LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ
Tác giả: Tôn giả Thế Thân
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 12

Phẩm 3: PHÂN BIỆT THẾ GIỚI

(PHẦN 5)

Phần trước đã căn cứ vào du-thiện-na để trình bày khí thế gian và thân lượng, đồng thời cũng căn cứ vào năm, tháng v.v… để trình bày thọ lượng, tuy nhiên vẫn chưa giải thích về du-thiện-na và năm. Hai vấn đề này chỉ có thể dựa vào danh để giải thích, vì thế trước tiên hãy nói về các đơn vị nhỏ nhất (cực thiểu) của du-thiện-na, danh, năm v.v…

Tụng nói : (Âm Hán)

Cực vi tự sát-na

Sắc danh thời cực thiểu.

Dịch nghĩa :

Cực vi, chữ, Sát-na

Sắc, danh, thời cực tiểu.

(Cực vi, chữ, và sát-na

Là các đơn vị nhỏ nhất của sắc, danh và thời gian).

Luận: Cực vi là đơn vị nhỏ nhất của sắc, cũng giống như chữ là đơn vị nhỏ nhất của danh, tỷ dụ chữ và sát-na là đơn vị nhỏ nhất của thời gian.

Hỏi: Sát-na có hạn lượng như thế nào?

Kinh bộ: Thời gian mà một pháp, sinh khởi nhờ có các duyên hòa hợp, được gọi là một sát-na, hoặc sát-na là thời gian chuyển dịch của một pháp, từ cực vi này sang cực vi khác.

Theo các luận sư Tì-bà-sa, có sáu mươi lăm sát-na trôi qua trong cái búng tay của một tráng sĩ.

Tụng : (Âm Hán)

Cực vi vi kim thủy

Thố dương ngưu khích trần

Kỉ sắt mạch chỉ tiết

Hậu hậu tăng thất bội

Nhị thập tứ chỉ khuỷu tay

Tứ khuỷu tay vi cung lượng

Ngũ bách câu lư xá

Thử bát du thiện na.

Dịch nghĩa :

Cực vi như Kim, thủy

Thố, dương, ngưu, Khích trần

Rận, chấy, lúa, đốt tay

Dần dần tăng gấp bảy

Hai mươi bốn: Một khuỷu.

Bốn khuỷu là một cung

Năm trăm Câu-lô-xá

Tám: Một du-thiện-na.

(Cực vi, vi, kim trần, thủy trần. Thố mao trần, dương mao trần, ngưu mao trần, khích trần. Rận, chấy, lúa, đốt tay lần lượt tăng gấp bảy lần. Hai mươi bốn ngón tay là một khuỷu tay. Bốn khuỷu tay là một cung. Năm trăm cung là một câu-lô-xá. Tám câu-lô-xá là một du-thiệnna).

Luận: Bắt đầu từ cực vi, cứ lần lượt tăng gấp bảy lần, cho đến đốt tay là cuối cùng. Như vậy, ta có bảy cực vi bằng một vi, bảy vi bằng một kim trần, bảy kim trần bằng một thủy trần, bảy thủy trần bằng một thố mao trần, bảy thố mao trần bằng một dương mao trần, bảy dương mao trần bằng một ngưu mao trần, bảy ngưu mao trần bằng một khích du trần, bảy khích du trần bằng một cái trứng rận, bảy cái trứng rận bằng một con chấy, bảy con chấy bằng một hạt lúa, bảy hạt lúa bằng một đốt tay. Ở đây không nói ba đốt tay bằng một ngón tay vì điều này ai cũng biết. Hai mươi bốn ngón tay là một khuỷu tay, bốn khuỷu tay là một cung, năm trăm cung là một câu-lô-xá, một câu-lô-xá là khoảng cách từ làng đến tám câu-lô-xá là một du-thiện-na.

Tụng : (Âm Hán)

Bách nhị thập sát-na

Vi đát-sát-na lượng

Lạp-phược thử lục thập

Thử tam thập tu du

Thử tam thập trú dạ

Tam thập trú dạ nguyệt

Thập nhị nguyệt vi niên

Ư trung bán giảm dạ.

Dịch nghĩa:

Trăm hai mươi sát-na

Là một đát-sát-na

Sáu mươi bằng lạp-phược

Ba mươi bằng tu du

Ba mươi bằng ngày đêm

Ba mươi bằng một tháng

Mười hai tháng: một năm

Trong năm giảm một nửa.

(Một trăm hai mươi sát-na là một đát-sát-na. Sáu mươi đát-sát-na là một lạp-phược. Ba mươi lạp-phược là một tu du. Ba mươi tu du là một ngày đêm. Ba mươi ngày đêm là một tháng. Mười hai tháng là một năm. Một nửa năm giảm sáu ngày).

Luận: Một trăm hai mươi sát-na là một đát-sát-na, sáu mươi đátsát-na là một lạp-phược, ba mươi lạp-phược là một mâu-hô-lật-đa, ba mươi mâu-hô-lật-đa là một ngày một đêm, (ban đêm có khi dài hơn, ngắn hơn hoặc bằng ban ngày), ba mươi ngày đêm là một tháng, mười hai tháng là một năm. Trong một năm có ba mùa là mùa lạnh, mùa nóng, và mùa mưa, mỗi mùa có bốn tháng. Trong sáu tháng của một năm, mỗi tháng đều bị bỏ bớt một ngày, ngày này được gọi là ngày “bị trừ” (giảm dạ), như vậy cứ một năm thì lại bỏ đi sáu ngày, vì thế có bài tụng viết: “Khi một tháng rưỡi của mùa lạnh, mùa nóng và mùa mưa trôi qua, thì trong nửa tháng còn lại, bậc trí giả lại bỏ bớt một ngày”.

Trên đây đã giải thích về hạn lượng, từ sát-na cho đến năm, tiếp theo là phần nói về các hạn lượng khác nhau của kiếp.

Tụng nêu: (Âm Hán)

Ưng tri hữu tứ kiếp

Vị hoại thành trung đại

Hoại tòng ngục bất sinh

Chí ngoại khí đô tận

Thành kiếp, tòng phong khởi

Chí địa ngục sơ sinh

Trung kiếp, tòng vô lượng

Giảm chí thọ duy thập

Thứ tăng giảm thập bát

Hậu tăng chí bát vạn

Như thị thành dĩ trụ

Danh trung nhị thập kiếp

Thành hoại hoại dĩ không

Thời giai đẳng trụ kiếp

Bát thâp trung đại kiếp

Đại kiếp tam vô số.

Dịch nghĩa:

Nên biết có bốn kiếp

Là hoại, thành, trung, đại

Hoại từ địa ngục dứt

Đến khi thế gian hết

Kiếp thành khi gió khởi

Đến khi địa ngục sinh

Trung kiếp từ vô lượng

Sau giảm còn mười năm

Mười tám lần tăng giảm

Rồi tăng đến tám vạn

Sự thành trụ như vậy

Là hai mươi trung kiếp

Thành, hoại, hoại rồi không

Thời gian bằng trụ kiếp

Tám mươi trung: đại kiếp

Đại kiếp ba vô số.

(Có bốn loại kiếp là hoại, thành, trung, đại. Hoại kiếp bắt đầu từ khi địa ngục ngừng sinh cho đến khi khí thế gian diệt tận. Thành kiếp bắt đầu từ khi có gió khởi cho đến địa ngục mới sinh. Trung kiếp bắt đầu từ khi thọ lượng còn vô tận sau đó giảm xuống còn mười năm. Rồi trải qua mười tám lần tăng giảm sau lại tăng đến tám vạn. Sự tồn tại sau khi được tạo thành này gọi là hai mươi trung kiếp. Thời gian tạo thành, hủy hoại và biến mất đều bằng trụ kiếp. Tám mươi trung kiếp là đại kiếp. Đại kiếp nhân thành ba Vô số kiếp).

Luận: Có bốn loại kiếp khác nhau là tiểu kiếp (trung kiếp), hoại kiếp thành kiếp, và đại kiếp.

Hoại kiếp là thời gian bắt đầu, từ khi chúng sinh ngừng tái sinh vào địa ngục, cho đến khi khí thế gian hoàn toàn hủy diệt.

Hoại có hai loại: Sự hủy hoại của các thú (thú hoại) và sự hủy hoại của các giới (giới hoại). Lại có hai loại, là sự hủy hoại, của chúng sinh (hữu tình hoại) và sự hủy hoại của thế giới hội tập (ngoại khí hoại).

Vào thời điểm không còn chúng sinh nào sinh vào địa ngục, nhưng ở đó vẫn đang còn chúng sinh tiếp tục chết là khoảng thời gian tồn tại của thế giới trong hai mươi tiểu kiếp chấm dứt, và thời kỳ hoại diệt bắt đầu.

