LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 105

Chương 3: TRÍ UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ THA TÂM TRÍ, phần 7

Đối với kiến đạo nói tiếng Vô tướng: Như nói: Tôn giả Mục Liên không nói trụ nơi Vô tướng thứ sáu. Thế nào là trụ nơi Vô tướng thứ sáu? Nghĩa là bậc tùy tín hành, tùy pháp hành không thể nêu đặt ở đây hay ở kia, cũng không thể nêu đặt ở tại khổ pháp trí nhẫn cho đến ở tại đạo loại trí nhẫn.

Hỏi: Vì sao kiến đạo được gọi là Vô tướng?

Đáp: Vì kiến đạo quá nhanh chóng, không khởi tâm mong ước, nên không thể nêu ra các tướng đây kia.

Đối với tâm bất động giải thoát nói tiếng Vô tướng: Như nói: Đại đức Cù-đạt-đa nên biết tham dục, giận dữ, ngu si là tướng có, còn tâm bất động giải thoát là vô tướng tối thắng.

Hỏi: Vì sao tâm bất động giải thoát được gọi là Vô tướng?

Đáp: Vì tất cả phiền não đều gọi là tướng. Tâm ấy không bị phiền não nhiễu loạn. Phiền não đối với tâm không thể tác động chi phối, còn tâm thì luôn được tự tại đối với phiền não, nên gọi là Vô tướng.

Đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ nói tiếng Vô tướng: Như nói: Tôi đã khởi rất nhiều gia hạnh và dùng nhiều công sức mới được định tâm vô tướng, nhưng không nên ở trong đó vui mừng tham đắm. Ở đây nói không khởi định vị Hữu đảnh mà chỉ khởi định tịnh.

Hỏi: Vì sao Phi tưởng phi phi tưởng xứ được gọi là Vô tướng?

Đáp: Vì nó không có tướng của tưởng rõ ràng, cũng không có tướng của vô tưởng, chỉ có chậm tối nơi tưởng không rõ ràng, hiện hành rất nhỏ, như nghi mà chuyển biến, nên gọi là Vô tướng.

Tức ở nơi Tam-ma-địa Vô tướng nói tiếng Vô tướng: Như ở đây nói về ba thứ Tam-ma-địa. Nghĩa là trong cảnh nơi đối tượng duyên của ba thứ Tam-ma-địa là Không, Vô nguyện, Vô tướng không có mười tướng.

Như Khế kinh nói: Một thời, Đức Phật ngụ tại Tinh xá Lộc mẫu ở phía Đông thành Thất-la-phiệt. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ nơi hai chân Phật và bạch: Con nhớ có lúc nọ, Đức Phật ngụ tại vườn Mê-chủ-lư của giòng họ Thích, con đã đứng hầu bên Thế Tôn và được nghe nói về nghĩa “Do Ta thường trụ nhiều vào Tam-ma-địa Không v.v… cho đến nói rộng”. Vậy nay con có thể khéo thọ trì về nghĩa ấy không?

Đức Thế Tôn bảo: Tôn giả có thể khéo thọ trì về pháp môn ấy đúng như đã nói, không khác.

Hỏi: Nếu khéo thọ trì thì không nên sinh do dự, đằng này đã sinh do dự thì làm sao khéo thọ trì được?

Đáp: Tuy sinh do dự nhưng không phân biệt tà vạy, không hoàn toàn quên mất, nên cũng gọi là khéo thọ trì.

Hỏi: Tôn giả A-nan là người nghe nhớ bậc nhất về tám vạn pháp uẩn do Đức Như Lai giảng nói, do khả năng chánh niệm đều có thể thọ trì, cớ sao chỉ có một việc lại sinh nghi hoặc?

Đáp: Là do khi nghe pháp này sinh tâm lo sầu, nguyên nhân là dòng họ Thích bị giết hại. Đấy là việc vua Tỳ-lư-trạch-ca (Tỳ-lưuly) là kẻ vô cùng ngu si, đã tàn phá thành Kiếp-tỷ-la (Ca-tỳ-la-vệ) tru diệt dòng họ Thích trong thành, mãi đến hôm sau, Tôn giả A-nan cùng một Bí-sô đi vào kinh thành đổ nát ấy.

Ngày trước kinh thành này nguy nga như một thiên cung, nhưng bấy giờ chỉ còn như vùng gò mả. Các lầu gác đều bị san bằng, mọi cửa nẻo đều tan hoang, cây cối hoa quả đều bị chặt phá, các giếng trong, hồ nước đều đục ngầu cả máu. Các loại chim như le le, nhạn, uyên ương, công, két, mạng mạng v.v… phải vọt cả lên không trung tan tác, vì ngọn lửa thiêu đốt thành bùng cháy dữ dội. Đám trẻ thơ mất cha mất mẹ kéo nhau cả đoàn theo sau Tôn giả A-nan, gào khóc thảm thiết. Tôn giả A-nan lần đến bên bờ ao Mẫutrư thì sững sốt trước cảnh các người họ Thích bị tên vua tàn bạo chôn sống nửa người, rồi sai quân ném đá, ném sắt cho đến chết. Những người được chứng Thánh quả bị chết lên đến bảy vạn bảy ngàn người. Nhìn thấy cảnh tượng ấy xong, Tôn giả A-nan hết sức buồn rầu.

Sau đấy, Đức Thế Tôn, các căn vắng lặng, giác tuệ an trụ vào bất động như núi, tâm ý an nhiên, như vẫn ôm bát đá thâu giữ niệm tịch tĩnh, hoặc như bưng chén dầu, các căn thuận hợp, như ngựa chúa quý luôn nhìn thẳng về phía trước, vào thành quan sát các pháp hữu vi biến hoại vô thường.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan ngắm nhìn gương mặt Đức Thế Tôn oai quang sáng rỡ, dung mạo tươi vui, thấy vậy liền nghĩ: Đức Thế Tôn cùng ta nơi chốn sinh, đối với quyến thuộc bị tàn hại không khác gì nhau, sao Đức Thế Tôn vẫn an nhiên bất động như núi, còn thân tâm ta lại quá khổ não! Đức Phật biết tâm niệm ấy liền bảo Tôn giả A-nan: Ấy là do Ta luôn trụ vào Tam-ma-địa Không. Tôn giả thì luôn khởi tưởng về nhà cửa, thành ấp, còn Ta khởi tưởng về chốn yên tĩnh. Tôn giả thì luôn khởi tưởng về bà con thân thích, còn Ta chỉ khởi tưởng về nẻo bình thường không thân không oán. Tôn giả thì khởi tưởng về chúng sinh, còn Ta khởi tưởng về pháp viên mãn v.v… Cho nên Ta luôn được an tĩnh, bất động như núi.

