộng, thì không sai biệt và sai biệt, chung và riêng, khắp và không khắp, không khác và có khác… cùng lúc và thứ lớp nên biết cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Tùy theo hàng lợi căn nên nói có mười thứ. Tùy theo hàng độn căn thì nói có hai mươi thứ. Như lợi căn và độn căn, thì nhân lực và duyên lực, nội lực và ngoại lực, lực bên trong do tác ý như lý đã nhận giữ và lực bên ngoài do nghe người khác giảng nói nên gắng tu tập, lực của trí mở bày tóm lược và lực của trí biện giải rộng khắp… nên biết cũng như thế.

Đó gọi là tự tánh của mười nghiệp đạo.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là nghiệp đạo, nghiệp đạo có nghĩa gì?

Đáp: Tư gọi là nghiệp. Tư đã hành tác theo cứu cánh mà chuyển gọi là nghiệp đạo.

Hỏi: Nếu tư gọi là nghiệp, tư đã hành tác theo cứu cánh mà chuyển gọi là nghiệp đạo, thì các thứ thiện, bất thiện khác và tất cả vô ký, chúng đều là do tư đã hành tác theo cứu cánh mà chuyển, tức tất cả đều nên gọi là nghiệp đạo. Vậy có nhân duyên thù thắng nào nên chỉ nói mười thứ này là nghiệp đạo?

Đáp: Đây là Đức Thế Tôn giảng nói chưa đầy đủ. Bậc Đại sư quán xét về tâm hành nguyện lạc của các hữu tình được hóa độ theo đấy đã giản lược để giảng nói.

Hiếp Tôn giả nói: Chỉ có Đức Thế Tôn thấu đạt rốt ráo tánh tướng của các pháp, cũng nhận biết về thế dụng, không phải là đối tượng nhận biết của người khác. Nếu pháp nào có tướng của nghiệp đạo thì liền thành lập, thứ nào không có thì không lập.

Tôn giả Diệu Âm nêu bày: Bậc Đại sư nhận biết rõ về mười thứ nghiệp đạo này có thế dụng như thế, có sức mạnh hơn hết như thế, có những gần gũi thân thiết như thế, có thể cùng với nghiệp tư tạo ra con đường hành tác khiến theo cứu cánh chuyển. Trừ các nghiệp đạo này, tất cả các pháp khác đều không có sự việc như thế.

Lại có thuyết cho: Do hai nhân duyên nên kiến lập nghiệp đạo. Đó là:

  1. Thế gian đã chê trách.
  2. Thế gian đã khen ngợi.

Tức là mười thứ nghiệp đạo bất thiện và mười thứ nghiệp đạo thiện.

Hỏi: Nếu thế gian đã chê trách gọi là nghiệp đạo, thế thì khi khởi tâm ác làm thân Phật chảy máu, tất cả thế gian đều cùng chê trách, vì sao không gọi đấy là nghiệp đạo?

Đáp: Nếu thế gian đã chê trách, Như Lai xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, tất cả thời đều có thì lập làm nghiệp đạo. Còn việc làm thân Phật chảy máu chỉ có Như Lai ra đời mới có, Như Lai không ra đời thì không có, nên không lập làm nghiệp đạo. Đối với việc thế gian đã khen ngợi và xa lìa việc làm thân Phật chảy máu thì hỏi đáp nên biết cũng như thế.

Lại có thuyết nêu: Do ba nhân duyên nên kiến lập nghiệp đạo:

  1. Do xứ nương dựa.
  2. Do nêu đặt.
  3. Do phân biệt về quả yêu thích không yêu thích.

Lại có thuyết nói: Nếu do sự việc này nên khiến các vật trong ngoài, có lúc tổn giảm, có lúc tăng thạnh nên kiến lập nghiệp đạo. Nên biết ở đây nơi chốn cư ngụ là bên ngoài, còn thọ mạng v.v… là bên trong.

