LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 104

Chương 3: TRÍ UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ THA TÂM TRÍ, phần 6

* Các vị Dự lưu đối với bốn thứ điên đảo có bao nhiêu thứ đã đoạn dứt, bao nhiêu thứ chưa đoạn dứt?

Đáp: Tất cả đều đã đoạn dứt.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận các Tông chỉ chỉ khác và làm sáng tỏ chánh lý. Nghĩa là, hoặc có thuyết nói: Có mười hai thứ điên đảo, tám thứ chỉ do kiến đạo đoạn, bốn thứ chung cho do kiến đạo, tu đạo đoạn, như Phái Luận Phân Biệt.

Hỏi: Phái ấy căn cứ vào lượng nào để nói như thế?

Đáp: Họ căn cứ vào Khế kinh. Tức như Khế kinh nói: Đối với vô thường cho là thường ấy là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Đối với khổ cho là vui, vô ngã cho là có ngã, bất tịnh cho là tịnh, ấy là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo. Do đó nên biết tất cả điên đảo có mười hai thứ, trong đó tám thứ chỉ do kiến đạo đoạn trừ, tức là trong thường và ngã, mỗi loại đều có ba thứ (Tưởng, tâm, kiến), còn trong lạc và tịnh mỗi loại chỉ có kiến điên đảo. Riêng bốn thứ có chung do tu đạo đoạn trừ, tức là trong lạc và tịnh mỗi thứ có hai loại là tưởng và tâm điên đảo.

Trong đây, do kiến đạo đoạn trừ: Là khi khổ loại trí nhẫn hiện tiền thì mới đoạn dứt rốt ráo. Do tu đạo đoạn: Là khi định kim cang dụ hiện tiền thì mới đoạn dứt hoàn toàn.

Nay nhằm ngăn chận ý tưởng ấy và chỉ rõ các thứ điên đảo chỉ có bốn thứ do kiến đạo đoạn trừ, nên tạo ra phần Luận này.

Nghĩa là ở đây khi hỏi: Các vị Dự lưu đối với bốn thứ điên đảo có bao nhiêu thứ đã đoạn dứt, bao nhiêu thứ chưa đoạn dứt? Là đã loại bỏ kiến giải có mười hai thứ điên đảo. Ở đấy lại đáp: Tất cả đã đoạn dứt, tức không nhận việc điên đảo do tu đạo đoạn, vì bậc Dự lưu đã đoạn dứt hết, không có pháp do tu đạo đoạn.

Lại, nếu điên đảo có mười hai thứ và chung do tu đạo đoạn thì trái với Khế kinh. Như Khế kinh nói: Đức Phật bảo các Bí-sô: “Nếu bị bốn thứ điên đảo làm cho điên đảo nên biết đó là hàng phàm phu ngu tối”. Kinh này đã nói có bốn điên đảo, nên biết điên đảo không phải là mười hai thứ. Đã nói “Kẻ bị các thứ điên đảo làm cho điên đảo, nên biết đó là hàng phàm phu ngu tối”, vậy phải rõ điên đảo không phải do tu đạo đoạn trừ.

Hỏi: Nếu các điên đảo chỉ có bốn thứ thì như phái Luận Phân Biệt đã dẫn nêu dẫn Khế kinh làm sao thông tỏ?

Đáp: Hai thứ tưởng và tâm thật không phải là điên đảo, chỉ thân cận với điên đảo, chỉ tương ưng với điên đảo, nên cũng gọi là điên đảo.

Hỏi: Nếu như thế thì các tâm sở pháp như thọ v.v… cũng nên gọi là điên đảo, vì chúng có nghĩa tương tợ với tâm, tưởng?

Đáp: Thế gian chỉ đối với hai thứ tâm và tưởng gọi tên là điên đảo, không phải là thọ, tư v.v…, do đó chỉ nói tâm, tưởng điên đảo, vì Phật tùy thuận thế tục để thuyết pháp.

Hỏi: Bốn thứ điên đảo này tự tánh là gì?

Đáp: Kiến là tự tánh.

Hỏi: Nếu như thế thì trong năm kiến có bao nhiêu kiến là tự tánh?

Đáp: Ở đây, do kiến khổ đoạn trừ hai kiến rưỡi là tự tánh, tức là toàn bộ hai kiến là hữu thân kiến và kiến thủ, cùng phần thường kiến trong biên chấp kiến. Hai kiến rưỡi không phải là tự tánh của điên đảo, tức là toàn bộ tà kiến, giới cấm chủ và phần đoạn kiến trong biên chấp kiến.

Có thuyết nói: Bốn thứ điên đảo này đối với ba kiến trong năm kiến đều dùng một phần làm tự tánh. Nghĩa là ngã kiến trong hữu thân kiến là tự tánh của ngã điên đảo, không phải là ngã sở kiến. Thường kiến trong biên chấp kiến là tự tánh của thường điên đảo, không phải là đoạn kiến. Trong kiến thủ, kiến chấp về lạc, tịnh do kiến khổ đoạn trừ là tự tánh của lạc, tịnh điên đảo, không phải là kiến thủ khác.

Hỏi: Vì sao chỉ các thứ này là điên đảo?

Đáp: Do ba sự nên kiến lập là điên đảo: 1. Tánh xét lường. 2. Phần vọng tăng trưởng. 3. Toàn bộ là trái ngược. Tà kiến và đoạn kiến tuy có tánh xét lường và toàn bộ là trái ngược nhưng không phải là sự vọng tăng trưởng, hủy hoại, chuyển biến. Giới cấm thủ tuy có tánh xét lường và vọng tăng trưởng nhưng không phải toàn bộ là trái ngược, vì nó cũng có phần ít ở nơi xứ thật chuyển biến. Nghĩa là đạo ở cõi sắc có thể làm tịnh hữu của cõi dục, đạo ở cõi vô sắc có thể làm tịnh hữu của cõi sắc, đạo của địa trên có thể làm tịnh địa dưới, cùng với đạo vô lậu đoạn trừ nhiễm và chứng diệt có nghĩa giống nhau. Như thế gọi là tự tánh của điên đảo, là bản tánh, tướng phần, tự thể, ngã vật của điên đảo.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là điên đảo? Điên đảo là nghĩa gì?

Đáp: Đối với đế lý thô theo điên đảo mà chuyển nên gọi là điên đảo. Bốn thứ điên đảo này chỉ do kiến khổ đoạn trừ.

Hỏi: Vì sao bốn thứ điên đảo này chỉ do kiến khổ đoạn trừ?

Đáp: Do bốn thứ này chỉ ở nơi xứ khổ chuyển, nên khi thấy được khổ đế rồi thì chúng liền vĩnh viễn dứt.

Lại nữa, do bốn thứ này chỉ ở nơi xứ quả chuyển, nên khi thấy được quả thì chúng liền vĩnh viễn dứt.

Lại nữa, bốn thứ điên đảo này có thứ là hữu thân kiến, có thứ nương vào hữu thân kiến, nên khi hữu thân kiến đã đoạn dứt thì các thứ còn lại cũng dứt theo, vì chỗ đối trị là đồng. Vì vậy, bốn thứ điên đảo này chỉ do kiến khổ đoạn trừ.

