LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 34

Chương 2: KIỀN ĐỘ SỬ

Phẩm thứ 3: NGƯỜI, phần 1

* Kiết có hai loại: Là loại do kiến đạo đoạn, loại do tu đạo đoạn. Cõi dục có hai loại. Cõi sắc có hai loại. Cõi vô sắc có hai loại.

Từng có kiết thuộc cõi dục do kiến đạo đoạn, do tu đạo đoạn, được đoạn trừ tức thì chăng? Cho đến nói rộng. Chương và giải thích nghĩa của chương, ở đây nên nói rộng là Ưu-ba-đề-xá.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Các phiền não (Kiết) ấy ở trong sinh tử đã tạo nên những trói buộc lớn không có lợi, chỉ là tai nạn nguy hiểm. Cũng như kẻ oán địch luôn ẩn nấp xâm hại. Chúng sinh nơi ba cõi dục, sắc, vô sắc luôn bị các kiết trói buộc nên thường xuyên luân hồi theo sinh tử, thọ nhận khổ não lớn. Như ở trong thai mẹ là nơi chốn tối tăm, bị sinh tạng thục tạng bức bách. Do không biết làm thế nào để suy tìm, hiểu rõ về các thứ kiết kia, tức không có tri kiến như thật về chúng để đoạn trừ. Cũng như đối với kẻ oán địch ẩn nấu. Không nhận biết thì bị hại, nhận biết thì có thể tránh khỏi. Các kiết kia cũng như vậy. Do đó phải nên tư duy, quán xét, chê trách các thứ kiết bằng những lời thiện, cho đến trải qua nhiều đời cũng không quên mất. Như Tôn giả Di-đa-đạt-tử, khi mới sinh đã thốt lên lời này: Kiết có hai loại:

Loại do kiến đạo đoạn. Loại do tu đạo đoạn. Cõi dục có hai. Cõi sắc có hai. Cõi vô sắc có hai.

Hỏi: Vì sao Tôn giả kia lúc mới sinh đã nói lời như thế?

Đáp: Vì Tôn giả kia, lúc còn ở trong thai mẹ đã bị các thứ khổ bức bách nên suy nghĩ: Vì sao chúng sinh luôn ở trong thai mẹ thọ nhận các khổ như thế? Là đều do hai loại kiết này. Vì muốn nêu bày về lỗi lầm tai họa của hai loại kiết ấy, nên lúc mới sinh, liền nói như trên.

Kiết có hai loại. Cõi dục có hai. Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao gọi là loại (Bộ)?

Đáp: Ở đây nói tụ là loại. Như rất nhiều tụ (Nhóm) Tỳ-kheo, gọi là loại Tỳ-kheo. Như tụ Bà-la-môn gọi là loại Bà-la-môn. Kiết kia cũng như thế. Nói là loại, cũng có thể nói là tụ, cũng có thể nói là quần (Bầy, đàn). Nghĩa thật là một, danh có sai biệt. Có tức khắc (đốn) bị trói buộc chăng?

Hỏi: Thế nào gọi là tức khắc (Đốn) đạt được?

Đáp: Tức khắc đạt được gọi là cùng một lúc.

Hỏi: Do đâu nhận biết?

Đáp: Có kinh nói: Vua Ba-tư-nặc đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ nơi chân Đức Thế Tôn, dùng lời lẽ ái kính vấn an rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: Trước đây con đã nghe Sa-môn Cù-đàm nói thế này: Ở quá khứ, vị lai, hiện tại không có Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể đạt được tri kiến như thật về tất cả pháp. Nếu nói là có tri kiến như thế thì không có điều ấy. Sa-môn Cù-đàm có nhớ lời nói đó không?

Đức Phật đáp: Ta không nhớ.

Nhà vua lại hỏi: Sa-môn Cù-đàm! Ở đời, hoặc có người thọ nhận không đúng về nghĩa văn, nên lúc nghe khác, lúc vì người khác nói thì khác. Chỉ mong Đức Thế Tôn nhớ nghĩ sự việc này để giải nói rõ.

Đức Phật đáp: Ta từng nói như thế này: Đối với đời quá khứ, vị lai, hiện tại, không người nào tức khắc có được tri kiến như thật về tất cả pháp. Nếu nói tức khắc có được thì không có điều ấy. Vì đều phải từ ba A-tăng-kỳ kiếp, dần dần tu hành sáu Ba-la-mật, sau đấy mới nhận biết, không phải cùng một lúc nhận biết.

Do sự việc này nên biết tức khắc đạt được là cùng một lúc.

Hỏi: Từng có kiết thuộc cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ tức khắc có được (bị trói buộc) chăng?

Đáp: Tức khắc có được. Là người phàm phu lìa dục, ở nơi cõi ấy không dục, thoái chuyển.

Hỏi: Người nào là tức khắc có được?

Đáp: Là người phàm phu lúc lìa dục ái, kiết nơi cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ đã gồm chung lại làm một nhóm, như phương pháp cắt cỏ, chín phẩm kiết được đoạn trừ cùng một lúc. Dùng đạo vô ngại bậc hạ hạ để đoạn trừ kiết phẩm thượng thượng. Cho đến dùng đạo vô ngại bậc thượng thượng để đoạn trừ kiết phẩm hạ hạ. Người phàm phu do kiết phẩm hạ hạ, ở nơi cõi dục kia không dục thoái chuyển, tức khắc có được một phẩm kiết thuộc cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ. Thoái chuyển phẩm trung hạ, tức khắc có được hai phẩm. Cho đến do kiết phẩm thượng thượng thoái chuyển, tức khắc có được chín phẩm kiết thuộc cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ.

Lúc ở cõi sắc, vô sắc mạng chung, sinh nơi cõi dục, người phàm phu do kiết phẩm hạ hạ, cho đến kiết phẩm thượng thượng, khiến sự sinh nối tiếp, là tức khắc có được chín phẩm kiết thuộc cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ.

Hỏi: Có tức khắc trừ bỏ chăng?

Đáp: Có trừ bỏ. Là người phàm phu lúc lìa dục ái.

Hỏi: Người nào là tức khắc trừ bỏ?

Đáp: Là người phàm phu lúc lìa dục ái, chín phẩm kiết thuộc cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn được gồm chung làm một nhóm, như phương pháp cắt cỏ, chín phẩm kiết được đoạn trừ cùng một lúc.

Hỏi: Dùng đạo vô ngại bậc hạ hạ để đoạn trừ kiết phẩm thượng thượng, cho đến dùng đạo vô ngại bậc thượng thượng để đoạn trừ kiết phẩm hạ hạ. Kiết phẩm hạ hạ kia hệ thuộc cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ là tức khắc bỏ, vì có được dần dần chăng?

Đáp: Không có được dần dần. Vì sao? Vì nếu trước đã có được kiết do kiến đạo đoạn trừ thì sau có được kiết do tu đạo đoạn trừ. Nếu trước có được kiết do tu đạo đoạn trừ, sau có được kiết do kiến đạo đoạn trừ, thì không có điều ấy.

Hỏi: Có dần dần trừ bỏ chăng?

Đáp: Có trừ bỏ dần dần. Là đệ tử của Đức Thế Tôn, trước trừ bỏ kiết do kiến đạo đoạn, sau trừ bỏ kiết do tu đạo đoạn. Kiết do kiến đạo đoạn dùng kiến đạo để đoạn trừ. Kiết do tu đạo đoạn thì dùng tu đạo đoạn trừ.

Hỏi: Từng có kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ tức khắc có được chăng?

Đáp: Tức khắc có được. Là người phàm phu lìa sắc ái, ở nơi cõi ấy không có dục thoái chuyển.

Hỏi: Người nào là tức khắc có được?

