LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 109

Chương 3: TRÍ UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ BẢY THÁNH, phần 1

* Từ bậc Tùy tín hành cho đến bậc Câu giải thoát, đối với tám trí có bao nhiêu trí được thành tựu và bao nhiêu trí không thành tựu? Các chương như thế và giải nghĩa của các chương, đã lãnh hội rồi, tiếp theo nên giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận các Tông chỉ khác cùng hiển bày chánh lý. Nghĩa là như có lối chấp: Không thật có tánh thành tựu và không thành tựu. Nay nhằm ngăn chận lối chấp ấy và nêu bày rõ thể tánh của thành tựu và không thành tựu đều có thật, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao trong đây và nơi chương Định Uẩn ở sau đều dựa vào bảy thứ Bổ-đặc-già-la để tạo luận. Còn nơi phẩm Bất Thiện thuộc chương Kiết Uẩn ở trước thì chỉ dựa vào năm thứ Bổ-đặc-già-la để tạo luận?

Đáp: Đây là do ý muốn của tác giả Bản luận như thế, cho đến nói rộng.

Lại nữa, trong chương Kiết Uẩn ở trước thì căn cứ vào người có kiết để tạo luận, nên không đề cập đến hai loại Bổ-đặc-già-la sau.

Còn ở đây và nơi chương Định Uẩn là dựa vào Bổ-đặc-già-la có trí định để tạo luận, nên cũng nói đến hai loại Bổ-đặc-già-la sau.

Lại nữa, trong chương Kiết Uẩn ở trước thì lấy Bổ-đặc-già-la làm chương, dùng phiền não làm môn, nên không nói đến hai loại sau. Còn ở đây và nơi chương Định Uẩn thì lấy Bổ-đặc-già-la làm chương và lấy trí, định làm môn, nên cũng đề cập đến hai loại Bổđặc-già-la sau. Vì Tuệ giải thoát và Câu giải thoát tuy không có phiền não nhưng có trí, định, nên nói đủ bảy loại Bổ-đặc-già-la. Còn biện rộng về bảy loại Bổ-đặc-già-la như nơi phẩm Bất thiện thuộc chương Kiết Uẩn ở trước.

Hỏi: Từ bậc Tùy tín hành cho đến bậc Câu giải thoát, đối với tám trí có bao nhiêu trí được thành tựu và bao nhiêu trí không thành tựu?

Đáp: Tùy tín hành đối với tám trí này hoặc thành tựu một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, nghĩa không nhất định.

Nghĩa là khi được khổ pháp trí nhẫn, nếu không có tha tâm trí thì thành tựu một, nếu có tha tâm trí thì thành tựu hai. Nếu chưa lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh, không thành tựu tha tâm trí nên gọi là không có tha tâm trí. Bậc ấy thành tựu một là thế tục trí. Nếu đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh, vì thành tựu tha tâm trí nên gọi là có tha tâm trí. Bậc ấy thành tựu hai là thế tục trí và tha tâm trí.

Khi có khổ pháp trí, khổ loại trí nhẫn, nếu không có tha tâm trí thì thành tựu ba, nếu có tha tâm trí thì thành tựu bốn. Hai khoảnh tâm này, nếu không thành tựu tha tâm trí thì thành tựu ba trí, là pháp trí, loại trí và thế tục trí. Nếu thành tựu tha tâm trí thì thành tựu bốn trí, tức là ba trí trước và tha tâm trí.

Các phần vị sau có tăng thêm trí, căn cứ theo trước nên biết.

Như Tùy tín hành, Tùy pháp hành cũng như vậy, tức cũng thành tựu từ một đến tám trí. Do hai vị Thánh này đều giống nhau về địa, về đạo, về chỗ nương dựa nơi thân, về lìa nhiễm, chỉ có căn là khác. Nghĩa là Tùy tín hành thuộc về độn căn, còn Tùy pháp hành thuộc về lợi căn.

Bậc Tín thắng giải đối với tám trí hoặc thành tựu bảy, tám trí. Tức nếu không có tha tâm trí thì thành tựu bảy, nếu có tha tâm trí thì thành tựu tám trí. Nghĩa là nếu chưa lìa nhiễm cõi dục, không thành tựu tha tâm trí nên chỉ thành tựu bảy trí. Nếu đã lìa nhiễm cõi dục, thành tựu tha tâm trí nên thành tựu đủ tám trí.

Như Tín thắng giải, Kiến chí cũng như thế, tức cũng hoặc thành tựu bảy trí, hoặc thành tựu đủ tám trí. Do hai vị Thánh này đều giống nhau về địa, về đạo, về chỗ nương dựa nơi thân, về lìa nhiễm, chỉ có căn là khác. Căn cứ theo trước nên biết.

Thân chứng, Tuệ giải thoát và Câu giải thoát đối với tám trí đều thành tựu đủ. Do ba vị Thánh này đều đã lìa nhiễm cõi dục và thành tựu đủ tám trí.

***

* Từ bậc Tùy tín hành cho đến bậc Câu giải thoát, đối với tám trí, ở quá khứ có bao nhiêu trí thành tựu, ở vị lai có bao nhiêu trí thành tựu, ở hiện tại có bao nhiêu trí thành tựu?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận các Tông chỉ khác cùng hiển bày chánh lý. Nghĩa là hoặc có lối chấp: Quá khứ và vị lai đều không có thật. Nay nhằm ngăn chận lối chấp ấy, chỉ rõ chúng là có thật. Lại nữa, trước chỉ nói chung về thành tựu được tám trí, chưa dựa vào ba đời để phân biệt chỗ thành tựu nhiều ít. Nay muốn nêu bày điều ấy, nên tạo ra phần Luận này.

Đáp: Tùy tín hành đối với tám trí, khi có khổ pháp trí nhẫn, nếu không có tha tâm trí thì ở quá khứ và vị lai thành tựu một trí, hiện tại không có. Nếu có tha tâm trí thì ở quá khứ và vị lai thành tựu hai trí, hiện tại cũng không có. Không và có tha tâm trí, nghĩa như trước đã nói. Thành tựu một trí là thế tục trí. Thành tựu hai trí là thế tục trí và tha tâm trí. Vì nhẫn không phải là trí, nên hiện tại đều không có.

Khi có khổ pháp trí, nếu không có tha tâm trí thì ở quá khứ thành tựu một trí là thế tục trí, ở vị lai thành tựu ba trí là pháp trí, khổ trí và thế tục trí, ở hiện tại thành tựu hai trí là pháp trí và khổ trí. Nếu có tha tâm trí thì ở quá khứ thành tựu hai trí, ở vị lai thành tựu bốn trí, ở hiện tại thành tựu hai trí. Tức ở quá khứ và vị lai thêm tha tâm trí, hiện tại không thêm. Do ở kiến đạo, tha tâm trí quyết định là không cùng hiện tiền, cũng không tu.

