LUẬN A TỲ ĐÀM TỲ BÀ SA
STác giả: Tôn giả Ca Chiên Diên Tử
Giải thích: Năm trăm A La Hán
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Sa môn Phù Đà Bạt Ma, Đạo Thái v.v…
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 25

Chương 2: KIỀN ĐỘ SỬ

Phẩm thứ 1: BẤT THIỆN, phần 1

* Ba kiết cho đến chín mươi tám sử (tùy miên), đều là kinh Phật. Chỉ trừ năm kiết, chín mươi tám sử, phần này không phải là kinh Phật nói. Trong chương này, nên trừ hai phần Luận ấy.

Từng nghe Tôn giả Cù-sa nói như thế này: Tất cả Luận A-tỳđàm đều là giải thích kinh Phật, vì nhân nơi kinh này nên tạo ra Luận như thế. Pháp nào trong các kinh không nói, thảy đều loại trừ. Hai phần Luận ấy không phải do kinh nói, vì thế nên bỏ năm kiết, nói năm kiết phần trên. Vì sao? Vì năm kiết phần trên là do kinh Phật nói. Trừ chín mươi tám sử, lại không có chỗ nói, vì không phải là kinh Phật.

Lại có thuyết nói: Năm kiết trong chương này không nên bỏ. Vì sao? Vì Đức Phật đã nói trong năm pháp của Tăng Nhất A Hàm, vì trải qua lâu nên bị mất.

Tôn giả Ca-chiên-diên-tử đã dùng sức của nguyện trí, quán sát trong A-tỳ-đàm, trở lại nói năm kiết. Từng nghe nơi Tăng Nhất A Hàm từ một pháp đến trăm pháp, hiện nay chỉ còn có từ một pháp đến mười pháp, ngoài ra đều mất. Từ một pháp đến mười pháp cũng bị mất rất nhiều, pháp còn lại cũng ít. Như Tôn giả A-la-hán Xa-nabà-tú, là Hòa thượng của Tôn giả Kỳ-bà-ca, lúc bát Nê hoàn, ngày ấy bị mất hết bảy vạn bảy ngàn kinh Bản sinh, một vạn Luận A-tỳ-đàm. Từ đấy về sau, số Kinh Luận này đã không còn lưu hành nữa. Một Luận sư qua đời cũng mất đi từng ấy Kinh Luận, huống chi là đã có nhiều Luận sư trong pháp Phật đã qua đời.

Lại có thuyết nói: Hai phần Luận này tuy không phải là kinh Phật, nhưng không nên bỏ.

Hỏi: Nếu không phải là kinh Phật thì vì sao không bỏ?

Đáp: Vì ý của người tạo luận muốn như thế. Vì theo ý muốn của tác giả đó, nên tạo ra Luận này cũng không trái với pháp tướng. Ở trong Luận ấy nói nhất thiết biến, nói không phải nhất thiết biến, nói nhất thiết biến không phải là nhất thiết biến. Nhất thiết biến là ba kiết. Không phải nhất thiết biến là năm kiết. Nhất thiết biến không phải là nhất thiết biến là chín kiết.

Hỏi: Năm kiết có thể là như vậy, còn chín mươi tám sử cũng không phải là kinh Phật, vì sao không bỏ?

Đáp: Tất cả A-tỳ-đàm đều giải thích rộng về nghĩa của kinh Phật. Nếu đã giải thích rộng về nghĩa của kinh Phật, tức là A-tỳ-đàm. Kinh Phật nói bảy sử, vì do giới, do chủng, do hành khác biệt, nên có chín mươi tám sử. Thế nên hai phần Luận này đều cùng không nên bỏ.

Hỏi: Tôn giả kia tạo luận vì sao lập chương trước?

Đáp: Vì muốn hiển hiện nghĩa của các môn. Vì sao? Vì nếu trước hết không lập chương, thì nghĩa môn không sáng rõ. Như người không thể vẽ nơi hư không, nên nếu khi muốn vẽ tất có chỗ dựa. Người tạo luận kia cũng như thế. Lại nữa, vì muốn khiến Luận này trụ lâu nơi thế gian, nên lập chương, môn, tạo kệ, tụng, chế Kiền độ (Uẩn) tạo ra danh hiệu phẩm, trong trăm ngàn chúng mới có một người có thể trì tụng đầy đủ A-tỳ-đàm, huống chi là không lập chương, môn, cho đến tên phẩm, thì ai có thể trì tụng đầy đủ văn rất là nhiều này. Vì muốn khiến không có lỗi như thế, nên phải lập chương trước.

Hỏi: Tôn giả kia vì sao nhân nơi kinh Phật để lập chương?

Đáp: Vì tất cả A-tỳ-đàm đều giải thích rộng về nghĩa của kinh Phật.

Lại nữa, vì muốn hiện bày rõ kinh Phật có vô biên nghĩa, còn luận, sách của ngoại đạo chỉ có văn không có nghĩa, hoặc tuy có nghĩa nhưng ít. Như sách La-ma-diên, văn của sách ấy có đến một vạn hai ngàn kệ, mà chỉ biện minh về hai việc: (1) Biện minh về Lama-diên kiếp Tư-đà khứ. (2) Nêu rõ về La-ma-diên tướng Tư-đà la. Tất cả kinh Phật đều là vô lượng, vô biên. Vô lượng là có vô lượng nghĩa. Vô biên là có vô biên văn. Cũng như biển cả là vô lượng, vô biên. Vô lượng là sâu vô lượng. Vô biên là rộng lớn vô biên.

Lại nữa, vì muốn hiện bày làm sáng tỏ kinh Phật có thể nhận lấy các vấn nạn, chuyển biến tinh diệu, còn luận sách của ngoại đạo thì không thể nhận lấy các vấn nạn. Nếu vấn nạn kia chuyển biến không vững chắc, thì không có vị nghĩa, như loài khỉ vượn không chịu nổi sự đánh đập, va chạm. Nếu đánh đập, va chạm, chúng sẽ phóng uế dơ bẩn. Kinh Phật đều có thể nhận lấy mọi sự phản bác, va chạm. Nếu khi phản bác, va chạm, tức xuất sinh giới sắc thanh tịnh và sự tiếp xúc của căn thiện. Cũng như loại áo dày nhiều lớp sản xuất ở thành Ba-la-nại, có thể chịu đựng sự va chạm và đập mạnh. Nếu gia tăng sự va đập xúc chạm mạnh, thì sắc sáng càng đẹp, sinh khởi sự tiếp xúc thắng diệu. Người tạo luận kia cũng như thế.

Lại nữa, vì muốn hiện bày rõ kinh Phật mở ra thì vi diệu. Kinh Phật nói có ba sự việc, che lại thì tốt đẹp, mở ra thì không tốt đẹp: Là người ngu, người nữ, sách của Bà-la-môn. Ba sự mở ra thì tốt đẹp, che lại thì không tốt đẹp: Là người trí, mặt trời mặt trăng và kinh Phật.

Lại nữa, vì muốn làm sáng rõ kinh Phật có thể nhận lấy mọi sự tư duy, mong cầu, chuyển biến tinh diệu. Như người xem mặt trời, mắt không sáng tịnh. Sách, Luận của ngoại đạo lúc suy nghĩ, tìm xét, đã khiến cho mắt tuệ không sạch. Như người ngắm xem mặt trăng, mắt tức sáng tịnh. Kinh, Luận của pháp Phật lúc tư duy, mong cầu điều khiến cho mắt tuệ sáng tịnh.

Lại nữa, trước nên nói rõ: Tất cả A-tỳ-đàm đều giải thích rộng về nghĩa của kinh Phật. Do sự việc ấy nên Đức Như Lai đã giảng nói về vô số nghĩa không giống nhau, tức lập ra Kiền Độ Tạp. Nói về nghĩa của các kiết, lập Kiền Độ Kiết Sử. Cho đến nói về nghĩa của kiến, lập Kiền Độ Kiến. Trong mỗi mỗi Kiền độ đều phân biệt về tất cả pháp.

Hỏi: Tôn giả kia tạo luận, vì sao trước lập chương, sau tạo môn?

Đáp: Như người dự định xây cất nhà, trước phải sửa sang mặt đất bằng phẳng, sau đấy mới dựng nhà. Tôn giả kia cũng như thế, muốn kiến tạo ngôi nhà pháp, như đắp nền pháp bằng phẳng, trước lập chương. Như pháp tạo dựng nhà, sau đấy mới tạo môn.

Lại nữa, như người trồng cây, trước phải sửa sang đất, sau đấy mới trồng. Tôn giả kia cũng lại như thế, muốn trồng cây pháp, như pháp sửa sang đất, trước lập chương. Như pháp trồng cây, sau đấy tạo môn.

Lại nữa, như người thợ chuyên làm tràng hoa và học trò học làm tràng hoa, khi muốn tạo các thứ tràng hoa, trước phải dùng chỉ kết thành xâu hoa, sau đấy mới dùng các thứ sắc hoa để tô điểm. Tôn giả kia cũng lại như thế, muốn tạo nên tràng hoa pháp, như cách thức xâu suốt hoa, trước lập chương. Như dùng các sắc hoa để tô điểm vòng hoa, sau đấy mới tạo môn.

Lại như pháp vẽ tranh màu: Muốn vẽ bức tranh màu tất trước là vẽ phác họa, sau đấy mới tô các màu sắc. Như thế, Tôn giả kia muốn họa tượng pháp, như cách tạo mẫu nên trước là lập chương. Như pháp tô màu, nên sau đấy tạo môn.

Lại nữa, như pháp chạm khắc hình tượng: Muốn chạm khắc, trước là phác họa, sau mới chạm trổ. Như thế, Tôn giả kia muốn chạm trổ hình tượng pháp, như pháp phác họa nên trước phải lập chương. Như pháp chạm khắc vào vật nên sau đấy mới tạo môn.

