LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 43

Chương 2: KIỀN ĐỘ SỬ

Phẩm thứ 4: MƯỜI MÔN, phần 7

Như nói: Nếu nhập định Từ, thì lửa không thể đốt, dao không thể gây tổn thương, chất độc không thể hại, nước không thể cuốn trôi, không bị người khác giết.

Hỏi: Vì sao nhập định Từ, không bị nước, lửa, dao, chất độc, người khác giết hại?

Đáp: Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Vì định Từ là pháp không hại, nên pháp hại không thể hại.

Lại nữa, vì định kia có oai lực lớn. Chư Thiên có oai lực đều đến ủng hộ, nên các thứ hại không thể hại.

Lại nữa, pháp thiền định là không thể nghĩ bàn. Pháp thần túc cũng như vậy.

Lại nữa, khi nhập định Từ, không trụ nơi tâm mình. Không trụ nơi tâm mình, nên không chết, không sống.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Hành giả lúc nhập định Từ, bốn đại của cõi sắc hiện hữu khắp trong thân này, đồng làm một thể. Thân người ấy cũng như đá, thế nên không người nào có thể hại.

Hỏi: Nhập định Bi, Hỷ, Xả có bị pháp hại làm hại không? Nếu bị hại, thì vì sao nhập định Từ không bị pháp hại làm hại, còn nhập định Bi, Hỷ, Xả lại bị pháp hại làm hại? Nếu không bị hại, thì vì sao ở đây không nói?

Đáp: Nên nói thế này: Không hại.

Hỏi: Nếu như vậy thì ở đây vì sao không nói?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, phải biết là nghĩa này nêu giảng chưa trọn vẹn.

Lại nữa, trong thuyết trước đã nói, nếu nói Từ nên biết là nói Bi, Hỷ, Xả.

Lại nữa, đây là hiện bày về phương tiện mới nhập. Như nói Từ, thì Bi, Hỷ, Xả cũng như vậy.

Lại nữa, khi nhập định Bi, Hỷ, Xả, pháp hại tuy không thể hại, nhưng lúc xuất định thân có thọ khổ. Từ thì không như thế.

Lại nữa, khi nhập định Bi, Hỷ, Xả, pháp hại tuy không thể hại, nhưng cũng bị vỡ da thịt. Từ thì không như vậy.

Lại nữa, khi nhập định Bi, Hỷ, Xả thì không thể hại, nhưng lúc sử dụng phương tiện thì bị hại. Lúc Từ hành phương tiện thì không gì có thể hại.

Từng nghe nói có người được phương tiện Từ của cõi dục, lúc phạm pháp vua, bị người bắt trói, dẫn đến trước vua, tâu: Người này đã phạm pháp vua, như pháp nên trị tội. Lúc này, nhà vua cỡi voi, cầm kích nhỏ, muốn ra khỏi thành để dạo chơi, nghe tâu như thế, nên bảo tra lại vương pháp. Tức tội như phải do vua xử trị. Bấy giờ, nhà vua giận dữ, liền dùng chiếc kích ấy ném vào người kia. Người ấy thấy vua giận dữ, bèn khởi tâm Từ. Do tâm Từ nên chiếc kích trở lại hướng vào thân vua rơi xuống đất cách chỗ vua đứng không xa. Vua thấy sự việc này tâm sinh sợ hãi, hỏi người kia: Ngươi có pháp thuật gì chăng? Người kia đáp: Tôi không có pháp thuật gì cả. Vì thấy vua giận nên khởi tâm Từ. Do tâm Từ nên pháp hại không thể hại được. Do sự việc trên đây, nên biết là hành phương tiện Từ, pháp hại không thể hại.

Kinh Phật nói: Tu hành tâm Từ rộng khắp, có thể đoạn trừ giận dữ. Tu hành tâm Bi rộng khắp, có thể đoạn trừ khổ. Tu hành tâm Hỷ rộng khắp, có thể đoạn trừ không hỷ lạc. Tu hành tâm Xả rộng khắp, có thể đoạn trừ dục ái, giận dữ.

Hỏi: Vô lượng có thể đoạn trừ kiết không? Nếu có thể đoạn trừ thì như nơi Kiền Độ Định nói làm sao thông? Như nói: Từ đoạn trừ thứ kiết trói buộc nào? Đáp: Không có xứ sở. Bi, Hỷ, Xả đoạn trừ thứ kiết trói buộc nào? Đáp: Không có xứ sở. Nếu không thể đoạn trừ kiết, thì như nơi kinh này nói làm sao thông?

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Vô lượng không thể đoạn trừ kiết.

Hỏi: Nếu như vậy thì như nơi Kiền Độ Định đã nói là khéo thông suốt. Còn như nơi Kinh này nói làm sao thông?

Đáp: Kinh này nói là đoạn trừ trong giây lát. Đoạn trừ có hai thứ: (1) Đoạn trừ trong giây lát. (2) Đoạn trừ hoàn toàn. Do đoạn trừ trong giây lát, nên kinh Phật nói đoạn. Do đoạn trừ hoàn toàn, nên A-tỳ-đàm nói không đoạn. Tức hai thuyết đã nêu bày như thế đều cùng khéo thông suốt. Như đoạn trừ trong giây lát, đoạn trừ hoàn toàn, thì đoạn trừ có từng mảnh, đoạn trừ không có từng mảnh, đoạn trừ có ảnh, đoạn trừ không ảnh, đoạn trừ chưa rốt ráo, đoạn trừ rốt ráo, đoạn trừ chế phục, đoạn trừ căn bản, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Nếu vô lượng không đoạn trừ kiết, thì như nơi kinh khác nói lại làm sao thông? Như nói: Tỳ-kheo tu định tâm Từ, nếu không thắng tấn pháp khác, tất được quả A-na-hàm. Cho đến tu định tâm Xả cũng như thế.

Đáp: Trong đây, Đức Phật nói Thánh đạo vô lậu là Từ. Đức Thế Tôn hoặc nói Thánh đạo là tưởng. Hoặc nói là thọ. Hoặc nói là ý. Hoặc nói là chứng. Hoặc nói là tín, tấn, niệm, định, tuệ. Hoặc nói là chiếc bè. Hoặc nói là viên đá. Hoặc nói là nước. Hoặc nói là hoa. Hoặc nói là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Nơi chốn nào nói là Tưởng cho đến là Hoa, nói rộng như nơi chương Kiền Độ Tạp.

Lại nữa, thường dùng tâm Từ, thường quán tâm Từ, vì cầu tâm Từ, nên lìa dục ái, hoặc là phàm phu, hoặc là Thánh nhân. Nếu là phàm phu đã lìa dục ái rồi, được định tâm Từ, người ấy về thời gian sau, nhập chánh quyết định, được quả A-na-hàm. Nếu trước không lìa dục, nhập chánh quyết định, hoặc được quả Tu-đà-hoàn, hoặc được quả Tư-đàhàm. Sở dĩ được quả A-na-hàm là do sức của định Từ. Nếu là Thánh nhân đã lìa dục ái, được định tâm Từ, cũng được quả A-na-hàm.

Do sự việc ấy, nên Đức Phật đã nêu rõ: Tỳ-kheo tu định Từ, được quả A-na-hàm. Song vô lượng không thể đoạn trừ kiết. Như Từ, thì Bi, Hỷ, Xả cũng như thế.

Kinh Phật nói: Tu hành rộng khắp tâm Từ, đoạn trừ giận dữ. Tu hành rộng khắp tâm Xả, đoạn trừ dục ái, giận dữ.

Hỏi: Từ đoạn trừ những giận dữ nào? Xả đoạn trừ những giận dữ nào?

Đáp: Có giận dữ muốn giết hại người khác. Có giận dữ muốn đánh đập người khác. Từ đoạn trừ giận dữ muốn giết hại người khác. Xả đoạn trừ giận dữ muốn đánh đập người khác.

Lại nữa, giận dữ có hai thứ: Hoặc có nơi chốn nên giận dữ mà giận dữ. Hoặc có nơi chốn không nên giận dữ mà giận dữ. Từ đoạn trừ giận dữ của nơi chốn nên giận dữ. Xả đoạn trừ giận dữ của nơi chốn không nên giận dữ.

Những giận dữ như thế là đối tượng đoạn trừ của Từ. Các giận dữ như thế là đối tượng đoạn trừ của Xả.

Kinh Phật nói: Tu hành rộng khắp tưởng bất tịnh, đoạn trừ dục ái. Tu hành rộng khắp tâm Xả, đoạn trừ dục ái, giận.

Hỏi: Tưởng bất tịnh đoạn trừ những ái nào? Tâm Xả đoạn trừ những ái nào?

Đáp: Ái có hai thứ: (1) Ái về dâm dục. (2) Ái về cảnh giới. Tưởng bất tịnh đoạn trừ ái về dâm dục. Tâm Xả đoạn trừ ái về cảnh giới.

Lại nữa, có ái sắc, ái hình. Tưởng bất tịnh đoạn trừ ái sắc. Tâm Xả đoạn trừ ái hình.

Lại nữa, có ái xúc chạm, ái vóc dáng. Tưởng bất tịnh đoạn trừ ái xúc chạm. Tâm Xả đoạn trừ ái vóc dáng. Tưởng bất tịnh đoạn trừ ái như thế v.v… Tâm Xả đoạn trừ ái như thế v.v…

Kinh Phật nói: Tu ban cho Từ kết hợp niệm giác chi, có thể được lìa, được không dục, được diệt, bỏ sinh tử. Tâm Bi, Hỷ, Xả kết hợp nói cũng như thế.

Hỏi: Vô lượng là hữu lậu, niệm giác chi là vô lậu. Vì sao pháp hữu lậu cùng với pháp vô lậu kết hợp?

Đáp: Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Vô lượng khiến cho tâm điều phục, ngay thẳng, tùy ý vận dụng xong, tiếp theo sinh giác chi. Sinh giác chi, sau đấy lại sinh vô lượng. Tức nên nói như thế. Chỉ pháp hữu lậu là kết hợp.

Hỏi: Trong vô lượng pháp nào là hơn hết?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Tâm Từ là hơn hết. Vì sao? Vì Từ là pháp không hại.

Lại có thuyết cho: Tâm Bi là hơn hết. Vì sao? Vì Phật do Bi nên vì chúng sinh nói pháp.

Lại có thuyết nêu: Tâm Hỷ là hơn hết. Vì sao? Vì Hỷ đoạn trừ pháp không vui mừng.

Lại có thuyết nói: Tâm xả là hơn hết. Vì sao? Vì Xả có thể đoạn trừ dục ái, giận.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Tâm Xả là hơn hết. Vì sao? Do hai sự việc: (1) Do đối tượng tạo tác. (2) Do tịch tĩnh. Đối tượng tạo tác: Tu hành rộng khắp tâm Xả, đoạn trừ dục, ái, giận. Tịch tĩnh: Vì không phân biệt chúng sinh.

Hỏi: Vì sao nói Đại Bi, không nói Đại Từ, Đại Hỷ, Đại Xả?

Đáp: Nên nói. Công đức hiện có trong tất cả thân Phật đều nên nói là đại. Vì sao? Vì Đức Phật có vô lượng sự thương xót, tâm luôn tạo lợi ích cho chúng sinh. Song không nên đặt ra câu hỏi ấy. Vì sao? Vì nếu Bi tức là Đại Bi, thì có thể đặt ra câu hỏi ấy. Vì Bi khác, Đại Bi khác, nên không thể đặt ra câu hỏi ấy.

Hỏi: Nếu Bi khác Đại Bi khác, thì Bi cùng với Đại Bi có gì khác biệt?

Đáp: Danh tức khác biệt. Đây gọi là Bi. Đây gọi là Đại Bi.

Lại nữa, Bi là căn thiện không giận. Đại Bi là căn thiện không si.

Lại nữa, Bi ở nơi bốn thiền. Đại Bi ở nơi thiền thứ tư.

Lại nữa, Bi thì hàng Nhị thừa và Phật đều có. Đại Bi thì chỉ Đức Phật có.

Lại nữa, Bi là thuộc về vô lượng. Đại Bi không phải thuộc về vô lượng.

Lại nữa, Bi đối trị căn bất thiện giận. Đại Bi đối trị căn bất thiện si.

Lại nữa, Bi duyên nơi cõi dục. Đại Bi duyên nơi ba cõi.

Lại nữa, Bi duyên nơi chúng sinh bị khổ của cõi dục làm khổ. Đại Bi duyên nơi chúng sinh bị khổ của ba cõi làm khổ.

Lại nữa, Bi duyên nơi chúng sinh bị khổ khổ làm khổ. Đại Bi duyên nơi chúng sinh bị ba khổ làm khổ.

Lại nữa, Bi duyên nơi chúng sinh thân khổ. Đại Bi duyên nơi chúng sinh thân tâm khổ.