Các phần vị sau có tăng thêm trí, căn cứ theo trước nên biết.

Như Tùy tín hành, Tùy pháp hành cũng như thế, tức hai vị này giống nhau về địa v.v…, nói rộng như trước.

Tín thắng giải đối với tám trí, nếu không có tha tâm trí thì ở vị lai thành tựu bảy trí. Nếu có tha tâm trí thì ở vị lai thành tựu tám trí. Ở quá khứ nếu đã diệt không mất, ở hiện tại nếu hiện tiền. Ở quá khứ nếu đã diệt là không được quả luyện căn và thoái chuyển nên mất thì thành tựu, nếu chưa diệt hoặc như đã diệt ba duyên nên mất thì không thành tựu. Đây là nói về trí vô lậu, hoặc tha tâm trí, không phải là thế tục trí. Do thế tục trí ở quá khứ và vị lai nhất định là thành tựu, nên ở hiện tại hoặc thành tựu một, hai, ba trí. Nếu lúc không có tâm thì đều không thành tựu.

Như Tín thắng giải, Kiến chí cũng như vậy, tức căn cứ theo trước nên biết.

Thân chứng, Tuệ giải thoát và Câu giải thoát như văn đã nói đủ.

Đã diệt không mất, nghĩa là nếu đã diệt không phải luyện căn v.v… cùng thoái chuyển nên mất thì thành tựu.

***

* Từ bậc Tùy tín hành cho đến bậc Câu giải thoát, khi pháp trí cho đến đạo trí hiện tiền thì mỗi bậc có bao nhiêu trí hiện tiền?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận các Tông chỉ khác cùng hiển bày chánh lý. Nghĩa là hoặc có người chấp: Các trí tuy có thể hiện tiền nhưng chỉ từng trí một, không được có hai trí một lúc. Nay nhằm ngăn chận lối chấp ấy cùng chỉ rõ: Các trí hiện tiền hoặc một, hoặc hai, hoặc lại có đến ba trí cùng một lúc.

Hoặc có lối chấp khác: Khi nhập hiện quán thì quán chung bốn đế và bốn trí tức thì khởi. Để ngăn chận lối chấp ấy cùng nêu bày rõ: Khi hiện quán đều quán riêng từng đế một, không có nghĩa trí của hai đế đồng thời khởi, huống chi là được khởi nhiều.

Hoặc lại có thuyết chấp: Có nhiều thức cùng sinh nhiều trí cùng khởi. Để ngăn chận lối chấp ấy và làm rõ: Một hữu tình trong một sát-na chỉ khởi một thức. Về Thể của trí cũng như vậy.

Do đó nên tạo ra phần Luận này.

Đáp: Bậc Tùy tín hành khi pháp trí hiện tiền, có hai trí hiện tiền là pháp trí và khổ trí. Nói rộng cho đến khi đạo trí hiện tiền, có hai trí hiện tiền là đạo trí và pháp trí. Nghĩa là ở phần vị kiến đạo, khi bảy trí hiện tiền thì nơi mỗi mỗi sát-na Thể của trí tuy có một nhưng về nghĩa nói là hai. Tức là do đối trị nên hoặc gọi là pháp trí, hoặc gọi là loại trí. Do hành tướng nên hoặc gọi là khổ trí cho đến hoặc gọi là đạo trí.

Như Tùy tìn hành, Tùy pháp hành cũng như thế, vì hai vị này đều giống nhau về địa v.v…, nói rộng như trước.

Tín thắng giải khi pháp trí hiện tiền hoặc có hai, ba trí hiện tiền, tức là hai trí pháp và khổ. Nói rộng cho đến khi đạo trí hiện tiền, có hoặc hai ba trí hiện tiền, tức là đạo trí và pháp trí, không phải tha tâm trí là hai, nếu có tha tâm trí là ba. Tức là ở phần vị tu đạo, khi các trí hiện tiền thì nơi mỗi mỗi sát-na Thể của trí tuy là một, nhưng về nghĩa nói là hai hoặc nói là ba.

Nghĩa là khi trí vô lậu hiện tiền, nếu các trí khổ, tập, diệt và tha tâm trí không gồm thâu đạo trí, tức về nghĩa chỉ nói có hai trí, là do đối trị nên hoặc gọi là pháp trí hoặc gọi là loại trí, do hành tướng nên hoặc gọi là khổ trí, cho đến hoặc gọi là đạo trí. Nếu tha tâm trí gồm thâu đạo trí, tức về nghĩa nói có ba trí, là do đối trị nên hoặc gọi là pháp trí hoặc gọi là loại trí, do hành tướng nên gọi là đạo trí, do gia hạnh nên gọi là tha tâm trí. Khi trí hữu lậu hiện tiền, nếu không phải là tha tâm trí thì chỉ có một trí là thế tục trí. Nếu là tha tâm trí, thì về nghĩa nói có hai trí, tức do tự tánh nên gọi là thế tục trí, do gia hạnh nên gọi là tha tâm trí.

Như Tín thắng giải, Kiến chí và Thân chứng cũng như vậy. Nghĩa là về quả vị là như nhau, nên các trí hiện tiền, nghĩa cũng giống nhau.

Tuệ giải thoát khi pháp trí hiện tiền, hoặc có hai, ba trí hiện tiền. Tức là pháp trí, khổ trí, không phải là tận trí, vô sinh trí là hai. Nếu là tận trí hoặc vô sinh trí là ba. Nói rộng cho đến khi đạo trí hiện tiền, hoặc có hai, ba trí hiện tiền. Nghĩa là đạo pháp trí, không phải là tận trí, vô sinh trí, tha tâm trí là hai, nếu là tận trí hoặc vô sinh trí hoặc tha tâm trí là ba.

Đạo loại trí không phải là tận trí, vô sinh trí, tha tâm trí, là hai. Nếu là tận trí hoặc vô sinh trí hoặc tha tâm trí là ba. Tức là ở phần vị vô học, khi các trí hiện tiền thì nơi mỗi mỗi sát-na, Thể của trí tuy là một, nhưng về nghĩa nói là hai trí, hoặc nói là ba trí.

Nghĩa là khi trí vô lậu hiện tiền, nếu là tận trí, vô sinh trí không gồm thâu khổ, tập, diệt trí, và tận trí, vô sinh trí, tha tâm trí cũng không gồm thâu đạo trí, thì về nghĩa chỉ nói có hai trí. Tức là do đối trị nên hoặc gọi là pháp trí, hoặc gọi là loại trí. Do hành tướng nên hoặc gọi là khổ trí, cho đến hoặc gọi là đạo trí. Nếu như tận trí hoặc vô sinh trí gồm thâu khổ, tập, diệt trí, và tận trí hoặc vô sinh trí hoặc tha tâm trí gồm thâu đạo trí, thì về nghĩa nói ba. Tức là do đối trị nên hoặc gọi là pháp trí, hoặc gọi là loại trí. Do hành tướng nên hoặc gọi là khổ trí, cho đến hoặc gọi là đạo trí. Do việc làm nên hoặc gọi là tận trí. Do nhân đã tròn đủ nên hoặc gọi là vô sinh trí. Do gia hạnh nên hoặc gọi là tha tâm trí.

