LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 10

Chương 1: TẠP UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ TRÍ, phần 2

Hỏi: Hành tướng vô ngã duyên nơi tất cả pháp, tự Thể của nó là gì?

Đáp: Lấy tuệ làm tự Thể. Như tự Thể, thì ngã vật, tướng phần, tự tánh cũng như vậy.

Đã nói về tự Thể, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là hành tướng vô ngã duyên nơi tất cả pháp?

Đáp: Vì tuệ này khởi hoạt động đối với tất cả pháp là hành tướng vô ngã, nên gọi là hành tướng vô ngã duyên nơi tất cả pháp.

Về giới: Nghĩa là hành tướng của tuệ này chỉ ở nơi cõi dục, cõi sắc. Trong cõi vô sắc cũng có hành tướng ấy, nhưng không thể duyên nơi tất cả pháp. Về sau sẽ nói rộng

Về địa: Hành tướng của tuệ này ở khắp bảy địa. Nghĩa là cõi dục, định vị chí, tĩnh lự trung gian và bốn tĩnh lự căn bản.

Đây là nói tổng quát. Nếu nói riêng thì tuệ do văn tạo thành chỉ ở năm địa, nghĩa là cõi dục và bốn tĩnh lự. Tuệ do tư tạo thành chỉ ở cõi dục. Tuệ do tu tạo thành chỉ ở sáu địa, nghĩa là trong bảy địa như trước đã nói trừ cõi dục. Bốn địa vô sắc cũng có hành tướng này, nhưng không thể duyên nơi tất cả pháp. Nghĩa là hành tướng vô ngã của Không vô biên xứ duyên nơi bốn vô sắc, nhân nơi cõi đó, diệt ở cõi đó, tức tất cả phẩm đạo loại trí cùng bốn vô sắc là phi trạch diệt, tất cả phẩm đạo loại trí, phi trạch diệt và hết thảy hư không vô vi, hoặc muốn khiến đó là một vật, hoặc muốn khiến đó là nhiều vật, hành tướng này có thể duyên khắp.

Hành tướng vô ngã của Thức vô biên xứ duyên nơi ba vô sắc trên, nhân nơi cõi đó, diệt ở cõi đó, tức tất cả phẩm đạo loại trí và ba vô sắc trên là phi trạch diệt, tất cả phẩm đạo loại trí, phi trạch diệt cùng hết thảy hư không vô vi, hoặc muốn khiến là một vật, hoặc muốn khiến là nhiều vật, hành tướng này có thể duyên khắp. Hành tướng vô ngã của Vô sở hữu xứ duyên nơi hai vô sắc trên, nhân nơi cõi đó, diệt ở cõi đó, tức tất cả phẩm đạo loại trí và hai vô sắc trên là phi trạch diệt, tất cả phẩm đạo loại trí, phi trạch diệt cùng tất cả hư không vô vi, hoặc muốn khiến là một vật, hoặc muốn khiến là nhiều vật, hành tướng này đều có thể duyên khắp.

Hành tướng vô ngã của Phi tưởng phi phi tưởng xứ duyên nơi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhân nơi cõi đó, diệt ở cõi đó, tức tất cả phẩm đạo loại trí và Phi tưởng phi phi tưởng xứ là phi trạch diệt, tất cả phẩm đạo loại trí, phi trạch diệt cùng hết thảy hư không vô vi, hoặc muốn khiến là một vật, hoặc muốn khiến là nhiều vật, hành tướng này đều có thể duyên khắp.

Có Sư khác cho: Hành tướng vô ngã của Không vô biên xứ duyên nơi năm địa là phi trạch diệt. Nghĩa là tĩnh tự thứ tư và bốn vô sắc, ngoài ra như trước đã nói. Cho đến hành tướng vô ngã của Phi tưởng phi phi tưởng xứ duyên nơi hai địa là phi trạch diệt, nghĩa là tự địa kia và Vô sở hữu xứ, ngoài ra như trước nói.

Lời bình: Nên biết ở đây thuyết đã nói trước là đúng.

Hỏi: Vì sao nơi địa vô sắc hành tướng vô ngã không duyên nơi tất cả pháp?

Đáp: Nếu trong địa có thuận phần quyết định lựa chọn và gia hạnh của địa đó giống như căn thiện thì nơi địa ấy hành tướng vô ngã có thể duyên nơi tất cả pháp. Vì vô sắc không như vậy, nên nơi địa đó không có duyên.

Có thuyết nói: Nếu trong địa có căn thiện của hành đế thì địa đó có thể có hành tướng như thế. Vô sắc thì không như vậy.

Có thuyết cho: Nếu trong địa có thế tục trí hiện quán biên thì địa đó có thể có hành tướng như thế. Vô sắc thì không như vậy.

Có thuyết nêu: Nếu trong địa có kiến đạo và gia hạnh của kiến đạo thì trong địa đó sẽ có hành tướng như vậy. Vô sắc thì không như thế.

Có thuyết biện: Nếu Quán của địa đó là hơn hết thì sẽ có hành tướng này. Vì địa vô sắc thì Chỉ là hơn hết, nên địa đó không có duyên.

Về đối tượng nương dựa: Hành tướng vô ngã này nương vào thân của cõi dục, cõi sắc, ban đầu khởi sự thì dựa vào thân của cõi dục.

Về hành tướng: Là tạo ra hành tướng vô ngã.

Về đối tượng duyên: Là duyên nơi hết thảy pháp.

Về niệm trụ: Là duyên xen tạp nơi pháp niệm trụ.

Về trí: Là thế tục trí.

Về Tam-ma-địa cùng hành: Là không phải Tam-ma-địa cùng hành.

Về căn tương ưng: Là tương ưng với ba căn lạc, hỷ, xả.

Hỏi: Cũng có hỷ căn, ưu căn, có khả năng duyên nơi tất cả pháp, vì sao hành tướng này không tương ưng với hai căn kia?

Đáp: Vì mâu thuẫn lẫn nhau. Nghĩa là hành tướng hoan hỷ này chuyển biến thì hành tướng buồn bã kia cũng chuyển biến, thế nên không tương ưng.

Về đời: Hành tướng này gắn liền với ba đời, duyên nơi ba đời và lìa khỏi ba đời.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Là pháp thiện duyên nơi cả ba thứ nơi ba cõi.

Thuộc về, không thuộc về: Là thuộc về cõi dục, cõi sắc, duyên nơi chỗ thuộc về của ba cõi và không thuộc về.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Là phi học phi vô học, duyên nơi cả ba thứ.

Về kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn: Là do tu đạo đoạn duyên nơi cả ba thứ.

Duyên nơi danh, duyên nơi nghĩa: Là danh và nghĩa đều duyên.

Duyên nơi sự nối tiếp của mình, duyên nơi sự nối tiếp của người khác, không nối tiếp: Đều duyên nơi cả ba thứ.