Lại nữa, khổ đế thì thô, hiện bày rõ, nên sự mê muội lỗi lầm ở đó rất nặng, các Hiền Thánh đều quở trách, nên đặt tên là điên đảo. Còn ba đế kia thì vi tế, ẩn giấu, các nhầm lẫn lỗi lầm ở đấy không nặng, không bị quở trách, nên không đặt tên là điên đảo. Như người vấp ngã té nhào nơi chỗ đất bằng phẳng giữa ban ngày sáng tỏ, thì đời cùng cười trách, vì không phải ở chỗ hiểm trở giữa ban đêm tối mịt.

Lại nữa, các Sư Du-già hiện quán khổ rồi, tâm không còn điên đảo, nên khi kiến khổ thì các điên đảo đều dứt hết. Nếu như khi kiến khổ rồi, chưa kiến ba đế kia thì liền xuất quán. Nếu có lời hỏi: Năm thủ uẩn này là thường hay là vô thường? Thì vị ấy đáp dứt khoát: Đều là vô thường, vì sau một sát-na tất không còn trụ. Lại, nếu có lời hỏi: Năm thủ uẩn này là vui hay là khổ? Thì vị ấy đáp quả quyết: Tất cả đều là khổ, giống như một thỏi sắt nóng đỏ. Lại, nếu có lời hỏi: Năm thủ uẩn này là tịnh hay là bất tịnh? Thì vị ấy đáp dứt khoát: Đều là bất tịnh, giống như một bãi phân hôi thối. Lại, nếu có lời hỏi: Năm thủ uẩn này là có ngã hay không có ngã? Thì vị ấy đáp ngay: Đều không có ngã. Vì nhất định không có kẻ tạo ra, người khiến tạo ra, cũng không có người nhận, không có người sai khiến nhận, chỉ là sự tích tụ của các hành không, nên bốn thứ điên đảo này chỉ do kiến khổ đoạn trừ. Khi đạt được khổ loại trí thì tất cả đều đoạn dứt.

Hỏi: Nếu như thế thì cũng có bậc tùy tín, tùy pháp hành đã đoạn được bốn thứ điên đảo này, vì sao trong đây không nói, chỉ nói bậc Dự lưu tất cả đều đã đoạn dứt?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, tức biết nghĩa ấy nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, bậc tùy tín, tùy pháp hành có tướng sai khác nhau. Như có người đoạn dứt hết là khổ loại trí đã sinh, có người chưa đoạn dứt hết thì khổ loại trí chưa sinh, cho nên không nói. Còn bậc Dự lưu không có sự sai khác nhau, đều đoạn dứt cả, nên trong đây nói đến.

Lại nữa, vì muốn giúp những kẻ nghi ngờ có được quyết định, nên nói riêng về Dự lưu. Nghĩa là người Dự lưu hãy còn nuôi nấng vợ con, tạo chỗ ở với các thứ giường nằm, ngọa cụ đắt tiền, còn gần gũi nữ nhân, còn mặc y phục đẹp, thoa xức dầu thơm, sai khiến xua đuổi tôi tớ, còn đánh đập, cột trói, giết chóc hữu tình giống như hàng phàm phu, nên có người thấy thế thì nghi ngờ chưa đoạn dứt các điên đảo, vì thế nói họ đã đoạn dứt điên đảo. Còn bậc Nhất lai thì cũng căn cứ theo đấy nên không nói riêng. Các bậc tùy tín hành, tùy pháp hành thì ngay cả tâm thiện hữu lậu còn không hiện khởi, huống là khởi các thứ nhiễm ô, vô phú vô ký, đối với họ, không ai có nghi ngờ nên không nói.

Hỏi: Bậc Dự lưu và Nhất lai khi khởi ái nhiễm đối với cảnh của năm dục thì khởi tưởng lạc, tịnh hay khởi tưởng khổ, bất tịnh? Nếu nói như thế thì có lỗi gì? Nếu khởi tưởng lạc, tịnh thì vì sao không phải là điên đảo? Còn nếu khởi tưởng khổ, bất tịnh thì vì sao đối với cảnh còn khởi ái nhiễm?

Đáp: Nên nói là khởi tưởng lạc, tịnh.

Hỏi: Nếu như thế thì vì sao không phải là điên đảo?

Đáp: Trước đã nói là do ba điều nên lập ra điên đảo. Dự lưu và Nhất lai đối với cảnh khởi tưởng lạc, tịnh, tuy là vọng tăng trưởng nhưng không phải là tánh lường xét, không phải là tánh của kiến, cũng không phải là hoàn toàn trái ngược, vì có một ít phần sự thật.

Lại nữa, đối với đế lý mà khởi tưởng lạc, tịnh mới thuộc về điên đảo. Dự lưu và Nhất lai đều đã đoạn dứt hết, nên đối với các cảnh, các sự việc v.v… khởi tưởng lạc, tịnh thì không phải là điên đảo. Chỉ có những hàng Dự lưu, Nhất lai nào chưa đoạn dứt hết thì cũng còn hiện tiền.

Có thuyết nói: Bậc Dự lưu và Nhất lai đối với cảnh của năm dục khi khởi tưởng nhiễm ái thì khởi tưởng khổ và bất tịnh.

Hỏi: Nếu như thế vì sao còn khởi nhiễm ái?

Đáp: Đối với cảnh ấy, họ tuy biết là khổ và bất tịnh, nhưng vì từ vô thỉ đến nay đã quen theo phiền não, luôn bị thiêu đốt bức bách thân tâm, nên bất giác đối với cảnh dấy khởi nhiễm ái. Như có ông Bà-la-môn ưa thích sạch sẽ, vào một lúc ngón tay chạm phải vật bất tịnh, liền chạy đến chỗ thợ rèn xin lửa để làm cho sạch. Người thợ rèn bảo: “Chỉ cần có tro để tẩy rồi dùng nước trong rửa cũng đủ sạch, cần gì phải khổ công tìm lửa để tẩy”. Ông Bà-la-môn nói: “Tro và nước không thể làm sạch được, phải đưa lửa cho ta thì mới tẩy sạch”. Người thợ rèn liền lấy cái kềm sắt nóng đỏ kẹp vào ngón tay ông ấy. Bấy giờ, vì quá nóng rát, ông Bà-la-môn bất giác rút tay đưa ngón tay vào miệng ngậm lại. Tuy ông ấy biết rõ ngón tay không sạch, nhưng bị nóng quá, nên bất giác đưa tay vào miệng. Hàng Dự lưu và Nhất lai khởi nhiễm ái cũng như thế.

Lại nữa, tuy đối với cảnh biết là khổ và bất tịnh, nhưng hai bậc kia từ vô thỉ đến nay quen theo phiền não, luôn bị thiêu đốt bức bách thân tâm, vì nhằm ngăn dứt nên đối với cảnh sinh nhiễm ái. Như người yếu đuối, vì cả mình đều bị ghẻ nhọt nên rất đau đớn khó chịu. Thầy thuốc bảo: “Anh hãy lấy phân chó ướt thoa vào thì các bệnh ghẻ nhọt đau đớn ấy sẽ hết ngay”. Người này nghe thầy thuốc bảo liền áp dụng. Tuy người này biết rõ phân chó ướt là dơ bẩn, nhưng vì muốn chấm dứt sự đau đớn, nên phải thoa vào người. Hàng Dự lưu và Nhất lai khởi nhiễm ái cũng như thế. Thế nên tuy họ khởi tưởng khổ, bất tịnh, nhưng đối với năm dục vẫn còn khởi nhiễm ái.