Phật biết rõ tâm của Tôn giả A-nan và các Bí-sô ở chốn này không thể tu thiện được, nên đi dần đến thành Thất-la-phiệt, tạm thời ngụ tại Tinh xá Lộc Mẫu.

Lúc này, nỗi sầu khổ đã vơi đi ít nhiều, Tôn giả A-nan liền đến chỗ Phật bạch: Con nhớ vào một thời v.v… cho đến nói rộng.

Do đó, Tôn giả nghe pháp ấy lúc sinh tâm sầu khổ, nên sinh nghi hoặc.

Hỏi: Phật nói: Ta luôn trụ vào Tam-ma-địa Không, nhưng trụ nhiều vào thứ không nào?

Đáp: Có thuyết nói: Trụ nhiều vào không vô sở hành vì nơi bốn oai nghi thuận theo không này. Nghĩa là nếu có một thứ thì ba thứ kia liền không. Thế nên Phật luôn trụ vào không này.

Lời bình: Nên nói như vầy: Trụ vào bản tánh không, xem bản tánh của các pháp là không và vô ngã, nên tuy thấy sự biến hoại vẫn không sầu khổ.

Các vị Bí-sô khi nghe Đức Thế Tôn nói: “Do Ta luôn trụ vào Tam-ma-địa Không” liền nghi cho đó là định bất cộng của Phật. Đức Phật biết tâm trạng ấy nên bảo Tôn giả A-nan: “Nếu các vị Bí-sô nào muốn luôn trụ vào định không này thì phải trừ bỏ tưởng về thành ấp và tưởng về chúng sinh, khởi tưởng về chốn tĩnh lặng. Nếu có thể đạt được như thế thì cũng giống như Ta”.

Hỏi: Vì sao Đức Thế Tôn lại khuyên các Bí-sô trước hết phải trừ bỏ hai tưởng?

Đáp: Vì hai tưởng ấy khiến các Bí-sô sinh sầu não. Do đó, Đức Thế Tôn lại bảo Tôn giả A-nan: Nếu các Bí-sô khác cũng muốn luôn trụ vào định không này thì phải trừ bỏ tưởng chúng sinh và tưởng về chốn tĩnh lặng, khởi tưởng về đất, nếu đạt được như thế thì không khác gì Ta. Như vậy, đối với các Bí-sô khác, nên trừ bỏ các tưởng về chốn tĩnh lặng và tưởng về đất, khởi tưởng về Không vô biên xứ cho đến có các Bí-sô khác nên trừ bỏ tưởng về Thức vô biên xứ và Vô sở hữu xứ, khởi tưởng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu đạt được như thế thì không khác gì Ta. Nếu có thể dẹp bỏ tưởng về Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ v.v… thì mới luôn trụ một cách rốt ráo vào tưởng không.

Hỏi: Vì sao ở tất cả phần vị Đức Thế Tôn lại giảm bớt một tưởng ở trước, tăng dần ở sau một tưởng, không khuyên chung trừ bỏ các tưởng trước?

Đáp: Hằng sa chư Phật ở quá khứ đều nói về thứ lớp như thế.

Lại nữa, vì muốn lời văn được nêu giảng không lẫn lộn. Nếu khuyên chung về việc loại bỏ các tưởng ở trước thì văn lẫn lộn. Chư Phật khi giảng nói pháp không hề lẫn lộn, nên trước bớt một tưởng, sau lại thêm một tưởng.

Lại nữa, vì muốn lời văn nói ra không trùng hợp, nếu khuyên chung dẹp trừ các tưởng từ đầu thì lời văn sẽ trùng hợp. Lời văn của chư Phật khi giảng nói pháp không hề trùng hợp, nên nói như thế.

Lại nữa, vì muốn khiến lời văn nói ra được tóm gọn, nếu khuyên chung dẹp trừ các tưởng từ đầu thì lời văn sẽ dài dòng, luộm thuộm. Lời văn của chư Phật khi giảng nói pháp luôn tóm gọn, nên nói như thế.

Lại nữa, vì muốn hiển bày pháp luận đạo nên như thế. Tức các Luận sư thời xưa khi luận đạo muốn lấy thêm một điều ở sau, phải bỏ bớt một điều ở trước. Đức Thế Tôn là bậc Luận sư vô thượng, nên phải theo cách luận đạo mà nói như thế.

Hỏi: Trong đây, các tưởng về thành ấp v.v… cho đến tưởng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, mỗi thứ hiển bày điều gì?

Đáp: Tưởng về thành ấp là hiển bày tưởng duyên nơi thành Kiếp-tỳ-la. Tưởng về hữu tình (Chúng sinh) là hiển bày tưởng duyên nơi các người dòng họ Thích. Tưởng về chốn tĩnh lặng là hiển bày tưởng duyên nơi khu vườn Nặc-cù-đà và tưởng về nơi chốn các Bísô tu thiện. Tưởng về đất là hiển bày tưởng về các sắc bị phân tán. Vì sao? Vì nếu có các sắc thì có các khổ như bị cắt đứt tay chân, tai mũi, các phần của thân v.v… Tưởng về Không vô biên xứ là hiển bày các tưởng về Không vô biên xứ. Cho đến tưởng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ là hiển bày các tưởng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại nữa, tưởng về thành ấp là chỉ rõ mười lăm thứ ngã sở kiến. Tưởng về hữu tình là chỉ rõ năm thứ ngã kiến. Tưởng về nơi chốn tĩnh lặng là chỉ rõ khả năng duyên nơi tưởng không xứ. Tưởng về đất là chỉ rõ đối tượng duyên nơi không xứ. Tưởng bốn cõi vô sắc là chỉ rõ về cách đối trị chúng.

Lại nữa, tưởng về thành ấp là chỉ rõ về khí thế gian ở cõi dục. Tưởng về hữu tình là chỉ rõ về hữu tình ở thế gian của cõi dục. Tưởng về hữu tình là chỉ rõ về thế gian hữu tình nơi cõi dục. Tưởng về nơi chốn tĩnh lặng là chỉ rõ về hai thứ tĩnh lự trước. Tưởng về đất là chỉ rõ về hai thứ tĩnh lự sau. Tưởng về bốn cõi vô sắc là chỉ rõ cách đối trị chúng.

Lại nữa, tưởng về thành ấp là hiển bày chung về cõi dục. Vì sao? Vì cõi dục là uế tạp như thành ấp. Như tụng nói:

Chế ngự tưởng thành ấp

Trách mắng, trói buộc, hại

Khổ vui không thể động

Như núi gọi Bí-sô.