Lại nữa, như pháp hành quán, trước quán về sắc tạo của bốn đại, sau quán về sát-na của vi trần. Tôn giả kia cũng lại như thế. Như pháp quán sắc tạo của bốn đại, tức trước lập chương. Như pháp quán sát-na của vi trần, sau đấy tạo môn.

Lại nữa, Đức Thế Tôn giảng nói pháp cũng như thế, trước nói, sau giải thích. Trước nói: Như nói sáu giới, sáu xúc, mười tám ý hành, bốn xứ. Tỳ-kheo nên biết! Đó gọi là con người. Sau giải thích: Tức nêu đây gọi là sáu giới, cho đến bốn xứ. Tôn giả kia cũng lại như thế, tức trước lập chương, sau đấy tạo môn.

Lại nữa, vì muốn thể hiện rõ hai thứ thiện xảo, nên trước lập chương, hiện bày thiện xảo nơi văn, sau tạo ra môn, biểu hiện thiện xảo nơi nghĩa. Như thiện xảo nơi văn nghĩa, thì đối với văn nghĩa có sức mạnh, đối với pháp vô ngại, đối với nghĩa vô ngại, quả của pháp vô ngại, quả của nghĩa vô ngại, nên biết cũng lại như thế.

Lại nữa, vì muốn thể hiện tri kiến của mình là không lầm lẫn. Nếu tri kiến của con người đã lầm lẫn thì Kinh, Luận được tạo ra cũng lại lầm lẫn, không thể khéo tạo lập chương môn cho đến tên phẩm. Nếu tri kiến của con người không lầm lẫn thì Kinh, Luận được tạo ra cũng không lầm lẫn, khéo tạo lập chương môn cho đến tên phẩm. Thế nên, vì muốn chứng tỏ tri kiến của mình không lầm lẫn, nên trước lập chương, sau đấy tạo môn.

Hỏi: Vì lý do gì Tôn giả kia tạo luận, trước lập ba kiết làm chương, sau mới nói đến chín mươi tám sử?

Đáp: Vì ý của người tạo luận muốn như thế. Tùy theo ý muốn của tác giả, nên tạo ra Luận này, cũng không trái với pháp tướng. Do đấy trước lập ba kiết làm chương, sau mới nói đến chín mươi tám sử.

Tôn giả Ba-xa nói: Tuy nơi tất cả xứ sinh nghi, nhưng không trái với pháp tướng. Nếu trước nói ba căn bất thiện, sau mới nói đến chín mươi tám sử, tất cũng có nghi này.

Lại nữa, A-tỳ-đàm nên dùng tướng để cầu tìm, không nên lấy thứ lớp để cầu tìm, nên nói trước, nói sau đều cùng không có lỗi.

Lại nữa, cũng có thể tùy nơi nghĩa để nói về thứ lớp của pháp kia. Do đấy trước lập ba kiết làm chương, sau mới nêu dẫn chín mươi tám sử. Nếu như mỗi mỗi Luận A-tỳ-đàm đều cầu tìm thứ lớp của pháp, thì văn của luận trở nên phiền toái, lẫn lộn, người nào có thể thọ trì đầy đủ loại văn quá rườm rà như thế của A-tỳ-đàm?

Lại nữa, vì tăng thêm pháp, nên trước nói ba kiết, sau nói bốn, năm, sáu, bảy, chín, cho đến chín mươi tám sử.

Lại nữa, vì nêu bày pháp tăng trưởng theo thứ lớp của cây phiền não, nên trước nói ba kiết, sau nói bốn, năm, sáu, bảy, chín, cho đến chín mươi tám sử.

Lại nữa, vì muốn theo thứ lớp nói về sự chứng đắc quả Sa-môn: Nếu đoạn trừ ba kiết thì được quả Tu-đà-hoàn, không đoạn trừ hết ba căn bất thiện và dục lậu thì được quả Tư-đà-hàm. Nếu đoạn trừ hết thì được quả A-na-hàm, vĩnh viễn dứt trừ hữu lậu, vô minh lậu, là chứng đắc quả A-la-hán.

Các lưu, ách, phược, thủ, cái, kiết phần dưới, kiết phần trên, kiến thân, ái kiết sử khác đều là sự sai biệt của hữu lậu, tức phân biệt rộng về lậu. Thế nên, vì muốn nói theo thứ lớp đạt được bốn quả Sa-môn, nên trước lập ba kiết làm chương, sau mới đến chín mươi tám sử.

* Ba kiết: (1) Kiết thân kiến. (2) Kiết giới thủ. (3) Kiết nghi.

Hỏi: Thể tánh của ba kiết này là gì?

Đáp: Thể tánh của ba kiết này có hai mươi mốt thứ.

Kiết thân kiến nơi ba cõi do kiến khổ đoạn trừ có ba thứ.

Kiết giới thủ nơi ba cõi do kiến khổ, kiến đạo đoạn trừ có sáu thứ.

Kiết nghi nơi ba cõi do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt, kiến đạo đoạn trừ có mười hai thứ.

Hai mươi mốt thứ này là thể của ba kiết, là phần tánh, tướng của vật, ngã.

Đã nói thể tánh của ba kiết. Về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì sao gọi là kiết? Kiết là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa trói buộc là nghĩa của kiết. Nghĩa hợp với khổ là nghĩa của kiết. Nghĩa xen tạp chất độc là nghĩa của kiết.

Nghĩa trói buộc là nghĩa của kiết: Sự trói buộc tức là kiết. Vì sao nhận biết? Vì như kinh nói: Tôn giả Ma ha Câu-hy-la đi đến trụ xứ của Tôn giả Xá-lợi-phất, hỏi như thế này: Là sắc trói buộc mắt hay là mắt trói buộc sắc? Cho đến ý, pháp cũng hỏi như thế. Tôn giả Xá-lợi-phất đáp Tôn giả Ma ha Câu-hy-la: Sắc không trói buộc mắt, mắt không trói buộc sắc. Ở đây ái dục là sợi dây trói buộc mắt sắc kia. Ví như hai con bò trắng, bò đen, đồng mang một chiếc ách do một sợi dây dài buộc. Này Tôn giả Câu-hy-la, ý của Tôn giả nghĩ sao? Nếu có người nói bò đen trói buộc bò trắng, hoặc bò trắng trói buộc bò đen, là nói đúng như pháp không? Đáp: Không. Như vậy, sợi dây dài buộc ách kia là vật đã kết buộc chúng với nhau. Như thế, này Tôn giả Câu-hy-la! Sắc không trói buộc mắt. Mắt không trói buộc sắc, chỉ ở trong đó, ái dục là sự trói buộc. Cho đến ý nói cũng như thế. Do sự việc này nên nghĩa trói buộc là nghĩa của kiết.

Nghĩa hợp với khổ là nghĩa của kiết: Các kiết của cõi dục cùng với khổ nơi chúng sinh ở cõi dục kết hợp. Các kiết của cõi sắc cùng với khổ nơi chúng sinh thuộc cõi sắc kết hợp. Các kiết của cõi vô sắc cùng với khổ nơi chúng sinh thuộc cõi vô sắc kết hợp. Tướng của các kiết nơi cõi dục cùng với khổ kết hợp, không cùng với vui kết hợp. Tướng của các kiết nơi cõi sắc, vô sắc cùng với khổ kết hợp, không cùng với vui kết hợp. Do sự việc này nên nghĩa hợp với khổ là nghĩa của kiết.

Nghĩa xen tạp chất độc là nghĩa của kiết: Tất cả sự thọ sinh nơi định hữu lậu diệu, các định như vô lượng giải thoát, trừ nhập (thắng xứ), nhất thiết xứ (biến xứ) v.v…, các Thánh đều xa lìa, do xen lẫn với chất độc của phiền não. Cũng như thức ăn có lẫn chất độc, tuy rất ngon nhưng người trí luôn xa lìa. Kiết kia cũng như thế. Do sự việc này, nên nghĩa trói buộc, nghĩa hợp với khổ, nghĩa xen tạp chất độc là nghĩa của kiết.

Kinh Phật nói: Nếu dứt trừ ba kiết gọi là Tu-đà-hoàn, không bị đọa vào nẻo ác, quyết định nhập đạo cứu cánh, chỉ thọ nhận bảy hữu, bảy lần sinh trong nẻo trời, người, tức được dứt hết biên vực khổ. (Đoạn này được giải thích từng câu một ở sau)

Hỏi: Như A-tỳ-đàm nói: Đoạn trừ tám mươi tám sử gọi là Tuđà-hoàn. Như Kinh Trì Dụ nói: Dứt trừ vô lượng khổ gọi là Tu-đàhoàn. Vì sao Đức Thế Tôn nói: Nếu đoạn trừ ba kiết được gọi là Tu-đà-hoàn?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Đây là sự thuyết giảng chưa rốt ráo của Đức Như Lai, chỉ nói tóm lược, nói điều chủ yếu, là vì người thọ nhận Đức Phật hóa độ, nên nói như thế.

Lại nữa, vì con người, vì thời, chúng, vì kẻ thọ nhận sự hóa độ của Đức Phật, vì pháp khí. Vì sao? Do chư Phật thuyết pháp đều vì người thọ nhận sự hóa độ. Trí có sâu, cạn, cũng quán về tâm họ cùng với kiết sử. Tâm của những người kia đó là căn thiện. Kiết sử là các phiền não. Quán sát về tâm họ cùng với phiền não xong, tùy theo phiền não ấy giảng nói pháp đối trị. Cũng không nói ít, vì nếu nói ít thì không thể trừ diệt bệnh phiền não. Cũng không nói nhiều, vì nếu nói nhiều tức sự thuyết giảng của Đức Như Lai không có lợi. Ví như thầy thuốc trị bệnh, trước là chẩn đoán xem bệnh và nguyên nhân gây bệnh, sau đấy mới cho thuốc để chữa trị. Cũng không cấp thuốc ít, vì nếu thế thì bệnh không lành. Cũng không cấp thuốc nhiều, vì nếu cho thuốc nhiều, thì công dụng của thuốc trở thành không hiệu nghiệm, nên theo chỗ ứng hợp với bệnh để cấp thuốc. Đối trị bệnh phiền não kia cũng như thế.