Do văn, tư, tu tạo thành: Là chung cho ba thứ.

Gia hạnh đắc, lìa nhiễm đắc, sinh đắc: Có thể nói là chung cả ba thứ. Đây là nói tổng quát. Nếu nói riêng thì ở cõi dục hành tướng vô ngã của văn, tư tạo thành chỉ có gia hạnh đắc. Ở cõi sắc, hành tướng vô ngã của văn tạo thành có thể nói là gia hạnh đắc, có thể nói là sinh đắc.

Thế nào là có thể nói là gia hạnh đắc? Nghĩa là ở nơi đây, đối với tự tướng, cộng tướng đều tốt thì người tu tập sẽ sinh về quốc độ kia liền đắc. Nếu không như vậy thì sinh về cõi nước kia không đắc.

Thế nào là có thể nói là sinh đắc? Nghĩa là tuy ở nơi đây đã khéo tu tập rồi, nếu chưa được sinh về cõi nước kia thì trọn không thể đắc, sinh về cõi nước kia mới đắc.

Hành tướng vô ngã của văn tạo thành kia, tất phải dựa vào nơi ấy để tu gia hạnh, nên sinh về cõi nước kia là đắc.

Hành tướng vô ngã của tu tạo thành nơi cõi sắc là gia hạnh đắc và lìa nhiễm đắc, cũng có thể nói là sinh đắc.

Hỏi: Nếu ở cõi dục mất sinh nơi tĩnh lự thứ hai, ở tĩnh lự thứ hai chết sinh vào tĩnh lự thứ thứ nhất, vậy người đó có đắc hành tướng vô ngã của tĩnh lự thứ nhất chăng?

Đáp: Nếu trước có khéo tu tập thì đắc. Không như vậy thì không đắc, cho đến sinh vào tĩnh lự thứ tư cũng như thế.

Hỏi: Nếu từ cõi dục chết sinh nơi cõi vô sắc, từ cõi vô sắc chết sinh vào tĩnh lự thứ nhất, người kia có đắc hành tướng vô ngã của tĩnh lự thứ nhất chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không đắc, vì lẽ rất xa.

Nên nói như thế này: Nếu người đó trước đã khéo tu tập thì đắc, ngược lại thì không đắc. Cho đến sinh nơi tĩnh lự thứ tư cũng như thế.

Hỏi: Nếu ở tĩnh lự thứ nhất mất sinh nơi tĩnh lự thứ hai, ở tĩnh lự thứ hai mất sinh vào tĩnh lự thứ nhất, người đó có đắc hành tướng vô ngã của tĩnh lự thứ nhất chăng?

Đáp: Nếu trước khéo tu tập thì đắc, không như vậy thì không đắc. Sinh vào các địa khác cũng như thế.

Hỏi: Các Bổ-đặc-già-la nào đạt được hành tướng này? Chỉ có Thánh giả hay chung cho cả phàm phu?

Đáp: Có người nói: Chỉ có Thánh giả mới đạt được, không phải là các phàm phu. Nên nói như thế này: Nghĩa là phàm phu cũng đạt được.

Hỏi: Phàm phu có hai hạng, là pháp trong, pháp ngoài. Những hạng phàm phu nào chứng đắc hành tướng ấy?

Đáp: Có người nói: Người thuộc pháp trong thì chứng đắc, không phải người thuộc pháp ngoài. Nghĩa là những người kia chấp trước ngã, nên không thể tu tập không, không ngã kiến. Nên nói như thế này: Phàm phu thuộc pháp ngoài cũng đạt được hành tướng ấy, nhưng khác biệt với người thuộc pháp trong. Nghĩa là người của pháp trong cũng do gia hạnh đắc, cũng sinh đắc, cũng chứng đắc, cũng ở ngay nơi thân, cũng thành tựu, cũng hiện tiền. Còn phàm phu thuộc pháp ngoài chỉ là sinh đắc, nhưng không ở nơi thân, không thành tựu, không hiện tiền, vì vướng mắc ngã.

Hỏi: Thế nào là khởi hành tướng vô ngã?

Đáp: Nếu sinh ở cõi dục khởi hành tướng vô ngã của cõi dục, cõi sắc, đều có thể duyên nơi tất cả pháp. Nếu sinh ở tĩnh lự thứ nhất khởi hành tướng vô ngã của tĩnh lự thứ nhất. Người không định: Cũng có thể duyên nơi tất cả pháp. Kẻ có định: Tức chỉ duyên nơi tĩnh lự thứ nhất cho đến Hữu đảnh. Khởi hành tướng vô ngã của ba tĩnh lự trên, cũng chỉ có thể duyên nơi tĩnh lự thứ nhất cho đến Hữu đảnh.

Nếu sinh nơi tĩnh lự thứ hai khởi hành tướng vô ngã của tĩnh lự thứ hai. Người không định: Có thể duyên nơi tất cả pháp. Kẻ có định: Tức chỉ duyên từ tĩnh lự thứ hai cho đến Hữu đảnh. Khởi hành tướng vô ngã của tĩnh lự thứ ba, thứ tư, cũng chỉ có thể duyên từ tĩnh lự thứ hai cho đến Hữu đảnh.

Nếu sinh nơi tĩnh lự thứ ba, thứ tư, thì như lý nên nói. Nếu sinh ở cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, khởi hành tướng vô ngã của cõi vô sắc thì duyên nơi pháp sai biệt, như đã nói ở trước.

Hỏi: Hành tướng vô ngã của hai cõi dục, Sắc vì sao lại duyên với nhiều pháp?

Đáp: Hành tướng vô ngã của cõi sắc, nếu người không định tức pháp của đối tượng duyên cùng bằng với cõi dục. Nếu người có định tức pháp của đối tượng duyên ít hơn đối với cõi dục. Nghĩa là không thể duyên nơi sắc tùy chuyển của mình. Hành tướng vô ngã của cõi dục không có sắc tùy chuyển nên có thể duyên với hết thảy sắc.

Có thuyết cho: Là có thân niệm trụ duyên với tất cả sắc, không có thọ tâm. Pháp niệm trụ duyên với hết thảy thọ tâm pháp.

Hỏi: Hành tướng vô ngã duyên với tất cả pháp này là hữu lậu hay vô lậu?

Đáp: Là hữu lậu, không phải vô lậu. Vì sao? Vì có hành tướng vô ngã của thế tục hãy còn không thể duyên với hết thảy pháp, như thuận phần quyết định lựa chọn, huống chi là hành tướng vô ngã của vô lậu có thể duyên với hết thảy pháp? Vì hành tướng này duyên riêng với đế. Như các tà kiến hãy còn không có một lúc duyên với hai đế, huống chi là duyên với nhiều đế? Như đối tượng được đối trị, thì chủ thể đối trị cũng như thế.

Hỏi: Hành tướng vô ngã hữu lậu có thể đoạn trừ phiền não được không?