Tưởng về hữu tình là hiển bày về tĩnh lự thứ nhất. Vì sao? Vì ở địa tĩnh lự thứ nhất cũng còn có sự sai khác nơi chúng hữu tình, như vua quan cao thấp trên dưới. Tưởng về chốn tĩnh lặng là hiển bày về tĩnh lự thứ hai và thứ ba. Vì sao? Vì đã lìa bỏ hết tầm, tứ, hỷ, gọi là Thánh im lặng. Tưởng về đất là hiển bày về tĩnh lự thứ tư. Vì sao? Vì trong đất ấy có địa biến xứ. Tưởng về bốn xứ vô sắc là hiển bày về cách đối trị chúng. Tức như kinh ấy nói: Phật bảo Tôn giả A-nan: Cứ như thế mà nhập định không vô thượng, có thể nhanh chóng dứt hết các lậu, chứng được giải thoát không gia hạnh, vô lậu.

Hỏi: Vì sao gọi là giải thoát có gia hạnh, giải thoát không gia hạnh?

Đáp: Thời giải thoát gọi là giải thoát có gia hạnh. Bất thời giải thoát gọi là giải thoát không gia hạnh.

Lại nữa, năm thứ chủng tánh trước của A-la-hán nối tiếp gọi là giải thoát có gia hạnh. Chủng tánh bất động nơi A-la-hán nối tiếp gọi là giải thoát không gia hạnh.

Lại nữa, nếu dựa nơi định vị chí, tĩnh lự trung gian, ba địa vô sắc dưới, gọi là giải thoát có gia hạnh. Nếu nương vào bốn thứ tĩnh lự căn bản gọi là giải thoát không gia hạnh.

Đó là sự khác nhau của hai thứ giải thoát.

Có ba lớp Tam-ma-địa: Đó là Tam-ma-địa Không – Không, Tamma-địa Vô nguyện – Vô nguyện, Tam-ma-địa Vô tướng – Vô tướng.

Luận Thi Thiết nói: Thế nào là Tam-ma-địa Không – Không?

Đáp: Nghĩa là có Bí-sô suy nghĩ: Các hành hữu thủ, hữu lậu thảy đều là không. Quán các hành hữu thủ, hữu lậu này đều là không, vô thường, quán về ngã và ngã sở của pháp thường không biến đổi cũng như vậy. Lúc quán như thế là không gián đoạn. Lại khởi các tâm tâm sở pháp suy nghĩ quán về không trước đây cũng là không, quán về quán không ấy cũng là không, cũng vô thường, quán về ngã và ngã sở của pháp thường không biến đổi cũng như thế. Như có người chất thật nhiều củi gỗ rồi dùng lửa đốt, tay cầm cây gậy dài đi quanh để thu vén đám củi gỗ đang cháy cháy cho hết. Đến khi biết đống lửa sắp tắt thì cũng ném cả cây gậy dài vào lửa cho cháy luôn.

Hỏi: Thế nào là Tam-ma-địa Vô nguyện – Vô nguyện?

Đáp: Nghĩa là có Bí-sô suy nghĩ : Các hành hữu thủ, hữu lậu thảy đều là vô thường. Quán các hành hữu thủ, hữu lậu này cũng không phải là thường còn, không phải luôn như thế mà là pháp biến đổi. Lúc quán như thế là không gián đoạn. Lại khởi các tâm tâm sở pháp suy nghĩ quán về vô thường trước đây cũng lại là vô thường, quán về quán vô thường này cũng là vô thường, cũng không phải là luôn có mà là pháp biến đổi. Thí dụ như trước đã nói.

Hỏi: Thế nào là Tam-ma-địa Vô tướng – Vô tướng?

Đáp: Nghĩa là có Bí-sô suy nghĩ: Các trạch diệt thảy đều là tịch tĩnh. Quán sự buông bỏ các chỗ nương dựa vào ái dứt hết là Niết-bàn lìa, diệt. Khi quán như thế là không gián đoạn. Lại khởi các tâm tâm sở pháp suy nghĩ quán về tịch tĩnh phi trạch diệt cũng là tịch tĩnh, quán phi trạch diệt này cũng là pháp không sinh các sự ồn ào, hỗn tạp v.v… Thí dụ như trước đã nói.

Nên biết các nghĩa của Luận ấy muốn nói: Nghĩa là trước hết phải khởi định Không quán năm thủ uẩn đều là không, sau đó khởi định Không – Không để quán pháp quán không ở trước cũng là không, tức là sự quán về không cũng là không.

Trước hết phải khởi định Vô nguyện quán năm thủ uẩn đều là vô thường, sau đó khởi định Vô nguyện – Vô nguyện để quán pháp quán vô nguyện ở trước cũng là vô thường, nghĩa là sự quán về vô thường cũng là vô thường.

Trước hết khởi định Vô tướng quán trạch diệt là tịch tĩnh, sau đó khởi định Vô tướng – Vô tướng để quán về pháp quán vô tướng cũng là tịch tĩnh, tức là sự quán tịch tĩnh về phi trạch diệt cũng là tịch tĩnh, cả ba tướng hữu vi đều là tịch tĩnh. Như người Chiên-đồ-la, khi chất nhiều gỗ củi để thiêu đốt tử thi, thì tay cầm cây gậy dài thâu tóm đám củi đang cháy khiến cháy mau hết, sau cùng cũng đốt cháy luôn cây gậy. Đây cũng như thế.

Hỏi: Khi nào thì được lớp Tam-ma-địa này?

Đáp: Có thuyết nói: Ở bậc kiến đạo thì được, như khi được thế tục trí hiện quán biên thì cũng được thứ này.

Hoặc có thuyết nêu: Ở bậc tu đạo thì được, như bậc Thánh khi tâm đã lìa nhiễm đạt được biến hóa thì cũng được thứ này.

Lại có thuyết cho: Khi có tận trí thì được, như khi có tận trí do tu mà được căn thiện hữu lậu ở ba cõi thì cũng được thứ này.

Lời bình: Nên nói như vầy: Nếu người nên được Tam-ma-địa này thì khi đã lìa nhiễm ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ mới được ba lớp Tam-ma-địa ấy, không phải là ai cũng đều được. Những người được rồi sau đó phải khởi gia hạnh mới hiện tiền. Đức Phật không cần gia hạnh, Độc giác phải có gia hạnh bậc trung, còn Thanh văn phải có gia hạnh bậc trung và thượng.

Hỏi: Lớp Tam-ma-địa này sau đó có bao nhiêu trí hiện tiền?

