LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 48

Chương 3: KIỀN ĐỘ TRÍ

Phẩm thứ 1: TÁM ĐẠO, phần 3

Hỏi: Nếu thành tựu Kiến cũng là thành tựu Trí chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu thành tựu Trí cũng là thành tựu Kiến chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu thành tựu Kiến cũng là thành tựu Tuệ chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu thành tựu Tuệ cũng là thành tựu Kiến chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu thành tựu Trí cũng là thành tựu Tuệ chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu thành tựu Tuệ cũng là thành tựu Trí chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Ai là người thành tựu Kiến, Trí, Tuệ?

Đáp: Tất cả chúng sinh. Nói tóm tắt là tất cả chúng sinh, nhưng có nhiều, ít.

Người dứt bỏ căn thiện: Nghĩa là thành tựu kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến đạo đoạn. Thành tựu trí tuệ nhiễm ô của ba cõi do tu đạo đoạn. Thành tựu trí tuệ vô ký không ẩn mất hệ thuộc cõi dục.

Người không đoạn căn thiện: Nếu không được tâm thiện của cõi sắc, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của ba cõi do kiến đạo đoạn. Thành tựu trí tuệ nhiễm ô của ba cõi do tu đạo đoạn. Thành tựu kiến, trí, tuệ thiện thuộc cõi dục. Thành tựu trí tuệ vô ký không ẩn mất thuộc cõi dục.

Nếu đã được tâm thiện của cõi sắc, chưa lìa dục của cõi dục, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của ba cõi do kiến đạo đoạn. Thành tựu trí tuệ nhiễm ô nơi ba cõi do tu đạo đoạn. Thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi dục, cõi sắc. Thành tựu trí tuệ vô ký không ẩn mất thuộc cõi dục.

Đã lìa dục của cõi dục, nếu không được tâm thiện của cõi vô sắc, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn. Thành tựu trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi dục, cõi sắc. Thành tựu trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc.

Nếu được tâm thiện của cõi vô sắc, chưa lìa dục của cõi sắc, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn. Thành tựu trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Thành tựu kiến, trí, tuệ của ba cõi. Thành tựu trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc.

Nếu đã lìa dục của cõi sắc, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của cõi vô sắc do kiến đạo đoạn. Thành tựu trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của ba cõi. Thành tựu trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc.

Phàm phu sinh nơi cõi sắc, không được tâm thiện của cõi vô sắc, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn. Thành tựu trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện thuộc cõi sắc. Thành tựu trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc.

Nếu được tâm thiện của cõi vô sắc, chưa lìa dục của cõi sắc, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn. Thành tựu trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi sắc, vô sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc.

Đã lìa dục cõi sắc, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của cõi vô sắc do kiến đạo đoạn, trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi sắc, vô sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc.

Phàm phu sinh cõi vô sắc, tâm báo không hiện ở trước, thì thành tựu kiến, trí, tuệ thuộc cõi vô sắc do kiến đạo đoạn, trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi vô sắc.

Nếu tâm báo hiện ở trước, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của cõi vô sắc do kiến đạo đoạn, trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi vô sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất. Đó là nói về hàng phàm phu.

Người Kiên tín, Kiên pháp, nếu pháp trí chưa sinh, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của ba cõi do kiến đạo đoạn, trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi dục, cõi sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cùng kiến trí tuệ vô lậu.

Khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của ba cõi do tập, diệt, đạo đoạn, cùng trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi dục, cõi sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cùng kiến, trí, tuệ vô lậu.

Cho đến diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, thì thành tựu kiến, trí, tuệ của ba cõi do kiến đạo đoạn, cùng trí tuệ nhiễm ô do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi dục, cõi sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, và kiến, trí, tuệ vô lậu.

Người Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm thành tựu trí tuệ nhiễm ô nơi ba cõi do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi dục, cõi sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc, và kiến, trí, tuệ vô lậu.

A-na-hàm sinh nơi cõi dục, nếu không được tâm thiện của cõi vô sắc, thì thành tựu trí tuệ nhiễm ô nơi cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi dục, cõi sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc và kiến trí tuệ vô lậu.

Nếu đã được tâm thiện của cõi vô sắc, chưa lìa dục cõi sắc, thì thành tựu trí tuệ nhiễm ô của cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của ba cõi, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc và kiến, trí, tuệ vô lậu.

Đã lìa dục cõi sắc, thì thành tựu trí tuệ nhiễm ô của cõi vô sắc do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của ba cõi, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc và kiến, trí, tuệ vô lậu.

A-na-hàm sinh nơi cõi sắc, nếu không được tâm thiện của cõi vô sắc, thì thành tựu trí tuệ nhiễm ô của cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, sắc, cùng kiến trí tuệ vô lậu.

Nếu đã được tâm thiện của cõi vô sắc, chưa lìa dục của cõi sắc, thì thành tựu trí tuệ nhiễm ô của cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi sắc, vô sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc và kiến trí tuệ vô lậu.

Đã lìa dục của cõi sắc, thì thành tựu trí tuệ nhiễm ô của cõi vô sắc do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi sắc, vô sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc cùng kiến, trí, tuệ vô lậu.

A-la-hán sinh nơi cõi sắc, thì thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi sắc, vô sắc, trí tuệ vô ký không ẩn mất của cõi dục, cõi sắc, cùng kiến, trí, tuệ vô lậu.

A-na-hàm sinh nơi cõi vô sắc, tâm báo không hiện ở trước, thì thành tựu trí tuệ nhiễm ô nơi cõi vô sắc do tu đạo đoạn. Cũng thành tựu kiến, trí, tuệ thiện và kiến trí tuệ vô lậu.

Nếu tâm báo hiện ở trước, thì thành tựu trí tuệ vô ký không ẩn mất. Ngoài ra, như trước đã nói.

A-la-hán sinh nơi cõi vô sắc, tâm báo không hiện ở trước, thì thành tựu kiến, trí, tuệ thiện của cõi vô sắc, và kiến trí tuệ vô lậu.

Nếu tâm báo hiện ở trước, thì thành tựu trí, tuệ vô ký không ẩn mất. Ngoài ra, như trước đã nói.

Nếu Kiến đoạn thì Trí kia đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Nếu Trí đoạn thì Kiến kia đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Nếu Kiến đoạn thì Tuệ kia đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Nếu Tuệ đoạn thì Kiến kia đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Nếu Trí đoạn thì Tuệ kia đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Nếu Tuệ đoạn thì Trí kia đoạn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Ai đoạn Kiến, Trí, Tuệ?

Đáp: Là A-la-hán. Các vị khác thì đoạn có nhiều, có ít.

A-na-hàm đã lìa dục của xứ vô sở hữu thì đoạn kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến đạo đoạn. Đoạn kiến trí tuệ nơi tám địa do tu đạo đoạn.