Đáp: Là người phàm phu lúc lìa sắc ái, kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ được gồm chung làm một nhóm, như phương pháp cắt cỏ, chín phẩm kiết được đoạn trừ cùng một lúc. Dùng đạo vô ngại bậc hạ hạ để đoạn trừ kiết phẩm thượng thượng. Cho đến dùng đạo vô ngại bậc thượng thượng để đoạn trừ kiết phẩm hạ hạ. Ở nơi cõi kia không có dục, thoái chuyển. Nếu người do kiết phẩm hạ hạ thuộc cõi sắc thoái chuyển thì người đó tức khắc có được một phẩm kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ. Thoái chuyển do phẩm trung hạ, tức khắc có được hai phẩm. Cho đến do kiết phẩm thượng thượng thoái chuyển, tức khắc có được chín phẩm kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ. Nếu do kiết phẩm hạ hạ, cho đến kiết phẩm thượng thượng của cõi dục thoái chuyển thì lúc ấy tức khắc có được chín phẩm kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ.

Lại có thuyết cho: Văn ấy nên nói như thế này: Người phàm phu lìa sắc ái, do kiết của địa cõi dục, cõi Phạm thế thoái chuyển.

Không nên tạo ra thuyết ấy. Vì sao? Vì trong đây nói ở nơi cõi tức khắc có được, không nói đối với địa tức khắc có được.

Nếu do kiết của thiền thứ tư thoái chuyển, cho đến do kiết của cõi dục thoái chuyển, thì lúc ấy tức khắc có được kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ. Ở nơi cõi vô sắc mạng chung, lúc sinh nơi cõi dục, sắc, thì tức khắc có được kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ.

Người phàm phu ở nơi cõi vô sắc mạng chung, sinh nơi cõi dục, sắc, do kiết phẩm hạ hạ, cho đến kiết phẩm thượng thượng, khiến sự sinh nối tiếp, thì tức khắc có được chín phẩm kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ.

Hỏi: Có tức khắc trừ bỏ chăng?

Đáp: Có. Là người phàm phu lúc lìa sắc ái.

Hỏi: Người nào là tức khắc trừ bỏ?

Đáp: Là người phàm phu lúc lìa sắc ái. Kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ, được gồm chung làm một nhóm, như phương pháp cắt cỏ, chín phẩm kiết được đoạn trừ cùng một lúc. Dùng đạo vô ngại bậc hạ hạ để đoạn trừ kiết phẩm thượng thượng. Người phàm phu kia tức khắc trừ bỏ kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ. Cho đến dùng đạo vô ngại bậc thượng thượng để đoạn trừ kiết phẩm hạ hạ, là tức khắc trừ bỏ kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ.

Hỏi: Có dần dần có được chăng?

Đáp: Không có được. Vì sao? Vì không có trước có được kiết do tu đạo đoạn trừ, sau có được kiết do kiến đạo đoạn trừ.

Hỏi: Có dần dần trừ bỏ chăng?

Đáp: Có. Là đệ tử của Đức Thế Tôn, trước trừ bỏ kiết do kiến đạo đoạn, sau trừ bỏ kiết do tu đạo đoạn. Kiết do kiến đạo đoạn dùng kiến đạo trừ bỏ. Kiết do tu đạo đoạn dùng tu đạo trừ bỏ.

Hỏi: Từng có kiết thuộc cõi vô sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ tức khắc có được chăng? (Có được = Bị trói buộc)

Đáp: Không có được. Vì sao? Vì tức khắc có được là người phàm phu. Không có người phàm phu nào có thể đoạn trừ hết kiết của cõi vô sắc, rồi ở cõi đó thoái chuyển, tức khắc có được kiết thuộc cõi vô sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ.

Hỏi: Có thể tức khắc trừ bỏ chăng?

Đáp: Không có trừ bỏ. Vì sao? Vì tức khắc trừ bỏ là người phàm phu. Không có người phàm phu nào tức khắc trừ bỏ phiền não của cõi vô sắc.

Hỏi: Có thể dần dần có được chăng?

Đáp: Không được. Vì sao? Vì có sự việc trước có được kiết do kiến đạo đoạn, sau có được kiết do tu đạo đoan. Không có trường hợp trước có được kiết do tu đạo đoạn, sau có được kiết do kiến đạo đoạn.

Hỏi: Có thể dần dần trừ bỏ chăng?

Đáp: Bỏ. Là đệ tử của Đức Thế Tôn, trước trừ bỏ kiết do kiến đạo đoạn, sau trừ bỏ kiết do tu đạo đoạn. Kiến đạo trừ bỏ kiết do kiến đạo đoạn trừ. Tu đạo trừ bỏ kiết do tu đạo đoạn trừ.

Có hành thế tục.

Hỏi: Người phàm phu lúc dùng đạo thế tục để lìa dục, đoạn trừ chín phẩm kiết, dùng bao nhiêu đạo vô ngại trừ bỏ? Bao nhiêu đạo giải thoát trừ bỏ? Thánh nhân dùng đạo vô lậu đoạn trừ chín phẩm kiết, dùng bao nhiêu đạo vô ngại trừ bỏ? Bao nhiêu đạo giải thoát trừ bỏ?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Người phàm phu đoạn trừ chín phẩm kiết đã dùng ba đạo vô ngại, ba đạo giải thoát để đoạn trừ. Nghĩa là dùng đạo vô ngại bậc hạ hạ, đạo giải thoát bậc hạ hạ để đoạn trừ ba phẩm kiết bậc thượng. Dùng đạo vô ngại bậc hạ trung, đạo giải thoát bậc hạ trung để đoạn trừ ba phẩm kiết bậc trung. Dùng đạo vô ngại bậc hạ thượng, đạo giải thoát bậc hạ thượng để đoạn trừ ba phẩm kiết bậc hạ. Thánh nhân cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Người phàm phu đoạn trừ chín phẩm kiết đã dùng một đạo vô ngại, một đạo giải thoát để đoạn. Thánh nhân đoạn trừ chín phẩm kiết dùng chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát để đoạn.

Hỏi: Vì sao người phàm phu đoạn trừ chín phẩm kiết dùng một đạo vô ngại, một đạo giải thoát để đoạn? Còn Thánh nhân đoạn trừ chín phẩm kiết lại dùng đến chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát để đoạn?

Đáp: Vì đạo do người phàm phu vận dụng là chậm kém đối với pháp trước, không thể quan sát, suy xét, mỗi mỗi phân biệt. Còn đạo do Thánh nhân sử dụng thì mạnh nhanh đối với pháp trước, có thể quan sát, suy xét, mỗi mỗi phân biệt.

Hỏi: Nếu tạo ra thuyết ấy là muốn khiến người phàm phu là thấp mà nói là hơn, muốn khiến Thánh nhân là hơn mà nói là thấp. Vì sao? Vì người phàm phu đoạn trừ chín phẩm kiết chỉ dùng một đạo vô ngại, một đạo giải thoát để đoạn. Còn Thánh nhân đoạn trừ chín phẩm kiết phải dùng đến chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát để đoạn. Như thế tức người phàm phu là hơn so với Thánh nhân. Như người vì uống nhiều thuốc độc nên nôn ra cùng một lúc, không thể?

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Người phàm phu đoạn trừ chín phẩm kiết dùng chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát để đoạn. Thánh nhân cũng như thế.

Hỏi: Nếu người phàm phu đoạn trừ chín phẩm kiết dùng chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát để đoạn. Thánh nhân cũng như thế, thì giữa người phàm phu và Thánh nhân có gì khác biệt?

Đáp: Người phàm phu đối với kiết do kiến đạo, tu đạo đoạn đã gồm chung làm một nhóm, như phương pháp cắt cỏ, chín phẩm kiết ấy, cùng một lúc, dùng chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát để đoạn trừ. Thánh nhân đối với chín phẩm kiết do kiến đạo đoạn dùng một đạo vô ngại, một đạo giải thoát để đoạn trừ. Đối với chín phẩm kiết do tu đạo đoạn thì dùng chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát để đoạn trừ. Phàm phu, Thánh nhân khác nhau là như thế.