***

* Đối với ba thứ Tam-ma-địa không, vô nguyện, vô tướng, hàng Dự lưu thành tựu ở quá khứ được bao nhiêu thứ, ở vị lai được bao nhiêu thứ và ở hiện tại được bao nhiêu thứ?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để ngăn chận các Tông chỉ chỉ khác, làm sáng tỏ chánh lý. Nghĩa là: Hoặc có thuyết nói: Quá khứ, vị lai không thật có tự tánh.

Hoặc có thuyết cho: Không thật có tánh thành tựu, không thành tựu.

Vì để ngăn chận các ý tưởng ấy và nêu bày rõ: Thật có các tánh quá khứ, vị lai thành tựu v.v… nên tạo ra phần Luận này.

Đáp: Ở vị lai có tất cả. Ở quá khứ nếu đã diệt không mất. Ở hiện tại nếu có hiện tiền.

Trong đây: Ở vị lai có tất cả: Là thành tựu đủ ba thứ Tam-ma-địa.

Ở quá khứ nếu đã diệt không mất: Là tùy theo một, hai, ba thứ đã diệt, nhưng không phải là luyện căn, nên khi mất thì thành tựu từng ấy ở quá khứ.

Ở hiện tại nếu có hiện tiền: Là nếu một thứ hiện tiền thì ở hiện tại thành tựu được một thứ.

Lại, khi đạo loại trí ở sát-na đầu tiên thì không thành tựu ở quá khứ, vì không có một sát-na nào đã sinh và diệt, vì đã sinh mà diệt tức được quả thì xả. Thành tựu ở vị lai đủ cả ba thứ là do tu. Ở hiện tại thành tựu được một thứ đó là vô nguyện, vì nó diệt rồi không mất.

Nếu Không hiện tiền thì bậc ấy thành tựu ở quá khứ được một thứ là Vô nguyện, thành tựu ở vị lai được ba thứ, ở hiện tại được một thứ đó là Không, vì nó diệt rồi không mất.

Nếu Vô tướng hiện tiền thì bậc ấy thành tựu ở quá khứ được hai thứ, tức là Không và Vô nguyện, còn ở vị lai đươc ba thứ, ở hiện tại được một thứ là Vô tướng, vì nó diệt rồi không mất.

Nếu ba thứ Tam-ma-địa này tùy một thứ hiện tiền thì bậc ấy thành tựu ở quá khứ và vị lai được ba, ở hiện tại được một, tức Tamma-địa hiện ra trước đó.

Có ba thứ Tam-ma-địa: Đó là Không, Vô nguyện, Vô tướng.

Nhưng Tam-ma-địa hoặc nên nói là một: Tức nội pháp đại địa trong tâm sở gọi là Tam-ma-địa. Trong năm căn gọi là định căn. Trong năm lực gọi là định lực. Trong bảy giác chi gọi là định giác chi. Trong tám đạo chi gọi là chánh định.

Hoặc nên nói là hai: Tức Tam-ma-địa hữu lậu và vô lậu, hoặc Tam-ma-địa trói buộc và giải thoát, hoặc Tam-ma-địa hệ thuộc và không hệ thuộc.

Hoặc nên nói là ba: Như đã nói ở đây (Không, Vô nguyện, Vô tướng).

Hoặc nên nói là bốn: Tức thuộc ba cõi và không thuộc cõi nào.

Hoặc nên nói là năm: Tức thuộc ba cõi cùng hữu học, vô học. Nói rộng cho đến nếu lấy các sát-na nối tiếp để phân biệt thì có vô lượng thứ Tam-ma-địa.

Hỏi: Nếu như thế thì vì sao Đức Thế Tôn thêm một và giảm đi vô lượng để lập ra ba thứ Tam-ma-địa?

Đáp: Do ba duyên sau nên chỉ thành lập có ba thứ: 1. Là đối trị. 2. Là tâm kỳ vọng. 3. Là đối tượng duyên.

Về đối trị: Tức Tam-ma-địa Không là đối trị gần với hữu thân kiến.

Hỏi: Tam-ma-địa Không có hai hành tướng là không và vô ngã, còn hữu thân kiến có hai hành tướng là ngã và ngã sở. Vậy ở đây những hành tướng nào đối trị với hành tướng nào?

Đáp: Lấy hành tướng vô ngã đối trị với hành tướng ngã, lấy hành tướng không đối trị với hành tướng ngã sở.

Lại nữa, lấy hành tướng vô ngã đối trị với năm hành tướng của ngã kiến, lấy hành tướng không đối trị với mười lăm hành tướng của ngã sở kiến. Như đối trị hành tướng của ngã kiến – ngã sở kiến, như vậy đối trị hành tướng của kỷ kiến – kỷ sở kiến (Cũng như ngã kiến, ngã sở kiến), hành tướng ngã – thuộc về ngã, là hành tướng mình – thuộc về mình, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, lấy hành tướng vô ngã đối trị với ngã ái, lấy hành tướng không đối trị với hành tướng ngã sở ái. Như đối trị với hành tướng của ngã ái – ngã sở ái, như vậy đối trị với hành tướng của kỷ ái – kỷ sở ái, của ngã si – ngã sở si, của kỷ si – kỷ sở si, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, lấy hành tướng vô ngã đối trị với hành tướng chấp uẩn là ngã, lấy hành tướng không đối trị với hành tướng có ngã trong chấp uẩn. Như đối trị với hành tướng chấp uẩn là ngã – có ngã trong chấp uẩn, đối trị với các hành tướng của chấp xứ là ngã – có ngã trong chấp xứ, của chấp giới là ngã – có ngã trong chấp giới v.v…, các hành tướng như vậy hoặc chung hoặc riêng nên biết cũng như thế.

Về tâm kỳ vọng: Tức là tâm mong ước của những người tu hành Tam-ma-địa Vô nguyện không mong ước pháp của ba cõi.

Hỏi: Cả Thánh đạo cũng không mong ước chăng?

Đáp: Đối với Thánh đạo tuy không phải hoàn toàn là không mong ước, nhưng tâm kỳ vọng ấy không mong ước Thánh đạo của ba cõi, vì nương vào cõi nên cũng không mong ước.

Lại, tâm kỳ vọng ấy cũng không mong ước Thánh đạo của năm uẩn, vì là uẩn nên cũng không mong ước.

Lại, tâm kỳ vọng ấy cũng không mong ước Thánh đạo của ba đời, vì còn gắn liền với đời nên cũng không mong ước.

Lại, tâm kỳ vọng ấy không mong ước Thánh đạo của các khổ, vì cùng với khổ lần lượt nối tiếp nên không mong ước.

Hỏi: Nếu như thế thì do đâu tu Thánh đạo?

Đáp: Vì muốn tiến đến Niết-bàn nên tu Thánh đạo. Nghĩa là người tu hành phải suy nghĩ: Muốn chứng được Niết-bàn rốt ráo thì phải theo con đường nào? Suy nghĩ xong tất biết là do Thánh đạo, nên tuy không mong ước mà cần nên tu. Cũng như muốn vượt qua dòng sông chảy xiết thì phải nhờ vào thuyền bè.