Thế nào là do các nghiệp đạo này nên vật bên ngoài tổn giảm? Nghĩa là khi nghiệp đạo đoạn hại sinh mạng tăng mạnh thì tất cả vật bên ngoài sẽ ít tươi sáng, mau hư hoại, không bền chắc. Nếu khi nghiệp đạo không cho mà lấy tăng mạnh thì hết thảy vật bên ngoài tức có tai họa, gặp phải nhiều chướng ngại như sương tuyết, mưa đá, bụi bẩn gây hại. Nếu khi nghiệp đạo hành tà dục tăng mạnh thì tất cả vật bên ngoài tức có nhiều thứ xấu ác tranh chấp. Nếu khi nghiệp đạo nói lời hư dối tăng mạnh thì hết thảy vật bên ngoài có nhiều các thứ xú uế. Nếu khi nghiệp đạo nói lời ly gián tăng mạnh thì tất cả vật bên ngoài phần nhiều không ngay ngắn, bằng phẳng, lại có nhiều gò đống hầm hố hiểm trở ngăn cách. Nếu khi nghiệp đạo nói lời thô ác tăng mạnh thì hết thảy vật bên ngoài đều là các thứ cát sỏi gai gốc thô xấu độc hại. Nếu như có các thứ báu như vàng bạc v.v… thì cũng ít ỏi, thể chất kém, rất khó dùng. Nếu khi nghiệp đạo nói lời uế tạp tăng mạnh, thì tất cả vật bên ngoài luôn gặp thời tiết trái nghịch, biến đổi khiến nhanh chóng hoại diệt, mùa màng đều ít thành tựu. Nếu khi nghiệp đạo tham dục tăng mạnh thì hết thảy vật bên ngoài phần lớn đều tổn giảm nhỏ ít. Nếu khi nghiệp đạo sân giận tăng mạnh thì tất cả vật bên ngoài phần nhiều đều khô héo cằn cỗi, quả hạt thì thưa, đắng. Nếu khi nghiệp đạo tà kiến tăng mạnh thì hết thảy vật bên ngoài hầu hết đều rơi rụng, hoa quả xấu kém, hoặc không kết trái. Đó gọi là do các nghiệp đạo này nên khiến vật bên ngoài tổn giảm.

Làm thế nào để nhận biết được do các nghiệp đạo này khiến thọ lượng v.v… là các vật bên trong tổn giảm? Nghĩa là khi mười thứ nghiệp đạo bất thiện này tăng trưởng đủ khắp thì ở châu Thiệm bộ có bốn thứ suy tổn xuất hiện ở đời, là:

  1. Thọ lượng suy tổn.
  2. Hữu tình suy tổn.
  3. Vật dụng nuôi sống suy tổn.
  4. Phẩm thiện suy tổn.

Thọ lượng suy tổn: Nghĩa là vào thời kiếp sơ, thọ lượng của con người ở châu Thiệm bộ này là vô lượng năm. Đến thời kỳ kiếp mạt thì thọ lượng của con người ở đấy chỉ còn mười tuổi.

Hữu tình suy tổn: Nghĩa là vào thời kiếp sơ thì châu Thiệm bộ này rộng lớn, trang nghiêm thanh tịnh, hữu tình hầu hết đều thuần thiện phước đức, thành ấp nối tiếp, dân chúng đông đúc. Đến thời kỳ kiếp mạt chỉ còn hơn vạn người.

Vật dụng nuôi sống suy tổn: Nghĩa là vào thời kiếp sơ, châu Thiệm bộ này an ổn, sung túc vui vẻ, có vô số thứ vị đất, hạt gạo, cây lúa, rau cỏ đều là thần diệu, là những thức ăn thượng hạng. Đến thời kỳ kiếp mạt thì dân chúng đói khát, chỉ dùng lúa gạo xấu kém v.v… làm thức ăn thượng diệu.

Phẩm thiện suy tổn: Nghĩa là vào thời kiếp sơ thì nơi châu Thiệm bộ này mười nghiệp đạo thiện đều tăng thượng viên mãn. Đến thời kỳ kiếp giảm thì mười nghiệp đạo bất thiện tăng trưởng cùng khắp.