Hỏi: Lúc dùng đạo thế tục để đoạn trừ kiết đã dùng bao nhiêu phương tiện, bao nhiêu lần nhập định?

Đáp: Dùng ba phương tiện, ba lần nhập định. Dùng phương tiện thứ nhất, lần nhập định thứ nhất để đoạn trừ ba phẩm kiết bậc thượng. Dùng phương tiện thứ hai, lần nhập định thứ hai để đoạn trừ ba phẩm kiết bậc trung. Dùng phương tiện thứ ba và lần nhập định thứ ba để đoạn trừ ba phẩm kiết bậc hạ.

Hỏi: Là khởi định để đoạn trừ kiết hay là không khởi định để đoạn trừ kiết?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Người phàm phu không khởi định để đoạn. Thánh nhân thì hoặc khởi định để đoạn, hoặc không khởi định để đoạn.

Lại có thuyết cho: Người phàm phu hoặc khởi định, hoặc không khởi định để đoạn. Thánh nhân thì không khởi định để đoạn.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Sự việc ấy không nhất định. Người phàm phu hoặc không khởi định. Thánh nhân hoặc khởi định, hoặc không khởi định. Người phàm phu hoặc khởi định, hoặc không khởi định. Thánh nhân hoặc không khởi định để đoạn trừ kiết.

Lại có thuyết cho: Đoạn trừ kiết của cõi dục thì không khởi định. Đoạn trừ kiết của cõi sắc, vô sắc thì hoặc khởi định, hoặc không khởi định.

Lại có thuyết nêu: Đoạn trừ kiết của cõi dục hoặc khởi định, hoặc không khởi định. Đoạn trừ kiết của cõi sắc, vô sắc thì không khởi định.

Lời bình: Sự việc này không nhất định. Đoạn trừ kiết của cõi dục khởi định, hoặc không khởi định, thì đoạn trừ kiết của cõi sắc, vô sắc không khởi định. Đoạn trừ kiết của cõi dục không khởi định, thì đoạn trừ kiết của cõi sắc, vô sắc khởi định, hoặc không khởi định. Đây là nói khi thắng tấn.

Người phàm phu lúc khởi kiết phẩm hạ hạ thoái chuyển là đã tạo thành ba phẩm kiết bậc hạ. Lúc khởi kiết phẩm trung thoái chuyển là đã tạo thành sáu phẩm kiết. Lúc khởi kiết phẩm thượng thoái chuyển là đã tạo thành chín phẩm kiết. Thánh nhân lúc khởi kiết phẩm hạ hạ thoái chuyển là đã tạo thành kiết phẩm hạ hạ, cho đến lúc khởi kiết phẩm thượng thoái chuyển là đã tạo thành chín phẩm kiết.

Lại có thuyết cho: Người phàm phu lúc khởi kiết phẩm hạ hạ thoái chuyển, cho đến lúc khởi kiết phẩm thượng thoái chuyển là đã tạo thành chín phẩm kiết. Thánh nhân như trước đã nói.

Hỏi: Vì sao người phàm phu khởi kiết phẩm hạ hạ thoái chuyển, cho đến lúc khởi kiết phẩm thượng thượng thoái chuyển là đã tạo thành chín phẩm kiết. Còn Thánh nhân lúc khởi kiết phẩm hạ hạ thoái chuyển là tạo thành kiết phẩm hạ hạ. Lúc khởi kiết phẩm hạ trung thoái chuyển là tạo thành hai phẩm kiết, cho đến lúc khởi kiết phẩm thượng thượng thoái chuyển là đã tạo thành chín phẩm kiết?

Đáp: Người phàm phu dùng định của thế tục để tự hành trì, tánh của định ấy yếu kém, nên pháp nhiễm dễ được. Thánh nhân dùng định vô lậu để tự hành trì, tánh của định đó rất bền chắc, nên pháp nhiễm khó được.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết ấy. Vì sao? Vì phàm phu, Thánh nhân chưa từng thấy ai không uống thuốc độc mà bị chết. Nên tạo ra thuyết này: Người phàm phu khởi kiết phẩm hạ hạ thoái chuyển trở lại tạo thành kiết phẩm hạ hạ. Cho đến khởi kiết phẩm thượng thượng thoái chuyển là tạo thành chín phẩm kiết.

Hỏi: Nếu như vậy thì người phàm phu và Thánh nhân đâu có gì khác biệt?

Đáp: Nếu người phàm phu khởi kiết phẩm hạ hạ thoái chuyển, là đã tạo thành kiết phẩm hạ hạ do kiến đạo, tu đạo đoạn. Cho đến khởi kiết phẩm thượng thượng thoái chuyển, là đã tạo thành chín phẩm kiết do kiến đạo, tu đạo đoạn. Thánh nhân lúc khởi kiết phẩm hạ hạ thoái chuyển, là đã tạo thành kiết phẩm hạ hạ do tu đạo đoạn. Cho đến lúc khởi kiết phẩm thượng thượng thoái chuyển, là đã tạo thành chín phẩm kiết do tu đạo đoạn, không tạo thành kiết do kiến đạo đoạn. Đây là sự khác biệt giữa phàm phu và Thánh nhân.

Thánh nhân ở cõi dục có ba sự việc: (1) Hoàn toàn lìa dục rồi mạng chung. (2) Thoái chuyển xong là mạng chung. (3) Lìa dục dần rồi mạng chung.

Người phàm phu có hai sự việc: (1) Hoàn toàn lìa dục rồi mạng chung. (2) Thoái chuyển xong là mạng chung.

Thánh nhân ở cõi sắc có hai sự việc: (1) Hoàn toàn lìa sắc ái rồi mạng chung. (2) Lìa dục dần rồi mạng chung, không thoái chuyển. Vì sao? Vì ở cõi sắc không có thoái chuyển.

Người phàm phu có một sự việc: Là hoàn toàn lìa sắc ái rồi mạng chung, không thoái chuyển. Vì sao? Vì ở cõi sắc không có thoái chuyển, không có lìa dục dần rồi mạng chung.

Hỏi: Vì sao Thánh nhân có lìa dục dần rồi mạng chung, còn người phàm phu thì không như vậy?

Đáp: Vì Thánh nhân đã dùng đạo vô lậu, tự hành trì, đạo ấy rất bền chắc. Người phàm phu dùng đạo thế tục, tự hành trì, đạo ấy thì yếu kém.

Lại nữa, vì Thánh nhân thành tựu phần định tuệ, nên đoạn dần kiết rồi mạng chung. Người phàm phu không thành tựu phần định tuệ, nên không thể đoạn dần kiết rồi mạng chung.

Lại nữa, Thánh nhân thành tựu phần vô lậu, nên đoạn dần kiết rồi mạng chung. Người phàm phu không có phần vô lậu, nên không thể đoạn dần kiết rồi mạng chung.

Lại nữa, Thánh nhân có sức của nghiệp, sức của đạo. Do sức của nghiệp nên có thể đoạn dần kiết rồi mạng chung. Do sức của đạo nên có thể hoàn toàn lìa dục rồi mạng chung. Người phàm phu không có sức của nghiệp, do sức của đạo mạnh có thể hoàn toàn lìa dục rồi mạng chung thì thoái chuyển.

Lại nữa, trong phần Thánh nhân nơi cõi dục, có người lìa dần dục, nếu đoạn trừ ba phẩm, bốn phẩm kiết, gọi là Gia gia. Nếu đoạn trừ sáu phẩm kiết thì gọi là Tư-đà-hàm. Nếu đoạn trừ bảy phẩm, tám phẩm kiết gọi là Nhất chủng tử. Thế nên Thánh nhân có người lìa dần dục rồi mạng chung. Trong phần người phàm phu không có lìa dần dục rồi mạng chung, nên người phàm phu không có sự việc này. Tôn giả Tăng-già-bà-tu nói: Người phàm phu cũng có lìa dần dục rồi mạng chung. Do trụ nơi tâm nối tiếp, trở lại tạo thành kiết vốn đã được đoạn trừ.