Khi trí hữu lậu hiện tiền, nếu không phải là tha tâm trí, thì chỉ có một trí là thế tục trí. Nếu là tha tâm trí thì về nghĩa nói có hai trí. Tức do tự tánh nên gọi là thế tục trí. Do gia hạnh nên gọi là tha tâm trí.

Hỏi: Vì sao Thể của ba trí tận trí, vô sinh trí, tha tâm trí không xen lẫn nhau?

Đáp: Vì tận trí và vô sinh trí, tự tánh không phải là kiến, còn tự tánh của tha tâm trí là kiến, nên chúng không xen lẫn nhau. Lại, hành tướng đã khởi của tận trí và vô sinh trí đều cùng có khác nên cũng không xen lẫn. Nghĩa là khổ này ta đã nhận biết là hành tướng dấy khởi của tận trí. Còn khổ này ta không còn phải nhận biết nữa là hành tướng dấy khởi của vô sinh trí.

Như Tuệ giải thoát, Câu giải thoát cũng như vậy, tức là phần vị giống nhau.

***

* Từ bậc Tùy tín hành cho đến bậc Câu giải thoát, đối với ba thứ Tam-ma-địa, có bao nhiêu thứ được thành tựu, bao nhiêu thứ không thành tựu?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm để ngăn chận các Tông chỉ khác cùng hiển bày chánh lý. Nghĩa là hoặc có thuyết chấp: Ba thứ Tam-ma-địa, Thể của chúng chỉ là một, nhưng nói về nghĩa thì có ba thứ. Để ngăn chận lối chấp ấy cùng làm rõ ba thứ Tam-ma-địa này tự tánh đều khác, thế nên tạo ra phần Luận này.

Đáp: Bậc Tùy tín hành đối với ba thứ Tam-ma-địa này: Khi diệt pháp trí nhẫn chưa sinh thì thành tựu hai, đã sinh thì thành tựu ba. Nghĩa là khi diệt pháp trí nhẫn chưa hiện tiền thì chỉ thành tựu hai thứ là không và vô nguyện. Tức khi khổ pháp trí nhẫn cùng tu cả hai thứ. Diệt pháp trí nhẫn đã sinh, cho đến khi đạo loại trí nhẫn hiện tiền thì đều thành tựu ba thứ, là lại thành tựu vô tướng.

Tùy pháp hành cũng như thế, vì cả hai bậc này giống nhau về địa v.v… nói rộng như trước.

Tín thắng giải cho đến Câu giải thoát đối với ba thứ Tam-mađịa đều thành tựu, tức đã đạt được đủ.

Hỏi: Tùy tín hành cho đến Câu giải thoát, đối với ba thứ Tamma-địa, ở quá khứ thành tựu được bao nhiêu thứ, ở vị lai và ở hiện tại thành tựu được bao nhiêu thứ?

Đáp: Tùy tín hành đối với ba thứ Tam-ma-địa nếu dựa vào không để nhập chánh tánh ly sinh, khi có khổ pháp trí nhẫn thì ở quá khứ không có thành tựu, ở vị lai thành tựu hai thứ, ở hiện tại thành tựu một thứ. Nói rộng cho đến diệt pháp trí, cho đến khi có đạo loại trí nhẫn, thì ở quá khứ thành tựu hai thứ, ở vị lai thành tựu ba thứ, ở hiện tại thành tựu một thứ. Nghĩa là nếu dựa vào không để nhập chánh tánh ly sinh cùng với khoảnh tâm đầu tiên kiến khổ, thì ở quá khứ không thành tựu. Cùng với bốn khoảnh tâm kiến khổ thì ở hiện tại thành tựu một thứ là không. Cùng với ba khoảnh tâm sau kiến khổ và khoảnh tâm đầu kiến tập, thì ở quá khứ thành tựu một thứ là không. Cùng với ba khoảnh tâm sau kiến tập và khoảnh tâm đầu kiến diệt thì ở quá khứ thành tựu hai thứ là không và vô nguyện. Kiến khổ, kiến tập mỗi thứ đều có bốn khoảnh tâm, thì ở vị lai thành tựu hai thứ là không và vô nguyện. Cùng với bốn khoảnh tâm kiến diệt thì ở hiện tại thành tựu một thứ là vô tướng. Kiến tập có bốn khoảnh tâm, kiến đạo có ba khoảnh tâm, thì ở hiện tại thành tựu một thứ là vô nguyện. Kiến diệt có ba khoảnh tâm sau, kiến đạo có ba khoảnh tâm, thì ở quá khứ đều thành tựu đủ ba thứ. Kiến diệt có bốn khoảnh tâm, kiến đạo có ba khoảnh tâm, ở vị lai đều cũng thành tựu đủ ba thứ.

Nếu dựa vào vô nguyện để nhập chánh tánh ly sinh nên biết cũng như thế.

Có sai khác: Là ở quá khứ nhất định không có Tam-ma-địa không, chỉ có một hoặc hai. Kiến khổ và kiến tập mỗi thứ đều có bốn khoảnh tâm, kiến đạo có ba khoảnh tâm đều ở hiện tại thành tựu một thứ là vô nguyện.

Hỏi: Những loại Bổ-đặc-già-la nào dựa vào không để nhập chánh tánh ly sinh? Những loại Bổ-đặc-già-la nào dựa vào vô nguyện để nhập chánh tánh ly sinh?

Đáp: Nếu là người kiến hành thì dựa vào không để nhập chánh tánh ly sinh. Nếu là người ái hành thì dựa vào vô nguyện để nhập chánh tánh ly sinh. Chỉ trừ Bồ-tát, tuy là ái hành nhưng dựa vào không để nhập chánh tánh ly sinh.

Lại, người kiến hành lại có hai loại. Người vướng mắc ngã kiến thì dựa vào hành tướng vô ngã để nhập chánh tánh ly sinh. Người vướng mắc ngã sở kiến thì dựa vào hành tướng không để nhập chánh tánh ly sinh. Các người ái hành cũng có hai loại. Người ngã mạn tăng thì dựa vào hành tướng vô thường để nhập chánh tánh ly sinh. Người biếng trễ tăng thì dựa vào hành tướng khổ để nhập chánh tánh ly sinh.

Lại nữa, nếu người lợi căn thì đa phần dựa vào không để nhập chánh tánh ly sinh. Nếu người độn căn thì đa phần dựa vào vô nguyện để nhập chánh tánh ly sinh. Như lợi căn, độn căn, thì cho đến khai trí, thuyết trí nên biết cũng như thế.