Lại nữa, Bi xót thương chúng sinh không thể cứu giúp. Đại Bi thương xót chúng sinh có thể cứu giúp. Ví như hai người vừa đến nơi bờ sông ngồi. Có người bị nước cuốn trôi. Một người trông thấy liền giơ tay lên nói: Người kia bị chết mất thôi! Nhưng không thể cứu vớt. Người thứ hai xắn quần áo nhảy xuống nước để cứu vớt người kia, đưa kẻ ấy ra khỏi nước. Bi với Đại Bi cũng lại như thế.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Bi cùng với Đại Bi có gì khác biệt? Đáp: (1) Gọi là Bi. (2) Gọi là Đại Bi.

Lại nữa, về Thể có khác biệt: (1) Thể là căn thiện không giận. (2) Thể là căn thiện không si.

Lại nữa, địa có khác biệt: Bi ở nơi bốn thiền. Đại bi ở nơi thiền thứ tư. Phần còn lại nói rộng như trên.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Đại Bi là Phật, ở nơi thiền thứ tư là pháp không chung, sâu xa vi tế, hiện bày khắp tất cả xứ, đối với tất cả chúng sinh không có oán, thân. Bi của Thanh văn, Phật-bích-chi không thể duyên nơi cõi sắc, vô sắc. Đây gọi là sự khác biệt giữa Bi, Đại Bi.

Hỏi: Vì sao gọi là Đại Bi?

Đáp: Vì cứu vớt chúng sinh đang bị khổ lớn nên gọi là Đại Bi. Khổ lớn: Là khổ của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Lại nữa, cứu vớt chúng sinh đang chìm ngập trong vũng bùn nhơ rộng lớn của tham dục, giận dữ, ngu si, đem đặt yên họ nơi đạo quả bằng phẳng, nên gọi là Đại Bi.

Lại nữa, vì khiến các chúng sinh sinh khởi các sự việc lợi ích lớn. Các chúng sinh vì dùng nghiệp thân, miệng, ý thiện để gieo trồng nhân duyên nơi tộc họ cao sang, có oai lực lớn, giàu của cải, nhiều châu báu, hình sắc đoan nghiêm. Hoặc gieo trồng nhân duyên của Thanh văn, Phật-bích-chi, Chuyển luân Thánh vương, Đế thích, Tự Tại Thiên vương. Hoặc gieo trồng nhân duyên của đạo Thanh văn, Phật-bích-chi, Phật, đều là do sức của Đại Bi.

Lại nữa, do pháp lớn đạt được, nên gọi là Đại Bi. Chẳng phải như đạo của Thanh văn, Phật-bích-chi. Hoặc dùng một bữa cơm chay đang ăn, hoặc dùng một lần thuyết giảng, hoặc dùng một thứ thức ăn v.v… thí cho người mà được. Đây là hành bố thí lớn, nơi tất cả nơi chốn, thí cho hết thảy người, tất cả các vật đáng yêu, mới đạt được nên gọi là Đại Bi.

Lại nữa, vì dùng phương tiện lớn để đạt được nên gọi là Đại Bi. Không như đạo Thanh văn trải qua sáu mươi kiếp hành đạo phương tiện mà được. Phật-bích-chi trong một trăm kiếp hành phương tiện mà được. Đức Phật đã ở trong ba A-tăng-kỳ kiếp hành trăm ngàn khổ hạnh khó làm mà được, nên gọi là Đại Bi.

Lại nữa, vì dựa nơi thân vĩ đại mà trụ, nên gọi là Đại Bi. Không phải như đạo Thanh văn, Phật-bích-chi, dựa nơi thân không đủ các căn mà được. Nếu thân có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân trang nghiêm, tám mươi vẻ đẹp tùy hình, hào quang của thân tỏa sáng một tầm, người xem không hề chán đủ. Do trụ trong thân như thế, nên gọi là Đại Bi.

Lại nữa, vì cùng với an vui lớn trái nhau, nên gọi là Đại Bi. Đức Phật có pháp không chung sáng sạch hết sức sâu sa. Bỏ các pháp lạc như thế, trải qua trăm ngàn vạn các ngọn núi Thiết Vi, vì người khác giảng nói pháp, đều do sức của Đại Bi, nên gọi là Đại Bi.

Lại nữa, vì khiến hàng Đại nhân làm những sự việc khó làm, nên gọi là Đại Bi. Đức Thế Tôn hoặc hiện làm hình tướng Sư tử. Hoặc hiện làm hình tướng nữ nhân. Hoặc hiện làm thân hình đại lực sĩ. Hoặc hiện làm hình tướng người mang âm nhạc. Hoặc hiện làm người ăn xin. Hoặc dắt tay Tôn giả Nan-đà đến khắp năm nẻo. Hoặc ở trước Ương-quật-ma-la, lúc gần, lúc xa để hóa độ. Hoặc thành tựu chúng sinh hổ thẹn tăng thượng, vì hóa độ người nữ nên hiện tướng âm tàng, thị hiện tướng hấp tấp vôi vã, hiện lưỡi dài che lấp mặt cho đến chân tóc. Đức Phật thị hiện những sự việc khó làm như thế, đều do sức của Đại Bi, nên gọi là Đại Bi.

Lại nữa, vì có thể làm lay động ngọn núi Đại Xả, nên Đức Phật có hai thứ pháp trụ không chung: (1) Là Đại Bi. (2) Là Đại Xả. Nếu khi Đức Như Lai trụ nơi Đại Xả không chung, là không có điều này, do phân biệt nên nói. Giả như khiến cho tất cả thế giới chúng sinh bị đốt cháy, cũng như lửa đốt đống củi, thì tuy Đức Như Lai có đứng trước đó cũng không một ai nhìn thấy. Nếu Như Lai khi trụ ở Đại Bi không chung, cho đến chỉ thấy một chúng sinh nhận chịu khổ não, thì tuy thân vững chắc của Na-la-diên cũng bị lung lay như gió thổi tàu lá chuối. Do các sự việc như thế, nên gọi là Đại Bi.

Như Tỳ-ni nói: Đức Phật dùng bóng mát của tâm Từ che khắp tất cả chúng sinh vì họ giảng nói pháp.

Hỏi: Các loài chúng sinh được Đức Phật dùng bóng mát của tâm Từ che khắp có được an lạc hay không? Nếu được an vui, thì chúng sinh nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và các chúng sinh bị khổ ách vì sao không lìa khổ được an vui? Nếu không được an vui, thì nơi kệ này nói làm sao thông? Như kệ nói:

Quỷ thần do tâm ác

Mà tìm đến nơi người Tuy chưa thêm độc hại Tâm đã đầy sợ hãi.

Như quỷ dùng tâm ác hướng đến hãy còn có thể sinh khổ, huống chi là tâm thiện của được Như Lai mà không sinh an vui?

Đáp: Nên nói như thế này: Có thể khiến chúng sinh được an vui.

Hỏi: Nếu như vậy thì nghĩa của kệ là khéo thông suốt. Nhưng chúng sinh nơi các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và các chúng sinh bị khổ ách sao không lìa khổ, được an vui?

Đáp: Đức Phật quán nghiệp của chúng sinh, có người có thể chuyển biến, có người không thể chuyển biến. Nếu là người có thể chuyển biến, thì tâm Từ cứu giúp họ. Nếu là người không thể chuyển biến, thì tâm Từ không thể cứu giúp.

Lại có thuyết cho: Không thể khiến chúng sinh an vui.

Hỏi: Nếu như vậy thì như nơi Tỳ-ni nói làm sao thông? Như nói: Đức Phật dùng bóng mát của tâm Từ che khắp chúng sinh vì họ g vì họ giảng nói pháp?

Đáp: Tâm Từ hiện bày khắp của Đức Phật có vô số thứ. Hoặc hiện thần túc. Hoặc hiện bày sự việc được người khác yêu thích. Hoặc dùng cỏ thuốc cho người khác. Hoặc dùng các thứ xúc chạm vi diệu. Hoặc dùng các hình bóng an vui để che chở.

Dùng thần túc: Từng nghe: Khi Đức Phật đang ở tại Trúc lâm Ca-lan-đà thuộc thành Vương Xá, có cư sĩ thỉnh Phật cùng Tăng chúng thọ thực. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vào buổi sáng, vận y, mang bát, cùng với các Tỳ-kheo đi vào thành Vương xá. Lúc này, vua A-xàthế gần gũi với bạn ác là Đề-bà-đạt-đa, đổ rượu cho voi Đà-na-bà-la uống thật say, rồi thả ra định hại Đức Như Lai.

Khi đó, Đức Như Lai liền giơ năm ngón tay phải lên, hóa làm năm sư tử vương. Voi say vừa thấy tâm sinh sợ hãi, định vội chạy trở lại. Song nhìn nơi phía sau thấy có hầm rất sâu. Nhìn sang bên phải bên trái, toàn là các ngôi nhà cao lớn. Ngước nhìn lên khoảng không, lại thấy có tảng đá to, đá phát ra lửa. Lại nhìn quanh bốn phía đều thấy có lửa cháy dữ dội. Voi chỉ thấy có một chỗ an lành mát mẻ là bên cạnh chân Đức Như Lai. Voi trông thấy như thế rồi, tâm say chợt tỉnh.

Lúc này, Đức Thế Tôn làm cho năm sư tử biến mất. Voi dùng vòi chạm vào chân Thế Tôn. Đức Thế Tôn bèn dùng tay tướng tốt trang nghiêm sờ lên đầu voi, rồi dùng tiếng nói của voi, vì voi nói pháp: Các hành vô thường, các pháp vô ngã, Niết-bàn là pháp tịch tĩnh. Ngươi nên đối với Ta sinh tâm tin kính, sẽ thoát khỏi thân súc sinh. Sau khi nghe lời nói của Đức Như Lai, voi không còn ăn uống nữa, tức thì mạng chung, do tâm thanh tịnh nên sinh lên cảnh trời Ba Mươi Ba. Lại dùng thân trời đi đến chỗ Đức Phật, được Đức Phật giảng nói pháp, khiến thấy chân đế, rồi trở lại cung trời.

Bấy giờ, người đời đều nói: Tâm Từ hiện bày khắp của Đức Thế Tôn đã bao trùm đến voi Đà-na-bà-la.

Tâm Từ hiện bày khắp nói ở đây là thần túc.

Ở chỗ khác cũng dùng tâm Từ hiện bày khắp là hiện thần túc: Từng nghe: Đức Thế Tôn du hóa đến nước Lực sĩ, tới thành Ba Ty, trụ ở khu rừng Kỳ-lưu-ca. Các lực sĩ trong thành Ba Ty nghe Đức Phật đang ngụ tại khu rừng ấy, liền tập hợp đông đủ để bàn bạc: Chúng ta đều nên đến chỗ Đức Phật, nếu anh em nào không đến sẽ bị phạt năm trăm lượng vàng. Lúc ấy, có một lực sĩ tên là Lư Già, không có tâm tin, nhưng có oai thế lớn, lắm của cải, nhiều châu báu, không muốn đến chỗ Đức Phật, nghĩ thầm: Ta có thể nộp năm trăm lượng vàng, song không muốn trái với quy ước của các thân thuộc, nên sự việc này là không thể không theo.

Khi đó, các lực sĩ đều cùng lúc đi đến chỗ Đức Phật, đến rồi đảnh lễ nơi chân Phật. Lúc này, Tôn giả A-nan trông thấy lực sĩ Lư Già, nói: Lư Già! Ông đến đây thật là tốt, vì được thấy Đức Phật – Thế Tôn là phước điền của thế gian, chẳng bao lâu nữa sẽ nhập diệt trong rừng Sa la song thọ. Là người chân chất, ngay thẳng, nên Lư Già nói với Tôn giả A-nan: Nay tôi đến đây không vì để gặp Phật, chỉ vì thuận theo các thân thuộc nên đến.

Rồi đem các sự việc trước, hướng về Tôn giả A-nan kể lại. Tôn giả A-nan bèn dắt tay Lư Già đến trước chỗ Đức Phật, bạch Phật: Lực sĩ Lư Già này không tin Phật, Pháp, Tăng. Kính xin Đức Thế Tôn vì ông ấy giảng nói pháp khiến sinh tin kính đối với Tam bảo.

Đức Thế Tôn suy nghĩ: Lực sĩ Lư Già này là người ái hành, tham vướng nơi cảnh giới, nếu trực tiếp giảng nói pháp, tức không tin hiểu. Do tâm thương xót, Đức Thế Tôn bèn hiện sức thần túc, tức thì nơi chỗ kia, hóa làm một hầm sâu đầy các thứ bất tịnh, cấu uế, lại thêm có ngọn lửa bốc cháy. Từ nơi hầm ấy phát ra tiếng nói: Nếu lực sĩ Lư Già không theo Phật thọ nhận pháp, sinh tâm tin kính, thì khi thân hoại mạng chung, sẽ sinh trong hầm này.