Cho đến A-na-hàm chưa lìa dục của thiền thứ nhất, thì đoạn kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến đạo đoạn. Đoạn kiến trí tuệ nơi cõi dục do tu đạo đoạn.

Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm đoạn kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến đạo đoạn. Người Kiên tín, Kiên pháp, khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, thì đoạn kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến khổ đoạn. Cho đến diệt trí đã sinh, đạo trí chưa sinh, thì đoạn kiến, trí, tuệ nơi ba cõi do kiến khổ, tập, diệt đoạn.

Người phàm phu đã lìa dục của xứ vô sở hữu, thì lìa kiến, trí, tuệ nơi tám địa do kiến đạo, tu đạo đoạn. Cho đến người phàm phu lìa dục của cõi dục, đoạn kiến, trí, tuệ nơi một địa do kiến đạo, tu đạo đoạn.

* Các chánh kiến là giác chi trạch pháp chăng?

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì phần Luận trước là căn bản để tạo phần Luận này. Phần Luận trước đã nêu: Thế nào là Kiến? Thế nào là trí? Thế nào là Tuệ? Nhưng không nêu rõ: Các chánh kiến là giác chi trạch pháp chăng? Do phần Luận trước đã nói là căn bản để tạo ra phần Luận này, tức nay muốn nói rộng, nên tạo ra phần Luận này.

Nơi A-tỳ-đàm này là tướng quyết định. Nếu sau giác chi nói đạo chi, tức nên biết đạo chi là hoàn toàn vô lậu. Nếu sau đạo chi nói giác chi, tức nên biết đạo chi là hữu lậu, vô lậu. Ở đây, sau đạo chi nói giác chi, nên biết đạo chi là hữu lậu, vô lậu.

Hoặc có chánh kiến không phải là giác chi trạch pháp, cho đến nói rộng làm bốn trường hợp:

1. Là chánh kiến không phải là giác chi trạch pháp: Là chánh kiến của thế tục. Vì sao? Vì giác chi hoàn toàn là vô lậu.

2. Là giác chi trạch pháp không phải là chánh kiến: Là tận trí, vô sinh trí. Vì sao? Vì hai trí kia không có tướng của kiến.

3. Là chánh kiến cũng là giác chi trạch pháp: Là trừ tận trí, vô sinh trí, còn lại là các tuệ vô lậu khác. Các tuệ vô lậu ấy là gì? Đó là các nhẫn trong kiến đạo, là tám trí của học và chánh kiến vô học. Vì sao? Vì các thứ ấy có tướng của kiến, tướng của giác chi.

4. Không phải là chánh kiến cũng không phải là giác chi trạch pháp: Là trừ từng ấy sự việc trên.

Nếu pháp đã lập danh, đã nêu xưng, thì tạo ra các trường hợp thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Pháp chưa lập danh, chưa nêu xưng, thì tạo ra trường hợp thứ tư. Trường hợp ấy là gì? Là hành ấm tạo ra bốn trường hợp này. Tuệ thiện, địa ý thức hữu lậu, vô lậu tạo ra ba trường hợp trước. Ngoài ra, có hành ấm tương ưng, không tương ưng, tạo ra trường hợp thứ tư. Phần khác có bốn ấm và pháp vô vi, cũng tạo ra trường hợp thứ tư. Đó gọi là trừ từng ấy sự việc trên.

Các chánh trí là giác chi trạch pháp chăng?

Đáp: Hoặc chánh trí không phải là giác chi trạch pháp, cho đến nói rộng làm bốn trường hợp:

1. Là chánh trí không phải là giác chi trạch pháp: Là chánh trí của thế tục. Vì sao? Vì chánh trí kia không có tướng của giác chi.

2. Là giác chi trạch pháp không phải là chánh trí: Là tám nhẫn trong kiến đạo. Vì sao? Vì nhẫn kia không có tướng của trí.

3. Là chánh trí cũng là giác chi trạch pháp: Là trừ các nhẫn trong kiến đạo, còn lại là các tuệ vô lậu khác. Tuệ vô lậu khác ấy là gì? Là tám trí của học, vô học. Vì sao? Vì các thứ ấy có tướng của trí, tướng của giác chi.

4. Không phải là chánh trí cũng không phải là giác chi trạch pháp: Là trừ từng ấy sự việc trên, như trước đã nói. Ở đây có khác: Là đều nói tất cả tuệ thiện nơi địa ý và hữu lậu, vô lậu của địa năm thức.

Hỏi: Vì sao không hỏi giác chi khác?

Đáp: Cũng nên nêu câu hỏi này: Hoặc chánh phương tiện là giác chi tinh tấn chăng? Đáp: Nếu là giác chi tinh tấn thì cũng là chánh phương tiện.

Từng có chánh phương tiện không phải là giác chi tinh tấn chăng? Đáp: Có. Là chánh phương tiện của thế tục.

Giác chi, đạo chi còn lại cũng nên nêu câu hỏi như thế, nhưng không hỏi là có ý gì? Đáp: Nên biết đấy là sự nêu giảng chưa trọn vẹn.

Lại nữa, ở đây nói về đầu cuối, thì đầu là chánh kiến, cuối là chánh trí. Như khi mới nhập, lúc xuất thì phương tiện cứu cánh cũng như thế.

Lại nữa, nếu tạo đầy đủ nghĩa của bốn trường hợp, thì ở đây nói. Nếu chỉ có thuận với trường hợp sau, thì ở đây không nói.

Lại nữa, đây là Kiền Độ Trí, nếu pháp là tánh của Kiến, Trí, Tuệ thì trong đây phân biệt rộng.

Giác chi niệm lúc hiện tiền, có bao nhiêu giác chi, đạo chi hiện ở trước?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Có thuyết cho: Khi pháp sinh là theo thứ lớp sinh, không phải cùng một lúc. Như phái Thí Dụ. Tôn giả Phật-đà-đề-bà đã lập ra thuyết: Khi pháp sinh là theo thứ lớp, không sinh cùng một lúc. Cũng như nhiều bạn cùng đi qua ngõ hẹp, một ra, một vào, không được cùng một lúc cả hai người cùng chen qua, huống chi là nhiều người. Như thế, pháp hữu vi mỗi mỗi pháp đều từ tướng sinh mà sinh, đâu có uy lực để có thể trong cùng một lúc sinh khởi.

Hỏi: Vì sao vị kia tạo ra thuyết ấy?

Đáp: Vì vị kia đã dựa vào kinh Phật. Như kinh Phật nói: Nếu tâm nhỏ yếu tu ba giác chi, tức là không phải lúc, đó là giác chi khinh an, định, xả. Lúc này nên tu ba giác chi là giác chi trạch pháp, tinh tấn, hỷ. Nếu người có tâm trạo cử, lay động tu ba giác chi, tức là không phải lúc, đó là giác chi trạch pháp, tinh tấn, hỷ. Lúc này nên tu ba giác chi là giác chi khinh an, định, xả.