Đáp: Không thể đoạn trừ.

Hỏi: Nếu thế vì sao Thánh giả lại khởi?

Đáp: Vì khiến cho căn tánh trở nên nhạy bén để nhập Thánh đạo. Lại nữa, do bốn duyên nên Thánh giả khởi hiện: 1. Vì hiện pháp lạc trụ. 2. Vì quán công việc vốn đã làm. 3. Vì công đức đạt diệu dụng. 4. Vì nhận dùng tài vật của Thánh.

Hỏi: Hành tướng vô ngã này là cùng hành với tác ý vui thích hay cùng hành với tác ý nhàm chán? Nếu như thế là có lỗi gì? Nếu cùng hành với tác ý vui thích, vì sao lại duyên nơi pháp có thể nhàm chán? Nếu cùng hành với tác ý nhàm chán, thì làm thế nào duyên với pháp đáng vui thích?

Đáp: Nên nói như thế này: Là cùng hành với tác ý vui thích.

Hỏi: Nếu thế thì làm sao duyên nơi pháp có thể nhàm chán?

Đáp: Sư Du Già kia đối với pháp đáng vui thích, vẫn sinh vui thích ưa chuộng. Giả sử trong vô lượng khối đáng nhàm chán, có một phần có thể vui thích, tức sẽ sinh sự vui thích, huống chi là nhiều? Như đặt một đồng tiền vàng trên khối đồng tiền đồng, đối với khối ấy sinh vui thích chung. Hành tướng này cũng thế, nên không có lỗi.

***

* Từng có hai tâm lần lượt làm nhân cho nhau chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì để ngăn chận Tông chỉ của người khác và nhằm làm rõ nghĩa của mình. Nghĩa là hoặc có lối chấp: Nhân duyên không có Thể. Vì nhằm ngăn chận Tông chỉ đó và muốn chứng minh nhân duyên là thật có Thể tánh.

Hoặc có lối chấp: Một Bổ-đặc-già-la có hai tâm cùng phát sinh, như Đại Chúng Bộ. Vì nhằm ngăn chận Tông chỉ kia và nhằm xác minh một Bổ-đặc-già-la không có hai tâm cùng phát sinh.

Hoặc có ngoại đạo dẫn thí dụ hiện tại của thế gian để chấp sau làm nhân cho trước. Họ nói thế này: Hiện thấy nước suối vọt lên, giọt sau ép giọt trước, tạo thành dòng nước. Trong dòng nước này, giọt nước sau làm nhân cho giọt nước trước. Như thế các pháp khi hành ở ba đời, đời vị lai bức bách khiến nhập hiện tại, đời hiện tại bức bách khiến nhập quá khứ, nên đời vị lai làm nhân cho hiện tại, hiện tại lại làm nhân cho quá khứ. Vì nhằm ngăn chận Tông chỉ đó và chứng minh pháp sau không phải là nhân của pháp trước. Nếu là nhân thì mâu thuẫn với các pháp duyên khởi trong, ngoài. Trái với pháp duyên khởi trong, nghĩa là tức hành duyên với vô minh, cho đến lào, tử duyên với sinh. Cha mẹ làm nhân cho con. Nhãn sắc làm nhân cho nhãn thức, cho đến ý pháp làm nhân cho ý thức.

Lại, Yết-la-lam làm nhân cho Át-bộ-đàm, cho đến trai tráng làm nhân cho già. Những sự việc như thế trái với pháp duyên khởi ngoài. Nghĩa là hạt giống nên làm nhân cho mầm, cho đến hoa làm nhân cho quả. Như vậy v.v… lại có lỗi lớn, nghĩa là chưa tạo nghiệp mà đã thọ nhận quả, thọ nhận quả rồi mới tạo nghiệp. Sự việc đó là thế nào? Tức trước là thọ nhận dị thục khổ, vui, sau mới tạo nghiệp thiện, ác. Trước được quả luật nghi, không luật nghi, sau mới nhận lãnh giới luật nghi, không luật nghi. Trước bị đọa vào địa ngục, sau mới gây tội vô gián. Trước làm Luân vương, sau mới tạo dựng nghiệp đó. Trước chứng được Chánh đẳng Bồ-đề Vô thượng, sau mới tu sáu pháp Ba-la-mật. Nếu chưa tạo nghiệp mà trước đã thọ nhận căn, nên là nghiệp đã tạo nhưng lại mất mát, hư hoại, thế thì không có giải thoát, xuất ly. Cho nên không thể cho cái sau làm nhân cho cái trước. Do nhân duyên đó, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Từng có hai tâm lần lượt làm nhân cho nhau không?

Đáp: Không. Vì sao? Vì không có một Bổ-đặc-già-la không phải trước, không phải sau mà hai tâm cùng sinh.

Lại, không phải tâm sau làm nhân cho tâm trước.

Ở đây, nói không: Tức là ngăn chận bác bỏ ý tưởng cho nhân duyên không có thật Thể. Nghĩa là không có hai tâm lần lượt làm nhân lẫn nhau, nhưng vẫn có pháp khác cùng làm nhân lẫn nhau.

Không có một Bổ-đặc-già-la: Tức là ngăn chận lối chấp của Đại Chúng Bộ: Một Bổ-đặc-già-la có hai tâm cùng phát sinh. Một Bổ-đặc-già-la: Là ngăn chận có nhiều Bổ-đặc-già-la.

Không phải trước: Là ngăn chận quá khứ.

Không phải sau: Là ngăn chận vị lai.

Đây là chỉ rõ: Một Bổ-đặc-già-la hiện tại, trong khoảng một sát-na, không có hai tâm.

Có tụng khác nói: Không phải đã, sẽ, đang có một Bổ-đặc-giàla có hai tâm cùng sinh.

Tụng này chỉ rõ một Bổ-đặc-già-la nơi ba đời, trong khoảng một sát-na đều không có hai tâm.

Lại không phải tâm sau làm nhân cho tâm trước: Đây chính là ngăn chận ngoại đạo chấp sau làm nhân cho trước, cũng nhằm chỉ rõ nghĩa pháp sau không phải làm nhân cho trước.

Ở đây, cùng căn cứ vào năm nhân để tạo luận, nên đáp là không. Nếu căn cứ vào sáu nhân nên đáp là có. Do nhân năng tác đều có khắp.

Không một Bổ-đặc-già-la v.v…: Là ngăn chận nghĩa của nhân tương ưng, câu hữu.

Lại không phải tâm sau làm nhân tâm trước: Là ngăn chận nghĩa của nhân dị thục, đồng loại, biến hành.

Đều không ngăn chận: Nghĩa là nhân năng tác.