Khi không còn một chúng sinh nào nữa ở địa ngục, tức sự hủy diệt của địa ngục được xem như hoàn tất, thì đó cũng là lúc thế giới này bị hoại diệt. Nếu một chúng sinh ở thế giới này đã tạo nghiệp, phải đọa vào địa ngục, thì nghiệp lực sẽ dẫn dắt chúng sinh này tái sinh vào địa ngục của một thế giới khác, chưa ở vào thời kỳ hoại diệt.

Sự hủy diệt của bàng sinh và quỷ cũng như vậy. Loại bàng sinh cư trú ở đại dương bị hủy diệt trước, loại ở chung với người thì cùng hủy diệt với người.

Đối với loài người ở châu Nam-thiệm-bộ, nếu có người nào, dù không có thầy hướng dẫn, nhưng nhờ vào pháp tánh mà tự thân nhập được vào tầng thiền thứ nhất, và khi xuất thiền, người này đã la lên: “Thật sung sướng khi có được hỷ lạc từ sự lìa bỏ! Thật tịch tĩnh khi có được hỷ lạc từ sự lìa bỏ!” và khi những người khác nghe được câu nói này, thì họ cũng có thể nhập định và sau khi chết sẽ chuyển sinh vào Phạm Thế. Tiến trình này cứ tiếp diễn như thế, cho đến khi không còn một người nào nữa ở châu Nam-thiệm-bộ, thì sự hủy diệt của châu này được xem như hoàn tất.

Đối với chúng sinh cư trú ở các châu Đông-thắng-thân và Tâyngưu-hóa cũng như vậy. Tuy nhiên ở châu Bắc-câu-lô, vì chúng sinh ở đây không có khả năng lìa bỏ cõi Dục và do đó không thể nhập định, thì họ sẽ tái sinh vào các cõi trời thuộc cõi Dục chứ không thể nhập vào Phạm Thế.

Đến khi không còn một con người nào tồn tại nữa, thì sự hủy diệt của loài người được xem như hoàn tất và đó cũng là lúc thế giới này hoại diệt.

Đối với các cõi trời thuộc cõi Dục cũng vậy. Từ các cõi trời của Tứ-đại-vương, cho đến Tha-hóa-tự-tại-thiên, chúng thiên nhập định, tái sinh vào Phạm Thế, và lần lượt bị hủy diệt, cho đến khi không còn một chúng sinh nào nữa ở cõi trời thuộc cõi Dục, thì sự hủy diệt của cõi Dục được xem như hoàn tất.

Đối với Phạm Thế cũng như vậy. Một chúng sinh, nhờ vào pháp tánh mà nhập vào tầng thiền thứ hai, đến khi xuất thiền, thì la lên: “Thật sung sướng khi có được hỷ lạc từ sự lìa bỏ! Thật tịch tĩnh khi có được hỷ lạc từ sự lìa bỏ?” và chúng thiên khác ở Phạm Thế khi nghe được lời nói này, cũng nhập được vào tầng thiền thứ hai và sau khi chết se chuyển sinh vào Cực Quang Tịnh thiên. Cho đến khi không còn một chúng sinh nào tồn tại ở Phạm Thế, thì sự hủy diệt chúng sinh được xem như đã hoàn tất, và đó cũng là lúc thế giới hoại diệt.

Lúc ấy, vì sự kiệt tận của loại cộng nghiệp mà tạo thành khí thế gian, vì sự trống không của thế giới mà bảy mặt trời lần lượt xuất hiện, và thế giới hoàn toàn bị thiêu hủy từ các đại châu cho đến núi Diệu cao. Từ thế giới bị thiêu hủy này, ngọn lửa được gió dẫn dắt, sẽ đốt cháy toàn bộ các cung điện ở Phạm Thế. Ở đây cần phải hiểu, ngọn lửa đốt cháy các cung điện này, là một ngọn lửa của cõi Sắc, vì các tai hoạn của cõi Dục không thể tác hại đến cõi Sắc, tuy nhiên vẫn có thể nói, lửa từ thế giới này đã đốt cháy Phạm Thế, vì ngọn lửa này cũng xuất phát từ chuỗi tương tục của ngọn lửa đầu tiên.

Sự hủy diệt do hai loại còn lại là thủy tai và phong tai gây ra, cũng tương tự như sự hủy diệt của hỏa tai, tuy nhiên chúng lan tỏa cao hơn.

Như vậy, thời gian kể từ khi chúng sinh ngưng tái sinh vào địa ngục, cho đến khi thế giới hội tập bị hủy diệt, được gọi là hoại kiếp, tức là kiếp của sự hoại diệt.

Thành kiếp là khoảng thời gian kể từ khi bắt đầu có gió (phong khởi) cho đến khi có các chúng sinh sinh vào địa ngục.

Thế giới, sau khi bị hoại diệt như đã mô tả ở trên, vẫn nằm ở tình trạng này trong một thời gian dài, suốt hai mươi tiểu kiếp, và trong thời gian này thế giới vẫn chỉ là hư không (hoại dĩ không). Cho đến khi, nhờ vào cộng nghiệp của chúng sinh, mà những dấu hiệu đầu tiên của một thế giới hội tập vị lai bắt đầu xuất hiện và trong không gian bắt đầu có những cơn gió rất nhẹ nổi lên, đó cũng chính là lúc, kết thúc thời gian hai mươi tiểu kiếp mà thế giới đã ở trong tình trạng hoại diệt, và cũng là lúc, khởi đầu một thời gian hai mươi tiểu kiếp, khác, mà trong đó là thế giới sắp được tạo thành.

Những làn gió nhẹ ban đầu mạnh dần lên và cuối cùng tạo thành phong luân, sau đó lần lượt sinh khởi toàn bộ khí thế gian, như đã mô tả trước đây, tức là sự hiện khởi của thủy luân, kim luân, núi Diệu cao v.v… Cung điện của Phạm-thiên thì hình thành trước tiên, và lần lượt là các cung điện của các cõi trời khác, cho đến cõi Dạ-ma-thiên, tức các nơi này xuất hiện ngay sau phong luân.

Thế giới hội tập được tạo thành như thế nào, thì thế giới hữu tình cũng được hình thành như vậy.

Lúc đó, một chúng sinh chết ở Cực Quang Tịnh thiên, sẽ sinh vào một cung điện đang còn trống rỗng của Phạm thiên, và sau đó, các chúng sinh lần lượt bị chết ở Cực Quang Tịnh thiên, sẽ sinh vào các cõi Phạm-phụ-thiên, Phạm-chúng-thiên, Tha-hóa-tự-tại-thiên, và các cõi trời khác thuộc cõi Dục, hoặc sinh vào các châu Bắc-câu-lô, Tây-ngưuhóa, Đông-thắng-thân, và Nam-thiệm-bộ, vào các nẻo của quỷ và bàng sinh, vào các địa ngục. Sự tái sinh này xảy ra theo thứ tự, chúng sinh nào bị diệt cuối cùng, thì sẽ là chúng sinh tái sinh đầu tiên.

Khi có một chúng sinh sinh vào địa ngục, thì thời gian tạo thành kéo dài hai mươi tiểu kiếp đã chấm dứt và lúc đó bắt đầu thời kỳ của trụ kiếp.

(Tiểu kiếp đầu tiên của thành kiếp, là thời gian tạo thành khí thế gian, cung điện của Phạm thiên v.v…). Trong suốt thời gian mười chín tiểu kiếp còn lại của thời kỳ này, cho đến khi xuất hiện các chúng sinh ở địa ngục, thì thọ lượng của con người là vô tận.

Con người có thọ lượng vô tận, cho đến cuối thời kỳ thành kiếp. Khi thành kiếp đã hết, thì thọ lượng bắt đầu giảm dần, cho đến khi chỉ còn lại mười năm. Khoảng thời gian bắt đầu xảy ra sự suy giảm dần dần về thọ lượng của con người, tạo thành tiểu kiếp đầu tiên của thời kỳ trụ kiếp.

Đến khi thọ lượng của con người chỉ còn mười năm, thì sẽ tăng trở lại, cho đến khi có thọ lượng tám mươi ngàn năm, sau đó lại giảm dần cho đến khi chỉ còn lại mười năm. Khoảng thời gian xảy ra sự tăng lên và giảm xuống này, tạo thành tiểu kiếp thứ hai, và theo sau tiểu kiếp này, là mười bảy tiểu kiếp khác, cũng với sự tăng và giảm giống như vậy.

Tiểu kiếp thứ hai mươi, chỉ có tăng chứ không giảm, tức thọ lượng của con người lúc đó sẽ từ mười năm tăng lên đến tám mươi ngàn năm.