Nếu kinh Phật nói ba giác chi là đúng lúc, ba giác chi là chẳng đúng lúc, tức nên biết khi pháp sinh là theo thứ lớp sinh, không phải là sinh cùng một lúc. Cũng lại dẫn kinh khác: Như Tôn giả Xá-lợiphất nói: Các Trưởng lão nên biết! Tôi được bảy giác chi, tùy ý tự tại. Buổi sáng, tôi muốn trụ nơi giác chi như vậy là tùy ý được an trụ. Buổi trưa, buổi chiều tôi muốn trụ nơi giác chi nào là tùy ý được trụ. Do hai kinh ấy đã nói nên biết khi pháp sinh là theo thứ lớp sinh, không phải sinh cùng một lúc.

Vì nhằm ngăn chận ý của những người nói như thế, cũng để làm rõ pháp nơi cùng một lúc sinh khởi.

Hỏi: Nếu pháp nơi cùng một lúc sinh, không phải theo thứ lớp sinh, thì như nơi kinh Phật đã nói làm sao thông? Như nói: Tu ba giác chi là đúng lúc, tu ba giác chi là không đúng lúc.

Đáp: Kinh này nói: Khi pháp sinh là cùng một lúc sinh, chẳng phải không cùng một lúc sinh. Vì sao? Vì nếu trong tâm có hai, có ba giác chi, là đã làm rõ pháp cùng một lúc sinh, không phải theo thứ lớp.

Hỏi: Pháp trợ đạo này tùy theo địa kia không có giảm thiểu. Người tu vì sao nói tu ba giác chi này là đúng lúc, tu ba giác chi kia thì không đúng lúc?

Đáp: Giác chi có hai phần: (1) Phần định. (2) Phần tuệ. Nếu khi giác chi của phần định hiện ở trước, nếu tu ba giác chi của phần tuệ, tức là không đúng lúc. Vì sao? Vì thế dụng của phần định riêng có nhiều, khi ấy nên tu ba giác chi cùng với trên trái nhau. Nói về phần tuệ cũng như thế.

Lại nữa, hoặc định hữu vi nhập đạo Thánh, hoặc tuệ hữu vi nhập đạo Thánh. Nếu người vì định nhập đạo Thánh, thì tu ba giác chi của phần định là đúng lúc, còn tu ba giác chi của phần tuệ là không đúng lúc. Nếu người vì tuệ nhập đạo Thánh, thì tu ba giác chi của phần tuệ là đúng lúc, còn tu ba giác chi của phần định là không đúng lúc.

Hỏi: Nếu như vậy thì nơi kinh nêu lời Tôn giả Xá-lợi-phất nói làm sao thông?

Đáp: Tôn giả Xá-lợi-phất đã khéo nhận biết về tướng của thân tâm khi xuất định, nhập định, cho nên nếu muốn dùng buổi sáng sớm để nhập giác chi như thế, liền được tùy ý tự tại. Nếu muốn dùng buổi trưa hoặc chiều cũng như thế, nên mới nói như vậy.

Lại nữa, kinh này nói giác chi của ba địa: Là địa có giác có quán, địa không giác có quán, địa không giác không quán. Nếu muốn dùng thời gian sáng sớm để nhập giác chi của địa có giác có quán, hoặc dùng thời gian giữa ngày để nhập giác chi của địa không giác có quán, hoặc dùng thời gian buổi chiều để nhập giác chi của địa không giác không quán, đều được tùy ý nên nêu bày như vậy.

Lại nữa, ở đây nói về ba căn cùng có với giác chi, là lạc căn, hỷ căn và xả căn. Nếu muốn dùng thời gian đầu trong ngày để nhập giác chi cùng có với lạc căn, hoặc dùng thời gian buổi trưa để nhập giác chi cùng có với hỷ căn, hoặc dùng thời gian xế chiều để nhập giác chi cùng có với xả căn, hết thảy đều được tùy ý, nên nêu bày như vậy.

Không, vô tướng, vô nguyện đều cùng có, tận trí, vô sinh trí, chánh kiến vô học đều cùng có giác chi, nói cũng như thế.

Phái Thí dụ đã nói như vầy: Ở đây là nói giác chi của bảy địa tức giác chi của bốn thiền căn bản và ba định vô sắc. Ở trong bảy địa ấy, nếu muốn dùng phần thời gian đầu trong ngày để nhập giác chi của địa thiền thứ nhất, cho đến nhập giác chi của địa xứ vô sở hữu, hoặc dùng phần thời gian buổi trưa, xế chiều để nhập giác chi của địa thiền thứ nhất, cho đến nhập giác chi của địa xứ vô sở hữu, đều được tùy ý, nên mới nêu bày như vậy.

Lại có thuyết cho: Sở dĩ tạo ra phần Luận này là vì có người nói: Trong các thiền biên có hỷ, không có giới. Hoặc nói ở địa trên có chánh giác. Hoặc nói trong địa vô sắc có giới.

Vì nhằm ngăn chận ý của những người nói như thế, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Giác chi niệm lúc hiện tiền, có bao nhiêu giác chi, đạo chi hiện ở trước?

Đáp: Nếu dựa vào thiền vị chí có giác có quán, lúc giác chi niệm hiện tiền, thì có sáu giác chi và tám đạo chi học hiện ở trước, sáu giác chi và chín đạo chi vô học hiện ở trước. Nói như thế là để ngăn trừ ý của những người nói trong các thiền biên có hỷ, không có giới.

Hỏi: Như định của thiền vị chí là có giác có quán, vì sao nói thế này: Dựa vào thiền vị chí có giác có quán?

Đáp: Tức nên nói như vầy: Nếu dựa vào thiền vị chí, không nên nói có giác có quán. Nhưng đã nói như thế là có ý gì? Đáp: Vì muốn khiến cho người nghi có được quyết định. Như nơi chương Kiền Độ Bốn Đại nói: Các biên của địa trên cũng nói là vị chí. Hoặc có người nghe nói vị chí, cho là vị chí của địa trên. Nếu nói có giác có quán, nên biết tất là vị chí của thiền thứ nhất.

Nếu dựa vào thiền thứ nhất, lúc giác chi niệm hiện tiền, thì có bảy giác chi và tám đạo chi học hiện ở trước, bảy giác chi và chín đạo chi vô học hiện ở trước.

Nếu dựa vào thiền trung gian, lúc giác chi niệm hiện tiền, thì có sáu giác chi và bảy đạo chi học hiện ở trước, sáu giác chi và tám đạo chi vô học hiện ở trước.

Nếu nói như thế tức là ngăn chận ý của thuyết cho ở nơi địa trên có chánh giác. Như thiền trung gian, thì các thiền thứ ba, thứ tư cũng như thế.