Như nói nghĩa hai tâm không làm nhân cho nhau, như thế thì các tâm sở pháp như hai thọ, hai tưởng, hai tư, hai xúc, hai tác ý, hai thắng giải, hai dục, hai niệm, hai định, hai tuệ v.v… Các sắc pháp như hai mắt, cho đến hai thân v.v… Các tâm bất tương ưng hành pháp đồng loại như hai mạng căn, hai chúng đồng phần v.v… đều là nghĩa không làm nhân cho nhau.

***

* Từng có hai tâm lần lượt duyên với nhau không? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Trong đây, không nên trước tạo ra phần Luận này. Nhưng trước đã tạo phần Luận này: Vì sao không có một Bổ-đặc-già-la, cho đến nói rộng. Vì sao? Vì trước nói không một Bổ-đặc-già-la, không phải trước, không phải sau, hai tâm cùng sinh. Tuy nói như thế, nhưng chưa nói đến nhân duyên hình thành, vì vậy sau đây nên nói: Vì sao không có một Bổ-đặc-già-la, cho đến nói rộng. Nhưng trước không nói lời này là có ý gì?

Đáp: Do người tạo luận có ý muốn như thế, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: A-tỳ-đạt-ma là nhằm chỉ rõ về tánh và tướng của các pháp nên mới nói. Không nên mong tìm thứ lớp của các pháp kia, cần nhất là không trái với pháp tướng. Hoặc trước hoặc sau đều không nên trách cứ.

Có thuyết cho: Luận có hai thứ: 1. Luận căn bản. 2. Luận phát sinh phụ. Ở đây, từng có hai tâm lần lượt làm nhân lẫn nhau, làm duyên lẫn nhau, là luận căn bản. Vì sao không có một Bổ-đặc-già-la v.v… là luận phát sinh phụ. Hai luận căn bản lý nên nói trước, một luận phát sinh phụ lý nên nói sau, thế nên luận căn bản này được nói trước.

Từng có hai tâm lần lượt duyên với nhau không? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn cho kẻ nghi có được quyết định. Nghĩa là trước nói không có hai tâm lần lượt làm nhân cho nhau, chớ cho cũng không có hai tâm lần lượt duyên với nhau. Vì muốn dứt trừ nghi này, nên chỉ rõ có hai tâm lần lượt duyên với nhau.

Lại có thuyết nói: Vì để ngăn chận ý bác bỏ cho không có đối tượng duyên duyên với Thể tánh, cùng làm sáng tỏ: Đối tượng duyên duyên với Thể tánh là thật có, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Từng có hai tâm lần lượt duyên với nhau không?

Đáp: Có. Như tâm hữu khởi hiện không vị lai. Tâm tức là tư duy. Đây là khởi tâm thứ hai, cho đến nói rộng.

Hỏi: Trong đây, chỉ nên trả lời chung là có, không nên nói lại, như nói có v.v… Vì sao? Như nói: Nếu pháp cùng với pháp kia làm đối tượng duyên, thì pháp này cùng với pháp kia có lúc nào không phải là đối tượng duyên không?

Đáp: Không.

Hỏi: Thời gian không phải là đối tượng duyên sao?

Đáp: Tuy nói chung là có, về nghĩa đã đủ, nhưng vì muốn đem lại lợi ích cho các đệ tử v.v… tức làm sao cho họ hiểu rõ, nên phải nói lại. Như nói: Có v.v… Như tâm hữu khởi hiện không vị lai, tâm tức là tư duy, đây là khởi tâm thứ hai. Nghĩa là trước khởi tà kiến trong một sát-na, hoặc chỉ là nhóm tà kiến hủy báng vị lai, hoặc hủy báng tổng quát các uẩn hữu lậu vị lai. Sau lại khởi tà kiến ở sát-na thứ hai, hoặc chỉ là nhóm tà kiến hủy báng quá khứ, hoặc hủy báng chung các uẩn quá khứ. Hai tà kiến đó tương ưng với tâm, lần lượt duyên với nhau, như sau tà kiến sinh tà kiến, đối với sự việc kia hủy báng cho là không. Như vậy sau tà kiến, sinh hữu thân kiến, đối với thân ấy chấp ngã ngã sở. Biên chấp kiến thì chấp đoạn thường. Kiến thủ thì chấp là bậc nhất. Giới cấm thủ thì chấp có khả năng làm thanh tịnh. Các thứ nghi, do dự, tham nhiễm, tức giận, ghét bỏ, kiêu mạn tự dấy khởi vô minh, không hiểu rõ v.v… Lại sau tà kiến, hoặc sinh chánh kiến, đối với thân kia khởi tưởng vô thường, khổ, không, vô ngã, nhân tập sinh duyên: Là có, là thật, là tánh, là phần, có nhân, có khởi, có xứ, có hành tướng của sự việc. Hoặc sinh tâm vô phú vô ký, đối với thân kia khởi hiện hành tướng không phải như lý, không phải không như lý. Đây gọi là tà kiến tương ưng với tâm và các tâm hữu lậu lần lượt duyên với nhau. Như tâm tà kiến, các tâm nhiễm ô khác nên biết cũng như thế.

Trong Luận này chỉ nói tà kiến là môn, vì đồng nhiễm ô. Như tâm hữu khởi hữu vị lai, tâm tức là tư duy. Đây là khởi tâm thứ hai.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì trước đã nói về tâm tà kiến cùng với tâm hữu lậu lần lượt duyên với nhau. Nay muốn nói tâm chánh kiến cùng với tâm hữu lậu lần lượt duyên với nhau, nên tạo ra phần Luận này.

Nghĩa là trước hết khởi chánh kiến trong một sát-na. Hoặc chỉ đối với nhóm chánh kiến ở vị lai. Hoặc đối chung với các uẩn hữu lậu ở vị lai, khởi lên hành tướng hữu. Về sau sinh khởi chánh kiến ở sát-na thứ hai. Hoặc chỉ đối với nhóm chánh kiến trong quá khứ. Hoặc đối chung với các uẩn hữu lậu của quá khứ, khởi hành tướng như vô thường v.v…

Như thế sau chánh kiến sinh chánh kiến, nên đối với uẩn kia khởi các hành tướng như vô thường v.v… Như thế sau chánh kiến hoặc sinh tà kiến, nên đối với chánh kiến kia sẽ hủy báng cho là không khởi hữu thân kiến, lại chấp ngã ngã sở, nói rộng cho đến vô minh, không hiểu rõ.

Lại, sau chánh kiến hoặc sinh tâm vô phú vô ký, nên đối với thân kia sẽ sinh khởi hành tướng không phải như lý, không phải không như lý. Đó gọi là tâm tương ưng với chánh kiến cùng các tâm hữu lậu lần lượt duyên với nhau.

Như tâm chánh kiến, tâm vô phú vô ký nên biết cũng như thế, vì đồng không nhiễm.

Như tâm hữu khởi không có đạo vị lai, tâm tức là tư duy. Đây là khởi tâm thứ hai.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã nói về tâm tà kiến và tâm hữu lậu lần lượt duyên với nhau. Nay muốn nói đến tâm tà kiến và tâm vô lậu lần lượt duyên với nhau, nên tạo ra phần Luận này.