Hỏi: Các trường hợp tăng thêm thọ lượng có thể lên đến mức nào?

Đáp: Chỉ đến tám mươi ngàn năm, chứ không thể nhiều hơn. Thời gian để tăng và giảm trong mười tám tiểu kiếp này, tương đương với thời gian kéo dài của sự giảm sút về thọ lượng ở tiểu kiếp đầu tiên và sự tăng thêm về thọ lượng ở tiểu kiếp cuối cùng.

Thế giới tồn tại (thành dĩ trụ) trong hai mươi tiểu kiếp được tính toán như trên. Và thời gian tồn tại này cũng kéo dài chừng đó.

Thời kỳ tạo thành, thời kỳ hủy diệt, và thời kỳ biến mất (hoại dĩ không), cũng có số lượng hai mươi tiểu kiếp. Trong ba thời kỳ này, không có các giai đoạn tăng thêm và giảm bớt về thọ lượng, nhưng các thời kỳ này, đều kéo dài tương đương với thời kỳ mà thế giới tồn tại (trụ kiếp).

Khí thế gian được tạo thành trong một tiểu kiếp, và trong mười chín kiếp sau đó, lần lượt có các loại chúng sinh đến cư trú. Khí thế gian dần dần trở nên trống không cũng trong mười chín tiểu kiếp, và bị hủy hoại hoàn toàn trong một tiểu kiếp.

Bốn lần hai mươi các tiểu kiếp này, tạo thành tám mươi tiểu kiếp, và tám mươi tiểu kiếp này, được gọi là một đại kiếp.

Hỏi: Thể tánh của kiếp là gì?

Đáp: Thể tánh của kiếp chính là năm uẩn.

Hỏi: Kinh nói, phải tinh tấn tu tập trong ba lần Vô số kiếp (kiếp a-tăng-xí-da) mới có thể thành Phật. Như vậy, kiếp được nói đến ở đây, thuộc về loại nào trong bốn loại trên?

Đáp: Nói “thành Phật phải trải qua ba lần Vô số kiếp”, là chỉ cho các đại kiếp ở trên.

Hỏi: Khi nói “vô số” tức hàm ý “không thể đếm được”, tại sao còn nói là ba lần “vô số”?

Đáp: Không phải hàm ý như vậy. Trong kinh Giải thoát) có nói:

Số gồm sáu mươi điểm hoặc sáu mươi chỗ.

Hỏi: Sáu mươi điểm là gì?

Đáp: Chỉ một chứ không phải hai là điểm thứ nhất, mười lần một (một chục) là điểm thứ hai, mười lần mười (một trăm) là điểm thứ ba, mười lần một trăm (một ngàn) là điểm thứ tư… và cứ tiếp tục như vậy, mười ngàn là vạn, mười vạn là một lạc-xoa, mười lạc-xoa là một độ lạc-xoa, mười độ-lạc-xoa là một câu chi, mười câu-chi là một mạt-đa, mười mạt-đà là một a-du-đa, mười A-du-đa là một đại A-du-đa, mười a-du-đa là một na-du-đa, mười na-du-đa là một đại na-du-đa, mười đạina-du-đa là một bát-la-du-đa, mười bát-la-du-đa là một đại bát-la-duđa, mười đại-bát-la-du-đa là một căng-yết-la, mười căng-yết-la là một đại căng-yết-la, mười đại căng yết-la là một tần-bạt-la, mười tần-bạt-la là một đại tần-bạt-la, mười đại tần bạt-la là một a-sô-bà, mười a-sô-bà là một đại a-sô-bà, mười đại a-sô-bà là một tì-bà-ha, mười tì-bà-ha là một đại tì-bà-ha, mười đại tì-bà-ha là một uẩn tăng-già, mười uẩn-tănggià là một đại uẩn tăng-già, mười đại uẩn-tăng già là một bà-yết-na, mười bà-yết-na là một đại bà-yết-na, mười đại bà-yết-na là một địatrí-bà, mười địa trí-bà là một đại địa-trí-bà, mười đại địa-trí-bà là một hê-đô, mười hê-đô là một đại hê-đô, mười đại hê-đô là một yết-lạp-bà, mười yết-lạp-bà là một đại yết-lạp-bà, mười đại yết-lạp bà là một ấnđạt-la, mười ấn-đạt-la là một đại ấn-đạt-la mười đại ấn-đạt-la là một tam-ma-bát-đam, mười tam-ma-bát-đam là một đại tam-ma-bát-đam, mười đại-tam-ma-bát-đam là một yết-để, mười yết-để là một đại yếtđể, mười đại yết-để là một chiêm-phiệt-la-xà, mười chiêm-phiệt-la-xà là một đại chiêm-phiệt-la-xà, mười đại chiêm-phiệt-la-xà là một mụđà-la, mười mụ-đạt-la là một đại mụ-đạt-la, mười đại-mụ-đạt-la là một bạt-lam, mười bạt-lam là một đại bạt-lam, mười đại bạt-lam là một san-nhã, mười san-nhã là một đại san-nhã, mười đại san-nhã là một tì-bộ-đa, mười tì-bộ-đa là một đại-tì-bộ-đa, mười đại tì-bộ-đa là một bạt-lã-tài, mười bạt-lã-tài là một đại-bạt-lã-tài, mười đại bạt-lã-tài là một a-tăng-xí-da.

Đại kiếp được lần lượt nhân lên, cho đến điểm thứ sáu mươi, thì được tính là một lần vô số. Nếu bắt đầu lại, thì sẽ có lần vô số thứ hai, lần vô số thứ ba, vì thế “Vô số” ở đây không phải là không đếm được.

Hỏi: Tại sao Bồ-tát khi phát nguyện chứng đắc quả Phật, lại đặt ra một thời hạn lâu dài như vậy cho sự tu tập của mình?

Đáp: Vì quả Phật vô thượng rất khó chứng đắc. Cần phải tích tập nhiều phước đức, nhiều trí tuệ và vô số công hạnh trong suốt ba lần Vô số kiếp.

Hỏi: Nếu quả Phật mà Bồ-tát nỗ lực chứng đắc lại khó đạt đến như vậy, trong khi quả Phật lại không phải là phương tiện độc nhất để đạt được giải thoát, thì tại sao Bồ-tát lại phải chọn lựa con đường có quá nhiều khổ hạnh và quá lâu như vậy?

Đáp: Vì lợi lạc của chúng sinh, vì Bồ-tát muốn có đủ năng lực để cứu độ chúng sinh ra khỏi sông lớn của khổ đau.

Hỏi: Cứu độ chúng sinh thì có ích lợi gì cho bản thân Bồ-tát?

Đáp: Lợi lạc của chúng sinh, cũng chính là lợi lạc của Bồ-tát, vì các Ngài phát nguyện như thế.

Hỏi: Làm sao có thể tin được điều này?

Đáp: Đối với những chúng sinh không có tâm từ bi và chỉ biết đến bản thân mình, thì thật khó tin được trên đời lại có các bậc Bồ-tát như thế, tuy nhiên, đối với những chúng sinh có tâm từ bi, thì không có gì ngạc nhiên trước những hạnh nguyện trên đây của một Bồ-tát. Trên đời không thiếu gì kẻ, vì không có từ bi mà đã đi tìm thú vui trong đau khổ của người khác, mặc dù biết làm như vây chẳng đem lại lợi lạc gì cho bản thân họ, trong khi Bồ-tát nhờ được huân tập tâm từ bi, nên tìm thấy niềm vui khi đem lại lợi lạc cho chúng sinh mà không hề nghĩ đến bản thân mình. Lại có chúng sinh, vì bị lực của huân tập sai sử, mà trở nên u mê đối với thực tánh của các pháp hữu vi, tưởng đó là thực ngã, cho nên cứ mãi chấp trước các pháp này, vì thế mới phải chịu nhiều khổ đau, trong khi Bồ-tát nhờ có năng lực tu tập, lìa bỏ được các pháp tưởng chừng như là thực ngã, không còn xem các pháp này là “ngã”, là “ngã sở”, từ đó tăng trưởng được tâm bi luyến đối với người khác mà sẵn sàng chịu đựng vô số khổ đau cho chúng sinh.

Nói tóm lại, có những hạng người không hề để tâm đến bản thân mình, chỉ cảm thấy sung sướng trước những an lạc của người khác và cảm thấy thương tâm trước những khổ đau của người khác. Đối với họ, lợi lạc của người khác cũng chính là lợi lạc đối với mình. Có bài tụng nói: “Kẻ hèn tìm mọi cách để được lợi cho mình, người thường mong diệt khổ mà không cầu lạc, vì lạc là nhân của khổ, bậc thượng nhân chịu khổ, mà cầu cho người khác an lạc, cầu cho người khác diệt được khổ, vì khổ đau của người khác cũng là khổ đau của mình”.