Nếu dựa vào thiền thứ hai, lúc giác chi niệm hiện tiền, thì có bảy giác chi và bảy đạo chi học hiện ở trước, bảy giác chi và tám đạo chi vô học hiện ở trước.

Nếu dựa vào định của cõi vô sắc, lúc giác chi niệm hiện tiền, thì có sáu giác chi và bốn đạo chi học hiện ở trước, sáu giác chi và năm đạo chi vô học hiện ở trước.

Nếu nói như thế tức ngăn chận ý của người cho ở cõi vô sắc có giới. Các giác chi, đạo chi đã được trong tất cả tâm vô lậu của tất cả địa, nói cũng như giác chi niệm. Sự việc này là thế nào? Nghĩa là các giác chi trạch pháp, tinh tấn, ỷ (khinh an), cùng các đạo chi định, xả, chánh kiến, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định.

Giác chi hỷ lúc hiện tiền, có bao nhiêu giác chi, đạo chi hiện ở trước?

Đáp: Nếu dựa vào thiền thứ nhất, lúc giác chi hỷ hiện tiền, thì có bảy giác chi và tám đạo chi học hiện ở trước, bảy giác chi và chín đạo chi vô học hiện ở trước.

Nếu dựa vào thiền thứ hai, lúc giác chi hỷ hiện tiền, thì có bảy giác chi và bảy đạo chi học hiện ở trước, bảy giác chi và tám đạo chi vô học hiện ở trước.

Chánh giác lúc hiện tiền, có bao nhiêu giác chi, đạo chi hiện ở trước?

Đáp: Nếu dựa vào thiền vị chí, lúc chánh giác (chánh tư duy) hiện tiền, thì có sáu giác chi và tám đạo chi học hiện ở trước, sáu giác chi và chín đạo chi vô học hiện ở trước.

Nếu dựa vào thiền thứ nhất, lúc chánh giác hiện tiền, thì có bảy giác chi và tám đạo chi học hiện ở trước, bảy giác chi và chín đạo chi vô học hiện ở trước.

Hỏi: Vì sao trong các biên không có hỷ?

Đáp: Vì các biên đã lìa dục, chưa lìa dục đều có thể khởi hiện ở trước, nên không thể phát sinh hỷ. Như người khi bị trói buộc nhiều chỗ, có chỗ cởi trói, có chỗ không cởi trói, do đó không thể sinh hỷ. Trong các biên kia cũng như thế.

Hỏi: Vì sao địa trên không có chánh giác (chánh tư duy)?

Đáp: Vì địa ấy không phải là ruộng, vật chứa đựng, cho đến nói rộng.

Lại nữa, vì trừ chánh giác, nên mong cầu địa trên. Nếu nơi địa trên có chánh giác thì địa dưới không tạo ra phương tiện để mong cầu địa trên. Nếu pháp ở địa dưới có, ở địa trên cũng có, tức không có diệt theo thứ lớp. Nếu không có diệt theo thứ lớp, thì không có diệt rốt ráo. Vì sao? Vì do diệt theo thứ lớp nên có thể dẫn đến diệt rốt ráo. Nếu không có diệt rốt ráo thì không có giải thoát.

Lại nữa, nếu có xứ của thân nghiệp, khẩu nghiệp thì có chánh giác. Vì địa trên không có thân nghiệp, khẩu nghiệp, nên không có chánh giác.

Hỏi: Vì sao nơi cõi vô sắc không có giới?

Đáp: Vì nơi cõi ấy không phải là ruộng, vật chứa đựng, cho đến nói rộng.

Lại nữa, vì loại trừ giới, nên cầu cõi vô sắc. Nếu ở cõi vô sắc có giới thì chúng sinh nơi địa dưới không tạo phương tiện để cầu cõi vô sắc. Nếu pháp ở địa dưới có, ở địa trên cũng có, tức không có diệt theo thứ lớp. Nếu không có diệt theo thứ lớp thì không có diệt rốt ráo.

Vì sao? Vì do diệt theo thứ lớp nên có thể dẫn đến diệt rốt ráo. Nếu không có diệt rốt ráo thì không có giải thoát.

Lại nữa, giới là phần ít của sắc. Trong cõi vô sắc không có sắc. Giới là do bốn đại tạo, ở cõi vô sắc không có bốn đại.

Hỏi: Không có bốn đại vô lậu, vì sao có giới vô lậu?

Đáp: Vì giới vô lậu không do sức của bốn đại để thành vô lậu. Do sức của tâm nên là vô lậu.

Lại nữa, giới đối trị giới ác, cõi vô sắc không có giới ác, nên không có giới. Vì sao? Vì giới ác chỉ ở cõi dục. Cõi dục đối với cõi vô sắc có bốn sự việc nên là xa: (1) Do đối tượng nương dựa nên xa. (2) Do đối tượng hành nên xa. (3) Do đối tượng duyên nên xa. (4) Do đối trị nên xa.

* Ba mươi bảy pháp trợ đạo: Bốn niệm xứ. Bốn chánh đoạn. Bốn như ý túc. Năm căn. Năm lực. Bảy giác chi. Tám đạo chi.

Đức Phật tuy nói pháp trợ đạo nhưng không nói có ba mươi bảy thứ, chỉ nói bảy giác chi là pháp trợ đạo. Vì sao nhận biết điều ấy? Vì như kinh nói: Có một Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, đến rồi đầu mặt đảnh lễ nơi chân Phật và đứng qua một bên, bạch: Đức Thế Tôn đã nói giác chi, vì sao gọi là giác chi? Đức Phật bảo Tỳ-kheo: Là bảy pháp trợ đạo nên gọi là giác chi. Đó là giác chi niệm, giác chi trạch pháp, giác chi tinh tấn, giác chi hỷ, giác chi khinh an, giác chi định, giác chi xả. Do sự việc này, nên biết bảy giác chi là pháp trợ đạo.

Hỏi: Pháp trợ đạo có ba mươi bảy thứ. Vì sao Đức Thế Tôn nói bảy giác chi là pháp trợ đạo?

Đáp: Tùy theo Tỳ-kheo kia đã hỏi nên Đức Phật nói bảy giác chi là pháp trợ đạo. Nếu Tỳ-kheo kia hỏi về bốn niệm xứ, Đức Phật cũng nói bốn niệm xứ là pháp trợ đạo.

Lại nữa, kinh kia hoàn toàn nói về pháp trợ đạo vô lậu. Các thứ khác thì không nhất định. Như niệm xứ có hai thứ: hữu lậu, vô lậu. Cho đến đạo chi cũng có hữu lậu, vô lậu.