Lại nữa, nếu nói tóm lược thì đoạn trừ ba kiết gọi là Tu-đàhoàn. Nếu nói rộng thì đoạn trừ tám mươi tám sử và vô lượng khổ gọi là Tu-đà-hoàn. Như nói lược – nói rộng, thì phân biệt – không phân biệt, nói ngay tức khắc – nói theo thứ lớp, cũng như thế.

Lại nữa, vì người lợi căn, nói đoạn trừ ba kiết, gọi là Tu-đàhoàn. Vì người độn căn, nói đoạn trừ tám mươi tám kiết cùng vô lượng khổ, gọi là Tu-đà-hoàn. Như lợi căn, độn căn, thì sức của nhân – sức của duyên, sức trong – sức ngoài, dựa vào sức tư duy bên trong – dựa nơi sức nêu bày bên ngoài, trí nhanh – trí chậm, nói cũng như thế.

Lại nữa, muốn nói pháp dễ hành trì, phải dùng pháp khuyến dụ, tiến dẫn kẻ thọ nhận sự hóa độ, như kéo tay giúp kẻ khác đứng dậy. Ở đây, nên nói dụ về Bạt-kỳ-tử: Từng nghe có Bạt-kỳ-tử xuất gia ở trong pháp Phật. Bấy giờ, Đức Phật đã chế hai trăm năm mươi giới để các đệ tử theo chỗ ưa thích mà hành trì. Người kia nghe nói xong, sinh tâm lo nghĩ: Ai có thể giữ gìn các giới như thế? Liền đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ nơi chân, bạch Phật: Đức Thế Tôn đã chế hai trăm năm mươi giới để cho các đệ tử theo chỗ ưa thích thọ trì. Nay con không thể giữ gìn giới này. Lúc ấy, Đức Thế Tôn thị hiện tướng thân thiện, không quở trách, dùng lời dịu dàng để an ủi Bạt-kỳ-tử: Lành thay! Lành thay! Này Bạt-kỳ-tử! Ông có thể khéo học về ba giới chăng? Nghĩa là khéo học giới, khéo học tâm, khéo học tuệ. Người kia nghe Phật nói xong vô cùng hoan hỷ, nói như thế này: Con có thể khéo học ba thứ giới ấy. Vì học ba thứ giới là theo thứ lớp, có thể học tất cả các giới. Nếu Đức Như Lai nói đoạn trừ tám mươi tám sử là đối tượng đoạn của kiến đạo cùng vô lượng các khổ, gọi là Tu-đà-hoàn, thì người thọ nhận sự hóa độ tâm sinh lo nghĩ: Làm sao có thể nhổ hết tám mươi tám cây phiền não này. Vượt qua tám mươi tám con sông lớn phiền não. Tát cạn khô tám mươi tám biển cả phiền não. Đập tan tám mươi tám ngọn núi phiền não cùng tu tám mươi tám đạo đối trị ấy? Nếu như Đức Phật nói đoạn trừ ba kiết, gọi là Tu-đà-hoàn, thì các người thọ nhận sự hóa độ sinh khởi hoan hỷ lớn. Nếu đoạn trừ ba kiết, tức là sự việc dễ. Nhưng đoạn trừ ba kiết, chính là kiến đạo đoạn dứt các sử. Vì sao? Vì đồng một đối trị đoạn. Do sự việc này, nên nói pháp dễ hành trì, nói rộng như trên.

Lại nữa, vì muốn nói pháp tối thắng. Tức trong tất cả kiết do kiến đạo đoạn, ba kiết này là hơn hết. Thế nên Tôn giả Cù-sa đã nêu bày như thế này: Ba kiết ấy là hơn hết trong tất cả phiền não do kiến đạo đoạn. Các thứ phiền não khác đều theo đấy sinh, như nhân nơi kiến sinh ái, giận, mạn v.v…

Lại nữa, ba kiết này là đứng đầu nơi hết thảy phiền não do kiến đạo đoạn. Cũng như quân sĩ mạnh thường đi trước. Do sức của chúng, nên phiền não khác sinh.

Lại nữa, vì ba kiết này là oán thù của công đức. Công đức, nghĩa là quả Tu-đà-hoàn. Ai là kẻ oán thù kia? Đó là ba kiết

Lại nữa, ba kiết này là pháp chướng ngại gần của ba tam muội. Thân kiến là chướng ngại gần của tam muội không. Giới thủ là chướng ngại gần của tam muội vô nguyện. Nghi là chướng ngại gần của tam muội vô tướng.

Lại nữa, ba kiết này là chỗ gần đối với người kiến đạo, thường xuyên hiện hành. Như nơi phần Kiền Độ Tạp đã nói: Hành giả trụ nơi nhẫn, kiến, nghi không hiện hành. Nếu như có hiện hành cũng không nhận biết, vì trí kia còn yếu kém, phiền não thì vi tế. Kiến là thân kiến, giới thủ. Nghi tức là nghi.

Lại nữa, vì ba kiết này khó đoạn trừ, khó phá bỏ, khó vượt qua.

Lại nữa, vì ba kiết này có tăng thêm nhiều về lỗi lầm, tai hại trầm trọng.

Hỏi: Kiết thân kiến có tăng thêm nhiều về lỗi lầm gì?

Đáp: Thân kiến là kiến gốc của sáu mươi hai kiến, là gốc của các phiền não. Phiền não là cội rễ của nghiệp. Nghiệp là gốc của báo. Dựa nơi báo nên sinh ra các pháp thiện, bất thiện, vô ký.

Hỏi: Kiết giới thủ có tăng thêm nhiều về lỗi lầm gì?

Đáp: Từ giới thủ sinh vô số các thứ khổ hạnh tà vạy.

Hỏi: Kiết nghi có tăng thêm nhiều về lỗi lầm gì?

Đáp: Nghi là nghi về đời quá khứ, vị lai, trong tâm khởi do dự: Các đời này là gì? Vì sao có các đời ấy? Ai tạo ra chúng? Đời này rồi sẽ ra sao? Chúng sinh ấy là từ đâu đến? Sau khi chết thì đi về đâu?

Lại nữa, ba kiết này tuy đã đoạn, đã nhận biết, nhưng A-la-hán vẫn còn hành pháp tương tợ. Kiết thân kiến do khổ tỷ nhẫn đã vĩnh viễn đoạn. Tuy đoạn, tuy nhận biết, nhưng A-la-hán vẫn còn hành pháp tương tợ, tạo ra ý niệm này: Đây là y của ta, bát của ta, là đệ tử đồng phòng của ta, là đệ tử cận trụ của ta. Đây là phòng của ta, là vật dụng cần cho sự sống trong phòng của ta. Tương tợ như chấp ngã.

Kiết giới thủ đã được đạo tỷ nhẫn vĩnh viễn đoạn. Tuy đoạn tuy nhận biết, nhưng A-la-hán vẫn còn hành pháp tương tợ, như rửa tay chân, trụ nơi A-luyện-nhã, chỉ chứa ba y, nói rộng về mười ba công đức thanh tịnh, nhân đấy nên được tưởng thanh tịnh cứu cánh. Từng nghe nói Tôn giả Lung-ma-xa-hằng-kỳ-ca tuy là A-la-hán, nhưng vẫn ngày ngày đi đến sông nước tắm gội, cho là tưởng thanh tịnh.

Đạo tỷ nhẫn đã vĩnh viễn đoạn trừ kiết nghi. Tuy đoạn tuy nhận biết, nhưng A-la-hán vẫn còn hành pháp tương tợ. Trông thấy vật từ xa, nghi không biết là người hay là gốc cây? Thấy hai đường đi, nghi cho đường này đi đến nơi kia chăng? Hay là không phải đường đi đến nơi ấy? Nhìn thấy hai y, hai bát, nghi là y bát của ta hay là không phải y bát của ta?

Lại nữa, hành giả vì đoạn trừ ba kiết, nên đã khiến cho tất cả kiết do kiến đạo đoạn cũng đều được đoạn.

Lại nữa, hành giả vì đoạn trừ ba kiết, nên cũng thấy, biết, hiểu, nhận được các kiết do kiến đạo đoạn.

Lại nữa, vì ba kiết này là chung nơi ba cõi, nên cũng là phần dưới. Dục, ái, giận tuy là kiết phần dưới, nhưng không chung nơi ba cõi. Biên kiến, tà kiến, kiến thủ, ái, mạn, vô minh, tuy chung nơi ba cõi, nhưng không phải là kiết phần dưới.

Lại nữa, ở trong bảy sử được đoạn trừ trọn vẹn, thì ở đây nói đến. Tu-đà-hoàn ở trong bảy sử chỉ vĩnh viễn đoạn dứt hai sử đó là sử kiến, sử nghi.

Lại nữa, ở trong chín kiết đã vĩnh viễn đoạn trừ rốt ráo, cho đến nói rộng. Tu-đà-hoàn ở trong chín kiết chỉ vĩnh viễn đoạn trừ ba kiết là kiết kiến, kiết nghi và kiết thủ. Do sự việc ấy, nên Tôn giả Cù-sa đã tạo ra thuyết: Kinh ấy tức nên nói như vầy: Đoạn trừ ba kiết là chứng đắc Tu-đà-hoàn. Ba kiết là kiết kiến, kiết nghi và kiết thủ.