Về đối tượng duyên: Nghĩa là phải duyên vào Tam-ma-địa Vô tướng, đối tượng duyên của định này lìa bỏ được mười tướng tức là lìa bỏ sắc, thanh, hương, vị, xúc, nam, nữ, và ba tướng hữu vi.

Lại nữa, uẩn gọi là tướng, đối tượng duyên của định này lìa bỏ các tướng của uẩn, nên gọi là vô tướng.

Lại nữa, đời cũng gọi là tướng, trước sau cũng là tướng, thượng, trung, hạ v.v… cũng là tướng, đối tượng duyên của định này lìa các tướng nơi đời v.v…, nên gọi là vô tướng.

Có thuyết nói: Ba thứ Tam-ma-địa đều do sự đối trị có khác nhau mà lập ra. Nghĩa là Tam-ma-địa Không là đối trị gần với hữu thân kiến, Tam-ma-địa Vô nguyện là đối trị gần với giới cấm thủ, Tam-ma-địa Vô tướng là đối trị gần với nghi. Do đó nên lấy đây làm đầu để đối trị tất cả.

Lại có thuyết nói: Ba thứ Tam-ma-địa đều căn cứ vào các hành tướng sai khác nhau mà thành lập. Nghĩa là Tam-ma-địa Không có hai hành tướng là không và vô ngã. Tam-ma-địa Vô nguyện có hành tướng khổ, vô thường và tập, đạo mỗi thứ có bốn hành tướng. Tamma-địa Vô tướng có bốn hành tướng của diệt. Cho nên chỉ thành lập ba thứ Tam-ma-địa.

Ở phần đầu của Luận Thi Thiết nói: Tam-ma-địa Không là Không, không phải là Vô nguyện và Vô tướng. Tam-ma-địa Vô nguyện là Vô nguyện, không phải là Không và Vô tướng. Tam-mađịa Vô tướng là Vô tướng, không phải là Không và Vô nguyện. Vì sao? Vì hành tướng của ba thứ này khác nhau.

Trong Luận ấy lại nói tiếp: Tam-ma-địa Không là Không cũng là Vô nguyện nhưng không phải là Vô tướng. Tam-ma-địa Vô nguyện là Vô nguyện cũng là Không nhưng không phải là Vô tướng. Tam-mađịa Vô tướng chỉ là Vô tướng không phải là Không và Vô nguyện.

Hỏi: Vì sao Không và Vô nguyện lại lần lượt liên hệ nhau, còn Vô tướng lại đứng riêng một mình?

Đáp: Vì căn cứ vào lúc đầu mới được có sự giống hay khác nhau. Nghĩa là nếu dựa vào Tam-ma-địa Không nhập chánh tánh ly sinh, thì trong khoảnh khắc hiện quán về khổ, bốn tâm cũng tu Vô nguyện. Nếu dựa vào Tam-ma-địa Vô nguyện nhập chánh tánh ly sinh, thì trong khoảnh khắc hiện quán về khổ, bốn tâm cũng tu Không, nên Không, Vô nguyện lần lượt cùng nhau đạt được một lúc đầu. Vô tướng tự tu một mình, không cần thứ khác.

Lại nữa, dựa vào sự đối trị đầu tiên có giống và khác nhau. Nghĩa là Không và Vô nguyện khi mới đối trị đều cùng có khả năng đối trị phiền não do kiến khổ đoạn trừ v.v… còn Vô tướng khi mới đối trị chỉ đối trị riêng lẻ các phiền não do kiến diệt đoạn trừ.

Sau đó, Luận ấy nói tiếp như thế này: Tam-ma-địa Không là Không mà cũng là Vô nguyện, Vô tướng. Tam-ma-địa Vô nguyện là Vô nguyện mà cũng là Không và Vô tướng. Tam-ma-địa Vô tướng là Vô tướng mà cũng là Không và Vô nguyện.

Hỏi: Ba thứ này vì sao mỗi thứ đều có đủ cả ba?

Đáp: Tự thể của mỗi thứ đều có ba nghĩa. Nghĩa là mỗi mỗi thứ này không phải là thường, không phải là hằng, không phải là không đổi khác, không phải là ngã, ngã sở, nên đều gọi là Không. Không mong ước sinh trưởng các thứ tham, sân, si v.v… và kiếp sau, nên đều gọi là vô nguyện. Khi lìa bỏ bảy thứ tướng sắc, thanh, hương, vị, xúc, nam, nữ, nên gọi là vô tướng.

Đó gọi là tự tánh của ba thứ Tam-ma-địa, là bản tánh, ngã vật, tự thể, tướng phần của ba thứ Tam-ma-địa.

Đã nói về tự tánh, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là Tam-ma-địa? Chúng có nghĩa như thế nào?

Đáp: Do ba duyên nên gọi là Tam-ma-địa: 1. Do bình đẳng. 2. Do thâu giữ. 3. Do giống như nối tiếp.

Do bình đẳng: Nghĩa là từ vô thỉ đến nay, do phiền não, hành ác tà kiến điên đảo khiến các tâm tâm sở phải luôn hoạt động thiên lệch, cong vạy. Do định lực này khiến tâm tâm sở hoạt động một cách ngay thẳng bình đẳng, không thiên lệch, nên gọi là Tam-ma-địa.

Do thâu giữ: Nghĩa là từ vô thỉ đến nay, các tâm tâm sở đối nơi cảnh luôn bay nhảy phân tán. Do định lực này tạo phương tiện khéo léo để thâu giữ chúng, khiến trụ vào một cảnh, nên gọi là Tam-ma-địa.

Do giống như nối tiếp: Nghĩa là từ vô thỉ đến nay, các tâm tâm sở thiện, nhiễm ô và vô phú vô ký khác loại nhau cùng nối tiếp. Do định lực này trước sau chỉ là một loại thiện nối tiếp, nên gọi là Tamma-địa.

Lại nữa, do ba duyên sau nên gọi là Tam-ma-địa. Đó là: 1. Trụ vào một cảnh. 2. Nối tiếp trụ. 3. Xét nghĩ đúng đắn.

Lại nữa, do ba duyên sau nên gọi là Tam-ma-địa. Đó là: 1. Có thể giữ thân khiến luôn được bình đẳng. 2. Thâu giữ các pháp thiện khiến chúng không tan hoại. 3. Có thể khiến tâm thiện luôn hoạt động bình đẳng.

Lại nữa, do ba duyên sau nên gọi là Tam-ma-địa. Đó là: 1. Đối với đối tượng duyên luôn không buông bỏ. 2. Luôn nhận giữ các thứ pháp thiện thù thắng. 3. Luôn khiến Xa-ma-tha và Tỳ-bát-xá-na trụ vào đối tượng duyên hoạt động bình đẳng.

Tôn giả Thế Hữu nói: Thế nào là Tam-ma-địa? Nghĩa là thâu giữ nhiều thứ tâm tâm sở thiện khiến đối với một cảnh bình đẳng nối tiếp, nên gọi là Đẳng trì.