Đáp: Nếu nói chung thì bốn trí sau đó hiện tiền, đó là pháp trí, loại trí, khổ trí, diệt trí. Nếu nói riêng thì ở cõi dục, lớp Tam-ma-địa có ba trí sau đó hiện tiền, tức là pháp trí, khổ trí, diệt trí. Ở cõi sắc, cõi vô sắc, lớp Tam-ma-địa có ba trí sau đó hiện tiền, tức là loại trí, khổ trí, diệt trí. Ở cõi dục, lớp Tam-ma-địa do định vị chí gồm thâu thì Thánh đạo sau đó sẽ hiện tiền. Còn ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ, lớp Tam-ma-địa do Vô sở hữu xứ gồm thâu thì Thánh đạo sau đó sẽ hiện tiền. Và ở các địa khác, lớp Tam-ma-địa do địa mình gồm thâu sau đó Thánh đạo sẽ hiện tiền.

Ba lớp Tam-ma-địa này:

Về cõi: Chung cả ba cõi.

Về địa: Ở mười một địa, tức là định vị chí, tĩnh lự trung gian, bốn tĩnh lự căn bản, bốn vô sắc căn bản và cõi dục.

Về chỗ nương dựa: Chỉ nương vào thân của cõi dục.

Về hành tướng: Tam-ma-địa Không có hai hành tướng. Tamma-địa Không – Không chỉ có hành tướng không. Vì sao? Vì chỉ có hành tướng không nơi Thánh đạo sau đấy hiện tiền.

Hỏi: Vì sao định này chỉ có hành tướng không nơi Thánh đạo sau đấy hiện tiền?

Đáp: Vì hành tướng không trái với tướng có, có khả năng khiến hữu tình nhanh chóng lìa bỏ sinh tử. Lớp định Không này chán bỏ Thánh đạo, hãy còn có thể bỏ Thánh đạo huống là không lìa bỏ sinh tử, cho nên chỉ có hành tướng không nơi Thánh đạo sau đấy hiện tiền.

Hỏi: Vì sao định này không tạo nên hành tướng vô ngã?

Đáp: Nếu thấy các pháp là vô ngã, không thấy là không: Tuy chán bỏ sinh tử nhưng không phải là tăng hơn. Còn nếu thấy là không thì sức chán bỏ đối với sinh tử tăng mạnh. Cũng như có người một mình đi giữa đường mong gặp người bạn cùng đi, tuy biết không phải là kẻ thân thuộc nhưng cuộc hành trình đỡ buồn tẻ, sau này phải xa nhau thì hết sức buồn bã. Hành tướng không đối với sự chán bỏ sinh tử mạnh hơn vô ngã, do đó định này không tạo nên hành tướng vô ngã.

Tam-ma-địa Vô nguyện có mười hành tướng. Tam-ma-địa Vô nguyện – Vô nguyện chỉ có hành tướng vô thường. Vì sao? Vì chỉ có hành tướng vô thường nơi Thánh đạo sau đấy hiện tiền.

Hỏi: Vì sao định này chỉ có hành tướng vô thường nơi Thánh đạo sau đấy hiện tiền?

Đáp: Vì hành tướng vô thường trái với tướng có, có khả năng khiến hữu tình nhanh chóng lìa bỏ sinh tử. Lớp định Vô nguyện này chán bỏ Thánh đạo hãy còn có thể bỏ Thánh đạo, huống là không lìa bỏ sinh tử, nên chỉ có hành tướng vô thường nơi Thánh đạo sau đấy hiện tiền.

Hỏi: Vì sao định này không tạo nên hành tướng khổ?

Đáp: Vì Thánh đạo không phải là khổ.

Hỏi: Vì sao định này không tạo nên bốn hành tướng duyên nơi tập?

Đáp: Vì Thánh đạo không thể chiêu cảm các nghiệp nơi ba cõi. Hỏi: Vì sao định này không tạo nên bốn hành tướng duyên nơi đạo?

Đáp: Vì nếu định này tạo nên hành tướng duyên nơi đạo thì vui thích Thánh đạo mà không chán bỏ.

Tam-ma-địa Vô tướng có bốn hành tướng. Tam-ma-địa Vô tướng – Vô tướng chỉ có hành tướng tĩnh. Vì sao? Vì chỉ có hành tướng tĩnh nơi Thánh đạo sau đấy hiện tiền.

Hỏi: Vì sao định này không tạo nên hành tướng diệt?

Đáp: Diệt có hai thứ: Một là phi trạch diệt. Hai là vô thường diệt. Nếu tạo nên hành tướng diệt thì không biết duyên nơi diệt nào.

Hỏi: Nếu như thế thì đâu phải là hành tướng tĩnh. Vì tĩnh cũng có hai thứ: Một là phi trạch diệt. Hai là trạch diệt. Nếu tạo nên hành tướng tĩnh thì cũng không biết là duyên nơi tĩnh nào?

Đáp: Có chỗ nói hai thứ diệt nhưng không có chỗ nào nói hai thứ tĩnh nên không nêu ra ở đây. Lại nữa, diệt có nghĩa bao gồm nhiều, còn tĩnh có nghĩa bao gồm ít. Tức diệt có ba, tĩnh chỉ có hai. Như vậy nếu lại không tạo hành tướng tĩnh thì ở đây lại tạo hành tướng gì?

Hỏi: Vì sao định này không tạo nên hành tướng diệu?

Đáp: Vì phi trạch diệt không phải là pháp diệu. Vì sao? Vì như Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là pháp diệu? Đó là pháp vô lậu thiện. Phi trạch diệt là vô ký nên không phải là pháp diệu.

Vì sao định này không tạo nên hành tướng lìa?

Đáp: Vì phi trạch diệt không phải là pháp lìa. Vì sao? Vì như Luận Phẩm Loại Túc nói: Thế nào là pháp lìa? Đó là giới thiện của cõi dục. Ở cõi sắc và cõi vô sắc thì lìa khỏi chỗ sinh, lìa các đẳng chí thiện, các pháp học, pháp vô học và trạch diệt là đối tượng duyên của định này. Còn phi trạch diệt thì không có các tướng của pháp lìa như đã nói.

Về đối tượng duyên của ba lớp Tam-ma-địa: Tam-ma-địa Không – Không và Tam-ma-địa Vô nguyện – Vô nguyện. Có thuyết nói: Duyên riêng với Thánh đạo của sát-na sau.

Có thuyết cho: Duyên riêng với Thánh đạo của sát-na sau cùng và đều sinh ra Tam-ma địa.

Lại có thuyết nói: Duyên chung với Thánh đạo nối tiếp.