Hỏi: Chư Phật xuất hiện ở thế gian vào những thời kỳ nào?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Giảm bát vạn chí bách

Chư Phật hiện thế gian

Độc giác tăng giảm thời

Lân giác dụ bách kiếp.

Dịch nghĩa :

Giảm tám vạn đến trăm

Chư Phật hiện thế gian

Độc giác lúc tăng giảm

Lân giác dụ trăm kiếp.

(Khi thọ lượng giảm còn một trăm năm thì Chư Phật xuất hiện ở thế gian. Độc giác Phật vào thời kỳ tăng và giảm. Lân giác dụ trải qua một trăm đại kiếp).

Luận: Chư Phật xuất hiện vào thời kỳ suy giảm của thọ lượng, khi mà thọ lượng từ tám mươi ngàn năm, giảm xuống chỉ còn một trăm năm.

Hỏi: Tại sao chư Phật không xuất hiện vào thời kỳ thọ lượng tăng?

Đáp: Vì vào thời kỳ đó, con người rất khó có thể bị làm cho run sợ, rất khó có thể bị làm cho chán ghét sự tồn tại này.

Hỏi: Tại sao chư Phật không xuất hiện ở thời kỳ thọ lượng giảm từ một trăm năm xuống còn mười năm?

Đáp: Vì lúc đó năm loại hủ bại (thọ trược, kiếp trược, phiền não trược, kiến trược, hữu tình trược) trở nên quá mạnh.

Vào thời kỳ suy giảm cuối cùng của thọ lượng, thì thọ mạng cũng trở nên xấu đi và hạ thấp, vì bị hư tổn như vậy, cho nên gọi là hủ bại (trược), đối với các loại trược khác cũng như vậy.

Hai loại trược đầu làm tổn hại thọ mạng và các phương tiện tư trợ cho thọ mạng. Hai loại trược tiếp theo, làm tổn hại tánh thiện, phiền não trược thì làm tổn hại vì sự tham đắm dục lạc, kiến trược thì làm tổn hại vì sự tham đắm khổ hạnh, hoặc phiền não trược làm tổn hại tánh thiện của người tại gia và kiến trược làm tổn hại tánh thiện của bậc xuất gia. Hữu tình trược làm cho chúng sinh bị tổn hại về tinh thần, thân thể, sắc đẹp, sức khỏe, năng lực, trí tuệ, trí nhớ, khả năng, sự cường tráng.

Hỏi: Các vị Độc giác Phật xuất hiện vào thời kỳ nào?

Đáp: Các vị Độc giác Phật xuất hiện vào các thời kỳ thọ lượng tăng rồi giảm. Tuy nhiên có hai trường hợp: Các vị Độc giác Phật sống thành đoàn (bộ hành) (và cùng xuất hiện trong thời kỳ thọ lượng tăng), các vị Độc giác Phật “tương tự như loài tê ngưu” (Lân giác dụ).

Trường hợp đầu vốn thuộc hàng Thanh văn (đã đạt được quả thứ nhất hoặc thứ hai của hàng Thanh văn trong thời gian Phật tại thế). Có luận sư cho các vị này vốn thuộc dị sinh, nhưng đã từng tu tập thuận phần quyết trạch của Thanh văn thừa, đến đời này, thì tự mình chứng đạt được Thánh đạo. Trong kinh bản sự viết: “Có năm trăm vị tiên, cùng tu khổ hạnh trên một ngọn núi. Lúc đó, có một con khỉ đã từng sống gần một vị Phật Độc giác, đi đến chỗ ở của họ và làm các điệu bộ đã bắt chước được của vị Phật Độc giác trước mặt họ. Năm trăm tiên nhân thấy vậy, cũng bắt chước làm theo các cử chỉ này và người ta nói, nhờ vậy mà họ đã chứng đắc Bồ-đề của Phật Độc giác”. Theo các luận sư trên, thì rõ ràng năm trăm vị tiên này không phải là Thánh giả, tức không phải là Thanh văn, vì nếu trước đây đã đắc quả Thanh văn, tức phải lìa bỏ giới cấm thủ, thì về sau không thể nào lại xả bỏ để tu tập khổ hạnh trở lại”.

Trường hợp sau là các vị Phật Độc giác sinh sống một mình. Các vị này phải trải qua một trăm đại kiếp để tu tập các pháp cần thiết cho sự chứng đắc Bồ-đề (Bồ-đề tư lương) (tức giới, định, tuệ). Họ tự mình chứng đắc Bồ-đề mà không nhờ vào Thánh giáo và vì chỉ có thể điều phục được mình mà không thể chuyển hóa chúng sinh, cho nên gọi là Độc giác.

Hỏi: Tại sao nói họ không thể chuyển hóa chúng sinh? Chắc chắn họ vẫn có khả năng diễn thuyết chánh pháp, vì họ cũng đạt được Vô ngại giải (nếu không đắc Vô ngại giải) thì họ vẫn có thể nhớ lại chánh pháp, mà chư Phật đời trước đã từng tuyên thuyết. Họ cũng không thể không có từ bi vì đã từng hóa hiện thần thông làm lợi lạc cho hữu tình. Không thể nói vào thời mà các vị Độc giác này xuất thế, thì chúng sinh ở thời đó đều không được chuyển hóa, vì vào thời kỳ này, tức thời kỳ mà thọ lượng đang suy giảm, chúng sinh đã có thể lìa bỏ cõi Dục nhờ vào đạo thế gian. Như vậy tại sao họ không thể tuyên thuyết chánh pháp?

Đáp: Vì họ đã quen với đời sống cô tịch trước đây. Họ thích tìm sự an lạc và tránh mọi phiền lụy, họ không có can đảm để giúp chúng sinh liễu ngộ giáo pháp thâm sâu. Lẽ ra họ phải thâu giữ đồ chúng, phải dẫn dắt đồ chúng đi ngược lại giòng chảy, mà phần lớn chúng sinh đang xuôi theo, nhưng điều này thì quá khó khăn đối với họ, khi mà họ sợ sẽ bị tán loạn tâm thiền định và phải tiếp xúc với chúng sinh.

Tụng nêu : Như văn Hán

Luân vương bát vạn thượng

Kim ngân đồng thiết luân

Nhất nhị tam tứ châu

Nghịch thứ độc như Phật

Tha nghênh tự vãng phục

Tránh trận thắng vô hại

Tướng bất chánh viên minh

Cố dữ Phật phi đẳng.

Dịch nghĩa :

Luân vương trên tám vạn

Kim ngân, đồng, thiết luân

Một, hai, ba, bốn châu

Nghịch thứ riêng như Phật.

Qua lại nghênh đón nhau

Tranh trận thắng không bại

Tướng mạo không đầy đủ

Cho nên không bằng Phật.

(Luân vương xuất hiện khi thọ lượng còn trên tám vạn gồm Kim luân, Ngân luân, Đồng luân và Thiết luân. Họ trị vì một, hai, ba, bốn châu theo thứ tự ngược lại, và cũng chỉ một mình như Phật. Được đón tiếp, hoặc khi đến thì điều phục. Có chống lại, có bày trận nhưng đều thắng, không bị hại. Tướng không thẳng, không đầy đủ, không chiếu sáng vì thế không giống Phật).

Luận: Luân vương xuất hiện trong thời kỳ thọ lượng của con người đang còn vô hạn, cho đến khi giảm xuống tám mươi ngàn năm. Sở dĩ không xuất hiện khi thọ lượng con người đã trở nên ngắn hơn, là vì lúc đó khí thế gian không còn là nơi thích hợp với sự hưng thịnh rực rỡ của họ nữa. Họ được gọi là Luân vương vì bản chất của họ là dẫn dắt và điều phục.

Có bốn loại: Kim luân vương, Ngân luân vương, Đồng luân vương, Thiết luân vương. Sở dĩ gọi tên như vậy, là vì dựa theo bánh xe của họ được làm bằng vàng, bạc, đồng hay sắt. Kim luân thuộc hàng tối hảo, tiếp đến là Ngân luân, Đồng luân thuộc hàng trung bình và Thiết luân là thấp nhất. Luân vương có bánh xe bằng sắt cai quản một đại châu, Luân vương có bánh xe bằng đồng cai quản hai đại châu, Luân vương có bánh xe bằng bạc cai quản ba đại châu, và Luân vương còn lại cai quản bốn đại châu.