Nghĩa là trước hết khởi tà kiến trong một sát-na hủy báng đạo vị lai, về sau nhập chánh tánh ly sinh, khởi khổ nhẫn, khổ trí, hoặc tập nhẫn, tập trí. Đối với nhóm tà kiến quá khứ kia khởi hành tướng vô thường, khổ, không, vô ngã, nhân tập sinh duyên. Hai tâm như thế lần lượt duyên với nhau, nên biết trong đây là ngăn chận về sát-na, ngăn chận về sự chảy rót, không ngăn chận về thời phần, không ngăn chận chúng đồng phần, không ngăn chận từ vô thỉ đến nay.

Ngăn chận về sát-na: Nghĩa là tất không có khởi tà kiến ở sát-na trước để hủy báng Thánh đạo, ở sát-na thứ hai tức có thể nhập chánh tánh ly sinh.

Ngăn chận về sự chảy rót: Nghĩa là tất không có trong một lượt chảy rót, trước khởi tà kiến hủy báng Thánh đạo, về sau tức có khả năng nhập chánh tánh ly sinh.

Không ngăn chận về thời phần: Nghĩa là thời gian buổi sáng khởi tà kiến, hủy báng Thánh đạo, thời gian giữa trưa liền có khả năng nhập chánh tánh ly sinh. Thời gian giữa trưa khởi tà kiến, hủy báng Thánh đạo, thời gian buổi chiều liền có khả năng nhập chánh tánh ly sinh. Ba phần trong một đêm cũng như thế. Như vậy, ngày đêm, nửa tháng, một tháng, mùa một năm, các phần vị thảy đều không ngăn chận, huống chi là chúng đồng phần từ vô thỉ đến nay.

Như tà kiến, thì nghi, vô minh nên biết cũng như thế, vì đồng duyên nơi đạo.

Như tâm hữu khởi có đạo ở vị lai. Tâm tức là tư duy. Đây là khởi tâm thứ hai.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã nói tâm chánh kiến cùng tâm hữu lậu lần lượt duyên với nhau. Nay vì muốn nói tâm chánh kiến cùng với tâm vô lậu lần lượt duyên với nhau, nên tạo ra phần Luận này.

Nghĩa là trước hết sinh khởi chánh kiến trong một sát-na. Hoặc chỉ đối với tâm vô lậu ở vị lai. Hoặc đối chung với các uẩn vô lậu ở vị lai, sinh khởi hành tướng hữu lậu, về sau sinh khởi Thánh đạo. Hoặc chỉ đối với nhóm chánh kiến của quá khứ, hoặc đối chung với các uẩn hữu lậu ở quá khứ, sinh khởi hành tướng vô thường, khổ, không, vô ngã, nhân tập sinh duyên. Hai tâm như thế lần lượt duyên với nhau. Nên biết ở đây có các người muốn khiến chỉ tác ý cộng tướng vô gián sinh khởi Thánh đạo. Nghĩa là luận kia chỉ chủ yếu ngăn chận về sát-na, không ngăn chận về sự chảy rót.

Ngăn chận về sát-na: Là ở đây có hành tướng của tâm đạo vị lai, là tác ý tự tướng. Có các người muốn khiến hai thứ tác ý không gián đoạn đều khởi Thánh đạo, luận kia cũng không ngăn chận sát-na.

Như có hai người nhận biết tâm người khác, hai tâm của họ lần lượt duyên với nhau.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Như trước đã nói, tâm nối tiếp nhau của mình lần lượt duyên với tâm nối tiếp nhau của mình. Nay muốn nói tâm nối tiếp nhau của mình lần lượt duyên với tâm nối tiếp nhau của người khác, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Trong đây nói những gì là hai người nhận biết tâm người khác, thế nào là hai tâm họ duyên lẫn nhau?

Đáp: Tức trong đây nói căn v.v…, địa v.v…, đạo v.v….

Hai người nhận biết tâm người khác: Nghĩa là hai tâm của hai người kia lần lượt duyên với nhau.

Căn v.v…: Nghĩa là đồng lợi căn, trung căn, hạ căn.

Địa v.v…: Nghĩa là đồng nương vào tĩnh lự thứ nhất, cho đến đồng dựa vào tĩnh lự thứ tư.

Đạo v.v…: Nghĩa là đồng hữu lậu, đồng vô lậu, đồng phẩm pháp trí, đồng phẩm loại trí, đồng học, đồng vô học.

Hỏi: Hai tâm kia thế nào là duyên với nhau?

Đáp: Chỉ duyên với tâm của người kia, không phải là đối tượng duyên của tâm kia cùng hành tướng của chủ thể duyên. Nếu duyên với đối tượng duyên của tâm kia cùng hành tướng của chủ thể duyên thì sẽ có lỗi tự duyên với chính mình.

Hỏi: Cũng có trí khác cùng chung với tâm lần lượt duyên với nhau, vì sao chỉ nói tha tâm trí cùng hiện hành?

Đáp: Vì đây là ý của người tạo luận muốn như thế, cho đến nói rộng.

Có thuyết cho: Nên nói nhưng không nói, phải biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nêu: Trong đây chỉ nói một cách rõ, sáng, không lẫn lộn, có thể nhận biết dễ, trí khác thì không như vậy.

Hỏi: Có nhiều thứ tha tâm trí, vậy trong Luận này nói về trí nào?

Đáp: Nói gia hạnh đắc, lìa nhiễm đắc.

Hỏi: Vì sao không nói các trí khác?

Đáp: Đó là ý của người tạo luận muốn như vậy, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Nên nói nhưng không nói, phải biết là nghĩa này nêu bày chưa đầy đủ.

Có thuyết cho: Trong Luận này chỉ nói danh, nghĩa thù thắng, là gia hạnh đắc. Lìa nhiễm đắc là do tu tạo thành, bốn chi, năm chi thuộc về thông tuệ, là quả của tĩnh lự thù thắng.

Có thuyết nêu: Trí này không có sai lầm đối với cảnh. Các trí khác thì không như thế, do vậy nên không nói. Nay vì văn này tác động nơi biển đối tượng nhận thức. Như nói: Hai tâm lần lượt duyên với nhau. Nên biết, các tâm sở pháp như thọ v.v… duyên với nhau cũng như thế. Lại cũng nên nói là các tâm như bộ, cõi, thiện v.v… đều duyên với nhau.