Có thuyết nói: Duyên chung với Thánh đạo nối tiếp và cùng sinh ra Tam-ma-địa.

Tam-ma-địa Vô tướng – Vô tướng chỉ duyên với phi trạch diệt.

Về niệm trụ: Đều là pháp niệm trụ.

Về trí: Đều là thế tục trí.

Về Tam-ma-địa: Là Tam-ma-địa hữu lậu, không phải là Tamma-địa vô lâu.

Về căn tương ưng: Là tương ưng với ba căn lạc, hỷ, xả.

Về đời: Là có cả ba đời.

Về duyên với ba đời: Tam-ma-địa Không – Không và Vô nguyện – Vô nguyện, nếu ở quá khứ và hiện tại thì duyên với quá khứ. Nếu ở vị lai, có các vị muốn khiến duyên riêng nơi Thánh đạo của sát-na sau cùng, hoặc cùng sinh ra Tam-ma-địa, tức họ nói khi đang khởi là duyên với hiện tại, còn lại vị lai thì duyên với ba đời. Các vị muốn khiến duyên chung với Thánh đạo nối tiếp, hoặc cùng sinh ra Tamma-địa, tức họ nói khi đang khởi là duyên với quá khứ và hiện tại, còn lại vị lại thì duyên với ba đời.

Có Sư khác cho: Lớp Tam-ma-địa Không và Vô nguyện duyên chung với tất cả Thánh đạo. Nói về ba đời là đều duyên với ba đời.

Tam-ma-địa Vô tướng – Vô tướng chỉ duyên với phần lìa bỏ đời.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Đều là thiện.

Về duyên với thiện, bất thiện, vô ký: Hai thứ trước (Không – Vô nguyện) chỉ duyên với thiện, còn một thứ sau chỉ duyên với vô ký.

Về thuộc ba cõi và không thuộc cõi nào: Đều thuộc về ba cõi.

Về duyên với thuộc ba cõi và không thuộc cõi nào: Đều duyên với không thuộc cõi nào.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Đều là phi học phi vô học.

Về duyên với học, vô học, phi học phi vô học: Hai thứ trước duyên với vô học, còn một thứ sau chỉ duyên với phi học phi vô học.

Về do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ và không đoạn trừ: Đều do tu đạo đoạn trừ.

Về duyên với do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ và không đoạn trừ: Duyên với không đoạn trừ.

Về duyên với danh, nghĩa: Đều duyên với nghĩa.

Về duyên nơi sự nối tiếp của mình, của người khác và không nối tiếp: Hai thứ trước duyên với sự nối tiếp của mình, còn một thứ sau duyên với không nối tiếp.

Về do gia hạnh đắc, do lìa nhiễm đắc: Chung cả hai thứ được.

Về từng được và chưa từng được: Đều là chưa từng được.

Ba lớp Tam-ma-địa này thì do những ai, ở đâu khởi lên?

Đáp: Chỉ ở cõi dục khởi lên không phải ở cõi sắc và cõi vô sắc. Chỉ ở nẻo người khởi lên không phải ở các nẻo khác. Chỉ ở ba châu khởi lên không phải ở châu Bắc. Trong ba châu, nam nữ đều có thể khởi lên không phải là hàng Phiến sai (Hoàng môn).

Tôn giả Cù-sa-phiệt-ma nói: Chỉ có châu Thiệm-bộ mới có thể khởi được, không phải là các châu kia. Chỉ có thân người nam mới có thể khởi được, không phải là thân người nữ. Vì sao? Vì định này chỉ nương vào thân người mạnh mẽ, nên chỉ thân người nam ở châu Thiệm-bộ là mạnh mẽ hơn hết.

Lời bình: Nên biết ở đây thuyết trước là hợp lý. Vì cả nam, nữ ở ba châu đều mạnh mẽ. Như ở châu Thiệm-bộ, người nam đối với tâm định luôn được tự tại. Hai châu Đông, Tây và châu này, người nữ đối với tâm định cũng luôn được tự tại, nên đều mạnh mẽ.

Hỏi: Những Bổ-đặc-già-la nào có thể khởi được Tam-ma-địa này?

Đáp: Bậc Thánh có thể khởi được, không phải là hàng phàm phu. Bậc vô học có thể khởi được, không phải là bậc hữu học. Bất thời giải thoát có thể khởi được, không phải là thời giải thoát. Vì sao? Vì đối với định ấy đạt được tự tại và thân không có phiền não mới có thể khởi Tam-ma-địa này. Tất cả hàng phàm phu và tín thắng giải nơi hai sự việc trên đều không có. Còn bậc kiến chí tuy đối với định được tự tại, nhưng trong thân cũng còn có phiền não. Thời giải thoát thì trong thân không còn phiền não, nhưng đối với định lại không được tự tại, nên đều không thể khởi được định này. Chỉ có bất thời giải thoát đầy đủ cả hai sự việc nên có thể khởi được định ấy.

Hỏi: Tam-ma-địa này có vào lúc nào? Ở sát-na đầu tiên hay ở nơi sự nối tiếp chung? Nếu ở sát-na đầu tiên là định này thì nối tiếp sau đó là định gì? Còn nếu ở nơi sự nối tiếp chung là định này thì các điều nơi Luận Thức Thân nói làm sao thông? Như nói: Từng có pháp là thế gian, là hữu lậu, hữu thủ do thủ uẩn gồm thâu, rồi nương vào nhân nội khởi, chọn lựa, sinh ra, chỉ là tánh thiện thuộc cõi dục. Định từ vô lậu không gián đoạn sinh ra, duyên nơi với pháp vô lậu là pháp bất cộng của bậc Thánh, không phải với hàng phàm phu? Đáp: Có. Đó là các Tam-ma-địa Không – Không, Vô nguyện – Vô nguyện, Vô tướng – Vô tướng ở cõi dục.

Đáp: Có thuyết nói: Định này chỉ ở sát-na đầu tiên.

Hỏi: Nếu như thế thì nối tiếp theo đó gọi là định gì?

Đáp: Đó là định này, giống như căn thiện, nhưng không thuộc về định ấy.

Lại có thuyết nói: Gồm chung các nối tiếp đều là định này.

Hỏi: Nếu như thế thì các điều nơi Luận Thức Thân nói làm sao thông?

Đáp: Luận ấy nêu ra là nói chung về chủng loại của định này. Nghĩa là định này trước sau tuy có nhiều sát-na nhưng đều thuộc về một chủng loại của định này, từ thứ vô lậu ấy không gián đoạn sinh ra, nên cũng không trái với Luận kia. Nếu nói riêng thì sát-na đầu tiên là định này, tiếp đó là vô lậu sinh ra duyên với pháp vô lậu. Còn các nối tiếp sau đó tuy không phải là do vô lậu không gián đoạn sinh ra mà là duyên với vô lậu.