Lực sĩ Lư Già, sau khi nghe thấy sự việc này, tâm rất sợ hãi, nên ngồi yên trước Phật. Đức Phật vì ông giảng nói pháp, tức thì sinh tâm tin kính quy y Phật, Pháp, Tăng.

Người đời thời ấy nói: Tâm Từ hiện bày khắp của Đức Thế Tôn đã che trùm đến lực sĩ Lư Già.

Tâm Từ hiện bày khắp nói ở đây là hiện thần túc.

Hoặc hiện bày sự việc được người khác yêu thích: Từng nghe: Đức Phật đang ngụ trong rừng Ma ha Đề-bà-am-la, nước Di-hy-la. Bấy giờ, có vợ của Bà-la-môn tên là Bà-tứ-trá, trong cùng một thời gian đã mất sáu đứa con. Vì luôn nhớ nghĩ đến con, nên trở thành điên loạn, lõa hình chạy đến khu rừng Ma ha Đề-bà-am-la.

Lúc này, Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn quyến thuộc vây quanh. Pháp nên như thế, người điên loạn thấy Phật, tất được chánh niệm. Khi đó, vừa trông thấy Đức Phật, Bà-tứtrá tức thì được chánh niệm trở lại, tâm sinh hổ thẹn, co thân mà ngồi.

Đức Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan: Ông có thể cho Bà-tứ-trá y phục mặc, Ta sẽ vì bà ấy giảng nói pháp. Tôn giả A-nan liền đem y phục đến. Bà-tứ-trá mặc y phục xong, lễ Phật rồi ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn suy nghĩ: Giả như Hằng sa chư Phật vì bà ta giảng nói pháp, vì quá sầu não nên rốt cuộc vẫn không tin hiểu. Vì xót thương nên Đức Phật liền dùng sức thần túc, hóa làm sáu đứa con. Người nữ kia trông thấy các con liền nghĩ: Mình vì các con này nên tâm sinh sầu não. Nay đã được thấy các con, nên không còn buồn sầu nữa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn tùy căn cơ thích hợp của người ấy, giảng nói pháp khiến được thấy chân đế. Người đời đều nói: Tâm Từ của Đức Thế Tôn hiện bày khắp, cho đến cả với người nữ Bàla-môn này.

Tâm Từ hiện bày khắp nói ở đây là hiện bày sự việc được người khác yêu thích.

Nơi xứ khác thị hiện sự việc được người khác yêu thích, gọi là tâm Từ hiện bày khắp: Từng nghe: Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà – Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, nơi thành này có một Bà-la-môn là chủ một đám ruộng lúa chín đang gặt hái, liền sai đứa con trai ra ruộng trông coi, bỗng gặp phải trận mưa đá, lúa bị hư, người con bị chết, ông Bà-la-môn phát cuồng, cởi bỏ áo quần chạy khắp, khi đến khu rừng Kỳ Đà thì gặp Đức Phật cùng với đại chúng hàng trăm ngàn người đang vây quanh nghe pháp. Người điên thấy Đức Phật, theo như pháp liền chợt tỉnh, bèn đến lễ Phật rồi ngồi sang một bên. Đức Phật bảo Tôn giả A Nan lấy y phục cho ông ta mặc, rồi nghĩ: Người Bà-la-môn này đang đắm chìm trong biển phiền muộn lo sầu. Giả sử có Hằng sa chư Phật giảng nói pháp cho ông ta nghe cũng không hiểu gì. Đức Phật thương xót người ấy, nên hiện thần thông hóa ra đám ruộng lúa cùng đứa con thân yêu. Người Bà-lamôn này thấy rồi, rất đỗi vui thích, các sầu muộn đều dứt. Đức Phật nhân đấy giảng nói pháp, người Bà-la-môn liền được thấy đế. Người đời đều nói: Tâm Từ hiện bày khắp của Đức Thế Tôn, cho đến cả với Bà-la-môn!

Tâm Từ hiện bày khắp ở đây là hiện sự việc được người khác yêu thích.

Dùng cỏ thuốc cho người khác: Từng nghe: Đức Phật du hóa ở nước Bà Thi, đến trụ xứ của người Tiên nơi rừng Thi Lộc thuộc nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, tại nước Ba-la-nại có một cư sĩ tên Ma-ha Tiên-na, người vợ tên là Ma-ha Tiên-ni. Một hôm, hai vợ chồng cư sĩ đó thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường các vật dụng cần thiết. Lúc ấy, có một vị Tỳ-kheo uống thuốc bị nôn ra, phát khởi bệnh phong. Thầy thuốc cho đơn bảo phải uống nước thịt ép. Người nuôi bệnh vị Tỳkheo vội đem sự việc này đến nói với bà Ma-ha Tiên-ni. Bà Ma-ha Tiên-ni sai người hầu đem tiền đi mua thịt về nấu thành nước cho vị Tỳ-kheo kia.

Vào ngày ấy, vua Phạm Ma Đạt vừa sinh con, rất hoan hỷ, truyền lệnh không sát sinh. Khi ấy, thị nữ kia đi khắp kinh thành Bala-nại, tìm thịt mua nhưng không được, trở về thưa lại với gia chủ. Ma-ha Tiên-ni suy nghĩ: Ta thỉnh Phật và Tăng chúng cúng dường tất cả vật dụng cần thiết. Vị Tỳ-kheo bệnh kia, nếu không được nước thịt, hoặc nhân nơi bệnh này mà qua đời chăng? Lại suy nghĩ tiếp: Đức Thế Tôn xưa kia khi hành đạo Bồ-tát, thường vì thân mạng của người khác, dùng thịt nơi thân mình để bố thí. Ta nay cũng nên như pháp của Bồ-tát, dùng thịt thân mình cho người khác. Liền vào tĩnh thất, tự cầm dao bén cắt thịt mình trao cho thị nữ bảo nấu thành nước để cho vị Tỳ-kheo bệnh kia. Như lời dạy, thị nữ nấu nước thịt chín, rồi đem cho vị Tỳ-kheo bệnh. Vị Tỳ-kheo này vì không nhớ nghĩ, nên uống nước thịt, chứng bệnh liền dứt trừ.

Khi ấy, thân thể của Ma-ha Tiên-ni rất đau đớn, không ở yên một chỗ. Người chồng là Ma-ha Tiên-na từ ngoài đi vào, không thấy vợ mình, liền hỏi người nhà: Ma-ha Tiên-ni hiện đang ở đâu? Người nhà đáp: Hiện đang ở trong tĩnh thất, thân thể đau đớn nên không ở yên một chỗ, và thưa lại sự việc trên. Nghe xong Ma-ha Tiên-na sinh giận dữ, nói: Sa-môn Thích tử không biết thích nghi, lại không biết chán đủ. Tuy người thí là vô lượng, người nhận cũng nên biết hạn lượng. Ta phải đem chuyện này đến thưa với Thế Tôn. Nói xong liền đi đến chỗ Đức Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì trăm ngàn quyến thuộc đang vây quanh giảng nói pháp. Sắc tướng tinh diệu của Đức Thế Tôn khiến người trông thấy đều hoan hỷ. Cư sĩ do thấy Phật, nên mọi sự giận dữ liền đoạn trừ, tâm sinh hoan hỷ, bèn nghĩ: Ta nay không nên đem sự việc này bạch Phật. Nên thỉnh Phật và chúng Tăng đến nhà mình rồi sẽ nói. Liền đầu mặt lễ Phật xong thì ngồi sang một bên. Đức Phật giảng nói pháp xong, cư sĩ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai áo bên hữu, chấp tay bạch Phật: Cúi mong Đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo đến nhà con thọ thực. Đức Thế Tôn yên lặng nhận lời thỉnh cầu. Ma-ha Tiên-na biết Phật đã thuận, vội vã lễ Phật rồi lui ra, trở về nhà. Ngay đêm ấy, sắm sửa đầy đủ các thức ăn thịnh soạn cần thiết. Sáng sớm hôm sau, trải tòa, sai kẻ hầu đến bạch Phật: Thức ăn uống đã sẵn sàng, xin bậc Thánh biết giờ giấc.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn vào thời gian đầu tiên trong ngày, mặc y, bưng bát cùng với chúng Tỳ-kheo Tăng đi đến nhà Ma-ha Tiên-na, ngồi trên tòa đã trải sẵn. Đức Phật biết nhưng vẫn hỏi Ma-ha Tiênni đang ở đâu? Người chồng đáp: Hiện nay nhà con đang ở trong phòng, thân thể đau đớn nên không được yên ổn. Đức Phật bảo cư sĩ: Hãy đến nói với vợ ông là Đức Thế Tôn cho gọi bà ấy. Đức Thế Tôn đã khéo nhận biết về pháp duyên khởi bên trong, cũng lại khéo nhận biết về pháp duyên khởi bên ngoài. Liền dùng thần lực để đến Hương Sơn hái thuốc thơm chữa trị vết thương bị dao chém của bà cư sĩ khiến dứt hết đau nhức, lành lặn như cũ. Lúc Ma-ha Tiên-na đi đến chỗ vợ mình, nói: Đức Thế Tôn cho gọi bà. Người vợ bèn đáp: Cư sĩ nên biết! Thần lực của Đức Thế Tôn là không thể nghĩ bàn. Ông vừa nói với thiếp: Đức Thế Tôn cho gọi là bà, thì ngay khi ấy, mọi đau nhức tại chỗ cắt nơi thân thiếp được bình phục như cũ. Hai vợ chồng càng thêm tin kính, cùng đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lễ Phật, rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn theo chỗ thích nghi giảng nói pháp, cả hai đều cùng được thấy chân đế. Người đời đều nói: Tâm Từ của Đức Thế Tôn hiện bày khắp, kể cả trường hợp Ma-ha Tiên-ni.

Tâm Từ hiện bày khắp nói ở đây là nêu rõ việc dùng cỏ thuốc ban cho người khác.

Ở những xứ khác cũng nói dùng thuốc ban cho người khổ: Từng nghe: Vua Ba-tư-nặc cho chặt đứt tay chân giặc cướp rồi ném xuống hào. Sáng sớm hôm nọ, Đức Thế Tôn đắp y, mang bát vào thành Xá Vệ khất thực. Lúc ấy, đám giặc bị hành hình vừa trông thấy Đức Phật, bèn cất tiếng gọi: Nay chúng con đang bị khổ ách, xin ngài hãy xót thương.

Đức Thế Tôn đã khéo nhận biết về pháp duyên khởi bên trong, cũng lại khéo nhận biết về pháp duyên khởi bên ngoài, tức dùng thần lực đến trong Hương Sơn, hái thuốc thơm để chữa trị vết thương bị dao chặt chém khiến dứt hết đau nhức tức thì khỏi ngay. Đức Phật cũng vì đám giặc kia, tùy chỗ thích nghi giảng nói pháp, khiến đều được thấy đế. Người đời đều nói: Tâm Từ của Đức Thế Tôn hiện bày khắp, cho đến kể cả đám giặc cướp.

Tâm Từ hiện bày khắp nói ở đây là dùng cỏ thuốc ban cho người khác.

Dùng các thứ xúc chạm vi diệu: Từng nghe: Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương Xá. Đức Như Lai ở một bên núi, Đềbà-đạt-đa trụ một bên núi. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa bị bệnh nhức đầu, ngày đêm không ngủ được, rất khổ não. Tôn giả A-nan đem sự việc này bạch Phật.

Lúc ấy, Đức Như Lai duỗi cánh tay như vòi của Tượng vương xuyên qua núi Kỳ-xà-quật, chạm lên đầu Đề-bà-đạt-đa hiện bày pháp xúc chạm vi diệu và nói lời chí thành: Ta đối với La-hầu-la và Đềbà-đạt-đa tâm không hề tăng giảm. Lời nói này là thành thật sẽ khiến bệnh đau đầu của Đề-bà-đạt-đa dứt khỏi. Do lời nói chân thành, nên bệnh đau đầu của Đề-bà-đạt-đa liền được dứt trừ.

Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa suy nghĩ: Đây là tay của ai? Nhận biết là tay của Đức Phật, nên nói: Vui thay, Tất Đạt! Ta khéo nhận biết về y phương, nên có thể tự chữa trị. Người đời đều nói: Tâm Từ hiện bày khắp của Đức Thế Tôn, cho đến kể cả Đề-bà-đạt-đa!

Tâm Từ hiện bày khắp nói ở đây là thị hiện sự chạm xúc vi diệu.