Bộ: Nghĩa là tâm do kiến khổ đoạn trừ cùng với tâm do kiến khổ, kiến tập, tu đạo đoạn trừ lần lượt duyên với nhau. Tâm do kiến tập đoạn trừ cùng với tâm do kiến khổ, kiến tập, tu đạo đoạn trừ lần lượt duyên với nhau. Tâm do kiến diệt đoạn trừ duyên nơi hữu lậu lần lượt cùng duyên với nhau. Tâm do kiến đạo đoạn trừ duyên nơi hữu lậu lần lượt cùng duyên với nhau. Tâm do kiến đạo đoạn trừ duyên nơi vô lậu cùng với tâm vô lậu lần lượt duyên với nhau, nên biết tâm vô lậu cũng lần lượt duyên với nhau. Tâm do tu đạo đoạn lần lượt duyên với nhau. Tâm do tu đạo đoạn cùng với tâm vô lậu lần lượt duyên với nhau. Nên biết tâm do tu đạo đoạn cùng với tâm do kiến khổ, kiến tập đoạn trừ lần lượt duyên với nhau: Nghĩa là thiện, vô phú vô ký cùng với tâm vô lậu lần lượt duyên với nhau, tức là chỉ có thiện.

Cõi: Nghĩa là tâm cõi dục cùng với tâm cõi dục, cõi sắc và tâm không hệ thuộc lần lượt duyên với nhau. Tâm cõi sắc cùng với tâm cõi sắc, cõi vô sắc và tâm không hệ thuộc lần lượt duyên với nhau. Tâm cõi vô sắc cùng với tâm cõi vô sắc và tâm không hệ thuộc lần lượt duyên với nhau. Nên biết tâm cõi vô sắc cùng với tâm cõi sắc lần lượt duyên với nhau. Nghĩa là cận phần của Không vô biên xứ.

Thiện v.v…: Nghĩa là tâm thiện, tâm bất thiện, tâm vô ký, mỗi tâm đều lần lượt duyên nơi ba thứ tâm, chỉ trừ dị thục bất thiện, vì dị thục đó chỉ có trong năm thức thân. Ngoài ra các tâm vô phú vô ký đều có nghĩa lần lượt duyên với nhau.

Lại, tà kiến hủy nhân báng quả đã nói trong đây, có bốn trường hợp sai biệt: Hoặc dựa vào nhân để hủy báng quả. Hoặc dựa vào quả để hủy báng nhân. Hoặc không nương vào nhân để hủy báng quả.

Hoặc không nương vào quả để hủy báng nhân.

Dựa vào nhân để hủy báng quả: Nghĩa là như nói: Hành diệu, hành ác đều không có dị thục của quả.

Dựa vào quả để hủy báng nhân: Nghĩa là như nói: Hết thảy khổ, vui mà Sĩ phu, Bổ-đặc-già-la đã thọ nhận đều không có nhân, không có duyên.

Không nương vào nhân để hủy báng quả: Nghĩa là như nói: Không có loài hữu tình hóa sinh.

Không nương vào quả để hủy báng nhân: Nghĩa là như nói: Không có hành diệu, hành ác.

Hỏi: Duyên có bốn thứ, vì sao trong phần này chỉ nói có nhân duyên và sở duyên duyên, không phải là hai thứ khác?

Đáp: Vì đây là do người tạo luận có ý muốn như thế, cho đến nói rộng.

Có thuyết nói: Nên nói nhưng không nói, phải biết nghĩa này là nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết cho: Hai duyên kia cũng đã nói đến trong phần này. Nghĩa là nếu nói Nhân duyên nên biết là đã nói đến Đẳng vô gián duyên. Như không có hai tâm lần lượt làm nhân, tức cũng không có hai tâm lần lượt làm đẳng vô gián. Nếu nói Sở duyên duyên phải biết là đã nói đến Tăng thượng duyên. Như có hai tâm lần lượt làm sở duyên, cũng có hai tâm lần lượt làm tăng thượng.

Vì sao không có một Bổ-đặc-già-la? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì ngăn chận Tông chỉ của người khác và nhằm bày tỏ nghĩa của mình. Nghĩa là hoặc có lối chấp: Thể tánh của đẳng vô gián duyên không phải là thật có. Vì nhằm ngăn chận ý đó và muốn chỉ rõ là thật có Thể tánh của đẳng vô gián duyên.

Hoặc có lối chấp: Một Bổ-đặc-già-la có hai tâm cùng sinh. Vì nhằm ngăn chận lối chấp đó và nêu bày rõ là chỉ có một tâm.

Có thuyết nêu: Đoạn văn này là Luận phát sinh phụ. Trước đã nói không có một Bổ-đặc-già-la không phải trước, không phải sau có hai tâm cùng sinh, nhưng chưa nói lý do. Nay vì muốn nói rõ về lý do nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao không có một Bổ-đặc-già-la, không phải trước, không phải sau có hai tâm cùng sinh?

Đáp: Vì không có đẳng vô gián duyên thứ hai. Nghĩa là khi tâm tâm sở pháp sinh khởi, tất phải nương dựa vào đẳng vô gián duyên. Đã không có đẳng vô gián duyên thứ hai, tất nên không có một Bổđặc-già-la, không phải trước, không phải sau có hai tâm cùng sinh.

Vấn đề này lại nên hỏi: Vì sao không có đẳng duyên vô gián duyên thứ hai? Và nên đáp: Vì mỗi mỗi tâm của hữu tình cùng nối tiếp chuyển biến. Nghĩa là tâm hữu tình theo pháp như vậy, tức mỗi mỗi nối tiếp nhau chuyển biến, không có hai, không có nhiều. Đây là nghĩa lần lượt lại đối đáp lẫn nhau.

Có thuyết nói: Đoạn văn này đáp lại câu hỏi trước. Nghĩa là trước đã hỏi: Vì sao không có một Bổ-đặc-già-la không phải trước, không phải sau có hai tâm cùng sinh? Nay lại trả lời: Mỗi mỗi tâm của hữu tình cùng nối tiếp chuyển biến. Nghĩa là mỗi mỗi hữu tình do lực của pháp như vậy, nên chỉ có một tâm nối tiếp nhau chuyển biến. Vì sao? Vì nhóm tâm vị lai tất do tâm hiện tại hòa hợp mới sinh, không hòa hợp thì không sinh. Vì hiện tại chỉ có một sự hòa hợp khiến mỗi mỗi tâm vị lai sinh khởi. Cũng như có nhiều người cùng đi qua con đường hẹp thì phải tuần tự từng người một, cả hai người cùng qua một lượt hãy còn không lọt huống chi là nhiều người. Lại như cửa chuồng bò, dê nhỏ hẹp, chỉ đi ra từng con một, không hai con, không nhiều con. Cũng như thế, nhóm tâm vị lai của hữu tình dựa vào sự hòa hợp nơi mỗi mỗi tâm trong hiện tại mà sinh khởi. Nếu như đời hiện tại có nhiều sự hòa hợp, vì mở rộng thêm đời kế tiếp, nên trong một lúc có nhiều tâm sinh khởi, song vì không có sự việc này, nên phải mỗi mỗi tâm một phát sinh. Lại do hòa hợp mà có trước sau. Giả sử trước có tu đạo hòa hợp, về sau người kiến đạo tức nên tu đạo sinh trước kiến đạo. Chỉ vì không có sự việc này, cho nên trước phải khởi kiến đạo. Do vậy, không có một Bổ-đặc-già-la, không phải trước, không phải sau có hai tâm cùng sinh.