Lời bình: Không nên tạo ra thuyết ấy. Như thuyết trước nói là tốt.

Hỏi: Dùng đạo thế tục, khi lìa dục thì đạo vô ngại có bao nhiêu hành, đạo giải thoát có bao nhiêu hành?

Đáp: Đạo vô ngại có ba hành là hành thô, hành khổ, hành thô hoại. Đạo giải thoát có ba hành, đó là hành chỉ, hành diệu, hành lìa.

Hỏi: Nếu trong đạo vô ngại có hành thô thì trong đạo giải thoát kia có hành chỉ chăng? Nếu trong đạo vô ngại có hành khổ thì trong đạo giải thoát kia có hành diệu chăng? Nếu trong đạo vô ngại có hành thô hoại thì trong đạo giải thoát kia có hành lìa chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Như đã hỏi. Nếu đạo vô ngại có hành thô thì đạo giải thoát kia tất có hành chỉ. Nếu đạo vô ngại có hành khổ thì đạo giải thoát kia tất có hành diệu. Nếu đạo vô ngại có hành thô hoại thì đạo giải thoát kia tất có hành lìa.

Lời bình: Sự việc này không nhất định. Nếu trong đạo vô ngại có hành thô thì trong đạo giải thoát kia có ba hành lần lượt hiện ở trước. Nếu trong đạo vô ngại có hành khổ, hành thô hoại, thì trong đạo giải thoát có ba hành lần lượt hiện ở trước.

Hỏi: Lúc dùng đạo thế tục để lìa dục ái thì đạo vô ngại duyên nơi pháp nào? Đạo giải thoát duyên nơi pháp nào?

Đáp: Chín đạo vô ngại duyên nơi cõi dục. Chín đạo giải thoát duyên nơi thiền thứ nhất.

Hỏi: Nếu như vậy thì như nơi Kiền Độ Căn đã nói là khéo thông suốt. Như nói: Từng có tư duy pháp của cõi sắc có thể nhận biết cõi dục chăng? Đáp: Có thể nhận biết. Thế nào là không duyên nơi điên đảo sai lầm, hành nơi điên đảo sai lầm? Nếu duyên, hành nơi điên đảo sai lầm thì vì sao đối với pháp lìa dục không tạo ra khó khăn chướng ngại?

Đáp: Nếu như khiến duyên nơi hành điên đảo sai lầm nhưng đối với pháp lìa dục không thể tạo ra chướng ngại. Vì sao? Vì đối với pháp lìa dục kia đã khéo tu tập theo con đường chính đã thành tựu. Như trong kiến đạo, duyên nơi nhẫn trí của cõi dục, sau duyên nơi nhẫn trí của cõi sắc, vô sắc hiện ở trước. Hoặc duyên nơi nhẫn trí của cõi sắc, vô sắc, sau duyên nơi nhẫn trí của cõi dục hiện ở trước. Như ở đây duyên nơi hành điên đảo sai lầm nhưng không tạo ra khó khăn chướng ngại cho việc đạt được chánh quyết định. Vì sao? Vì đối với kiến đạo kia đã khéo tu tập theo con đường chính đã thành tựu. Pháp lìa dục kia cũng như thế.

Lại có thuyết nói: Chín đạo vô ngại, tám đạo giải thoát duyên nơi cõi dục. Đạo giải thoát sau cùng duyên nơi thiền thứ nhất. Như dùng diệt trí, đạo trí lìa ái của xứ phi tưởng phi phi tưởng, chín đạo vô ngại, tám đạo giải thoát kia duyên nơi diệt đạo, đạo giải thoát sau cùng duyên nơi bốn ấm của xứ phi tưởng phi phi tưởng. Đạo kia cũng như thế.

Lại có thuyết cho: Nếu khi lìa dục ái khởi định, đoạn trừ một phẩm kiết xong vẫn trụ nơi một đạo vô ngại kia duyên theo cõi dục, một đạo giải thoát duyên theo thiền thứ nhất. Nếu đã đoạn trừ hai phẩm kiết xong vẫn trụ nơi hai đạo vô ngại kia, thì một đạo giải thoát duyên nơi cõi dục, một đạo giải thoát duyên nơi thiền thứ nhất. Nếu cho đến đoạn tám phẩm kiết xong, nhưng vẫn trụ nơi tám đạo vô ngại kia, thì bảy đạo giải thoát duyên nơi cõi dục, đạo giải thoát thứ tám duyên nơi thiền thứ nhất.

Lại có thuyết nêu: Chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát đều duyên nơi cõi dục. Như lúc dùng khổ trí, tập trí lìa dục ái, thì chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát đều duyên nơi cõi dục. Sự việc kia cũng như thế.

Hỏi: Nếu như vậy thì không duyên hành điên đảo sai lầm đối với pháp lìa dục không tạo ra chướng ngại, khó khăn, thì như nơi Kiền Độ Căn đã nói làm sao thông? Như nói: Nói rộng như trên.

Đáp: Phần Luận ấy nói là trước khi quan sát phân biệt, hành giả trước nên tạo ra sự quan sát phân biệt như thế. Cõi dục là thô, thiền là dừng lặng.

Hỏi: Nơi Kiền Độ Căn tiếp theo đã nói làm sao thông? Như nói: Từng có tư duy về pháp của cõi vô sắc có thể nhận biết cõi dục chăng?

Đáp: Không thể nhận biết.

Hỏi: Hành giả lúc ấy không trước quan sát phân biệt về cõi dục là thô, cõi vô sắc là dừng lặng chăng? Vì sao nói là không thể nhận biết?

Đáp: Hành giả cũng quan sát phân biệt, nhưng đối tượng quán là xa, không phải đối với quán xa như thế về sau có thể lìa dục.

Lại có thuyết nói: Chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát đều duyên nơi thiền thứ nhất.

Hỏi: Nếu như vậy thì nơi Kiền Độ căn đã nói là khéo thông suốt. Như nói: Từng có tư duy về pháp của cõi sắc có thể nhận biết cõi dục chăng?

Đáp: Có thể nhận biết.

Hỏi: Cũng không duyên, hành nơi điên đảo sai lầm. Vì sao duyên nơi xứ khác, lìa dục của xứ khác?

Đáp: Nếu duyên nơi xứ khác, lìa dục của xứ khác, thì điều ấy cũng không có lỗi. Như dùng diệt trí, đạo trí duyên nơi diệt, đạo để lìa dục do khổ, tập đoạn, thì sự việc kia cũng như thế. Như vậy những điều đã nêu đều vì nhằm khiến đệ tử sinh khởi giác ý. Nhưng ở đây nghĩa được nói đầu tiên: Chín đạo vô ngại duyên nơi cõi dục, chín đạo giải thoát duyên nơi thiền thứ nhất là tốt.

Hỏi: Trong đạo vô ngại là tu bao nhiêu hành? Trong đạo giải thoát là tu bao nhiêu hành?

Đáp: Người phàm phu khi lìa dục ái, trong đạo vô ngại tu ba hành như thô v.v… Trong tám đạo giải thoát tu sáu hành, nghĩa là ba hành như thô v.v…, ba hành như chỉ v.v… Nơi đạo giải thoát sau cùng tức tu sáu hành này. Cũng tu vô lượng hành của thiền vị chí, thiền thứ nhất. Cho đến lìa ái của xứ vô sở hữu cũng như thế.

Thánh nhân lúc lìa dục ái, trong đạo vô ngại tu mười chín hành, nghĩa là ba hành như thô v.v… cùng mười sáu hành Thánh hữu lậu, vô lậu. Trong tám đạo giải thoát tu hai mươi hai hành, nghĩa là ba hành như thô v.v…, ba hành như chỉ v.v… cùng mười sáu hành Thánh hữu lậu, vô lậu. Nơi đạo giải thoát sau cùng tức tu hai mươi hai hành này, cũng tu vô lượng hành của thiền vị chí, thiền thứ nhất.