Lại có thuyết nói: Đức Phật nói ba mươi bảy pháp trợ đạo. Vì trải qua thời gian lâu, nên mất mát. Như Đà-la-đạt-đa nói: Pháp trợ đạo nên nói một chi, cho đến ba mươi bảy chi, như ba mươi bảy pháp trợ đạo. Như nơi Kinh Phủ Kha Dụ cũng nói: Ba mươi bảy pháp trợ đạo vô lậu. Nếu nhận lấy sự quyết định tu đạo, tức là bảy giác chi. Nếu nhận lấy sự không quyết định, tức có sáu thứ chi. Vì sao? Vì niệm xứ có hai thứ: hữu lậu, vô lậu, cho đến đạo chi cũng như thế.

Hỏi: Pháp trợ đạo, danh có ba mươi bảy, thể có bao nhiêu?

Đáp: Pháp trợ đạo, danh có ba mươi bảy, thể có mười một, hoặc mười hai.

Nếu nói đều ở trong giác chi, giác chi danh có bảy, thể cũng có bảy. Bốn niệm xứ, tuệ căn, tuệ lực, chánh kiến đều ở trong giác chi trạch pháp. Bốn chánh đoạn, tinh tấn căn, tinh tấn lực, chánh phương tiện đều ở trong giác chi tinh tấn. Bốn như ý túc, định căn, định lực, chánh định đều ở trong giác chi định. Niệm căn, niệm lực, chánh niệm đều ở trong giác chi niệm. Pháp còn lại có tín căn, trong đạo chi có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

Nếu nói đều ở trong đạo chi, tức nếu nói ngoài chánh ngữ, chánh nghiệp, lại không có chánh mạng, thì tám đạo chi, danh có tám, thể có bảy. Nếu nói ngoài chánh ngữ, chánh nghiệp, riêng có chánh mạng, thì tám đạo chi, danh có tám, thể có tám. Bốn niệm xứ, tuệ căn, tuệ lực, giác chi trạch pháp đều ở trong chánh kiến. Bốn chánh đoạn, tinh tấn căn, tinh tấn lực, giác chi tinh tấn đều ở trong chánh phương tiện. Bốn như ý túc, định căn, định lực, giác chi định đều ở trong chánh định. Niệm căn, niệm lực, giác chi niệm đều ở trong chánh niệm.

Pháp còn lại có tín căn, trong giác chi có hỷ, khinh an, xả.

Do sự việc này nên pháp trợ đạo, Danh có ba mươi bảy, Thể có mười một, hoặc mười hai. Như danh, thể, thì số danh, số thể, danh khác, thể khác, danh khác với tướng, thể khác với tướng, biết danh, biết thể đều cũng như thế.

Đó là tánh của pháp, là thể của pháp trợ đạo, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao gọi là pháp trợ đạo? Trợ đạo là nghĩa gì?

Đáp: Tận trí, vô sinh trí là Bồ-đề. Các pháp này tùy thuận pháp kia, hỗ trợ pháp kia, làm cho pháp kia có phần thế dụng vượt hơn, nên gọi là pháp trợ đạo.

Đã nói tổng quát về lý do của pháp trợ đạo. Nay sẽ nói riêng về lý do của mỗi mỗi pháp.

Vì sao gọi là Niệm xứ?

Đáp: Nghĩa phân biệt tụ là nghĩa của niệm xứ. Tụ gọi là năm thủ ấm. Nếu muốn phân biệt thì nên dùng niệm xứ.

Nghĩa đốt cháy thắp sáng là nghĩa của Chánh đoạn. Nghĩa chứa nhóm, nghĩa pháp là nghĩa của Như ý túc. Nghĩa tăng thượng thù thắng là nghĩa của Căn. Nghĩa không thể hoại là nghĩa của Lực. Nghĩa hiểu biết là nghĩa của Giác chi. Nghĩa tìm cầu là nghĩa của Đạo chi.

Đã nói riêng về lý do của pháp trợ đạo. Nay sẽ nêu bày riêng về lý do của giác chi, đạo chi.

Vì sao gọi là Giác chi? Là do có khả năng giác ngộ nên gọi là giác chi hay là do chi của giác nên gọi là giác chi?

Nếu do có khả năng giác ngộ nên gọi là giác chi, thì chỉ một thứ là giác chi, còn sáu thứ kia là không phải.

Nếu do là chi của giác nên gọi là giác chi, thì sáu thứ là giác chi, một thứ là không phải.

Đáp: Nên nói như thế này: Do có khả năng giác ngộ, nên gọi là giác chi.

Hỏi: Nếu như vậy thì chỉ một thứ là giác chi, sáu thứ kia là không phải?

Đáp: Các pháp ấy đều là phần của pháp kia, đều tùy thuận vào thế dụng hơn hẳn của pháp kia, nên gọi là giác chi.

Lại có thuyết nói: Do là chi của giác, nên gọi là giác chi.

Hỏi: Nếu như vậy thì sáu thứ là giác chi, một thứ là không phải?

Đáp: Giác chi trạch pháp là giác, là giác chi. Các thứ còn lại chỉ là giác chi.

Vì sao gọi là Đạo chi? Là do có khả năng tìm cầu nên gọi là đạo chi, hay do là chi của đạo nên gọi là đạo chi?

Nếu do có khả năng tìm cầu nên gọi là đạo chi, thì chỉ một thứ là đạo chi, bảy thứ thì không phải.

Nếu do là chi của đạo nên gọi là đạo chi, thì bảy thứ là đạo chi, một thứ là không phải.

Đáp: Nên nói như thế này: Là do có khả năng tìm cầu, nên gọi là đạo chi.

Hỏi: Nếu như vậy thì chỉ một thứ là đạo chi, bảy thứ kia là không phải?

Đáp: Các pháp này đều là phần của pháp kia, tùy thuận vào thế dụng hơn hẳn của pháp kia, nên gọi là đạo chi.

Lại có thuyết nói: Do là chi của đạo nên gọi là đạo chi.

Hỏi: Nếu như vậy thì bảy thứ là đạo chi, một thứ là không phải?

Đáp: Chánh kiến là đạo cũng là đạo chi. Pháp còn lại là đạo chi. Như giác chi trạch pháp là giác, cũng là giác chi. Như chánh định là thiền, cũng là thiền chi. Không ăn phi thời là trai, cũng là trai chi. Chánh kiến cũng lại như thế, là đạo cũng là đạo chi.

Đã nói riêng về lý do của mỗi mỗi pháp trợ đạo. Nay sẽ xét về thứ lớp của chúng.

Vì sao trước nói bốn niệm xứ, cho đến sau hết là nói tám đạo chi?

Đáp: Vì thuận theo pháp thứ lớp của ngôn thuyết.

Lại nữa, vì Đức Phật nói tức là tùy thuận để người hỏi dễ thọ nhận.