Lại có thuyết cho: Có khả năng giữ gìn bình đẳng mãi nên gọi là Đẳng trì. Như có thể giữ gìn hài nhi nên gọi là người giữ trẻ. Có khả năng giữ gìn nước nên gọi là người giữ nước. Có khả năng giữ cân nên gọi là người giữ cân. Đây cũng như thế. Có khả năng giữ gìn các thứ pháp được bình đẳng thù thắng, nên gọi là Đẳng trì.

Đại đức nói: Chính Đẳng trì này cũng gọi là Đẳng chí. Thứ này lại có nhiều loại, đó là pháp Đẳng chí thiện, pháp Đẳng chí bất thiện, pháp Đẳng chí vô ký. Có chín Đẳng chí thứ lớp từng cặp từng cặp giao hội cũng gọi là Đẳng chí. Đối với nghĩa ở đây chỉ nói về việc có khả năng giữ gìn các tâm tâm sở thiện, khiến luôn nối tiếp bình đẳng hoạt động, nên gọi là Đẳng trì. Các thứ bất thiện và vô ký v.v… không phải là điều nói ở đây.

Ba Tam-ma-địa này: Về cõi: Nếu là hữu lậu thì có ba cõi. Nếu là vô lậu thì không thuộc cõi nào.

Về địa: Nếu là hữu lậu thì ở mười một địa. Nếu là vô lậu thì ở chín địa.

Về chỗ nương dựa: Nương vào ba cõi để nối tiếp.

Về hành tướng: Tam-ma-địa Không có hai hành tướng. Tamma-địa Vô nguyện có mười hành tướng. Tam-ma-địa Vô tướng có bốn hành tướng.

Hỏi: Các thứ Tam-ma-địa Không đều làm cho hành tướng không hoạt động chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có thứ là Tam-ma-địa Không không phải là làm cho hành tướng không hoạt động: Nghĩa là Tam-ma-địa Không làm cho hành tướng vô ngã hoạt động.

2. Có thứ làm cho hành tướng không hoạt động không phải là Tam-ma-địa Không: Nghĩa là hành tướng không chuyển biến và Tam-ma-địa Không tương ưng với các pháp.

3. Có thứ là Tam-ma-địa Không cũng làm cho hành tướng không hoạt động: Nghĩa là hành tướng không chuyển biến với Tamma-địa Không.

4. Có thứ không phải là Tam-ma-địa Không cũng không phải là làm cho hành tướng không hoạt động: Nghĩa là hoặc chỉ nói thứ chủng loại này, tức là hành tướng vô ngã hoạt động, Tam-ma-địa Không tương ưng với các pháp. Hoặc không chỉ nói thứ chủng loại này, tức là trừ các tướng nêu trên.

Như bốn trường hợp nêu về hoạt động, thì đã hoạt động, sẽ hoạt động nên biết cũng như thế.

Như hành tướng không nêu ra ba lần bốn trường hợp thì hành tướng vô ngã nên biết cũng như thế.

Như vậy, Tam-ma-địa Không có sáu lần bốn trường hợp, Tamma-địa Vô nguyện có ba mươi lần bốn trường hợp, Tam-ma-địa Vô tướng có mười hai lần bốn trường hợp. Như vậy hợp chung ba thứ Tam-ma-địa thì có bốn mươi tám lần bốn trường hợp.

Về đối tượng duyên: Tam-ma-địa Không nếu là hữu lậu thì duyên với tất cả pháp, nếu là vô lậu thì chỉ duyên với khổ đế. Tamma-địa Vô nguyện duyên với ba đế, trừ diệt đế. Tam-ma-địa Vô tướng chỉ duyên với diệt đế.

Về niệm trụ: Tam-ma-địa Không và Vô nguyện mỗi thứ đều có đủ bốn niệm trụ. Còn Tam-ma-địa Vô tướng chỉ cùng chung với pháp niệm trụ.

Về trí: Tam-ma-địa Không cùng hợp với bốn trí, tức là pháp trí, loại trí, khổ trí và thế tục trí. Tam-ma-địa Vô nguyện cùng hợp với bảy trí, trừ diệt trí. Tam-ma-địa Vô tướng cùng hợp với bốn trí, tức là pháp trí, loại trí, diệt trí và thế tục trí.

Về Tam-ma-địa: Tức là Tam-ma-địa.

Về căn tương ưng: Tức tương ưng với ba căn là lạc, hỷ, xả.

Về ba đời: Tức đủ cả ba đời.

Về duyên với ba đời: Tam-ma-địa Không nếu là hữu lậu thì duyên với ba đời và lìa bỏ đời. Nếu là vô lậu thì cùng Tam-ma-địa Vô nguyện duyên với ba đời. Tam-ma-địa Vô tướng chỉ duyên với lìa bỏ đời.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Cả ba đều là thiện.

Về duyên với thiện, bất thiện, vô ký: Tam-ma-địa Không và Vô nguyện duyên với cả ba thứ, còn Tam-ma-địa Vô tướng chỉ duyên với thiện.

Về thuộc ba cõi và không thuộc cõi nào: Nếu là hữu lậu thì thuộc ba cõi. Nếu là vô lậu thì không thuộc cõi nào.

Về duyên với thuộc ba cõi và không thuộc cõi nào: Tam-mađịa Không nếu là hữu lậu thì duyên với thuộc ba cõi và không thuộc cõi nào, nếu là vô lậu thì chỉ duyên với thuộc ba cõi. Tam-ma-địa Vô nguyện duyên với thuộc ba cõi và không thuộc cõi nào. Riêng Tamma-địa Vô tướng duyên với không thuộc cõi nào.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Đều chung cả ba thứ.

Về duyên với học, vô học, phi học phi vô học: Tam-ma-địa Không nếu là hữu lậu thì duyên với cả ba thứ, nếu là vô lậu thì chỉ duyên với phi học phi vô học. Tam-ma-địa Vô nguyện duyên với cả ba thứ. Tam-ma-địa Vô tướng chỉ duyên với phi học phi vô học.

Về do kiến đạo, tu đạo đoạn và không đoạn trừ: Nếu là hữu lậu đều do tu đạo đoạn trừ. Nếu là vô lậu thì không đoạn trừ.

Về duyên với do kiến đạo, tu đạo đoạn và không đoạn trừ: Tamma-địa Không nếu là hữu lậu thì duyên với cả ba thứ, nếu là vô lậu thì duyên với do kiến đạo, tu đạo đoạn. Tam-ma-địa Vô nguyện duyên với cả ba thứ. Tam-ma-địa Vô tướng chỉ duyên với không đoạn trừ.

Về duyên nơi danh, nghĩa: Tam-ma-địa Không và Vô nguyện duyên chung với danh và nghĩa. Tam-ma-địa Vô tướng chỉ duyên với nghĩa.

Về duyên nơi sự nối tiếp của mình và của người khác và không phải là nối tiếp: Tam-ma-địa Không nếu là hữu lậu thì duyên với cả ba thứ. Nếu là vô lậu thì cùng Tam-ma-địa Vô nguyện chỉ duyên với sự nối tiếp của mình và của người khác. Còn Tam-ma-địa Vô tướng chỉ duyên với không phải là nối tiếp.

Về do gia hạnh đắc, lìa nhiễm đắc: Đều chung cả hai thứ.

Về từng được và chưa từng được: Đều chung cả hai thứ.