Trên đây là giải thích của Luận Thi Thiết. Thật ra, kinh chỉ nói đến Kim luân vương, vì tính chất rất quan trọng của vị Luân vương này: “Khi một vị vua thuộc dòng dõi Sát-đế-lợi, nhân gặp ngày rằm, nên đã tắm rửa, thọ trì trai giới, rồi cùng với các quan trong triều bước lên đài cao của cung điện, và lúc đó, ở phương đông bất ngờ xuất hiện một bánh xe báu, với một ngàn tia sáng, có đủ vành, đủ nan hoa, đủ mọi vẻ, đẹp, không phải được làm vì thợ thủ công, mà toàn bằng vàng, thì vị vua này chính là một Luân vương.

Cũng giống như Phật, hai Luân vương không bao giờ xuất hiện ở thế gian trong cùng một lần. Kinh nói: “Ở hiện tại, ở vị lai, không thể có hai bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cùng xuất hiện trên thế gian, mà không phải là sự xuất hiện trước và sau. Điều này không thể xảy ra. Bao giờ cũng chỉ có một bậc xuất thế. Đối với Luân vương cũng giống như vậy”.

Ở đây có một vấn đề cần phải suy nghĩ. Khi nói, “trên thế gian” là nhằm chỉ cho cái gì? Có phải đó là: “Ở một đại thế giới gồm có ba ngàn thế giới” (Tam thiên), hay là “ở tất cả các thế giới”?

Có ý kiến cho chư Phật không xuất hiện ở các nơi khác (có nghĩa là ở hai đại thế giới trong cùng một lúc), với lý do sự xuất hiện cùng lúc của hai vị Phật, sẽ làm chướng ngại cho công năng của Đức Thế Tôn. Chỉ cần một đấng Đức Thế Tôn, cũng đã đủ để giáo hóa khắp mười phương. Nếu có môt nơi nào đó, mà Đức Thế Tôn không thể giáo hóa được, thì các Đức Thế Tôn khác cũng không thể làm gì khác hơn. Hơn nữa, kinh còn nói: “Này Xá-lợi-tử ! Nếu có người đến hỏi ông: Hiện nay có thể có một Bí-sô hay một Phạm chí nào đó ngang hàng với Cồ-đàm (Kiều-đáp-ma) về Chánh Đẳng Chánh Giác không?, thì ông sẽ trả lời như thế nào? Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người hỏi như thế, con sẽ trả lời: Hiện nay không có Bí-sô hoặc Phạm chí nào ngang hàng với Đức Thế Tôn. Và vì sao con lại trả lời như vậy? Vì qua lời dạy của Đức Thế Tôn, con đã từng được nghe và hiểu, ở hiện tại và ở vị lai, không bao giờ có thể có hai bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cùng xuất hiện trên thế gian, mà không phải là sự xuất hiện trước và sau”.

Vấn nạn: Nếu vậy, tại sao trong kinh Phạm Vương, Đức Thế Tôn nói: “Ta có thể tác động đến Ba ngàn thế giới?”

Giải thích: Không nên hiểu đoạn kinh trên theo nghĩa đen. Thật ra ở đây hàm ý, khi không dùng đến gia hạnh, thì Đức Thế Tôn chỉ nhìn thấy trong giới hạn này, nhưng khi muốn thì Đức Thế Tôn có thể nhìn thấy vô lượng thế giới.

Theo các bộ phái khác, chư Phật xuất thiện cùng thời, nhưng ở các thế giới khác nhau. Họ cho, vì hiện có rất nhiều Bồ-tát đang tu tập các pháp tư trợ cho Bồ-đề (Bồ-đề tư lương), cho nên chắc chắn sẽ không thuận tiện nếu nhiều vị Phật cùng xuất hiện một lúc ở cùng một chỗ, tuy nhiên cũng không có gì ngăn ngại chư Phật xuất hiện cùng thời, vì thế vẫn có chư Phật xuất hiện ở những thế giới khác nhau. Thế giới thì vô hạn, cho dù Đức Thế Tôn sống hết cả một kiếp, thì vẫn không thể giáo hóa vô lượng thế giới, giống như đã giáo hóa ở thế giới này, huống hồ là đã thị hiện, chỉ trong thời gian bằng thọ lượng của con người. Chúng sinh cư ngụ trong vô số thế giới khác nhau, vì thế thời gian, nơi chốn và căn tánh của họ cũng khác nhau. Nếu phải giáo hóa cho họ đừng làm những điều ác chưa làm, từ bỏ những điều ác đã làm, làm những điều thiện chưa làm, hoàn tất những điều thiện đã làm, thì làm thế nào chỉ có một mình Đức Phật, mà có thể nhanh chóng hoàn thành tất cả các việc này, vì thế nhất định phải có nhiều vị Phật xuất hiện cùng thời.

Vấn nạn: Nhưng đoạn kinh trích dẫn trước đây đã nói rõ: “Không thể có hai bậc Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác xuất hiện trên thế gian, mà không phải là ở hai thời điểm và hai vị trí khác nhau”.

Giải thích: Cần phải xét xem, có phải đoạn kinh này chỉ nhằm nói đến một thế giới – tức thế giới của bốn đại châu, thế giới rộng lớn của Ba ngàn thế giới – hay nhằm chỉ cho tất cả thế giới. Nếu nhằm chỉ cho tất cả thế giới, thì Chuyển luân vương lẽ ra cũng không thể có ở các thế giới khác, vì ở trên đã nói Chuyển luân vương không thể cùng lúc xuất hiện, cũng giống như chư Phật. Nếu thừa nhận, Chuyển luân vương vẫn có ở các thế giới khác, thì tại sao đối với chư Phật, vốn là nền tảng của mọi công đức khi thị hiện ở thế gian, lại không thừa nhận như vậy? Nếu ở vô lượng thế giới, đều có xuất hiện vô lượng chư Phật, thì có gì sai mà phải phủ nhận? Khi có nhiều vị Phật xuất hiện, thì vô lượng chúng sinh sẽ đạt được lợi lạc tăng thượng và Thánh đạo thù thắng.

Vấn nạn: Nếu nói như vậy tại sao trong một thế giới, không có hai Đức Như Lai cùng thời xuất hiện?

Giải thích: Vì 1. Sự xuất hiện cùng thời sẽ trở thành vô dụng; 2. Hạnh nguyện của Bồ-tát là “thành Phật để cứu độ chúng sinh không được cứu độ, trong một thế giới mù mịt và không nơi nương tựa”; 3. Sự kính trọng đối với một vị Phật độc nhất sẽ lớn hơn; . Sự gấp rút tu tập chánh pháp cũng lớn hơn vì chúng sinh biết rất khó gặp được Phật xuất thế và sẽ không còn nơi nương tựa một khi Phật đã nhập Niết-bàn hoặc đi đến một nơi khác.

Đối với các vị Luân vương, thì sự điều phục của họ ở các nơi cũng khác nhau, tùy theo tính chất của từng loại chuyển luân.

Trong trường hợp của Kim luân vương, thì các tiểu quốc vương đều tự tìm đến để nghênh đón vị Luân vương này và nói đất nước của họ rất giàu có, thịnh vượng, an lạc, có rất nhiều người và hiền tài, vì thế muốn thỉnh vị Luân vương này đến cai quản đất nước của họ và tất cả đều nguyện làm thuộc hạ cho vị Thiên tôn này.

Trường hợp của Ngân luân vương, thì nhà vua tự thân đi đến các tiểu quốc, và khi đến nơi thì tất cả thần dân đều qui phục.

Đồng luân vương cũng tự tìm đến các tiểu quốc, tuy nhiên lúc đầu họ có dự định chống lại, rồi sau đó mới chịu thần phục.

Thiết luân vương cũng tự tìm đến các tiểu quốc, và lúc đầu họ cũng vung gươm múa kiếm, rồi sau đó mời chịu hàng phục.

Không có trường hợp các Luân vương bị giết chết. Họ đều khuyến giáo chúng sinh tu mười nghiệp thiện đạo và vì thế mà sau khi chết, họ đều tái sinh ở cõi thiên.

Hỏi: Kinh nói: “Khi Luân vương xuất hiện ở thế gian, thì cũng có bảy thứ quý giá cùng xuất hiện, đó là bánh xe, voi, ngựa, châu báu, nữ nhân, quan trông coi quốc khố, và thống soái”. Như vậy có phải năm thứ quý giá thuộc loại hữu tình như voi, ngựa v.v… trong bảy thứ ở trên được sinh khởi là nhờ vào nghiệp của người khác?

Đáp: Không phải như vậy ! Chỉ vì những chúng sinh trên, vốn đã tích tập các nghiệp chiêu cảm, các loại dị thục phải sinh khởi cùng với

Luân vương và làm các thứ voi quý, ngựa quý v.v… cho nên khi Luân vương xuất hiện thì các nghiệp này cũng chiêu cảm các chúng sinh này sinh khởi.