Nếu dựa vào vô nguyện để nhập chánh tánh ly sinh thì người ấy hoặc dựa vào vô tướng của vô nguyện lìa nhiễm của ba cõi, dứt hết chúng đồng phận nên Tam-ma-địa không không hiện tiền.

Bậc Tùy pháp hành cũng như thế, vì hai vị này giống nhau về địa v.v…, nói rộng như trước.

Tín thắng giải cho đến Câu giải thoát, đối với ba thứ Tam-mađịa, ở vị lai đều thành tựu ba thứ, ở quá khứ nếu đã diệt không mất, ở hiện tại thì nếu hiện tiền… Đây đều căn cứ theo trước nên biết về tướng của chúng.

Hỏi: Tùy tín hành cho đến Câu giải thoát, khi ba thứ Tam-ma-địa không, vô nguyện, vô tướng hiện tiền thì có bao nhiêu trí hiện tiền?

Đáp: Bậc Tùy tín hành, khi Tam-ma-địa không hiện tiền thì có hoặc hai trí hiện tiền hoặc không có. Nói rộng cho đến bậc Câu giải thoát cũng như thế. Nghĩa là trong kiến đạo, khi có nhẫn thì không có trí, khi có trí thì có hai trí hiện tiền. Ở tu đạo khi có khổ tập diệt trí thì có hai trí hiện tiền. Khi có đạo trí thì hoặc có hai hoặc có ba trí hiện tiền. Nơi đạo vô học, các trí khổ tập diệt nếu gồm thâu chánh kiến vô học, thì mỗi mỗi trí có hai trí hiện tiền. Không gồm thâu chánh kiến vô học, thì mỗi mỗi trí có ba trí hiện tiền. Đạo trí, nếu không gồm thâu chánh kiến vô học thì có ba trí hiện tiền. Nếu gồm thâu chánh kiến vô học và tha tâm trí thì cũng có ba trí hiện tiền. Tức ở đây nếu không có tha tâm trí, thì chỉ có hai trí hiện tiền.

Hỏi: Vì sao tận trí và vô sinh trí không tương ưng với Tam-mađịa không?

Đáp: Vì hành tướng khác nhau. Tức là hành tướng của Tamma-địa không thì không phải là của tận trí, vô sinh trí. Nếu là hành tướng của tận trí, vô sinh trí thì không phải là của Tam-ma-địa không.

Lại nữa, Tam-ma-địa không thì tương ưng với kiến, còn tận trí và vô sinh trí thì không phải là tánh của kiến.

Lại nữa, Tam-ma-địa không thì tự tánh là thắng nghĩa, hành tướng phát khởi cũng là thắng nghĩa. Còn tự tánh của tận trí và vô sinh trí tuy là thắng nghĩa, nhưng hành tướng phát khởi không phải là thắng nghĩa. Tức là trí này sau khi suy nghĩ: “Nẻo sinh tử của ta đã hết v.v…” thì có hành tướng của ngã, là thuộc về thế tục không phải thuộc về thắng nghĩa.

Hỏi: Tùy tín hành cho đến Câu giải thoát: Khi ba căn vô lậu, bảy giác chi, tám đạo chi (Tám chánh đạo) tùy chỗ thích ứng hiện tiền thì có bao nhiêu trí hiện tiền?

Đáp: Bậc Tùy tín hành khi vị tri đương tri hiện căn tiền, thì hoặc có hai trí hiện tiền hoặc không có. Nói rộng cho đến bậc Câu giải thoát cũng như thế. Tức là ở nơi kiến đạo, khi có tám nhẫn thì hoàn toàn không có trí. Còn khi có bảy trí thì đều có hai trí hiện tiền. Trong tu đạo, khi có các trí khổ tập diệt thì đều có hai trí hiện tiền. Khi có đạo trí thì hoặc có hai trí hoặc có ba trí hiện tiền. Trong đạo vô học khi có các trí khổ tập diệt đạo thì đều hoặc có hai trí hoặc có ba trí hiện tiền. Căn cứ theo trước nên biết.

Hỏi: Trong đây nhiều lần nói về bậc Tuệ giải thoát khởi tha tâm trí, và bậc kia khi khởi thì phải dựa vào tĩnh lự căn bản. Nếu Tuệ giải thoát cũng có thể hiện khởi tĩnh lự căn bản thì há chẳng trái với các điều đã nói nơi kinh Tô-thi-ma. Do trong kinh ấy nói: Bậc Tuệ giải thoát không thể hiện khởi tĩnh lự căn bản?

Đáp: Tuệ giải thoát có hai thứ là phần ít và toàn phần. Tuệ giải thoát phần ít đối với bốn tĩnh lự có thể khởi một, hai, ba thứ. Còn Tuệ giải thoát toàn phần thì đối với bốn tĩnh lự đều không thể khởi. Trong Luận này là nói về tuệ giải thoát phần ít, cho nên có thể khởi tha tâm trí. Còn kinh Tô-thi-ma thì nói về tuệ giải thoát toàn phần. Tuệ giải thoát ấy đối với bốn tĩnh lự đều không thể khởi. Như vậy cả hai thuyết đều cùng khéo thông hợp. Do đấy, bậc Tuệ giải thoát phần ít này cho đến có thể khởi đẳng chí của xứ Hữu đảnh, chỉ không đạt được định diệt tận. Nếu được định diệt tận thì gọi là bậc Câu giải thoát.

***

* Các pháp tương ưng với pháp trí thì các pháp ấy tương ưng với loại trí chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận các Tông chỉ khác cùng hiển bày chánh lý. Nghĩa là hoặc có thuyết chấp: Các tâm tâm sở pháp, mỗi mỗi thứ sinh khởi đều không có nghĩa tương ưng. Vì để ngăn chận lối chấp này cùng làm rõ: Các tâm tâm sở pháp tất cùng thời sinh và có nghĩa tương ưng.

Hoặc có thuyết chấp: Tâm tâm sở pháp trước sau đều tương ưng.

Lại có thuyết khác chấp: Tự tánh cùng với tự tánh là tương ưng. Để ngăn chận các thứ chấp ấy cùng nêu rõ: Về tương ưng, tất là cùng thời sinh và riêng có tự thể.

Trong đây, các pháp do ba duyên nên đều cùng liên hệ đối hiển tương ưng. Nghĩa là hoặc có pháp do cùng gồm thâu nên hỗ tương liên hệ, như trí cùng với trí. Hoặc lại có pháp do tương ưng nên hỗ tương liên hệ, như trí cùng với Tam-ma-địa. Hoặc lại có pháp do cùng gồm thâu, tương ưng nên hỗ tương liên hệ, như trí cùng với căn, giác chi, đạo chi. Đó gọi là ở xứ này đã tóm lược về Tỳ-ba-sa.