Ba Tam-ma-địa này cũng gọi là ba môn giải thoát.

Hỏi: Tam-ma-địa và môn giải thoát có khác nhau thế nào?

Đáp: Tam-ma-địa chung cả hữu lậu và vô lậu, còn môn giải thoát chỉ là vô lậu.

Hỏi: Vì sao môn giải thoát chỉ là vô lậu?

Đáp: Vì hữu lậu là còn bị trói buộc, nếu là môn giải thoát thì không hợp lý.

Hỏi: Căn cứ vào nghĩa nào để lập ra môn giải thoát? Căn cứ vào việc nhập chánh tánh ly sinh hay căn cứ vào việc dứt hết lậu? Nếu nêu như thế thì có lỗi gì? Nếu căn cứ vào việc nhập chánh tánh ly sinh để lập môn giải thoát thì khi khổ pháp trí nhẫn tương ưng với định mới gọi là môn giải thoát. Còn nếu căn cứ vào việc dứt hết lậu để lập môn giải thoát tức nên chỉ định kim cang dụ mới gọi là môn giải thoát?

Đáp: Nên nói như vầy: Cùng căn cứ vào cả hai nghĩa để lập môn giải thoát. Nhưng môn giải thoát gồm thâu chung tất cả các định vô lậu. Nghĩa là tất cả Thánh đạo đều gọi là chánh tánh ly sinh, khi đã được tất cả Thánh đạo rồi gọi là nhập, còn khi đoạn dứt hết các lậu đều gọi là lậu tận, vì cả bốn đạo đều là định nên đều có nghĩa dứt hết.

Cũng như pháp thế đệ nhất không gián đoạn, đến khi khổ pháp trí nhẫn hiện tiền thì được Tam-ma-địa Không, gọi là nhập chánh tánh ly sinh. Hiện quán về khổ không gián đoạn, đến khi hiện quán về tập hiện tiền thì được Tam-ma-địa Vô nguyện, cũng gọi là nhập chánh tánh ly sinh. Hiện quán về tập không gián đoạn, đến khi hiện quán về diệt hiện tiền thì được Tam-ma-địa Vô tướng, cũng gọi là nhập chánh tánh ly sinh.

Riêng các phần vị khác, khi khởi định vô lậu không gián đoạn nên biết cũng như thế.

Ở phần vị kiến đạo, khởi riêng ba thứ Tam-ma-địa vô lậu thì được riêng dứt hết các lậu. Còn ở phần vị tu đạo, khởi chung ba thứ Tam-ma-địa vô lậu thì được chung dứt hết các lậu. Ở phần vị vô học khởi chung ba thứ Tam-ma-địa vô lậu thì được chung dứt hết các lậu, cũng gọi là dứt hết các lậu. Thế nên ba môn giải thoát bao gồm cả các định vô lậu.

Hỏi: Vì sao gọi là môn giải thoát?

Đáp: Niết-bàn gọi là giải thoát. Nương vào ba thứ Tam-ma-địa này có thể tiến đến việc chứng đắc giải thoát, nên gọi là môn giải thoát.

Lại nữa, như sắp đặt quân ở chỗ then chốt, nên gọi là môn giải thoát. Như khi đánh trận, trước hết phải đem quân giữ chỗ then chốt ngăn chận giặc thù, sau đó mới dùng kiếm bén chém đầu chúng làm chủ chiến trận, tùy ý lui tới. Người tu hành cũng như thế. Khi chiến đấu với kẻ địch phiền não, trước hết phải dùng ba môn giải thoát làm chỗ then chốt dàn quân để ngăn chận, loại bỏ chúng, sau đó mới dùng gươm bén trí tuệ vô lậu chặt đứt tất cả đầu có tánh tạo thành phiền não rơi xuống đất có tánh không tạo thành, thực hiện ý nguyện từ xưa tiến đến Niết-bàn.

Như Khế kinh nói: Có định là chánh đạo, không có định là tà đạo. Tâm định thì được giải thoát, không phải là tâm không định. Thế nên ba thứ Tam-ma-địa vô lậu là môn giải thoát, không phải là định hữu lậu.

Luận Thi Thiết nói: Có nhiều thứ không, đó là nội không, ngoại không, nội ngoại không, không hữu vi, không vô vi, không vô biên tế, không bản tánh, không vô sở hành, không thắng nghĩa và không không. Có mười thứ không như thế, như nơi chỗ khác đã phân biệt.

Hỏi: Vì sao các chỗ khác lại phân biệt về nhiều thứ không?

Đáp: Vì hành tướng của không là pháp đối trị gần với hai mươi thứ Tát-ca-da-kiến (Thân kiến). Hai mươi thứ Tát-ca-da-kiến ấy có thể làm nền tảng, cội gốc cho tất cả phiền não, khiến hữu tình luôn bị trôi lăn trong sinh tử không tiến đến Niết-bàn. Vì lỗi lầm lớn đó nên phải nói nhiều pháp đối trị gần với chúng.

Như Khế kinh nói: Nếu hàng đệ tử của bậc Thánh (Phật) thành tựu đầy đủ ba vòng hoa Đẳng trì thì có thể đoạn dứt tất cả các pháp bất thiện xấu ác, tu tập các pháp thiện mau được trọn thành.

Hỏi: Vì sao gọi Đẳng trì là vòng hoa?

Đáp: Vì nó có tánh làm cho oai nghiêm khiến ai cũng mến thích. Cũng như kẻ thiếu niên đầu đội mão kết vòng hoa thì hình dáng đoan nghiêm ai cũng mến thích. Như thế, bậc Thánh với mão Đẳng trì kết vòng hoa thì công đức càng oai nghiêm, hàng trời người đều kính mến.

Lại như người nào đầu đội mão kết vòng hoa thì không bị gió mạnh thổi tóc rối tung lên. Như thế, bậc Thánh với mão Đẳng trì kết vòng hoa thì các công đức cũng thù thắng, không bị những thứ trạo cử làm loạn động được.

Lại như người nào đầu đội mão kết vòng hoa đi đến nhiều nơi đều được lợi ích tốt đẹp. Như thế, bậc Thánh với mão Đẳng trì kết vòng hoa ở trong các phần vị đều đạt được nhiều công đức. Các phần vị tức nhập chánh tánh ly sinh, chứng quả, lìa nhiễm, dứt hết các lậu.

Lại như lấy tơ kết hoa làm vòng hoa có thể khiến các hoa dính lâu vào nhau, không rơi rớt, mau tàn phai. Cũng vậy, các thứ định thù thắng luôn giữ gìn các công đức tuy trải qua thời gian lâu cũng không hư mất. Thế nên ở đây gọi là Đẳng trì vòng hoa.

Lại như lấy tơ xâu kết các hoa, mọi người ở thế gian cùng sinh tưởng về vòng hoa. Cũng vậy, các bậc Thánh dùng ba thứ Đẳng trì gồm thâu các công đức, hàng trời người đối với điều ấy cùng sinh tưởng về vòng hoa Đẳng trì.

Lại như lấy tơ xâu kết nhiều hoa đem treo ở một nơi, người thế gian khi đến đó đều có ý tưởng về vòng hoa. Cũng vậy, nếu dùng định gồm thâu hết các tâm thiện chuyên về một cảnh, thì các hàng trời người cũng gọi đó là vòng hoa Đẳng trì của bậc Thánh. Thế nên dùng vòng hoa dụ cho Đẳng trì.