Nơi xứ khác cũng nói về sự xúc chạm vi diệu: Từng nghe: Đức Thế Tôn tuần hành nơi các phòng ốc, đến một phòng nọ, có một Tỳkheo bị bệnh, không thể đứng dậy, đang nằm giữa những thứ dơ nháp vừa trông thấy Đức Thế Tôn, liền cất cao tiếng nói: Bạch Thế Tôn! Nay con không nơi nương dựa! Không ai cứu giúp! Đức Phật bảo Tỳ-kheo bệnh kia: Ông không vì Đức Thế Tôn của ba cõi mà xuất gia chăng? Đáp: Đúng như thế, bạch Đức Thế Tôn!

Đức Phật nói với Tỳ-kheo bệnh: Ông do Ta nên xuất gia, vì sao nói là không nơi nương dựa, không ai cứu giúp? Này Tỳ-kheo bệnh! Lúc ông không bệnh, ông có từng chăm sóc, nuôi giúp các Tỳ-kheo bệnh không? Đáp: Dạ bạch không!

Đức Phật nói: Vì ông đã không chăm sóc, nuối giúp người khác nên hiện nay khiến ông phải chịu như thế.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn tự tay cởi y phục trên người Tỳ-kheo bệnh để một chỗ, rồi đỡ Tỳ-kheo ấy ngồi dậy. Lại dùng thẻ tre gạt bỏ lớp phân nhơ trên mình, dùng chất giặc tẩy rửa sạch. Trời Đế Thích thì rưới nước.

Lúc này, Đức Thế Tôn đã tẩy trừ phân nhơ của Tỳ-kheo bệnh, rồi kỳ cọ phòng nhà, giặt sạch y phục cấu uế, lại trải lên lớp cỏ mới, rồi đem một nửa thức ăn của mình ban cho Tỳ-kheo bệnh ấy.

Lại dùng bàn tay đầy phước đức trang nghiêm tạo sự xúc chạm vi diệu xoa lên đầu Tỳ-kheo bệnh kia, khiến mọi đau nhức của Tỳkheo bệnh tức khắc hết ngay. Theo chỗ thích nghi, Đức Phật giảng nói pháp, Tỳ-kheo bệnh liền chứng được quả A-la-hán. Người đời đều nói: Tâm Từ của Đức Thế Tôn hiện bày khắp, cho đến cả Tỳkheo bệnh. Tâm Từ hiện bày khắp nói ở đây là thị hiện sự xúc chạm vi diệu.

Dùng các hình bóng an vui để che chở: Từng nghe: Đức Phật cùng Tôn giả Xá-lợi-phất đang kinh hành tại một nơi chốn. Bấy giờ, có một con chim nhỏ vì sợ hãi bức bách, nên bay đến núp dưới bóng của Tôn giả Xá-lợi-phất, nhưng cũng còn kinh hãi, nên toàn thân run rẩy. Nó lại chạy đến núp dưới bóng Đức Phật, mọi run sợ liền dứt.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất chấp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con chim này núp nơi bóng của con vẫn còn run sợ, vì sao khi núp bóng của Đức Thế Tôn thì không còn sợ hãi run rẩy nữa? Đức Phật nói với Tôn giả Xá-lợi-phất: Ông đã hành tập tâm không sát hại trong sáu chục kiếp. Còn Ta thì hành tập tâm không sát sinh trong ba A-tăng-kỳ kiếp. Người đời đều nói: Tâm Từ của Đức Thế Tôn đã hiện bày khắp kể cả đến loài chim nhỏ bé.

Ở đây nói Tâm Từ hiện bày khắp nghĩa là dùng bóng an vui để che chở.

Nơi xứ khác cũng nói dùng các hình bóng an vui để che chở: Từng nghe: Vua Tỳ-lưu-ly ngu si, hủy hoại tàn sát cả vương thành Ca-tỳ-la như Thiên cung, tiêu diệt mạng sống của các họ Thích, rồi dẫn năm trăm Thích nữ trở lại nước Xá Vệ, lên lầu cao, hướng về các Thích nữ, tự khen ngợi mình, bảo dòng họ Thích tuy dũng mãnh nhưng quá kiêu mạn đã bị ông ta giết hết. Các cô gái họ Thích đáp: Sở dĩ bị nhà vua sát hại vì giới luật đã ràng buộc họ. Vua Lưu Ly nổi giận nói: Tâm kiêu mạn của dòng họ Thích đến giờ cũng còn. Liền hạ lệnh chặt đứt tay chân của năm trăm Thích nữ, ném trong hào thành. Các Thích nữ hết sức đau đớn, đều có suy nghĩ: Nỗi khổ não của chúng ta, Đức Thế Tôn há không xót thương sao?

Đức Phật nhận biết tâm niệm của các cô gái đang bị nạn ấy, cũng do tâm Đại Bi nên đi tới chỗ các Thích nữ, khởi tâm thế tục suy nghĩ: Đế Thích có thể dùng áo để che phủ các cô gái này. Lúc ấy, Đế Thích nhận biết tâm niệm của Đức Phật, liền dùng Thiên y che chắn các Thích nữ. Đức Phật phóng ra hào quang rọi khắp trên thân các cô gái. Do hào quang của Đức Phật chạm đến, tức thì mọi sự đau nhức liền được tiêu trừ. Đức Phật cũng tùy chỗ thích ứng, vì họ giảng nói pháp, khiến các Thích nữ đều được thấy đế, thân hoại mạng chung được sinh nơi trời Ba Mươi Ba. Người đời đều nói: Tâm Từ của Đức Thế Tôn hiện bày khắp kể cả các Thích nữ.

Tâm Từ hiện bày khắp nói ở đây là dùng ánh sáng an vui để che chở.

Kinh Phật nói: Tu hành rộng khắp tâm Từ, quả báo không vượt quá trời Biến Tịnh. Tu hành rộng khắp tâm Bi, quả báo không vượt quá xứ không. Tu hành rộng khắp tâm Hỷ, quả báo không vượt quá xứ thức. Tu hành rộng khắp tâm Xả, quả báo không vượt quá xứ vô sở hữu.

Hỏi: Quả báo của tâm Từ không vượt quá trời Biến tịnh, có thể là như thế. Vì sao? Vì là quả của tâm Từ, tức hệ thuộc nơi cảnh giới kia. Ba vô lượng còn lại là căn thiện hệ thuộc cõi sắc, lại có thể thọ nhận báo của cõi vô sắc chăng?

Đáp: Ý sâu xa của nghĩa này, đến khi Đức Phật Di Lặc hạ sinh sẽ được nói rõ.

Lại có thuyết nói: Tôn giả Xa-ma-đạt-đa có thể nhận biết rõ về nghĩa này, vì khi nhập định Tôn giả đã không hỏi Tôn giả Ca-chiêndiên-tử về nghĩa ấy.

Lại có thuyết cho: Đức Thế Tôn vì giáo hóa chúng sinh, nên ở định vô sắc đã dùng tên gọi của vô lượng để giảng nói. Nếu dùng tên gọi của vô lượng để nói về định vô sắc, thì người thọ nhận sự hóa độ sẽ dễ hiểu, dễ tỏ ngộ. Như người thọ nhận sự hóa độ, nên nghe nói về giải thoát. Nếu dùng tên gọi của nơi chốn để nói khiến được hiểu biết, tỏ ngộ, thì Đức Phật liền dùng tên gọi của nơi chốn để nói về giải thoát.

Lại có thuyết nêu: Định vô sắc đối trị giác chi, dùng tên gọi của vô lượng để nói. Thiền thứ ba đối trị giác chi, dùng tên gọi của Từ để nói. Đối trị của xứ không, dùng tên gọi của Bi để nói. Đối trị của xứ thức, dùng tên gọi của Hỷ để nói. Đối trị của xứ vô sở hữu, dùng tên gọi của Xả để nói.

Lại có thuyết nói: Là do tương tợ nên hành Từ là hành tạo an vui, thọ an vui, từ cõi dục cho đến thiền thứ ba có thể đạt được. Hành Bi là hành cứu khổ, ở xứ sắc tức có các khổ của việc đoạn dứt tay chân, tai, mũi, đầu. Xứ không chê trách nơi cõi sắc. Hành Hỷ là hoan hỷ. Xứ thức khởi thức hiện ở trước, tâm tức có nhiều hỷ. Hành Xả buông bỏ xứ vô sở hữu gọi là quán xả. Do các sự việc tương tợ như thế v.v…, nên tạo ra thuyết này.

Lại nữa, do lạc trụ nơi xứ ấy nên hoặc có người ưa quán tâm Từ. Vì tâm Từ nên cầu lìa dục, khởi thiền thứ nhất hiện ở trước, tâm không hỷ lạc. Tâm cầu không trọn vẹn thì ý không thể trụ. Lìa dục của thiền thứ nhất, khởi thiền thứ hai hiện ở trước cũng như vậy. Nếu lìa dục của thiền thứ hai, khởi thiền thứ ba hiện ở trước, tức sinh hỷ, lạc thọ. Cầu trọn vẹn thì có thể khiến ý trụ. Hoặc có người ưa quán tâm Bi, lìa dục ái, cho đến lìa ái của thiền thứ ba, khởi thiền thứ tư hiện ở trước, nói rộng như trên. Nếu lìa ái của thiền thứ tư, khởi xứ không hiện ở trước, tâm không hỷ lạc, nói rộng như trên. Nếu lìa ái của xứ không, khởi xứ thức hiện ở trước, tâm tức hỷ lạc, nói rộng như trên. Hoặc có người ưa quán tâm Xả, do tâm Xả nên cầu lìa dục ái, cho đến lìa ái của xứ không, khởi xứ thức hiện ở trước, tâm không hỷ, không lạc, nói rộng như trên. Nếu lìa ái của xứ thức, khởi xứ vô sở hữu hiện ở trước, tâm tức hỷ lạc, nói rộng như trên. Thế nên, do lạc trụ nơi xứ kia, nên nói như thế.

Lại nữa, vì tùy thuận nên nêu bày như thế. Từ thiền thứ ba khởi các căn của cõi dục, bốn đại thấm nhuần tăng trưởng nên thuận theo tâm Từ. Từ tâm Từ khởi các căn của cõi dục, bốn đại thấm nhuần tăng trưởng nên thuận theo thiền thứ ba. Từ xứ không khởi các căn của cõi dục, bốn đại thấm nhuần tăng trưởng nên thuận theo tâm Bi. Từ tâm Bi khởi các căn của cõi dục, bốn đại thấm nhuần tăng trưởng nên thuận theo định của xứ không. Từ định của xứ thức khởi các căn của cõi dục, bốn đại thấm nhuần tăng trưởng nên thuận theo tâm Hỷ. Từ tâm Hỷ khởi các căn của cõi dục, bốn đại thấm nhuần tăng trưởng nên thuận theo định của xứ thức. Từ định xứ vô sở hữu khởi các căn của cõi dục, bốn đại thấm nhuần tăng trưởng nên thuận theo tâm Xả. Từ tâm Xả khởi các căn cõi dục, bốn đại thấm nhuần tăng trưởng nên thuận theo định của xứ vô sở hữu. Do đó, vì tùy thuận nên tạo ra thuyết này.

Lại nữa, vì nhằm đối trị ngoại đạo. Ngoại đạo đối với định vô sắc tạo ra tưởng giải thoát. Nghĩa là không thân, ý tịnh vô biên, tụ nơi tháp thế gian là đối trị. Do ngoại đạo có tưởng như thế, nên định vô sắc dùng tên gọi của vô lượng để nói.

Tôn giả Cù-sa tạo ra thuyết này: Ngoại đạo ở trong pháp diệt tận đã ngu chấp định vô sắc cho là diệt tận. Vì đối trị ngoại đạo, nên kinh Phật nói định vô sắc giống với vô lượng nhưng không phải là giải thoát.

* Bốn định vô sắc: (1) Xứ vô biên không. (2) Xứ vô biên thức. (3) Xứ vô sở hữu. (4) Xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chặn ý của thuyết cho nghĩa là đều cùng.

Như phái Tỳ-bà-xà-bà-đề nói: Cõi vô sắc có sắc.

Phái Dục-đa-bà-đề nói: Cõi vô sắc không có sắc.

Hỏi: Phái Tỳ-bà Xà-bà-đề đã dựa vào kinh nào để nói cõi vô sắc có sắc?

Đáp: Đã dựa vào kinh Phật. Kinh Phật nói: Danh sắc duyên nơi thức. Vì cõi vô sắc có thức, tức cũng nên có danh sắc. Kinh khác cũng nói: Thọ mạng, hơi ấm, thức, ba pháp này thường cùng tùy thuộc không lìa nhau, không có phân tán, đều trụ nơi xứ khác. Vì cõi vô sắc có thọ mạng thức, tức cũng nên có hơi ấm.