Lại nữa, ở trong mười sử vĩnh viễn đoạn trừ rốt ráo, cho đến nói rộng.

Mười sử: Là năm kiến cùng ái, giận, mạn, vô minh, nghi. Tuđà-hoàn đã đoạn trừ hẳn sáu sử là năm kiến và nghi. Trong sáu sử, chỉ nói ba sử là thân kiến, giới thủ và nghi, không nói ba sử là biên kiến, tà kiến, kiến thủ. Vì sao? Vì ba sử này từ ba sử kia sinh. Thân kiến sinh biên kiến, tức biên kiến từ thân kiến sinh. Giới thủ sinh kiến thủ, tức kiến thủ từ giới thủ sinh. Nghi sinh tà kiến, tức tà kiến từ nghi sinh.

Đã nói về chủ thể sinh, nên biết cũng nói từ đâu sinh?

Lại nữa, đây là hiện bày môn ban đầu, hiện bày nói tóm lược, hiện bày bắt đầu nhập. Kiết do kiến đạo đoạn ở đây, hoặc một thứ đoạn, hai thứ đoạn, bốn thứ đoạn. Nếu nói thân kiến, nên biết là đã nói về một thứ đoạn. Nếu nói giới thủ, nên biết là đã nói về hai thứ đoạn. Tuy lại không có hai thứ, tức giới thủ gọi là hai thứ, nhưng pháp cùng có, tương ưng với giới thủ cũng được gọi là hai thứ. Nếu nói nghi, nên biết là đã nói về bốn thứ đoạn.

Lại nữa, kiết do kiến đạo đoạn hoặc là nhất thiết biến (biến hành) của cảnh giới mình, hoặc là nhất thiết biến của cảnh giới người khác. Nếu nói thân kiến, nên biết là đã nói về nhất thiết biến của cảnh giới mình. Nếu nói giới thủ, nghi, nên biết là đã nói về nhất thiết biến của cảnh giới người khác.

Hỏi: Vì sao nhất thiết biến của cảnh giới mình nói một kiết, còn nhất thiết biến của cảnh giới người khác lại nói hai kiết?

Đáp: Do cảnh giới của người khác duyên nơi hữu lậu, cũng duyên nơi vô lậu. Nếu nói giới thủ, nên biết là đã nói về sử duyên nơi hữu lậu. Nếu nói nghi, nên biết là đã nói về sử duyên nơi vô lậu.

Như nhất thiết biến của cảnh giới mình – nhất thiết biến của cảnh giới người khác, thì nhất thiết biến của địa mình – nhất thiết biến của địa người khác, duyên nơi cảnh giới mình – duyên nơi cảnh giới người khác, duyên nơi địa mình – duyên nơi địa người khác, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, kiết do kiến đạo đoạn hoặc duyên nơi hữu lậu hoặc duyên nơi vô lậu. Nếu nói thân kiến, giới thủ, nên biết là đã nói về sử duyên nơi hữu lậu. Nếu nói nghi, nên biết là đã nói về sử duyên nơi vô lậu.

Hỏi: Vì sao nói hai thứ duyên nơi hữu lậu, chỉ nói một thứ duyên nơi vô lậu?

Đáp: Duyên nơi hữu lậu: Hoặc duyên nơi giới mình, hoặc duyên nơi giới người khác. Nếu nói thân kiến, nên biết là đã nói duyên nơi giới mình. Nếu nói giới thủ, nên biết là đã nói duyên nơi giới người khác. Như duyên nơi hữu lậu, duyên nơi vô lậu, thì duyên nơi thế gian, duyên nơi xuất thế gian, duyên nơi vị, duyên nơi không vị, duyên nơi trụ, duyên nơi xuất, duyên nơi trói buộc, duyên nơi không trói buộc, duyên nơi kiết, duyên nơi chẳng phải kiết, duyên nơi thọ, duyên nơi chẳng phải thọ, duyên nơi triền, duyên nơi chẳng phải triền, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, kiết do kiến đạo đoạn hoặc duyên nơi hữu vi, hoặc duyên nơi vô vi. Nếu nói thân kiến, giới thủ, nên biết là đã nói duyên nơi hữu vi. Nếu nói nghi, nên biết là đã nói duyên nơi vô vi. Như duyên nơi hữu vi, duyên nơi vô vi, thì duyên nơi hữu thường, duyên nơi vô thường, duyên nơi hữu hằng, duyên nơi vô hằng, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, kiết do kiến đạo đoạn hoặc tánh là kiến, hoặc tánh không phải là kiến. Nếu nói thân kiến, giới thủ, nên biết là đã nói về tánh kiến. Nếu nói nghi, nên biết là đã nói về tánh không phải kiến. Như tánh kiến, tánh không phải kiến, thì nhìn, không nhìn, chuyển hành, không chuyển hành, cầu, không cầu, chuyển đổi tâm, không chuyển đổi tâm, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, kiết do kiến đạo đoạn hoặc là bất thiện, hoặc là vô ký. Nếu nói giới thủ, nghi, nên biết là đã nói về bất thiện. Nếu nói thân kiến, nên biết là đã nói về vô ký. Như bất thiện, vô ký, thì có báo, không báo, sinh một quả, sinh hai quả, tương ưng với không hổ không thẹn, không tương ưng với không hổ không thẹn, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, kiết do kiến đạo đoạn có hai thứ: Hoặc tánh vui mừng, hoặc tánh lo buồn. Nếu nói thân kiến, nên biết là đã nói về vui mừng. Nếu nói giới thủ, nghi, nên biết là đã nói về lo buồn.

Lại nữa, ba kiết này hủy hoại ba thứ thân: Thân kiến hủy hoại thân giới, giới thủ hủy hoại thân định, nghi hủy hoại thân tuệ.

Lại nữa, ba kiến này có thể làm hư hoại tám Thánh đạo. Thân kiến làm hư hoại chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Giới thủ làm hư hoại chánh niệm, chánh định. Nghi làm hư hoại chánh kiến, chánh giác (chánh tư duy), chánh phương tiện (chánh tinh tấn).

Lại nữa, vì muốn cho người nghi có được quyết định. Người đời phần nhiều chấp trước sâu nặng về ngã, ngã sở, vướng mắc sâu về an lành, không an lành, ôm giữ sâu về do dự. Đức Phật nói: Nếu chúng sinh hành pháp như thế, thì không gọi là Tu-đà-hoàn. Nếu chúng sinh không hành pháp như thế, thì gọi là Tu-đà-hoàn.

Hỏi: Vì đắc đạo đầu tiên nên gọi là Tu-đà-hoàn hay vì đắc quả đầu tiên nên gọi là Tu-đà-hoàn? Nếu người đắc đạo đầu tiên được gọi là Tu-đà-hoàn, thì người thứ tám nên là Tu-đà-hoàn. Người thứ tám gọi là kiên tín, kiên pháp. Vì sao? Vì đấy là người đắc đạo đầu tiên. Nếu đắc quả đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, nếu lìa nhiều phần dục, hoặc lìa dục của cõi dục, lúc được đạo tỷ trí của chánh quyết định, nên là Tu-đà-hoàn. Vì sao? Vì đắc quả đầu tiên.

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Vì đắc đạo đầu tiên nên gọi là Tuđà-hoàn.

Hỏi: Nếu như vậy thì người thứ tám nên là Tu-đà-hoàn. Vì sao? Vì đắc đạo đầu tiên.

Đáp: Vì đắc đạo đầu tiên nên gọi là Tu-đà-hoàn, nhưng người kia được đạo tất duyên nơi đạo, là Tu-đà-hoàn. Người thứ tám tuy đầu tiên được đạo, nhưng duyên nơi khổ nên không gọi là Tu-đà-hoàn.

Lại nữa, đắc đạo đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, đạo ấy chính là đạo thuộc về quả của đạo tỷ trí, là Tu-đà-hoàn.

Lại nữa, đắc đạo đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, đạo ấy chủ yếu có ba sự việc: (1) Được đạo chưa từng được. (2) Bỏ đạo đã từng được. (3) Đồng một vị đoạn trừ kiết.

Được đạo chưa từng được: Là tu đạo.

Bỏ đạo đã từng được: Là kiến đạo.

Đồng một vị đoạn trừ kiết: Là kiết do kiến đạo đoạn đều đồng một vị chứng đắc.

Lại nữa, đắc đạo đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, đạo ấy chủ yếu có năm sự việc: (1) Được đạo chưa từng được. (2) Bỏ đạo đã từng được. (3) Đồng một vị chứng đắc là đoạn kiết. (4) Tức thì được tám trí. (5) Tu đầy đủ mười sáu hành.

Lại nữa, đắc đạo đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, lúc trụ nơi đạo ấy, kiết do kiến đạo đoạn vĩnh viễn dứt sạch rốt ráo, vĩnh viễn đoạn trừ duyên nơi kiết điên đảo, vĩnh viễn đoạn trừ kiết do nhẫn đối trị, vĩnh viễn dứt bỏ tà kiến.

Lại nữa, đắc đạo đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, lúc trụ nơi đạo ấy, người kia có thể cùng bàn bạc, nêu bày, có thể thiết lập có tướng.

Lại nữa, đắc đạo đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, lúc trụ nơi đạo ấy, chấp nhận có sinh tử.

Lại có thuyết nói: Đắc quả đầu tiên nên gọi là Tu-đà-hoàn.

Hỏi: Nếu như thế thì đoạn trừ nhiều phần dục, dứt hết kiết cõi dục, lúc đạo tỷ trí đạt được chánh quyết định, nên là Tu-đà-hoàn. Vì sao? Vì là đắc quả đầu tiên.

Đáp: Đắc quả đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, chính yếu là thuận theo thứ lớp nơi sự trói buộc đủ, không phải là người siêu vượt.