Hỏi: Các pháp tương ưng với pháp trí thì các pháp ấy tương ưng với loại trí chăng?

Đáp: Không đúng.

Hỏi: Nếu như pháp tương ưng với loại trí thì pháp ấy tương ưng với pháp trí chăng?

Đáp: Không đúng. Vì sao? Vì không phải là một tâm. Vì đối tượng duyên là khác nhau.

Đối với thế tục trí cũng như thế. Vì sao? Vì không phải là một tâm, vì tụ hữu lậu vô lậu đều khác nhau.

Hỏi: Các pháp tương ưng với pháp trí thì các pháp ấy tương ưng với tha tâm trí chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp, vì nghĩa không nhất định.

1. Có pháp tương ưng với pháp trí nhưng không phải là tha tâm trí. Nghĩa là tha tâm trí không gồm thâu pháp tương ưng với pháp trí. Pháp này là gì? Đó là khổ tập diệt pháp trí và tha tâm trí không gồm thâu pháp tương ưng với đạo pháp trí.

2. Có pháp tương ưng với tha tâm trí nhưng không phải là pháp trí. Nghĩa là pháp trí không gồm thâu pháp tương ưng với tha tâm trí. Pháp này là gì? Đó là loại trí, thế tục trí đã gồm thâu pháp tương ưng với tha tâm trí.

3. Có pháp tương ưng với pháp trí cũng tương ưng với tha tâm trí. Nghĩa là pháp trí gồm thâu pháp tương ưng với tha tâm trí. Pháp này là gì? Đó là pháp này tương ưng với chín pháp đại địa, với mười pháp đại thiện địa, với tầm tứ và tâm.

4. Có pháp không tương ưng với pháp trí cũng không tương ưng với tha tâm trí. Nghĩa là pháp trí, tha tâm trí cùng pháp trí, tha tâm trí không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác, sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành.

Ở đây: Pháp trí, tha tâm trí: Là tự tánh cùng với tự tánh thì không tương ưng.

Cùng pháp trí, tha tâm trí không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác: Là không gồm thâu, trừ tự tánh kia không tương ưng, trừ tương ưng kia, còn lại là các tâm tâm sở pháp khác. Pháp này là thế nào? Nghĩa là khổ tập diệt loại trí và tha tâm trí không gồm thâu tụ tương ưng của đạo loại trí, tụ tương ưng của nhẫn vô lậu, và tha tâm trí không tương ưng với tất cả tâm tâm sở pháp hữu lậu.

Sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành: Nghĩa là tất cả sắc vô vi tâm bất tương ưng hành đều không tương ưng với pháp trí, cũng không phải là tha tâm trí vì không có đối tượng duyên.

Đối nơi khổ tập diệt đạo trí và chánh kiến thì cũng như vậy. Như pháp trí đối với tha tâm trí đã nêu ra bốn trường hợp. Ở đây, đối với khổ tập diệt đạo trí và chánh kiến trong tám đạo chi cũng như thế.

Hỏi: Các pháp tương ưng với pháp trí thì các pháp ấy tương ưng với Tam-ma-địa không chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

Trong ấy: Pháp trí cùng với ba thứ Tam-ma-địa tương ưng. Tam-ma-địa không thì cùng với hai trí, hai nhẫn tương ưng. Hai trí là khổ pháp trí và khổ loại trí. Hai nhẫn là khổ pháp trí nhẫn và khổ loại trí nhẫn. Thế nên ở đây nêu ra bốn trường hợp lớn:

1. Có pháp tương ưng với pháp trí nhưng không phải là Tamma-địa không. Nghĩa là pháp trí tương ưng với không và không không tương ưng với pháp tương ưng của pháp trí. Trong đây: Pháp trí tương ưng với không: Tức là pháp trí cùng sinh với Tam-ma-địa không. Tam-ma-địa này cùng với pháp trí tương ưng không phải là không, vì tự tánh cùng với tự tánh không tương ưng. Và không không tương ưng với pháp tương ưng của pháp trí: Tức là vô nguyện, vô tướng cùng sinh với pháp tương ưng của pháp trí.

2. Có pháp tương ưng với Tam-ma-địa không nhưng không phải là pháp trí. Nghĩa là không tương ưng với pháp trí và pháp trí không tương ưng với pháp tương ưng của không. Trong đây: Không tương ưng với pháp trí: Tức là không cùng sinh với pháp trí. Pháp trí này cùng với không tương ưng, không phải là pháp trí, vì tự tánh cùng với tự tánh thì không tương ưng. Và pháp trí không tương ưng với pháp tương ưng của không: Tức là khổ loại trí và khổ nhẫn cùng sinh với pháp tương ưng của Tam-ma-địa không.

3. Có pháp tương ưng với pháp trí cũng tương ưng với Tamma-địa không. Nghĩa là pháp tương ưng với hai thứ. Trong đây: Pháp tương ưng với hai thứ: Tức là pháp trí và không trong tụ cùng sinh, trừ hai tự tánh, còn các tâm tâm sở pháp khác. Pháp này là gì? Nghĩa là hai thứ cùng tương ưng với tám pháp đại địa, với mười pháp đại thiện địa, với tầm tứ và tâm.

4. Có pháp không tương ưng với pháp trí cũng không tương ưng với Tam-ma-địa không. Nghĩa là pháp trí không tương ưng với không, không không tương ưng với pháp trí, và pháp trí cùng không không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác, sắc vô vi tâm bất tương ưng hành.

Ở đây: Pháp trí không tương ưng với không: Tức là khổ loại trí và khổ nhẫn cùng sinh với Tam-ma-địa không, Tam-ma-địa này không tương ưng với pháp trí vì là tụ khác, cũng không tương ưng với không, vì tự tánh cùng với tự tánh thì không tương ưng.

Không không tương ưng với pháp trí: Tức là vô nguyện, vô tướng cùng sinh với pháp trí. Pháp trí này không tương ưng với không, vì là tụ khác, cũng không tương ưng với pháp trí, vì tự tánh không cùng với tự tánh tương ưng.

Và pháp trí cùng không không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác: Tức là không gồm thâu, trừ hai tự tánh không tương ưng, trừ hai tương ưng, còn lại là các tâm tâm sở pháp khác. Pháp này là thế nào? Nghĩa là pháp trí không tương ưng với tụ tương ưng của vô nguyện, vô tướng, và tất cả tâm tâm sở pháp hữu lậu.

Sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành: Nghĩa là tất cả sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành đều không tương ưng với pháp trí cũng không phải là Tam-ma-địa không, vì không có đối tượng duyên.

Đối với vô nguyện, vô tướng, hỷ giác chi, chánh tư duy cũng như vậy.