Như Khế kinh nói: Tam-ma-địa Không là trụ xứ của bậc Thượng tọa.

Hỏi: Vì sao Phật nói Tam-ma-địa Không là trụ xứ của các bậc Thượng tọa?

Đáp: Các bậc Thượng tọa đều thường trụ vào định không này. Tức là ở ba cõi, Phật là Thượng tọa có công đức bậc nhất thường trụ vào định không. Độc giác là Thượng tọa có công đức thứ hai thường trụ vào định không. Tôn giả Xá-lợi-tử là Thượng tọa có công đức hàng thứ ba thường trụ vào định không. Còn các bậc Đại Thanh văn như Tôn giả Mục Kiền Liên v.v… cũng gọi là Thượng tọa đều cũng thường trụ vào Tam-ma-địa Không, cho nên gọi định không này là trụ xứ của các bậc Thượng tọa.

Lại nữa, Tam-ma-địa Không là trụ xứ bất cộng đối với các hàng nội đạo. Tất cả các hàng nội đạo đều là Thượng tọa, còn tất cả kẻ ngoại đạo đều là trẻ con. Nghĩa là trong pháp nội đạo thì tuổi (Hạ lạp) tuy mới tám cũng gọi là Thượng tọa, vì thành tựu được các pháp công đức của Thượng tọa. Còn trong pháp ngoại đạo thì tuổi tuy đã tám mươi cũng gọi là trẻ con, vì đã tạo nên các lỗi lầm theo pháp của trẻ con.

Hỏi: Ngoại đạo đâu có Vô nguyện, Vô tướng, sao chỉ nói Không là pháp bất cộng?

Đáp: Trong pháp của ngoại đạo tuy không có các Vô nguyện, Vô tướng đúng thực, nhưng có thứ tương tợ, tức là các hành tướng thô thì giống với Vô nguyện, còn hành tướng tĩnh thì giống với Vô tướng. Trong pháp của chín mươi tám thứ ngoại đạo còn không có thứ tương tự với định không huống là thứ chân thật, nên chỉ nói định không là pháp bất cộng với nội đạo.

Lại nữa, Tam-ma-địa Không dẫn đến các pháp công đức của Thượng tọa, nên gọi là trụ xứ của Thượng tọa. Pháp công đức của Thượng tọa tức là đạo cùng quả của đạo Tam-ma-địa Không có thể dẫn khởi các lực thù thắng, không phải là những thứ khác. Tam-mađịa Không là pháp đối trị gần của hữu thân khiến.

Lại nữa, Tam-ma-địa Không có thể khiến cho thân tâm an trụ bất động, nên gọi là trụ xứ của Thượng tọa. Nghĩa là cho đến các hữu tình khi chưa được Tam-ma-địa Không thì thân tâm hãy còn khinh xuất, vội vàng như gió bụi, nhưng khi đã được định không này rồi thì thân tâm yên tĩnh bất động như núi.

Thế nên Tôn giả Diệu Âm nói: Nếu biết các pháp là không là thân vô ngã và biết các tuệ đều không lay động thì thân tâm luôn yên tĩnh nên gọi là Thượng tọa. Do đó nói Không là trụ xứ của Thượng tọa.

Lại nữa, các Sư Du-già khi trụ vào định không thì thân tâm của họ liền được an trụ, không còn bị lay động theo các thứ vừa ý hay không vừa ý, nên yêu hay không nên yêu, có lợi ích hay không có lợi ích, các thứ vật tạo vui hay khổ trên thế gian nữa. Thế nên nói Không là trụ xứ của các Thượng tọa.

Phàm là bậc Thượng tọa thì tâm luôn được an trụ. Làm sao nhận biết được việc đó?

Như Khế kinh nói: Tôn giả Xá-lợi-tử gặp lúc mẹ vừa qua đời và một số đệ tử ở cùng với Tôn giả hoàn tục. Bấy giờ, có Bí-sô tên là Bao Xỉ vốn rất oán hận Tôn giả, nhân việc này liền đến hỏi: “Mẹ của Tôn giả vừa mất, học trò thì hoàn tục, thầy nghĩ sao?”. Tôn giả Xá-lợi-tử đáp: “Việc mẹ ta mất là lẽ thường của pháp sinh tử, việc đệ tử hoàn tục đó là việc của kẻ phàm ngu, có gì là lạ”. Bí-sô Bao Xỉ thầm nghĩ: “Ông ấy chỉ tự an ủi đấy thôi, chứ lúc này thì lòng dạ nát tan như bị thiêu đốt”.

Tôn giả Xá-lợi-tử vì luôn trụ vào không nên tuy nghe biết việc ấy nhưng tâm vẫn bất động. Buổi sáng, Tôn giả đắp y mang bát vào thành Thất-la-phiệt thứ lớp khất thực. Ăn xong, Tôn giả trở về rừng Thệ đa, xếp y, rửa chân, liền lấy chiếc Ni-sư-đàn vắt lên vai trái, rời nơi ở đến một khoảng rừng vắng, ngồi bên gốc cây nhập thiên trụ. Suy nghĩ: “Trên thế gian này có những thứ gì đẹp đẽ và nên yêu, khi biến đổi, mất đi khiến ta phải buồn rầu khổ sở chăng?”. Tự tìm xét mãi không thấy có gì cả.

Chiều đến, Tôn giả trở về rừng Thệ đa, gặp Tôn giả A-nan, Tôn giả A-nan liền hỏi: “Tôn giả đi đâu về đấy?”. Tôn giả Xá-lợi-tử bảo: “Tôi từ nơi khu rừng vắng trở về”. A-nan lại hỏi: “Thầy ở đấy trụ vào những định nào?”. Đáp: “Tôi nhập vào định có tầm, tứ”. Lại hỏi: “Thầy trụ vào đấy để tìm xét việc gì?”.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử bèn thuật lại đầy đủ các sự việc vừa qua v.v… A-nan liền hỏi: “Tôn giả thường nói: Nếu Đức Phật Thế Tôn không sinh ra đời thì chúng ta không có mắt mà chết. Nay ở thế gian đây, Đức Phật là bậc thiện diệu đáng quý kính nhất, cũng đang biến đổi và sắp hư hoại, Tôn giả há không sinh buồn lo, khổ sở?”. Tôn giả Xálợi-tử đáp: “Nếu có việc đó thì cũng đâu có gì phải buồn khổ! Nhưng tôi chỉ nghĩ: Sao Đức Thế Tôn diệt độ quá sớm, mắt sáng của thế gian đã tắt rồi thì còn ai có thể dẫn đường chỉ lối”. Tôn giả A-nan tán thán: “Lành thay! Lành thay! Tôn giả đã khéo tu Tam-ma-địa Không, tất cả chấp về ngã, ngã sở và ngã mạn v.v… đều đã đoạn dứt, nhận biết khắp. Cũng như đào hết rễ cỏ dại và chặt ngọn cây Đa-la không để chúng mọc lại. Đức Thế Tôn tuy là bậc tôn quý hơn hết đang biến hoại, nhưng là pháp hữu vi thì có gì phải buồn khổ v.v…”. Do đó nên biết, khi trụ vào định không thì tâm người ấy được an trụ không còn bị các thứ thuận nghịch của thế gian lay động khuynh đảo được. Thế nên mới nói là trụ xứ của Thượng tọa. Còn uy lực của Vô nguyện, Vô tướng thì không như thế, nên không gọi là trụ xứ của Thượng tọa.