Lại nữa, đắc quả đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, là đầu tiên được giải thoát, là đầu tiên được độ, là người được quả đầu tiên.

Lại nữa, đắc quả đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, chính yếu không do đạo thế tục để đoạn một loại kiết mà được quả.

Lại nữa, đắc quả đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, là quả đầu tiên của bốn quả Sa-môn.

Lại nữa, đắc quả đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, chính yếu là quả đầu tiên trong bốn hướng bốn quả.

Lại nữa, đắc quả đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, là quả đầu tiên trong số người đạt bốn hướng bốn quả.

Lại nữa, đắc quả đầu tiên gọi là Tu-đà-hoàn, lúc trụ nơi đạo ấy cũng không hoại địa, cũng không hoại đạo. Quả Tư-đà-hàm tuy không hoại địa nhưng là hoại đạo. Vì sao? Vì đạo hữu lậu, vô lậu đều cùng có thể đạt được. Quả A-na-hàm cũng hoại địa, cũng hoại đạo. Hoại địa là dựa nơi sáu địa mà được. Hoại đạo là đạo hữu lậu, vô lậu đều cùng có thể đạt được. Quả A-la-hán tuy không hoại đạo nhưng hoại địa. Vì sao? Vì dựa nơi chín địa để đạt được. Quả Tu-đà-hoàn địa cũng không hoại, đạo cũng không hoại. Không hoại địa là dựa nơi địa vị chí nên được. Không hoại đạo là chỉ do đạo vô lậu nên được, không do đạo hữu lậu.

Lại có thuyết cho: Không do đắc đạo đầu tiên nên gọi là Tu-đàhoàn. Cũng không do đắc quả đầu tiên nên gọi là Tu-đà-hoàn. Nhưng là do quả Tu-đà-hoàn, nên người kia được gọi là Tu-đà-hoàn. Là nhân nơi pháp đặt tên, cũng như nước thuốc, lấy thuốc đặt tên. Bình tô, bình dầu cũng lại như thế.

Hỏi: Vì sao gọi là Tu-đà-hoàn?

Đáp: Tu-đà gọi là dòng Thánh đạo, Hoàn gọi là nhập, vì nhập nơi Thánh đạo nên gọi là Tu-đà-hoàn.

Hỏi: Nếu như vậy thì Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán cũng gọi là Tu-đà-hoàn. Vì sao? Vì cũng nhập nơi dòng Thánh đạo.

Đáp: Vì đây là đầu tiên thọ nhận danh, vì đầu tiên được đạo. Tên của các quả còn lại đều tự có nghĩa riêng.

Không bị đọa vào nẻo ác: Nghĩa là không đọa vào ba nẻo ác.

Hỏi: Như Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, cũng không đọa vào nẻo ác, vì sao chỉ nói riêng Tu-đà-hoàn là không đọa vào nẻo ác?

Đáp: Cũng nên nói nhưng không nói, phải biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, quả Sa-môn đều tự có nghĩa. Như Tu-đà-hoàn không bị đọa vào nẻo ác là vượt hơn, nên nói không bị đọa vào nẻo ác. Tư-đà-hàm một lần trở lại nơi nẻo người trời là vượt hơn, nên gọi là Nhất lai. A-na-hàm không trở lại cõi dục là vượt hơn, nên gọi là Bất hoàn. A-la-hán không còn thọ nhận hữu nữa là vượt hơn, nên gọi là không còn thọ nhận hữu. Do quả Sa-môn đều tự có nghĩa, nên theo nghĩa đặt tên.

Hỏi: Hàng phàm phu cũng có người không bị đọa vào nẻo ác, vì sao không nói?

Đáp: Nên nói nhưng không nói, phải biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, người phàm phu hoặc có người bị đọa vào nẻo ác, hoặc có người không bị đọa nẻo ác, do đó nên không nói. Còn Thánh nhân thì quyết định không bị đọa vào nẻo ác, nên nói.

Quyết định: Là trụ nơi tụ chánh quyết định, nên gọi là quyết định. Nghĩa Tu-đà-hoàn nên nói là quyết định Bát Niết-bàn. Vì sao? Vì có nhân duyên của Bát Niết-bàn. Ví như từ trên lầu ba tầng, ném cái chén xuống đất, trong khoảng chưa rơi tới đất, nên nói chén tất bị vỡ. Nghĩa quyết định Bát Niết-bàn của Tu-đà-hoàn kia cũng như thế.

Nhập đạo cứu cánh: Tận trí, vô sinh trí gọi là đạo. Người ấy đã có mong muốn như thế, tâm trông đợi như thế, khả năng như thế, ưa thích như thế, ý gần chuyển gần với đạo kia, nên nói là nhập đạo cứu cánh.

Chỉ thọ nhận bảy hữu: (Câu này là giải thích phần ở trước)

Hỏi: Nên thọ nhận mười bốn hữu, hoặc hai mươi tám hữu. Nếu lấy bản hữu mà nói, thì trong nẻo người có bảy, trong nẻo trời có bảy, nên có mười bốn. Nếu theo bản hữu, trung hữu mà nói, thì trong nẻo trời bản hữu có bảy, trung hữu có bảy, trong nẻo người bản hữu có bảy, trung hữu có bảy, nên có hai mươi tám hữu. Vì sao chỉ có bảy hữu?

Đáp: Đây là pháp bảy số, không quá nơi bảy. Trong nẻo người cũng bảy, trên nẻo trời cũng bảy, bản hữu cũng bảy, trung hữu cũng bảy.

Kinh khác cũng nói “Ba lần nói, bốn Đế”, có mười hai hành. Một Đế có mười hai hành, bốn Đế nên có bốn mươi tám hành. Ba lần nói khổ đế có mười hai hành, cho đến ba lần nói đạo đế có mười hai hành, nên có bốn mươi tám hành. Vì sao chỉ nói có mười hai hành? Đáp: Đây là pháp mười hai số, không lìa ba lần chuyển, mười hai hành.

Kinh khác cũng nói: Tỳ-kheo có bảy xứ thiện, ba thứ nghĩa quán, nên mau chóng đối với Thánh pháp, có thể dứt hết hữu lậu. Tỳkheo kia không nên chỉ có bảy, nên có ba mươi lăm xứ thiện, hoặc vô lượng xứ thiện. Vì sao chỉ nói có bảy xứ thiện? Đáp: Đây là pháp bảy số, không lìa nơi bảy quán.

Một sắc ấm có bảy thứ, cho đến thức ấm cũng có bảy thứ. Kinh khác cũng nói: Tỳ-kheo! Ta nay sẽ nói hai pháp. Thế nào là hai pháp? Là mắt – sắc cho đến ý – pháp, đó gọi là hai pháp. Pháp này chẳng phải là một, hai, nên là sáu, hai. Song là pháp hai số, nên không lìa hai. Pháp bảy số này không lìa nơi bảy cũng lại như thế. Nói rộng như trên.

Hỏi: Vì sao Tu-đà-hoàn chỉ thọ nhận bảy hữu, không thêm, không bớt?

Đáp: Tôn giả Ba-xa (Hiếp Tôn giả) nói: Nếu thêm, nếu bớt, người thọ nhận hữu đều cũng sinh nghi. Tức chỉ nhận bảy hữu, không trái với pháp tướng.

Lại nữa, có từng ấy nhân báo, trở lại thọ nhận từng ấy quả báo.

Lại nữa, do sức của nghiệp nên chỉ thọ nhận bảy hữu. Do sức của đạo, nên không nhận lãnh hữu thứ tám. Như người đi bảy bước thì bị rắn cắn. Vì sức của bốn đại, nên có thể đi bảy bước. Vì sức của nộc độc rắn, nên không bước đến bước thứ tám.

Lại nữa, nếu thọ nhận hữu thứ tám thì trong thân người kia nên là không, không có Thánh đạo. Nếu là không, không có Thánh đạo, thì trước là kiến đế, nay không phải là kiến đế. Trước là được chánh quyết định, nay không được chánh quyết định. Trước là Thánh nhân, nay không phải là Thánh nhân.

Lại nữa, nếu thọ nhận hữu thứ tám, thì đối với Hằng hà sa số chư Phật trong quá khứ, tức là người ngoài, không phải thân thuộc bên trong. Cũng như người thế gian, tướng bảy đời là đối với người có thân thuộc, nếu đến đời thứ tám tức là người ngoài. Hữu kia cũng như thế.

Lại nữa, lúc trụ nơi nhẫn tăng thượng, trừ bảy phần sinh nơi cõi dục, phần sinh của mỗi mỗi xứ nơi cõi sắc, vô sắc, tất cả phần sinh khác đều được phi số diệt. Nếu pháp được phi số diệt thì không còn khởi hiện ở trước.

Lại nữa, vì chỉ có bảy xứ sinh, nên chỉ thọ nhận bảy hữu. Bảy xứ sinh là nẻo người và sáu cảnh trời thuộc cõi dục, là xứ sinh của Tu-đà-hoàn sinh trong đó.

Lại nữa, Tu-đà-hoàn kia ở trong bảy hữu đã tu đầy đủ bảy thứ đạo vĩnh viễn đoạn trừ bảy sử. Do sự việc như thế nên chỉ thọ nhận bảy hữu không tăng, không giảm.

Như vậy, các người Tu-đà-hoàn thọ nhận đủ bảy hữu là bảy hữu trên nẻo trời, bảy hữu trong nẻo người. Nhưng Tu-đà-hoàn thọ nhận ở hai nẻo đều có sai biệt: Hoặc có trên trời bảy, người sáu. Trời sáu, người năm. Trời năm, người bốn. Trời bốn, người ba. Trời ba, người hai. Trời hai, người một. Hoặc có khi nơi nẻo người bảy, trời sáu, cho đến người hai, trời một, nói cũng như thế.