Như pháp trí đối với Tam-ma-địa không nêu ra bốn trường hợp lớn, ở đây đối với vô nguyện, vô tướng, hỷ giác chi, chánh tư duy… cũng như vậy.

Hỏi: Các pháp tương ưng với pháp trí thì chúng tương ưng với vị tri đương tri căn chăng?

Đáp: Nêu nêu ra bốn trường hợp, vì nghĩa không nhất định.

1. Có pháp tương ưng với pháp trí không phải là vị tri đương tri căn. Nghĩa là vị tri đương tri căn không gồm thâu pháp tương ưng với pháp trí. Pháp này là thế nào? Nghĩa là dĩ tri căn và cụ tri căn đã gồm thâu pháp tương ưng với pháp trí. Pháp này cùng với pháp trí tương ưng không phải là vị tri đương tri căn, vì là tụ khác.

2. Có pháp tương ưng với vị tri đương tri căn không phải là pháp trí. Nghĩa là vị tri đương tri căn gồm thâu pháp trí, và pháp trí không gồm thâu, không tương ưng với pháp tương ưng của vị tri đương tri căn. Trong đây: Vị tri đương tri căn gồm thâu pháp trí: Nghĩa là vị tri đương tri căn cùng sinh trong tụ thuộc pháp trí. Pháp này cùng với vị tri đương tri căn tương ưng không phải là pháp trí, vì tự tánh không cùng với tự tánh tương ưng. Và pháp trí không gồm thâu, không tương ưng với pháp tương ưng của vị tri đương tri căn: Đó là các loại trí và nhẫn vô lậu, cùng sinh trong tụ thuộc pháp tương ưng của vị tri đương tri căn. Pháp này cùng với vị tri đương tri căn tương ưng không phải là pháp trí, vì là tụ khác.

3. Có pháp tương ưng với pháp trí cũng tương ưng với vị tri đương tri căn. Nghĩa là vị tri đương tri căn gồm thâu pháp tương ưng với pháp trí. Pháp này là thế nào? Tức là tám căn còn lại và pháp tương ưng với chúng. Tâm tâm sở pháp còn lại không phải là căn.

4. Có pháp không tương ưng với pháp trí cũng không phải là vị tri đương tri căn. Nghĩa là vị tri đương tri căn không gồm thâu pháp trí, và pháp trí, vị tri đương tri căn không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác, sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành.

Trong đây: Vị tri đương tri căn không gồm thâu pháp trí: Tức là dĩ tri căn, cụ tri căn cùng sinh trong tụ thuộc pháp trí. Pháp này không tương ưng với pháp trí, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng, cũng không tương ưng với vị tri đương tri căn, vì là tụ khác.

Pháp trí, vị tri đương tri căn không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác: Nghĩa là pháp trí không gồm thâu, không tương ưng với tâm tâm sở pháp khác cùng sinh trong tụ của dĩ tri căn, cụ tri căn, và tất cả tâm tâm sở pháp hữu lậu đều không tương ưng với pháp trí cũng không phải là vị tri đương tri căn, vì là tụ khác.

Sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành: Nghĩa là tất cả sắc vô vi và tâm bất tương ưng hành đều cùng không tương ưng, vì không có đối tượng duyên.

Đối với dĩ tri căn, cụ tri căn cũng như thế.

Như pháp trí đối với vị tri đương tri căn nêu ra bốn trường hợp, ở đây đối với dĩ tri căn, cụ tri căn cũng như thế.

Hỏi: Các pháp tương ưng với pháp trí thì chúng tương ưng với niệm giác chi chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp, vì nghĩa không nhất định.

1. Có pháp tương ưng với pháp trí không phải là niệm giác chi. Nghĩa là pháp trí tương ưng với niệm giác chi. Niệm giác chi này cùng với pháp trí tương ưng không phải là niệm giác chi, vì tự tánh không cùng với tự tánh tương ưng.

2. Có pháp tương ưng với niệm giác chi không phải là pháp trí. Nghĩa là pháp trí và pháp trí không tương ưng với pháp tương ưng của niệm giác chi. Trong đây: Pháp trí: Nghĩa là niệm giác chi cùng sinh với pháp trí. Pháp trí này cùng với niệm giác chi tương ưng không phải là pháp trí, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng. Và pháp trí không tương ưng với pháp tương ưng của niệm giác chi: Đó là nhẫn vô lậu, và loại trí cùng sinh trong tụ của pháp tương ưng với niệm giác chi. Pháp này cùng với niệm giác chi tương ưng không phải là pháp trí, vì là tụ khác.

3. Có pháp tương ưng với pháp trí cũng tương ưng với niệm giác chi. Nghĩa là pháp tương ưng với hai thứ, tức là pháp trí trong tụ cùng sinh. Trừ pháp trí và niệm, còn lại là các tâm tâm sở pháp khác cùng tương ưng với hai thứ. Ở đây lại là thế nào? Nghĩa là các pháp tương ưng với hai thứ là tám pháp đại địa, mười pháp đại thiện địa, tầm tứ và tâm.

4. Có pháp không tương ưng với pháp trí cũng không phải là niệm giác chi. Nghĩa là pháp trí không tương ưng với niệm giác chi và các tâm tâm sở pháp khác, sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành.

Trong đây: Pháp trí không tương ưng với niệm giác chi: Tức là nhẫn vô lậu, và loại trí cùng sinh trong tụ thuộc niệm giác chi. Pháp này không tương ưng với pháp trí vì là tụ khác, cũng không tương ưng với niệm giác chi, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng.

Và các tâm tâm sở pháp khác: Đây không phải là tâm tâm sở vô lậu, chỉ là tâm tâm sở hữu lậu.

Sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành: Tức là tất cả sắc vô vi và tâm tương ưng hành đều cùng không tương ưng, vì không có đối tượng duyên.

Đối với các giác chi tinh tấn, khinh an, định, xả, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định… cũng như thế. Như pháp trí đối với niệm giác chi có bốn trường hợp, ở đây đối với tinh tấn giác chi v.v… cho đến chánh định cũng như thế.

Hỏi: Các pháp tương ưng với pháp trí thì chúng tương ưng với trạch pháp giác chi chăng?

Đáp: Các pháp tương ưng với pháp trí thì cũng tương ưng với trạch pháp giác chi, vì pháp trí đều thuộc về trạch pháp giác chi.

Có pháp tương ưng với trạch pháp giác chi không phải là pháp trí. Nghĩa là pháp trí không gồm thâu pháp tương ưng với trạch pháp giác chi. Pháp này là thế nào? Tức là nhẫn vô lậu và loại trí cùng sinh trong tụ của pháp tương ưng với trạch pháp giác chi. Pháp này cùng với trạch pháp giác chi tương ưng không phải là pháp trí, vì là tụ khác. Như pháp trí đối nơi sau thì loại trí đối nơi sau cũng như thế.