Thánh nhân lúc lìa dục của thiền thứ nhất, trong đạo vô ngại tu mười chín hành, nghĩa là ba hành như thô v.v… cùng mười sáu hành Thánh, chỉ tu vô lậu, không phải là hữu lậu. Trong tám đạo giải thoát tu hai mươi hai hành, nghĩa là ba hành như thô v.v…, ba hành như chỉ v.v… và mười sáu hành Thánh, chỉ tu vô lậu, không phải là hữu lậu. Nơi đạo giải thoát sau cùng tức tu hai mươi hai hành này, cũng tu vô lượng hành của thiền vị chí, thiền thứ nhất. Cho đến lìa ái của xứ vô sở hữu cũng như thế.

Hỏi: Vì sao biên của thiền thứ nhất tu hành hữu lậu, vô lậu, còn biên của địa trên chỉ tu vô lậu, không tu hữu lậu?

Đáp: Do biên của thiền thứ nhất có hành Thánh hữu lậu, vô lậu, vì thế nên tu. Biên của địa trên chỉ có hành vô lậu, không có hữu lậu, thế nên chỉ tu hành vô lậu.

Lại có thuyết nói: Người phàm phu khi lìa dục ái, trong chín đạo vô ngại tu chín hành, nghĩa là ba hành như thô v.v…, từ, bi, hỷ, xả, quán bất tịnh, niệm an ban. Trong tám đạo giải thoát tu mười hai hành, tức chín hành trên và ba hành như chỉ v.v… Nơi đạo giải thoát sau cùng tức tu mười hai hành này, cũng tu vô lượng hành của thiền vị chí, thiền thứ nhất. Thánh nhân lúc lìa dục ái, trong đạo vô ngại tu hai mươi lăm hành, nghĩa là ba hành như thô v.v…, từ, bi, hỷ, xả, quán bất tịnh, niệm an ban, và mười sáu hành Thánh hữu lậu, vô lậu. Trong tám đạo giải thoát tu hai mươi tám hành, tức hai mươi lăm hành này và ba hành như chỉ v.v… Trong đạo giải thoát sau cùng tức tu hai mươi tám hành này và tu vô lượng hành của thiền vị chí, thiền thứ nhất. Biên của địa trên như trên đã nói.

Hỏi: Vì sao biên của thiền thứ nhất tu các hành như thế, còn biên của địa trên thì không tu?

Đáp: Do biên của thiền thứ nhất có các thứ căn thiện, nên tu các hành như thế. Còn biên của địa trên thì căn thiện ít, nên không tu các hành như thế.

Lại nữa, vì cõi dục có vô số thứ phiền não, nên cần có vô số các thứ đối trị. Ở địa trên không có các thứ phiền não, nên không cần các thứ đối trị.

Các hành đã nói trong đây, ở nơi hiện tại đều cùng hành xử, gánh vác đồng, đối tượng tạo tác đồng, đối tượng duyên, như trên đã nói.

Hỏi: Đối tượng tu hành của đời vị lai là theo đối tượng duyên nào?

Đáp: Khi lìa dục ái, trong chín đạo vô ngại người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi cõi dục. Trong chín đạo giải thoát người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi cõi dục và thiền thứ nhất. Người tu ba hành như chỉ v.v… duyên nơi thiền thứ nhất. Trong đạo giải thoát sau cùng người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi ba cõi. Người tu ba hành như chỉ v.v… duyên nơi thiền thứ nhất, cho đến xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Lúc lìa dục của thiền thứ nhất, trong chín đạo vô ngại, người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi thiền thứ nhất. Trong tám đạo giải thoát, người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi thiền thứ nhất, thiền thứ hai. Người tu ba hành như chỉ v.v… duyên nơi hai thiền. Trong đạo giải thoát sau cùng, người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi ba cõi. Người tu ba hành như chỉ v.v… duyên nơi hai thiền, cho đến duyên nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Lìa dục của thiền thứ hai, thiền thứ ba, nên tùy theo tướng mà nói.

Lúc lìa dục của thiền thứ tư, trong chín đạo vô ngại người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi thiền thứ tư. Trong tám đạo giải thoát, người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi thiền thứ tư và xứ không. Người tu ba hành như chỉ v.v… duyên nơi xứ không. Trong đạo giải thoát sau cùng, người tu ba hành như thô v.v…, ba hành như chỉ v.v… duyên nơi xứ không, cho đến xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Hỏi: Nếu lúc lìa dục của thiền thứ tư, trong tám đạo giải thoát, người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi thiền thứ tư và xứ không, thì như nơi Luận Thức Thân đã nói làm sao thông? Như nói: Từng có tâm hệ thuộc cõi vô sắc có thể nhận biết cõi sắc, vô sắc chăng? Đáp: Không nhận biết.

Trong Luận kia là nhằm ngăn chận khoảnh một sát-na, không ngăn chận sự nối tiếp nhiều. Nếu ở trong khoảnh một sát-na có thể nhận biết về cõi sắc, vô sắc, là không có điều ấy. Đạo giải thoát kia khởi hiện ở trước, hành giả tu ở vị lai, hoặc duyên nơi cõi sắc, hoặc duyên nơi cõi vô sắc. Thế nên khoảnh khắc một sát-na thì không nhận biết, còn nối tiếp nhiều thì nhận biết. Hai thuyết nên là khéo thông suốt.

Lúc lìa dục của xứ không, trong chín đạo vô ngại người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi xứ không. Trong tám đạo giải thoát, người tu ba hành như thô v.v… duyên nơi xứ không, xứ thức. Người tu ba hành như chỉ v.v… duyên nơi xứ thức. Trong đạo giải thoát sau cùng, người tu ba hành như thô v.v.., ba hành như chỉ v.v… duyên nơi xứ thức, cho đến xứ phi tưởng phi phi tưởng.

Lìa dục của xứ thức, lìa dục của xứ vô sở hữu, nên tùy theo tướng mà nói.

Hỏi: Vì sao trong thiền các hành đã tu đều duyên nơi ba cõi, còn trong vô sắc các hành đã tu chỉ duyên nơi cõi vô sắc?

Đáp: Thiền có thể duyên khắp, có thể duyên nơi địa mình, có thể duyên nơi địa dưới, cũng duyên nơi địa trên. Định vô sắc không thể duyên khắp, chỉ có thể duyên nơi địa mình, cùng duyên nơi địa trên, không duyên nơi địa dưới. Do sự việc này nên trong thiền các hành đã tu có thể duyên nơi ba cõi. Trong vô sắc các hành đã tu chỉ duyên nơi cõi vô sắc.

* Kiết thuộc cõi dục do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả Sa-môn nào?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Các phiền não trước phân biệt nơi cõi, chưa phân biệt về loại. Nay muốn phân biệt về loại, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Loại kiết thuộc cõi dục do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả Sa-môn nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Nghĩa là Tu-đà-hoàn là thuộc về quả Tu-đà-hoàn. Cho đến A-la-hán là thuộc về quả A-la-hán. Không có xứ sở: Nghĩa là người phàm phu lìa dục, người lìa dục không có xứ sở, được chánh quyết định, là mười lăm khoảnh tâm trong kiến đạo. Người theo thứ lớp không có xứ sở là hai khoảnh tâm của kiến đạo đế trong kiến đạo. Các thời gian như thế v.v… là không có xứ sở.

Hỏi: Loại kiết thuộc cõi dục do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-na-hàm, quả A-la-hán. A-na-hàm thuộc về quả A-na-hàm. A-la-hán thuộc về quả A-la-hán. Không có xứ sở: Nghĩa là người phàm phu lìa dục, người lìa dục không có xứ sở, được chánh quyết định, là mười lăm khoảnh tâm. Người theo thứ lớp không có xứ sở không được nói là không có xứ sở. Vì sao? Vì khi lìa dục ái, đạo vô ngại sau cùng đoạn trừ kiết do tu đạo đạo. Khi đạo giải thoát sinh tức thuộc về quả A-na-hàm.