Trong đây chỉ nói người nhận đủ bảy hữu, nên nói Tu-đà-hoàn thọ nhận bảy hữu.

Hỏi: Tu-đà-hoàn thọ nhận đủ bảy hữu, là ở trên nẻo trời hay là ở trong nẻo người thọ nhận hữu thứ bảy?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Ở trong đời này được quả Tu-đàhoàn, tức tính đời này là bảy.

Hoặc có thuyết cho: Không ở nơi số bảy. Nếu theo như số, thì ở đây nói trong nẻo người đắc đạo, đầy đủ bảy trên nẻo trời, nơi nẻo trời kia Bát Niết-bàn. Nếu đắc quả ở trên nẻo trời, thì đủ bảy trong nẻo người, liền Bát Niết-bàn. Nếu không theo số, thì đắc quả trong nẻo người, trở lại đầy đủ bảy hữu trong nẻo người, liền Bát Niết-bàn. Nơi nẻo trời đắc quả, trở lại đầy đủ bảy hữu ở trong nẻo trời, liền Bát Niết-bàn.

Lời bình: Không nên tính đời đắc đạo đầu tiên trong bảy hữu. Vì sao? Vì trong đời kia có khi là phàm phu, không phải là Thánh nhân. Nếu tính thì chỉ có hai mươi bảy hữu, không phải là hai mươi tám hữu. Nếu chỉ hai mươi bảy hữu thì trái với Luận Thi Thiết, như nói: Tu-đà-hoàn trải qua hai mươi tám lần sinh, tất đã dứt hết biên vực khổ. Vì muốn khiến không có lỗi như thế, nên không nói đời đắc đạo đầu tiên trong bảy hữu.

Hỏi: Tu-đà-hoàn thọ nhận bảy hữu ở trong sáu đời trước, có khởi Thánh đạo hiện tiền chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không khởi. Vì nếu như khởi, tức nên Bát Niết-bàn.

Hoặc có thuyết cho: Có khởi Thánh đạo hiện tiền.

Hỏi: Nếu như vậy thì vì sao không Bát Niết-bàn?

Đáp: Do sức của nghiệp nên không Bát Niết-bàn.

Hỏi: Nếu khi đủ hữu thứ bảy, đời không có Đức Phật, thì nơi tại gia chứng đắc A-la-hán chăng?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Không được. Tuy không có pháp Phật, nhưng ở trong pháp khác cần phải xuất gia, thọ nhận pháp phục, sau đấy mới chứng đắc.

Hoặc có thuyết cho: Tại gia cũng đạt được. Nhưng khi đã được A-la-hán rồi, không trụ nơi nhà, phải ở nơi pháp khác xuất gia, thọ nhận pháp phục. Như thế, so sánh có năm trăm Phật-bích-chi trụ trong núi Tiên nhân, vốn là Thanh văn.

Trên nẻo trời, trong nẻo người: Trời đến trong nẻo người, người đến trong nẻo trời. Cũng như người đời từ rừng đến trong vườn, từ vườn đến trong rừng. Vị kia cũng như thế.

Sinh: Sinh trong trung hữu bản hữu.

Được dứt hết biên vực khổ:

Hỏi: Biên vực khổ là ở trong khổ hay là ở ngoài khổ? Nếu ở trong khổ, thì không nên nói là biên vực khổ. Nếu ở ngoài khổ, thì thí dụ hiện có của thế gian làm sao thông? Cũng như thẻ vàng, đầu cũng là vàng, giữa cũng là vàng, sau cũng là vàng. Khổ cũng như thế. Đầu cũng là khổ, giữa cũng là khổ, sau cũng là khổ. Vậy cái gì là biên vực của khổ?

Đáp: Hoặc có thuyết nói: Ấm sau cùng của A-la-hán là biên vực khổ.

Hoặc có thuyết cho: Niết-bàn diệt tận là biên vực khổ.

Nếu tạo ra thuyết này: Ấm sau cùng của A-la-hán là biên vực khổ, thì không nên nói là biên vực khổ. Vì sao? Vì Thể đều là khổ. Đáp: Do sự việc này, nên nói là biên vực khổ. Vì sao? Vì không còn sinh khổ nữa. Lại không cùng với khổ nối tiếp. Lại không gây tạo nhân của khổ. Thế nên gọi là biên vực khổ.

Nếu tạo ra thuyết này: Niết-bàn diệt tận là biên vực khổ, thì hiện dụ thẻ vàng của thế gian làm sao thông? Đáp: Dụ ấy chẳng cần phải thông. Vì sao? Vì dụ ấy chẳng phải là Tu-đa-la, Tỳ-ni, A-tỳ-đàm, tức không thể dùng hiện dụ của thế gian để vấn nạn pháp của Hiền Thánh. Vì sao? Vì pháp của Hiền Thánh khác, pháp thế gian khác.

* Ba căn bất thiện: (1) Căn bất thiện tham. (2) Căn bất thiện giận. (3) Căn bất thiện si.

Hỏi: Thể tánh của ba căn bất thiện là gì?

Đáp: Có mười lăm thứ. Căn bất thiện tham thuộc năm hành nơi cõi dục đoạn trừ ái, chung cho sáu thức thân. Căn bất thiện giận thuộc năm hành đoạn trừ sân, chung cho sáu thức thân. Căn bất thiện si thuộc bốn hành nơi cõi dục đoạn trừ vô minh. Bốn thứ hành là: Tập, diệt, đạo, tu đạo. Chủng loại do khổ đế đoạn nên phân biệt: Khổ đế đoạn vô minh có mười thứ là: Ái, giận, mạn, nghi cùng với năm kiến tương ưng và pháp không chung. Tám là căn bất thiện, hai không phải là căn bất thiện, nghĩa là tương ưng với thân kiến, biên kiến của cõi dục. (Đoạn này, đối chiếu với bản của Pháp sư Huyền Tráng dịch N0 1545, quyển 47 thì ở đây dịch hoàn toàn sai lạc).

Hỏi: Nhân là nghĩa của căn. Thân kiến, biên kiến tương ưng với vô minh, là nhân của tất cả pháp bất thiện, vì sao không gọi là căn?

Đáp: Nếu thể của pháp là bất thiện, vì tất cả pháp bất thiện làm nhân, thì lập căn. Thân kiến, biên kiến tương ưng với vô minh, tuy làm nhân cho tất cả pháp bất thiện, nhưng thể của chúng không phải là bất thiện mà là vô ký.

Thế nên, căn bất thiện si hoàn toàn là bốn thứ của cõi dục. Nghĩa là tập, diệt, đạo, tu đạo đoạn trừ, cùng khổ đế đoạn trừ tám thứ, chung cho vô minh của sáu thức thân. Mười lăm thứ này là thể của ba căn bất thiện, cho đến nói rộng.

Đã nói thể tánh của ba căn bất thiện. Về lý do nay sẽ nói.

Hỏi: Vì lý do gì gọi là căn bất thiện? Căn bất thiện là nghĩa gì?

Đáp: Nghĩa sinh, nghĩa nuôi dưỡng, nghĩa tăng trưởng, là nghĩa của căn bất thiện. Nghĩa sung túc, nghĩa tạo lợi ích, nghĩa thấm nhuần, tràn đầy, nghĩa rót chảy bất thiện, là nghĩa của căn bất thiện.

Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Thế nào là nghĩa của căn bất thiện? Đáp: Nghĩa của nhân bất thiện là nghĩa của căn bất thiện.

Lại nữa, nghĩa chủng tử bất thiện là nghĩa của căn bất thiện.

Lại nữa, nghĩa phát khởi bất thiện là nghĩa của căn bất thiện.

Lại nữa, nghĩa đã sinh bất thiện, hỗ trợ sự sinh bất thiện, tăng ích bất thiện, là nghĩa của căn bất thiện.

Tôn giả Phù-đà-đề-bà nói: Nghĩa cội gốc bất thiện có thể sinh bất thiện, hỗ trợ sự sinh bất thiện, tăng ích bất thiện, là nghĩa của căn bất thiện.

Hỏi: Nếu nghĩa của nhân là nghĩa của căn bất thiện, thì năm ấm bất thiện của đời trước cùng với năm ấm bất thiện của đời sau làm nhân. Mười nghiệp bất thiện của đời trước cùng với mười nghiệp bất thiện của đời sau làm nhân. Ba mươi bốn sử bất thiện của đời trước cùng với ba mươi bốn sử bất thiện của đời sau làm nhân. Pháp bất thiện như thế v.v… đều nên là căn bất thiện. Ba thứ này có tướng khác biệt gì để lập căn bất thiện?

Đáp: Tôn giả Hòa-tu-mật nói: Đây là sự thuyết giảng chưa trọn vẹn của Đức Như Lai, chỉ nói tóm lược, nói điều chủ yếu, vì người thọ nhận Phật hóa độ, nên nói như thế.

Tôn giả Ba-xa cho: Đức Phật quyết định nhận biết pháp căn, cũng nhận biết về thế dụng, người khác thì không nhận biết. Nếu pháp có tướng của căn bất thiện thì lập căn bất thiện, không có thì không lập.

Tôn giả Cù-sa nêu: Đức Phật biết ba pháp này đối với pháp bất thiện đều làm nhân, vì chúng nhanh chóng riêng nặng, gần gũi, thế nên ba pháp này lập làm căn bất thiện. Các pháp bất thiện khác không có ba tướng ấy nên không lập làm căn.

Lại nữa, ba căn bất thiện này đối với tất cả pháp bất thiện là đứng đầu. Cũng như vị tướng dũng mãnh luôn đi trước các quân sĩ. Do lực dụng của ba thứ kia, nên pháp bất thiện khác sinh khởi.

Lại nữa, trong tất cả pháp bất thiện pháp nào là hơn hết? Vì ba pháp này, trong tất cả pháp bất thiện, về danh cũng vượt hơn, về nghĩa cũng vượt hơn. Thế nên lập làm căn.