Như pháp trí đối với loại trí cho đến chánh định, thì loại trí đối với tha tâm trí cho đến chánh định cũng như vậy.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tha tâm trí thì chúng tương ưng với thế tục trí chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp, vì nghĩa không nhất định.

1. Có pháp tương ưng với tha tâm trí không phải là thế tục trí. Nghĩa là thế tục trí không gồm thâu pháp tương ưng với tha tâm trí. Pháp này là gì? Đó là pháp tương ưng với tha tâm trí vô lậu.

2. Có pháp tương ưng với thế tục trí không phải là tha tâm trí. Nghĩa là tha tâm trí không gồm thâu pháp tương ưng với thế tục trí. Pháp này là gì? Đó là tha tâm trí không gồm thâu các pháp tương ưng với thế tục trí thiện, nhiễm ô, vô phú vô ký.

3. Có pháp tương ưng với tha tâm trí cũng tương ưng với thế tục trí. Nghĩa là tha tâm trí gồm thâu pháp tương ưng với thế tục trí. Pháp này là gì? Tức là pháp tương ưng với pháp này là chín pháp đại địa, mười pháp đại thiện địa, tầm tứ và tâm.

4. Có pháp không tương ưng với tha tâm trí cũng không tương ưng với thế tục trí. Nghĩa là tha tâm trí, thế tục trí, và tha tâm trí, thế tục trí không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác, sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành.

Trong đây: Tha tâm trí, thế tục trí: Tức là tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng.

Và tha tâm trí, thế tục trí không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác: Tức là nhẫn vô lậu, khổ tập diệt trí và tha tâm trí không gồm thâu các tâm tâm sở pháp cùng sinh trong tụ của đạo trí, đều cùng không tương ưng, vì là tụ khác.

Sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành: Tức là tất cả sắc vô vi và tâm bất tương ưng hành đều cùng không tương ưng vì không có đối tượng duyên.

Đối với đạo trí, trạch pháp giác chi, chánh kiến cũng như vậy. Như tha tâm trí đối với thế tục trí có bốn trường hợp, ở đây đối với đạo trí, trạch pháp giác chi, chánh kiến cũng như vậy.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tha tâm trí thì chúng tương ưng với khổ trí chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Nếu như pháp tương ưng với khổ trí thì pháp ấy tương ưng tha tâm trí chăng?

Đáp: Không có.

Đối với tập, diệt trí, Tam-ma-địa không, vô tướng, vị tri đương tri căn cũng như thế, vì không phải là một tâm hoặc hành tướng có khác, hoặc đối tượng duyên có khác.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tha tâm trí thì chúng tương ưng với Tam-ma-địa vô nguyện chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp, vì nghĩa không nhất định.

1. Có pháp tương ưng với tha tâm trí không phải là Tam-mađịa vô nguyện. Nghĩa là tha tâm trí tương ưng với vô nguyện và vô nguyện không tương ưng với pháp tương ưng của tha tâm trí. Trong đây: Tha tâm trí tương ưng với vô nguyện: Tức là tha tâm trí cùng sinh với vô nguyện. Pháp này cùng với tha tâm trí tương ưng không phải là vô nguyện, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng. Và vô nguyện không tương ưng với pháp tương ưng của tha tâm trí: Tức là pháp tương ưng với tha tâm trí hữu lậu. Pháp này cùng với tha tâm trí tương ưng không phải là vô nguyện, vì là tụ khác.

2. Có pháp tương ưng với vô nguyện không phải là tha tâm trí. Nghĩa là vô nguyện tương ưng với tha tâm trí và tha tâm trí không tương ưng với pháp tương ưng của vô nguyện. Trong đây: Vô nguyện tương ưng với tha tâm trí: Tức là vô nguyện cùng sinh với tha tâm trí. Trí này cùng với vô nguyện tương ưng không phải là tha tâm trí, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng. Và tha tâm trí không tương ưng với pháp tương ưng của vô nguyện: Tức là khổ tập vô nguyện và tha tâm trí không tương ưng với pháp tương ưng của đạo vô nguyện. Pháp này thì tương ưng với vô nguyện không phải là tha tâm trí, vì là tụ khác.

3. Có pháp tương ưng với tha tâm trí cũng tương ưng với vô nguyện. Nghĩa là pháp tương ưng với cả hai thứ. Tức chúng cùng sinh trong tụ của tha tâm trí vô lậu, trừ tha tâm trí và Tam-ma-địa vô nguyện, còn lại là các tâm tâm sở pháp khác. Pháp này là gì? Đó là tám pháp đại địa, mười pháp đại thiện địa, tầm tứ và tâm.

4. Có pháp không tương ưng với tha tâm trí cũng không tương ưng với vô nguyện. Nghĩa là tha tâm trí không tương ưng với vô nguyện, vô nguyện không tương ưng với tha tâm trí, và các tâm tâm sở pháp khác, sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành.

Trong đây: Tha tâm trí không tương ưng với vô nguyện: Tức là khổ tập vô nguyện và tha tâm trí không tương ưng với đạo vô nguyện. Pháp này không tương ưng với tha tâm trí, vì là tụ khác, cũng không tương ưng với vô nguyện, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng.

Vô nguyện không tương ưng với tha tâm trí: Tức là tha tâm trí hữu lậu. Trí này không tương ưng với vô nguyện, vì là tụ khác, cũng không tương ưng với tha tâm trí, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng.

Và các tâm tâm sở pháp khác: Tức là các tâm tâm sở pháp khác cùng sinh trong tụ của không và vô tướng. Và tha tâm trí không gồm thâu, không tương ưng với tâm tâm sở pháp hữu lậu. Pháp này đều cùng không tương ưng, vì là tụ khác.

Sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành: Tức là tất cả sắc vô vi và tâm bất tương ưng hành, ở đây đều cùng không tương ưng, vì không có đối tượng duyên.

Đối với các giác chi niệm, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả và chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh nịêm, chánh định… cũng như thế. Như tha tâm trí đối với vô nguyện có bốn trường hợp, tức ở đây đối với sáu giác chi, bốn đạo chi cũng như vậy.

Hỏi: Các pháp tương ưng với tha tâm trí thì chúng tương ưng với dĩ tri căn chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp, vì nghĩa không nhất định.

1. Có pháp tương ưng với tha tâm trí không phải là dĩ tri căn. Nghĩa là dĩ tri căn không gồm thâu pháp tương ưng với tha tâm trí. Pháp này là gì? Đó là cụ tri căn gồm thâu pháp tương ưng với tha tâm trí và các tâm tâm sở pháp tương ưng với tha tâm trí hữu lậu. Pháp này tương ưng với tha tâm trí không phải là dĩ tri căn, vì là tụ khác.