Hỏi: Loại kiết thuộc cõi sắc do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Nghĩa là người phàm phu khi lìa sắc ái, người lìa sắc ái không có xứ sở, được chánh quyết định, là mười lăm khoảnh tâm. Người theo thứ lớp không có xứ sở không được nói là không có xứ sở. Vì sao? Vì đạo tỷ nhẫn vĩnh viễn đoạn trừ kiết này. Lúc đạo tỷ trí sinh, đoạn kia tức thuộc về quả.

Hỏi: Loại kiết thuộc cõi sắc do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-la-hán, hoặc không có xứ sở. A-la-hán: Là thuộc về quả A-la-hán. Không có xứ sở: Nghĩa là người phàm phu lìa sắc ái, người lìa sắc ái không có xứ sở, được chánh quyết định, là mười lăm khoảnh tâm trong kiến đạo, đạo tỷ trí hiện ở trước. Người theo thứ lớp không có xứ sở. Khi lìa dục của thiền thứ tư, đạo giải thoát sau cùng không có xứ sở. Lúc lìa ái của xứ không, chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát là không có xứ sở. Cho đến khi lìa ái của xứ vô sở hữu cũng như thế. Lúc lìa ái của xứ phi tưởng phi phi tưởng, chín đạo vô ngại, tám đạo giải thoát và kiến thuộc cõi sắc do tu đạo đoạn đã đoạn trừ, đã nhận biết, là không có xứ sở.

Hỏi: Loại kiết thuộc cõi vô sắc do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nêu. Ở đây không nói người phàm phu, không xứ sở. Vì sao? Vì không có người phàm phu có thể lìa ái nơi xứ phi tưởng phi phi tưởng. Người theo thứ lớp cũng không được nói là không có xứ sở. Vì sao? Vì đạo tỷ nhẫn đã hoàn toàn đoạn trừ kiết này. Lúc đạo tỷ trí hiện ở trước, thì đoạn kia tức thuộc về quả.

Hỏi: Loại kiết thuộc cõi vô sắc do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Chỉ thuộc về quả A-la-hán. Trong đây không nói người phàm phu lìa dục. Vì sao? Vì không có người phàm phu có thể lìa ái của xứ phi tưởng phi phi tưởng. Người theo thứ lớp cũng không được nói là không có xứ sở. Vì sao? Vì định kim cang dụ đã hoàn toàn đoạn trừ kiết này. Lúc tận trí đầu tiên sinh, sự đoạn của định kim cang dụ kia tức thuộc về quả, nghĩa là quả A-la-hán.

* Kiết có năm loại: Nghĩa là loại do kiến khổ đoạn, cho đến loại do tu đạo đoạn.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã phân biệt phiền não tại cõi có hai loại, chưa phân biệt về năm loại (Năm bộ). Nay vì muốn phân biệt, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Loại kiết do kiến khổ đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Ở đây không nên nói người phàm phu lìa dục. Người theo thứ lớp lúc kiến khổ được một khoảnh tâm. Lúc kiến tập được bốn khoảnh tâm. Lúc kiến diệt được bốn khoảnh tâm. Lúc kiến đạo được ba khoảnh tâm. Vào thời gian này, loại kiết do kiến khổ đoạn đã được đoạn trừ, sự đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do kiến tập đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Ở đây không nói người phàm phu lìa dục. Người theo thứ lớp, lúc kiến tập có một khoảnh tâm. Lúc kiến diệt có bốn khoảnh tâm. Lúc kiến đạo có ba khoảnh tâm. Vào lúc này, loại kiết do kiến tập đoạn đã được đoạn trừ, sự đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do kiến diệt đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Ở đây không nói người phàm phu lìa dục. Người theo thứ lớp, lúc kiến diệt có một khoảnh tâm. Lúc kiến đạo có ba khoảnh tâm. Vào lúc này, loại kiết do kiến diệt đoạn đã được đoạn trừ, sự đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn. Ở đây không nói về người phàm phu lìa dục, cũng không nói người theo thứ lớp. Vì sao? Vì đạo tỷ trí nhẫn đã hoàn toàn đoạn trừ kiết này. Lúc đạo tỷ trí hiện ở trước, sự đoạn ấy tức là thuộc về quả.

Hỏi: Loại kiết do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-la-hán. Ở đây không nói về người phàm phu lìa dục, cũng không nói người theo thứ lớp. Vì sao? Vì định kim cang dụ đã hoàn toàn đoạn trừ kiết này. Tận trí ban đầu hiện ở trước, sự đoạn trừ ấy tức thuộc về quả là quả A-la-hán.

* Kiết có chín loại (Chín bộ): Loại kiết do khổ pháp trí đoạn. Loại kiết do khổ tỷ trí đoạn. Loại kiết do tập pháp trí đoạn. Loại kiết do tập tỷ trí đoạn. Loại kiết do diệt pháp trí đoạn. Loại kiết do diệt tỷ trí đoạn. Loại kiết do đạo pháp trí đoạn. Loại kiết do đạo tỷ trí đoạn. Và loại kiết do tu đạo đoạn.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã phân biệt phiền não ở nơi cõi có hai loại, có năm loại, chưa phân biệt loại của đối trị đoạn. Nay vì muốn phân biệt, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Loại kiết do khổ pháp trí đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Nghĩa là người phàm phu lìa dục, người lìa dục không có xứ sở, được chánh quyết định, có mười lăm khoảnh tâm trong kiến đạo. Người theo thứ lớp, lúc kiến khổ có ba khoảnh tâm. Kiến tập có bốn khoảnh tâm. Kiến diệt có bốn khoảnh tâm. Kiến đạo có ba khoảnh tâm. Thời gian này, loại kiết do khổ pháp trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do khổ tỷ trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Ở đây không nói người phàm phu lìa dục. Người theo thứ lớp, lúc kiến khổ có một khoảnh tâm. Kiến tập có bốn khoảnh tâm. Kiến diệt có bốn khoảnh tâm. Kiến đạo có ba khoảnh tâm. Lúc này, loại kiết do khổ tỷ trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do tập pháp trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Nghĩa là người phàm phu lìa dục, người lìa dục không xứ sở, được chánh quyết định, có mười lăm khoảnh tâm trong kiến đạo. Người theo thứ lớp không có xứ sở, lúc kiến tập có ba khoảnh tâm. Kiến diệt có bốn khoảnh tâm. Kiến đạo có ba khoảnh tâm. Lúc này, loại kiết do tập pháp trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do tập tỷ trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Ở đây không nói người phàm phu lìa dục. Người theo thứ lớp, lúc kiến tập có một khoảnh tâm. Kiến diệt có bốn khoảnh tâm. Kiến đạo có ba khoảnh tâm. Lúc này, loại kiết do tập tỷ trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do diệt pháp trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Là người phàm phu lìa dục, người lìa dục không có xứ sở, được chánh quyết định, có mười lăm khoảnh tâm trong kiến đạo. Người theo thứ lớp không có xứ sở, lúc kiến diệt có ba khoảnh tâm. Kiến đạo có ba khoảnh tâm. Vào lúc này, loại kiết do diệt pháp trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do diệt tỷ trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Ở đây không nói người phàm phu lìa dục. Người theo thứ lớp, lúc kiến diệt có một khoảnh tâm. Kiến đạo có ba khoảnh tâm. Vào lúc này, loại kiết do diệt tỷ trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do đạo pháp trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Là người phàm phu lìa dục, người lìa dục không có xứ sở, được chánh quyết định, có mười lăm khoảnh tâm trong kiến đạo. Người theo thứ lớp không có xứ sở, lúc kiến đạo có hai khoảnh tâm. Vào thời gian này, loại kiết do đạo pháp trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Hỏi: Loại kiết do đạo tỷ trí đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn. Bốn quả Sa-môn như trên đã nói. Ở đây, không nói về người phàm phu lìa dục, cũng không nói người theo thứ lớp. Vì sao? Vì đạo tỷ trí đã hoàn toàn đoạn trừ kiết này. Lúc đạo tỷ trí hiện ở trước, đoạn ấy tức thuộc về quả.