Lại nữa, bốn niệm xứ như mắt trông thấy, các pháp trợ đạo khác như mù, không khiến rơi vào xứ không như pháp. Như có nhiều người mù thì người có mắt là phải dẫn đường, không khiến đi lạc đường. Bốn niệm xứ kia cũng lại như thế.

Lại nữa, niệm xứ có thể phân biệt rõ về pháp của tướng chung, tướng riêng, phá trừ sự ngu tối về thể của vật, phá bỏ sự ngu tối trong duyên, nhận lấy thật tướng của pháp không khiến tăng giảm.

Lại nữa, niệm xứ từ địa học ban đầu, cho đến tận trí, vô sinh trí thế dụng thường hơn. Chánh đoạn thì từ pháp noãn trở lên, thế dụng thường hơn. Như ý túc thì từ pháp đảnh trở lên, thế dụng thường hơn. Năm căn thì từ pháp nhẫn trở lên thế dụng thường hơn. Năm lực thì từ pháp thế đệ nhất trở lên thế dụng thường hơn. Đạo chi ở trong kiến đạo là hơn. Giác chi ở trong tu đạo là hơn.

Hỏi: Vì sao trong kiến đạo thì đạo chi là hơn, còn trong tu đạo thì giác chi là hơn?

Đáp: Nghĩa đi đến là nghĩa của đạo. Trong kiến đạo, đi đến là hết sức nhanh chóng. Giác là nghĩa của giác chi. Trong tu đạo có chín thứ giác thường xuyên giác.

Hỏi: Nếu trong kiến đạo là đạo chi, trong tu đạo là giác chi, thì vì sao Đức Thế Tôn trước nói giác chi sau nói đạo chi?

Đáp: Vì Đức Phật thuận theo pháp thứ lớp của ngôn thuyết.

Lại nữa, Đức Phật giảng nói tức tùy thuận để người hỏi dễ thọ nhận.

Lại nữa, vì muốn lần lượt tăng thêm một chi, nên trước nói bốn pháp, tiếp theo nói năm, bảy, tám pháp.

Lại nữa, vì muốn pháp xuất yếu dần dần hiện bày, lần lượt tăng thêm.

Đã nói tổng quát về thứ lớp của pháp trợ đạo. Nay sẽ nói riêng về thứ lớp của mỗi mỗi giác chi, đạo chi.

Vì sao trước nói giác chi niệm sau cho đến nói giác chi xả?

Đáp: Vì thuận theo pháp thứ lớp của ngôn thuyết.

Lại nữa, Đức Phật giảng nói tức tùy thuận để người hỏi dễ thọ nhận.

Tôn giả Cù-sa nói: Người đã kiến đế, nghĩ nhớ đến oai lực của pháp trước đã nhận được, có thể tu đầy đủ giác chi, thế nên Đức Phật trước nói giác chi niệm. Như kinh nói: Người hành chánh quán nơi pháp này, nhớ nghĩ hiện ở trước, không sinh ngu lầm, có thể tu đầy đủ giác chi niệm. Do sức của niệm nên đối với pháp có thể phân biệt, chọn lựa, trù tính, có thể tu đầy đủ giác chi trạch pháp. Do đối với pháp có thể phân biệt, lựa chọn, trù tính, tức hành tinh tấn nên có thể tu đầy đủ giác chi tinh tấn. Đã hành tinh tấn, nên sinh vui mừng với vị không xen tạp, có thể tu đầy đủ giác chi hỷ. Do hỷ, nên thân tâm khinh an vui vẻ, có thể tu đầy đủ giác chi khinh an. Vì có an lạc của khinh an ổn định, nên tâm định, có thể tu đầy đủ giác chi định. Do tâm định nên lìa tham lo, trụ nơi xả, nên có thể tu đầy đủ giác chi xả.

Hỏi: Vì sao trong đạo chi, Đức Thế Tôn trước nói chánh kiến, sau cho đến nói chánh định?

Đáp: Vì thuận theo pháp thứ lớp của ngôn thuyết.

Lại nữa, Đức Phật giảng nói tức tùy thuận để người hỏi dễ thọ nhận.

Tôn giả Cù-sa nói: Người đã kiến đế, do chánh kiến nên có thể tu đạo chi. Như nói: Do chánh kiến nên có thể tu đạo chi. Như nói: Do chánh kiến nên có thể sinh chánh giác (chánh tư duy), chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện (chánh tinh tấn), chánh niệm, chánh định.

Đã nói về thứ lớp của giác chi, đạo chi. Nay sẽ nói về địa.

Là những địa nào có bao nhiêu pháp trợ đạo?

Đáp: Thiền vị chí có ba mươi sáu thứ, trừ hỷ. Thiền thứ nhất có ba mươi bảy. Thiền trung gian có ba mươi lăm, trừ hỷ, chánh giác. Thiền thứ hai có ba mươi sáu, trừ chánh giác. Thiền thứ ba, thứ tư có ba mươi lăm, trừ hỷ, chánh giác. Trong vô sắc có ba mươi hai, trừ hỷ, chánh giác, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

Đã nói về địa. Nay sẽ nói về thời gian hiện ở trước.

Địa nào có bao nhiêu thứ pháp trợ đạo cùng một thời gian hiện ở trước?

Đáp: Dựa vào thiền vị chí có ba mươi sáu thứ cùng một thời gian hiện ở trước, tức có ba mươi ba, trừ ba niệm xứ. Vì sao? Vì mỗi đối tượng duyên đều có khác, hãy còn không thể khởi hai, huống chi là nhiều. Thiền thứ nhất có ba mươi bảy, tức có ba mươi bốn pháp cùng một lúc hiện ở trước, cũng trừ ba niệm xứ. Thiền trung gian có ba mươi lăm, tức có ba mươi hai pháp cùng một lúc hiện ở trước, cũng trừ ba niệm xứ. Như thiền trung gian, thì các thiền thứ ba, thứ tư cũng lại như thế. Thiền thứ hai có ba mươi sáu, tức có ba mươi ba pháp cùng một lúc hiện ở trước, cũng trừ ba niệm xứ. Trong vô sắc có ba mươi hai, tức có hai mươi chín pháp hiện ở trước, cũng trừ ba niệm xứ.

Đã nói về pháp trợ đạo hiện tiền. Nay sẽ nói về tướng giống nhau (đồng) và khác nhau (dị).

Nếu là giác chi thì cũng là đạo chi chăng?

Đáp: Hoặc là giác chi không phải là đạo chi, cho đến nói rộng làm bốn trường hợp:

1. Là giác chi không phải là đạo chi: Là giác chi hỷ, khinh an, xả.

2. Là đạo chi không phải là giác chi: Là chánh giác (chánh tư duy), chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.3

3. Là giác chi cũng là đạo chi: Là các pháp trợ đạo khác, trừ tín.

4. Không phải là giác chi cũng không phải là đạo chi: Là tín.

Hỏi: Vì sao hỷ lập làm giác chi?