Ở trong nghĩa này lại có phân biệt. Nghĩa là vì sao không có một Bổ-đặc-già-la không phải trước, không phải sau có hai tâm cùng sinh?

Tôn giả Thế Hữu nói: Đối với thân trong một sát-na chỉ có một tâm, dựa vào sự chuyển biến của thân kia nên không có hai tâm. Lại nữa, đối với một sát-na, mạng căn chỉ có một tâm, dựa vào sự chuyển biến của mạng kia nên không có hai tâm. Lại nữa, đối với một sát-na chỉ có một loại tâm của chúng đồng phần, dựa vào sự chuyển biến của chúng đồng phần đó nên không có hai tâm.

Đại đức nói: Lúc pháp sinh, hòa hợp chỉ một không hai, vì không thể một hòa hợp mà có đến hai quả sinh, nên tâm của một sátna chỉ có một.

Lại có người cho: Nếu có hai tâm cùng sinh, tức nên không thể điều phục. Chẳng hạn như nay chỉ mỗi tâm ương cứng, tàn bạo, còn không dễ gì điều phục huống chi là hai tâm? Nếu tâm không thể điều phục thì không có nghĩa được giải thoát. Do vậy, một sự nối tiếp nhau đều không có hai tâm.

Hoặc có thuyết nêu: Nếu một hiện tượng nối tiếp nhau mà có hai tâm cùng sinh tức có lỗi là tạp nhiễm và thanh tịnh đều sinh khởi cùng một lúc. Nghĩa là một tâm tạp nhiễm và một tâm thanh tịnh, như vậy thì không được lý giải thoát, lại nên một lúc sinh vào nẻo thiện, ác. Lại nữa, nếu một hiện tượng nối tiếp nhau có hai tâm cùng sinh khởi một lượt thì đâu ngại gì có ba tâm. Nếu có ba tâm tức nên trong một lúc nên thọ nhận dị thục của ba cõi, vì thế tuy ba cõi có hủy hoại cũng không có giải thoát. Lại nữa, nếu một hiện tượng nối tiếp nhau có ba tâm cùng sinh khởi thì đâu ngại gì có bốn tâm. Nếu có bốn tức cùng một lúc lại nên thọ nhận dị thục của bốn đời, vậy tuy đời có hoại diệt cũng không có giải thoát. Lại nữa, nếu một hiện tượng nối tiếp nhau có bốn tâm cùng sinh khởi thì đâu ngại gì có năm tâm. Nếu có năm tức trong một lúc sẽ thọ nhận dị thục của năm nẻo, thế thì tuy nẻo đó có tan hoại cũng không có giải thoát. Lại nữa, nếu một hiện tượng nối tiếp nhau có năm tâm cùng sinh khởi thì đâu ngại gì có sáu tâm. Nếu có sáu tức nên cùng một lúc có đến sáu thức đều phát sinh và cùng một lúc giữ lấy tất cả cảnh giới. Lại nữa, nếu một hiện tượng nối tiếp nhau có sáu tâm cùng sinh khởi thì đâu ngại gì nếu có đến một trăm. Nếu có một trăm thì đâu ngại gì có một ngàn, cho đến nào có ngại gì với vô số tâm cùng sinh khởi. Như vậy các pháp từ đời vị lai phải nên sản sinh cùng một lúc, đối với đời hiện tại chỉ sinh trong một lúc rồi diệt mất. Thế thì nên không có vị lai, hiện tại, vì phải quán vị lai, hiện tại mà nói có quá khứ, nhưng vì vị lai, hiện tại đã không có, thế nên quá khứ cũng không. Nếu không có ba đời thì không có hữu vi. Nếu không có hữu vi thì sẽ không có vô vi. Như thế tất cả pháp đều không có. Đây là lỗi lớn. Do vậy, nên không có hai tâm cùng sinh khởi.

Có Sư khác nói: Nếu một hiện tượng nối tiếp nhau có hai tâm cùng sinh khởi thì các tâm sở pháp như thọ v.v… cũng nên cả hai cùng sinh. Vậy trong một sát-na nên có mười uẩn, tức là hữu tình hoại. Hữu tình đã hoại thì thân nương dựa hoại. Đối tượng nương dựa hoại thì năm bộ hoại. Năm bộ hoại thì pháp đối trị hoại. Pháp đối trị hoại tức biến tri hoại. Biến tri hoại thì tất cả quả Sa-môn v.v… đều hoại. Chớ nên có lỗi này. Do vậy, một sự nối tiếp nhau không có hai tâm cùng sinh khởi.

Hỏi: Như trong một sát-na có nhiều tâm sở, nhưng nếu không có lỗi trước thì tâm cũng như vậy chăng?

Đáp: Tôn giả Thế Hữu cho: Tâm sở tuy có nhiều, nhưng cùng với tâm đồng một đối tượng dẫn khởi của đẳng vô gián duyên. Chẳng hạn như tâm là một thì thọ v.v… cũng là một, thế nên không có lỗi.

Đại đức nói: Tâm cùng với thọ v.v… là một hòa hợp sinh. Như tâm là một thì thọ v.v… cũng là một, thế nên không có lỗi.

Lại có người nêu: Tâm cùng với thọ v.v… là từ một tác ý sinh, như tâm là một thì thọ v.v… cũng là một. Tuy đều gọi là tâm sở, nhưng thể loại đều dị biệt, thế nên không có lỗi.

Hỏi: Như trước đã nói, tự Thể của đẳng vô gián duyên là gì?

Đáp: Trừ tâm tâm sở pháp sau cùng của A-la-hán, các tâm tâm sở pháp quá khứ, hiện tại còn lại là tự Thể của đẳng vô gián duyên.

Hỏi: Vì sao tâm tâm sở pháp sau cùng của A-la-hán không phải là đẳng vô gián duyên?

Đáp: Vì tâm tâm sở pháp sau cùng của A-la-hán kia, nếu là đẳng vô gián duyên thì A-la-hán ấy về sau này nên có tâm tâm sở pháp sinh khởi. Nếu thế thì không có sự giải thoát hoàn toàn.

Có Sư khác nói: Tâm tâm sở pháp sau cùng của A-la-hán kia cũng là đẳng vô gián duyên, về sau tâm tâm sở pháp của A-la-hán kia không sinh khởi, là có những duyên khác, không phải vì tâm tâm sở pháp của A-la-hán kia làm trở ngại. Nếu như sẽ sinh cũng cùng tạo duyên, cũng như ý căn, ý giới, ý xứ.