Hỏi: Lớp Tam-ma-địa này khi nào hiện tiền?

Đáp: Có thuyết nói: Khi sắp nhập Niết-bàn mới khởi định này. Tức các bậc A-la-hán khi sắp nhập Niết-bàn lại khởi Thánh đạo, tiếp sau Thánh đạo thì định này hiện tiền. Khi xuất khỏi định này rồi thì liền nhập Niết-bàn, lúc đó không khởi định này cũng không khởi Thánh đạo.

Lời bình: Nên nói như vầy: Người được định này thì tùy ý muốn hiện ra lúc nào cũng được.

Thánh đạo không gián đoạn thì định này hiện tiền, còn định này không gián đoạn thì có khởi Thánh đạo chăng?

Đáp: Định này không gián đoạn thì không khởi Thánh đạo. Vì sao? Vì chán bỏ Thánh đạo.

Có thuyết nói: Định này không gián đoạn cũng khởi được Thánh đạo.

Hỏi: Định này không gián đoạn nếu khởi được Thánh đạo sao lại nói là chán Thánh đạo?

Đáp: Tuy định này có thể chán bỏ Thánh đạo, nhưng không bằng Thánh đạo có thể chán bỏ định này. Thánh đạo tuy có thể chán bỏ định này, nhưng tiếp sau Thánh đạo thì định này hiện tiền. Còn định này tuy có thể chán bỏ Thánh đạo, nhưng sau Thánh đạo thì định này há không hiện tiền?

Lời bình: Nên nói như vầy: Khi Thánh đạo không gián đoạn thì định này hiện tiền, định này không gián đoạn thì không khởi Thánh đạo, do không có công dụng. Do đó, nên biết thuyết trước là đúng lý.

Hỏi: Định này không thể đoạn dứt các phiền não, cũng không có khả năng dẫn đến các công đức thù thắng, do đâu các bậc Thánh lại thường khởi?

Đáp: Do bốn nhân duyên sau đây nên nhiều người thường khởi: 1. Trụ vào hiện pháp lạc. 2. Có công đức tự tại. 3. Quán xét việc đã làm từ gốc. 4. Được thọ dụng các Thánh tài.

Lại nữa, thế dụng của Tam-ma-địa này rất vi tế và kín đáo, người nào đối với định được tự tại thì nó mới hiện tiền, cho nên rất thường khởi.

***

* Có diệu dụng thù thắng, quán các đạo ở quá khứ đều đã tu, đã dứt hết chưa, cho đến nói rộng.

Tu có bốn thứ: Một là tu đắc. Hai là tu tập. Ba là tu đối trị. Bốn là tu trừ bỏ.

Tu đắc và Tu tập: Tức là tất cả pháp hữu vi thiện.

Tu đối trị và Tu trừ bỏ: Tức là tất cả các pháp hữu lậu.

Các Sư ở Tây phương nói tu có sáu thứ. Tức bốn thứ nói trước lại thêm hai thứ là Tu phòng hộ và Tu phân biệt.

Tu phòng hộ: Nghĩa là phòng hộ, giữ gìn các căn. Như Khế kinh nói: Đối với sau căn này khéo điều phục, khéo giấu cất, khéo giữ gìn, khéo thâu tóm, khéo tu sửa, có thể tạo được an lạc về sau.

Tu phân biệt: Nghĩa là phân biệt về sắc thân này. Như Khế kinh nói: Trong thân này có các thứ tóc lông răng móng v.v… cho đến nói rộng.

Các Sư ở nước này nói: Hai thứ sau thuộc về tu đối trị và tu trừ bỏ, nên tất cả các pháp tu chỉ có bốn thứ.

Ở đây, căn cứ vào hai thứ tu trước để tạo luận. Nhưng bốn thứ tu ấy xét qua các pháp nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có pháp là hai thứ tu trước không phải là hai thứ tu sau: Nghĩa là pháp hữu vi, vô lậu.

2. Có pháp là hai thứ tu sau không phải là hai thứ tu trước: Nghĩa là pháp hữu vi nhiễm ô và vô phú vô ký.

3. Có pháp là hai thứ tu trước cũng là hai thứ tu sau: Nghĩa là pháp hữu lậu thiện.

4. Có pháp không phải là hai thứ tu trước cũng không phải là hai thứ tu sau: Nghĩa là pháp vô vi.

Tu là nghĩa thế nào?

Đáp: Nghĩa huân tập và phát khởi là nghĩa của tu. Nghĩa tập học là nghĩa của tu. Nghĩa khiến trở nên sáng sạch là nghĩa của tu. Các pháp hữu vi thiện, ở hiện tại là hiển bày về tu tập, ở vị lai là hiển bày về tu đắc. Ở hiện tại do rèn tập mà được nên gọi là tu. Ở vị lai chỉ có được nên gọi là tu. Ở hiện tại do thọ dụng nên gọi là tu. Ở vị lai do dẫn phát nên gọi là tu. Ở hiện tại nơi chính thân mình nên gọi là tu. Ở vị lai do khởi mà được nên gọi là tu. Ở hiện tại do hiện tiền nên gọi là tu. Ở vị lai do thành tựu nên gọi là tu. Ở hiện tại chính thức thực hiện các việc làm nên gọi là tu. Ở vị lai vì mong ước xa nên gọi là tu.

Hỏi: Các đạo ở quá khứ đều đã tu, đã dứt chăng?

Đáp: Các đạo ở quá khứ đều đã tu, đã dứt.

Đã tu: Nghĩa là các pháp thiện ở quá khứ đã có hai thứ tu đắc và tu tập.

Đã dứt: Nghĩa là ở quá khứ các pháp được làm đã dứt. Có đạo đã tu, đã dứt nhưng không phải ở quá khứ. Đó là đạo vị lai đã tu, đã dứt, như pháp quán bất tịnh, cho đến khi tận trí hiện tiền, có thể tu pháp hữu vi thiện vô lượng sát-na ở vị lai. Pháp đang tu này từ sát-na thứ hai trở về sau đều gọi là đã tu, đã có tu đắc, cũng gọi là đã dứt, vì các việc làm đã xong nhưng không phải là quá khứ mà ở tại vị lai.

Hỏi: Các đạo ở vị lai đều là chưa tu, chưa dứt chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp, vì có nghĩa không nhất định:

1. Có đạo ở vị lai không phải là chưa tu, chưa dứt: Nghĩa là đạo ở vị lai đã tu, đã dứt. Đây như phần tiếp theo đã nói ở trước.