Hỏi: Loại kiết do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-la-hán. Ở đây không nói về người phàm phu lìa dục, cũng không nói về người theo thứ lớp. Vì sao? Vì định kim cang dụ đã hoàn toàn đoạn trừ kiết này. Tận trí đầu tiên hiện ở trước, đoạn ấy tức thuộc về quả là quả A-la-hán.

Hỏi: Là đạo vô ngại đoạn trừ kiết hay là đạo giải thoát đoạn trừ kiết? Nếu là đạo vô ngại đoạn trừ kiết, thì như văn này đã nói làm sao thông? Như nói: Loại kiết do khổ pháp trí đoạn, cho đến loại kiết do đạo tỷ trí đoạn. Nếu là đạo giải thoát đoạn trừ kiết, thì như nơi Kiền Độ Trí nói làm sao thông? Như nói: Các kiết do kiến khổ đoạn trừ, kiết ấy do khổ trí đoạn trừ chăng? Đáp: Kiết ấy do khổ nhẫn đoạn trừ. Các kiết, cho đến do kiến đạo đoạn trừ, kiết ấy do đạo trí đoạn trừ chăng? Đáp: Các kiết do đạo nhẫn đoạn trừ.

Đáp: Nên tạo ra thuyết này: Các kiết do đạo vô ngại đoạn trừ.

Hỏi: Nếu như vậy thì như nơi Kiền Độ Trí nói là khéo thông suốt. Còn như văn này nói làm sao thông? Như nói: Loại kiết do khổ pháp trí đoạn, cho đến nói rộng?

Đáp: Văn ấy nên nói như vầy: Kiết có chín loại. Loại kiết do khổ pháp nhẫn đoạn, cho đến loại kiết do đạo tỷ nhẫn đoạn, nhưng không nói là có ý gì? Đáp: Nhẫn thuộc về trí, là quyến thuộc của trí. Nếu do nhẫn đoạn thì cũng gọi là trí đoạn. Cũng như người thuộc về vua, nếu có làm các sự việc thì cũng gọi là vua làm. Nhẫn kia cũng như thế.

Lại nữa, đạo vô ngại đoạn trừ kiết, đạo giải thoát thì giữ gìn khiến không động. Nếu đạo giải thoát không chú trọng việc giữ gìn thì phiền não lại sinh khởi tạo nên lỗi lầm tai hại. Như người trước đã đánh ngã kẻ oán địch nằm dài nơi đất, một người đến sau nắm giữ khiến kẻ ấy không nhúc nhích. Nếu người đến sau không gắng sức nắm giữ, thì kẻ oán địch lại đứng dậy, gây nên lỗi lầm tai hại.

Lại như có người từ trong nhà mình đuổi kẻ oán địch chạy ra, một người đến sau đóng chặt chính nơi nhà kia lại. Tuy có một người đã đuổi kẻ oán địch ra, nhưng nếu người đến sau không đóng chặt cửa, thì kẻ oán địch sẽ vào trở lại, gây nên lỗi lầm tai hại.

Cũng như có người trước đã đựng đầy rắn độc trong chiếc bình, một người đến sau đậy chặt miệng bình lại. Tuy có một người trước đã chứa đựng rắn trong bình, nhưng người đến sau nếu không bịt chắc miệng bình lại, thì rắn độc sẽ bò ra, gây nên lỗi lầm tai hại. Hai đạo kia cũng như thế.

Lại nữa, đạo vô ngại đoạn trừ kiết, đạo giải thoát đã góp công sức nhiều, như nơi Kiền Độ Căn đã nói, ở đây lại phân biệt rộng.

Lại nữa, đạo vô ngại đoạn trừ kiết, sự đoạn trừ ấy là được giải thoát, cùng với giải thoát cùng sinh. Do cùng sinh nên đạo giải thoát cũng được gọi là đoạn trừ kiết.

Lại nữa, đạo vô ngại đoạn trừ kiết, đạo giải thoát đã cùng với đạo vô ngại đồng làm một việc. Do đồng làm một việc nên đạo giải thoát cũng được gọi là đoạn trừ kiết.

* Kiết có mười lăm loại (Mười lăm bộ). Loại kiết thuộc cõi dục do kiến khổ đoạn. Cho đến loại kiết thuộc cõi dục do tu đạo đoạn. Cõi sắc, cõi vô sắc cũng như thế.

Hỏi: Vì lý do gì tạo ra phần Luận này?

Đáp: Trước đã phân biệt các phiền não ở nơi cõi có hai loại, năm loại, và loại đối trị, nhưng chưa phân biệt về mười lăm loại (mười lăm bộ) nơi ba cõi. Nay vì muốn phân biệt về chúng, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Loại kiết thuộc cõi dục do kiến khổ đoạn đã được đoạn trừ là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Là người phàm phu lìa dục, người lìa dục không có xứ sở, được chánh quyết định, có mười lăm khoảnh tâm trong kiến đạo. Người theo thứ lớp không có xứ sở, lúc kiến khổ có ba khoảnh tâm. Kiến tập có bốn khoảnh tâm. Kiến diệt có bốn khoảnh tâm. Kiến đạo có ba khoảnh tâm. Lúc này, loại kiết thuộc cõi dục do kiến khổ đoạn đã được đoạn trừ. Đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Các loại kiết thuộc cõi dục do kiến tập, kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ, do tu đạo đoạn trừ, nên tùy theo tướng mà nói.

Hỏi: Loại kiết thuộc cõi sắc do kiến khổ đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Là người phàm phu lìa sắc ái, người lìa sắc ái không có xứ sở, được chánh quyết định, có mười lăm khoảnh tâm trong kiến đạo. Người theo thứ lớp không có xứ sở, lúc kiến khổ có một khoảnh tâm. Kiến tập có bốn khoảnh tâm. Kiến diệt có bốn khoảnh tâm. Kiến đạo có ba khoảnh tâm là không có xứ sở. Vào thời gian này, loại kiết thuộc cõi sắc do kiến khổ đoạn đã được đoạn trừ. Đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Các loại kiết thuộc cõi sắc do kiến tập, kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ, do tu đạo đoạn trừ, nên theo tướng để nói.

Các loại kiết thuộc cõi vô sắc do năm loại (năm bộ) đoạn trừ, cũng nên theo tướng để nêu bày.

Hỏi: Kiết thân kiến đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn, hoặc không có xứ sở. Bốn quả Sa-môn: Như trên đã nói. Không có xứ sở: Ở đây không nói người phàm phu lìa dục. Người theo thứ lớp, lúc kiến khổ có một khoảnh tâm. Kiến tập có bốn khoảnh tâm. Kiến diệt có bốn khoảnh tâm. Kiến đạo có ba khoảnh tâm. Vào thời gian này, kiết thân kiến đoạn trừ. Đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Như kiết thân kiến đoạn trừ, thì kiết thân kiến trong năm kiết phần dưới đoạn trừ, thân kiến, biên kiến trong năm kiến được đoạn trừ nói cũng như thế.

Hỏi: Kiết giới thủ, kiết nghi đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về bốn quả Sa-môn. Bốn quả Sa-môn như trên đã nói. Ở đây không nói người phàm phu lìa dục, cũng không nói người theo thứ lớp. Vì sao? Vì đạo tỷ nhẫn đã hoàn toàn đoạn trừ kiết này. Lúc đạo tỷ trí hiện ở trước, sự đoạn trừ ấy tức thuộc về quả Sa-môn.