Đáp: Vì nghĩa giác là nghĩa của giác chi. Hỷ thì tùy thuận giác chi.

Hỏi: Vì sao hỷ tùy thuận giác chi?

Đáp: Nếu thường xuyên nhận biết (giác) như thật về cảnh giới tức sinh khởi hỷ. Nếu thường xuyên sinh hỷ tức nhận biết như thật về cảnh giới. Như người đào xới đất gặp được vật báu. Vì được vật báu nên lại đào xới nữa. Do đào xới đất nữa, nên lại được vật báu. Pháp kia cũng như thế.

Hỏi: Vì sao hỷ không lập làm đạo chi?

Đáp: Vì nghĩa đi đến là nghĩa của đạo chi. Hỷ không tùy thuận với đi đến.

Hỏi: Vì sao hỷ không tùy thuận với đi đến?

Đáp: Nếu thường xuyên hỷ thì trụ chứ không đi đến. Như người đang đi trên đường, nếu thường xuyên dừng nghỉ thì muốn trụ chứ không đi. Hỷ kia cũng như thế.

Hỏi: Vì sao khinh an, xả lập làm giác chi?

Đáp: Nghĩa giác là nghĩa của giác chi. Do khinh an, xả tùy thuận với giác chi.

Hỏi: Vì sao khinh an, xả tùy thuận giác chi?

Đáp: Nếu đối với tất cả sự việc đều được khinh an, xả thì có thể nhận biết (giác) như thật về cảnh giới.

Hỏi: Vì sao khinh an, xả không lập làm đạo chi?

Đáp: Nghĩa đi đến là nghĩa của đạo chi. Khinh an, xả không tùy thuận với đi đến.

Hỏi: Vì sao khinh an, xả, không tùy thuận với đi đến?

Đáp: Khinh an, xả cùng với đi đến là trái nhau. Như các pháp đi, đứng, ngủ, thức là hoàn toàn trái nhau. Khinh an, xả kia cũng lại như thế.

Hỏi: Vì sao chánh giác (chánh tư duy) lập làm đạo chi?

Đáp: Nghĩa đi đến là nghĩa của đạo chi. Do chánh giác có thể phát động chánh kiến, lìa khỏi sinh tử. Như người dùng gậy lùa bò, có thể tới được chỗ đến. Chánh giác kia cũng như thế.

Hỏi: Vì sao chánh giác không lập làm giác chi?

Đáp: Vì tánh của chánh giác là phát động, còn tánh của giác chi thì tịch tĩnh.

Hỏi: Vì sao chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng lập làm đạo chi?

Đáp: Nghĩa đi đến là nghĩa của đạo chi. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng đối với xe đạo là cái bầu giữa bánh xe.

Hỏi: Vì sao chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng không lập làm giác chi?

Đáp: Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là đạo chi, không phải là đạo.

Lại nữa, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là không tương ưng, là không dựa, không hành, không duyên. Giác chi thì cùng với các thứ ấy là trái nhau.

Hỏi: Vì sao tín không phải là giác chi, đạo chi?

Đáp: Vì lúc bắt đầu nhập pháp, thế dụng của tín là hơn hẳn. Đã nhập pháp rồi thì tu giác chi, đạo chi.

Lại nữa, pháp xuất yếu có đầy đủ, không đầy đủ. Pháp xuất yếu đầy đủ nghĩa là có tướng của căn, lực, giác chi, đạo chi. Trái với pháp này gọi là không đầy đủ.

Nếu pháp xuất yếu không đầy đủ, có tướng của giác chi, không có tướng của đạo chi, thì lập làm giác chi. Như hỷ, khinh an, xả. Nếu không có tướng của giác chi, chỉ có tướng của đạo chi, thì lập làm đạo chi. Như chánh giác, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

Nếu pháp xuất yếu đầy đủ thì có tướng của giác chi và đạo chi, thì lập làm giác chi, đạo chi, như là các giác chi, đạo chi còn lại.

Nếu pháp xuất yếu không đầy đủ tức không có tướng của giác chi, đạo chi, thì không lập làm giác chi, đạo chi, như tín.

Hỏi: Vì sao không lập tâm làm pháp trợ đạo?

Đáp: Vì không có phần trợ đạo.

Lại nữa, tâm ở trong pháp xuất yếu của phiền não, đều cùng có thế dụng. Pháp trợ đạo ở trong pháp xuất yếu chỉ nghiêng về có thế dụng.

Lại nữa, tâm duyên nơi tướng chung, tướng riêng. Pháp trợ đạo chỉ duyên nơi tướng chung.

Lại nữa, như phiền não là số pháp không phải tâm. Pháp đối trị phiền não kia cũng như vậy, là số pháp không phải tâm.

Nếu nói như thế thì tâm định nên gọi là định, tức là định trong pháp trợ đạo.

Hỏi: Vì sao trong ba căn, hỷ căn lập làm pháp trợ đạo, còn lạc căn, xả căn không lập làm pháp trợ đạo?

Đáp: Vì không có tướng của trợ đạo, nên không lập làm pháp trợ đạo.

Lại nữa, đối tượng hành của pháp trợ đạo là mãnh liệt, nhạy bén, còn hai căn kia thì trì độn, đối tượng hành mạnh mẽ, nhạy bén.

Lại nữa, lạc căn bị lạc của khinh an che lấp, xả căn bị hành xả che lấp, thế nên không lập làm pháp trợ đạo.

Hỏi: Vì sao Thánh chủng không lập làm pháp trợ đạo?

Đáp: Cũng có lập. Như phái Tỳ-bà Xà-bà-đề nói: Có bốn mươi mốt pháp trợ đạo (ba mươi bảy pháp + bốn Thánh chủng).

Hỏi: Tôi không hỏi về người nói như thế?

Đáp: Pháp trợ đạo đối với người tại gia, xuất gia có hai sự việc là hơn: (1) Tâm trông mong hơn. (2) Thọ nhận hành hơn.

Thánh Chủng đối với người xuất gia có hai việc là hơn: Một là tâm trông mong hơn. Hai là thọ nhận hành hơn. Đối với người tại gia chỉ có một sự việc là hơn, là tâm trông mong hơn, không phải thọ nhận hành hơn. Như Đế thích ngồi trên các tòa hoa, có mười hai Nado-tha thể nữ tự vây quanh, cùng với sáu vạn thứ âm nhạc hòa tấu. Nếu trụ nơi Thánh chủng, chỉ có tâm trông mong không có thọ nhận hành. Như vua Tần-bà-ta-la v.v… Trưởng giả Tu Đạt v.v… cũng lại như thế. Do vậy bốn Thánh chủng không làm làm pháp trợ đạo.