2. Có đạo chưa tu, chưa dứt không phải là vị lai: Nghĩa là đạo chưa từng được mới hiện tiền. Tức như khi pháp quán bất tịnh chưa từng được cho đến tận trí đang lúc mới hiện ra. Phần này chưa tu vì đang có tu đắc và tu tập, cũng là chưa dứt, vì chính khi đang làm các việc nhưng không phải là vị lai mà ở hiện tại.

3. Có đạo là vị lai cũng là chưa tu, chưa dứt: Nghĩa là đạo ở vị lai chưa tu, chưa dứt. Tức như khi quán bất tịnh cho đến tận trí hiện tiền, có thể tu các pháp hữu vi thiện nơi vô lượng sát-na ở vị lai. Pháp tu này ở khoảng sát-na đầu tiên, gọi là chưa tu, nay chính thức tu đắc, cũng gọi là chưa dứt, vì việc còn đang làm, nên chỗ tu đạo này cũng ở tại vị lai.

4. Có đạo không phải ở vị lai cũng không phải là chưa tu, chưa dứt: Nghĩa là đạo ở quá khứ và đạo từng được nay mới hiện tiền.

Đạo ở quá khứ: Là đạo đã tu, đã dứt, như trước đã nói.

Đạo từng được nay mới hiện tiền: Nghĩa là trước đây đã có tu đắc nên gọi là đã tu. Và việc làm đã xong nên gọi là đã dứt. Tức là pháp quán bất tịnh v.v… từng được khi đã hiện tiền.

Hỏi: Đạo này ở hiện tại, vì nay mới tu tập, vì đang làm các việc nên gọi là chưa tu, chưa dứt, vì sao nói là không phải chưa tu, chưa dứt?

Đáp: Tuy là nương nơi tu tập nên chỉ nói đạo quá khứ thuộc trường hợp này. Nhưng nương vào tu đắc nên cũng nói đạo từng được ở hiện tại cũng là ở trường hợp này.

Hỏi: Các đạo ở hiện tại đều là đang tu chăng?

Đáp: Các đạo ở hiện tại đều là đang tu: Nghĩa là nếu đạo chưa từng được ở hiện tại, do được hai thứ tu đắc và tu tập gọi là đang tu. Còn nếu đạo từng được hiện tại chỉ do một thứ tu tập thì cũng gọi là đang tu.

Có đạo là đang tu không phải là hiện tại: Nghĩa là đạo chưa từng được mới hiện tiền và đang tu đạo cùng loại với chủng loại đó ở vị lai. Nhưng chủng loại có bốn thứ: 1. Chủng loại về tu. 2. Chủng loại về luật nghi. 3. Chủng loại về cõi. 4. Chủng loại về tương tợ.

Chủng loại về tu: Như trong đây nói về đạo chưa từng được mới hiện tiền và việc tu chủng loại của đạo ấy ở vị lai. Ở đây nói: Đạo hữu lậu lấy đạo hữu lậu làm chủng loại, đạo vô lậu lấy đạo vô lậu làm chủng loại.

Lời bình: Nên nói như vầy: Đạo hữu lậu lấy đạo hữu lậu, vô lậu làm chủng loại. Đạo vô lậu lấy đạo vô lậu, hữu lậu làm chủng loại. Vì sao? Vì mỗi thứ hiện tiền đều tu hai thứ đạo ấy ở vị lai. Do thế mạnh của chúng ở vị lai đó nên đều có thể nói chủng loại của chúng.

Chủng loại về luật nghi: Như nơi Chương Nghiệp Uẩn nói: Nếu thành tựu giới ở quá khứ thì cũng thành tựu được chủng loại của giới ở vị lai và hiện tại chăng? Ở đây, luật nghi lấy luật nghi làm chủng loại, luật nghi biệt giải thoát lấy luật nghi biệt giải thoát làm chủng loại, luật nghi của tĩnh lự lấy phép tắc của tĩnh lự làm chủng loại, luật nghi vô lậu lấy phép tắc vô lậu làm chủng loại, luật nghi của gia hạnh lấy phép tắc của gia hạnh làm chủng loại, luật nghi hậu khởi lấy luật nghi hậu khởi làm chủng loại, ở trong biểu hiện lấy biểu hiện làm chủng loại, không biểu hiện lấy không biểu hiện làm chủng loại.

Chủng loại về cõi: Như nơi Chương Căn Uẩn nói: Nếu thành tựu chủng loại của nhãn căn này thì cũng thành tựu được chủng loại của thân căn này chăng? Ở đây, nếu là pháp của cõi này thì trở lại lấy pháp của cõi ấy làm chủng loại. Tức là pháp ở cõi dục lấy pháp ở cõi dục làm chủng loại. Pháp ở cõi sắc lấy pháp ở cõi sắc làm chủng loại. Pháp ở cõi vô sắc lấy pháp ở cõi vô sắc làm chủng loại.

Chủng loại về tương tợ: Như Tỳ-nại-da nói: Tôn giả Vật Độc Tử tay trái phóng quang, tay phải phân chia ngọa cụ v.v… cùng với các Bí-sô có chủng loại tương tợ. Nghĩa là khiến các người trì Tốđát-lãm cùng ở một chỗ với những người trì Tố-đát-lãm, những người trì Tỳ-nại-da ở cùng một chỗ với những người trì Tỳ-nại-da. Những ai cùng trì A-tỳ-đạt-ma thì cùng ở chung một nơi, những vị ở nơi A-luyện-nhã cùng với những vị ở nơi A-luyện-nhã, đồng ở một xứ. Tức khiến các Bí-sô có cùng chủng loại ở chung một nơi thì sự chuyện trò thảo luận sẽ thuận hợp, cùng giúp đỡ nhau tu các pháp thiện, tránh mọi sầu não.

Khế kinh cũng nói: Các hữu tình ở các cõi đều riêng, có những chủng loại giống nhau nên càng mến thích nhau, kẻ ác ưa kẻ ác, người thiện mến người thiện.

Đối với bốn thứ chủng loại trên, ở đây chỉ căn cứ vào chủng loại về tu để tạo ra phần Luận này. Nghĩa là khi quán bất tịnh cho đến tận trí hiện tiền có thể tu các pháp hữu vi thiện nơi vô lượng sát-na ở vị lai. Pháp được tu ở khoảng sát-na đầu tiên là đang tu đắc, nhưng không phải là hiện tại mà ở vị lai. Ở đây, hiện tại là đối với đang tu.

Nếu chỉ dựa vào tu đắc mà nói là nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là hiện tại không phải là đang tu: Như đạo đã từng được nay mới hiện tiền.