Kinh khác lại nói: Tỳ-kheo nên biết! Nếu trừ sắc thọ tưởng hành thức, nói có đến, có đi, có sinh, có tử, có trụ, tức không nên tạo ra thuyết ấy. Vì trong vô sắc có thức, tức cũng nên có trụ xứ của thức, cũng vấn nạn về lỗi. Nếu như cõi vô sắc không có sắc, thì mạng chung ở cõi dục, cõi sắc, sinh nơi cõi vô sắc, hoặc trải qua hai vạn kiếp sắc đoạn, hoặc trải qua bốn vạn kiếp sắc đoạn, hoặc trải qua sáu vạn kiếp sắc đoạn, hoặc trải qua tám vạn kiếp sắc đoạn. Nếu mạng chung ở cõi vô sắc, sinh trở lại nơi cõi dục, cõi sắc, thì sắc đã đoạn trừ từ lâu xa, trở lại cùng với sắc nối tiếp. Như thế, nhập cảnh giới Niết-bàn vô dư, hành đã diệt từ lâu xa, cũng nên trở lại cùng với hành nối tiếp.

Vì muốn khiến không có lỗi như thế, nên nói ở cõi vô sắc có sắc.

Hỏi: Phái Dục-đa-bà-đề dựa vào kinh nào để nói cõi vô sắc không có sắc?

Đáp: Dựa vào kinh Phật. Kinh Phật nói: Giải thoát tịch tĩnh vượt qua sắc nhập. Như thế, nơi định vô sắc thân tác chứng. Nếu nói vượt qua sắc nhập, định vô sắc sắc nhập, nên biết là cõi vô sắc không có sắc.

Kinh khác cũng nói: Do sắc lìa dục. Do vô sắc lìa sắc, lìa tất cả tâm pháp, lìa tất cả đối tượng tạo tác, nhập Niết-bàn diệt tận. Nếu nói lìa cõi sắc nhập cõi vô sắc, nên biết là cõi vô sắc không có sắc.

Như nói về thiền, kinh nói: Nếu có sắc, nếu có thọ, nếu có tưởng, nếu có thức, nên quán pháp này như bệnh, cho đến nói rộng. Như nói về định vô sắc, kinh nói: Nếu có thọ, nếu có tưởng, nếu có hành, nếu có thức, nên quán pháp này như bệnh, cho đến nói rộng.

Nếu lúc nói về thiền, thì nói sắc. Nếu lúc nói về định vô sắc thì không nói sắc. Do sự việc này, nên biết cõi vô sắc không có sắc, cũng nói về vấn nạn lỗi lầm. Nếu cõi vô sắc có sắc, thì không nên thiết lập pháp diệt theo thứ lớp. Nếu không có pháp diệt theo thứ lớp thì cũng không có pháp diệt rốt cùng. Nếu không có pháp diệt rốt cùng, tức không có nẻo xuất yếu giải thoát. Vì muốn khiến không có lỗi như thế, nên nói cõi vô sắc không có sắc.

Hỏi: Như thế, một thuyết nói cõi vô sắc có sắc, một thuyết nói cõi vô sắc không có sắc. Trong hai thuyết ấy, thuyết nào là hơn?

Đáp: Theo thuyết của Phái Dục-đa-bà-đề đã nói cõi vô sắc không có sắc là hơn.

Hỏi: Phái Dục-đa-bà-đề làm sao thông hợp đối với kinh của phái Tỳ-bà Xà-bà-đề đã dựa vào?

Đáp: Kinh kia là chưa liễu nghĩa, là giả danh, là ý nêu bày chưa trọn vẹn.

Hỏi: Kinh kia có nghĩa nào là chưa liễu? Có nghĩa nào là giả danh? Có ý nào là nêu bày chưa trọn vẹn?

Đáp: Kinh Phật hoặc nói pháp cõi dục, hoặc nói pháp cõi sắc, hoặc nói pháp cõi vô sắc. Hoặc nói pháp cõi dục, cõi sắc; hoặc nói pháp cõi sắc, vô sắc. Hoặc nói pháp của ba cõi. Hoặc nói pháp không phải ba cõi.

Nói pháp cõi dục: Như nói ba cõi: Là cõi dục, cõi giận, cõi hại. Ba giác: Là giác dục, giác giận, giác hại. Ba tưởng: Là tưởng dục, tưởng giận, tưởng hại.

Nói pháp cõi sắc: Như nói bốn thiền.

Nói pháp cõi vô sắc: Như nói bốn định vô sắc.

Nói pháp cõi dục, cõi sắc: Như kinh này nói.

Nói pháp cõi sắc, cõi vô sắc: Như nói định. Như nói Ma-nậuma (ý sinh thân).

Nói pháp của ba cõi: Như cõi dục, cõi sắc, vô sắc. Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.

Nói pháp không phải ba cõi: Như nói: Ta nay sẽ nói pháp Niếtbàn và pháp hướng đến Niết-bàn.

Như nói: Danh sắc duyên nơi Thức, nên biết đây là nói về pháp của cõi dục, cõi sắc. Vì sao? Vì cõi dục, cõi sắc có sắc, nên danh sắc vì thức làm duyên. Cõi vô sắc không có sắc, nên danh vì thức làm duyên. Đây là nói chung cho kinh kia.

Hoặc như kinh kia nói: Sáu nhập duyên nơi xúc. Vô sắc có xúc, tức cũng nên có sáu nhập.

Như kinh nói: Thọ mạng, hơi ấm, thức, thường cùng tùy thuộc, không lìa nhau, cho đến nói rộng. Kinh này cũng nói là pháp của cõi dục, cõi sắc. Vì sao? Vì cõi dục, cõi sắc có hơi ấm, nên ba pháp thường cùng tùy thuộc, không lìa nhau. Cõi vô sắc không có hơi ấm, hai pháp thọ mạng và thức thường cùng tùy thuộc, không lìa nhau.

Đây là chung cho kinh kia.

Nếu như kinh kia nói, nghĩa là kinh ấy nêu: Ba pháp này thường cùng tùy thuộc, không lìa nhau, không có phân tán, đều trụ nơi xứ khác. Nhưng pháp này có thể thiết lập ở xứ khác: Hoặc ở trong ấm, hoặc ở trong giới, hoặc ở trong nhập.

Ở trong ấm: Hơi ấm là sắc ấm, thọ mạng là hành ấm, thức là thức ấm.

Ở trong giới: Hơi ấm là xúc giới, thọ mạng là pháp giới, thức là cảnh giới của bảy tâm.

Ở trong nhập: Thọ mạng là pháp nhập, hơi ấm là xúc nhập, thức là ý nhập.

Do sự việc này, nên pháp kia có thể thiết lập, mỗi pháp đều ở nơi xứ khác. Do đó, không nên đều dựa vào kinh kia nói, cần phải hiểu rõ về nghĩa.

Như kinh nói: Tỳ-kheo nên biết! Nếu trừ sắc thọ tưởng hành thức mà nói là có đến, có đi, có sống, có chết, có trụ, thì không nên tạo ra thuyết ấy. Kinh này cũng nói về pháp của cõi dục, cõi sắc. Vì sao? Vì cõi dục, cõi sắc có sắc, nên thức dựa vào bốn pháp này mà trụ. Cõi vô sắc không có sắc, nên thức dựa vào ba pháp mà trụ. Điều này là chung cho kinh kia.

Nếu như kinh nói, kinh khác cũng nói: Tất cả chúng sinh đều dựa vào việc ăn uống để tồn tại. Cõi sắc, cõi vô sắc cũng có đoạn thực chăng? Kinh kia nêu vấn nạn về lỗi lầm lại làm sao thông hợp?

Đáp: Điều này không hẳn phải thông. Vì sao? Vì điều ấy không phải là Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm.

Nếu như muốn thông hợp thì ở đây có ý gì?

Đáp: Như nghĩa của tôi là sắc nối tiếp với sắc. Sắc nối tiếp với vô sắc. Vô sắc nối tiếp với vô sắc. Vô sắc nối tiếp với sắc.

Sắc nối tiếp với sắc: Như mạng chung ở cõi dục, cõi sắc, trở lại sinh nơi cõi dục, cõi sắc.

Sắc nối tiếp với vô sắc: Như ở cõi dục, cõi sắc mạng chung, sinh nơi cõi vô sắc.

Vô sắc nối tiếp với vô sắc: Như mạng chung ở cõi vô sắc, trở lại sinh nơi cõi vô sắc.

Vô sắc nối tiếp với sắc: Như mạng chung ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục, cõi sắc.

Hỏi: Nếu như vậy, như ở cõi dục, cõi sắc mạng chung, sinh nơi cõi vô sắc. Hoặc trải qua hai vạn kiếp sắc đoạn. Hoặc trải qua bốn vạn kiếp, hoặc trải qua sáu vạn kiếp, hoặc trải qua tám vạn kiếp sắc đoạn. Nếu mạng chung ở cõi vô sắc, trở lại sinh nơi cõi dục, cõi sắc, thì sắc được dứt trừ lâu xa, trở lại cùng với sắc nối tiếp. Như thế, nhập Niết-bàn vô dư, hành diệt từ lâu xa, cũng nên trở lại cùng với hành nối tiếp chăng?

Đáp: Đoạn trừ có hai thứ: Có đoạn trừ trong giây lát. Có đoạn trừ rốt cùng. Nếu đoạn trừ trong giây lát, thì trở lại nối tiếp. Nếu đoạn trừ rốt cùng, thì không còn nối tiếp.

Hỏi: Phái Tỳ-bà Xà-bà-đề làm sao thông hợp nơi kinh của Phái Dục-đa-bà-đề đã dựa vào?

Đáp: Phái kia đã tạo ra thuyết này: Kinh ấy là chưa liễu nghĩa, là giả danh, là ý nêu bày chưa trọn vẹn.

Hỏi: Có những nghĩa nào chưa liễu? Có những giả danh nào? Có những ý nào nêu bày chưa trọn vẹn?

Đáp: Phái kia đã nêu: Kinh nói: Vượt qua sắc nhập nơi vô sắc là vượt qua nơi sắc thô, nhập nơi sắc vi tế. Cõi vô sắc có sắc nhưng là vi tế. Kinh nói: Do cõi sắc lìa cõi dục, nhưng cõi sắc có sắc. Do cõi vô sắc lìa cõi sắc, mà cõi vô sắc cũng nên có sắc.

Hỏi: Nếu cõi sắc do lìa sắc của cõi dục, nên gọi là lìa cõi dục, việc này có thể như vậy. Song cõi sắc do lìa dục nên gọi là lìa cõi dục, nhưng cõi sắc không có dục, vì thế sự việc ấy là đúng, cũng không phải thông hợp nơi kinh nói về thiền. Kinh nói định vô sắc trải qua và nêu vấn nạn về lỗi lầm thì không thể thông hợp. Tuy nhiên, thuyết của phái Tỳ-bà Xà-bà-đề nói là quả của vô minh, quả đen tối, quả của si, quả của phương tiện không siêng năng, nói cõi vô sắc có sắc, nhưng cõi vô sắc là không có sắc.

Thế nên, vì nhằm ngăn chận nghĩa của người khác, hiển bày nghĩa của mình, cũng muốn nêu bày nghĩa tương ưng của pháp tướng, nên tạo ra phần Luận này. Chớ cho là chỉ nhằm ngăn chặn nghĩa khác, cũng chớ cho là chỉ nhằm làm sáng tỏ nghĩa của mình, tức chỉ muốn nêu bày nghĩa như thật của pháp tướng, nên tạo ra phần Luận này.

Bốn định vô sắc: (1) Xứ vô biên không. (2) Xứ vô biên thức. (3) Xứ vô sở hữu. Xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Thế nào là xứ không? Luận Ba-già-la-na nói: Thế nào là xứ không? Đáp: Xứ không có hai thứ: Định sinh và sinh. Thọ, tưởng, hành, thức vô ký không ẩn mất trong xứ không kia, đấy gọi là xứ không.

Như xứ không, thì xứ thức, xứ vô sở hữu, xứ phi tưởng phi phi tưởng nói cũng như thế.

Định: Nghĩa là định vô sắc. Sinh: Nghĩa là sinh và sinh của cõi vô sắc. Thọ tưởng hành thức vô ký không ẩn mất trong xứ không kia, là báo của vô sắc.

Kinh Phật nói: Thế nào là xứ không? Là vượt qua tất cả tưởng sắc, diệt tưởng có đối, không có các thứ tưởng tư duy, nhập xứ vô biên không. Đấy gọi là xứ không.

Vượt qua tất cả tưởng sắc:

Hỏi: Tưởng sắc là tưởng tương ưng với nhãn thức, lúc lìa dục của thiền thứ nhất đã vượt qua. Vì sao xứ này nói vượt qua tưởng sắc?

Đáp: Ở đây nói vượt qua đối tượng nương dựa, gọi là vượt qua. Vượt qua có hai thứ: (1) Vượt qua chủ thể nương dựa. (2) Vượt qua đối tượng nương dựa.