Như kiết giới thủ, kiết nghi (trong ba kiết) đã đoạn, thì lưu kiến, ách kiến (trong bốn lưu, bốn ách), kiến thủ, giới thủ (trong bốn thủ), giới thủ trói buộc thân (trong bốn thứ trói buộc thân), kiết giới thủ, kiết nghi (trong năm kiết phần dưới), tà kiến, kiến thủ, giới thủ (trong năm kiến), sử kiến, sử nghi (trong bảy sử), kiết kiến thủ, kiết nghi (trong chín kiết) được đoạn trừ nói rộng cũng như thế.

Hỏi: Căn bất thiện tham, giận, si và dục lậu đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-na-hàm, quả A-la-hán, hoặc không có xứ sở. Nói rộng như nơi phần loại kiết thuộc cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn đã được đoạn trừ.

Như dục lậu, thì hữu lậu, vô minh lậu, các phiền não khác cùng với chúng tương tợ nên theo tướng để nói.

Cái nghi trong năm cái nên nói rộng như nơi phần loại kiết do đạo pháp trí đoạn đã được đoạn trừ. Kiết phần trên nên nói rộng như nơi phần loại kiết thuộc cõi sắc, vô sắc do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ.

Hỏi: Mắt, tai, thân tiếp xúc sinh ra ái đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-la-hán, hoặc không có xứ sở. A-la-hán là thuộc về quả A-la-hán. Không có xứ sở: Là người phàm phu đã lìa ái của cõi Phạm thế không có xứ sở. Người lìa ái của cõi Phạm thế, được chánh quyết định, có mười lăm khoảnh tâm trong kiến đạo, và người theo thứ lớp không có xứ sở của đạo tỷ trí, lúc đoạn trừ ái của thiền thứ nhất, đạo giải thoát sau cùng đoạn trừ ái của thiền thứ hai, cho đến đoạn trừ ái của xứ vô sở hữu, là chín đạo vô ngại, chín đạo giải thoát. Lìa ái của xứ phi tưởng phi phi tưởng là chín đạo vô ngại, tám đạo giải thoát. Thời gian này, mắt, tai, thân tiếp xúc sinh ra ái đã được đoạn trừ. Đoạn ấy không thuộc về quả Sa-môn.

Chín mươi tám sử đoạn trừ nói rộng như nơi phần nói về mười lăm loại kiết đã được đoạn trừ.

Hỏi: Các loại kiết của người hướng chứng quả Tu-đà-hoàn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về không có xứ sở. Vì sao? Vì trước quả Tu-đàhoàn lại không có quả để có thể gồm thâu sự đoạn trừ kia. Tu-đàhoàn thuộc về quả Tu-đà-hoàn. Quả Tu-đà-hoàn gồm thâu loại kiết thuộc ba cõi do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ.

Hỏi: Các loại kiết của người hướng chứng quả Tư-đà-hàm đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả Tu-đà-hoàn, hoặc không có xứ sở. Quả Tu-đà-hoàn gồm thâu loại kiết của ba cõi do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ. Không có xứ sở là người theo thứ lớp đoạn trừ năm phẩm kiết thuộc cõi dục đã được đoạn trừ. Đoạn ấy không thuộc về quả Tu-đà-hoàn. Vì sao? Vì đạo của quả thù thắng kia đã chứng đắc. Như đạo của quả thù thắng thì không thuộc về quả, sự đoạn trừ nói cũng như thế. Tư-đà-hàm là thuộc về quả Tư-đà-hàm. Quả Tư-đà-hàm gồm thâu loại kiết của ba cõi do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ cùng sáu phẩm kiết thuộc cõi dục do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ.

Hỏi: Các loại kiết của người hướng chứng quả A-na-hàm đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả Tư-đà-hàm, hoặc không có xứ sở. Quả Tưđà-hàm gồm thâu loại kiết của ba cõi do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ, cùng sáu phẩm kiết thuộc cõi dục do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ. Không có xứ sở: Là đoạn bảy phẩm, tám phẩm kiết nơi cõi dục do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ.

Hỏi: Các loại kiết của người hướng chứng quả A-la-hán đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả A-na-hàm, hoặc không có xứ sở. Quả A-nahàm gồm thâu loại kiết nơi ba cõi do kiến đạo đoạn đã được đoạn trừ, cùng chín phẩm kiết thuộc cõi dục do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ. Không có xứ sở: Là đoạn chín phẩm kiết của thiền thứ nhất, cho đến chín phẩm kiết của xứ vô sở hữu, đoạn trừ tám phẩm kiết của xứ phi tưởng phi phi tưởng. Vì sao? Vì đạo của quả thù thắng kia đã chứng đắc. Như đạo của quả thù thắng thì không phải thuộc về quả, sự đoạn trừ nói cũng như thế.

A-la-hán là thuộc về quả A-la-hán. Quả A-la-hán gồm thâu hết loại kiết nơi ba cõi do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ.

Hỏi: Như đoạn trừ một phẩm kiết, cho đến đoạn trừ năm phẩm kiết, do được đạo tỷ trí nên gọi là Tu-đà-hoàn. Đoạn năm phẩm kiết thuộc cõi dục, không phải thuộc về quả Tu-đà-hoàn. Nếu đoạn trừ bảy phẩm, tám phẩm kiết, được chánh quyết định, lúc được đạo tỷ trí gọi là Tư-đà-hàm. Đoạn trừ bảy phẩm, tám phẩm kiết kia, không phải thuộc về quả Tư-đà-hàm. Nếu lìa ái của thiền thứ nhất, cho đến lìa ái của xứ vô sở hữu, được chánh quyết định, lúc được đạo tỷ trí, gọi là A-na-hàm. A-na-hàm kia đã đoạn chín phẩm kiết của thiền thứ nhất, cho đến chín phẩm kiết của xứ vô sở hữu, không phải thuộc về quả A-na-hàm. Vì sao nói Tu-đà-hoàn thuộc về quả Tu-đà-hoàn? Tư-đà-hàm thuộc về quả Tư-đà-hàm? A-na-hàm thuộc về quả A-na-hàm? Vì sao không nói? Hoặc không có xứ sở chăng?

Đáp: Văn ấy nên nói như thế này: Tu-đà-hoàn thuộc về quả Tuđà-hoàn, hoặc không có xứ sở. Tư-đà-hàm thuộc về quả Tư-đà-hàm, hoặc không có xứ sở. A-na-hàm thuộc về quả A-na-hàm, hoặc không có xứ sở. Nhưng không nói là có ý gì? Đáp: Đây là nói về người bị trói buộc đủ theo thứ lớp, không nói về người siêu việt.

Đệ tử của Đức Thế Tôn kiến đế đầy đủ, chưa lìa dục ái, đối với loại kiết thuộc cõi dục do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về quả Tư-đà-hàm, hoặc không có xứ sở. Quả Tưđà-hàm gồm thâu sáu phẩm kiết thuộc cõi dục do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ. Không có xứ sở: Là đoạn bảy phẩm, tám phẩm kiết đã được đoạn trừ.

Đã lìa dục ái, chưa lìa sắc ái, loại kiết thuộc cõi sắc do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về không có xứ sở. Đoạn trừ chín phẩm kiết của thiền thứ nhất, cho đến tám phẩm kiết của thiền thứ tư đã được đoạn trừ là không có xứ sở.

Đã lìa sắc ái, chưa lìa vô sắc ái, loại kiết thuộc cõi vô sắc do tu đạo đoạn đã được đoạn trừ, đoạn ấy là thuộc về quả nào?

Đáp: Thuộc về không có xứ sở. Đoạn trừ chín phẩm kiết của xứ không, cho đến đoạn trừ tám phẩm kiết của xứ phi tưởng phi phi tưởng thuộc về không có xứ sở.

HẾT – QUYỂN 34