Lại nữa, căn bất thiện tham là pháp đối oán gần của căn thiện không tham. Căn bất thiện giận, căn bất thiện si là pháp đối oán gần của căn thiện không giận, không si.

Lại nữa, vì ba pháp này là oán địch của công đức. Công đức nghĩa là ba căn thiện.

Lại nữa, vì ba căn bất thiện này đối với tất cả pháp bất thiện làm nhân, làm cội rễ, làm chủ, làm gốc tạo tác, làm sức mạnh, làm duyên, làm tăng ích, làm tập hợp, làm xứ khởi. Làm nhân: Cũng như chủng tử. Làm cội rễ: Là khiến được bền chắc. Các pháp còn lại: Tùy theo tướng mà nói.

Lại nữa, ba căn bất thiện này có thể giữ lấy pháp bất thiện, có thể khiến đi đến, có thể sinh, có thể nuôi nấng, có thể tăng trưởng.

Lại nữa, do ba căn bất thiện này, khi lìa dục của cõi dục, đã tạo nhiều khó khăn, tạo nhiều chướng ngại, như người giữ cổng không cho ai vào.

Lại nữa, do ba căn bất thiện này thuộc năm thứ đoạn, chung nơi sáu thức thân, là tánh của sử, có thể khởi nghiệp thân, khẩu. Lúc đoạn bỏ căn thiện, chúng có phương tiện mạnh, chắc.

Năm thứ đoạn: Là kiến khổ đoạn cho đến tu đạo đoạn.

Chung nơi sáu thức thân: Là cùng với nhãn thức tương ưng, cho đến tương ưng với ý thức.

Tánh của sử: Tham là sử dục ái, giận là sử giận dữ, si là sử vô minh.

Có thể khởi nghiệp thân khẩu: Là tham khởi từ tham sinh nghiệp thân, khẩu. Giận khởi từ giận sinh nghiệp thân, khẩu. Si khởi từ si sinh nghiệp thân, khẩu.

Lúc đoạn bỏ căn thiện, chúng có phương tiện mạnh, chắc: Như Luận Thi Thiết nói: Lúc đoạn dứt căn thiện thì làm sao đoạn? Lấy sự việc gì để đoạn? Đáp: Cũng như có một người nghiêng nặng về tham dục, nghiêng nặng về giận dữ, nghiêng nặng về ngu si, có thể đoạn dứt căn thiện.

Sở dĩ nói năm thứ đoạn là muốn trừ năm kiến và nghi. Sở dĩ nói chung nơi sáu thứ thức thân là muốn trừ mạn. Sở dĩ nói là tánh của sử, vì muốn trừ các triền.

Hỏi: Như tà kiến có thể đoạn trừ căn thiện, vì sao không lập làm căn bất thiện?

Đáp: Lúc căn bất thiện đoạn dứt căn thiện, khi tạo phương tiện thì thế mạnh vượt hơn, khi sự việc thành thì cũng vượt hơn. Tất cả pháp thiện, bất thiện, lúc tạo phương tiện thì thế dụng khó, khi sự việc thành thì thế dụng dễ.

Từng nghe Bồ-tát thấy rõ các thứ khổ sinh, lão, bệnh, tử của thế gian, nên đầu tiên phát tâm cầu đạt đạo vô thượng không thoái chuyển. Từ đấy về sau, nơi ba A-tăng-kỳ kiếp, tâm này không dừng, không thoái, không ai có thể gây tạo cản trở chướng ngại. Tâm này rất khó, không phải lúc được tận trí, căn thiện của ba cõi tu ở vị lai. Tà kiến lúc thành thì thế dụng hơn, không phải là lúc tạo phương tiện hơn, thế nên không lập làm căn bất thiện.

Lại nữa, khi pháp bất thiện đoạn dứt căn thiện, nếu có thể sinh ra pháp bất thiện, hỗ trợ để sinh pháp bất thiện, thì lập căn bất thiện. Tham, giận, si, có thể sinh ra pháp bất thiện, hỗ trợ để sinh pháp bất thiện. Còn tà kiến tuy hỗ trợ để sinh pháp bất thiện, nhưng không thể sinh ra pháp bất thiện.

Lại có tà kiến có thể đoạn dứt căn thiện là do sức của các căn bất thiện. Các căn bất thiện trước khiến cho căn thiện suy kém, mỏng yếu, khiến căn thiện trở nên bất an, không có uy lực, sau đấy tà kiến mới có thể đoạn dứt căn thiện.

Lại nữa, trước đã nêu rõ: Do năm thứ đoạn nên lập làm căn bất thiện. Tà kiến không phải do năm thứ đoạn, không chung nơi sáu thức thân, chỉ ở nơi địa ý, tuy là tánh của sử, nhưng không thể khởi nghiệp thân khẩu. Vì sao? Vì tâm ấy do kiến đạo đoạn, không cùng với nghiệp thân khẩu cùng khởi nên không thuộc về các căn bất thiện. Năm ấm bất thiện không có năm sự việc này. Sắc ấm bất thiện không phải do năm thứ đoạn, không chung nơi sáu thức thân, không phải là tánh của sử, không thể khởi nghiệp thân khẩu. Lúc đoạn dứt căn thiện, không có phương tiện mạnh chắc. Thọ ấm, tưởng ấm, thức ấm bất thiện không thuộc về phiền não. Hành ấm tương ưng ở đây tuy do năm hành đoạn, chung nơi sáu thức thân, nhưng không phải là tánh của sử, tuy có thể khởi nghiệp thân khẩu, nhưng khi đoạn dứt căn thiện, nó không có phương tiện mạnh chắc. Hành ấm bất tương ưng tuy do năm thứ đoạn, nhưng không chung nơi sáu thức thân, không phải là tánh của sử, không thể khởi nghiệp thân khẩu. Lúc đoạn dứt căn thiện, cũng không có phương tiện mạnh chắc. Năm kiến và nghi trong phiền não không phải do năm thứ đoạn, không chung nơi sáu thức thân, tuy là tánh của sử, nhưng không thể khởi nghiệp thân khẩu. Vì sao? Vì tâm ấy do kiến đạo đoạn, không cùng với nghiệp thân khẩu dấy khởi. Lúc đoạn dứt căn thiện, cũng không có phương tiện mạnh chắc.

Mạn tuy do năm thứ đoạn, nhưng không chung nơi sáu thức thân, tuy là tánh của sử, có thể khởi nghiệp thân khẩu, nhưng khi đoạn dứt căn thiện cũng không có phương tiện mạnh chắc.

Triền có mười thứ: Triền phẫn, triền phú, triền thùy, triền trạo, triền miên, triền hối, triền tật (ganh ghét), triền xan (keo kiệt), triền không hổ, triền không thẹn.

Thùy, trạo, không hổ, không thẹn, bốn triền này tuy do năm thứ đoạn, nhưng không phải là tánh của sử, tuy có thể dấy khởi nghiệp thân khẩu, nhưng lúc đoạn dứt căn thiện, chúng không có phương tiện mạnh chắc.

Miên tuy do năm thứ đoạn, nhưng không chung nơi sáu thức thân, không phải là tánh của sử, không thể dấy khởi nghiệp thân khẩu. Lúc đoạn dứt căn thiện, cũng không có phương tiện mạnh chắc.

Các triền còn lại không phải do năm thứ đoạn, không chung nơi sáu thức thân, không phải là tánh của sử, hoặc có khi dấy khởi nghiệp thân khẩu, nhưng lúc đoạn dứt căn thiện, chúng không có phương tiện mạnh chắc.

Hận, ngận (não), siểm (nịnh), cuống (dối), kiêu, hại: Sáu triền này là cấu của sử, dựa vào sử sinh khởi, không phải là sử căn bản, không có năm sự việc trên, nên không lập làm căn bất thiện.

Lại nữa, ba căn bất thiện này nói là gốc của nghiệp, là tập khởi của nghiệp. Như nói: Ca-lam-ma nên biết! Tham là gốc nghiệp của chúng sinh, là tập nghiệp của chúng sinh. Giận, si cũng là gốc nghiệp của chúng sinh, là tập nghiệp của chúng sinh.

Lại nữa, ba căn bất thiện này dứt hết thì nghiệp cũng hết. Như nói: Tham hết, nghiệp cũng hết. Giận, si hết thì nghiệp cũng hết.

Lại nữa, ba căn bất thiện này lần lượt cùng sinh, lần lượt cùng hỗ trợ để sinh. Như nói: Từ tham sinh giận, từ giận sinh tham. Ở trong hai thứ này cũng sinh vô minh.

Lại nữa, ba căn bất thiện này có thể khiến sinh ba thọ. Như nói: Tham khiến sinh thọ lạc, giận khiến sinh thọ khổ, si khiến sinh thọ không khổ không lạc.

Hỏi: Như ba sử ấy đều khiến ba thọ, vì sao lại nói như trên?

Đáp: Vì theo phần nhiều. Nhiều tham khiến sinh thọ lạc. Nhiều giận khiến sinh thọ khổ. Nhiều si khiến sinh thọ không khổ không lạc.

Lại nữa, tham từ thọ lạc sinh, dùng thọ lạc làm căn bản, tạo nhiều nghiệp ác, nên sinh nhiều khổ. Giận từ thọ khổ sinh, dùng thọ khổ làm căn bản, tạo nhiều nghiệp ác, nên sinh nhiều khổ. Si từ thọ không khổ không lạc sinh, dùng thọ không khổ không lạc làm căn bản, tạo nhiều nghiệp ác, nên sinh nhiều khổ.