Lúc lìa dục của thiền thứ nhất là vượt qua chủ thể nương dựa của tưởng sắc. Lúc lìa dục của thiền thứ tư là vượt qua đối tượng nương dựa của tưởng sắc.

Lại nữa, ở đây nói vượt qua đối tượng hành. Vượt qua có hai thứ: (1) Vượt qua đối tượng đoạn. (2) Vượt qua hiện hành.

Lúc lìa dục của thiền thứ nhất là vượt qua tưởng sắc của đối tượng đoạn. Lúc lìa dục của thiền thứ tư là vượt qua tưởng sắc của hiện hành.

Lại nữa, ở đây nói là vượt qua trụ xứ. Vượt qua có hai thứ: (1) Vượt qua dục ái. (2) Vượt qua trụ xứ.

Lúc lìa dục của thiền thứ nhất là vượt qua dục ái của tưởng sắc. Lúc lìa dục của thiền thứ tư là vượt qua trụ xứ của tưởng sắc.

Lại nữa, sinh trong thiền thứ tư, do nhãn thức nên khởi sắc ái hiện ở trước. Vì sự việc này nên nói là vượt qua tất cả tưởng sắc.

Diệt tưởng có đối:

Hỏi: Tưởng có đối là tưởng tương ưng với các thức nhĩ tỷ thiệt thân. Tưởng kia hoặc có người khi lìa dục thì diệt, hoặc có người khi lìa dục thì không diệt. Vì sao nói xứ này diệt tưởng có đối?

Đáp: Nơi các lời đáp trước, theo chỗ thích hợp nên cũng thông suốt đối với câu hỏi ấy.

Lại có thuyết cho: Tưởng có đối gọi là tưởng tương ưng với giận dữ.

Hỏi: Khi lìa dục ái, diệt tưởng có đối, vì sao ở xứ này nói là diệt tưởng có đối?

Đáp: Vì diệt công việc đã làm. Do những sự việc làm đều có thể sinh tưởng giận dữ. Khi lìa dục của thiền thứ tư thì tưởng đều diệt.

Không có các thứ tưởng tư duy: Thế nào là các thứ tưởng tư duy? Nghĩa là các tưởng tán loạn trong thiền thứ tư.

Hỏi: Vì sao gọi là vô số các thứ tưởng?

Đáp: Vì tưởng này duyên nơi vô số thứ nhập.

Nhiễm ô: Là duyên nơi mười nhập.

Không nhiễm ô: Là duyên nơi mười hai nhập.

Hỏi: Vì sao nói không có vô số thứ tưởng tư duy?

Đáp: Vô số thứ tưởng, khi lìa dục của thiền thứ tư, có thể tạo ra rất nhiều trở ngại, khiến pháp lìa dục không nối tiếp. Như người giữ cổng không cho người khác vào. Tưởng kia cũng như vậy. Thế nên Đức Phật nêu rõ: Không nên tư duy về vô số thứ tưởng. Nên lìa dục của thiền thứ tư.

Xứ vô biên không:

Hỏi: Vì sao gọi là xứ vô biên không? Là do tự thể hay là do đối tượng duyên? Nếu do tự thể thì tự thể là bốn ấm, không phải vô biên không. Nếu do đối tượng duyên tức duyên nơi bốn đế, hư không phi số diệt?

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Không phải do tự thể, cũng không phải do đối tượng duyên, mà là do phương tiện. Như Luận Thi Thiết nói: Dùng phương tiện gì để cầu đạt định xứ vô biên không?

Đáp: Đầu tiên, hành giả hoặc quán không của đầu tường, hoặc quán không của đầu ngọn cây, hoặc quán không trên nóc nhà. Nhận lấy tướng không như thế xong, quán hư không này tạo ra tưởng như thế, tạo ra quán sát như thế. Do duyên nơi không nên sinh ra định của không đó. Thế nên gọi là định xứ không.

Lại nữa, pháp nên như thế. Nghĩa là lìa địa thứ nhất của cõi sắc, tất gọi là xứ không. Trước hết, hành giả quán địa của sắc trên, lìa dục của địa sắc dưới. Khi lìa dục của thiền thứ tư, quán bốn ấm của xứ không, lìa dục của thiền thứ tư. Thế nên trong xứ ấy tạo ra tưởng hư không. Như người trèo lên cây, vịn nơi cành trên, bỏ cành dưới. Nếu đến đầu ngọn cây, không có cành nào trên đó nữa, bèn tạo ra tưởng không. Xứ không kia cũng như thế.

Lại nữa, do nương dựa nên được gọi là xứ không. Vì sao? Vì từ định xứ không kia khởi, cũng có sự nương dựa khác. Từng nghe có một Tỳ-kheo được định xứ không, từ định đó khởi, sờ nơi hư không. Tỳ-kheo khác hỏi: Vì mong cầu điều gì? Đáp: Ta cầu thân ta. Tỳkheo kia nói: Thân ông tức ở trên giường.

Người nhập định xứ không, nếu thành tựu được bốn ấm thiện của xứ không, thì đó gọi là nhập.

Thế nào là xứ vô biên thức?

Đáp: Là vượt qua tất cả xứ không, nhập định xứ thức. Đấy gọi là xứ thức.

Hỏi: Vì sao gọi là xứ thức? Là do tự thể hay là do đối tượng duyên? Nếu do tự thể thì thể là bốn ấm. Nếu do đối tượng duyên thì duyên nơi bốn đế cùng hư không phi số diệt.

Đáp: Không phải do tự thể, cũng không phải do đối tượng duyên, chỉ là do phương tiện.

Như Luận Thi Thiết nói: Thế nào là dùng phương tiện để cầu đạt định xứ thức?

Đáp: Đầu tiên, hành giả nhận lấy các thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thanh tịnh. Nhận lấy tướng này xong, tư duy quán sát nơi thức, vì dùng phương tiện quán thức, nên sinh định xứ thức.

Lại nữa, do nương dựa khác nên từ định xứ thức khởi, thức tức hoan hỷ.

Người nhập nếu thành tựu được bốn ấm thiện của định xứ thức, thì đó gọi là nhập.

Thế nào là xứ vô sở hữu?

Đáp: Là vượt qua tất cả xứ thức, lại là vô sở hữu, nhập định vô sở hữu.

Hỏi: Vô sở hữu là có những gì?

Đáp: Xứ ấy có vô ngã, không có ngã sở.

Hỏi: Tất cả địa đều không có ngã, không có ngã sở. Vì sao riêng ở đây gọi là xứ vô sở hữu?

Đáp: Tuy tất cả địa không có ngã, không có ngã sở, nhưng do thấy vô ngã nên khiến ngã kiến ở đây yếu kém, nhỏ mỏng, ít sức, không có oai thế, không như người quán vô sở hữu.

Lại nữa, vì vô trong xứ kia là thường hằng không có biến đổi, nên gọi là vô sở hữu.

Lại nữa, vì không có che phủ, không có nương dựa, không có cứu giúp, nên gọi là vô sở hữu.

Lại nữa, vô sở hữu gọi là vô biên hành. Vì trong xứ kia là không có hành, nên gọi là vô sở hữu.

Tôn giả Hòa Tù Mật nói: Vì định này là pháp không có đối tượng hệ thuộc nên gọi là vô sở hữu. Như nói: Ta không thuộc về người kia. Người kia không thuộc về ta. Nên gọi là vô sở hữu.

Người nhập nếu thành tựu được bốn ấm thiện của xứ vô sở hữu, thì đó gọi là nhập.

Kinh Phật nói: Xứ vô sở hữu là Xả.

Hỏi: Vì sao kinh Phật nói xứ vô sở hữu là Xả?

Đáp: Thánh đạo là Xả. Xứ vô sở hữu kia là xứ sau cùng có thể được, do đấy gọi là Xả.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Hành vô biên là quán thô, vì lìa vui mừng của quán kia, được tịch tĩnh nên gọi là Xả.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Lại không niệm về hành vô biên, tâm không có thế dụng nên trụ nơi Xả.

Thế nào là xứ phi tưởng phi phi tưởng?

Đáp: Là vượt qua tất cả xứ vô sở hữu, nhập nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng. Đấy gọi là xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Hỏi: Vì sao gọi là xứ phi tưởng phi phi tưởng?

Đáp: Vì không có tướng của tưởng sáng rõ, cũng không có tướng của vô tưởng sáng rõ.

Không có tướng của tưởng sáng rõ: Là không có như tướng của định mười tưởng.

Cũng không có tướng của vô tưởng sáng rõ: Là không có như tướng của định diệt tận, định vô tưởng, nhưng tưởng kia là mờ tối, yếu ớt, không rõ ràng, không quyết định, nên gọi là xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Người nhập nếu thành tựu được bốn ấm thiện của xứ phi tưởng phi phi tưởng, thì đó gọi là nhập.

Cõi dục và xứ phi tưởng phi phi tưởng không có đạo vô lậu.

Hỏi: Vì sao cõi dục và xứ phi tưởng phi phi tưởng không có đạo vô lậu?

Đáp: Vì nơi chốn ấy không phải là ruộng, không phải là vật chứa đựng của đạo vô lậu kia, cho đến nói rộng.

Lại nữa, vì đối trị gốc rễ của Hữu. Gốc rễ của Hữu có hai: (1) Là cõi dục. (2) Là xứ phi tưởng phi phi tưởng. Đạo vô lậu đối trị gốc rễ của Hữu nên không đồng ở một xứ.

Lại nữa, vì đối trị hai biên. Biên có hai thứ: (1) Là cõi dục. (2) Là xứ phi tưởng phi phi tưởng. Đạo vô lậu đối trị hai biên nên trụ nơi trung đạo.

Lại nữa, cõi dục là cõi bất định, không phải là địa lìa dục, không phải là địa tu tập. Xứ phi tưởng phi phi tưởng là mờ tối, yếu kém, không rõ ràng, không quyết định, không mạnh mẽ, nhạy bén. Thánh đạo là định, là mạnh mẽ, nhạy bén.

Lại nữa, cõi dục thiên nhiều về trạo cử. Xứ phi tưởng phi phi tưởng thiên nhiều về định. Thánh đạo thì định tuệ nhiều.

Lại nữa, xứ phi tưởng phi phi tưởng thì không quyết định, như là nghi. Thánh đạo thì quyết định.

Kinh Phật nói: Thiền gọi là nhập. Nói định vô sắc gọi là vượt qua.

Hỏi: Vì sao kinh Phật nói định vô sắc gọi là vượt qua, không nói thiền?

Đáp: Kinh Phật cũng nói thiền gọi là vượt qua. Như Kinh Ưu Đà Da nói: Tỳ-kheo Ưu-đà-da lìa dục, pháp ác bất thiện, có giác có quán, ly sinh hỷ lạc, nhập thiền thứ nhất. Này Ưu-đà-da! Ta cũng nói pháp này là bất định, là đoạn, là vượt qua. Cho đến thiền thứ tư nói cũng như thế.

Hỏi: Chỉ trong một kinh, Đức Phật nói thiền là vượt qua. Trong các kinh khác phần nhiều nói định vô sắc là vượt qua chăng?

Đáp: Vì thiền có vô số thứ tướng không giống nhau, nên không gọi là vượt qua. Định vô sắc không có vô số thứ tướng không giống nhau, nên gọi là vượt qua.

Lại nữa, trong thiền phần nhiều nói công đức thiện lợi, nên không gọi là vượt qua. Trong định vô sắc không có nhiều công đức thiện lợi, nên nói là vượt qua.

Lại nữa, thiền là thô, là hiện thấy, nên không gọi là vượt qua.

Định vô sắc là vi tế, khó thấy, nên gọi là vượt qua.

Lại nữa, thiền là pháp soi chiếu khắp, duyên nơi địa trên, cũng duyên nơi địa dưới, cũng duyên nơi tự địa, nên không gọi là vượt qua. Định vô sắc tuy duyên nơi tự địa, cũng duyên nơi địa trên, không duyên nơi địa dưới, nên nói là vượt qua.

Lại nữa, do thiền có hành động vội vàng, qua lại, sinh trong cõi dục, không chết, không sống, do sức của thần túc, đến thiền thứ tư. Trong thiền thứ tư cũng đến cõi dục, giống như không thể có đối tượng vượt qua, nên không gọi là vượt qua. Định vô sắc vì không có đến đi, nên nói là vượt qua.

Lại nữa, thiền có trung hữu nhiễu loạn. Trong cõi dục cho đến thiền thứ tư, trung hữu hiện ở trước. Thiền thứ tư cho đến cõi dục, trung hữu hiện ở trước. Trong cõi vô sắc không có trung hữu, nên gọi là vượt qua.