Ngoài bảy thứ quý giá trên, vẫn còn có nhiều điều khác nhau giữa Luân vương và những người khác, đặc biệt là các Luân vương này, cũng có ba mươi hai đặc điểm của bậc Đại sĩ giống như Đức Phật, tuy nhiên những đặc điểm của Đức Phật thì chiếu sáng hơn, đầy đủ hơn và nằm ở những vị trí chánh đáng hơn.

Hỏi: Con người ở vào thời kỳ đầu tiên của một kiếp có vua không?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Kiếp sơ như Sắc thiên

Hậu tiệm tăng tham vị

Do đọa trữ tặc khởi

Vi phòng cố thủ điền.

Dịch nghĩa :

Ban đầu như cõi Sắc

Sau dần tham mùi vị

Tích trữ giặc cướp sinh

Nên sắm người giữ mộng.

(Lúc đầu giống chư Thiên cõi Sắc. Về sau dần dần ham muốn mùi vị. Vì sa đọa mới sinh tích trữ, giặc cướp. Để phòng vệ nên cử người giữ ruộng).

Luận: Loài người ở thời kỳ đầu kiếp đều giống như chúng sinh ở cõi Sắc. Kinh nói: “Có những chúng sinh hữu hình (hữu sắc), sinh ra từ ý (ý thành), có đủ chân tay, có đủ các căn, dung mạo trang nghiêm, màu sắc rực rỡ, tự thân chiếu sáng, đi giữa hư không, thích ăn thích uống, thọ mạng lâu dài”.

Về sau, dần dần xuất hiện một loại “nước chảy ra từ đất” có vị ngon ngọt như mật. Lúc đó, có người bẩm tánh ưa thích mùi vị khi ngửi được mùi thơm của loại nước này liền nếm thử, rồi thấy ngon nên ăn vào, những người khác thấy vậy cũng làm theo. Đó là thời kỳ con người bắt đầu dùng đến đoạn thực. Loại thức ăn này làm cho thân thể trở nên thô nặng, không còn phát ra ánh sáng như trước, và từ đó bóng tối mới phát sinh. Nhưng rồi sau đó mặt trời và mặt trăng đã xuất hiện.

Vì sự tham vướng mùi vị của chúng sinh, cho nên loại nước chảy ra từ đất dần dần cũng cạn kiệt. Sau đó lại xuất hiện môt loại thức ăn khác gọi là “bánh da đất” và chúng sinh lại tham đắm loại này, vì thế chẳng bao lâu nó cũng biến mất. Sau đó, lại xuất hiện một loại cây leo rừng nhưng chẳng được bao lâu, vì chúng sinh cũng tranh nhau ăn loại cây này. Cuối cùng, từ đất mọc lên một giống lúa, không cần phải mất công gieo trồng. Loại thức ăn thô nặng này, khi ăn vào đã để lại các chất uế tạp trong thân thể và vì chúng sinh muốn đào thải chúng cho nên sau đó mới sinh hiện các cơ quan bài tiết và sinh dục khác nhau, kể từ đó, bắt đầu có các hình dạng nam nữ khác nhau. Chúng sinh thuôc các giới tánh khác nhau này, do lực huân tập từ trước, đã phán đoán sai lạc cho nên đã tự tìm đến với nhau để thọ hưởng dục lạc. Từ đó chúng sinh cõi Dục bắt đầu bị loài “quỷ” tham dục khống chế.

Vào thời kỳ đó, chúng sinh cắt lúa vào buổi sáng để chuẩn bị cho bữa ăn sáng và cắt lúa vào buổi chiều để chuẩn bị cho bữa ăn chiều, chứ chưa hề nghĩ đến việc tích trữ. Sau đó, có người vì quá lười biếng, đã bắt đầu tích trữ cho các bữa ăn về sau, những người khác thấy vậy cũng bắt chước theo. Từ sự tích trữ lúa gạo này, đã phát sinh ý niệm về “cái của ta”, “của cải riêng của ta”, cho nên mặc sức tranh nhau cắt hái cho đến khi lúa không đủ thời gian để mọc lại thì lúc đó mới bắt đầu phân chia ruộng đất. Khi đã có ruộng đất riêng, tức phải nghĩ đến việc canh giữ đất đai của mình, đồng thời manh tâm xâm đoạt đất đai của người khác. Đây là thời kỳ con người bắt đầu biết đến việc trộm cắp.

Để ngăn ngừa trộm cắp, chúng sinh họp nhau lại và đồng ý chia môt phần sáu số lúa thâu được cho một người có tài đức đứng ra bảo vệ mùa màng. Họ gọi người này là “người giữ ruộng” và kể từ đó mới có danh xưng Sát đế lợi. Khi người này có thể làm cho những người chủ của mình vừa lòng và được mọi người ưa thích kính phục, thì được tôn làm Đại-tam-mạt-đa-vương. Từ đó bắt đầu phát sinh các triều đại.

Những người nào từ bỏ cuộc sống gia đình được gọi là Bà-lamôn.

Về sau, có vị vua vì tham lận tài vật, không thể bảo bọc đời sống của dân chúng, cho nên có người nghèo đói phải đi trộm cắp. Để ngăn cấm hành động này, nhà vua đã đặt ra các hình phạt để xử tội, và từ đó bắt đầu có nghiệp sát. Lúc đó có tội nhân vì sợ hình phạt nên tìm cách che giấu tội lỗi, nói mình không phạm tội, và từ đó bắt đầu có vọng ngữ.

Hỏi: Ở thời kỳ thọ lượng bị giảm, có xuất hiện ba loại tai hoạn nhỏ (tiểu tam tai), vậy ba loại này là gì?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Nghiệp đạo tăng thọ giảm

Chí thập tam tai hiện

Đao tật cơ như thứ

Thất nhât nguyệt niên chỉ.

Dịch nghĩa :

Nghiệp tăng thì thọ giảm

Đến mười gặp tam tai:

Binh đạo, bệnh tật, đói

Bảy ngày, tháng, năm dứt.

(Nghiệp đạo tăng thì thọ lượng giảm. Cho đến mười tuổi thì tam tai xuất hiện. Đó là đao binh, bệnh tật, đói khát kéo dài trong bảy ngày, bảy tháng, bảy năm thì dứt).

Luận: Kể từ khi chúng sinh bắt đầu biết nói dối, thì các nghiệp đạo bất thiện cũng tăng dần và thọ lượng của con người trở nên ngắn dần, cuối cùng chỉ còn lại mười năm. Như vậy, có hai pháp làm gốc cho sự suy thóai này là sự tham vướng mỹ vị và sự lười biếng.

Hỏi: Tiểu kiếp sẽ chấm dứt khi thọ lượng chỉ còn mười năm, như vậy lúc đó điều gì sẽ xảy ra?

Đáp: Sự chấm dứt của tiểu kiếp được đánh dấu vì ba loại tai hoạn.

1. Ở vào giai đoạn cuối cùng của kiếp này, tức khi thọ lượng suy giảm chỉ còn mười năm, con người chứa đầy tham dục phi pháp, làm nô lệ cho các thứ ái dục bất bình đẳng, chỉ rao giảng các thứ pháp tà. Vì tâm chỉ khởi các ý niệm ly gián, nên khi thấy nhau, thì giống như thợ săn thấy được con mồi, vì tâm chỉ chất chứa các niệm sân hận, cho nên tất cả những gì rơi vào tay họ, dù là một mảnh gỗ hay một cánh cây, cũng đều trở thành một con dao nhọn để họ tàn sát lẫn nhau.

2. Cũng vào giai đoạn nói trên, khi mà thọ lượng con người chỉ còn mười năm, trong lòng chứa đầy tham dục phi pháp, cam tâm làm nô lệ cho đủ loại ái dục bất chánh, cho nên chỉ biết rao giảng các loại pháp tà, thì lúc đó, có những chúng sinh không phải là người (phi nhân) sẽ phát ra các tác dụng gây bệnh, khiến cho nhiều loại dịch bệnh lan tràn và người nào mắc phải thì không thể nào cứu chữa.

3. Cũng vào giai đoạn nói trên, khi mà thọ lượng con người chỉ còn lại mười năm và trong tâm sinh khởi đủ loại tham sân, tin theo pháp tà, thì lúc đó trời sẽ ngừng mưa và ba loại đói khát xuất hiện, đó là ba loại tụ tập, xương trắng, và dùng que.

Loại thứ nhất được gọi là tụ tập, vì lúc đó con người thiếu ăn, thân thể gầy yếu, cho nên khi chết thì tụ tập lại với nhau mà chết, và vì họ đã bớt lại một ít hạt giống đem bỏ vào trong một cái tráp nhỏ để người 32 đời sau có thể dùng làm giống.