Vì sao do các nghiệp đạo thiện này khiến các vật bên ngoài có lúc tăng nhiều? Nghĩa là khi nghiệp đạo lìa bỏ đoạn hại sinh mạng tăng mạnh thì tất cả vật bên ngoài đều tươi sáng, bền chắc, trụ lâu. Nếu khi nghiệp đạo lìa bỏ không cho mà lấy tăng mạnh thì hết thảy vật bên ngoài không hề bị tai họa, các thứ chướng ngại như sương tuyết, mưa đá… đều không xâm hại làm tổn giảm. Khi nghiệp đạo lìa bỏ hành tà dục tăng mạnh, thì tất cả vật bên ngoài không bị các thứ oán đối tranh chấp. Khi nghiệp đạo lìa bỏ nói lời hư dối tăng mạnh thì hết thảy vật bên ngoài đều có nhiều hương thơm thanh khiết. Khi nghiệp đạo lìa bỏ nói lời ly gián tăng mạnh, thì tất cả vật bên ngoài đều đẹp đẽ dễ tìm, đất đai bằng phẳng, như trên bàn tay đều rộng lớn, nghiêm tịnh. Khi nghiệp đạo lìa bỏ lời nói thô ác tăng mạnh, thì hết thảy vật bên ngoài đều sung túc, tươi tốt, không có gai độc, sỏi đá hiểm trở. Các thứ vật báu như vàng bạc v.v… đều sáng sạch, thuận hợp, có thể giữ gìn. Khi nghiệp đạo lìa bỏ nói lời uế tạp tăng mạnh, thì tất cả vật bên ngoài không gặp thời tiết trái nghịch, biến đổi, các thứ thu đạt đều thành tựu. Khi nghiệp đạo không tham tăng mạnh, thì hết thảy vật bên ngoài đều sung túc, tăng thịnh. Khi nghiệp đạo không sân giận tăng mạnh, thì tất cả vật bên ngoài đều tươi thắm, trái ngọt hạt ngon. Khi nghiệp đạo chánh kiến tăng mạnh, thì hết thảy vật bên ngoài đều được mùa, dư giả, hoa quả đầy cành. Đó gọi là do các nghiệp đạo thiện này khiến các vật bên ngoài đều tăng nhiều.

Hỏi: Làm thế nào để nhận biết do các nghiệp đạo này khiến các vật bên trong như thọ lượng v.v… tăng nhiều?

Đáp: Nghĩa là nếu khi mười nghiệp đạo thiện tăng trưởng đầy đủ, thì ở châu Thiệm bộ này có bốn thứ tăng thịnh xuất hiện ở đời. Đó là thọ lượng tăng thịnh, hữu tình tăng thịnh, vật dụng nuôi sống tăng thịnh, phẩm thiện tăng thịnh.

Thọ lượng tăng thịnh: Nghĩa là vào thời kỳ kiếp mạt, thọ lượng của con người ở châu Thiệm bộ này chỉ có mười tuổi. Đến thời kỳ kiếp tăng thì thọ lượng là tám vạn năm.

Hữu tình tăng thịnh: Nghĩa là vào thời kỳ kiếp mạt, ở châu Thiệm bộ này chỉ có hơn vạn người. Đến thời kỳ kiếp tăng thì châu này rộng lớn, sạch đẹp, hữu tình hầu hết là thuần thiện phước đức, thành ấp nhà cửa san sát, dân chúng đông đảo.

Vật dụng nuôi sống tăng thịnh: Nghĩa là vào thời kiếp mạt, tại châu Thiệm bộ này dân chúng đói khổ, lấy gạo lúa xấu kém làm thức ăn thượng hạng. Đến thời kỳ kiếp tăng thì trở nên yên ổn, được mùa, an vui, vô số thứ vị đất, lúa gạo rau cỏ đều là thần diệu, là thức ăn thượng hạng.

Phẩm thiện tăng thịnh: Nghĩa là vào thời kiếp mạt thì nơi thế gian mười thứ nghiệp đạo ác tăng mạnh. Đến thời kỳ kiếp tăng thì ở thế gian mười thứ nghiệp đạo thiện tăng mạnh.

Lại có thuyết nói: Do ba quả nên kiến lập mười nghiệp đạo:

  1. Quả dị thục.
  2. Quả đẳng lưu.
  3. Quả tăng thượng.

Nghĩa là: Nghiệp đạo đoạn hại sinh mạng, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca (Địa ngục), bàng sinh và nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các xứ ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì có nhiều bệnh tật, lại chết yểu. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ ấy tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài thiếu kém tươi sáng, không bền chắc. Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo không cho mà lấy, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca, bàng sinh và nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các nẻo ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì tiền của thiếu thốn, đói nghèo. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ ấy tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài có nhiều tai họa, thường gặp các thứ chướng ngại như sương tuyết, mưa đá, bụi bặm cấu uế v.v… Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo hành tà dục, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca, bàng sinh và nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các xứ ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì vợ con không hiền thuận trinh thục. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ ấy tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài có nhiều oán đối tranh chấp. Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo nói lời hư dối, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca, bàng sinh và nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các xứ ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì thường gặp sự hủy báng. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ ấy tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài phần nhiều đều xú uế. Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo nói lời ly gián, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca, bàng sinh, nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các xứ ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì bạn thân luôn trái lìa. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ ấy tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài hầu hết không bằng phẳng, có nhiều gò nổng, hầm hố hiểm trở ngăn cách. Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo nói lời thô ác, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca, bàng sinh và nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các xứ ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì luôn phải nghe những âm thanh không vừa ý. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ ấy tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài có nhiều cát sỏi, gai gốc, thô xấu độc hại. Tuy có một ít vàng bạc nhưng không tươi sáng, khó điều luyện, không sử dụng được. Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo nói lời uế tạp, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca, bàng sinh, nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các xứ ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì lời nói không nghiêm túc, không có uy tín. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ này tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài luôn gặp thời tiết trái nghịch biến đổi, mau bị hao tổn mất mát. Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo tham dục, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca, bàng sinh và nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các xứ ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì có tánh tham dục mãnh liệt. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ này tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài phần lớn đều bị tổn giảm, nhỏ kém, ít ỏi. Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo sân giận, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca, bàng sinh và nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các xứ ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì có tánh giận dữ nóng nảy. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ này tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài phần lớn đều khô héo, tiều tuỵ, quả hạt đắng chát. Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo tà kiến, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức sinh vào các nẻo Na-lạc-ca, bàng sinh và nẻo quỷ. Đó là quả dị thục. Từ các xứ ấy chết rồi, khi được sinh làm người thì ngu tối khờ dại. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ này tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài phần lớn đều bị rơi rụng, hoa quả nhỏ ít, hoặc không có quả. Đó là quả tăng thượng.

Nghiệp đạo lìa bỏ đoạn hại sinh mạng, nếu tạo tác hành tập nhiều, tức được sinh vào nẻo người, trời. Đó là quả dị thục. Từ các nẻo ấy chết rồi, khi được sinh vào cõi này thì thường không bệnh hoạn, sống lâu. Đó là quả đẳng lưu. Các thứ này tăng thượng nên đã chiêu cảm các vật bên ngoài đều tươi sáng, đẹp đẽ, bền vững. Đó là quả tăng thượng.

Do đạo lý ấy, nên bạch phẩm nơi chín nghiệp đạo thiện còn lại so với chín thứ nghiệp đạo bất thiện nêu trên là trái nhau, đều nên nói rộng. Vì thế, do ba quả nên kiến lập mười nghiệp đạo.

Hỏi: Vì sao không gọi tư là nghiệp đạo?

Đáp: Tư tức là nghiệp, còn đối tượng hành của tư gọi là nghiệp đạo. Nên biết nghiệp đạo tức không phải là tư, vì thế không nói. Cũng như đối tượng hành của vua gọi là đường đi của vua, nhưng đường đi của vua không phải là vua. Đây cũng như thế. Đối tượng hành tác của tư gọi là nghiệp đạo, nhưng nghiệp đạo không phải là tư. Các dụ về chỗ ngồi của vua v.v… cũng lại như thế.

Lại có thuyết nói: Nếu pháp cùng với tư, ví như ba sự việc hòa hợp mà sinh, có tác dụng chuyển biến nên lập làm nghiệp đạo. Còn tư thì không cùng với tư, ví như ba sự việc hòa hợp mà sinh, có tác dụng chuyển biến, nên không phải là nghiệp đạo.

Lại có thuyết cho: Nếu pháp cùng với tư đồng thời sinh khởi, có tác dụng chuyển biến tức nên lập làm nghiệp đạo. Còn tư thì không cùng với tư đồng thời sinh khởi, có tác dụng chuyển biến, nên không lập làm nghiệp đạo.

Lại có thuyết nêu: Nếu pháp cùng với tư đồng ở hiện tại, cùng với tư làm đường đi thì lập làm nghiệp đạo. Còn tư không cùng với tư đồng ở hiện tại, không cùng với tư làm đường lối, nên không lập làm nghiệp đạo.