Lại nữa, trong thiền sinh địa trên khởi địa dưới, tâm hiện ở trước, như tâm biến hóa của thức thân, nên không gọi là vượt qua. Định vô sắc sinh lên địa trên không khởi địa dưới, tâm hiện ở trước, nên nói là vượt qua.

Lại nữa, thiền sinh lên trên, có pháp của địa dưới nối tiếp, như tâm biến hóa của thức thân, nên không gọi là vượt qua. Định vô sắc sinh lên trên, vì không có pháp của địa dưới nối tiếp, nên nói là vượt qua.

Do các sự việc như thế v.v…, nên nói định vô sắc là vượt qua, không nói thiền.

Thọ mạng của xứ không là hai vạn kiếp. Thọ mạng của xứ thức là bốn vạn kiếp. Thọ mạng của xứ vô sở hữu là sáu vạn kiếp. Thọ mạng của xứ phi tưởng phi phi tưởng là tám vạn kiếp.

Hỏi: Vì sao xứ sinh của cõi vô sắc, hoặc thọ mạng tăng gấp bội hoặc không tăng?

Đáp: Do xứ có từng ấy thế mạnh của nhân báo, nên có từng ấy báo.

Lại nữa, xứ không, xứ thức có hành vô biên, cũng có hành khác. Báo của hành vô biên nơi xứ không là thọ mạng vạn kiếp. Báo của hành khác là thọ mạng vạn kiếp. Báo của hành vô biên nơi xứ thức là thọ mạng hai vạn kiếp. Báo của hành khác là thọ mạng hai vạn kiếp. Vì địa trên không có hành vô biên, nên không có báo.

Lại nữa, do xứ không, xứ thức có định có tuệ. Báo của định xứ không là thọ mạng vạn kiếp. Báo của tuệ là thọ mạng vạn kiếp. Báo của định xứ thức là thọ mạng hai vạn kiếp. Báo của tuệ là thọ mạng hai vạn kiếp. Vì tuệ của địa trên ít nên báo cũng ít.

Lại nữa, xứ sinh vô sắc có hai vạn kiếp là thọ mạng nhất định, do lìa dục nên một địa tăng thọ mạng hai vạn kiếp. Hai vạn kiếp của xứ thức là thọ mạng nhất định hai vạn kiếp, là thọ mạng do lìa dục nơi xứ không. Hai vạn kiếp của xứ vô sở hữu là thọ mạng nhất định bốn vạn kiếp, là thọ mạng do lìa dục nơi xứ không, xứ thức. Hai vạn kiếp của xứ phi tưởng phi phi tưởng là thọ mạng nhất định sáu vạn kiếp, là thọ mạng do lìa dục của xứ không, xứ thức, xứ vô sở hữu.

* Tám giải thoát:

1. Quán sắc là sắc, là giải thoát thứ nhất.

2. Bên trong không có tưởng sắc, quán sắc bên ngoài, là giải thoát thứ hai.3

3. Giải thoát tịnh, thân tác chứng được thành tựu, là giải thoát thứ ba.

4. Vượt qua tất cả tưởng sắc, diệt tưởng có đối, không có vô số thứ tưởng tư duy, nhập xứ Vô biên không, là giải thoát thứ tư.

5. Vượt qua tất cả xứ không, nhập xứ Vô biên thức, là giải thoát thứ năm.

6. Vượt qua tất cả xứ thức, nhập xứ vô sở hữu, là giải thoát thứ sáu.

7. Vượt qua tất cả xứ vô sở hữu, nhập xứ phi tưởng phi phi tưởng, là giải thoát thứ bảy.

8. Vượt qua tất cả xứ phi tưởng phi phi tưởng, nhập diệt thọ tưởng, thân tác chứng được thành tựu, là giải thoát thứ tám.

Hỏi: Thể tánh của giải thoát là gì?

Đáp: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba là căn thiện không tham, đối trị nơi tham. Nhận lấy sự tương ưng hồi chuyển của không tham kia, nơi cõi dục là bốn ấm, nơi cõi sắc là năm ấm. Giải thoát của xứ không, xứ thức, xứ vô sở hữu, xứ phi tưởng phi phi tưởng là bốn ấm. Giải thoát của Diệt thọ tưởng là thuộc về hành ấm bất tương ưng. Đây là thể tánh của giải thoát, cho đến nói rộng.

Đã nói về thể tánh của giải thoát. Về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là giải thoát? Giải thoát là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa từ bỏ là nghĩa của giải thoát.

Hỏi: Nếu nghĩa từ bỏ là nghĩa của giải thoát, thì những giải thoát nào từ bỏ tâm của xứ nào?

Đáp: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai từ bỏ tâm sắc ái. Giải thoát thứ ba từ bỏ tâm bất tịnh. Giải thoát của xứ không từ bỏ pháp của địa dưới. Cho đến giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng cũng từ bỏ pháp của địa dưới. Giải thoát của Diệt thọ tưởng từ bỏ tất cả tâm có duyên. Thế nên, nghĩa từ bỏ là nghĩa của giải thoát.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Nghĩa được cởi mở là nghĩa của giải thoát. Vì tâm đối với phiền não được cởi mở, được thanh tịnh, nên gọi là giải thoát.

Tôn giả Phật-đà-đề-bà nói: Vì quán tưởng hư giả được mở bày nên gọi là giải thoát.

Về cõi: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba ở tại cõi sắc. Giải thoát của xứ không, xứ thức, xứ vô sở hữu, nếu là hữu lậu thì ở cõi vô sắc, nếu là vô lậu thì không hệ thuộc. Giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng, giải thoát của Diệt thọ tưởng ở cõi vô sắc.

Về địa: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai ở nơi thiền vị chí, trung gian cùng thiền thứ nhất, thiền thứ hai. Nơi địa trên cũng có, cùng với căn thiện này tương tợ nhưng không lập giải thoát. Vì sao? Vì đối trị với sắc ái của cõi dục, nên lập giải thoát bất tịnh của thiền thứ nhất. Vì đối trị với sắc ái của thiền thứ nhất, nên lập giải thoát bất tịnh của thiền thứ hai. Vì thiền thứ hai không có sắc ái, nên thiền thứ ba không lập giải thoát bất tịnh. Vì thiền thứ ba không có sắc ái, nên thiền thứ tư không lập giải thoát bất tịnh.

Giải thoát tịnh ở nơi thiền thứ tư. Địa dưới cũng có, cùng với căn thiện này tương tợ nhưng không lập giải thoát. Vì sao? Vì giải thoát tịnh đối trị bất tịnh, không bị bất tịnh chế ngự. Nếu như nơi địa dưới lập giải thoát tịnh tức bị bất tịnh chế ngự.

Giải thoát của xứ không ở nơi xứ không.

Hỏi: Pháp của xứ không, pháp nào là giải thoát, pháp nào không phải là giải thoát?

Đáp: Khi lìa dục của thiền thứ tư là do chín đạo vô ngại, tám đạo giải thoát, nhưng khi chết, xứ không thiện không phải là giải thoát, xứ không thiện khác là giải thoát.

Giải thoát của xứ thức ở nơi xứ thức.

Hỏi: Pháp của xứ thức, pháp nào là giải thoát, pháp nào không phải là giải thoát?

Đáp: Khi lìa dục của xứ không là do chín đạo vô ngại, tám đạo giải thoát, nhưng khi chết, xứ thức thiện không phải là giải thoát, xứ thức thiện khác là giải thoát.

Giải thoát của xứ vô sở hữu ở nơi xứ vô sở hữu.

Hỏi: Pháp của xứ vô sở hữu, pháp nào là giải thoát, pháp nào không phải là giải thoát?

Đáp: Khi lìa dục của xứ thức là do chín đạo vô ngại, tám đạo giải thoát, nhưng khi chết, xứ vô sở hữu thiện không phải là giải thoát, xứ vô sở hữu thiện khác là giải thoát.

Giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng ở nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Hỏi: Pháp của xứ phi tưởng phi phi tưởng, pháp nào là giải thoát, pháp nào không phải là giải thoát?

Đáp: Khi lìa dục của xứ vô sở hữu là do chín đạo vô ngại, tám đạo giải thoát, nhưng khi chết, xứ phi tưởng phi phi tưởng thiện không phải là giải thoát, xứ phi tưởng phi phi tưởng thiện khác là giải thoát.

Giải thoát Diệt thọ tưởng ở nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Về đối tượng nương dựa: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba dựa nơi thân của cõi dục. Giải thoát của Diệt thọ tưởng dựa nơi thân của cõi dục, cõi sắc. Các giải thoát còn lại dựa nơi thân của ba cõi.

Về hành tướng: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai tạo hành tướng bất tịnh. Giải thoát thứ ba tạo hành tướng tịnh. Giải thoát của bốn vô sắc tạo ra mười sáu hành tướng, hoặc có hành tướng khác. Giải thoát của Diệt thọ tưởng không tạo hành tướng.

Về đối tượng duyên: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba duyên nơi cõi dục, là duyên nơi pháp nào? Đáp: Duyên nơi sắc nhập.

Giải thoát của xứ không duyên nơi bốn vô sắc và nhân của chúng. Vô sắc đó diệt tất cả phần tỷ trí và phi số diệt của tỷ trí. Phi số diệt của bốn vô sắc duyên nơi tất cả hư không, hoặc tướng một, hoặc tướng khác.

Giải thoát của xứ thức duyên nơi ba vô sắc và nhân của chúng. Ba vô sắc ấy diệt tất cả phần tỷ trí và phi số diệt của tỷ trí. Phi số diệt của ba vô sắc duyên nơi tất cả hư không, hoặc tướng một, hoặc tướng khác.

Giải thoát của xứ vô sở hữu duyên nơi hai vô sắc và nhân của chúng. Vô sắc đó diệt tất cả phần tỷ trí và phi số diệt của tỷ trí. Phi số diệt của hai vô sắc duyên nơi tất cả hư không, hoặc tướng một, hoặc tướng khác.

Giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng duyên nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng và nhân của xứ ấy. Xứ phi tưởng phi phi tưởng kia diệt tất cả phần tỷ trí và phi số diệt của tỷ trí. Phi số diệt của một định vô sắc duyên nơi tất cả hư không, hoặc tướng một, hoặc tướng khác.

Giải thoát của Diệt thọ tưởng không có đối tượng duyên.

Về niệm xứ: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba đều cùng với thân niệm xứ kết hợp. Giải thoát của bốn vô sắc đều cùng với bốn niệm xứ kết hợp. Giải thoát của Diệt thọ tưởng, nếu do gần gũi với tánh niệm xứ, thì niệm xứ tức không cùng kết hợp, nếu do duyên nơi niệm xứ, là pháp niệm xứ.

Về trí: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba, giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng đều cùng với đẳng trí kết hợp. Giải thoát của xứ không, xứ thức, xứ vô sở hữu đều cùng với sáu trí kết hợp, trừ pháp trí, tha tâm trí. Giải thoát của Diệt thọ tưởng không cùng với trí kết hợp.

Về định: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba, giải thoát của xứ phi tưởng phi phi tưởng, giải thoát của Diệt thọ tưởng đều không cùng với định kết hợp. Giải thoát của xứ không, xứ thức, xứ vô sở hữu, hoặc đều cùng với định kết hợp, hoặc không đều cùng với định kết hợp.

Về căn: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai cùng với hỷ căn, xả căn tương ưng. Giải thoát của Diệt thọ tưởng không cùng với căn tương ưng. Các giải thoát còn lại cùng với xả căn tương ưng.

Về đời: Ở nơi ba đời. Về duyên nơi ba đời: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba, quá khứ duyên nơi quá khứ, hiện tại duyên nơi hiện tại, vị lai nếu sinh thì duyên nơi vị lai, nếu không sinh là duyên nơi ba đời. Giải thoát của bốn vô sắc duyên nơi ba đời và không phải đời. Giải thoát của Diệt thọ tưởng không có đối tượng duyên.

Về thiện, bất thiện, vô ký: Là thiện. Duyên nơi thiện, bất thiện, vô ký: Giải thoát thứ nhất, giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba duyên nơi thiện, bất thiện, vô ký. Giải thoát của bốn vô sắc duyên nơi thiện, vô ký. Giải thoát của Diệt thọ tưởng không có đối tượng duyên.

Hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Ba thứ là hệ thuộc cõi sắc. Hai thứ là hệ thuộc cõi vô sắc. Ba thứ còn lại, nếu là hữu lậu thì hệ thuộc cõi vô sắc, nếu là vô lậu thì không hệ thuộc.

Duyên hệ thuộc ba cõi và không hệ thuộc: Ba thứ là duyên hệ thuộc cõi dục. Bốn thứ là duyên hệ thuộc cõi vô sắc và không hệ thuộc. Một thứ không có đối tượng duyên.