Nếu tạo ra thuyết này thì an vui do đoạn trừ là tinh tấn, tức là giác chi tinh tấn. Luận Ba-già-la-na nói: Thế nào là giác chi niệm? Đáp: Đệ tử của Thánh, quán khổ là khổ, cho đến quán đạo là đạo, cùng với trí không hoại tương ưng. Vì sự nhớ nghĩ Bồ-đề, là thường xuyên nhớ nghĩ, nhớ nghĩ theo thứ lớp, thường không quên, không mất, đó là nói về vị tri dục tri căn.

Lại nữa, nếu đệ tử Thánh nhận thấy sinh tử là lỗi lầm tai hại, thấy Niết-bàn là thắng diệu, vì Bồ-đề nên nhớ nghĩ, cho đến nói rộng, là nói về tri căn. A-la-hán quán tâm niệm giải thoát, là nói về tri dĩ căn. Cho đến giác chi xả cũng nói như thế.

Thế nào là chánh kiến?

Đáp: Nếu đệ tử Thánh quán khổ là khổ, cho đến quán đạo là đạo, thì đó là quán xét phân biệt có thể nhận lấy các tướng kia, đạt giác minh kiến tuệ là nói về vị tri dục tri căn. Nếu đệ tử Thánh nhận thấy sinh tử là lỗi lầm tai hại, Niết-bàn là thắng diệu, thì đó là quán xét phân biệt, cho đến nói rộng, là nói về tri căn. A-la-hán quán tự tâm giải thoát, là quán quán xét phân biệt, cho đến nói rộng, đó là nói về tri dĩ căn. Đó gọi là chánh kiến, cho đến chánh định cũng nói như thế.

Hỏi: Vì sao trong giác chi nói là niệm Bồ-đề, còn trong đạo chi thì không nói?

Đáp: Tức nên nói nhưng không nói nên biết là nghĩa này nêu giảng chưa trọn vẹn.

Lại nữa, vì muốn thể hiện văn khác, thuyết khác. Nếu dùng vô số thứ thuyết để làm trang nghiêm đối với văn nghĩa tức dễ hiểu.

Lại nữa, vì muốn hiện bày hai môn, hai tóm lược, hai pháp nhập đầu tiên, hai hình ảnh, nên nói như thế. Như trong giác chi, nói là niệm Bồ-đề, trong đạo chi nói là chánh kiến Bồ-đề cũng như vậy. Như trong đạo chi không nói là chánh kiến Bồ-đề, thì trong giác chi cũng như vậy.

Lại nữa, trước đã nói như thế này: Tận trí, vô sinh trí là Bồ-đề. Trong tu đạo, thế dụng của giác chi là hơn. Tận trí, vô sinh trí gần với tu đạo, vì thế trong giác chi nói là Bồ-đề, không phải là trong đạo chi.

Kinh nói: Vì tịch diệt, vì lìa dục, vì Niết-bàn, nên tu quán bất tịnh cùng có giác chi niệm, cho đến giác chi xả.

Hỏi: Quán bất tịnh là hữu lậu, giác chi là vô lậu, vì sao hữu lậu, vô lậu cùng kết hợp?

Đáp: Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Trước hết, dùng quán bất tịnh để khiến tâm tùy thuận, điều hòa, chất trực, gắng nhận, tự tại. Tiếp theo, khởi giác chi hiện ở trước. Sau giác chi, lại khởi quán bất tịnh. Vì giác chi huân tập quán bất tịnh nên nói như thế, không phải là hữu lậu, vô lậu cùng kết hợp.

Kinh Phật nói: Đệ tử Thánh nhất tâm lắng nghe pháp, có thể đoạn trừ năm cái, tu đầy đủ bảy giác chi.

Hỏi: Như tâm định có thể đoạn trừ kiết không phải là tâm không định, là địa ý không phải là năm thức thân. Vì sao nói như thế này: Nhất tâm lắng nghe pháp v.v… cho đến nói rộng?

Đáp: Đây là nói về pháp lần lượt cùng sinh. Nhĩ thức tiếp theo sinh khởi ý thức thiện. Ý thức thiện tiếp theo sinh từ nghe sinh ý. Từ nghe sinh ý tiếp theo sinh từ tư sinh ý. Từ tư sinh ý tiếp theo sinh từ tu sinh ý. Do từ tu sinh ý nên đoạn trừ phiền não.

Lại nữa, ở đây là nói về pháp nối tiếp, tức ý thức thiện cùng với nhĩ thức thiện nối tiếp, có thể đoạn trừ phiền não, nên nói như thế.

Hỏi: Nếu đạo vô ngại có thể đoạn trừ phiền não, nhưng không thể tu đầy đủ giác chi. Còn như đạo giải thoát có thể tu đầy đủ giác chi, nhưng không thể đoạn trừ phiền não chăng?

Đáp: Đức Phật đã nói pháp tương cận, nên tạo ra thuyết ấy.

Các pháp tương ưng với giác chi niệm thì cũng tương ưng với giác chi trạch pháp chăng?

Đáp: Hoặc tương ưng với giác chi niệm, không tương ưng với giác chi trạch pháp, cho đến nói rộng làm bốn trường hợp:

1. Tương ưng với giác chi niệm không phải tương ưng với giác chi trạch pháp: Là giác chi trạch pháp. Vì sao? Tức do ba sự việc nên tự thể không tương ưng với tự thể: (a) Do hai tuệ không được cùng sinh. (b) Do thời gian trước sau không cùng có. (c) Do hết thảy các pháp, trừ tự thể của chúng, đều cùng với pháp khác làm duyên.

2. Tương ưng với giác chi trạch pháp không phải tương ưng với giác chi niệm: Là giác chi niệm. Vì sao? Vì cầu tìm nên tự thể không cùng với tự thể tương ưng. Như trước đã nói.

3. Tương ưng với giác chi niệm cũng tương ưng với giác chi trạch pháp: Là các pháp cùng tương ưng với giác chi niệm và giác chi trạch pháp. Sự việc ấy là thế nào? Đáp: Giác chi trạch pháp và giác chi niệm đều cùng có trong tụ, cùng trừ tự thể, còn lại là các pháp tương ưng khác của giác chi trạch pháp và giác chi niệm. Đây lại là thế nào? Đó là tám đại địa, mười đại địa thiện. Nếu ở nơi địa có giác có quán, tức có giác có quán và tâm.

4. Không tương ưng với giác chi niệm cũng không tương ưng với giác chi trạch pháp: Là các tâm tâm số pháp khác, sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành. Ở đây phần nhiều là nói về tâm vô lậu. Lại không có pháp khác, là có tâm tâm số pháp hữu lậu khác cùng sắc vô vi, tâm bất tương ưng hành, tạo ra trường hợp thứ tư.

Như giác chi niệm và giác chi trạch pháp, thì giác chi niệm và các giác chi tinh tấn, khinh an, định, xả, chánh phương tiện, chánh định nói cũng như thế.

HẾT – QUYỂN 48