Loại thứ hai được gọi là xương trắng, vì con người thời đó thân thể khô khan, cho nên sau khi chết chưa được bao lâu, thì xương đã chuyển sang màu trắng, và vì những người khác đã gom số xương này lại để đun sôi dùng làm nước uống.

Loại thứ ba gọi là “dùng que”, vì lúc đó không đủ thức ăn, nên mọi người trong nhà phải ăn theo phiên, được làm dấu bằng những chiếc que: “Hôm nay là phiên ông chủ nhà ăn, ngày mai là phiên bà chủ nhà được ăn v.v…”, và vì thường dùng que khiêu các hạt còn sót lại trong đất, sau đó đem đun sôi để lấy nước uống.

Kinh nói: Nếu có người thọ trì sát giới trong một ngày một đêm, hoặc cúng dường một quả duốt núi hay một miếng thức ăn cho tăng chúng, thì sẽ không tái sinh vào các thời kỳ đao binh, bệnh tật và đói kém này.

Hỏi: Ba loại tai hoạn này kéo dài trong bao lâu?

Đáp: Tai hoạn đao binh chỉ kéo dài trong bảy ngày, tại hoạn dịch bệnh kéo dài trong bảy tháng bảy ngày, tai hoạn đói khát kéo dài trong bảy năm bảy tháng bảy ngày.

Các châu Đông và Tây không biết đến ba tai hoạn này, tuy nhiên sự ly gián, màu sắc xấu xa và sự suy yếu, cái đói và cái khát vẫn có ở đó, khi châu Nam bị hoành hành vì nạn đao binh, dịch bệnh và đói khát. Châu Bắc thì hoàn toàn không bị.

Hỏi: Trước đây, khi mô tả hỏa tai thiêu đốt thế giới, có nói các tai hoạn khác cũng gây ra những thảm họa như thế, vậy các tai hoạn khác là gì?

Tụng đáp: (Âm Hán)

Tam tai hỏa thủy phong

Thượng tam định vi đảnh

Như thứ nội tai đẳng

Tứ vô bất động cố

Nhiên bỉ khí phi thường

Tình câu sinh diệt cố

Yếu thất hỏa nhất thủy

Thất thủy hỏa hậu phong.

Dịch nghĩa:

Tam tai: Lửa, nước, gió

Trên ba thiền là tột

Tai họa theo thứ tự

Bốn thiền bất động: Không

Nhưng không phải thường hằng

Với chúng sinh cùng diệt

Sau bảy hỏa, thủy tai

Bảy thủy hỏa: phong tai.

(Ba tai hoạ là lửa, nước và gió. Có giới hạn cao nhất là đỉnh của ba tầng thiền ở trên. Các tai hoạ bên trong v.v… cũng theo thứ tự này. Tầng thiền thứ tư không hủy hoại vì bất động, nhưng cũng không phải thường hằng vì cùng diệt với chúng sinh. Sau bảy lần hỏa tai là một lần thủy tai. Sau bảy lần thủy tai và hỏa tai là phong tai).

Luận: Khi chúng sinh từ bỏ khí thế gian ở bên dưới (hạ địa) để tụ hội ở cõi trời của thiền định, thì có sự hủy diệt xảy ra: Sự hủy diệt có thể do lửa gây ra, vì có đến bảy mặt trời, có thể do nước vì có mưa lớn, và có thể do gió vì có sự kích động lẫn nhau của phong đại. Hậu quả của các sự hủy diệt này, là không còn một vật gì tồn tại, ngay cả một cực vi của khí thế gian cũng bị hủy hoại!

Có luận sư ngoại đạo cho cực vi vốn thường hằng, vì thế chúng vẫn tồn tại khi thế giới đã biến mất. Theo họ, nếu không phải như vậy, thì các vật thô sẽ sinh khởi mà không có nhân.

Luận chủ: Trước đây đã giải thích, chủng tử của một thế giới mới chính là gió, đó là loại gió, có đủ năng lực đặc biệt, được tạo ra từ nghiệp lực của chúng sinh, và nhân của loại gió này chính là gió không bị hủy diệt từ cõi Sắc. Hơn nữa, kinh điển thuộc Hóa địa bộ có nói, gió đến từ một thế giới khác có mang theo chủng tử.

Thắng luận: Mặc dù có mang theo chủng tử, nhưng vẫn không thể thừa nhận các vật thô như mầm mộng, thân cây v.v trực tiếp sinh ra từ chủng tử, từ mầm mộng v.v… (vì chủng tử, mầm mộng v.v… chỉ là loại nhân năng tác chứ không phải là loại). Chúng tôi nói mầm mộng v.v… sinh khởi từ các thành phần của nó, và các thành phần này, lại sinh khởi từ những thành phần của chúng, và cứ tiếp tục như vậy, cho đến những thành phần nhỏ nhất, thì lại được sinh ra từ các cực vi.

Luận chủ: Nếu vậy, chủng tử có tác dụng gì đối với mầm mộng?

Thắng luận: Ngoài khả năng dẫn tập các cực vi của mầm mộng ra, chủng tử không có tác dụng gì cả đối với việc sinh ra mầm mộng, vì thật phi lý, khi cho một vật được sinh ra từ một vật hoàn toàn khác nhau về thể loại! Nếu quả thật có xảy ra những trường hợp như vậy, thì sẽ không có bất cứ định luật nào về sự sinh sản. (Người ta sẽ có thể dệt chiếu bằng sợi bông).

Luận chủ: Không phải như vậy! Vẫn có thể sinh từ dị loại, nhưng theo những nguyên tắc khác, cũng giống như sự sinh khởi của thanh, của những thứ từ sự nấu chín v.v… (Thanh sinh từ sự va chạm và sự va chạm vốn không phải là thanh, nhưng không phải hoàn toàn khác với thanh). Vì thế, tác dụng của tất cả các sự vật, không phải là không có tính cách nhất định.

Thắng luận: Dẫn chứng trên đây không hợp lý! Chúng tôi thừa nhận cái mà chúng tôi gọi là đức pháp hay “thuộc tánh” (như thanh v.v…) có thể sinh ra từ một vật tương tự hoặc khác biệt, nhưng đối với thật pháp hay “thật chất”, thì không thể như vậy, vì nó luôn luôn được sinh ra từ một vật tương tự. Chính vì thế mà chỉ có cây này, chứ không phải các loại cây khác và chỉ có loại sợi bông, mới có thể sinh ra tấm vải bông.

Luận chủ: Tỷ dụ trên đây không chứng minh được điều gì cả! Vì không thể đứng vững. Các ông nói một vật chỉ sinh ra từ một vật tương tự, giống như trường hợp tấm vải cũng chỉ là một tên gọi khác của những sợi bông được sắp xếp theo một cách nào đó, giống như trường hợp một đàn kiến cũng chỉ là những con kiến.

Thắng luận: Làm thế nào xác định được tấm vải không phải là một vật khác với sợi vải?

Luận chủ: Khi căn (của sự nhìn thấy hay sự xúc chạm) tiếp xúc với một sợi vải, thì cả tấm vải không được nhận biết, nếu tấm vải hiện hữu, tức được tạo thành do mỗi sợi vải, thì tại sao lại không được nhận biết? Nếu các ông cho toàn bộ tấm vải, không hiện hữu trong mỗi một sợi vải, thì phải nhìn nhận tấm vải chỉ là một tập hợp các thành phần của nó và mỗi thành phần này đều được tạo thành do một sợi vải, làm thế nào các ông có thể lập luận được, các thành phần của tấm vải khác với những sợi vải? Nếu các ông trả lời toàn bộ tấm vải thật sự hiện hữu trong từng sợi vải, nhưng sở dĩ người ta không thể nhận biết chúng trong từng sợi vải, là vì sự nhận biết này cần phải có sự tiếp cận giữa căn và tấm vải theo một cách nào đó, để có thể nhận biết vô số phần tử tạo thành tấm vải, thì như vậy chỉ có thể nhìn thấy tua vải chứ không phải tấm vải. Nếu các ông trả lời, sở dĩ không nhìn thấy tấm vải khi nhìn vào tua vải, là vì lúc đó các thành phần ở giữa v.v… không tiếp xúc với căn, thì điều này có nghĩa là các ông đã thừa nhận người ta sẽ không bao giờ nhìn thấy tấm vải vì các thành phần ở giữa và hai đầu, vốn được xem như các thành phần tạo nên tấm vải đã không được nhận biết cùng lúc. Nếu các ông nói, các thành phần này (chư phần) được lần lượt nhận biết, tức các ông đã tự nhận là không thể nhận biết toàn bộ tấm vải (hữu phần y) và ý tưởng về tấm vải. Trường hợp này cũng giống như ý tưởng, có một vòng lửa thật sự hiện hữu, khi nhìn thấy chuyển động quay tròn của một que củi đang cháy dở. Hơn nữa, tấm vải không thể là môt vật nào khác với những sợi vải, vì nếu tấm vải khác với sợi vải, thì trong trường hợp có những sợi vải khác màu, khác chất, khác cách dệt, người ta sẽ không thể nào nói tấm vải có màu này, có loại chất này, được dệt theo kiểu như thế này v.v… Trong trường hợp này, nếu các ông nói tấm vải vẫn có khác màu, tức các ông đã tự thừa nhận một vật có thể sinh ra một vật khác loại, vả lại, giả sử như tấm vải chỉ được nhuộm màu một mặt, thì khi nhìn vào mặt này, người ta sẽ không thấy được tấm vải, hoặc nhìn thấy được tấm vải nhưng là tấm vải nhuộm màu. Tuy nhiên các ông cũng có thể bạo gan nói tấm vải, vì được làm thành do những sợi vải được dệt theo các đường khác nhau, cho nên tấm vải vẫn có cách dệt khác nhau, thì như vậy tấm vải sẽ không còn là một thật thể, vì tự thân nó quá khác nhau. Hãy quán sát thêm trường hợp của một thật thể khác là tia sáng của ngọn lửa: Khả năng phát nhiệt và ánh sáng của nó biến đổi liên tục từ đầu đến cuối, và người ta sẽ không thể nhận ra màu sắc cũng như các tính chất có thể xúc chạm của nó.