Như Khế kinh nói: Tôn giả Xá-lợi-tử khi đang ngụ tại khu rừng ở nước Kiều-tát-la. Lúc đó, có người ngoại đạo xuất gia để kiếm sống nơi một khu rừng cạnh đấy. Bấy giờ, trong các thôn ấp đang rộn rịp tổ chức lễ hội tháng tư. Ông ngoại đạo ấy đi khắp xóm làng tha hồ tham dự rượu thịt no say v.v…, lại còn lén xách của dư đem về. Ngang qua khu rừng, chợt thấy Tôn giả Xá-lợi-tử đang ngồi bên một gốc cây. Do rượu kích thích khiến ông ta trở nên tự kiêu: Mình với ông ấy đều cùng xuất gia, nhưng mình thì giàu sang vui sướng còn ông ấy thì nghèo khổ. Bèn đến bên Tôn giả Xá-lợi-tử đọc tụng:

Ta no say rượu thịt

Lại đem của thừa về

Khắp cỏ cây đất núi

Đều xem như khối vàng.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-tử nghe xong liền nghĩ: Tên ngoại đạo thây chết này thật không biết hổ thẹn mới có thể nói kệ trơ trẽn như vậy. Ta cũng nên đọc kệ đối lại, bèn đọc:

Ta luôn đủ vô tướng

Thường trụ nẻo định không

Khắp cỏ cây đất núi

Đều xem như bãi đờm.

Ở tụng này Tôn giả Xá-lợi-tử đã tạo nên tiếng gầm của sư tử nói về ba môn giải thoát. Câu đầu nói về môn giải thoát Vô tướng, câu thứ hai nói về môn giải thoát Không, hai câu sau nói về môn giải thoát Vô nguyện.

Hỏi: Khi ấy, người ngoại đạo đó hãy còn sống vì sao lại bảo là tên ngoại đạo thây chết?

Đáp: Nên biết chữ chết dùng để chỉ việc xấu xa, thô bỉ. Lại nữa, vì ông ta không có tuệ mạng nên bảo là thây chết.

Về Tam-ma-địa Vô tướng thì chữ Vô tướng có rất nhiều nghĩa. Như đối với Tam-ma-địa Không nói tiếng Vô tướng, hoặc đối với kiến đạo, hoặc đối với tâm bất động giải thoát, hoặc đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc với chính ngay cả Tam-ma-địa Vô tướng nói tiếng Vô tướng.

Đối với Tam-ma-địa Không nói Vô tướng: Như Khế kinh kể: Có một vị Bí-sô nọ đạt được tâm định vô tướng, song vì căn tánh chậm độn nên không nhận biết được định này có quả báo gì, được lợi ích thù thắng gì. Vị ấy nghĩ: Tôn giả A-nan được Phật và các vị đệ tử thường khen ngợi, ta nên đến hỏi. Rồi lại nghĩ: Tôn giả A-nan khéo biết về tướng, nếu nghe ta hỏi tất sẽ hỏi lại ta: Thầy đã được chưa mà hỏi về định ấy? Nếu ta thưa đã được là tự khoe bày mình đã được pháp thù thắng, như thế thì trái với hạnh thiểu dục. Còn nếu bảo chưa được là nói dối. Nếu kể những việc khác là làm phiền Thượng tọa là Bí-sô vi phạm phép tắc. Lại nghĩ: Hay là ta nên hầu cận bên Tôn giả A-nan, khi Tôn giả giảng nói cho ai định này thì mình cũng được nghe. Bèn theo sát Tôn giả A-nan suốt sáu năm rốt cuộc không nghe được gì. Vị Bí-sô ấy bèn đem mối hoài nghi của mình ôm giữ từ lâu, nên đến bên Tôn giả A-nan kính cẩn thưa: Nếu được định tâm vô tướng không còn bị hôn trầm hoặc trạo cử nữa, gồm thâu các hành như bờ đê ngăn nước, vì giải thoát nên mới trụ được và do trụ nên được giải thoát. Theo lời Phật dạy thì thứ định này có quả báo nào và được lợi ích thù thắng gì? Tôn giả A-nan nghe xong liền hỏi: Thầy đạt được định này chăng? Vị Bí-sô chợt nghĩ: Quả đúng như điều ta đoán từ trước! Liền im lặng đứng yên. Tôn giả A-nan bảo: Phật nói định này được quả báo về giải, được lợi ích thù thắng về giải. Giải nghĩa là trí sinh, tu đạo dứt hết lậu, không bao lâu nữa thầy sẽ có được các sự việc đó.

Ở đây nói: Không hôn trầm: Là đã đoạn dứt ngã kiến. Không trạo cử: Là đã đoạn dứt ngã sở kiến.

Lại nữa, không hôn trầm tức đoạn dứt hết năm thứ ngã kiến. Không trạo cử tức đoạn dứt mười lăm thứ ngã sở kiến.

Như ngã – ngã sở kiến, kỷ – kỷ sở kiến, ngã – ngã sở ái, kỷ – kỷ sở ái, ngã – ngã sở si, kỷ – kỷ sở si, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, không hôn trầm tức được chứng Niết-bàn. Không trạo cử tức đã buông bỏ hết sinh tử.

Gồm thâu các hành: Tức luôn khởi gia hạnh, dùng nhiều công sức hết sức khéo tác ý, đạt được định ấy.

Như bờ đê ngăn nước: Tức như nước từ các suối tuôn chảy làm đầy tràn ao hồ, bờ đê đập đất này sẽ ngăn lại không để nước tràn chảy đi mất. Định này như thế là tùy vào một cảnh mà hoạt động, có mặt khắp cảnh này sau đó trụ lại không tan mất.

Vì giải thoát nên mới trụ được: Nghĩa là tự tánh giải thoát, an trụ giải thoát, tức là được giải thoát nối tiếp. Định này quán sát tướng không có ngã và ngã sở, nên gọi là Vô tướng, nhưng thật là Không. Do vị Bí-sô kia chuyên tu định này, nên lúc đầu chứng nhập chánh tánh ly sinh, đến sau cùng dứt hết các lậu.

Kinh Pháp Ấn nói: Nếu như quán các tướng của sắc, thanh, hương, vị, xúc mà buông xả các tướng ấy, gọi là định vô tướng. Người đó quán sát tướng của các cảnh giới, buông xả tướng hữu tình, tức là dùng định không quán các pháp như sắc v.v… và buông xả các tướng về hữu tình, trong đó đều không có nam, nữ v.v… Do đấy, Tôn giả Diệu Âm nói: Các tưởng về hữu tình nương vào tướng của các cảnh giới, nên khi quán tướng của cảnh giới thì buông xả các tưởng về hữu tình, tướng nam, nữ cũng không, gọi là định vô tướng, thật ra là thuộc về Tam-ma-địa Không.

HẾT – QUYỂN 104