Sư kia không nên lập luận thuyết như thế. Vì sao? Vì đẳng vô gián duyên dựa vào tác dụng để lập. Nếu pháp này cùng với pháp kia tạo ra đẳng vô gián duyên, tất không có pháp, không có hữu tình, không có chú thuật, không có dược vật v.v… có thể gây trở ngại, khiến tâm tâm sở pháp kia không sinh. Về ý căn, giới, xứ, vì dựa vào tướng của căn mà lập, tuy về sau thức không sinh, nhưng vì có tướng như căn v.v… nên được gọi là căn v.v…

Hỏi: Vì sao tâm sau cùng của A-la-hán có tướng như ý căn v.v… mà không có tướng của đẳng vô gián duyên?

Đáp: Vì ý căn, ý giới, ý xứ không cần phải quan sát đối với pháp sau, nên mới lập quán tức tâm sở v.v… cũng được mang tên. Đẳng vô gián duyên vì quán sát pháp sau, lập ra pháp sau không sinh, nên không nói là duyên. Lại nữa, trong pháp không sinh, vì có tướng của ý thức, nên tâm sau cùng là ý căn v.v… Trong pháp không sinh, không có tướng của đẳng vô gián duyên, vì trụ tạp loạn, thế nên tâm sau cùng v.v… không thành lập đẳng vô gián duyên.

Hỏi: Đẳng vô gián duyên lấy gì làm tướng?

Đáp: Thể tức là tướng, tướng tức là Thể. Do vậy, không nên lìa Thể để tìm kiếm riêng tướng của đẳng vô gián duyên.

Tôn giả Thế Hữu nói: Nghĩa có thể mở rộng thêm là tướng của đẳng vô gián duyên. Lại nữa, nghĩa cùng với thứ lớp là tướng của đẳng vô gián duyên. Lại nữa, nghĩa cùng với tác dụng là tướng của đẳng vô gián duyên. Lại nữa, nghĩa có thể sinh tâm là tướng của đẳng vô gián duyên. Lại nữa, nghĩa có khả năng dẫn phát tâm là tướng của đẳng vô gián duyên. Lại nữa, nghĩa có khả năng cảnh giác tâm là tướng của đẳng vô gián duyên. Lại nữa, nghĩa có khả năng khiến tâm nối tiếp nhau là tướng của đẳng vô gián duyên.

Đại đức nói: Nghĩa có khả năng dẫn sinh tâm vô gián là tướng của đẳng vô gián duyên.

Tôn giả Bà-mạt-la nói: Nghĩa có khả năng khiến tâm chưa sinh nối tiếp với tâm đã sinh là tướng của đẳng vô gián duyên.

Người A-tỳ-đạt-ma cho: Nghĩa có thể khiến mỗi pháp của tự tướng riêng đều sinh khởi vô gián là tướng của đẳng vô gián duyên.

Mỗi pháp của tự tướng riêng: Là các tâm sở như thọ, tưởng v.v… và tự tướng của tâm đều riêng biệt, đồng thời sinh khởi, nhưng không chấp nhận có hai tâm.

Có Sư khác nêu: Nghĩa khiến cho pháp giống nhau sinh khởi vô gián là tướng của đẳng vô gián duyên.

Đã nói về Thể tướng, về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là đẳng vô gián duyên?

Đáp: Vì duyên này có khả năng dẫn đến pháp đẳng vô gián, nên gọi là đẳng vô gián duyên.

Hỏi: Trong sát-na trước, sau, các tâm sở pháp hoặc nhiều, hoặc ít, vì sao gọi là đẳng? Như tâm sở nơi cõi dục là đa số, không phải là cõi sắc. Tâm sở nơi cõi sắc nhiều, không phải cõi vô sắc. Tâm sở thiện là đa số, không phải là bất thiện. Tâm sở bất thiện nhiều, không phải là vô ký. Tâm sở hữu lậu nhiều, không phải là vô lậu. Vì sao có thể nói là duyên này có thể dẫn sinh pháp đẳng vô gián?

Đáp: Vì căn cứ vào sự việc v.v… mà nói, không dựa vào số lượng v.v…., nên không có lỗi.

Nếu trong một tâm có một tưởng, hai thọ v.v… thì có thể không gọi là đẳng. Vì tâm sở như thọ v.v… trong một tâm, tùy vào đối tượng thích hợp mà sinh khởi đều chỉ có một, thế nên gọi là đẳng.

Hỏi: Vì tâm chỉ cùng với tâm, thọ v.v…. chỉ cùng với thọ v.v… làm đẳng vô gián duyên hay là không như thế?

Đáp: Sa-môn Tương tợ tương tục nói: Tâm chỉ cùng với tâm làm đẳng vô gián duyên. Thọ v.v…. cũng như thế. Mỗi thứ cùng với tự loại làm đẳng vô gián duyên. Sa-môn kia không nên nói lời ấy. Vì sao? Vì nếu đúng như vậy, tâm thiện trở lại sinh tâm thiện, tâm bất thiện trở lại sinh tâm bất thiện, tâm vô ký trở lại sinh tâm vô ký, tâm tham trở lại sinh tâm tham, tâm tức giận trở lại sinh tâm tức giận, tâm si mê trở lại sinh tâm si mê. Và như thế là hoàn toàn không có giải thoát. Lại, các tâm sở hoặc ít hoặc nhiều, sinh ít trong nhiều thời gian, nên phải duyên nơi sự thiếu thốn. Sinh nhiều trong ít thời gian, là quả phải giảm bớt. Như vậy trong một nhóm tâm có thứ từ duyên sinh, có thứ không từ duyên sinh, có thứ tạo ra duyên, có thứ không tạo ra duyên. Lại, nhóm tâm vô lậu phải sinh từ không duyên. Nên nói như thế này: Tâm cùng với tâm cũng cùng với thọ v.v… Thọ cùng với thọ v.v… cũng cùng với tâm v.v… đều làm đẳng vô gián duyên. Các tâm sở khác cũng như thế.

Hỏi: Là tâm cùng với tâm làm đẳng vô gián duyên gần, không phải là thọ v.v… Thọ v.v… cùng với thọ làm đẳng vô gián duyên gần, không phải là tâm v.v… hay là không phải như vậy?

Đáp: Sa-môn Tương tợ tương tục nói: Tâm cùng với tâm làm đẳng vô gián duyên gần, không phải là thọ v.v… Thọ cùng với thọ v.v… làm đẳng vô gián duyên gần, không phải là tâm. Vị kia không nên nói lời như vậy. Vì sao? Vì trước đã nói về nghĩa có thể mở rộng thêm là tướng của Đẳng vô gián duyên. Trong nghĩa mở rộng thêm thì không xa gần. Nên nói thế này: Nhóm tâm sinh trước cùng với nhóm tâm sinh sau làm đẳng vô gián duyên, không có sự khác nhau, như đống hạt đậu v.v…

HẾT – QUYỂN 10