2. Có pháp tương ưng với dĩ tri căn không phải là tha tâm trí. Nghĩa là dĩ tri căn gồm thâu tha tâm trí và tha tâm trí không gồm thâu, không tương ưng với pháp tương ưng của dĩ tri căn.

Trong đây: Dĩ tri căn gồm thâu tha tâm trí: Tức là tha tâm trí vô lậu ở trong tu đạo. Trí này cùng với dĩ tri căn tương ưng không phải là tha tâm trí, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng.

Và tha tâm trí không gồm thâu, không tương ưng với pháp tương ưng của dĩ tri căn: Tức là khổ tập diệt trí cùng sinh trong tụ thuộc về tu đạo và tha tâm trí không gồm thâu các tâm tâm sở pháp cùng sinh trong tụ của đạo trí. Các pháp này cùng với dĩ tri căn tương ưng không phải là tha tâm trí, vì là tụ khác.

3. Có pháp tương ưng với tha tâm trí cũng tương ưng với dĩ tri căn. Nghĩa là dĩ tri căn gồm thâu pháp tương ưng với tha tâm trí. Pháp này là gì? Tức là pháp tương ưng của tha tâm trí vô lậu ở trong tu đạo. Tức pháp này tương ưng với tám căn vô lậu, và chúng tương ưng với tâm tâm sở pháp khác không phải là căn.

4. Có pháp không tương ưng với tha tâm trí cũng không tương ưng với dĩ tri căn. Nghĩa là dĩ tri căn không gồm thâu tha tâm trí, và tha tâm trí, dĩ tri căn không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác, sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành.

Trong đây: Dĩ tri căn không gồm thâu tha tâm trí: Tức là cụ tri căn gồm thâu tha tâm trí và tha tâm trí hữu lậu. Trí này không tương ưng với tha tâm trí, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng, cũng không tương ưng với dĩ tri căn, vì là tụ khác.

Và tha tâm trí, dĩ tri căn không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp khác: Tức là tâm tâm sở pháp cùng sinh trong tụ thuộc vị tri đương tri căn, tha tâm trí không gồm thâu, không tương ưng, các tâm tâm sở pháp cùng sinh trong tụ thuộc cụ tri căn, tha tâm trí không gồm thâu, không tương ưng và tâm tâm sở pháp hữu lậu. Những thứ này đều cùng không tương ưng, vì là tụ khác.

Sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành: Tức là tất cả sắc vô vi và tâm bất tương ưng hành đều cùng không tương ưng vì không có đối tượng duyên.

Đối với cụ tri căn cũng như vậy. Như tha tâm trí đối với dĩ tri căn có bốn trường hợp, ở đây đối với cụ tri căn cũng như vậy.

Hỏi: Các pháp tương ưng với thế tục trí thì chúng tương ưng với khổ trí… cho đến chánh định chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Nếu như các pháp tương ưng với khổ trí… cho đến chánh định thì chúng tương ưng với thế tục trí chăng?

Đáp: Không có. Vì sao? Vì không phải là một tâm. Vì khổ trí cho đến chánh định đều là vô lậu.

Hỏi: Các pháp tương ưng với khổ trí thì chúng tương ưng với tập trí chăng?

Đáp: Không có.

Hỏi: Nếu như các pháp tương ưng với tập trí thì chúng tương ưng với khổ trí chăng?

Đáp: Không có.

Đối với diệt, đạo trí, Tam-ma-địa vô tướng thì cũng như vậy. Vì sao? Vì không phải là một tâm, vì hành tướng khác nhau, hoặc vì đối tượng duyên khác nhau.

Hỏi: Các pháp tương ưng với khổ trí thì chúng tương ưng với Tam-ma-địa không chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp, vì nghĩa không nhất định.

1. Có pháp tương ưng với khổ trí không phải là Tam-ma-địa không. Nghĩa là khổ trí tương ưng với không và không không tương ưng với pháp tương ưng của khổ trí. Trong đây: Khổ trí tương ưng với không: Tức là khổ trí tương ưng với Tam-ma-địa không. Tamma-địa này cùng với khổ trí tương ưng không phải là không, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng. Và không không tương ưng với pháp tương ưng của khổ trí: Tức là vô nguyện cùng sinh với pháp tương ưng của khổ trí. Pháp này cùng với khổ trí tương ưng không phải là không, vì là tụ khác.

2. Có pháp tương ưng với Tam-ma-địa không không phải là khổ trí. Nghĩa là không tương ưng với khổ trí và khổ trí không tương ưng với pháp tương ưng của không. Trong đây: Không tương ưng với khổ trí: Tức là Tam-ma-địa không cùng sinh với khổ trí. Trí này cùng với không tương ưng không phải là khổ trí, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng. Và khổ trí không tương ưng với pháp tương ưng của không: Tức là khổ nhẫn cùng sinh với pháp tương ưng của không. Pháp này cùng với không tương ưng không phải là khổ trí, vì là tụ khác.

3. Có pháp tương ưng với khổ trí cũng tương ưng với Tam-mađịa không. Nghĩa là vì pháp tương ưng với hai thứ. Pháp này là thế nào? Đó là khổ trí tương ưng với không trong tụ cùng sinh, trừ khổ trí và không, còn lại là các tâm tâm sở pháp khác, tức tám pháp đại địa, mười pháp đại thiện địa, tầm tứ và tâm.

4. Có pháp không tương ưng với khổ trí cũng không tương ưng với Tam-ma-địa không. Nghĩa là khổ trí không tương ưng với không, cho đến nói rộng.

Trong đây: Khổ trí không tương ưng với không: Tức là khổ nhẫn cùng sinh với không. Pháp này không tương ưng với khổ trí, vì là tụ khác, cũng không tương ưng với không, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng.

Không không tương ưng với khổ trí: Tức là vô nguyện cùng sinh với khổ trí. Trí này không tương ưng với khổ trí, vì tự tánh cùng với tự tánh là không tương ưng, cũng không tương ưng với không vì là tụ khác.

Và các tâm tâm sở pháp khác: Tức là khổ trí không tương ưng với tâm tâm sở pháp cùng sinh trong tụ của vô nguyện, tâm tâm sở pháp cùng sinh trong tụ của vô tướng, cùng tất cả tâm tâm sở pháp hữu lậu. Các thứ này đều cùng không tương ưng vì là tụ khác.

Sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành: Tức là tất cả sắc vô vi và tâm bất tương ưng hành, ở đây đều cùng không tương ưng vì không có đối tượng duyên.

Đối với vô nguyện cũng như thế. Như khổ trí đối với Tamma-địa không có bốn trường hợp, thì ở đây đối với vô nguyện cũng như thế.

Đối với ba căn vô lậu, bảy giác chi, tám đạo chi… như nói về pháp trí. Như pháp trí đối với ba căn vô lậu, thì ở đây khổ trí đối với ba căn vô lậu nói rộng cũng như thế.

HẾT – QUYỂN 109