Hỏi: Nếu sai khiến người khác làm việc đoạn hại sinh mạng, cho đến nói lời uế tạp, người sai khiến kia, hoặc trải qua nhiều ngày mới làm và ngay khi sai khiến người khác thì tư đã diệt từ lâu, vì sao được gọi là cùng với tư đồng ở hiện tại làm đường đi, khiến tư cứu cánh nên lập làm nghiệp đạo?

Đáp: Căn cứ theo nghĩa có thể đạt được để kiến lập nghiệp đạo. Nghĩa là nếu pháp khác có thể được cùng với tư đồng thời làm đường đi, nên lập làm nghiệp đạo. Không phải trong một sát-na, có hai tư có thể cùng ở hiện tại để làm đường đi, thế nên không lập tư làm nghiệp đạo.

Hỏi: Tư cũng cùng với tư đồng ở hiện tại. Nghĩa là tư nơi sự nối tiếp của người khác, vì sao không nói?

Đáp: Vì dựa vào sự nối tiếp của mình để kiến lập nghiệp đạo, không phải dựa vào người khác để lập.

Đã nói về tự tánh của ba nghiệp và mười nghiệp đạo, nay sẽ nói rõ về các tướng xen lẫn và không xen lẫn của chúng.

Hỏi: Ba nghiệp và mười nghiệp đạo, thì ba gồm thâu mười hay mười gồm thâu ba?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là nghiệp không phải là nghiệp đạo. Nghĩa là các nghiệp đạo đã không gồm thâu nghiệp thân ngữ và toàn bộ ý nghiệp.

2. Có thứ là nghiệp đạo không phải là nghiệp. Nghĩa là ba nghiệp đạo sau.

3. Có thứ là nghiệp cũng là nghiệp đạo. Nghĩa là bảy nghiệp đạo trước.

4. Có thứ không phải là nghiệp cũng không phải là nghiệp đạo. Nghĩa là trừ các tướng nêu trước. Tướng là tên gọi đã được nêu lên, như đã nói rộng. Nghĩa là trong sắc uẩn, trừ sắc của nghiệp, lấy các sắc uẩn còn lại. Trong hành uẩn thì trừ các thứ bất thiện như tham, sân, tà kiến và không tham, không sân, chánh kiến cùng tất cả tư, lấy các hành uẩn tương ưng không tương ưng còn lại và ba uẩn hoàn toàn cùng pháp vô vi. Tất cả các thứ như thế là thuộc về trường hợp thứ tư, nên nói là trừ các tướng nêu trước.

Hỏi: Trong mười nghiệp đạo, vì sao bảy thứ trước thì kiến lập làm nghiệp và nghiệp đạo, còn ba thứ sau thì chỉ là nghiệp đạo, không phải là nghiệp?

Đáp: Như Luận Thi Thiết nói: Các sự việc đoạn hại sinh mạng là nghiệp, là tác dụng, cùng với tư tức có thể phát khởi sự việc đoạn hại sinh mạng, làm nhân, làm đường đi, làm dấu vết, làm nẻo đến… Nói rộng cho tới các thứ nói lời uế tạp, là nghiệp, là tác dụng, cùng với tư tức có thể phát khởi sự việc nói lời uế tạp, làm nhân, làm đường đi, làm dấu vết, làm nẻo đến. Còn các thứ tham dục, giận dữ, tà kiến bất thiện hiện có kia không phải là nghiệp, không phải là tác dụng, chỉ cùng với phẩm tư kia tức cùng sinh làm nhân, làm đường đi, làm dấu vết, làm nẻo đến. Sự việc lìa bỏ đoạn hại sinh mạng, là nghiệp, là tác dụng, cùng với tư có thể phát khởi sự việc lìa bỏ đoạn hại sinh mạng, làm nhân, làm đường đi, làm dấu vết, làm nẻo đến… Nói rộng cho đến sự việc lìa bỏ nói lời uế tạp, là nghiệp, là tác dụng, cùng với tư có thể phát khởi sự việc lìa bỏ nói lời uế tạp, làm nhân, làm đường đi, làm dấu vết, làm nẻo đến. Các thứ không tham, không giận, chánh kiến hiện có thì không phải là nghiệp, không phải là tác dụng, chỉ cùng với phẩm tư kia tức cùng sinh làm nhân, làm đường đi, làm dấu vết, làm nẻo đến. Do đấy chứng biết nghĩa kia nên như thế (Tức ba thứ sau chỉ là nghiệp đạo không phải là nghiệp).

HẾT – QUYỂN 113