Về học, vô học, phi học phi vô học: Năm thứ là phi học phi vô học. Ba thứ là học, vô học, phi học phi vô học.

Duyên nơi học, vô học, phi học phi vô học: Ba thứ duyên phi học phi vô học. Bốn thứ duyên cả ba loại. Một thứ không có đối tượng duyên.

Do kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn: Năm thứ là do tu đạo đoạn trừ. Ba thứ, nếu là hữu lậu thì do tu đạo đoạn trừ, nếu là vô lậu thì không đoạn trừ.

Duyên nơi kiến đạo đoạn, tu đạo đoạn, không đoạn: Ba thứ duyên nơi tu đạo đoạn trừ. Bốn thứ duyên đủ cả ba loại. Một thứ không có đối tượng duyên.

Duyên nơi danh, duyên nơi nghĩa: Ba thứ duyên nơi nghĩa. Bốn thứ, nếu nói cõi vô sắc có danh thì duyên nơi danh, duyên nơi nghĩa, nếu nói không có danh thì duyên nơi nghĩa. Một thứ không có đối tượng duyên.

Duyên nơi thân mình, duyên nơi thân người khác, pháp không phải thân: Giải thoát thứ nhất duyên nơi thân mình, thân người khác. Giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba duyên nơi thân người khác. Giải thoát của bốn vô sắc duyên nơi thân mình, thân người khác và pháp không phải thân. Giải thoát của Diệt thọ tưởng không có đối tượng duyên.

Là phương tiện đắc hay là lìa dục đắc? Giải thoát của Diệt thọ tưởng là phương tiện đắc. Các giải thoát còn lại là lìa dục đắc, cũng là phương tiện đắc. Nếu ở nơi thiền thứ nhất, khi lìa dục của cõi dục, là lìa dục đắc. Cho đến nếu ở nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng, khi lìa dục của xứ vô sở hữu, là có được phương tiện đắc, do phương tiện hiện ở trước. Đức Phật không do phương tiện hiện ở trước. Phật-bích-chi do phương tiện phẩm hạ. Thanh văn hoặc do phương tiện phẩm trung, hoặc do phương tiện phẩm thượng.

Là vốn được hay là chưa từng được? Giải thoát của Diệt thọ tưởng là chưa từng được. Các giải thoát còn lại là vốn được, cũng là chưa từng được. Thánh nhân, phàm phu của pháp Phật là vốn được, chưa từng được. Phàm phu khác là vốn được.

Tám giải thoát nói rộng như trên.

Quán sắc là sắc, là giải thoát thứ nhất, hiện thấy tu tưởng sắc nội, không lìa tưởng sắc nội. Quán sắc ngoài hoặc màu xanh bầm, hoặc là mủ, hoặc sình trướng, hoặc xương, hoặc vòng xích xương. Đấy gọi là giải thoát thứ nhất.

Thứ nhất: Là theo số thứ lớp, ở nơi thứ nhất, nên gọi là thứ nhất. Vì tùy thuận nghĩa thứ lớp ở thứ nhất, nên gọi là thứ nhất.

Lại nữa, theo thứ lớp khi nhập định, vì số ở thứ nhất, nên gọi là thứ nhất.

Giải thoát: Lúc nhập định này, sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiện. Đó gọi là giải thoát.

Bên trong không có tưởng sắc, quán sắc bên ngoài, không hiện thấy tu tưởng của sắc nội, lìa tưởng của sắc nội, quán sắc ngoài hoặc màu xanh bầm, nói rộng như trên. Đấy gọi là giải thoát thứ hai. Nghĩa giải thoát của nghĩa thứ hai cũng nói như trên.

Hỏi: Là khi quán sắc bên ngoài, cũng quán bên trong không có tưởng sắc? Hay là quán sắc bên ngoài xong, lại quán bên trong không có tưởng sắc chăng? Nếu khi quán sắc bên ngoài cũng quán bên trong không có tưởng sắc, thì làm sao một tâm duyên nơi hai pháp? Nếu có thể duyên nơi hai pháp, thì cũng có thể duyên nơi nhiều pháp. Nếu quán sắc bên ngoài xong, lại quán bên trong không có tưởng sắc, thì như ở đây đã nói làm sao thông? Như nói: Bên trong không có tưởng sắc, quán sắc bên ngoài.

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Nếu khi quán sắc bên ngoài là lúc không quán bên trong không có tưởng sắc.

Hỏi: Nếu như vậy thì như ở đây nói làm sao thông? Như nói: Bên trong không có tưởng sắc, quán sắc bên ngoài.

Đáp: Hành giả có tâm trông mong như thế, nên nói như vậy. Hành giả tạo ra tâm trông mong như vầy: Ta không quán sắc nội, chỉ quán sắc bên ngoài. Vì có tâm trông mong như thế, nên Đức Phật đã nêu rõ như vậy.

Lại nữa, ở đây nói: Vì hành giả lúc quan sát trước đã phân biệt, nên Đức Phật đã chỉ rõ như thế.

Lại nữa, do nghĩa nhất định, nên nếu quán bên trong không có tưởng sắc, thì nhất định quán sắc bên ngoài. Nếu quán sắc bên ngoài, tức nhất định quán bên trong không có tưởng sắc.

Lại nữa, ở đây nói căn thiện và phương tiện bên trong không có tưởng sắc. Phương tiện của căn thiện này quán sắc bên ngoài: Là do căn thiện đầy đủ.

Lại nữa, bên trong không có tưởng sắc, là tâm trông mong quán sắc bên ngoài, là đối tượng duyên.

Giải thoát tịnh, thân tác chứng được thành tựu. Đấy gọi là giải thoát thứ ba.

Hỏi: Giải thoát tịnh là quán sắc là sắc, hay là bên trong không có tưởng sắc, quán sắc bên ngoài? Nếu quán sắc là sắc, thì giải thoát thứ nhất và giải thoát thứ ba có gì khác biệt? Nếu bên trong không có tưởng sắc, quán sắc bên ngoài thì giải thoát thứ hai và giải thoát thứ ba có gì khác biệt?

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Bên trong không có tưởng sắc, quán sắc bên ngoài.

Hỏi: Nếu như vậy thì giải thoát thứ hai, giải thoát thứ ba có gì khác biệt?

Đáp: Danh tức khác biệt: Đấy gọi là giải thoát thứ hai. Đấy gọi là giải thoát thứ ba.

Lại nữa, giải thoát thứ hai ở nơi thiền thứ nhất, thiền thứ hai. Giải thoát thứ ba ở nơi thiền thứ tư.

Lại nữa, giải thoát thứ hai ở trong thân của nội đạo, ngoại đạo.

Giải thoát tịnh chỉ ở trong thân của nội đạo.

Lại nữa, hành của giải thoát thứ hai là hành bất tịnh. Hành của giải thoát thứ ba là hành tịnh.

Lại nữa, giải thoát thứ hai thì đối trị sắc ái. Giải thoát thứ ba thì đối trị bất tịnh.

Lại nữa, giải thoát thứ hai không có nhiều đối tượng tạo tác, không do dụng công nhiều mà được. Giải thoát tịnh có nhiều đối tượng tạo tác, do dụng công nhiều mà được.

Lại nữa, thể của giải thoát thứ hai là sáng sạch, duyên nơi thể không sáng sạch, thắng diệu duyên nơi không thắng diệu. Thể của giải thoát tịnh là thắng diệu duyên nơi thể thắng diệu, sáng sạch duyên nơi sáng sạch, giải thoát tịnh duyên nơi tịnh.

Hỏi: Vì sao hành giả khi quán giải thoát tịnh duyên nơi tịnh?

Đáp: Vì muốn thử nghiệm căn thiện, nên hành giả khởi suy nghĩ: Ta hành quán bất tịnh, phiền não không sinh, chưa nhận biết căn thiện này là được đầy đủ không? Lại thử quán tịnh, phiền não cũng lại không sinh, tức nhận biết căn thiện đã được đầy đủ.

Lại nữa, vì hành giả quán bất tịnh, nên tâm yếu kém. Tâm yếu kém nên không thể tu căn thiện thắng tấn.

Lại nữa, do quán tịnh khiến tâm vui vẻ phấn khích, nên có thể tu căn thiện thắng tấn. Cũng như trong vùng gò mả Tỳ-kheo vì thường quán về tử thi, tâm tức yếu kém, không thể tu căn thiện thắng tấn. Nên từ trụ xứ đi đến vườn rừng, ao sông trong sạch, tươi đẹp, quán vô số sự việc thắng diệu của đời, tâm sinh phấn khích hân hoan, sau đó có thể sinh khởi căn thiện thắng tấn. Quán tịnh kia cũng như thế.

Lại nữa, hành giả tạo quán bất tịnh, tâm thường lo sầu, không lúc nào hoan hỷ, tức không thể tu căn thiện thắng tấn. Nếu dùng quán tịnh để bỏ tâm bất tịnh, thì có thể tu căn thiện thắng tấn.

Lại nữa, vì muốn hiện bày tự tâm vững chắc, nên hành giả khởi suy niệm: Tâm ta vững chắc, cho đến hành tác quán tịnh, cũng không sinh phiền não.

Lại nữa, vì muốn hiện bày căn thiện có thế dụng lớn, hành giả khởi suy nghĩ: Căn thiện này có thế dụng lớn, cho đến duyên nơi pháp tịnh, cũng không sinh phiền não.

Lại nữa, vì muốn hiện bày tự tâm vững chắc, cũng nhằm làm rõ căn thiện có thế dụng lớn nên hành giả khởi suy niệm: Tâm ta vững chắc. Căn thiện có thế dụng lớn. Quán cảnh giới tịnh cũng không sinh phiền não.

Lại nữa, giải thoát tịnh không phải là hàng phàm phu, người thường có thể khởi được. Nếu hành giả ưa vui mừng, trong sạch, từ trong cảnh trời Ma-nậu-ma đến.

Từng nghe có một Tỳ-kheo, vào lúc cuối ngày đi đến chỗ Đức Phật, theo Phật xin cấp cho phòng trú. Lúc ấy, Đức Phật nói với Tôn giả A-nan: Ông hãy vì Tỳ-kheo này cấp cho phòng để ở. Khi Tôn giả A-nan bảo Tỳ-kheo kia biết về phòng ở được cấp, vị đó nói: Tôn giả có thể cho người quét rửa thật sạch phòng ấy. Nên treo cờ phướn, lọng báu, rải vô số thứ hoa, đốt các loại danh hương, trải nệm trên giường nằm, đặt gối đẹp.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đem sự việc này đến bạch với Đức Thế Tôn. Đức Phật bảo: Những điều Tỳ-kheo kia cần, đều nên sắm sửa đầy đủ. Tôn giả A-nan liền sắp đặt chu đáo. Lúc ấy, Tỳ-kheo kia vào phòng, ngồi lên giường tòa, khi đêm bắt đầu, khởi nhân của giải thoát tịnh, theo thứ lớp dứt được hết các lậu, thành A-la-hán, đạt được thần thông. Sáng sớm, dùng sức của thần túc, hốt nhiên ra đi.

Tờ mờ sáng, Tôn giả A-nan đến chỗ Tỳ-kheo kia, bước vào phòng, chỉ thấy giường tòa ngay ngắn, nhưng không thấy vị Tỳ-kheo kia. Thấy sự việc như vậy rồi, Tôn giả A-nan đến chỗ Đức Phật, bạch: Con chỉ thấy giường tòa ngay ngắn, thứ lớp, còn vị Tỳ-kheo ấy không biết đi đâu?

Phật bảo Tôn giả A-nan: Đối với Tỳ-kheo kia, ông chớ sinh tâm xem thường. Tỳ-kheo ấy đêm qua đã khởi giải thoát tịnh, dứt được hết các lậu, thành A-la-hán, chứng đắc thần thông, đã dùng sức của thần túc, hốt nhiên ra đi. A-nan nên biết! Vị Tỳ-kheo kia ưa thích sự trong sạch, từ nơi cảnh trời Ma-nậu-ma đến. Nếu không được tòa giường nằm ngồi, nhà phòng thanh tịnh như thế, thì không thể khởi căn thiện này.

Do sự việc ấy, nên biết giải thoát tịnh không phải là hàng phàm phu, người thường có thể khởi. Phải là tâm ưa thích trong sạch, từ trong trời Ma-nậu-ma đến, mới có thể khởi giải thoát tịnh.

Nghĩa thứ ba nơi nghĩa giải thoát như trên đã nói.

Giải thoát của xứ không, xứ thức, xứ vô sở hữu, xứ phi tưởng phi phi tưởng, nói rộng như giải thoát của bốn định vô sắc và diệt thọ tưởng. Xứ định diệt tận nên nói rộng. Nghĩa thứ tám nơi nghĩa giải thoát, như trên đã nói.

HẾT – QUYỂN 43