Thắng luận: Tuy nhiên, nếu toàn bộ tấm vải không khác với các thành phần của nó, và nếu các cực vi vốn không được các căn nhận biết, không thể tạo ra một quả thô để cho các căn có thể nhận biết, tức một quả thô, khác với cực vi, thì thế giới này không thể nhìn thấy được, nhưng trong khi đó người ta vẫn nhìn thấy con bò!)

Luận chủ: Theo chúng tôi, các cực vi cho dù không thể nhận biết được, nhưng khi hội tụ với nhau thì lại có thể nhận biết được. Trường hợp này cũng giống như Thắng luận từng cho các cực vi nếu hội tụ lại thì có khả năng tạo thành các quả thô, cũng giống như các yếu tố của nhãn thức, có thể tập hợp lại để tạo ra thức, và cũng giống như người đau mắt, chỉ có thể nhìn thấy các lọn tóc, chứ không thể nhìn thấy từng sợi tóc.

Luận chủ: Cực vi chính là màu sắc v.v…, vì thế khi thế giới hoại diệt, thì cực vi chắc chắn cũng hoại diệt.

Thắng luận: Cực vi là một thật pháp, mà đã là thật pháp thì khác với màu sắc v.v… (đức pháp), vì thế màu sắc có thể diệt nhưng cực vi không diệt!

Luận chủ: Sự khác biệt giữa sự vật và các thuộc tánh thì không thể nào chấp nhận được, vì người ta không phân chia: “Đây là đất, nước, lửa, và đây là thuộc tánh của đất, tức màu sắc của đất, mùi vị của đất v.v…”. Trong khi đó, các ông lại khẳng định một thật pháp như đất v.v… có thể được mắt v.v… nhận biết. (Như vậy, các ông không thể nói, người ta không nhận biết được đất, vì nó là loại không thể nhận biết). Hơn nữa khi đốt cháy lông thú, bông, cao thuốc phiện, hương trầm, người ta không còn có ý tưởng về lông thú bông v.v… khi nhìn vào tro tàn của chúng, vì thế, ý tưởng này không duyên một thật pháp, có các thuộc tánh là màu sắc v.v… mà chỉ duyên với các thuộc tánh là màu sắc, mùi vị v.v… Nếu các ông cho đó là sự khác nhau giữa một chiếc bình đất chưa nung trước đó và sau khi đã nung, thì chúng tôi nói lúc nào nó cũng chỉ là một chiếc bình như trước, cho dù chiếc bình và màu sắc có khác nhau thì nó vẫn là chiếc bình trước đây, mặc dù màu sắc đã thay đổi. Thế nhưng trong thực tế, nếu chúng ta có thể nhận ra chiếc bình chưa nung ở trong chiếc bình đã nung, thì đó chính vì hình dạng của nó vẫn còn tương tự, cũng giống như khi nhận ra một đàn kiến. Thật vậy, ai có thể nhận ra chiếc bình, nếu không nhìn thấy những tính chất đã được quan sát trước đó?

Chúng ta hãy chấm dứt ở đây sự bàn cãi về những chủ trương ấu trĩ này.

Hỏi: Giới hạn cao nhất của các sự hủy diệt ấy là gì?

Đáp: Tầng thiền thứ hai là giới hạn cao nhất của sự hủy diệt do hỏa tai gây ra, và tất cả những gì ở bên dưới đều bị đốt cháy. Tầng thiền thứ ba là giới hạn cuối cùng của sự hủy diệt do thủy tai, và tất cả những gì ở bên dưới đều bị tan rã hoặc phân hủy. Tầng thiền thứ tư là giới hạn cao nhất của sự hủy diệt do phong tai, và tất cả những gì ở bên dưới đều bị phân hủy hoặc phân tán. Những gì còn lại sau các sự hủy diệt này, được gọi là “cái đầu của sự hủy diệt” (tai đỉnh).

Như vậy tầng thiền thứ nhất hủy diệt là vì lửa, thật vậy các lậu hoặc của tầng thiền thứ nhất chính là tầm tứ, chúng đốt cháy tâm, cũng tương tự như lửa. Tầng thiền thứ hai hủy diệt là vì nước, thật vậy, ở đây hỷ thọ chính là lậu hoặc, lậu hoặc này khi tương ưng với khinh an, thì làm cho thân thể mềm nhão, cũng tương tự như nước. Vì thế kinh dạy: Khổ thọ (khổ căn) bị diệt là do đoạn trừ được tính chất thô trọng của thân. Tầng thiền thứ ba hủy diệt là vì gió, vì các lậu hoặc thuộc về sự chuyển động của hơi thở (động tức) đều là gió.

Các lậu hoặc thuộc về bên ngoài của một tầng thiền, (tức là các loại tai hoạn hủy diệt một cõi trời của thiền định), có cùng thứ tự với những lậu hoặc thuộc về bên trong, đã tác động đến những người nhập vào tầng thiền này.

Hỏi: Tại sao không có sự hủy diệt do địa đại gây ra giống như hỏa đại v.v…?

Đáp: Cái được gọi là khí thế gian chính là đất, vì thế khí thế gian có thể tương vi với lửa, nước và gió nhưng không tương vi với đất.

Tầng thiền thứ tư không chịu sự hủy diệt, vì nó vốn bất động. Phật đã nói: Tầng thiền này vì không có các lậu hoặc bên trong, nên không bị lay động. Các lậu hoặc bên ngoài, vì thế cũng không tác động đến tầng thiền này và kết quả là nó không chịu sự hủy hoại.

Có luận sư thì cho sự không hủy hoại của tầng thiền thứ tư, là nhờ năng lực của chúng sinh Tịnh cư thiên cư trú ở tầng thiền này. Chúng thiên này không có khả năng nhập cõi Vô sắc và cũng không thể đi đến các nơi khác (ở một địa thấp hơn)!

Tuy nhiên, khí thế gian thuộc tầng thiền thứ tư không thường hằng, vì thế không tạo thành một “địa”, cũng giống như các ngôi sao, tầng thiền này được chia thành nhiều nơi cư trú khác nhau, các cung điện khác nhau làm chỗ ở cho chúng thiên, đều sinh khởi và hủy diệt cùng với chúng thiên này.

Hỏi: Ba sự hủy hoại này xảy ra theo thứ tự nào?

Đáp: Mỗi loạt hỏa tai xảy ra, đều bao gồm bảy lần hủy hoại nối tiếp nhau. Cứ sau một loạt hỏa tai, lại xảy ra một lần thủy tai. Sau loạt thứ tám (tức loạt cuối cùng ) của hỏa tai, là lần hủy hoại độc nhất của phong tai. Những phần nào của khí thế gian còn tồn tại được, là nhờ có sự tồn tại của chư thiên, tái sinh ở đó nhờ lực của thiền định. Như vậy có tất cả năm mươi sáu lần hủy hoại do hỏa tai gây ra, bảy lần do thủy tai, và một lần do phong tai, điều này chứng minh Luận Thi Thiết Túc đã chính xác khi nói chư thiên ở cõi Biến tịnh cư sống đến sáu mươi tư kiếp.