2. Có thứ là đang tu không phải ở hiện tại: Như tu vị lai ở khoảng sát-na đầu tiên.

3. Có thứ là hiện tại cũng là đang tu: Như đạo chưa từng được hiện tiền.

4. Có thứ không phải là hiện tại cũng không phải là đang tu: Như đạo ở quá khứ và vị lai đã tu, đã dứt.

Ở đây, dựa chung vào hai thứ tu đắc và tu tập để nói, nên dùng hiện tại đối với đang tu.

Hỏi: Chỉ nói thuận theo trường hợp trước phải không?

Đáp: Do đạo hiện tại tất có tu tập nên gọi là đang tu.

Hỏi: Nếu khi thoái chuyển quả trên trụ vào quả dưới thì chỗ được quả dưới có gọi là tu đắc không?

Đáp: Gọi là đắc, không phải là tu.

Nếu người ấy tiến lên được quả trước kia đã thoái chuyển thì chỗ được quả trên có gọi là tu đắc không?

Đáp: Nếu ở quá khứ thì được gọi là đắc, không phải là tu. Còn nếu ở vị lai gọi là tu đắc.

Hỏi: Vì sao ở quá khứ gọi là đắc, không phải là tu? Còn ở vị lai gọi là tu đắc?

Đáp: Nếu đạo ở hiện tại cùng với nó làm nhân thì có thể nói là tu đắc. Còn đạo hiện tại cùng với quá khứ không có nghĩa của nhân, nên đạo ở quá khứ gọi là đắc, không phải là tu.

Hỏi: Khi thoái chuyển quả trên trụ vào quả dưới thì chỗ đạt được quả vô lậu dưới ở vị lai cũng có được nhân vô lậu ở hiện tại, vì sao không gọi là tu?

Đáp: Nếu nhân ở hiện tại do thắng tấn nên được ở vị lai thì có thể gọi là tu. Còn khi thoái chuyển trụ nơi quả dưới, do vô lậu ở hiện tại mà được, tuy là nhân ấy nhưng không phải là thắng tấn, nên không gọi là tu. Không phải do ở hiện tại tu đắc nơi vị lai kia nhưng chỉ do thoái chuyển nên nó được hiện tiền.

***

Chương 3: TRÍ UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ TU TRÍ, phần 1

* Có tám trí: Đó là pháp trí, loại trí, tha tâm trí, thế tục trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí. Các chương như thế và giải thích nghĩa của chương đã lãnh hội rồi, tiếp theo nên giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao Tôn giả Luận chủ dựa vào tám trí này để tạo luận?

Đáp: Các người tạo luận tùy theo ý muốn để viết luận, không nên nêu vấn nạn. Tức Luận sư của Bản luận này theo ý muốn của mình miễn là không trái với pháp tướng để viết luận. Các chỗ khác cũng dựa vào tám trí để tạo luận. Như Chương Kiết Uẩn ở trước và Chương Định Uẩn sau này v.v… Có chỗ chỉ dựa vào trí của một sát-na để tạo luận, như ở Phẩm Trí thuộc Chương Tạp Uẩn đã nói.

Hỏi: Từng có một trí nhận biết tất cả các pháp chăng?

Đáp: Không có việc ấy. Chỉ dựa vào hai trí để tạo luận. Như ở phẩm kế trước đây và ở Chương Căn Uẩn, Định Uẩn.

Có nơi chỉ dựa vào bốn trí để tạo luận. Như nơi Chương Căn Uẩn ở sau.

Có nơi dựa đủ vào mười trí để tạo luận. Nghĩa là tác giả Bản luận này đối với cảnh của đối tượng nhận biết thâu suốt đầy đủ về tự tướng, cộng tướng, tùy ý muốn để tạo luận, hoặc tóm gọn, hoặc bàn rộng, không trái với pháp tướng, do đó không nên nêu vấn nạn.

Lại nữa, không nên nêu vấn nạn về ý của người tạo luận. Nghĩa là tám trí này là do Phật giảng nói. Tác giả của Bản luận này căn cứ vào kinh để viết luận. Kinh nói tám trí không thể thêm bớt, Tôn giả không thể bớt một để nói bảy trí, hoặc thêm một để nói có chín trí. Vì sao? Vì các điều Phật giảng nói không có tăng giảm.

Lại, những điều Phật giảng nói thì vô lượng vô biên, do nghĩa vô lượng, văn vô biên, như nước ở biển cả là vô lượng vô biên, do sâu vô lượng và rộng vô biên. Giả sử các Đại Luận sư như Tôn giả Xá-lợi-tử v.v… số lượng hơn cả trăm ngàn na-do-tha đồng thời xuất hiện ở đời để giải thích nghĩa nơi hai câu kinh Phật, tạo ra hàng trăm ngàn câu-chi các luận v.v… kẻ có tuệ giác cùng tận cũng không thể thấu suốt đến hết biên vực nơi ý nghĩa của hai câu, huống chi là tác giả Bản luận này đối với nghĩa lý của tám trí do Đức Phật giảng nói lại có thể thêm bớt sao?

Đức Phật trong các kinh, hoặc nói hai trí, hoặc nói bốn trí,

hoặc nói tám trí, hoặc nói mười trí v.v…, vì sao Tôn giả ở đây chỉ dựa vào tám trí để tạo luận?

Đáp: Vì tám trí này là nói về ở giữa gồm thâu hết tất cả trí, nên dựa vào đó để tạo luận. Nghĩa là hai trí v.v… đều là lược nói, gồm thâu không hết các trí. Còn mười trí Khế kinh nói, tuy gồm thâu hết các trí, nhưng là nói rộng. Chỉ tám trí này là gồm thâu hết các trí, là ở nơi giữa (không lược không rộng) nên dựa riêng vào đó.

Lại nữa, tám trí học và vô học như thế, cùng trong thân có nhiễm, không nhiễm, đều cùng có, nên dựa riêng vào đó. Còn tận trí, vô sinh trí chỉ là vô học và chỉ trong thân không nhiễm mới có thể đạt được, nên không dựa vào.

Lại nữa, tám trí như vậy đều chung cho cả tánh của trí, kiến, nên dựa riêng vào đó. Còn tận trí và vô sinh trí thì không chung cho tánh của kiến, nên không dựa vào.

Lại nữa, tám trí như thế thì thường xuyên khởi tu, nên dựa riêng vào đó. Còn tận trí và vô sinh trí thì không thường khởi tu, nên không dựa vào.

Do các nhân duyên như thế, nên ở đây chỉ dựa vào tám trí để tạo luận.

HẾT – QUYỂN 105