Lại nữa, ba căn bất thiện này nói là yêu, ghét. Do yêu, ghét, nên chúng sinh dấy khởi nhiều tranh tụng. Trời, A-tu-la thường xuyên đánh nhau, giết hại nhiều chúng sinh. Yêu là tham, ghét là giận.

Hỏi: Vì sao ở đây không nói si?

Đáp: Là đã nói ở trong hai thứ này. Nếu như chúng sinh là người có trí, thì cho đến cảnh giới của Trời dục hiện ra trước, cũng không cùng tranh chấp, huống chi là các thứ dục ác của nhân gian.

Lại nữa, dùng hai thứ này để hiện bày tóm lược về môn đầu mới nhập. Các phiền não đều từ ba phần sinh: Hoặc từ phần ái sinh. Hoặc từ phần giận sinh. Hoặc từ phần si sinh.

Kinh Phật nói: Bà-la-môn nên biết! Nếu người dùng hai mươi mốt phiền não xúc não nơi tâm, thì tuy tu hành tâm tịnh, sinh tưởng tịnh, cũng bị đọa vào nẻo ác.

Từng nghe Tôn giả Đàm-ma-hý-la nói: Tất cả phiền não được lập làm ba phần: Là phần tham, giận, si. Đây là phần tham. Đây là phần giận. Đây là phần si. Nếu nói tham, nên biết là đã nói phần tham. Nếu nói giận, nên biết là đã nói phần giận. Nếu nói si, nên biết là đã nói phần si. Như phần ái, giận, si, thì phần thân, phần oán, phần không thân, phần không oán, phần có ân, phần không ân, phần có vừa ý, phần không vừa ý, phần không vừa ý không phải không vừa ý, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, do ba căn bất thiện khởi mười nghiệp ác, nên bị đọa nơi mười xứ ác.

Hỏi: Thế nào là ba căn bất thiện khởi mười nghiệp ác?

Đáp: Kinh Phật nói: Sát sinh có ba thứ: Hoặc từ tham sinh. Hoặc từ giận sinh. Hoặc từ si sinh. Cho đến tà kiến cũng lại như thế.

Luận Thi Thiết cũng nói: Ba căn bất thiện là căn nhân của mười nghiệp ác, nói rộng như trên.

Thế nào là mười nghiệp ác sinh nơi mười xứ ác? Kinh Phật nói: Tạo tác rộng khắp nghiệp sát sinh tức sinh nơi địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Cho đến tà kiến cũng như thế.

Luận Thi Thiết cũng nói như thế này: Tạo tác rộng khắp nghiệp sát sinh tăng thượng, tức sinh vào địa ngục A-tỳ. Tội nhẹ hơn sinh nơi địa ngục Đại nhiệt. Tội nhẹ hơn sinh nơi địa ngục Nhiệt. Tội nhẹ hơn sinh nơi địa ngục Đại Khiếu hoán. Tội nhẹ hơn sinh nơi địa ngục Khiếu hoán. Tội nhẹ hơn sinh nơi địa ngục Chúng hợp. Tội nhẹ hơn sinh nơi địa ngục Hắc thằng. Tội nhẹ hơn sinh nơi địa ngục Hoạt. Chuyển nhẹ hơn sinh vào loài súc sinh. Chuyển nhẹ hơn sinh trong loài ngạ quỷ. Cho đến tà kiến nói cũng như thế. Đó gọi là hành mười nghiệp ác sinh nơi mười xứ ác.

Lại nữa, ba căn bất thiện nói là cấu uế bên trong. Như nói tham là cấu uế bên trong. Giận là cấu uế bên trong. Si là cấu uế bên trong.

Như cấu uế bên trong, thì oán bên trong, hiềm nghi bên trong, nên biết cũng như thế.

Lại nữa, ba căn bất thiện này cũng gọi là tăng, cũng gọi là giảm. Như nói: Thế nào là tham tăng? Thế nào là giận tăng? Thế nào là si tăng? Thế nào là tham giảm? Thế nào là giận giảm? Thế nào là si giảm?

Lại nữa, ba căn bất thiện này có thể làm kẻ thoái chuyển, tạo ra nhân nặng, duyên nặng. Như nói: Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, tự nhận biết tâm dục hừng cháy, tâm giận bùng phát, tâm si dày đặc, không thể tự điều phục, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni nên biết là mình đối với pháp thiện đã là suy thoái.

Lại nữa, ba căn bất thiện này nói là phiền não chướng. Như nói: Thế nào là phiền não chướng? Đáp: Cũng như có một người riêng nặng về tham, về giận, về si. Đây gọi là phiền não chướng.

Lại nữa, ba căn bất thiện này gọi là bụi cấu. Như nói: Là bụi cấu tham, bụi cấu giận, bụi cấu si. Như bụi cấu uế, thì các thứ mũi tên, lửa, dao nhọn, chất độc, bệnh, nên biết cũng như thế.

Hỏi: Ba căn bất thiện này hành như thế nào?

Đáp: Nếu tâm có tham thì tâm này không có giận. Nếu tâm có giận thì tâm này không có tham. Còn si thì đều cùng có. Vì sao? Vì đối tượng hành của chúng đều khác biệt. Hành của tham thì vui mừng. Hành của giận thì lo buồn.

Lại nữa, khi tâm dục dấy khởi mạnh, khiến thân mềm mại, nhuần thấm, tăng thêm. Lúc tâm giận dấy khởi mạnh, khiến thân trở nên thô mạnh, tổn giảm.

Lại nữa, tâm dục khiến thân mềm mại, không hại duyên trước. Tâm giận khiến thân thô mạnh, có thể hại duyên trước.

Hỏi: Thế nào là tâm dục khiến thân mềm mại?

Đáp: Là lúc tâm dục hiện ở trước, tự thân mềm mại.

Hỏi: Thế nào là không hại duyên trước?

Đáp: Nếu đối với người trước kia đã sinh tâm yêu mến, thì ngày đêm quán xét ngắm nhìn không biết chán.

Hỏi: Thế nào là tâm giận khiến thân thô mạnh?

Đáp: Là lúc tâm giận hiện ở trước, khiến thân thô mạnh.

Hỏi: Thế nào là có thể hại duyên trước?

Đáp: Nếu đối với người trước kia đã sinh khởi tâm giận thì cho đến không dùng mắt để nhìn.

Ba căn bất thiện này do năm thứ đoạn, chung nơi sáu thức thân.

Thế nào là năm thứ đoạn? Nếu như do kiến đạo đoạn, không phải do tu đạo đoạn, thì tâm do tu đạo đoạn liền là không có căn. Nếu như do tu đạo đoạn, không phải do kiến đạo đoạn, thì tâm do kiến đạo đoạn tức thành không có căn.

Thế nào là chung nơi sáu thức thân? Nếu ở tại địa ý, không ở nơi năm thức thân, thì tâm của năm thức này tức thành không có căn. Nếu ở tại năm thức thân, không ở nơi địa ý, thì tâm của địa ý này liền thành không có căn. Tất cả tâm bất thiện đều dùng địa ý này làm căn, tâm cùng với dục bất thiện kết hợp.

Có hai thứ căn: Là tham cùng với vô minh tương ưng. Là giận cùng với vô minh tương ưng. Các phiền não khác đều cùng khởi tâm bất thiện, chỉ có một căn là vô minh.

Hỏi: Căn có nhiều tên: Hoặc nói thân kiến là căn. Hoặc nói Đức Thế Tôn là căn. Hoặc nói dục là căn. Hoặc nói không phóng dật là căn. Hoặc nói tự thể là căn. Vậy tên của các căn này có khác biệt gì?

Đáp: Thân kiến là căn: Vì thân kiến này chấp ngã, ngã sở, liền sinh khởi các kiến.

Đức Thế Tôn là căn: Là do căn cứ theo các pháp được Đức Thế Tôn giảng nói. Nghĩa là chỉ có Đức Phật mới có thể giảng nói các pháp môn vi diệu như tạp nhiễm, thanh tịnh, trói buộc, giải thoát, lưu chuyển, hoàn diệt. Các pháp v.v… như thế đều xuất sinh từ Đức Phật, thế nên nói Đức Thế Tôn là căn.

Dục (mong muốn) là căn: Vì có thể tích tập các pháp thiện. Vì sao? Vì nếu có tâm mong muốn, tất có thể tích tập các pháp thiện. Nếu không có tâm mong muốn, thì không có thể tích tập pháp thiện. Thế nên nói dục là căn.

Không phóng dật là căn: Vì có thể giữ gìn pháp thiện. Nếu người phóng dật, tức không thể giữ gìn pháp thiện. Thế nên nói không phóng dật là căn.

Tự thể là căn: Do tự thể không bỏ tự tánh, thế nên nói tự thể là căn.

Hỏi: Nếu như vậy thì pháp vô vi cũng là căn theo tự thể. Vì sao? Vì không bỏ tự tánh.

Đáp: Nếu theo nghĩa này, không bỏ tự tánh là căn, pháp vô vi cũng không bỏ tự thể, nên là căn, tức không có lỗi. Lại có người muốn loại bỏ lỗi như thế, nên tạo ra thuyết này: Tự thể là căn, là do nhân tương tợ (nhân đồng loại), là căn theo tự thể, vì có thể sinh ra thứ khác.

Hỏi: Nếu như vậy thì khổ pháp nhẫn và quyến thuộc nên là không có căn. Vì sao? Vì không có nhân tương tợ?

Đáp: Tuy không từ nhân tương tợ sinh, nhưng có thể cùng với thứ khác làm nhân tương tợ. Các pháp vô vi cũng không từ nhân tương tợ sinh, cũng không thể cùng với pháp khác làm nhân tương tợ.

Lời bình: Nên lập ra thuyết này: Do không bỏ tự tánh, nên gọi tự tánh là căn. Thân kiến là căn, cho đến tự thể là căn. Đó gọi là sự khác biệt.

HẾT – QUYỂN 25